24/12/2017
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng năm B
(phần II)
SCĐ
CHÚA NHẬT IV MÙA VỌNG B
Chủ Đề
CHUẨN
BỊ GẦN CHO VIỆC CHÚA ĐẾN
Thiên
thần truyền tin cho Đức Mẹ
Sợi chỉ
đỏ
- Bài
đọc I (2 Sm 7,1-5.8b-11.16) : Ngôn sứ Natan báo cho vua Đavít biết Thiên Chúa
sẽ cho Đấng Messia xuất hiện trong dòng dõi của ông.
- Đáp
ca (Tv 88) : Lặp lại lời Thiên Chúa hứa với Đavít qua miệng Ngôn sứ Natan.
- Tin
Mừng (Lc 1,26-38) : Thiên thần Gabriel báo tin cho Đức Maria hay Người được
Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế.
- Bài
đọc II (Rm 16,25-27) : "Tin Mừng mặc khải mầu nhiệm từ ngàn xưa vốn được
giấu kín, nhưng nay được biểu lộ"
I. DÃN
VÀO THÁNH LỄ
Càng
gần đến lễ Giáng sinh, lời cầu chúc mà chúng ta vẫn nghe ở đầu Thánh lễ
"Chúa ở cùng anh chị em" càng thêm ý nghĩa. Đây chính là lời ngôn sứ
Natan nói với vua Đavít trong bài đọc I hôm nay, và cũng là lời thiên sứ
Gabriel nói với Đức Mẹ trong bài Tin Mừng. Chúng ta hãy dọn tâm hồn cho xứng
đáng để Chúa thực sự ở cùng chúng ta.
II. GỢI
Ý SÁM HỐI
- Đã
bao dịp lễ Giáng sinh chúng ta chỉ lo chuẩn bị bề ngoài mà không lo chuẩn bị
tâm hồn cho xứng đáng.
- Đã
bao dịp lễ Giáng sinh chúng ta chỉ lo cho bản thân và gia đình mình mà không
quan tâm đến những người khác.
- Đã
bao dịp lễ Giáng sinh người công giáo chỉ biết mừng lễ với nhau mà không chia
xẻ niềm vui cho anh em lương dân.
III.
LỜI CHÚA
1. Bài
đọc I : 2 Sm 7,1-5.8b-11.16
Sau khi
vua Đavít đã chiến thắng mọi quân thù và đã yên vị trong Hoàng cung, ông muốn
xây cho Chúa một ngôi nhà. Ông đem dự định ấy ra hỏi ngôn sứ Natan. Natan thỉnh
ý Chúa xong, trở lại trả lời cho Vua Đavít :
- Thiên
Chúa không cần ở trong những ngôi nhà vật chất cho dù có sang trọng và vững
chắc bao nhiêu đi nữa.
- Ngược
lại, Thiên Chúa muốn xây "nhà" cho Đavít, nghĩa là củng cố triều đại
của ông cho bền vững đến muôn đời.
2. Đáp
ca : Tv 88
Tv này
ca ngợi Thiên Chúa đã trung thành giữ lời Ngài đã hứa với Đavít là sẽ cho
"nhà" (triều đại) của ông bền vững muôn đời.
3. Tin
Mừng : Lc 1,26-38
Nếu
nhìn lại lịch sử bằng cái nhìn của loài người thì xem ra Lời Thiên Chúa hứa với
Đavít (một triều đại trường tồn) đã không được thực hiện, bởi vì từ khi nước Do
thái bị đế quốc Babylon thôn tính thì không còn vua thuộc dòng dõi Đavít nữa.
Nhưng
Thiên Chúa có cách hành động vượt ngoài dự đoán của loài người : Đức Giêsu là
dòng dõi Đavít chính là vị Vua sẽ làm cho triều đại Đavít vững bền mãi mãi. Qua
biến cố truyền tin, Đức Giêsu bắt đầu nhập thể trong lòng Đức Trinh nữ Maria.
Thiên sứ Gabriel đã nói cho Đức Mẹ biết về tương lai của hài nhi : "Thiên
Chúa sẽ ban cho Ngài ngai báu Đavít tổ phụ Ngài… và triều đại Ngài sẽ vô
tận".
4. Bài
đọc II : Rm 16,25-27
Thánh
Phaolô suy gẫm về mầu nhiệm cứu độ : đó là điều được Thiên Chúa dấu kín từ đời
đời nhưng nay nhờ Đức Giêsu mà được tỏ bày cho muôn dân.
Thật
đúng như lời ngôn sứ Natan đã nói với vua Đavít và thiên sứ Gabriel nói với Đức
Mẹ : triều đại của Đức Giêsu mở rộng đến vô biên.
IV. GỢI
Ý GIẢNG
* 1.
Loài người muốn xây nhà cho Chúa
Bài đọc
I hôm nay thuật rằng vua Đavít muốn xây cho Chúa một ngôi nhà nhưng Ngài từ
chối. Tin Mừng theo Thánh Luca cũng thuật rằng khi tới lúc Đức Giêsu sắp sinh
ra, Thánh Giuse và Đức Mẹ không tìm được chỗ trong các quán trọ nên Đức Mẹ phải
sinh Đức Giêsu trong hang đá.
Thiên
Chúa không cần đến những ngôi nhà của loài người chúng ta !
Ngôi
nhà mà Thiên Chúa muốn chính là một triều đại bền vững muôn đời, triều đại bắt
đầu với Đavít và tiếp nối bởi những kẻ thực lòng kính mến tôn thờ Ngài. Ngôi
nhà mà Thiên Chúa muốn là những tâm hồn như Đức Maria, luôn khiêm tốn vâng theo
thánh ý Chúa.
Để
chuẩn bị Lễ Giáng sinh, chúng ta cũng "cất nhà" cho Chúa. Đó là những
hang đá, máng cỏ theo kiểu truyền thống ; những mô hình cách điệu, những bức
họa theo kiểu hiện đại ; những trang trí lộng lẫy huy hoàng v.v. Nhưng chúng ta
phải biết rằng Chúa không thích những ngôi nhà đó cho bằng những đền thờ được
xây dựng trong chính tâm hồn chúng ta và tâm hồn những người chung quanh chúng
ta.
* 2.
Thiên Chúa xây nhà cho loài người
Vua
Đavít có kế hoạch xây một Đền thờ huy hoàng cho Chúa bằng tất cả những vật liệu
quý giá nhất mà ông có thể có được. Đức Maria cũng có một hướng sống mà Người
cho là đẹp lòng Chúa nhất : "Tôi không biết đến người nam".
Thiên
Chúa không từ chối ý tốt đó : Ngài nói với Đavít "Điều gì ngươi nghĩ trong
lòng thì cứ thực hiện". Nhưng Ngài giúp vua Đavít và Đức Maria thực hiện
theo một cách thức vượt ngoài dự tưởng của các ngài : Natan nói với Đavít
"Thiên Chúa ở cùng bệ hạ" ; Thiên sứ Gabriel cũng nói với Maria
"Thiên Chúa ở cùng cô". Ngôi nhà mà Thiên Chúa cùng xây dựng với loài
người chính là tâm hồn con người.
Nhưng do
đâu mà tâm hồn vua Đavít được Chúa chọn làm nhà ? Do lòng sám hối sâu xa về tội
đã phạm. Và do đâu mà tâm hồn Đức Maria trở thành nhà của Chúa ? Do lòng khiêm
tốn và tuyệt đối tin tưởng vào Chúa : "Này tôi là tôi tớ Chúa, xin hãy
thành sự nơi tôi như lời thiên sứ truyền".
* 3.
Đón nhận Chúa
Hai
gương mặt nổi bật hôm nay là Vua Đavít và Đức Maria. Cả hai giống nhau ở điểm
là muốn làm cho Chúa những gì tốt đẹp nhất, nhưng cuối cùng điều tốt đẹp ấy
không phải là do hai vị làm cho Chúa mà là đón nhận việc Chúa làm cho mình.
Chuyện
của hai vị gợi cho chúng ta một số ý tưởng :
- Thiên
Chúa quý chuộng thiện chí của con người. Vì thiện chí nên vua Đavít và Đức
Maria được Thiên Chúa chọn.
- Nhưng
Thiên Chúa có chương trình của Ngài. Chương trình này vượt quá dự tính của con
người.
- Nhờ
vâng lời, con người được tham dự vào chương trình của Thiên Chúa và thiện chí
của con người được Thiên Chúa nâng lên đến tầm mức kết quả không ngờ.
Chúng
ta hãy chuẩn bị đón nhận Chúa bằng cách :
- Trình
bày cho Chúa những thiện chí của mình.
- Khiêm
tốn thưa với Ngài "Này con là tôi tớ của Chúa"
- Xin
vâng theo kế hoạch của Ngài, cho dù có bất ngờ hay vượt quá dự tưởng của mình.
* 4.
Chiếc đũa thần và Cô bé Lọ lem
Câu
chuyện được thánh Luca kể trong đoạn Tin Mừng này có phần giống chuyện cổ tích
về Cô bé Lọ Lem. Cô Bé Lọ Lem Cinderella nghèo nàn xấu xí bỗng dưng trở thành
nàng công chúa cực kỳ xinh đẹp chỉ bằng một cái phất nhẹ chiếc đũa thần của một
Bà tiên.
Chúng
ta hãy đọc kỹ những mô tả của Thánh Luca về tình trạng "đã là",
"đang là" và "sẽ là" của Maria :
- Tình
trạng đã và đang là của Maria thì rất tầm thường : một thôn nữ sinh sống ở làng
Nadarét vô danh rất ít người biết đến, mang một cái tên khá phổ biến là Maria
(nguyên trong Tin Mừng thôi đã có ít là 3 người phụ nữ khác cũng mang tên Maria
như thế). Lý lịch của nhân vật thứ nhất trong câu chuyện của Luca chỉ có thế,
không như lý lịch của nhân vật thứ hai là Giuse dù sao cũng còn được ghi kèm là
"thuộc dòng dõi Đavít".
- Nhưng
tình trạng sẽ là của Maria thì khác hẳn : Maria "sẽ thụ thai sinh hạ một
con trai và đặt tên là Giêsu". Đứa con đó "sẽ nên cao cả và sẽ được
gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai
vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và
triều đại Người sẽ vô cùng vô tận". Cô thôn nữ tầm thường Maria sẽ là mẹ
của Đấng Cứu Tinh thiên hạ.
Chiếc
đũa thần chính là quyền năng của Thiên Chúa : "Đối với Thiên Chúa, không
có gì là không thể làm được". Mà giây phút chiếc đũa thần vung lên chính
là lúc Maria thốt lên lời Fiat. Trong Kinh Truyền tin, chúng ta vẫn đọc
"Phút ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người". Trước tiếng Fiat, Maria
là Cô Bé Lọ Lem, sau tiếng Fiat, Maria trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế. Tiếng Fiat
nhiệm mầu giống câu thần chú "Vừng ơi mở ra" vậy !
Nhưng Fiat
là gì ? Fiat không hẳn là "Xin vâng", vì "xin vâng" hàm ý
là Maria sẽ đi làm theo ý Thiên Chúa, phần chủ động vẫn là phía con người. Mà
nếu như để con người làm thì con người có làm được gì đáng kể đâu. Bàn tay yếu
ớt của Cô Bé Lọ Lem làm sao nhặt lựa cho hết mấy thúng hạt đậu. Cô thôn nữ
Maria làng Nadarét làm gì được để cứu độ cả thế giới loài người. Đúng hơn, Fiat
là "Xin Chúa cứ làm cho tôi", chính Chúa làm chứ không phải Maria
làm, phần của Maria chỉ là để cho Chúa làm, bằng chiếc đũa thần quyền năng của
Ngài. Và khi chiếc đũa thần ấy vung lên, Maria cảm nghiệm "Chúa đã làm cho
tôi bao điều cao cả" (Đáp ca).
Tuy
nhiên, chúng ta đừng tưởng Maria hoàn toàn thụ động, chỉ ở yên để Chúa làm, vậy
thôi. Quả thật, phần cộng tác của Mẹ không nhỏ chút nào : Người muốn một tương
lai êm ả, nhưng Chúa làm cho tương lai ấy hoàn toàn đổi hướng với biết bao xáo
trộn. Thử tưởng tượng một thiếu nữ mang thai trước khi về nhà chồng. Biết bao
rắc rối và khổ tâm đối. Biết bao khó xử đối với gia đình, với họ nhà chồng và nhất
là với người chồng sắp cưới. Để Chúa làm có nghĩa là mình không làm chủ
đời mình nữa nhưng giao trọn dòng đời cho Ngài định hướng, miễn sao mọi sự đi
đúng chương trình của Ngài. Dù sao, Maria vẫn tin rằng Chúa sẽ hướng đời Mẹ đến
chỗ tốt đẹp : "Phận nữ tì hèn mọn, Ngài đoái thương nhìn tới. Từ nay hết
mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc" (Đáp ca).
Chúng
ta cũng là những cô bé lọ lem. Thiên Chúa có chiếc đũa thần kỳ diệu "không
có gì mà Thiên Chúa không làm được". Làm thế nào để Thiên Chúa vung chiếc
đũa thần ấy lên cho đời ta được biến đổi ? Chúng ta hãy noi gương Đức Mẹ thưa
lên lời Fiat : "Xin Chúa cứ làm cho con"
* 5.
Xin vâng
Một
linh mục nổi tiếng là thánh thiện và nhiệt thành có kể lại kinh nghiệm khi được
mời dự tiệc tại một nhà giáo dân khá giả trong giáo xứ như sau :
Trong
suốt bữa tiệc thịnh soạn hôm đó, giữa tiếng cười nói của thực khách, có một
điều làm tôi thắc mắc đó là tiếng nước chảy đâu đó trong nhà. Vì là lần đầu
tiên được mời, tôi không dám lên tiếng, chỉ mong sao có người nhà nhận ra tiếng
nước chảy đó.
Sau
cùng, không thể cầm lòng được, tôi hỏi một người giúp việc. Với nụ cười lịch
sự, người này giải thích. Cách đây khoảng 40 năm, khi người ta đào móng xây nhà
và dựng nông trại, tình cờ họ đã khám phá ra mạch nước ngầm. Thế là họ xây một
căn phòng ngay bên mạch nước, kể từ đó họ xây những căn phòng khác ở chung
quanh.
Mạch
nước ngay trong nhà mình, tư tưởng đó xâm chiếm tâm trí tôi suốt quảng đường
về, và tôi đoán ra được đâu là bí quyết hạnh phúc của gia đình giáo dân ngoan
đạo và tốt lành đó.
*
Câu
chuyện trên đây gợi lại trong tâm trí chúng ta lời sứ thần chào Đức Trinh Nữ :
"Kính Mừng Maria đầy ơn phúc" (Lc.1,28). Vâng, mẹ chính là mạch suối
tràn đầy thánh ân, mạch suối trong lành, tươi mát, mạch suối không bao giờ cạn
của Thiên Chúa.
Để
chuẩn bị cho Ngôi Hai xuống thế làm người, Thiên Chúa đã dọn sẵn cung lòng Đức
Maria trinh khiết vẹn tuyền, xứng đáng cho Con Thiên Chúa ngự đến. Thiên Chúa
đã ưu đãi và ban ơn đặc biệt cho Mẹ qua lời sứ thần : "Maria đừng sợ, vì
đã được ơn nghĩa với Chúa" (Lc.1,3). Và để bảo đảm cho sự can thiệp đặc
biệt này, sứ thần loan báo thêm : "Chúa Thánh Thần sẽ đến với Trinh Nữ, và
uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm Trinh Nữ" (Lc.1,35). Như vậy, việc sinh
con này hoàn toàn do Thiên Chúa, xác thịt không tham dự vào.
Cuối
cùng, thiên thần đã kết thúc sứ điệp Truyền Tin bằng một lời bảo đảm tuyệt diệu
: "Vì không việc gì mà Thiên Chúa không làm được" (Lc.1,38).
Và Đức
Maria, với tâm tình đầy tin tưởng, vâng phục và phó thác, liền thưa : "Xin
Vâng" (Lc.1,38). Một câu tuy ngắn gọn nhưng đã thay đổi hoàn toàn bộ mặt
thế giới. Một câu đã khai mở kỷ nguyên cứu rỗi. Một câu đã đem lại cho muôn
loài niềm hy vọng và bình an.
Với
"Uy quyền Đấng Tối Cao", một thế giới tuyệt vọng trong vòng kiềm tỏa
của tội lỗi, đã hy vọng được ơn giải thoát.
Với
"Uy quyền Đấng Tối Cao", một cung lòng trinh nữ không sinh con, đã
được dâng hiến để hạ sinh Đấng Cứu Thế.
Với
"Uy quyền Đấng Tối Cao", một nhân loại đang sống dưới ách nô lệ của
Satan, đã được tự do làm con cái Chúa.
Lời
thưa "Xin Vâng" của Mẹ không chỉ thốt lên một lần để thay tất cả,
nhưng là tiếng "xin vâng" liên lỉ trọn kiếp người. Từ tiếng "xin
vâng" đầy phó thác và tuân phục vào ngày Truyền Tin đến lời "xin
vâng" trọn vẹn tin yêu và chấp nhận dưới chân thập giá.
*
Lạy Mẹ
Maria, việc Mẹ thụ thai cách lạ lùng là dấu hiệu báo trước sứ mạng cao cả của
Hài Nhi. Xin cho chúng con biết vâng phục và phó thác cho chương trình nhiệm
mầu của Chúa. Nhất là xin Mẹ cho chúng con biết cộng tác với ơn Chúa để hoàn
thành sứ mạng mà Chúa đã giao phó cho mỗi người chúng con. Amen. (Thiên Phúc,
"Như Thầy đã yêu")
* 6.
"Xin Chúa cứ làm nơi con"
"Đối
với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được".
Câu này
chẳng gây thắc mắc gì đối với những việc Thiên Chúa đã làm trong vũ trụ và
trong lịch sử : Thiên Chúa đã làm ra trời đất muôn vật bao la vô vàn vô số ;
Thiên Chúa đã làm bao phép lạ từ xưa tới nay v.v.
Nhưng
tôi có thể áp dụng câu này vào chính bản thân tôi không ? Nói cách khác, Thiên
Chúa có thể làm được bất cứ điều gì nơi bản thân tôi không ?
- Rất
nhiều khuynh hướng xấu đã đâm rễ rất sâu trong con người tôi. Dù đã cố gắng rất
nhiều nhưng tôi đã không bứng rễ chúng được. Thiên Chúa có bứng được không ?
- Tôi
là một kẻ tội lỗi. Thiên Chúa có thể làm cho tôi thành một vị thánh không ?
- Tôi
là một người rất ít khả năng. Thiên Chúa có thể dùng tôi để thực hiện những dự
định lớn lao của Ngài không ?
Dù còn
bối rối và chưa hiểu như Đức Maria ngày xưa, nhưng thôi, tôi hãy bắt chước Mẹ
mà thưa lại "Xin Chúa cứ làm nơi con".
V. LỜI
NGUYỆN CHO MỌI NGƯỜI
Chủ tế
: Anh chị em thân mến, lễ Giáng Sinh đã gần kề, hôm nay Hội thánh nêu bật Đức
Maria là mẫu gương cho những người tiếp đón Đức Giêsu. Chúng ta hãy dâng lên
Chúa những ý nguyện sau đây :
1. Đức
Maria đã rộng lòng đón tiếp Đức Giêsu xuống thế cứu độ loài người / Chúng ta
hãy cầu nguyện cho mỗi thành phần trong Hội thánh biết noi gương Đức Maria /
đón tiếp Đức Giêsu vào cuộc sống của mình.
2. Đức
Maria đã tìm hiểu ý muốn của Thiên Chúa rồi sẵn sàng vâng theo / Chúng ta hãy
cầu nguyện cho những người lãnh đạo các quốc gia biết tìm hiểu chương trình cứu
độ của Đức Giêsu / để dẹp bỏ mọi thành kiến và nghi kỵ đói với đạo Chúa.
3. Đức
Maria đã tin rằng đối với Thiên Chúa không có gì là không thể làm được / Chúng
ta hãy cầu nguyện cho những người là nạn nhân của chia rẽ, bất công, hận thù,
nghèo đói không rơi vào thất vọng / nhưng tìm được hy vọng nơi Chúa là Đấng có
thể làm được tất cả.
4. Đức
Maria đã cộng tác với Chúa Thánh Thần để Đức Giêsu nhập thể cứu độ / Chúng ta
hãy cầu nguyện cho anh chị em trong cộng đoàn họ đạo chúng ta / biết cộng tác
với Chúa Thánh Thần để Đức Giêsu luôn được chúng ta tiếp đón trong cuộc đời.
Chủ tế
: Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần Chúa đến với mỗi người chúng con, giúp chúng con
biết đón nhận Đức Giêsu, để đem Đức Giêsu đến cho mọi người chung quanh chúng
con. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô...
VI.
TRONG THÁNH LỄ
- Nên
đọc Kinh nguyện Thánh Thể 4, nhấn mạnh những chỗ sau :
. (Cuối
đoạn 1) : Hơn nữa nhiều lần Cha đã giao ước với loài người và dùng các ngôn sứ
mà dạy cho biết đợi chờ ơn cứu độ.
. (Đầu
đoạn 3) : Lạy Cha chí thánh, Cha quá yêu thương thế gian, đến nỗi khi tới thời
viên mãn, đã sai Con Một đến cứu độ chúng con…
- Trước
kinh Lạy Cha : Bài đáp ca hôm nay chứa đựng một lời Chúa hứa cho vua Đavít :
"Đavít sẽ thưa với Ta : Chúa là Cha tôi". Lời hứa này chúng ta đang
được thừa hưởng : chúng ta trở thành con Thiên Chúa và được gọi Thiên Chúa là
Cha. Trong tâm tình vui sướng được làm con Thiên Chúa, chúng ta hãy dâng lên
Ngài lời kinh Lạy Cha.
- Trước
lúc Rước Lễ : Chúng ta hãy đón rước Chúa vào lòng với những tâm tình sốt sắng
như Đức Mẹ ngày xưa. "Này con là tôi tớ Chúa. Xin hãy thực hiện nơi con
điều Chúa muốn". "Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng cứu độ trần
gian…"
VII.
GIẢI TÁN
Chúa đã
ở cùng anh chị em. Anh chị em hãy ra về và suốt tuần hãy nhớ ở cùng Chúa trong
mọi nơi, mọi lúc và mọi việc anh chị em làm.
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật IV Mùa Vọng (B)
Chủ Nhật 24 Tháng Mười Hai, 2017
1. Lời nguyện mở
đầu
Lạy Đấng Tối Cao, Thiên Chúa toàn năng,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con
thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin hãy hướng dẫn tâm trí chúng con
biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng con.
Nguyện xin cho sự nghèo nàn về cảm xúc của chúng con
che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con
để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc
bình minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh,
Hương vị của kỷ niệm đất thánh.
2. Bài Đọc
a) Phúc Âm theo thánh Luca 1:26-38
26 Khi bà Isave có thai được sáu
tháng, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là
Nagiarét, 27 đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc
chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
28 Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở
cùng trinh nữ.” 29 Nghe lời đó, trinh nữ
bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
30 Thiên thần liền thưa: “Maria đừng
sợ, vì đã được nghĩa với Chúa. 31 Này
trinh nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. 32 Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con
Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người
ngôi báu Đavít tổ phụ Người. 33 Người sẽ
cai trị đời đời trong nhà Giacóp và triều đại Người sẽ vô tận.” 34 Nhưng Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không
biết đến người nam?” 35 Thiên thần
thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh
nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh
và được gọi là Con Thiên Chúa. 36 Và
này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay
đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; 37 vì không có việc
gì mà Thiên Chúa không làm được.” 38
Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ
Chúa, tôi xin vâng lời như thiên thần truyền.”
Và thiên thần cáo biệt bà.
b) Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong lòng chúng ta.
Suy Gẫm
a) Một vài câu hỏi gợi ý:
– Trong tháng thứ sáu: mắt tôi có thấy được các thiên thần mà Thiên
Chúa đã sai đến với tôi không?
– Đừng sợ: những lo lắng của chúng ta có phải phát xuất
từ nỗi sợ hãi và băn khoăn hay là chúng đến từ nhận thức của chúng ta về một mầu
nhiệm nào đó đang lẩn quẩn trong tâm trí và liên quan đến cá nhân chúng ta
không?
– Không có việc gì mà Thiên Chúa
không làm được: Tác tạo là công việc của
Thiên Chúa; nhận lãnh là nhiệm vụ của nhân loại. Tôi có tạo điều kiện trong đời tôi khái niệm
về một sự sống đến từ quyền năng Chúa Thánh Thần không?
b) Chìa khóa dẫn đến bài Tin Mừng:
Câu 26-27: Khi bà Isave có thai
được sáu tháng, thiên thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên
là Nagiarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc
chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria.
Trong tháng thứ sáu: Đây là thời
điểm chính xác cho những ai đã đọc trang trước của sách Tin Mừng, cuộc gặp gỡ
giữa thiên thần Gabriel với ông Giacaria trong đền thờ. Nhưng đối với Đức Maria, bà không được biết,
tháng thứ sáu này là “ngày hôm nay” của bà.
Chúng ta cũng giống như Đức Maria, cũng có một ngày hôm nay độc nhất,
lúc mà được mời tham dự vào một kế hoạch đã được định sẵn cho chúng ta. Nhưng ngày hôm nay này không phải là một thời
gian riêng rẽ, nó được nối kết với thời gian của những người khác, mỗi một ngày
hôm nay thì độc nhất và không trùng hợp, một ngày hôm nay được sắp đặt cùng với
các ngày hôm nay khác cho đến lúc mà Lời Chúa được hoàn thành. Cách ân phúc này thì rất đơn giản. Chủ đề là Thiên Chúa. Từ ngữ được nhắc đến: một trinh nữ. Nhân vật trung gian: thiên thần Gabriel. Mọi thứ được đặt tên: thành tên là Nagiarét; một trinh nữ tên là
Maria; người mà trinh nữ đã đính hôn với tên là Giuse. Tất cả mọi việc đều có sự sắp đặt lịch sử
chính xác. Tháng thứ sáu chỉ về sự thai
nghén của bà Êlisabéth. Người trinh nữ
là cô dâu đã đính hôn. Ông Giuse thuộc
chi họ Đavít. Thiên Chúa không xuất hiện
một cách tùy tiện, Người đến trong những hoàn cảnh đã hiện hữu, những người
phàm ấy, được dựng lên bởi những người có tên.
Câu 28: Thiên thần vào nhà trinh
nữ và chào rằng: “Kính chào trinh nữ đầy
ơn phước! Thiên Chúa ở cùng trinh nữ.”
Những lời của Tin Mừng: “Thiên thần
đã đi vào”, có thể được hiểu theo hai cách:
thiên thần đã đi vào nhà của trinh nữ hay là thiên thần đã đi vào bản thể
của trinh nữ. Do đó, Đức Maria có thấy
thiên thần hay không? Bà đã nhìn thấy và
đã nghe thấy tiếng thiên thần. Điều này
đúng vì tất cả những gì đã nói sẽ được thực hiện. Với con mắt nào mà Đức Maria đã nhìn thấy
thiên thần? Bằng con mắt thể lý hay bằng
con mắt tâm linh? Mầu nhiệm cuộc gặp gỡ
của một con người với Thiên Chúa không thể giải thích được. Nó xảy ra và chỉ thế thôi. Đó là cuộc gặp gỡ đã để lại một dấu ấn, và tại
đây chứa đựng tính trọng đại của sự việc.
Bà là Đấng đầy ơn phước chỉ có con mắt của tâm linh, vì thế đối với
trinh nữ chỉ có một cách nhìn thấy, qua tâm linh, rằng cái nhìn trong sáng của
tâm hồn tinh tuyền có thể nhìn lên Thiên Chúa và bất tử.
Câu 29: Nghe lời đó, trinh nữ bối
rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì.
Sự bối rối của Đức Maria hoàn toàn hợp lý. Phong cách mà Đức Maria thấy mình, dù rằng bà
đầy ơn phước, không cho phép bà tự tách rời mình khỏi những người khác, và thế
nên bà không nhận thức được ý nghĩa đầy ơn phúc, vì đó là điều tự nhiên bà phải
làm, làm đúng ở mọi lúc và khắp mọi nơi, trung thành với việc nhận thức nội tâm
đã đưa Đức Maria vượt trổi lên cao.
Câu 30: Thiên thần liền
thưa: “Maria đừng sợ, vì đã được nghĩa với
Chúa.
Nỗi lo sợ của Đức Maria là sự kinh ngạc của tất cả những kẻ nhỏ bé ngạc
nhiên trước việc được chú ý từ một người quan trọng nào đó. Và nếu người ấy lại là Thiên Chúa, thì nỗi lo
sợ ấy sẽ lớn lao dường nào? Thật tuyệt vời
khi mà một người cảm thấy sự hoàn toàn nhỏ bé của mình mà lại có tất cả mọi thứ
từ ân sủng cho không của tình yêu.
Câu 31: Này trinh nữ sẽ thụ thai,
hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu.
Chương trình của Thiên Chúa được mặc khải: sẽ thụ thai, hạ sinh và đặt tên. Đấng Cứu Thế đã đến, trong lời của thiên thần. Thật tuyệt vời! Hằng thế kỷ và hằng thế kỷ chờ đợi đã được
viên mãn trong chữ này: Giêsu.
Câu 32-33: Người sẽ nên cao trọng
và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên
Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp và
triều đại Người sẽ vô tận.
Khi Thiên Chúa tiếp cận một người để gọi người ấy tham gia vào trong
chương trình cứu chuộc, Người làm một cách hoàn chỉnh. Chỉ còn lại điều không rõ là phương cách hợp
tác của loài người, bởi vì người ta được hoàn toàn tự do làm cụ thể hóa việc
hoàn thành chương trình của Thiên Chúa.
Điểm khởi hành là: một người con
“không dự kiến”. Nơi đi tới là: Con Đấng Tối Cao, Đấng sẽ ngồi trên ngôi báu
Đavít và sẽ ngự trị muôn đời. Các phương
tiện để hoàn thành điều này là con người của bạn. Giờ đây thì tùy ý bạn có muốn trở thành vai
chính hay không.
Câu 34: Maria thưa với thiên thần: “Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không
biết đến người nam?”
Đức Maria hỏi thiên thần làm cách nào để hoàn thành thánh ý của Thiên Chúa. Bà không hề nghi ngờ Thiên Chúa, bà biết rằng
Lời Chúa phán ra thì luôn luôn khả thi.
Làm cách nào là việc Đức Maria lo lắng, việc mà bà được gọi thì xong rồi. Đức Maria biết chắc rằng bà muốn gì và ý định
“không biết đến người nam” vẫn không thay đổi, bởi vì Thiên Chúa không muốn hủy
bỏ các dự tính của con cái Người, được thiết lập bởi những ước muốn chân thành
nhất. Bà biết rằng dự tính của mình sẽ
phù hợp với kế hoạch vừa được nghe.
Nhưng Đức Maria không biết làm thế nào việc sẽ xảy ra. Và vì vậy bà chỉ đơn thuần thắc mắc để làm
theo đúng y như những gì đã được yêu cầu.
Câu 35: Thiên thần thưa: “Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy
quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ.
Vì thế Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên
Chúa.
Lời thiên thần giải thích. Đức
Maria chỉ cần tự nhiên chấp nhận, bởi vì Chúa Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà,
uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao phủ bà, và Đấng Thánh sẽ được sinh ra.
Câu 36-37: Và này, Êlisabéth chị
họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được
sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Thiên Chúa
không làm được.”
Kinh nghiệm của bà Êlisabéth được thiên thần nói ra cho Đức Maria thì
không có gì hơn là một cơ hội nối kết với lịch sử. Đức Maria đã phải biết về bà Êlisabéth, bởi
vì cả hai đang dọn đường cho lời hứa với nhà Israel được thực hiện: Gioan là tiếng nói, Đức Giêsu là chàng rể. Cùng chung một dự án.
Câu 38: Maria liền thưa: “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng lời như
thiên thần truyền.” Và thiên thần cáo biệt
bà.
Câu trả lời của Đức Maria là điều cần thiết: Này tôi đây.
Sự hết sức chú tâm về Lời Chúa công bố cho Đức Maria đến nỗi mà bà chỉ
có thể cảm thấy rằng bà là “người tôi tớ”, một công cụ hữu ích cho việc thực hiện
cụ thể thánh ý của Chúa Cha. Tôi xin
vâng lời … đây không phải là một lời xin vâng thụ động; đó là một lời xin vâng
có ý thức về sự trọng đại của việc tham gia của mình, một lời xin vâng sâu xa
mang lại dung nhan của Thiên Chúa trong các nét đặc trưng của nhân loại.
c) Suy niệm
“Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin
vâng lời như thiên thần truyền.” (Ecce ancilla Domini; fiat mihi secundum
verbum tuum! ) Này đây … chữ này thật cần
thiết và linh động. Không có một từ ngữ
nào phù hợp với loài người hơn là lúc này, tỉnh táo, nín thở để khỏi mất đi bất
cứ điều gì về mầu nhiệm đang chia sẻ của Thiên Chúa. Tôi xin vâng lời… sự chọn lựa của Thiên Chúa
thì xứng đáng được chấp nhận, nhưng đòi hỏi sự im lặng sâu xa tuyệt đối, xin
hãy để việc xảy ra với tôi… Đức Maria biết
rằng bà không là vai chính, mà là người tôi tớ của thánh ý Thiên Chúa; bà thuộc
vào nhóm những người tôi tớ mà Chúa Giêsu sẽ gọi là bạn hữu: một người đầy tớ không biết việc của chủ
làm. Nhưng bạn hữu thì biết. Bất cứ điều gì Ta nghe từ Cha Ta, Ta đã mặc
khải cho các con. Bóng của Chúa Thánh Thần
bao phủ hiện diện trên một tạo vật xinh đẹp như thế bởi vì sự sẵn lòng của
nàng, sẽ thì thầm bí mật mầu nhiệm của Thượng Đế. Và những lần đi truy tìm phương cách mới của
ân sủng sẽ đạt đến tột đỉnh của chúng khi Con Thiên Chúa sẽ thấy ánh sáng của một
không gian vô cùng nhỏ cho quyền năng của Người, không gian giới hạn và bất trắc. Đức Maria, cái nôi đầu tiên của Ngôi Lời khôn
ví, vòng tay ôm đầu tiên sự sáng sắp đến, không có một kho tàng quý giá hơn là
lòng khiêm nhường của bà; khiếm khuyết nhận được sự bù đắp, sự nhỏ bé được gọi
là vô tận, tình yêu giới hạn đòi hỏi vòng tay ôm của Thượng Đế.
3. Cầu Nguyện
Sách 1Samuel 2:1-10
“Tâm hồn con hoan hỷ vì ĐỨC CHÚA,
nhờ ĐỨC CHÚA, con ngẩng đầu hiên ngang.
Con mở miệng nhạo báng quân thù:
Vâng, con vui sướng vì được Ngài cứu độ.
Chẳng có Đấng thánh nào như ĐỨC CHÚA,
chẳng một ai khác, ngoại trừ Ngài,
chẳng có Núi Đá nào như Thiên Chúa chúng ta.
Cung nỏ người hùng bị bẻ tan,
kẻ yếu sức lại trở nên hùng dũng.
ĐỨC CHÚA xét xử khắp cùng cõi đất,
ban quyền năng cho đức vua Người chọn,
nêu uy thế Đấng Người đã xức dầu tấn phong.”
4. Chiêm Niệm
Lạy Chúa, xin hãy để cho làn gió nhẹ nhàng của sự im lặng, làn gió của
ân sủng, cuốn hút đi tất cả các tiếng nói và âm thanh mà dần dần tách rời trái
tim xa khỏi sự hiện hữu của con. Nguyện
xin bóng quang minh của Chúa đi ngang qua ngợp với hương thơm của Chúa trong bầu
không khí mà con hít thở để cho con có thể không thấy ai ngoài Chúa. Và khi từng chữ của Kinh Thánh được suy gẫm,
cùng với các sự kiện tạo nên kỷ niệm cho cuộc gặp gỡ của con và Chúa, sẽ trở
thành các tế bào trong thân xác con, thế gian sẽ nhận ra Chúa lần nữa, sẽ diện
kiến dung nhan Chúa bằng xương bằng thịt mà con sẽ dâng lên Chúa. Các giới hạn của bản thể con sẽ nói lên những
thần kỳ của quyền năng Chúa, trừ phi con cố gắng chạy trốn hoặc né tránh một
cách vô ích, thì con sẽ yêu thương những Lời của Chúa đúng như con người cá biệt
của con. Rồi con sẽ suy tưởng Lời Chúa,
nói Lời Chúa, thực hiện Lời Chúa, bởi vì, không trốn chạy khỏi chính bản thân
mình, con sẽ phải gặp gỡ Chúa ở nơi chốn nào đó: ở trong sâu thẳm bản thể giới hạn của con,
trong nội tâm của con và trong sự thinh lặng thiết yếu của con, nơi mà tình yêu
được cho đi mang lại quà tặng tình yêu và tạo ra nhịp cầu hiệp thông.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét