Ngày 31 tháng
12
(Trong Tuần
Bát Nhật Lễ Chúa Giáng Sinh)
Bài Ðọc I: 1 Ga 2, 18-21
"Các con được Ðấng Thánh xức dầu, và các con biết mọi sự".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Hỡi các con, đây là giờ sau hết. Các con đã nghe biết là sẽ có Phản-Kitô
đến, thì nay đã có nhiều Phản-Kitô xuất hiện, do đó chúng ta biết rằng đây là
giờ sau hết. Họ ở giữa chúng ta mà ra, nhưng không thuộc về chúng ta, vì nếu họ
thuộc về chúng ta, thì họ vẫn còn ở với chúng ta. Như vậy để chứng tỏ rằng
không phải tất cả mọi người đều thuộc về chúng ta.
Còn các con, các con được Ðấng Thánh xức dầu, và các con biết mọi
sự. Ta viết cho các con, không phải vì các con không biết sự thật, nhưng vì các
con biết sự thật, và phàm là dối trá thì không (thể) do sự thật mà có.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2. 11-12. 13
Ðáp: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan (c. 11a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới. Hãy ca mừng Thiên
Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người,
ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. - Ðáp.
2) Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan. Biển khơi và
muôn vật trong đó hãy reo lên. Ðồng nội và muôn loài trong đó hãy mừng vui, các
rừng cây hãy vui tươi hớn hở. - Ðáp.
3) Trước nhan Thiên Chúa, vì Người ngự tới, vì Người ngự tới cai
quản địa cầu. Người sẽ cai quản địa cầu cách công minh, và chư dân cách chân
thành. - Ðáp.
Alleluia: Dt 1, 2
Alleluia, alleluia! - Ngày thánh đã dọi ánh sáng trên chúng ta.
Hỡi các dân, hãy tới thờ lạy Chúa, vì hôm nay ánh sáng chan hoà đã toả xuống
trên địa cầu. - Alleluia.
Phúc Âm: Ga 1, 1-18
"Ngôi Lời đã làm người".
Bắt đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa,
và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thuỷ.
Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác
thành trong mọi cái đã được tác thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống
là sự sáng của nhân loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp
nhận sự sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan. Ông đã đến nhằm
việc chứng minh, để ông chứng minh về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà
tin. Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn
có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người
vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận
biết Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không
tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ
được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. Những
người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của
đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng
tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được
bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.
Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng: "Ðây là Ðấng
tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước
tôi". Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới
ơn khác.
Bởi vì Chúa ban Lề luật qua Môsê, nhưng ơn thánh và chân lý thì
ban qua Ðức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một
Chúa, Ðấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mạc khải cho chúng ta.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Ngôi Lời Ðã Hóa Thành Nhục Thể
Khởi đầu Tin Mừng của thánh Gioan đã cho chúng ta thấy xuất xứ của
Ðức Giêsu Kitô bởi Thiên Chúa mà ra. Ðức Giêsu Kitô được sinh ra không do xác
thịt, cũng không bởi ý muốn của người đàn ông kết hợp với người đàn bà, nhưng bởi
Thiên Chúa. Cho nên Ðức Maria đã thắc mắc với thiên thần Gabriel: "Chuyện ấy
xảy ra thế nào được vì tôi không biết đến người nam". Thiên thần Gabriel
đã giải thích cho Ðức Maria: "Chúa Thánh Thần đến với Trinh Nữ và uy quyền
Ðấng Tối Cao sẽ bao phủ Trinh Nữ. Vì thế, Ðấng Trinh Nữ sinh ra sẽ là Ðấng
Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa".
Vậy, Ðức Kitô sinh ra bởi quyền phép Thiên Chúa và được gọi là
Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, Ngài mặc lấy thân xác con người như chúng ta và
như Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu với các môn đệ của ông: "Ðây Chiên Thiên
Chúa, đây Ðấng xóa tội trần gian" và ông cũng làm chứng bằng lời nói sau
đây: "Ðây là Ðấng tôi tiên báo, Người đến sau tôi nhưng xuất hiện trước
tôi, vì Người có trước tôi".
Theo lẽ thường bà chị họ của Ðức Maria là Elizabeth mang thai
Gioan Tẩy Giả trước sáu tháng, thì Gioan được nhìn nhận là sinh ra trước Chúa
Giêsu. Nhưng Gioan Tẩy Giả lại nói: "Ngài có trước tôi", nghĩa là
Gioan muốn nói lên bản tính Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô.
Như vậy qua đoạn Tin Mừng này, Gioan Tẩy Giả muốn dẫn chứng cho
chúng ta con người của Chúa Giêsu Kitô có hai bản tính:
- Bản tính Thiên Chúa.
- Bản tính nhân loại.
Xét theo bản tính Thiên Chúa: thì từ nguyên thủy đã có Ngài,
Ngài vẫn ở với Thiên Chúa và Ngài vẫn là Thiên Chúa. Vì Chúa Giêsu là Thiên
Chúa cho nên mọi vật đều được Người làm nên, và nếu không có Người thì không có
vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành. Nơi Ngài có sự sống
và chính Người là Thiên Chúa.
Theo bản tính nhân loại: Chúa Giêsu đã được sinh ra ở làng quê
Belem bé nhỏ, nước Do Thái do một Trinh Nữ tên là Maria và một dưỡng phụ là
Giuse. Chúa Giêsu đã sống ẩn dật ba mươi năm ở Nazareth, ba năm đi rao giảng nước
Thiên Chúa rồi cũng bị bắt bớ, đánh đập và chết trên Thập Giá, an táng trong
huyệt đá như mọi người đều biết.
Trong cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, Ngài luôn luôn nhắc nhở
đến sứ mệnh là phải chu toàn công việc Cha Ngài ủy thác, Ngài luôn luôn đề cao
sự kết hợp mật thiết giữa Ngài với Chúa Cha và cả hai cùng làm việc không ngừng.
Ngài cũng nhắc đến Chúa Thánh Thần sẽ được sai đến để tiếp tục công việc cứu rỗi
của Ngài ở trần gian cho đến khi Ngài lại đến.
Chúa Giêsu đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại, vì trước Chúa
Giêsu, chưa có ai nhận được ơn cứu rỗi kể từ lúc Adam và Evà phạm tội. Vì thế,
bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến sự sung mãn của Chúa Giêsu mà hết thảy chúng ta
được tiếp nhận từ ơn này tới ơn khác. Bởi vì Chúa ban lề luật qua Môisen, nhưng
ơn thánh và chân lý thì được ban qua Ðức Giêsu Kitô.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, thánh sử đã giúp chúng ta thêm niềm
tin vào Ðức Kitô là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa đã đến làm người để
đem ơn cứu rỗi đến cho nhân loại tội lỗi.
Lạy Chúa, trong Mùa Giáng Sinh năm nay, xin Chúa cho mỗi người
chúng con thêm vững niềm tin để chúng con xác tín mạnh mẽ hơn: Ngôi Hai Thiên
Chúa Nhập Thể đem tình thương tha thứ vô biên đến cho mỗi người chúng con. Xin
cho chúng con sống thực sự với mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa làm
người ở với chúng con. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Ngày 31 tháng
12, BNGS
Bài đọc: I Jn
2:18-21; Jn 1:1-18.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Những kẻ
Phản-Kitô là những người từ chối tiếp nhận Đức Kitô.
Đối diện với sự xuất hiện của Đức Kitô, con người buộc phải tỏ
thái độ: tin hay không tin. Tùy thuộc vào thái độ này, con người tự chọn cho
mình phải hư đi hay đạt tới cuộc sống đời đời. Thiên Chúa không cần phán xét
con người, nhưng Ngài để cho con người tự phán xét lấy. Điều này đã rõ ràng
trong Tin Mừng Gioan: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai
tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy,
Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng
là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người,
thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào
danh của Con Một Thiên Chúa” (Jn 3:16-18).
Các bài đọc hôm nay xoay chung quanh việc từ chối tiếp nhận Đức
Kitô. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan đề cập đến những kẻ Phản-Kitô và cuộc giao
chiến cuối cùng của các Kitô hữu với những kẻ này. Trong Phúc Âm, Thánh Gioan
tường thuật hai phản ứng của con người khi Ngôi Lời xuất hiện: (1) Có những kẻ
từ chối tiếp nhận Người: “Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người mà
có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà mình, nhưng người nhà chẳng
chịu đón nhận” (Jn 1:10-11). (2) Nhưng nếu ai tiếp nhận Người thì Người ban cho
họ quyền làm con Thiên Chúa (Jn 1:12).
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Cuộc chiến cuối cùng với những kẻ Phản-Kitô
1.1/ Cuộc chiến với những kẻ Phản-Kitô:
(1) Giờ cuối cùng là khi nào? Có 2 ý kiến khác nhau:
- Thời gian trước Ngày Tận Thế: Từ thời các Tông-đồ, con người
luôn cố gắng đóan xem khi nào Ngày Tận Thế xảy ra: Thánh Phaolô trong Thư gởi
tín hữu Thessalonica I đã tiên đóan Ngày này sẽ xảy ra trong tương lai gần;
nhưng sau đó, ngài đã xét lại sự tiên đóan này trong các Thư: Thessalonica II, chương
2; và Corintô I, chương 7.
- Thời gian từ lúc Đấng Cứu Thế đến cho tới Ngày Tận Thế: Đây là
ý kiến được đa số công nhận hơn vì được Chúa Giêsu nói tới nhiều lần trong các
Tin Mừng. Chính Chúa Giêsu đã quả quyết: Ngày ấy chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng khi
nào xảy ra không ai biết, trừ một mình Thiên Chúa Cha. Vì không ai biết khi nào
Ngày đó xảy ra, nên mọi người phải luôn chuẩn bị.
(2) Ai là kẻ Phản-Kitô? Giới từ anti có 2 nghĩa
trong tiếng Hy-Lạp: chống lại hay thay chỗ của. Vì thế từ Phản-Kitô cũng có 2 ý
nghĩa:
- Kẻ chống lại Đức Kitô: những ai trực tiếp và đơn giản chống lại
Ngài, chẳng hạn: các bè rối chống thiên tính hay nhân tính của Đức Kitô hay Con
Thú trong Sách Khải Huyền.
- Kẻ muốn thay thế chỗ của Đức Kitô: những ai muốn thay thế chỗ
của Đức Kitô cách gián tiếp và không minh bạch, chẳng hạn: thay vì chỉ cho mọi
người tới với Chúa, họ lợi dụng những gì Chúa nói để chỉ vào mình hay từ từ đưa
con người xa Chúa.
1.2/ Dấu để nhận ra kẻ Phản-Kitô:
(1) Là người ở giữa chúng ta: không phải là quỉ vương ra đời như
nhiều người lầm tưởng. Thánh Gioan chỉ rõ: “Chúng xuất thân từ hàng ngũ chúng
ta, nhưng không phải là người của chúng ta; vì nếu là người của chúng ta, chúng
đã ở lại với chúng ta. Nhưng như thế mới rõ: không phải ai ai cũng là người của
chúng ta.” Vì kẻ Phản-Kitô lẫn lộn trong cộng đồng, nên các tín hữu cần cẩn thận
đề phòng, vì khó nhận ra họ.
(2) Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta nhận ra kẻ Phản-Kitô: “Phần
anh em, anh em nhận được dầu, do tự Đấng Thánh, và tất cả anh em đều được ơn hiểu
biết. Tôi đã viết cho anh em, không phải vì anh em không biết sự thật, nhưng vì
anh em biết sự thật, và vì không có sự dối trá nào phát xuất từ sự thật.” Chúa
Thánh Thần là sự thật, chính Ngài sẽ giúp các tín hữu nhận ra ai là kẻ Phản-Kitô.
2/ Phúc Âm: Người ở giữa thế gian, nhưng thế gian lại không nhận biết Người.
2.1/ Ngôi Lời tỏ mình cho thế gian: Thánh Gioan nêu ra ít là 3
cách Ngôi Lời đã tỏ mình:
(1) Trong việc tạo dựng: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành,
và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành. Điều đã được tạo thành ở nơi
Người là sự sống, và sự sống là ánh sáng cho nhân loại.” Con người có thể nhận
ra Thiên Chúa qua việc tạo dựng và quan phòng.
(2) Qua nhân chứng Gioan: “Có một người được Thiên Chúa sai đến,
tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ
ông mà tin.” Gioan Tẩy Giả là nhân chứng đã biết và đã chỉ cho dân chúng thấy
khi Ngài xuất hiện: “Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian” (Jn 1:29).
(3) Qua biến cố Nhập Thể: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư
ngụ giữa chúng ta. Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang
mà Chúa Cha ban cho Người, là Con Một đầy tràn ân sủng và sự thật.” Các Tông-đồ
đã nhìn thấy Ngôi Lời bằng xương thịt. Ngài đã ở giữa họ, đã dạy dỗ, và đã làm
bao phép lạ để chứng tỏ uy quyền của Ngài. Thánh-sử Gioan làm chứng cho chúng
ta, những người không có kinh nghiệm nhìn thấy Chúa, trong cả Phúc Âm và Thư của
ngài.
2.2/ Phản ứng của con người: Có 2 phản ứng chính:
(1) Từ chối và không tin Ngài: “Người ở giữa thế gian, và thế
gian đã nhờ Người mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Người đã đến nhà
mình, nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận.” Có những người không nhìn thấy sự
hiện diện của Thiên Chúa qua việc tạo dựng. Họ cũng chẳng nhận ra Thiên Chúa
qua Mầu Nhiệm Nhập Thể. Sau cùng, họ cũng chẳng tin vào lời các người làm chứng
cho Thiên Chúa. Thời của Chúa cũng như thời nay, vẫn có những hạng người này.
(2) Tiếp nhận và tin vào Ngài: “Còn những ai đón nhận, tức là những
ai tin vào danh Người, thì Người cho họ quyền trở nên con Thiên Chúa. Họ được
sinh ra, không phải do khí huyết, cũng chẳng do ước muốn của nhục thể, hoặc do
ước muốn của người đàn ông, nhưng do bởi Thiên Chúa.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải tin vào Đức Kitô để được làm con Thiên Chúa và để
đạt được cuộc sống đời đời.
- Con người tự phán xét lấy mình trong việc lựa chọn tin hay
không tin vào Đức Kitô.
- Chúng ta phải cẩn thận đề phòng những kẻ Phản-Kitô: những người
từ chối Đức Kitô, những người mạo nhận danh nghĩa của Ngài, và những người muốn
thay Ngài bằng những điều khác.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
31/12/15 THỨ NĂM TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Th. Sin-vét-tê I, giáo hoàng
Ga 1,1-18
Th. Sin-vét-tê I, giáo hoàng
Ga 1,1-18
Suy niệm: Vụ
án mạng đầu tiên được thuật lại trong Thánh Kinh là vụ Ca-in giết em là A-ben.
Mặc dù luật Mô-sê qui định “ai giết người, kẻ ấy sẽ phải
chết” (Lv.
24,17), Thiên Chúa đã không xử tử hình Cain, hay đúng hơn, việc thi hành án
được ‘treo’ lại, để Người ‘xử’ một cách ‘rốt ráo’ qua việc Con Thiên Chúa phải
‘lưu đày’ xuống trần gian trước khi ‘thụ án’ tử hình trên thập giá. Nếu như
nhiều học giả coi Phúc Âm Gio-an được trình bày như bút lục của vụ án Giêsu thì
phần mở đầu Phúc Âm hôm nay có thể nói là đúc kết lời tuyên án, một lời tuyên
án có hậu cho loài người: Con Thiên Chúa làm người để chúng ta được tái hưởng “quyền làm con Thiên Chúa”.
Mời Bạn: Quyền
làm người quá lớn đến nỗi không tội lỗi nào kể cả tội nguyên tổ có thể xoá bỏ
được, bởi vì ngay từ khi con người được tạo dựng, quyền làm người đã bao hàm
quyền làm con Thiên Chúa. Công việc nhập thể làm người của Đức Kitô là để phục
hồi trọn vẹn cho chúng ta quyền làm người và làm con Thiên Chúa. Quyền làm
người ngày nay đang bị xúc phạm nặng nề: từ phá thai đến an tử và mọi thứ áp
bức bất công. Là kitô hữu, bạn được mời gọi tiếp bước Đức Ki-tô bảo vệ quyền
làm người từ lúc thụ thai đến hơi thở cuối cùng.
Sống Lời Chúa: Tích
cực tham gia hoạt động bảo vệ sự sống con người.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đã hơn 2.000 năm, Chúa giáng sinh làm người để phục hồi
cho chúng con phẩm giá làm con cái Chúa; thế mà ngày nay người ta vẫn còn chà
đạp lên nhân phẩm của nhau. Xin cho con biết thao thức và hành động để nhân
phẩm được tôn trọng hơn.
Ngôi Lời đã thành người
Con Thiên Chúa đã đến với
thế giới này như nhà của Ngài. Chỉ cần nhận biết, tin vào Ngài, đưa Ngài vào
nhà là chúng ta được trở nên con cái Thiên Chúa.
Suy niệm:
Ông Soren Kierkegaard, một
triết gia người Đan Mạch, kể chuyện sau.
Một vị vua bỗng dưng đem
lòng thương cô thôn nữ nghèo.
Ông tin rằng mình có thể
dùng quyền vua để cưới cô ấy làm vợ.
Nhưng ông lại sợ cô lấy ông
chỉ vì nể phục chứ không yêu.
Như thế tương quan giữa hai
người không được trọn vẹn.
Sau khi suy nghĩ, ông thấy
chỉ có cách là thực sự từ bỏ ngai vàng,
trở thành một anh nông dân
nghèo, và bày tỏ tình yêu mình cho cô.
Vị vua biết làm thế là liều
lĩnh, vì ông có thể mất cả cô lẫn ngôi báu.
Cô có thể chê chàng nông
dân, hay chê quyết định dại dột của vị vua.
Nhưng nhà vua vẫn dám liều,
vì ông quá yêu cô thôn nữ,
và ông muốn đây là một mối
tình thực sự.
Câu chuyện cảm động trên đây
đưa ta vào chuyện tình
đã xảy ra giữa Ngôi Lời
Thiên Chúa và nhân loại.
Ngôi Lời còn cao trọng hơn
vị vua kia bội phần.
Ngài là Thiên Chúa Con Một,
dựng nên vạn vật (cc. 3. 18).
Ngài là Đấng duy nhất thấy
Thiên Chúa và ở trong lòng Thiên Chúa,
nên chỉ Ngài mới có thể bày
tỏ Thiên Chúa cho nhân loại (c.18).
Ngài tràn đầy ân sủng và sự
thật, sự sống và ánh sáng (cc. 3. 14).
Tất cả những điều ấy là quà
tặng của Ngôi Lời cho con người.
Nhưng quà tặng lớn lao và
bất ngờ nhất làm ta ngỡ ngàng, reo vui,
đó là biến cố Ngôi Lời trở
nên người phàm và ở giữa chúng ta (c. 14).
Con Thiên Chúa trở nên con
của loài người và mang tên Giêsu (c. 17).
Ngài mang khuôn mặt của ta,
đứng chung một dòng tiến hóa với ta.
Ngài dựng lều trên trái đất,
một hành tinh bé xíu nhưng tuyệt vời,
vì đã được ghi dấu chân Con
Thiên Chúa.
Ông Luther viết: “Ngài đã
ăn, uống, ngủ, thức;
Ngài đã cảm thấy chán nản,
biết buồn, biết vui.
Ngài khóc, cười, đói, khát;
Ngài đổ mồ hôi; Ngài vất vả, cầu nguyện,
đến nỗi giữa Ngài với ta
không có dị biệt nào, tuyệt nhiên không,
ngoại trừ Ngài là Thiên Chúa
và Ngài vô tội.”
Khác với vị vua không muốn
làm vua nữa để thành nông dân,
Ngôi Lời khi thành người vẫn
là Con Thiên Chúa dưới dạng tự hủy.
Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa
thật và là người thật.
Nếu Ngài chỉ là một con
người hay một bậc vĩ nhân,
thì Ngài chỉ đáng ta kính
trọng chứ không phụng thờ.
Nếu Ngài chỉ là một Thiên
Chúa đội lốt người, chứ không là người thật,
thì Ngài không thể cứu độ và
thần hóa con người.
Lễ Giáng sinh là lễ hội của
mọi người trên mặt đất
vì Con Thiên Chúa đã muốn
chia sẻ phận người của chúng ta.
Ngài đã đến với thế giới này
như nhà của Ngài (cc. 9. 11).
Chỉ cần nhận biết, tin vào
Ngài, đưa Ngài vào nhà (cc. 10-12)
là chúng ta được trở nên con
cái Thiên Chúa.
Hơn hai ngàn năm đã trôi
qua, Đức Giêsu vẫn đứng ngoài để chờ.
Có ai mở cửa cho Ngài không?
(Kh 3, 20).
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của
loài người,
con của trái đất, con của
một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của
Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập
giá.
Xin cho chúng con biết yêu
mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn
lạc hậu
sau những năm dài chiến
tranh,
một quê hương đang mở ra
trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản
sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha
ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm
mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện
nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước
nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật
cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng
con.
Ước gì chúng con biết phục
vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi
tay.
Và ước gì chúng con biết
khiêm tốn
cộng tác với muôn người
thiện chí.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
31 THÁNG MƯỜI HAI
Vượt Qua Lý Lẽ Để Nắm Bắt Mầu Nhiệm
Thiên Chúa đã trở thành xác phàm vì chúng ta! Ngôi Lời Thiên
Chúa đã trở thành một con người như chúng ta. Vì thế, cả trong lịch sử nhân loại
lẫn trong cuộc đời riêng mỗi người, chúng ta được bảo đảm rằng Người luôn luôn
hiện diện với chúng ta bằng tình yêu của Người, bằng ơn cứu độ của Người và bằng
sự quan phòng của Người.
Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng Giáng Sinh đòi hỏi đức tin, vì
Giáng Sinh là một mầu nhiệm. Bằng lý luận, chúng ta sẽ chẳng thể nào hiểu được
vì sao Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến thế. Những người chăn chiên đã được
trao cho một dấu chỉ. Họ sẽ gặp thấy Người trong một máng cỏ. Hài Nhi Giêsu được
Mẹ Người đặt nằm trong một máng cỏ: một dấu chỉ hết sức thấp hèn, một dấu chỉ về
sự khiêm hạ vô cùng của Thiên Chúa. Trí khôn nào cắt nghĩa được điều đó! Thì
ra, để đón nhận sứ điệp của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc muôn loài, chúng ta phải gạt
mọi lý luận qua một bên. Chỉ có lòng khiêm tốn, tín thác và cung kính tôn thờ,
chúng ta mới có thể hiểu và tiếp nhận được sự khiêm hạ đầy năng lực cứu độ của
Thiên Chúa.
Vì thế, hình ảnh máng cỏ thấp hèn ấy phải được chúng ta chiêm ngắm
mỗi ngày. Nguyện xin Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se cầu thay nguyện giúp cho chúng
ta – để chúng ta biết khiêm cung tôn thờ Chúa và biết đặt trọn lòng tin tưởng
nơi Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
Ngày 31/12
1Ga 2, 18-21; Ga 1, 1-18.
Lời Suy Niệm: “Từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta
đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác. Quả thế, Lề luật đã được Thiên Chúa ban
qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật, thì nhờ Đức Giêsu KiTô mà có.”
Nhờ Lề Luật của Thiên Chúa ban qua Môsê, mà con người được trở
nên dân của Ngài: “Ta sẽ ghi vào lòng dạ chúng, Ta sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề
luật của Ta. Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng, còn chúng sẽ là dân của Ta” (Gr
31,33). Lề Luật của Thiên Chúa còn làm cho con người trở thành con người hơn:
“Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt Thần Khí mới vào lòng các
ngươi. Ta sẽ bỏ đi trái tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các
ngươi quả tim bằng thịt” (Ed 36,26) Lề Luật của Thiên Chúa làm cho con người được
sống trong tình yêu của Ngài: “Ta sẽ lập với ngươi môt hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ
lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và thương
xót.” (Hs 2,21). Với lời hứa và ý muốn của Thiên Chúa, Ngài đã thực hiện qua đời
sống, lời nói, việc làm, sự thương khó và Phục Sinh của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tạ ơn tình thương và ân sủng của Chúa
đã ban cho chúng con, xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con có trái
tim bằng thịt, để thực hiện đức ái.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 31-12: Thánh SILVESTRÔ I
Giáo Hoàng (+335)
Thánh Silvestrô kế vị Thánh Miltiades làm giáo hoàng năm 314,
sau khi Constantinô đã trả lại tự do cho Kitô giáo bằng sắc lệnh Milanô ít lâu.
Có lẽ chính Ngài đã rửa tội cho Gustantinô, và đã chữa cho ông khỏi bệnh củi và
nhà vua đã dâng cho Đức Silvestrô công trường Latêranô.
Cả một khối truyền thuyết cho Ngài là một thày thuốc, một nhà thần
học, một luật gia. Nhưng có lẽ Ngài đã không phải như vậy.
Điều chắc chắn là Ngài đã cai quản Giáo hội dưới thời vua
Constantino và đã góp phần vào việc xây dựng những đại thánh đường.
Cũng vào thời Ngài, cuộc ly khai của phái Dônatô và sự sai lầm của
phái Atiô đã gây nên nhiều tai hoạ lớn lao cho Giáo hội. Cộng đồng Nicêa năm
325 dưới thời Ngài đã chặn đứng những tai hoạ ấy.
Ngài qua đời năm 335 và được mai táng tại nghĩa trang Priscilla,
đường Salaria.
(daminhvn.net)
31 Tháng Mười Hai
Lẽ Sống
Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được
một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử
loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc
điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa,
nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn
chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửa. Ông rất ân hận
vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông
muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con
người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết
sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần
làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử
thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách.
Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch
sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vua. Nhưng vừa
nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy
không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy
ban làm việc thêm một thời gian nữa. Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể
tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách
vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh.
Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên
trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôi. Vị
trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch
sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi
chết". Nhà vua gật đầu. Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn
nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng
rồi trút hơi thở cuối cùng.
Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua với không biết
bao đói khổ, chiến tranh, chết chóc cho nhân loại cũng như cho chính bản thân,
có lẽ cũng có nhiều người đi đến kết luận bi quan như viên trưởng ban tu sử
trong câu chuyện trên đây: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".
Ði qua một đoạn đường trong cuộc lữ hành trần gian, Giáo Hội muốn
chúng ta mặc lấy thái độ hân hoan và lạc quan. Bài ca trên môi miệng của chúng
ta trong ngày hôm nay không phải là bài ca bi ai, tả oán, mà phải là bài ca
"Te Deum", ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa. Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa bởi
vì vinh quang của Ngài là con người được sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống
chứ không phải của người chết.
Không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta
luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt. Bởi
vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch
sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết, mà là Sự Sống. Bên kia khổ
đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Còn tâm tình nào xứng hợp trong ngày cuối năm cho bằng cảm tạ và
phó thác. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của
Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài là Ðường,
là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng ta. Cảm tạ và phó thác cho Chúa vì cuộc sống
này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Gioan
1:1-18
Thứ Năm, 31 Tháng 12, 2015
Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Cha nhân từ,
Chúa đã ban cho chúng con Con của Chúa là Đức
Giêsu Kitô
Và đã để cho Người chia sẻ sự nghèo khó của
chúng con.
Người đã đem đến cho chúng con hết ân sủng này
đến ân sủng khác,
Vì tất cả những gì đến từ Chúa đều là món quà
nhưng không.
Xin Chúa chấp nhận lời tạ ơn của chúng con
Về những lúc chúng con đã lãnh nhận những quà
tặng của Chúa
Và đã chia sẻ chúng với nhau.
Xin Chúa chấp nhận lời cảm tạ của chúng con
Về những lần chúng con chăm chú lắng nghe lời
của Con Chúa
Và đem chúng vào thực hành.
Xin Chúa giúp cho chúng con bước tới phía
trước với hy vọng và lòng hân hoan
Với sự mừng vui và khuyến khích lẫn nhau
Với người bạn đồng hành trong cuộc sống mà
Chúa đã ban cho chúng con,
Là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Tin Mừng – Gioan 1:1-18
Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời vẫn
ở với Thiên Chúa, và Ngôi Lời vẫn là Thiên Chúa. Người vẫn ở với
Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy. Mọi vật đều do Người làm nên, và
không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác
thành. Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân
loại; sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.
Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là
Gioan. Ông đã đến nhằm việc chứng minh, để ông chứng minh về sự
sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. Chính ông không phải là sự sáng,
nhưng đến để chứng minh về sự sáng. Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi
tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này. Người vẫn ở trong thế
gian, và thế gian đã do Người tác tạo và thế gian đã không nhận biết
Người. Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã
không tiếp nhận Người. Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người,
thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào
danh Người. Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt,
cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.
Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người đã
cư ngụ giữa chúng tôi, và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh
quanh Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân
lý.
Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng
rằng: “Đây là Đấng tôi tiên báo. Người đến sau tôi, nhưng
xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi”. Chính do sự sung mãn
Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác.
Bởi vì Chúa ban Lề Luật qua Môisen, nhưng ơn
thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu Kitô. Không ai nhìn thấy
Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự trong Chúa Cha, sẽ mặc khải cho
chúng ta.
3. Suy Niệm
- Lời Tựa là điều đầu tiên mà người ta
thấy khi mở sách Tin Mừng của Gioan. Nhưng nó lại là điều sau cùng được
ghi xuống. Đó là lời tóm tắt cuối cùng, được đặt tại trang
đầu. Trong đó, thánh Gioan mô tả đường lối của Ngôi Lời Thiên
Chúa. Ngôi Lời đã ở bên cạnh Thiên Chúa, trước khi mọi vật được tạo
thành, và nhờ Người mà muôn vật được tác tạo. Tất cả mọi vật hiện
hữu là do lời phán truyền của Ngôi Lời Thiên Chúa. Như khi xảy ra
với Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa (Cn 8:22-31), cũng trong cùng một cách Ngôi
Lời muốn được gần gũi hơn với chúng ta và trở thành xác phàm trong con người
của Đức Giêsu. Người đến ở giữa chúng ta, thực hiện sứ vụ của mình
và trở về với Thiên Chúa. Đức Giêsu là Ngôi Lời Thiên
Chúa. Mọi việc Người nói và làm là sự thông tri mặc khải Chúa Cha
cho chúng ta.
- Trong câu nói: “Từ nguyên thủy đã có
Ngôi Lời”, thánh Gioan nhắc lại câu đầu tiên của Kinh Thánh nói
rằng: “Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St
1:1). Thiên Chúa tạo dựng tất cả trời đất bằng Lời của
Người. “Người ra lệnh truyền, tất cả được dựng nên”
(Tv 33:9; 148:5). Tất cả mọi tạo vật là do lệnh truyền của Ngôi Lời
Thiên Chúa. Ngôi Lời Thiên Chúa hằng sống, hiện diện trong hết thảy
mọi thứ, tỏa sáng trong bóng tối. Bóng tối cố gắng chế ngự Người,
nhưng nó không thể làm được. Việc tìm kiếm Thiên Chúa thì luôn mới
mẻ, được tái sinh trong trái tim loài người. Không ai có thể che
giấu được điều ấy. Chúng ta không thể nào sống được mà không có
Thiên Chúa trong một thời gian dài!
- Ông Gioan Tẩy Giả đến để giúp người ta khám phá và
thưởng thức sự hiện diện tỏa sáng và an ủi của Ngôi Lời Thiên Chúa trong đời
sống. Việc làm chứng của ông Gioan Tẩy Giả rất quan trọng, quan
trọng đến nỗi mà nhiều người đã nghĩ rằng ông ấy là Đấng Kitô (Đấng Cứu Thế)
(Cv 19:3; Ga 1:20). Đây là lý do tại sao Lời Tựa lại
minh xác rằng: “Ông Gioan không phải là sự sáng! Nhưng
ông đến để minh chứng về sự sáng!”
- Như thế Ngôi Lời Thiên Chúa tự mình thể hiện
trong thiên nhiên, trong sự sáng tạo, vì vậy Ngôi Lời cũng được thể hiện trong
“thế gian”, đó là trong lịch sử nhân loại, đặc biệt là trong lịch sử của Dân
Thiên Chúa. Thế nhưng “thế gian” đã không nhận biết, đã không tiếp
nhận Ngôi Lời. “Người đã đến thế gian do Người tác tạo và dân
Người đã không đón tiếp Người”. Ở đây, khi tác giả nói về dân
chúng, Gioan muốn chỉ về hệ thống xã hội của đế quốc cũng như của tôn giáo
vào thời bấy giờ, cả hai đều tự sống khép kín trong bản thân mình, và bởi vì
thế, không có khả năng nhận biết Tin Mừng (Phúc Âm), sự sáng hiện hữu của Ngôi
Lời Thiên Chúa.
- Thế nhưng, những kẻ mở lòng mình để chấp nhận Ngôi
Lời, thì được trở nên con cái Thiên Chúa. Những người được trở nên
con cái Thiên Chúa chẳng phải vì công trạng của họ, cũng chẳng phải vì họ thuộc
dân tộc Israel, mà là chỉ vì họ đã tin vào Thiên Chúa và lòng nhân ái của Chúa,
chấp nhận và đón tiếp chúng ta. Lời Thiên Chúa thấm nhuần trong
người ta và làm cho người ấy cảm thấy được nhận là con cái của Thiên
Chúa. Đây là quyền năng của ân sủng Thiên Chúa.
- Thiên Chúa không muốn vẫn còn cách xa chúng
ta. Bởi vì điều này, Ngôi Lời của Chúa, đến gần hơn, và nên hiện
diện ở giữa chúng ta trong con người của Đức Giêsu. Lời tựa theo
từng chữ viết rằng: “Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người
đã cư ngụ giữa chúng ta”. Trong thời cổ xưa, vào thời kỳ
Xuất Hành, Thiên Chúa đã sống trong lều ở giữa dân chúng (Xh
25:8). Giờ đây, chiếc lều nơi mà Thiên Chúa ngự trị với chúng ta là
Chúa Giêsu, “Đấng đầy ân sủng và chân lý”. Chúa Giêsu đến để mặc khải
Thiên Chúa của chúng ta là ai, Đấng hiện diện trong tất cả mọi việc, từ khởi
thủy tạo thiên lập địa.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
* Tất cả mọi vật hiện hữu là một
lời phán ra của Ngôi Lời Thiên Chúa, một mặc khải về sự hiện diện của
Người. Tôi đã có chiêm niệm đủ để có thể tiếp nhận và trải nghiệm
việc hiện diện khắp mọi nơi này của Ngôi Lời Thiên Chúa chưa?
* Để được gọi là con cái Thiên Chúa
mang ý nghĩa gì đối với tôi?
5. Cầu nguyện
Hãy reo mừng trước tôn nhan CHÚA,
Vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần
gian.
Người xét xử địa cầu theo đường công chính,
Xét xử muôn dân theo chân lý của Người.
(Tv 96:13)
SỐNG LỜI CHÚA
MỖI NGÀY NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ Năm, 31 tháng 12 – Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
1 Gio-an 2,18-21 · Thánh
Vịnh 95,1-2a.11-12a.12b-13 · Gio-an 1,1-18
Ý Thức Về Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa
Người ở giữa thế gian, và thế gian đã nhờ Người
mà có, nhưng lại không nhận biết Người. Gio-an 1,10
Tôi xác tín rằng
Thiên Chúa không ngừng làm cho ta chú ý bằng nhiều cách, như bằng một buổi
hoàng hôn ở phía chân trời, bằng một làn gió nhẹ, hay một bàn tay đang níu
chúng ta, bằng tiếng hát của một em nhỏ và cả những trò hề của một chú mèo con
. . . Thế nhưng, đôi khi chúng ta vẫn cảm thấy dường như Thiên Chúa vắng mặt
trong cuộc sống của mình. Tại sao lại như vậy ?
Theo tôi thấy,
có lẽ do Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống và ẩn mình trong thực rại thường
xuyên đến nỗi chúng ta thấy sự hiện diện của Ngài trở nên “bình thường”.
Nhưng sự “bình
thường” ấy không phải lúc nào cũng thú vị và dễ chịu. Thiên Chúa luôn cố gắng
ra hiệu cho ta qua cả những điều mà chúng ta không ưa thích: ví dụ như qua hình
ảnh bàn tay nhăn nheo già nua luôn muốn bám níu vào chúng ta để giữ cho khỏi té
ngã, qua tiếng kêu la đau đớn của một đứa trẻ, qua tiếng sủa ầm ỉ của một con
chó lạc đường trong một cơn bão tuyết.
Aileen
O’Donoghue
HỌC HỎI
NĂM THÁNH
Hỏi 51 : Để đạt tới Lòng Thương
Xót, cuộc hành hương Năm Thánh phải trải qua những giai đoạn nào ?
Đáp 51 : “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ
không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa
lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì
sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc
và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên
Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấy ấy” (Lc 6,37-38).
CẦU NGUYỆN
Lạy
Chúa là Thiên Chúa chúng con, con muốn được gần bên Chúa hơn để Ngài không cần
phải gọi con thật to và thật lớn tiếng. Xin giúp con biết lắng nghe tiếng Chúa
ngay khi Chúa thì thầm tên con.
Quyết
tâm : Chú ý hơn đến những dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa
(nguồn trích Sống Lời Chúa số 1 – Mùa Vọng và Giáng Sinh của
Tgp. Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét