Trang

Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

Đức Phanxicô và năm 2016 dưới mắt các tác giả Công Giáo

Đức Phanxicô và năm 2016 dưới mắt các tác giả Công Giáo
Vũ Văn An12/29/2015


Đức Phanxicô trong năm 2016

Tác giả Gerard O’Connell, trong số mới nhất của Tập San America, nói đến “Đức Phanxicô Trong Năm 2016” với nhận định tổng quát cho rằng: nói theo thi sĩ Ái Nhĩ Lan Arthur O’Shaughnessy, Đức Phanxicô vừa là người chuyển động và lay động (mover and shcker) vừa là người mơ đủ mọi giấc mơ. Ngài muốn chuyển động và lay động để các giấc mơ trở thành hiện thực. Ta thấy điều này ngay từ lúc ngài mới được bầu làm giáo hoàng ngày 13 tháng Ba năm 2013, và chắc chắn ta sẽ thấy nó nhiều hơn trong năm 2016.

Năm Thánh Thương Xót là biến cố ưu tiên trong các giấc mơ của Đức Phanxicô. Trong một thế giới được đánh dấu bằng tranh chấp, bạo động, tàn ác dã man, trả đũa, nghèo đói và loại trừ, ngài cổ vũ việc tái khám phá lòng thương xót làm đường dẫn tới một thế giới nhân đạo hơn. Ngài muốn Giáo Hội soi sáng con đường ấy. 

Nhưng ngài biết Giáo Hội thường có não trạng phê phán và do đó làm tối đen đi vị trí trung tâm của lòng thương xót, nên ngài nhấn mạnh tới việc phải đặt lòng thương xót trước công lý, không phải chỉ bằng lời nói mà bằng cả nhiều cách thế có tính sáng tạo nữa, trong đó có việc thực hành các việc thương người về phần hồn và phần xác. Ngài muốn phát huy “cuộc cách mạng của lòng âu yếm”.

Đức Phanxicô làm nổi bật ý nghĩa của lòng thương xót đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội trong Sắc Chỉ công bố Năm Thánh Đặc Biệt về Lòng Thương Xót. Sau đó, ngài đi sâu hơn vào chi tiết trong một cuộc phỏng vấn sẽ được in thành sách tựa là Tên Thiên Chúa Là Thương Xót vào ngày 12 tháng Giêng sắp tới. Năm ngày sau, ngài sẽ tới thăm hội đường Do Thái Giáo tại Rôma. 

Kể từ khi Đức Bonifaxiô VIII mở năm thánh đầu tiên năm 1300, 28 năm thánh sau đó đã lấy Rôma làm tâm điểm, nhưng Đức Phanxicô đã phá truyền thống này bằng hai cách: cách thứ nhất, ngài mở năm thánh tại nhà thờ chính tòa Bangui, thuộc Cộng Hòa Trung Phi, một đất nước bị điêu linh vì nghèo đói và tranh chấp; cách thứ hai, ngài quyết định rằng năm thánh này sẽ được tản quyền và cửa năm thánh sẽ được mở tại mọi giáo phận và đền thánh khắp thế giới, cũng như trong các tình huống bị loại trừ như bệnh việc, nhà tù và trại tị nạn. Chừng 10,000 cửa thánh đã được mở tại chừng 3,000 giáo phận khắp thế giới. 

Đức Phanxicô đã minh nhiên nối kết Năm Thánh Thương Xót với các Thượng Hội Đồng Giám Mục về gia đình và người ta mong rằng Ngài sẽ công bố tông huấn về gia đình trong đầu năm 2016. Nó sẽ là bản văn huấn quyền quan trọng nhất của ngài trong năm này. Người ta vẫn còn phải chờ xem Ngài sẽ mở cửa thương xót ra sao cho những người Công Giáo đang cảm thấy bị loại khỏi đời sống Giáo Hội vì lý do này hay lý do nọ. 

Hai cuộc tông du chính trong năm 2016: tới Mễ Tây Cơ (12-18 tháng Hai) và tới Krakow, Ba Lan dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới (26-31 tháng Bẩy) trực tiếp có liên hệ tới chủ đề thương xót. Huy hiệu cho chuyến viếng thăm 4 thành phố của Mễ Tây Cơ sẽ là Misionero de Misericordia y Paz(Nhà Truyền Giáo của Lòng Thương Xót và Hòa Bình), trong khi huy hiệu cho Ngày Giới Trẻ Thế Giới sẽ tập trung vào lời của Chúa Giêsu: “Phúc thay ai có lòng thương xót vì họ sẽ được thương xót (Mt 5:7). Chắc chắn ngài sẽ tới thăm Auschwitz lúc ở Krakow.

Ngày 16 tháng Ba năm 2013, Đức Phanxicô từng nói với giới truyền thông rằng ngài mơ có một Giáo Hội nghèo dành cho người nghèo, và suốt trong triều giáo hoàng của mình, ngài luôn lưu ý tới các khu ngoại vi. Chắc chắn ngài sẽ tiếp tục con đường này khi cử nhiệm các tân Hồng Y vào tháng Sáu. 

Vị Giáo Hoàng đầu tiên người Mỹ Châu La Tinh này mơ có một Giáo Hội nơi tính công nghị (synodity) được thực thi và là nơi việc tản quyền trở thành thực tại. Ngài đề xuất điều này trong văn kiện lên chương trình của ngài tựa là Niềm Vui Tin Mừng và đã khai triển thêm trong bai diễn văn chủ yếu của ngài nhân kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập Thượng Hội Đồng Giám Mục.

Ngoài ra, Đức Phanxicô và hội đồng 9 Hồng Y của ngài sẽ dành một buổi trong cuộc họp của các ngài vào các ngày 8-9 tháng Hai cho chủ đề này, vì sự liên quan của nó với cuộc cải tổ Giáo Triều Rôma. 

Điều cũng đáng nhắc đến là Ủy Ban Thần Học Quốc Tế hiện đang nghiên cứu vấn đề tính công nghị và Giáo Hội. Các suy tư này sẽ dọn đường cho việc thay đổi cách cai quản Giáo Hội và rất có thể có nhiều hệ luận quan trọng trong lãnh vực đại kế.

Cũng nên lưu ý: Đức Phanxicô luôn hy vọng thực hiện được một đột phá trong tương quan với Giáo Hội Chính Thống Nga qua cuộc gặp gỡ với Thượng Phụ Mạc Tư Khoa, Kirill I. Ngài cũng hy vọng sẽ lập được quan hệ ngoại giáo với Trung Hoa. Hai điều này biết đâu không diễn ra trước khi ngài kết thúc Năm Thánh Thương Xót vào ngày 20 tháng Mười Một!

Thách đố truyền thông của Đức Phanxicô trong năm 2016 

Tác giả Andrea Gagliarducci trong một bài báo ngày 28 tháng 12 tập chú vào khía cạnh truyền thông của Đức Phanxicô. Nhưng trước khi đi vào điểm chính này, Andrea Gagliarducci ghi nhận hai thay đổi đáng lưu ý của Đức Phanxicô trong năm 2015. Thứ nhất, không như năm trước, khi nói chuyện đầu năm với Giáo Triều, ngài liệt kê 15 thứ bệnh của định chế này, năm nay cũng trong khung cảnh này, ngài thừa nhận hiệu năng, lòng trung thành và chăm chỉ làm việc của mọi nhân viên và thành viên Giáo Triều. Ngài cám ơn “Vatican ẩn dật” gồm các nhân viên âm thầm làm việc tại Vatican và cho Vatican. Họ không được những hàng tít lớn nhắc đến nhưng họ làm cho guồng máy Giáo Triều chạy tốt và chạy đều. 

Thứ hai, trước đây, triều Giáo Hoàng của ngài có đặc điểm thích “outsourcing” (tìm người ở bên ngoài Giáo Triều), nay thì ngược lại, các bổ nhiệm thích nhằm vào nội bộ Giáo Triều nhiều hơn. 

Các vụ bổ nhiệm mới đây trong ngành truyền thông của Tòa Thánh, là ngành cho tới nay việc cải tổ chưa bị trở ngại chậm trễ nào, có thể được đọc trong chiều hướng trên. Greg Burke được bổ nhiệm làm Phó Giám Đốc Phòng Báo Chí của Tòa Thánh, bỏ trống chức vụ Cố Vấn Cao Cấp về Truyền Thông tại Phủ Quốc Vụ Khanh, một chức vụ thực sự đã được thiết kế cho chính Burke. Đức Ông Dario Edoardo Viganò được cử làm Giám Đốc Truyền Hình Vatican và Chủ Tịch Văn Phòng Thư Ký Truyền Thông. Ngài nhường chức Giám Đốc Truyền Hình Vatican cho Stefano D’Agostini, người suốt đời nghề nghiệp phục vụ tại đài phát tuyến của Tòa Thánh. Đức Ông Paul Tighe, cho đến nay là nhân vật số hai trong Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội, được thăng chức giám mục và được cử làm Phó Thư Ký tại Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa. Trong chức vụ mới này, chắc chắn ngài có nhiệm vụ làm gạch nối giữa Hội Đồng Giáo Hoàng và Văn Phòng mới; như thế, ngài là người duy nhất sống sót từ kế hoạch cũ nhằm kết hợp Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông Xã Hội và Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa. 

Do đó, các cử nhiệm trên cho thấy: cuộc cải tổ vẫn đang tiếp diễn, nhưng đồng thời nó cần có liên tục tính trong nội bộ. Vì từ khi có vụ xử Rì Rỏ 2, xem ra Đức Phanxicô đã bỏ ý tưởng thuê các cố vấn hay chuyên viên bên ngoài. Ngay Gianfranco Mammì, tân Tổng Giám Đốc của Viện Tôn Giáo Sự Vụ, cũng suốt đời phục vụ cơ quan này, bắt đầu chỉ là một thu ngân viên. Ông cũng là một người được Đức Phanxicô tin tưởng, lúc ngài gặp ông thời ông còn phụ trách Mỹ Châu La Tinh Sự Vụ của cơ quan này. 

Các cử nhiệm mới trong ngành truyền thông cũng ra dấu một điểm khác nữa: Tòa Thánh muốn lưu ý nhiều hơn tới cung cách truyền thông thế tục nhìn mình. Greg Burke, một cựu phóng viên của Fox News, được thuê với khế ước 3 năm làm Cố Vấn Truyền Thông tại Phủ Quốc Vụ Khanh, thời có vụ Rì Rỏ thứ nhất. Ông tham dự cuộc họp mùa hè 2012 tại Castel Gandolfo giữa Đức Bênêđíctô XVI và Ủy Ban Hồng Y về Việc Rì Rỏ Các Tài Liệu. Ủy Ban này cũng tra vấn một số chuyên viên nổi đình đám về Vatican. 

Greg Burke cũng có được nhiều liên hệ rất tốt với môi trường truyền thông thế tục và Anh Mỹ hiện đang “tạo tin” trên thế giới. Trong khi ông làm cố vấn, tờ Financial Times có cho công bố một bài của Đức Bênêđíctô XVI về Giáng Sinh năm 2012; các dữ kiện liên quan tới đáp ứng của Giáo Hội đối với nạn ấu dâm đã được truyền thông thế tục công bố đầu tiên cho thế giới; các tin tức liên quan tới việc giao dịch cổ phần trong nội bộ APSA (Cơ Quan Quản Trị Di Sản Tông Tòa) được Reuters công bố trước nhất. Chắc chắn Greg Burke không phải là người sắp xếp hết các dịch vụ này, nhưng rõ ràng ông lưu ý tới truyền thông thế tục. 

Đức Ông Viganò cũng thế. Ngài đã phối trí rất khéo đoạn phim diễn tả cuộc du hành cuối cùng trong tư cách giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI trong chuyến trực thăng vận tới Castel Gandolfo. Nhưng ngài cũng là người đã có ý tưởng tổ chức cuộc phỏng vấn độc quyền giữa Đức Phanxicô và hệ thống truyền hình Mỹ ABC trước chuyến viếng thăm Hoa Kỳ. Đức Ông Viganò biết phải truyền thông ra sao, và ngài sẵn sàng truyền thông bất cứ lúc nào có được một cử tọa tốt, và truyền thông thế tục thực sự là một diễn đàn hoàn hảo. Đối với ngài, truyền bá sứ điệp là một điều nền tảng nhất. Là Chủ Tịch Văn Phòng Truyền Thông, Đức Ông Viganò sẽ cầm cân nẩy mực không những về cơ cấu mà còn cả về nội dung của truyền thông Vatican: một trong các đề nghị để cải tổ ngành truyền thông của Tòa Thánh là tạo ra một phòng tin duy nhất cho mọi ngành truyền thông của Tòa Thánh. 

Làm thế nào để tạo ra nội dung trên thì còn phải chờ. Nhưng các vụ cử nhiệm trên cho thấy Vatican đã nhìn thấy nhu cầu phải duy trì các liên hệ tốt đẹp với thế giới thế tục, như thể việc phê phán của truyền thông thế tục hết sức chủ yếu đối với sinh hoạt của Giáo Hội. 

Theo Gagliarducci, điều trên có thể đúng, nhưng lý lẽ này có nguy cơ hy sinh ngành báo chí chuyên biệt Công Giáo, một ngành tuy không có tính định chế nhưng luôn trung thành với định chế, có khả năng cung cấp các chủ đề chính cho Vatican và cho Giáo Hội Công Giáo, một cách khách quan và chính xác. 

Khi các tùy viên truyền thông của Tòa Thánh tìm cách phổ biến các hình ảnh tốt đẹp nhất theo nhãn quan truyền thông thế tục và các cuốn sách của các vị giáo hoàng được xuất bản bởi các nhà xuất bản khác hơn là Nhà Xuất Bản Vatican (Libreria Editrice Vaticana) vốn có quyền đối với các lời lẽ của Đức Giáo Hoàng, thì truyền thông Công Giáo rơi vào một cuộc khủng hoang khá sâu. Nhiều tạp chí phải đóng cửa. Nguyệt San “30 Giorni” (30 Ngày) đã ngưng ấn hành hơn 2 năm qua, bất chấp sự kiện nó từng cung cấp một dịch vụ văn hóa quan trọng cho các xứ truyền giáo và các giáo phận. Năm nay, “Il Regno” và “Settimana”, hai tạp chí do các Cha Dòng Dehonia xuất bản, đã đóng cửa: như thế, thế giới Công Giáo tại Ý Đại Lợi mất hai tiếng nói quan trọng trong cuộc tranh luận rộng rãi. 

Ngay “Ad Gentes”, tạp chí truyền giáo duy nhất, cũng ngưng ấn hành, trong khi, tin đóng cửa Hãng Thông Tấn Truyền Giáo MISNA vừa được đột ngột công bố cách nay mấy ngày. Không còn đầu tư nào nữa vào các sáng kiến báo chí truyền giáo này nữa, và chúng không được mua đủ để sống còn. 

Cũng còn là vì nội dung nữa. Nhận định về việc đóng cửa tờ “Ad Gentes”, Cha Piero Gheddo, một nhà truyền giáo lâu năm, phê bình khuynh hướng ngả theo các chủ đề xã hội của tờ báo, trong khi đánh mất lý tưởng truyền giáo. Ngài nhấn mạnh tới việc phải nói về Thiên Chúa. Và nói về Thiên Chúa là điều ngày nay cần hơn bao giờ hết, bất chấp tinh thần truyền giáo lớn lao của Đức Phanxicô. 

Không lạ gì, cuộc gặp gỡ mới đây nhất của Ratzinger Schuelerkreis (Học trò cũ của Đức Bênêđíctô XVI) đã được dành để thảo luận việc “Nói về Thiên Chúa trong thế giới hiện thời”. Theo Đức Ông Tomas Halik, diễn giả chính năm nay của nhóm này, Kitô Giáo “đang sống buổi chiều của mình” (không lặn nhưng cũng không mọc), một buổi chiều cần nhóm lửa lại cho cuộc tân phúc âm hóa. 

Các thay đổi về cơ cấu truyền thông có thể giúp cải thiện hình ảnh của Giáo Hội trong giới truyền thông thế tục, nhưng chúng không giải quyết được vấn đề nội dung. Mà xét cho cùng các liên hệ cải thiện với thế giới thế tục cũng không giúp truyền bá các tín liệu quân bình và chuyên nghiệp liên quan tới Giáo Hội, bất kể các thiện cảm mà vị giáo hoàng này hay vị giáo hoàng có thể tạo nên. 

Thực thế, thế giới thế tục thường nhìn Giáo Hội qua lỗ ống khoá, không hề có ý định giải thích Giáo Hội trong mọi sắc thái và trong mọi viễn tượng của nó. Mục đích sau cùng của các bản họ tường trình về Giáo Hội chao đảo từ việc nhấn mạnh tới các yếu điểm của Giáo Hội tới việc hào hứng đối với Giáo Hội nhờ bán được nhiều sản phẩm hơn. Đàng sau báo chí thế tục luôn có nhu cầu lợi nhuận và khai thác hình ảnh, điều mà báo chí Công Giáo không thể tiếp nhận. 

Sứ mệnh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với các năm tháng sắp đến nên là một sứ mệnh tìm về với đặc sủng nguyên thủy của việc truyền thông Tin Mừng, và qua nó, truyền thông sự thật. Đây là chủ đề chủ yếu cần đem ra thảo luận ở mọi bình diện của Giáo Hội. Ngay các phong trào trong Giáo Hội cũng đang dấn thân vào những cuộc tranh luận mạnh mẽ về các đặc sủng nguyên thủy. Khi tìm cách chuyên nghiệp hóa, dường như ta đã đánh mất việc tìm bản sắc. 

Việc này cũng đúng cho cả Vatican nữa, và nay đã đến lúc cần chỉnh sửa. Sau khi chấm dứt thời kỳ tìm cách trao việc cho người ngoài cách bừa bãi và thuê các cố vấn bên ngoài để họ rì rỏ tin tức, nay đã đến lúc phải dùng người bên trong (insourcing), có khả năng đào tạo một thế hệ các nhà chuyên nghiệp mới hiểu rõ các định chế của Giáo Hội. 

Đức Phanxicô rõ ràng đang theo hướng trên. Ngài sẽ chỉ thành công khi các tín liệu từ Giáo Hội và về Giáo Hội không bị gọt dũa theo nhu cầu của thế giới thế tục, mà theo sự thật và bản sắc sâu xa của ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét