24/12/2017
Chúa Nhật 4 Mùa Vọng năm B
(phần I)
Bài Ðọc I: 2 Sm 7, 1-5.
8b-12. 14a. 16
"Nước Ðavít sẽ
tồn tại muôn đời trước mặt Chúa".
Bài trích sách Samuel
quyển thứ hai.
Khi ấy vua Ðavít ngự
trong đền và khi Chúa cho ông được bằng yên tư bề, khỏi mọi quân thù chung
quanh, thì vua nói với tiên tri Nathan rằng: "Ông thấy không? Ta ở trong
nhà làm bằng gỗ bá hương, còn hòm bia Chúa thì để ở trong lều bằng da ư?"
Nathan trả lời với vua rằng: "Ðiều vua nghĩ trong lòng, vua hãy đi thực hiện,
vì Chúa ở với vua". Nhưng xảy ra là, đêm ấy, có lời Chúa phán cùng Nathan
rằng: "Hãy nói với Ðavít tôi tớ Ta rằng: "Chúa phán thế này: Có phải
ngươi sẽ xây cất cho Ta một ngôi nhà để ở chăng?"
"Ta đã đem ngươi
ra khỏi đồi cỏ, lúc ngươi còn theo sau đoàn chiên, để ngươi trở nên thủ lãnh
Israel dân Ta, và Ta ở cùng ngươi trong mọi nơi ngươi đi. Ta đã tiêu diệt mọi
quân thù trước mặt ngươi, và Ta sẽ làm cho danh ngươi nên cao trọng như danh
các bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ đặt chỉ một nơi cho Israel dân ta, và Ta sẽ
vun trồng nó tại đó. Nó sẽ ở đó và sẽ không còn bị khuấy rối nữa. Con cái sự dữ
sẽ không còn đến đàn áp nó như xưa nữa, như ngày Ta thiết lập các vị Thẩm phán
trên Israel dân Ta. Ta sẽ cho ngươi được bằng yên khỏi mọi quân thù, và Chúa
phán trước cho ngươi biết là Chúa sẽ tạo lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi
và triều đại ngươi sẽ vững chắc đến muôn đời trước mặt Ta; ngôi báu ngươi sẽ vững
bền mãi mãi".
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 88, 2-3.
4-5. 27 và 29
Ðáp: Lạy Chúa, con sẽ ca ngợi tình thương của Chúa tới muôn
đời (x. c. 2a).
Xướng: 1) Con sẽ ca ngợi
tình thương của Chúa tới muôn đời, qua mọi thế hệ, miệng con loan truyền lòng
trung thành Chúa, vì Ngài đã phán: "Tình thương của Ta đứng vững muôn đời";
trên cõi trời cao, Ngài thiết lập lòng trung tín. - Ðáp.
2) Ta đã ký minh ước
cùng người ta tuyển lựa, Ta đã thề cùng Ðavít là tôi tớ của Ta rằng: "Cho
tới muôn đời Ta bảo tồn miêu duệ của ngươi, và Ta thiết lập ngai báu ngươi qua
muôn thế hệ". - Ðáp.
3) Chính người sẽ thưa
cùng Ta: "Chúa là Cha con, và Thiên Chúa là Ðá Tảng cứu độ của con".
Ðời đời Ta sẽ dành cho người lòng sủng ái, và lời ước Ta ký với người sẽ được
mãi mãi duy trì. - Ðáp.
Bài Ðọc II: Rm 16,
25-27
"Mầu nhiệm được
giữ kín từ đời đời, nay được tỏ bày".
Bài trích thơ Thánh
Phaolô Tông đồ gởi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, kính
chúc Ðấng có quyền năng làm cho anh em được vững vàng theo Phúc Âm tôi loan
truyền, và lời giảng dạy của Chúa Giêsu Kitô, theo mạc khải mầu nhiệm được giữ
kín từ đời đời, nhưng nay được tỏ bày, và nhờ các tiên tri ghi chép theo lệnh của
Thiên Chúa hằng hữu, được thông tri cho các Dân Ngoại, để dẫn đưa họ về vâng phục
đức tin.
Kính chúc Thiên Chúa,
Ðấng khôn ngoan độc nhất, nhờ Chúa Giêsu Kitô, kính chúc Người vinh quang muôn
đời! Amen.
Ðó là lời Chúa.
Alleluia: Lc 1, 38
Alleluia, alleluia! -
Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 1, 26-38
"Này Trinh Nữ
sẽ thụ thai và sẽ sinh một con trai".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, thiên thần
Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một
trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Ðavít, trinh nữ ấy
tên là Maria.
Thiên thần vào nhà
trinh nữ và chào rằng: "Kính chào trinh nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng
trinh nữ". Nghe lời đó, trinh nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa
gì.
Thiên thần liền thưa:
"Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này trinh nữ sẽ thụ thai, hạ
sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là
Con Ðấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Ðavít tổ phụ Người. Người
sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận".
Nhưng Maria thưa với
thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người
nam?"
Thiên thần thưa:
"Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Ðấng Tối Cao sẽ bao trùm
trinh nữ. Vì thế, Ðấng trinh nữ sinh ra sẽ là Ðấng Thánh và được gọi là Con
Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc
tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ;
vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa:
"Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và
thiên thần cáo biệt trinh nữ.
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Mầu Nhiệm Nhập
Thể
"Tình yêu"
là hai tiếng nói luôn ở trên môi miệng và trong con tim của nhân loại, hai tiếng
nói căn bản và thâm sâu nhất của cuộc sống.
Sinh ra, lớn lên và chết
đi, lúc nào con người cũng mong đợi tình yêu.
Có tình yêu, con người
hết là những viên đá nằm lạnh lùng bên cạnh nhau trên một con đường, những thân
cây vô tri vô giác mọc lên trong một đám rừng hay những con vật đi ăn chung thỉnh
thoảng cắn xé nhau để tranh miếng mồi ngon.
Tình yêu khiên con người
không những sống gần nhau, mà còn đi vào cuộc đời của nhau, chấp nhận chia sẻ từ
miếng cơm manh áo cho đến tâm tình ý tưởng của nhau, cùng vui, cùng khổ, cùng
lao động, cùng phấn đấu và vươn lên thoát khỏi nô lệ và vong thân trong xã hội.
Tình yêu là ánh sáng chiếu dọi, là sức nóng sưởi ấm giúp con người triển nở
trong hạnh phúc.
Tình yêu là động lực
thúc đẩy con người đến với nhau, gắn bó với nhau, để tất cả nên một: một lòng,
một trí, một ý chí, một cuộc đời.
Thánh Kinh luôn khẳng
định Thiên Chúa thương yêu con người cách đặc biệt. Tình yêu ấy khiến Thiên
Chúa đến với con người, trước khi con người đến gặp Thiên Chúa.
Tình yêu được biểu lộ
trong lịch sử, biến lịch sử thành môi trường cứu độ, nơi gặp gỡ giữa con người
và Thiên Chúa.
Những chương đầu của
sách Sáng thế cho thấy Yavê sống thân mật với con người, ngay từ khi con người
được tạo dựng. Ngài đi dạo mát với con người trong vườn Eđen, Ngài chăm sóc sức
khỏa và đời sống của con người. Ngài cho con người hưởng các hoa quả, cho con
người một bạn đường. Ngài đối thoại thân mật với con người.
Sách Sáng thế còn cho
thấy Ngài đến với con người qua dấu hiệu của thời tiết. Nhưng đặc biệt Ngài đã
đến viếng Abraham và ban cho ông lời hứa. Ngài đã ký kết với Abraham một giao ước
tình yêu và nhất quyết thi hành Giao ước đó. Ngài để ý đến nỗi khổ của ông: tuổi
đã già mà không có con nối dõi tông đường. Ngài đã cho ông một miêu duệ lớn gấp
trăm ngàn lần mong muốn.
Khi con cháu Abraham
chịu khổ cực và bị áp bức trong nước Aicập ngoại bang, Ngài đã đến để giải
phóng họ và Ngài muốn chọn Maisen - một người có lòng yêu nước nồng nàn - Ngài
đã gọi Maisen lúc ông bị đuổi bắt và chạy trốn vào sa mạc, vì đã giết chết một
người ngoại bang để bênh vực cho kẻ đồng hương.
Với Maisen, Thiên Chúa
cũng đã ký kết một giao ước và từ đó thiết lập một dân riêng làm chứng cho Ngài
giữa muôn nước.
Trong sa mạc, Thiên
Chúa luôn hiện diện. Hòm bia thánh là dấu hiệu sự gần gũi: ở giữa và ở gần kề.
Qua đám mây và cột lửa, chính Ngài hướng dẫn họ suốt cuộc hành trình.
Sự hiện diện của Chúa
là sự hiện diện giải phóng. Ngài cứu dân khỏi lầm than đau khổ và giúp họ chiến
đấu với kẻ thù để sống còn và tiến dần vào Ðất hứa.
Khi dân Chúa đã sống ổn
định và thiết lập một vương quốc bình an thịnh vượng, Chúa vẫn hiện diện và bảo
đảm cho sự trường tồn và hạnh phúc của họ. Ðavít muốn xây cho Chúa một đền thờ,
nhưng Ngài muốn hiện diện ở giữa lòng dân. Qua lời sấm Nathan, Ngài chưa bao giờ
có ý nghĩ đòi dân xây cho mình một đền thờ bằng gạch đá như các thần minh của
dân ngoại. Chính dân là đền thờ Ngài ngự. Và Ðền thờ đó do Ngài xây dựng, chứ
không phải do tay con người làm nên. Chính Chúa tạo ra một Ðền thờ đích thực;
đó là dòng dõi, là con cháu Ðavít; và qua những con người sống thực thuộc dòng
dõi ông, Ngài sẽ hiện diện trong lịch sử loài người.
Với Ðavít và miêu duệ
ông, Thiên Chúa càng ngày càng gần gũi với nhân loại. Ngài tác động trên lịch sử
loài người và đặc biệt trong lịch sử dân riêng Ngài. Ngài hướng dẫn và thanh
luyện dân Ngài qua những biến cố đau thương như thất trận, lưu đày... Ngài răn
bảo và thúc giục... đôi khi Ngài phẫn nộ - nhưng Ngài cũng an ủi vỗ về và hứa hẹn
một thời kỳ vui mừng tràn lan ơn cứu độ. Dụng cụ Chúa thường dùng chính là
"lời nói" và "cuộc sống" các tiên tri.
Ngài thương dân như
cha yêu thương con cái, như mẹ bế bồng nâng niu, như mục tử chăm sóc đoàn
chiên.
Nhưng Thiên Chúa như
chưa bằng lòng với những gì Ngài đã làm cho dân. Ngài muốn đến cư ngụ với dân,
không chỉ như một thần linh vô hình, nhưng chấp nhận hoàn toàn thân phận con
người và chia sẻ trọn vẹn kiếp sống của nó. Thiên Chúa trở thành Người như mọi
người. Ngài bị ràng buộc bởi thời gian và không gian. Ngài sẵn sàng đón nhận những
khắc khoải lo âu của cuộc sống. Ngài cũng ăn, uống, lao động, phấn đấu cho đời
sống vật chất như mọi người. Ngài cũng vui, cười và than khóc như những ai
khác. Ngài chấp nhận mọi giới hạn và ngay cả cái chết là giới hạn sau cùng và
quan trọng nhất của con người.
Yêsu, con của Maria và
Yuse thuộc dòng dõi Ðavít là chính Emmanuel, Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Nhưng
Ngài cũng là con của trần thế, con của một dân tộc, con của người Trinh nữ
nghèo nàn sống ở Nadarét.
Ðó là khía cạnh huyền
diệu nhất của mầu nhiệm Nhập thể! Chúa muốn làm con của trần thế, để ta nhận ra
gương mặt đích thực của Ngài, một tình thương thực tế không viễn vông, không lý
thuyết Ngài không là "kẻ thuộc thế giới xa lạ". Theo Ngài không phải
để đi về thế giới ảo tưởng nào khác, nhưng để sống tình yêu chân thật.
Maria thụ thai Ðức
Yêsu là nhân loại thụ thai Ðức Yêsu! Maria hạ sinh Ðức Yêsu là nhân loại hạ
sinh Ngài. Bài Phúc Âm Luca 1, 26-38 ví Maria như thiếu nữ Sion, nghĩa là Israel
dân Chúa. Thiên Thần kêu mời Maria hãy vui lên vì sắp sinh quý tử. Ðó cũng là lời
loan báo niềm vui cho nhân loại: chính từ nhân loại mà phát sinh một con người
toàn thiện xứng đáng làm Trưởng tử giữa muôn loài.
Mầu nhiệm Nhập thể là
tột đỉnh của sự gặp gỡ giữa con người và Thiên Chúa: Thiên Chúa đến viếng thăm
dân Người khiến từ lòng dân nảy sinh Ðấng Cứu độ. Chồi cây Yêsê do Thiên Chúa
vun trồng đã nở hoa.
Ðức Yêsu là bí tích,
là dấu hiệu, là điểm gặp gỡ giữa con người với Thiên Chúa. Ðức Yêsu là nơi hội
tụ của tình thương giữa Thiên Chúa và dân Người: Ngài vừa là lời mời gọi của
Thiên Chúa, vừa là tiếng đáp trả của nhân loại.
Phúc Âm cho thấy Ðức
Yêsu là một con người cụ thể, với những nét đặc thù và sống động. Nhưng Ðức
Yêsu còn là Con của Chúa Cha. Từ lúc sinh ra cho đến khi chết, mọi hoạt động của
Ngài đều do Thánh Thần của Chúa Cha thúc đẩy. Lc 1,35 nhấn mạnh đến sự can thiệp
của Thánh Linh : "Thánh Thần sẽ đến trên Cô và quyền năng Ðấng Tối cao
trên Cô rợp bóng".
Thánh Thần Thiên Chúa
đã hoạt động trong lịch sử trước ngày Ðức Yêsu sinh ra. Nhưng Ngài đặc biệt hiện
diện trong cuộc đời Yêsu. Và nhờ quyền năng Thiên Chúa, Yêsu tuy phải chết như
mọi người, đã sống lại và chiến thắng sự chết, báo hiệu "phần số" tốt
đẹp Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Ðức Yêsu sống lại được
Chúa Cha ban trọn vẹn Thánh Linh và chính nhờ Thánh Linh mà Ðức Yêsu hiện diện
giữa dân Ngài "mọi ngày cho đến tận thế".
Nhờ Thánh Linh Ðức
Yêsu vẫn ở giữa loài người, không phải chỉ cách đây hai ngàn năm, mà Ngài vẫn
hiện diện, vẫn sống giữa nhân loại hôm nay. Giáo hội là nơi Ngài hiện diện bằng
chính những hoạt động không ngừng của Thánh Linh Ngài ban. Ngài vẫn tiếp tục hiện
diện qua các sự kiện lịch sử và các biến cố. Ta có thể gặp Ngài và phải tìm
Ngài trong đó. Ngài ra đi trở về cùng Cha, không phải để rời bỏ trần thế, nhưng
để dễ dàng đồng hóa mình với mọi người sinh ra trong lịch sử, đặc biệt với những
người bé mọn, những người đói khát, những kẻ tù đày... Matthêô cũng như Luca
cho thấy sự hiện diện của Ðức Kitô phục sinh và lên trời trở thành hữu hình
trong người anh em: "Ta đói, các ngươi cho ăn, Ta khát, các ngươi cho uốn,
Ta là khách trọ các ngươi tiếp rước, Ta mình trần các ngươi cho mặc, Ta đau yếu
các ngươi viếng thăm, Ta ở tù các ngươi đến với Ta" (Mt 25,35-36).
Ðức Kitô vẫn luôn ở giữa
chúng ta. Chúng ta sẽ nhận ra Ngài khi cử hành nghi lễ bẻ bánh, khi lắng nghe lời
Ngài, khi thao thức tìm Ngài trong các dấu chỉ của thời đại. Chúng ta sẽ tìm được
Ngài khi nhìn vào những người anh em sống gần kề ta. Ngài ở cạnh ta, cùng xây dựng
xã hội và môi trường với ta. Với Ngài, ta sẽ góp công biến đổi trần thế thành Ðất
mới, Trời mới, thực hiện lời thánh Phaolô: "Tất cả thuộc về anh em, anh em
thuộc về Ðức Kitô, Ðức Kitô thuộc về Thiên Chúa".
Bài Giảng Chúa Nhật IV
Mùa Vọng Năm B:
Càng gần lễ Giáng
sinh, công việc chuẩn bị của chúng ta lại càng gấp rút. Tôi ca ngợi thiện chí
và nỗ lực của mọi người. Xin Chúa chúc lành cho tất cả mọi cố gắng của chúng
ta, để lễ Giáng sinh năm nay được chan hòa ơn thánh.
Nhưng chính trong bầu
khí nhiệt liệt chuẩn bị Ðại lễ Giáng Sinh này, mà các bài sách Thánh hôm nay muốn
nâng bổng tâm hồn chúng ta lên, để thay vì chỉ mải miết thu dọn những công việc
bề ngoài, chúng ta biết tìm dịp chiêm ngưỡng những gì mà Chúa đang muốn thực hiện
cho chúng ta.
Quả vậy, khi Ðavít suy
tính sắp sửa xây cất cho Chúa một đền thờ xứng đáng, Người đã sai tiên tri
Nathan đến thưa nhà vua rằng: Chính Người sẽ xây cho nhà vua một nhà, một họ, một
dòng tộc để tồn tại muôn đời. Hôm nay Chúa cũng muốn bảo chúng ta, những người
đang làm hang đá, dọn máng cỏ cho Chúa rằng: chúng ta hãy chú ý đến những gì mà
Chúa đang muốn thực hiện cho ta. Ngài sai sứ thần Gabriel đến báo tin cho Maria
biết: Ngôi Lời muốn trở thành nhục thể, Thiên Chúa muốn sinh ra làm người. Ðó
là sứ điệp của Chúa nhật hôm nay. Sứ điệp ấy gửi đến để ta đón nhận, suy niệm rồi
thực hành, để Chúa có thể đến cắm lều ở giữa chúng ta, trong thời đại này, trên
quê hương Việt Nam đang hình thành một nếp sống mới.
Trước hết chúng ta hãy
đón nhận Tin Mừng: Thiên Chúa muốn sinh ra làm người. Dĩ nhiên Người không còn
đầu thai nữa như xưa kia ở trong lòng Trinh nữ Maria. Nhưng Người vẫn còn muốn
đầu thai cách mầu nhiệm trong bí tích bàn thờ này, để được đầu thai trong tâm hồn
chúng ta qua việc rước lễ, để đầu thai nữa trong nếp sống hằng ngày của chúng
ta, hầu ai thấy đời sống tốt đẹp của chúng ta, cũng nhận ra vinh quang của Chúa
mà ca tụng Ngài. Mầu nhiệm đầu thai qua bí tích Thánh Thể ấy không cần phải quảng
diễn thêm.
Nhưng còn một cách nữa
Chúa vẫn dùng để đầu thai nơi ta giữa thời buổi này, chính là Lời Chúa khi đến
với ta trong sức mạnh của Thánh Thần. Lời Chúa mà ta nghe và đọc trong Thánh
Kinh có thể trổ sinh trong lòng ta một cuộc sống mới, thánh thiện và tốt đẹp.
Ta sẽ trở thành con cái Chúa một cách trung thực hơn và dần dần dòng dõi những
người con Chúa trở thành một thực tại có thể cảm nghiệm được. Ngay đến mọi biến
cố xảy ra hàng ngày cũng có thể mang theo nhiều ân sủng, khiến ai đón nhận như
thánh ý Chúa, sẽ làm cho Nước Người được lan rộng; và như vậy Thiên Chúa lại
như nhập thể ở giữa chúng ta.
Do đó thật là chủ bại
khi nghĩ rằng thế giới càng ngày xấu đi; đời sống chẳng còn nghĩa lý gì nữa; và
nói đến tương lai mà làm gì! Nhưng người có đức tin không thể nghĩ như thế.
Tinh thần mùa Vọng nhắc nhở: Thiên Chúa muốn sinh ra làm người. Ngài muốn đời sống
con người thật đáng sống. Và vì Thiên Chúa đã đầu thai trong lòng một Trinh nữ
bình dân, nơi một điểm nhỏ bé trên bản đồ thế giới, đang buổi suy yếu của dân tộc
Dothái, chúng ta càng có quyền hy vọng tràn trề khi hoàn cảnh chung quanh dường
như không đáng lạc quan. Chính nơi Thập giá đã có ơn cứu độ chúng ta. Chính máu
chảy ra ở trên đó đã rửa sạch ta để ta trở nên con cái Chúa. Như vậy, có gì phải
bi quan? Tất cả, ngược lại, như đang có thể kéo ơn cứu độ xuống. Và ở bất cứ
hoàn cảnh nào, ơn Chúa nhập thể vẫn có thể đến để phục hồi tất cả.
Chúng ta chỉ cần noi
gương một Ðavít và một Maria. Ðavít đã biết quên mình để nghĩ đến Chúa. Maria
cũng đã tự xưng là nữ tì để thi hành hết mọi ý định của Ðấng mình tôn thờ.
Chúng ta nhiều khi không sống như vậy. Chúng ta nghĩ đến mình quá nhiều, nghĩ đến
sự sống của bản thân, và không quan tâm đến Nước Chúa và đến tương lai của dân
tộc dủ. Chúng ta tìm sự sống mình, như lời Phúc Âm nói. Nhưng cũng như Phúc Âm
đã nói tiếp: chúng ta sẽ mất sự sống ấy. Còn ai tìm Nước Thiên Chúa và sự công
chính trước, sẽ được ban cho tất cả sau. Làm sao tương lai có thể đẹp được, khi
ai ai cũng chỉ biết nghĩ đến cá nhân của mình? Ngược lại khi người ta nghĩ đến
công ích, làm việc cho công bình bác ái ngự trị, thì những khó khăn hiện tại sẽ
khắc phục được dễ dàng. Ðavít đã không nghĩ đến mình, Ðức Maria cũng thế. Nên
Thiên Chúa đã tìm được người cộng tác để thực hiện công trình của Người, ở trần
gian, là chính Người sẽ nhập thể để mang hạnh phúc đến cho loài người.
Thế thì hôm nay và những
ngày sắp tới, đang khi hân hoan sửa soạn mừng lễ Giáng sinh, chúng ta cần nhất
phải mở rộng tâm hồn để đón nhận hồng ân của Chúa đang đến với chúng ta. Ngài
dùng Lời Thánh Kinh và Bánh Thánh Thể để đi vào trong tâm hồn ta, biến ta nên
con người muốn sống như Chúa; và như vậy Ngài đang muốn nhập thể tiếp nối cuộc
đời của Ngài ở nơi ta. Ngài dùng mọi biến cố xảy đến hằng ngày, kêu gọi ta đón
nhận như Thánh ý Ngài gửi đến, để ta hợp tác thi hành trong tinh thần xã hội
Kitô giáo, hầu ơn Ngài có thể tràn lan trong thế gian, khiến Chúa ở trong mọi sự
và mầu nhiệm nhập thể được kiện toàn. Ðiều cần hơn hết là chúng ta luôn phải
tin vững vàng rằng: Thiên Chúa muốn sinh ra làm người. Người muốn sống giữa trần
gian. Ngài kêu gọi ta nhìn vào cuộc sống và muốn nhập thể với Ngài. Chúng ta có
sẵn sàng đem tinh thần Phúc Âm vào thế giới để đáp lại Lời mời gọi đó không?
Nguyện chúc tất cả anh
em được như vua Ðavít và Ðức Maria: sẵn sàng trở thành cộng sự viên của mầu nhiệm
Thiên Chúa nhập thể vì yêu thương trần gian.
Ðức Mẹ Mùa Vọng
Chúng ta còn lạ gì: mục
đích của mùa Vọng không phải chỉ là để đi đến Mầu nhiệm Giáng sinh vì Chúa Cứu
thế đã giáng sinh rồi không còn phải trông đợi theo kiểu dân Dothái ngày trước
nữa. Nhưng mùa Vọng vẫn lấy lễ Giáng sinh làm một điểm tựa chắc chắn để lao
mình về đàng xa, về ngày Chúa quang lâm tái giáng. Mùa Vọng nhìn vào mầu nhiệm
Chúa Giáng sinh để chắc chắn về mầu nhiệm Chúa sẽ đến và mùa Vọng gợi lại thời
gian trông đợi ngày trước để kiện toàn tinh thần trông đợi ngày nay. Nói vắn tắt,
mùa Vọng muốn hiện đại hóa thời gian Cựu Ước để hoàn tất thời kỳ Tân Ước. Trong
mùa này, chúng ta được mời gọi kết thúc lịch sử để đưa nó sang đời sau. Vinh dự
cho chúng ta biết bao được cộng tác vào công cuộc vĩ đại và đẹp đẽ này.
Và cũng như Cựu Ước
ngày trước đã được kết thúc một cách tuyệt diệu nơi con người Ðức Maria, trong
mùa Vọng phụng vụ này Giáo hội cũng mời gọi ta chiêm ngưỡng Người như là khuôn
mẫu phải đi tới. Người thật là bông hoa của Cựu Ước. Những cái tinh túy nhất của
Cựu Ước đã đúc nặn nên Người. Ở nơi Người, ta có thể gặp lại tất cả lòng tin
sâu xa của Abraham, lòng cậy của tất cả Ngôn sứ, lòng mến của tác giả các thánh
vịnh. Thiên Chúa đã phải khôn ngoan nhẫn nhục dẫn đưa lịch sử dân Người và lịch
sử thế giới để tạo nên được một con người như thể để Ngôi Hai Thiên Chúa có thể
giáng trần.
Nếu quả thật trong bao
ngàn năm lịch sử, "vạn phương khát vọng từ vân vũ hóa nhi" thì phải đợi
đến khi Maria xuất hiện, người ta mới thấy "nhất phiến cổ hoài tịnh thổ sản
phúc quả", nghĩa là mới tìm ra được một mảnh đất thanh sạch đón nhận đám
mây từ nhân mưa Ðấng công chính xuống. Ðức Maria vì thế trở thành lý tưởng mà
Giáo Hội và chúng ta phải đạt tới để chuẩn bị ngày Chúa trở lại.
Nhưng một lý tưởng bao
giờ cũng phong phú có rất nhiều khía cạnh thâm thúy và sâu xa, không ai có thể
nói lên được tất cả, huống nữa là nói lên trong một lúc. Tuy nhiên, mỗi lần
nói, người ta vẫn ước vọng có thể khơi lên ở nơi người nghe một cảm tình mộ mến
dẫn sang một thích thú muốn tìm hiểu thêm. Và đó là tham vọng của phụng vụ
trong mùa này khi gợi lên cho chúng ta thấy một vài nét trong cuộc đời của Ðức
Mẹ.
Chúng ta đừng thấy lễ
Vô Nhiễm là lễ Ðức Mẹlà lễ Ðức Mẹ lớn nhất trong mùa này mà vội tưởng đó là
hình ảnh Ðức Mẹ phải tập trung mọi cái nhìn suy niệm của ta. Không, mùa Vọng
không đặt ra lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Lễ này cũng đã được đặt ra phải vì mùa Vọng.
Giáo hội La Mã vẫn có óc lịch sử và pháp luật, thấy rằng đã tưởng niệm cuộc đời
của Chúa trong các mầu nhiệm nào thì cũng phải nên tưởng niệm cuộc đời Ðức Mẹ
trong các mầu nhiệm ấy; đã mừng việc Chúa đản sinh và đầu thai, thì cũng nên mừng
sinh nhật và đầu thai của Mẹ. Và hai sự kiện mầu nhiệm phải cách nhau 9 tháng.
Lễ sinh nhật Mẹ đã được đặt vào ngày 8 tháng 9 rồi, thì lễ Người đầu thai vô
nhiễm phải đưa lên 9 tháng trước tức là phải mừng vào ngày 8 tháng 12.
Các nhà làm lịch lễ dường
như không để ý đến mùa Vọng khi đặt ra lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, nhưng đặt rồi họ mới
thấy đây là một sự trùng hợp có ý nghĩa. Có lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm, mùa Vọng Kitô
giáo trở thành hân hoan chắc chắn, khác với mùa Vọng của Dothái ngày xưa. Thuở
trước, các linh hồn thánh thiện vẫn chờ mong ngày thực hiện lời của Thiên Chúa
tình yêu trong vườn địa đàng: một người nữ sẽ sinh ra một dòng dõi đạp dập đầu
con rắn. Người nữ ấy là ai? Bao giờ Người xuất hiện để cho chúng tôi được nhìn
thấy ơn cứu độ? Các thế hệ Cựu Ước dường như lúc nào cũng hỏi nhau câu ấy. Có lần,
đàn thiếu nữ Sion tưởng đã có thể nhảy múa hân hoan vì kìa bà Yuđích cắt đầu địch
thủ đang trở về. Lần khác họ lại tưởng Esther trong vai trò cứu nguy dân tộc sẽ
là người nữ cần trông đợi... Nhưng rồi họ vẫn phải chờ, chờ mãi... Mùa Vọng của
họ dường như thiếu bảo chứng.
Nhưng nay, lễ Ðức Mẹ
hiện lên bầu trời mùa Vọng Kitô giáo, sự trông chờ của chúng ta đã có bảo đảm
rõ rệt. Vì thế chúng ta có thể hân hoan chắc chắn. Người nữ vô tì ố đã xuất hiện
thì ơn cứu độ cũng đã đến. Chúng ta chưa được nhìn thấy Chúa Cứu Thế, nhưng việc
Người đến không còn hồ nghi được nữa. Maria thật là vì Sao Mai mọc trước Mặt Trời.
Mùa Vọng Kitô giáo chắc chắn và hân hoan làm sao!
Nhưng ta vẫn phải nói,
lễ Ðức Mẹ Vô Nhiễm đã không được đặt ra vì mùa Vọng; mùa Vọng sung sướng đón nhận
lễ này nhưng lễ này không phải là mục tiêu mà mùa Vọng muốn tập trung những cái
nhìn suy niệm của toàn dân Chúa hướng vào. Phụng vụ Giáo hội muốn cho chúng ta
có một cái nhìn rộng rãi hơn về địa vị của Ðức Maria trong bầu khí mùa Vọng.
Ngay từ đầu, phụng vụ mùa Vọng của Giáo hội đã muốn cho hình ảnh của Người chan
hòa khắp trong nếp sống chờ mong của toàn dân Thiên Chúa. Giáo hội chỉ chờ mong
với Người và bằng cách nhìn vào Người. Nói cách khác, hình ảnh Ðức Maria không
phải chỉ chiếm một ngày trong mùa Vọng, nhưng hằng ngày trong suốt mùa phụng vụ
này, Giáo hội phải sống với Ðức Maria, phải nhìn ngắm Người và trông đợi với Người.
Kể ra làm gì những bản
kinh phụng vụ mùa Vọng gián tiếp hoặc trực tiếp nói về Ðức Maria; các bản văn ấy
bây giờ đổi theo hằng năm. Nhưng cứ bỏ các kinh ấy đi mà xem, mùa Vọng phụng vụ
sẽ không còn nữa. Ðiều đó chứng tỏ hình ảnh Ðức Mẹ thật đã được gắn liền với
mùa Vọng. Chúng ta sẽ có lợi hơn nếu để giờ tìm hiểu vì sao Ðức Trinh Nữ Mẹ
chúng ta lại thiết yếu cho tinh thần mùa Vọng như thế, vì như vậy, chúng ta mới
biết được thâm ý của phụng vụ, hầu mới biết sống được cái cốt yếu.
Tinh thần mùa Vọng như
chúng ta biết nhắm thẳng về đàng trước, chờ đón mầu nhiệm Chúa trở lại. Tinh thần
đó không thụ động, mặc cho ai muốn làm mưa làm gió ở trần gian này. Trái lại,
đó là tinh thần của các ngôn sứ ngày xưa không thể ngồi yên khi thấy các bất
công xã hội và thấy các liên minh chính trị bàn truyện thế giới như thể không
còn có một sức mạnh vô hình nào bá chủ hoàn vũ. Giáo hội biết trong giai đoạn lịch
sử này những người con Chúa phải tỉnh thức, phải giũ bỏ cuộc đời đen tối và bước
đi trong ánh sáng để càng ngày càng đi tới thời đại huy hoàng của Ðức Kitô. Thế
mà Giáo hội biết không mẫu người nào đã chuẩn bị ngày Chúa đến viếng thăm một
cách đắc lực như Trinh nữ Maria. Kể cả các ngôn sứ. Họ còn là những người trỏ
tay vào Maria để chờ đón ngày Người xuất hiện. Hơn nữa Giáo hội còn biết rõ Ðức
Maria không phải chỉ là gương mẫu chờ đợi và chuẩn bị trong quá khứ, Người đang
còn chờ đợi và chuẩn bị với chúng ta với tư cách là Ðấng Ðồng Công Cứu Chuộc.
Chỉ có những thứ thần học nông cạn mới không biết đến điều đó; mới nghĩ rằng Ðức
Kitô đã chấm dứt mọi hoạt động của Người khi trút hơi trên Núi Sọ và mới quyết
rằng Ðức Mẹ đồng trinh của Người cũng chỉ đồng công cứu chuộc đến có khi ấy.
Ngược lại, những thứ thần học chân chính đều thấy việc Ðức Kitô tắt thở trên
Núi Sọ chỉ là giai đoạn Ngài phải vượt qua để có thể hoạt động hữu hiệu hơn ở
ngoài những ràng buộc của không gian và thời gian; Ngài phải từ bỏ xác thịt yếu
đuối để hoạt động mạnh mẽ bằng Thánh Thần Ngài sẽ tuôn đổ xuống trên Giáo hội;
vì Thánh Thần tuôn đổ này chính là Thần Linh của Ngài. Những thứ thần học sâu
xa đó cũng nhận thấy ngay, lúc đứng ở chân Núi Sọ, Ðức Maria không những chưa
chấm dứt vai trò đồng công cứu chuộc của Người, nhưng ngược lại, chính khi đó,
Người mới bắt đầu trở nên Mẹ của Yoan, tức là của Giáo hội. Chính vì vậy mà tác
giả sách Công vụ các Tông đồ cho ta thấy Giáo hội ngay từ thuở sơ khai đã cầu
nguyện và sinh hoạt với Ðức Maria, Mẹ Chúa Yêsu.
Chúng ta muốn nhìn thấy
các hoạt động cụ thể của Ðức Mẹ ư? Sao chúng ta không muốn biết như thế về hoạt
động của Ðức Kitô hiện nay ở trong Giáo hội. Cả hai Ngài vẫn nội tại với đời sống
hiện nay của thế giới, nhưng không hiện diện như thân thể chúng ta đang sống.
Theo tục ngữ Việt Nam có thể bảo: người ta hiện nay sống thì khôn, còn các Ngài
hiện nay đã thác thì thiêng. Khôn thì ở một bình diện, còn thiêng lại ở bình diện
cao hơn và cao hẳn. Không phải những trí óc khôn ngoan đang dẫn đưa lịch sử của
thế giới này, nhưng chính là những bậc thiêng liêng huyền bí. Không phải chúng
ta đang xếp đặt thời gian sẽ đến nhưng chính Ðức Kitô, chính vị đồng công cứu
chuộc với Ngài đang âm thầm nhưng mạnh mẽ hành động qua chúng ta và muốn chúng
ta cộng tác vào, vì cũng như ngày trước, đất có sẵn thì mây trời mới mưa Ðấng
công chính xuống.
Muốn biết chúng ta phải
cộng tác chuẩn bị bằng cách nào sao? Phụng vụ mùa Vọng bảo chúng ta nhìn vào Ðức
Mẹ. Thánh Yoan trong sách Khải huyền cũng mơ thấy Giáo hội sau này trở thành
người hôn thê kiều diễm, tức là người trinh nữ vẹn sạch mà dung nhan Ðức Mẹ thể
hiện ở trước mặt chúng ta. Trên khuôn mặt khả ái đó, Thiên Chúa đã để lại những
nét luôn luôn hấp dẫn tình yêu thương vô bờ bến của Ngài, mà Ngài muốn cho Giáo
hội có trên nếp sống của mình. Một đôi mắt trong sạch không bao giờ dừng lại
trên những gì dơ bẩn; một đôi môi dịu dàng chỉ có sẵn những lời êm ái; một dáng
điệu tùng phục sâu xa tất cả những gì là của Chúa; một sự lanh lẹ không quản
gian lao để đi cứu với Người... Mầu nhiệm dâng mình, mầu nhiệm đồng trinh, mầu
nhiệm vâng theo ý Chúa, mầu nhiệm yên lặng trước nỗi nghi ngờ chính đáng của
Yuse, mầu nhiệm đi thăm bà Elisabeth và nhất là mầu nhiệm kết hợp tận tụy và âm
thầm làm tất cả những gì cần thiết để chờ đón Chúa: đó là những nét đã được ghi
sâu trong cuộc đời, nên dung nhan của Ðức Mẹ và mùa Vọng phụng vụ ước mong
chúng ta chiêm ngưỡng và bắt chước.
Chúng ta cũng chỉ là
những con người đang có một nếp sống âm thầm với những phận sự nhỏ nhặt, nhưng
tất cả những sự âm thầm nhỏ nhặt ấy lại là những yếu tố mà Thần Linh hiện nay
đang muốn dùng để xây dựng Nước Trời, để chuẩn bị việc Chúa Kitô tái giáng. Thật
là tuyệt diệu nếu chúng ta cũng biết sống và làm những công việc ấy như Trinh nữ
Maria, với cái nhìn trong sạch, với các nụ cười hiền dịu, với các lời lẽ từ tốn,
với lòng nhiệt thành không sợ gian nan... như dung nhan của Người đang cho
chúng ta thấy. Cuộc đời của chúng ta sẽ nên như cuộc sống của Người và khuôn mặt
của Giáo hội sẽ đang vẽ lại dung nhan Ðức Mẹ mùa Vọng.
(Trích dẫn từ tập
sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật IV Mùa Vọng,
Năm B
Bài đọc: II
Sam 7:1-5, 8-11, 16; Rom 16:25-27; Lk 1:26-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên
Chúa “xây nhà” cho con người.
Sau khi đã định vị, sửa dọn, và vui mừng đón chờ Đấng Cứu
Thế trong ba Chủ Nhật vừa qua, phụng vụ Lời Chúa tuần này đưa chúng ta vào Mầu
Nhiệm Cứu Độ ngòai sức tưởng tượng và vượt quá khả năng hiểu biết của con người.
Vì một Thiên Chúa, tuy uy quyền vô biên và sức mạnh khôn tả, đã chọn để xuống ở
với con người; không phải trong chiếc lều vải như thời dân Do-Thái lang thang
trong sa mạc, nhưng trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria như một Hài Nhi, để được
sinh ra và ở với con người.
Trong Bài đọc I, vì lòng nhiệt thành và biết ơn, Vua
David muốn xây “Nhà” cho Thiên Chúa; nhưng Vua không hiểu rằng cả ngôi nhà vũ
trụ cũng không chứa nổi Thiên Chúa. Ngược lại, chính Thiên Chúa sẽ xây “Nhà”
cho David: cho chính Vua, cho giòng dõi của Vua, cho dân tộc Do-Thái, và cho tất
cả mọi dân tộc. Trong Bài đọc II, Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa tuy được giấu
kín từ ngàn xưa, nhưng được mặc khải tiệm tiến qua các tiên tri; và được mặc khải
rõ ràng qua Đức Kitô cho tất cả các dân tộc, không chỉ giới hạn trong dân tộc
Do-Thái mà thôi. Trong Phúc Âm, Thánh-sử Luca tường thuật chóp đỉnh của Mầu Nhiệm
Cứu Độ được thực hiện qua biến cố Truyền Tin: Đấng Cứu Thế, Người Con Thiên
Chúa, muốn nhập thể trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria, để “cắm lều” ở giữa con
người.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Vua David muốn xây Nhà cho Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa
lại muốn xây Nhà cho David.
1.1/ Vua David muốn xây
Nhà cho Thiên Chúa: Trong tất cả các Vua của
Do-Thái, không một ai quan trọng và nổi tiếng bằng Vua David. Bàn tay của Thiên
Chúa ở với Vua trong mọi sự: chiến thắng tướng Goliath của Philistines (I Sam
17); thắng vượt mưu kế của Philistines (I Sam 27); đưa tất cả các chi tộc về một
mối và cai trị họ; chiến thắng thành phố kiên cố Jerusalem (II Sam 5:6-12); kiếm
được quà thách thức và kết hôn với Michal, con gái của Saul (I Sam 18:20-29).
Không lạ gì mà trình thuật hôm nay kể: “Khi vua được yên cửa yên nhà và Đức
Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, thì vua nói
với ngôn sứ Nathan: "Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia
Thiên Chúa thì ở trong lều vải." Ông Nathan thưa với vua: "Tất cả những
gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với
ngài."”
Thiên Chúa ở trong lều vải kể từ khi Ngài đưa dân Do-Thái ra khỏi đất nô lệ
Ai-Cập. Lều vải là phương tiện nhà ở duy nhất của dân du mục, mặc dù không chắc
chắn nhưng có thể dọn đi bất cứ chỗ nào. Thiên Chúa ở trong lều vải để luôn hiện
diện với dân, để bảo vệ họ trong cuộc hành trình qua sa mạc, và để hướng dẫn họ
mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc lữ hành vào Đất Hứa. Giờ đây khi dân Do-Thái đã
tiến vào Đất Hứa và ổn định đời sống, Vua muốn xây dựng một ngôi nhà kiên cố
cho Thiên Chúa ngự trị.
1.2/ Thiên Chúa sẽ xây
“Nhà” cho Vua David: Nhưng ngay đêm ấy, có lời
Đức Chúa phán với ông Nathan rằng: "Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là David:
Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao? Bây giờ ngươi hãy nói với
tôi tớ Ta là David như sau: Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất
nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là
Israel. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ
cho khuất mắt ngươi.”
Thiên Chúa hứa sẽ xây nhà cho David, Ngài hứa sẽ làm cho Nhà Vua ba điều sau
đây:
(1) “Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên
mặt đất.” Như đã nói trên, Thánh Vương David là vị Vua nổi tiếng nhất trong lịch
sử của Do-Thái.
(2) “Ta sẽ cho dân Ta là Israel một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở
luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục
áp bức chúng như thuở ban đầu.” Sau khi vào Đất Hứa, dân Do-Thái đã có lãnh thổ
hợp pháp để ổn định đời sống.
(3) “Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa. Đức Chúa báo
cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Nhà của ngươi và vương quyền
của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi
mãi.” Nhà là giòng dõi của David, sẽ nối nghiệp nhau làm vua cai trị dân tộc
Do-Thái, cho đến khi Đấng Cứu Thế từ giòng dõi David ra đời.
Tất cả là do sức mạnh và uy quyền của Thiên Chúa dành cho những ai biết kính sợ
và vâng theo thánh ý của Ngài. Tuy David không được phép để xây Nhà cho Thiên
Chúa, nhưng Solomon, con của Vua, đã xây dựng Đền Thờ tại Jerusalem đầu tiên
cho Thiên Chúa ngự trị.
2/ Bài đọc II: Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa được mặc khải cho con người.
Thiên Chúa đã có Kế Họach Cứu Độ cho con người ngay từ đầu, vì Ngài biết con
người sẽ sa ngã vì không biết xử dụng tự do Thiên Chúa ban. Theo Kế Họach này,
Thiên Chúa sẽ xử dụng và huấn luyện một Dân Riêng, đó là dân Do-Thái. Từ dân tộc
Do-Thái và giòng tộc của David, Ngài sẽ cho Đấng Cứu Thế ra đời để chuộc tội
cho con người. Khi Đấng Cứu Thế hòan tất Kế Họach Cứu Độ, tất cả mọi người trên
khắp thế giới và ở mọi thời sẽ được hưởng Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa.
Mầu Nhiệm Cứu Độ vốn được giữ kín tự ngàn xưa: Tuy Kế Họach Cứu Độ đã được phác
họa ngay từ đầu; nhưng không ai biết được Kế Họach đó nếu Thiên Chúa không mặc
khải tiệm tiến qua các tiên tri, và mặc khải rõ ràng qua chính Đức Kitô, Người
Con của Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói với các tín hữu Roma: “Tin Mừng đó mặc khải
mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ qua lời các
ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu
nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa.
Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh
quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen.”
Chính người Do-Thái, mặc dù là Dân Riêng của Thiên Chúa, cũng không thấu hiểu Mầu
Nhiệm này. Nhiều người Do-Thái vẫn nghĩ chỉ có họ mới xứng đáng được hưởng Ơn Cứu
Độ; tất cả Dân Ngọai sẽ phải chịu cảnh hư mất. Nhiều người vẫn không tin Đức
Kitô là Đấng Cứu Thế và họ vẫn đang chờ đợi một Đấng khác. Nhưng sau khi Đức
Kitô hòan tất sứ vụ trần gian của Ngài, biết bao nhiêu Dân Ngọai được nghe rao
giảng Tin Mừng. Nếu họ tin và vâng phục Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa, họ
cũng được hưởng Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa đã phác họa cho họ ngay từ thuở ban đầu.
Đó là Tin Mừng mà Thánh Phaolô muốn loan truyền cho các tín hữu của ngài:
“Nhưng nay, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng
phục Thiên Chúa. Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững
mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô.”
3/ Phúc Âm: Thiên thần truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria.
3.1/ Cuộc gặp gỡ giữa trời
và đất: Tuyệt đỉnh của Mầu Nhiệm Cứu Độ là Đấng
Cứu Thế sẽ sinh ra; và bắt đầu cuộc đời của Đấng Cứu Thế trên dương gian là biến
cố Truyền Tin hôm nay. Không ai có thể ngờ một Thiên Chúa, Đấng dựng nên và có
quyền trên muôn lòai, lại đến với một tạo vật của mình; để xin cho Người Con được
vào cung lòng của Trinh Nữ và sinh ra làm người. Thánh-sử Luca tường thuật biến
cố Truyền Tin như sau: “ Khi Bà Elizabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên
Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một
trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua David.
Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên,
hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và
tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin
đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.”
3.2/ Mầu Nhiệm Cứu Độ được
mặc khải: Sứ-thần Gabriel nói về con trẻ sẽ
được sinh ra như sau: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt
tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa
là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị
vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Đây
chính là lời hứa thứ ba mà Tiên-tri Nathan đã loan báo cho Vua David trong Bài
đọc I. Chỉ có một điều kỳ lạ không ai ngờ tới về đứa trẻ sinh ra, tuy là Con của
Đấng Tối Cao nhưng lại thuộc giòng dõi David qua người cha nuôi, Thánh Giuse.
3.3/ Phản ứng của Đức
Trinh Nữ Maria: Vì đã khấn giữ mình đồng
trinh, Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không
biết đến việc vợ chồng!" Điều Maria muốn giữ mình đồng trinh là điều đẹp
lòng Thiên Chúa, vì Ngài muốn Con của Ngài nhập thể trong một cung lòng thanh sạch
và tinh tuyền như thế. Hơn nữa, lời tiên tri của Isaiah cũng đã báo trước về
người Trinh-nữ này (parthenos, Isa 7:14).
Đức Trinh Nữ, cũng giống như nhiều người chúng ta, thắc mắc theo sự hiểu biết của
con người: Làm sao thụ thai và sinh con mà còn đồng trinh? Chúng ta quên đi
cách của Thiên Chúa: có thể giữ mình đồng trinh mà vẫn sinh con. Sứ thần cắt
nghĩa cách của Thiên Chúa: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng
Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là
Con Thiên Chúa.” Sứ thần đưa một bằng chứng cụ thể: “Kìa bà Elizabeth, người họ
hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị
mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên
Chúa, không có gì là không thể làm được." Sau khi đã lắng nghe lời cắt
nghĩa của Sứ-thần, Đức Trinh Nữ Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của
Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra
đi.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Vì yêu thương Thiên Chúa luôn muốn ở với để dạy dỗ, an ủi, hướng dẫn, và ban
muôn ơn lành cho con người. Để luôn có Ngài trong cuộc sống, chúng ta cần chuẩn
bị một chỗ ở xứng đáng cho Thiên Chúa, không phải chỉ trong những Đền Thờ vững
chắc và to lớn, nhưng trong căn lều vải là chính con người yếu đuối của chúng
ta.
- Mầu Nhiệm Cứu Độ được Thiên Chúa chuẩn bị và bắt đầu từ dân tộc Do-Thái;
nhưng Ơn Cứu Độ không chỉ giới hạn trong dân tộc này. Thiên Chúa muốn chúng ta
rao giảng Tin Mừng và mang Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa tới cho muôn người.
- Chúng ta có thể có ý định và kế họach cho cuộc sống; nhưng một khi Thiên Chúa
muốn chúng ta thay đổi kế họach và làm theo thánh ý Ngài, chúng ta phải biết
khiêm nhường lắng nghe và thi hành ý định của Thiên Chúa như Vua David và Đức
Trinh Nữ Maria.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
24/12/2017 - CHÚA NHẬT 4 MV – B
Lc 1,26-38
SỐNG LỜI XIN VÂNG
Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa,
xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1,38)
Suy niệm: Chắc chắn một điều
là Đức Ma-ri-a không hiểu “việc đó sẽ xảy ra như thế nào” vì thiên sứ Gáp-ri-en
không trả lời thẳng cho câu hỏi của Đức Ma-ri-a. Thiên sứ chỉ nói đây là ý định
của Thiên Chúa, là chương trình cứu độ nhân loại của Ngài. Chỉ cần có thế, Mẹ
đã không ngần ngại thưa xin vâng khi thiên sứ truyền tin. Mẹ sống hoàn toàn cho
tiếng xin vâng ấy trong sự tín thác, đặt trọn cuộc đời mình dưới sự hướng dẫn của
Chúa Thánh Thần. Khởi đi từ làng quê Na-da-rét cho đến đỉnh đồi Gôn-gô-tha, hiệp
thông với Con yêu dấu từ thuở ấu thơ đến khi bị treo trên cây thập giá, Mẹ đã
diễn tả lời xin vâng ấy theo dọc chiều dài cuộc đời của con mình. Mẹ vui lòng
đón nhận mọi biến cố vui-buồn-sướng-khổ theo thánh ý Thiên Chúa. Mẹ trở nên mẫu
gương cho tất cả chúng ta tiếp tục thưa xin vâng trong bí tích Thánh tẩy.
Mời Bạn: Khi lãnh nhận bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã ba lần hứa từ bỏ ma quỷ
và ba lần tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa. Mời bạn tiếp tục lặp lại mỗi ngày
trong suốt cuộc đời của mình.
Chia sẻ kinh nghiệm bạn
sống tiếng xin vâng cả trong lúc thành công và thất bại.
Sống Lời Chúa: Dành thời gian mỗi ngày để cầu nguyện và tìm hiểu ý Chúa
muốn bạn làm gì trong một ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, đêm
nay chúng con sẽ mừng kính Con Chúa xuống thế để thực hiện công trình cứu chuộc
vĩ đại của Chúa qua tiếng xin vâng đơn sơ của Mẹ Ma-ri-a. Xin cho chúng con biết
sống đơn sơ như Mẹ để Chúa thể hiện quyền năng diệu kỳ của Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)
MỪNG VUI LÊN (24.12.2017 – Chúa nhật 4 Mùa Vọng, Năm B)
Con Thiên Chúa làm người dạy ta yêu mọi người. Từ khi Con Thiên Chúa mang khuôn mặt của con người thì mọi người đều mang khuôn mặt của Thiên Chúa.
Suy niệm:
Khi suy niệm mầu nhiệm
Nhập Thể,
chúng ta thường nghĩ tới
biến cố Chúa sinh ra ở Bêlem.
Thật ra mầu nhiệm này đã
bắt đầu
từ sau tiếng Xin Vâng của
Ðức Maria ở Nadarét.
Sau tiếng Xin Vâng ấy,
Ngôi Lời đã thành một thai nhi,
lớn lên trong lòng mẹ như
hàng tỉ con người khác,
cần chín tháng mới có thể
cất tiếng khóc chào đời.
Ngôi Lời không lẫm liệt
từ trời bước xuống.
Ngài muốn là người trăm
phần trăm,
nên Ngài cần một người
mẹ.
Ngài đi ra từ lòng mẹ:
mong manh, yếu đuối.
Ngôi Lời đã thành một
người như chúng ta,
chia sẻ trọn vẹn phận
người như chúng ta, trừ phạm tội.
Ngôi Lời đã là người, và
mãi mãi là người.
Ngài đã đi hết hành trình
cuộc sống
với tất cả nỗi buồn vui,
âu lo và trăn trở.
Chẳng ai hiểu chúng ta
bằng Ngài.
Ngài chẳng xa lạ với
những gánh nặng của cuộc sống.
Hôm nay Ngôi Lời vẫn là
người, ngự bên Chúa Cha.
Có một người được tôn
vinh ở giữa lòng Thiên Chúa.
Mầu nhiệm Nhập Thể đâu
phải chỉ ở Bêlem,
vì Ngôi Lời mãi mãi là
người, người Anh trưởng,
dẫn đưa chúng ta vào cung
lòng Thiên Chúa.
Con Thiên Chúa làm người
dạy ta yêu trái đất.
Trái đất chỉ là một trong
số hàng tỉ tỉ vì sao,
nhưng nó vẫn có thế đứng
ưu việt
vì là nơi Con Thiên Chúa
đã đặt chân, đã sống.
Bầu trời, rừng xanh, mạch
nước, biển khơi...
tất cả phải được gìn giữ
cho thanh khiết.
Trái đất là nhà của con
người,
nhưng cũng là ngôi nhà
của Con Thiên Chúa.
Con Thiên Chúa làm người
dạy ta yêu cuộc đời,
yêu mảnh đời nhỏ bé của
mình.
Có lắm người dễ dàng tìm
đến cái chết
vì thấy bế tắc, tuyệt
vọng, vì thấy đời vô nghĩa.
Mảnh đời của Ðức Giêsu
không phải chỉ màu hồng:
long đong với phận nghèo,
ê chề vì thất bại,
bị tước đoạt đến tột cùng
trên thập giá.
Nhưng Ngài đã sống mảnh
đời ấy cho đến cùng,
vững tin đến cùng vào
tình Cha,
ngay giữa vực sâu và tăm
tối.
Con Thiên Chúa làm người
dạy ta yêu mọi người.
Từ khi Con Thiên Chúa
mang khuôn mặt của con người
thì mọi người đều mang
khuôn mặt của Thiên Chúa.
Tất cả nhân loại đều là
anh em
dù khác nhau về màu da,
tôn giáo, ngôn ngữ, quan điểm...
Xúc phạm con người là xúc
phạm đến chính Thiên Chúa.
Noel đem lại cho ta sự
bình an sâu thẳm.
Bình an cho trái đất đang
bị tàn phá.
Bình an cho những người
đang sống trong ngõ cụt.
Bình an cho chúng ta, cho
mọi người.
Bình an của Giêsu.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên
Chúa,
Chúa đã làm người như
chúng con,
nên Chúa hiểu gánh nặng
của phận người.
Cuộc đời đầy cạm bẫy mời
mọc
mà con người lại yếu đuối
mong manh.
Hạnh phúc thường được
trộn bằng nước mắt,
và giữa ánh sáng,
cũng có những bóng mờ đe
dọa.
Lạy Chúa Giêsu,
nếu có lúc con mệt mỏi và
xao xuyến,
xin nhắc con nhớ rằng
trong Vườn Dầu
Chúa đã buồn muốn chết
được.
Nếu có lúc con thấy bóng
tối bủa vây,
xin nhắc con nhớ rằng
trên thập giá
Chúa đã thốt lên: Sao Cha
bỏ con?
Xin nâng đỡ con, để con
đừng bỏ cuộc.
Xin đồng hành với con, để
con không cô đơn.
Xin cho con yêu đời luôn
dù đời chẳng luôn đáng yêu.
Xin cho con can đảm
đối diện với những thách đố
vì biết rằng cuối cùng
chiến thắng thuộc về người
có niềm hy vọng lớn hơn. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
24 THÁNG MƯỜI HAI
Được Chuộc Lại Bởi
Đấng Cứu Độ
Mùa Vọng, một cách tự
nhiên, đem đến cho môi miệng chúng ta lời cầu xin ơn cứu độ. Chúng ta nhìn lại
nỗi thao thức mong chờ ơn cứu độ qua suốt giòng lịch sử Cựu Ước và tiếp tục vào
giai đoạn Tân Ước. Thánh Phaolô nói: "Chúng ta đã được cứu trong lòng cậy
trông" (Rm 8,24) "Vì qua Thánh Thần, nhờ đức tin, chúng ta mong đợi
niềm hy vọng được nên công chính" (Gl 5,5). Ngay cả những lời cuối cùng của
Thánh Kinh cũng là một tiếng kêu van xin Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, đến
và tỏ hiện hoàn toàn: "Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!" (Kh 22,20).
Ơn cứu độ! Đó là niềm
khát vọng sâu xa của con người. Mọi trang Kinh Thánh đều làm chứng điều đó.
Thánh Kinh mời gọi chúng ta khám phá nguồn gốc đích thực của ơn cứu độ. Thánh
Kinh cho chúng ta biết Đấng Giải Thoát và Đấng Cứu Chuộc thực sự của mình là
ai.
Kinh nghiệm nền tảng về
ơn cứu độ mà Dân Thiên Chúa đã trải qua trong Cựu Ước là cuộc giải phóng khỏi
ách nô lệ Ai cập. Thánh Kinh gọi đó là sự cứu chuộc, thục hồi, giải phóng, cứu
độ. Đó là hình thức cứu chuộc đầu tiên mà dân Thiên Chúa kinh nghiệm một cách tập
thể trong lịch sử. Hồi ức về ơn cứu độ này in sâu trong đức tin của Israel.
Biến cố cứu độ lớn thứ
hai trong Thánh Kinh là sự giải phóng khỏi cuộc lưu đày Babylon. Cả hai biến cố
ấy – giải phóng khỏi Aicập và khỏi Babylon – được đan kết với nhau trong các
Sách Ngôn Sứ. Cuộc giải phóng khỏi tình trạng lưu đày bên Babylon là sự cứu chuộc
thứ hai, hay đúng hơn đó là sự tiếp tục và hoàn thành cuộc cứu chuộc thứ nhất.
Và tác nhân của cuộc cứu chuộc ấy vẫn chính là Thiên Chúa, Đấng Thánh của
Israel, Đấng Giải Thoát và Đấng Cứu Chuộc của dân Người. Ngôn Sứ Giêrêmia nói:
"Chúa phán, đây sắp tới ngày Ta sẽ hoàn tất lời Ta đã hứa với nhà Israel
và nhà Giuđa" (Gr 33,14).
24 Tháng Mười Hai
Cặp Kính Lão
Tại một viện dưỡng
lão nọ, ai ai cũng cảm thấy vui, vì ngày Giáng Sinh sắp đến. Lễ Giáng Sinh
không những là lễ của nhận quà, mà còn là của tặng quà nữa. Cho nên, dù không
dư dả, các lão ông lão bà cũng cặm cụi suốt ngày để chuẩn bị một món quà gửi tặng
cho thân nhân, người quen.
Duy chỉ có một bà
lão xem chừng như dửng dưng trước những rộn rịp xung quanh. Bà ngồi trong một
góc nhà, gặm nhấm từng nỗi cô đơn của mình. Bà không còn một người thân nào
trên trần gian này. Kỳ thực, bà còn một người con trai, nhưng người con ấy kể
như đã chết với bà. Từ lâu, anh đã bị giam trong một trại khổ sai chung thân.
Dù vậy, đối với
trái tim của một người mẹ, một đứa con, cho dù có đốn mạt đến đâu, vẫn là một
người con. Cũng như những lão ông lão bà khác, người đàn bà đáng thương cũng đã
có ý nghĩ gửi một món quà cho đứa con bạc phước của mình. Nhưng bà không có một
đồng xu dính túi. Tất cả tài sản của bà chỉ là cặp kính lão còn đeo trên mắt...
Người đàn bà ước ao được gửi cho người con của mình một gói thuốc lá. Một gói
thuốc không là bao, nhưng gói trọn tình thương mà bà vẫn dành cho anh.
Bà đi trao đổi với
các cụ già, nhưng không ai có gì để trao tặng bà. Cuối cùng, có một ông lão còn
một gói thuốc lá, loại thuốc mà có lẽ con trai bà ưa thích. Nhưng trong viện dưỡng
lão này, dường như ai cũng sống theo nguyên tắc "có qua có lại". Lão
ông chỉ trao cho bà gói thuốc với điều kiện bà cũng trao tặng cho ông một món quà
nào đó.
Người đàn bà đành lấy
cặp kính khỏi đôi mắt và trao cho ông lão. Gương mặt người đàn ông sáng rỡ lên
vì ông đã có thể đọc được tỏ tường. Cuộc trao đổi chấm dứt. Người đàn bà gói
bao thuốc lá lại thành một món quà Giáng Sinh quý giá để gửi tặng cho con.
Trở lại góc phòng của
mình, người đàn bà làm một cử chỉ máy móc: bà đưa tay lên mắt để để sửa lại cặp
kính lão. Nhưng cặp kính không còn nữa. Dù vậy, người đàn bà cảm thấy vui hơn
bao giờ hết: bởi vì người con trai của bà nơi trại khổ sai sẽ vui vì nhận được
quà Giáng Sinh, bởi vì lão ông trong viện dưỡng lão sẽ đọc được báo trong những
ngày Giáng Sinh.
Quà tặng chỉ có ý
nghĩa khi nó là biểu tượng của người tặng. Người tặng quà không chỉ gửi đi một
cánh thiệp, một cái áo, một chiếc bánh, một món đồ chơi, mà gói ghém tất cả
tình cảm, sự biết ơn, lòng ngưỡng mộ, tâm tình thương mến của mình. Một cách
nào đó, khi tặng quà, chúng ta muốn trao tặng chính bản thân mình.
Do đó, sự trao tặng
nào cũng là một mất mát: mất mát một chút tiền của, mất mát một ít thì giờ. Sự
mất mát càng lớn, thì quà tặng càng có giá trị. Bà cụ trong viện dưỡng lão trên
đây quả thực đã mất mát nhiều: bà đã mất đi một phần ánh sáng của mình. Nhưng
bù lại, niềm vui của người con và niềm vui của người đồng viện của bà sẽ lớn
hơn. Mất đi một chút ánh sáng để cho người khác được thấy, chấp nhận một chút
đau khổ để cho người khác được vui, thua thiệt một phần để cho người khác được
cười: đó là tất cả ý nghĩa của sự tặng quà đích thực.
Nhưng đó cũng là niềm
vui đích thực, bởi vì niềm vui của người chính là niềm vui của ta. Mục đích của
quà tặng là làm cho người khác được vui. Do đó, niềm vui của người khác phải là
quà tặng đích thực mang lại niềm vui cho ta.
Ðó chính là nghịch lý
của Kitô Giáo chúng ta. Càng trao ban, càng mất mát, chúng ta càng được nhận
lãnh.
Chúng ta sẽ khám phá
được nghịch lý ấy trong những ngày mừng lễ Giáng Sinh. Niềm vui của Thiên Chúa,
Vinh Danh của Ngài, quà tặng cao cả nhất mà Ngài đã trao tặng cho chúng ta: đó
là Người Con Một của Ngài. Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một của
Ngài.
Chúng ta đón nhận qùa
tặng của Thiên Chúa với tất cả cảm mến tri ân. Nhưng mùa Giáng Sinh không chỉ
là mùa của nhận quà, mà còn là mùa của tặng quà nữa. Chúng ta hãy dâng tặng
Thiên Chúa tất cả con người của chúng ta.
(Lẽ Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét