27/12/2015
Chúa Nhật
Trong Tuần Bát Nhật Lễ Chúa Giáng Sinh
Lễ Thánh Gia
Thất Năm C
(phần II)
Phụng vụ Lời Chúa:
Chúa Nhật Lễ Thánh Gia - Năm C
CHÚA NHẬT LỄ THÁNH GIA NĂM C
(Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52)
(Hc 3,3-7.14-17a; Cl 3,12-21; Lc 2,41-52)
CHỦ ĐỀ: THÁNH GIA
MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
MẪU GƯƠNG GIA ĐÌNH SỐNG ĐẠO
“Người đi
xuống cùng với cha mẹ,
trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.
Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ
tất cả những điều ấy trong lòng”
(Lc 2,51).
trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài.
Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ
tất cả những điều ấy trong lòng”
(Lc 2,51).
Ngay số mở đầu của Tông sắc Dung mạo lòng thương xót,
ĐGH đã lấy tư tưởng từ Kinh Thánh và Công Đồng Vat.II để viết: “‘Lúc đến thời
gian viên mãn’ (Gl 4,4), khi mọi sự đã được sắp xếp đúng
theo dự định cứu độ, Ngài sai Người Con duy nhất của Ngài đến thế gian, được
sinh ra bởi Trinh Nữ Maria, để mặc khải cho chúng ta biết trọn vẹn tình yêu của
Ngài. Ai thấy Đức Giêsu là thấy Cha (x. Ga 14,9). Đức Giêsu Nazareth đã mạc khải
lòng thương xót của Thiên Chúa bằng lời nói, hành động và bằng cả bản thân
Người” (DMLTX,
số 1). Như vậy, để mạc khải lòng thương xót của Thiên Chúa, Con Thiên Chúa đã
đến làm người trong một gia đình, được gọi là Thánh Gia.
Hằng
năm, vào Chúa Nhật sau lễ Giáng Sinh, Hội Thánh mừng kính Lễ Thánh Gia gồm Đức
Giêsu, Đức Mẹ và Thánh Giuse để đề cao một mẫu gương nổi bật cho các gia đình
Kitô hữu noi theo. Các bài đọc hôm nay cho thấy vai trò và bổn phận mà mỗi
thành viên trong gia đình phải có, đó là các người làm mẹ cần học nhân đức âm
thầm của Đức Maria, các người làm cha noi gương sống tín thác của Thánh Giuse
và những người làm con cần học cho biết sống vâng phục như Đức Giêsu.
I. CHIA SẺ LỜI CHÚA
1. BÀI ĐỌC I (Hc 3,3-7.14-17a)
Bài
đọc I trích sách Huấn Ca dạy những người làm con phải thảo kính cha mẹ vì đó là
ý muốn của Thiên Chúa. Gia đình nào có con cái hiếu thảo thì người cha được vẻ
vang, người mẹ thêm uy quyền. Đối với người làm con, việc thảo kính cha mẹ sẽ
đem lại nhiều ơn ích:
- Với
Thiên Chúa: họ bù đắp các lỗi lầm thiếu sót và tội lỗi đã phạm, nhờ vậy sẽ tích
trữ được kho báu ở trên trời; thêm vào đó, khi cầu nguyện, sẽ được Thiên Chúa
nhận lời.
- Với
bản thân: họ sẽ sống trường thọ và không bị người đời quên lãng.
- Với
con cháu: họ sẽ được đáp lại theo luật “nhân quả”, đó là sẽ được vui mừng vì
con cái họ, nghĩa là sẽ được con cái sau này hiếu thảo lại như chính họ đã hiếu
thảo với cha mẹ của mình.
Từ
những hệ luận trên, Lời Chúa khuyên con cái thảo hiếu cha mẹ mình được diễn tả
qua những sắc thái khác nhau: “thờ cha” “kính mẹ”, “tôn vinh cha”, “làm cho mẹ
an lòng”, “săn sóc cha”, “chớ làm người buồn tủi”, “người có lú lẫn, phải cảm
thông” và “không khinh dể cha mẹ mình”.
2. BÀI ĐỌC II (Cl 3,12-21)
Bài
đọc II trích từ thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Côlôsê cho chúng ta thấy
nguyên lý của đời sống gia đình dựa trên tinh thần đời sống mới trong Đức Kitô.
Theo đó, đời sống gia đình của những người đã được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến
thánh và yêu thương; nói cách khác, đời sống của một gia đình Kitô hữu, phải có
những đức tính như: thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại, chịu
đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau.
Các đức tính trên được thực hiện nhờ vào một nhân đức nền tảng,
đó là “lòng bái ái” (xem Bài ca Đức mến 1Cr 13) vì lòng bác ái là mối dây liên kết
tuyệt hảo. Từ những nguyên lý đó, hệ luận kéo theo là: vợ chồng yêu thương,
phục tùng lẫn nhau và đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng. Về phần
con cái, họ phải vâng phục cha mẹ trong mọi sự vì đó là điều đẹp lòng Chúa.
Muốn có được điều đó, gia đình cần có men xúc tác là “lòng thương xót”, nhờ
được nuôi dưỡng bởi lời Chúa với đời sống cầu nguyện qua việc dâng lên Chúa
những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca để tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa và
nhận biết Thiên Chúa đã thương xót chúng ta như thế nào.
3. BÀI TIN MỪNG (Lc 2,41-52)
Luật Cựu Ước đòi buộc người Dothái hành hương tới Giêrusalem vào
ba dịp Đại lễ: Vượt Qua, Ngũ Tuần và Lễ Lều (x. Xh 23,14-17; 34,22-23; Đnl 16,16). Tuy nhiên vào thời Đức Giêsu,
người ta thường chỉ hành hương một lần duy nhất vào dịp lễ Vượt Qua, và chỉ đòi
buộc những người nam từ 13 tuổi trở lên giữ tập tục này. Tuy nhiên, Đức Giêsu
năm ấy đã đi hành hương lúc mới lên 12 tuổi và trong dịp đó, Người đã ngồi giữa
các thầy dạy mà đối đáp với họ. Hành động này ở độ tuổi 12 làm cho người ta
liên tưởng Đức Giêsu với những người nổi bật của Thiên Chúa như Giuse giữa
những người Aicập; hay Samuen hoặc Đanien giữa những người Dothái, là những
người có trí khôn ngoan sáng suốt và quyền phân xử độ tuổi 12. Dầu vậy, con số
12 ở đây còn mang ý nghĩa cao hơn, vì là con số “hoàn hảo” hay “hoàn tất”, qua
đó nói lên rằng Đức Giêsu bắt đầu “hoàn tất” bổn phận mà Thiên Chúa Cha trao
phó cho Người.
Tuy
nhiên, điều Phụng vụ Hội Thánh muốn nhấn mạnh trong ngày lễ Thánh gia là cả gia
đình đã hành hương lên Giêrusalem theo phong tục, như là một mẫu gương của gia
đình sống đạo; đồng thời, đề cao việc Đức Giêsu trở về Nadarét, hằng vâng phục
cha mẹ và ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với
Thiên Chúa và người ta. Như thế gia đình là trường học; qua đó, Đức Giêsu đã
sống 30 năm để chuẩn bị mọi mặt cho việc chu toàn bổn phận Thiên Chúa Cha đã
trao phó. Bên cạnh, bài Tin Mừng cũng đề cao bổn phận của cha mẹ đối với con
cái qua việc trở lại Giêrusalem tìm con dù đã mệt mỏi sau một ngày đường, và
sau ba ngày mới tìm được Đức Giêsu. Dù vậy, họ vẫn kiên nhẫn “suy niệm trong
lòng” những điều chưa hiểu về chương trình của Thiên Chúa thực hiện nơi người
con của mình và trở về Nadarét dưỡng nuôi Đức Giêsu.
Những
tư tưởng này cho thấy rằng Thánh Gia là một gia đình gương mẫu đã sống theo
những nguyên lý căn bản của một gia đình thực thi thánh ý Thiên Chúa như đã đề
cập trong bài đọc I và II để chúng ta noi theo.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai
kính mẹ thì tích trữ kho báu. Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu
nguyện, họ sẽ được lắng nghe. Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ…”
(x. Hc 3,3-6). Tư tưởng này rất phù hợp với
đạo hiếu “uống nước nhớ nguồn, làm con phải hiếu” của người Việt Nam. Ngày nay
đời sống gia đình nói chung, và gia đình Công giáo nói riêng, đang trên đà
xuống dốc: con cái hư thân bất hiếu. Là con cái, chúng ta có ý thức được phận
làm con của mình, cụ thể là sống hiếu thảo thì sẽ đẹp lòng Chúa, làm vui lòng
cha mẹ, tích đức cho bản thân và đến lượt, sẽ có một gia đình hạnh phúc trong
tương lai, sẽ được con cái kính trọng như mình đã kính trọng với cha mẹ của
mình hay không?
2. “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân
hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại, chịu đựng và tha thứ cho nhau, và trên
hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo”
(x. Cl 3,12-14). Gia đình Kitô giáo phải
được xây dựng trên những nhân đức nền tảng của đời sống mới trong Đức Kitô,
nhất là lòng bác ái (đức ái/ tình yêu). Chúng ta có ý thức được rằng các đức
tính trên, nhất là đức ái, sẽ giúp mỗi thành phần trong gia đình vượt qua được
mọi khủng hoảng của đời sống gia đình như cha mẹ ly dị, gia đình tan vỡ…; đồng
thời, giúp mỗi người sống chính danh: cha mẹ sống đúng vai trò của mình, chu
toàn bổn phận chăm sóc và yêu thương, dạy dỗ nhưng cũng tôn trọng con cái; con
cái chu toàn bổn phận làm con, sống thảo hiếu với cha mẹ hay không? Chúng ta có
ý thức rằng mỗi thành viên trong gia đình cần thực thi các đức tính, nhất là
đức ái của Kitô giáo và cần có “lòng thương xót” để thông cảm và tha thứ cho
nhau, nhờ đó cùng nhau gắn kết hầu chung tay xây dựng gia đình thành một tổ ấm
yêu thương hay không?
3. “Đức Giêsu đi xuống cùng với cha mẹ,
trở về Nadarét và hằng vâng phục các Người. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất
cả những điều ấy trong lòng” (Lc2,51). Gia đình là trường học đầu
tiên để con cái học biết cách làm người, và như ĐGH Phanxicô đã lưu ý trong
diễn văn khai mạc hội luận liên tôn về tính bổ túc nam nữ do Tòa Thánh tổ chức
vào ngày 17/11/2014: “gia
đình cung cấp nơi chính yếu để ta vươn tới sự cao cả khi ta biết cố gắng thể
hiện khả năng trọn vẹn của ta trong việc sống nhân đức và đức ái.”
Con người ngày nay đang tự cô lập chính mình, sống chủ nghĩa cá nhân, đánh mất
lòng thương cảm đối với tha nhân, trẻ em “học văn” rất nhiều mà “học lễ” rất
ít. Trong bối cảnh đó, chúng ta có ý thức gia đình phải là trường dạy đầu tiên
để con cái học biết thương yêu đùm bọc lẫn nhau và là nơi đào tạo con cái có
“lòng thương xót”, rồi lan tỏa “lòng thương xót” đến mọi người hay không?
III. LỜI NGUYÊN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến!
Thánh Gia Chúa Giêsu, Đức Maria và Thánh Giuse là gương mẫu về đời sống nhân
đức cho các gia đình Công Giáo. Với quyết tâm noi gương các ngài, chúng ta cùng
tha thiết cầu xin, cách đặc biệt cho các gia đình:
1. Hội
Thánh được thiết lập như một đại gia đình của Thiên Chúa. Chúng ta cùng cầu
nguyện cho mọi thành phần trong Hội Thánh luôn ý thức bảo vệ và vun đắp sự hiệp
thông với Thiên Chúa và với nhau, cùng nỗ lực loan báo lòng thương xót cho thế
giới.
2. Đời
sống gia đình ngày hôm nay đang bị khủng hoảng trầm trọng. Chúng ta cùng nài
xin Lòng Chúa Thương Xót luôn nâng đỡ để các gia đình đang gặp đau khổ và thử
thách sớm vượt qua mọi khó khăn, mau tìm lại được bình an và hạnh phúc.
3. Giáo
dục gia đình là nền tảng cho đời sống đức tin và nhân bản. Chúng ta cùng cầu
xin Chúa cho các bậc cha mẹ luôn chu toàn bổn phận trong gia đình là yêu thương
chăm sóc con cái, và quan tâm dạy dỗ con cái cho nên người và nên thánh.
4. Thảo
hiếu cha mẹ là nét đẹp của truyền thống dân tộc và cũng là giới răn của Thiên
Chúa. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người trong cộng đoàn chúng ta luôn biết
sống trọn đạo làm con, để luôn được Chúa yêu thương và ban nhiều ơn lành hồn
xác.
Chủ tế: Lạy Thiên Chúa là Cha rất nhân
từ, xin thương đoán nhìn gia đình Chúa đang sốt sắng cầu nguyện, và giúp chúng
con cảm nghiệm được Chúa luôn ở kề bên chăm sóc và nâng đỡ cuộc sống chúng con.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Chủ đề :
Gia đình gương mẫu
"Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn lớn
và thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta"
và thêm ơn nghĩa trước mặt Thiên Chúa và người ta"
(Lc 2,52)
Sợi chỉ đỏ
Các bài đọc trong Thánh lễ
này đều nêu gương những gia đình thánh thiện
- Bài đọc I (1 Sm
1,20-22.24-28) nêu gương gia đình Ông Elqana, bà Anna và trẻ Samuen.
- Bài Tin Mừng (Lc 2,41-52)
tường thuật vài nét sinh hoạt của gia đình Thánh Giuse, Đức Maria và Chúa
Giêsu : khi cả nhà lên đền thờ Giêrusalem và khi về sống chung tại
Nadarét.
- Trong bài đọc II (1 Ga
3,1-2.21-24), Thánh Gioan so sánh liên hệ giữa Thiên Chúa với loài người như
một gia đình, trong đó Thiên Chúa là Cha và chúng ta là con.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Con Thiên Chúa đã sinh ra
làm người và sống trong một gia đình. Gia đình của Ngài gồm có Thánh Giuse, Đức
Mẹ Maria và Ngài. Một gia đình rất thánh thiện, gương mẫu. Hôm nay dâng lễ mừng
kính Thánh Gia, chúng ta hãy học nơi các Ngài những đức tính cần có trong cuộc
sống gia đình, và chúng ta xin các Ngài ban ơn cho gia đình chúng ta.
II. Gợi ý sám hối
- Chúng ta hãy ăn năn sám
hối vì những thiếu sót của chúng ta đối với những người trong gia đình mình.
- Chúng ta hãy ăn năn sám hối
vì chưa dành chỗ xứng đáng cho Chúa trong gia đình mình.
- Chúng ta hãy ăn năn sám
hối vì những gương xấu mà gia đình mình đã gây ra cho những gia đình chung
quanh.
III. Lời Chúa
1. Bài đọc I : 1 Sm
1,20-22.24-28
Vợ chồng Anna và Elqana son
sẻ, nhờ cầu xin Chúa nên cuối cùng sinh được đứa con trai, đặt tên là Samuel.
Vì ý thức rằng con cái là ơn
ban của Chúa, cho nên vừa sinh con thì hai ông bà đã đem nó dâng cho Chúa.
2. Đáp ca : Tv 83
Đây là một Thánh Vịnh hành
hương. Điều đáng chúng ta lưu ý là mặc dù hôm nay là lễ Gia đình, nhưng Phụng
vụ đã chọn đọc một Thánh vịnh hành hương "Lạy Chúa Tể càn khôn, cung điện
Ngài siết bao khả ái. Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi, mong tới được khuôn viên
đền vàng… Phúc thay người ở trong Thánh điện". Nghĩa là : ngoài ngôi
nhà gia đình, chúng ta còn một ngôi nhà khác, đó là Nhà Chúa.
3. Tin Mừng (Lc 2,41-52)
a/. Tường thuật chuyện Thánh
gia hành hương lên Giêrusalem dự lễ Vượt qua :
- Luật hành hương chỉ buộc
những "nam nhân", tức là người nam và từ 13 tuổi (tuổi được luật pháp
công nhân là trưởng thành) trở lên. Thế mà cả Đức Mẹ và Chúa Giêsu năm đó mới
12 tuổi cũng đi.
- Lễ Vượt qua kéo dài 7
ngày. Nhưng luật chỉ buộc dự 3 ngày đầu thôi, những ngày sau tuỳ ý. Thánh gia
đã dự cho đến "xong kỳ lễ".
Như thế, Thánh Gia đã giữ
luật đạo rất chín chắn, hơn cả mức đòi buộc của Luật.
b/. Sau khi kỳ lễ đã xong,
trong khi mọi người ra về thì Chúa Giêsu còn ở lại trong Đền thờ. Khi cha mẹ
tìm gặp Ngài thì Ngài đáp "Con có bổn phận ở nhà của Cha con". Qua
thái độ và lời nói này, Chúa Giêsu muốn chuẩn bị cho cha mẹ Ngài biết và chấp
nhận rằng Ngài còn có bổn phận đối với Chúa Cha.
c/. Nhưng Chúa Giêsu không
phải là một đứa con bất hiếu, bởi vì Tin Mừng thuật tiếp rằng "Sau đó Ngài
cùng cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài".
4. Bài đọc II : 1 Ga
3,1-2.21-24
Thánh Gioan lưu ý rằng chúng
ta là con cái Thiên Chúa. Vì thế hãy mạnh dạn đến với Thiên Chúa là Cha chúng
ta, mặt khác hãy tuân giữ các giời răn của Ngài, nhất là giới răn yêu thương
nhau.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Những bài học từ Lời
Chúa hôm nay
a/ Từ bài đọc I : (1)
Con cái là ơn ban của Chúa : Vợ chồng Anna và Elqana ý thức rằng đứa con
của họ là ơn ban của Chúa, vì thế nên vừa sinh con ra thì họ đã đem lên Đền thờ
dâng hiến cho Chúa. (2) Ý hướng của đứa con : Khi lớn lên cậu bé Samuen đã
từ giã gia đình vào đền thờ Silô dâng mình cho Chúa. Cha mẹ nào cũng có những ý
định cho tương lai con cái. Nhưng cha mẹ không thể thay con cái mà sống cuộc
đời của nó. Vì thế Cha mẹ cũng phải tôn trọng chọn lựa của con. (3) Ơn gọi của đứa
con : Chúa đã gọi Samuel, cậu đã đáp lời, cha mẹ cậu chẳng những không
ngăn cản mà còn đưa con vào sống trong đền thờ để tạo điều kiện thuận lợi cho
cậu đáp lời Chúa gọi.
b/ Từ bài Tin Mừng :
(1) Chuyện trẻ Giêsu ở lại Đền thờ khiến Thánh Giuse và Đức Mẹ lo lắng cho thấy
dù là đối với một gia đình tốt lành thánh thiện đến mức nào đi nữa, vẫn không
tránh khỏi những buồn phiền, va chạm. Tuy nhiên gia đình thánh thiện biết giải
quyết và vượt qua những lúc u tối đó bằng cách làm theo ý Thiên Chúa. (2) Ta thường
nói rằng trẻ Giêsu bị lạc mất trong Đền thờ. Thực ra Chúa Giêsu không đi lạc
vào một nơi xa lạ, mà Ngài đến ở trong Nhà của Cha Ngài. Điều này cho chúng ta
thấy ngoài ngôi nhà ở gia đình, chúng ta còn một ngôi nhà khác nữa, là Nhà Thờ,
Nhà của Cha trên trời. Nhiều kẻ vô phúc không nhà không cửa đã tìm được hạnh
phúc khi đến với Chúa trong Nhà thờ ; nhiều người ngột ngạt khổ sở ở nhà
mình đã tìm được an ủi và sức mạnh trong Nhà thờ.
c/ Từ bài đọc II :
Thánh Gioan nhắc nhở rằng : cũng như Chúa Giêsu vừa là con của Thánh Giuse
và Đức Mẹ, vừa là con của Thiên Chúa, thì chúng ta cũng thế. Đừng quên mình là
con Thiên Chúa nên hãy sống thân mật với Ngài và sống theo giới luật yêu thương
Ngài dạy.
* 2. "Mất con"
Tiến trình lớn lên của đứa
con có thể khiến cho cha mẹ cảm thấy như mình dần dần bị mất con. Câu chuyện
Tin Mừng hôm nay giúp ta hiểu thêm nhiều khía cạnh tâm lý về vấn đề này :
- "Xong kỳ lễ, hai ông
bà trở về, còn cậu bé Giêsu thì ở lại Giêrusalem mà cha mẹ chẳng hay
biết" : Không phải Chúa Giêsu vì mãi chơi mà ở lại. Ngài cố ý ở
lại. à Các nhà tâm lý giáo
dục lưu ý rằng khi một đứa con cứ quấn quít mãi bên cạnh cha mẹ thì đó là dấu
hiệu không tốt, cho thấy rằng dù tuổi nó đã lớn nhưng nó vẫn cảm thấy không an
toàn nên không dám tự lập. Còn khi đứa con đã an tâm về tình thương của cha mẹ
thì nó dám rời xa cha mẹ để đi khám phá thế giới của nó. Cha mẹ đừng buồn vì
chuyện đó, cũng đừng vì thế mà giảm bớt yêu thương. Thật là dễ khi yêu thương
đứa con lúc nó còn nhỏ cứ bám víu lấy mình. Nhưng khi nó lớn, bắt đầu rời xa
vòng tay che chở của mình mà mình vẫn yêu thương nó thì tình thương đó phải lớn
hơn và khéo léo hơn nhiều.
- "Sao cha mẹ lại tìm
con ? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con
sao ?" : Có lẽ thánh Giuse và Đức Mẹ – cũng như mọi cha mẹ khác
– vẫn coi Chúa Giêsu là một đứa trẻ và mãi mãi là một đứa trẻ. Lời Chúa Giêsu
nhắc nhở hai Đấng rằng Ngài đã lớn, Ngài có cuộc đời riêng của Ngài và Ngài có
bổn phận phải sống ơn gọi riêng ấy. à Khi
đứa con bắt đầu có những suy nghĩ riêng và những dự định riêng của mình, cha mẹ
đừng vội rầy là hay phản đối kẻo bóp chết đi đà phát triển của nó. Khôn ngoan
hơn, hãy lắng nghe và nếu thấy đúng thì hãy khuyến khích, tạo điều kiện.
- "Mẹ Người thì hằng
ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng" : Thánh Giuse và Đức Maria
không rầy la, nhưng im lặng và suy nghĩ. à Im lặng, lắng nghe và tìm hiểu con cái, đó
là điều mà nhiều cha mẹ không biết ; cha mẹ không lắng nghe và không tìm
hiểu, đó cũng là điều mà nhiều đứa con trách cha mẹ mình ; và cũng là mấu
chốt khiến mối liên hệ giữa cha mẹ với con cái càng thắm thiết hơn hay càng
ngày càng xấu đi.
- "Sau đó, Người đi
xuống cùng với cha mẹ trở về Nadarét và hằng vâng phục các ngài" :
Sau biến cố này, Chúa Giêsu càng thấy rõ hơn tình thương, sự lo lắng và sự tôn
trọng của cha mẹ đối với mình, nên Ngài càng yêu mến, tôn kính và vâng phục hai
đấng. à Hạnh phúc gia đình
không phải vì gia đình không gặp sóng gió. Hạnh phúc gia đình là do cha mẹ con
cái hiểu nhau, yêu thương nhau và tôn trọng nhau. Những sóng gió, va chạm nhiều
khi còn làm cho người ta hiểu nhau và thương nhau hơn, do đó hạnh phúc gia đình
càng được củng cố thêm.
* 3. Gia đình Nadarét và gia
đình chúng ta
Thánh Gia Nadarét là một gia
đình như hầu hết các gia đình khác nhưng lại khác hẳn tất cả những gia đình
khác.
Như hầu hết các gia đình gia
đình Nadarét :
- Nghèo
- Vì nghèo không có vốn đầu
tư kinh doanh, gia đình Nadarét phải lấy sức mình ra làm việc để sinh
sống : thánh Giuse làm thợ mộc, Đức Maria làm nội trợ suốt ngày bận rộn
với những việc nấu nướng, giặt giũ, may vá, quét dọn… Chúa Giêsu khi còn nhỏ
thì phụ giúp cha mẹ, lớn lên nối nghiệp thánh Giuse làm nghề thợ mộc. Đây là
một gia đình lao động, tay chân.
- Lao động tay chân thì vất
vả : đổ mồ hôi, tay chân chai sạm, quần quật suốt ngày…
- Mặc dù quần quật suốt ngày
nhưng cũng chỉ đủ ăn không dư giả. Trong Tin Mừng ta tìm thấy hai bằng chứng về
tình trạng không dư dả của gia đình Nadarét : Khi đem con đầu lòng dâng
vào Đền Thờ cùng với lễ vật theo luật định, những gia đình khác người thì dâng tiền,
người thì dâng chiên cừu, còn gia đình của thánh Giuse chỉ dâng có một đôi chim
câu là thứ lễ vật của những người nghèo. Khi đi Bêlem, hai ông bà không có tiền
thuê nhà trọ nên đành phải trú chân trong hóc đá, chỗ làm nơi tạm trú cho súc
vật. Gia đình này không dư dả.
- Vì không có dư giả nên dĩ
nhiên cũng có những lúc túng thiếu, những ngày lo âu vì miếng cơm manh áo.
- Vì túng thiếu nên dĩ nhiên
cũng không được người đời coi trọng mà còn bị khinh chê. Ta nhớ lúc Chúa Giêsu
đã đi rao giảng mà vẫn còn có người nhận xét về Ngài bằng một giọng khinh chê
"Con ông thợ mộc như thế mà là Đấng Cứu thế cái nỗi gì !"
Nhưng gia đình Nadarét lại
khác tất cả các gia đình khác :
- Khác ở chỗ tự ý chọn cuộc
sống : lao động chân tay nghèo nàn, là Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu có thể
chọn sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng Ngài đã chọn sinh ra trong một
gia đình lao động nghèo nàn như thế.
- Khác ở chỗ mặc dù nghèo
nhưng những người trong gia đình này không lục đục với nhau như thường thấy
trong các gia đình chúng ta : khi túng thiếu chúng ta sinh ra bực bội, gắt
gỏng, gia đình hay cãi và xung đột với nhau.
- Khác ở chỗ dù nghèo nhưng
không gian tham, trộm cắp như thường thấy trong nhiều gia đình khác.
Tóm lại gia đình Nadarét dù
nghèo, dù làm lụng vất vả nhưng rất hạnh phúc rất thánh thiện.
Gia đình Nadarét của thánh
Giuse, Đức Mẹ và Chúa Giêsu thật là
- một niềm hãnh diện cho các
gia đình lao động nghèo nàn.
- một nguồn an ủi khích lệ
cho các gia đình lao động nghèo nàn.
- Và là một tấm gương sáng
cho chúng ta noi theo. Nhìn vào nếp sống gia đình này ta có thể học được rất
nhiều bài học quý giá.
a/ Bài học thứ nhất
là : trong gia đình, mọi người đều phải làm việc.
Thánh Giuse làm thợ mộc, Đức
Mẹ làm nội trợ, Chúa Giêsu khi nhỏ giúp cha giúp mẹ và lớn lên cũng làm nghề
thợ mộc. Người nào việc ấy, người mạnh làm việc nặng, người yếu làm việc nhẹ,
người chưa rành thì phụ giúp những người khác, ai cũng có công việc theo khả
năng của mình.
Cổ nhân đã nói "nhàn cư
vi bất thiện" ở không thì sinh ra hư đốn làm điều không tốt. Những gia
đình giàu có ở không riết rồi chồng thì say sưa, ngoại tình, vợ thì cờ bạc,
ngồi lê đôi mách, con cái thì đua đòi, chơi bời lêu lỏng, tập tành nhiều thói
xấu. ngay cả những gia đình nghèo nhưng không biết thu xếp công việc, cho con
cái đi chơi suốt ngày thì chúng cũng hư : làm biếng, trộm cắp, ăn nói sàm
sở, chửi thề nói tục, đủ thứ…
Một số gia đình tổ chức công
việc rất khéo : con cái những đứa còn nhỏ thì giao cho chúng những việc
nhỏ, như quét nhà, rửa chén, giữ em ; những đứa lớn hơn thì tập cho chúng
may vá, nấu cơm, nuôi heo, làm gia công những đồ tiểu thủ công nghiệp… Giờ nào
học thì học, còn những giờ khác thì làm việc, ai cũng có việc nấy. Dần dần
thành nếp, mọi người đều cần cù siêng năng, biết dùng thời giờ của mình làm
việc hữu ích, biết giá trị của đồng tiền và nhờ đó biết tiết kiệm không hoang
phí, cũng không có những thói xấu như chơi bời lêu lỏng, ngồi lê đôi mách, trộm
cắp gian tham… Những gia đình biết thu xếp như vậy tuy nghèo nhưng không đến
nỗi thiếu thốn vì ai cũng siêng năng và biết xoay sở.
Ngược lại trong một số gia
đình chúng ta, cha mẹ thì làm ăn rất là vất vả nhưng con cái thì lại không tập
cho chúng làm, để chúng đi chơi hầu như suốt ngày. Chúng vừa chẳng giúp gì cho
gia đình, vừa là một gánh nặng cho gia đình, lại vừa lây nhiễm đủ thứ thói xấu
ngoài xã hội.
b/ Bài học thứ hai là ta
phải nên thánh ngay trong những việc lao động hằng ngày của chúng ta.
Có rất nhiều người than rằng
vì bận rộn làm ăn nên đạo hạnh bê trễ. Đây là một quan niệm sai lầm, tách đời
ra khỏi đạo, chia cách việc làm với đạo đức. Dĩ nhiên người bận rộn làm việc
thì không có nhiều giờ để đọc kinh, để đến nhà thờ. Nhưng mỗi sáng dành ra vài
phút để cầu nguyện, mỗi tối dành vài phút cầu nguyện nữa, Chúa nhật thu xếp đi
lễ khoảng hơn 1 tiếng đồng hồ, như vậy đâu phải là nhiều. Và thậm chí nếu mình
quá bận rộn thực sự để không thể làm những việc đó thì Chúa cũng không bắt tội
chúng ta, Chúa chỉ bắt tội lười không có thể làm mà không làm thôi. Vả lại sống
đạo đâu phải chỉ là đọc kinh cầu nguyện, mà là đem tinh thần đạo vào chính cuộc
sống của mình.
- Người sống đạo thật không
đợi đến lúc tới nhà thờ mới nhớ tới Chúa, nhưng họ luôn dâng mọi việc họ làm
hằng ngày cho Chúa, kết hợp với Chúa trong chính công việc của mình.
- Người sống đạo thật cố
gắng tránh những cám dỗ trong khi làm việc : cám dỗ làm cẩu thả, gian dối,
cám dỗ lười biếng, cám dỗ trộm cắp. Như vậy vừa làm việc họ vừa rèn luyện đạo
đức và lập công trước mặt Chúa.
- Người sống đạo thật biến
việc làm hằng ngày thành những công nghiệp, những lễ vật dâng lên Thiên Chúa và
họ nên thánh bằng chính những công việc họ làm.
Chúa Giêsu đã dùng 30 năm
trong số vỏn vẹn 33 năm ở trần gian để sống trong gia đình Nadarét, để làm việc
lao động chân tay cực nhọc. Điều đó rất có ý nghĩa : Chúa muốn cho chúng
ta thấy giá trị thánh thiện của việc lao động hằng ngày và Chúa muốn nêu gương
cho chúng ta. Chúng ta hãy nhớ dạy cho con cháu mình biết làm việc cần cù siêng
năng, và chúng ta hãy tự thánh hóa đời mình bằng chính những công việc hằng
ngày.
4. Những cánh cửa mở ra phía
nhân loại
Anh sáng soi cho các dân
tộc.
Thánh Luca là người Hy lạp.
Ngài loan báo tin mừng cho đồng bào mình và đôi khi ngài phải chống lại những
Kitô hữu gốc Do thái cứ muốn bắt những tân tòng người nước ngoài phải tuân giữ
luật lệ và lễ nghi Do thái. Khi trình thuật sự kiện "Đức Bà dâng Con trong
đền thờ", thánh Luca có dụng ý cho ai nấy hiểu rằng, sứ điệp tin mừng
không chỉ dành riêng cho dân Israel, mà được gởi cho hết mọi người đàn ông, mọi
người phụ nữ trên toàn thế giới.
Vì vậy mà việc "dâng
con" thay vì chỉ là việc riêng của gia đình diễn ra trong vòng ấm cúng
thân mật, lại trở nên một biến cố có liên quan đến cả loài người mọi nơi mọi
thời. Cái nghi thức theo truyền thống chỉ là nghi thức thanh tẩy người mẹ, lại
trở thành cuộc biểu dương sứ mệnh đặc biệt của người con, như nói với cả thế
giới rằng : Đây là Đấng Thiên Sai sắp khai trương một thời đại mới. Hai cụ
già Simêon và Anna tượng trưng cho các thế hệ mòn mỏi chờ mong Đấng Cứu Thế.
Cha mẹ Chúa Giêsu, Mẹ Maria
và thánh Giuse là những người miền Bắc, người Nadaréth và lễ cung hiến người
con lại diễn ra tại Giêrusalem, trong Đền Thờ. Đó là những chi tiết mang nhiều
ý nghĩa. Giêrusalem là thành Thánh có Đền Thờ làm trung tâm. Chính tại Đền Thờ,
Chúa Giêsu nhận được tước hiệu là Cứu Chúa muôn dân, là ánh sáng soi cho các
dân ngoại, là sự biểu hiệu của Thiên Chúa vô hình.
Ơn cứu độ không thể bị cất
giấu trong một đền thờ duy nhất cho dù đền thờ ấy có uy thế lẫy lừng cách mấy.
Mà cả vũ trụ sẽ là đền thờ. Đền Thờ sẽ là tấm lòng của bất cứ người nào đón nhận
Lời của Thần Khí. Thánh Luca cho biết, Đức Mẹ và thánh Giuse rất đổi ngạc
nhiên. Mà các ngài ngạc nhiên cũng phải, vì các ngài lên đền thờ chỉ để cử hành
một nghi thức gia đình, vậy mà lại vỡ lở ra thành lời tụng ca của muôn người
muôn thế hệ.
Trong niềm vui được tin Đấng
Thiên sai đến, lại có lẫn nỗi lo âu. Đấng có sứ mạng gom các dân tộc về một
mối, một dân tộc duy nhất gồm những người anh em, thì lại nên dấu chỉ cho sự
chia rẽ.
Bởi vì những kẻ từ chối Đấng
Thiên Sai phổ quát (cho cả loài người, chứ không riêng dân Israel) sẽ nổi lên
chống lại Ngài. Những người cứ khăng khăng không muốn thoát ra khỏi những cái
khung suy nghĩ hẹp hòi, những cái khung đức tin và cuộc sống thiển cận, cũng sẽ
nổi lên chống lại ngài, chứ không muốn theo chân Ngài đi gặp gỡ mọi người,
thuộc mọi tiếng nói mầu da, chủng tộc, để sống với nhau trong tình anh em.
Ngày nay, những hình thái
mới của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lao động và giải trí, đang khiến các
gia đình lung lay.
Mừng lễ Thánh Gia Thất, liệu
chúng ta sẽ đón nhận Đấng Thiên sai của thời mới, Đấng có những lời lẽ phát
minh và sáng tạo ? Lễ này cho chúng ta biết rằng gia đình theo Chúa Giêsu
có những cánh cửa mở ra phía gia đình nhân loại bao la rộng lớn (CgvDt, số đặc
biệt Giáng sinh ’99)
5. Gia đình là trường học
Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ nhà ở
gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn, khóc, về nhà cũng bắt chước đào,
chôn, lăn, khóc. Bà mẹ thấy thế, nói : chỗ này không phải chỗ con
ta ở. Rồi dọn nhà ra gần chợ.
Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy
người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước cách buôn bán đảo điên. Bà mẹ
thấy thế, lại nói :
"Chỗ này cũng không
phải chỗ con ta ở. Bèn dọn nhà đến ở cạnh trường học.
Thầy Mạnh Tử ở gần trường
học, thấy trẻ đua nhau học tập lễ phép, về nhà cũng bất chước học tập lễ phép.
Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói : "Chỗ này là chỗ con ta ở đây.
Một hôm, thầy Mạnh Tử thấy
nhà hàng xóm giết lợn, về hỏi mẹ : "Người ta giết lợn làm gì
thế. Bà mẹ nói đùa : "Để cho con ăn đấy". Nói
xong, bà nghĩ lại, hối rằng : "Ta nói lỡ mồm rồi. Con ta thơ ấu,
tri thức mới mở mang mà ta nói dối nó, thì chẳng ra ta dạy nó nói
dối hay sao !". Rồi bà đi mua thịt lợn, đem về cho con ăn
thật.
Lại một hôm thầy Mạnh Tử
đang đi học, bỏ học về nhà chơi. Bà mẹ đang ngồi dệt cửi, trông thấy, liền cầm
dao cắt đứt tấm vải đang dệt trên khung, mà nói rằng : "Con
đang đi học, mà bỏ học, thì cũng như mẹ đang dệt tấm vải này mà cắt đứt như
vậy". Từ hôm đó, thầy Mạnh Tử học tập rất chuyên cần. Về sau
thành một bậc đại hiền. Thế chẳng là nhờ công giáo dục quí báu của bà mẹ hay sao ?
Thánh Gia Thất là mẫu gương
giáo dục tuyệt vời cho các gia đình cũng như cho các cộng đồng tu viện.
Thánh Gia Thất là trường
huấn luyện cho Chúa Giêsu, chuẩn bị ngày lãnh nhận sứ mạng Chúa Cha giao phó.
Thánh gia thất là chuẩn mực
chính xác nhất cho các người cha, người mẹ và con cái trong gia đình.
Giuse đích thực là một người
cha : Sáng ngời trong đức tin mạnh mẽ, nêu cao niềm phó thác cậy trông và
tận tình chăm lo cho trẻ Giêsu cùng mẹ thánh Người. Người làm chủ gia đình với
tinh thần đầy trách nhiệm, và siêng năng cần cù lao động, trong làng quê nghèo
Nadarét.
Maria chính là người
mẹ : Gương mẫu trong đời sống nội tâm, và sâu lắng trong tâm tình cầu
nguyện. Mẹ chính là người nội trợ đảm đang, chu toàn công việc gia đình, và
chăm sóc dạy dỗ con trẻ Giêsu.
Chúa Giêsu là người con thảo
hiếu : "Hằng vâng phục cha mẹ" Giuse và Maria,
lớn lên mỗi ngày trong sự khôn ngoan và nhân đức, nhất là luôn lo việc "bổn
phận ở nhà Cha".
Gia đình là nền tảng của xã
hội. Gia đình có thuận hoà, thì xã hội mới an vui. Lễ Thánh Gia chính là lễ của
mọi gia đình. Noi gương Thánh Gia Thất, các gia đình chúng ta luôn sống có trật
tự trên dưới, liên đới trong tình hiệp thông, và chăm lo cho nhau trong tình
yêu thương đầm ấm.
Con Thiên Chúa chỉ ra giảng
đạo có ba năm, nhưng đã phải chuẩn bị ở mái trường Nadarét suốt ba mươi năm.
Nadarét là trường dạy cầu nguyện dạy lao động, dạy yêu thương.
Nadarét là một vùng quê hẻo lánh, nhưng lại mang một mái ấm tình thương. Mái ấm
Nadarét rất đỗi bình thường, nhưng cũng lại rất khác thường.
Một mái ấm luôn chan hoà bầu
khí yêu thương và đạo hạnh.
Một mái ấm luôn ngập tràn
tiếng cười vui vì hạnh phúc.
Một mái ấm mà các thành viên
luôn để ý quan tâm cho nhau
Muốn có hạnh phúc trong mái
ấm gia đình, trước tiên phải có Chúa hiện diện.
Mái ấm Nadarét luôn hạnh
phúc vì lúc nào cũng có Chúa ở giữa Giuse và Maria. Nếu mỗi gia đình chúng ta
đều mời được Chúa đến ở trong gia đình thì chính Người sẽ là dây liên kết để
chúng ta yêu thương nhau, là sức mạnh để chúng ta vượt thắng mọi sóng gió, là
mẫu gương để chúng ta nhẫn nhịn và tha thứ cho nhau.
Muốn có hạnh phúc trong mái
ấm gia đình, mỗi người chúng ta cũng hãy sống cho đúng cương vị của mình là
cha, là mẹ, là chồng là vợ, là con cái. Thánh Phaolô khuyên : "Hỡi
các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng
hãy thương yêu vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng
lời cha mẹ trong mọi sự. Vì đó là đẹp lòng Chúa " (Cl
3,21)
*
Lạy Chúa, là nguồn mọi tình
yêu, chúng con cảm tạ Chúa đã cho chúng con tấm gương Thánh Gia Thất, làm khuôn
mẫu cho mọi quan hệ giữa vợ với chồng, giữa cha mẹ và con cái, giữa anh chị em
trong gia đình. và giữa cộng đoàn tu viện với nhau.
Xin cho chúng con biết kính
trọng và yêu thương Nhau, không phán xét khi hồ nghi, không kết án khi chưa
tường, không phụ rẫy khi còn cứu vãn được, nhưng thông cảm và tìm hiểu, nâng đỡ
và tha thứ, và trên hết luôn tìm sống theo thánh ý Chúa. Amen (TP)
6. Hy sinh cho con cái
Có câu nói "Một người
mẹ có thể chăm sóc cho 10 đứa con. Nhưng 10 đứa con không chăm sóc nổi một
người mẹ". Chúng ta hãy suy nghĩ xem câu nói này đúng không.
Một con chim mẹ có một con
chim con. Chim mẹ thương yêu chim con vô cùng. Mùa đông đến, các loài chim phải
rời xứ lạnh để bay đến những xứ ấm áp hơn. Chim mẹ biết chim con còn yếu không
bay xa nổi nên cõng con trên lưng. Ban đầu chim mẹ còn khoẻ nên bay khá nhanh.
Nhung sau một đoạn đường dài, chim mẹ mệt và cảm thấy đứa con trên lưng mình
ngày càng nặng, nhưng vẫn cố bay. Tuy nhiên một ngày kia chim mẹ đuối sức nên
đành phải đáp xuống nghỉ. Trong lúc nghỉ ngơi, chim mẹ hỏi chim con :
"Con ơi, hãy nói thật cho mẹ nghe nhé. Sau nay khi mẹ đã già, không còn
sức bay về phía nam ngang qua những đại dương bao la thì con có cõng mẹ trên
lưng như mẹ đang làm cho con bây giờ không ?" Chim con trả lời :
"Con e rằng không mẹ ạ !". Chim mẹ ngạc nhiên hỏi tiếp :
"Sao vậy ?". Chim con lại đáp : "Vì khi đó, con phải
cõng con của con".
Câu trả lời của chim con gợi
cho ta thấy hai điều :
a/ Một sự thật phũ
phàng : Cha mẹ nào cũng hết lòng thương con và hy sinh tất cả vì con.
Nhưng con cái thì đáp lại không được bao nhiêu. Ca dao Việt Nam có câu :
"Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng, con nuôi cha mẹ tính tháng tính
ngày".
b/ Một quy luật tự
nhiên : Cũng có câu "Nước luôn chảy xuống". Cũng như dòng nước
luôn chảy xuống thấp chứ không chảy lên cao. Chảy xuống là chảy xuôi, còn chảy
lên là chảy ngược. Cha mẹ yêu thương con cái và hết lòng chăm sóc con cái là
quy luật tự nhiên.
Trước hai điều hiển nhiên
trên, chúng ta phải làm sao ? Một mặt, chúng ta hãy làm tất cả những gì có
thể làm được để đền đáp công ơn trời biển của cha mẹ ; và mặt khác chúng
ta hãy hết lòng chăm sóc con cái chúng ta. Hết lòng chăm sóc con cái mình cũng
là một cách để đền đáp công ơn cha mẹ trước đây đã hết lòng chăm sóc mình vậy.
7. Chuyện minh họa
a/ Làm thế nào chịu thế ấy
Một Cha sở ở miền núi trước
khi lên giường ngủ quỳ xuống quay mặt về hướng nghĩa địa và cầu nguyện. Đêm yên
lặng, những nấm mộ chập chờn trong bóng tối, những cây thánh giá lô nhô trong
nghĩa địa. Tất cả những cái đó làm cho ngài cầu nguyện thật sốt sắng. Một đêm
kia ngài nghe có tiếng chân người và tiếng đá rơi. Trong bóng tối ngài thấy một
hình người đang trèo lên thành nghĩa địa và đi giữa những nấm mồ. Một kẻ
trộm ? Một tên điên ? Qua đêm thứ tư, ngài núp sau một cây, ngài thấy
rõ người lạ mặt đến quỳ trước ngôi mộ và khóc than thảm thiết : "Cha
ơi, cha có tha cho con không ? Cha nói đi, cha nói đi"
Cha sở nhìn kỹ và biết đó là
một người bổn đạo trong họ. Người này đã ngỗ nghịch làm cho người cha phiền
muộn quá đến chết đi.
- Ồ con, con còn bị cắn rứt
không thể nào ngủ được sao ?
Người bổn đạo khiếp sợ quá
nhưng khi nhận ra tiếng cha sở thì định thần lại nói :
- Thưa cha, con không được
bằng an chút nào cả. Hình ảnh cha con đang tức giận luôn theo dõi con.
- Con biết con đã xử tệ với
cha con, con cái của con cũng sẽ xử tệ với con như vậy. Ngày mai con hãy đem
con cái đến đây và xin chúng đừng bắt chước gương xấu của con đã làm.
10 năm sau, người bổn đạo đó
chết và được chôn cất trong nghĩa địa ấy. Trong khi cha sở đang làm phép mộ,
con cái ông ta lên tiếng nhạo báng và chửi rủa. Ôi các bạn trẻ, đừng bao giờ
quên truyện này. (Trích "Phúc")
b/ Không phải khách
Một bé gái 5 tuổi. Sau khi làm dấu ăn cơm, được mẹ dậy nên em thường nói :
"Lạy Chúa Giêsu, xin dùng cơm với gia đình chúng con !" Lần đó,
em đột ngột ngó mẹ, nói :
- Mẹ ơi, con không muốn Chúa
là khách nhà mình.
- Sao vậy con ?
- Vì khách thỉnh thoảng mới
đến. Con muốn Chúa ở luôn đây cơ !
c/ Bận lắm !
Một thiếu niên phải ra trước vành móng ngựa vì tội làm bạc giả. Vị thẩm phán
biết rõ gia đình em. Bố em là một luật gia nổi tiếng, từng viết nhiều bài báo
nói về "Sự thật". Vị thẩm phán hỏi :
- Cháu có nhớ bố mình
không ? Người bố mà cháu đã bôi nhọ thanh danh của ông.
- Có, cháu nhớ ông ấy rất
rõ. Nhưng mỗi khi cháu muốn lại gần xin bố chỉ dạy, bố cháu thường mắng :
"Nhóc con, cút đi, tao bận lắm !" Bố cháu thường dành hết thời
giờ cho công việc, ít quan tâm đến cháu, nên giờ cháu mới ra thế này.
Vị luật gia thường viết về sự thật, nhưng lại quên mất sự thật lớn lao nhất là
con mình. Thật là sai lầm.
V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em
thân mến, bà Anna đã cầu nguyện với lòng tin mãnh liệt và Chúa đã ban cho bà
một đứa con trai mà bà đã kiên trì khấn xin. Cùng với bà Anna, chúng ta hãy
khẩn cầu Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót :
1. Ngày hôm nay có rất nhiều trẻ em bị tổn thương
tình cảm vì cha mẹ ly dị / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các vị mục
tử / luôn quan tâm và tìm mọi cách nâng đỡ những trẻ em bất hạnh này.
2. Nhiều gia đình tan vỡ vì gặp cảnh hiếm
muộn / hoặc đôi khi niềm tin bị lung lay vì cái chết của đứa con yêu
quý / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các bậc cha mẹ xác tín rằng /
Chúa luôn yêu thương hết thảy mọi con cái của Người.
3. Một trong những tội ác làm thiệt hại cho đời
sống hôn nhân và gia đình / đó là vấn đề đồng tình luyến ái / Chúng
ta hiệp lời cầu xin Chúa / thức tỉnh những ai đang sống trong tình trạng
sai trái này.
4. Để tình yêu được bền vững / và hạnh phúc
gia đình được bảo đảm / việc học hỏi giáo lý hôn nhân là một việc làm hết
sức cần thiết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các thanh niên nam nữ trong
giáo xứ chúng ta / biết tích cực chuẩn bị trước khi kết hôn.
Chủ tế : Lạy Chúa, xin
ban thêm ơn trợ giúp cho các bậc làm cha làm mẹ, để giữa muôn vàn thử thách
trong đời sống hôn nhân và gia đình, các ngài vẫn có thể luôn chu toàn bổn phận
giáo dục nhân bản và đức tin cho con cái của mình. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước Kinh Lạy Cha :
Ngoài gia đình tự nhiên, người kitô hữu chúng ta còn có được một gia đình siêu
nhiên trong đó Thiên Chúa là Cha, mọi người là anh em với nhau, và Chúa Giêsu
là anh cả. Trong tình nghĩa gia đình ấy, chúng ta hãy dâng lên Thiên Chúa lời
kinh Lạy Cha.
VII. Giải tán
Sau khi được khuyến khích
bởi tấm gương gia đình Nadarét, giờ đây anh chị em trở về sống với gia đình
mình và các gia đình hàng xóm. Anh chị em hãy sống theo gương thánh gia. Chúc
anh chị em bình an.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio: Lễ Thánh Gia
(C)
Chúa
Nhật, 27 Tháng 12, 2015
Đức Maria và Thánh Giuse tìm thấy Chúa Giêsu
Ngồi giữa các luật sĩ trong Đền Thờ tại Giêrusalem
Lc
2:41-52
1. Lời
nguyện mở đầu.
Lạy
Cha ở trên trời, Cha là Đấng tác tạo của con, Cha đón tiếp con qua Chúa Giêsu
Kitô, Con của Cha, Cha hướng dẫn con bởi Chúa Thánh Thần. Xin hãy
soi sáng tâm trí con để con có thể hiểu thấu được ý nghĩa của đời sống Cha đã
ban cho con, chương trình kế hoạch Cha đã dành cho con và cho những ai mà Cha
đã đặt ở bên cạnh con. Xin hãy nhen nhúm ngọn lửa trong tim con để
con có thể đi theo sự mặc khải của Cha một cách vui vẻ và nhiệt thành. Xin
hãy gia tăng sức mạnh cho ý chí yếu đuối của con, xin liên kết nó với ý muốn của
những người khác, để mà cùng nhau, chúng con có thể thi hành thánh ý Cha và từ
đó xây dựng thế giới như một đại gia đình ngày càng giống hình ảnh Cha
hơn. Cha là Đấng hằng sống hằng trị đến muôn thuở muôn đời. Amen.
2. Đọc
Lời Chúa: Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca 2:41-52
41 Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ
Vượt Qua. 42 Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha
mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. 43 Và
khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem
mà cha mẹ Người không hay biết. 44 Tưởng rằng Người ở
trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm
Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. 45 Nhưng
không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. 46 Sau
ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến
sĩ, nghe và hỏi các ông. 47 Tất cả những ai nghe Người nói
đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại. 48 Nhìn
thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi,
sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm
Con". 49 Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại
sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con
ư?" 50 Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người
nói. 51 Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nagiarét, và
Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng.
52 Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân
sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.
3. Giây
phút thinh lặng cầu nguyện
Để
cho Lời Chúa thấm nhập vào tâm hồn và soi sáng đời sống chúng ta.
4. Suy
Gẫm: Một vài câu hỏi gợi ý
Để
hướng dẫn việc suy gẫm và thực hành của chúng ta.
Tại
sao Thánh sử Luca cho chúng ta biết câu chuyện này trong cuộc đời của Chúa
Giêsu? Điểm nổi bật, trọng tâm của đoạn Tin Mừng này nằm ở
đâu? Có những lần khi mối quan hệ gia đình (cộng đoàn) trở nên căng
thẳng và khó khăn và những sự hiểu lầm xảy ra. Chúng ta có đi tìm sự
tự trị và độc lập không? Người nào hoặc điều gì đã trở nên quan trọng
hơn tại một thời điểm đặc biệt nào đó trong đời sống chúng ta? Chúng
ta có thể sắp xếp một cách có tôn ti những mối quan hệ của chúng ta, việc tự khẳng
định của chúng ta, những giá trị của chúng ta, những nhiệm vụ của chúng ta và đức
hạnh chúng ta không? Ngày nay, chúng ta thường tìm thấy các gia đình
“mở rộng” (các cộng đồng đa sắc tộc) với những kế mẫu, kế phụ, vợ chồng, con
cái, anh chị em, ông bà, cha mẹ bên vợ/chồng. Chúng ta có thể tin cậy
vào ai? Chúng ta có thể phục tùng một người không hay chỉ là sự phản
kháng?
5. Chìa
khóa dẫn đến bài đọc
Chúng
ta tìm thấy mình trong số những câu chuyện được gọi là thời thơ ấu theo Tin Mừng
Luca (các chương 1-2). Đây là đoạn cuối cùng, đúng ra là lời tựa về
thần học và Kitô học hơn là về lịch sử, nơi chúng ta được trình bày với các họa
tiết để sau này tái xuất hiện trong giáo lý của thánh Luca: Đền Thờ,
cuộc hành trình tiến về Giêrusalem, mối quan hệ phụ-tử thiên tính, người nghèo
khó, Chúa Cha đầy lòng thương xót, v.v. Bây giờ đọc lại phần này, ở
trong thời thơ ấu đó của Chúa Giêsu đã thấy xuất hiện những dấu hiệu về cuộc đời
tương lai của Người. Đức Maria và thánh Giuse đem Chúa Giêsu đến
thành Giêrusalem để tham dự vào một trong ba chuyến hành hương (lễ Vượt Qua, lễ
Ngũ Tuần và lễ Lều) theo quy định của Lề Luật Môisen (Đnl
16:16). Trong bảy ngày mừng lễ, người ta tham dự vào việc phụng tự
và lắng nghe các giáo sĩ Do Thái thảo luận dưới hàng hiên của Đền Thờ. “Cậu
bé Giêsu ở lại trong Đền Thờ Giêrusalem”, thành phố Chúa đã chọn cho ngai tòa của
Người (2V 21:4-7); Gr 3:17; Dcr 3:2), và là nơi Đền Thờ được dựng lên (Tv
68:30; 76:3; 135:21), nơi thờ phượng duy nhất của người Do Thái (Ga
4:20). Giêrusalem là nơi mà “tất cả những gì đã được viết bởi các
ngôn sứ liên quan đến Con Người sẽ được thực hiện” (Lc 18:21), là nơi “ra đi của
Người” (Lc 9:31, 51; 24:18) và về những lần xuất hiện của Người sau khi sống lại
(Lc 24:33, 36-49). Cha mẹ Người “đã đi tìm kiếm Người” một cách lo lắng
và bối rối (44, 45, 48, 49). Làm thế nào mà có thể để lạc mất người
con, không hay biết rằng Chúa Giêsu không ở trong đám người đồng hành được? Có
phải Đức Kitô là Người đã đi theo người ta không hay là ngược lại? “Ba
ngày sau” “cuộc thương khó” kết thúc và ông bà tìm thấy Đức Giêsu tại Đền Thờ,
đang ngồi giữa các luật sĩ, giảng dạy trước sự kinh ngạc của tất cả mọi người. Đặc
tính của sứ vụ của Người bắt đầu mở ra và sứ vụ này được tóm tắt trong những lời
đầu tiên mà Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng của Luca “Tại sao cha mẹ lại tìm
con? Cha mẹ không biết rằng con phải lo công việc của Cha con
ư?” Nhưng Cha của Người là ai? Tại sao lại đi tìm Người? Theo
sách Tin Mừng Luca, đây cũng chính là người cha được nhắc đến trong những lời
sau cùng của Chúa Giêsu trên cây thập giá “Lạy Cha, con xin phó thác hồn con
trong tay Cha” (23:46) và lúc Người lên trời “Và giờ đây Thầy sẽ gửi cho anh em
điều Cha Thầy đã hứa” (24:49). Hơn hết cả, chúng ta phải tìm cách
vâng lời Thiên Chúa, như ông Phêrô cũng đã hiểu thấu sau ngày lễ Ngũ Tuần (Cv
5:29), tìm kiếm Vương Quốc Thiên Chúa và công lý của Người (Mt 6:33), tìm kiếm
Chúa Cha trong lời cầu nguyện (Mt 7:7-8), tìm kiếm Đức Giêsu (Ga 1:38) và đi
theo Người. Chúa Giêsu công bố sự lệ thuộc của Người – “Con phải” –
dựa vào Chúa Cha trên trời của Người. Người mặc khải về Chúa Cha
trong lòng nhân lành bao la của Người (Lc 15), nhưng cũng vì đó Người tạo ra một
khoảng cách, một sự rạn nứt với gia đình của Người. Trước tất cả các
mối quan hệ tình cảm, các thực hiện cá nhân, các công việc riêng tư… là chương
trình của Thiên Chúa. “Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa
con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha” (Lc
22:42). Lời tiên tri của ông Simêon (Lc 2:34) bắt đầu xảy ra cho Đức
Mẹ, “nhưng hai ông bà không hiểu”. Việc thiếu hiểu biết của cha mẹ
Người cũng là của các môn đệ liên quan đến việc báo trước cuộc thương khó
(18:34). Phản kháng ư? Vâng phục ư? Bỏ đi
ư? Thánh Luca viết rằng Chúa Giêsu “theo hai ông bà trở về Nagiarét,
và Người sống vâng phục hai ông bà”, và Đức Maria “đã ghi nhớ những việc đó
trong lòng”. Thái độ của Đức Maria biểu lộ sự tiến triển đức tin của
một người đang phát triển và tiến bộ trong kiến thức về sự mầu nhiệm. Chúa
Giêsu mặc khải rằng việc vâng phục Thiên Chúa là điều kiện cần thiết để làm
tròn đời sống của một người, một cách để chia sẻ trong gia đình và trong cộng
đoàn. Việc vâng phục Chúa Cha là điều khiến chúng ta là trở thành anh chị
em, nó dạy cho chúng ta biết tuân phục lẫn nhau, để lắng nghe nhau và nhận biết
chương trình của Thiên Chúa trong nhau. Một bầu không khí như thế tạo
ra các điều kiện cần thiết để tăng trưởng “trong sự khôn ngoan, trong vóc dáng
và trong ân sủng của Thiên Chúa và trước mặt người ta” và cùng đồng hành với
nhau.
6. Cầu
Nguyện: Thánh Vịnh 83 (84)
Bài thánh ca của kẻ hành
hương
Lạy
Chúa Tể càn khôn, cung điện Ngài xiết bao khả ái.
Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi
mong tới được khuôn viên đền vàng.
Cả tấm thân con cùng là tấc dạ
những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.
Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ,
ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm,
cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con
bên bàn thờ của Chúa!
Phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.
Lúc trẩy qua thung lũng Khô Cằn,
họ biến nó thành nguồn suối nước,
mưa đầu mùa đổ phúc lộc chứa chan.
Càng tiến lên, họ càng mạnh bước
đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on.
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin đoái nghe lời con cầu nguyện.
Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Giacóp!
Mảnh hồn này khát khao mòn mỏi
mong tới được khuôn viên đền vàng.
Cả tấm thân con cùng là tấc dạ
những hướng lên Chúa Trời hằng sống mà hớn hở reo mừng.
Lạy Chúa Tể càn khôn là Đức Vua, là Thiên Chúa con thờ,
ngay chim sẻ còn tìm được mái ấm,
cánh nhạn kia cũng làm tổ đặt con
bên bàn thờ của Chúa!
Phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
Phúc thay kẻ lấy Ngài làm sức mạnh,
ấp ủ trong lòng giấc mộng hành hương.
Lúc trẩy qua thung lũng Khô Cằn,
họ biến nó thành nguồn suối nước,
mưa đầu mùa đổ phúc lộc chứa chan.
Càng tiến lên, họ càng mạnh bước
đến chiêm ngưỡng Chúa Trời ngự trên núi Xi-on.
Lạy CHÚA là Chúa Tể càn khôn,
xin đoái nghe lời con cầu nguyện.
Xin lắng tai, lạy Chúa nhà Giacóp!
7. Chiêm
Niệm: Lời nguyện kết
Lạy
Cha, Chúa tể trời đất, con xin cảm tạ Cha, vì Cha đã mặc khải cho con lòng nhân
hậu và tình yêu lân tuất của Cha. Cha thật sự là Đấng duy nhất có thể
ban cho con đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống con. Con yêu mến cha con,
nhưng Người chính là Cha của con; con yêu mến mẹ con, nhưng Người chính là Mẹ của
con. Ngay cả khi con không biết tình yêu thương của cha mẹ con, thì con biết
rằng Cha là Tình Yêu, Cha ở bên cạnh con và Cha đang chờ đợi con trong ngôi nhà
muôn đời mà Cha đã dọn sẵn cho con từ thuở tạo dựng vũ trụ. Xin Cha
ban cho con, cùng với những thân bằng quyến thuộc trong gia đình con, cho anh
chị em con, cho tất cả những ai trong cộng đoàn đang đồng hành với con, xin cho
chúng con có thể làm theo ý Cha như báo trước trên thế gian và sau đó tận hưởng
sự kỳ diệu của tình yêu Cha trên thiên đàng. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét