Trang

Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2013

Đức Phanxicô và trải nghiệm huyền nhiệm

Đức Phanxicô và trải nghiệm huyền nhiệm

Cho đến nay, phần đông thức giả quả quyết rằng cuộc phỏng vấn Đức Phanxicô của nhà báo vô thần Scalfari được soạn lại sau khi sự kiện đã xẩy ra, vì ông không dùng máy ghi âm, cũng không ghi chép gì cả trong cuộc phỏng vấn quan trọng này. 

Trong việc soạn lại ấy, Scalfari dĩ nhiên không thể giữ trọn được y nguyên những từ ngữ chính xác của Đức Phanxicô cũng như thứ tự các sự kiện được ngài tiết lộ. Nhưng căn cứ vào lời Cha Lombardi cũng như cung cách cho in lại bài phỏng vấn trên hai cơ quan chính thức của Tòa Thánh là tờ L’Osservatore Romano và trang mạng của Vatican, người ta bắt buộc phải kết luận rằng nội dung bài phỏng vấn được soạn lại kia vẫn nói lên được điều Đức Phanxicô muốn nói, tuy không hẳn trăm phần trăm. Nhất là đoạn nói tới cảm nghiệm huyền nhiệm của ngài. Cảm nghiệm ấy xuất hiện lúc nào? Scalfari rất có thể sai khi cho rằng nó xẩy ra trước khi Đức Phanxicô chấp nhận việc bầu ngài làm giáo hoàng. Vì một lẽ hiển nhiên: ngài không lui vào một căn phòng nào khác để suy nghĩ mà chấp nhận ngay kết quả cuộc đầu phiếu tại Nhà Nguyện Sistine. Vả lại, không hề có phòng nhỏ nào khác cạnh bancông Nhà Thờ Thánh Phêrô. Nhưng chắc chắn ông đúng ở điểm mấu chốt: cảm nghiệm ấy có xẩy ra và xẩy ra ngay ngày đầu tiên của triều giáo hoàng Phanxicô.

Nhà báo John Allen dựa vào hai chứng cớ để quả quyết như trên. Thứ nhất là phát biểu của một vị Hồng Y, không phải Hoa Kỳ. Vị này, nhân một cuộc yết kiến riêng với Đức Phanxicô, đã thành thực thưa với ngài rằng “Đức Thánh Cha không y như người con biết trước đây” vì ngài quá thoải mái và tự phát chứ không dè dặt đắn đo như lúc còn ở Á Căn Đình. Theo vị Hồng Y này, Đức Phanxicô giải thích như sau: “Ngày tôi được bầu, một cảm thức vĩ đại đầy bình an và tự do nội thẳm xâm chiếm tôi và không bao giờ rời tôi nữa”. 

Chứng cớ thứ hai từ cuộc phỏng vấn Đức Ông Dario Viganò của Cha Rosica, giám đốc chương trình truyền hình Muối Và Ánh Sáng. Đức Ông Viganò hiện là giám đốc Trung Tâm Truyền Hình Vatican. Ngài có mặt tại Vatican ngay sau khi Đức Phanxicô được bầu làm giáo hoàng và trước khi tân giáo hoàng ra mắt công chúng tại quảng trường Nhà Thờ Thánh Phêrô và toàn thế giới. 

Đức ông cho hay khi Đức Phanxicô rời Nhà Nguyện Sistine để bước về phía bancông, mắt ngài nhìn xuống, không một nụ cười, không nói với ai một tiếng, bước đi như thể một người vác nặng nghìn cân!

Nhưng rồi, Đức Phanxicô bước vào Nhà Nguyện Phaolô, nơi có đặt sẵn một chiếc ngai để ngài sử dụng mà cầu nguyện. Nhưng ngài không dùng ngai đó, mà yêu cầu hai vị Hồng Y đang sánh bước với ngài, là Jean-Louis Tauran (vị sau này sẽ công bố “Habemus Papam”, chúng ta đã có giáo hoàng) và Agostino Vallini (Giám quản Rôma), cùng ngồi với ngài ở hàng ghế sau của nhà nguyện. 

Đức Giáo Hoàng dành ít phút để thinh lặng cầu nguyện và, theo mô tả của Đức Ông Viganò, “ngài đứng dậy, quay chung quanh, và lúc ấy, ngài là một con người khác hẳn”. Đức ông bảo rằng: “dường như Thiên Chúa đích thân ngỏ với ngài rằng: ‘Con đừng lo lắng, Cha ở đây với con’”. Đức ông quả quyết rằng giây phút ấy đã được quay phim, chỉ là chưa được trình chiếu mà thôi. 

Truyện cũ

Nhiều người tỏ ra nghi ngờ việc trên, lý do: từng đã có tường trình tương tự về vị tiền nhiệm của Đức Phanxicô và sau đó, tường trình này bị chính thức bác bỏ. Quả thế, cuối tháng Tám vừa qua, tờ The Guardian (theguardian.com) loan tin: Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô nói rằng chính Thiên Chúa bảo ngài từ chức. Ngài cho biết đây không phải là một cuộc hiện ra hay ngài nghe thấy chính tiếng Thiên Chúa nói, nhưng là một trải nghiệm huyền nhiệm, trong đó, Thiên Chúa linh hứng nơi ngài một “khao khát tuyệt đối” dành trọn cuộc đời còn lại để cầu nguyện hơn là tiếp tục làm giáo hoàng. 

Báo chí hồi đó cho rằng tiết lộ này mâu thuẫn với lời giải thích của chính Đức Bênêđíctô XVI ngỏ với các vị Hồng Y khi tuyên bố từ chức vào ngày 11 tháng Hai: “sức khỏe của tôi, do tuổi gìa, không còn thích hợp cho việc thi hành thỏa đáng thừa tác vụ Phêrô nữa”. 

Chính vì thế, Đức TGM Georg Ganswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, đã lên tiếng quả quyết rằng câu truyện về “trải nghiệm huyền nhiệm” không đúng sự thật, hoàn toàn bịa đặt “từ alpha tới omega”, dù được hãng tin Zenit công bố. 

Trường hợp Đức Phanxicô thì có khác, cho tới nay, chưa có lời nào từ Vatican bác bỏ nội dung cuộc phỏng vấn như Scalfari đã tường thuật, kể cả câu truyện bao quanh trải nghiệm huyền nhiệm.

Huyền nhiệm

Câu truyện về Đức Bênêđíctô cho ta biết đôi chút về nội dung cuộc trải nghiệm huyền nhiệm. Câu truyện về Đức Phanxicô chỉ cho ta biết hậu quả của trải nghiệm này: biến đổi nhân bản. Nội dung ra sao, ta không được biết chi tiết. Vậy thế nào là cảm nghiệm huyền nhiệm?

Từ điển Stanford có hai định nghĩa về trải nghiệm này: nó là một trải nghiệm siêu tri giác hay tiềm tri giác giác quan (super or sub sense-perceptual) giúp ta làm quen với các thực tại hay tình trạng sự vật một cách mà tri giác giác quan không thể nào với tới. 

Từ điển Standford cho rằng trái với chủ trương của William James, nhà tâm lý học nổi tiếng của Mỹ trước đây, các tác giả huyền nhiệm không coi trải nghiệm huyền nhiệm chỉ là một trải nghiệm thoáng qua rồi tắt ngúm. Trái lại, trải nghiệm này có thể là một trải nghiệm kéo dài. Như mô tả của chính Đức Phanxicô.

Đó là theo nghĩa rộng, còn theo nghĩa hẹp, trải nghiệm huyền nhiệm là một trải nghiệm nên một (unitive) với các thực tại hay tình trạng sự vật theo nghĩa siêu tri giác giác quan hay tiềm tri giác giác quan, một cách mà tri giác giác quan không thể nào vươn tới. Nhờ đó, cá nhân thấy mình nên một với Thiên Chúa của Kitô Giáo chẳng hạn. 

Sự nên một với Thiên Chúa này được mô tả nhiều cách. Thánh Bernard thành Clairvaux (1090-1153), chẳng hạn, cho rằng đây là “tính hỗ tương của tình yêu”; Henry Suso (1295-1366) ví việc kết hợp này như giọt nước rơi vào trong rượu, tiếp nhận mầu và vị của rượu; Jan van Ruysbroeck (1293-1381) mô tả sự kết hợp này như “sắt trong lửa và lửa trong sắt”. Nói chung, phong trào huyền nhiệm Kitô Giáo thời Trung Cổ mô tả 3 giai đoạn của trải nghiệm huyền nhiệm: thinh lặng (một giáo đầu cho cuộc kết hợp với Thiên Chúa), kết hợp toàn diện, ngất ngây (như ra khỏi mình). 

Còn về đặc điểm của trải nghiệm huyền nhiệm, người ta thường nêu ra các điều sau đây:

1. Khôn tả

William James cho rằng khôn tả là đặc điểm chủ yếu của trải nghiệm huyền nhiệm. Thành thử, phải tránh lời nói và giữ thinh lặng về những gì được mặc khải trong trải nghiệm. Phải chăng vì vậy, Đức Phanxicô không cho biết chi tiết nào về chính trải nghiệm huyền nhiệm của ngài cả. Chính vì thế mà gọi nó là trải nghiệm: không nói về nó được nhưng trải nghiệm về nó được. Và nếu có nói, thì chỉ có thể nói theo thể phủ định (thần học phủ định) như Pseudo-Dionysius (khoảng năm 500), người cho rằng Thiên Chúa là “mầu nhiệm tuyệt đối không thể nào hiểu được hơn hết”. Hoặc nói bằng phúng dụ (metaphor), loại suy hay biểu tượng. 

2. Nghịch thường

Các học giả hay nhấn mạnh tới bản chất nghịch thường của trải nghiệm huyền nhiệm. Theo nguyên ngữ, nghịch thường chỉ một điều gây ngạc nhiên hay “trái với mong chờ”. Đôi khi, nghịch thường còn do việc sử dụng một hình thức ngôn từ không đúng theo luận lý để chuyên chở điều không dự tính là vô lý về luận lý. Điều này có thể do hiệu quả của mỹ từ pháp (rhetorical effect) hay vì sự khó khăn trong việc chuyên chở một tư tưởng nếu không dùng tới xảo thuật ngữ học. Ngoài ra, cũng như trong triết học, một nghịch thường có thể bao gồm một mâu thuẫn luận lý bất ngờ. Thậm chí, có tác giả còn đồng hóa tính nghịch thường với một mâu thuẫn luận lý cố ý nữa. 

Nhưng nói chung, không đủ lý do để cho rằng các tường trình về trải nghiệm huyền nhiệm buộc phải hàm nghĩa một phi lý về luận lý. Hai nghĩa sau của nghịch thường có thể phát sinh do việc người ta quá chú trọng tới ngôn từ thoái hóa về luận lý căn cứ nhiều vào nghĩa chiểu tự hơn hết. Trong trường hợp hai Đức Bênêđíctô và Phanxicô trên đây, nghịch thường chỉ có thể có nghĩa ngữ nguyên mà thôi. 

3. Tính muôn thuở

Nhiều tác giả đi tìm các trải nghiệm huyền nhiệm chung nhất vượt lên trên các nền văn hóa và truyền thống. Như trải nghiệm hướng ngoại phổ quát (universal extrovertive experience) “nhìn ra ngoài quá bên kia giác quan” để nắm bắt Thể Đơn Nhất hay Tính Đơn Nhất (oneness) của mọi hữu thể trong và qua tính đa phức của vũ trụ, nắm bắt Thể Đơn Nhất ấy như sự sống hay ý thức bên trong của vũ trụ. Tính Đơn Nhất này được trải nghiệm như một thực tại khách quan thánh thiêng, trong một cảm thức “toàn phúc” và “hân hoan”. Hay trải nghiệm hướng nội phổ quát nhất nguyên (universal, monistic, introvertive experience), “nhìn vào trong tâm thức” để thực hiện được một “ý thức tinh ròng” nghĩa là về phương diện hiện tượng luận, không trải nghiệm bất cứ điều gì. 

Trải nghiệm của hai vị giáo hoàng hiện nay, nếu có, cùng lắm thuộc loại thứ nhất vừa kể, chứ không thuộc loại hai. 

4. Tính trí năng

William James lưu ý tới tính trí năng (noetic quality) của trải nghiệm huyền nhiệm. Dù trải nghiệm này tương tự như trạng thái cảm xúc, nhưng những người từng trải nghiệm cho thấy đây cũng là trạng thái của nhận thức: tức trạng thái thông sáng, nhận ra sự thật sâu sắc mà trí khôn biện luận chưa bao giờ thăm dò được. Nó là rọi sáng, là mặc khải, đầy ý nghĩa và tầm quan trọng, nhưng không diễn tả chi tiết được. Điều này thấy rõ nơi trải nghiệm của Đức Phanxicô vì cho tới nay, ngài chưa bao giờ mô tả được nội dung cái nhìn thấu suốt đối với gánh nặng nghìn cân bỗng trở thành nguồn thanh bình và tự do khôn xiết. 

5. Tính thụ động

William James cũng đề cập tới đặc tính khác của trải nghiệm huyền nhiệm là tính thụ động. Dù việc xuất hiện của trạng thái huyền nhiệm được hoạt động đầu tiên của ý chí làm cho dễ dàng, như tập chú, hay xuyên qua một thực hành thân xác nào đó, nhưng khi ý thức huyền nhiệm đã xuất hiện, thì nhà huyền nhiệm cảm thấy ý chí mình như thể không còn hiệu lực (in abeyance), con người mình hoàn toàn bị một sức mạnh cao hơn chiếm giữ. Nơi Đức Phanxicô, ta thấy hoạt động của ngài là một tìm kiếm của ý chí sau khi cảm nhận gánh nặng nghìn cân của chức vụ, khiến ngài bước vào Nhà Nguyện Phaolô, nhắm mắt và trải nghiệm huyền nhiệm xẩy ra không biết như thế nào, chỉ biết sau đó, “ngài là một người khác hẳn” như mô tả của Đức Ông Viganò. 

Tôn giáo và tâm linh

Một số người cho rằng trải nghiệm huyền nhiệm là trải nghiệm phổ quát, nó luôn có tính tâm linh, nhưng không nhất thiết tôn giáo. Tuy nhiên, mọi trải nghiệm tôn giáo có tính bản thân đều bắt nguồn từ trạng thái huyền nhiệm của ý thức, và mọi trải nghiệm huyền nhiệm đều là thành phần của tôn giáo. Theo một cuộc điều tra năm 1987 của Trung Tâm Nghiên Cứu Dư Luận Toàn Quốc (National Opinion Research Center) tại Chicago, thì 43 phần trăm người trưởng thành Hoa Kỳ cho rằng họ đã có một trải nghiệm huyền nhiệm nào đó. Tại Anh, các thăm dò công bố trong các năm 1978 và 1979 trên Tập San Nghiên Cứu Khoa Học Về Tôn Giáo (Journal for the Scientific of Religion), 56 phần trăm người đi nhà thờ cho rằng mình từng có những trải nghiệm loại này. Trong số này, những người cao tuổi, có giáo dục, năng đi nhà thờ hơn thường có nhiều trải nghiệm loại này hơn. 

Xem thế, đủ biết trải nghiệm huyền nhiệm đã được hiểu một cách rộng rãi như thế nào. Phần lớn phản ảnh một cái hiểu bất chợt hoặc một điểm “ngộ” nào đó bất ngờ. Nhiều người bỗng hiểu ra ý nghĩa của một châm ngôn hay một công thức bèn phát ra một tiếng “a, ha” và cũng coi đây như một trải nghiệm huyền nhiệm; hoặc là thấy một giấc mộng nào đó bỗng trở thành sự thật dù là một phần, cho rằng mình đã có được một trải nghiệm huyền nhiệm. Và người ta cho rằng điều gì cũng có thể phát sinh ra trải nghiệm huyền nhiệm, bất kể đó là giấc mơ, lời nói, câu văn, âm nhạc, nghệ thuật, âm thanh, mùi vị, giấc mơ màng, ánh sáng kết cấu trên đất, trên biển, thiên nhiên, hay kinh nghiệm suýt chết (near-death experience, NDE). Chính vì thế, họ liệt kê đủ các phương pháp để tạo ra trải nghiệm huyền nhiệm như thôi miên, tự thôi miên, ăn chay, tụng niệm, nhẩy múa, kiểm soát hơi thở, yoga, thiền niệm, thậm chí cả nghi thức tính dục nữa. 

Tuy nhiên, đa số các học giả cho rằng muốn chân thực, một trải nghiệm huyền nhiệm phải làm ta thay đổi hẳn lối sống. Hay ít nhất, trải nghiệm đó phải mang lại cho ta một cảm thức an vui, hân hoan, và lạc quan. Xét về mặt nhân bản mà thôi, đó là trải nghiệm của Đức Phanxicô. 

Trải nghiệm của ngài chắc chắn không phải chỉ là trải nghiệm tâm linh hay nhân bản mà thôi, mà chủ yếu còn là một trải nghiệm theo nghĩa Kitô Giáo, một trải nghiệm luôn lấy Thiên Chúa làm đối tượng. Theo Thánh Terêxa thành Avila, trong trải nghiệm này, thân xác gần như biến đi. Ngài viết trong “Lâu Đài Nội Tâm” (The Interior Castle): trong trạng thái này, linh hồn “hoàn toàn chết cho sự vật trần thế, và chỉ còn sống cho Thiên Chúa... Tôi không biết trong trạng thái này, linh hồn còn đủ sức sống để thở không nữa. Đối với tôi, xem ra linh hồn không còn đủ; hay ít nhất nếu còn thở, thì linh hồn cũng không còn ý thức được”. 

Vũ Văn An 10/11/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét