Trang

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

28-12-2015 : CÁC THÁNH ANH HÀI - TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH

Ngày 28 tháng 12
(Trong Tuần Bát Nhật Lễ Chúa Giáng Sinh)
Các Thánh Anh Hài Tử Ðạo

Bài Ðọc I: 1 Ga 1, 5 - 2,2
"Máu Chúa Giêsu Kitô rửa chúng tôi sạch mọi tội lỗi".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, đây là sứ điệp chúng tôi nhận được bởi Chúa, và chúng tôi loan truyền cho các con: Thiên Chúa là sự sáng và nơi Người không có sự tối tăm nào. Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi thông hảo với Người, mà chúng tôi đi trong đường tối tăm, thì chúng tôi nói dối, và chúng tôi không thực thi chân lý. Nếu chúng tôi đi trong ánh sáng, cũng như chính Người ở trong ánh sáng, thì chúng tôi có sự thông hảo với nhau; và máu Chúa Giêsu Kitô Con Người rửa chúng tôi sạch mọi tội lỗi.
Nếu chúng tôi nói rằng mình không có tội, thì chúng tôi lừa dối mình, và trong người chúng tôi không có chân lý. Nếu chúng tôi xưng tội mình ra, thì Người là Ðấng trung thành và công chính, sẽ tha tội cho chúng tôi, và rửa sạch chúng tôi khỏi điều gian ác. Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không phạm tội, thì chúng tôi coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng tôi.
Các con thân mến, cha viết những điều này cho các con, để các con đừng phạm tội, nhưng nếu có ai phạm tội, thì chúng ta có Ðức Giêsu Kitô, Ðấng công chính làm trạng sư nơi Ðức Chúa Cha. Chính Người là của lễ đền tội chúng ta, không nguyên đền tội chúng ta mà thôi, nhưng còn đền tội cho cả thế gian.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 123, 2-3. 4-5. 7b-8
Ðáp: Hồn chúng tôi như chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim (c. 7a).
Xướng: 1) Nếu như Chúa không che chở chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống chúng tôi rồi, khi họ bừng bừng giận dữ chúng tôi. - Ðáp.
2) Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi, bấy giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi. - Ðáp.
3) Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; tinh binh các Ðấng Tử Ðạo ca ngợi Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 2, 13-18
"Hêrôđê giết hết các con trẻ ở Bêlem".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông: "Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrođê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người". Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrođê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng: "Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-cập".
Bấy giờ Hêrođê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ. Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Lễ Kính Các Thánh Anh Hài
"Dù một chấm một phẩy trong Kinh Thánh
cũng không bỏ qua cho đến khi tất cả được nên trọn".
Không cần phải đưa Hài Nhi ra khỏi Ai Cập, chỉ cần đi xa vài làng mạc thành phố thôi cũng đủ để thoát khỏi bàn tay sát hại của Hêrôđê, hoặc có thể khiến cho ba đạo sĩ không đi ngang qua lối ấy để vua Hêrôđê không biết. Thế nhưng để ứng nghiệm lời tiên tri như đã chép mà Chúa đã làm như vậy. Từ đó chúng ta nhớ lại đoạn Phúc Âm Chúa Giêsu đã nói: "Ai tuân giữ và dạy người khác thực hành những điều nhỏ mọn nhất trong luật Chúa thì sẽ là kẻ lớn nhất trong Nước Trời".
Chúng ta đừng hiểu theo nghĩa đen như những người biệt phái và luật sĩ ngày xưa, nhưng phải đem tinh thần của lề luật vượt lên trên hết tất cả mọi điều luật. Ðó là tình yêu khoan dung bao la tha thứ của Thiên Chúa đối với những người ăn năn hối cải quay trở về với người Cha nhân từ.
Hôm nay lễ kính các thánh Anh Hài Tử Ðạo, chúng ta nói qua về vấn đề có tội và vô tội. "Nhân vô thập toàn", không ai là hoàn toàn cả: "Tinh thần thì hăng hái, xác thịt thì nặng nề". Nhóm người cổ Hy Lạp ngày xưa cùng thời với Platon, Aristote cho thân xác là tù ngục của linh hồn là thế. Cho nên nếu chúng ta nói: "Tôi là người vô tội" thì coi chừng tôi đang lừa dối tôi đấy. Thánh Phaolô đã cảnh tỉnh chúng ta: "Khi anh em tin rằng, anh em mạnh mẽ đứng vững, anh em hãy coi chừng kẻo ngã đấy".
Trong bài Thánh Thư hôm nay, thánh Gioan Tông Ðồ có viết thêm: "Nếu chúng tôi nói rằng chúng tôi không phạm tội thì chúng tôi là kẻ kêu Ðức Giêsu Kitô là kẻ nói dối và lời của Ngài không có ở trong chúng tôi". Vì sao? Vì Ðức Kitô đến để chuộc tội cho nhân loại tội lỗi, trong đó có mỗi người trong chúng ta. Thánh Gioan còn nói rõ hơn nữa: "Chính Ðức Kitô là của lễ đền tội chúng ta, không nguyên đền tội chúng ta mà thôi nhưng còn đền tội cho cả thế gian nữa". Như thế không ai trong chúng ta là kẻ vô tội.
Lúc mới sinh ra, con người đã mang lấy tội Tổ Tông ngoại trừ Ðức Kitô là Thiên Chúa làm người, ngoại trừ Mẹ Maria được ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội, và như Gioan Tẩy Giả được Mẹ Maria mang Chúa đến viếng thăm, dù đang ở trong bụng mẹ cũng đã nhảy mừng và thoát khỏi tội Tổ Tông, còn tất cả chúng ta đều mắc tội Tổ Tông.
Khi lớn lên tới tuổi khôn là tuổi nhận biết, phân biệt được hành vi việc làm của mình, Giáo Hội xác định là bảy tuổi, tức là chúng ta bắt đầu tới tuổi khôn, bắt đầu thêm tội mình nữa. Có một thánh nhân đã thú nhận: "Trong một ngày hai mươi bốn tiếng đồng hồ, không khỏi có năm phút sai lỗi". Tội nặng hay nhẹ tùy hai yếu tố quan trọng sau đây:
1. Lý do bởi luật buộc là nặng.
2. Do sự chú ý cố tình sai phạm khi biết đó là tội trọng.
Vậy phạm một tội trọng cũng không phải là chuyện dễ, vì phải gồm có hai yếu tố trên.
Con người tuy mang lấy bản tính yếu đuối hay sa ngã, chán nản, mỏng dòn nhưng con người được Thiên Chúa biết và thông cảm cho. Nếu trong một ngày, người anh em con phạm tội đến con và nói với con rằng: "Tôi hối hận" thì con cũng phải tha thứ cho anh em con bảy lần không?" Chúa Giêsu trả lời: "Thầy không bảo con phải tha bảy lần, nhưng là bảy mươi lần bảy, nghĩa là phải tha thứ luôn luôn".
Vì nếu chúng ta tính được tới bảy mươi lần bảy thì chúng ta đã trở thành máy móc, trở thành thói quen quán tính tha tội cho người anh em của mình mãi. Chúa đã dạy chúng ta như thế, phương chi lòng Chúa càng phải bao dung tha thứ biết bao nhiêu lần. Tội hay vô tội, vấn đề đó không quan trọng, quan trọng của vấn đề là có lòng thống hối ăn năn hay không? Ðược tha nhiều sẽ mến Chúa nhiều hơn, như Maria Madalena trong Phúc Âm đã xức dầu thơm chân Chúa, như Phanxicô Xaviê, Augustinô chẳng hạn. Từ đó, con người đam mê trong trụy lạc thời còn trai trẻ được Thiên Chúa cho giác ngộ để dấn thân theo tiếng Chúa gọi và trở nên những vị thánh nổi tiếng lừng danh trong Giáo Hội.
Lạy Chúa, trong ngày lễ kính các Thánh Anh Hài hôm nay, xin cho mỗi người chúng con ý thức được vấn đề tội lỗi và tình thương của Chúa để chúng con sống đẹp lòng Chúa hơn trong giây phút hiện tại. Amen.

Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 28 tháng 12, Lễ Các Thánh Anh Hài Tử Đạo
Bài đọc: I Jn 1:5-2:2; Mt 2:13-18.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa và tội lỗi con người
Nhiều người thường thắc mắc về biến cố tử đạo của các thánh anh hài hôm nay: "Tại sao Thiên Chúa thương yêu nhân loại đến độ cho Con Một của mình bỏ trời cao xuống nhập thể để ở với con người, lại để cho vua Herode đối xử tàn nhẫn với các trẻ thơ như vậy?" Rồi họ kết luận: hoặc Thiên Chúa không có uy quyền để ngăn chặn, hoặc Thiên Chúa không yêu thương con người thật; cả hai lý do đều làm họ không tin vào Thiên Chúa.
Trước tiên, chúng ta phải xác nhận vì Đức Kitô đã xuống trần, nên chết không phải là điều tai hại; nhưng là bước qua ngưỡng cửa đời sau để hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa. Đó là mục đích của cuộc đời, nếu cho con người lựa chọn khi mới sinh ra: hoặc là về hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa ngay, hoặc phải sống đủ thời gian trên dương thế chịu đựng đau khổ, bệnh tật, và chưa chắc đã được cứu độ, chúng ta sẽ chọn đàng nào?
Thứ đến, Thiên Chúa không chịu trách nhiệm cho những tội lỗi của con người: việc vua Herode giết các anh hài hoàn toàn do sự lạm dụng tự do Thiên Chúa ban cho ông; vì ông kiêu căng và sợ mất quyền bính. Tuy nhiên, uy quyền Thiên Chúa vẫn chiếu sáng trong thảm trạng đau khổ này: máu của trẻ thơ vô tội đổ ra để làm chứng cho biến cố Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn dùng tình thương để hoán cải lòng dạ chai đá và tính ngông cuồng tội lỗi của con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Sự tương phản giữa Thiên Chúa và con người
1.1/ Tình thương và uy quyền của Thiên Chúa:
(1) Thiên Chúa là ánh sáng, Đấng tuyệt đối thánh thiện: Gioan xác tín: "Đây là lời loan báo của Đức Giêsu Kitô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em: Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào." Ánh sáng và bóng tối là một trong những chủ đề chính của Gioan cả trong Phúc Âm cũng như trong các thư. Thiên Chúa là ánh sáng từ trời xuống trần gian để giúp con người nhìn ra sự thật, và sự thật sẽ giải thoát con người (Jn 8:32). Ai đi trong ánh sáng sẽ vững tâm vì không sợ bị lạc đường.
(2) Thiên Chúa thanh tẩy bóng tối tội lỗi con người qua Máu của Đức Kitô: Bóng tối là tội lỗi con người, là tất cả những gian tà, dối trá, ẩn giấu trong tâm hồn con người. Bóng tối và ánh sáng không thể ở chung với nhau: kẻ thích bóng tối ghét ánh sáng vì ánh sáng làm cho những tà tâm của họ bị phơi bày; nhưng người lành thích và đến cùng ánh sáng, để họ được hưởng những lợi ích của ánh sáng: được thanh tẩy mọi bóng tối tội lỗi và được hiệp nhất với Thiên Chúa và với nhau. Khi con người nói mình được kết hiệp với Đức Kitô mà lại đi trong bóng tối, thì con người tự dối mình và không hành động theo sự thật.
1.2/ Yếu đuối và tội lỗi của con người:
(1) Tội lỗi hiện hữu nơi con người: Thánh Gioan nêu lên một sự kiện thực tế: mọi phàm nhân đều phạm tội. "Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta." Nhiều người không cho mình có tội, vì nhiều lý do: (1) Họ không chịu xét mình cẩn thận; (2) Họ không biết các giới răn và hiểu biết những dạy dỗ của Thiên Chúa; (3) Lương tâm của họ đã ra chai đá vì đã quá quen ở trong tội. Khi ở trong bóng tối quá lâu, con người mất khả năng cảm nghiệm ánh sáng; khi đã quá quen với dối trá, con người dị ứng với sự thật. Khi con người nói họ không phạm tội, họ biến Thiên Chúa thành kẻ nói dối: "Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta."
(2) Mọi người đều cần lãnh nhận ơn tha thứ: Nếu đã phạm tội, con người cần thú nhận tội lỗi để được tha thứ. Đức Kitô đã chuẩn bị cho con người được tha tội qua việc trao quyền cầm buộc và tháo cởi cho các Tông đồ và những người kế vị. "Nếu chúng ta thú nhận tội lỗi, Thiên Chúa là Đấng trung thành và công chính sẽ tha tội cho chúng ta, và sẽ thanh tẩy chúng ta sạch mọi điều bất chính." Khi con người tự cho mình là công chính, họ sẽ không cần đến với Thiên Chúa để lãnh nhận ơn tha thứ.
2/ Phúc Âm: Ông Giuse liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
2.1/ Sự khôn ngoan của Thiên Chúa: Ngài thấu suốt ý định độc ác của vua Herode, nên sai sứ thần làm hai chuyện để cứu Chúa Giêsu, Con của Ngài:
(1) Báo cho các nhà đạo sĩ biết kế hoạch độc ác của vua Herode, để họ tìm đường khác trở về quê hương, mà không cần trở lại Jerusalem gặp vua Herode.
(2) Sai sứ thần báo mộng cho ông Giuse đang đêm trong giấc mộng: "Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Herode sắp tìm giết Hài Nhi đấy!" Giuse vâng lời sứ thần, ông liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập.
Lý do vua Herode tìm giết con trẻ là vì ông sợ con trẻ sẽ lấy đi ngai vàng của ông! Ông tìm giết con trẻ khi vẫn còn thơ và khi trong tay không có một vũ khí để tự vệ. Con người ngày nay vẫn đang tìm giết các trẻ thơ yếu đuối vô tội, ngay khi còn là thai nhi trong lòng mẹ, vì đủ mọi lý do tưởng tượng mà con người có thể nghĩ tới: bảo vệ tương lai, tự do, và sức khỏe cho người mẹ, hay sợ thai nhi phải đau khổ và không được giáo dục sau này.
1.2/ Tính ngông cuồng cường bạo của vua Herode: Trình thuật kể vua tức giận vì bị các nhà đạo sĩ "đánh lừa." Thực ra, các nhà đạo sĩ không đánh lừa nhà vua mà chỉ sông theo sự thật. Họ được sứ thần Thiên Chúa cho biết ý nghĩ ác độc của vua Herode, nên họ theo lối khác mà về quê hương của họ. Chẳng lẽ họ trở lại để mách đường cho nhà vua đến giết Người mà họ đã vất vả tìm kiếm để thờ lạy? Vua Herode nổi giận, ''nên sai người đi giết tất cả các con trẻ ở Bethlelem và toàn vùng lân cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo ngày tháng ông đã hỏi cặn kẽ các đạo sĩ."
Matthew tường thuật sự ứng nghiệm lời của ngôn sứ Jeremiah (Jer 31:15): "Ở Ramah, vẳng nghe tiếng khóc than rền rĩ: tiếng bà Rachel khóc thương con mình và không chịu để cho người ta an ủi, vì chúng không còn nữa." Để hiểu lời ngôn sứ Jeremiah, chúng ta phải trở về với (Gen 35:19), tường thuật hoàn cảnh đau khổ của bà Rachel: bà chết khi sinh Benjamin trong lúc tuổi già; chứ không đau khổ vì con bị lấy đi. Tiên tri Jeremiah dùng cách giải thích Kinh Thánh Midrash của người Do-thái, thay lý do chính tại sao bà Rachel than khóc trong câu kế tiếp (Jer 31:16), vì các con Bà bị lưu đày bên Ai-cập; nhưng Thiên Chúa sẽ cho các con của Bà được trở về. Trong trình thuật hôm nay, Ngài cũng đem con Ngài từ Ai-cập trở về.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa rất mực tốt lành và yêu thương, nơi Ngài không ẩn giấu một chút gian tà và thù hận; ngược lại, nơi con người đầy dẫy những yếu đuối, tội lỗi, và thù hận. Chúng ta cần ánh sáng, sự thật và tình thương tha thứ của Thiên Chúa.
- Nguy hiểm xảy ra là khi con người tự cho họ có đủ khôn ngoan để xét xử Thiên Chúa và tự cho là công chính để không cần đến tình thương Thiên Chúa. Những người này đã bị ma quỉ lừa dối để họ từ chối lãnh nhận ơn cứu độ của Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

28/12/15 THỨ HAI TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Các Thánh Anh Hài, tử đạo   
Mt 2,13-18


Suy niệm: Trong tác phẩm “Hoàng tử và cậu bé nghèo”, nhà văn Mark Twain viết về tình bạn của hoàng tử Edward xứ Galles và một cậu bé nghèo. Một hôm hai cậu bé có ý nghĩ sẽ đổi vị trí của nhau và mọi rắc rối cũng nảy sinh từ đó. Trong khi cậu bé nghèo trong vai hoàng tử sắp được tấn phong làm vua, thì cậu bé hoàng tử trong bộ dạng rách rưới bị tống giam vì tội mạo nhận là hoàng tử. Thiên Chúa Nhập Thể trong thân phận con người để con người được làm Con Chúa, Ngài cũng để mình bị liên luỵ bởi lựa chọn đó. Nếu Hài nhi Giê-su có được giấc ngủ ngon, thì Ngài cũng để mình phải liên luỵ đến những hy sinh của Giu-se và Ma-ri-a, bởi lòng hào hiệp của những mục đồng và cả sự hy sinh của những Hài nhi ở Bê-lem.
Mời Bạn: Bạn nhận ra mình thật hạnh phúc khi được Vua Trời Đất trở nên “cùng hội cùng thuyền” với mình trong thân phận con người. Bạn có sẵn sàng để mình bị liên luỵ và chia sẻ với Ngài trong những đau khổ và hy sinh, để mong một ngày được sống hạnh phúc với Ngài không?
Chia sẻ: Điều bạn có thể làm để chia sẻ với những khó khăn của Hài Nhi Giêsu là gì?
Sống Lời Chúa: Suy niệm: “Đức Giê-su Ki-tô, vốn dĩ là Thiên Chúa,… nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Hài Đồng, xin cho hiểu được hạnh phúc lớn lao khi được làm con Chúa, và cái giá phải trả cho hạnh phúc đó bằng chính những hy sinh trong trong đời sống khó nghèo và đơn sơ như Chúa. Amen.

Khóc thương con mình


Suy nim:
Trong tuần Bát Nhật Giáng Sinh, một thời gian rất vui,
chúng ta cũng nhớ đến cái chết của các Thánh Anh Hài.
Không rõ đã có bao nhiêu trẻ thơ bị giết bởi vua Hêrôđê Cả.
Vị vua này điên cuồng bảo vệ ngôi báu nên đã giết nhiều người,
trong số đó có người vợ Do Thái và ba con trai của ông.
Đối với ông, việc sát hại trẻ thơ ở Belem chỉ là chuyện nhỏ.
Trước khi giết các bé trai ở Belem, vua đã muốn giết Hài Nhi Giêsu.
Nhưng Thiên Chúa có cách bảo vệ cho Con của Ngài.
Giuse vẫn là người đứng mũi chịu sào trong cơn nguy khó.
Sứ thần báo mộng cho ông, để ông đưa Hài Nhi và Mẹ trốn qua Ai Cập.
Khi được báo, ông đã trỗi dậy giữa đêm khuya và lên đường.
Cuộc trốn chạy vội vã trong đêm với những lo sợ, thiếu thốn, vất vả.
Ngay từ khi chào đời, Đức Giêsu đã bị đe dọa, phải sống xa quê nhà.
Đấng đem đến ơn cứu độ lại cần được cứu.
Đau khổ và thập giá đã có mặt ngay từ khi Vầng Dương ló rạng.
Biết Hài Nhi Giêsu đã trốn thoát, vua Hêrôđê nổi cơn thịnh nộ,
vì thấy mình bị mắc lừa bởi các nhà Đạo sĩ.
Ông bực tức ra lệnh giết các bé trai dưới hai tuổi ở Belem.
Tiếng khóc của trẻ thơ và của các bà mẹ vang lên như oán than. 
Có ai còn nghe tiếng hát cao vút của các thiên thần?
Cái chết của Các Thánh Anh Hài là cái chết đặc biệt,
cái chết của những nạn nhân bé bỏng, vô tội, chưa có ý thức và tự do.
Cái chết của những người chưa biết nói, chưa có lòng tin vào Giêsu.
Nhưng đây là cái chết vì Đức Giêsu, nên thực sự là cái chết tử đạo.
Có bao nhiêu cái chết như thế trên thế giới mỗi ngày.
Cái chết không tự nguyện, không tiếng nói phản kháng.
Cái chết làm bằng chứng về một giá trị quan trọng bị chối bỏ.
Cái chết ấy có thể đưa người ta về với Giêsu.
Thế giới hôm nay vẫn có bao trẻ thơ chết vì bị giết.
Có những trẻ thơ chết trong lòng mẹ,
chết vì nghèo đói, vì chiến tranh, vì bệnh tật.
Có những trẻ em phải nghỉ học để đi làm, bị bóc lột bởi chủ nhân.
Có những em bị lạm dụng, bị bỏ rơi, tuổi thơ bị cướp mất.
Nơi những em này, ta thấy hình bóng của Các Thánh Anh Hài,
và thấy cả khuôn mặt của Hài Nhi Giêsu ngây thơ.
Xúc phạm đến trẻ thơ là xúc phạm đến chính Thiên Chúa.
Thánh Giuse và Mẹ Maria đã bảo vệ Hài Nhi Giêsu an toàn tại Ai Cập.
Ai sẽ bảo vệ những trẻ em hôm nay khỏi bao tấn công của cái xấu?
Ai sẽ làm gương sáng để các em còn hy vọng?
Vẫn có những tiếng khóc của các bà mẹ, vì con bị giựt khỏi tay mình.
Lễ Giáng Sinh và lễ các Thánh Anh Hài là lễ của trẻ thơ.
Chăm sóc cho trẻ thơ hiện tại là cách xây dựng tốt nhất cho tương lai.
Xin Chúa cho chúng ta dám làm một điều gì đó cho các em.
Cầu nguyn:

Lạy Cha nhân ái, từ trời cao,
xin Cha nhìn xuống
những gia đình sống trên mặt đất
trong những khu ổ chuột tồi tàn
hay biệt thự sang trọng.
Xin thương nhìn đến
những gia đình thiếu vắng tình yêu
hay thiếu những điều kiện vật chất tối thiểu,
những gia đình buồn bã vì vắng tiếng cười trẻ thơ
hay vất vả âu lo vì đàn con nheo nhóc.
Xin Cha nâng đỡ những gia đình đã thành hỏa ngục
vì chứa đầy dối trá, ích kỷ, dửng dưng.
Lạy Cha, xin nhìn đến những trẻ em trên thế giới,
những trẻ em cần sự chăm sóc và tình thương
những trẻ em bị lạm dụng, bóc lột, buôn bán,
những trẻ em lạc lõng bơ vơ, không được đến trường,
những trẻ em bị đánh cắp tuổi thơ và trở nên hư hỏng.
Xin Cha thương bảo vệ gìn giữ
từng gia đình là hình ảnh của thánh Gia Thất,
từng trẻ em là hình ảnh của Con Cha thuở ấu thơ.
Xin Cha sai Thánh Thần Tình Yêu
đem đến hạnh phúc cho mỗi gia đình ;
nhưng xin cũng nhắc cho chúng con nhớ
hạnh phúc luôn ở trong tầm tay
của từng người chúng con. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 28/12
Các Thánh Anh Hài
1Ga 1,52; Mt 2, 13-18.

Lời Suy Niệm: “Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giuse rằng: Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy!”
Hài Nhi Giêsu bị vua Hê-rô-đê tìm cách giết chết, Người phải trốn sang Ai-cập. Gợi cho chúng ta câu chuyện: “Ông Giuse bị các anh bán qua Ai-cập” (St 37,12-28). Với lệnh truyền của vua Hê-rô-đê, các trẻ em ở Bê-lem và toàn vùng lân cận bị giết chết, gợi nhớ cho chúng ta nhớ đến các Thánh Tông Đồ và các Thánh Tử Đạo trên toàn thế giới, vì liên đới với Chúa Giêsu cũng đã chịu chết. Đời sống của mỗi người cũng phải ý thức và tận dụng thời gian đang sống trên trần gian này như là một cuộc lưu đày; với nhiều đau khổ và thử thách và cám dỗ; nhưng với hy vọng là sẽ được cứu thoát để vào Đất Hứa.
Lạy Chúa Giêsu. Giáo Hội đang ra sức kêu mời các tổ chức thiện nguyện, các nhà cầm quyền, và những người có trách nhiệm với xã hội tham gia vào công tác bảo vệ sự sống con người, Xin Chúa chúc lành cho công việc này, và ban cho càng ngày càng có nhiều người thiện chí tham gia, và xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con tích cực đóng góp công sức của mình, cùng hiệp với lời cầu nguyện.
Mạnh Phương

Gương Thánh Nhân
Ngày 28-12: CÁC THÁNH ANH HÀI
TỬ ĐẠO

Hằng năm tại Bêlem, người ta kỷ niệm lễ chu niên các thánh thơ nhi măng sữa đã chịu khó vì Chúa Kitô dưới thời Hêrôdê. Các thánh Anh hài dù chưa biết tới gian khổ cuộc sống, đã được tế hiến cho Đấng Cứu chuộc thế gian. Các Ngài tiến về trời trong ánh quang.
Chúa Giêsu đã đến thế gian tại Belem. Các đạo sĩ những người thông thái và quyền thế, được ánh sao mới bất ngờ xuất hiện báo tin, đã theo ánh sao đi tìm Chúa Giêsu. Họ muốn thờ lạy Người. Sau một chuyến hành trình dài, họ tới Gierusalem. Nhờ họ, Hêrôđê là vua Giuda biết rằng: Đấng thiên sai mà các ngôn sứ loan báo đã sinh ra. Ông sợ rằng: Đấng Thiên sai này một ngày kia những đoạt ngôi của mình. Để biết rõ vua Do thái tương lai ở đâu, ông căn dặn các đạo sĩ trở lại Giêrusalem cho ông biết, vì ông cũng muốn bái thờ Người.
Nhưng ông ta đã không gặp các đạo sĩ nữa. Bởi vì lúc trở về, họ đã được báo qua giấc mộng để đi đường khác. Hêrôđê giận dữ điên người lên với ý tưởng là mai kia đứa trẻ này sẽ làm vua. Ông truyền lệnh tàn sát mọi con trẻ dưới hai tuổi ở Belem và các vùng phụ cận. Như thế là Tân vương sẽ bị diệt.
Trong khi thánh Giuse được thiên thần báo trước đã cùng với Đức Mẹ Maria và Chúa Giêsu trốn qua Ai cập thì binh sĩ thi hành của Hêrôđê. Nỗi thất vọng của các bà mẹ không diễn tả nổi. Ngôn sứ Giêrêmia đã nói về họ: "tại Rama, người ta nghe thấy tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhel than khóc con mình, bà không chịu cho ai an ủi bà, vì các con bà không còn nữa" (Gr 31,15-20)
Đối với các trẻ em, đây là vinh quang cao cả. Các Ngài đã chết thay cho Con Thiên Chúa, và Chúa Giêsu ban cho các Ngài sự sống đời đời. Trong sách Khải huyền, thánh Gioan chỉ cho thấy các Thánh Anh hài bao xung quanh tòa Con Chiên Thiên Chúa như là những tâm hồn trong trắng nhất.
(daminhvn.net)

28 Tháng Mười Hai
Những Vị Thánh Vô Danh
Có một vị thánh nọ thánh thiện đến độ, không hề dám có ý nghĩ rằng mình là một con người thánh thiện.
Ngày kia, một thiên thần đến nói với ngài: "Chúa sai tôi đến gặp ngài. Ngài hãy xin bất cứ điều gì ngài muốn. Chúa sẽ ban cho ngài. Vậy ngài có muốn được ơn chữa bệnh không?"
Vị thánh trả lời: "Không. Thà để cho chính Chúa chữa trị thì tốt hơn". Vị sứ thần đề nghị điều khác: "Ngài có muốn đem những người tội lỗi trở về đường công chính không?"
Vị thánh cũng lắc đầu từ chối: "Không. Cải hóa tâm hồn không phải là việc của tôi. Ðó là công việc của các thiên thần". Vị sứ giả của Chúa mới gợi ý thêm: "Ngài có muốn trở thành một mẫu gương để thiên hạ luôn đến để bắt chước không?"
Vị thánh cũng khiêm tốn trả lời: "Không. Bởi vì làm như thế tôi sẽ trở thành trung tâm thu hút sự chú ý". Thiên thần mới hỏi: "Vậy thì ngài mong muốn điều gì?". Vị thánh trả lời: "Ơn Chúa, có ơn chúa, đó là điều tôi hằng khao khát".
Vị thiên thần được Chúa sai đến vẫn chưa chịu bỏ cuộc, nên đề nghị lần cuối cùng: "Ngài phải xin một phép lạ. Nếu không tôi đành phải để phép lạ xảy ra vậy". Vị thánh của chúng ta đành phải ưng thuận: "Vậy thì tôi xin điều này: ước gì mọi việc thiện được thực thi qua tôi mà tôi không hề hay biết". Thế là để là cho lời ước của vị thánh thành sự thật, Thiên Chúa ban cho cái bóng phía sau của ngài được mọi thứ quyền năng. Nơi nào có cái bóng ngài đi qua, thì nơi đó, người bệnh được lành, đất đai trở thành phì nhiêu, nguồn suối phát sinh sự sống, niềm vui trở lại trên những khuôn mặt sầu khổ.
Nhưng vị thánh không hề hay biết điều đó, vì dân chúng chú ý đến cái bóng đến độ quên hẳn con người.
Hôm nay Giáo Hội kính nhớ các thánh anh hài, những vị thánh đã chết vì Ðức Kitô mà cũng không hề hay biết rằng mình phải chết vì Ngài. Các trẻ em ấy là kiểu mẫu của không biết bao nhiêu vị thánh vô danh.
Có những Mẹ Têrêxa Calcutta, những linh mục Pierre mà thế giới không ngừng nhắc đến, nhưng cũng có không biết bao nhiêu những người cha, người mẹ, người chồng, người vợ ngày ngày âm thầm hy sinh trong không biết bao nhiêu công việc vô danh, phiền toái mỗi ngày. Có biết bao nhiêu người đang âm thầm đau khổ và hy sinh cầu nguyện mà không thể thấy được kết quả của lời cầu nguyện của mình. Có biết bao nhiêu người âm thầm phục vụ tha nhân cách này hay cách khác mà không hề được đền đáp hay nhắc nhớ.
Trong ánh sáng của Mầu Nhiệm Giáng Sinh, chúng ta được mời gọi để tìm thấy giá trị của những hy sinh âm thầm từng ngày. Sự thinh lặng bé nhỏ của Hài Nhi Giêsu trong hang đá Bê Lem, 30 năm âm thầm của Ngià tại Nazareth: đó là ý nghĩa của cuộc sống phiền toái, độc điệu mỗi ngày của chúng ta. Hài Nhi Giêsu mời gọi chúng ta nhận ra giá trị của cuộc sống ấy. Thiên Chúa thi ân tùy theo cách thế Ngài muốn. Cuộc sống âm thầm và hy sinh từng ngày của chúng ta là một trong muôn nghìn cách thế thi ân của Ngài mà chúng ta không thể đo lường được. Ngoài sự tưởng tượng và dự đoán của chúng ta, những hy sinh từng ngày của chúng ta được Chúa dùng như cái bóng vô hình nhờ đó Ngài thông ban muôn ơn lành cho người khác.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: Lễ Các Thánh Anh Hài
Thứ Hai, 28 Tháng 12, 2015
Mùa Giáng Sinh
Mt 2:13-18


Tin Mừng theo thánh Mátthêu 2:13-18

Khi các đạo sĩ ra đi, thiên thần Chúa hiện ra với ông Giuse trong lúc ngủ và bảo ông:  “Hãy thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-Cập, và ở đó cho tới khi tôi báo lại ông, vì Hêrôđê sắp sửa tìm kiếm Hài Nhi để sát hại Người”.  Ông thức dậy, đem Hài Nhi và mẹ Người lên đường trốn sang Ai-Cập đang lúc ban đêm. Ông ở lại đó cho tới khi Hêrôđê băng hà, hầu làm trọn điều Chúa dùng miệng tiên tri mà phán rằng:  “Ta gọi con Ta ra khỏi Ai-Cập”.
Bấy giờ Hêrôđê thấy mình bị các đạo sĩ đánh lừa, nên nổi cơn thịnh nộ và sai quân đi giết tất cả con trẻ ở Bêlem và vùng phụ cận, từ hai tuổi trở xuống, tính theo thời gian vua đã cặn kẽ hỏi các đạo sĩ.  Thế là ứng nghiệm lời tiên tri Giêrêmia đã nói: 
Tại Rama, người ta nghe tiếng khóc than nức nở, đó là tiếng bà Rakhen than khóc con mình, bà không chịu cho người ta an ủi bà, vì các con bà không còn nữa.

Đọc và Tìm Hiểu

Nhờ vào việc ra đi của các đạo sĩ, văn bản này được nối kết với bốn đoạn Tin Mừng trước đó – đó là câu chuyện chuyến viếng thăm của các ông.  Bối cảnh sau đây bao gồm một giai đoạn nhiều năm dài sau cái chết của vua Hêrôđê và cũng nói về chuyến trở về của thánh Giuse, Đức Maria và Chúa Giêsu lại miền Paléstine và việc định cư của họ tại làng Nagiarét.
Theo thánh sử Mátthêu, văn bản Tin Mừng nói về thời thơ ấu của Chúa, thì tương phản với những gì được viết trong câu chuyện thời kỳ nô lệ tại Ai-Cập và thời gian lưu đày.  Đây là một sự kết hợp của những yếu tố khác nhau:  tên của thánh Giuse gợi nhớ lại người con của ông Giacóp là người đã bị bán sang đất Ai-Cập, cuộc thảm sát những trẻ thơ, và chuyến hồi hương từ Ai-Cập.

Chính thiên sứ của Chúa đã hiện ra với thánh Giuse, cho biết ông đang gặp nguy hiểm, và đề nghị ông hãy trốn sang một vùng đất mà vào thời ấy, là một trong những cửa ngõ cho các người di dân Do Thái.  Lời cảnh giác này hiện ra trong giấc mộng và nó chỉ ra một loại mặc khải đặc biệt, có lẽ bí ẩn hơn và có lẽ đòi hỏi sự suy xét sâu xa hơn.  Điều này một lần nữa chứng tỏ cho đức tính khôn ngoan đặc biệt của người phối ngẫu của Đức Maria.  Chuyến đi trốn của thánh Giuse, Hài Nhi Giêsu và mẹ Ngài có một ý nghĩa đặc trưng thời gian:  nó xảy ra vào ban đêm. Chúng ta tìm thấy hai trích dẫn trong Cựu Ước, đem đến chút ánh sáng cho các sự kiện được kể lại.  Các sách tiên tri Hôsêa và Giêrêmia đã được trích dẫn.  Sau lời trích dẫn đầu tiên, ngắn gọn và đi vào trọng điểm, câu chuyện kể lại việc vua Hêrôđê là kẻ đã ra lệnh tàn sát một cách có hệ thống các trẻ nhỏ tại Bêlem và những vùng lân cận; điều này tương ứng với các dữ liệu lịch sử khác mô tả ông ta là một kẻ cai trị không nương tay, sẵn sàng ra tay giết ngay cả chính con cái mình để duy trì quyền lực.  Lời trích Cựu Ước thứ hai dùng để kết thúc đoạn Kinh Thánh này, thì dài hơn nhiều.  Nó nói về lời than thở của tiên tri Giêrêmia về việc bị trục xuất khỏi miền Assyria; Thánh Sử định vị nơi tàn sát xảy ra là tại chính tâm của những người dân Chúa đau khổ.        

Suy Niệm

Nhắc lại những kinh nghiệm của thời kỳ lưu đày và làm nô lệ cho dân Ai-Cập và việc hồi hương của họ để nhắc nhớ chúng ta đến lễ Vượt Qua của dân Do Thái, vì thế mở lối cho đoạn Tin Mừng đi đến một ý nghĩa sâu sắc hơn.
Hơn nữa, quan điểm được đưa ra bởi văn bản nhấn mạnh những thành tựu của Lời Chúa theo kinh nghiệm của loài người, ngay cả trong những người được coi là từng trải nhất.
Từ điều này hiện rõ lòng sẵn sàng của Thiên Chúa để bảo vệ món quà của Chúa dành cho nhân loại trong suốt chiều dài lịch sử:  chính Con của Người.  Nhưng Con Thiên Chúa cũng không tránh khỏi sự đau đớn, một lý do nữa để cho chúng ta nắm bắt đặc tính tương lai của sự kiện Phục Sinh.  Hài Nhi Giêsu phải được cứu tại thời điểm này ngõ hầu trong tương lai Người có thể công bố Lời Chúa để ban sự sống vào đúng thời điểm.
Và vị che chở là thánh Giuse, một người khôn ngoan, người biết cách lắng nghe (xem Mt 1:20 và 2:19) và hành xử phù hợp.

Vua Hêrôđê đã hoàn thành việc giết chóc của ông ta, bị thúc đẩy do nỗi sợ hãi mất quyền lực của mình và tức giận vì ông ta đã không thành công trong việc đánh lừa các Đạo Sĩ.  Văn bản diễn đạt như thể rằng chính ông ta là kẻ bị lừa dối, và do đó cho thấy lý luận tội lỗi của quyền lực, sự kiêu ngạo của nó mà tin rằng kẻ phản đối luôn luôn là sai lầm.

Vì vậy, chúng ta thắc mắc tự vấn tại sao Thiên Chúa lại để cho tất cả những việc này xảy ra.  Thế nhưng câu hỏi này có thể che dấu trách nhiệm của chúng ta không:  lòng tham lam và thèm khát quyền lực của chúng ta, cội rễ sự tàn ác của chúng ta mà lịch sử trải qua trong mọi thời đại.  Và do đó, Thiên Chúa sẽ trả lời câu hỏi về “lý do tại sao lại có sự dữ”, và Người làm việc ấy không phải bằng lời nói mà qua việc nhập thể vào trong lịch sử nhân loại của chúng ta.  Vì thế thiết lập lịch sử ơn cứu độ.
Đó là lý do tại sao, lễ Phục Sinh, cùng với ánh sáng của nó, đã lấp ló ở tại chân trời vào dịp lễ Giáng Sinh.      

3.  Cầu nguyện

Nguyện xin cho chúng ta có thể học hỏi và lắng nghe Lời Chúa và đưa vào thực hành.
VÌ tất cả những ai bị buộc phải chạy trốn khỏi quê hương của họ.
Nguyện xin chúng con có thể nhận thức được những trở ngại được đưa tới bằng mọi hình thức của sự tham lam và tìm kiếm quyền lực, và vì thế nắm giữ nó.
Vì tất cả những trẻ em bị tổn thương của thời đại này, các binh sĩ con nít, các kẻ đói khát, những kẻ bị bóc lột tình dục, kẻ bị lạm dụng tình dục.

4.  Chiêm Niệm

Văn bản mời gọi chúng ta nhìn vào lịch sử với con mắt đức tin, một lịch sử mà Thiên Chúa đã chọn để hiện diện ở trong đó, thậm chí vượt hẳn mọi trí tưởng tượng của chúng ta.  Đồng thời, Thiên Chúa đang mời gọi chúng ta đứng ra chịu trách nhiệm đối với những người, vì những lý do khác nhau, đã bị bắt bớ và lưu đày.



SỐNG LỜI CHÚA MỖI NGÀY NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

Thứ Hai, 28 tháng 12 – Lễ các Thánh Anh Hài
1 Gio-an 1,5-2,2 · Thánh Vịnh 123,2-3.4-5.7b-8 · Mát-thêu 2,13-18

Ánh Sáng Thế Gian


Đây là lời loan báo của Đức Giêsu Kitô mà chúng tôi đã nghe, và nay chúng tôi loan báo cho anh em : Thiên Chúa là ánh sáng; nơi Người, không có một chút bóng tối nào.  1 Gio-an 1,5

            Người Kitô hữu trên toàn thế giới vẫn đang tiếp tục mừng lễ Giáng Sinh. Thế nhưng, bóng tối đã nhanh chóng làm phai mờ niềm vui lớn lao này. Ngày lễ các Thánh Anh Hài nhắc nhở chúng ta rằng có nhiều người rất sợ thứ ánh sáng mà Chúa Giêsu là hiện thân. Chẳng hạn như vua Hêrôđê, ông đã ra lệnh tàn sát tất cả các trẻ em vô tội để có thể tránh xa mối đe dọa đè nặng trên ông : đó là nỗi lo bị mất ngôi.
            Ở một mức độ thấp hơn, đôi khi chúng ta cũng hạ thấp một ai đó xuống chỉ để cho thấy rằng bản thân chúng ta tốt đẹp hơn họ.
            Nhưng ánh sáng của Thiên Chúa luôn chiếu rọi trong tâm hồn mỗi người. Nguồn ánh sáng này có thể xua tan đi nỗi sợ hãi. Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta phải cầu nguyện để được ánh sáng đó soi dẫn, để chúng ta khỏi sẩy chân vấp ngã lên nhau trong bóng tối.
 Sư huynh James


HỌ HỎI NĂM THÁNH

Hỏi 46 : Tông Chiếu mời gọi chúng ta sống Năm Thánh dưới ánh sáng của câu Tin Mừng nào ?

Đáp 46 : Dưới ánh sáng của câu Tin Mừng này :”Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là Đấng Thương Xót” (Lc 6,36). Đó cũng là “phương châm” của Năm Thánh.


CẦU NGUYỆN

Lạy Ngôi Lời Thiên Chúa, xin ban ánh sáng của Ngài tràn ngập những góc khuất trong tâm hồn con, đẩy lùi thứ bóng tối ích kỷ, ghen ghét, giận hờn, tham lam, gian dối ..., để con luôn vững bước trong bình an và hy vọng.
Quyết tâm : Sống đơn sơ chân thành với người chung quanh.

(nguồn trích Sống Lời Chúa số 1 – Mùa Vọng và Giáng Sinh của Tgp. Sài Gòn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét