20/03/2016
Chúa Nhật Lễ LÁ năm C
(phần II)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật Lễ Lá, Năm C
Bài đọc: (Làm phép lá: Lk 19:28-40); Isa 50:4-7; Phi 2:5-11; Lk
22:14-23:56.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vinh quang đạt được qua con đường đau khổ
Không
ai muốn chấp nhận con đường đau khổ; nhưng chỉ có con đường này mới dẫn con người
tới chỗ vinh quang. Đường rộng rãi thênh thang sẽ chỉ đưa con người tới chỗ bị
hủy diệt. Các lực sĩ thế vận hội sẽ không thể thắng huy chương nếu không qua tiến
trình rèn luyện. Trên bước đường thiêng liêng, con người cũng phải trải qua một
tiến trình tương tự; nhất là phải được thử thách bằng đau khổ, để minh chứng đức
tin vững mạnh của họ vào Thiên Chúa. Thánh Phaolô và tục ngữ Việt-nam đã từng
xác tín: “lửa thử vàng, gian nan thử nhân đức.” Người nhân đức là người đã trải
qua một tiến trình luyện tập, đã thắng vượt mọi gian nan đau khổ, và giờ đây trở
nên hoàn thiện.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những lý do khác nhau của việc chịu đau khổ của
Đấng Thiên Sai. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah tường thuật sự đau khổ của Người
Tôi Trung của Thiên Chúa trong Bài Ca Thứ Ba; mục đích là để Ngài cảm thông và
an ủi những ai cũng phải ngang qua con đường đau khổ đó. Trong Bài Đọc II, Chúa
Giêsu phải ngang qua con đường đau khổ để đạt tới tuyệt đỉnh của vinh quang mà
Thiên Chúa đã siêu tôn và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.
Trong Phúc Âm, Lucas tường thuật Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu; mục đích của
Cuộc Thương Khó là để Ngài gánh tội cho nhân loại, và trở nên nguồn ơn cứu độ
cho con người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Bài ca thứ ba về Người
Tôi Trung của Thiên Chúa chịu đau khổ.
1.1/ Người
Tôi Trung chịu đau khổ vì tin vào Thiên Chúa: Là con người ai, cũng sợ đau khổ; nhưng sở dĩ có những
người dám can đảm để chịu đau khổ, vì họ có một niềm tin vững chắc vào hậu quả
sẽ đạt tới; chẳng hạn, huy chương cho các lực sĩ, sự giải thoát của Thiên Chúa
cho con người. Người Tôi Trung của Thiên Chúa cũng thế, Ngài tuyên xưng: “Tôi
đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không
che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ;” vì Ngài tin: “Có Đức Chúa là Chúa Thượng
phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi
biết mình sẽ không phải thẹn thùng.” Thiên Chúa sẽ giải thoát và ban cho Ngài
được vinh quang tuyệt đỉnh; đồng thời, vì sự đau khổ của Ngài mà muôn dân được
giải thoát khỏi tội và được sống.
1.2/ Người
Tôi Trung biết nâng đỡ những ai chịu đau khổ: Không những chỉ lãnh nhận huy chương sau cuộc đua, người
lực sĩ còn có những phần thưởng khác kèm theo: sức khỏe dẻo dai, ý chí kiên cường
… Người Tôi Trung của Thiên Chúa cũng thế, ngoài việc được tuyên dương bởi Chúa
Cha, Ngài còn có thể nâng đỡ những ai đang phải chịu đau khổ. Ngài nói: “Đức
Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời
nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để
tôi lắng nghe như một người môn đệ.”
2/ Bài
đọc II: Đức Giêsu Kitô trải
qua đau khổ để đạt tới vinh quang.
2.1/ Đức
Kitô khiêm nhường chịu đau khổ: Thế gian luôn cám dỗ con người bằng danh dự và uy quyền; nhưng
Thánh Phaolô dùng gương của Chúa Giêsu chịu đau khổ để khuyên bảo các tín hữu
Philipphê: “Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức
Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết
duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang
mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại
còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây Thập Tự.”
Ngài
là Thiên Chúa, nhưng đã hạ mình chấp nhận một thân thể như con người. Điều này
làm người Hy-lạp không thể hiểu nổi, vì trong khi họ đang tìm cách thoát ra khỏi
thân xác mà họ coi là ngục tù của linh hồn; thì Chúa Giêsu lại muốn bị giam hãm
trong một thân xác để nên giống con người. Hơn nữa, Chúa Giêsu còn có uy quyền
tuyệt đối của Thiên Chúa để dẹp tan các đau khổ; nhưng Ngài tự nguyện theo con
đường của Chúa Cha, chấp nhận chết trên Thập Giá để chuộc tội cho con người.
2.2/
Thiên Chúa đã siêu tôn Đức Kitô: Vì không một ai khiêm nhường, vâng lời, hy sinh chịu đau khổ như
Chúa Giêsu; nên như một hậu quả, không ai được hưởng vinh quang như Ngài. Thánh
Phaolô xác tín: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu
trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả
trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh
Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giêsu Kitô là
Chúa."”
Chúa
Giêsu và Thánh Phaolô cũng dùng gương sáng này để dạy các môn đệ và các tín hữu:
“Ai trong các con muốn làm lớn nhất, hãy trở nên rốt hết và phục vụ mọi người”
(Lk 22:26). “Một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta sẽ cùng được hưởng
vinh quang với Người.” (Rom 8:17b).
3/
Phúc Âm: Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu theo thánh Luke
Mỗi
tường thuật về Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu mang một sắc thái riêng biệt tùy
vào sự nhấn mạnh của mỗi thánh sử: Trong Marcô, Chúa Giêsu dường như người bị bỏ
rơi bởi Thiên Chúa và các môn đệ. Matthew muốn nhấn mạnh đến Kế hoạch Cứu Độ của
Thiên Chúa, mọi sự xảy ra là để làm tròn lời Kinh Thánh đã chép về Ngài. John
muốn nêu bật sự biết trước và sự can đảm của Chúa Giêsu trước những biến cố xảy
ra. Luke muốn mời độc giả cùng đồng hành với Chúa Giêsu, như Simon Cyrene cùng
vác Thập Giá với Ngài. Độc giả có thể nhận ra sự yếu đuối của mình và hy vọng
được tha thứ vì lòng thương xót của Chúa, qua sự sa ngã và trở lại của Phêrô và
người trộm lành. Có nhiều điểm tương đồng giữa Luke và John trong trình thuật về
Cuộc Thương Khó đến nỗi C. Stuhmueller cho trình thuật của Luke gần với trình
thuật của John hơn là của Mark và Matthew (x/c The JBC, 156).
3.1/ Chuẩn
bị Cuộc Thương Khó:
(1) Lễ
Vượt Qua rơi vào ngày 14 tháng tư (Nissan). Lễ Bánh Không Men kéo dài 7 ngày
sau Lễ Vượt Qua. Lễ Vượt Qua là một trong 3 lễ chính của người Do-thái. Các người
Do-thái nam, đã đến tuổi trưởng thành, và sống trong khoảng 15 dặm của
Jerusalem, phải lên Đền Thờ để mừng Lễ Vượt Qua. Luật ngày Sabbath được áp dụng
cho các lễ này. Các thượng tế và kinh sư có lý do để lo sợ, vì dân chúng tụ họp
rất đông ở Jerusalem trong ngày Lễ Vượt Qua. Các thượng tế và kinh sư thường phải
cầu viện với quân đội Roma để tăng cường an ninh trong những ngày này; nhất là
tại cứ điểm Antonia Fortress, cạnh Đền Thờ. Theo sử gia Josephus, dân chúng có
thể lên tới 2, 3 triệu người, cứ 10 người phải sát tế một con chiên. Lễ Vượt
Qua có lịch sử trong biến cố Xuất Hành của dân Do-thái ra khỏi Ai-cập. Trong
đêm đó, sứ thần của Thiên Chúa vào nhà tàn sát tất cả các con đầu lòng của người
Ai-cập; nhưng nhà nào có máu chiên bôi trên cửa, các sứ thần đã băng ngang qua
và không vào tàn sát.
Trong
Kế Hoạch Cứu Độ, Thiên Chúa cũng muốn dùng chính ngày Lễ này, để bắt đầu một Lễ
Vượt Qua mới: ngày Chúa Giêsu sẽ từ giã cuộc đời này mà về lại với Chúa Cha;
ngày toàn dân Thiên Chúa được cứu thoát khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết,
nhờ máu Con Chiên là Chúa Giêsu Kitô đổ ra để chuộc tội cho nhân loại, và đưa họ
về cho Thiên Chúa.
(2)
Chúa Giêsu cử hành Lễ Vượt Qua với các môn đệ: “Khi giờ đã đến, Đức Giêsu vào
bàn, và các Tông Đồ cùng vào với Người. Người nói với các ông: "Thầy những
khát khao mong mỏi ăn lễ Vượt Qua này với anh em trước khi chịu khổ hình. Bởi
vì, Thầy nói cho anh em hay, Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua này nữa, cho
đến khi lễ này được nên trọn vẹn trong Nước Thiên Chúa." Rồi
Người nhận lấy chén, dâng lời tạ ơn và nói: "Anh em hãy cầm lấy mà chia
nhau. Bởi vì, Thầy bảo cho anh em biết, từ nay, Thầy không còn uống sản phẩm của
cây nho nữa, cho đến khi Triều Đại Thiên Chúa đến."
Hai
câu 15-16 chỉ tìm thấy trong Luke. Chúa Giêsu biết sẽ có ngày này và hằng mong
mỏi để ăn Lễ Vượt Qua với tất cả các Tông-đồ. Luke có lẽ muốn nhấn mạnh tới
khía cạnh toàn vẹn trong tương lai của Nước Thiên Chúa, khi Chúa Giêsu cùng ngồi
ăn với các Tông-đồ và mọi người cách hữu hình trong Nước của Cha Ngài. Đây có lẽ
tương ứng với ly thứ nhất, là ly chúc tụng (Quiddush) trong ba ly rượu
mà người Do-thái có thói quen làm trong Lễ Vượt Qua.
(3)
Chúa Giêsu lập Bí-tích Thánh Thể: “Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ
ra, trao cho các ông và nói: "Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em. Anh em
hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy." Và tới tuần rượu cuối bữa ăn,
Người cũng làm như vậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy,
máu đổ ra vì anh em.”
Ly thứ
hai (Haggadah) là ly nhắc lại những gì xảy ra trong biến cố Xuất Hành.
Trong bối cảnh của Lễ Vượt Qua cũ, Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài hiểu những
gì sắp xảy ra trong Lễ Vượt Qua mới. Giống như các ngôn sứ của Cựu Ước phải
dùng biểu tượng và hành động, khi dân chúng đã quá quen và không còn hiểu được
những gì Thiên Chúa muốn dạy dỗ qua các ngôn sứ nữa; chẳng hạn, Ahijah đã xé
chiếc áo ra 12 mảnh và cho Vua Jeroboam 10 mảnh tượng trưng cho 10 chi tộc muốn
Vua là người lãnh đạo của họ (1 Kgs 11:29-32), hay tiên-tri Jeremiah làm xiềng
xích và gông cùm đeo vào người để cho dân biết những điều như vậy sẽ xảy đến cho
dân trong tương lai (Jer 27:2). Chúa Giêsu cũng dùng hai biểu tượng của Lễ Vượt
Qua cũ để các tông đồ hiểu những gì xảy ra trong Lễ Vượt Qua mới:
* Giống
như tấm bánh không men bị bẻ ra cho mọi người ăn, Mình Ta cũng bị bẻ ra như vậy
cho các con. Giống như ly rượu tạ ơn cuối bữa ăn (ly thứ ba, Hallel),
Máu Ta cũng sẽ bị đổ ra như vậy để nhiều người nhận được ơn tha tội.
*
Giao ước cũ Thiên Chúa thiết lập với dân là Giao-ước Sinai (Exo 24:3-8). Theo
Giao-ước này, Thiên Chúa sẽ săn sóc và bảo vệ dân như dân của Ngài, phía người
Do-thái, họ phải giữ cẩn thận Thập Giới. Vì người Do-thái đã vi phạm Giao-ước
cũ bằng việc không giữ các Lề Luật, nên Chúa Giêsu phải thiết lập với dân một
Giao-ước mới; theo Giao-ước mới này, Máu của Chúa Giêsu phải đổ ra để chuộc tội
cho con người. Họ không còn tùy thuộc vào Lề Luật để được sự săn sóc của Thiên
Chúa; nhưng hoàn tòan tùy thuộc vào tình yêu của Ngài, đặt căn bản trên Máu của
Chúa Giêsu sắp đổ ra.
Khi
nói những lời này, Chúa Giêsu xác tín hai điều: (1) Ngài biết Ngài sắp chết,
nhưng Ngài cũng biết Nước Thiên Chúa sắp tới. Ngài biết sẽ phải vác Thập Giá,
nhưng vinh quang sẽ theo Ngài sau đó. (2) Tình yêu của Thiên Chúa và của Ngài
cho con người sẽ thắng vượt tất cả các tội lỗi của họ. Lời khuyên của Chúa
Giêsu cho các Tông-đồ: “Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy” chỉ có
trong Luke và Thư Corintô 1 (I Cor 11:23-25). Giống như người Do-thái cử hành Lễ
Vượt Qua hàng năm để nhớ lại tình thương của Thiên Chúa dành cho họ và khuyên
nhủ nhau biết đáp trả tình thương Thiên Chúa; người tín hữu cũng phải tụ họp
nhau để than dự Lễ Bẻ Bánh và nhắc nhở cho nhau biết sống xứng đáng với tình
yêu hy hiến mà Đức Kitô đã dành cho họ.
(4) Lời
tiên đoán phản bội:
+ của
Judah: "Nhưng này bàn tay kẻ nộp Thầy đang cùng đặt trên bàn với Thầy. Đã
hẳn Con Người ra đi như đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người."
Các Tông Đồ bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong Nhóm lại là kẻ toan làm chuyện
ấy. Các ông còn cãi nhau sôi nổi xem ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.”
- Phản
ứng của Chúa Giêsu: Rất can đảm và tự tin nơi kế hoạch của Thiên Chúa. Ngài có
thể chỉ rõ Judah là người toan tính phản bội, hắn sẽ không thoát khỏi bàn tay của
các tông-đồ khác, và Ngài sẽ thoát khỏi kế hoạch của hắn. Nhưng Chúa Giêsu
không tố cáo Judah, Ngài cho hắn cơ hội để trở lại; nhưng Judah có tự do và đã
chọn để làm ngơ trước lời cảnh cáo của Ngài: “Đã hẳn, Con Người sẽ ra đi theo
như lời đã chép về Người; nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà kẻ đó đừng
sinh ra thì hơn!”
- Phản
ứng của các môn đệ: Các Tông-đồ tuy có bàn tán về “kẻ phản bội” nhưng tranh luận
sôi nổi hơn về đề tài “ai trong Nhóm được coi là người lớn nhất.” Đề tài thứ
hai này được tường trình trong lần tiên báo thứ hai hay thứ ba về Cuộc Thương
Khó (Mk 10:41-45; Mt 19:28, 20:25-28). Đức Giêsu bảo các ông: "Vua các dân
thì dùng uy mà thống trị dân, và những ai cầm quyền thì tự xưng là ân nhân.
Nhưng anh em thì không phải như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải
nên như người nhỏ tuổi nhất, và kẻ làm đầu thì phải nên như người phục vụ. Bởi
lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ?
Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ. Còn anh em, anh
em vẫn một lòng gắn bó với Thầy, giữa những lúc Thầy gặp thử thách gian nan. Vì
thế, Thầy sẽ trao Vương Quốc cho anh em, như Cha Thầy đã trao cho Thầy, để anh
em được đồng bàn ăn uống với Thầy trong Vương Quốc của Thầy, và ngự toà xét xử
mười hai chi tộc Israel."
+ của
Phêrô: Rồi Chúa nói: "Simon, Simon ơi, kìa Satan đã xin được sàng anh như
người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin.
Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh."
Phêrô
không biết sức yếu đuối của mình, nên ông thưa Ngài: "Lạy Chúa, dầu có phải
vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng." Chúa Giêsu nói với
ông: "Này anh Phêrô, Thầy bảo cho anh biết, hôm nay gà chưa kịp gáy, thì
đã ba lần anh chối là không biết Thầy." Chỉ có Thiên Chúa biết chắc chắn
những gì sẽ xảy ra cho con người, con người không biết chắc chắn những gì sẽ xảy
ra cho mình. Vì thế, phải tin những gì Thiên Chúa nói hơn những gì loài người
hay chính mình xác tín.
(5)
Chúa Giêsu lên núi Cây Dầu để cầu nguyện: Rồi Người đi ra núi Olive như đã
quen. Các môn đệ cũng theo Người. Đến nơi, Người bảo các ông: "Anh em hãy
cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ." Rồi Người đi xa các ông một quãng, chừng
bằng ném một hòn đá, và quỳ gối cầu nguyện rằng: "Lạy Cha, nếu Cha muốn,
xin cất chén này xa con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha."
Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Người lâm cơn xao xuyến
bồi hồi, nên càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống
đất. Cầu nguyện xong, Người đứng lên, đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ
vì buồn phiền, Người liền nói với các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu
nguyện, kẻo sa chước cám dỗ."
Trong
giờ hấp hối trước Cuộc Thương Khó sắp tới, Chúa Giêsu muốn có sự liên hệ mật
thiết với Cha Ngài. Người nói: "Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin cất chén này xa
con. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà làm theo ý Cha." Chúa Giêsu,
trong thân xác con người, sợ hãi những gì sắp xảy ra cho Ngài; nên Ngài cầu xin
Cha cất chén đắng, vì Ngài tin Thiên Chúa có thể làm mọi sự. Dẫu vậy, Ngài vẫn
một lòng tuân phục thánh ý của Thiên Chúa hơn ý riêng mình. Trong những lúc tăm
tối của cuộc đời, con người cũng sẽ cảm thấy như Chúa Giêsu: Thiên Chúa dường
như cũng vắng mặt. Trong những lúc như thế, con người càng cần sống niềm tin
vào Thiên Chúa hơn lúc nào hết, và cầu nguyện xin sức mạnh từ Thiên Chúa để có
thể chịu đựng đau khổ.
Rồi
Người trở lại với các Tông-đồ, thấy các ông còn đang ngủ, Người liền nói với
các ông: "Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ."
Chúa nhắc nhở các ông một điều vô cùng cần thiết trong cuộc đời, dù các ông
không nghe thấy: Phải canh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ; vì tinh thần
thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối. Con người dễ sa ngã nhất khi con người
không chuẩn bị; vì vậy, con người phải luôn biết chuẩn bị sẵn sàng.
3.2/ Cuộc
Thương Khó bắt đầu: Người
còn đang nói với các Tông-đồ, thì một đám đông xuất hiện, và kẻ dẫn đầu tên là
Judah, một người trong Nhóm Mười Hai. Hắn lại gần Đức Giêsu để hôn Người. Đức
Giêsu bảo hắn: " Judah ơi, anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?" Thấy
việc sắp xảy ra, những kẻ đứng chung quanh Người liền hỏi: "Lạy Chúa,
chúng con tuốt gươm chém được không?" Thế rồi một người trong nhóm chém
tên đầy tớ của thượng tế, làm nó đứt tai bên phải. Nhưng Đức Giêsu lên tiếng:
"Thôi, ngừng lại." Và Người sờ vào tai tên đầy tớ mà chữa lành. Sau
đó Đức Giêsu nói với các thượng tế, lãnh binh Đền Thờ và kỳ mục đến bắt Người:
"Tôi là một tên cướp sao mà các ông đem gươm giáo gậy gộc đến? Ngày ngày,
tôi ở giữa các ông trong Đền Thờ, mà các ông không tra tay bắt. Nhưng đây là giờ
của các ông, là thời của quyền lực tối tăm."
(1) Sự
phản bội của Judah: Hắn biết rõ nơi Chúa Giêsu thường đến để cầu nguyện; và để
phân biệt Chúa Giêsu với các môn đệ khác, hắn cho họ một dấu hiệu và dặn:
"Tôi hôn ai thì chính là người đó. Các anh bắt lấy và điệu đi cho cẩn thận."
Judah tiến lại gần Người và nói: "Thưa Thầy!" rồi hôn Người. Họ liền
tra tay bắt Người. Cái hôn thường được con người dùng để tỏ tình yêu với nhau;
người Do-thái có thói quen hôn thầy của họ. Đàng này, Judah lại dùng cái hôn để
phản bội Thầy mình. Có lẽ Judah nghĩ ông có thể qua mặt Chúa Giêsu. Trong trình
thuật của Luke, Chúa Giêsu vạch cho Judah thấy rõ ràng sự phản bội, khi Ngài
nói: “Judah! Anh lấy chiếc hôn để nộp con người sao?” (Lk 22:48).
Người
rút gươm chém đứt tai tên đầy tớ của thượng tế là chính Phêrô, như được nói rõ
ràng trong trình thuật của Gioan (Jn 18:10). Phản ứng này rất hợp với tính khí
của Phêrô. Ông là người duy nhất có can đảm để bảo vệ Thầy mình.
(2)
Cuộc thẩm vấn sơ khởi tại dinh Thượng Tế: Họ bắt Đức Giêsu, điệu Người đến nhà
vị thượng tế. Còn ông Phêrô thì theo xa xa.
+
Phêrô phản bội Chúa Giêsu: Phêrô cũng trải qua cuộc thanh luyện đồng thời với
Chúa Giêsu: Hai cuộc tra vấn xảy ra đồng thời: khi Chúa Giêsu bị thẩm vấn cách
công khai trong dinh, ông Phêrô bị thẩm vấn cách âm thầm ngòai dinh.
- Chối
lần thứ nhất: Thấy ông ngồi bên ánh lửa, một người tớ gái nhìn ông chòng chọc
và nói: "Cả bác này cũng đã ở với ông ấy đấy!" Ông liền chối:
"Tôi có biết ông ấy đâu, chị!" Rồi ông bỏ đi ra phía tiền sảnh. Đàn
bà lắm chuyện, tuy vậy, cũng làm cho Phêrô phải sợ hãi bỏ đi.
- Chối
lần thứ hai: Một lát sau, có người khác thấy ông, liền nói: "Cả bác nữa,
bác cũng thuộc bọn chúng!" Nhưng ông Phêrô đáp lại: "Này anh, không
phải đâu
- Chối
lần thứ ba: Chừng một giờ sau, có người khác lại quả quyết: "Đúng là bác
này cũng đã ở với ông ấy, vì bác ta cũng là người Galilee." Nhưng ông
Phêrô trả lời: "Này anh, tôi không biết anh nói gì!" Ngay lúc ông còn
đang nói, thì gà gáy. Chúa quay lại nhìn ông, ông sực nhớ lời Chúa đã bảo ông:
"Hôm nay, gà chưa kịp gáy, thì anh đã chối Thầy ba lần." Và ông ra
ngoài, khóc lóc thảm thiết.
Dẫu
Phêrô chối Chúa ba lần, ông vẫn can đảm hơn các tông đồ khác, vì các ông không
dám theo Chúa Giêsu vào dinh. Khác với Judah, ông nhận ra sự phản bội của mình,
và tiếng khóc trong lòng của ông giúp ông bắt đầu tiến trình giao hòa và làm chứng
cho Chúa Giêsu.
+
Chúa Giêsu bị tra tấn: Cuộc thẩm vấn sơ khởi trước Thượng Hội Đồng: Họ điệu
Chúa Giêsu đến vị Thượng Tế Tối Cao. Thượng Hội Đồng được coi như tòa án tối
cao của người Do-thái, gồm có tất cả 71 người: các thượng tế, kỳ mục, và các
kinh sư. Họ chỉ có quyền trên các vấn đề liên quan đến tôn giáo của người
Do-thái mà thôi; và họ không có quyền giết người. Thượng Hội Đồng phải họp tại
“Tòa Hewn Stone trong khu vực của Đền Thờ.” Họ đã phá rất nhiều luật không được
làm như: xử trong ngày Lễ Lớn, xét xử không đúng chỗ, các nhân chứng không được
điều tra tại các nơi khác nhau và bằng chứng phải được đúng từng chi tiết, mỗi
thành phần của Thượng Hội Đồng không cho sự cáo buộc riêng rẽ, bắt đầu từ người
trẻ nhất. Nếu là bản án xử tử, thời gian một đêm cần thiết trước khi bản án được
thi hành. Mục đích là để mọi thành phần của THĐ có cơ hội suy nghĩ cẩn thận, nếu
cần được khoan hồng. Nói tóm, vì họ muốn loại trừ Chúa Giêsu ngay.
Câu hỏi
của THĐ: "Ông có phải là Đấng Mesiah thì nói cho chúng tôi biết!" vi
phạm Luật trầm trọng, vì Luật không cho phép THĐ hỏi người bị cáo những câu hỏi
mà người bị cáo khi trả lời có thể liên quan chính mình trong đó. Họ biết Chúa
Giêsu sẽ trả lời khi hỏi đến sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và Thiên Chúa, vì Ngài
không thể nói dối. Chúa Giêsu không chút do dự trả lời Ngài chính là Đấng Thiên
Sai, một đàng đó là sự thật, một đàng Ngài nghĩ cần chấm dứt trò bẩn thỉu của
THĐ. Qua câu trả lời, Ngài muốn cho họ thấy Ngài có dư can đảm để nói sự thật,
dẫu sự thật mang lại cho Ngài án tử hình. Nếu Ngài không trả lời điều đó, họ
không có lý do để buộc tội Ngài. Điều khác Ngài muốn cho họ thấy, tất cả những
gì họ sẽ làm cho Ngài chỉ tạm thời. Họ sẽ nhìn thấy chiến thắng vinh quang của
Ngài sau Cuộc Thương Khó.
(3)
Chúa Giêsu tại dinh quan Tổng-trấn Philatô: Toàn thể cử toạ đứng lên, điệu Đức
Giêsu đến ông Philatô. Trong trình thuật của Luke, người kết án Chúa Giêsu là
những người trong THĐ và dân chúng, chứ không phải là Philatô hay vua Herode;
vì Philatô đã tìm ít nhất là ba lần để tha án tử hình cho Chúa Giêsu. THĐ chỉ
có quyền trên những vấn đề thuộc tôn giáo và không có quyền ra án tử hình cho bị
cáo. Vì thế, sau khi đã tìm được lý do để buộc tội Chúa Giêsu phạm thượng, họ
phải tìm một lý do chính trị khác để kiếm án tử hình cho Chúa Giêsu; vì họ biết
rằng Philatô sẽ không quan tâm đến những bất đồng ý kiến về tôn giáo, như trình
thuật của Luca ghi lại. Họ tìm được một lý do chính trị để Philatô có thể kết
án Chúa: Chúa Giêsu xưng mình là Vua dân Do-thái. Khi xưng mình là Vua dân
Do-thái là chống lại quyền lực của đế quốc Roma và hoàng đế Caesar.
+ Lần
thứ nhất: Họ tố cáo Người: "Chúng tôi đã phát giác ra tên này sách động
dân tộc chúng tôi, và ngăn cản dân chúng nộp thuế cho hoàng đế Caesar, lại còn
xưng mình là Mesiah, là Vua nữa." Hai tội xúc động dân chúng phản loạn chống
lại hoàng đế Caesar và xưng mình là vua là tội chính trị và có thể lãnh án tử
hình; nhưng Philatô biết Chúa Giêsu không vi phạm hai tội đó. Chỉ có một tội
Philatô biết khi ông hỏi Người: "Ông là Vua dân Do-thái sao?" Người
trả lời: "Chính ngài nói đó." Làm vua dân Do-thái không có nghĩa
chính trị; nhưng chỉ có nghĩa tôn giáo. Điều này không đủ để kết án Chúa Giêsu.
Vì thế, ông Philatô nói với các thượng tế và đám đông: "Ta xét thấy người
này không có tội gì." Nhưng họ cứ khăng khăng nói: "Hắn đã xúi dân nổi
loạn, đi giảng dạy khắp vùng Judah, bắt đầu từ Galilee cho đến đây."
+ Lần
thứ hai: Nghe họ nói thế, ông Philatô liền hỏi xem đương sự có phải là người
Galilee không. Và khi biết Người thuộc thẩm quyền vua Herode, ông liền cho áp
giải Người đến với nhà vua lúc ấy cũng đang có mặt tại Jerusalem. Vua Herode thấy
Đức Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe
nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua
hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả. Các thượng tế và kinh sư
đứng đó, tố cáo Người dữ dội. Vua Herode cũng như thị vệ đều khinh dể Người ra
mặt nên khoác cho Người một chiếc áo rực rỡ mà chế giễu, rồi cho giải Người lại
cho ông Philatô. Ngày hôm ấy, vua Herode và tổng trấn Philatô bắt đầu thân thiện
với nhau, chứ trước kia hai bên vẫn hiềm thù.
Bấy
giờ ông Philatô triệu tập các thượng tế, thủ lãnh và dân chúng lại mà nói:
"Các ngươi nộp người này cho ta, vì cho là tay kích động dân, nhưng ta đã
hỏi cung ngay trước mặt các ngươi, mà không thấy người này có tội gì, như các
ngươi tố cáo. Cả vua Herode cũng vậy, bởi lẽ nhà vua đã cho giải ông ấy lại cho
chúng ta. Và các ngươi thấy đó, ông ấy chẳng can tội gì đáng chết cả. Vậy ta sẽ
cho đánh đòn rồi thả ra." Họ từ chối việc đánh đòn và phóng thích.
+ Lần
thứ ba: Vào mỗi dịp lễ lớn, ông Philatô phải phóng thích cho họ một người tù;
nhưng tất cả mọi người đều la ó: "Giết nó đi, thả Barabba cho chúng
tôi!" Tên này đã bị tống ngục vì một vụ bạo động đã xảy ra trong thành, và
vì tội giết người. Ông Philatô muốn thả Đức Giêsu, nên lại lên tiếng một lần nữa.
Nhưng họ cứ một mực la lớn: "Đóng đinh! Đóng đinh nó vào thập giá!" Lần
thứ ba, ông Philatô nói với họ: "Nhưng ông ấy đã làm điều gì gian ác? Ta
xét thấy ông ấy không có tội gì đáng chết. Vậy ta sẽ cho đánh đòn rồi thả
ra." Nhưng họ cứ la to hơn, nhất định đòi phải đóng đinh Người. Và tiếng
la càng thêm dữ dội.
Sau
khi đã tìm mọi cách để tha Chúa mà không được, Philatô quyết định chấp thuận điều
họ yêu cầu. Ông phóng thích người tù họ xin tha, tức là tên bị tống ngục vì tội
bạo động và giết người. Còn Đức Giêsu thì ông trao nộp theo ý họ muốn.
(4)
Ông Simeon vác đỡ Thập Giá: Khi điệu Đức Giêsu đi, họ bắt một người từ miền quê
lên, tên là Simeon, gốc Cyrene, đặt thập giá lên vai cho ông vác theo sau Đức
Giêsu.
-
Chúng bắt ông Simon Cyrene vác đỡ Thánh Giá Chúa: “Lúc ấy, có một người từ miền
quê lên, đi ngang qua đó, tên là Simon, gốc Cyrênê. Ông là thân phụ hai ông
Alexandre và Ruphô. Chúng bắt ông vác thập giá đỡ Đức Giêsu. Chúng đưa Người
lên một nơi gọi là Golgotha, nghĩa là Đồi Sọ. Chúng trao rượu pha mộc dược cho
Người, nhưng Người không uống.”
(5) Chúa
Giêsu yên ủi dân thành Jerusalem: Dân chúng đi theo Người đông lắm, trong số đó
có nhiều phụ nữ vừa đấm ngực vừa than khóc Người. Đức Giêsu quay lại phía các
bà mà nói: "Hỡi chị em thành Jerusalem, đừng khóc thương tôi làm gì. Có
khóc thì khóc cho phận mình và cho con cháu. Vì này đây sẽ tới những ngày người
ta phải nói: "Phúc thay đàn bà hiếm hoi, người không sinh không đẻ, kẻ
không cho bú mớm!" Bấy giờ người ta sẽ bắt đầu nói với núi non: Đổ xuống
chúng tôi đi! và với gò nổng: Phủ lấp chúng tôi đi! Vì cây xanh tươi mà người
ta còn đối xử như thế, thì cây khô héo sẽ ra sao?"
(6)
Hai tên trộm cùng chịu đóng đinh với Chúa Giêsu: Trình thuật của Lucas đặc biệt
có biến cố hai tên gian phi cũng bị điệu đi hành quyết cùng với Người: Khi đến
nơi gọi là "Đồi Sọ," họ đóng đinh Người vào thập giá, cùng lúc với
hai tên gian phi, một tên bên phải, một tên bên trái. Bấy giờ Đức Giê-su cầu
nguyện rằng: "Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm."
Rồi họ lấy áo của Người chia ra mà bắt thăm.
Dân
chúng đứng nhìn, còn các thủ lãnh thì buông lời cười nhạo: "Hắn đã cứu người
khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa, là người
được tuyển chọn!" Lính tráng cũng chế giễu Người. Chúng lại gần, đưa giấm
cho Người uống và nói: "Nếu ông là vua dân Do-thái thì cứu lấy mình
đi!" Phía trên đầu Người, có bản án viết: "Đây là vua người
Do-thái."
Một
trong hai tên gian phi bị treo trên thập giá cũng nhục mạ Người: "Ông
không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu mình đi, và cứu cả chúng tôi với!"
Nhưng tên kia mắng nó: "Mày đang chịu chung một hình phạt, vậy mà cả Thiên
Chúa, mày cũng không biết sợ! 41 Chúng ta chịu như thế này
là đích đáng, vì xứng với việc đã làm. Chứ ông này đâu có làm điều gì
trái!" Rồi anh ta thưa với Đức Giêsu: "Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước
của ông, xin nhớ đến tôi!" Và Người nói với anh ta: "Tôi bảo thật
anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng."
-
Quân dữ nhục mạ và thách thức Chúa Giêsu: “Chúng đóng đinh Người vào thập giá,
rồi đem áo Người ra bắt thăm mà chia nhau, xem ai được cái gì. Lúc chúng đóng
đinh Người là giờ thứ ba. Bản án xử tội Người viết rằng: "Vua người
Do-thái." Bên cạnh Người, chúng còn đóng đinh hai tên cướp, một đứa bên phải,
một đứa bên trái. (Thế là ứng nghiệm lời Kinh Thánh: Người bị liệt vào hạng những
tên phạm pháp).” Kẻ qua người lại đều nhục mạ Người, vừa lắc đầu vừa nói:
"Ê, mi là kẻ phá Đền Thờ, và nội trong ba ngày xây lại được, có giỏi thì
xuống khỏi thập giá mà cứu mình đi!" Các thượng tế và kinh sư cũng chế giễu
Người như vậy, họ nói với nhau: "Hắn cứu được thiên hạ, mà chẳng cứu nổi
mình. Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi, để chúng ta
thấy và tin." Cả những tên cùng chịu đóng đinh với Người cũng nhục mạ Người.”
Trong
cám dỗ thứ ba theo Tin Mừng Matthew, quỉ thần thách thức Chúa Giêsu gieo mình
xuống vực thẳm để các thiên sứ đỡ nâng Ngài khỏi vướng vào vách đá. Đối lại,
Chúa Giêsu nói: “Ngươi đừng thử thách Thiên Chúa là Chúa ngươi!” Cám dỗ của quỉ
thần giờ được đặt trong miệng lưỡi những người đứng dưới chân Thập Giá. Chúa
Giêsu có uy quyền xuống khỏi Thập Giá; nhưng trong cả hai trường hợp, Ngài
không muốn trái ý Thiên Chúa để làm thoả mãn thách thức của quỉ thần và con người.
(7)
Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Giá: Bấy giờ đã gần tới giờ thứ sáu, thế mà bóng
tối bao phủ khắp mặt đất, mãi đến giờ thứ chín. Mặt trời ngưng chiếu sáng. Bức
màn trướng trong Đền Thờ bị xé ngay chính giữa. Đức Giêsu kêu lớn tiếng: Lạy
Cha, con xin phó thác hồn con trong tay Cha. Nói xong, Người tắt thở.
+ Thấy
sự việc xảy ra như thế, viên đại đội trưởng cất tiếng tôn vinh Thiên Chúa rằng:
"Người này đích thực là người công chính!" Toàn thể dân chúng đã kéo
đến xem cảnh tượng ấy, khi thấy sự việc đã xảy ra, đều đấm ngực trở về.
+ Đứng
đàng xa, có tất cả những người quen biết Đức Giêsu cũng như những phụ nữ đã
theo Người từ Galilee; các bà đã chứng kiến những việc ấy.
-
Chúa Giêsu hấp hối trên Thập Giá: “Vào giờ thứ sáu, bóng tối bao phủ khắp mặt đất
mãi đến giờ thứ chín. Vào giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng: "Eloi,
Eloi, lama sabacthani!" Nghĩa là: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của
con, sao Ngài bỏ rơi con?" Nghe vậy, một vài người đứng đó liền nói:
"Kìa hắn kêu cứu ông Elijah." Rồi có kẻ chạy đi lấy một miếng bọt biển,
thấm đầy giấm, cắm vào một cây sậy, đưa lên cho Người uống mà nói: "Để xem
ông Elijah có đến đem hắn xuống không."”
-
Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng: “Đức Giê-su lại kêu lên một tiếng lớn, rồi tắt
thở.
Bức
màn trướng trong Đền Thờ bỗng xé ra làm hai từ trên xuống dưới.”
-
Viên đại đội trưởng tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa: Viên đại đội trưởng
đứng đối diện với Đức Giêsu, thấy Người tắt thở như vậy liền nói: "Quả thật,
người này là Con Thiên Chúa." Lời tuyên bố này là cao điểm của Tin Mừng Nhất
Lãm; nhưng trớ trêu thay, người nhận ra sự thực lại là một viên sĩ quan Dân Ngoại.
(8)
Táng xác Chúa Giêsu trong hang đá: Khi ấy có một người tên là Joseph, thành
viên của Thượng Hội Đồng, một người lương thiện, công chính. Ông đã không tán
thành quyết định và hành động của Thượng Hội Đồng. Ông là người thành
Arithmatha, một thành của người Do-thái, và cũng là người vẫn mong chờ Nước
Thiên Chúa. Ông đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức Giêsu. Ông hạ xác
Người xuống, lấy tấm vải gai mà liệm, rồi đặt Người vào ngôi mộ đục sẵn trong
núi đá, nơi chưa chôn cất ai bao giờ. Hôm ấy là áp lễ, và ngày Sabbath bắt đầu
ló rạng. Cùng đi với ông Joseph, có những người phụ nữ đã theo Đức Giêsu từ
Galilee. Các bà để ý nhìn ngôi mộ và xem xác Người được đặt như thế nào. Rồi
các bà về nhà, chuẩn bị dầu và thuốc thơm. Nhưng ngày Sabbath, các bà nghỉ lễ
như Luật truyền.
- Ông
Joseph Arimathea xin thi hài Chúa Giêsu: “Chiều đến, vì hôm ấy là ngày áp lễ, tức
là hôm trước ngày Sabbath, nên ông Joseph tới. Ông là người thành Arimathea,
thành viên có thế giá của Hội Đồng, và cũng là người vẫn mong đợi Triều Đại của
Thiên Chúa. Ông đã mạnh dạn đến gặp tổng trấn Philatô để xin thi hài Đức
Giêsu.”
-
Quan Philatô ngạc nhiên khi nghe Chúa Giêsu đã chết: “Nghe nói Người đã chết,
ông Philatô lấy làm ngạc nhiên, và cho đòi viên đại đội trưởng đến, hỏi xem Người
đã chết lâu chưa.
Sau
khi nghe viên sĩ quan cho biết sự việc, tổng trấn đã cho ông Joseph lãnh lấy
thi hài.”
-
Táng xác Chúa Giêsu trong mồ: “Ông này mua một tấm vải gai, hạ xác Đức Giêsu xuống,
lấy tấm vải ấy liệm Người lại, đem đặt vào ngôi mộ đã đục sẵn trong núi đá, rồi
lăn tảng đá lấp cửa mộ. Còn bà Maria Magdala và bà Maria mẹ ông Joseph, thì để
ý nhìn xem chỗ họ mai táng Người.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúa Giêsu chịu đau khổ để con người được sống.
- Đau
khổ giúp con người nên hoàn thiện và giúp con người thông cảm với những người đồng
cảnh ngộ.
- Qua
Cuộc Thương Khó, chúng ta nhận ra rõ ràng tình thương Thiên Chúa và sự gian dối
ác độc của con người.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
Chủ đề :
Thập giá và Vinh quang
Chúa Giêsu vào thành
Giêrusalem
Sợi
chỉ đỏ :
Những
bài đọc hôm nay đều trực tiếp hay gián tiếp nói đến việc Chúa Giêsu chịu nạn
chịu chết trên Thập giá. Nhưng cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá không chỉ
là đau đớn tủi nhục, mà là nguồn phát sinh ơn phúc :
-
Tin Mừng (Lúc rước lá : Lc 19,28-40) : Việc Chúa Giêsu vào thành
Giêrusalem như một vị Vua Messia là dấu chỉ rằng bình an và ơn cứu độ mà Thiên
Chúa hứa sắp được thực hiện.
-
Bài đọc I (Is 50,4-7) : Người Tôi Tớ Thiên Chúa chịu đau khổ, nhưng hoàn
toàn tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ giải thoát mình.
-
Bài đọc II (Pl 2,6-11) : Chính vì Chúa Giêsu chịu hạ mình mang thân phận
loài người và hy sinh cho đến chết, nên Thiên Chúa sẽ siêu tôn Ngài lên làm
Chúa cả trời đất.
-
Bài thương khó theo Thánh Luca (Lc 22,14—23,56) : Chúa Giêsu trên Thập Giá
là một Thiên Chúa nhân từ mở rộng vòng tay đón tiếp các tội nhân.
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh
chị em thân mến
Hôm
nay bắt đầu Tuần Thánh, tuần lễ tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết
và sống lại để cứu chuộc chúng ta. Thập giá là con đường dẫn tới vinh quang.
Chúng ta hãy cùng đi theo Ngài trên con đường thập giá, chết cho con người cũ
để sống lại thành con người mới.
II. Gợi ý sám hối
(Không
có)
III. Lời Chúa
1.
Tin Mừng (Lúc rước lá : Lc 19,28-40)
Trong
đoạn này, Luca gói ghém 3 ý tưởng chính :
1.
Chúa Giêsu đích thân thu xếp cuộc vào thành Giêrusalem, Ngài căn dặn các môn đệ
từng chi tiết nhỏ như đi vào làng, tìm gặp một con lừa đã cột sẵn ở một chỗ,
cách trả lời với người chủ lừa v.v. Điều này chứng tỏ Ngài coi việc vào thành
là quan trọng.
2.
Quan trọng thế nào ? Vì qua cuộc vào thành lần này, Ngài sẽ tỏ cho mọi
người biết Ngài là vua. Ý nghĩa này thể hiện qua các chi tiết đám rước long
trọng (lưng lừa và con đường được lót áo, dân chúng tung hô, lời hoan hô
"Chúc tụng Đức Vua" v.v.
3.
Thế nhưng một số người thuộc nhóm Pharisêu vẫn không công nhận vương quyền Ngài
và còn đề nghị Ngài quở trách các môn đệ đã tung hô Ngài. Nhưng Chúa Giêsu đáp
"Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên", nghĩa là dù một ố người
không công nhận Ngài là vua thì thực chất Ngài cũng vẫn là vua.
2.
Bài đọc I (Is 50,4-7)
Đây
là bài ca thứ 3 về Người Tôi Tớ của Thiên Chúa.
-
Người Tôi Tớ này không bao giờ cưỡng lại Thiên Chúa. Trái lại luôn lắng nghe
lời Ngài và làm theo ý Ngài.
-
Người Tôi Tớ này cũng không chống lại sự áp bức của người khác.
-
Người Tôi Tớ đặt trọn niềm trông cậy vào Thiên Chúa.
-
Mặc dù bản thân đang chịu đau khổ, Người Tôi Tớ lại tìm cách nâng đỡ những
người khác đang chịu đau khổ.
3.
Đáp ca (Tv 21)
Đây là
lời cầu nguyện của kẻ đang chịu đau khổ. Tuy nhiên không phải chỉ có những lời
than vãn, mà phần sau, tác giả bày tỏ niềm tin tưởng rằng Thiên Chúa sẽ giải
thoát mình.
4.
Bài đọc II (Pl 2,6-11)
Đây
là một thánh thi diễn tả những bước thăng trầm của Chúa Giêsu : Ngài đã hạ
mình xuống đến mức tột cùng, nên Thiên Chúa đã nâng Ngài lên địa vị cao sang
nhất.
5.
Bài thương khó theo Thánh Luca (Lc 22,14—23,56)
Mỗi
quyển Tin Mừng nhìn ra một nét riêng biệt nơi Chúa Giêsu chịu nạn chịu chết.
Raymond E. Brown đã tóm tắt rất súc tích như sau :
.
Chúa Giêsu chịu nạn trong Tin Mừng Matthêu và Marcô là một Thiên Chúa "gục
đầu" vì đau khổ và bị bỏ rơi.
.
Chúa Giêsu chịu nạn trong Tin Mừng Gioan là một "Vị Vua đang ngự trên
ngai".
.
Chúa Giêsu chịu nạn trong Tin Mừng Luca là một Thiên Chúa nhân từ đang "mở
rộng vòng tay" đón tiếp các tội nhân.
Như
thế, nhân từ là nét nổi bật nhất về Chúa Giêsu trong bài tường thuật của
Luca : Ngài đã chữa lành tai người đầy tớ của Vị Thượng Tế, Ngài đưa mắt
nhìn Phêrô ngay sau khi ông này chối Ngài nhờ đó làm cho ông sám hối, Ngài dừng
lại an ủi những phụ nữ khóc thương Ngài, Ngài hứa ban thiên đàng cho người trộm
lành v.v.
IV. Gợi ý giảng
1.
Vinh quang của Chúa Giêsu
Cuộc
rước Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem đã biểu dương vinh quang của Ngài. Nhưng
vinh quang hôm nay chỉ thoáng qua và chóng lụi tàn vì vài ngày sau thì Ngài bị
giết chết nhục nhã trên thập giá. Vinh quang thực sự của Chúa Giêsu chỉ biểu lộ
trọn vẹn khi Ngài sống lại và tiến vào Giêrusalem trên trời.
Hôm
nay chúng ta cầm lá đi kiệu và biểu dương vinh quang của Chúa Giêsu. Tuy nhiên
chúng ta hãy nhớ rằng chúng ta chỉ thực sự biểu dương vinh quang Chúa Giêsu khi
để cho Ngài thực sự làm vua ngự trị trong lòng mình, bằng cách tuân giữ những
giới răn của Ngài và sống theo tinh thần của Ngài.
Tinh
thần của Chúa Giêsu chính là tinh thần của Người Tôi Tớ được diễn tả trong các
bài đọc hôm nay : sẵn sàng tự hạ, chấp nhận hy sinh để bước theo Ngài và
cùng chết với Ngài để được cùng sống lại với Ngài.
2.
Làm chứng cho Đức Kitô giữa nơi công cộng
Hôm
Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem, các môn đệ đã công khai bày tỏ lòng tin tưởng
và trung thành với Ngài. Điều đáng khen là các ông đã làm điều ấy trước mặt
những người biệt phái đang quyết liệt chống đối Chúa Giêsu. Khi những người
biệt phái nói với Chúa Giêsu hãy bảo môn đệ im đi, thì Ngài trả lời :
"Họ mà làm thinh thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên". Nhiều khi cũng cần có
những sự ủng hộ công khai. Bởi thế thông thường Chúa Giêsu rất âm thầm nhưng
hôm nay Ngài tán thành việc làm của các môn đệ.
Tuy
nhiên trong thái độ của các môn đệ cũng có điều đáng nghi ngờ. Không phải nghi
ngờ về lòng trung thành của các ông, mà nghi ngờ vì đó là một phản ứng theo đám
đông. Phản ứng theo đám đông thì thường là ồn ào, nhưng không sâu sắc.
Chúng
ta dễ làm chứng cho Chúa Giêsu trong Nhà thờ, vì nơi đây chúng ta đang ở giữa
những người cùng quan điểm với mình. Nhưng không dễ chút nào khi phải làm chứng
cho Ngài giữa một môi trường rất khác với mình và có khi còn thù nghịch với
mình nữa. Dù vậy nhiều khi chúng ta cần phải can đảm làm chứng trong hoàn cảnh
khó khăn như thế.
Thực
ra, sỏi đá không thể kêu lên. Chỉ con người mới kêu lên được. Có nhiều trường
hợp chúng ta được im lặng mà phải nói lên : nói lên để bênh vực một người
đang bị đối xử bất công, nói lên để khích lệ một người đang âm thầm đóng góp
cho việc chung, nói lên sự thật để đầy lùi những lời dối trá…
Chúng
ta đang làm chứng cho Chúa trong Nhà thờ. Nhưng đừng quên làm chứng cho Ngài ở
giữa chợ đời. Chúa Giêsu đã từng tuyên bố : "Ai tuyên xưng Ta trước
mặt người khác thì Ta sẽ tuyên xưng người ấy trước mặt Cha Ta trên trời".
(FM)
3.
Con đường vinh quang
Trong
bài đọc II, Thánh Phaolô đã ngầm so sánh Chúa Giêsu với Ađam.
Ađam
đã đi tìm vinh quang bằng cách muốn được "ngang hàng với Thiên Chúa".
Nhiều người chúng ta cũng tìm vinh quang bằng cách khẳng định chính mình. Đây
là con đường chắc chắn sẽ dẫn đến thất bại.
Còn
Chúa Giêsu thì chỉ biết làm theo ý Thiên Chúa nên sẵn sàng tự hạ mình xuống đến
nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên Thập giá. Nhưng đây là con đường đưa đến
vinh quang thật. Chính nhờ thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Ngài và tặng ban danh
hiệu trổi vượt mọi danh hiệu… khiến mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng Chúa
Giêsu Kitô là Chúa".
Ai
nâng mình lên sẽ bị hạ xuống ; còn ai hạ mình xuống sẽ được nâng lên.
4.
Yêu cho đến cùng
Tại
nhà thờ chính toà Nuzburg trong miền Baviere, Tây Đức, có một tượng thánh giá
nổi tiếng được chạm trỗ vào khoảng thế kỷ thứ 14. Hai cánh tay đã rút khỏi lỗ
đinh và vòng ra phía trước như ôm một con người.
Tương
truyền rằng có một tội nhân hết lòng sám hối ăn năn, xin Chúa thứ tha tội lỗi.
Nhưng vì tội ông quá lớn, quá nhiều nên ông vẫn còn nghi ngờ lòng thương xót
của Người. Chúa liền đưa tay ra ôm chầm lấy ông trong vòng tay âu yếm để bày tỏ
lòng Chúa khoan dung hải hà.
*
Trong
suốt cuộc đời công khai rao giảng, rất nhiều lần, Chúa Giêsu đã bày tỏ tấm lòng
yêu thương con người : Người đã thực hiện các phép lạ, chữa lành bệnh tật,
xua trừ ma quỉ, dạy dỗ dân chúng, âu yếm trẻ thơ, và tha thứ cho tội nhân. Hôm
nay, Người quyết định bước vào đoạn cuối của tình yêu, đỉnh cao của dâng hiến.
Người quyết định yêu cho đến cùng, bằng cuộc khổ nạn và cái chết đau thương của
Người.
Nhưng
trước hết, Người phải chịu một cơn cám dỗ cuối cùng. Cơn cám dỗ mà Luca đã báo
trước :"Quỉ rút lui để chờ dịp khác" (4,13). Dịp ấy,
hôm nay đã đến. Satan nhập vào Giuđa, để người môn đệ bất trung, tham của này
đùng cái hôn nộp thầy. Satan sàng Phêrô và các môn đệ như sàng gạo để Phêrô thì
chối thầy, còn các ông khác thì bỏ trốn. Vườn Ghếtsêmani quả thật là nơi giao
tranh giữa Chúa Giêsu và quyền lực tối tăm, giữa sự thiện và cái ác. Người dùng
phương thế hữu hiệu là cầu nguyện để thắng cám dỗ. Nhưng dường như trong cuộc
chiến nội tâm của Người rất căng thẳng, nên Người đã xin Chúa Cha tha cho Người
khỏi uống chén này. Người lên cơn xao xuyến bồi hồi đến nỗi mồ hôi như những
giọt máu rơi xuống đất.
Thế
nhưng, Người vẫn nhân từ thực hiện nghĩa cử yêu thương cuối cùng, trước khi
hoàn toàn dâng hiến trên thập giá : Người hiền hoà ra đón Giuđa, và dịu
dàng nhắc nhở ông về tình nghĩa thầy trò. Người chữa lành tên đầy tớ bị Phêrô
chém đứt tai. Người quay nhìn Phêrô với ánh mắt tha thứ khi ông chối Thầy.
Người an ủi những phụ nữ thương khóc người. Người xin Chúa Cha tha thứ cho
những kẻ đóng đinh Người. Người ban thiên đàng cho tên trộm biết sám hối.
Cuối
cùng, Người đã hoàn toàn dâng hiến trên thập giá để cứu chuộc tất cả muôn
người. Sinh thời Người đã nói : "Không có tình yêu nào cao
quí bằng người hy sinh mạng sống vì bạn hữu" (Ga 15,13). Vậy,
Người đã yêu thương con người cho đến giọt máu cuối cùng. Thánh Gioan
viết :"Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian,
và Người yêu thương họ đến cùng" (Ga 13,1b).
*
Lạy
Chúa Giêsu, chính vì vâng theo thánh ý Cha và cũng vì yêu chúng con mà Chúa đã
sẵn lòng vác thánh giá, vui chịu mọi khổ đau nhục hình. Xin cho chúng con từ
nay cũng biết yêu Chúa hơn yêu bạn thân, và yêu Chúa chỉ vì Chúa chứ không mong
phần thưởng nào khác.
Xin
cho chúng con nhận ra thánh giá của Chúa trong mọi đau khổ của cuộc đời chúng
con, và vững bước theo Chúa trên đường thánh giá, miễn là chúng con đang chu
toàn thánh ý Chúa. Amen. (TP)
5.
Chiến thắng của Tình yêu
Mỗi
năm đến ngày Chúa nhật Lễ Lá là chúng ta lại được nghe Bài Thương khó của Chúa
Giêsu. Chúng ta nhớ lại sự hèn nhát của những môn đệ Ngài : họ đã bỏ Ngài
ngay giữa lúc Ngài cần họ ở bên cạnh nhất ; chúng ta nhớ lại lòng dạ xấu
xa của những nhà lãnh đạo do thái : họ đã tìm cách để giết Ngài ;
chúng ta cũng nhớ lại sự hung dữ của những người lính : họ đã hành hạ Ngài
rất tàn nhẫn. Chúng ta phải nhớ những điều ấy, bởi vì chúng có liên hệ với
chúng ta.
Tuy
nhiên, đó không phải là mục đích chính của những bài tường thuật việc Chúa
Giêsu chịu nạn chịu chết. Điểm nhấn mạnh của những tường thuật này không phải
là ở chỗ đó, mà là ở tấm lòng của Chúa Giêsu, nhân vật chính của các bài tường
thuật ấy. Điều mà các tác giả Tin Mừng muốn chúng ta nhớ nhiều nhất, đó là lòng
trung thành, lòng can đảm và lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Trên nền trời u ám
của đồi Canvê, lòng nhân từ của Chúa Giêsu càng chiếu tỏa sáng ngời.
Nhìn
bề ngoài thì xem ra Chúa Giêsu đã thất bại. Nhưng thực ra, đó là một chiến
thắng, chiến thắng của sự Thiện trên sự dữ, của Tình yêu trên hận thù, của ánh
sáng trên bóng tối, của sự sống trên sự chết. Trong lòng Ngài lúc đó, chẳng có
tình cảm nào khác ngoài Tình yêu. Nếu không có Tình yêu thì tất cả những khổ
đau Ngài chịu đều vô ích. Không phải những đau khổ của Chúa Giêsu mang lại ơn
cứu độ, mà chính Tình yêu của Ngài. Ai nói rằng mình thích chịu đau khổ thì đó
là người khùng, bởi vì ai cũng muốn tránh đau khổ, tuy nhiên vì yêu mà người ta
sẵn sàng chịu đau khổ cho người mình yêu. Chính Tình yêu làm cho đau khổ có ý
nghĩa. Hơn nữa, tình yêu còn đem lại niềm vui ngay giữa những đau khổ.
Noi
gương Chúa Giêsu, kitô hữu chúng ta hãy chấp nhận những đau khổ. Nhưng không
chỉ có thế, chúng ta hãy thánh hóa những đau khổ ấy. Tình yêu làm cho đau khổ
được thánh hóa. (FM)
6.
Những đau khổ của Chúa Giêsu và của chúng ta
Một
buổi tối, một người trên đường từ sở làm về nhà. Khi đi ngang một nhà thờ,
người ấy như bị thúc đẩy bước vào. Hình ảnh đầu tiên đập vào đôi mắt anh là
Chúa Giêsu trên thánh giá. Thoạt nhìn, anh cảm thấy ghê sợ và muốn thụt lùi.
Nhưng sau đó, anh nhận ra có một mối giây liên kết giữa người đang chịu đóng
đinh trên thánh giá với những người mẹ khóc con bị chết vì chiến tranh, với
những trẻ em sắp chết đói bên Châu Phi, với những gia đình có người thân chết
vì tai nạn, với những bệnh nhân thể xác và tâm thần… Hình như tất cả những khổ
đau của loài người đều được gom lại trên thân thể của Người đang chịu đóng đinh
trên thánh giá.
Sau
đó anh nhìn chung quanh mình và thấy cũng có một số người đang quỳ cầu nguyện
trong thinh lặng. Một bà cao tuổi bước đến bên Thánh Giá và kính cẩn hôn những
vết thương của Chúa Giêsu. Sau đó Bà rời nhà thờ, vẻ mặt thanh thản, bình an,
có vẻ như Bà đã tìm lại được sức mạnh, hy vọng và tình yêu cho cuộc sống. Từ
trước đến nay, anh không biết cầu nguyện. Nhưng hôm đó, lần đầu tiên anh đã cầu
nguyện. Và anh khám phá rằng thập giá của sự khủng khiếp đã biến thành Thánh
giá của hy vọng, thân thể bì hành hạ của Chúa Giêsu biến thành thánh thể của sự
sống mới, những vết thương mở toang của Ngài trở thành nguồn thứ tha, cứu chữa
và hòa giải… Khi bước ra khỏi nhà thờ, anh cảm thấy lòng mình rất bình an thanh
thản.
Cuộc
chịu nạn của Chúa Giêsu không phải là một màn kịch mà là một sự thật. Ngài đã
chịu rất nhiều đau khổ, trong than xác và trong tinh thần. Nhưng tất cả những
đau khổ ấy Ngài tự ý tự nguyện gánh chịu, vì yêu.
Khi
chúng ta liên kết những đau khổ của chúng ta với những đau khổ của Chúa Giêsu
trên Thánh Giá, chúng ta sẽ tìm được bình an. Chúng ta biết rằng chúng ta không
cô đơn trong đau khổ, mà có Chúa cùng chịu đau khổ với chúng ta. Ngài chính là
Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng ta. (FM)
V. Lời nguyện cho mọi
người
Chủ
tế : Anh chị em thân mến, Chúa Giêsu, Đấng cứu độ chúng ta, đã nói :
Một khi được nâng lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi. với ước
muốn được chia sẻ chén đắng với Chúa, chúng ta cùng dâng lời cầu xin :
1. Hội thánh mời gọi con cái mình cùng bước
theo Chúa Giêsu trên con đường Thương Khó / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho
mọi tín hữu / biết can đảm vác thập giá theo chân Chúa đến cùng.
2. Trên thế giới ngày nay / khuynh
hướng thích hưởng thụ và ngại hy sinh rất phổ biến / Chúng ta hiệp lời cầu
xin cho có nhiều người / dám xả thân phục vụ những người nghèo khổ bất
hạnh trong xã hội.
3. Con đường rộng rãi thênh thang là con
đường dẫn tới cái chết / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho các tín hữu /
biết cố gắng sống theo con đường hẹp của Tin mừng / để nhờ đó mà được sống
đời đời.
4. Tuần Thánh là tuần lễ quan trọng nhất
trong năm Phụng vụ / đặc biệt là Tam Nhật Vượt Qua / Chúng ta hiệp
lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / biết cố gắng sắp xếp /
để tham dự lễ nghi thật đông đảo và sốt sắng.
Chủ
tế : Lạy Chúa Giêsu, vì yêu thương mà Chúa đã tự nguyện đón nhận cái chết
trên thập giá để cho chúng con được sống dồi dào. Xin Chúa cho chúng con luôn
sống xứng đáng với tình thương cao cả ấy. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời.
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước
Kinh Lạy Cha : Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha đến nỗi hạ mình chịu
chết và chết trên Thập Giá. Kết hợp tâm tình với Chúa Giêsu, chúng ta hãy dâng
lên Thiên Chúa lời Kinh Lạy Cha mà chính Chúa Giêsu đã dạy.
VII. Giải tán
Chúng
ta đã chính thức bước vào tuần lễ thánh thiện nhất của Năm Phụng Vụ. Tuần này
chúng ta hãy cố gắng tham dự các nghi lễ Phụng vụ với tâm tình sẵn sàng chết
với Chúa để được sống lại với Ngài.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét