Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 12, 2017

23-12-2017 : THỨ BẢY - TUẦN III MÙA VỌNG

23/12/2017
Thứ Bảy tuần 3 mùa vọng


Bài Ðọc I: Ml 3, 1-4; 4, 5-6 (Hr 3, 1-4, 23-24)
"Ta sẽ sai tiên tri Êlia đến cùng các ngươi trước ngày Chúa đến".
Trích sách Tiên tri Malakhi.
Ðây là những điều Thiên Chúa phán: Này đây, Ta sai sứ thần Ta đi dọn một con đường trước mặt Ta. Và bỗng chốc, Ðấng Chủ tể các ngươi tìm kiếm, Sứ Thần Giao Ước các ngươi mong ước, Người ngự đến trong thánh điện Người. Này đây, Người ngự đến, Chúa các cơ binh phán: Ai biết được ngày nào Người đến? Ai đứng vững mà trông xem Người? Vì Người như ngọn lửa hoả lò, như lá thuốc của phường thợ giặt. Người sẽ ngồi nung nấu luyện bạc, sẽ tẩy luyện con cái Lêvi, lọc chúng nó như vàng như bạc, để chúng trở thành cho Chúa những người dâng lễ tế trong công chính. Lễ tế của Giuđa và Giêrusalem sẽ đẹp lòng Chúa, như ngày xưa, như những năm đầu.
Này đây, Ta sai Tiên tri Êlia đến cùng các ngươi, trước ngày trọng đại và kinh khủng của Ta. Người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu, và lòng con cháu trở về cùng cha ông, kẻo Ta ngự đến tiêu diệt địa cầu.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 24, 4bc-5ab. 8-9. 10 và 14
Ðáp: Hãy nhìn xem và hãy ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc các ngươi đã gần đến (Lc 21, 28).
Xướng: 1) Lạy Chúa, xin chỉ cho con đường đi của Chúa, xin dạy bảo con về lối bước của Ngài. Xin hướng dẫn con trong chân lý và dạy bảo con, vì Chúa là Thiên Chúa cứu độ con. - Ðáp.
2) Chúa nhân hậu và công minh, vì thế Ngài sẽ dạy cho tội nhân hay đường lối. Ngài hướng dẫn kẻ khiêm cung trong đức công minh, dạy bảo người khiêm cung đường lối của Ngài. - Ðáp.
3) Tất cả đường nẻo Chúa là ân sủng và trung thành, dành cho những ai giữ minh ước và điều răn Chúa. Chúa thân mật với những ai tôn sợ Chúa, và tỏ cho họ biết lời minh ước của Ngài. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy Ðức Emmanuel, là Vua và là Ðấng ban lề luật, lạy Chúa là Thiên Chúa chúng con, xin hãy đến cứu độ chúng con. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 1, 57-66
"Sinh nhật của Gioan Tẩy Giả".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi đến ngày sinh, bà Isave hạ sinh một con trai. Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà. Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria của cha nó mà đặt cho nó. Nhưng bà mẹ đáp lại rằng: "Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan".
Họ bảo bà rằng: "Không ai trong họ hàng bà có tên đó". Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì. Ông xin một tấm bảng và viết: "Tên nó là Gioan". Và mọi người đều bỡ ngỡ. Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.
Mọi người lân cận đều kinh hãi. Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó. Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng: "Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Sinh Nhật Của Gioan Tẩy Giả
Vào thời quân chủ xưa, khi các vị vua muốn viếng thăm một nơi nào ngoài kinh đô, thì đầu tiên các sứ giả của triều đình được gửi đến đó để chuẩn bị nơi chỗ cho xứng đáng, đồng thời dạy dân chúng biết cách thức và nghi lễ khi đón tiếp vua. Vì có những nghi thức thật quái lạ mà bình thường con người ít khi nghĩ tới như: để tỏ lòng kính trọng khi vua đi ngang qua thì tất cả các thần dân phải sấp mình xuống đất không được nhìn lên dù chỉ là một cái liếc mắt, nếu bị gặp đều phải lãnh phạt, hình phạt có những lúc tới mức độ phải tử hình, do đó mà không thể thiếu việc các sứ giả được sai đi.
Trong bài đọc của phần Phụng Vụ hôm nay, ngôn sứ Malakia đã tiên báo về một sứ giả có nhiệm vụ dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm Ngài. Sứ giả ấy là Elia: "Này đây, Ta sai tiên tri Elia đến cùng các ngươi trước ngày trọng đại kinh khủng của Ta, người sẽ hoán cải lòng cha ông về lại với con cháu và lòng con cháu trở về cùng cha ông". Về sau Chúa Giêsu sẽ tỏ lộ cho các môn đệ Ngài biết: "Elia chính là Gioan Tẩy Giả", và trong bài Tin Mừng thánh sử Luca đã nói gì với sứ giả Gioan này?
Chẳng khác gì người Việt Nam chúng ta, người Do Thái cũng sống tình bà con láng giềng rất thắm thiết. Nghe Elizabeth sinh hạ con trai, bà con láng giềng liền đến giúp đỡ và chia sẻ niềm vui cùng với gia đình Zacharia. Ðến ngày thứ tám, lúc làm lễ cắt bì và đặt tên cho con trẻ cũng có sự hiện diện của họ. Họ muốn lấy tên Zacharia mà đặt tên cho con trẻ chứ không phải là Gioan. Gioan hay Giokhanan tiếng Do Thái có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót". Vì sự chào đời của Gioan là một biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, cách riêng cho Zacharia và Elizabeth, vì Thiên Chúa đã cất đi sự tủi nhục bấy lâu đè nặng trên người đàn bà son sẻ và cách chung cho toàn thể gia đình nhân loại. Vì hôm nay đã xuất hiện vị sứ giả để dọn đường cho vị Vua trên hết các vua đến thăm dân Ngài, một niềm vui mà đã mấy ngàn năm gia đình nhân loại ngóng chờ. Chắc chắn những người hiện diện đều biết chữ Gioan hay Giokhanan có nghĩa là "Thiên Chúa thương xót".
Tuy nhiên, họ lại không hiểu được lòng thương xót của Thiên Chúa nên đã từ chối không chịu nhận tên Gioan cho con trẻ. Họ không hiểu vì tâm trí của họ đang bị ràng buộc bởi những suy nghĩ của trần thế, quá lệ thuộc vào các tập quán cổ xưa. Vì thế, họ không còn cảm nhận được giá trị của lòng thương xót Thiên Chúa ban xuống cho con trẻ và gia đình: "Không ai trong họ hàng bà có tên này".
Con người cứ nhắm mắt đưa chân theo những vết xưa cũ ấy nên họ chẳng nhận ra được những thực tại trước mắt, không biểu lộ được ý nghĩa của công việc họ đang tham dự. Ðến chung vui vì Thiên Chúa đã xót thương, thế mà họ lại không chịu tuyên xưng lòng thương xót của Ngài.
Với Zacharia cũng thế, lý luận mang tính cách trần thế đã khiến ông không tin nhận lòng thương xót của Thiên Chúa đang được ban xuống cho gia đình ông. Vì thế mà ông đã phải lãnh nhận hình phạt là bị câm. Chỉ khi ông đã quyết định đặt tên cho con trẻ là Gioan, tức là khi ông tuyên xưng lòng thương xót của Thiên Chúa thì lúc đó ông mới được tha khỏi hình phạt, và cũng là lúc ông chúc tụng ngợi khen lòng thương xót của Thiên Chúa.
Thật thế, trong cuộc đời có lẽ không có gì làm buồn lòng con người cho bằng đi làm ơn mà chỉ được lãnh nhận thái độ lãnh đạm, thờ ơ và cũng chẳng có gì đáng trách cho bằng thái độ vô ơn. Nếu trong dân gian có những câu nói diễn tả lòng dạ ác độc như cầm thú thì về phương diện biết ơn, thú vật đôi lúc lại được xếp hạng trên con người: "Cứu vật vật trả ơn. Cứu nhân nhân trả oán".
Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng để chuẩn bị mừng kính mầu nhiệm Ngôi Hai xuống thế làm người, một mầu nhiệm diễn tả lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với gia đình nhân loại. Ước mong rằng mỗi người trong chúng ta kiểm điểm lại tâm tình biết ơn của mình. Có thể chúng ta không cố tình quên ơn nhưng trong thực tế chúng ta lại sống như những người vô ơn. Tuy nhiên, như những người láng giềng của gia đình Zacharia, thì qua cách suy nghĩ trần tục, các thành kiến hẹp hòi, các thói quen ích kỷ đã vây phủ lấy chúng ta, làm cho chúng ta bị mờ tối nên chẳng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa hằng bao bọc chúng ta cũng như tình thương của người anh em đang tặng ban cho chúng ta. Nhưng khi nhận ra lòng thương xót ấy thì chúng ta cũng như Zacharia là thốt lên lời chúc tụng và ngợi khen.
(Trích trong ‘Suy Niệm Phúc Âm Hằng Ngày’ - Radio Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Ngày 23 tháng 12 MV
Bài đọcMal 3:1-4, 23-24; Lk 1:57-66.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Gioan là sứ giả dọn đường cho Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày cuối cùng chuẩn bị cho Mùa Vọng, trước khi chúng ta vui mừng đón Chúa sinh ra trong Thánh Lễ Nửa Đêm. Phụng vụ Lời Chúa hôm nay muốn chúng ta chú trọng đến Gioan, vì ông là Sứ-giả dọn đường cho Con Thiên Chúa tới. Ông là nhân vật quan trọng vì nếu ông không chuẩn bị cho dân đón Chúa, dân sẽ không gặp được Ngài. Ông phải chỉ đường thì con người mới biết đường đi. Ông phải hướng dẫn thì con người mới không đi lạc.
Trong Bài đọc I, Tiên-tri Malachi nói trước về nhiệm vụ của sứ giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế đến. Truyền thống Do-Thái tin sứ giả này chính là Tiên-tri Elijah. Chính Chúa Giêsu cũng cho các Tông-đồ biết Gioan Tẩy Giả chính là Tiên-tri Elijah.
Trong Phúc Âm, Thánh-sử Luca tường thuật về biến cố sinh ra của Gioan Tẩy Giả và những điều ngạc nhiên chung quanh biến cố này: Cả hai cha mẹ đều muốn đặt tên con mình là Gioan, mặc dù không đàm thọai được với nhau trước; vì ông Zechariah bị Chúa phạt câm. Nhưng sau khi cho biết tên con, miệng lưỡi ông mở ra và nói được.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tiên-tri Elijah phải đến để dọn đường cho Đấng Cứu Thế.
1.1/ Sứ-giả và Đấng Cứu Thế: Sách Tiên-tri Malachi được viết sau Thời Lưu Đày, khỏang 515 BC. Cũng như nhiều các Tiên Tri khác, Tiên-Tri Malachi tin triều đại của Đấng Thiên Sai đã gần đến: “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta. Và bỗng nhiên Chúa Thượng mà các ngươi tìm kiếm, đi vào Thánh Điện của Người. Kìa, vị sứ giả của giao ước mà các ngươi đợi trông đang đến, Đức Chúa các đạo binh phán.” Theo lời tiên tri này, một Sứ-giả sẽ đến trước để dọn đường trước khi Đấng Thiên Sai tới; và khi đã dọn đường xong, Đấng Thiên Sai sẽ đến bất cứ lúc nào.
1.2/ Vai trò của Sứ-giả: Truyền thống Do-Thái tin: Ngày Đấng Thiên Sai tới sẽ là ngày kinh hòang của kẻ dữ, nhưng sẽ mang hy vọng cho những người Israel còn sót. TT Malachi nói về Ngày này như sau: “Ai chịu nổi ngày Người đến? Ai đứng được khi Người xuất hiện? Quả thật, Người như lửa của thợ luyện kim, như thuốc tẩy của thợ giặt. Người sẽ ngồi để luyện kim tẩy bạc; Người sẽ thanh tẩy con cái Lêvi và tinh luyện chúng như vàng, như bạc.”
Hai nhiệm vụ chính của Sứ-giả dọn đường cho Đấng Thiên Sai là thanh tẩy và tinh luyện tâm hồn dân chúng để họ sẵn sàng cho Ngày của Thiên Chúa. Hai chất liệu được dùng là lửa của người luyện kim và thuốc tẩy của người thợ giặt. Lửa được dùng để thử cho biết vàng nào là vàng thực và tinh luyện nó khỏi mọi vết dơ bẩn. Thuốc tẩy được dùng để tẩy sạch những vết dơ bám vào trong quần áo. Điều Sứ-giả cần thanh tẩy và tinh luyện chính là tâm hồn con người, sao cho xứng đáng để có thể đứng vững trong Ngày của Đức Chúa.
Tiên-tri Malachi lên án những lỗi lầm của hàng tư tế vì họ lười biếng và khinh thường Thiên Chúa trong việc thờ phượng. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa không nhận lễ vật của họ, Ngài sẽ chọn lễ vật trong sạch hơn (Mal 1:1-2:17). Vì thế, đối tượng chính mà tác giả nhắm tới là hàng tư tế Levi và tâm hồn của họ: “Bấy giờ, đối với Đức Chúa, chúng sẽ là những kẻ đến dâng lễ vật, theo lẽ công chính. Lễ vật của Judah và của Jerusalem sẽ làm đẹp lòng Đức Chúa như những ngày xa xưa, như những năm thuở trước.”
1.3/ Tiên-tri Elijah là Sứ-giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế: “Này Ta sai Ngôn-sứ Elijah đến với các ngươi, trước khi Ngày của Đức Chúa đến, Ngày trọng đại và kinh hoàng. Nó sẽ đưa tâm hồn cha ông trở lại với con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông, kẻo khi Ta đến, Ta sẽ đánh phạt xứ sở đã bị án tru diệt.”
Song song bổn phận của con người đối với Thiên Chúa là bổn phận của con người đối với tha nhân; nhất là những người trong gia đình. Một khi mối liên hệ chiều dọc với Thiên Chúa bị lơ là thì mối liên hệ chiều ngang với tha nhân cũng bị thiệt hại. Sứ-giả dọn đường cho Thiên Chúa cũng phải chú trọng đến sứ vụ hòa giải giữa con người với con người, trong gia đình cũng như ngòai xã hội.
2/ Phúc Âm: Sinh Nhật của Gioan Tẩy Giả
2.1/ Niềm vui khi Gioan chào đời: Có nhiều lý do để vui mừng chung quanh biến cố chào đời của Gioan Tẩy Giả: (1) Cha mẹ của Gioan vui mừng vì họ được Thiên Chúa cho có con trong lúc cao niên. (2) Niềm vui của ông bà được gấp đôi vì không những có con, mà lại có con trai để nối dõi tông đường. (3) Bên cạnh niềm vui có con, còn một niềm vui khác là ông Zechariah khỏi bệnh câm. (4) Trên hết mọi niềm vui là Gioan được tuyển chọn là Sứ-giả dọn đường cho Đấng Cứu Thế. Tất cả bà con và láng giềng biết Thiên Chúa đã quá thương ông bà, nên đến chia vui, và họ tự hỏi “tương lai của trẻ này sẽ ra sao,” vì quả thực “bàn tay của Thiên Chúa đặt trên con trẻ.”
2.2/ Sự lạ chung quanh việc đặt tên: Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và đặt tên cho em. Giống như truyền thống Việt-Nam quan niệm “tên là người,” vì thế, phải đặt tên làm sao để mỗi khi nhắc tới tên, người ta nhớ tới hòan cảnh em được sinh ra, hay ước mơ cha mẹ muốn em trở thành. Có 3 ý kiến khác nhau trong việc đặt tên cho con trẻ hôm nay:
(1) Họ hàng tính lấy tên cha là Zechariah mà đặt cho em, vì ông Zechariah không nói được. Đây là điều thông thường vì truyền thống Do-Thái có thói quen lấy tên người cha đặt cho con trẻ; nhất là những gia đình hiếm hoi.
(2) Ý của người mẹ: Bà Elizabeth phản đối: "Không, phải đặt tên cháu là Gioan (John)." Họ bảo bà: "Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả." Tên John là tên viết tắt của tiếng Do-Thái, Jeho-hannah, có nghĩa: quà tặng của Thiên Chúa. Nếu xét về hòan cảnh của bà Elizabeth, em đúng thực là quà tặng của Thiên Chúa cho gia đình Bà.
(3) Ý của người cha: Vì có xung đột ý kiến, nên họ làm hiệu hỏi ý kiến người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: "Tên cháu là Gioan." Đây là tên mà Sứ-thần Gabriel truyền cho ông phải đặt tên cho con trẻ (Lk 1:13).

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Mỗi người chúng ta đều là sứ giả dọn đường cho Chúa đến, nơi những người Thiên Chúa đã trao phó cho chúng ta trong gia đình cũng như ngòai xã hội.
- Bổn phận của chúng ta là làm gương, rao giảng, dạy dỗ, an ủi, và chỉ đường cho họ về với Chúa. Chúng ta chỉ có thể chu tòan những bổn phận này nếu chúng ta đã có Chúa. Làm sao chúng ta có thể hướng dẫn họ đến với Chúa nếu bản thân chúng ta chưa có Ngài?
- Chúng ta phải học hỏi nơi Gioan về cách sống đơn giản, tính thành thật, khiêm nhường, và cách ông chuẩn bị cho dân đến gặp Chúa.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

23/12/2017 - THỨ BẢY TUẦN 3 MV
Lc 1,57-66
ƠN GỌI TỪ THUỞ NẰM NÔI

Ông Da-ca-ri-a xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” (Lc 1,63)
Suy niệm: Thật là một cảnh tượng ấm cúng khi những người láng giềng và thân thích đến chúc mừng ông bà Da-ca-ri-a hạ sinh quý tử trong lúc tuổi già. Một chút trục trặc nhỏ khi hai ông bà nhất định không chịu đặt tên con trẻ theo truyền thống! Nhưng cũng nhờ tin và làm theo lời sứ thần mà đặt tên con là Gio-an mà ông cụ đã khỏi câm để gửi gắm cho con sứ mạng mà Chúa muốn chuyển giao qua trung gian của ông: “Con sẽ là ngôn sứ của Đấng Tối Cao” (c. 76). Những dấu lạ ấy dù ít nhiều chưa được rõ ràng, thì cũng đủ để mọi người chung quanh hiểu rằng hài nhi Gio-an đã Thiên Chúa được kêu gọi để thực thi một sứ mạng quan trọng của Ngài. Chính cộng đoàn thân thương gồm gia đình và bà con lối xóm đó là cái nôi nuôi dưỡng ơn gọi của nhà tiên tri nhỏ bé được lớn lên và thành toàn.
Mời Bạn: Giáo hội vừa tuyên phong ông bà Martin, thân sinh của thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su và các chị em đều là các nữ tu dòng kín Cát Minh. Rất nhiều linh mục tu sĩ cũng đã xác nhận ơn gọi của mình được ươm mầm từ trong mái ấm gia đình. Tất cả mọi ơn gọi, dù là ơn gọi nên thánh của mọi người, hay ơn gọi sống bậc tu trì của một số người, chỉ có thể phát triển cách sung mãn nhất khi được nuôi dưỡng ngay từ thuở nằm nôi.
Chia sẻ: Đâu là đặc điểm thiết yếu nhất của nếp sống gia đình Ki-tô hữu?
Sống Lời Chúa: Trung thành duy trì giờ cầu nguyện chung trong gia đình/cộng đoàn. Luôn nhớ làm gương sáng trong gia đình/cộng đoàn trong mọi lời nói và mọi cư xử.
Cầu nguyện: Dành ít phút cầu nguyện cho các gia đình hay đọc kinh Gia Đình.
(5 Phút Lời Chúa)


Tên cháu là Gioan (23.12.2017 – Th by)
L Giáng Sinh là l ca tr thơ, ca nim hy vng. Mi tr thơ chào đi đu là mt du hiu ca tình thương Chúa.


Suy nim:
Vào trước lễ Sinh Nhật của Đức Giêsu,
Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về sự chào đời của Gioan Tẩy giả.
Có vẻ bà Êlisabét là người vui hơn cả.
Bà đã mang nỗi hổ nhục từ bao năm nơi người đời (Lc 1, 25),
bây giờ bà mới thấy rõ lòng thương xót bao la của Chúa (c. 58).
Niềm vui của bà được tăng lên nhờ láng giềng, thân thích đến thăm.
Thiên Chúa bắt bà chờ quá lâu, đến mức bà chẳng còn hy vọng.
Rồi bất ngờ bà lại được tất cả những điều mình mong ước.
Có một đứa con trai lúc đã cao niên, điều đó kể như một phép lạ.
Khi bà khăng khăng đòi đặt tên cho đứa con là Gioan (c. 60),
nhiều người ngăn cản, vì không ai trong dòng tộc mang tên này,
vì cứ sự thường, con phải được đặt tên theo tên cha.
Nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay ông Dacaria.
Ông mới là người có quyền đặt tên cho con trai ông.
Vì ông câm và điếc, nên ông cần một cái bảng nhỏ để ghi tên con.
“Tên cháu là Gioan” (c. 63).
Tên này trùng với tên vợ ông đề nghị.
Chính lúc Dacaria vâng lời sứ thần đặt tên cho con ông là Gioan,
thì lập tức miệng ông được mở ra và lưỡi ông được tháo cởi (c. 64).
Giờ đây ông có thể chúc tụng Thiên Chúa sau hơn chín tháng bị câm.
Những người thân thích, xóm giềng đi từ ngỡ ngàng đến kinh sợ.
Quả thực có nhiều điều lạ lùng vây quanh sự chào đời của cậu bé.
Người ta đồn thổi tin này khắp miền núi Giuđê.
“Đứa trẻ này rồi sẽ ra sao?” (c. 66).
Làm sao biết tương lai của đứa trẻ mới được tám ngày tuổi.
Nhưng qua những biến cố lạ lùng xảy ra:
ông bà sinh con trong lúc tuổi già, ông bị câm rồi lại được khỏi,
ông bà cùng nhất trí về tên của đứa con dù không trao đổi trước,
người ta nhận ra bàn tay Chúa ở với em (c. 66).
Em đúng là Gioan, tiếng Híp-ri nghĩa là Thiên-Chúa-tặng-ban,
bởi em là quà tặng cho gia đình, dân tộc và cho cả nhân loại.
Cậu bé Gioan đã từ từ lớn lên và theo một lối sống khác thường.
Cậu không lập gia đình và sống khắc khổ nơi hoang địa (c. 80).
Lễ Giáng Sinh là lễ của trẻ thơ, của niềm hy vọng.
Mỗi trẻ thơ chào đời đều là một dấu hiệu của tình thương Chúa.
Ngay một cuộc sinh nở bình thường cũng là một điều lạ lùng.
Mỗi trẻ thơ được cha mẹ đặt tên,
nhưng tên của em đã được khắc ghi từ lâu trong trái tim Thiên Chúa.
Em nào cũng là một quà tặng cho thế giới, em nào cũng là một Gioan.
Mỗi em đều có chỗ đứng trong chương trình của Thiên Chúa.
Nhiệm vụ của nhà giáo dục là giúp em tìm thấy ơn gọi riêng của mình,
và trưởng thành nhờ sống trọn vẹn ơn gọi đó.
Xin được chung vui với gia đình Dacaria và mọi gia đình trên địa cầu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
con được no nê mà vẫn thiếu ăn,
vì bên con còn có người đói lả.
Con uống nước mát mà họng vẫn khô ran,
vì bên con còn có người đang khát.
Con vui cười mà nước mắt tuôn rơi,
vì bên con còn có người phiền muộn.
Con sáng mắt mà vẫn ở trong bóng đêm,
vì bên con còn có người mù tối.
Con mặc áo đẹp mà vẫn rách tả tơi,
vì bên con còn có người trần trụi.
Con nằm trong nệm êm mà vẫn thao thức,
vì bên con còn có bao người thiếu thốn.

(Myrtle Householder)

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23 THÁNG MƯỜI HAI
Người Có Sẽ Bắt Gặp Chúng Ta
Trong Tình Trạng Sẵn Sàng Và Tỉnh Thức?
Con đường của Mùa Vọng dẫn chúng ta vào đời sống nội tâm của con người, đời sống bị đè nặng bởi tội lỗi bằng nhiều cách thế. Cuộc gặp gỡ giữa chúng ta với Thiên Chúa không chỉ diễn ra ở bên ngoài, nhưng còn diễn ra bên trong cõi lòng chúng ta. Nó chuyển hóa chính bản chất thâm sâu của chúng ta nhờ đó chúng ta có thể đáp trả sự thánh thiện của Đấng mà chúng ta gặp gỡ. Cuộc chuyển hóa bên trong này cốt tại việc mặc lấy Chúa Giêsu Kitô. Như vậy, ý nghĩa lịch sử của Mùa Vọng phải được thấm nhập bởi ý nghĩa tâm linh.
Thật vậy, Mùa Vọng không phải chỉ là một hồi ức về lịch sử cứu độ trước khi Đấng Cứu Thế giáng sinh, ngay cả dù nếu hiểu đúng thì hồi ức đó quả có một ý nghĩa rất hàm súc tính tâm linh. Nhưng sâu xa hơn thế nữa, Mùa Vọng nhắc chúng ta nhớ rằng toàn bộ lịch sử của con người – lịch sử của mỗi người chúng ta – phải được hiểu như một Mùa Vọng lớn. Chúng ta phải sống đời mình trong niềm mong đợi từng giây phút sự xuất hiện của Chúa. Như vậy, Ngài sẽ bắt gặp chúng ta trong tình trạng sẵn sàng và tỉnh thức, và chúng ta sẽ có thể đón nhận Ngài một cách xứng hợp.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 23/ 12
Thánh Gioan Kanty, Linh mục
Ml 3, 1-4.23-24; Lc 1, 57-66

LỜI SUY NIỆM: Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Êlisaét sinh hạ một con trai. Nghe biết Chúa đã thương bà như vậy; láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.”
Bầu khí láng giềng và người thân thích đến chia vui với bà Êlisabét trong ngày bà sinh hạ Gioan Tẩy Giả, cho chúng ta thấy đây là một cộng đồng yêu thương, một cộng đồng biết quan tâm đến nhau, nhận ra người trong cộng đồng hưởng được tình thương của Chúa, cùng chia vui với nhau.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn biết quan tâm đến cuộc sống của nhau, để thể hiện tình liên đới trong mọi hoàn cảnh vui buồn cùng có nhau để chung lời cầu xin và tạ ơn.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 23-12: Thánh GIOAN KENTY
Linh Mục (1390 - 1473)

Chúng ta biết đến thánh Gioan Kenty như là một con người thánh thiện và học thức, Ngài vừa là một giáo sư đại học lừng danh, vừa là một ân nhân của người nghèo.
Có một truyền thuyết rất đẹp về lòng bác ái của thánh nhân. Một người nghèo ăn xin ở cửa phòng ăn. Mỗi người có đúng phần mình, nhưng Gioan đã lấy trọn phần mình cho người bất hạnh. Từ đó, phần của người ăn xin được dành riêng. Công thức "người nghèo đến" được đáp ứng lại bằng "Chúa Kitô đến". Gioan Kenty còn đưa chính áo choàng của mình cho người bị lạnh lẽo.
Là bậc thầy về đức ái, Ngài cũng rất vui tươi. Một lần, được những người quí phái mời, Ngài đến với y phục rất khiêm tốn của mình và bị đầy tớ chủ nhà xua đuổi. Thay bộ đồ khiêm tốn ấy đi Ngài được mời vào tiệc. Chẳng may, một người giúp việc vụng về làm rớt đồ ăn vào đó. Ngài nói: - "Này, chính nhờ bộ áo mà tôi được ở đây, thế là nó cũng được quyền nếm nước chấm nữa".
Tinh thần và bác ái đi đôi quá chân thật có một không hai. Ngày kia, khi đi Roma, Ngài bị bọn cướp bóc lột, Ngài nói với họ là không còn gì nữa. Nhưng sau đó Ngài thấy tiền trong áo kép. Ngài vội đuổi theo họ, thú nhận mình ăn cắp và đưa cho họ số tiền này. Lịch sử kể lại rằng, bon cướp đã hối cải ngay.
Kenty, quê hương của Gioan gần Cracovia, là nơi Ngài theo học và đạt bằng tiến sĩ triết học lẫn thần học, Ngài thụ phong linh mục. Giữ ghế tại đại học, Ngài nói tiếng Latinh và tiếng Balan.
Khi cần thiết, Ngài chỉ tranh luận trong tinh thần bác ái bao dung. Trả lời cho những nhục mạ của đối phương, Ngài chỉ biết nói: "Tạ ơn Chúa". Để vượt qua mọi cực nhọc, thử thách, Ngài tự nhủ: "ráng lên". Ngài thường nói với học trò của mình: - "Hãy lấy nhẫn nại, dịu dàng và tình yêu làm khí giới để chống lại những quan điểm sai lầm. Thô bạo chỉ hại cho linh hồn và làm hư chính nghĩa".
Những ghen tương đố kỵ đã làm cho Ngài mất chức đại học và đẩy Ngài vào công việc nặng nhọc tại giáo xứ. Thời gian làm cha sở tại Gracôvia, Ngài đã tỏ ra có một đức bác ái vô bờ, nhưng đại học lại đòi Ngài phải trở về, Ngài lãnh trách nhiệm dạy kinh thánh và tôn giáo cho các công tử Balan. Ngài hành hương Giêrusalem và lắng nghe các lương dân. Khi qua đời vào tuổi rất thọ, sự thánh thiện của Ngài đã lừng khắp nơi Ngài đã đi qua. Thánh Gioan Kenty đã để lại lời kinh rất đẹp này.
"Xin hãy cho chúng con yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu mọi người vì Chúa và làm đẹp lòng Chúa trong tâm hồn và trong hành động của chúng con".
Nhiều người khóc thương Ngài và Ngài được kể như người làm nhiều phép lạ. Nhưng mãi tới năm 1767, Ngài mới được tuyên thánh.
(daminhvn.net)


23 Tháng Mười Hai
Một Căn Nhà Trật Tự
Giá trị của một ngôi nhà chính là được con người cư ngụ. Một mái nhà tranh nhưng đầy ắp tiếng cười tiếng khóc của trẻ thơ vẫn đầm ấm hơn một dinh thự bỏ trống. Chúng ta có thể xác quyết rằng sự sinh sống, sự hiện diện, sự cư ngụ của con người trong căn nhà đã giữ gìn và bảo trì nó khỏi hư nát. Nhưng một khi con người bỏ đi, căn nhà sẽ trở nên tồi tàn. Sức mạnh, vẻ đẹp, sự linh động, sự tồn tại của ngôi nhà chính là được cư ngụ.
Cũng giống như thế, đời sống của chúng ta phải là một ngôi nhà được cư trú, được chiếm ngự. Nhưng cư trú ở đây không có nghĩa là chất chứa những vật dụng lỉnh kỉnh. Sự đầm ấm của một ngôi nhà còn tùy thuộc ở sự sắp xếp, sự bài trí. Ngôi nhà càng lộn xộn, càng dơ bẩn, thì càng trật trội, càng nóng nực.
Ðời sống của chúng ta có thể là một căn nhà đầy ắp, nhưng lại thiếu trật tự, thiếu ngăn nắp, thiếu sự hiện hữu linh động và những điều kiện tinh thần để bảo trì căn nhà đời sống của chúng ta.
Ngôi nhà của chúng ta có thể là một cao ốc với không biết bao những tầng lầu của lo lắng, đau buồn, bận bịu và sợ hãi. Chúng ta chất chứa cho cuộc sống chúng ta đầy ắp, nhưng những chất chứa ấy chỉ làm cho ngôi nhà của chúng ta ra buồn thảm, nhơ bẩn.
Giáng Sinh sắp đến. Có lẽ gia đình nào cũng muốn cố gắng trưng bày một máng cỏ, một hang đá trên bàn thờ, trong một phòng khách. Căn nhà của chúng ta như sáng hẳn lên, như vui hẳn lên, vì sự hiện diện của Hài Nhi Giêsu.
Trong niềm rạo rực của những ngày chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh, chúng ta hãy mở rộng căn nhà cuộc đời của chúng ta để cho Chúa đến chiếm ngự. Ðã hai ngàn năm qua, Ngài đã đi tìm một chỗ trú ngụ. Ngài đến gõ cửa từng tâm hồn con người. Có còn một chỗ trống nào trong căn nhà của chúng ta không hay tất cả đều được chiếm ngự bởi không biết bao thứ lỉnh kỉnh khác như đam mê, ích kỷ, hận thù, ganh ghét và bao tâm tình bất chính khác. Hãy để cho Ngài chiếm trọn căn nhà cuộc đời chúng ta và chúng ta sẽ nghe được khúc nhạc du dương của các Thiên Thần: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm".
Bình an sẽ tràn ngập căn nhà của chúng ta, niềm vui sẽ tỏa lan trong căn nhà của chúng ta, ánh sáng sẽ chan hòa căn nhà của chúng ta nếu chúng ta để cho Ngài chiếm trọn.
Hôm nay đây, trong giờ phút này đây, Ngài cũng đang nói với chúng ta như đã từng nói với Gia Kêu: "Hôm nay đây, Ta sẽ đến và cư ngụ trong nhà ngươi".
Cách đây 10 năm, giữa quảng trường thánh Phêrô, một con người đến từ một thế giới chỉ có đe dọa, sợ hãi đã hô lớn: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho Ðức Kitô". Hãy mở rộng cửa cho Ðức Kitô, chúng ta sẽ được niềm vui trọn vẹn trong tâm hồn.
Ưu buồn, lo lắng vì không biết bao nhiêu khó khăn và thử thách trong cuộc sống, chúng ta hãy tin tưởng và vui lên vì sự cư ngụ của Chúa Giêsu chính là sức mạnh, chính là niềm tin của chúng ta.
(Lẽ Sống)


Lectio Divina: 23 tháng 12

Thứ Bảy 23 Tháng Mười Hai, 2017


Tuần thứ ba Mùa Vọng                                    

1.     Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa, Thiên Chúa yêu thương và quyền năng
Chúa đã hoàn thành những lời hứa của Chúa để cứu rỗi chúng con
Khi Chúa Giêsu, Con Một Chúa, đã trở nên người phàm như chúng con.
Chúng con không còn ở trong bóng tối,
Vì Chúa đã để cho ánh sáng của Chúa tỏa sáng trên chúng con.
Giờ đây, xin hãy mang lại ơn cứu độ của Chúa,
Xin hãy giải thoát chúng con khỏi mọi tội lỗi,
Để chúng con trở nên con người hoàn toàn với Chúa Giêsu
Và cùng đi với Người trong đường lối yêu thương và hòa bình của Chúa.
Xin hãy để cho Người là sức mạnh của chúng con,
Là người bạn đồng hành thường xuyên của chúng con trên đường,
Để nhờ Người và tăng trưởng trong nhân tính của Người,
Để cho chúng con có thể là các con cái yêu dấu của Chúa.
Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

2. Phúc Âm – Luca 1:57-66
Khi đến ngày sinh, bà Êlisabéth sinh hạ một con trai.  Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà.

Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria là tên của cha nó mà đặt cho nó.  Nhưng bà mẹ đáp lại rằng:  “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan.”  Họ bảo bà rằng:  “Không ai trong họ hàng bà có tên đó.”  Và họ làm hiệu hỏi cha con trẻ muốn gọi tên gì.  Ông xin một tấm bảng và viết:  “Tên nó là Gioan.”  Và mọi người đều bỡ ngỡ.  Bỗng chốc lưỡi ông mở ra, và ông liền chúc tụng Chúa.

Mọi người lân cận đều kinh hãi.  Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó.  Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng:  “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?  Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó.”

3. Suy Niệm
–  Trong các chương một và hai của sách Tin Mừng theo thánh Luca, tác giả mô tả việc loan báo sự ra đời của hai trẻ nhỏ, Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu, những người sẽ chiếm một vị trí rất quan trọng trong việc thực hiện chương trình của Thiên Chúa.  Những gì Thiên Chúa khởi công trong Cựu Ước, bắt đầu được thực hiện thông qua hai trẻ này.  Đây là lý do tại sao, trong hai chương này, Luca trình bày hoặc gợi nhớ lại nhiều dữ kiện và các nhân vật của Cựu Ước và thậm chí thành công trong việc bắt chước phong cách của Cựu Ước.  Và tất cả điều này để cho thấy rằng với sự chào đời của hai bé trai, lịch sử thực hiện một vòng quay 180 độ và thời điểm của việc thực hiện những lời hứa của Thiên Chúa bắt đầu qua Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu, và với sự cộng tác của cha mẹ họ, bà Êlisabéth với ông Giacaria và Đức Maria với thánh Giuse.

–  Có một sự song song giữa việc loan báo và sự chào đời của cả hai trẻ:

a) Việc loan báo về sự ra đời của Gioan Tẩy Giả (Lc 1:5-25) và của Đức Giêsu (Lc 1:26-38)
b) Hai bà mẹ đang lúc mang thai gặp nhau và trải qua kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa (Lc 1:27-56)
c) Sự chào đời của Gioan Tẩy Giả (Lc 1:57-28) và của Chúa Giêsu (Lc 2:1-20)
d) Phép chịu cắt bì trong cộng đồng của Gioan Tẩy Giả (Lc 1:59-66) và của Chúa Giêsu (Lc 2:21-28)
e) Bài ca vịnh của ông Giacaria (Lc 1:67-79) và bài ca vịnh của ông cụ Simêôn với nữ ngôn sứ Anna (Lc 2:29-32)
f) Cuộc sống ẩn dật của Gioan Tẩy Giả (Lc 1:80) và của Chúa Giêsu (Lc 2:39-52)
–  Lc 1:57-58:  Sự ra đời của Gioan Tẩy Giả.  “Khi đến ngày sinh, bà Êlisabéth sinh hạ một con trai.  Láng giềng bà con nghe biết Chúa đã tỏ lòng nhân hậu lớn lao đối với bà liền đến chúc mừng bà.”  Giống như rất nhiều phụ nữ trong Cựu Ước, bà Êlisabéth hiếm muộn con cái:  Cũng giống như Thiên Chúa đã thương hại bà Sarah (St 16:1; 17:17; 18:12), bà Rakhên (St 29:31) và bà Anna (1Sm 1:2,6,11) chuyển đổi việc hiếm muộn thành mắn con, trong cùng một cách, Người đã thương xót bà Êlisabéth và bà đã thụ thai một con trai.  Bà Êlisabéth đã ẩn mình trong năm tháng.  Khi mà sau năm tháng, mọi người có thể nhìn thấy sự nhân hậu của Thiên Chúa đối với bà Êlisabéth trong lòng bà, mọi người đến chúc mừng bà.  Môi trường cộng đồng này, trong đó Gioan Tẩy Giả và Chúa Giêsu được sinh ra, đã lớn lên và nhận được sự hình thành của họ.  Một môi trường như thế đánh dấu cá tính của một người trong suốt cuộc đời; và ngày nay, điều mà chúng ta thiếu vắng nhất chính là môi trường cộng đồng này.

–  Lc 1:59:  Đặt tên cho con trẻ vào ngày thứ tám.  “Ngày thứ tám, người ta đến làm phép cắt bì cho con trẻ, và họ lấy tên Giacaria là tên của cha nó mà đặt cho nó.”  Sự tham gia của cộng đồng trong đời sống gia đình của ông Giacaria, bà Êlisabéth và Gioan Tẩy Giả đến nỗi mà bà con và láng giềng còn muốn can thiệp vào việc đặt tên cho con trẻ.  Họ muốn lấy tên của cha nó mà đặt cho nó:  “Giacaria!”  Giacaria có nghĩa là:  Thiên Chúa đã ghi nhớ.  Có lẽ họ muốn bày tỏ lòng biết ơn của họ với Thiên Chúa vì Người đã nhớ đến vợ chồng bà Êlisabéth và ông Giacaria và đã ban cho họ một con trai trong lúc tuổi già bóng xế.

–  Lc 1:60-63:  Tên nó là Gioan!  Bà Êlisabéth ngăn cản và bà không cho phép người thân lo liệu việc đặt tên.  Nhớ lại lời loan báo về tên đã được đặt bởi thiên thần Chúa với ông Giacaria (Lc 1:13), bà Êlisabéth nói rằng:  “Không được, nó sẽ gọi tên là Gioan.”  Ở một nơi rất nhỏ như làng Ain Karem, trong xứ Giuđêa, sự kiểm soát của xã hội rất là chặt chẽ.  Và khi mà một người vượt quá vị trí bình thường hằng ngày, thì người ấy sẽ bị chỉ trích.  Bà Êlisabéth đã không theo vị trí bình thường mà lại chọn một tên ngoài tục lệ thông thường.  Đây là lý do mà những người bà con và láng giềng phàn nàn rằng:  “Không ai trong họ hàng bà có tên đó!”  Những người bà con không dễ dàng bỏ cuộc và làm hiệu cho cha của con trẻ để biết xem ông muốn đặt tên cho con trai mình là gì.  Ông Giacaria xin một tấm bảng và viết:  “Tên nó là Gioan.”  Mọi người đều bỡ ngỡ vì hai ông bà chắc đã phải cảm nhận được một điều gì đó về mầu nhiệm Thiên Chúa xung quanh việc chào đời của đứa trẻ.

Và nhận thức này mà người ta có về mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong các sự kiện thông thường của đời sống, thánh Luca muốn thông tri điều ấy với chúng ta, các độc giả của ông.  Trong cách mô tả các sự kiện của mình, thánh Luca không giống như một nhiếp ảnh gia, là người ghi lại những gì mắt có thể thấy.  Ông giống như một chuyên viên dùng quang tuyến-X ghi lại những gì mà mắt người trần không thể trông thấy.  Luca đọc các sự kiện với quang tuyến-X của đức tin trong đó mặc khải những gì mà con mắt phàm trần không thể cảm nhận được.

–  Lc 1:64-66:  Tin tức về đứa trẻ được loan truyền ra.  “Mọi người lân cận đều kinh hãi.  Và trên khắp miền núi xứ Giuđêa, người ta loan truyền mọi việc đó.  Hết thảy những ai nghe biết, đều để bụng nghĩ rằng:  “Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào?  Vì quả thực, bàn tay Chúa đã ở với nó.”  Cách mà Luca mô tả các sự kiện gợi nhớ lại hoàn cảnh ra đời của những nhân vật trong Cựu Ước, những người đã có một vai trò quan trọng trong việc thực hiện dự án của Thiên Chúa mà tuổi thơ của họ dường như đã được đánh dấu bởi số phận đặc quyền mà họ sẽ có:  ông Môisen (Xh 2:1-10), Samson (Tl 13:1-4 và 13:24-25), Samuen (1Sm 1:13-28 và 2:11).

–  Trong các tác phẩm của Luca, chúng ta thấy nhiều lần nhắc đến phần Cựu Ước.  Trong thực tế, hai chương đầu tiên của sách Tin Mừng của ông không phải là những câu chuyện theo ý nghĩa mà ngày nay chúng ta gán cho câu chuyện.  Đúng ra, chúng là tấm gương để giúp người đọc khám phá ra rằng ông Gioan Tẩy Giả và Đức Giêsu đã đến để làm trọn những lời tiên tri của Cựu Ước.  Thánh Luca muốn cho thấy rằng Tân Ước nhận ra được những gì Cựu Ước đã hình dung trước.  Mặt khác, nó cho thấy rằng Tân Ước vượt quá Cựu Ước và không tương ứng với tất cả mọi thứ mà những gì người dân của Cựu Ước đã tưởng tượng và mong đợi.  Trong thái độ của bà Êlisabéth và ông Giacaria, của Đức Maria và thánh Giuse, Luca tiêu biểu cho một kiểu mẫu về cách tự cải đổi chính mình để tin vào Tân Ước đang được tiếp cận.

4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
–  Điều gì đã đánh động bạn nhất trong cách thức mà thánh Luca mô tả các sự kiện của đời sống?

–  Tôi đọc các sự kiện của đời sống như thế nào?  Giống như nhìn một bức ảnh chụp hay nhìn một tấm hình chụp bằng quang tuyến-X?

5. Lời nguyện kết
Tất cả đường lối Chúa đều là yêu thương và thành tín

Đối với những kẻ nào giữ giao ước và lề luật Chúa.

Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa

Và cho họ biết giao ước của Người.

(Tv 25:10,14)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét