Trang

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

01-01-2016 : (phần II) ĐỨC MARIA, MẸ THIÊN CHÚA - LỄ TRỌNG (CUỐI TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH)

Ngày 1 tháng Giêng
(Cuối Tuần Bát Nhật Lễ Chúa Giáng Sinh)
Lễ Ðức Maria Mẹ Thiên Chúa
(phần II)

Suy niệm trong lòng
Ngày 1/1: Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa
Lời Chúa: 
 Lc 2,16-21
"Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng." (Lc 2,19)
Suy niệm: 
A- Phân tích (Hạt giống...)
Bài Phúc Âm này trình bày 2 thái độ khác hẳn nhau:
a/ Thái độ của những người chăn chiên là tíu tít kể chuyện;
b/ Thái độ của Đức Mẹ Maria là ghi nhớ mọi sự và suy niệm trong lòng.
B- Suy gẫm (... nẩy mầm)
1. Đức Mẹ Maria đã thinh lặng không chỉ lúc này, nhưng trong suốt cuộc đời Người. Được làm Mẹ Thiên Chúa nhưng chung quanh Người chẳng có mấy ai biết đến tước hiệu này... Tại Cana, Người đã nhẹ nhàng báo cho Chúa Giêsu biết bữa tiệc không còn rượu nữa. Trong cuộc đời công khai của Chúa, Người đã âm thầm theo bước chân Con. Và bên chân Thánh Giá, trong nỗi đau đớn tột cùng, Người đã chứng kiến những giờ phút cuối cùng của Con. Người đã sống tâm tình của một nữ tì khiêm tốn. Người chỉ muốn phục vụ trong âm thầm, còn vinh quang danh dự thì Người xin dành cho người khác.
Trong một thế giới có quá nhiều tiếng động: tiếng động của bom đạn, của tranh chấp, của bạo lực, chúng ta hãy bắt chước thái độ thinh lặng và lắng nghe của Đức Mẹ, nhờ đó chúng ta sẽ tìm được bình an trong tâm hồn và tạo được hòa khí trong tương quan với tha nhân.
2. Thánh Luca khám phá ra đặc điểm của Mẹ Thiên Chúa là “ghi nhớ tất cả những việc đó và suy niệm trong lòng.” Tuy là Mẹ của Chúa Giêsu nhưng ban đầu Đức Mẹ không hiểu hết về con mình. Tuy không hiểu nhưng nhờ “ghi nhớ và suy niệm” nên sau cùng Mẹ đã rất hiểu Ngài. Huống chi chúng ta: chúng ta là môn đệ Chúa, là con Chúa, chúng ta càng cần phải ghi nhớ và suy đi nghĩ lại những kỷ niệm về Chúa thì mới hiểu được Ngài.
3. Một bài hát kia có một tựa đề rất gợi ý, là “The Sound of Silence”, Âm thanh của thinh lặng. Phải, thinh lặng nói với ta rất nhiều điều. Ta thử thinh lặng để “suy đi nghĩ lại” về những sự việc chung quanh việc Chúa Giáng Sinh, để xem ta nghe được gì.
4. Một người da đỏ cùng đi với một người da trắng trên đường. Người da đỏ bỗng vỗ vai người da trắng, hỏi:
- Anh có nghe gì không?
Người da trắng hết sức lóng tai nghe, rồi đáp:
- Tôi chẳng nghe gì cả.
- Có mà, tôi nghe tiếng một con dế gáy.
- Làm gì mà có con dế nào giữa đường phố nhộn nhịp như thế này? Mà cho dù có đi nữa thì làm sao anh nghe được tiếng nó giữa bao tiếng ồn ào của xe cộ và người qua kẻ lại?
Người da đỏ không thèm trả lời. Anh đi đến một bức tường bên vệ đường. Bức tường đã cũ. Nhiều dây leo chằng chịt trên đó. Anh vạch đám dây leo sang một bên. Một lỗ trống hiện ra, trong đó rõ ràng có một con dế đang gáy. Người da trắng thán phục:
- Dân da đỏ các anh có lỗ tai thính hơn dân da trắng chúng tôi nhiều.
- Không phải thế đâu. Để tôi thử cái này cho anh xem.
Người da đỏ lấy trong túi ra một đồng tiền kẽm, thảy xuống mặt đường. Tiếng đồng tiền lăn leng keng khiến mọi người đi đường ngoái đầu nhìn lại. Liền đó người da đỏ giải thích:
- Tiếng của đồng tiền kẽm nhỏ hơn tiếng dế kêu rất nhiều. Thế mà mọi người da trắng đều nghe được. Còn tiếng con dế lớn hơn nhưng chỉ có tôi nghe được. Không phải ai thính tai hơn ai cả. Sự thực chính là chúng ta chỉ nghe được tiếng của những thứ chúng ta thường quan tâm để ý.
5. “Các mục tử ra đi vội vã đến thành Bêlem, và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ.” (Lc 2,16)
Một buổi sáng Chúa nhật, ngày đẹp nhất trong tuần, tôi đến nhà thờ dự lễ và ngao ngán với một bài giảng quá dài, lại chẳng có gì hấp dẫn… Chúa Nhật sau, anh hẹn đưa tôi đi chơi. Tôi náo nức chờ đợi, đợi chờ từng phút giây, mong tới giờ hẹn. Và chúng tôi đã lên đường… bỏ lại đàng sau không buồn luyến tiếc: ngôi thánh đường và cả Chúa Giêsu nữa!
Tôi là thế đó, chỉ muốn làm những gì mình thích và thích làm những điều thật vĩ đại. Còn Mẹ Maria thì chọn những gì Chúa muốn và để cho Ngài làm nên những điều cao cả. Nếu như Thiên Chúa cần một người Mẹ cho Ngôi Lời nhập thể thì Mẹ đã cất tiếng xin vâng để trần gian được cứu độ. Và trong nữ giới, Mẹ thành người diễm phúc nhất.
Lạy Chúa xin giúp con biết chọn phần tuyệt hảo như Mẹ Maria: lắng nghe và tuân giữ lời Chúa. Xin cho con hằng noi gương Mẹ mà gắn bó cùng Chúa trọn đời. (Epphata)
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện: 
Lạy Chúa Hài đồng Giêsu,
Chúa có một người Mẹ thật tuyệt vời. Một người Mẹ cho Chúa dòng sữa, cho Chúa tình thương. Một người Mẹ đã nói lời xin vâng bằng cả cuộc đời dấn thân cho chương trình Thiên Chúa Cha được nên trọn. Một người Mẹ hằng đẹp lòng Thiên Chúa Cha và được mọi ân huệ lớn lao đến nỗi là người có phúc hơn mọi người nữ.
Người Mẹ đó Chúa đã tặng ban cho nhân loại chúng con. Qua Môn đệ Gioan, Mẹ Maria đã nhận chúng con là con cái của mẹ. Mẹ đã đi vào trong từng cuộc đời chúng con. Mẹ vẫn đang đồng hành để chia sẻ buồn vui trong kiếp người chúng con. Chúng con xin cám ơn Chúa đã ban Mẹ Maria cho chúng con. Xin cho chúng con luôn chạy đến cùng Mẹ, luôn nương nhờ ơn phước của Mẹ, để nhờ Mẹ chúng con được đón nhận ơn lành của Chúa.
Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người có phước hơn mọi người nữ vì mẹ luôn lắng nghe và thực thi Lời Chúa. Xin Mẹ dạy chúng con biết noi gương Mẹ để sống theo lời Chúa. Xin cho cuộc đời chúng con luôn được ướp mặn bằng những trang tin mừng, để chúng con hiểu được thánh ý Chúa trong từng biến cố cuộc đời. Xin cho các gia đình luôn biết siêng năng đọc lời Chúa và thực thi khởi đi từ chính gia đình chúng con. Xin Mẹ luôn viếng thăm gia đình chúng con để hàn gắn những đổ vỡ, bất hòa đang làm mất đi sự êm ấm của gia đình. Xin Mẹ luôn hiện diện để nâng đỡ gia đình chúng con khi gặp những bất hạnh, rủi ro. Xin vực dậy niềm tin nơi những ai đang thất vọng, giúp họ vượt qua những khó khăn trong niềm tin vào Chúa như Mẹ đã từng bước đi trong niềm tin tuyệt đối vào sự quan phòng Chúa.
Lạy Mẹ Maria, hôm nay khởi đầu năm mới, chúng con xin phó dâng gia đình chúng con cho Mẹ, để nhờ lời cầu bầu của Mẹ, xin Chúa nâng đỡ những gia đình đang đổ vỡ. Biết bao nhiêu niềm tin đang bị đánh mất từ những người thân trong gia đình. Cha mẹ thiếu tin tưởng nhau. Con cái đánh mất niềm tin nơi cha mẹ. Vợ chồng bất trung với nhau. Bạn bè bất tín với nhau. Biết bao sự dữ đang tung hoành khắp nơi, khiến nhiều người rơi vào thất vọng, tủi hổ và đắng cay. Xin nhờ Mẹ chuyển cầu để tình thương Chúa gìn giữ các gia đình. Xin nhờ ơn phước của Mẹ ngõ hầu chúng con được nhận lãnh ơn lành của Chúa. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

Lectio Divina: Đức Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, Lễ Trọng
Các mục đồng đến viếng thăm Chúa Hài Đồng Giêsu và Mẹ Người
Kẻ sống bên lề xã hội là người được Thiên Chúa ưu ái
Lc 2:16-21


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của mình.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Lý do đã khiến cho thánh Giuse và Đức Maria phải đi đến Bêlem là lệnh kiểm tra dân số ban ra bởi hoàng đế La Mã (Lc 2:1-7).  Theo định kỳ, nhà cầm quyền La Mã ra lệnh làm tổng kiểm tra dân số trong các khu vực khác nhau trong đế chế rộng lớn của họ.  Họ phân loại dân cư và để biết bao nhiêu người sẽ phải nộp thuế.  Nhà giàu thì phải nộp thuế về đất đai và tài sản họ sở hữu.  Người nghèo thì phải trả thuế cho số con cái mà họ có.  Đôi khi tiền thuế phải đóng đã vượt quá 50% tổng số lợi tức của một người.
Trong Tin Mừng Luca, chúng ta thấy một sự khác biệt đáng kể giữa sự ra đời của Đức Giêsu và của ông Gioan Tẩy Giả.  Ông Gioan được sinh ra ở quê nhà trên mảnh đất của ông, ở giữa cha mẹ và làng xóm, và được mọi người đón chào (Lc 1:57-58).  Khi Chúa Giêsu được sinh ra thì không ai biết đến, cách xa khỏi thân thích và xóm làng, và xa khỏi quê hương của Người.  “Không còn chỗ trong quán trọ”.  Chúa Hài Đồng đã được đặt nằm trong máng cỏ (Lc 2:7).
Chúng ta hãy hình dung và nhận xét đoạn Tin Mừng (Lc 2:16-21) trong bối cảnh rộng lớn hơn về việc thăm viếng của các mục đồng (Lc 2:8-21).  Trong khi đọc, chúng ta hãy cố gắng chú ý đến điều sau đây:  Những sự bất ngờ và tương phản ta thấy trong văn bản này là gì?

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 2:8-9:  Các mục tử ở ngoài đồng, những người đầu tiên được mời đến
Lc 2:10-12:  Lời loan báo đầu tiên về Tin Mừng được mang đến cho các mục đồng
Lc 2:13-14:  Lời ca ngợi của các thiên thần
Lc 2:15-18:  Các mục đồng đi đến Bêlem và thuật lại việc thiên thần hiện ra với họ
Lc 2:19-20:  Thái độ của Đức Maria và của các mục đồng về những sự việc này
Lc 2:21:  Việc cắt bì của con trẻ Giêsu

c)  Phúc Âm:  
Bấy giờ trong miền đó có những người mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình.  Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh sáng của Thiên Chúa bao tỏa chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ.  Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng:  “Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân:  Hôm nay Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đavít.  Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người:  Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ.”  Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời và bình an dưới thế cho người thiện tâm.” Khi các thiên thần biến đi, thì các mục tử nói với nhau rằng:  “Chúng ta đi đến Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết.”  Rồi họ hối hả tới nơi và gặp thấy Maria, Giuse và hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ.  Khi thấy thế, họ đã hiểu ngay lời đã báo về hài nhi này.  Và tất cả những người nghe, đều ngạc nhiên về điều các mục tử thuật lại cho họ.  Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó, và suy niệm trong lòng.  Những mục tử trở về, họ tung hô ca ngợi Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy, đúng như lời đã báo cho họ. Khi đã đủ tám ngày, lúc phải cắt bì cho con trẻ, thì người ta gọi tên Người là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được đầu thai trong lòng mẹ.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Bạn thích điều gì nhất trong đoạn Tin Mừng này?  Tại sao? 
b)  Bạn đã tìm thấy những ngạc nhiên và sự tương phản gì trong đoạn Tin Mừng này?            
c)  Làm cách nào đoạn Tin Mừng cho chúng ta biết rằng kẻ bé mọn và người nghèo khổ nhất trên trần thế lại là người cao trọng trên thiên đàng?
d)  Thái độ của Đức Maria và của các mục đồng về mầu nhiệm Thiên Chúa vừa mới mặc khải cho họ là gì?
e)  Tác giả Luca muốn nhắn nhủ gì với chúng ta qua các chi tiết này?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu hơn vào trong chủ đề

a)     Bối cảnh của thời ấy và của ngày nay:

Đoạn Tin Mừng về ngày lễ Mẹ Thiên Chúa (Lc 2:16-21) là một phần của câu chuyện về việc hạ sinh của Chúa Giêsu (Lc 2:1-7) và các mục đồng đến thăm (Lc 2:8-21).  Thiên thần đã loan báo sự sinh ra của Đấng Cứu Độ và cho một dấu chỉ để nhận biết:  “Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ!”  Họ đang mong đợi Đấng Cứu Thế của toàn dân và họ đã nhận ra Người trong một hài nhi mới sinh, nghèo khó, nằm giữa các thú vật!  Thật là một bất ngờ lớn lao!

Kế hoạch của Thiên Chúa đã được thực hiện theo một phương cách không thể ngờ, đầy ngạc nhiên.  Điều này cũng còn xảy ra ngày nay.  Một bé thơ nghèo hèn là Đấng Cứu Thế của nhân loại!  Có ai ngờ được không?

b)     Lời bình giải về đoạn Tin Mừng: 

Lc 2:8-9:  Những vị khách được mời đầu tiên
Mục đồng là những người cùng đinh trong xã hội, không được coi trọng mấy.  Họ sống cùng với các thú vật, tách biệt với người thường.  Bởi vì họ thường xuyên tiếp xúc với thú vật, nên họ bị xem là kẻ ô uế.  Không bao giờ có ai muốn mời họ tới thăm một em bé sơ sinh.  Thế nhưng chính các Thiên Thần Chúa lại hiện ra với những mục đồng này để loan báo tin vui sự ra đời của Chúa Giêsu.  Trông thấy các thiên thần, họ thật sự sợ hãi.      

Lc 2: 10-12:  Lời loan báo đầu tiên về Tin Mừng
Lời nói đầu tiên của thiên thần là:  Các ngươi đừng sợ!  Thứ hai là:  Tin Vui cho cả toàn dân!  Thứ ba là:  Hôm nay!  Và rồi thiên thần mang đến ba danh hiệu để chỉ Chúa Giêsu là ai:  Đấng Cứu Thế, Đức Kitô và Chúa!  Đấng Cứu Thế là Đấng giải thoát mọi người khỏi tất cả những gì trói buộc họ!  Các vua chúa thời bấy giờ thích dùng danh hiệu Đấng Cứu Chuộc.  Chính họ đã tự phong cho mình tước hiệu đấng cứu rỗi.  Đức Kitô có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu hay là Đấng Thiên Sai.  Trong Cựu Ước, đây là danh hiệu được trao cho vua chúa và các tiên tri.  Đó cũng là danh hiệu của Đấng Thiên Sai tương lai là đấng sẽ thực hiện lời hứa của Thiên Chúa với dân của Người.  Điều này có nghĩa là hài nhi mới sinh, đang nằm trong máng cỏ, đã đến để thực hiện niềm hy vọng của toàn dân.  Chúa là danh hiệu của chính Thiên Chúa!  Ở đây chúng ta có ba danh hiệu có thể xem là cao cả nhất.  Từ lời loan báo về sự sinh ra của Đức Giêsu là Đấng Cứu ThếChúa Kitô và là Chúa, có còn ai cao cả hơn thế nữa không?  Và thiên thần nói rằng:  “Cẩn thận!  Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người:  các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh nằm trong máng cỏ, trong số những người nghèo khó!”  Bạn có tin nổi không? Phương cách hành động của Thiên Chúa thì thật là khác hẳn với chúng ta!

Lc 2:13-14:  Lời hát khen của các thiên thần về Tin Mừng:  Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương.
Một số đông thiên thần xuất hiện và từ trời xuống.  Đó có thể được giải thích là thiên đàng đã hạ mình xuống dưới thế.  Hai phần của câu Kinh Thánh này tóm tắt lại chương trình của Thiên Chúa, kế hoạch của Người.  Phần đầu cho biết những gì xảy ra trên thiên đàng:  Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao.  Phần thứ hai cho biết việc gì sẽ xảy ra ở dưới đất:  Bình an dưới thế cho người Chúa thương.  Nếu người ta có thể nghiệm ra rằng được Chúa thương có ý nghĩa gì, thì tất cả mọi thứ sẽ đổi thay và bình an sẽ hiện diện trên trái đất.   Và điều này sẽ cao quý hơn vinh quang Thiên Chúa Đấng ngự trên trời cao!

Lc 2:15-18:  Các mục đồng đi đến Bêlem và thuật lại việc hiện ra của các thiên thần
Lời của Chúa không còn là một âm thanh được phát ra từ môi miệng.  Hơn hết cả nó là một sự kiện!  Các mục đồng nói như thế này:  “Chúng ta hãy sang Bêlem và coi xem sự việc đã xảy ra mà Chúa đã cho chúng ta được biết”.  Theo tiếng Do Thái, chữ DABAR có thể có hai nghĩa là lời và sự việc, được tạo ra bằng lời.  Lời của Thiên Chúa là quyền năng tác tạo.  Nó hoàn thành những gì đã phán ra.  Vào lúc tác tạo Thiên Chúa phán:  “Hãy có ánh sáng, và liền có ánh sáng!” (St 1:3).  Lờicủa thiên thần nói với các mục đồng là sự kiện về việc sinh ra của Chúa Giêsu.

Lc 2:19-20:  Thái độ của Đức Maria và của các mục đồng về những sự việc này
Tác giả Luca lập tức cho biết thêm rằng:  “Còn Maria thì ghi nhớ tất cả những sự việc đó và suy niệm trong lòng”.  Có hai cách để cảm nhận và đón tiếp Lời Chúa: (i) Các mục đồng chỗi dậy để đi coi xem các sự việc và xác nghiệm lại dấu chỉ được thiên thần cho biết, và sau đó, họ trở lại với đàn gia súc của họ, tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa về tất cả mọi điều họ đã nghe và xem thấy; (ii) Đức Maria, cách khác, lại cẩn thận ghi nhớ lại tất cả mọi điều này và suy niệm trong lòng.  Suy niệm về những việc trong tâm trí một người có nghĩa là hồi tưởng lại chúng và làm sáng tỏ trong ánh sáng của Lời Chúa để hiểu rõ hơn ý nghĩa đầy đủ của chúng cho đời sống.   
     
Lc 2:21:  Việc cắt bì và đặt tên cho con trẻ Giêsu
Theo luật định, Hài Nhi Giêsu được cắt bì sau khi sanh được tám ngày (xem St 17:12).  Việc cắt bì là một dấu hiệu để chỉ thuộc về dân của Chúa.  Nó cho kẻ ấy một căn tính.  Nhân dịp này mỗi trẻ sơ sinh được đặt tên (xem Lc 1:59-63).  Hài nhi được gọi là Giêsu, tên mà thiên thần đã gọi trước khi con trẻ được thụ thai.  Thiên thần đã nói với Giuse rằng phải đặt tên con trẻ là Giêsu vì “chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1:21).  Tên gọi Giêsu thì giống như tên Giôsuê, và có nghĩa là Thiên Chúa sẽ cứu.  Một tên khác mà sẽ được trao dần dần cho Chúa Giêsu là Đức Kitô, có nghĩa là Đấng Được Xức Dầu hay là Đấng Thiên Sai.  Chúa Giêsu là Đấng Thiên Sai đang được mong chờ.  Tên thứ ba là Emmanuel, có nghĩa là Thiên-Chúa-Ở-Cùng-Chúng-Ta (Mt 1:23).  Tên gọi đầy đủ là Đức Giêsu Kitô Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta!

c)    Lời chú giải thêm:

Đức Maria trong Tin Mừng theo Luca

i)  Vai trò của hai chương đầu tiên trong sách Tin Mừng Luca:
Hai chương này khá nổi tiếng nhưng không được hiểu thấu đáo cho lắm.  Tác giả Luca đã viết chúng mô phỏng theo Cựu Ước.  Giống như thể hai chương này là phần kết của Cựu Ước để mở ra cho sự xuất hiện của Tân Ước.  Trong những chương này, Luca tạo ra một bầu không khí êm ái và tán dương.  Từ đầu chí cuối, lòng thương xót của Thiên Chúa được ca tụng, Thiên Chúa là Đấng cuối cùng đã đến để thực thi lời hứa của Người.  Luca cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã hoàn tất phần Cựu Ước và khởi đầu phần Tân Ước như thế nào.  Và Chúa ưa chuộng các kẻ nghèo khó, kẻ bần cùng, những người biết cách chờ đợi cho việc xuất hiện của Người:  bà Êlisabéth, ông Giacaria, Đức Maria, thánh Giuse, ông cụ Simêon, bà cụ Anna và các mục đồng.  Đó là lý do tại sao hai chương đầu tiên thuật lại lịch sử nhưng không phải trong ý nghĩa mà ngày nay chúng ta gán cho lịch sử.  Chúng gần như là sự phản chiếu mà các chương ấy được viết cho những Kitô hữu xuất thân từ lương dân, có thể khám phá ra được Đức Giêsu là ai và làm cách nào mà Người đã đến để thực thi lời các tiên tri trong Cựu Ước, đáp ứng được những nguyện vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người.  Những chương này cũng là một sự phản chiếu các sự việc đã xảy ra trong các cộng đoàn vào thời thánh Luca.  Các cộng đoàn bắt nguồn từ dân ngoại sẽ được sinh ra bởi các cộng đoàn người Do Thái cải đạo.  Tuy nhiên đây là những khác biệt.  Thời Tân Ước không tương ứng với những gì Cựu Ước đã mường tượng và mong mỏi.  Đó là “dấu hiệu của sự mâu thuẫn” (Lc 2:34), đã gây ra các căng thẳng và là nguồn gốc của nhiều mối đau khổ. Trong thái độ của Đức Maria, Luca trình bày một mô hình về cách mà các cộng đoàn có thể phản ứng và kiên trì trong thời Tân Ước. 

ii)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Trong hai chương này, Luca trình bày Đức Maria như một gương mẫu cho đời sống cộng đoàn.  Điều quan trọng ban cho chúng ta trong cảnh mà nơi có người phụ nữ trong đám đông đã ca ngợi thân mẫu Đức Giêsu.  Chúa Giêsu cải sửa lời khen ngợi ấy và nói rằng:  “Phúc thay cho những kẻ biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa!” (Lc 11:27-28).  Nơi đây hàm chứa sự cao trọng của Đức Maria.  Đó là sống trong thế gian mà Đức Maria biết cách liên kết với Ngôi Lời Thiên Chúa mà cộng đoàn chiêm niệm một cách chính xác hơn trong sự liên kết với Lời Chúa:  tiếp nhận, thể hiện, sống, đào sâu, suy niệm, sinh sản và làm tăng trưởng, để cho chính mình được Lời Chúa làm chủ cho dù có khi không hiểu hoặc phải chịu đau khổ vì nó.  Đây là viễn ảnh hàm chứa trong văn bản của các chương 1 và 2 của sách Tin Mừng Luca, nói về Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu.  

iii)  Áp dụng của chìa khóa vào văn bản:

1.  Lc 1:26-38: 
Truyền Tin:  “Tôi xin vâng như lời thiên thần truyền!”
Mở lòng để Ngôi Lời Thiên Chúa được tiếp nhận và nhập thể.

2.  Lc 1:39-45: 
Đi viếng bà Êlisabéth:  “Phúc cho bà là kẻ đã tin!”
Nhận ra Lời Chúa trong các sự việc của đời sống.

3.  Lc 1:46-56: 
Bài ca Ngợi Khen (Magnificat):  “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những sự trọng đại!”
Bài thánh ca hy vọng mang tính chất phá vỡ và chịu đựng.

4.  Lc 2:1-20: 
Chúa Ra Đời:  “Bà ghi nhớ tất cả những sự việc này và suy niệm trong lòng.”
Không có chỗ cho họ.  Những kẻ bị xã hội khinh khi chào đón Ngôi Lời.

5.  Lc 2:21-32: 
Tiến Dâng Chúa Giêsu cho Thiên Chúa:  “Chính mắt con đã được thấy ơn cứu độ!”
Những năm tháng của đời sống làm thanh sạch con mắt.

6.  Lc 2:33-38: 
Ông Simêon và bà Anna:  “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”
Là một người Kitô hữu có nghĩa là một dấu hiệu của sự mâu thuẫn.

7.  Lc 2:39-52: 
Vào năm Chúa mười hai tuổi:  “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”
Họ đã không hiểu Ngôi Lời Thiên Chúa nói với họ!

iv)  Những tương phản nổi bật trong đoạn Tin Mừng của chúng ta:
1.  Trong bóng tối của đêm đen có ánh sáng tỏa chiếu (2:8-9).
2.  Thiên đàng trên trời dường như ôm lấy trần thế của chúng ta dưới đây (2:13).
3.  Sự cao trọng của Thiên Chúa được thể hiện nơi một hài nhi nhỏ bé mong manh (2:7)
4.  Vinh quang của Thiên Chúa được hiện diện trong máng cỏ, bên cạnh với súc vật (2:16).
5.  Nỗi kinh sợ tạo ra bởi sự hiện ra đột ngột của thiên thần và được biến đổi thành niềm vui mừng (2:9-10).
6.  Những kẻ hoàn toàn bị khinh miệt là những người được mời đầu tiên (2:8).
7.  Các mục đồng nhận thức được Thiên Chúa hiện diện trong một hài nhi mới sinh (2:20).
           
6.  Cầu nguyện với Thánh Vịnh 23 (22)
                                                         
“CHÚA là mục tử chăn dắt tôi!”

CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành
và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính
vì danh dự của Người.

Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u
con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.
Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,
ly rượu con đầy tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu và tình thương Chúa
ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,
và tôi được ở đền Người
những ngày tháng, những năm dài triền miên.
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thứ Sáu, 1 tháng 1 – Thánh Maria, Mẹ Thiên Chúa
Dân số 6,22-27 · Thánh Vịnh 66,2-3.5-6.8 · Ga-lát 4,4-7
Lu-ca 2,16-21

Chúng Ta Có Thể Thay Đổi

Khi chúng kêu cầu danh Ta cho con cái Ít-ra-en, Ta sẽ ban phúc lành. Dân số 6,27

            Trước thềm năm mới, nhìn lại hành trình sống của mình trong một năm qua, hầu hết chúng ta đều nhận thấy rằng mình đã cố gắng sống thật tốt nhưng chắc chắn còn những khuyết điểm nơi bản thân mà chúng ta muốn thay đổi.
            Thất bại trước những nỗ lực thay đổi bản thân có thể làm chúng ta nhụt chí. Chúng ta thường đổ lỗi cho môi trường sống, cho hoàn cảnh sống. Và đôi khi chúng ta cảm thấy bất lực để thay đổi.
            Chúa Giáng Sinh làm thay đổi tất cả. Thiên Chúa đã Nhật Thể và hiện diện trong đời sống của chúng ta. Vì thế chúng ta hoàn toàn có thể thay đổi nhờ sức mạnh của Thiên Chúa.
            Vậy bạn hãy xem xét những hành động và thái độ nào bạn muốn thay đổi, và xin Chúa ban cho bạn đủ sức mạnh và ý chí để thực hiện. Nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, bạn chắc chắn sẽ đạt được điều mình mong muốn. Hãy để ngày hôm nay trở thành một điểm khởi đầu mới trong cuộc đời của bạn.
Stephen J. Rossetti


HỌC HỎI NĂM THÁNH

Hỏi 52 : Việc chúng ta xét đoán anh em xuất phát từ những nguyên nhân và gây ra những hậu quả nào?

Đáp 52 : Chúng ta xét đoán anh em vì cái nhìn phiến diện do ghen tương và đố kỵ, và vì sự giả định mình biết hết mọi sự. Rốt cuộc chúng ta làm cho cuộc sống của anh em trở nên ảm đạm, làm cho họ mất uy tín và bỏ mặc họ cho sự đàm tiếu của thiên hạ.

Hỏi 53 : Để khỏi đoán xét anh em, chúng ta nên làm gì?

Đáp 53 : Chúng ta nên đón nhận điều tốt đẹp nơi người anh em.

Hỏi 54 : Ngoài việc đừng xét đoán, chúng ta còn phải làm gì để tỏ Lòng Thương Xót?

Đáp 54 : Chúng ta còn phải tha thứ và trao ban, vì chính bản thân chúng ta đã được Chúa Tha thứ và ban cho biết bao ơn lành hồn xác.


CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa, xin giúp con luôn biết cách làm mới và hoàn thiện bản thân chứ đừng ngủ quên với con người hiện tại. Xin Chúa chúc lành cho chúng con trong suốt năm mới này. Amen.
Quyết tâm : Mỗi ngày chọn làm một việc cụ thể để thay đổi chính mình.


(nguồn trích Sống Lời Chúa số 1 – Mùa Vọng và Giáng Sinh của Tgp. Sài Gòn)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét