Trang

Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2018

Thăm dò mới nhất của Pew về tâm thức Kitô hữu tại Tây Âu, kỳ 2


Thăm dò mới nhất của Pew về tâm thức Kitô hữu tại Tây Âu, kỳ 2
Vũ Văn An
31/May/2018





Đâu là số trung bình?

Đối với nhiều câu hỏi trong suốt bản tường trình này, phần trăm trung bình được cung cấp để giúp độc giả thấy được các mẫu tổng thể. Số trung bình (median) là số ở giữa bảng liệt kê các con số được sắp xếp theo thứ tự tăng dần hoặc giảm dần. Trong một cuộc thăm dò 15 quốc gia, kết quả trung bình là thứ tám trong bảng liệt kê các phát hiện cấp quốc gia được xếp theo thứ tự.

Các Kitô hữu không thực hành đạo tin tưởng rộng rãi vào Thiên Chúa hoặc một quyền năng cao hơn

Hầu hết các Kitô hữu không thực hành đạo ở châu Âu đều tin vào Thiên Chúa. Nhưng khái niệm của họ về Thiên Chúa khác một cách đáng kể so với cách các Kitô hữu đi nhà thờ có xu hướng quan niệm về Thiên Chúa. Trong khi hầu hết các Kitô hữu đi nhà thờ nói rằng họ tin vào Thiên Chúa “như được mô tả trong Thánh Kinh,” các Kitô hữu không thực hành đạo có xu hướng nói rằng họ không tin vào sự mô tả của Thánh Kinh về Thiên Chúa, nhưng họ tin vào một quyền năng hay một sức mạnh thiêng liêng cao hơn nào đó trong vũ trụ.

Thí dụ, ở Tây Ban Nha đa số theo Công Giáo, chỉ có một phần năm Kitô hữu không thực hành đạo (21%) tin vào Thiên Chúa "như được mô tả trong Thánh Kinh", trong khi sáu trong mười người nói: họ tin vào một quyền năng cao hơn hoặc sức mạnh thiêng liêng khác cao hơn.

Các Kitô hữu không thực hành đạo và những người “nones” cũng rất khác nhau về câu hỏi này; hầu hết những người không thống thuộc tôn giáo ở Tây Âu không tin vào Thiên Chúa hay một quyền năng hoặc một sức mạnh thiêng liêng cao hơn dưới mọi hình thức. (Xem bên dưới để biết thêm chi tiết về niềm tin vào Thiên Chúa của những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo).

Các khuôn mẫu tương tự - trong đó các Kitô hữu có xu hướng duy trì niềm tin tâm linh trong khi những người “nones” thì không duy trì – các khuôn mẫu ấy chiếm ưu thế đối với nhiều niềm tin khác, chẳng hạn như khả thể sống sau khi chết và khái niệm cho rằng con người có linh hồn tách biệt với cơ thể vật chất của họ. Đa số các Kitô hữu không thực hành đạo và các Kitô hữu đi nhà thờ tin vào những ý tưởng này. Hầu hết những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo, mặt khác, từ chối niềm tin vào đời sau, và nhiều người không tin họ có linh hồn.

Thật vậy, nhiều người lớn không thống thuộc tôn giáo hoàn toàn xa lánh linh đạo và tôn giáo. Đa số đồng ý với các tuyên bố như “Không có các sức mạnh thiêng liêng nào trong vũ trụ, chỉ có các định luật tự nhiên” và “Khoa học làm cho tôn giáo không cần thiết trong cuộc sống của tôi.” Những chủ trương này được tin theo bởi một phần nhỏ hơn các Kitô hữu thực hành và các Kitô hữu không thực hành đạo, dù ở hầu hết các nước khoảng một phần tư hoặc hơn các Kitô hữu không thực hành đạo nói: khoa học làm cho tôn giáo không cần thiết đối với họ. (Để có một phân tích thống kê chi tiết kết hợp nhiều câu hỏi thành các thang điểm về sự dấn thân tôn giáo và linh đạo, xem Chương 3 và 5.)

Quan điểm về mối tương quan giữa chính phủ và tôn giáo

Nói chung, người Tây Âu không tỏ ra ưu ái đối với những tương quan vướng vít giữa chính phủ của họ và tôn giáo. Thực thế, quan điểm chủ yếu ở tất cả 15 quốc gia được thăm dò là: tôn giáo nên được giữ ở một khoảng cách đối với chính sách của chính phủ (số trung bình là 60%), trái với chủ trương cho rằng các chính sách của chính phủ nên hỗ trợ các giá trị và tín ngưỡng tôn giáo ở nước họ (36%).

Các Kitô hữu không thực hành đạo có khuynh hướng nói rằng nên giữ cho tôn giáo ở bên ngoài chính sách của chính phủ. Tuy nhiên, những nhóm thiểu số đáng kể (số trung bình là 35%) nơi các Kitô hữu không thực hành đạo nghĩ rằng chính phủ nên hỗ trợ các giá trị và niềm tin tôn giáo ở đất nước của họ - và họ có xác suất nhiều hơn người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo trong việc theo đuổi chủ trương này. Thí dụ, ở Vương quốc Thống Nhất (Anh), 40% các Kitô hữu không thực hành đạo nói rằng chính phủ nên hỗ trợ các giá trị và tín ngưỡng tôn giáo, so với 18% người "nones".

Ở mọi quốc gia được thăm dò, các Kitô hữu đi nhà thờ có nhiều xác suất hơn các Kitô hữu không thực hành đạo trong việc ủng hộ việc chính phủ hỗ trợ các giá trị tôn giáo. Ví dụ, ở Áo, đa số (64%) Kitô hữu đi nhà thờ có chủ trương này, so với 38% Kitô hữu không thực hành đạo. 

Cuộc thăm dò cũng đo lường các quan điểm về các định chế tôn giáo, hỏi xem người trả lời có đồng ý với ba tuyên bố tích cực về các giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác không, đó là các giáo hội và các tổ chức này “bảo vệ và củng cố luân lý trong xã hội”, “đem người ta lại với nhau và củng cố các dây nối kết cộng đồng” và “đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người nghèo và người thiếu thốn”. Ba câu hỏi tương tự hỏi xem họ có đồng ý với các đánh giá tiêu cực về các tổ chức tôn giáo – đó là: các giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác "can dự quá đáng vào chính trị", "tập chú quá nhiều vào các quy tắc" và "lo lắng quá đáng tới tiền bạc và quyền lực.”

Một lần nữa, có sự khác biệt rõ rệt về ý kiến đối với các câu hỏi trên giữa những người Tây Âu thuộc các loại căn tính và thực hành tôn giáo. Khắp khu vực, các Kitô hữu không thực hành đạo có xác suất nhiều hơn những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo trong việc nói lên ý kiến tích cực về các định chế tôn giáo. Ví dụ, ở Đức, đa số Kitô hữu không thực hành đạo (62%) đồng ý rằng các giáo hội và các tổ chức tôn giáo khác đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người nghèo và người thiếu thốn, so với non nửa (41%) những người “nones”.

Các Kitô hữu đi nhà thờ có những ý kiến đặc biệt tích cực về vai trò của các tổ chức tôn giáo trong xã hội. Ví dụ, gần ba trong bốn Kitô hữu đi nhà thờ ở Bỉ (73%), Đức (73%) và Ý (74%) đồng ý rằng các giáo hội và các định chế tôn giáo khác đóng một vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ người nghèo và người thiếu thốn. (Để có thêm phân tích về kết quả đối với những câu hỏi này, xem Chương 6.)

Các Kitô hữu cả không thực hành lẫn thực hành đạo đều có xác suất nhiều hơn những người không thống thuộc tôn giáo trong việc có quan điểm tiêu cực về những người nhập cư, người Hồi giáo và người Do thái giáo.

Được thực hiện sau cuộc gia tăng nhập cư vào châu Âu từ các quốc gia đa số theo Hồi giáo, cuộc thăm dò đã hỏi nhiều câu hỏi về căn tính quốc gia, tính đa nguyên tôn giáo và việc nhập cư.

Hầu hết người Tây Âu nói rằng họ sẵn sàng chấp nhận người Hồi giáo và người Do Thái giáo trong khu xóm của họ và trong gia đình của họ, và hầu hết bác bỏ các phát biểu tiêu cực về những nhóm người này. Và, nói chung, nhiều người trả lời hơn nói rằng người nhập cư trung thực và chăm chỉ làm việc hơn là nói ngược lại.

Nhưng một khuôn mẫu rõ ràng đã xuất hiện: Cả các Kitô hữu thực hành lẫn không thực hành đều có xác suất nhiều hơn những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo ở Tây Âu trong việc nói lên quan điểm chống di dân và các nhóm thiểu số.

Thí dụ, ở Vương Quốc Thống Nhất (Anh), 45% Kitô hữu đi nhà thờ nói rằng Hồi giáo, về căn bản, không tương hợp với các giá trị và văn hóa của Anh, hầu như cùng một số như thế các Kitô hữu không thực hành đạo cũng nói thế (47%). Nhưng trong số những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo, ít người hơn (30%) nói rằng trong căn bản, Hồi giáo không tương hợp với các giá trị của đất nước họ. Có một khuôn mẫu tương tự, ở khắp khu vực, về việc liệu có nên hạn chế về trang phục của phụ nữ Hồi giáo hay không, với các Kitô hữu, có nhiều xác suất hơn là với những người "nones", trong việc nói rằng không nên cho phép phụ nữ Hồi giáo mặc bất cứ trang phục tôn giáo nào.

Mặc dù các cuộc tranh luận hiện thời về chủ nghĩa đa văn hóa ở châu Âu thường tập chú vào Hồi giáo và người Hồi giáo, cũng có những cộng đồng Do Thái lâu đời ở nhiều nước Tây Âu. Cuộc thăm dò cho thấy các Kitô hữu ở mọi bình diện tuân giữ tôn giáo có nhiều xác suất hơn những người trưởng thành không thống thuộc tôn giáo trong việc nói rằng họ sẽ không sẵn lòng chấp nhận người Do Thái trong gia đình họ, và nói chung, có nhiều khả thể họ đồng ý với những phát biểu khá tiêu cực về người Do Thái, chẳng hạn như, “Người Do Thái luôn theo đuổi ích riêng của họ, chứ không phải lợi ích của đất nước nơi họ đang sinh sống.” (Để phân tích thêm về những câu hỏi này, xem Chương 1.)

Nói đến di dân, các Kitô hữu, cả thực hành lẫn không thực hành đạo, đều có xu hướng nhiều hơn những người “nones” ở châu Âu nói rằng các di dân từ Trung Đông và châu Phi không lương thiện hay không chăm chỉ làm việc, và họ thích giảm số di dân khỏi mức hiện nay (2). Thí dụ, 35% Kitô hữu đi nhà thờ và 36% Kitô hữu không đi nhà thờ ở Pháp nói rằng nên giảm việc di dân vào xứ sở họ, so với 21% những người “nones” có cùng một chủ trương.

Tuy nhiên, có những trường hợp ngoại lệ đối với khuôn mẫu tổng quát này. Ở một ít nơi, các Kitô hữu đi nhà thờ nào chấp nhận việc nhập cư, thì ít có xác suất nói rằng nên giảm bớt việc này. Ví dụ, ở Phần Lan, chỉ có một phần năm Kitô hữu đi nhà thờ ủng hộ việc giảm nhập cư (19%), so với số lớn những người lớn tuổi không thống thuộc tôn giáo (33%) và các Kitô hữu không thực hành đạo (37%).

Nhưng nhìn chung, các ý kiến chống nhập cư, chống người Hồi giáo và chống người Do thái giáo phổ biến nơi các Kitô hữu, thuộc mọi bình diện thực hành, hơn là nơi những người Tây Âu không thống thuộc tôn giáo. Điều này không có nghĩa: hầu hết các Kitô hữu duy trì các quan điểm này: Ngược lại, theo phần lớn các cách đo lường và ở hầu hết các nước được thăm dò, chỉ có thiểu số Kitô hữu nói lên ý kiến tiêu cực về người nhập cư và nhóm thiểu số tôn giáo.

Ngoài ra còn có các nhân tố khác ngoài căn tính tôn giáo được nối kết chặt chẽ với các quan điểm về di dân và các nhóm thiểu số tôn giáo. Ví dụ, giáo dục cao đẳng và việc bản thân biết một người Hồi giáo nào đó có xu hướng đi đôi với sự cởi mở hơn đối với việc nhập cư và các nhóm thiểu số tôn giáo. Và việc đồng hóa mình với phe hữu chính trị được liên kết chặt chẽ với các lập trường chống nhập cư.

Tuy nhiên, cả sau khi đã sử dụng các kỹ thuật thống kê để kiểm soát nhiều nhân tố (tuổi tác, giáo dục, giới tính, ý thức hệ chính trị, bản thân biết người Hồi giáo hoặc người Do Thái giáo, các đánh giá bản thân về phúc lợi kinh tế, hài lòng với định hướng chung của đất nước, v.v. .), những người Tây Âu nào tự nhận là Kitô hữu đều có nhiều khả thể hơn những người không thống thuộc tôn giáo trong việc nói lên các cảm quan tiêu cực về người nhập cư và các nhóm thiểu số tôn giáo.

Kỳ sau: Căn tính Kitô giáo và việc nhập cư Hồi giáo có liên quan không? Cuộc tranh luận rộng lớn hơn ở châu Âu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét