Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Ngày Hoà Bình
Quốc Tế 2016
Ngày 15 tháng 12 vừa qua Phòng Báo Chí Toà Thánh đã tổ chức cuộc
họp báo giới thiệu Sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi Ngày Hoà Bình Thế Giới 2016 về đề
tài “Hãy chiến thắng dửng dưng và chinh phục hoà bình”. Sứ điệp đề ngày mùng 8
tháng 12 gồm 8 đoạn. Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị nội dung sứ điệp.
Mở đầu sứ điệp ĐTC viết:
1. “Thiên Chúa không dửng dưng! Đối với Thiên Chúa Nhân loại
quan trọng, Thiên Chúa không bỏ rơi nó! Bắt đầu năm mới với xác tín sâu thẳm
này của mình tôi muốn kèm theo các lời cầu chúc phước lành và hoà bình
tràn đầy, trong dấu chỉ của niềm hy vọng, cho tương lai của từng người nam nữ,
của từng gia đình, dân tộc và quốc gia trên thế giới, cũng như cho các Quốc Trưởng
và Chính Quyền và Giới Lãnh Đạo tôn giáo. Thật thế, chúng ta không mất hy vọng
rằng năm 2016 trông thấy chúng ta tất cả dấn thân một cách cương quyết và mạnh
mẽ, trên mọi bình diện, để thực hiện công lý và hoạt động cho hoà bình. Phải,
hoà bình là món quà của Thiên Chúa và là công trình của con người. Hoà bình là
ơn của Thiên Chúa, nhưng được ủy thác cho tất cả mọi người nam nữ được mời gọi
hiện thực nó.
Duy trì các lý do của niềm hy vọng
2. Các chiến tranh và hành động khủng bố, với các hậu quả thê thảm
của chúng, các vụ bắt cóc người, các bách hại vì các lý do chủng tộc hay tôn
giáo, các lạm dụng đã ghi dấu từ đầu tới cuối năm vừa qua gia tăng một cách đau
đớn tại nhiều vùng trên thế giới, đến độ có các hình thể có thể gọi là “một đệ
tam thế chiến từng mảnh”. Nhưng cũng có vài biến cố của các năm qua và của năm
vừa qua mời gọi tôi, trong viễn tượng của năm mới, canh tân lời khích lệ
đừng mất hy vọng nơi khả năng của con người, với ơn của Thiên Chúa, vượt thắng
sự dữ và không buông xuôi cho thái độ chịu trận và thờ ơ. Các biến cố mà tôi muốn
nhắc đến diễn tả khả năng của nhân loại hoạt động trong tình liên đới, vượt
ngoài các lợi lộc cá nhân, sự vô cảm và dửng dưng trước các tình trạng nguy kịch.
Trong số các biến cố ấy tôi muốn nhắc tới nỗ lực tạo thuận tiện
cho cuộc gặp gỡ của giới lãnh đạo thế giới trong bối cảnh của hội nghị COP 21,
nhằm tìm ra các con đường mới giúp đương đầu với các thay đổi khí hậu và cứu
vãn sức khỏe của Trái Đất, căn nhà chung của chúng ta. Và điều này quy chiếu về
hai biến cố trước đó trên bình diện toàn cầu: đó là Hội nghị thượng đỉnh tại
Addis Abeba nhằm quyên góp ngân qũy cho việc phát triển có thể chịu đựng nổi của
thế giới; và việc Liên Hiệp Quốc chấp nhận Lịch trình 2030 cho việc phát triển
có thể chịu đựng nổi, nhằm bảo đảm cho mọi người dân, nhất là cho các dân tộc
nghèo của hành tinh, từ nay cho tới đó có một cuộc sống xứng đáng hơn.
Năm 2015 đã là một năm đặc biệt đối với Giáo Hội, cũng bởi
vì Giáo Hội kỷ niệm 50 năm công bố hai tài liệu của Công Đồng Chung Vaticăng
II diễn tả một cách rất hùng hồn ý thức liên đới của Giáo Hội đối với thế
giới. Khi khai mạc Công Đồng ĐGH Gioan XXIII muốn mở toang các cửa sổ của Giáo
Hội để giữa Giáo Hội và thế giới có sự truyền thông rộng mở hơn. Hai tài liệu:
Nostra aetate và Gaudium et Spes, là các diễn tả biểu hiệu cho tương quan mới của
sự đối thoại, tình liên đới và đồng hành mà Giáo Hội cố ý đưa vào bên trong
nhân loại. Trong Tuyên ngôn Nostra aetate Giáo Hội được mời gọi rộng mở cho việc
đối thoại với các tôn giáo không kitô. Trong Hiến chế mục vụ Gaudium et Spes, từ
lúc “các niềm vui, các hy vọng, buồn sầu và lo lắng của con người ngày nay, của
người nghèo và nhất là của tất cả những người đau khổ, cũng là các niềm vui và
các hy vọng, các buồn sầu và các âu lo của các môn đệ Chúa Kitô” (GS, 1), thì
Giáo Hội đã ước mong thiết lập một cuộc đối thoại với gia đình nhân loại liên
quan tới các vấn đề của thế giới, như dấu chỉ của tình liên đới và sự trìu mến
tôn trọng (GS, 3).
Cũng trong viễn tượng này với Năm Thánh Lòng Thương Xót tôi muốn
mời gọi Giáo Hội cầu nguyện và hoạt động để mọi tín hữu kitô có thể có một con
tim chín mùi khiêm nhường và từ bi, có khả năng loan báo và làm chứng cho lòng
thương xót, “tha thứ và cho đi”, rộng mở “cho những ai sống trong các vùng ngoại
biên rải rác nhất của cuộc sống, mà thế giới tân tiến thường tạo ra một cách
thê thảm”, không “rơi vào sự dửng dưng hạ nhục, không rơi vào thái độ quen nhờn
làm tê liệt tâm trí và ngăn cản khám phá ra sự mới mẻ, không rơi vào thái
độ vô liêm sỉ tàn phá.” (Misericordiae vultus, 14-15)
ĐTC viết tiếp trong sứ điệp: Có nhiều lý do giúp tin vào khả
năng của nhân loại cùng nhau hành động trong tình liên đới, trong việc nhận ra
sự nối kết giữa nhau và tuỳ thuộc nhau, bằng cách lo lắng cho các thành phần yếu
đuối nhất, và cứu vãn thiện ích chung. Thái độ liên đới đồng trách nhiệm này là
gốc rễ ơn gọi nền tảng cho tình huynh đệ và cho cuộc sống chung. Phẩm giá và
các tương quan liên bản vị khiến cho chúng ta là người, được Thiên Chúa muốn là
hình ảnh của Ngài và giống Ngài. Như là các thụ tạo được phú bẩm phẩm giá bất
khả nhượng, chúng ta hiện hữu trong tương quan với các anh chị em khác, mà
chúng ta có trách nhiệm đối với họ và chúng ta hành động trong tình liên đới với
họ. Bên ngoài tương quan này, chúng ta sẽ ít là người hơn. Chính vì thế sự dửng
dưng là một đe dọa đối với gia đình nhân loại. Trong khi chúng ta bước tới một
năm mới, tôi muốn kêu mời tất cả mọi người thừa nhận sự kiện này, để chiến thắng
dửng dưng và chinh phục hoà bình.
Vài hình thức dửng dưng
3. Chắc chắn rằng thái độ dửng dưng, của người đóng kín con tim
để không chú ý tới tha nhân, của người nhắm mắt để không trông thấy điều chung
quanh, hay tránh né để không bị dụng chạm bởi các vấn đề của người khác, định
tính một loại người khá phổ biến và hiện diện trong mọi thời đại của lịch sử.
Tuy nhiên, ngày nay nó đã vĩnh viễn vượt quá lãnh vực cá nhân để mang chiều
kích toàn cầu, và tạo ra hiện tượng của “việc toàn cầu hóa sự dửng dưng”.
Hình thái thứ nhất của sự thờ ơ trong xã hội con người là sự dửng
dưng đối với Thiên Chúa, từ đó cũng nảy sinh ra sự dửng dưng đối với tha nhân
và với thụ tạo. Đây là một trong các hậu quả trầm trọng nhất của một chủ thuyết
nhân bản giả dối, và của chủ thuyết duy vật thực tiễn, trộn lẫn với một tư tưởng
duy tương đối và duy hư vô. Con người nghĩ rằng nó là tác giả của chính mình, của
cuộc sống mình và của xã hội; nó cảm thấy tự đủ và không chỉ nhắm lấy mình thay
thế Thiên Chúa, mà còn sống không cần tới Thiên Chúa nữa; hậu quả, nó nghĩ mình
không nợ ai gì cả, ngoại trừ chính nó, và nó yêu sách chỉ có các quyền lợi mà
thôi (Caritas in veritate. 43). Chống lại sự tự hiểu biết sai lầm này của con
người, ĐGH Biển Đức XVI nhắc nhở rằng: không phải con người cũng không phải
sự phát triển của nó có khả năng tự ban cho nó ý nghĩa cuối cùng của nó
(Caritas in veritate, 16) ; và trước ngài Đức Giáo Hoàng Phaolô VI cũng đã khẳng
định rằng “không có chủ thuyết nhân bản đích thật nào cống hiến ý tưởng đích thật
của cuộc sống con người, nếu không rộng mở cho Đấng Tuyệt Đối” (Populorum
progresio, 42).
Sự dửng dưng đối với tha nhân mang nhiều bộ mặt khác nhau. Có
người được thông tin rõ ràng, lắng nghe radio, đọc báo chí hay coi các chương
trình truyền hình, nhưng làm một cách hâm hẩm, hầu như trong một điều kiện quen
thuộc: những người này biết một cách mù mờ các thảm cảnh khiến cho nhân loại khổ
đau, nhưng họ không cảm thấy bị lôi cuốn, họ không sống sự cảm thương. Đây là
thái độ của người biết, nhưng có cái nhìn, tư tưởng và hành động hướng tới
chính mình. Rất tiếc chúng ta phải ghi nhận rằng việc gia tăng các tin tức,
chính trong thời đại chúng ta, tự nó không có nghĩa là gia tăng sự chú ý tới
các vấn đề, nếu nó không được đi kèm bởi một sự rộng mở lương tâm trong nghĩa
liên đới (Caritas in veritate, 19). Trái lại, nó có thể bao gồm một sự bão hoà
làm tê liệt, và trong một mức độ nào đó, tương đối hoá tầm nghiêm trọng của các
vấn đề. “Có vài người, một cách đơn sơ, lại vui mừng đổ lỗi cho người nghèo và
các nước nghèo về các sự dữ của họ, với các tổng quát hoá không xóa bỏ được,
và họ yêu sách tìm ra giải pháp trong một việc “giáo dục” trấn an và biến họ trở
thành những người bị thuần hoá và vô hại. Điều này lại càng trở nên nhức nhối
hơn, nếu các người bị loại trừ trông thấy bênh ung thư xã hội gia tăng là sự thối
nát đâm rễ sâu trong nhiều nuớc – nơi các chính quyền, trong giới doanh thương
và trong các cơ cấu – bất cứ ý thức hệ chính trị nào của giới lãnh đạo”
(Evangelii gaudium, 60).
Trong các trường hợp khác, sự dửng dưng biểu lộ ra như là việc
thiếu chú ý đối với thực tại chung quanh, đặc biệt đối với thực tại ở xa. Có
vài người ưa thích không tìm kiếm, không hỏi thăm tin tức, và sống sự phong phú
và thoải mái của họ, điếc trước tiếng kêu than của nhân loại khổ đau. Hầu như
không nhận ra điều đó, chúng ta đã trở nên không có khả năng cảm thương những
người khác, đối với các thảm cảnh của họ, chúng ta không chú ý lo lắng cho họ,
làm như thể điều xảy ra cho họ là một trách nhiệm xa lạ đối với chúng ta, không
thuộc bổn phận của chúng ta (Ibid. 54). “Khi chúng ta khỏe mạnh và cảm thấy thoải
mái, chắc chắn chúng ta quên những người khác (đó là điều mà Thiên Chúa Cha
không bao giờ làm), chúng ta không chú ý tới các vấn đề của họ, các khổ đau, và
các bất công họ phải chịu… Khi đó con tim của chúng ta rơi vào sự dửng dưng:
trong khi tôi tương đối khoẻ mạnh và thoải mái, tôi quên những người không khỏe
mạnh” (Sứ điệp mùa chay 2015).
Khi sống trong một căn nhà chung, chúng ta không thể không tự hỏi
về tình trạng sức khỏe của nó, như tôi đã làm trong Thông điệp Laudato si’. Sự
ô nhiễm các nguồn nước và không khí, việc khai thác rừng già không phân
biệt, việc tàn phá môi sinh thường là hậu quả của sự dửng dưng của con người đối
với những người khác, bởi vì tất cả có tương quan với nhau. Cũng như thái độ
hành xử của con người đối với thú vật ảnh hưởng trên các tương quan của nó với
người khác (Laudato si’, 92), để không nói đến việc ai cho phép mình làm tại
nơi khác điều họ không dám làm trong nhà họ (Ibid. 51).
Trong các trường hợp này và các trường hợp khác nữa, sự dửng
dưng tạo ra thái độ khép kín và không dấn thân, và như thế nó kết thúc bằng việc
góp phần vào sự vắng bóng hoà bình với Thiên Chúa, vói tha nhân và với thụ tạo.
Hoà bình bị đe dọa bởi sự dửng dưng toàn cầu hóa
4. Sự thờ ơ với Thiên Chúa vượt quá phạm vi nội tâm và
tinh thần của bản vị riêng rẽ, và xâm lấn phạm vi công cộng xã hội. Như ĐTC Biển
Đức XVI đã khẳng định, “có một nối kết mật thiết giữa việc vinh danh
Thiên Chúa và hoà bình của con người trên trái đất” (Diễn văn trrước ngoại giao
đoàn cạnh Toà Thánh 7-1-2013). Thật thế, “không có sự rộng mở siêu việt, con
người dễ dàng trở thành mồi cho chủ thuyết duy tương đối và rồi sẽ khó mà hành
động theo công lý và dấn thân cho hòa bình” (Ibidem.). Việc lãng quên và khước
từ Thiên Chúa dẫn đưa con người tới chỗ không thừa nhận luật lệ cao hơn mình nữa,
và chỉ lấy mình làm quy tắc, và chúng đã tạo ra sự tàn ác và bạo lực
vô chừng mực (Biển Đức XVI, Phát biểu ngày liên tôn cầu nguyện cho công lý và
hoà bình tại Assisi 27-10-2011).
Trên bình diện ca nhân và cộng đoàn sự thờ ơ đối với tha nhân,
con đẻ của sự dửng dưng đối với Thiên Chúa, mang dáng vẻ của sự bất động và không
dấn thân, chúng dưỡng nuôi việc kéo dài các tình trạng bất công và mất quân
bình xã hội trầm trọng. Tới lượt mình chúng có thể dẫn đưa tới các xung đột,
hay trong mọi trường hợp, làm nảy sinh ra một bầu không khí bất mãn có nguy cơ,
mau hay chậm, bùng nổ thành bạo lực và bất an.
Trong nghĩa này sự dửng dưng và không dấn thân như hậu quả tạo
thành một thiếu sót trầm trọng đối với bổn phận mà mỗi người phải đóng góp
trong mức độ các khả năng của mình và của vai trò mình có trong xã hội, cho
công ích, đặc biệt là cho nền hoà bình, là một trong các thiện ích quý
báu nhất của nhân loại (Evangelii gaudium, 217-237).
Thế rồi, khi nó đụng chạm tới lãnh vực cơ cấu, thì sự dửng dưng
đối với tha nhân, phẩm giá, các quyền nền tảng và sự tự do của họ, cộng với một
nền văn hóa ghi đậm dấu lợi nhuận và chủ trương hưởng thụ, tạo thuận tiện và
đôi khi biện minh cho các hành động và chính sách rốt cuộc tạo ra các đe dọa đối
với hoà bình. Thái độ thờ ơ như thế cũng có thể đi đến chỗ biện minh cho vài
chính sách kinh tế đáng phiền trách, làm sinh sôi nay nở các bất công, chia rẽ
và bạo lực, nhằm đạt sự phong phú riêng tử hay của quốc gia. Thật vậy, không hiếm
các dự án kinh tế và chính trị của con người nhắm mục đích chinh phục hay
duy trì quyền bính và giầu sang, cả khi có chà đạp các quyền lợi và các đòi buộc
nền tảng của người khác đi nữa. Khi các dân tộc thấy các quyền lợi sơ đẳng của
họ như quyền có thực phẩm, nước uống, được săn sóc sức khỏe, hay có công ăn việc
làm, bị khước từ, thì họ bị cám dỗ chiến hữu chúng bằng bạo lực (GS 59).
Ngoài ra, sự thờ ơ đối với môi sinh thiên nhiên, bằng cách tạo
thuận tiện cho việc tàn phá rừng già, gây ô nhiễm và tạo ra các tai ương thiên
nhiên, khiến cho toàn các cộng đoàn bị nhổ khỏi gốc rễ môi sinh của họ,
cách cuỡng bách họ sống cảnh tạm bợ và bất ổn, tạo ra các nghèo túng mới, các
tình trạng bất công mới bởi các hậu qủa tàn hại liên quan tới an ninh và hoà
bình xã hội. Có biết bao nhiêu chiến tranh đã xảy ra và sẽ có biết bao nhiêu
chiến cuộc khác sẽ bùng nổ vì thiếu các tài nguyên hay để đáp ứng đòi hỏi tài
nguyên thiên nhiên vô độ?
Từ sự dửng dưng tới lòng thương xót: việc hoán cải con tim
5. Cách đây một năm trong sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới
“Không còn là nô lệ nữa nhưng là anh em”, tôi đã nhắc tới hình ảnh kinh thánh đầu
tiên của tình huynh đệ nhân loại, đó là hình ảnh của Cain và Abel (x. St 4,1-6)
để lôi kéo sự chú ý trên sự kiện tình huynh đệ đầu tiên đã bị phản bội như thế
nào. Cain và Abel là anh em. Cả hai đều phát xuất từ cùng một cung lòng, bình đẳng
trong phẩm giá và được tạo dựng nên theo hình ảnh và giống Thiên Chúa; nhưng
tình anh em của họ bị bẻ gẫy. “Cain không những không chịu được em mình là
Abel, mà còn giết em vì ghen tương nữa” (Sứ điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới
2015, 2). Khi đó việc giết em trở thành hình thức của sự phản bội, và việc
khưóc từ tình huynh đệ của Abel từ phiá Cain là sự đổ bể đầu tiên trong các
tương quan gia đình của tình huynh đệ, liên đới và tôn trọng lẫn nhau.
Khi đó, Thiên Chúa can thiệp để mời gọi tinh thần trách nhiệm của
con người đối với người đồng loại, y như Ngài đã làm khi Ađam và Evà, ông bà
nguyên tổ. đã bẻ gẫy sự hiệp thông với Đấng Tạo Hóa. “Khi đó Chúa nói với Cain:
“Abel em ngươi đâu rồi?”. Cain thưa: “Con không biết. Con là người canh giữ em
con hay sao?”. Chúa phán: “Ngươi đã làm gì vậy? Từ dưới đất tiếng máu của em
ngươi đang kêu tới Ta” (St 4,9-10).
Cain nói rằng mình không biết điều gì đã xảy ra cho em mình, rằng
mình không phải là người canh giữ em. Anh ta không cảm thấy có trách nhiệm đối
với sự sống của em, đối với số phận của em. Anh không cảm thấy bị liên lụy. Anh
dửng dưng đối vói em mình, mặc dù họ được nối kết với nhau bởi nguồn gốc chung.
Thật buồn biết bao! Thật là thảm cảnh huynh đệ, gia đình và nhân loại! Đó đã là
biểu lộ đầu tiên của sự thờ ơ giữa anh em với nhau. Thiên Chúa, trái lại, không
thờ ơ: máu của Abel có gia trị lớn dưới mắt Ngài và Ngài đòi Cain phải trả lẽ.
Như thế Thiên Chúa tự vén mở ngay từ đầu như là Đấng chú ý tới số phận của con
người. Sau này khi con cái Israel sống kiếp nô lệ bên Ai Cập, Thiên Chúa can
thiệp và Ngài đã nghe tiếng họ kêu than vì các giám thị; “Thật thế, Ta biết các
đau khổ của ngươi. Ta đã xuống để giải phóng ngươi khỏi bàn tay của Ai Cập và
làm cho ngươi ra khỏi xứ sở ấy để đi về một xứ sở xinh đẹp và rộng rãi, về một
xứ sở nơi chảy sữa và mật ong” (Xh 3,7-8). Thật là quan trọng ghi nhận các động
từ miêu tả sự can thiệp của Thiên Chúa: Ngài quan sát, lắng nghe, hiểu biết, xuống,
giải thoát. Thiên Chúa không dửng dưng. Ngài chú ý và hành động.
Cũng thế, trong Đức Giêsu Con Ngài, Thiên Chúa đã xuống giữa
loài người, đã nhập thể và tỏ ra liên đới với nhân loại: “trưởng tử giữa nhiều
em” (Rm 8,29). Ngài đã không hài lòng dậy dỗ dân chúng, mà cũng lo lắng cho họ
nữa, đặc biệt khi trông thấy họ đói (x. Mc 6,34-44) hay không có công ăn việc
làm (x. Mt 20,3). Cái nhìn của Ngài không chỉ hướng tới con người, mà cũng hướng
tới cá biển, chim trời, cây cối lớn nhỏ; Ngài ôm trọn toàn thụ tạo trong vòng
tay. Ngài trông thấy, chắc chắn rồi, nhưng không chỉ hạn chế vào việc này, bởi
vì Ngài đụng chạm tới con người, nói chuyện với họ, hoạt động cho họ và làm ích
cho người túng thiếu. Nhưng không chỉ như thế, Ngài còn để cho mình xúc động và
khóc nữa (x. Ga 11,33-44). Và ngài hành động để chấm dứt sự khổ đau, buồn sầu,
bần cùng và cái chết.
Chúa Giêsu dậy chúng ta thương xót như Thiên Chúa Cha (x. Lc
6,36). Trong dụ ngôn người Samaritano nhân hậu (x. Lc 10,29-37) Ngài tố cáo việc
bỏ sót cứu giúp trước sự cấp thiết của tha nhân: “ông thấy và đi qua” (x. Lc
10,31.32). Đồng thời, qua thí dụ này, Chúa mời gọi các thính giả của Ngài, đặc
biệt là các môn đệ của Ngài, học dừng lại trước các khổ đau của thế giới này để
làm vơi nhẹ chúng, dừng lại trước các vết thương của người khác để chữa trị
chúng, với các phương tiện họ có, bắt đầu từ thời gian, mặc dù có biết bao bận
rộn. Thật vậy, sự dửng dưng thường tìm cớ: trong việc tuân giữ các điều luật
nghi lễ, trong hàng đống việc phải làm, trong các đối kháng khiến cho chúng ta
xa nhau, trong các thành kiến đủ loại ngăn cản chúng ta đến gần nhau.
Lòng thương xót là con tim của Thiên Chúa. Vì thế nó cũng phải
là con tim của tất cả những ai tự nhận mình là chi thể của đại gia đình duy nhất
của các con cái Ngài; một con tim dấn thân mạnh mẽ đập nhịp phẩm giá con người
tại khắp mọi nơi phản ánh gương mặt của Thiên Chúa nơi các thụ tạo của Ngài.
Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta: tình yêu đối với tha nhân – khách ngoại kiều,
người đau yếu, các tù nhân, người không nhà, cho tới cả kẻ thù, là thước đo
Thiên Chúa dùng để phán xử các hành động của chúng ta. Số phận đời đời của
chúng ta tuỳ thuộc vào đó. Thật không đáng ngạc nhiên, khi thánh Phaolô tông đồ
mời gọi các kitô hữu Roma vui với người vui, khóc với người khóc (x. Rm 12,15)
hay khuyên tín hữu Côrintô tổ chức các cuộc lạc quyên như dấu chỉ tình liên đới
với các chi thể khổ đau của Giáo Hội (x. 1 Cr 16,2-3). Còn thánh Gioan thì viết:
“Nếu ai có của cải thế gian và thấy anh em mình lâm cảnh túng thiếu, mà chẳng động
lòng thương, thì làm sao tình yêu Thiên Chúa ở lại trong người ấy được?”(1 Ga
3,17; x. Gc 2,15-16).
Đo đó tại sao lại là điều “định đoạt đối với Giáo Hội và tính
cách đáng tin cậy của lời loan báo, việc Giáo Hội sống và đích thân làm chứng
cho lòng thương xót. Ngôn ngữ và các cử chỉ của Giáo Hội phải thông truyền lòng
thương xót để vào thấu trái tim con người và khiêu khích họ tìm ra con đường
trở về với Thiên Chúa Cha. Sự thật đầu tiên của Giáo Hội là tình yêu của Chúa
Kitô. Giáo Hội là tôi tớ và trung gian của tình yêu ấy nơi con người, tình yêu
đi tới chỗ tha thứ và trao ban chính mình. Vì thế, nơi đâu có Giáo Hội hiện diện,
thì ở đó lòng thương xót của Thiên Chúa Cha phải hiển nhiên. Nghĩa là trong các
giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào của chúng ta, bất cứ nơi nào có các
kitô hữu, thì bất cứ ai cũng phải tìm được một ốc đảo của lòng thương xót
(Misericordiae vulnus, 12).
Như vậy, cả chúng ta nữa cũng được mời gọi biến tình yêu, lòng
trắc ẩn, thương xót và tình liên đới trở thành chương trình sống, trở thành một
kiểu hành xử trong các tương quan với nhau (Ibid., 13). Điều này đòi hỏi
việc hoán cải con tim: nghĩa là ơn của Thiên Chúa biến đổi con tim bằng đá của
chúng ta thành con tim bằng thịt (x. Ed 36,26), có khả năng rộng mở cho tha
nhân với tình liên đới đích thật. Thật thế, tình liên đới là điều nhiều hơn một
“tình cảm của lòng trắc ẩn mơ hồ hay một mềm yếu hời hợt đối với các khổ
đau của biết bao người gần xa (Sollecitudo rei socialis, 38). Tình liên đới là
“sự quyết tâm vững vàng và kiên trì dấn thần cho công ích: hay cho hạnh
phúc của tất cả mọi người và từng người, bởi vì tất cả chúng ta đều thực sự có
trách nhiệm đối với mọi người” (Ibid.,), bởi vì sự trắc ẩn nảy sinh từ tình
huynh đệ.
Được hiểu như thế, tình liên đới là thái độ luân lý đạo đức và
xã hội, đáp trả lại một cách tốt nhất ý thức của lương tâm về các vết thương của
thời đại chúng ta và về sự tuỳ thuộc lẫn nhau luôn luôn hiện hữu, đặc biệt
trong một thế giới toàn cầu hóa, giữa cuộc sống của từng người và của cộng
đoàn trong một nơi xác định và cuộc sống của các người nam nữ khác trên thế giới
(Ibid.,).
Thăng tiến một nền văn hóa liên đới và thuơng xót để chiến thắng
sự dửng dưng
6. Tình liên đới như nhân đức luân lý và thái độ xã hội, hoa
trái của sự hoán cải cá nhân, đòi buộc một dấn thân từ phía đông đảo các chủ thể
có trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục và đào tạo.
Tư tưởng đầu tiên của tôi hướng tới các gia đình được mời gọi cho
một sứ mệnh giáo dục đầu tiên và không thể khước từ được. Các gia đình là nơi
chốn đầu tiên, trong đó người ta sống các giá trị của tình yêu thương, tình
huynh đệ, việc chung sống, chia sẻ, sự chú ý và săn sóc người khác. Các gia
đình cũng là môi trường đặc tuyển cho việc thông truyền đức tin, bắt đầu từ các
cử chỉ đạo đức đơn sơ nhất, mà các bà mẹ dậy cho con cái (Ibid.,).
Liên quan tới các nhà giáo dục và đào tạo, trong trường học hay
các trung tâm quy tụ khác của trẻ em và người trẻ, có bổn phận giáo dục chúng,
họ được mời gọi ý thức rằng trách nhiệm của họ liên quan tới các chiều kích
luân lý, tinh thần và xã hội của con người. Các giá trị của sự tự do, lòng tôn
trọng lẫn nhau và tình liên đới có thể được thông truyền ngay từ tuổi còn thơ.
Khi hướng tới các vị hữu trách của các cơ cấu có nhiệm vụ giáo dục, Đức Biển Đức
XVI đã khẳng định rằng: “Mỗi một môi trường giáo dục có thể là nơi của sự rộng
mở cho siêu việt và tha nhân: nơi của đối thoại, của sức mạnh nối kết và lắng
nghe, trong đó người trẻ cảm thấy được đánh giá trong các tiềm năng và phong
phú nội tâm, và học qúy chuộng các anh chị em khác. Ước chi nó có thể dậy cho
biết nếm hưởng niềm vui nảy sinh từ việc từng ngày sống tình bác ái và trắc ẩn
đối với người lân cận, và từ việc tham dự tích cực vào việc xây dựng một xã hội
nhân bản và huynh đệ hơn” (Sứ điệp cho Ngày Hoà Bình Thế Giới 2012, 2).
Cả các người hoạt động văn hóa và truyền thông xã hội cũng có
trách nhiệm trong lãnh vực giáo dục và đào tạo, đặc biệt trong các xã hội ngày
nay, trong đó việc sử dụng các phương tiện thông tin và truyền thông ngày càng
phổ biến. Trước hết họ có nhiệm vụ phục vụ sự thật chứ không phải phục vụ các lợi
lộc riêng tư. Thật thế, các phương tiện truyền thông “không chỉ thông tin, mà
cũng đào tạo tinh thần các đối tượng của chúng nữa, và vì vậy có thể góp phần
đáng kể vào việc giáo dục người trẻ. Thật là quan trọng chú ý tới tương quan rất
chặt chẽ giữa giáo dục và truyền thông: thật thế, giáo dục đến qua truyền
thông, nó ảnh hưởng một cách tích cực hay tiêu cực trên việc đào tạo con người”
(Ibid.,). Các nhân viên văn hóa và truyền thông cũng phải canh chừng để kiểu tiếp
nhận và phổ biến các tin tức của họ luôn được hợp pháp trên bình diện pháp lý
và luân lý.
Hoà bình: hoa trái của một nền văn hoá liên đới, thương xót và
trắc ẩn
7. Ý thức được sự đe dọa của một việc toàn cầu hóa sự dửng dưng,
chúng ta không thể không thừa nhận rằng, trong bối cảnh như miêu tả trên đây,
cũng có nhiều sáng kiến và hoạt động tích cực làm chứng cho sự trắc ẩn, lòng
thương xót và tình liên đới mà con người có khả năng làm được. Tôi muốn nhắc tới
vài thí dụ dấn thân đáng ca ngợi chứng minh cho thấy làm sao mỗi người có thể
chiến thắng sự thờ ơ, khi lựa chọn không rời cái nhìn khỏi người lân cận của
mình, và chúng có thể trở thành các thực hành tốt trên con đường tiến tới một
xã hội nhân bản hơn.
Có biết bao nhiêu tổ chức phi chính quyền và các nhóm bác ái,
bên trong cũng như bên ngoài Giáo Hội, mà các thành viên, trong các dịp dịch tễ,
thiên tai hay xung khắc vũ trang, đương đầu với các mệt nhọc và nguy hiểm để
săn sóc những người bị thương và các bệnh nhân, và để chôn cất các người đã chết.
Bên cạnh họ tôi muối nhắc đến những người và những hiệp hội cứu giúp các người
di cư băng qua các sa mạc và biển cả để đi tìm các điều kiện sống tốt đẹp hơn.
Các hoạt động này là các công tác của lòng thương xót thể lý và tinh thần, dựa
trên đó chúng ta sẽ bị phán xử vào cuối cuộc sống của mình.
Tôi cũng nghĩ tới các nhà báo và các chuyên viên chụp hình thông
tin tức cho dư luận công cộng liên quan tới các tình hình khó khăn gọi hỏi
lương tâm, và tất cả những người dấn thân bảo vệ các quyền con người, bảo vệ
các phụ nữ và trẻ em, và tất cả những ai sống trong các điều kiện dễ bị tổn
thương hơn. Giữa những người đó cũng có các linh mục và thừa sai, như là các mục
tử nhân lành, các vị ở lại bên cạnh tín hữu và nâng đỡ họ mặc cho các hiểm nguy
và khó khăn, đặc biệt trong các cuộc xung đột vũ trang.
Thế rồi còn có biết bao nhiêu gia đình dấn thân một cách cụ thể
để giáo dục con cái họ “đi ngược dòng”, sống các giá trị của tình liên đới, sự
cảm thương và tình huynh đệ, với giá của biết bao nhiêu hy sinh, tuy phải sống
giữa biết bao khó khăn về công ăn việc làm và xã hội. Biết bao nhiêu gia đình rộng
mở con tim và cửa nhà cho nhũng ai sống trong cảnh thiếu thốn, như các người tỵ
nạn và di cư! Tôi muốn cám ơn một cách đặc biệt tất cả các người, các gia đình,
các giáo xứ, các cộng đoàn dòng tu, các đan viện và các trung tâm hành hương đã
mau mắn đáp trả lời tôi kêu gọi tiếp đón một gia đình tỵ nạn (Kinh Truyền Tin
6-9-2015).
Sau cùng, tôi muốn nhắc tới các người trẻ hiệp nhất với nhau để
thực hiện các dự án liên đới, và tất cả những người mở rộng đôi tay trợ giúp
người bên cạnh thiếu thốn: trong các thành phố, trong quê hương mình hay trong
các vùng miền khác trên thế giới. Tôi muốn cám ơn và khích lệ tất cả những ai dấn
thân trong các hành động loại này, cả khi họ không được quảng cáo: sự đói khát
công lý của họ sẽ được no thoả, lòng thương xót của họ sẽ khiến cho họ tìm được
xót thương và như là các tác nhân hoà bình, họ sẽ được gọi là con cái của Thiên
Chúa (x. Mt 5,6-9).
Hoà bình trong dấu chỉ của Năm Thánh Lòng Thương Xót
8. Trong tinh thần của Năm Thánh Lòng Thương Xót, mỗi người
được mời gọi nhận ra sự thờ ơ được biểu lộ trong cuộc sống của mình như thế
nào, và lựa chọn một dấn thân cụ thể để góp phần cải tiến thực tại trong đó
mình đang sống, bắt đầu từ gia đình mình, từ xóm giềng của mình hay từ môi trường
làm việc.
Cả các Quốc gia cũng được mời gọi có các cử chỉ cụ thể, có các
hành động can đảm đối với các người giòn mỏng nhất của xã hội, như các tù nhân,
người di cư, người thất nghiệp và người đau yếu.
Liên quan tới các tù nhân, trong nhiều trường hợp xem ra cấp thiết
áp dụng các biện pháp cụ thể giúp cải tiến các điều kiện sống của họ trong các
nhà tù, bằng cách cho phép chú ý đặc biệt tới những người bị mất tự do trong
khi chờ đợi được xét xử, lưu tâm tới mục đích tái giáo dục của hình phạt, và lượng
định khả thể đưa vào trong luật pháp quốc gia các hình phạt thay thế cho việc
giam giữ trong nhà tù. Trong bối cảnh ấy tôi ước ao canh tân lời kêu gọi các giới
chức chính quyền quốc gia huỷ bỏ án tử hình, tại nơi đâu nó còn hữu hiệu và duyệt
xét lại khả thể của một cuộc ân xá.
Liên quan tới các người di cư, tôi muốn đưa ra một lời mời gọi
suy tư trở lại các luật lệ về di cư, để chúng được linh hoạt bởi ý chí tiếp
đón, trong sự tôn trọng hỗ tương các nhiệm vụ và trách nhiệm, và có thể tạo
dễ dàng cho việc hội nhập của các người di cư. Trong viễn tượng này phải có một
sự chú ý đặc biệt đối với các điều kiện di trú của người di cư, bằng cách nhớ rằng
sự lén lút có nguy cơ lôi kéo họ tới tội phạm.
Ngoài ra tôi cũng ước mong trong Năm Thánh này đưa ra một lời
kêu gọi cấp bách giới hữu trách các quốc gia có các cử chỉ cụ thể đối với các
anh chị em khổ đau vì thiếu công ăn việc làm, đất đai và nhà ở. Tôi nghĩ tới việc
tạo ra các chỗ làm việc xứng đáng để chống lại tệ nạn xã hội của sự thất nghiệp,
đả thương nhiều gia đình và người trẻ và có các hậu quả rất nghiêm trọng
liên quan tới điều kiện sống của toàn xã hội. Sự thiếu công ăn việc làm tấn
kích một cách nặng nề ý thức về phẩm giá và niềm hy vọng, và chỉ có thể
được bù trừ phần nào bởi các liên đới cần thiết dành cho nhũng người thất nghiệp
và gia đình họ. Một sự chú ý đặc biệt cần phải dành cho phụ nữ - rất tiếc còn bị
kỳ thị trong lãnh vực công ăn việc làm – và cho vài tầng lớp công nhân, có các
điều kiện bấp bênh hay nguy hiểm và có đồng lương không tương xứng với tầm quan
trọng sứ mệnh xã hội của họ.
Sau cùng tôi muốn mời gọi có các hoạt động hữu hiệu giúp cải tiến
các điều kiện sống của các bệnh nhân, bằng cách bảo đảm cho tất cả được săn sóc
y khoa và có thuốc men cần thiết cho sự sống, bao gồm cả việc được săn sóc tại
gia.
Khi hướng cái nhìn vượt ngoài các ranh giới của mình, giới hữu
trách các quốc gia cũng được mời gọi canh tân các tương quan với các dân
tộc khác, bằng cách cho phép tất cả mọi người thực sự tham gia và bao gồm vào
cuộc sống của cộng đồng quốc tế, hầu thể hiện tình huynh đệ cả bên trong gia
đình quốc gia nữa.
Trong viễn tượng này, tôi ước mong đưa ra một lời kêu gọi gồm ba
điều: đừng lôi cuốn các dân tộc khác vào các cuộc xung đột hay các chiến tranh
không chỉ tàn phá các giầu có vật chất, văn hóa và xã hội của họ, mà cũng –
trong thời gian lâu dài – tàn phá sự toàn vẹn luân lý và tinh thần của họ nữa;
xóa bỏ hay điề hành có thể chịu đựng nổi nợ nần quốc tế của các nước nghèo hơn;
áp dụng các đường lối chính trị cộng tác, tôn trọng các giá trị của các dân tộc
địa phương thay vì gập mình trước sự độc tài của vài ý thức hệ, và trong mọi
trường hợp các đường lối chính trị ấy không được gây tổn thương cho quyền nền tảng
và bất khả nhượng của các trẻ em sắp sinh vào cuộc sống.
Tôi xin phó thác các suy tư này cùng với các lời chúc mừng năm mới
tốt đẹp cho năm mới cho lời bầu cử của Mẹ Maria Rất Thánh Mẹ mau mắn lo cho
các nhu cầu của nhân loại, để Mẹ xin được từ Chúa Giêsu Con Mẹ, Hoàng Tử
Hoà Bình, việc khấng nhận các lời khẩn nài của chúng ta và phước lành của sự dấn
thân thường ngày của chúng ta cho một thế giới huynh đệ và liên đới hơn.
Từ Vaticăng mùng 8 tháng 12 năm 2015 Lễ trọng Vô Nhiễm Nguyên Tội
của Đức Trinh Nữ Diễm Phúc Maria. Mở Năm Thánh Ngoại Thường Lòng Thương Xót.
Linh Tiến Khải
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét