Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 12, 2015

20-12-2015 : (phần II) CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG năm C

20/12/2015
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng Năm C
(phần II)


Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật IV Mùa Vọng - Năm C
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG - NĂM C
Mk 5,1-4a; Dt 10,5-10; Lc 1,39-45
Chủ đề:
MONG CHỜ
ĐẤNG ĐEM LẠI NIỀM VUI CỨU ĐỘ
Vì này đây,
tai tôi vừa nghe tiếng em chào,
thì đứa con trong bụng
đã nhảy lên vui sướng

(Lc 1,45)
Chỉ còn không đầy năm ngày nữa, các tín hữu Công Giáo sẽ long trọng mừng Đại Lễ Con Thiên Chúa Giáng Trần. Trong bầu khí rộn ràng chờ mong thời khắc đặc biệt này của Năm Phụng Vụ, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại những đoạn Kinh Thánh đậm màu hy vọng và chứa chan niềm vui. Cả ba bài đọc Phụng Vụ Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C đều qui hướng về Ngôi Hai Nhập Thể, trình bày ba nét chính sau đây liên quan đến Người:
1/ Về nguồn gốc của Người: có từ thời trước, từ thuở xa xưa (Mk 5,1).
2/ Trong tương quan với Thiên Chúa: Thiên Chúa cho xuất hiện Đấng thống lãnh Israel (Mk 5,1); Người dùng quyền năng và uy danh của Thiên Chúa mà chăn dắt đàn chiên của Người (Mk 5,3); Người đến trần gian để thực thi thánh ý Thiên Chúa (Dt 10,7).
3/ Trong tương quan với dân Israel và muôn dân: Người là vị thống lãnh Israel (Mk 5,1); Người là vị Mục Tử đích thực, là chính nguồn bình an cho muôn dân (Mk 5,3-4a); Người là Đấng mang lại niềm vui cho những ai mở lòng ra đón nhận Người (Lc 1,43-44); Người đã hiến thân mình làm lễ tế, mang lại ơn cứu độ cho muôn người (Dt 10,10).
Ngoài ba nét chính mang tính tổng hợp trên đây, chúng ta hãy cũng tìm hiểu thêm một số điểm cụ thể trong từng bài đọc Chúa Nhật IV Mùa Vọng Năm C, để từ đó chúng ta hi vọng có thể rút ra một số điểm áp dụng vào cuộc sống trong Mùa Vọng này.
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1: Mk 5,1-4a
Ngôn sứ Mikha tiên báo về một Vị Lãnh Đạo dân Chúa xuất thân từ Bêlem, một thành thật nhỏ bé trong đất Giuđa. Lời tiên báo về Vị Lãnh Đạo có xuất thân “khiêm tốn” không phải là điều chi quá lạ lẫm đối với những ai đang chờ mong sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa. Thật vậy, trong thánh ý quan phòng nhiệm mầu của Thiên Chúa, nhiều người, vốn dĩ có thân thế rất bình thường dưới con mắt người thế, đã nổi lên như những vị lãnh đạo tài ba, xuất chúng trong dân Israel.
Chúng ta lại chẳng nhớ thủ lãnh Giđêôn đã từng thưa gì với Chúa sao? Khi được trao sứ mạng cứu dân Israel khỏi tay quân Mađian, ông đã từng thưa với Chúa: “Ôi thưa Ngài, con lấy gì mà cứu Israel? Này dòng họ con thấp kém nhất trong chi tộc Manasseh, mà con lại nhỏ nhất trong nhà cha con” (Tl 6,15). Nhưng thân thế của Giđêôn đâu phải là trường hợp ngoại lệ. Vua Đavit nổi danh sau này cũng từng chẳng phải là một đứa trẻ chăn chiên trước khi được ngôn sứ Samuel xức dầu phong vương đó sao (1Sm 16,11-13)?
Ở đây cũng vậy, Đấng thống lãnh Israel và là Mục Tử đích thực của muôn dân, mà theo đức tin Công Giáo của chúng ta, không ai khác hơn là Đức Giêsu Kitô, qua lời tiên báo của ngôn sứ Mikha, cũng có xuất xứ rất khiêm tốn. Tân Ước còn cho chúng ta biết, sau này, cái chết của Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể trên thập giá cũng đầy nhục nhã, ê chề trước mặt người đời. Nhưng đấy lại là cách thức lạ lùng Thiên Chúa dùng cứu độ con người: Người bày tỏ quyền năng tuyệt đối của mình nơi những gì tưởng chừng như nhỏ bé trước mắt người phàm. Nhưng đối với những ai có niềm tin vào Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần, thì đằng sau nét nhân thân khiêm tốn kia, là nguồn gốc thần linh của Người: Người có “từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mk 5,1). Người là Vị Thống Lãnh Israel, là Vị Mục Tử đích thực chăn dắt đàn chiên bằng quyền năng của Đức Chúa, bằng uy danh của Đức Chúa, Thiên Chúa của Người.
Trong Cựu Ước, vua Đavit là người mục tử theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: ông là người chăn giữ đàn chiên của cha mình, nhưng ông cũng là vua của Israel, là “mục tử” chăn dắt Israel. Tư cách mục tử của vua Đavit phản ánh phần nào hình ảnh của Thiên Chúa YHWH, là Vị Mục Tử đích thực và tối cao của Israel (x. Mk 2,12; 4,6-8; Tv 23; Ezek 34). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu xác nhận Người là vị “Mục Tử Nhân Lành”. “Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình vì đàn chiên” (x. Ga 10,1-18). Nói theo lời ngôn sứ của Mikha, thì nhờ Người, “đàn chiên” của Người, hay muôn dân sẽ được an cư lạc nghiệp, vì chính Người là chính nguồn bình an (x. Mk 5,3-4a).
2. Bài đọc 2: Dt 10,5-10
Thư gửi tín hữu Do-thái nhìn cả cuộc đời của Đức Giêsu Kitô như tiếng xin vâng tuyệt vời trước thánh ý cứu độ của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Theo tinh thần của đoạn Kinh Thánh này, Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, luôn sẵn lòng thực thi thánh ý Thiên Chúa. Cả cuộc đời Người là lời khiêm tốn thân thưa với Chúa Cha: Lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con (c7). Người đã hiến thân mình làm lễ tế mang lại ơn cứu độ cho muôn dân. Hiến tế ấy chỉ một lần là đủ để cứu độ nhân loại (c10).
Chúa Giêsu Kitô đã từng dạy chúng ta biết thân thưa với Chúa Cha qua lời kinh Lạy Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời ...” (Mt 6,9-10). Nhưng Người dạy chúng ta không chỉ mong ước “ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời”, mà còn phải nỗ lực thi hành thánh ý ấy. Kẻ biết thi hành thánh ý Thiên Chúa được kể là người thân của Chúa Giêsu, vì chính Người từng minh định “phàm ai thi hành ý muốn của Cha tôi, Đấng ngự trên trời, người ấy là anh chị em tôi, là mẹ tôi” (Mt 12,50). Người thi hành thánh ý của Thiên Chúa mới đáng hưởng Nước Trời: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! Lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21).
Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể không chỉ dạy chúng ta biết thi hành thánh ý của Thiên Chúa, hơn ai hết, chính Người là tấm gương tuyệt vời cho những ai đang nỗ lực thi hành thánh ý Thiên Chúa trong cuộc đời mình. Thi hành thánh ý Thiên Chúa chính là của ăn nuôi sống Người: “Lương thực của Thầy là thi hành ý muốn của Đấng đã sai Thầy, và hoàn tất công trình của Người” (Ga 4,34; x. Ga 5,30; 6,38). Việc này diễn ra không phải chỉ vào những lúc cuộc đời có vẻ “lặng gió”, nhưng còn xảy ra vào thời điểm “ngàn cân treo sợi tóc”. Trong Vườn Cây Dầu, Người đã thân thưa với Chúa Cha một cách quả cảm: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26,42). Có thể nói được, đối với Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, việc thi hành thánh ý Chúa Cha chính là nguyên lý hướng dẫn cuộc đời và sứ mạng của Người.
3. Bài Tin Mừng: Lc 1,39-45
Được đặt trong khung cảnh chuẩn bị mừng Đại Lễ Giáng Sinh, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta nghiệm thấy một điểm quan trọng về Con Thiên Chúa Làm Người: Người xuất hiện, đem lại niềm vui cứu độ trào dâng cho những ai mở lòng ra đón nhận Người và sống cho Người.
Đoạn Kinh Thánh cho chúng ta biết, không chỉ bà Elizabeth vui sướng khi được Thân Mẫu Ngôi Hai Thiên Chúa đến thăm, mà cả đứa con trong lòng bà cũng “nhảy lên vì vui sướng” (cc.41.44). Một điều khá thú vị là Tân Ước chỉ ghi nhận 3 trường hợp xuất hiện của động từ skirtao [nhảy lên (vì vui sướng)]. Cả ba trường hợp chỉ xuất hiện trong Tin Mừng Luca mà thôi. Hai trường hợp đầu được dùng để nói về niềm vui đặc biệt của Gioan Tẩy Giả khi được nghe lời chào của Đức Trinh Nữ Maria, lúc này Gioan vẫn còn là thai nhi trong lòng mẹ (x. Lc 1,41.44). Trường hợp cuối cùng xuất hiện ngay sau mối phúc dành cho những ai “vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xóa tên như đồ xấu xa” (Lc 6,22). Thật vậy, Chúa Giêsu đã tuyên bố: “Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế” (Lc 6,23).
Nói tóm lại, ngay lúc khởi đầu của mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng Trần đã mang lại niềm vui lớn lao cho Gioan và mẹ ngài. Có thể nói được đó chính là niềm vui cứu độ dành cho Gioan và mẹ ngài. Gioan đã diễn tả niềm vui lạ thường ấy bằng hành vi “nhảy lên trong lòng mẹ” – một hành vi độc nhất vô nhị trong toàn bộ Kinh Thánh. Nhưng Gioan sẽ không phải là người duy nhất đón nhận được niềm vui cứu độ do Ngôi Lời Nhập Thể đem đến. Niềm vui này sẽ lan tỏa đến nhiều người. Bất cứ ai vì Đức Giêsu, Ngôi Hai Thiên Chúa Nhập Thể, mà bị người đời oán ghét, khai trừ, sỉ vả, và bị loại sổ, đều xứng đáng “nhảy lên [vì vui sướng]” vì phần thưởng Đấng Cứu Độ dành cho họ trên thiên quốc.
II. GỢI Ý SUY TƯ PHẢN TỈNH
1/ Mầu Nhiệm Con Thiên Chúa xuống thế làm người có ý nghĩa gì đối với tôi? Mầu nhiệm này có thiết thân đối với cuộc sống của tôi không? Thiết thân đến mức độ nào?
2/ Qua lời tiên báo của ngôn sứ Mikha, Ngôi Hai Thiên Chúa sẽ sinh ra tại Bêlem, một thành nhỏ bé thuộc chi tộc Giuđa. Trong cuộc sống của mình, tôi có nghiệm thấy rõ nét về cách thức lạ lùng Thiên Chúa đang thực hiện trong thế giới này: Người biểu lộ quyền năng mạnh mẽ của Người qua những gì có thể bị xem là nhỏ bé, bình thường dưới mắt nhiều người. Tôi có thể nêu ra được những thí dụ cụ thể không?
3/ Ngôi Hai Thiên Chúa làm người mang lại niềm vui cho những ai mở lòng ra đón nhận Người và sẵn lòng sống cho chính Người, theo những giá trị Tin Mừng mà Người loan báo. Ngoài những phân tích trong bài gợi ý, tôi còn nghiệm thấy hài nhi Gioan còn nhảy lên vui sướng vì những lý do gì khác? Những yếu tố nào trong Mùa Giáng Sinh năm nay khiến tôi cũng cần phải “nhảy lên vì vui sướng”?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến! Qua mầu nhiệm Nhập Thể, Con Thiên Chúa đã đến giữa chúng ta để loan báo mùa hồng ân cứu độ. Với tâm tình biết ơn và cảm mến, chúng ta cùng khẩn khoản cầu xin:
1. Chúa trao cho Hội Thánh sứ mạng đem tin mừng cứu độ đến cho gia đình nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho Hội Thánh là hiền thê của Chúa Kitô luôn là dấu chỉ ơn cứu độ của Thiên Chúa giữa thế giới.
2. Trên thế giới vẫn còn nhiều người đói khổ và không được sống đúng với phẩm giá của mình. Chúng ta cùng cầu xin cho các nhà lãnh đạo các quốc gia luôn khích lệ và thể hiện tinh thần chia sẻ và phục vụ.
3. Thiên Chúa mời gọi mọi người cộng tác vào công trình cứu độ của Người. Chúng ta cùng cầu xin cho các kitô hữu luôn nhiệt tâm trong sứ vụ cao cả ấy bằng lời cầu nguyện, gương lành và việc bác ái.
4. Ðức Maria là tấm gương đón nhận, cưu mang và trao tặng Ngôi Lời. Chúng ta cùng cầu xin cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta biết noi gương Mẹ chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh trong tinh thần dấn thân khiêm tốn.
Chủ tế: Lạy Chúa là nguồn mạch niềm vui cứu độ, xin nhận lời chúng con tha thiết cầu nguyện, và hướng dẫn chúng con luôn biết sống trọn niềm tin - cậy - mến trong khi hân hoan đón mừng ngày Con Chúa ngự đến. Người là Thiên Chúa hằng sống hằng trị muôn đời.

Chủ đề :
Chúa sắp đến

Đức Maria đi viếng Bà Êlisabeth (Lc 1,39-45)

Sợi chỉ đỏ :
Sau tuần đầu tiên nói về ngày Chúa đến, tuần II kêu gọi hãy dọn đường cho Ngài và tuần III kêu gọi hãy vui mừng vì ngày đó, Lời Chúa ngày hôm nay giới thiệu Đấng sắp đến là ai : đó là Chúa Giêsu.
- Trong bài đọc I (Mk 5,1-4), ngôn sứ Mikha cho biết Đấng sắp đến sẽ là người có quê quán tại Bêlem Ephrata thuộc chi tộc Giuđa.
- Trong bài Tin Mừng (Lc 1,39-45), Thánh Luca giới thiệu những người thân của Ngài : Đức Maria và Bà Êlisabét.
- Và trong bài đọc II (Dt 10,5-10), tác giả thư do thái ghi lại lời của Đấng Cứu Thế : "Này con xin đến để thực thi ý Chúa".

I. Dẫn vào Thánh lễ

Anh chị em thân mến
Chỉ còn khoảng một tuần nữa thôi, chúng ta sẽ cử hành lễ mừng sinh nhật Chúa Giêsu. Chúa sẵn sàng đến với những ai nhận thức mình cần Ngài. Vậy bây giờ chúng ta hãy tới gần Ngài, mang theo tất cả những sự nghèo nàn thiêng liêng, những thương tích và những tội lỗi của chúng ta.

II. Gợi ý sám hối

- Lạy Chúa, chúng con là những người yếu đuối hèn hạ. Xin Chúa thương xót chúng con.
- Lạy Chúa, chúng con đầy dẫy tội lỗi. Xin Chúa thương xót chúng con.
- Lạy Chúa, chúng con khổ sở nhiều mặt. Xin Chúa thương xót chúng con.

III. Lời Chúa

1. Bài đọc I (Mk 5,1-4)
Ngôn sứ Mikha cho biết trước một số nét về Đấng cứu thế sẽ đến :
- Ngài không xuất thân từ thủ đô Giêrusalem hay một thành phố lớn, nhưng từ một thị trấn nhỏ bé khiêm nhường là Bêlem.
- Mặc dù vậy, Ngài có sứ mạng thống lãnh Israel.
- Quyền lực Ngài sẽ trải rộng ra đến tận cùng trái đất, chính Ngài sẽ đem lại hòa bình.

2. Đáp ca (Tv 89)
Bối cảnh của Thánh vịnh này là đất nước do thái đang chia rẻ thành hai, Israel ở phía Bắc và Giuđa ở phía Nam. Như vậy là đoàn chiên Chúa bị phân tán, và vườn nho Chúa cũng tan hoang.
Tác giả Thánh vịnh hình dung Đấng Messia là một mục tử, khi Ngài đến Ngài sẽ quy tụ các chiên về thành một đoàn duy nhất ; và như một người chủ vườn trở lại thăm nom và chăm sóc vườn nho cũ.

3. Tin Mừng (Lc 1,39-45)
Bài Tin Mừng hôm nay cho biết về Mẹ Đấng cứu thế sắp sinh ra.
Thánh Luca cố ý viết câu chuyện này giống với chuyện Đavít mang Hòm Bia về Giêrusalem (2.Sm 6), để nói rằng Đức Maria chính là Hòm Bia Tân Ước. Sau đây là các chi tiết :
            a. Hòm Bia tiến về hướng Giêrusalem, ghé nhà của ông Ôbed-Êdom. Maria đi từ Nagiarét theo hướng Giêrusalem, ghé nhà Êlisabét.
            b. Đavít đã "kêu lên" rằng : làm sao Hòm Bia của Chúa đến nhà tôi được. Êlisabét cũng "kêu lên" : làm sao mà mẹ của Chúa tôi đến nhà tôi.
            c. Nhờ Hòm Bia ghé ở nhà Ôbed-Êdom mà ông này được Thiên Chúa ban phúc. Đức Maria ghé nhà Êlisabét khiến gia đình bà (kể cả thai nhi) được phúc.
            d. Hòm Bia ở nhà Obed-Êđom 3 tháng ; Đức Maria cũng ở nhà Êlisabét 3 tháng (xem câu 56)

4. Bài đọc II (Dt 10,5-10)
Tác giả thư Do thái thì hình dung Đấng Messia là một vị Thượng Tế và Chức thượng tế của Ngài trổi vượt chức thượng tế Cựu Ước :
- Lễ tế Ngài sẽ dâng lên không phải là lễ toàn thiêu hay lễ xá tội của Cựu Ước, mà là chính thân thể Ngài và việc thực thi thánh ý Thiên Chúa.
- Lễ tế ấy không cần phải dâng lên nhiều lần, mà một lần duy nhất có giá trị vĩnh cửu.

IV. Gợi ý giảng

1. Đức Mẹ và Lễ Giáng Sinh
Lời Chúa ngày Chúa nhật cuối Mùa Vọng luôn đề cao Đức Mẹ. Trong Chúa nhật thứ IV năm nay, Đức Mẹ được mô tả là "người phụ nữ sinh con" (bài đọc I). Còn bài Tin Mừng thì tường thuật việc Người đi thăm viếng Bà Êlisabét. Cũng như con của mình, Đức mẹ là người "đến để thực thi ý Chúa" (bài đọc II). Gương Đức Mẹ có thể giúp chúng ta biết cách chuẩn bị Lễ Giáng sinh.
a/ Đức Mẹ luôn tin vào Lời Chúa, như nhận xét của Bà Êlisabét : "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Ngài đã nói với em". Chuẩn bị Lễ Giáng sinh là quan tâm đọc Lời Chúa và tin vào Lời ấy.
b/ Đức Mẹ luôn vâng theo ý Chúa : Trong biến cố Truyền tin, Người đã thưa với Thiên thần "Này tôi là tôi tớ Chúa, xin vâng". Chuẩn bị lễ Giáng sinh là tỉnh táo nhận ra ý Chúa đối với mình và cố gắng vâng theo.
c/ Đức mẹ sẵn sàng giúp đỡ người khác : dù đường xá xa xôi, Đức Mẹ không ngại và đến thăm để giúp đỡ Bà Êlisabét. Chuẩn bị lễ Giáng sinh là quan tâm đến người khác và sẵn sàng giúp đỡ họ.

2. Thăm viếng

a/ Viếng thăm là một hành động biểu lộ tình thương
Vừa nghe sứ thần truyền tin cho biết bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, Maria liền vội vã lên đường đến thăm bà. Bà Ê-li-sa-bét sống ở miền núi, chắc chắn cuộc hành trình của Maria lên miền núi để thăm người bà con không tránh được mệt nhọc, vất vả.
Chắc chắn việc Đức Maria đến thăm bà Ê-li-sa-bét là do sự thúc đẩy của yêu thương. Ngài không đến thăm thì bà Ê-li-sa-bét chẳng trách Ngài được, lý do là bà ấy đâu biết rằng Ngài biết bà mang thai. Vả lại chính Ngài cũng đang mang thai, mà đường xá lại xa xôi. Chính tình thương đã thúc đẩy Ngài đi, vì Ngài rất giàu tình thương. Và cũng chính vì giàu tình thương mà Ngài xứng đáng làm Mẹ của Chúa Giêsu, là hiện thân của tình yêu Thiên Chúa.
Tình yêu đòi hỏi phải biểu lộ ra, chứ không giữ kín bên trong. Một tình yêu giữ kín, không được biểu lộ thành hành động, không phải là một tình yêu đích thực. Tương tự như lời thánh Giacôbê :«Đức tin không có việc làm là đức tin chết» (Gc 2, 26). Cũng vậy, tình yêu không việc làm, không được biểu lộ là tình yêu chết. Tình yêu phải được biểu lộ ra thành sự quan tâm, chăm sóc, năng tìm cách gặp gỡ người thân, làm cho người thân trở nên tốt đẹp, hạnh phúc hơn. Câu tục ngữ «Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo, thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua» có nghĩa như thế !
Tình yêu đích thực đòi hỏi phải năng gặp nhau, nhất là những lúc người mình yêu có chuyện vui hoặc buồn. Đức Phật nói : «Yêu mà không được ở gần nhau thì sẽ đau khổ». Tục ngữ có câu :«Nhất nhật bất kiến như tam thu hề !». Vì thế, đi thăm viếng nhau là đòi hỏi của tình yêu đích thực, là biểu lộ sự quan tâm đến nhau. Vì thế, chúng ta hãy năng thăm viếng những người chúng ta yêu mến. Mà đã là người Kitô hữu, tất nhiên chúng ta có rất nhiều người mình phải yêu mến, nhất là những người lâm cảnh đau khổ, túng thiếu, những người lâm vào thế kẹt, những người cần chúng ta tới thăm viếng hơn cả. Đến thăm nhau là một cách tuyệt vời để biểu lộ tính gia đình, tình huynh đệ, tình yêu thương của Kitô giáo.

b/ Đến thăm để đem Chúa đến cho người mình thương
Khi Đức Maria đến thăm bà Ê-li-sa-bét, thì Ngài cũng đem Chúa đến cho bà ấy. Nhờ Đức Maria mang Chúa đến, nên không chỉ bà Ê-li-sa-bét vui mừng, mà hài nhi trong bụng Bà cũng vui mừng theo, đến nỗi phải «nhảy lên» trong bụng mẹ. Và chắc chắn cũng chính vì Đức Maria mang Chúa đến, mà niềm vui của bà Ê-li-sa-bét và hài nhi mới tăng lên một cách lạ thường như thế. Sự hiện diện của Đức Maria cùng với bào thai Giêsu còn biến đổi hai mẹ con bà Ê-li-sa-bét, khiến hai người được tràn đầy Thánh Thần, và nhận ra được sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Đức Maria, đồng thời tin vào Thiên Chúa vững mạnh hơn.
Đến thăm không chỉ là một phương cách biểu lộ tình yêu, nói lên sự quan tâm, mà còn là một dịp thuận lợi để đem Chúa đến cho người mình thăm viếng. Nhờ ta đem Chúa đến, mà niềm vui của người được thăm tăng lên gấp bội, và họ nhận lãnh được Thánh Thần nhờ sự hiện diện của Chúa do ta mang đến. Chính Thánh Thần của Chúa trong ta sẽ thánh hóa, biến đổi họ nên tốt lành, thánh thiện, chứ không phải ta.
Đem Chúa đến cho người mình thăm viếng, không có nghĩa là mình nói thật nhiều thật hay về Chúa cho họ nghe. Rất nhiều người nói về Chúa rất nhiều rất hay, nhưng thật sự không mang Chúa trong mình. Chúa là tình thương, mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi chính mình yêu thương họ thật sự, bằng một tình yêu chân thực. Đức Maria có nói gì về Chúa với bà Ê-li-sa-bét đâu ! Mình chỉ mang Chúa đến cho họ, khi mình đến với họ với ý muốn làm hiện thân của Chúa.

c/ Hãy là hiện thân của Chúa khi đi thăm viếng
Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại vô cùng, nên Ngài đã đến với con người trong lịch sử, cách đây 2000 năm, để cứu độ và đem hạnh phúc đến cho mọi người, cho từng người. Khi còn tại thế, Ngài đã đến thăm nhiều người, săn sóc nhiều người, cải hóa nhiều người, biểu lộ tình yêu thương cho nhiều người. Nhưng vì nhập thể làm người, Ngài bị giới hạn trong không gian và thời gian, Ngài chỉ sống tại thế có 33 năm, chỉ quanh quẩn trong đất nước Do Thái, và chỉ có thể tiếp xúc được với một số rất ít người. Nhưng tình yêu vô biên phổ quát của Ngài khiến Ngài muốn tiếp xúc với tất cả mọi người trên trần gian, để phục vụ, săn sóc họ, từng người một. Ngài không thể làm điều đó bằng chính thân xác của Ngài. Vì thế, Ngài muốn nhờ chính chúng ta làm điều ấy. Ngài muốn trở thành chính bản thân chúng ta để làm những công việc ấy, và chúng ta có thể giúp Ngài được toại nguyện ý đó.
Ngài muốn dùng chính bản thân chúng ta để thăm viếng những người chúng ta quen biết, yêu thương. Ngài muốn an ủi, vỗ về, khuyến khích, khuyên lơn, cảnh tỉnh họ bằng miệng lưỡi của ta. Ngài muốn săn sóc, làm việc phục vụ họ bằng chính bàn tay của ta. Ngài muốn yêu thương họ bằng chính trái tim của ta. Ngài muốn quan tâm tới họ bằng chính tâm trí của ta. Qua ta, Ngài muốn biểu lộ tình thương vô biên của Ngài cho họ. Muốn thế, Ngài mong muốn ta trở thành hiện thân của yêu thương, thứ yêu thương bằng hành động chứ không phải chỉ bằng lời nói. Ta có là hiện thân của tình thương, thì ta mới trở nên hiện thân của Ngài. Và chính lúc ấy, ý muốn của Ngài là yêu thương phục vụ họ mới được thỏa mãn hoàn toàn.
Vấn đề là ta có muốn trở nên hiện thân của Ngài hay không. Ngài không bao giờ muốn ép buộc ta, thúc bách ta, nhưng luôn luôn mời gọi ta. Ta có nghe thấy tiếng Ngài mời gọi không ? Nếu có, hãy đáp lại lời mời ấy một cách quảng đại. Đó là cách chứng tỏ cụ thể nhất rằng ta yêu mến Ngài. Yêu mến Ngài thì phải yêu thương giống như Ngài, chứ không phải yêu Ngài bằng cách dâng lên Ngài thật nhiều thánh lễ, đọc thật nhiều kinh kệ, và quỳ hàng giờ trước nhà tạm. Nếu ta yêu Ngài thật sự, thì hãy yêu Ngài, phục vụ Ngài trong những người anh chị em gần gũi ta.
Ngài đã chẳng từng nói : «Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : "Lạy Chúa ! Lạy Chúa !" là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ những ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời mới được vào mà thôi !» (Mt 7,21). Mà ý muốn của Thiên Chúa la  : «Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em» (Ga 13,34). Về việc dâng quá nhiều lễ tế, đọc kinh kệ quá nhiều mà thiếu lòng yêu thương nhau, Thiên Chúa đã dùng miệng ngôn sứ Isaia để nói lên sự chán ngấy của Ngài : «Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta nào nghĩa lý gì ? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bò mập, Ta đã ngấy (…) Thôi đừng đem những lễ vật vô ích ấy đến nữa. Ta ghê tởm khói hương, ta chịu không nổi những ngày đầu tháng, những ngày sabát, ngày đại lễ, không chịu nổi những người cứ phạm tội ác rồi lại cứ lễ lạc linh đình (…) Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn, vì tay các ngươi đầy những máu…» (Is 1,11-15 ; xem bài đọc 2 được nêu ở trên). Chỉ có tình yêu đích thực mới làm Chúa hài lòng !
***
Lạy Chúa, xin giúp con trở thành hiện thân của Chúa để giúp Chúa phục vụ mọi người qua chính bản thân của con. Xin cho con biết quan tâm đến niềm vui, nỗi khổ, và nhu cầu của từng người sống chung quanh con. Xin giúp con biết hy sinh thì giờ cho dù rất quí báu của con để năng đến gặp gỡ họ, thăm viếng họ, hầu nhờ đó thông cảm được những nỗi vui buồn và nhu cầu của họ. Xin giúp con biết sẵn sàng chia vui sẻ buồn và tìm mọi cách để thỏa mãn những nhu cầu chính đáng của họ. Amen. (Nguyễn chính Kết)

3. Maria dám tin
Một doanh nhân giàu có ở Mỹ có sáng kiến ngộ nghĩnh để thử lòng người : ông cho in rất nhiều bích chương và dán khắp nơi trong thành phố nơi ông đang ở. Đại khái nội dung của bích chương loan báo : Bất cứ ai mắc nợ, nếu đến văn phòng của ông ngày đó, tháng đó từ 9g đến 12g đều được ông giúp đỡ để trả nợDĩ nhiên, mọi người đều bàn tán về lời mời gọi này, nhưng đa số đã xem đây là một trò đùa.
Đúng ngày hẹn, doanh nhân ngồi trong văn phòng của mình. Hai giờ trôi qua mà không thấy người nào đến. Mãi tới 11 giờ mới có một người đàn ông rụt rè đến... Doanh nhân ký cho ông một ngân phiếu để trả hết nợ. Gần 12 giờ một vài người nữa cũng đến. Và dĩ nhiên họ cũng được giúp đỡ tận tình. Còn tất cả những người khác khi hiểu được lời mời gọi của doanh nhân thì đã muộn.
Lời hứa của doanh nhân trong câu chuyện trên đây quá lớn, nên đa số đã không tin. Chính vì không tin nên họ đã bỏ lỡ một cơ hội ngàn vàng. Đức Maria, trái lại, Mẹ đã dám tin vào lời Chúa hứa nên Mẹ đã được tràn đầy ân phúc. Bà Êlisabét nói : "Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em " (Lc 1,4 5).
Tin là để cho Chúa thay đổi hướng đi của cuộc đời mình.
Tin là để cho chương trình cứu độ của Người đảo lộn chương trình sống của chúng ta.
Tin là chấp nhận lên đường, làm một cuộc hành trình mạo hiểm với Chúa.
Trước khi thưa lời "Xin Vâng", Đức Maria đã có chương trình của Mẹ là sẽ sống đời đôi bạn với thánh Giuse (Lc 1,27). Và qua lời "Xin Vâng" Mẹ đã chấp nhận hoàn toàn để cho Thiên Chúa thay đổi hướng đi cuộc đời mình, để cho Người đảo lộn chương trình sống, và cùng Người bước vào một cuộc mạo hiểm với trọn niềm tin yêu phó thác.
Mẹ ra đi mà không biết mình đi đâu, chỉ biết ra đi theo sự hướng dẫn của Chúa.
Mẹ đã đi từ bước phiêu lưu này đến cuộc phiêu lưu khác : Từ việc hạ sinh Con Thiên Chúa cách đơn nghèo, cho đến khi lạc mất con trong đền thánh ; từ những lời cứng cỏi của con ở Cana và Caphanaum cho đến khi gặp con dưới chân thập giá.
Mẹ đã "Suy đi nghĩ lại trong lòng" (Lc 2,19) vì những kỷ niệm ấy quả là khó hiểu dưới con mắt loài người.
Mẹ xứng đáng là Mẹ Đấng Cứu thế vì mẹ đã dám tin vào lời Chúa và để Chúa thay đổi cuộc đời mình theo chương trình cứu độ của Người.
Mẹ thật diễm phúc vì Mẹ đã chấp nhận lên đường làm một cuộc phiêu lưu với Chúa trong tin yêu và phó thác : "Xin Chúa làm cho tôi như lời Ngài nói" (Lc 1,38).
Chính vì Mẹ diễm phúc mà lòng Mẹ đã là mái ấm đầu tiên, là Đền Thánh cho Con Thiên Chúa ngự trước khi bước vào cuộc đời.
Chính vì Mẹ là Đền Thánh nên đấng Thánh trong lòng Mẹ đã thánh hoá Gioan trong cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh.
Chính vì cuộc hạnh ngộ đầy linh thánh giữa Mẹ và bà chị họ, mà Thánh Thần đã linh ứng cho bà nhận ra điều mắt thường không thể thấy, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Đấng Cứu Thế.
Chính vì niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của Êlisabét đã khiến Mẹ cảm nhận thật sâu xa hồng ân cao cả, và lời ngợi ca Thiên Chúa đã vỡ oà trên bờ môi hạnh phúc trong lời kinh Magnificat (x. Lc 1,46-54).
Vâng, chính cuộc sống tin yêu và phó thác của Mẹ đã tuôn chảy dòng sông của ân phúc, cuộc sống ấy đang toả hương thơm cửa thiên đàng.
Lạy Chúa, Chúa đã đoái thương tuyển chọn Đức Ma ria và bà Êlisabét, đã cho các ngài mang thai cách diệu kỳ, để hạ sinh Đấng Cứu Thế và vị Tiền Hô của Người.
Xin cho chúng con biết noi gương Mẹ : Tin vào lời Chúa và chương trình cứu độ của Người. Xin cho chúng con biết ngoan ngoãn để Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng con với trọn niềm tin tưởng mến yêu. Amen. (TP)

4. "Em có phúc vì đã tin"
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Bà Êlisabét nói với Đức Maria : "Em có phúc vì đã tin". Tin và hạnh phúc, đó là hai điều liên hệ chặt chẽ với nhau, một liên hệ nhân quả. Chúng ta có thể tìm thấy rất nhiều bằng chứng trong các sách Tin Mừng :
- "Chúa Giêsu nói với viên đại đội trưởng rằng : Ông cứ về đi. Ông tin thế nào thì được như vậy. Và ngay giờ đó, người đầy tớ được khỏi bệnh" (Mt 8,13)
- Chúa Giêsu quay lại nói với người đàn bà bị băng huyết : "Này con, cứ yên tâm, lòng tin của con đã cứu chữa con". Và ngay từ giờ ấy, bà được cứu chữa (Mt 9,22)
- Chúa Giêsu nói với hai người mù đi theo Ngài "Các anh có tin là tôi làm được điều ấy không ?" Họ đáp "Thưa Ngài chúng tôi tin". Bấy giờ Ngài sờ vào mắt họ và nói "Các anh tin thế nào thì được như vậy". Mắt họ liền mở ra. (Mt 9,28-29)
Chúng ta có thể nói chủ đề chính của Tin Mừng là hạnh phúc cho những kẻ tin. Tất cả những lời Chúa Giêsu giảng dạy là nhằm khơi lên đức tin trong lòng người nghe. Tuy nhiên, chỉ tin thôi thì chưa đủ mà còn phải làm theo như mình tin. Người ta nói ma quỷ cũng tin Chúa đó, nhưng nó không làm theo ý Chúa.
Đức tin không biến cuộc sống của ta thành dễ dàng. Ngược lại là đàng khác, vì tin đòi hỏi chúng ta phải chiến đấu, phải kiên trì.
Đức Maria được chúc phúc vì Người không chỉ tin mà còn hành động theo điều Người tin. Ngay sau khi được Thiên sứ viếng thăm, Người đã vội vàng đi thăm viếng Bà Êlisabét. Qua đó, chúng ta thấy rằng sống đạo không phải chỉ là tin suông mà còn phải thể hiện đức tin bằng việc làm.
Lễ Giáng sinh có thể giúp ích chúng ta rất nhiều trong đức tin, vì dù sao trong dịp này chúng ta cũng thấy Chúa gần gũi với mình hơn những lúc khác. Nhưng cốt lõi của sứ điệp Giáng sinh là Con Thiên Chúa đã nhập thể trong một đứa trẻ nghèo nàn yếu ớt. Trong lễ Giáng sinh đầu tiên, có những người đã tin vào điều ấy, và cũng có những người không tin. Nhưng chỉ những người tin mới được chúc phúc. (FM)

5. Chúa Giáng sinh mang lại gì mới ?
Người ta thích những điều mới. Một món hàng mới xuất hiện trên thị trường, người ta đổ xô đi mua. Một thời gian sau, món đồ ấy không còn mới nữa, người ta nhàm chán. Thế là nhà sản xuất phải nghĩ ra cái khác mới hơn. Hiện tượng này cho thấy 2 điều : một là khuynh hướng thích cái mới thúc đẩy sự tiến bộ ; hai là cái gì mới rồi cũng sẽ cũ đi.
Có cái gì vẫn luôn luôn mới chứ không bao giờ cũ không ? Nếu có cái đó thì cái đó mới là cái thực sự mới.
Đó chính là cái mà Chúa Giáng sinh mang lại. Đó là tình yêu hiến dâng. Chúa đến trong lòng Đức mẹ. Lòng Đức Mẹ đổi mới. Đức Mẹ lập tức mang điều mới mẻ đó trao ban cho Bà Êlisabét.
Trong số những điều mới mẻ trên thế giới và trong Giáo Hội, những cái vẫn còn mới và tồn tại mãi qua dòng thời gian chính là những thứ giúp phát triển tình yêu và sự dâng hiến. Chúa Giêsu giáng sinh là người đầu tiên mang điều mới mẻ ấy cho nhân loại.

6. Lời nguyện Mùa Vọng
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến
Xin hãy bước vào những yếu đuối của chúng con
Xin hãy bước vào những nỗi sợ hãi của chúng con
Xin hãy bước vào những lo lắng của chúng con
Xin hãy bước vào những thất bại của chúng con
Xin hãy bước vào những chia rẻ của chúng con
Xin hãy bước vào những buồn phiền của chúng con
Xin hãy bước vào những cô đơn của chúng con
Xin hãy bước vào những bóng tối của chúng con
Xin hãy bước vào những hoài nghi của chúng con
Xin hãy bước vào những thất vọng của chúng con
Xin hãy bước vào những nghèo hèn của chúng con
Xin hãy bước vào cuộc tìm kiếm của chúng con
Xin hãy bước vào những niềm vui và hy vọng của chúng con
Xin hãy bước vào cuộc hấp hối của chúng con.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến

V. Lời nguyện cho mọi người
Chủ tế : Anh chị em thân mến, thật hạnh phúc cho những ai biết tin tưởng vào Thiên Chúa là Đấng toàn năng và là Cha nhân ái. Trong niềm hân hoan vì Ngôi Hai Thiên Chúa sắp ngự đến, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Hội thánh cần những mục tử tài đức và thánh thiện để hướng dẫn Dân Chúa / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa ban cho Hội thánh / luôn có nhiều mục tử như lòng ước mong.
2. Cùng với Đức Trinh Nữ Maria / nhiều sứ giả của tình thương đã vội vã lên đường / đem niềm vui cho những người sầu khổ / đem ủi ban cho những ai đang gặp bế tắc trong cuộc sống / Chúng ta hiệp lời cầu xin Chúa giữ gìn những anh chị em đang dấn thân phục vụ tha nhân / luôn được an lành.
3. Hiện nay / có rất nhiều bạn trẻ đang tích cực cộng tác với các vị mục tử / trong việc dạy giáo lý cho các em thiếu nhi / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các giáo lý viên / tìm được niềm vui trong công việc cao quý này.
4. Đức tin không việc làm là đức tin chết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết thể hiện niềm tin sống động của mình / bằng việc luôn vâng theo thánh ý Chúa / hết lòng phó thác và tận tụy phục vụ như Đức Maria.
Chủ tế : Lạy Chúa, ngày xưa Đức Trinh Nữ Maria đã vội vã lên đường mang Chúa Giêsu đến cho người khác ; ngày nay, xin Chúa cho chúng con cũng biết noi gương Người mà nhiệt tình đem Chúa đến cho anh chị em chúng con, bằng chính đời sống thấm nhuần tinh thần Tám Mối Phúc thật của chúng con. Chúng con cầu xin

VI. Trong Thánh Lễ
- Trước kinh Lạy Cha : Chúa Cha đã yêu thương chúng ta đến nỗi sai Con Một của Ngài sinh xuống trần gian để sống với chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Chúng ta hãy dâng lên Ngài tâm tình tạ ơn sốt mến.

VII. Giải tán
Còn vài ngày nữa là đến lễ Giáng sinh. Anh Chị Em hãy tích cực chuẩn bị đón Chúa, bằng cách cầu nguyện nhiều hơn và sống bác ái với tha nhân hơn.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI

Lectio Divina: Chúa Nhật IV Mùa Vọng (C)
Chúa Nhật, 20 Tháng 12, 2015
Cuộc thăm viếng của Đức Maria với bà Isave
Thiên Chúa tỏ mình ra trong những việc đơn sơ nhất
Lc 1:39-45


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.   Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Tin Mừng hôm nay mô tả cuộc thăm viếng của Đức Maria với người chị họ Isave.  Họ biết nhau.  Các bà có liên hệ họ hàng.  Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ, họ khám phá ra trong người kia có một mầu nhiệm mà họ chưa biết và đổ đầy họ với niềm vui lớn lao.  Chúng ta có thường gặp được những người mà chúng ta quen biết, nhưng làm chúng ta ngạc nhiên vì sự khôn ngoan và sự chứng tá cho đức tin của họ không?  Chính vì Thiên Chúa đã tỏ mình ra và để cho chúng ta hiểu biết mầu nhiệm sự hiện diện của Người trong đời sống chúng ta.   

Văn bản của bài Tin Mừng Chúa Nhật thứ tư Mùa Vọng tuần này không bao gồm bài ca vịnh của Đức Maria (Lc 1:39-45) và mô tả sơ qua chuyến thăm viếng bà Isave của Đức Maria (Lc 1:39-45).  Trong phần bình luận ngắn gọn này, chúng tôi mạn phép bao gồm cả bài ca vịnh của Đức Maria bởi vì nó giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn về ý nghĩa trải nghiệm của hai người phụ nữ trong giây phút của cuộc viếng thăm này.  Bài ca vịnh cho thấy những gì Đức Maria đã trải qua khi bà Isave chào đón Đức Mẹ đã giúp Mẹ cảm nhận được sự hiện diện của mầu nhiệm Thiên Chúa không chỉ ở trong con người của bà Isave, mà cũng còn ở trong chính đời sống Đức Mẹ và trong lịch sử dân tộc của bà.

Khi bạn đọc bài Tin Mừng, bạn hãy cố gắng chú ý điều sau đây:  “Những cử chỉ gì, lời nói gì và sự so sánh nào được thực hiện bởi Đức Maria và bà Isave để bày tỏ việc khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống của họ?    
  
b)  Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho bài đọc:
Lc 1:39-40:  Đức Maria rời nhà để đi thăm người chị họ Isave
Lc 1:41:  Khi bà Isave nghe thấy lời chào của Đức Maria, bà trải nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa
Lc 1:42-44:  Bà Isave chào đón Đức Maria
Lc 1:45:  Bà Isave ca ngợi Đức Maria
Lc 1:46-56:  Bài ca Ngợi Khen (Magnificat), bài ca vịnh của Đức Maria

c) Tin Mừng:

39 Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa. 40 Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Isave. 41 Và khi bà Isave nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Isave được đầy Chúa Thánh Thần. 42 Bà kêu lớn tiếng rằng: "Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ, và Con lòng Bà được chúc phúc! Bởi đâu tôi được Mẹ Chúa tôi đến viếng thăm tôi? Vì này, tai tôi vừa nghe lời Bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. 45 Phúc cho Bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng Bà sẽ được thực hiện."
46 Bấy giờ bà Maria nói:  "Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47 thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.
48 Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.
49 Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!
50 Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.
51 Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng.
52 Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.
53 Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng.
54 Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người,
55 – như đã hứa cùng cha ông chúng ta – vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ápraham và cho con cháu đến muôn đời."
56 Bà Maria ở lại với bà Isave độ ba tháng, rồi trở về nhà.

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.

a)  Điều gì trong bài Tin Mừng này đã làm bạn hài lòng nhất hoặc đánh động bạn nhất?  Tại sao?
b)  Những cử chỉ, lời nói và sự so sánh nào bày tỏ việc khám phá của bà Isave về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời bà và trong Đức Maria?         
c)  Với những cử chỉ, lời nói và sự so sánh nào mà Đức Maria bày tỏ việc khám phá của mình về sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời Mẹ, trong đời bà Isave và lịch sử dân tộc của Mẹ?            
d)  Lý do cho sự vui mừng của cả hai người phụ nữ là gì? 
e)  Biểu tượng gì của Cựu Ước được nhớ lại và được thực hiện trong việc mô tả chuyến viếng thăm này?
f)  Niềm vui sự hiện diện của Thiên Chúa xảy ra ở đâu và bằng cách nào trong đời tôi, trong gia đình tôi và trong cộng đoàn tôi?

5.  Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong chủ đề

a)  Bối cảnh ngày xưa và ngày nay:  

Trong Tin Mừng Mátthêu, thời thơ ấu của Chúa Giêsu được tập trung vào hình ảnh thánh Giuse, cha nuôi của Chúa Giêsu.  Qua “thánh Giuse, chồng của Đức Maria” (Mt 1:16), Chúa Giêsu trở thành hậu duệ của vua Đavít, có thể làm hoàn thành lời đã được hứa với vua Đavít.  Mặt khác, theo Tin Mừng Luca, thời thơ ấu của Chúa Giêsu được tập trung vào con người của Đức Maria, “người đã đính hôn với Giuse” (Lc 1:27).  Luca không nói nhiều về Đức Maria, nhưng những gì ông nói thì rất sâu sắc và quan trọng.  Ông giới thiệu Đức Maria như là một mẫu mực đời sống cho các cộng đoàn Kitô hữu.  Chìa khóa để nhìn thấy Đức Maria trong phương diện này là những gì Chúa Giêsu nói với mẹ Người:  “Phúc thay cho những kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).  Trong phương cách mà Đức Maria liên kết với Lời Thiên Chúa, Luca coi đó là phương cách tốt nhất cho các cộng đoàn liên kết với Lời Thiên Chúa; lắng nghe, nhập tâm, đào sâu, suy gẫm, tái sinh và phát huy, cho phép mình được tràn ngập bởi lời ấy ngay cả khi người ta không hiểu nó hoặc khi nó mang lại đau khổ.  Đây là bối cảnh cho chương thứ nhất và thứ hai của sách Tin Mừng Luca khi nói về Đức Maria, mẹ Chúa Giêsu.  Khi Luca nói về Đức Maria, ông đã nghĩ đến các cộng đoàn Kitô hữu vào thời ấy đã sống rải rác trong các thành phố của đế chế La Mã.  Đức Maria là mẫu mực cho cộng đoàn tín hữu.  Và, trung thành với truyền thống Kinh Thánh này, chương cuối cùng của “Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội” (Lumen Gentium) của Cộng Đồng Vatican II nói về Giáo Hội, trình bày Đức Maria như mẫu mực của Giáo Hội. 
Chuyến viếng thăm bà Isave của Đức Maria cho thấy một khía cạnh điển hình khác của Luca.  Tất cả những lời nói, cử chỉ và hơn hết cả là bài ca vịnh của Đức Maria là một lễ cử hành trang trọng về sự ca ngợi.  Nó giống như lời mô tả của một nghi thức phụng vụ long trọng.
Bằng cách này, Luca tạo ra một bầu không khí đôi:  bầu không khí cầu nguyện mà trong đó Chúa Giêsu được sinh ra và lớn lên tại vùng đất Paléstin, và bầu không khí phụng vụ và nghi thức cử hành nội bộ mà các cộng đoàn Kitô hữu sống đức tin của họ.  Ông giảng dạy việc biến đổi chuyến thăm viếng của Thiên Chúa trở thành sự phục vụ anh chị em.

b)  Lời bình luận về văn bản:

Lc 1:39-40:  Đức Maria đi viếng bà Isave
Luca nhấn mạnh đến việc vội vàng ra đi của Đức Maria trong việc đáp lại sự đòi hỏi của Lời Chúa.  Thiên sứ báo tin cho Đức Mẹ rằng bà Isave đang mang thai, và ngay lập tức, Đức Maria bắt đầu cuộc hành trình của mình để xem thấy những gì thiên sứ đã nói với bà.  Đức Mẹ rời nhà đến giúp đỡ một người đang cần sự giúp đỡ.  Chặng đường từ Nagiarét lên đến miền núi vùng Giuđêa dài hơn 100 cây số. Lúc ấy không có xe chở khách, không có xe lửa.  Đức Maria nghe Lời Chúa và thực hành lời ấy theo phương cách hiệu quả nhất.       

Lc 1:41-44:  Lời chào của bà Isave
Bà Isave đại diện cho Cựu Ước, sắp đến lúc kết thúc; Đức Maria đại diện cho Tân Ước, sắp sửa bắt đầu.  Cựu Ước chào đón Tân Ước với lòng biết ơn và sự tự tin, nhận ra được món quà cho không của Thiên Chúa, được trao ban để thực hiện và đáp ứng lòng mong đợi của dân chúng.  Trong buổi gặp gỡ của hai người phụ nữ, món quà của Chúa Thánh Thần tự biểu hiện và khiến cho hài nhi trong bụng bà Isave vui mừng.
Tin Mừng của Thiên Chúa mặc khải sự hiện diện của Người trong những sự kiện tự nhiên phổ biến nhất, hai bà nội trợ thăm viếng nhau để giúp đỡ lẫn nhau.  Thăm viếng, niềm vui, thai nghén, con cái, giúp đỡ lẫn nhau, nhà cửa, gia đình:  Luca muốn các cộng đoàn (và chúng ta) nhìn thấy và khám phá ra sự hiện diện của Nước Trời trong những điều này.
Cho đến ngày nay, những lời của bà Isave vẫn là một phần của bài Thánh Vịnh nổi tiếng nhất và được đọc nhiều nhất trên toàn thế giới, kinh Kính Mừng.

Lc 1:45:  Bà Isave ca ngợi Đức Maria
“Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện”.  Đây là sứ điệp của Luca gửi đến các cộng đoàn:  niềm tin vào Lời Chúa có sức mạnh để mang lại những gì lời ấy nói. Chính Lời Chúa là lời tạo dựng.  Nó sinh ra sự sống mới trong cung lòng của một trinh nữ, trong cung lòng của những người nghèo khó và bị hắt hủi đã đón nhận với đức tin.  Lời bà Isave ca ngợi Đức Maria được hoàn thành khi Chúa Giêsu ca ngợi mẹ mình:  “Phúc thay cho những ai lắng nghe và tuân giữ Lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).

Lc 1:46-56:  Bài ca vịnh của Đức Maria
Có lẽ là bài ca vịnh này đã được biết đến và được hát lên bởi các cộng đoàn Kitô hữu.  Nó dạy cho người ta phải cầu nguyện và hát như thế nào.  Nó cũng là một loại mẫu mực cho thấy mức độ hiểu biết của các cộng đoàn ở Hy Lạp mà Luca đã viết sách Tin Mừng cho họ.  Cho đến ngày nay, có thể đánh giá mức độ nhận thức của các cộng đoàn từ những bài thánh ca mà chúng ta nghe thấy và hát ở đó.

Lc 1:46-50:
Đức Maria bắt đầu bằng cách công bố sự thay đổi đã xảy ra trong đời mình dưới ánh mắt yêu thương của Thiên Chúa là Đấng đầy lòng thương xót nhất.  Vì vậy, Đức Mẹ đã hát lên một cách vui vẻ:  “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi.  Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới; từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.  Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!  Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người.”  Để hiểu được ý nghĩa của những ca từ rất nổi tiếng này, chúng ta cần nhớ rằng đây là một thiếu nữ rất trẻ, có lẽ 15 hay 16 tuổi, nhà nghèo, sống trong một ngôi làng xa xôi hẻo lánh tại đất Paléstin, miền biên giới, nhưng lại là người hiểu biết rõ ràng tình huống và sứ vụ của mình và của cả dân tộc mình.  Đức Maria bắt chước bài ca vịnh của bà Anna, mẹ của tiên tri Samuen (1Sm 2:1-10).


Lc 1:51-53:
Sau đó, Đức Maria ca tụng sự trung tín của Đức Chúa Trời đối với dân của Người và công bố sự thay đổi bằng sức mạnh của cánh tay Thiên Chúa được tác thành thiên về những người nghèo đói.  Thành ngữ “cánh tay của Thiên Chúa” gợi nhớ lại sự giải thoát trong sách Xuất Hành.  Sự thay đổi này diễn ra bởi ân sủng quyền năng cứu độ của Đức Chúa Trời:  Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng (1:51); Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường (1:52); kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng (1:53).  Ở đây, chúng ta thấy mức độ nhận thức về người nghèo vào thời Chúa Giêsu và thời các giáo đoàn của Luca đã hát bài ca vịnh này và có lẽ đã thuộc nó nằm lòng.  Rất nên so sánh bài ca vịnh này với các bài thánh ca mà các cộng đoàn hát trong nhà thờ ngày nay.  Chúng ta có nhận thức về chính trị và xã hội mà chúng ta tìm thấy trong bài ca vịnh của Đức Maria không?  Trong những năm 1970, vào thời kỳ các chế độ độc tài quân phiệt cầm quyền tại châu Mỹ Latinh, trong dịp cử hành lễ Phục Sinh, bài ca vịnh này đã bị nhóm quân phiệt kiểm duyệt bởi vì nó bị xem như mang tính chất phá hoại.  Cho đến ngày nay, nhận thức của Đức Maria, thân mẫu của Chúa Giêsu, vẫn còn là một điều bực bội lo lắng cho thế gian!

Lc 1:54-55:
Cuối cùng, bài ca vịnh nhắc nhớ chúng ta rằng tất cả những điều này là một biểu hiện của lòng thương xót Thiên Chúa đối với dân của Người và lòng trung thành của Người với lời hứa đã lập với Ápraham.  Tin Mừng không chỉ là một phần thưởng dành cho những người tuân giữ Lề Luật Môisen, mà cũng là một biểu hiện của sự tốt lành và lòng trung thành của Thiên Chúa với lời hứa của Người.  Đây là những gì thánh Phaolô giảng dạy trong những bức thư gửi cho các tín hữu ở Galát và ở Rôma.  

c)  Phần phụ chú:

Tin Mừng Luca chương 1 và 2:  Kết thúc của thời Cựu Ước và bắt đầu của thời Tân Ước

Trong hai chương đầu tiên của sách Tin Mừng Luca, tất cả mọi việc xoay quanh sự ra đời của hai người:  Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu.  Hai chương này cung cấp cho chúng ta hương vị thú vị của Tin Mừng Luca.  Bầu không khí trong những chương ấy là lời ca ngợi và sự dịu dàng.  Từ đầu chí cuối, lòng thương xót của Thiên Chúa được ca ngợi và chúc tụng, lòng thương xót mà cuối cùng xảy ra để thực hiện những lời hứa của mình.  Những lời hứa này được hoàn thành trong sự chiếu cố người nghèo khó, kẻ cùng khốn (anawim), những người biết cách chờ đợi cho lời ứng nghiệm của họ:  bà Isave, ông Giacaria, Đức Maria, thánh Giuse, ông Simon, bà Anna, các mục đồng và ba vị đạo sĩ.
Hai chương đầu tiên của sách Tin Mừng Luca được nổi tiếng nhưng chỉ là bề ngoài.  Luca đã viết bắt chước theo Kinh Thánh Cựu Ước.  Dường như hai chương đầu sách Tin Mừng của ông là đoạn cuối cùng của Cựu Ước, do đó mở đường cho sự xuất hiện của Tân Ước.  Hai chương này là ngưỡng cửa giữa Cựu Ước và Tân Ước.  Luca muốn cho Thêôphilô thấy rằng những lời tiên tri đang được thực hiện. Đức Giêsu hoàn thành Cựu Ước và bắt đầu Tân Ước.
Hai chương này của Tin Mừng Luca không phải là lịch sử trong sự hiểu biết về lịch sử của chúng ta ngày nay.  Chúng được dùng như là một tấm gương soi cho những người mà sách Tin Mừng được viết, các Kitô hữu dân ngoại mới theo đạo, khám phá ra rằng Đức Giêsu đến để làm viên mãn các lời tiên tri của Cựu Ước và để đáp ứng những khát vọng sâu xa nhất của tâm hồn con người.  Chúng cũng tượng trưng cho những gì đang xảy ra trong các giáo đoàn của họ vào thời Luca. Các cộng đoàn bắt nguồn từ những người ngoại giáo sẽ được khai sinh từ những người Do Thái cải đạo.  Nhưng họ sẽ khác nhau.  Tân Ước không hoàn toàn tương ứng với những gì Cựu Ước đã hình dung và hy vọng.  Đó là một “dấu hiệu của sự mâu thuẫn” (Lc 2:34), đã tạo ra căng thẳng và là lý do của nỗi đau khổ.  Trong thái độ của Đức Maria, Luca trình bày một mô hình về cách để phản ứng và kiên trì trong Tân Ước. 
                                                                                                                                                                                
6.  Cầu Nguyện với Thánh Vịnh 27 (26)

Chúa là ánh sáng của tôi, tôi còn sợ chi ai?

CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi,
tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành lũy bảo vệ đời tôi,
tôi khiếp gì ai nữa?

Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi,
ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy,
lại lảo đảo té nhào.

Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì.
Dù có phải lâm vào chiến trận, tôi vẫn cứ cậy tin.

Một điều tôi kiếm tôi xin,
là luôn được ở trong đền CHÚA tôi
mọi ngày trong suốt cuộc đời,
để chiêm ngưỡng CHÚA tuyệt vời cao sang,
ngắm xem thánh điện huy hoàng.

Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn,
Người che chở tôi trong lều thánh,
đem giấu tôi thật kín trong nhà,
đặt an toàn trên tảng đá cao.

Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý,
nhìn quân thù vây bủa chung quanh.
Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện,
lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng,
tôi sẽ đàn ca mừng kính CHÚA.

Lạy CHÚA, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu,
xin thương tình đáp lại!

Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan.
Lạy CHÚA, con tìm thánh nhan Ngài,
xin Ngài đừng ẩn mặt.
Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy,
chính Ngài là Đấng phù trợ con.
Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi,
lạy Thiên Chúa, Đấng cứu độ con.

Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa,
thì hãy còn có CHÚA đón nhận con.

Xin dạy con đường nẻo Ngài, lạy CHÚA,
dẫn con đi trên lối phẳng phiu,
vì có những người đang rình rập.
Xin đừng phó mặc con cho kẻ thù hung hãn,
vì lũ chứng gian đứng dậy tố con,
giương bộ mặt hằm hằm sát khí.

Tôi vững vàng tin tưởng
sẽ được thấy ân lộc CHÚA ban trong cõi đất dành cho kẻ sống.

Hãy cậy trông vào CHÚA, mạnh bạo lên, can đảm lên nào!
Hãy cậy trông vào CHÚA.

7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét