Trang

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2015

25-12-2015 : (phần II) LỄ GIÁNG SINH :RẠNG ĐÔNG - BAN NGÀY

Ngày 25 tháng 12
Lễ Chúa Giáng Sinh
Lễ Trọng. Lễ HỌ. Cầu cho giáo dân.
(phần II)


Lectio Divina: Lễ Chúa Giáng Sinh (C)
Thứ Sáu, 25 Tháng 12, 2015
Lời tựa của Tin Mừng theo Thánh Gioan
Ga 1:1-18

1.  Lời nguyện mở đầu

Trong bóng tối của một đêm không trăng sao,
một đêm vô nghĩa
Lạy Chúa, Ngôi Lời hằng sống,
như một lằn sét trong cơn bão của sự lãng quên,
đã bước vào bên trong phạm vi nghi ngờ
trong cái vỏ của hữu hạn mong manh
để che dấu ánh sáng.
Ngôi Lời được tạo bằng sự thinh lặng và bình thường,
Ngôn ngữ loài người của Chúa, sứ giả các bí mật của Đấng Tối Cao:
giống như cái lưới được quăng vào vùng biển chết chóc
để đi tìm nhân loại thêm một lần nữa, đang đắm mình trong những âu lo vô ích của mình,
và khai hóa họ, kẻ bị tước đoạt, bởi ánh sáng thu hút của sự tha thứ.
Lạy Chúa, Đại Dương của Hòa Bình và bóng mát của sự Vinh Quang muôn đời,
con xin dâng lời cảm tạ:
Vùng biển yên tĩnh trên bờ của con đang chờ đợi làn sóng, con muốn đi tìm Chúa!
Và nguyện xin tình bằng hữu huynh đệ bảo vệ con
khi màn đêm buông xuống trên nỗi ước vọng của con về Chúa.  Amen.

2.  Bài Đọc

a)  Phúc Âm:

1 Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời: Ngôi Lời ở với Thiên Chúa và Ngôi Lời là Thiên Chúa.  2 Ngôi Lời vẫn ở với Thiên Chúa ngay từ nguyên thủy.  3 Mọi vật đều do Người làm nên, và không có Người, thì chẳng vật chi đã được tác thành trong mọi cái đã được tác thành.  Ở nơi Người vẫn có sự sống, và sự sống là sự sáng của nhân loại; 5 sự sáng chiếu soi trong u tối, và u tối đã không tiếp nhận sự sáng.  6 Có một người được Thiên Chúa sai đến tên là Gioan.  7 Ông đã đến như một người chứng, để ông minh chứng về sự sáng, hầu cho mọi người nhờ ông mà tin. 8 Chính ông không phải là sự sáng, nhưng đến để chứng minh về sự sáng.  9 Vẫn có sự sáng thực, sự sáng soi tỏ cho hết mọi người sinh vào thế gian này.  10 Người vẫn ở trong thế gian, và thế gian đã do Người tác tạo, và thế gian đã không nhận biết Người.  11 Người đã đến nhà các gia nhân Người, và các gia nhân Người đã không tiếp nhận Người.  12 Nhưng phàm bao nhiêu kẻ đã tiếp nhận Người, thì Người cho họ được quyền trở nên con Thiên Chúa, tức là cho những ai tin vào danh Người. 13Những người này không do khí huyết, không do ý muốn xác thịt, cũng không do ý muốn của đàn ông, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra.  14 Và Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, và Người đã cư ngụ giữa chúng tôi.  Và chúng tôi đã nhìn thấy vinh quang của Người, vinh quang Người nhận được bởi Chúa Cha, như của người Con Một đầy ân sủng và chân lý.  15 Gioan làm chứng về Người khi tuyên xưng rằng:  “Đây là Đấng tôi tiên báo.  Người đến sau tôi nhưng xuất hiện trước tôi, vì Người có trước tôi.”  16 Chính do sự sung mãn Người mà chúng ta hết thảy tiếp nhận ơn này tới ơn khác.  17 Bởi vì Chúa ban lề luật qua Môisen, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu Kitô.  18 Không ai nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự trong Chúa Cha sẽ mạc khải cho chúng ta.

b)  Giây phút thinh lặng:

Hãy để cho Lời Chúa vang vọng trong chúng ta.

3.  Suy gẫm

a)  Một vài câu hỏi để suy gẫm:

-  Thiên Chúa là ánh sáng đã quyết định xua tan bóng tối của loài người bằng cách làm cho mình trở thành mù lòa.  Người mù từ thuở mới sinh (xem Ga 9:1-41): mù lòa là tình trạng của anh ta lúc được tạo ra.  Cử chỉ tượng trưng của Chúa Giêsu trong việc lấy bùn bôi lên mắt người bị mù từ lúc mới sinh trong Phúc Âm Gioan, nói lên sự mới mẻ của hóa thân: Đó là cử chỉ của sự sáng tạo mới.  Người mù có đôi mắt vẫn còn được bao phủ bởi bùn của sự sáng tạo, được yêu cầu làm một hành động không phải của đức tin mà là hành động của sự vâng lời: đi đến hồ Silôê, có nghĩa là “được sai đi”.  Đấng “được sai đi” là Chúa Giêsu.  Liệu chúng ta có thể tuân theo Lời Chúa đến với chúng ta mỗi ngày không?

-  Người mù trong Tin Mừng của Gioan là người nghèo khó: anh ta không kỳ vọng điều gì và không xin điều gì.  Chúng ta thường sống trong sự mù lòa hằng ngày, cam chịu rằng chúng ta không xứng đáng với những chân trời tốt đẹp hơn.  Chúng ta có thể thấy rằng mình cũng chẳng có gì vì thế món quà của Thiên Chúa cũng chính là của chúng ta nữa, một món quà của sự cứu chuộc nhục thể, nhưng hơn hết cả đó có phải là món quà của ánh sáng và đức tin không?

-  “Lề luật được ban qua Môisen, nhưng ơn thánh và chân lý thì ban qua Đức Giêsu Kitô.  Không ai nhìn thấy Thiên Chúa; nhưng chính Con Một Chúa, Đấng ngự trong Chúa Cha sẽ mạc khải cho chúng ta” (Ga 1:17-18).  Kiến thức về những gì xảy ra trong câu chuyện của đời sống chúng ta dẫn chúng ta ra khỏi sự mù lòa của tự phụ và chiêm ngưỡng ánh sáng tỏa sáng trên khuôn mặt của Con Thiên Chúa.  Mắt của chúng ta, tràn ngập ánh sáng, được mở ra cho các sự kiện.  Đến khi nào thì chúng ta sẽ có thể nhìn thấy Thiên Chúa ở giữa chúng ta?     

b)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Gioan là người có thể nhìn thấy ánh sáng chiếu soi, đã thấy, đã nghe và đã chạm vào ánh sáng.  Từ nguyên thủy đã có Ngôi Lời: luôn luôn hướng về tình yêu của Chúa Cha, Ngôi Lời đã trở thành lời giải thích đích thực của Chúa Cha, lời giải thích duy nhất (Ga 1:18), sự mặc khải về tình yêu của Người.  Trong Ngôi Lời là sự sống và sự sống là ánh sáng, nhưng bóng tối đã không chào đón ánh sáng.  Trong Cựu Ước sự mặc khải về Ngôi Lời là sự mặc khải về ánh sáng:  điều này tương ứng với sự sung mãn của ơn thánh, ân sủng của ơn thánh, đã ban cho chúng ta trong Chúa Giêsu, sự mặc khải tình yêu vô biên của Thiên Chúa (Ga 1:4-5, 16). Toàn bộ chứng tá của Cựu Ước là một nhân chứng cho ánh sáng:  từ Abraham đến Gioan Tẩy Giả, Thiên Chúa sai các nhân chứng đi đến sự sáng của Người. Gioan Tẩy Giả là người cuối cùng trong số những người này: ông công bố ánh sáng sắp sinh vào trong thế gian và nhận ra trong Chúa Giêsu là ánh sáng đã được trông đợi từ lâu (Ga 1:6-8, 15).

Lời của Thiên Chúa (Dabar IHWH) là phương tiện truyền thông của Thiên Chúa với loài người, đã xảy ra với tất cả những người mà Thiên Chúa đã gọi và đến với những ai mà Lời Chúa đã đến (Is 55:10-11).  Như thánh Augustinô đã nói:  Lời Chúa là ánh sáng thật sự.

Lời được phán ra từ miệng Thiên Chúa, nhưng vẫn giữ được đầy đủ hiệu lực, và đó là Đấng tạo ra và duy trì thế giới.  Lời này, đã được viết ra và lưu truyền, được xác định trong bộ sách Torah (Ngũ Thư của Môisen) viết cho dân Do Thái, cùng với sách Khôn Ngoan, là toàn bộ sự mặc khải của Thiên Chúa:  Thánh Luật ban xuống từ Sion, và từ Giêrusalem, lời Đức Chúa phán truyền (Is 2:3).

Ngôi Lời (tiếng Aramaic: Memra) là khái niệm được dùng bởi Gioan đi từ chữ“Dabar” đến chữ “logos”:  trong bản dịch Kinh Thánh Cựu Ước “targum”, Ngôi Lời có chức năng sáng tạo, nhưng hơn hết cả chức năng mặc khải được nói đến một cách đặc biệt qua hình ảnh của ánh sáng.  Trong quyển Targum Neophiti, bài thơ nổi tiếng về bốn đêm trong sách Xuất Hành 12:42 được viết như sau:  “Đêm đầu tiên là khi Đấng Giavê tỏ mình trên toàn thế giới để tạo dựng nó: Thế giới là sa mạc và trống rỗng, và bóng tối bao trùm vực thẳm.  Và Lời của Thiên Chúa là ánh sáng chiếu rọi.”  Trong bản thảo Targum Jerushalaim 110 viết rằng:  “Với Lời của Thiên Chúa chiếu soi và làm sáng tỏ”.

Sách Kinh Thánh diễn giải theo kiểu Midrash nhấn mạnh rằng lề luật có trước thế gian, đó là sự sống, đó là ánh sáng:  “Những lời của bộ sách Ngũ Thư Torah là ánh sáng cho thế gian” (Midrash Dt Rabba 7:3).  Chỉ có ái nữ của Thiên Chúa, Ngũ ThưTorah đã được viết bằng lửa đen trong ngọn lửa trắng, ngồi trong lòng Thiên Chúa khi Thiên Chúa đang ngự trên ngai vinh quang của Người (trích Midrash về Tv 90:3).

Ánh sáng Ngôi Lời trở nên hiện hữu trong thế gian.  Tất cả là sự sống trong Người: Ngôi Lời chiếm vị trí của Ngũ Kinh Torah.  Các dấu chỉ thì siêu việt, và hơn cả một sự thay thế, chúng ta thấy đó là một sự thực hiện.  Nếu đối với người Do Thái, Ngũ Kinh Torah là ái nữ của Thiên Chúa, thì Gioan cho thấy rằng cô ấy là Ngôi Lời mà ngay từ thuở nguyên thủy đã ở cùng Thiên Chúa, là Thiên Chúa.  Ngôi Lời này trở thành nhục thể: con người, mỏng dòn, hạn chế, hữu hạn, đặt vinh quang của Người trong thân xác loài người.  Người đã hạ Lều (Skené) của mình, xuống thế, ở giữa chúng ta, Người đã trở thành sự hiện diện của Thiên Chúa (Shekinah) ở giữa chúng ta, và Người đã cho thấy vinh quang của Người, sự hiện diện tràn ngập của Thiên Chúa đối với loài người.  Vinh quang Thiên Chúa ngự trong Lều Nhà Tạm của người Do Thái trong cuộc di cư khỏi đất Ai Cập (Xh 40:34-38), là ngự trong đền thờ (1V 8:10), giờ đây ngự trong nhục thể của Con Thiên Chúa.  Điều này thực sự là điều Thiên Chúa tỏ mình ra.  Sự hiện diện của Thiên Chúa đã có thể thấy được, bởi vì sự hiện diện của Thiên Chúa (Shekinah) là Đức Kitô, nơi có sự hiện hữu và vinh quang của Thiên Chúa.  Có một Đấng đã nhìn thấy vinh quang của Thiên Chúa:  Đó là Đức Chúa Con duy nhất đầy ân sủng và chân lý; Người đến để mặc khải cho chúng ta nhan thánh của Chúa Cha, Người là Đấng suy nhất có thể làm được điều này bởi vì Người có sự hiện hữu của mình trong lòng Chúa Cha.  Từ sự sống sung mãn này đưa đến việc tạo dựng mới.  Môisen đã đưa ra lề luật.  Đức Kitô ban cho ân sủng và chân lý, tình yêu và lòng trung tín.  Trong Chúa Con, chúng ta có thể chiêm ngắm Thiên Chúa mà không hư mất bởi vì bất cứ ai nhìn thấy Chúa Con cũng nhìn thấy Chúa Cha:  Chúa Giêsu là lời giải thích Kinh Thánh, lời tường thuật của sự sống siêu nhiên.

Và nơi mặc khải là thân xác của Người.  Đây là lý do tại sao thánh Gioan đã cho biết thời điểm thực hiện:  “Chúng tôi đã được nhìn thấy vinh quang của Người” (Ga 1:14), khi tại “thời điểm của vinh quang” chỉ có bóng tối.  Ánh sáng được dấu ẩn khi nó dâng hiến sự sống của mình vì tình yêu nhân loại, yêu cho đến tận cùng, không giới hạn, tôn trọng quyền tự do của con người để đóng đinh Tác Giả của sự sống vào Thập giá.  Thiên Chúa được tôn vinh tại thời điểm của cuộc thương khó:  một tình yêu viên mãn, dứt khoát, vô biên; một tình yêu được thể hiện ngay cả khi phải đối diện với những hậu quả cùng cực của nó.  Đây là sự mầu nhiệm của ánh sáng trở thành con đường trong bóng tối, bởi vì tình yêu giống như bóng tối của đêm đen khi đời sống trở nên thân thiết hơn và những lời của người chết đi để được sống trong hơi thở lời của người được yêu; sự sáng ở trong tình yêu đem lại ánh sáng trong giờ bị tước quyền sở hữu, giờ mà khi một người tự hiến thân mình để tìm lại được chính mình trong vòng tay của sự sống.             

4.  Cầu nguyện

Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục,
và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi;
hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa;
và đội lên đầu triều thiên vinh quang
Đấng Vĩnh Hằng ban tặng.
Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu
thấy hào quang rực rỡ của ngươi.
Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi
là "Bình-an-xây-dựng-trên-công-chính",
và "Vinh-quang-phát-xuất-từ-lòng-kính-sợ-Thiên-Chúa".
Vùng lên, Giêrusalem hỡi,
hãy đứng ở nơi cao, và hướng nhìn về phía đông:
Kìa xem con cái ngươi từ đông sang tây tụ họp về
theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy.
Được Thiên Chúa nhớ đến, chúng hớn hở mừng vui.
Xưa chúng bị quân thù áp giải,
phải rời ngươi, không xe không ngựa.
Nay Thiên Chúa lại đưa chúng trở về với ngươi,
chúng được kiệu đi vinh quang rực rỡ, khác chi một ngai vàng.
Vì Thiên Chúa đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao
và gò nổng có tự lâu đời,
phải lấp đầy thung lũng cho mặt đất phẳng phiu,
để Israel tiến bước an toàn
dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa.
Theo lệnh của Thiên Chúa, rừng xanh và đủ loại quế trầm
sẽ toả bóng che rợp Israel,
vì Thiên Chúa sẽ dẫn Israel đi trong hoan lạc,
dưới ánh sáng vinh quang của Chúa,
cùng với lòng từ bi và sự công chính của Người.
(Sách Barúc 5:1-9)

5.  Chiêm Niệm

Lạy Chúa Cha của ánh sáng, con dâng lên Chúa với toàn thân xác con.  Sau khi trải qua những thời gian tốt lành và những thời gian sa vào tội lỗi, cuối cùng con đã hiểu, bởi vì kinh nghiệm của con, rằng một mình con, con chỉ hiện hữu trong bóng đêm và sự tăm tối.  Không có ánh sáng của Chúa, con không thể thấy bất cứ điều gì.  Thật thế, Chúa là nguồn sống; Chúa, Vầng Thái Dương của công lý, Người mở mắt con, Chúa là con đường dẫn đến Chúa Cha.  Hôm nay Chúa đã ngự đến giữa chúng con, Ngôi Lời đời đời, giống như ánh sáng đi qua các trang của lịch sử để cống hiến cho nhân loại những món quà ân sủng và niềm hoan lạc trong sa mạc đói khát và trống rỗng:  bánh và rượu của Danh Thánh Chúa, vào lúc trên thập giá sẽ trở nên những dấu hiệu rõ rệt cho tình yêu trọn vẹn, xin hãy cho chúng con được sinh ra với Chúa để từ đó phần sinh hoa trái là Giáo Hội, là cái nôi của sự sống Chúa cho chúng con.  Giống như Đức Maria, chúng con ước ao được ở cạnh Chúa để học hỏi bắt chước được nên giống như Bà, Đấng đầy ân sủng từ Đấng Tối Cao. Và khi các lều của chúng con sẽ chào đón đám mây của Chúa Thánh Linh trong ánh sáng rực rỡ của Ngôi Lời lần nữa, chúng con sẽ hiểu sự Vinh Quang của Nhan Thánh Chúa và chúng con sẽ được ân phúc trong một sự im lặng chiêm ngưỡng mà không còn có sự do dự nào nữa trước vẻ đẹp của Đấng đang ngự cùng Chúa, Ngôi Lời hằng sống.


SỢI CHỈ ĐỎ
Năm B và C
CHỦ ĐỀ :
CHÚA CỨU THẾ ĐÃ SINH RA
Sợi chỉ đỏ :
- Bài đọc I (Is 62,11-12) : "Này đây Đấng cứu độ ngươi đến"
- Đáp ca (Tv 96) : "Hôm nay sự sáng chiếu giãi trên chúng ta, và Chúa đã giáng sinh cho chúng ta"
- Tin Mừng (Lc 2,15-20) : "Các mục tử đã gặp thấy Maria, Giuse và Hài nhi"
- Bài đọc II (Tt 3,4-7) : "Chúa đã cứu độ chúng ta theo lượng từ bi Người"
I. DẪN VÀO THÁNH  LỄ
Anh chị em thân mến
"Chúa đã xuống làm người để loài người lên làm Chúa". Thực vậy, mục đích của việc Đức Giêsu giáng sinh là để sống chung với loài người tội lỗi chúng ta và cứu chuộc chúng ta. Ngài đã cho thấy rõ mục đích này khi vừa mới sinh ra : những người khách mời đầu tiên đến hang đá Bêlem chính là những người chăn chiên, nghèo nàn, tội lỗi, bị xã hội khinh chê.
Chúng ta hãy có những tâm tình như các kẻ chăn chiên ấy để đến với Chúa Hài Đồng.
II. GỢI Ý SÁM HỐI
- Trong Mùa Vọng, chúng ta chỉ lo chuẩn bị bề ngoài mà chưa chuẩn bị tâm hồn cho đủ để xứng đáng đón rước Chúa.
- Chúa Cứu Thế đã mang lấy thân phận của một người nghèo. Vậy mà từ trước tới nay chúng ta thường coi khinh những người nghèo.
- Chúa Cứu Thế là ánh sáng của sự lành và sự thiện. Vậy mà từ trước tới nay nhiều lần chúng ta trốn lánh ánh sáng để ngụp lặn trong bóng tối của tội lỗi.
III. LỜI CHÚA
1. Bài đọc I (Is 62,11-12)
Bối cảnh của những lời tiên tri này là hoàn cảnh khốn khổ của dân do thái ("thiếu nữ Sion") đang bị lưu đày bên Babylon.
Ngôn sứ Isaia báo cho họ biết rằng "Đấng cứu độ" sẽ đến giải thoát họ khỏi cảnh lưu đày, làm cho họ trở thành một dân thánh, và thành Giêrusalem của họ sẽ trở nên thành được quý chuộng.
Trong bối cảnh lịch sử ngắn hẹp thời đó, "đấng cứu độ" là Cyrus vua nước Ba Tư. Còn trong lịch sử cứu độ phổ quát, Đấng cứu độ chính là Ngôi Hai Thiên Chúa sinh xuống làm người mang tên là Giêsu.
2. Đáp ca (Tv 96)
Đây là bài chúc tụng vương quyền của Đấng cứu độ. Tầm mức bao la của vương quyền này ("trái đất nhảy mừng, các đảo hân hoan, các tầng trời loan truyền sự công chính của Chúa, mọi dân tộc nhìn thấy vinh quang Người") chỉ có thể thực hiện nơi Đức Giêsu mà thôi.
3. Tin Mừng (Lc 2,15-20)
Bài tường thuật giáng sinh của Thánh Luca có nhiều chi tiết đáng suy gẫm :
- Những kẻ đầu tiên được thiên thần loan báo tin mừng giáng sinh là những mục tử : mặc dù họ nghèo, mặc dù họ không có cơ hội để thường xuyên đến Đền thờ tham dự các lễ nghi, mặc dù họ bị xã hội coi khinh, nhưng họ chính là "những người thiện tâm" (câu 14 phía trước) cho nên đáng được Thiên Chúa thương ban bình an (câu hát thiên thần : "Bình an dưới thế cho người thiện tâm").
- "Thiện tâm" của họ thể hiện trong cách họ đáp lại với Tin Mừng : sau khi nghe thiên thần loan báo, họ hối hả đi tìm, và sau khi gặp được Đức Giêsu, họ trở về loan truyền những việc kỳ diệu mà họ đã thấy.
- Phần Đức Maria thì ghi nhớ tất cả mọi sự và suy niệm trong lòng để ngày càng hiểu thêm về Đức Giêsu và về cách hành động kỳ diệu của Thiên Chúa.
4. Bài đọc II (Tt 3,4-7)
Thánh Phaolô tìm hiểu ý nghĩa ơn cứu độ :
- Đó không phải do công lao hay sự công chính của loài người.
- mà là một ơn cho không.
- xuất phát từ lòng từ tâm và nhân ái của Thiên Chúa.
- Ơn này khởi sự từ việc con người lãnh nhận phép rửa
- và dẫn đến sự sống đời đời.
IV. GỢI Ý GIẢNG
 * 1. Một Thiên Chúa nghèo
Ngày nay, trong mức độ hoặc nhiều hoặc ít, việc mừng lễ Giáng sinh có phần sang trọng và tốn kém : trang hoàng, tiệc tùng, quà cáp v.v.
Nhưng ngày xưa ở Bêlem thì sao ? Thánh gia rất nghèo, nơi Đức Giêsu sinh ra rất nghèo… Những người nhận được "một Tin Mừng đặc biệt" cũng là những mục tử nghèo chứ không phải là những người Rôma quyền thế hay những cư dân Giêrusalem sang trọng.
Thiên Chúa yêu thương mọi người, Ngài ban Con mình cho mọi người, giàu cũng như nghèo. Nhưng Ngài ưu ái những người nghèo hơn ; và mặt khác những người nghèo dễ nhận ra Ngài hơn.
Muốn sống đúng ý nghĩa lễ Giáng sinh, chúng ta phải có tâm hồn nghèo, phải mở cửa lòng với những người nghèo và nhận ra hình ảnh Thiên Chúa nơi những người nghèo.
* 2. Một Thiên Chúa nhỏ bé
Chúng ta đã quen với hình ảnh một Thiên Chúa to lớn, uy quyền…
Nhưng khi Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta thấy cụ thể bằng hình hài xương thịt, thì lại là một đứa trẻ nhỏ bé, yếu đuối : không biết nói, không biết làm, không biết tự lo cho mình… Đứa trẻ cần mọi sự nơi người khác : nuôi nấng, chăm sóc, bảo vệ…
Vậy mà trong gia đình, đứa trẻ lại là người được chú ý nhất, có thể nói là uy thế nhất : mọi người từ cha mẹ đến anh chị đều phục vụ cho nó, chịu cực chịu khổ vì nó, tốn kém cho nó, sẵn sàng thay đổi giờ giấc và công việc vì nó… Thật là mầu nhiệm của sự nhỏ bé !
* 3. Ngôi Lời đã trở thành nhục thể
Ngày xưa có một cậu bé được tặng cho một chú lính chì trong dịp lễ Giáng sinh. Cậu rất sung sướng. Nhưng chẳng bao lâu sau cậu nghĩ : giá như có cách gì làm cho chú lính bằng chì này có được sự sống như mình thì hay biết mấy ! Và cũng chẳng bao lâu sau cậu bé lại lưỡng lự : làm cho chú lính này có sự sống tức là biến chú từ chì thành ra xác thịt ; mà như thế không biết chú có chịu hay không, bởi vì khi mang xác thịt thì có thể bị đau, bị thương và nhất là bị chết. Thế là cậu bé không nghĩ tới việc làm cho chú lính chì thành người nữa.
Câu chuyện nhỏ trên giúp ta hiểu mầu nhiệm Chúa nhập thể. Nhập thể là trở nên xác thịt như loài người. Đức Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã trở thành một đứa trẻ sơ sinh, và trước khi là một đứa trẻ sơ sinh Ngài còn là một bào thai trong lòng một phụ nữ. Khi nhập thể, Ngài muốn được giống như người phàm, gần gũi với người phàm, chịu đói, chịu khát, chịu đau, chịu chết như người phàm.
Truyền thuyết Ấn giáo xem những vị thần Krishna và Rama là Thượng đế nhập thể. Tuy nhiên những vị thần này không bao giờ chịu khổ và chịu chết. Họ không phải là Thượng đế thực sự thành người, mà chỉ là những hình thái mà Thượng đế tạm mượn để hiện ra cho loài người thấy mà thôi. Còn Đức Giêsu thì khác : Ngài thực sự thành người và cùng chia xẻ mọi yếu đuối khổ đau của loài người.
* 4. Chúa ở cùng chúng ta
Một nhóm người đang trao đổi với nhau những suy nghĩ về ý nghĩa lễ Giáng sinh. Trong nhóm có một phụ nữ ít ai để ý tới, nhưng khi bà chia xẻ thì ai nấy đều chăm chú lắng nghe, vì bà kể về chính cuộc đời của bà.
Bà kể rằng gần đến lễ Giáng sinh thì bà rất sợ hãi, bởi vì bà rất cô đơn. Cha mẹ bà đã mất hết. Bà là đứa con độc nhất, không anh chị em. Bà cũng chẳng còn một người bà con nào cả vì bà là người cuối cùng trong dòng họ. Bạn bè thì bà cũng có, họ có gởi quà hoặc thiệp giáng sinh, nhưng chẳng ai mời bà đến nhà đề cùng gia đình họ mừng lễ Giáng sinh.
Thế thì ngày lễ Giáng sinh bà làm gì ? Sáng sớm Bà đến nhà thờ dự Thánh lễ. Sau lễ, bà đến một hội thiện nguyện giúp họ làm một số việc. Rồi trở về nhà, nấu cơm. Ăn xong, mở TV. Nhưng TV đâu có thay thế được những người thân ở bên cạnh mình, bởi đó bà vừa xem TV vừa khóc. Đến chiều, bà thả bộ dạo phố. Nhưng phố phường ngày lễ Giáng sinh rất vắng lặng, ai nấy đều rút vào mái ấm gia đình. Các cửa tiệm đóng kín cửa. Bà lần bước đến nhà thờ. Nhưng cửa nhà thờ cũng đóng kín. Bà đành trở về nhà, một mình gặm nhắm nỗi cô đơn, ý thức rất rõ mình chẳng có một chỗ nào giữa thành phố đông đảo và mênh mông này.
Nhưng chính lúc đó, bà chợt nghĩ đến câu Tin Mừng : "Hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ". Bà thông cảm với hoàn cảnh hài nhi Giêsu và thấy mình với Ngài rất giống nhau. Ý tưởng ấy làm cho lòng bà ấm lại. Theo bà, ý nghĩa lễ Giáng sinh chính là Thiên Chúa đến chia xẻ thân phận con người.
* 5. Ghi nhớ và suy nghĩ
"Còn Bà Maria thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng"
Trong những dịp Lễ Giáng sinh, chúng ta đã thấy và đã nghe rất nhiều điều. Nhưng các năm trước, tất cả những điều ấy chỉ rộn lên trong một ngày rồi mau chóng chìm vào quên lãng. Lễ Giáng sinh năm nay, chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ "ghi nhớ tất cả những điều ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng"
- Hãy ghi nhớ và suy nghĩ về sự nghèo nàn. Tại sao Chúa có quyền chọn, thế mà Ngài lại chọn sinh ra trong cảnh nghèo nàn ?
- Hãy ghi nhớ và suy nghĩ về những mục tử. Họ là hạng người bị xã hội thời đó coi là hèn hạ, thậm chí bất hảo. Tại sao Chúa lại ưu ái họ đến nỗi mời họ đến gặp Ngài trước tiên ?
- Hãy ghi nhớ và suy nghĩ về nhiệt tình của tín hữu trong dịp Lễ Giáng sinh. Tại sao hôm nay họ đi lễ đông đủ như thế, còn những Chúa nhựt khác thì thưa thớt ?
- Hãy ghi nhớ và suy nghĩ về sự tham gia của những người không phải kitô hữu. Cả họ cũng mừng Lễ Giáng sinh, nhiều người còn đi lễ. Vì động cơ nào ? Họ nghĩ gì về Đức Giêsu và về Kitô giáo ?
* 7. Chuyện minh họa
Vào buổi sáng nọ, người thợ giầy thức giấc rất sớm. Anh quyết định chuẩn bị căn xưởng nhỏ của anh cho tươm tất rồi vào phòng khách chờ đợi cho bằng được người khách quý. Người khách đó không ai khác hơn là chính Chúa, bởi vì tối qua trong giấc mơ Ngài đã hiện ra và báo cho anh biết Ngài sẽ đến thăm anh trong ngày hôm sau.
 Người thợ giầy ngồi chờ đợi, tâm hồn tràn ngập hân hoan. Khi những tia nắng sớm vừa rọi qua khung cửa, anh đã nghe được tiếng gõ cửa. Lòng  anh hồi hộp sung sướng. Hẳn là Chúa đến. Anh ra mở cửa. Thế nhưng kẻ đang đứng trước mặt anh không phải là Chúa, mà là người phát thư. Sáng hôm đó là một ngày cuối đông. Cái lạnh đã khiến mặt mũi tay chân người phát thư đỏ như gấc. Người thợ giầy không nỡ để nhân viên bưu điện run lẩy bẩy ngoài cửa. Anh mời ông ta vào nhà và pha trà mời khách. Sau khi đã được sưởi ấm, người phát thư đứng dậy cám ơn và tiếp tục công việc.
 Người thợ giầy lại vào phòng khách chờ Chúa. Nhìn qua cửa sổ, anh thấy một em bé đang khóc sướt mướt trước cửa nhà. Anh gọi nó lại hỏi cớ sự. Nó mếu máo cho biết đã lạc mất mẹ và không biết đường về nhà. Người  thợ giầy lấy bút viết vài chữ để lại trên bàn, báo cho người khách quý biết mình đã đi ra ngoài. Nhưng tìm đường dẫn đứa bé về nhà đâu phải là chuyện đơn giản và nhanh chóng. Mãi chiều tối anh mới tìm ra nhà đứa bé và khi anh về lại nhà thì phố xá đã lên đèn.
 Vừa bước vào nhà, anh đã thấy có người đang đợi anh. Nhưng đó không phải Chúa mà là một người đàn bà với dáng vẻ tiều tụy. Bà cho biết đứa con của bà đang ốm nặng và bà đã không thể chợp mắt suốt đêm qua. Nghe thế, người thợ giầy lại hối hả đến săn sóc đứa bé. Nửa đêm anh mới về nhà, anh để nguyên quần áo và lên giường ngủ.
 Thế là một ngày đã qua mà Chúa chưa đến thăm anh. Nhưng đột nhiên trong giấc ngủ, người thợ giầy nghe tiếng Chúa nói với anh : "Cám ơn con đã dọn trà nóng cho Ta uống. Cám ơn con đã dẫn đường cho Ta về nhà. Cám ơn con đã săn sóc an ủi Ta. Cám ơn con đã tiếp đón Ta ngày hôm nay" (Trích "Món quà giáng sinh")
V. LỜI NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế : Anh chị em thân mến, trong niềm vui lớn lao của Lễ Giáng sinh, kỷ niệm tình thương giáng thế. Chúng ta hãy vui mừng dâng lên Chúa những lời nguyện tha thiết sau đây :
1. Xin cho Hội thánh và mọi Kitô hữu biết dùng lễ Noel này / để loan báo tin vui hòa bình và cứu độ cho mọi người trên thế giới.
2. Xin cho những người có trách nhiệm quốc gia hay quốc tế / biết dùng dịp lễ Noel này để tìm kiếm và duy trì những giải đáp đem lại công lý và hòa bình cho mọi dân tộc.
3. Xin cho những đôi vợ chồng đang chia rẽ, những gia đình bị phân ly, những người đang đau khổ vì chiến tranh huynh đệ tương tàn / được ánh sáng đêm Noel soi / để tìm về hòa giải và sống hiệp thông với nhau.
4. Xin cho anh chị em trong cộng đồng xứ đạo chúng ta đang mừng lễ Noel hôm nay / biết sống một lễ Noel trọn tình nghĩa với Chúa / và chia sẻ niềm vui cho mọi người chung quanh.
CT : Lạy Chúa, chúng con cảm tạ ơn Chúa vì đang được hưởng đem thánh huyền diệu này, xin cho ánh sáng đêm Noel chiếu soi vào mọi người chưa biết Chúa, và dẫn lối đưa đường cho họ tìm về hiệp thông với Hội thánh Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI


Bệnh Giêsu
Cách đây hơn 20 thế kỷ, một biến cố đã xảy ra và đã làm cho cuộc sống của nhân loại được phong phú. Đúng thế. Vào một đêm đông, một hài nhi nhỏ bé đã được sinh ra trong tăm tối. Nhưng rồi ba mươi năm sau, người ta lại thấy Ngài xuất hiện đi trên các nẻo đường như một ánh lửa khác thường của nhân loại. Ngài đã mời gọi thay đổi cả thế giới. Ngài đã lật đổ mọi thứ nặng nề trì trệ của cơ chế cũng như của tôn giáo.
Đối với Ngài, không có những bức hàng rào ngăn cách những gia đình, dòng tộc, phe nhóm và quốc gia. Ngài khơi dậy nơi mọi người sự ân cần của tình thương. Ngài đã nói năng thân mật với Thiên Chúa cao cả như một người con. Nơi nào Ngài đến, thì hệ thống đẳng cấp bị sụp đổ. Người nghèo được vui mừng. Người bệnh tật và bất hạnh thấy được bảo đảm. Người cuối hết trở thành kẻ thứ nhất. Ngài đã tái sinh ông nhà giàu dính cứng trong tiền bạc bất chính, người đàn bà hư hỏng, nhà thông luật nặng hình thức và thậm chí cả viên sĩ quan của nhà vua. Một sự sống chưa từng có đã bừng lên nơi những con người này, để nhờ đó, biến đổi cả cuộc sống xã hội và xây dựng một thế giới mới đầy tình thương.
Và như chúng ta đã biết: Ngọn lửa nhân bản và yêu thương ấy đã chỉ có một thời. Những kẻ quyền hành của thế giới cũ đã liên minh chống lại Ngài. Hài nhi sinh ra trong hang đá Bêlem năm nào đã bị đóng đinh trên thập giá. Ngài đã chết sau ba giờ hấp hối, vì đã muốn biến đổi thế giới, vì đã muốn khai sinh một nhân loại mới. Dọc theo các thế kỷ, từ đó cho đến nay, nhiều người đã quên mất Ngài, thậm chí trong số đó có cả những người mang danh hiệu Kitô hữu.
Thế nhưng, tinh thần của Đức Kitô không ngừng lây lan trong tâm hồn chúng ta, hay như một người Hồi giáo đã nói: Con người mang một cái bệnh gọi là bệnh Giêsu, thì không bao giờ có thể lành được. Ngày nay cũng vậy, Ngài có những người bạn nhiệt tình của mình. Tôi nghĩ đến những người trong đêm giáng sinh thay vì đi dự một tiệc rượu, đã tới thăm viếng những người đau yếu, nghèo túng và chia sẻ với họ một phần quà nho nhỏ. Tôi nghĩ đến những ông bác sĩ sau khi tốt nghiệp, thay vì mở phòng mạch tại thành phố, thì đã đi phục vụ không công tại những nơi xa xôi heo lánh. Tôi nghĩ đến những người dâng hiến cả cuộc đời cho những kẻ phong cùi cay cực. Thay vì lãng quên hay chạy trốn, họ đã tiến lại gần và tự hiến. Họ đã là những phản ánh trong sáng nhất cho tình thương của Ngài.
Thế nhưng tới đây thì một câu hỏi được đặt ra: Vậy thì Thiên Chúa ở đâu cho chúng ta tìm kiếm, hay Ngài chỉ còn là một kỷ niệm xa xưa? Cựu Ước kể lại rằng, đang khi Đavit dự tính xây cất một đền thờ cho Thiên Chúa, thì Ngài đã viếng thăm tiên tri Nathan và nói với ông: Ta chẳng bao giờ ở trong nhà kể từ ngày Ta đem con cái Israel ra khỏi Ai Cập. Chính ta sẽ xây cho Đavit một ngôi nhà. Nhà của Đavit và vương quốc của Đavit hằng tồn tại trước mặt Ta.
Như thế chúng ta thấy Thiên Chúa không phải chỉ ở trong các đền thờ mà còn ở trong chính con người. Hay như thánh Gioan đã viết: Thiên Chúa đã làm người và ở giữa chúng ta. Vậy thì Ngài đã thực sự hiện diện nơi bản thân chúng ta hay chưa, và hơn thế nữa chúng ta đã thực sự tìm gặp được Ngài nơi những người chung quanh, nhất là nơi những người anh em bệnh tật, đau khổ và nghèo túng hay chưa?
(Trích TUYỂN TẬP CÁC BÀI SUY NIỆM)


SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thứ Sáu, 25 tháng 12 – Chúa Giáng Sinh  (Thánh lễ Ban Đêm)
I-sai-a 9,1-6 · Thánh Vịnh 95,1-2a.2b-3.11-12a.12b-13 · Ti-tô 2,11-14 · Lu-ca 2,1-14

Ngôi Sao Bêlem


Khi hai người đang ở đó, thì bà Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng. Lu-ca 2,6-7

            Chưa từng có một sự kiện nào trong lịch sử loài người lại có sức lôi cuốn như sự kiện Chúa Giáng Sinh trong hình hài một em bé. Nó trở nên nguồn cảm hứng cho biết bao nhạc sĩ và họa sĩ mọi thời đại.
            Vào đêm nhiệm mầu đó, các phương tiện truyền thông thời đó chắc chắn khác xa chúng ta hôm nay. Không có những chiếc đồng hồ đếm ngược ở Beelem, chỉ có một ngôi sao rực sáng trên bầu trời. Vừa bế Hài Nhi trên tay, vừa nhìn những gương mặt còn kinh ngạc của các mục đồng, Mẹ Maria đã giữ mội sự đó trong lòng.
            Hôm nay chúng ta cùng Mẹ nhớ lại những việc mà Thiên Chúa thực hiện qua Hài Nhi này.
            Thiên Chúa đã mặc lấy xác phàm để cứu dộ chúng ta. Nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần, Chúa Kitô đã đến để ban cho chúng ta sự sống mới. Người đến không chỉ một ngày nào đó cách đây 2000 năm, mà ngay hôm nay. Vì khi chúng ta sống theo Tin Mừng, là lúc Chúa đang giáng sinh trong thế giới chúng ta.
Deborah Meister

HỌC HỎI NĂM THÁNH

Hỏi 41 : Tông Chiếu nhắc đến Thông Điệp “Thiên Chúa giàu lòng thương xót” của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và ghi nhận những điểm nào ?

Đáp 41 : Tông Chiếu ghi nhận hai điểm này : một là chủ đề lòng thương xót bị lãng quên trong nền văn hóa hiện nay ; hai là thúc đẩy loan báo và làm chứng cho lòng thương xót trong thế giới đương đại.

Hỏi 42 : Tông Chiếu nhận định về giáo huấn của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thế nào ?

Đáp 42 :  Đó là giáo huấn hết sức hợp thời và đáng được tìm hiểu trong Năm Thánh này.


CẦU NGUYỆN

Lạy Chúa Giêsu Hài Đồng, xin hạ sinh trong tâm hồn và cuộc sống của mỗi người chúng con để chúng con luôn hạnh phúc trong bình an và niềm vui cứu độ mà Chúa đem đến cho nhân loại.
Quyết tâm : Chia sẻ niềm vui nhận được với mọi người chung quanh.

(Nguồn trích Sống Lời Chúa số 1 – Mùa Vọng và Giáng Sinh của Tgp. Sài Gòn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét