Trang

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Đấng Cứu Độ Đã Sinh Ra Cho Anh Em: Người Là Đấng Kitô Đức Chúa!

Đấng Cứu Độ Đã Sinh Ra Cho Anh Em: Người Là Đấng Kitô Đức Chúa!

Thời đệ nhị thế chiến 1939-1945 vào tháng 12 năm 1944 hai địch quân Anh - Đức cùng trấn đóng nơi chiến tuyến. Hai đội quân đối diện nhau nơi hầm trú chỉ ngăn cách bằng hàng rào kẽm gai. Thỉnh thoảng vài bóng người xuất hiện nhanh chóng nơi mảnh đất không thuộc về ai. Nhưng phần đông các binh sĩ thuộc hai đội quân địch thù đều thích ở yên trong hầm trú giữa nước và bùn do thời tiết giá lạnh của tháng 12 gây ra. Cả hai bên đều cẩn thận ẩn tránh các làn đạn của quân địch.
 Tối 24-12 Vọng Lễ Giáng Sinh năm ấy - 1944 - khí trời thật lạnh và đầy sương mù. Bỗng các binh sĩ Anh kinh hoàng khi trông thấy ánh đèn từ từ chiếu sáng dọc theo hầm trú của quân địch Đức. Tiếp đến lại vang lên cung điệu không thể nào ngờ được của một bài Thánh Ca!!! Các binh sĩ Đức đang cất tiếng hát Bài Ca Giáng Sinh bất hủ ”Stille Nacht - Đêm Thánh Vô Cùng” lời của Joseph Mohr (1792-1848) và nhạc của Franz Xaver Gruber (1787-1863)!!! Khi các binh sĩ Đức chấm dứt Bài Ca Giáng Sinh Đêm Thánh Vô Cùng thì các binh sĩ Anh tức khắc đáp lại cũng bằng một bài Thánh Ca Giáng Sinh bất hủ ”First Christmas - Giáng Sinh Đầu Tiên” được sáng tác vào năm 1426.
 Cuộc hát Thánh Ca Giáng Sinh đối đáp giữa hai địch quân Đức - Anh kéo dài trong vòng một tiếng đồng hồ. Rồi một tiếng nói cất lên kêu mời cả hai đoàn binh địch thù Đức - Anh hãy vượt qua lằn ranh ngăn cách đôi bên. Một binh sĩ Đức thật gan dạ tự rời khỏi hầm trú đầu tiên - băng qua khoảng đất trống không thuộc về ai - tiến đến gần hầm trú của quân địch Anh. Một vài binh sĩ đồng chủng với người lính Đức cũng đi theo bạn với hai tay đút vào túi như dấu chứng họ không có khí giới nào hết. Một người lính Đức cất tiếng hỏi:
 - Tôi thuộc về giống dân saxon (Nhật-nhỉ-man) còn các anh cũng thuộc về giống dân anglo-saxon. Vậy tại sao chúng ta lại đánh giết lẫn nhau?
 Vào bình minh trong sáng và giá lạnh của Ngày Lễ Giáng Sinh 25-12-1944 hoàn toàn không có tiếng súng. Cả hai đội quân địch Anh - Đức tự động thiết lập một Ngày Hòa Bình. Một tinh thần mạnh hơn cả chiến tranh đang hoạt động, một người lính có mặt hôm ấy đã bình luận như thế. Thế nhưng, các tướng lãnh của cả hai đội quân địch thù không chấp thuận ngưng chiến. Họ biết rõ rằng tình thân hữu giữa các kẻ thù tuyên chiến có lẽ sẽ ngăn chận chiến tranh. Tuy vậy cuộc ngưng chiến vẫn tiếp tục. Ngay cả đàn chim hoang - trước đó đậu nơi khu đất biến thành bãi chiến trường - đã bỏ đi nay lại bay trở về và được các binh sĩ Anh - Đức cùng cho ăn.
 Có lẽ sẽ có hơn 9 triệu người được cứu sống nếu các binh sĩ Đức và Anh cùng có thể lắng nghe và vâng theo ước nguyện thân hữu và hòa bình, hầu cuộc ngưng chiến được kéo dài, chứ không phải chấm dứt ngay sau ngày Lễ Giáng Sinh 25-12-1944!
Một người lính Anh có mặt trong Ngày Lễ Giáng Sinh đáng ghi nhớ ấy đã sống thọ đến năm 85 tuổi. Mãi cho đến ngày cuối đời, cứ mỗi độ Lễ Giáng Sinh về và nghe bài Thánh Ca ”Stille Nacht - Đêm Thánh Vô Cùng” là ông không thể nào cầm được nước mắt. Ông nhớ đến những binh sĩ Đức mà ông được có như Bạn trong Ngày Lễ Giáng Sinh năm đó nơi chiến tuyến. Chỉ là Bạn trong vòng duy nhất Ngày Lễ Giáng Sinh ấy, bởi vì sau đó thì chiến tranh tiếp tục. Bạn trở thành Thù và cả hai bên đều giết chết lẫn nhau!
 ... Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. Bỗng sứ thần Chúa đứng bên họ và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. Nhưng sứ thần bảo họ: ”Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đavít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa. Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen THIÊN CHÚA rằng: ”Vinh danh THIÊN CHÚA trên Trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm” (Luca 2,8-14).
 (”La Mia Messa”, 1 Ottobre 2011 - 31 Dicembre 2011, Anno V/A, vol.IV, Casa Mariana Editrice, trang 470-472)
 Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét