Ngày 29 tháng
12
(Trong Tuần
Bát Nhật Lễ Chúa Giáng Sinh)
Bài Ðọc I: 1 Ga 2, 3-11
"Ai thương yêu anh em mình thì ở trong sự sáng".
Trích thư thứ nhất của Thánh Gioan Tông đồ.
Các con thân mến, chính nơi điều này mà chúng ta biết rõ được là
chúng ta biết Chúa Giêsu, nếu chúng ta giữ các giới răn Người. Ai nói mình biết
Người, mà không giữ giới răn Người, là kẻ nói dối, và nơi người ấy không có
chân lý. Còn ai giữ lời Người, thì quả thật tình yêu của Thiên Chúa đã tuyệt hảo
nơi người ấy, và nhờ điều đó mà chúng ta biết được chúng ta ở trong Người. Ai
nói mình ở trong Người, thì phải sống như Người đã sống.
Các con thân mến, đây không phải là một giới răn mới mà cha viết
cho các con, nhưng là giới răn cũ các con đã có từ ban đầu. Giới răn cũ đó, là
lời các con đã nghe rồi. Nhưng đây cha lại viết cho các con một điều răn mới,
là điều chân thật nơi Người và nơi các con, vì tối tăm đang qua đi, và sự sáng
đã soi đến rồi.
Ai nói mình ở trong sự sáng, mà lại ghét anh em mình, thì vẫn
còn ở trong tối tăm. Ai thương yêu anh em mình, thì ở trong sự sáng, và nơi người
ấy không có cớ vấp phạm. Còn ai ghét anh em mình, thì ở trong tối tăm, đi trong
tối tăm và không biết mình đi đâu, vì tối tăm đã làm mù mắt họ.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 95, 1-2a. 2b-3. 5-6
Ðáp: Trời xanh hãy vui mừng và địa cầu hãy hân hoan (c. 11a).
Xướng: 1) Hãy ca mừng Thiên Chúa bài ca mới. Hãy ca mừng Thiên
Chúa, hỡi toàn thể địa cầu. Hãy ca mừng Thiên Chúa, hãy chúc tụng danh Người. -
Ðáp.
2) Ngày ngày hãy loan truyền ơn Người cứu độ. Hãy tường thuật
vinh quang Chúa giữa chư dân, và phép lạ Người ở nơi vạn quốc. - Ðáp.
3) Vì mọi chúa tể của chư dân là hư ảo, nhưng Thiên Chúa đã tác
tạo trời xanh. Sáng láng và oai nghiêm toả trước thiên nhan, uy hùng và tráng lệ
phủ trên ngai báu. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Ngôi Lời đã hoá thành nhục thể và đã cư ngụ
giữa chúng ta. Những ai tiếp nhận Người, thì Người ban cho họ được quyền làm
con Thiên Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 2, 22-35
"Ánh sáng đã chiếu soi các lương dân".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môsê, ông bà đem Chúa Giêsu
lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong lề luật Chúa rằng:
"Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh, dâng cho Thiên
Chúa", và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là "một cặp
chim gáy, hoặc hai bồ câu con".
Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người
công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi Israel, có Thánh Thần ở
trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là sẽ không thấy giờ chết đến, trước
khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi
cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy,
thì ông ẵm lấy Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an, theo
như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt
muôn dân, là ánh sáng đã chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân
Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon
chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được
đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và
cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm
thấu tâm hồn bà, để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ".
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Dâng
Chúa vào Đền thờ
Một đêm khuya nọ, tại một vùng quê hẻo lánh bên Anh quốc, một cậu
bé đang hấp hối và người mẹ goá phải đi bộ cả chục cây số để tìm bác sĩ. Nhìn
dáng vẻ quê mùa nghèo nàn của người đàn bà, ông bác sĩ không tỏ ra mấy sốt sắng:
có nên mất giờ cho thằng bé đó không? Lại nữa nếu cứu sống nó thì lớn lên nó
cũng tiếp tục kiếp nông dân cùng khổ như cha ông nó mà thôi. Ông bác sĩ định từ
chối. Thế nhưng bị lương tâm nghề nghiệp cắn rứt, cuối cùng ông đã đến chữa bệnh
cho đứa bé. Sau này đứa bé đó đã trở thành một trong những nhà chính trị lỗi lạc
nhất của nước Anh.
Người Mỹ thường nói: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều có thể là một tổng
thống tương lai của Hoa Kỳ”. Quả thực mỗi đứa trẻ sinh ra đều mang lại hy vọng
cho người lớn. Với cái nhìn đức tin thì niềm hy vọng ấy lại càng lớn lao hơn.
Đó là cái nhìn của cụ già Simêon về Hài Nhi Giêsu. Nơi Hài nhi Giêsu, cụ đã nhận
ra ánh sáng soi đường cho dân ngoại, vinh quang của Israel Dân Chúa. Thế nhưng
ánh sáng và vinh quang ấy được tỏ lộ xuyên qua tăm tối của Thập giá và khổ đau.
Đó cũng là cái nhìn chúng ta phải có khi chiêm ngắm Hài nhi
trong máng cỏ. Trong Hài nhi bé nhỏ, chúng ta nhìn thấy Đấng cứu độ trần gian;
trong cảnh nghèo hèn tăm tối của máng cỏ, chúng ta nhận ra hào quang sáng chói
của Ngôi Hai Thiên Chúa.
Xuyên qua cái bé nhỏ tâm thường nhận ra những giá trị siêu việt,
xuyên qua tăm tối của thất bại khổ đau nhận ra ánh sáng hy vọng, đó là cái nhìn
đích thực của niềm tin. Chúng ta cũng cần có cái nhìn như thế trong cách giao
tiếp với tha nhân: nơi những con người nghèo hèn thấp kém trong xã hội, chúng
ta luôn được mời gọi nhận ra hình ảnh Thiên Chúa và phẩm giá cao cả của nhân vị.
Chúng ta cũng được mời gọi nhìn vào cuộc sống hằng ngày với cái nhìn ấy: từng
phút giây của cuộc sống độc điệu âm thầm mỗi ngày đều là hạt giống của sự sống
vĩnh cửu; thất bại mất mát, khổ đau cũng là khởi đầu của những ân phúc dồi dào
mà Thiên Chúa luôn có thể ban tặng con người.
Nguyện xin Hài nhi Giêsu củng cố chúng ta trong niềm tin ấy.
Nguyện xin Đức Maria, người mà một lưỡi gươm sẽ đâm thấu qua tâm hồn nhưng vẫn
luôn tin tưởng cậy trông, phù trợ chúng ta trong cuộc lữ hành đầy gian nan thử
thách này.
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Ngày 29 tháng
12 BNGS
Bài đọc: I Jn 2:3-11;
Lk 2:22-35.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết Thiên
Chúa là bước đi trong đường lối của Ngài.
Quan niệm về “biết” của người Việt-Nam gần gũi với người Do-Thái
hơn Hy-Lạp. Người Hy-Lạp quan niệm biết là họat động của tri thức, trong khi
người Do-Thái quan niệm biết phải ảnh hưởng đến đời sống. Người Việt-Nam chúng
ta quan niệm “tri hành phải đồng nhất” thì mới mang lại kết quả tốt đẹp cho con
người, và chúng ta đặt tầm quan trọng trên việc làm hơn là lời nói: “lời nói mới
lung lay, nhưng gương bày lôi kéo.” Biết mà không làm, có lợi chi đâu?
Các Bài đọc hôm nay đặt trọng tâm vào việc biết Thiên Chúa là phải
bước đi trong đường lối của Người. Trong Bài đọc I, Thánh Gioan làm sáng tỏ
quan niệm “biết Thiên Chúa” cho người Hy-Lạp. Theo ngài, biết Thiên Chúa không
phải chỉ thuần tri thức, nhưng liên quan đến đời sống luân lý của người tin.
Ngài quả quyết: “Ai nói rằng mình biết Người mà không tuân giữ các điều răn của
Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người ấy.” Trong Phúc Âm, Thánh
Luca nêu lên những tấm gương của những người biết và sống theo đường lối của
Thiên Chúa: Thánh Giuse, Đức Mẹ Maria, và cụ già Simeon.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi
trên con đường Đức Giêsu đã đi.
1.1/ Hai lối hiểu biết khác nhau: Khi Kitô Giáo vượt qua lãnh
thổ Do-Thái tràn vào Hy-Lạp, Thánh-sử Gioan phải đương đầu với sự hiểu biết và
lý luận của người Hy-Lạp; một trong những điều ngài phải làm sáng tỏ là quan niệm
“biết Thiên Chúa.”
(1) Theo Hy-Lạp: Biết Thiên Chúa là lãnh vực của trí tuệ, chứ
không phải là lãnh vực của luân lý; vì thế, một người có thể nói mình biết
Thiên Chúa mà không cần giữ giới răn của Ngài. Đối với người Hy-Lạp, con người
có thể tự mình giải thóat bằng kiến thức và suy luận (Gnosticism, chủ thuyết
thuần tri thức).
(2) Theo Do-Thái: Biết Thiên Chúa là bước đi theo đường lối của
Ngài, là giữ cẩn thận các giới răn của Ngài. Đó là lý do tại sao ngài cắt
nghĩa: “Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: là
chúng ta tuân giữ các điều răn của Người. Ai nói rằng mình biết Người mà không
tuân giữ các điều răn của Người, đó là kẻ nói dối, và sự thật không ở nơi người
ấy. Còn hễ ai giữ lời Người dạy, nơi kẻ ấy tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên
hoàn hảo. Căn cứ vào đó, chúng ta biết được mình đang ở trong Thiên Chúa. Ai
nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Đức Giêsu đã đi.”
1.2/ Giới răn yêu thương vừa cũ vừa mới: “Anh em
thân mến, đây không phải là một điều răn mới tôi viết cho anh em, nhưng là một
điều răn cũ mà anh em đã có ngay từ lúc khởi đầu. Điều răn cũ ấy là lời mà anh
em đã nghe. Nhưng đó cũng là một điều răn mới tôi viết cho anh em, điều ấy thật
là thế nơi Đức Giêsu và nơi anh em, bởi vì bóng tối đang qua đi và ánh sáng thật
đã tỏ rạng.”
(1) Là giới răn cũ: vì đã được nhắc tới ngay từ đầu. Sách Levi
có giới răn này: “Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình” (Lev 18:19).
(2) Là giới răn mới: vì được thực hiện bởi Đức Kitô (Jn 13:34).
Có những cái cũ, nhưng trở nên mới vì người thực hành nó; chẳng hạn, bài nhạc
cũ nhưng được trình bày theo lối mới. Cũng vậy, khi Đức Kitô sống giới răn yêu
thương, Ngài mở ra cho con người một chân trời hòan tòan mới. Ngài mở rộng giới
răn yêu thương tới tội nhân và kẻ thù. Ngài dạy: “không có tình yêu nào cao quí
cho bằng tình yêu của người dám thí mạng sống cho người mình yêu.” Ngài đã đi
trước làm gương cho con người bằng cái chết trên Thập Giá.
1.3/ Ánh sáng và bóng tối: Thánh Gioan đồng nhất:
- Ánh sáng là yêu thương: “Ai yêu thương anh em mình thì ở lại
trong ánh sáng, và nơi người ấy không có gì nên cớ vấp phạm.”
- Bóng tối là hận thù: “Ai nói rằng mình ở trong ánh sáng mà lại
ghét anh em mình, thì vẫn còn ở trong bóng tối... Ai ghét anh em mình thì ở
trong bóng tối và đi trong bóng tối mà chẳng biết mình đi đâu, vì bóng tối đã
làm cho mắt người ấy ra mù quáng.”
2/ Phúc Âm: Các mẫu gương của những người sống theo đường lối của Thiên Chúa.
2.1/ Gia Đình Thánh tuân giữ Lề Luật của Thiên Chúa: Khi đã đến
ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Moses, Bà Maria và Ông Giuse đem con
lên Jerusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi
con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa," và cũng để
dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non.
2.2/ Ông Simeon tin vào Lời Thiên Chúa hứa và sự thúc đẩy của Thánh
Thần.
(1) Ông Simeon là người công chính và sùng đạo, ông những mong
chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh
Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng
Kitô của Đức Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên Đền Thờ.
(2) Lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới, ông ẵm lấy Hài Nhi
trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời
Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy
ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Israel Dân Ngài."
2.3/ Ông Simeon nói tiên tri:
(1) Về con trẻ: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho
nhiều người Israel ngã xuống hay đứng dậy. Cháu còn là mục tiêu cho người đời
chống đối; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra.” Nhiều
người bị ngã xuống hay được đứng dậy là hòan tòan tùy thuộc vào phản ứng của họ
đối với Đức Kitô. Trong cuộc đời của Chúa, người bị ngã xuống là phần đông là
các Kinh-sư và Biệt-phái, vì họ từ chối không tin và luôn tìm cách bắt bẻ và
tiêu diệt Ngài. Những người được đứng dậy là các người thu thuế, gái điếm, và
dân ngọai; tuy bị coi là tội lỗi, nhưng khi được Chúa tỏ lòng thương xót, họ đã
ăn năn và tin vào Ngài.
(2) Về Mẹ Maria: “Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn
bà." Cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời của Mẹ; đau khổ của Con là của Mẹ.
Mẹ Maria đã đồng hành với con từ lúc sinh ra trong máng cỏ cho tới lúc sinh thì
tên Thập Giá.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải chứng minh việc biết Thiên Chúa bằng đời sống chứng
nhân: tuân giữ những gì Thiên Chúa truyền dạy.
- Giới răn quan trọng nhất Thiên Chúa dạy chúng ta là “mến Chúa
yêu người.” Chúng ta không chỉ biết giới răn này, nhưng phải mang ra áp dụng
trong cuộc đời và với mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
29/12/15 THỨ BA TRONG TUẦN BÁT NHẬT GIÁNG SINH
Th. Tô-ma Béc-két, giám mục, tử đạo
Lc 2,22-35
Th. Tô-ma Béc-két, giám mục, tử đạo
Lc 2,22-35
Suy niệm: Ông
Si-mê-on tuổi đã cao, mắt đã mờ, nhưng kỳ diệu thay, lại nhìn thấy đôi vợ chồng
nghèo hèn chỉ có một cặp bồ câu để làm của lễ kia đang “sở hữu” một kho tàng vô
giá là Đấng Cứu Thế; nhìn thấy Hài Nhi bé bỏng kia chính là Đấng Ki-tô của
Thiên Chúa. Sở dĩ thế, vì “ông là người công chính và sùng đạo..., Thánh Thần hằng ngự trên
ông... Thánh Thần thúc đẩy ông lên đền thờ”, nói cách khác vì ông tiếp
cận với thế giới thần linh, mắt ông được huấn luyện trong bầu khí đạo đức,
thánh thiện, trong sạch, nên cũng nhạy cảm để nhìn xuyên qua dáng vẻ bên ngoài.
Quả là “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Một người sống gần với Chúa thì sẽ
dễ cảm ứng sự thánh thiện; ngược lại, một người chỉ biết sống với thế gian, sẽ
dễ xử sự theo cách thế gian.
Mời Bạn: Tập
nhìn bằng cặp mắt thiêng liêng để khám phá bao điều kỳ diệu: thấy hình ảnh
Thiên Chúa nơi một người kém cỏi tầm thường, có khi là người “tội lỗi” nữa là
khác; nhận ra thánh ý Thiên Chúa nơi những biến cố xảy đến cho ta, có khi trái
ý ta nữa là khác; để rồi biết chúc tụng Thiên Chúa như Si-mê-on, biết nhìn
người nhìn đời trong đức tin và đức ái.
Chia sẻ: Con mắt đức tin có những đặc điểm gì?
Sống Lời Chúa: Hôm
nay, tôi tập nhìn người nhìn đời bằng cái nhìn của ông Si-mê-on – để cảm nhận
niềm vui và niềm bình an sâu xa trong tâm hồn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa không ngừng hành động, theo cách của Chúa, trong
thế giới này. Xin cho con biết nhận ra Chúa đằng sau các biến cố lớn nhỏ của
đời con. Amen.
Ơn cứu độ cho muôn dân
Để nhận ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động
hàng ngày, cần có sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon.
Suy niệm:
Luật
lệ thường làm người ta cảm thấy gò bó, mất tự do.
Người
Do Thái phải giữ Luật Chúa đã ban cho Môsê.
Con
trai thì phải được cắt bì và đặt tên tám ngày sau khi sinh (Lc 2,21).
Con
trai đầu lòng thuộc quyền sở hữu của Thiên Chúa (Xh 13,1-2),
nên
cha mẹ phải nộp năm sê-ken bạc cho tư tế
để
chuộc lại con cho mình (Ds 3,47-48).
Người
phụ nữ sau khi sinh con, bị coi là nhơ uế (Lv 12, 2-8),
phải ở
nhà, không được đụng đến vật thánh hay vào Đền thờ.
Bốn
mươi ngày sau khi sinh con trai, bà cần làm lễ thanh tẩy.
Bà phải
dâng cho Đền thờ một con chiên một tuổi làm lễ toàn thiêu,
và một
con chim gáy hay bồ câu để làm lễ tạ tội.
Nếu
nghèo, bà chỉ cần dâng một cặp bồ câu non hay chim gáy là đủ.
Giuse
và Maria đã vui vẻ giữ những luật này,
dù ngày
nay đối với chúng ta, chúng thật là khó hiểu và khó chấp nhận.
Hãy
nhìn ngắm đôi vợ chồng nghèo lên Giêrusalem.
Họ đã
vượt một quãng đường xa, với đứa con mới hơn tháng tuổi.
Maria
chịu thanh tẩy, dù bà biết mình đã cưu mang Đấng Thánh.
Bà đã
dâng lễ vật đơn sơ của một người nghèo (c. 24).
Dù Luật
không buộc, ông bà cũng đem Con lên Đền thờ để dâng.
Họ muốn
con mình thuộc trọn về Thiên Chúa (x. 1 Sm 1, 22).
Ông bà
đã không đòi hỏi một đặc ân hay miễn trừ nào.
Giữ
Luật là cách họ thể hiện tình yêu đối với Chúa.
Có ai
nhận ra đôi vợ chồng với đứa con nhỏ này là ai không?
Có, một
người công chính và sùng đạo tên là Simêon.
Thánh
Thần hằng ngự trên ông (c. 25),
và nói
cho ông biết ông sẽ thấy Đức Kitô trước khi lìa đời (c. 26).
Chính
Thánh Thần thúc đẩy ông lên Đền thờ vào lúc này (c. 27).
Bỗng
nhiên ông thấy mầu nhiệm lớn lao đang tỏa sáng,
nơi Hài
Nhi bé nhỏ, con của đôi vợ chồng nghèo.
Mọi
mong chờ lâu nay của ông được đền đáp.
Các mục
đồng đã nhận ra Đức Kitô nơi bé thơ quấn tã, nằm máng cỏ,
còn
Simêon nhận ra Ngài nơi em bé được bồng ẵm bởi đôi vợ chồng.
Ông đã
bồng Hài Nhi trong vòng tay, ngất ngây vì hạnh phúc.
Môi ông
bật lên lời chúc tụng của người sẵn sàng nhắm mắt ra đi.
Ơn cứu
độ cho muôn dân đã đến đây rồi (cc. 30-31).
Hài Nhi
bé nhỏ này là Ánh sáng cho muôn dân,
là Vinh
quang cho Dân Ítraen của Đức Chúa (c. 32).
Để nhận
ra Chúa trong cuộc sống buồn tẻ hay sôi động hàng ngày,
cần có
sự gần gũi thân thiết với Thánh Thần như ông Simêon.
Thánh
Thần như trò chuyện, mách bảo, thôi thúc ông từ bên trong.
Thánh
Thần soi sáng để ông nhận ra điều lớn lao mắt phàm không thấy.
Nhưng
để nghe được sự mách bảo thầm kín của Thánh Thần,
chúng
ta cũng phải có sự thánh thiện và lòng khát khao như ông Simêon.
Chẳng
còn mơ ước gì ngoài việc được gặp mặt Đức Kitô qua cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho
con nhìn thấy sự hiện diện của Chúa
ở bên
con dưới muôn ngàn dáng vẻ.
Chúa
hiện diện lặng lẽ
như tấm
bánh nơi nhà Tạm,
nhưng
Chúa cũng ở nơi những ai nghèo khổ,
những
người sống không ra người.
Chúa
hiện diện sống động nơi vị linh mục,
nhưng
Chúa cũng có mặt ở nơi hai, ba người
gặp gỡ
nhau để chia sẻ Lời Chúa.
Chúa
hiện diện nơi Giáo Hội
gồm
những con người yếu đuối, bất toàn,
và Chúa
cũng ở rất sâu
trong lòng từng kitô hữu.
Lạy
Chúa Giêsu,
xin cho
con thấy Chúa
đang
tạo dựng cả vu trụ
và đang
đưa dòng lịch sử này về với Chúa.
Xin cho
con gặp Chúa nơi bất cứ ai là người
vì họ
có cùng khuôn mặt với Chúa.
Xin cho con khám phá ra
Chúa đang hẹn gặp con
nơi mọi biến cố buồn vui của đời thường.
Ước gì con thấy Chúa ở khắp nơi,
thấy đâu đâu cũng là nhà của Chúa.
Và ước gì con đừng bỏ lỡ bao cơ hội gặp Chúa
trên bước đường đời của con. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
29 THÁNG MƯỜI HAI
Đến Gần Bởi Đức Tin
Mầu nhiệm Giáng Sinh soi sáng chúng ta thấy rõ tiếng gọi mời người
Kitôhữu yêu thương anh chị em mình bằng tình yêu huynh đệ. Đến với nguồn suối
ân sủng và yêu thương bất tận này, chúng ta được mời gọi tiến đến cảm nếm bằng
con mắt đức tin và bằng sự khôn ngoan đích thực.
Sự khôn ngoan cho chúng ta biết bằng cách nào chúng ta có thể sống
như anh chị em của nhau, rút ra nguồn cảm hứng và năng lực từ mầu nhiệm Thiên
Chúa làm người. Thật vậy, khi chúng ta tiến tới gần Bê-lem hơn, chúng ta thấy
Thiên Chúa của mình bé nhỏ biết bao. Vốn là Đấng cao cả vô hạn, nhưng Ngài đã tự
hạ mình xuống làm một đứa trẻ thấp hèn. Ngài giống chúng ta mọi sự, dù Ngài là
Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã tự đồng hóa với chúng ta và đến ở gần chúng ta quá
đỗi! Nếu chúng ta đến với Ngài ở Bê-lem với lòng đơn sơ và với sự khôn ngoan của
những người chăn chiên và những nhà đạo sĩ ấy, Đức Giêsu sẽ dạy cho ta biết
cách đến gần gũi mọi người, bắt đầu từ những người bé nhỏ thấp hèn nhất – để
chúng ta có thể giúp mọi người sống cho Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
Ngày 29/12
Ngày thứ năm trong tuần Bát Nhật Lễ Giáng Sinh
1Ga 2, 3-11; Lc 2, 22-35
Lời Suy Niệm: “Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa
đã dành sẵn cho muôn dân. Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại là vinh quang
của Ítraen dân Ngài.”
Trong ngày Thánh Giuse và Đức Mẹ lên Giêeusalem tiến dâng Chúa
Giêsu cho Chúa Cha, tuy đơn sơ âm thầm như mọi gia đình bình dân khác trong
dân. Nhưng đối với tiên tri Simêon, ông được Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông
đã nhận ra Hài Nhi Giêsu là Đấng KiTô của Đức Chúa. Ông vui mừng và thỏa mãn,
ông đã tạ ơn Chúa với: Bài ca “An Bình Ra Đi”. Trong đời sống của mình, mỗi người
cũng phải biết mở rộng tâm hồn của mình để đón Chúa Thánh Thần. Có Chúa Thánh
Thần luôn ngự trên mình, Ngài sẽ giúp chúng ta ngày càng nhận ra Chúa Giêsu, nhận
ra tình thương cứu độ của Người, để rồi biết tôn vinh cảm tạ cho cân xứng với
những điều mình đã nhận lãnh, làm cho cuộc đời mình trở nên vui sống trước bao
khó khăn, đau khổ và thử thách.
Lạy Chúa Giêsu. Tiên tri Simêon đã chiêm ngắm Chúa trên vòng tay
của mình và đã vui mừng thỏa mãn. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia
đình chúng con cũng biết nhìn ngắm Chúa trong tình yêu và tôn thờ của mình, để
chúng con cũng được vui sống và cất tiếng tạ ơn.
Mạnh Phương
Gương
Thánh Nhân
Ngày 29-12: Thánh TOMA BECKET
Giám Mục Tử Đạo - (1118 - 1170)
Thánh Toma Becket sinh ra tại Luân Đôn năm 1118. Cha Ngài, ông
Gibert Becket, là một hiệp sĩ người Normandy, đã trở thành thương gia giàu có ở
Luân Đôn. Mẹ Ngài cũng là người Normandy. Ngài có ít là hai chị em mà một người
sau này làm tu viện trưởng Barking. Ngài thừa hưởng từ người mẹ lòng đạo đức,
lòng sùng kính Đức Mẹ và lòng quảng đại đối với người nghèo khó.
Từ người cha, Toma Becket thừa hưởng một tính khí kiêu hùng và
cương quyết. Dáng người cao ráo, đẹp trai, hấp dẫn và thông minh. Sau khi theo
học tại Oxford, Đức Tổng giám mục Cantebury là Thaobald đã triệu mời Ngài làm
quản trị, lo những chuyện liên hệ với Roma. Toma Becket đã kể ra đáng kể đến nỗi
vua Henri II đã đặt Ngài làm chưởng ấn của vương quốc. Ngài thường khoe khoang,
ngựa giòng chim ưng, chó quí là bạn thân của Ngài. Bù lại sự xa hoa này, Ngài
đã tỏ ra quảng đại nhiều với những hy sinh thầm kín. Ngài cũng rất hiếu chiến
và dùng đến các quyền hạn của hoàng tử mình, Ngài đã tỏ ra có giá trong một trận
chiến gần Toulouse. Ngài còn tự lượng sức trong một trận chiến đấu đơn với một
hiệp sĩ danh tiếng người Pháp.
Tổng giám mục Theobald qua đời, và Toma được chọn làm kế vị bất
kể sự chống đối Chúa hàng giáo sĩ khi thấy "một người thế tục và ồn ào như
vậy" được đưa lên tòa giám mục.
Trong khi đó, Toma Becket đã tiên báo cho nhà vua biết rằng: -
"Thưa Ngài, nếu Chúa cho phép tôi làm Tổng giám mục Canterbury, tôi sẽ hết
được Ngài sủng ái. Ngài sẽ đòi tôi nhiều điều, và Ngài đã làm nhiêu điều chống
lại Giáo hội mà tôi sẽ không thể chịu nổi. Tình cảm của Ngài sẽ sớm đổi thành
thù hận không chấm dứt nổi.
Nhưng nhà vua vẫn muốn thấy Ngài lên ngai giám mục. Ngày 3 tháng
sáu năm 1162, Toma Becket đã thụ phong linh mục và ngày hôm sau được tấn phong
giám mục. Kẻ nô bộc của các hoàng tử đã trở thành nộ bộc của Giáo hội, và chỉ
còn muốn giữ vẻ xa hoa bên ngoài, Ngài trở nên khiêm tốn hơn, mặc áo nhặm, tha
thiết yêu thương kẻ nghèo và xa cách đối với người giàu. Những nhưng điều lo ngại
của thánh nhân không tự biện minh mãi được.
Vua Henri II bóp nghẹt sự tự do của các tác viên Giáo hội, muốn
bắt chàng giáo sĩ nước Anh phải phục thẩm quyền các tòa án hoàng gia, tước đoạt
kho tàng của dân nghèo. Trước ý muốn của nhà vua, các vị giám mục ngập ngừng,
nhiều vị khứng chịu. Nhưng Tổng giám mục Canterbury không để mình bị quyến dũ.
Tức giận, nhà vua triệu vời các giám mục vương quốc lại.
Trong căn phòng tụ họp, hiện ra những con người mang khí giới
như s ẵn sàng tiêu diệt các Ngài. Các giám mục và các lãnh Chúa kinh hoàng khấn
nài xin vị giáo chủ nhượng bộ.
Để cứu những người chung quanh, Toma Becket như nửa ưng thuận,
đã xin hoãn lại để nghiên cứu vấn đề. Ngài viết thư cho đức Thánh Cha xin phán
định. Đức Thánh Cha đã kết án tất cả những ai đã phát thệ. Thế là Toma Becket
đã rút lại lời một cách cao thượng. Nhà vua bắt bớ Ngài. Đáp lại các lời tố
cáo, Ngài tỏ ra cương quyết và luôn giữ được tâm hồn thanh thản. Thất vọng nhà
vua hô hoán: - "Hoặc là ta mất ngôi, hoặc là con người ấy không còn là tổng
giám mục nữa".
Các hiệp sĩ gọi Ngài là kẻ bội phản. Toma Becket đã trả lời cho
một người trong bọn họ: "Nếu đôi tay này không phải là đôi tay của một
linh mục thì ông phải biết".
Trong một công đồng ở Nerthampton năm 1164, Ngài lại tỏ ra chống
đối và khi bị đe dọa đếng mạng sống hoặc tù tội. Một đêm kia, Ngài đã tàng hình
để thoát thân. Lang thang nhiều ngày, Ngài tới bờ biển và được một thuyền đánh
cá tiếp nhận Ngài đang lúc mệt nhọc đến đứt hơi và đưa qua Pháp.
Vua Lu-y VII đã hân hạnh tiếp đón vị tổng giám mục Caterbury,
ông nói: - "Nước Pháp có thói quen nuôi dưỡng vbảo vệ những người chịu đau
khổ, nhất là những người bị lưu đày vì công chính".
Vị giáo chủ lưu ngụ tại tu viện Pontiguy và tăng gấp nếp sống khắc
khổ, đến nỗi có thể nói được đây là cuộc "Hoán cải thứ nhì, từ đạo đức tới
thánh thiện". Ngài có giờ để cầu nguyện và suy gẫm. Ngài tuân theo luật và
nếp sống của tu viện. Dầy vậy cuộc trả thù của nhà vua vẫn tiếp tục. Cha mẹ và
bạn hữu Ngài bị tước hết tài sản, bị trục xuất tới số 400 người. Họ buộc lòng
phải đến với Ngài, làm thành một đoàn người đáng thương. Toma Becket rất nhiệt
thành năng đỡ người nghèo. Lần này bất lực vì không thể giúp đỡ được những người
thân yêu nhất đang bị khổ cực vì mình. Sau cùng, vua Henri loan báo là sẽ tiêu
diệt mọi nhà dòng Xitô, nếu một nhà dòng Xitô nào còn tiếp tục dung duõng Ngài.
Toma Becket liền đến một nữ tu viện Bênedictô ở Sens. Những năm tháng đau khổ
và trơ trọi nối tiếp nhau.
Trong khi đó, nhà vua bị Đức Thánh Cha đe dọa, tỏ ra muốn giao
hòa với vị Tổng giám mục vào những tháng cuối cùng năm 1169. Một thứ hòa hoãn
chẳng dễ gì. Nhưng vị giáo chủ đã nói với những người muốn ngăn cuộc hồi hương
của mình rằng: - "Dù có biết chắc mình sẽ bị chặt thành trăm mảnh,
tôi vẫn trở về. Đã sáu năm rồi, đoàn chiên của tôi vắng bóng chủ chăn".
Ngài tạo thêm nhiều thù địch khi đưa ra những sắc lệnh huyền chức
những vị giám mục muốn chống đối lại Ngài. Khi tới Canterbury, dân chúng chen lẫn
nhau giữa những khúc thánh ca và những hồi chuông đổ dồn để đến lãnh phép lành
của Ngài. Những lời đầu tiên Ngài nói trên tòa giảng là: - "Tôi đã tới để
chịu chết giữa anh em".
Nhà vua tức giận với cuộc trở về khải hoàn này của Toma Becket,
một con người không thể lay chuyển trong mọi việc bảo vệ những quyền tự do của
Giáo hội. Người ta nghe thấy vua Henri kêu lớn: - "Không có được lấy một
người trong số những kẻ hèn ta nuôi dưỡng đây gỡ cho chúng ta người giáo sĩ ngạo
mạn này sao ?"
Khi ấy có bốn hiệp sĩ đi Canterbury. Họ gặp vị giáo chủ trong
căn phòng gần nhà thờ chính tòa với các linh mục và tu sĩ. Họ nhục mạ Ngài,
nhưng Ngài nói: - "Đừng mất thời gian đe dọa tôi. Để sát cánh chiến đấu,
các người sẽ thấy tôi luôn luôn ở trong trận chiến của Chúa".
Các hiệp sĩ hùng hổ đi ra. Các giáo sĩ trách Ngài làm cho họ phải
chết. Toma Becket không trốn tránh, Ngài nói với họ: - "Tất cả chúng ta hoặc
phải chết. Đừng để sự sợ hãi làm cho chúng ta xa rời sự công chính. Tôi sẵn
sàng chết vì tình yêu Chúa mà những người này giết tôi không phải vì tình yêu
như vậy".
Và khi nghe bước chân và tiếng kêu của các hiệp sĩ có võ trang,
Ngài leo lên thang nhà thờ chính tòa Ngài nói: - "Tôi ra tiền tuyến".
Trả lời cho những lăng nhục, Ngài nói: - "Tôi không phải là
kẻ phản bội, nhưng là một linh mục. Tôi sẵn sàng vì Danh đấng đã lấy máu cứ chuộc
tôi ... Nhưng vì Danh Thiên Chúa, đừng động tới những người này của tôi".
Dựa lưng vào cột, Đức Tổng giám mục chống lại những người muốn
đưa Ngài đi, đẩy những người tấn công ngã soài xuống đất: "Tôi không đi
đâu hết, hãy làm việc đó ở đây đi".
Những người khác ngập ngừng. Vị tử đạo lớn tiếng phú mình cho
Chúa và Giáo hội: "Lạy Chúa, con phó linh hồn con trong tay Chúa".
Hai nhát gươm tiếp liền. Toma Becket ngã xuống miệng còn nói: -
"Vì danh Chúa Giêsu và vì Giáo hội, tôi bằng lòng chịu chết". Và Ngài
nằm chết cạnh bàn thờ.
Cái chết của Đức tổng giám mục làm chấn động lương tâm toàn thể
Chân Au. Các phép lạ được phổ biến trên mộ Ngài. Đức Alexander III năm 1173 đã
phong Ngài làm thánh tử đạo. Nhà vua đã thống hối công khai bên mộ Ngài và những
gì khiến thánh nhân chịu khổ đã được sua sai nhờ cái chết của Ngài. Canterbury
trở thành nơi hành hương thứ nhì sau Rôma.
(daminhvn.net)
29 Tháng Mười Hai
Hoàng Tử
Và Cậu Bé Nghèo
Văn hào Anh Mark Twain cách đây ba thế kỷ, có viết một quyển tiểu
thuyết mang tựa đề "Hoàng tử và cậu bé nghèo". Chuyện kể lại tình bạn
của hai cậu bé giống hệt nhau khiến người ta tưởng là sinh đôi. Một trong hai cậu
bé tên là Edward, hoàng tử xứ Galles. Còn Tom Canty, người bạn của vị hoàng tử,
lại là một cậu bé con nhà nghèo.
Một ngày kia, hai cậu bé có một ý nghĩ ngộ nghĩnh là thay đổi địa
vị xã hội. Tom vào thế chỗ của vị hoàng tử Edward trong triều đình, còn Edward
thì khoác lên mình mảnh áo rách rưới và bắt đầu cuộc phiêu lưu. Cậu lang thang
đầu đường xó chợ bên cạnh những người cùng cực nhất trong xã hội.
Thế nhưng một lúc nào đó, hai cậu bé cũng cảm thấy mệt mỏi với
trò chơi đầy phiêu lưu này. Edward mới sực tỉnh về ngôi vị hoàng tử của mình.
Trong bộ quần áo rách rưới nhơ bẩn, cậu tìm đủ mọi cách để chứng minh rằng mình
là hoàng tử nối ngôi của xứ Galles. Nhưng cảnh sát đã không tin... Thế là hoàng
tử Edward đành phải lặng lẽ bước vào tù vì tội giả mạo.
Giữa lúc Tom, cậu bé nghèo, sắp sửa được tấn phong làm vua, thì
hoàng tử Edward xuất hiện... Không mấy chốc cậu đã được phục hồi trong ngôi vị
hoàng tử của cậu. Chính nhờ kinh nghiệm của những tháng ngày làm người ăn xin,
lang thang đầu đường xó chợ với những người cùng khổ, mà Edward đã trở thành một
vị vua đạo đức và giàu lòng thương người.
Cũng giống như câu chuyện trên đây, Thiên Chúa đã đến giữa loài
người để hoán đổi vị thế với chúng ta. Ngài mặc lấy thân xác nghèo hèn của
chúng ta để chúng ta được mang lấy tước phẩm được làm con Chúa. Nhờ ân sủng của
Ngài, Ngài chia sẻ với chúng ta sự sống thần linh và đón nhận trong thân xác
Ngài tất cả những hệ lụy của kiếp sống khổ đau của con người.
Mang lấy trong thân xác Ngài khổ đau của nhân loại, Chúa Giêsu
đã tự đồng hóa mình với từng người, nhất là những người khổ đau. Ðồng hóa mình
với những người đau khổ, Chúa Giêsu vạch ra cho chúng ta con đường để gặp gỡ
Ngài: Ngài hiện diện trong những đau khổ, bé mọn nhất. Tiếp rước những người đó
chính là tiếp rước Ngài.
Thiên Ðàng là một gặp gỡ triền miên với Chúa, nhưng cuộc gặp gỡ
này chỉ được chuẩn bị bằng những gặp gỡ của chúng ta với tha nhân, chúng ta sẽ
gặp được Chúa. Chúng ta khước từ tha nhân, chúng ta cũng khước từ chính Chúa.
Tha nhân là Bí Tích của Thiên Chúa. Chính trong tha nhân mà chúng ta phải nhận ra và yêu mến Chúa.
Tha nhân là Bí Tích của Thiên Chúa. Chính trong tha nhân mà chúng ta phải nhận ra và yêu mến Chúa.
Nơi bàn thờ, vị linh mục đọc lại lời của Chúa Giêsu: này là Mình
Ta, này là Máu Ta... Khi chỉ cho chúng ta mỗi một con người, có lẽ Chúa Giêsu
cũng sẽ nói: "Này là Mình Ta...".
Thánh lễ là một cuộc gặp gỡ với Chúa. Cuộc gặp gỡ này chỉ có ý
nghĩa và giá trị nếu trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta cũng biết nhận ra Chúa
trong từng cuộc gặp gỡ với tha nhân... Xin Chúa thêm Ðức Tin để chúng ta có thể
nhận ra Chúa Giêsu trong tha nhân, nhất là những người cùng khổ, bé mọn trong
xã hội.
(Lẽ Sống)
Lectio Divina: Luca
2:22-35
Thứ Ba, 29 Tháng 12, 2015
Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, Cha của ánh sáng
Cụ già Simêon đã nhận ra Con Chúa
Như ánh sáng sẽ chiếu trên mọi người.
Nguyện xin cho chúng con cũng nhận ra được
Chúa Giêsu,
Ngay cả khi Người đến với chúng con trong một
cách khiêm hạ
Trong hình hài và con người của các trẻ nhỏ,
Của các người già lão, của người nghèo khó và
của những kẻ bé mọn.
Xin Chúa ban cho chúng con cũng đón nhận Người
Như ánh sáng không chỉ dành cho đời sống chúng
con
Mà cũng là bình minh tươi sáng cho mọi dân
tộc.
Vì Chúa là Cha của tất cả
Và Chúa Giêsu là Đấng Cứu Chuộc và là Chúa của
mọi người
Bây giờ và mãi mãi.
2. Tin Mừng theo thánh Luca 2:22-35
Khi mãn thời hạn thanh tẩy theo Luật Môisen,
ông bà đem Chúa Giêsu lên thành Giêrusalem, để dâng cho Chúa, như đã viết trong
Lề Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là của thánh,
dâng cho Thiên Chúa”, và việc dâng lễ vật như đã nói trong lề luật Chúa là “một
cặp chim gáy, hoặc hai bồ câu con”.
Và lúc đó tại Giêrusalem có một người tên là
Simêon, là người công chính và có lòng kính sợ, đang mong đợi niềm an ủi
Israel, có Thánh Thần ở trong ông. Ông được Thánh Thần mách bảo là
sẽ không thấy giờ chết đến, trước khi thấy Đấng Kitô của Chúa. Được
Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ. Khi cha mẹ bồng trẻ Giêsu đến
để thi hành cho Người các nghi thức theo luật dạy, thì ông ẵm lấy Người trên
cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Lạy Chúa, bây giờ Chúa để cho tôi tớ Chúa đi
bình an, theo như lời Chúa. Vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà
Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và
vinh quang của Israerl dân Chúa”.
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói
về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà, và nói với Maria, mẹ
Người, rằng: “Đây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong
Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta
chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà, để tâm
tư nhiều tâm hồn được biểu lộ”.
3. Suy Niệm
- Hai chương đầu của sách Tin Mừng Luca không phải là
một câu chuyện lịch sử theo ý nghĩa mà chúng ta gán cho lịch
sử. Chúng dùng để phục vụ hơn là bất cứ điều gì khác, nó như một tấm
gương phản chiếu mà trong đó những Kitô hữu tòng giáo từ lương dân, khám phá ra
rằng Đức Kitô đã đến để thực hiện những lời tiên tri của Cựu Ước và để đáp ứng
những khát vọng sâu xa hơn của trái tim nhân loại. Sau đó, chúng là biểu
tượng và là tấm gương của những gì đã xảy ra giữa các Kitô hữu vào lúc sách Tin
Mừng Luca được viết. Các cộng đoàn đến từ Lương Dân đã được khai
sinh từ các cộng đoàn người Do Thái cải đạo, nhưng họ rất đa dạng. Tân Ước
không tương ứng với những gì Cựu Ước mường tượng và mong đợi. Đó là
“dấu hiệu của sự mâu thuẫn” (Lc 2:34), nó là cái cớ cho sự căng thẳng và là
nguyên nhân của sự đau khổ tột cùng, của sự đớn đau. Trong thái độ
của Đức Maria là hình ảnh của Dân Chúa, tác giả Luca đại diện một mẫu mực cho
cách làm thế nào để kiên trì trong Tân Ước, mà không phản bội lại Cựu Ước.
- Trong hai chương này của sách Tin Mừng Luca, mọi
việc xoay quanh việc chào đời của hai hài nhi: ông Gioan Tẩy Giả và
Chúa Giêsu. Hai chương này khiến cho chúng ta cảm thấy hương thơm
của sách Tin Mừng theo Luca. Trong đó, môi trường là sự dịu dàng và
lời ngợi khen. Từ đầu chí cuối, có lời ngợi khen và ca ngợi, bởi vì
cuối cùng, lòng thương xót của Thiên Chúa đã được mặc khải trong Hài Nhi Giêsu;
Chúa hoàn thành những lời hứa đã làm với các Tổ Phụ. Và Thiên Chúa
hoàn thành chúng nhân danh người nghèo khó, kẻ bần hàn, giống như bà Êlisabéth
và ông Giacaria, Đức Maria và thánh Giuse, bà tiên tri Anna và cụ ông Simêon,
các mục đồng. Tất cả họ đã biết cách chờ đợi sự xuất hiện của
Chúa.
- Sự khẳng định của tác giả Luca trong việc nói rằng
Đức Maria và thánh Giuse đã làm tròn mọi việc như Lề Luật đặt ra, gợi nhớ lại
những gì thánh Phaolô đã viết trong các Thư gửi tín hữu Galát: “Khi
thời gian tới hồi viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con mình tới, sinh làm con một
người đàn bà, và sống dưới Lề Luật, để chuộc những ai sống dưới Lề Luật, hầu
chúng ta nhận được ơn làm nghĩa tử” (Gl 4:4-5).
- Câu chuyện của cụ già Simêon dạy rằng hy vọng, thậm
chí nếu không phải là ngay lập tức, sẽ được thực hiện vào một ngày nào
đó. Đó không phải là việc nản lòng, nó được thực
hiện. Nhưng phương cách không luôn tương ứng với những gì chúng ta
tưởng tượng. Cụ già Simêon đã chờ đợi Đấng Mêssia của dân
Israel. Đi đến Đền Thờ ở giữa nhiều cặp vợ chồng đã đem con mình đến
đó, ông trông thấy việc thực hiện niềm hy vọng của mình và niềm hy vọng của Dân
Chúa Israel: “Chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt
muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel Dân
Chúa”.
- Trong văn bản của bài Tin Mừng hôm nay, chúng
ta có những chủ đề ưa thích của thánh Luca, đó là, lời khẳng định mạnh mẽ về
hoạt động của Chúa Thánh Thần, về lời cầu nguyện và về môi trường cầu nguyện,
một sự chú ý liên tục đến hành động và sự tham gia của các người phụ nữ và mối
quan tâm thường trực đến những người nghèo khó và sứ điệp cho những người nghèo
khó.
4. Một vài câu hỏi cá nhân
* Bạn có thể nào có khả năng nhận
thức được trong một em bé nghèo hèn mà lại có ánh sáng để chiếu soi cho muôn
dân không?
* Bạn có thể nào có khả năng chờ
đợi cả cuộc đời mình để thực hiện niềm hy vọng của bạn không?
các môn đệ đích thực không?
5. Cầu nguyện
Hát lên mừng CHÚA một bài ca mới,
Hát lên mừng CHÚA, hỡi toàn thể địa cầu!
Hát lên mừng CHÚA, chúc tụng Thánh Danh!
Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ.
(Tv 96:1-2)
SỐNG LỜI CHÚA
MỖI NGÀY NĂM THÁNH LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT
Thứ ba, 29 tháng 12 – Tuần Bát Nhật Giáng Sinh
1 Gio-an 2,3-11 · Thánh
Vịnh 95,1-2a.2b-3.5b-6 · Lu-ca 2,22-35
Sống Nhờ Đức Tin
Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những điều người
ta nói về Người. Lu-ca
2,33
Tôi vẫn còn giữ
một thước phim cũ được giấu kín trong tủ và thỉnh thoảng tôi đem ra xem lại những
hình ảnh về những ngày sinh nhật cũng như những kỳ nghỉ của mình. Tôi đã có thể
lên kế hoạch cho mọi thứ. Thế nhưng, cuộc sống của chúng ta không thể tua lại
như một cuốn phim. Nó chỉ diễn ra một lần và không ngừng tiến lên phía trước.
Khi Đức Maria
và thánh Giuse dâng Chúa giêsu trong đền thờ, có lẽ hai ông bà vừa cảm thấy hạnh
phúc, vừa cảm thấy bối rối. Chắc hẳn họ đã bế đứa trẻ trong vòng tay của mình
giống như tất cả các bậc cha mẹ trẻ thường làm trong hoàn cảnh tương tự. Rồi có
một người lạ mặt nói với họ rằng con của hai ông bà chính là Đấng Cứu Thế. Trước
lời tiên tri lạ lùng đó, họ tự hỏi làm sao họ có thể nuôi dưỡng một người, vừa
là con của mình, vừa là Đấng Cứu Thế của nhân loại? Phải chăng bằng cách luôn cố
gắng chấp nhận sống cùng với những thắc mắc ấy.
Còn tôi, tôi có
chấp nhận cuộc sống là một chuỗi những câu hỏi không lời giải đáp? Chỉ bằng
cách là tôi phải sống nhờ đức tin.
Gail
Goleas
HỌC HỎI
NĂM THÁNH
Hỏi 47 : Để có khả năng thương
xót, trước tiên chúng ta phải làm gì ?
Đáp 47 : Chúng ta phải lắng nghe và suy niệm Lời
Chúa.
Hỏi 48 : Để có thể lắng nghe
cũng như suy niệm Lời Chúa, chúng ta phải làm gì ?
Đáp 48 : Chúng ta phải khám phá lại giá trị của
sự thinh lặng. Nhờ đó, chúng ta mới có thể chiêm ngưỡng Lòng Thương Xót của
Thiên Chúa và lấy Lòng Thương Xót làm lối sống của mình (x. số 13).
CẦU
NGUYỆN
Lạy
chúa, xin giúp con sống bình an hôm nay bằng cách phó thác hoàn toàn tương lai
của con trong tay Chúa.
Quyết
tâm : Dành thời gian để gặp gỡ Chúa Giêsu Thánh Thể.
(nguồn
trích Sống Lời Chúa số 1 – Mùa Vọng và Giáng Sinh của Tgp. Sài Gòn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét