Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 12, 2017

31-12-2017 : (phần I) CHÚA NHẬT THÁNH GIA THẤT năm B

31/12/2017
Chúa Nhật Thánh Gia Thất năm B
(phần I)

Bài Ðọc I: Hc 3, 3-7. 14-17a
"Ai kính sợ Chúa, thì thảo kính cha mẹ".
Trích sách Huấn Ca.
Thiên Chúa suy tôn người cha trong con cái; quyền lợi bà mẹ, Người củng cố trên đoàn con. Ai yêu mến cha mình, thì đền bù tội lỗi; ai thảo kính mẹ mình, thì như người thu được một kho tàng. Ai thảo kính cha mình, sẽ được vui mừng trong con cái, khi cầu xin, người ấy sẽ được nhậm lời. Ai thảo kính cha mình, sẽ được sống lâu dài. Ai vâng lời cha, sẽ làm vui lòng mẹ.
Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người. Vì của dâng cho cha, sẽ không rơi vào quên lãng. Của biếu cho mẹ, sẽ đền bù tội lỗi, và xây dựng đức công chính của ngươi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 127, 1-2. 3. 4-5
Ðáp: Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người (x. c. 1).
Xướng: 1) Phúc thay những bạn nào tôn sợ Thiên Chúa, bạn nào ăn ở theo đường lối của Người! Công quả tay bạn làm ra bạn an hưởng, bạn được hạnh phúc và sẽ gặp may. - Ðáp.
2) Hiền thê bạn như cây nho đầy hoa trái, trong gia thất nội cung nhà bạn. Con cái bạn như những chồi non của khóm ô-liu ở chung quanh bàn ăn của bạn. Ðó là phúc lộc dành để cho người biết tôn sợ Ðức Thiên Chúa. - Ðáp.
3) Nguyện xin Thiên Chúa từ Sion chúc phúc cho bạn, để bạn nhìn thấy cảnh thịnh đạt của Giêrusalem hết mọi ngày trong đời sống của bạn, và để bạn nhìn thấy lũ cháu đoàn con! - Ðáp.

Bài Ðọc II: Cl 3, 12-21
"Về đời sống gia đình trong Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.
Anh em thân mến, như những người được chọn của Thiên Chúa, những người thánh thiện và được yêu thương, anh em hãy mặc lấy những tâm tình từ bi, nhân hậu, khiêm cung, ôn hoà, nhẫn nại, chịu đựng lẫn nhau, và hãy tha thứ cho nhau nếu người này có chuyện phải oán trách người kia. Như Chúa đã tha thứ cho anh em, anh em cũng hãy tha thứ cho nhau. Và trên hết mọi sự, anh em hãy có đức yêu thương, đó là dây ràng buộc điều toàn thiện. Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em, sự bình an mà anh em đã được kêu gọi tới để làm nên một thân thể. Anh em hãy cảm tạ Thiên Chúa. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. Với tất cả sự khôn ngoan, anh em hãy học hỏi và nhủ bảo lẫn nhau. Hãy dùng những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca của Thần khí, cùng với lòng tri ân, để hát mừng Thiên Chúa trong lòng anh em. Và tất cả những gì anh em làm, trong lời nói cũng như trong hành động, tất cả mọi chuyện, anh em hãy làm vì danh Chúa Giêsu Kitô, nhờ Người mà tạ ơn Thiên Chúa Cha.
Hỡi các bà vợ, hãy phục tùng chồng trong Chúa cho phải phép. Hỡi những người chồng, hãy yêu thương vợ mình, đừng đay nghiến nó. Hỡi những người con, hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là đẹp lòng Chúa. Hỡi những người cha, đừng nổi cơn phẫn nộ với con cái, kẻo chúng nên nhát đảm sợ sệt.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Cl 3, 15a. 16a
Alleluia, alleluia! - Nguyện cho bình an của Chúa Kitô làm chủ trong lòng anh em. Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 2, 22-40 (bài dài)
"Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Lề luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng sẽ được gọi là người thánh thuộc về Chúa". Và cũng để dâng lễ vật cho Chúa, như có nói trong Luật Chúa, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu con.
Và đây ở Giêrusalem có một người tên là Simêon, là người công chính, kính sợ Thiên Chúa, và đang đợi chờ niềm ủi an của Israel. Thánh Thần cũng ở trong ông. Ông đã được Thánh Thần trả lời rằng: Ông sẽ không chết trước khi thấy Ðấng Kitô của Chúa. Ðược Thánh Thần thúc giục, ông vào đền thờ ngay lúc cha mẹ trẻ Giêsu đưa Người đến để thi hành cho Người những tục lệ của Lề luật. Ông bồng Người trên cánh tay mình, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
"Lạy Chúa, bây giờ, Chúa để cho tôi tớ Chúa đi bình an theo như lời Chúa, vì chính mắt con đã thấy ơn cứu độ mà Chúa đã sắm sẵn trước mặt muôn dân, là ánh sáng chiếu soi các lương dân, và vinh quang của Israel dân Chúa".
Cha mẹ Người đều kinh ngạc về những điều đã nói về Người. Simêon chúc lành cho hai ông bà và nói với Maria mẹ Người rằng: "Ðây trẻ này được đặt lên, khiến cho nhiều người trong Israel phải sụp đổ hay được đứng dậy, và cũng để làm mục tiêu cho người ta chống đối. Về phần bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà để tâm tư nhiều tâm hồn được biểu lộ!"
Lúc ấy, cũng có bà tiên tri Anna, con ông Phanuel, thuộc chi họ Asê, đã cao niên. Mãn thời trinh nữ, bà đã sống với chồng được bảy năm. Rồi thủ tiết cho đến nay đã tám mươi bốn tuổi. Bà không rời khỏi đền thờ, đêm ngày ăn chay cầu nguyện phụng sự Chúa. Chính giờ ấy, bà cũng đến, bà liền chúc tụng Chúa, và nói về trẻ Giêsu cho tất cả những người đang trông chờ ơn cứu chuộc Israel.
Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và con trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài vắn này: Lc 2, 22. 39-40
"Con trẻ lớn lên, đầy khôn ngoan".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, đủ ngày thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Chúa Giêsu liền đem Người lên Giêrusalem để hiến dâng cho Chúa. Khi hai ông bà hoàn tất mọi điều theo luật Chúa, thì trở lại xứ Galilêa, về thành mình là Nadarét. Và Con Trẻ lớn lên, thêm mạnh mẽ, đầy khôn ngoan, và ơn nghĩa Thiên Chúa ở cùng Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Vâng Phục Thiên Chúa
Lễ Thánh Gia thất tương đối mới. Nó được thiết lập vào cuối thế kỷ 19. Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII bấy giờ rất quan tâm đến các vấn đề xã hội. Người thấy nhân loại đang đi vào một nền văn minh mới. Lý trí và khoa học đòi quyền tự lập và tự chủ. Ảnh hưởng đạo đức bớt dần. Và trong phạm vi gia đình, người ta đã nói nhiều đến tự do, ly dị, cởi mở... Những phong trào "gia đình công giáo" có từ thế kỷ 16 ráo riết cổ động người ta noi gương Thánh Gia thất. Ðức Giáo Hoàng Lêô XIII cũng nhưn các vị kế tiếp muốn chúc phúc cho những phong trào này. Và lễ Thánh Gia Thất được thiết lập trong bối cảnh ấy.
Dĩ nhiên đời sống gia đình hiện nay có nhiều vấn đề khác với hồi cuối thế kỷ 19. Và ngày lễ Thánh Gia Thất hôm nay là dịp để chúng ta suy nghĩ về đời sống cụ thể của các gia đình chúng ta. Những vấn đề kế hoạch hóa gia đình và giáo dục gia đình mới là những đề tài chắc chắn rất hợp thời, nếu chưa muốn nói là khẩn trương. Nhưng trong Thánh lễ chúng ta không thể suy nghĩ rộng rãi. Chúng ta chỉ có thể lắng nghe Lời Chúa theo Phụng vụ để được tâm hồn đạo đức, giúp chúng ta sau đó suy nghĩ cụ thể hơn.

1. Vâng Phục Thiên Chúa
Tư cách đạo đức, mà các gia đình phải có, được ba bài đọc Kinh Thánh hôm nay nhấn mạnh. Bài sách Huấn ca có vẻ không sâu sắc và giống như nhiều bài "gia huấn ca", khuyên con cái phải thờ kính cha mẹ. Tuy nhiên nền tảng của những lời khuyên ở đây lại rất sâu. Con cái phải kính yêu cha mẹ vì Chúa; phải coi các người như Chúa, đến nỗi bỏ bê cha là lộng ngôn phạm thượng và khinh dể mẹ là chọc giận Thượng đế. Thứ đạo đức này có lỗi thời không? Rõ ràng thư Phaolô cũng có một lập trường như vậy. Thánh Tông đồ viết: con cái hãy vâng phục cha mẹ trong mọi sự vì là điều đẹp lòng Chúa. Dĩ nhiên Người cũng đã nói luôn: cha mẹ đừng để con cái trở thành khiếp đảm! Nhưng theo người, thái độ của con cái vẫn là phải vâng phục. Và ở điểm này, người đã theo sát đường lối của Phúc Âm.
Quả vậy, một trong những câu điệp khúc của các bài tường thuật cuộc đời niên thiếu của Chúa Yêsu là Người đã trở về Nadarét nơi cha mẹ Người cư trú; và Người đã lớn lên đầy khôn ngoan và ân sủng; Người đã phục tùng cha mẹ Người. Khi viết đi viết lại điệp khúc đó, Luca làm vọng lại nhiều lời Cựu Ước, đặc biệt những câu về Samson và Samuel (Tp 13,24-25; 1S 2,19.21.26). Người cũng viết về Yoan Tẩy giả một cách tương tự (1,80). Tất cả khiến chúng ta nghĩ rằng: trong khi đề cao thần tính của trẻ Yêsu, tác giả các sách Phúc Âm vẫn nhấn mạnh việc Người vâng phục cha mẹ, để nêu gương sáng cho hàng con cái trong các gia đình.
Những người này cũng hãy yên tâm. Sách Huấn ca đòi con cái đối với cha mẹ phải như nô đối với chủ (3,7); nhưng bài Tin Mừng dường như đòi bậc cha mẹ nhiều hơn. Các người phải vâng lời luật Chúa như cha mẹ Yêsu... Ðến ngày phải làm lễ thanh tẩy theo luật Môsê, cha mẹ Người đã đem trẻ Yêsu lên dâng trong Ðền thờ. Chúng ta không hiểu việc thi hành luật pháp đã đòi các người phải hy sinh thế nào. Nhưng chúng ta có thể đoán được những đau đớn tinh thần Maria phải chịu theo lời Simêon hôm nay tiên báo.
Ông và bà tiên tri Anna thuộc loại người đạo đức trong dân Israel, sống chờ đợi ngày Chúa an ủi dân Người, tức là trông mong thời đại Thiên Sai Cứu Thế. Khi được Thánh Thần cho biết trẻ Yêsu đây chính là Ðấng muôn dân trông đợi, cả hai đều sung sướng cảm tạ Thiên Chúa đã cho mình được phúc nhìn thấy ánh sáng muôn dân. Nhưng nghĩ đến trách nhiệm của những người sống trong thời đại ấy, Simêon đã lặp đi lặp lại tư tưởng của Kinh thánh, đặc biệt nhiều đoạn Isaia, trong đó Ðấng Thiên Sai không những được ca tụng như ánh sáng của muôn dân (60,1-3; 52,7-10), nhưng đồng thời cũng là tảng đá vấp ngã cho nhà Israel (8,12-15). Tâm tư mọi người sẽ phải lộ ra (Lc 2,35). Ðấu tranh, dằn vặt sẽ xảy ra nơi lòng mọi người, bó buộc người ta phải lựa chọn hoặc chấp nhận hay phủ nhận đường lối của Người.
Maria cũng không thoát được luật chung đó. Những lời của Chúa luôn luôn làm Người phải đem lòng mà suy nghĩ. Chính lúc ấy một mũi gươm đâm thâu lòng Người. Mũi gươm này không phải chỉ là lưỡi đòng khi đâm vào cạnh sườn Chúa chịu treo trên Thập giá thì cũng như chọc vào trái tim Người. Mũi gươm mà Simêon gợi lên hôm nay là mũi gươm "Lời Chúa" sống động và linh hoạt, sắc bén hơn mọi thứ gươm hai lưỡi, và đâm phập vào tận ranh giới hồn phách, gân cốt và tủy não cùng biện phân ra được tình và ý tưởng của lòng dạ (Hr 4,12).
Vậy, nếu Lời Chúa đối với Ðức Maria còn sắc bén như vậy và còn đòi hỏi Người phải hy sinh đau đớn để luôn luôn đi sâu hơn vào mầu nhiệm đức tin, thì huống nữa là đối với chúng ta hết thảy! Con cái phải vâng lời cha mẹ. Nhưng cha mẹ cũng phải vâng lời Thiên Chúa. Thi hành chỉ thị này của cha mẹ đòi hy sinh. Nhưng những hy sinh của bậc cha mẹ để giữ Lời Chúa còn to lớn hơn nhiều. Và có hy sinh như thế mới là đạo đức.
Thật ra đạo đức gia đình không phải chỉ đơn sơ như vậy. Nó không phải chỉ đòi con cái vâng lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa. Ngay bài sách Huấn ca đã giục con cái tìm cách làm đẹp lòng Chúa khi vâng lời cha mẹ; và bài Tin Mừng cho thấy Ðức Maria phải khổ vì thánh ý Chúa nơi chính trẻ Yêsu. Ðạo đức gia đình không nguyên chỉ lên thẳng từ con cái đến cha mẹ rồi tới Thiên Chúa. Nền đạo đức thật đã tỏ hiện khi chính Thiên Chúa xuống với con người như chúng ta đã suy niệm nhiều trong mùa Giáng sinh này (1Tm 3,16). Và như vậy lý do cuối cùng của nền đạo đức gia đình cũng phải sát nhập vào chiều hướng đi xuống. Nói cách khác đạo đức gia đình đòi con cái phải vâng lời cha mẹ và cha mẹ tuân giữ Lời Chúa; nhưng nó chỉ thực hiện được nếu mọi người trong gia đình biết nhận lấy lòng đạo đức mà Chúa đã ban xuống cho trần gian trong mầu nhiệm Giáng sinh, để tựa vào đó mà đi lên.
Ðó là điều mà bài thư Phaolô hôm nay muốn nói với chúng ta.

2. Hãy Mặc Lấy Ðức Mến
Thánh Tông đồ không hài lòng khi nhìn thấy nhiều người không hiểu rõ lòng đạo đức Kitô giáo. Họ tưởng đây cũng là một trong nhiều lý tưởng đạo đức. Các lời khuyên Phúc Âm về đời sống gia đình chẳng hạn bị coi như là một thứ gia huấn ca. Ðạo nào cũng dạy thờ cha kính mẹ và cha mẹ thì phải vâng mệnh trời mà sửa dạy con cái. Người ta không thấy rõ nét độc đáo và mới lạ của nền đạo đức Phúc Âm. Thế nên thánh Phaolô phải mạnh mẽ lên tiếng. Người gọi tín hữu bằng những từ ngữ chọn lọc nhất của Kinh Thánh. Họ là các thánh, là những người được tuyển chọn và là những người được Thiên Chúa yêu mến. Các danh xưng này nằm trong sách Thứ luật (7,6). Chúng là tên riêng của dân Chúa. Họ thánh không phải vì họ tốt lành, nhưng chỉ vì Ðấng thánh đã tuyển chọn và đang thánh hóa họ. Và Người làm như vậy chỉ vì yêu mến.
Họ là những người được yêu. Nhưng họ lại không sống trong tình yêu. Kinh nghiệm lưu đày đã mở mắt cho họ thấy cuộc đời bất trung bất nghĩa của họ như thế nào, đến nỗi từ ngữ dân thánh của Chúa từ nay sẽ dành để nói về dân ở thời đại thiên sai (Is 4,3). Và như vậy các tín hữu tiên khởi của Hội Thánh Chúa Kitô tự xưng là "thánh hữu" thì thật hợp lý. Nhưng khi xử dụng từ ngữ này, họ vẫn biết mình chưa thánh. Sự thánh thiện mới tỏ hiện nơi họ thôi vì Ðức Kitô đã đem sự sống sung mãn của Thiên Chúa vào thế gian. Và bổn phận của họ bây giờ là phải đón nhận lấy sự thánh thiện ấy.
Việc đón nhận này được thánh Phaolô mô tả như là một việc "mặc lấy". Người nói: anh em hãy mặc lấy lòng lân mẫn biết chạnh thương, đức nhân hậu khiêm nhu, hiền từ và đại lượng. Nghe đọc thì tưởng đó là một mới những nhân đức, ít nhiều liên hệ với nhau. Nhưng dò lại thì sẽ thấy chúng gợi lên những lời sách Xuất hành (34,6) nói đến Thiên Chúa là Ðấng "chạnh thương, huệ ái, bao dung, và đầy nhân nghĩa, tín thành". Và như vậy, thánh Phaolô muốn nói chúng ta phải mặc lấy chính những tâm tình của Chúa. Lòng đạo đức của chúng ta phải là lòng đạo đức của Người. Nếu không, nói chỉ là lòng đạo đức của loài người chứ không phải của Kitô giáo. Người tín hữu của Chúa Kitô trước khi sống, tức là hành động, đã phải cởi bỏ con người cũ và mặc lấy con người mới là chính sự thánh thiện của Thiên Chúa, để từ đó cư xử như Thiên Chúa.
Người đã bày tỏ lòng "đạo đức" của Người khi đặt ra và thi hành kế hoạch cứu thế, ban Con Một Người cho nhân loại để làm giá tha thứ và hòa giải loài người tội lỗi trở về với mình... Ðó chính là lòng "bác ái" của Thiên Chúa, mà thánh Phaolô bảo chúng ta phải mặc lấy. Nếu không, chúng ta không được tha thứ, không được thánh thiện, không được đạo đức. Nhưng nếu chúng ta mặc lấy lòng bác ái tha thứ, thì có lẽ nào chúng ta lại không biết tha thứ và chịu đựng lẫn nhau, để sống hòa hợp như trong một thân thể?
Thế là thánh Phaolô đã chỉ cho chúng ta thấy đâu là cơ sở và nền tảng của nền đạo đức Kitô giáo. Thiên Chúa đã đổ nó từ trời xuống trên chúng ta khi ban Con Một Người làm hy tế tha thứ, giao hòa và bình an. Chúng ta đón nhận lòng đạo đức ấy thì cũng phải sống tha thứ hòa hợp và hợp nhất như trong một cơ thể.
Những điều này thật hợp để nói về đời sống gia đình. Và bây giờ chúng ta thấy rõ đạo đức gia đình đối với chúng ta phải được xây dựng trên nền tảng đức mến trọn lành của Thiên Chúa. Những gia đình nào sống như vậy mới thật là những gia đình Kitô hữu và mới giống như Thánh Gia Thất Chúa Yêsu, Ðức Maria và Thánh Yuse. Nếp sống của họ bây giờ sẽ được như lời thư Phaolô viết tiếp: tất cả những gì họ nói và làm đều vì Danh Chúa Yêsu và vợ chồng, cha mẹ, con cái đều giúp đỡ nhau nên thánh thiện. Họ có nếp sống gia đình tuyệt hảo, vì lời Ðức Kitô, tức là ân sủng của Người đã ngự nơi họ dồi dào phong phú.
Thế thì hôm nay muốn thánh hóa gia đình theo gương Thánh Gia Thất, chúng ta hãy nghe lời thánh Phaolô sốt sắng cử hành Thánh lễ này. Ở đây Thiên Chúa bày tỏ lòng bác ái từ tâm đối với hết thảy chúng ta khi ban thịt máu Con của Người làm giá cứu chuộc và cứu độ chúng ta. Chúng ta hãy nhận lấy như tinh thần và sự sống mới mà chúng ta phải mặc lấy, để như Chúa đã yêu thương chúng ta thì vợ chồng, cha mẹ, con cái, được tình bác ái của Người thúc đẩy sẽ xây dựng, phát triển đời sống gia đình như Thánh Gia Thất.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)




LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Thánh Gia, Năm ABC
Bài đọcSir 3:2-6, 12-14; Col 3:12-21; Lk 2:22-40


GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Bí quyết để có một gia đình Thánh
Mọi người trong chúng ta đều đã nhìn thấy và cảm nghiệm được sự khủng hỏang của gia đình hôm nay. Chúng ta phải đương đầu với bao nhiêu những vấn nạn liên quan đến gia đình như: săn sóc và báo hiếu cha mẹ già, cho vào viện dưỡng lão, giết người già bằng cái chết êm dịu; ly dị, ly thân, và độc thân; hạn chế sinh sản và phá thai; con cái bỏ học, bỏ nhà, và bỏ đạo.
Gia đình Thánh cũng có những vấn đề như gia đình chúng ta: Thánh Giuse cũng toan bỏ Đức Mẹ cách kín đáo để bảo tòan sự công chính; Đức Mẹ cũng có những quyết định riêng cho đời mình bằng cuộc sống độc thân để phục vụ Chúa trong Đền Thờ; Chúa Giêsu cũng để cho cha mẹ vất vả mệt nhọc đi tìm kiếm mình, khi cha mẹ tìm thấy trong Đền Thờ lại còn hỏi: “Tại sao cha mẹ đi tìm con? Cha mẹ không biết con phải lo việc của Cha con sao?” Nhưng làm sao Gia Đình Thánh có thể vượt qua những trở ngại trong đời sống gia đình? Câu trả lời đơn giản là họ biết lắng nghe và làm theo ý Thiên Chúa.
Các vấn nạn xảy ra khi con người quá ích kỷ chỉ biết lo cho mình, và đánh mất tính tương giao với người khác. Họ không biết định giá, cám ơn, và trả ơn những gì Thiên Chúa và những người khác đã làm cho họ. Họ không biết kiên nhẫn và tha thứ cho người khác như Thiên Chúa và những người khác vẫn tha thứ cho họ. Họ quên đi rằng nếu Thiên Chúa và những người khác cũng ích kỷ như thế, họ sẽ không có cơ hội để có mặt trên trái đất này.
Hậu quả phải lãnh nhận: Vì gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo Hội, nên khủng hỏang gia đình đứa tới khủng hỏang trong xã hội và Giáo Hội. Một ví dụ cụ thể: Việc hạn chế sinh sản dẫn tới việc mất quân bằng dân số trong quốc gia, các thống kê cho biết mỗi gia đình cần có 2.2 người con thì mới giữ được sự thăng bằng về dân số, các nước Âu Châu, Bắc Mỹ, và một số nước kỹ nghệ đã không có đủ tỉ lệ này. Hạn chế sinh sản cũng là lý do chính của việc khan hiếm linh mục và tu sĩ; nếu chỉ có một hay hai con, rất khó cho cha mẹ dâng con để phục vụ Chúa!
Các Bài đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những chất liệu suy tư và nhìn lại hòan cảnh gia đình của mỗi người chúng ta. Trong Bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca khuyên con cái phải săn sóc và báo hiếu cha mẹ già, dẫu các ngài đã lú lẫn và không tự săn sóc mình được nữa. Trong Bài đọc II, Thánh Phaolô liệt kê những đức tính và các cách cư xử cần có để bảo đảm hạnh phúc gia đình. Trong Phúc Âm, Thánh Luca tường thuật Ngày Dâng Chúa Giêsu trong Đền Thờ của Thánh Gia. Một gia đình hạnh phúc phải biết kính sợ Thiên Chúa, và giữ cẩn thận Lề Luật của Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy săn sóc cha con khi người đến tuổi già.
1.1/ Giới răn thứ tư: Phải thảo kính cha mẹ.
(1) Lời Thiên Chúa dạy: “Con ơi, hãy săn sóc cha con, khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn, con cũng phải cảm thông, chớ cậy mình sung sức mà khinh dể người.”
(2) Lập luận của con người: Quá bận, không có thời giờ lo cho cha mẹ! Già yếu bệnh họan như thế đưa vào viện dưỡng lão tốt hơn. Có bác sĩ và y tá săn sóc thường trực. Thỉnh thỏang vào thăm tí được rồi. Thực tế: Có những viện dưỡng lão cả ngày không thay tã cho cha mẹ; có những y tá đã không săn sóc, chẳng để ý cha mẹ có ăn không, lại còn đánh luôn cha mẹ. Chúng ta cứ thử hỏi: Nếu cha mẹ đứt ruột đẻ ra và hy sinh chăm sóc cho mình, mình còn không chịu đựng săn sóc được, sao chờ đợi người khác chăm sóc cẩn thận? Điều chúng ta cần nhận ra là người già rất dễ cô đơn và tủi nhục. Họ không cần những chăm sóc bên ngòai, nhưng cần tình thương của con cháu. Chúng tôi đã từng đi xức dầu, và từng thấy các bậc cha mẹ từ giã cuộc đời trong cay đắng của nước mắt.
(3) Điều nên làm: Mọi người trong gia đình sẽ học được rất nhiều điều khi săn sóc cha mẹ già. Tất cả đều nhận ra sự mong manh của cuộc sống và biết nương tựa vào nhau hơn. Các anh chị em biết đòan kết với nhau để chia sẻ trách nhiệm. Các trẻ học biết cách chia sẻ bổn phận với cha mẹ: Khi thấy cha mẹ quá vất vả trong việc làm ăn và săn sóc ông bà, chúng sẽ tình nguyện chia sẻ gánh nặng với cha mẹ; điều này sẽ giúp chúng trưởng thành hơn so với những trẻ không có cơ hội thực tập. Các trẻ cũng sẽ học kinh nghiệm chăm sóc và đối xử với người già, và chúng sẽ áp dụng những gì chúng học được khi săn sóc cha mẹ.
1.2/ Ơn lành Thiên Chúa ban cho những ai hiếu thảo với cha mẹ: Sách Huấn Ca liệt kê những ơn lành như sau:
(1) Con cái cũng hiếu thảo với mình: “Đức Chúa làm cho người cha được vẻ vang vì con cái, cho người mẹ thêm uy quyền đối với các con.” Tục ngữ Việt Nam cũng khuyên: “Sóng trước đổ đâu, sóng sau theo đó.” Người biết hiếu thảo và chăm sóc cha mẹ cũng sẽ được hưởng sự hiếu thảo và chăm sóc từ con cái mình. Ngược lại, người đối xử tàn tệ với cha mẹ, sẽ bị con cái mình đối xử tàn tệ hơn nhiều.
(2) Tội lỗi được tha thứ, ân sủng được thương ban: “Ai thờ cha thì bù đắp lỗi lầm, ai kính mẹ thì tích trữ kho báu… Vì lòng hiếu nghĩa đối với cha sẽ không bị quên lãng, và sẽ đền bù tội lỗi cho con.”
(3) Lời cầu xin được Thiên Chúa nhận lời: “Ai thờ cha sẽ được vui mừng vì con cái, khi cầu nguyện, họ sẽ được lắng nghe.”
(4) Được sống trường thọ: “Ai tôn vinh cha sẽ được trường thọ, ai vâng lệnh Đức Chúa sẽ làm cho mẹ an lòng.” Khi một người săn sóc cha, người ấy cũng làm vui lòng mẹ.
2/ Bài đọc II: Những đức tính và cách xử thế cần có để giữ gia đình hạnh phúc.
2.1/ Những đức tính cần học:
(1) Đức bác ái yêu thương: “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo… Anh em là những người được Thiên Chúa tuyển lựa, hiến thánh, và yêu thương.” Bí-tích Thánh Thể là nguồn mạch yêu thương; gia đình nào năng tham dự Thánh-lễ và lãnh nhận Mình Thánh, sẽ có tình yêu của Thiên Chúa. Chỉ có tình yêu này mới mạnh đủ để xóa tan những bất hòa và khác biệt trong gia đình, và liên kết mọi người trong gia đình với nhau.
(2) Kiên nhẫn chịu đựng và tha thứ cho nhau: “Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau.” Mọi người trong gia đình cùng nhau năng lãnh nhận Bí-tích Hòa Giải là cách thức để học và thực hành 2 nhân đức quan trọng này.
(3) Tâm tình biết ơn: “Ước gì sự bình an của Đức Kitô điều khiển tâm hồn anh em, vì trong một thân thể duy nhất, anh em đã được kêu gọi đến hưởng sự bình an đó. Bởi vậy, anh em hãy hết dạ tri ân.” Trước tiên là biết ơn Thiên Chúa đã lo lắng mọi sự cho con người. Thứ đến là biết ơn cha mẹ đã có công sinh thành, dưỡng dục, và cầu nguyện cho mình. Sau cùng là biết ơn tất cả những ai đã góp phần làm cuộc đời mình được thăng hoa và ý nghĩa.
2.2/ Tầm quan trọng của Thiên Chúa trong đời sống gia đình:
(1) Lời Chúa: “Ước chi lời Đức Kitô ngự giữa anh em thật dồi dào phong phú. Anh em hãy dạy dỗ khuyên bảo nhau với tất cả sự khôn ngoan.” Để làm được điều này trong gia đình, cha mẹ cần học hỏi để hiểu biết Lời Chúa và gây phong trào học và áp dụng Thánh Kinh trong gia đình; vì cha mẹ không thể cho con cái mình không có.
(2) Thánh Ca: “Để tỏ lòng biết ơn, anh em hãy đem cả tâm hồn mà hát dâng Thiên Chúa những bài thánh vịnh, thánh thi, và thánh ca, do Thánh Thần linh hứng.” Điều này cũng nhắc nhở chúng ta tránh nghe và hát những bài hát vô nghĩa và lãng mạn, những chương trình hài hước và kịch nghệ vô bổ, có chủ tâm khinh thường Thiên Chúa và các giá trị đạo đức.
(3) Cầu nguyện: “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Người mà cảm tạ Thiên Chúa Cha.” Mẹ Têrêxa cũng quả quyết điều này: “Gia đình nào dành thời giờ cùng nhau cầu nguyện sẽ ở với nhau lâu dài.”
2.3/ Cách cư xử trong gia đình: Tất cả các mối liên hệ đều đòi hỏi hai chiều thì mới có kết quả tốt đẹp được. Thánh Phaolô liệt kê 2 mối liên hệ chính và cách cư xử cần có:
(1) Liên hệ vợ chồng: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ.”
(2) Liên hệ cha con: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng.”
3/ Phúc Âm: Những tâm tình biết ơn
3.1/ Gia Đình Thánh cảm tạ Thiên Chúa: Thánh Giuse và Mẹ Maria cám ơn Thiên Chúa về món quà gia đình, cho hai người thành vợ chồng; và món quà sự sống, Chúa Giêsu. Họ cùng nhau lên Đền Thờ để dâng Con cho Thiên Chúa như đã chép trong Luật Chúa rằng: "Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa." Tuy nghèo, nhưng họ cũng cố gắng chuẩn bị một đôi chim gáy và một cặp bồ câu non để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền. Sau khi hòan tất, họ trở về Nazareth, còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
3.2/ Ông Simeon cảm tạ Thiên Chúa: Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Israel, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh hứng cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Kitô của Đức Chúa. Được Thánh Thần thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: "Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Israel Dân Ngài."
Cha mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Simeon nói về Người. Ông Simeon chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Maria, mẹ của Hài Nhi: "Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Israel ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và vì thế, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà."
3.3/ Nữ Ngôn-sứ Anna cảm tạ Thiên Chúa: Bà là con ông Penuel, thuộc chi tộc Aser. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Jerusalem.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta phải diệt trừ tính ích kỷ trong con người, vì đó là mầm mống của mọi khủng hỏang trong gia đình. Đồng thời, chúng ta cần biết rộng lượng để yêu thương và lo lắng cho người khác như Thiên Chúa và người khác đã yêu thương và lo lắng cho chúng ta.
- Chúng ta cần biết xét mình và xưng tội thường xuyên để nhận ra những yếu đuối và tội lỗi của con người chúng ta. Nếu chúng ta có can đảm xin Thiên Chúa tha thứ tôi lỗi và kiên nhẫn với chúng ta, chúng ta cũng phải sẵn sàng kiên nhẫn và tha thứ những yếu đuối và tội lỗi của tha nhân; vì họ cũng là những con người yếu đuối và tội lỗi như chúng ta. Người không năng xét mình và xưng tội sẽ dễ rơi vào thái độ tự nhận mình tốt lành để dễ phê phán, kết tội, và khai trừ tha nhân.
- Chúng ta cần khiêm nhường nhìn nhận: chúng ta không khôn ngoan hơn Thiên Chúa. Nếu chúng ta muốn làm môn đệ của Đức Kitô, chúng ta phải “từ bỏ ý riêng mình, làm theo ý Thiên Chúa, và vác Thập Giá hằng ngày để theo Ngài.”
- Chúng ta có tự do để làm theo ý chúng ta; nhưng đồng thời chúng ta cũng phải lãnh nhận mọi hậu quả do sự cố chấp, thờ ơ, và khinh thường những lời giảng dạy của Thiên Chúa.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

31/12/17 CHÚA NHẬT TUẦN BÁT NHẬT GS – B
Lễ Thánh Gia Thất
Lc 2,22-40

NÊN THÁNH TRONG GIA ĐÌNH

Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét. (Lc 2,39)
Suy niệm: “Bạn không chọn gia đình. Gia đình là quà tặng của Chúa ban cho bạn và bạn là quà tặng cho gia đình” (Giám mục D. Tutu). Con Thiên Chúa khởi đầu cuộc nhập thể làm người không phải bằng cách đến ở nơi dinh thự nguy nga hay chỉ huy một đế chế rộng lớn, nhưng đến làm con trong gia đình, một gia đình thánh vì trái tim của gia đình ấy mở ra cho tình yêu, cửa ngõ của gia đình ấy rộng mở cho tình mến. Ta không có quyền chọn gia đình, nhưng Thiên Chúa thì có quyền, và Ngài đã chọn làm người trong gia đình. Mẹ Ngài, Đức Ma-ri-a và cha nuôi, thánh Giu-se là những người đạo đức, chăm lo giữ luật Chúa: đem con trẻ đến Đền thờ, dâng con cho Thiên Chúa, rồi đưa con về, nuôi nấng dưỡng dục con trong tình mến Chúa, yêu người.
Mời Bạn: “Điều quan trọng nhất mà người cha có thể làm cho con cái là yêu thương mẹ của chúng” (Cha T. Hesburgh). Gia đình nào cũng gặp những khó khăn, khủng hoảng trong đời sống, do công ăn việc làm khó khăn, con cái hư hỏng, cha mẹ bất hoà… Phương thế vượt qua không phải là giận ghét, bạo lực, nghi kỵ, nhưng là tình yêu. Chỉ có tình yêu mới “cứu độ” được gia đình, một tình yêu dựa trên lòng đạo đức, vâng giữ điều răn Chúa dạy.
Sống Lời Chúa: Tôi quan tâm đến thiện ích của các thành viên trong gia đình, nỗ lực làm một nghĩa cử cao đẹp cho người khác trong ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống trong một gia đình để nâng cao giá trị đời sống gia đình. Xin giúp con luôn nỗ lực biến đổi gia đình, cộng đoàn con nên thánh như Thánh gia.

(5 phút Lời Chúa)


NGÀY CÀNG LN LÊN (31.12.2017 – Chúa nht trong tun Bát nht Giáng sinh - Thánh gia: Chúa Giêsu, Đc Maria và Thánh Giuse)
Con Thiên Chúa cũng phi chăm ch hc làm người, qua tha nhân và kinh nghim, qua lao đng và thách đ trong cuc sng. 


Suy nim:
Khi viết sách Tin Mừng, thánh Luca thích nêu bật vai trò của phụ nữ,
vì trong xã hội Israel thời xưa, việc lãnh đạo chủ yếu do đàn ông.
Luca hay đặt sóng đôi những câu chuyện về các nhân vật nam và nữ.
Sau trình thuật sứ thần Gabrien truyền tin cho ông Dacaria,
thì đến trình thuật sứ thần truyền tin cho Đức Mẹ.
Sau sự xuất hiện của ông già Simêon nói tiên tri về Hài Nhi,
thì bà Anna cũng được giới thiệu minh nhiên như một nữ ngôn sứ.
Làm ngôn sứ đâu phải là đặc quyền dành cho phái nam!
Khuôn mặt của Simêon và Anna có những nét giống nhau.
Cả hai đều là những người tuổi cao và đạo hạnh.
Đời sống của họ gắn bó với Đền thờ.
Riêng cuộc đời của cụ bà Anna thì thật đáng phục.
Cụ xuất giá được bảy năm thì ở góa, nay cụ đã tám mươi tư.
Giả như cụ lấy chồng vào năm mười lăm tuổi,
thì hẳn cụ đã sống trong cảnh góa bụa hơn sáu mươi năm.
Một thời gian dài không có chỗ dựa vững chắc của người chồng.
Nhưng cụ Anna lại tìm thấy một chỗ dựa khác, vững hơn.
Đó là Thiên Chúa mà cụ đêm ngày thờ phượng (c. 37).
Đó là Đền thờ mà cụ coi như nhà của mình.
Đời sống của một góa phụ trẻ, lúc mới ngoài hai mươi, thật không dễ.
Ăn chay cầu nguyện là cách để cụ làm chủ bản thân và thắng cám dỗ.
Simêon và Anna đều là những người cao tuổi đã và đang chờ.
Họ sống để chờ những lời Chúa hứa được thành tựu,
sống để chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giêrusalem (c. 38).
Anna có biết hôm nay nỗi đợi chờ của cụ được đáp ứng không?
Với trực giác của một ngôn sứ, cụ nhận ra ngay vị Cứu tinh bé nhỏ
đang được bồng ẵm trên tay của đôi vợ chồng nghèo.
Như xuất thần, cụ nói về Hài Nhi cho những người chung quanh.
Không phải chờ nữa, vì ơn cứu chuộc mong mỏi từ lâu nay đã đến.
Thiên Chúa đã giữ trọn lời hứa của Ngài.
Chúng ta đang mừng Lễ Giáng sinh, mừng Con Thiên Chúa làm người.
Chúng ta có ít thời gian để suy niệm về thời gian của Ngài ở Nadarét.
Hơn ba mươi năm để Hài Nhi từ từ lớn lên, trở nên người trưởng thành.
Làm người là chấp nhận lớn lên mỗi ngày một chút về mọi mặt.
Thân xác của cậu Giêsu trở nên mạnh mẽ, trí tuệ cậu đầy khôn ngoan,
và về mặt tâm linh, ân lộc của Thiên Chúa ở trên cậu (c. 40).
Hài Nhi Giêsu đã lớn lên một cách quân bình
để thành Thầy Giêsu đi rao giảng vào lúc ngoài ba mươi.
Con Thiên Chúa cũng phải chăm chỉ học làm người,
qua tha nhân và kinh nghiệm, qua lao động và thách đố trong cuộc sống.
Ngài chia sẻ phận người long đong của chúng ta,
nên Ngài hiểu gánh nặng của phận người.
Xin được học nơi Nadarét về chia sẻ và phục vụ, về tha thứ và yêu thương.
Xin được trở nên người có khả năng dám sống và chết cho người khác.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người - cũng như con -
đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
Khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ


HÃY NÂNG TÂM HỒN LÊN
31 THÁNG MƯỜI HAI
Vượt Qua Lý Lẽ
Để Nắm Bắt Mầu Nhiệm
Thiên Chúa đã trở thành xác phàm vì chúng ta! Ngôi Lời Thiên Chúa đã trở thành một con người như chúng ta. Vì thế, cả trong lịch sử nhân loại lẫn trong cuộc đời riêng mỗi người, chúng ta được bảo đảm rằng Người luôn luôn hiện diện với chúng ta bằng tình yêu của Người, bằng ơn cứu độ của Người và bằng sự quan phòng của Người.
Chúng ta bắt đầu nhận ra rằng Giáng Sinh đòi hỏi đức tin, vì Giáng Sinh là một mầu nhiệm. Bằng lý luận, chúng ta sẽ chẳng thể nào hiểu được vì sao Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến thế. Những người chăn chiên đã được trao cho một dấu chỉ. Họ sẽ gặp thấy Người trong một máng cỏ. Hài Nhi Giêsu được Mẹ Người đặt nằm trong một máng cỏ: một dấu chỉ hết sức thấp hèn, một dấu chỉ về sự khiêm hạ vô cùng của Thiên Chúa. Trí khôn nào cắt nghĩa được điều đó! Thì ra, để đón nhận sứ điệp của Đức Kitô, Đấng Cứu Chuộc muôn loài, chúng ta phải gạt mọi lý luận qua một bên. Chỉ có lòng khiêm tốn, tín thác và cung kính tôn thờ, chúng ta mới có thể hiểu và tiếp nhận được sự khiêm hạ đầy năng lực cứu độ của Thiên Chúa.
Vì thế, hình ảnh máng cỏ thấp hèn ấy phải được chúng ta chiêm ngắm mỗi ngày. Nguyện xin Đức Ma-ri-a và Thánh Giu-se cầu thay nguyện giúp cho chúng ta – để chúng ta biết khiêm cung tôn thờ Chúa và biết đặt trọn lòng tin tưởng nơi Ngài.
– suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
do nhà Servant Pubns xuất bản, 1994.



31 Tháng Mười Hai

Lẽ Sống

Ngày xưa có một ông vua, tuổi đã quá ngũ tuần mà vẫn chưa xem được một quyển sách nào. Bộ sách mà ông thèm khát được đọc nhất là bộ "Lịch sử loài người". Nhưng khốn nỗi, cuộc đời của ông, từ mái đầu xanh cho đến tóc điểm bạc, không lúc nào được rảnh rang. Ðời ông luôn luôn sống trên lưng ngựa, nằm sương, gối tuyết trên bãi chiến trường. Nay chinh phục nước này, mai ngăn chặn nước kia xâm lăng. Mắt ông chỉ thấy có gươm giáo và máu lửa. Ông rất ân hận vì chưa đọc được một trang sách của thánh hiền... Nay nước nhà đã hòa bình, ông muốn dành thời giờ còn lại để đọc cho kỳ được bộ lịch sử loài người, để xem con người xưa nay sống để làm gì? Nhưng tuổi ông đã cao, mà bộ sách lại quá dày. Biết sức mình không thể đọc hết bộ sách, cho nên nhà vua mới ra lệnh cho viên sử thần làm hộ cho mình công việc ấy. Với sự giúp đỡ của một ban gồm 50 người, viên sử thần mới bắt tay ngày đêm miệt mài đọc sách.

Sau 10 năm cắm cúi đọc sách, viên sử thần đã có thể tóm tắt bộ lịch sử loài người thành 10 quyển sách, và cho mang vào trình lên nhà vua. Nhưng vừa nhìn thấy 10 quyển sách và đo lường tuổi tác của mình, nhà vua lại cảm thấy không đủ sức để đọc hết bộ sách đã được rút ngắn. Nhà vua mới đề nghị cho ủy ban làm việc thêm một thời gian nữa. Sau 5 năm làm việc thêm, ủy ban đã có thể tóm lược lịch sử loài người thành 5 quyển. Nhưng khi ủy ban mang 5 quyển sách vào ra mắt nhà vua, thì cũng chính là lúc nhà vua đang hấp hối trên giường bệnh. Biết mình không thể đọc được dù một trang, nhà vua mới thều thào nói với viên trưởng ban tu sử hãy tóm tắt bộ lịch sử loài người thành một câu mà thôi. Vị trưởng ban tu sử mới tâu với nhà vua như sau: "Hạ thần xin vâng mạng. Lịch sử loài người từ khai thiên lập địa đến giờ là: loài người sinh ra để khổ rồi chết". Nhà vua gật đầu. Ðôi môi khô héo của nhà vua bỗng nở nụ cười mãn nguyện... rồi tắt thở. Và giữa lúc ấy, vị trưởng ban tu sử cũng nấc lên mấy tiếng rồi trút hơi thở cuối cùng.

Hôm nay là ngày cuối năm. Nhìn lại một năm qua với không biết bao đói khổ, chiến tranh, chết chóc cho nhân loại cũng như cho chính bản thân, có lẽ cũng có nhiều người đi đến kết luận bi quan như viên trưởng ban tu sử trong câu chuyện trên đây: "Loài người sinh ra để khổ rồi chết".

Ði qua một đoạn đường trong cuộc lữ hành trần gian, Giáo Hội muốn chúng ta mặc lấy thái độ hân hoan và lạc quan. Bài ca trên môi miệng của chúng ta trong ngày hôm nay không phải là bài ca bi ai, tả oán, mà phải là bài ca "Te Deum", ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa. Ngợi khen Chúa, cảm tạ Chúa bởi vì vinh quang của Ngài là con người được sống. Ngài là Thiên Chúa của kẻ sống chứ không phải của người chết.

Không chối bỏ thực tại của khổ đau, chết chóc, nhưng chúng ta luôn được mời gọi để không nhìn vào đó như tiếng nói cuối cùng, như ngõ cụt. Bởi vì vinh quang của Thiên Chúa là con người được sống, cho nên hướng đi của lịch sử loài người không phải là ngõ cụt của sự chết, mà là Sự Sống. Bên kia khổ đau, chết chóc, cuộc sống vẫn còn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.

Còn tâm tình nào xứng hợp trong ngày cuối năm cho bằng cảm tạ và phó thác. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài vẫn luôn là Thiên Chúa của Tình Yêu, Thiên Chúa của Sự Sống. Cảm tạ và phó thác cho Chúa bởi vì Ngài là Ðường, là Sự Thật và là Lẽ Sống của chúng ta. Cảm tạ và phó thác cho Chúa vì cuộc sống này vẫn tiếp tục có ý nghĩa và đáng sống.
Trích sách Lẽ Sống



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét