Ngày 26 tháng
12
(Trong Tuần
Bát Nhật Lễ Chúa Giáng Sinh)
Thánh Têphanô
Tử Ðạo Tiên Khởi
Bài Ðọc I:
"Kìa tôi xem thấy trời mở ra"
Bài trích sách Tông Ðồ Công Vụ.
Trong những ngày đó, Têphanô đầy ân sủng và sức mạnh, làm nên những
điều kỳ diệu và những phép lạ cả thể trong dân.
Bấy giờ, có nhóm người kia, thuộc Hội đường, mệnh danh là
"của những người Tự Do, người Xirênê và Alexandria", và những người
khác từ xứ Cilicia và Á đông, đã nổi dậy.
Họ tranh luận với Têphanô, nhưng họ không thể đương đầu với sự
khôn ngoan và Thánh Thần vẫn giúp cho ông nói.
Nghe ông nói, họ phát điên lên trong lòng, và họ nghiền răng phản
đối ông.
Nhưng Têphanô, đầy Thánh Thần, nhìn lên trời, đã xem thấy vinh
quang của Thiên Chúa, và Ðức Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa.
Ông đã nói rằng:
"Kìa, tôi xem thấy trời mở ra, và Con Người đứng bên hữu
Thiên Chúa".
Bấy giờ họ lớn tiếng kêu la và bịt tai lại, và họ nhất tề xông
vào ông.
Khi lôi ông ra ngoài thành, họ ném đá ông.
Và các nhân chứng để áo của họ dưới chân một người thanh niên
tên là Saolê.
Rồi họ ném đá Têphanô, đang lúc ông cầu nguyện rằng:
"Lạy Chúa Giêsu, xin đón nhận tâm hồn tôi".
Thế rồi ông quì gối xuống, lớn tiếng kêu lên rằng:
"Lạy Chúa, xin đừng trách cứ họ về tội lỗi nầy".
Nói xong câu đó, ông đã an giấc trong Chúa.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv. 30,3cd 4, 6ab và 8a, 17 và 21ab
Ðáp: Lạy Chúa, tôi xin phó mạng sống tôi trong tay Chúa.
Xướng 1) Xin Chúa nên núi đá tôi nương náu, và nên thành trì cứu
thoát tôi, bởi Chúa là núi đá và là thành trì của tôi, vì danh Chúa, xin dẫn
đàng chỉ lối cho tôi. - Ðáp.
2) Tôi phó mạng sống tôi trong tay Chúa, Lạy Chúa là Thiên Chúa
trung tín, xin cứu thoát tôi.
3) Còn tôi, tôi trông cậy nơi Chúa, tôi hân hoan vui mừng vì
lòng từ bi Chúa. - Ðáp.
4) Xin Chúa tỏ mặt nhân lành với tôi tớ Chúa, và lấy lòng thương
xót Chúa cứu thoát tôi. Chúa che chở những ai nấp dưới nhan thánh Chúa khỏi mưu
chước của loài người. Chúa giấu họ trong nhà Chúa khỏi miệng lưỡi gian ngoa. -
Ðáp.
Alleluia: Tv. 117, 26a và 27a
Alleluia, alleluia - Chúc tụng Ðấng nhân danh Chúa mà đến; Chúa
là Thiên Chúa đã soi sáng chúng ta. Alleluia.
Phúc Âm: Mt 10,17-22
"Không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa
Cha"
Bài trích Phúc âm theo Thánh Matthêô.
Ngày ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng:
"Chúng con hãy coi chừng người đời.
Họ sẽ nộp chúng con cho công nghị, họ sẽ đánh đòn chúng con nơi
hội đường.
Vì Ta, chúng con sẽ bị điệu đến trước vua quan, để làm chứng trước
mặt họ và các dân.
Nhưng khi người ta nộp chúng con, chúng con chớ lo lắng phải nói
sao và nói gì, vì không phải chúng con nói, nhưng là Thánh Thần của Chúa Cha
chúng con sẽ nói thay cho.
Anh sẽ nộp em cho người ta giết, cha sẽ nộp con, con cái chống đối
cha mẹ và làm cha mẹ phải chết.
Vì Ta, chúng con sẽ bị mọi người ghét bỏ, nhưng kẻ nào bền chí đến
cùng, sẽ được cứu rỗi.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Cuộc Tử Ðạo Tiên Khởi Của Thánh Stêphanô
Hôm nay lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi của Giáo Hội.
Giữa bầu khí an bình hân hoan của Mùa Giáng Sinh mà mừng kính một vị tử đạo thì
xem ra không bình thường, vì sự tử đạo thường gợi lên máu đào và chết chóc.
Nhưng chắc chắn Giáo Hội đã có một lý do rất đặc biệt để mừng lễ của vị tử đạo
tiên khởi này vào ngay sau Lễ Giáng Sinh.
Trong lá thư gởi cho các thiếu nhi khắp thế giới được ký vào
ngày 3/10/1995, Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II xem ra muốn giải thích cho chúng
ta cái lý do sâu xa ấy. Ngài viết cho các em thiếu như nhi sau: "Những
ngày tiếp theo ngày sinh của Chúa Giêsu cũng là đến ngày lễ theo truyền thống của
Cựu Ước, tám ngày sau đó Hài Nhi đã được đặt tên, tên của Ngài là Giêsu".
Sau bốn mươi ngày chúng ta tưởng niệm việc Ngài được dâng hiến
trong đền thờ giống như bất cứ đứa con trai đầu lòng nào của Israel. Trong dịp
này, một cuộc gặp gỡ phi thường đã diễn ra, vừa cùng với Hài Nhi đến trong đền
thờ, Mẹ Maria đã gặp cụ già Simêon. Cụ đã bồng Hài Nhi Giêsu trên tay và tiên
báo như sau: "Lạy Chúa, giờ đây xin để tôi tớ Chúa được ra đi bình an theo
như lời Chúa hứa, vì chính tôi tớ Chúa đã thấy ơn cứu độ mà Ngài đã chuẩn bị
trước mặt muôn dân. Ðó là ánh sáng soi cho dân ngoại, là vinh quang của Israel
dân Ngài". Sau đó ông nói với Mẹ Maria: "Con Trẻ này sẽ là duyên cớ
cho nhiều người Israel phải vấp ngã hay được chỗi dậy, Con Trẻ là dấu hiệu bị
người đời chống đối, và chính là một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn Bà. Ngõ hầu
những ý nghĩ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra".
Như vậy, ngay từ những ngày đầu của cuộc đời Chúa Giêsu, chúng
ta đã nghe được lời tiên báo về cuộc tử nạn của Chúa Giêsu, và cũng ám chỉ đến
cuộc tử đạo của Maria, Mẹ Ngài. Ngày thứ Sáu Tuần Thánh, Mẹ sẽ đứng thinh lặng
bên Thập Giá của Con Mẹ. Cũng thế, không bao lâu sau khi Chúa Giêsu được sinh hạ
thì Hài Nhi Giêsu đã phải đương đầu với một mối đe dọa trầm trọng. Ông vua hung
bạo Hêrôđê sẽ ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em dưới hai tuổi. Và vì lý do này,
Chúa Giêsu sẽ phải bị bắt buộc cùng với cha mẹ trốn sang Ai Cập.
Chắc hẳn tất cả chúng con đã biết các biến cố gắn liền với việc
sinh hạ của Chúa Giêsu. Cha mẹ chúng con, các linh mục, các giáo lý viên và những
biến cố ấy, và cùng với toàn thể Giáo Hội, mỗi người trong chúng con sống lại một
cách thiêng liêng trong biến cố ấy trong Mùa Giáng Sinh. Như vậy, chúng con đã
biết những khía cạnh bi thảm trong thời thơ ấu của Chúa Giêsu.
Sống lại một cách thiêng liêng những biến cố bi thảm trong thời
thơ ấu của Chúa Giêsu, đó không phải là những lời nhắn nhủ mà Ðức Thánh Cha
Gioan Phaolô II gởi riêng cho các em thiếu nhi. Vì qua các em, Ngài cũng mời gọi
tất cả mọi người sống một cách thiêng liêng cuộc tử nạn của Chúa Giêsu ngay
trong chính mầu nhiệm Giáng Sinh.
Mầu nhiệm Giáng Sinh gắn liền với mầu nhiệm Tử Nạn Thập Giá của
Ngài. Hài Nhi nằm trong máng cỏ nghèo hèn, cuộc tử nạn đã được báo trước, có lẽ
đó là lý do tại sao ngay ngày thứ nhất của tuần bát nhật Giáng Sinh, Giáo Hội mừng
kính vị thánh Tử Ðạo tiên khởi là thánh Stêphanô.
Thật thế, Tin Mừng hôm nay nhắc nhở cho chúng ta về mầu nhiệm tử
nạn được tiếp diễn trong lịch sử Giáo Hội. Trong ánh sáng của mầu nhiệm Giáng
Sinh. Phải chăng chúng ta không được mời gọi để nhận ra bóng đêm của mầu nhiệm
tử nạn? Bóng Thánh Giá phải chăng đã không chập chờn phủ xuống trên máng cỏ của
Hài Nhi Giêsu? Hài Nhi Giêsu trong máng cỏ ôn lại những bi thảm trong thời thơ ấu
của Ngài. Khi tưởng niệm việc tử đạo vị thánh tiên khởi của Giáo Hội, chúng ta
hẳn phải được nhắc nhở về số phận ơn gọi làm Kitô hữu của chúng ta, đó là bước
theo Chúa Giêsu qua từng giai đoạn của cuộc sống Ngài, và như Ngài, như vị tử đạo
tiên khởi của Giáo Hội đã vạch ra cách sống kiên trung cho đến cùng trong sứ mệnh
làm chứng cho Chúa.
Ước gì niềm vui Giáng Sinh củng cố chúng ta trong những cố gắng
theo Chúa Giêsu, sẵn sàng đón nhận và đương đầu với những thử thách bách hại mà
Thiên Chúa an bài gởi đến cho chúng ta, như Ngài đã loan báo trước: "Vì
danh Thầy, các con sẽ bị mọi người thù ghét".
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Ngày 26 tháng
12, Lễ Thánh Stephanô TĐ
Bài đọc: Acts 6:8-10,
7:54-59; Mt 10:17-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh
Stephanô là người đầu tiên đổ máu làm chứng cho Đức Kitô.
Một câu hỏi được đặt ra: Tại sao Giáo Hội cử hành Lễ Thánh
Stephanô, tử đạo, ngay sau Lễ Giáng Sinh? Câu trả lời có lẽ liên kết mục đích của
việc Nhập Thể với bổn phận của Kitô hữu: “Niềm vui Giáng Sinh là con người được
nhìn thấy Ơn Cứu Độ; nhưng để đạt được Ơn Cứu Độ, con người phải chứng minh niềm
tin của mình nơi Người Con.” Sau những vui mừng nhộn nhịp của Ngày Giáng Sinh,
con người dễ có khuynh hướng trở lại cuộc sống bình thường, Giáo Hội muốn nhắc
nhở cho các tín hữu bổn phận làm chứng cho Đức Kitô trong cuộc sống hằng ngày.
Các Bài đọc hôm nay xoay quanh việc làm chứng cho Đức Kitô.
Trong Bài đọc I, Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật cuộc tử đạo của Stephanô, chứng
nhân đầu tiên cho Đức Kitô. Trong Vuơng Cung Thánh Đường Stephanô của các cha
Đa-minh tại Đất Thánh, trong Học-viện Thánh Kinh École Biblique, có vẽ 3 tấm
hình: một của Gioan Tẩy Giả đang chỉ tay vào Chúa Giêsu, Người đứng giữa và
nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng gánh tội trần gian.” Một của Phó-tế
Stephanô cũng chỉ tay vào Chúa Giêsu và nói: “Đây là Đấng mà tôi đã đổ máu làm
chứng cho Ngài.” Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ giá phải trả
của sứ vụ làm chứng cho Ngài: “Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập
anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa
quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: "Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con."
1.1/ Tiểu sử của Stephanô: Phó-tế Stephanô là một trong 7
Phó-tế đầu tiên được chọn để giúp các Tông-đồ. Lý do có Phó-tế là để các Tông-đồ
chuyên lo việc cầu nguyện và giảng dạy (Acts 6:1-6). Điều kiện để làm Phó-tế là
phải có thanh danh tốt, đầy tràn Thánh Thần và khôn ngoan. Chúng ta không biết
nhiều về lịch sử của ông. Tên của ông Stephanô, tiếng Hy-Lạp có nghĩa là “triều
thiên.” Trên tấm bia tìm được nơi mộ ông, có khắc chữ Kelil, một từ
Aramaic cho Stephanos của Hy-Lạp. Có lẽ đây là tên nguyên thủy
của ngài.
Không ai biết rõ địa điểm nơi ngài bị ném đá. Có người cho là tại
Cổng Stephanô của Thành Jerusalem ngày nay; điều này không chắc chắn vì không
thấy tài liệu lịch sử nào ghi lại. Hơn nữa, các Cổng Thành hiện nay cũng mới được
xây lại từ thế kỷ 16. Nguồn sử liệu chắc chắn hơn và dựa trên khám phá khảo cổ
mới tại Đất Thánh, xương cốt của ngài được để tại Vương Cung Thánh Đường
Stephanô của các cha Đa-minh trong khuôn viên của Học-viện Kinh Thánh. Vương
Cung Thánh Đường mới được xây dựng lại trên nền nhà của Vương Cung Thánh-đường
Byzantine cũ, xây dựng vào năm 431 bởi Juvenal, Giám-mục của Jerusalem, với sự
trợ giúp của Bà Hòang Eudocia. Thánh Cyril, Giám-quản của Alexandria, khánh
thành Thánh Đường vào ngày 15 tháng 5 năm 439. Trong khi khánh thành, Thánh
Cyril đã cho di chuyển xương cốt của Stephanô, Thánh Tử Đạo Tiên Khởi, từ một
nhà thờ trên Núi Sion đã giữ xương cốt này trong 24 năm vào Thánh Đường này. Bà
Hòang Eudocia cũng được chôn cất tại đây.
Sách Công Vụ Tông Đồ mô tả vắn tắt cuộc đời của Stephanô: Ông
Stephanô được đầy ân sủng và quyền năng, đã làm những điềm thiêng dấu lạ lớn
lao trong dân. Địch thù tranh luận với ông là những người thuộc hội đường gọi
là hội đường của “nhóm nô lệ được giải phóng,” gốc Cyrene và Alexandria, cùng với
một số người gốc Cilicia và Asia. Hậu quả của cuộc tranh cãi: “Nhưng họ không địch
nổi lời lẽ khôn ngoan mà Thánh Thần đã ban cho ông. Khi nghe những lời ấy, lòng
họ giận điên lên, và họ nghiến răng căm thù ông Stephanô.” Vì họ không thể cãi
lại ông, nên họ dùng những con người gian dối để tố cáo ông tội phạm thượng tới
Thiên Chúa và Moses, để có cớ ném đá ông (Acts 6:14).
1.2/ Biến cố tử đạo của Stephanô: Trình thuật kể: “Được đầy
ơn Thánh Thần, ông đăm đăm nhìn trời, thấy vinh quang Thiên Chúa, và thấy Đức
Giêsu đứng bên hữu Thiên Chúa. Ông nói: "Kìa, tôi thấy trời mở ra, và Con
Người đứng bên hữu Thiên Chúa." Họ liền kêu lớn tiếng, bịt tai lại và nhất
tề xông vào ông, rồi lôi ra ngoài thành mà ném đá. Các nhân chứng để áo mình dưới
chân một thanh niên tên là Saul. Họ ném đá ông Stephanô, đang lúc ông cầu xin rằng:
"Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con."”
2/ Phúc Âm: Ai bền vững đến cùng, người ấy sẽ được cứu thóat.
2.1/ Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em: Chúa Giêsu
đã báo trước cho các môn đệ biết những gì sẽ xảy ra cho các ông: “Hãy coi chừng
người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội
đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để
làm chứng cho họ và các dân ngoại được biết.” Con người dễ bị thuyết phục khi
nhìn thấy những tấm gương anh hùng của những người coi thường cái chết. Có lẽ
vì lý do này mà người ta nói: “Máu các thánh tử đạo là hạt giống sẽ trổ sinh niềm
tin Công-giáo, và là men làm thăng tiến Nước Chúa Kitô.” Thực tế đã chứng minh:
nơi nào bách hại càng nhiều, nơi đó càng có nhiều người tin theo Đức Kitô.
2.2/ Lời hứa ban Thánh Thần: “Khi người ta nộp anh em, thì anh
em đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho
anh em biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính anh em nói, mà là Thánh Thần
của Cha anh em nói trong anh em.” Có rất nhiều vị tử đạo thân thể yếu ớt, nói
năng nhút nhát; nhưng khi phải ra để bị tra khảo trước vua quan, đã anh hùng
khí khái nói lên những lời khôn ngoan lưu truyền cho hậu thế.
Chúa Giêsu cũng báo trước cho các môn đệ biết: Kẻ thù không phải
chỉ có những người ngòai, nhưng có thể cả những người trong gia đình: "Anh
sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp con, con cái sẽ đứng lên
chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết. Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi
người thù ghét.”
Kẻ thù có thể giết được thân xác, nhưng không động đến được linh
hồn các môn đệ của Đức Kitô. Ngài động viên tinh thần các môn đệ: “Can đảm lên,
Đừng sợ! vì Thầy đã chiến thắng thế gian.” Và Ngài hứa ban phần thưởng cứu độ
cho những ai trung thành: “Kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Ơn Cứu Độ thuộc về con người khi Đức Kitô nhập thể và hiến
thân làm của lễ hy sinh trên Thập Giá. Tuy nhiên, để được hưởng Ơn Cứu Độ này,
chúng ta phải chứng minh niềm tin của chúng ta vào Đức Kitô trong khi còn ở thế
gian này.
- Nhiệm vụ của chúng ta là rao giảng và làm chứng cho tình yêu
Thiên Chúa, để mọi người nhận ra chứng tá của chúng ta và tin vào Ngài. Trong
khi làm chứng cho sự thật, chúng ta sẽ gặp những gian nan, thử thách, và chống
đối; nhưng Đức Kitô đã hứa sẽ ở cùng, và ban Thánh Thần giúp chúng ta vượt qua
tất cả.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
26/12/15 THỨ BẢY TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Th. Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi
Mt 10,17-22
Th. Tê-pha-nô, tử đạo tiên khởi
Mt 10,17-22
Suy niệm: Lễ Chúa Giáng Sinh vừa diễn ra trong bầu khí
an hòa bình yêu thương, được tiếp nối bằng lễ thánh Tê-pha-nô vị tử đạo tiên
khởi. Thoạt nhìn, có vẻ như không có gì liên quan giữa hai ngày lễ. Nhưng thực
ra, lễ thánh Tê-pha-nô tiếp nối và diễn tả rõ ràng ý nghĩa quan trọng của lễ
mừng Chúa Giáng Sinh. Bởi vì Chúa giáng sinh làm người không phải để ở lại một
nơi nào đó trên trái đất này mà là để ở lại trong tim mỗi người chúng ta, nhờ
đó trái tim mỗi người chúng ta sẽ được biến đổi thành một trái tim biết yêu thương,
yêu tới mức hy sinh mạng sống vì người mình yêu. Sự biến đổi đó đã diễn ra
trong con người thánh Tê-pha-nô. Vị thánh này không “lựa lời khéo nói” bẻ cong
Lời Chúa cho vừa lòng người Do Thái; trái lại ngài trung thành rao giảng toàn
vẹn chân lý cứu độ dù có phải trả giá bằng cái chết của mình. Trong tim ngài
chỉ có Chúa Ki-tô, ngài thưa với Chúa trước khi lìa đời: “Lạy Chúa Giê-su, xin đón nhận
hồn con.” Và
giống như Chúa, ngài xin Chúa “đừng
chấp họ” vì
đã giết hại ngài.
Mời Bạn: Bạn
đã giải thích lời Chúa thế nào cho bạn bè, người trong gia đình? Bạn trung
thành với lời Chúa dù không được người nghe ưa thích hay uốn nắn lời Chúa cho
vừa lòng người nghe?
Sống Lời Chúa: Đọc
và suy niệm lời Chúa mỗi ngày và chia sẻ lời Chúa cho người khác cách trung thực
như Giáo Hội từng loan báo.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin cho con dám biến đời mình thành cuộc tử đạo
hằng ngày bằng cách can đảm sống và trung thành loan báo Tin Mừng.
Xin nhận lấy hồn con
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng đòi chúng ta lội ngược
dòng. Ngược dòng với thế gian, với những cám dỗ đến từ chính lòng mình.
Suy niệm:
Giáo Hội mừng kính lễ thánh
Stêphanô vào ngay sau lễ Giáng Sinh.
Ngài đã chết như chứng nhân
đầu tiên cho Chúa Giêsu.
Người làm chứng đã trở thành
người tử đạo.
Stêphanô là một phó tế đầy
đức tin và Thánh Thần (Cv 6, 5),
đầy ân sủng và quyền năng,
làm được những điềm thiêng dấu lạ (c. 8).
Ông gặp sự chống đối từ một
số người Do Thái gốc Hy Lạp (c. 9).
Nhưng họ không địch nổi sự
khôn ngoan và Thần Khí nơi ông.
Ông đã bị bắt, bị đem ra xử
trước Thượng Hội Đồng (c. 12).
Stêphanô đã giảng một bài
dài về dòng lịch sử cứu độ (Cv 7).
Chính bài giảng này đã khiến
họ tức điên lên chống lại ông.
Khi đứng trước Thượng Hội
Đồng Do Thái giáo,
khuôn mặt của Stêphanô giống
như thiên thần (Lc 6, 15).
Ông nhìn lên trời, thấy trời
mở ra và thấy vinh quang Thiên Chúa.
Nhưng hình tượng quan trọng
ông thấy là Đức Giêsu.
Ngài đang đứng ở bên hữu
Thiên Chúa, ở vị trí danh dự (c.56).
Ông đã tuyên xưng trước mặt
mọi người điều mình vừa thấy.
“Tôi thấy Con Người đứng bên
hữu Thiên Chúa.”
Stêphanô gọi Đức Giêsu là
Con Người,
một lối nói Đức Giêsu vẫn
hay dùng để nói về bản thân.
Tuyên xưng của ông bị coi là
xúc phạm đến Thiên Chúa.
Những người nghe đã xông
vào, lôi ông đi và ném đá ông ở ngoài thành.
Stêphanô bị ném đá vì tội
nói phạm thượng (cc. 57-58).
Thật ra ông đã chỉ làm chứng
về Đấng Công Chính là Đức Giêsu (c. 52).
Cái chết tử đạo của Stêphanô
được thánh Luca kể lại
với những nét giống với cái
chết trước đó của Đức Giêsu.
Cái chết của ông là cái chết
an hòa và bao dung.
Như Đức Giêsu trên thập giá,
ông chết khi ông đang cầu nguyện.
Đức Giêsu đã kêu lên Thiên
Chúa, Đấng mà Ngài âu yếm gọi là Cha:
“Lạy Cha, con xin phó thác
hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46).
Khi cận kề với cái chết,
Stêphanô cũng cầu xin với Đấng ông vừa thấy:
“Lạy Chúa Giêsu, xin nhận
lấy hồn con” (c. 59).
Ông gọi Đức Giêsu phục sinh
là Chúa và ông trao đời ông cho Ngài,
như Ngài đã trao đời Ngài
vào tay Cha.
Như Đức Giêsu, Stêphanô đã
kêu một tiếng lớn trước khi chết,
Ông chết trong tư thế quỳ,
đống đá đè trên người ông và vùi lấp ông.
Ông chết trong tư thế cầu
nguyện cho kẻ giết mình.
“Lạy Chúa, xin đừng chấp họ
tội này” (c. 60).
Bầu khí xử án Stêphanô là
bầu khí của Ba Ngôi.
Có sự hiện diện của Thiên
Chúa, của Chúa Giêsu và Thánh Thần.
Thánh Thần giúp chúng ta làm
chứng về Chúa Giêsu cho thế giới.
Ơn gọi Kitô hữu bao giờ cũng
đòi chúng ta lội ngược dòng.
Ngược dòng với thế gian, với
những cám dỗ đến từ chính lòng mình.
Không chỉ trao linh hồn ta
vào tay Chúa lúc ta gần chết,
chúng ta phải trao đời ta
vào mỗi buổi sáng và trong suốt hôm nay.
Cầu nguyện:
Lạy
Chúa Giêsu,
nhiều
bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn
những cầu thủ bóng đá,
những
tài tử điện ảnh
làm
thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa
cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và
chúng con thật sự đắn đo
trước
khi chọn Chúa.
Bởi
chúng con biết rằng
chọn
Chúa là lội ngược dòng,
theo
Chúa là bước vào con đường hẹp :
con
đường nghèo khó và khiêm nhu,
con
đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm
nay, chúng con chọn Chúa
không
phải vì Chúa giàu có, tài năng hay nổi tiếng,
nhưng
vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng
ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng
ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì
chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều
lần trong ngày,
qua
những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa
chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để
chúng con
thông
hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
26 THÁNG MƯỜI HAI
Cuộc Viếng Thăm Kỳ Diệu Của Niềm Hoan Lạc Thần Linh
Thiên thần nói về một cái gì đó mà con người không dám nói: Đấng
Mêsia, Đấng được xức dầu, đã được sinh ra ở Bê-lem. Đây là Đấng được xức dầu đến
viếng thăm nhân loại nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Người sẽ xét xử địa cầu.
Người sẽ xét xử thế giới này với công lý. Người sẽ trao ban “chính Người cho
chúng ta, để cứu chúng ta khỏi mọi sự lầm lạc và dọn cho chính Người một dân
riêng” (Tt 2,14). Người sẽ hy sinh chính Người cho ta, và đó là sự xét xử của
Người! “Này người canh gác, đêm đến đâu rồi?” (Is 21,11).
Này, tôi công bố đêm nay. Từ giữa đêm Bê-lem, đêm của toàn thể
nhân loại, một quà tặng vĩ đại đã được trao ban. “Ân sủng của Thiên Chúa đã xuất
hiện, cứu độ mọi người” (Tt 2,11).
Ân sủng là gì? Ân sủng là niềm hoan lạc thần linh. Nó hoàn toàn
qui chiếu vào đứa trẻ nằm trong máng cỏ. Vì đứa trẻ này là Con đời đời, là Con
của niềm hoan lạc thần linh, Con của tình yêu vĩnh cửu.
Thế nhưng, đứa trẻ này cũng là con của Ma-ri-a. Người cũng là
Con Người, là người thực sự. Niềm hoan lạc thần linh của Chúa Cha tập trung về
con người: Aân sủng là thế! “Bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2,14),
thiên thần đã loan báo điều đó với những người chăn chiên, những đứa con của
loài người.
Từ Bê-lem, ân sủng thần linh này bắt đầu chiếu tỏa trên con người
mọi thời. Đó là sự khởi đầu của vinh quang, vinh quang mà Thiên Chúa là sở hữu
chủ cao nhất. Con người được mời gọi đi vào vinh quang này trong Đức Giê-su
Kitô. Vâng, một ân sủng kỳ diệu đã viếng thăm con người trong đêm hồâng phúc
này.
Trái đất hãy mừng vui! Hỡi trái đất, nơi cư ngụ của con người,
hãy đón nhận một lần nữa ánh huy hoàng của đêm ấy. Hãy qui tụ xung quanh vinh
quang ấy. Hãy loan báo cho mọi tạo vật niềm vui cứu độ. Hãy công bố cho toàn thế
giới niềm hy vọng cứu độ của nhân trần: “Ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỉ.
Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người
ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử
muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96,12-13).
Kìa, Người đã đến. Kìa, Người đã có mặt giữa chúng ta: Đấng
Emmanuel. Tất cả quyền năng cứu độ thế giới ở nơi Người. Alleluia!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
Ngày 26/12
Thánh Stêphanô tử đạo tiên khởi.
Cv 6, 8-10; 7, 54-59; Mt 10, 17-22
Lời Suy Niệm: “Vì Danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù
ghét. Nhưng kẻ nào bền chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.”
Những giáo huấn đầy yêu thương tha thứ không phân biệt và không
giới hạn cũng như không loại bỏ bất cứ ai, kể cả thù. Không sống giả hình,
không ham muốn, không thu tích của cải vật chất riêng cho mình để thỏa mãn lòng
tham. Biết nhận lãnh trách nhiệm để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Sẵn
sàng hy sinh chính mình vì lợi ích và sự sống cho anh em. Chính những điều này
hoàn toàn đi ngược với quan niệm của người đời, là ánh sáng soi rọi những xấu
xa người đời. Nên thế gian sẽ ghét những người tin và theo Chúa Giêsu. Những
thù ghét của người đời với với người KiTô hữu, luôn được sự quan tâm của Thiên
Chúa và chính Ngài sẽ sai Thánh Thần của Ngài đến trong mọi biến cố thù ghét đó
để ban thêm đức khôn ngoan và sức mạnh, để đối phó: “Thật vậy, Không phải chính
anh em nói, mà là Thánh Thần của Cha anh em nói trong anh em.” Điều này cũng đã
xãy ra trong Cựu Ước. Khi quân lực Pharaô đuổi theo con cái Ítraen ra đi,
dân cũng đã lo sợ; nhưng Môisê đã nói với dân: “Đừng sợ, Cứ đứng vững, rồi anh
em sẽ thấy việc Đức Chúa làm hôm nay để cứu thoát anh em: những người Ai-Cập
anh em thấy hôm nay, không bao giờ anh em thấy lại nữa. Đức Chúa sẽ chiến đấu
cho anh em. Anh em chỉ có việc ngồi yên” (Xh 13,13-14).
Lạy Chúa Giêsu. Chúa biết chúng con đang ở trong muôn vàn khó
khăn và thử thách. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con giữ
vững đức tin cho đến cùng để chúng con được Chúa cứu thoát.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 26-12: Thánh STÊPHANÔ
Tử Đạo Tiên Khởi
Thật đáng tiếc khi chúng ta không biết được nhiều hơn về thánh
Stephanô. Như một người trong số người Do thái lưu lạc nói tiếng Hy Lạp, được
giáo dục theo văn minh La-Hy và như vị tiền hô của thánh Phaolô, Ngài là một
nhân vật rất quan trọng trong lịch sử Giáo hội thời sơ khai. Có chút hiển nhiên
là Ngài đã được giáo dục tại Alexandria. Có lẽ Ngài thuộc vào số những người
"Hy Lạp" tìm Chúa vào những ngày cuối cùng của Người trên trần gian
(Ga 12,20). Nếu đúng như vậy thì quả Ngài đã chứng minh nơi con người mình những
lời Chúa Giêsu đã nói rằng: "hạt lúa mì không thể sinh hoa trái nếu không
rơi xuống đất và chết đi" (Ga 12,24-25).
Ngài xuất hiện lần đầu trong lịch sử như một trong bảy vị Phó tế
các tông đồ đã tấn phong (Cv 6) để trợ giúp các Ngài trong việc quản trị, nhưng
Ngài dường như đã dấn mình vào việc rao giảng và hộ giáo hướng tới những hội đường
nói tiếng Hy Lạp. Chính ở nơi một những hội đường này mà nhóm người "tự
do" đã tố cáo Ngài truóc hội đồng công tọa như một người lạc đạo. Họ bắt
giam và thử thách thánh Stephanô.
Diễn từ Stephanô nói để biện minh cho mình được thánh Luca kể lại
khá dài dòng và xem ra có hơi buồn đối với độc giả tân tiến. Đó là gì, nếu
không phải là một đoạn lược tóm lịch sử Cựu ước ? Tại sao nó lại đưa những người
học thức tới cơn giận dữ không kiềm chế nổi ?
Bởi vì sự vặn ngược trong đó cũng như sự giải thích minh nhiên
hoặc mặc nhiên không đặt vào câu chuyện. Ngài đưa ra hai điểm: trước hết, Thiên
Chúa không chỉ tìm được trong đền thờ hay ở Giêrusalem hoặc ở Palestina, nhưng ở
bất cứ nơi nào. Thiên Chúa ở với Abraham tại Chaldes, với Giuse ở Ai cập, với
Môsê trên núi Sinai, với dân Israel trong sa mạc,với David cả trước khi xây cất
đền thờ. Điểm thứ hai là các nhà lãnh đạo chính thức của Do thái thường hay khước
từ sứ giả của Chúa. Các tổ phụ bán Giuse đi làm nô lệ, miêu duệ của họ bắt Môsê
phải lưu lạc, trong hoang địa, Aaron dẫn họ xa khỏi lề luật mà thờ ngẫu tượng.
Liên tiếp, các thủ lãnh của dân Do thái đã loại bỏ, ném đá và bắt bớ những ngôn
sứ của Chúa. Bấy giờ tới tuyệt đỉnh, họ đã sát hại Đấng thiên sai, người công
chính, Con người. Nhưng Chúa Giêsu bây giờ đang ngự bên hữu Thiên Chúa trong
vinh quang.
Hội đồng công tọa điên tiết. Họ xô Stephanô ra một chỗ ở ngoài
thành và ném đá. trước khi chết, Ngài cầu nguyện: "Lạy Chúa, xin đừng chấp
tội họ". Lời cầu đã được Chúa và cả Saulê nghe thấy. Saulê có mặt trong vụ
này. Ông biết mình đang chứng kiến một tội phản. Tự mình, ông không ném đá
nhưng giữ áo cho nhóm người hành sự. Sau này, ông cố trấn an lương tâm bằng việc
bắt bớ dữ dội các Kitô hữ khác. Nhưng khốn cho ông khi đạp mũi nhọn. Sau đó
không lâu, ông đi Damas, con đường dẫn ông tới cuộc tử đạo như Stephanô. Thánh
Augustinô nói: "Nếu Stephanô không cầu nguyện, Giáo hội khó có thể có được
một Phaolô".
(daminhvn.net)
26 Tháng Mười Hai
Ông Già
Noel
Tháng 9 năm 1897, một bé gái 8 tuổi tên là Virginia đã viết cho
tờ báo Công Giáo Hoa Kỳ để hỏi về ông già Noel. Câu hỏi của cô bé là: Ông già
Noel có thật không?
Vài ngày sau, trên một quan điểm của tờ báo, người ta đọc được
câu trả lời của ông chủ nhiệm kiêm chủ bút như sau:"Virginia yêu dấu của
bác. Ðiều trước tiên bác muốn nói với cháu là: các bạn của cháu thật là sai lầm
khi bảo rằng không có ông già Noel. Các bạn của cháu bị tiêm nhiễm bởi trào lưu
hoài nghi. Họ nghĩ rằng chỉ có thể tin được những gì họ thấy tận mắt. Họ nghĩ rằng
không gì có thể có được nếu trí khôn nhỏ bé của họ không hiểu được.
Virginia yêu dấu, tất cả mọi trí khôn của loài người, dù là của
trẻ em, dù là của người lớn, tất cả đều nhỏ bé. Trong cái vũ trụ bao la này,
con người chỉ là một con kiến nhỏ bé.
Virginia ạ, ông già Noel có thực. Ông có thực cũng như tình yêu
và lòng quảng đại nhờ đó cuộc sống của cháu trở thành vui tươi và xinh đẹp. Bé
ơi, nếu không có ông già Noel thì thế giới của chúng ta sẽ như thế nào? Không
có những tâm hồn ngây thơ trong trắng của những trẻ thơ như cháu thì thế giới của
chúng ta sẽ như thế nào? Không có một niềm tin của trẻ thơ như cháu thì không
có một áng văn, một dòng thơ nào có thể làm cho cuộc sống của chúng ta đáng sống
nữa. Không có một niềm tin của trẻ thơ thì ánh sáng vĩnh cửu đang lấp đầy thế
giới cũng sẽ tắt dần.
Virginia, nếu cháu không còn tin ở ông già Noel nữa, thì cháu
cũng chẳng còn tin ở chuyện thần tiên nữa. Có thể cháu sẽ yêu cầu bố cho người
ngồi canh ở lò sưởi, ở cuối giường để bắt cho được ông già Noel... Nhưng dù
cháu không bắt được ông già Noel đi nữa, điều đó ý nghĩa gì? Chưa có ai thấy
ông già Noel, nhưng cũng không ai chứng minh được là không có ông già Noel. Những
điều có thực nhất trong thế giới của chúng ta đó là những điều mà trẻ con và
ngay cả người lớn cũng chưa từng thấy.
Cháu đã bao giờ thấy các nàng tiên nhảy múa trên thảm cỏ chưa?
Dĩ nhiên là chưa. Nhưng có ai chứng thực được các nàng tiên không có không?
Không ai có thể có khái niệm hay tưởng tượng được bao điều kỳ diệu chưa thấy hoặc
không thể thấy được trong thế giới của chúng ta.
Chỉ có Ðức Tin, chỉ có tình yêu mới có thể vén mở được bức màn
bí mật của thế giới chúng ta.
Nhờ ơn Chúa, ông già Noel vẫn sống và tiếp tục sống, cháu
Virginia ạ. Ông già Noel sẽ tiếp tục làm cho tâm hồn trẻ thơ được tràn đầy hoan
lạc".
Lá thư gửi cho cô bé Virginia trên đây đưa chúng ta vào trung
tâm điểm của ngày Giáng Sinh: Giáng Sinh là lễ của nhi đồng, bởi vì nhân vật
chính của ngày lễ là một Em Bé. Một Em Bé cũng như muôn nghìn em bé sinh ra
trên cõi đời này. Em Bé đó chính là niềm vui và hy vọng cho tất cả mọi người.
Cùng với Em Bé đó, tất cả các em bé đều mang lại niềm vui cho mọi
người trong mùa Giáng Sinh. Bầu khí Giáng Sinh là bầu khí của nhi đồng. Từ hoa
đèn, âm nhạc cho đến quà cáp, tất cả đều hướng về các em nhi đồng... Người cho
đã vui mà người nhận còn vui hơn: chính các em bé là những người đã dạy cho người
lớn biết vui với niềm vui ban phát. Bao lâu con người còn có thể mở cửa tâm hồn,
bao lâu con người còn có thể mở rộng bàn tay để ban phát, để chia sẻ thì bấy
lâu ông già Noel của hy vọng, của quảng đại, của hân hoan vẫn còn sống mãi
trong tâm trí của trẻ em và không biết bao nhiêu người sầu khổ.
Giáng Sinh là ngày của nhi đồng do đó cũng là lễ của hòa bình. Một
em bé sinh ra là một hy vọng mới chớm nở. Hy vọng là tên mới của hòa bình. Còn
hy vọng là còn muốn xây dựng. Xây dựng trên mầm sống đã đành mà còn xây dựng
trên những đổ vỡ, mất mát.
Qua Hài Nhi Giêsu, tất cả các em bé trên thế giới đang nhắn gửi đến từng người trong chúng ta niềm hy vọng vào thiện chí của con người. Hòa bình là hoa quả của hy vọng. Còn tin nơi con người, chúng ta còn có thể xây dựng hòa bình.
Qua Hài Nhi Giêsu, tất cả các em bé trên thế giới đang nhắn gửi đến từng người trong chúng ta niềm hy vọng vào thiện chí của con người. Hòa bình là hoa quả của hy vọng. Còn tin nơi con người, chúng ta còn có thể xây dựng hòa bình.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Thánh
Stêphanô, Tử Đạo Tiên Khởi
Thứ Bảy, 26 Tháng 12, 2015
Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, là Thiên Chúa của chúng con,
Hôm nay chúng con mừng kính thánh Stêphanô,
Vị tử đạo đầu tiên thời Giáo Hội sơ khai của Chúa.
Xin Chúa hãy làm cho chúng con là những chứng tá tốt lành như
ngài,
Những con người đầy đức tin và Chúa Thánh Thần,
Những con người đầy lòng dũng cảm,
Như lúc chúng con cố gắng để sống đời sống của Chúa Giêsu.
Xin Chúa hãy ban cho chúng con một lòng tin tưởng mạnh mẽ
Để chúng con có thể sống và chết trong tay Chúa
Và khiến cho chúng con cầu nguyện cho những ai hãm hại chúng
con,
Để Chúa có thể tha thứ cho họ và cho chúng con.
Chúng con cầu xin Chúa, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm –
Mátthêu 10:17-22
"Hãy coi chừng
người đời. Họ sẽ nộp các con cho các hội đồng, và sẽ đánh đập các
con trong các hội đường của họ. Và các con sẽ bị điệu ra
trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngoại
được biết. Khi người ta nộp các con, thì các con đừng lo
phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ cho các con
biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính các con nói,
mà là Thần Khí của Cha các con nói trong các con.
"Anh sẽ nộp em, em sẽ nộp anh cho người ta giết; cha sẽ nộp
con, con cái sẽ đứng lên chống lại cha mẹ và làm cho cha mẹ phải chết.
Vì danh Thầy, anh em sẽ bị mọi người thù ghét. Nhưng kẻ nào bền
chí đến cùng, kẻ ấy sẽ được cứu thoát.
3. Suy Niệm
- Sự
tương phản rất là lớn lao. Hôm qua là ngày lễ Giáng Sinh, chúng ta
đã có cái nôi của em bé sơ sinh, với tiếng hát của các thiên thần và việc viếng
thăm của những người mục tử. Hôm nay ở đây là máu của thánh
Stêphanô, bị ném đá cho đến chết, bởi vì ông đã có can đảm để tin vào lời hứa
được thể hiện ở sự đơn sơ của chiếc nôi. Thánh Stêphanô đã chỉ trích
việc giải thích giáo điều về Lề Luật Thiên Chúa và việc độc quyền về Đền Thờ. Đây
là lý do tại sao ông đã bị giết chết (Cv 6:13-14).
- Hôm nay,
lễ kính thánh Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên, phần phụng vụ trình bày cho chúng
ta một đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu (Mt 10:17-22). Trong
đó, Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ rằng lòng trung thành với Tin Mừng bao hàm
cả những khó khăn và bách hại: “Họ sẽ nộp các con cho Thượng Hội
Đồng và sẽ đánh đập các con trong hội đường của họ”. Nhưng đối với
Chúa Giêsu, điều quan trọng trong việc bách hại không phải là phần đau đớn của
sự thống khổ, mà lại là phần tích cực của lời chứng: “Các con sẽ bị
điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy, để làm chứng cho họ và các dân
ngoại được biết”. Việc bách hại tạo cơ hội để làm chứng cho Tin Mừng
mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta.
- Đây là những gì đã xảy ra cho thánh Stêphanô. Ông đã
làm chứng cho đức tin của mình vào Chúa Giêsu cho đến giây phút cuối cùng của
đời mình. Tại lúc lâm chung, ông nói: “Kìa, tôi thấy trời
mở ra, và Con Người đứng bên hữu Thiên Chúa” (Cv 7:56). Và trong lúc
hấp hối dưới những viên đá, ông đã bắt chước Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: “Lạy
Chúa, xin đừng chấp họ tội này!” (Cv 7:60; Lc 23:34).
- Chúa Giêsu đã nói: “Khi người ta nộp các con, thì các
con đừng lo phải nói làm sao hay phải nói gì, vì trong giờ đó, Thiên Chúa sẽ
cho các con biết phải nói gì: thật vậy, không phải chính các con nói, mà
là Thần Khí của Cha các con nói trong các con”. Lời tiên tri này
cũng đã được thực hiện nơi thánh Stêphanô. Các kẻ thù của ông đã
không thành công địch lại lời lẽ khôn ngoan được Thần Khí linh ứng cho ông” (Cv
6:10). “Toàn thể cử tọa trong Thượng Hội Đồng đều nhìn chăm chú
thẳng vào ông Stêphanô, và họ thấy mặt ông giống như gương mặt một thiên sứ”
(Cv 6:15). Ông Stêphanô “được đầy ơn Chúa Thánh Thần” đã đối đáp (Cv
7:55). Đây là lý do tại sao sự căm giận của những kẻ ấy lại lớn đến nỗi mà
họ đã giết ông.
- Điều tương
tự cũng xảy ra ngày nay. Ở nhiều nơi, nhiều người bị lôi ra trước
tòa án và họ đã biết cách đối ứng vượt quá sự hiểu biết của các bậc thông thái
và khôn ngoan (Lc 10:21).
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Bạn hãy
đặt mình vào vị trí của thánh Stêphanô, thỉnh thoảng, bạn đã có bao giờ phải
đau khổ vì lòng trung thành của mình với Tin Mừng chưa?
- Sự đơn sơ
của cái nôi và sự nghiệt ngã của việc tử đạo đi đôi với nhau trong đời sống của
các Thánh và trong đời sống của rất nhiều người mà ngày nay đang bị bách hại
cho đến chết vì lòng trung thành với Tin Mừng. Bạn có quen thân với
những người như thế không?
5. Lời nguyện kết
Bởi vì Ngài công chính, xin giải thoát con,
ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.
Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con.
ghé tai nghe và mau mau cứu chữa.
Xin Ngài nên như núi đá cho con trú ẩn,
như thành trì để cứu độ con.
Núi đá và thành luỹ bảo vệ con, chính là Chúa.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.
Vì danh dự Ngài, xin dẫn đường chỉ lối cho con.
(Tv 31:2-3)
SỐNG LỜI CHÚA
MỖI NGÀY NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ Bảy, 26 tháng 12 – Thánh Stêphanô, tử đạo
tiên khởi
Công Vụ Tông Đồ
6,8-10.7,54-59 · Thánh Vịnh 30,3bc-4.6.8a.16bc-17 · Mát-thêu 10,17-22
Ngôn Ngữ của Chúa Thánh Thần
Anh em đừng lo phải nói sao hay phải nói gì. Mát-thêu 10,19
Khi sắp phải
nói trước công chúng, tôi luôn lo lắng và tự đặt mình vào một tình thế khó xử.
Khi gặp những người đang chịu tang hoặc đang đau khổ, chúng ta có thể rất lo lắng
vì không biết sẽ nói gì để an ủi họ. Tuy nhiên, hầu hết trong những lúc như vậy,
lời nói không làm nên sự khác biệt mà chính là sự hiện diện thân tình của chúng
ta mới là niềm an ủi lớn lao cho họ.
Bài Tin Mừng
hôm nay nhắc nhở tôi rằng, chúng ta có thể trông cậy vào sức mạnh của Chúa
Thánh Thần. Chúa Giêsu đã hứa gởi Thần Khí của Ngài cho các môn đệ khi Ngài sai
các ông đi rao giảng Tin Mừng. Vì thế, tin tưởng vào Chúa Thánh Thần là điều
quan trọng hơn cả vì chính Chúa Thánh Thần sẽ giúp chúng ta thực hiện được trọn
vẹn việc phải nói thế nào và hiện diện thế nào trước những anh chị em đau khổ
xung quanh chúng ta.
Nt.
Joyce Rupp, O.S.M.
HỌC HỎI
NĂM THÁNH
Hỏi 43 : Khi dấn thân cho công
cuộc Tân Phúc Âm hóa, Giáo Hội cần quan tâm đến chủ đề lòng thương xót như thế
nào ?
Đáp 43 : Giáo Hội phải quan tâm đến chủ đề lòng thương
xót với lòng nhiệt thành mới và qua hoạt động mục vụ được đổi mới (x. số 11)
Hỏi 44 : Để có được sự tín nhiệm
và lời loan báo về lòng thương xót có được sự khả rín, Giáo Hội phải làm gì ?
Đáp 44 : Giáo Hội phải sống và làm chứng cho lòng
thương xót.
CẦU NGUYỆN
Lạy
Chúa Thánh Thần, xin dạy con biết sử dụng thành thạo ngôn ngữ yêu thương của
Chúa để biết cảm thông, chia sẻ, ủi an và khích lệ khi đứng trước nhu cầu của
người khác.
Quyết
tâm : Nói những lời yêu thương với người chung quanh.
(Nguồn trích Sống Lời Chúa số 1 – Mùa Vọng và Giáng Sinh của
Tgp. Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét