THỨ SÁU 18/10/2013
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
28 Quanh Năm
THÁNH LUCA, TÁC GIẢ
SÁCH TIN MỪNG. Lễ kính.
* Thánh Luca, “người
thầy thuốc yêu quý” là bạn đồng hành của thánh Phaolô và cũng là tác giả sách
Tin Mừng, trong sách này người đã trình bày lòng nhân hậu của Chúa Kitô rõ ràng
hơn ai hết. Người cũng viết sách Công vụ, tường thuật lại sự tiến triển của Hội
Thánh sau ngày Hiện Xuống. Qua ngòi bút của con người thông thạo văn chương chữ
nghĩa như người, Tin Mừng trở thành một bài thánh ca tạ ơn trong bầu khí vui
tươi và lạc quan phấn khởi.
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 1-8
"Abraham đã
tin vào Thiên Chúa và điều đó kể cho ông như sự công chính".
Trích
thư Thánh Phaolô Tồng đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, chúng ta phải nói gì về chuyện Abraham, tổ phụ theo huyết nhục của
chúng ta đã gặp thấy? Nếu như Abraham nhờ việc làm mà được nên công chính, thì
ông có lý mà tự hào, nhưng không phải tự hào trước mặt Thiên Chúa. Vì Thánh
Kinh nói gì? Abraham đã tin vào Thiên Chúa, và điều đó được kể cho ông như sự
công chính.
Ðối
với người thợ làm việc, tiền công không kể được là ân huệ, nhưng là một món nợ.
Còn đối với người không làm việc, nhưng tin vào Ðấng làm cho người ác nên công
chính, thì đức tin của kẻ ấy được kể như là sự công chính, theo ơn Thiên Chúa
phân định.
Cũng
như Ðavít tuyên bố là phúc đức con người được Thiên Chúa kể là công chính,
không cần có việc làm, mà rằng: "Phúc cho những ai được tha thứ sự gian
ác, và được che lấp các tội lỗi. Phúc cho người Chúa không chấp nhất sự tội".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 31, 1-2. 5. 11
Ðáp: Chúa là chỗ dung
thân; Chúa đùm bọc tôi trong niềm vui ơn cứu độ (c. 7).
Xướng: 1) Phúc thay người
được tha thứ lỗi lầm, và tội phạm của người được ơn che đậy! Phúc thay người mà
Chúa không trách cứ lỗi lầm, và trong lòng người đó chẳng có mưu gian. - Ðáp.
2)
Tôi xưng ra cùng Chúa tội phạm của tôi, và lỗi lầm của tôi, tôi đã không che giấu.
Tôi nói: "Con thú thực cùng Chúa điều gian ác của con, và Chúa đã tha thứ
tội lỗi cho con". - Ðáp.
3)
Chư vị hiền nhân, hãy vui mừng hân hoan trong Chúa, và mọi người lòng ngay hãy
hớn hở reo mừng! - Ðáp.
Alleluia: Dt 4, 12
Alleluia,
alleluia! - Lời Thiên Chúa là lời hằng sống, linh nghiệm, phân rẽ tư tưởng và ý
muốn của tâm hồn. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 1-7
"Mọi sợi tóc
trên đều các con cũng đã được đếm cả rồi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có nhiều đám đông dân chúng đứng chung quanh, đến nỗi chen đạp lẫn nhau,
nên Chúa Giêsu bắt đầu dạy các môn đệ trước tiên rằng: "Các con hãy ý tứ
giữ mình khỏi men biệt phái, nghĩa là sự giả hình. Không có gì che đậy mà không
bị tiết lộ ra, và không có gì giấu kín mà chẳng biết được. Vì vậy, những điều
các con nói trong nơi tối tăm, sẽ được nói ra nơi sáng sủa, và điều các con nói
rỉ tai trong buồng kín, sẽ được rao giảng trên mái nhà.
"Thầy
bảo các con là những bạn hữu của Thầy rằng: Các con đừng sợ chi những kẻ giết
được thân xác, rồi sau đó không thể làm gì hơn được nữa. Thầy sẽ chỉ cho các
con biết phải sợ ai: Hãy sợ Ðấng, sau khi đã giết chết, còn có quyền ném vào địa
ngục. Phải, Thầy bảo các con hãy sợ Ðấng ấy.
"Chớ
thì năm con chim sẻ không bán được hai đồng tiền sao? Thế mà không một con nào
bị bỏ quên trước mặt Thiên Chúa. Hơn nữa, mọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã
được đếm cả rồi. Vậy các con đừng sợ: các con còn trọng hơn nhiều con chim sẻ".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Các Con Ðừng
Sợ
Thánh
Justinô là một triết gia nổi tiếng của Kitô giáo vào thế kỷ thứ 2; ngài đã bị bắt
giam tại Rôma cùng với một số Kitô hữu khác, vì tội tuyên truyền tôn giáo trong
trường học do ngài điều khiển. Ra trước tòa, khi được hỏi về hành động của
mình, thánh nhân dõng dạc tuyên bố:
-
Suốt đời tôi, tôi đã đi tìm kiếm chân lý; tôi đã nghiên cứu sâu xa các triết lý
Ðông Phương, Hy Lạp và Rôma; thế nhưng cuối cùng tôi đã tìm được giáo thuyết
chân thật.
Quan
tòa liền hỏi giáo thuyết chân thật đó là gì ? Thánh nhân giải thích:
-
Thưa là giáo thuyết của Chúa Giêsu Nazaret, giáo thuyết này nhằm giải phóng
chúng ta khỏi các ngẫu tượng và dạy chúng ta thờ phượng một Thiên Chúa độc nhất,
hằng sống và chân thật, là Ðấng tạo thành trời đất, là Ðấng cứu rỗi nhân loại.
Quan
tòa lại hỏi:
-
Vậy ông là một Kitô hữu ư?
Thánh
nhân liền tuyên xưng:
-
Phải, tôi là một Kitô hữu và tôi lấy làm vinh dự được làm Kitô hữu cùng với các
bạn tôi đây.
Quan
tòa ra lệnh cho thánh nhân và các bạn của ngài phải tế thần, thánh nhân trả lời
một cách cương quyết:
-
Chúng tôi không tôn thờ ngẫu tượng, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng tôi
là những người vô thần. Chúng tôi thờ lạy một Thiên Chúa thiêng liêng, Cha của
Chúa Giêsu. Một người có đầu óc lành mạnh không thể từ bỏ tôn giáo chân thật để
chạy theo một tôn giáo giả.
Thấy
không thể thuyết phục được thánh nhân bỏ đạo, quan tòa ra lệnh đánh đòn rồi xử
trảm thánh nhân và các bạn.
Ðứng
trước cái chết, ai cũng run sợ. Chúa Giêsu đã không thoát khỏi tâm trạng ấy:
Ngài run sợ đến toát mồ hôi máu. Vậy đâu là sức mạnh giúp Chúa Giêsu thắng vượt
sự sợ hãi ấy? Thưa, chính là sự kết hiệp với Chúa Cha. Niềm tín thác vào sự hiện
diện và tình yêu của Chúa Cha đã giúp Chúa Giêsu thắng vượt mọi thử thách và yếu
hèn trong thân phận làm người.
Ðó
cũng là bí quyết của tất cả các thánh tử đạo. Sách Công vụ Tông Ðồ kể lại đầy đủ
chi tiết cái chết của vị tử đạo tiên khởi là thánh Stêphanô. Thánh nhân cũng phải
trải qua những giây phút kinh hãi như chính Chúa Giêsu; nhưng sách Công vụ Tông
đồ mô tả thái độ của ngài như sau: "Ngài được đầy Thánh Thần, đăm đăm nhìn
trời cao thấy vinh quang của Thiên Chúa và thấy Chúa Giêsu đứng bên hữu Thiên
Chúa". Chỉ bằng một ánh mắt luôn hướng về trời cao như thế, con người mới
có thể lướt qua thử thách và sợ hãi. Thánh Justinô đã có được sự bình thản trước
cái chết, bởi vì ngài luôn tin tưởng vào Thiên Chúa hằng sống và chân thật.
Nhìn
lại cung cách của một số vị tử đạo, chúng ta có được sức mạnh của Lời Chúa
trong đời sống con người. Sứ điệp Tin Mừng hôm nay tập trung vào hai chữ:
"Ðừng sợ" được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần. Ðây chính là một mệnh lệnh
của Chúa Giêsu chạy xuyên suốt toàn bộ Tin Mừng. Trong biến cố Truyền tin,
thiên sứ đã nói với Ðức Maria: "Ðừng sợ". Khi Chúa Giêsu sinh ra, các
thiên sứ đã loan báo tin vui bằng lời trấn an các mục đồng: "Ðừng sợ".
Ðây là công thức sẽ được Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần với các môn đệ, và cao điểm
là lúc Ngài tuyên bố: "Các con đừng sợ, vì Thầy đã thắng thế gian".
Khi
được bầu làm Giáo Hoàng, trong diễn văn đầu tiên tại quảng trường thánh Phêrô,
Ðức Gioan Phaolô II đã dõng dạc tuyên bố: "Ðừng sợ, hãy mở rộng cửa cho
Chúa Kitô". Thật thế, khi con người mở rộng cửa cho Chúa Kitô, khi con người
để Chúa Kitô sinh động trong tâm hồn, khi con người chỉ sống bằng sự sống của
Chúa Kitô, thì lúc đó con người sẽ lướt thắng được mọi sợ hãi, và chỉ lúc đó,
con người mới có thể lên tiếng công bố Lời Chúa cho mọi người.
Nguyện
xin sức sống của Chúa Kitô tràn ngập tâm hồn chúng ta, để cả cuộc đời chúng ta
trở thành lời ca tụng Chúa trước mặt mọi người.
(Veritas Asia)
Ngày 18 tháng 10
Lễ Thánh Luca, Thánh Sử
Lễ Kính
Bài Ðọc I: 2 Tm 4, 9-17a
"Chỉ còn một
mình Luca ở với cha".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con
thân mến, Ðêma đã lìa bỏ cha, bởi nó yêu chuộng sự đời này, và đã trẩy sang
Thêxalônica, còn Crescens thì đi Galata, Titô đi Ðalmatia. Chỉ còn một mình
Luca ở với cha. Con hãy đem Marcô đi và dẫn tới đây với con, vì anh ấy có thể
giúp ích để cha chu toàn sứ vụ. Còn Tykicô, thì cha đã sai đi Êphêxô rồi. Cái
áo khoác cha để quên tại nhà ông Carpô ở Troa, khi con tới, hãy mang đến cho
cha, cả những cuốn sách và nhất là những mảnh da thuộc để viết.
Anh
thợ đồng Alexanđrô làm cho cha phải chịu nhiều điều khốn khổ. Chúa sẽ trả báo
cho nó tuỳ theo công việc nó đã làm. Cả con nữa, con cũng phải xa lánh nó, vì
nó kịch liệt phản đối lời giảng dạy của chúng ta.
Lần
đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi
người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức
mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân Ngoại
được nghe.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 10-11.
12-13ab. 17-18
Ðáp: Lạy Chúa, con cái
Chúa làm cho loài người nhận biết vinh quang cao cả nước Chúa (c. 12).
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công việc của Chúa hãy chúc tụng Chúa, và các
thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước
Chúa, và hãy đề cao quyền năng. - Ðáp.
2)
Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng, và vinh quang cao cả nước Chúa. Nước
Chúa là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền Chúa tồn tại qua muôn thế hệ. - Ðáp.
3)
Chúa công minh trong mọi đường lối của Người, và yêu thương trong mọi kỳ công
Người tác tạo. Chúa ở gần những kẻ kêu cầu Người, những kẻ kêu cầu Người với
lòng thành thật. - Ðáp.
Alleluia: Ga 15, 16
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Chính Thầy đã chọn các con, để các con đi và mang
lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 10, 1-9
"Lúa chín đầy
đồng mà thợ gặt thì ít".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa chọn thêm bảy mươi hai người nữa và sai các ông cứ từng hai người đi
trước Người đến các thành và các nơi mà chính Người sẽ tới. Người bảo các ông rằng:
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít; vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ
đến gặt lúa của Người. Các con hãy đi. Này Ta sai các con như con chiên ở giữa
sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi
ai dọc đường.
"Vào
nhà nào, trước tiên các con hãy nói: "Bình an cho nhà này". Nếu ở đấy
có con cái sự bình an, thì sự bình an của các con sẽ đến trên người ấy. Bằng
không, sự bình an lại trở về với các con. Các con ở lại trong nhà đó, ăn uống
những thứ họ có, vì thợ đáng được trả công. Các con đừng đi nhà này sang nhà nọ.
Khi vào thành nào mà người ta tiếp các con, các con hãy ăn những thức người ta
dọn cho. Hãy chữa các bệnh nhân trong thành và nói với họ rằng: Nước Thiên Chúa
đã đến gần các ngươi".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Diễn Văn
Truyền Giáo
Giáo
Hội mời gọi chúng ta đọc và suy niệm những câu đầu tiên của chương 10 Phúc Âm
theo thánh Luca. Ðây là bài diễn văn truyền giáo số 2. Bài diễn văn truyền giáo
số 1 là chương 9, Phúc Âm thánh Luca. Trong bài diễn văn truyền giáo số 2, Chúa
Giêsu ngỏ lời căn dặn bảy mươi hai môn đệ mà Ngài sai đi từng nhóm hai người một
để làm như một cộng đoàn làm việc chung với nhau, chứ không phải một cách riêng
rẽ. Con số mười hai tông đồ nhắc đến mười hai chi họ Israel; con số bảy mươi
hai môn đệ nhắc đến chi tiết nơi chương 10 sách Sáng Thế: "Khi tất cả các
dân nước trên mặt đất".
Như
thế, chúng ta có thể nói rằng bài diễn văn truyền giáo số 2 của Chúa Giêsu
trong đoạn Phúc Âm thánh Luca mà hôm nay chúng ta suy niệm là những lời căn dặn
của Chúa Giêsu cho tất cả mọi thành phần Giáo Hội Dân Chúa đến từ khắp mọi nơi
không phân biệt màu da, chủng tộc, tiếng nói. Tất cả mọi người đồ đệ của Chúa đều
phải là những nhà truyền giáo, những chứng nhân của Chúa và phải tuân giữ những
gì Chúa căn dặn nơi chương 10 này.
Những
lời dặn dò trên của Chúa Giêsu thật là cặn kẽ, cụ thể, với những chi tiết hết sức
thực tế. Dĩ nhiên, tinh thần phải có khi thực hiện những việc làm trên là điều
quan trọng hơn. Thời đại đã thay đổi, thời chúng ta đang sống khác với thời của
Chúa Giêsu. Những hành động cụ thể của một thời đã thay đổi, chẳng hạn như ngày
xưa đi bộ, cầm gậy thì ngày nay đã có các phương tiện giao thông liên lạc khác,
nhưng tinh thần của những hành động cụ thể mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ có
không bao giờ thay đổi. Trong những giây phút ngắn ngủi suy niệm này chúng ta
không thể nào suy niệm tất cả mọi khía cạnh của tinh thần truyền giáo nơi môn đệ
của Chúa.
Ước
chi mỗi người chúng ta tìm thì giờ rảnh rỗi trong ngày, trong tuần để trở lại
suy niệm thêm về những lời căn dặn của Chúa nơi chương 10 Phúc Âm thánh Luca.
Chúng
ta hãy nhớ lại những lời đầu tiên Chúa Giêsu nói trong đoạn Phúc Âm hôm nay:
"Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít, vậy các con hãy xin chủ ruộng sai thợ
đến gặt lúa của Người, các con hãy ra đi". Qua câu đầu tiên này của đoạn
Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta điểm khởi đầu căn bản của mọi hoạt động truyền
giáo: trước hết là nhận thức nhu cầu của anh chị em chung quanh, thứ hai là đưa
nhu cầu đó vào trong lời cầu nguyện của chính mình và thứ ba là sẵn sàng để được
sai và hăng say ra đi khi được trao phó cho sứ mạng. Chúng ta hãy tự vấn xem
chính mình đã có những tư tưởng căn bản này chưa? Những quan tâm truyền giáo
làm chứng cho Chúa có được chúng ta đưa vào trong lời cầu nguyện của chính mình
chưa? Trong cuộc đối thoại giữa mình với Thiên Chúa chưa?
Lạy
Chúa,
Này
con đây đã sẵn sàng, Chúa muốn con làm gì xin hãy phán và con xin lắng nghe.
Xin ban ơn biến đổi mỗi người chúng con trở thành những chứng nhân đích thực của
Chúa trong mọi hoàn cảnh.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Thánh Lucas Thánh Sử
(Ngày 18 tháng 10)
Bài đọc: 2 Tim
4:9-17a; Lk 10:1-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Trung thành viết và
rao giảng Tin Mừng.
Thánh
Lucas không phải là người Do-thái. Ngài được đề cập riêng khỏi những người
Do-thái (Col 4:14), và kiểu mẫu viết văn chứng tỏ ngài là người Hy-lạp. Vì thế,
ngài không thể nào bị đồng nhất với ngôn sứ Lucius của Acts 13:1 hay Lucius của
Romans 16:21, người đồng hương của Phaolô. Epiphanius không đúng khi gọi ngài
là một trong số 72 môn đệ. Ngài cũng không phải là người đồng hành với Cleopas
trên hành trình Emmaus. Thánh Lucas có kiến thức nhiều về Bản Bảy Mươi
(Septuagint) và truyền thống Do-thái mà ngài thu nhận được hoặc khi ngài đang
là một tân tòng Do-thái hay sau khi ngài đã trở thành một Kitô hữu, qua việc
giao tiếp với các tông-đồ và các môn đệ.
Ngài
sinh sống tại Antioch, thủ đô của Syria. Ngài là một y sĩ, và Phaolô đã gọi
ngài là “một y sĩ đáng yêu nhất” (Col 4:14). Thánh Lucas xuất hiện lần đầu tại
Troas khi ngài gặp thánh Phaolô (Acts 16:8). Từ đó, ngài trở thành người bạn đồng
hành cùng rao giảng Tin Mừng với Phaolô và viết Tin Mừng Thứ Ba cùng Công Vụ
Tông Đồ. Ngài là bạn trung thành với Phaolô trong lần Phaolô bị giam lần cuối
cùng như trình thuật hôm nay viết (2 Tim 4:7-11). Ba lần ngài được đề cập đến
trong các Thư của Phaolô (Col 4:14; Phi 24; 2 Tim 4:11), ngài được kể tên cùng
với Marcô. Điều này chứng minh Lucas quen thuộc với Marcô và Tin Mừng của ông.
Lucas chắc cũng nhiều lần có cơ hội gặp Phêrô và giúp ông trong việc viết các
Thư Phêrô bằng tiếng Hy-lạp.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Chỉ còn một mình anh Lucas ở với tôi.
1.1/
Phaolô hoàn toàn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa. Sau khi đã làm chứng
cho Đức Kitô tại Jerusalem, Ngài đã hiện ra với ông trong một thị kiến ban đêm
để an ủi và cho ông biết ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Roma nữa; đồng thời Ngài
cũng cho ông biết những gian nan nguy hiểm đang chờ ông tại Roma.
Phaolô
viết thư này cho môn đệ Timothy khi ông đang bị giam trong tù tại Roma, với mục
đích để khích lệ tinh thần cho Timothy sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô. Phaolô
không cho là ông xứng đáng với triều thiên dành cho người công chính bằng những
công việc ông làm; nhưng Phaolô muốn nhấn mạnh đến niềm tin trung thành nơi Đức
Kitô. Ngài là Thẩm Phán Chí Công, Ngài là Đấng sẽ tuyên bố Phaolô là người công
chính, và sẽ trao phần thưởng là triều thiên công chính cho ông.
Đoạn
văn này là bằng chứng cho những người hiểu lầm học thuyết của Phaolô khi ông
nói con người được công chính nhờ đặt niềm tin nơi Đức Kitô, mà không cần phải
làm gì để chứng tỏ niềm tin. Phaolô chứng minh niềm tin của ông vào Thiên Chúa
bằng việc hoàn tất sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại mà Đức Kitô đã trao
cho ông, và giờ đây, ông còn sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin Mừng ông rao
giảng trên đất Rôma của Dân Ngoại.
1.2/
Phaolô có thể vượt qua mọi trở ngại là nhờ ông vững tin nơi Thiên Chúa: Nhìn lại cuộc đời
rao giảng Tin Mừng của Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự kiên trì
phi thường của ông, khi phải đương đầu với những đau khổ bên trong cũng như bên
ngoài, như trong trình thuật hôm nay, ông viết: “Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần
thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng
chấp họ.” Tuy phải chịu đau khổ như thế, nhưng ông đã noi gương Đức Kitô, chẳng
những không trách cứ họ, mà còn cầu nguyện cho họ nữa.
Phaolô
nhận ra sức mạnh để chịu đựng và sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng
không đến từ con người yếu đuối của ông; nhưng nhờ ông đặt niềm tin trọn vẹn
nơi Đức Kitô. Ông viết: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi,
để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe
biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát
khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời.
Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.”
2/
Phúc Âm: "Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông."
2.1/
Khác biệt về văn bản: Theo
Lucas, Chúa Giêsu không chỉ chọn 12 Tông-đồ, nhưng còn nhiều môn đệ khác, để huấn
luyện và sai đi rao giảng Tin Mừng. Trong Lucas, có hai lần sai đi: Lần thứ nhất,
Chúa Giêsu sai 12 tông đồ (Lk 9:1-6; Mt 10:1, 7-16; Mk 6:7-13). Lần thứ hai, chỉ
có trong Lucas, theo trình thuật hôm nay: “Chúa chỉ định bảy mươi hai người
khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các
nơi mà chính Người sẽ đến.”
2.2/
Môn đệ là sứ giả mang Tin Mừng.
(1)
Phải ý thức sứ vụ cuả mình: Chúa Giêsu biết những nguy hiểm người môn đệ phải đương đầu khi
Ngài nói với các ông: “Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy
sói.” Hai điều Ngài muốn đề phòng cho các ông:
- “Đừng mang theo túi tiền, bao bị,
giày dép”: Đây
là những thứ ngăn cản việc rao giảng Tin Mừng. Lo lắng quá nhiều về phương diện
sinh sống sẽ ngăn cản các ông dành mọi cố gắng cho việc rao giảng Tin Mừng.
- “Cũng đừng chào hỏi ai dọc đường”:
Chúa Giêsu không dạy
các môn đệ bất lịch sự hay sống cách biệt. Ngài chỉ muốn các môn đệ biết tính
khẩn cấp của việc rao giảng Tin Mừng để các ông đừng trò chuyện vô ích dọc đường,
làm mất thời gian rao giảng (cf. 2 Kgs 4:29).
(2)
Chấp nhận Tin Mừng là điều kiện để có bình an: Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ:
“Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: "Bình an cho nhà này!"” Điều
này chứng tỏ Tin Mừng cứu độ được trao cách nhưng không cho mọi người. Theo
Lucas, sự bình an này được liên kết với ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho mọi
người (cf. 1:79, 2:14-29, 7:50, 8:48, 12:51, 19:38). Chấp nhận Tin Mừng là có
bình an: “Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ ở lại với
người ấy; bằng không thì bình an đó sẽ trở lại với anh em.” Điều Chúa Giêsu muốn
ám chỉ ở đây là sự bình an trong các môn đệ có năng lực làm cho người khác cũng
cảm thấy được bình an.
2.3/
Môn đệ là sứ giả của Nước Trời.
(1)
Đừng tìm kiếm những sự thế gian: Nhiều người nói “nếu không đem theo tiền bạc và bao
bị thì lấy gì mà ăn.” Nói như thế là khinh thường sự quan phòng của Thiên Chúa.
Ngài coi các môn đệ là những người làm cho Ngài, và “thợ làm đáng được trả công
đời này” (1 Tim 5:18; cf. 1 Cor 9:7-14). Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng nhấn mạnh:
“người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó.” Người rao giảng không
được đòi hỏi, họ phải có khả năng ăn thức ăn của địa phương dâng tặng. Họ cũng
không thể sống theo luật Kosher của Do-thái nữa. Người môn đệ cũng “đừng đi hết
nhà nọ đến nhà kia” để tìm lợi nhuận vật chất hay chỗ ăn ở sung sướng hơn.
(2)
Làm cho triều đại Thiên Chúa mau đến: Chúa Giêsu nhắc lại bổn phận chính của người môn đệ:
“Hãy chữa những người đau yếu trong thành, và nói với họ: "Triều Đại Thiên
Chúa đã đến gần các ông."” Triều đại của Thiên Chúa đã đến với sự xuất hiện
của Đức Kitô và các môn đệ loan báo Tin Mừng này đến cho mọi người.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta hãy noi gương hai thánh Lucas và Phaolô để biết hy sinh dành trọn cuộc
đời cho việc rao giảng Tin Mừng.
-
Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc rao giảng Tin Mừng vì đó là những giá
trị ngược lại với những giá trị của thế gian; nhưng ai bền vững đến cùng sẽ được
cứu thoát.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 28TN
Lc 12,1-7
A. Hạt giống...
1. Câu 1-3 : Đoạn trước (11,37-54) đã cho ta thấy
Chúa Giêsu bị nhóm pharisêu và nhóm luật sĩ bắt lỗi trong một bữa ăn. Câu
chuyện đó khiến Ngài muốn cảnh giác các môn đệ mình hai điều. Điều thứ nhất là
hãy coi chừng thói giả hình của người pharisêu : một mặt là đừng giả hình như
họ, mặt khác các môn đệ hãy đặt mình vào hàng “các ngôn sứ và các tông đồ” (c
49) để lo rao giảng sứ điệp của Thiên Chúa và sẵn sàng chịu bách hại vì sứ mạng
đó.
- “Men pharisêu” : Chữ “men” được Chúa Giêsu dùng ở đây muốn nói đến một thứ ẩn
giấu trong bột để từ từ làm cho bột bị hư đi không còn là bột tinh tuyền nữa.
Thái độ giả hình của người biệt phái cũng giống như vậy vì nó có thể lây lan
làm hại nhiều người khác. Các môn đệ hãy coi chừng đừng để mình bị lây nhiễm
thói xấu đó vì nếu bị nhiễm thì đến phiên họ cũng sẽ lây nhiễm sang nhiều người
khác trong Giáo Hội.
- Không giả hình tức là ta như thế nào thì tỏ ra thế ấy, bởi vì “Không có gì
che dấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết”.
Chú ý, câu này cũng được Mt ghi lại (Mt 10,27) nhưng trong một văn mạch khác
nên mang ý nghĩa khác : Trong Mt nó muốn nói đến việc rao giảng Tin Mừng.
- Chúa Giêsu quảng diễn thêm ý tưởng trên bằng hai kiểu nói nữa : “Tất cả những
gì anh em nói lúc đêm hôm, sẽ được nghe giữa ban ngày ; và điều anh em rỉ tai
trong buồng kín sẽ được công bố trên mái nhà”. Nên nhớ mái nhà ở do thái là nóc
bằng nên cũng là nơi người ta thường lên để trò chuyện và thông báo tin tức cho
nhau.
2. Câu 4-7 : Điều thứ hai Ngài khuyên là đừng sợ
sự thù nghịch của thế gian đối với người tông đồ của Chúa. Ngài đưa nhiều lý do
để thuyết phục các môn đệ :
- Lý do thứ nhất là các quan quyền thế gian cùng lắm chỉ giết được thân xác của
ta chứ không giết được sự sống thật của ta là điều thuộc về quyền độc hữu của
Thiên Chúa. Bởi vậy nên sợ Thiên Chúa hơn.
- Không những đừng sợ các quan quyền thế gian, mà còn phải phó thác vào Thiên
Chúa quan phòng : Đấng luôn chăm sóc từng con chim sẻ và từng sợi tóc trên đầu
chúng ta lẽ nào lại không chăm sóc những người làm sứ mạng Ngài giao hay sao !
(Về chi tiết chim sẻ : Mt 10,29 ghi hai con chim sẻ bán được một xu. Ở đây Lc
ghi năm con bán một xu. Lc muốn nhấn mạnh hơn nữa ý tưởng Thiên Chúa chăm sóc
những vật rất tầm thường).
B.... nẩy mầm.
1. Đừng sợ : “Chúa Giêsu đưa ra lời trấn an này
vào giữa lúc các môn đệ Ngài nhận ra sự chống đối của biệt phái đối với Chúa
Giêsu. Theo Chúa Giêsu Kitô, người môn đệ đồng chịu số phận chống đối. Đó là
chuyện đương nhiên, không thể có con đường nào khác. Ngay trong chính bản thân,
những xâu xé, giằng co cũng là chuyện không thể tránh được. Thế nhưng Chúa
Giêsu khuyên chúng ta hãy an tâm, bởi vì Thiên Chúa luôn ở bên cạnh chúng ta.
Ngài không cất khỏi chúng ta những chống đối, đau khổ và sự chết. Ngài chỉ cho
chúng ta thấy đâu là ý nghĩa của đau khổ, đâu là cùng đích cuộc đời” (Trích
"Mỗi ngày một tin vui").
2. Chúa quan phòng : “Bài phúc âm hôm nay cho
thấy Thiên Chúa quan phòng mỗi người con cái Chúa. Chúa bảo đảm rằng Chúa lo
lắng cho từng con chim trời không con nào chết đói, từng bông hoa huệ nay còn
mai mất mà có được màu trắng vương giả, thì con người quí giá ngàn trùng, càng
được Chúa bảo trợ...” (Trích "TMCGK ngày trong tuần").
3. Một hôm Đức Ala gọi một Thiên sứ đến và
truyền lệnh : “Ngươi hãy xuống trần gian để đưa về đây người đàn bà góa có 4
đứa con thơ”. Thiên sứ ra đi, gặp ngay người đàn bà góa đang cho đứa con nhỏ
nhất bú. Ngài nhìn người đàn bà với 4 đứa con dại, rồi lại lên Đức Ala để tha
thiết nài xin rút lại lệnh truyền. Làm sao có thể nhẫn tâm tách lìa người mẹ
khỏi những đứa con thơ ấy ? Nhưng lời van xin của Sứ thần chẳng mảy may
đánh động được Đức Ala. Cuối cùng Sứ thần đành phải vâng lệnh Đức Ala mà cướp
người mẹ góa khỏi bầy con thơ và đưa về trời.
Hoàn thành công tác, nhưng xem chừng vị
thiên sứ lại có vẻ buồn. Phải, làm sao vui được trước cảnh chia ly giữa mẹ và
con ? Thấy sứ thần buồn, Đức Ala gọi đến và đưa vào sa mạc. Ngài chỉ cho sứ thần
thấy một tảng đá lớn và bảo đập nó ra. Tảng đá vừa vỡ đôi, sứ thần ngạc nhiên
vô cùng, vì từ trong tảng đá một con sâu nhỏ từ từ bò ra. Chợt hiểu được ý
nghĩa của sự kiện ấy, sứ thần bỗng thốt lên : “Ôi lạy Đấng tối cao, mầu nhiệm
thay công cuộc sáng tạo của Ngài. Với sự khôn ngoan thượng trí và tình yêu vô
biên, Ngài đã không bỏ mặc một tạo vật bé nhỏ như con sâu kia, thì hẳn Ngài
cũng sẽ không quên được 4 đứa trẻ mồ côi là con cái của Ngài.” (Trích
”Món quà giáng sinh”)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
18/10/13 THỨ SÁU TUẦN 19 TN
Th. Luca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9
Th. Luca, tác giả sách Tin Mừng
Lc 10,1-9
LÀ SỨ GIẢ TIN MỪNG
Sau đó, Chúa Giê-su chỉ định
bảy mươi hai môn đệ khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào
các thành, các nơi mà chính Người sẽ đến. (Lc 10,1)
Suy niệm: Trong
Tân Ước, môn đệ là những người đi theo Đức Giêsu; từ các môn
đệ này, Ngài chọn riêng Nhóm Mười Hai và gọi là tông đồ (x. Lc 6, 12-16; Mt 10,1-4; Mc 3,13-19). Lần
thứ nhất Ngài đã sai mười hai tông đồ đi loan báo Tin Mừng (Lc 9,1-6), lần này
Ngài sai bảy mươi hai môn đệ khác thi hành sứ vụ ấy. Điều đó cho thấy sứ mạng
truyền giáo không dành riêng cho các tông đồ, nhưng là cho tất cả mọi môn đệ.
Đức Giêsu mời gọi các môn đệ công bố Tin Mừng bình an của Ngài cho con người.
Họ làm việc trong tinh thần cộng đoàn hòa hợp “từng hai người một,”
tín thác vào sự trợ giúp của Thiên Chúa, và trong tinh thần khó nghèo.
Mời Bạn: “Hãy mở một con đường cho Đức
Chúa, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta”
(Is 40,3) trong tâm hồn bạn và những người chung quanh. Chúa mời gọi bạn trở
thành sứ giả Tin Mừng, người đi tiền phong, dọn đường cho Đức Giêsu. Bạn hãy
chuẩn bị cho những ai nghe Lời một tâm hồn khiêm nhu, biết lắng nghe mà đón
nhận sự thật; “để khi đến, Ngài chiếu sáng cõi lòng chúng ta bằng sự hiện diện
đầy yêu thương của Ngài” (Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả).
Sống Lời Chúa: Tôi
thực hiện điều quyết tâm sau đây: lời rao giảng hữu hiệu nhất là đời sống bác
ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã sai thánh Luca đi rao giảng và viết sách Tin
mừng cho mọi người nhận biết Chúa đặc biệt yêu thương những kẻ bé mọn. Xin cho
các Kitô hữu đồng tâm nhất trí với nhau, hầu muôn dân được nhận biết ơn cứu độ
của Ngài. Amen.
Tông Đồ đoàn của Đức Giêsu
Muốn Hội Thánh được phát triển, cần có nhiều môn đệ Đức Kitô
đi làm việc Tông Đồ, để tập họp thêm nhiều người vào Hội Thánh. Vì việc Tông Đồ
không phải chỉ dành riêng cho hàng giáo sĩ, mà là của toàn thể giáo dân biết
cộng tác với các chủ chăn của mình. Do đó, ông Luca đã cho chúng ta nhận thức
về sứ mệnh Tông Đồ của mọi Kitô hữu như sau:
1. Mọi Kitô hữu phải làm Tông Đồ cho Chúa.
2. Làm Tông Đồ là làm chứng cho sự thật.
3. Làm Tông Đồ là kêu gọi đồng loại đến gặt lúa chín.
4. Muốn làm Tông Đồ phải được Hội Thánh sai đi.
5. Đường Tông Đồ là đường chông gai.
6. Tông Đồ phải sống tinh thần nghèo khó.
7. Làm Tông Đồ là đi cấp cứu người.
8. Muốn được bình an phải loan báo Tin Mừng.
1/ Mọi Kitô hữu phải làm tông đồ cho Chúa.
Đức Giêsu không chỉ muốn chọn 12 người đàn ông Do Thái làm
môn đệ để họ làm việc Tông Đồ cho Ngài, mà Ngài còn muốn mời gọi muôn dân trên
trái đất. Đó là lý do Ngài chọn 70 hay 72 môn đệ (x Lc 10,1a). Ta biết con số
70 (theo bản văn tiếng Hipri) hay số 72 (theo bản văn tiếng Hy-Lạp) môn đệ Đức
Giêsu chọn là hình ảnh con cháu ông Noe sau lụt Hồng Thủy (x St 10), mà lụt
Hồng Thủy là hình ảnh tiên báo về Bí tích Thánh Tẩy; đồng thời số 72 cũng là
dòng giống dân Israel (x Xh 1,5). Do đó những ai đã nhận Bí tích Thánh Tẩy đều
là giống nòi của Israel mới, để có nhiều môn đệ cộng tác vào việc Nước Thiên
Chúa, như thuở xưa một mình ông Mô-sê điều hành Israel không nổi, nhạc phụ ông
đã khuyên nên chọn lấy 72 vị kỳ lão để tiếp tay với ông (x Xh 18,13t).
Vào thời Tân Ước, hàng giáo sĩ là hiện thân Nhóm 12 của Đức
Giêsu chọn, cũng cần phải được nhiều giáo dân cộng tác. Bởi thế, trước khi Ngài
lìa biệt Nhóm Mười Một về cùng Cha, Ngài truyền lệnh cho môn đệ đi khắp thế
gian tập họp môn đệ cho Ngài bằng hai việc: Làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa
Cha và Chúa Con và Chúa Thánh Thần, và dạy họ tuân giữ những Lời Chúa Giêsu đã
truyền (x Mt 28, 19-20), thì công việc Mục Vụ của Hội Thánh mới đạt được kết
quả cao.
Vì thế giáo huấn Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số
35 dạy: “Giáo dân có thể và phải có một hoạt động cao quý là truyền bá Tin Mừng
cho thế giới cả những lúc họ bận tâm lo lắng việc trần thế”. Cụ thể ông Luca
chỉ là một giáo dân, nghề lương y, đã theo giúp ông Phao-lô. Ông đã điều tra
cẩn thận về đời sống của Đức Giêsu cũng như giáo lý của Ngài, rồi ông viết lại
cho chúng ta hai tác phẩm là sách Tin Mừng và sách Tông Đồ Công Vụ. Ông Phao-lô
còn nói với môn đệ Ti-mô-thê: “Dẫn Mác-co đến với tôi, vì anh ấy rất hữu ích
cho việc phục vụ của tôi; còn anh Ty-khi-cô thì tôi đã sai đi Ê-phê-sô”. Loan
báo Tin Mừng có khi phải trực tiếp, có khi gián tiếp cộng tác, giúp đỡ các chủ
chăn. Đan cử: Ông Phao-lô nhờ ông Ti-mô-thê đến nhà ông Các-pô ở Trôa lấy giúp
chiếc áo khoác ngoài cũng như các sách vở và những cuộn giấy da (x 2 Tm
4,10-17: Bài đọc), để ông Phao-lô không mất thì giờ vào việc phụ, một chỉ lo
chu toàn sứ mệnh ngôn sứ. Như vậy việc Tông Đồ là của tập thể ý thức cộng tác
với nhau để làm ứng nghiệm Lời Kinh Thánh: “Kẻ hiếu trung với Chúa, được biết
triều đại Ngài rực rỡ vinh quang” (Tv 145 (144),12a: Đáp ca).
2/ Làm tông đồ là làm chứng cho sự thật
Đó là lý do Đức Giêsu sai từng hai người môn đệ đi làm việc
Tông Đồ (x Lc 10,1b). Không phải chỉ nhằm để họ giúp đỡ nhau, mà “đôi chứng
nhân” có ý nhấn mạnh: làm Tông Đồ là đi loan báo sự thật. Vì theo theo luật
Do-Thái, một điều gọi là chân lý có gía trị, phải có ít là hai người chứng (x
Dnl 19,15), hầu tất cả công việc được đoán định do miệng hai, ba nhân chứng (x
Mt 18,16). Nhưng chứng của hai hay nhiều người có khi còn gia tăng sự gian ác,
như các chứng gian trong phiên tòa xử Đức Giêsu! Vậy “cặp chứng nhân’’ chỉ có
gía trị khi người Tông Đồ của Chúa ý thức sống những điều sau:
· Mến Chúa phải yêu người (x Mt 22,34).
· Làm trước rồi dạy sau (x Mc 6,30).
· Phá hủy để xây dựng (x Gr 1,10).
· Đau khổ đến vinh quang (x Lc 24,26).
· Nô lệ mới làm chủ (x Mc 10,35).
· Lãnh nhận để dâng hiến (x Mc 10,28t).
· Đời này đạt đời sau (x Lc 19,9).
Sống được những đòi hỏi như trên là dọn chỗ tâm hồn đồng loại
cho Đức Giêsu đến để ban phát ơn cứu độ (x Lc 10,1b).
3/ Làm tông đồ là kêu gọi đồng loại đến gặt lúa chín
Đức Giêsu nói: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” (Lc
10,2a).
Thợ gặt ít: Suốt ba năm Đức Giêsu chọn và huấn luyện các Tông
Đồ (Nhóm 12). Thế mà khi Ngài về trời, chỉ còn 11 người được Ngài sai đi. Đấy là
thiếu về lượng! Còn về phẩm chất Đức Tin, thiếu mới đáng lo, vì trong số những
người Đức Giêsu sai đi, có kẻ còn hoài nghi! (x Mt 28,16-17)
Muốn thêm người tham gia việc Tông Đồ, muốn bớt hoài nghi về
Đức Tin, ta cần phải tích cực loan báo Tin Mừng, để quy tụ thêm nhiều người đến
gặt lúa Nước Thiên Chúa, tức là đón nhận ơn cứu độ từ Hy Tế của Chúa Giêsu
thiết lập, như Lời Ngài nói: “Bốn tháng có qua, mùa màng mới đến! Này: Ta bảo
các ngươi hãy ngước mắt lên mà nhìn: đồng lúa đã chín vàng chờ gặt! Rồi kìa thợ
gặt lĩnh công và thu lượm hoa mầu cho sự sống đời đời, để cho kẻ gieo một thể
cùng người gặt đều hoan hỷ. Vì đây lời tục ngữ cũng thật: Người này gieo kẻ
khác gặt! Ta sai các ngươi đi gặt điều các ngươi không vất vả làm ra! Có những
kẻ khác đã vất vả rồi, còn các ngươi đã đến thừa hưởng công lao của họ” (Ga 4,
35-38).
Lý do Đức Giêsu nói: “Bốn tháng có qua mùa màng mới đến” là
vì người Do Thái xuống giống vào tháng 11 đến 12 (mùa Giáng Sinh); mùa gặt vào
giữa tháng 4 (mùa Phục Sinh). Thế thì từ mùa Giáng Sinh đến mùa Phục Sinh là
bốn tháng, đây là thời gian Đức Giêsu thực thi chức Tư Tế của Ngài trên trần
thế, rồi Ngài về ngự bên hữu Chúa Cha hằng chuyển cầu cho tất cả những ai đến
tham dự Thánh Lễ mà Hội Thánh làm hiện tại hóa Hy Tế của Chúa Giêsu. Cho nên đi
dự Lễ là gặt hái hoa trái cứu độ được Đức Giêsu cùng các thánh vất vả làm ra
“mùa lúa chín vàng”.
Thế mà có mấy người biết quý trọng Thánh Lễ, đúng là mùa lúa
chín thiếu thợ gặt! Thật là chua xót đối với Đức Giêsu, mới hơn 20 thế kỷ nay,
những người mang danh là Công Giáo nhất là bên Âu Châu hầu hết bỏ dự Lễ và càng
không quan tâm đến việc rước lễ, không gặt hái mùa lúa chín vàng do Đức Giêsu
và bao nhiêu chứng nhân đã vất vả trồng hạt Lời, và tưới bón bằng máu thịt của
mình, để có mùa lúa chín chờ người gặt.
4/ Muốn làm tông đồ, phải được Hội Thánh sai đi
Đức Giêsu dạy: “Chúng con hãy xin chủ mùa sai thợ ra gặt lúa
về” (Lc 10,2b). Cụ thể qua đời sống thánh Phao-lô, là một Biệt phái rất nhiệt
tâm thờ Chúa theo Luật Mô-sê, ông đã trở thành kẻ giết Chúa (x Cv 9,4). Nhưng
khi được Chúa Giêsu chộp lấy, huấn luyện và sai ông đi làm vườn nho cho Ngài,
ông mới ý thức về việc Tông Đồ Ngài trao cho Hội Thánh, ông nói: “Làm sao họ
kêu cầu Đấng họ không tin? Làm sao họ tin Đấng họ không được nghe? Làm sao mà
nghe, nếu không có ai rao giảng? Làm sao mà rao giảng, nếu không được sai đi?’’
(Rm 10,14-15a) Với lòng xác tín như trên, nên ông Phao-lô trước khi đi truyền
giảng Tin Mừng, ông đã đến gặp các thủ lãnh của Hội Thánh để nhận quyền Sai Đi,
bằng không việc phục vụ của ông trở nên vô ích (x Gl 2,1-2).
5/ Đường tông đồ là đường chông gai
Đức Giêsu dạy: “Thầy sai anh em đi như chiên vào giữa bầy
sói” (Lc 10,3). Niềm tin “ở hiền gặp lành” chỉ có thể thấy đúng trong thế giới
Phục Sinh. Còn đời này phải biết rằng: “Ai càng thiết tha sống chân lý, càng
gặp nhiều chống đối, nhiều kẻ ghét, và cuối cùng cô đơn!” Ta cứ nhìn vào mẫu
gương sống của Đức Giêsu: Ai thánh thiện bằng Ngài? Ai thương người bằng Ngài?
Thế mà Đức Giêsu làm Tông Đồ cho Chúa Cha chưa tròn 3 năm, thì chính những kẻ
đã từng thụ ơn đã đồng lõa giết Ngài! Trên thập gía, Ngài nhìn xuống tìm những
người đã thụ ơn, họ đều trốn mất! Chỉ còn lại những kẻ chế diễu Ngài! Ngài cất
tiếng kêu cứu nơi Chúa Cha, Người lại im lặng! Đến nỗi Đức Giêsu phải thốt lên:
“Lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của Con, sao Người bỏ rơi Con” (Mt 27,46).
Thánh Phao-lô cũng nói lên sự cô đơn này: “Vì anh Đê-ma đã bỏ
tôi, bởi yêu mến thế gian này; A-lê-xan-đê, người thợ rèn, đã gây cho tôi nhiều
khốn khổ; Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực
tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ. Nhưng có Chúa đứng bên
cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn
thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng” (2 Tm 4,10a.14a.16-17).
Phục vụ Tin Mừng có chấp nhận gian khổ mới thực sự phục vụ vì
yêu, chứ không phải vì thương mại, và lời rao giảng đến đổ máu mới minh chứng
điều mình công bố là chân lý quan trọng nhất.
Thánh Tông Đồ ý thức con đường theo Chúa là thế, nên ông đã
nói: “Ước chi tôi chẳng hãnh diện về điều gì, ngoài thập gía Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta!” (Gl 6,14). Bởi đó nếu ta theo Đức Giêsu chỉ dừng chân ở thập
giá thì ta là kẻ khốn nạn nhất trên đời (1Cr 15,19), nên ta phải hướng về mầu
nhiệm Phục Sinh. Chính ông Gióp lúc quá khổ, không thể lý giải sự đau khổ của
mình bằng lý luận loài người. Đau khổ của ông cũng như của loài người chỉ có
thể hiểu lý do, ý nghĩa và hiệu quả trong thế giới Phục Sinh, nên ông nói: “Tôi
biết rằng Đấng bênh vực tôi vẫn sống, và sau cùng, Người sẽ đứng lên trên cõi
đất. Sau khi da tôi đây bị tiêu huỷ, thì với tấm thân, tôi sẽ được nhìn ngắm
Thiên Chúa. Chính tôi sẽ được ngắm nhìn Người, Đấng mắt tôi nhìn thấy không
phải người xa lạ.Lòng tôi những tha thiết mong chờ” (G 19,25-27).
Bởi vậy, chỉ trong mầu nhiệm Phục Sinh “tôi vững vàng tin
tưởng sẽ được thấy ân lộc Chúa ban, trong cõi đất dành cho kẻ sống” (Tv
27/26,13).
6/ Tông đồ phải sống tinh thần nghèo khó
Đức Giêsu dạy: “Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép.”
(Lc 10,4a) Nghĩa là phải sống theo gương Đức Giêsu: “Ngài vốn dĩ là Đấng giàu
có, nhưng vì chúng ta, Ngài đã trở nên nghèo khó, để chúng ta được giàu có, nhờ
sự nghèo khó của Ngài!” (2 Cr 8,9) Thì người môn đệ của Đức Giêsu cũng phải cần
cù làm việc để có thu nhập cao, đạt chỉ tiêu giàu có giống Đức Giêsu, nhưng vì
phục vụ Tin Mừng mà ta trở nên nghèo để đồng loại được giàu có về Đức Tin; còn
người môn đệ chấp nhận nghèo khó như Thầy Giêsu không có nơi ngả đầu (x Lc 9,
58).
Vậy người môn đệ Đức Giêsu hãy sống nghèo cách cụ thể như
Ngài dạy:
+ Đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép! (x Lc 10,4a: Tin
Mừng).
+ Người ta cho ăn uống thức gì, thì anh em dùng thức đó, vì
làm thợ thì đáng được trả công. Đừng đi hết nhà nọ đến nhà kia. Vào bất cứ
thành nào mà được người ta tiếp đón, thì cứ ăn những gì người ta dọn cho anh
em. (Lc 10, 7-8: Tin Mừng).
+ Chính Chúa mới là gia nghiệp đời mình. (x Tv 16/15,5)
7/ Làm tông đồ là đi cấp cứu người
Đức Giêsu dạy: “Đừng chào hỏi ai dọc đường” (Lc 10,4b). Lời
căn dặn này nhắc lại cho ta chuyện ngôn sứ Ê-ly-sa sai đầy tớ là anh Ghêkhaji,
cầm gậy của thầy chạy mau đến nhà bà lớn thành Shu-nem để đặt gậy lên xác con
trai bà, làm cho cậu hồi sinh. Đó là việc cấp bách, nên ngôn sứ Ê-ly-sa dặn đầy
tớ: “Đừng chào hỏi ai” (x 2V 4,18-37). Thế thì việc loan báo Tin Mừng là hành
động cứu cấp đồng loại thoát tay tử thần, nên không còn để ý đến việc chào hỏi
hay từ giã ai (x Lc 9, 61t). Nghĩa là không có gì làm bận tâm để phải trì hoãn
việc loan báo Tin Mừng.
8/ Muốn được bình an phải loan báo Tin Mừng
Đức Giêsu dạy: “Vào bất cứ nhà nào, trước tiên hãy nói: “Bình
an cho nhà này!” Nếu ở đó, có ai đáng hưởng bình an, thì bình an của anh em sẽ
ở lại với người ấy; bằng không thì bình an sẽ trở lại với anh em”(Lc 10, 5-6:
Tin Mừng).
Rõ ràng việc rao giảng Tin Mừng luôn luôn phát sinh sự bình
an: Ai biết đón nhận Tin Mừng, sự bình an đến với họ; bằng không sự bình an trở
về cho sứ giả Tin Mừng. Nói cách khác, làm Tông Đồ là đem bình an cho môi
trường sống và phát sinh bình an trong nội tâm người loan báo. Bởi vì chính Lời
Chúa có sức mạnh ban ơn, như Chúa nói: “Mưa với tuyết sa xuống từ trời không
trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy
lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy,
một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is
55,10-11). Do đó thánh Phao-lô qủa quyết rằng: “Lời Thiên Chúa, anh em đã đón
nhận, không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa, đúng theo bản
tính của lời ấy. Lời đó tác động nơi anh em là những tín hữu.” (1Tx 2,13).
Suy niệm
Đời sống người môn đệ
Đọc đoạn tin mừng này, tôi phác họa ra một hình
ảnh về đời sống của người môn đệ trong tâm trí của tôi. Đời sống của người môn
đệ có những đặc điểm sau đây:
- Làm việc chung: Việc rao giảng tin
mừng không phải là việc của một người hay của riêng ai nhưng là của mọi người.
Thực hiện việc rao giảng tin mừng là một việc làm chung với nhau. Đó là tinh
thần cộng tác, chia sẻ và cùng nhau thực hiện. Điều này nhắc nhở tôi sống tình
liên đới với những người xung quanh qua sự cộng tác và chia sẻ trong việc rao
giảng tin mừng.
- Gặp gian nan thử thách: Trong mỗi
thời mỗi nơi, mỗi hoàn cảnh khác nhau, người môn đệ của Chúa luôn gặp khó khăn
thử thách khác nhau. Đó là điều nhắc nhở tôi không nản lòng và chùn bước khi
gặp thất bại.
- Sống phó thác và thanh thoát: một
đời sống thanh thoát và phó thác cho Chúa giúp cho người môn đệ sống trong tự
do và hăng say dấn thân trong việc rao giảng tin mừng.
- Đem bình an đến cho người khác: Sự
hiện diện của người môn đệ là dấu chỉ cho sự bình an và sự hiện diện của Chúa.
Nếu người môn đệ không mang bình an đến cho những người họ gặp gỡ và những
người họ được sai đến thì người môn đệ không phải là người rao giảng tin mừng
của Chúa nữa.
- Sống hòa đồng: Sự hòa đồng giúp cho
người môn đệ sống gần gũi với tha nhân. Sự hòa đồng giúp cho người môn đệ phá
bỏ những rào cản với tha nhân để đem tin mừng đến cho mọi người..
Lạy Chúa, xin thánh hóa và biến đổi con người
con. Để con trở thành những thợ gặt lành nghề, thánh thiện, đắc lực, đem nhiều
linh hồn lầm lạc về với Chúa bằng đời sống yêu thương và phục vụ. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
18 THÁNG MƯỜI
Mang Tin Vui Cho Người Nghèo
Thời đại của
chúng ta đang đứng trước rất nhiều tình trạng đói nghèo về mặt luân lý, trong
đó tự do và nhân phẩm của con người bị đe dọa nghiêm trọng. Khốn nạn cùng cực
nhất là tình trạng của những người sống mà không hiểu biết được ý nghĩa của cuộc
sống. Lương tâm con người trở nên bị sai lệch hay hoàn toàn hư hỏng, đó là một
dạng nghèo. Bao gia đình phân rã hay đổ vỡ, đó cũng là một dạng nghèo. Chung
qui, tất cả đều là cái nghèo của tội lỗi.
Trong một thế
giới bị xâu xé bởi quá nhiều hình thức nghèo như thế, Giáo Hội phải cố gắng
“mang tin vui đến cho người nghèo” (Lc 4,18). Và Giáo hội đã làm điều đó bằng
cách thể hiện những nỗ lực như của Mẹ Têrêsa Calcutta và những nỗ lực tương tự
của nhiều người khác. Tình yêu của họ đối với Chúa Kitô và công việc phục vụ của
họ đối với những con người nghèo khổ nhất đang bộc lộ sâu sắc ý nghĩa ngôn sứ
và sứ mạng loan báo Tin Mừng của toàn Giáo Hội.
Những chứng
tá hy sinh chất chứa bản chất tình yêu Kitô giáo ấy quả là một nguồn khích lệ lớn
lao. Đối với từng người và đối với toàn Giáo Hội, những chứng tá ấy là “một niềm
khích lệ trong Chúa Kitô”â, “một sự an ủi trong lòng mến”, và “một sự thông dự
trong Thánh Thần”. (Pl 2,1)
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên
tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John
Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
18-10
Thánh
Luca, Tác giả Sách Tin Mừng;
2Tm
4,10-17b; Lc 10,1-9
LỜI SUY NIỆM: “Sau dó, Chúa chỉ định bảy mươi hai người
khác, và sai các ông cứ từng hai người một đi trước, vào tất cả các thành, các
nơi chính Ngươi sẽ đến” (Lc 10,1)
Chúa Giêsu mở ra cho chúng ta một
phương pháp khi đi công tác tông đồ, “cứ hai người một”. Khi chúng ta cứ hai
người một đi chung với nhau, sẽ có sự bổ túc cho nhau khi cần thiết, dễ đồng
tâm nhất nhất trí trong một vấn đề. Có như vậy công tác tông đồ của chúng ta mới
đem lại kết quả tốt đẹp cho Giáo Hội.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
18-10
Thánh
LUCA THÁNH SỬ (Thế kỷ I)
Thánh
Luca, tác giả Phúc âm thứ ba và sách Công vụ sứ đồ, là người đóng góp đơn độc
và rông rãi nhất cho Tân ước. Như các tác phẩm cho thấy, Ngài là một trong những
Kitô hữu có học nhất thời Giáo hội ly khai. Dầu vậy, Ngài rất mực khiêm tốn và ẩn
mình đi đến nỗi dù một chút gì chúng ta biết về Ngài cũng phải đọc trong những
dòng chữ của Ngài bằng kính phóng đại. Chúng ta chú mục vào những chỗ
"nhóm chúng tôi" thay vì "họ", nghĩa là Ngài nhận sự có mặt
của mình trong khung cảnh chuyển nó vào những dẫn chứng rời rạc trong thánh
Phaolô, tìm những khuôn mặt xem ra rõ rệt nhất, phân tích việc chọn lựa và xử dụng
từ ngữ của Ngài. Dần dần hình ảnh của thánh Luca nổi lên:
Ngài
tự bẩm sinh là người Hylạp, chứ không phải Do thái, nhưng theo ngôn ngữ và văn
minh xem ra Ngài đã không sinh ra tại những thành phố Hy lạp lớn miền cận đông.
Một tác giả thứ hai nói Ngài sinh ra tại Antiôkia, Syria và khi những biến cố xảy
ra dường như Ngài đang sống ở đó trong thập niên bốn mươi của thế kỷ đầu và đã
là một trong những lương dân trở lai đầu tiên.
Theo
nghề nghiệp, Ngài là y sĩ và rất có thể đã theo học đại học tại Tarse. Bởi đó
có thể Ngài đã có vài tiếp xúc trước với thánh Phaolô khoảng năm 49 hay 50,
Ngài đã liên kết với thánh Phaolô trong sứ vụ qua Tiểu Á tới Au Châu. Dầu vậy
khi tới Philipphê, thánh Luca đã dừng lại đó, không phải là giám mục của Giáo hội
tân lập vì dường như thánh nhân đã không hề lãnh nhận chức thánh, nhưng đúng
hơn ta có thể gọi là "thủ lãnh giáo dân". Hơn nữa, Ngài dường như dấn
thân vào thành phần sử gia, một vai trò mà sự giáo dục và cố gắng rất phù hợp với
Ngài. Sự quan sát kỹ lưỡng và diễn tả chính xác là những từ ngữ của các trường
thuốc Hy lạp và các văn phẩm của thánh Luca chứng tỏ để Ngài đã biết áp dụng
chúng vào lãnh vực lịch sử.
Dầu
vậy, vào khoảng năm 57, thánh Phaolô đã từ Corintô trở lại qua Macedonia trên
đường đi Giêrusalem, để thu thập các đại diện từ nhiều Giáo hội khác nhau và
thánh Luca đã nhập bọn, từ đó trở đi Ngài đã không hề rời xa thầy mình. Ngài đã
chứng kiến việc người Do thái tìm cách hại Phaolô và việc người Roma giải cứu
thánh nhân. Khi Phaolô đáp tàu đi Roma sau hai năm bị tù ở Cêsarêa, thánh Luca ở
với Ngài. Họ bị đắm tàu ở Malta và cùng tới Rôma. Nhưng ở Roma. Thánh Luca đã
thấy một trách vụ khác đang chờ đón Ngài. Roma là con mắt của Phêrô và người
phát ngôn của thánh Phêrô là Marcô đã xuất bản Phúc âm viết tay của Ngài.
Nhưng
còn những ký ức khác đã được viết ra hay truyền tụng rời rạc hoặc toàn bộ về cuộc
đời của Chúa chúng ta trên trần gian. Thánh Luca đã quyết định rằng: sứ vụ cho
lương dân cần một Phúc âm mới, được viết ra bằng Hy ngữ văn chương hơn là Phúc
âm của Marcô cho hợp với lương dân có học và không dành riêng cho người Do thái
như là Phúc âm của thánh Mathêo: việc trước tác sách này là phần tiếp theo sách
Công vụ sứ đồ xem như hoàn thành tại Roma giữa năm 61 tới 70, nhưng thánh Luca
đã trốn cuộc bách hại của Nêrô và đã trải qua quãng đời còn lại tại Hy Lạp.
Tài
liệu thế kỷ thứ hai viết: - "Trung thành phục vụ Chúa, không lập gia đình
và không có con; Ngài được qua đời hưởng thọ 84 tuổi ở Boctica, đầy tràn Thánh
Thần".
Thánh
Luca là một vị thánh luôn luôn bình dân. Một phần có lẽ vì chúng ta hiểu rõ
Ngài là một giáo dân, thừa hưởng văn hóa Hy lạp cổ. Hơn nữa, Ngài bình dân vì đặc
tính lương dân và dấn thân của mình. Tất cả văn phẩm của Ngài đầy quan tâm đến
con người, thương cảm con người, liên hệ tới người nghèo, hào hiệp với phụ nữ.
Ngài cũng rất hấp dẫn bởi đã thu thập và kể lại vô số những công cuộc đầy nhân
hậu của Chúa Kitô.
Thật
ra người ta sẽ lầm lẫn khi dìm mất tính chất và giáo huấn nghiêm khắc của Chúa.
Nhưng các y sĩ có thể hãnh diện về Ngài vì chắc hắn không có y sĩ nào sẽ qua mặt
được Ngài về "tình yêu dành cho nhân loại". Và những người còn lại
trong chúng ta có thể biết ơn Ngài vì nhờ Ngài chúng ta có được dụ ngôn cây vả
khô chồi (13,60, đứa con hoang đàng (15,11) và người Samaria nhân hậu (10,300.
Chúng ta cũng biết ơn Ngài vì câu chuyện người kẻ trộm thống hối và cả năm mầu
nhiệm Mân Côi mùa Vui.
Nhưng
trên tất cả, chúng ta mắc ơn Ngài Kinh Ave "Ngợi khen" (Magnificat),
chúc tụng (Benedictus), Phó dâng (Nuncdimittis) với quá phân nửa câu truyện
ngày lễ Giáng sinh. Rồi đây là chỗ mà sự khiêm tốn ẩn mình của thánh nhân xa rời
chúng ta.
Thánh
Luca đã nghe truyện từ miệng Chúa không ? Thánh nhân không nói điều này cho
chúng ta nhưng rất có thể lắm. Chúng ta biết sau cuộc đóng đinh, mẹ đã được
thánh Gioan săn sóc và chắc chắn đã có sự giao tiếp giữa hai thánh sử này.
Nhưng trùng hợp của hai Phúc âm (như về việc biến hình) hay những trùng hợp về
ngôn ngữ trong phần đầu sách Công vụ mạnh mẽ minh chứng điều này,
Hơn
nữa, nếu thánh Luca được rửa tội ở Antiôkia khoảng năm 40 thì tự nhiên là có thể
tìm gặp được thánh Gioan ở Giêrusalem... Lúc ấy Đức Mẹ trên dưới 70 tuổi. Như vậy
không có lý gì thánh Luca lại không thể nghe chính môi miệng mẹ kể chuyện. Mà dầu
chuyện nầy có đến với Ngài cách gián tiếp đi nữa, chúng ta vẫn biết ơn Ngài đã
lưu lại cho chúng ta những giai thoại đặc biệt ấy.
(daminhvn.net)
18 Tháng Mười
Lòng Ðầy Miệng Mới Nói Ra
Người ta thường bảo: "Lòng đầy miệng mới nói ra"
hay "Văn tức là người". Hai câu nói này có thể áp dụng rất đúng vào vị
thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay: thánh Luca, thánh sử.
Chúng ta không có được những sử liệu để biết về cuộc đời của
thánh Luca ngoài danh hiệu thánh Phaolô nói về ngài: "Luca, vị y sĩ rất
thân mến của chúng tôi...". Vì thế, chúng ta phải tìm hiểu về con người của
thánh Luca qua hai tác phẩm ngài biên soạn, nhất là qua sách Phúc Âm, thường được
trao tặng những biệt hiệu sau đây:
1. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Lòng Thương Xót: Thánh
Luca đặc biệt nêu bật lòng ưu ái và sự kiên nhẫn của Chúa Giêsu đối với những tội
nhân và những kẻ đau khổ. Ngài luôn mở rộng đôi tay để đón nhận họ: những người
xứ Samaria, những kẻ bị bệnh phong hủi, những người thu thuế, những kẻ phạm tội
công khai, những người nghèo cũng như các mục đồng thất học.
Ngụ ngôn về người phụ nữ ngoại tình, về một con chiên lạc,
một đồng tiền bị đánh mất, về đứa con hoang đàng và người trộm lành chỉ được
ngòi bút của thánh Luca ghi lại rất linh động và xúc tích.
2. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của Ơn Cứu Rỗi phổ quát và
đại đồng: Chúa Giêsu dang rộng đôi cánh tay, chết treo trên thập giá là cho tất
cả mọi người. Trong luồng tư tưởng này, thánh Luca ghi lại gia phả của Chúa
Giêsu ngược lại đến nguyên tổ Ađam chứ không phải chỉ ghi lại Chúa Giêsu là con
vua Ðavit, con ông Abraham như thánh sử Matthêu. Và trong lúc Chúa Giêsu hoạt động
rao giảng Tin Mừng, nhiều người dân không phải là Do Thái cũng được Ngài ân cần
tiếp đón và thi ân.
3.Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của những người nghèo,
trong đó những người đơn sơ, nhỏ bé, đóng một vai trò quan trọng, như: ông
Giacaria và bà Ysave, Ðức Maria và thánh Giuse, những người mục đồng, ông
Simêon và bà góa Anna.
4. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của sự cầu nguyện và của
Chúa Thánh Thần: Luca thường mở đầu đoạn Phúc Âm với lời ghi nhận: "Chúa
Giêsu đang cầu nguyện" và Thánh Thần mang Giáo Hội đến chỗ hoàn hảo cuối
cùng.
5. Phúc Âm thánh Luca là Phúc Âm của niềm vui: thánh Luca
thành công trong việc phác họa hình ảnh Giáo Hội sơ khai tràn đầy niềm hân hoan
vì cảm nghiệm được mầu nhiệm Phục Sinh, sự hiện diện của Chúa Thánh Thần và Ơn
Cứu Rỗi.
Mừng lễ kính thánh Luca, chúng ta
hãy cùng nhau đọc đoạn cuối của Phúc Âm, gồm những dòng có thể so sánh như chiếc
gạch nối liên kết sách Phúc Âm với sách Tông Ðồ Công Vụ để diễn tả một sinh hoạt
rất quan trọng của Giáo Hội và của mọi tín hữu Kitô: "Ðoạn Chúa dẫn các
môn đệ đi về phía làng Bêtania. Chúa giơ tay chúc phúc cho họ. Ðang khi Chúa
phán, Chúa rời khỏi họ mà lên trời. Các môn đệ thờ lạy Chúa rồi trở về
Giêrusalem, lòng đầy hân hoan. Họ có mặt luôn luôn trong đền thờ để ca tụng và
cảm tạ Thiên Chúa".
Dõi theo gương của các môn đệ tiên
khởi của Chúa Giêsu, chúng ta hãy luôn dâng lời ca tụng và cảm tạ Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)
Thứ Sáu 18-10
Thánh Luca
Thánh Luca là người viết
phần lớn bộ sách Tân Ước, gồm quyển Phúc Âm thứ ba và Công Vụ Tông Ðồ. Trong
hai cuốn này, ngài cho thấy sự song hành giữa đời sống Ðức Kitô và của Giáo
Hội. Trong các thánh sử, ngài là người duy nhất thuộc dân ngoại. Truyền thuyết
cho rằng ngài sinh quán ở Antioch, và Thánh Phao-lô gọi ngài là "người
thầy thuốc yêu quý của chúng ta" (Col. 4:14). Có lẽ ngài viết sách Phúc Âm
trong khoảng từ năm 70 cho đến 85.
Ngài xuất hiện trong sách
Công Vụ trong chuyến hành trình thứ hai của Thánh Phao-lô, và ở lại Philippe
một vài năm cho đến khi Thánh Phao-lô trở về đó trong chuyến hành trình thứ ba,
và ngài tháp tùng Thánh Phao-lô đến Giêrusalem và ở gần thánh nhân trong thời
gian cầm tù ở Ceasarea. Trong hai năm này, Thánh Luca đã có thời giờ để tìm tòi
thêm các chi tiết và phỏng vấn những người đã từng gặp Ðức Giêsu. Sau cùng ngài
là người đồng hành trung tín đã tháp tùng Thánh Phao-lô trong chuyến đi đầy
nguy hiểm đến Rôma. Trong thư gửi Timôthê, Thánh Phao-lô có nhắc, "Chỉ có
Luca là ở với tôi" (2 Tim 4:11).
Lời Bàn
Thánh Luca viết cho Kitô
Hữu dân ngoại với tư cách của một người dân ngoại. Cuốn Phúc Âm ngài viết chứng
tỏ ngài là người giỏi về tiếng Hy Lạp, cũng như nguồn gốc của Do Thái.
Ðặc tính của Thánh Luca
có thể được nhận thấy trong Phúc Âm của ngài qua những tiêu đề được nhấn mạnh:
(1) Phúc Âm của Sự Nhân Từ: Thánh Luca nhấn mạnh đến lòng nhân từ và nhẫn nại
của Ðức Giêsu đối với người tội lỗi và người đau khổ. Ngài thật cởi mở đối với
mọi người, Ngài lưu tâm đến người Samaritan, người phong cùi, người thu thuế,
người lính, người tội lỗi công khai, người mù chữ, người nghèo. Chỉ trong Phúc
Âm Thánh Luca là có đề cập đến người phụ nữ tội lỗi, dụ ngôn con chiên lạc và
đồng bạc bị mất, dụ ngôn người con hoang đàng, và người trộm lành. (2) Phúc Âm
của Sự Cứu Chuộc Vạn Vật: Ðức Giêsu chết cho tất cả mọi loài. Ngài không chỉ là
con vua Ðavít mà còn là con cháu A Dong, và người ngoại giáo là bạn của Ngài.
(3) Phúc Âm của Người Nghèo: "Người bé mọn" thường nổi bật -- ông
Zecharia và bà Elizabeth, Ðức Maria và Thánh Giuse, các mục đồng, cụ Simeon và
bà Anna. Ngài cũng lưu tâm đến điều mà ngày nay chúng ta gọi là "sự nghèo
khó phúc âm." (4) Phúc Âm của Sự Quên Mình Tuyệt Ðối: Thánh Luca nhấn mạnh
đến nhu cầu hiến dâng hoàn toàn cho Ðức Kitô. (5) Phúc Âm của Sự Cầu Nguyện và
Chúa Thánh Thần: Thánh Luca cho thấy Ðức Giêsu cầu nguyện trước mỗi biến cố
quan trọng trong sứ vụ. Chúa Thánh Thần đưa Giáo Hội đến cùng đích tuyệt hảo.
(6) Phúc Âm của Niềm Vui: Thánh Luca thành công trong việc trưng dẫn niềm vui
cứu độ đã lan tràn trong Giáo Hội tiên khởi.
Lời Trích
Ðoạn kết của Phúc Âm
Thánh Luca: "Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay
chúc lành cho các ông. Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và
được đem lên trời. Các ông bái lạy Người, rồi trở về Giê-ru-sa-lem mà lòng tràn
ngập niềm vui, và họ tiếp tục ở trong Ðền Thờ mà chúc tụng Thiên Chúa"
(Luca 24:50-53).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét