02/06/2018
Thứ Bảy tuần 8 thường niên.
Bài Ðọc I: (Năm
II) Gđ 17, 20b-25
"Thiên Chúa có
quyền năng bảo tồn anh em vô tội và đặt anh em tinh toàn trước thiên nhan sáng
láng của Người".
Trích thư của Thánh
Giuđa Tông đồ.
Anh em thân mến, anh
em hãy nhớ lại những điều do các tông đồ đã loan tin trước về Ðức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta. Anh em tự xây dựng trên đức tin rất thánh thiện của anh em và
nguyện cầu bởi ơn Thánh Thần, anh em hãy tự kiên trì trong tình yêu Thiên Chúa,
hầu mong đợi lòng thương xót của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, cho được sống đời
đời. Anh em hãy thuyết phục những người này, họ là kẻ hay phân vân. Hãy cứu vớt
những người kia, lôi kéo họ ra khỏi lửa. Còn như đối với hạng người khác nữa,
anh em hãy tỏ lòng thương, đồng thời cũng phải lo sợ, gớm ghét cả đến tấm áo
dài đã bị xác thịt làm nhơ bẩn.
Nguyện cho Ðấng có quyền
năng / bảo tồn anh em vô tội và đặt anh em tinh toàn trước thiên nhan sáng láng
của Người một cách hân hoan, trong ngày Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trở lại;
nguyện cho Thiên Chúa duy nhất là Ðấng cứu độ chúng ta nhờ Ðức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, được vinh quang, oai nghiêm, dũng lực và quyền năng, từ trước muôn
thuở, bây giờ và cho đến muôn đời. Amen. Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 62, 2. 3-4.
5-6
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa là Thiên Chúa của con, linh hồn con
khao khát Chúa (c. 2b).
Xướng: 1) Ôi lạy Chúa,
Chúa là Thiên Chúa của con, con thao thức chạy kiếm Ngài. Linh hồn con khát
khao, thể xác con mong đợi Chúa con, như đất héo khô, khát mong mà không gặp nước.
- Ðáp.
2) Con cũng mong được
chiêm ngưỡng thiên nhan ở thánh đài, để nhìn thấy quyền năng và vinh quang của
Chúa. Vì ân tình của Ngài đáng chuộng hơn mạng sống, miệng con sẽ xướng ca ngợi
khen Ngài. - Ðáp.
3) Con sẽ chúc tụng
Ngài như thế trọn đời con, con sẽ giơ tay kêu cầu danh Chúa. Hồn con được no
thoả dường như bởi mỹ vị cao lương, và miệng con ca ngợi Chúa với cặp môi hoan
hỉ. - Ðáp.
Alleluia: Gc 1, 18
Alleluia, alleluia! -
Do ý định của Thiên Chúa, Người đã sinh chúng ta bằng lời sự thật, để chúng ta
nên như của đầu mùa các tạo vật. - Alleluia.
Phúc Âm: Mc 11, 27-33
"Ông lấy quyền
nào làm sự đó?"
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu và
các môn đệ lại đến Giêrusalem. Và trong khi Chúa Giêsu đi lại trong đền thờ,
thì những trưởng tế, luật sĩ và kỳ lão đến hỏi Người: "Ông lấy quyền nào
mà làm sự đó? Và ai đã ban quyền cho ông để làm như vậy?" Chúa Giêsu đáp:
"Tôi sẽ hỏi các ông một câu thôi, hãy trả lời cho Tôi thì Tôi sẽ bảo cho
các ông hay Tôi lấy quyền nào mà làm việc đó: Phép rửa của Gioan bởi trời hay bởi
người ta? Hãy trả lời Tôi đi". Họ liền bàn riêng với nhau rằng: "Nếu
chúng ta trả lời "Bởi trời", ông ấy sẽ nói: "Vậy sao các ông
không tin Người?" Nhưng nếu chúng ta nói "Bởi người ta", chúng
ta sợ dân chúng, vì mọi người đều coi Gioan thật là một tiên tri. Vậy họ thưa
cùng Chúa Giêsu rằng: "Chúng tôi không biết". Và Chúa Giêsu bảo họ:
"Vậy thì tôi cũng không nói cho các ông biết bởi quyền phép nào Tôi làm sự
đó".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Chất vấn về
quyền
Theo Tin Mừng Marcô,
Chúa Giêsu đã bắt đầu tranh luận với những người Do thái không tin khi Chúa
Giêsu lên Yêrusalem lần cuối cùng. Bầu không khí đối đầu giữa Chúa và các vị
lãnh đạo Do thái khởi sự với biến cố Chúa đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Ðền Thờ.
Ngày hôm sau, khi Chúa và các môn đệ trở lại Ðền Thờ, các Thượng tế, Luật sĩ và
Kỳ mục đến chất vấn Chúa: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?".
Tin Mừng hôm nay ghi lại cuộc tranh luận đầu tiên trong năm cuộc tranh luận giữa
Chúa Giêsu và các vị lãnh đạo Do thái, trước khi Chúa Giêsu bước vào cuộc tử nạn
của Ngài.
Tinh thần chân thành
và đối thoại vốn là tinh thần của Phúc Âm. Là con người hiếu hòa, Chúa Giêsu
cũng tỏ ra chân thành và thích đối thoại. Tuy nhiên, khi những người đối thoại
với Ngài tỏ ra gian manh, thì Chúa Giêsu lại giữ thái độ yên lặng, như khi Ngài
đứng trước Caipha, Hêrôđê, Philatô. Nhưng trường hợp những kẻ đối thoại bắt bẻ
điều gì, thì Chúa lại chứng tỏ sự trổi vượt của Ngài. Ngài cũng đáp lại bằng một
phương thế khác, khi những người đối thoại muốn gây áp lực để buộc Chúa phải trả
lời, như khi họ hỏi Chúa có nên nộp thuế cho hoàng đế Cesar không, hoặc có nên
ném đá người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tính không?
Hôm nay, chúng ta chứng
kiến một cảnh đối ngoại, nhưng thật ra đó chỉ là một cách gài bẫy để bắt bẻ
Chúa: "Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy?" Chúa Giêsu nhận thấy
thái độ không thành thật của họ nên Ngài hỏi vặn lại: "Phép rửa của Gioan
là do Trời hay do người ta?". Cách thức trả lời của những kẻ chống đối
Chúa cho thấy họ đã tìm ra giải đáp cho câu hỏi họ đặt ra. Họ không thể chối
cãi sự kiện phép rửa của Gioan là từ Trời, do quyền của một vị Tiên tri. So
sánh phép rửa của Gioan với những việc làm và những phép lạ của Chúa Giêsu mà họ
đã chứng kiến, thì chắc chắn những phép lạ của Chúa hơn phép rửa của Gioan. Do
đó, theo lý luận nghiêm chỉnh và thành thật, những kẻ chống đối Chúa phải biết
Chúa đã lấy quyền từ đâu để làm các điều ấy.
Như thế, câu hỏi của
Chúa Giêsu: "Phép rửa của Gioan là do Trời hay do người ta?" là câu hỏi
để đánh thức lương tâm và kêu gọi đến sự thành thật nơi những kẻ chống đối
Ngài. Chỉ những ai chấp nhận đi theo con đường sự thật với lòng chân thành, người
đó mới vào được Nước Chúa và được cứu rỗi. Ðể có thể vào Nước Chúa, những kẻ chất
vấn Chúa trong Tin Mừng hôm nay, cần phải canh tân đời sống, cần phải có lòng
chân thành, lương tâm ngay chính và tinh thần phục thiện.
Chúng ta hãy nhìn về
cuộc sống của mình và xét xem chúng ta đã sống thế nào? Chúng ta hãy xin Chúa
cho chúng ta nhận biết sự thật, khiêm tốn đón nhận và sống sự thật của Chúa cho
đến cùng.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 8 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Judah
1:17, 20b-25; Mk 11:27-33.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sống thành thực
theo chỉ thị của Đức Kitô thay vì chạy theo những ngụy biện của thế gian.
Đức Kitô và các tông đồ
của Ngài cố gắng dạy dỗ dân chúng nhận ra sự thật và tuân theo những giới răn của
Thiên Chúa; nhưng các ngài biết có những người tuy nhận mình tin theo Thiên
Chúa, nhưng luôn gieo vãi những học thuyết sai lầm để kéo dân chúng theo họ.
Thánh Phaolô gọi họ là sói đội lốt chiên. Thánh Gioan gọi họ là những kẻ phản
Kitô.
Các bài đọc hôm nay
giúp các tín hữu nhận ra những ngụy biện sai lầm của họ và cách thức làm sao
trung thành với giáo lý trung thực của Đức Kitô. Trong bài đọc I, sau khi đã vạch
ra những nguy hiểm, tác giả Thư Judas khuyên các tín hữu phải thực hành những
điều cần thiết để bảo vệ đức tin và thực hành bác ái để duy trì tinh thần hiệp
nhất trong cộng đoàn. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu biết rõ mưu mô của một số các
kinh sư và biệt phái đang tìm cớ giết Ngài bằng cách đặt câu hỏi “Ngài lấy uy
quyền gì mà thanh tẩy Đền Thờ?” Thay vì trả lời Ngài đặt lại cho họ một câu hỏi
“Phép Rửa của ông Gioan do Trời hay do người ta?” như một điều kiện trước khi
Ngài trả lời cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy trung thành sống sự thật và yêu thương tha nhân.
1.1/ Những điều các tín hữu
cần làm: Tác giả Thư Judas khuyên các tín hữu
phải giữ những điều cần thiết như sau:
+ “Hãy nhớ lại những lời
các Tông Đồ của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã nói trước kia.” Tính tông truyền
rất quan trọng vì những kẻ rao giảng sai lạc luôn tìm cách lèo lái sự thật mà
các tông đồ rao giảng. Các ngài rao giảng cho chúng ta sự thật đến từ Thiên
Chúa qua Đức Kitô.
+ “Hãy xây dựng đời
mình trên nền tảng đức tin rất thánh của anh em.” Đức tin là món quà vô giá các
tín hữu nhận được từ Thiên Chúa qua lời rao giảng của các môn đệ. Các tín hữu cần
xây căn nhà của cuộc đời mình trên nền tảng đức tin chắc chắn này.
+ “Hãy cầu nguyện nhờ
Thánh Thần.” Chúng ta không biết cách cầu nguyện sao cho xứng hợp. Hầu hết sự cầu
nguyện của chúng ta tập trung trong việc cầu xin những điều có thể không đẹp
lòng Thiên Chúa. Vì thế, hãy theo sự hướng dẫn của Thánh Thần mà Đức Kitô sai đến
để cư ngụ trong tâm hồn các tín hữu. Ngài sẽ giúp các tín hữu biết cách cầu
nguyện theo ý Chúa.
+ “Hãy cố gắng sống
mãi trong tình thương của Thiên Chúa.” Chúa Giêsu cũng từng khuyên các tông đồ:
“Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” Nếu các tín hữu ở lại trong tình
yêu Thiên Chúa, họ sẽ có tình yêu Thiên Chúa để yêu thương tha nhân.
+ “Hãy chờ đợi lòng
thương xót của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, để được sống đời đời.” Đích điểm
của cuộc đời là cuộc sống vĩnh cửu với Thiên Chúa. Để đạt được cuộc sống này,
chúng ta phải kiên nhẫn chờ đợi.
1.2/ Giúp đỡ tha nhân: Tuy lên án những người gieo rắc những học thuyết lầm lạc,
tác giả Thư Judas khuyên các tín hữu phải có lòng thương xót đến ba loại người:
(1) Những người nghi
ngờ: là những người chưa sở hữu sự thật. Họ vẫn còn do dự giữa sự thật và sự
sai trá. Chúng ta phải kiên nhẫn giảng giải và cầu nguyện để đem họ về cho
Thiên Chúa.
(2) Những người ngây
thơ: là những người chưa có trí khôn đủ để nhận ra sự thật. Hãy lo cứu họ, kéo
họ ra khỏi lửa thiêu.
(3) Những người tội lỗi:
là những người phạm tội vì yếu đuối xác thịt. Đối với những người này, “anh em
phải vừa thương xót, vừa sợ hãi, gớm ghét ngay cả chiếc áo đã bị thân xác họ làm
cho ra ô uế.” Chúng ta ghét tội lỗi nhưng phải yêu tội nhân.
Trong phần vinh tụng,
tác giả kính dâng lời chúc tụng lên Đức Kitô và Thiên Chúa, “Đấng duy nhất có
quyền phép gìn giữ anh em khỏi sa ngã và cho anh em đứng vững, tinh tuyền, trước
vinh quang của Người, trong niềm hoan lạc.”
2/ Phúc Âm: Cuộc đấu trí giữa Chúa Giêsu và những nhà lãnh đạo Do-thái
Bối cảnh của cuộc đấu
trí hôm nay là biến cố Chúa Giêsu thanh tẩy đền thờ Jerusalem trong trình thuật
hôm qua. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến chất vấn Người, không phải vì lo
lắng cho Đền Thờ của Thiên Chúa; nhưng để tìm cớ tiêu diệt Người.
2.1/ Câu hỏi được đặt ra
bởi các thượng tế, kinh sư và kỳ mục: Họ hỏi
Chúa Giêsu: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm
các điều ấy?”
Chúa dư biết: Nếu Chúa
trả lời bởi Trời, họ sẽ bắt Ngài vì tội phạm thượng. Nếu Chúa trả lời bởi Ngài,
họ sẽ bắt Ngài vì tội phá hủy Đền Thờ. Trả lời cách nào họ cũng có lý do để bắt
Chúa. Biết thâm ý của họ nên thay vì trả lời, Chúa Giêsu đặt ngược cho họ một
câu hỏi như một điều kiện họ phải thỏa mãn trước khi nghe câu trả lời của Ngài.
Chúa Giêsu hỏi: “Phép Rửa của ông Gioan là do Trời hay do người ta?” Nếu họ chú
ý đế câu hỏi của Chúa, họ sẽ biết là câu trả lời cho họ.
2.2/ Hai phản ứng:
(1) của các thượng tế,
kinh sư và kỳ mục: Họ bàn thảo với nhau: Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ
vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy?” Nhưng nếu mình nói: “Do người
ta!” Dân chúng sẽ ném đá mình, vì ai nấy đều cho ông Gioan thật là một ngôn sứ.
Vì thế, họ trả lời: “Chúng tôi không biết.”
(2) của Chúa Giêsu: Vì
họ không đáp ứng điều kiện Chúa đưa ra, nên Ngài nói với họ: “Tôi cũng không
nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
– Chúng ta phải thành
tâm tìm hiểu sự thật. Đừng để bất cứ lý do gì: kiêu hãnh, lợi nhuận, ghen ghét
làm chúng ta ở trong sự gian trá.
– Con người chúng ta
không khôn ngoan hơn Thiên Chúa vì Ngài dựng nên ta. Hãy khiêm nhường để học hỏi
sự thật đến từ Thiên Chúa.
– Nếu không chịu học hỏi
và sống theo sự thật, chúng ta sẽ không bao giờ đạt được đích điểm là cuộc sống
đời đời với Thiên Chúa.
– Biết sự thật giúp
chúng ta nhận ra những giả trá của thế gian và của ma quỉ.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
02/06/2018 – THỨ BẢY TUẦN THÁNH TUẦN 8 TN
Th. Mác-xen-li-nô và Phê-rô, tử đạo
Mc 11,27-33
XOÁ BỎ ĐỐ KỴ GHEN TƯƠNG
Các thượng tế, kinh sư và các kỳ mục đến cùng Đức Giê-su và
hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy, hay ai đã cho ông quyền làm các điều
ấy?” (Mc 11,27b-28)
Suy niệm: Khi đuổi những người buôn
bán trong đền thờ Chúa Giê-su đã đẩy sự đối đầu căng thẳng giữa Ngài và giới chức
lãnh đạo Do Thái lên đến đỉnh điểm. Để bảo vệ sự thánh thiêng của đền thờ là
“nhà Cha của Ngài và là nhà cầu nguyện” (Mc 11,17; Ga 2,16) Chúa Giê-su chấp nhận
đụng độ đến lợi ích và quyền hành của họ cách trực tiếp và công khai. “Quyền”
và “Lợi” bị đụng chạm nên họ sinh đố kỵ, ghen tương. Và vì thế, họ không thể
liên đới chia sẻ tình yêu thương giữa người với người, chưa nói chi đặt trọn niềm
tin cậy nơi Chúa Ki-tô, và nhận ra Ngài là Con Thiên Chúa, là vị cứu tinh của
nhân loại đã đến trần gian.
Mời Bạn: Phải loại bỏ lòng ham hố
“quyền” và “lợi” thì mới có thể xoá bỏ lòng đố kỵ ghen tương. Đó là bước đầu
tiên thiết yếu để mở lòng ra đón nhận Lời Chúa và đặt niềm tin tưởng phó thác
nơi Ngài và hết lòng yêu mến và cảm thông, chia sẻ với tha nhân.
Chia sẻ: Bạn có kinh nghiệm nào về tác hại của sự đố kỵ và tính
ghen tương trong tương quan với anh chị em và trong việc sống đạo của mình.
Sống Lời Chúa: Mỗi người tín hữu phải biết
vận dụng và sống tốt ba nhân đức Tin, Cậy, Mến như là những phương cách để giúp
người tín hữu chúng ta sống trọn vẹn trong tương quan với Thiên Chúa và hài hòa
với anh chị em đồng loại của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin ban
ơn trợ giúp để chúng con biết yêu mến thờ phượng Chúa trọn vẹn và yêu thương
anh em hết lòng. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
Chúng tôi không biết (2.6.2018 – Thứ
Bảy Tuần
8 Thường niên B)
Suy niệm:
“Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy
hay ai đã cho ông quyền làm các điều ấy?” (c. 28).
Ba giới chức cao nhất của Do Thái giáo
đã đặt câu hỏi như vậy với Đức Giêsu khi Ngài đi đi lại lại
trong Đền Thờ Giêrusalem vào những ngày cuối đời.
Ông lấy quyền nào mà dám đuổi những kẻ buôn bán ở đây?
Ông lấy quyền nào mà lật bàn của những người đổi tiền,
và xô đổ ghế của những người bán bồ câu? (c. 15).
Tất cả những người làm chuyện buôn bán
đều nhằm phục vụ cho nhu cầu tế tự của Đền Thờ.
Nếu không cho buôn bán ở đây thì người dân lấy gì mà dâng cúng?
Có phải ông định phá hoại các sinh hoạt ở Đền Thờ không?
Tại sao ông dám nói nơi Thánh này đã trở nên hang ổ của bọn cướp ?
Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục muốn giết Đức Giêsu
(c. 18).
Họ nghiêm chỉnh đến gặp Ngài và đòi Ngài phải trả lời câu hỏi của họ.
Họ muốn biết người nào đã cho Đức Giêsu quyền đó.
Đức Giêsu dùng phương pháp của các rabbi,
trả lời một câu hỏi bằng cách đặt ngược một câu hỏi khác.
“Tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi.
Các ông trả lời đi, rồi tôi sẽ nói cho các ông biết
tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy” (c. 29).
Ngài đặt cho họ câu hỏi về nguồn gốc của phép rửa bởi Gioan:
“Phép rửa của ông Gioan là do Thiên Chúa hay do loài người?” (c. 30).
Câu hỏi tưởng như đơn giản này lập tức đưa họ vào thế kẹt.
Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi Thiên Chúa
thì họ sẽ bị tố cáo vì đã không tin vào lời giảng của Gioan.
Hơn nữa khi tin vào Gioan, họ cũng phải tin vào Đức Giêsu,
Đấng đã được Gioan hết lòng khiêm cung làm chứng.
Nếu trả lời phép rửa của Gioan là bởi loài người
thì họ sẽ vấp phải sự chống đối từ phía dân chúng,
vì họ tin Gioan là một vị ngôn sứ đích thực.
Như thế câu hỏi của Đức Giêsu đã đưa họ vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Câu hỏi của Ngài dồn họ vào thế phải trả lời:
“Chúng tôi không biết.” (c. 33).
Có thật họ không
biết hay chỉ là né tránh
sự thật?
Họ đã không tin Gioan, vì sợ tin Gioan sẽ phải tin cả Giêsu nữa.
Nhưng họ lại sợ không dám nói ra điều đó cho dân chúng biết.
Nỗi sợ bị mất uy tín, mất chỗ đứng, khiến họ trở nên câm lặng.
Câu hỏi của Đức Giê su đòi họ trở về với lòng mình
để tự tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi của họ: “Ông lấy quyền nào?”
Quyền của Đức Giêsu là quyền năng của Thánh Thần Thiên Chúa.
Làm thế nào để chúng ta thoát khỏi thành kiến và nỗi sợ hãi
để có được sự tự do khi trao đổi với nhau?
Làm thế nào để chúng ta không tìm cách tránh né sự thật,
dù chấp nhận sự thật đòi chúng ta phải thay đổi tận căn và trả giá?
Làm thế nào để chúng ta can đảm nhận mình sai để lại bắt đầu?
Cầu nguyện:
Lạy
Cha,
xin dạy chúng con biết cộng tác với nhau
trong việc xây dựng Nước Trời ở trần gian.
Xin cho chúng con đến với
nhau
không chút thành kiến,
và tin tưởng vào thiện chí của nhau.
Khi cộng
tác với nhau,
xin cho chúng con cảm thấy Cha hiện diện,
nhờ đó chúng con vượt qua
những tự ái nhỏ nhen,
những tham vọng ích kỷ
và những định kiến cằn cỗi.
Ước gì chúng con dám từ bỏ mình,
để tìm kiếm chân lý
ở mọi nơi và mọi người,
nhất là nơi những ai khác quan điểm.
Lạy
Cha,
xin sai Thánh Thần đến trên chúng con,
để chúng con biết lắng nghe nhau bằng quả tim,
và hiểu nhau ngay trong những dị biệt.
Nhờ sống mầu
nhiệm cộng
tác,
xin cho chúng con được triển nở không ngừng
và Thánh Ý Cha được thể hiện trên mặt đất. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao
Siêu, S.J.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
2 THÁNG SÁU
Triều Thiên Của Tạo
Vật
Con người là một thể
thống nhất, là duy nhất trong chính mình. Nhưng trong thể thống nhất này có hàm
chứa tính lưỡng diện. Thánh Kinh trình bày cả thể thống nhất (ngôi vị) lẫn tính
lưỡng diện (hồn và xác) của con người. Chẳng hạn, Sách Huấn Ca viết: “Đức Chúa
lấy đất mà tạo ra con người, rồi lại đưa con người trở về đất” (Hc 17, 1 – 2).
Nhưng Sách Huấn Ca cũng viết: “Người ban cho chúng trí khôn, luỡi, mắt, tai, và
trái tim để chúng suy nghĩ. Người làm cho chúng được đầy kiến thức thông minh,
tỏ cho chúng biết điều tốt điều xấu.” (câu 5 – 6)
Từ quan điểm này,
Thánh Vịnh 8 thật hết sức có ý nghĩa. Con người được tôn dương là một tuyệt tác
khi tác giả thánh vịnh nói với Thiên Chúa bằng những lời này: “… con người là
chi, mà Chúa cần nhớ đến; phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con
người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều
thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới
chân” (câu 5 – 7).
– suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 02/ 6
Thánh Marcellinô và
Thánh Phêrô tử đạo
Gđ 17, 20b-25; Mc
11, 27-33.
Lời suy niệm: “Đức Giêsu và các môn đệ lại vào Giêrusalem.
Người đang đi trong Đền Thờ, thì các thượng tế, kinh sư và kỳ mục đến cùng Người
và hỏi: ‘Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy hay ai đã cho ông quyền làm các
điều ấy?’”
Trong câu chuyện Kinh Thánh này cho chúng ta một sự thật, khi những con người đứng
lên chống đối sự thật, muốn bẻ cong sự thật, bóp méo sự thật, thì sẽ lâm vào thảm
bại và cuối cùng cũng phải câm miệng nếu có phải mở miệng thì cũng chỉ trả lời
với hai chữ “không biết”, để rồi chìm vào trong tuyệt vọng.
Lạy Chúa Giêsu. Giáo Hội Chúa đang cần đến những Kitô hữu trưởng thành dấn thân
trong công tác “Công lý và hòa bình”. Xin cho chúng con luôn cam đảm đón nhận sự
thật và cam đảm làm chứng cho sự thật trong xã hội hôm nay.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
02-06: Thánh MARCELLINÔ và PHÊRÔ
Tử Đạo (+304)
Không có tài liệu lịch
sử nào nói về nguồn gốc của hai thánh tử đạo Marcellino và Phêrô cả. Các Ngài
được phúc tử đạo dưới thời Diocletianô.
Thánh Marcellino được
ơn tử đạo còn thánh Phêrô được ơn trừ quỉ.
Nhờ được ơn trừ quỉ,
thánh Phêrô được rất nhiều người mộ mến. Ngược lại cũng có nhiều người ghen tức
và thù oán tìm cách giết hại. Tỉnh trưởng Sêrênô ra lệnh tống giam Ngài. Bạn
ông là Antêmi có đứa con gái bị quỉ ám. Nghe biết Phêrô có quyền trừ quỉ, ông giối
thiệu bạn mình tới ngục thất để gặp thánh nhân. Gặp ông, thánh nhân khuyên nhủ
ông hãy tin vào Chúa Giêsu và thờ phượng Thiên Chúa. Ông bực tức cho rằng: Chúa
không cứu nổi Phêrô thì làm sao thánh nhân cứu nổi con ông được. Rồi ngay đêm ấy
khi quân canh ngục còn đang thi hành nhiệm vụ thì thánh nhân đã có mặt ở nhà
Antêmi. Cả gia đình Antêmi bỡ ngỡ và xin theo đạo. Paulina, con gái Antêmi được
lành bệnh. Từ đó gia đình Antêmi thành nơi tụ tập thường hay lui tới dạy đạo và
rửa tội cho các tân tòng.
Tức giận, Sêrênô ra lệnh
hành hạ hai thánh nhân một cách dã man rồi giam ngục tối, nền rắc đầy miểng
chai, và bỏ đói các Ngài cho chết. Tuy nhiên Chúa đã giải thoát cho các Ngài
trong một tuần lễ để lo cho các dự tòng được chịu phép rửa tội. Nghĩ rằng gia
đình Antemi lập mưu cho cuộc vượt thoát này, Sêrênô ra lệnh giết cả gia đình
ông.
Cuối cùng hai thánh
nhân Marcellinô và Phêrô bị đem hành quyết. Khi thi hành án quyết, đao phủ
Đorotê đã thấy linh hồn hai Ngài bay về trời. Quá xúc động ông đã xin tòng giáo
và qua đời cách lành thánh. Còn xác hai thánh nhân được chôn cất ở nghĩa trang
Ad Duos Lauros đường Labicana.
Khi Giáo hội được sống
trong an bình, người ta xây cất trên mộ hai Ngài một thánh đường rất nguy nga.
Tên Hai thánh nhân đã được nhắc đến trong lễ quy Roma.
(daminhvn.net)
02 Tháng Sáu
Nguồn Gốc Của Sa Mạc
Người Ả Rập giải
thích nguồn gốc của sa mạc bằng câu chuyện ngụ ngôn như sau:
“Thiên Chúa đang
sáng tạo vũ trụ. Sau khi đã hoàn tất tinh tú, trái đất, biển khơi, sông ngòi,
Thiên Chúa bắt tay vào việc tạo dựng con người. Ngài nặn được những thân hình
thật đẹp, nhưng đó chỉ là những pho tượng, vì chưa có linh hồn”.
Lúc bấy giờ, một tổng
lãnh thiên thần mới đề nghị với Thiên Chúa là cần phải tạo dựng linh hồn cho
con người. Thế là Thiên Chúa miệt mài giam mình trong phòng thí nghiệm để tác tạo
linh hồn cho con người. Các linh hồn vừa mới ra lò còn rất mảnh khảnh và yếu ớt.
Ngài mang các linh
hồn tươi tắn ấy xuống trần gian và phân phát cho loài người. Nhưng rủi thay,
hôm đó trời đổ mưa, cho nên một số linh hồn chưa đủ cứng cáp đã biến dạng.
Một ngày nọ, một
trong những người đã lãnh nhận được linh hồn méo mó, đã buột miệng nói ra một lời
dối trá. Tuy chỉ là một lời dối trá không đáng kể, nhưng đó là một lời dối trá
đầu tiên xuất hiện trong lịch sử loài người.
Thiên Chúa vô cùng
hối hận vì đã không ngăn ngừa được sự dối trá ấy. ngài bèn tập trung loài người
lại và tuyên bố: “Từ nay, đừng có một người nào phạm thêm một điều dối trá nữa.
Nếu không, cứ mỗi lần có một lời dối trá, ta sẽ cho rơi xuống mặt đất một hạt
cát”.
Nhiều người nghe lời
đe dọa của Thiên Chúa, cười thầm trong lòng. Một hạt cát có đáng kể là bao sánh
với màu xanh trùng trùng điệp điệp của cây cỏ. Thành ra, loài người đã không đếm
xỉa đến lời cảnh cáo của Thiên Chúa. Người thứ hai thêm một lời nói láo mà vẫn
đinh nih đó chỉ là một lời không đáng kể, cũng như thêm một hạt cát trên trái đất
cũng không thay đổi được bộ mặt của nó. Cứ thế, người thứ ba, rồi người thứ tư…
Người ta nói dối đến độ Thiên Chúa không còn đủ sức để cho cát rơi xuống trên mặt
đất nữa… Ngài đành phải dùng đến bàn tay của các thiên thần để cho mưa cát xuống…
Không mấy chốc, những đồng cỏ xanh tươi, những vườn cây um tùm biến thành sa mạc
khô cằn. Thỉnh thoảng một vài ốc đảo xanh tươi mọc lên, đó là dấu hiệu sự hiện
diện của một vài người còn biết tôn trọng sự thật. Nhưng dần dà, ôn dịch dối
trá lan tràn khắp nơi, trái đất chỉ còn là một bãi sa mạc.
Tất cả những ai sống
trong một xã hội xây dựng trên dối trá, lừa đảo, đố kỵ lẫn nhau đều biểu hiện
được thế nào là sa mạc của tình người. Sa mạc nào cũng là biểu hiện của sự chết:
chết của tình người, chết của lòng tin tưởng lẫn nhau, chết của hy sinh phục vụ,
chết của lòng quảng đại. Tựu trung, dối trá cũng là tên gọi của ích kỷ. Người dối
trá là người chỉ biết sống cho mình. Nếu ơn gọi của con người, nếu sự thật của
con người là sống yêu thương, sống cho người, thì kẻ dối trá là người chối bỏ
chính mình.
Chúa Giêsu đã lên án gắt
gao thái độ dối trá. Ngài nói: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm điều đặt
chuyện là bởi ma quỷ mà ra”. Kẻ dối trá, do đó, tự đặt mình dưới quyền thống trị
và điều khiển của ma quỷ.
Mỗi một thái độ dối trá là một hạt cát rơi xuống trên sa mạc của tình người. Nhưng mỗi một hành động của quảng đại, của yêu thương, của phục vụ là một ốc đảo xanh tươi của Chân lý, đó là Chân lý của tình yêu.
Mỗi một thái độ dối trá là một hạt cát rơi xuống trên sa mạc của tình người. Nhưng mỗi một hành động của quảng đại, của yêu thương, của phục vụ là một ốc đảo xanh tươi của Chân lý, đó là Chân lý của tình yêu.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét