Trang

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

24-10-2013 : THỨ NĂM TUẦN XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ NĂM  24/10/2013
Thứ Năm sau Chúa Nhật 29 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 19-23
"Giờ đây anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nói theo kiểu người phàm, bởi lẽ xác thịt anh em yếu đuối: như xưa anh em đã cống hiến chi thể anh em để làm nô lệ sự ô uế và sự gian ác, khiến anh em trở nên người gian ác thế nào, thì giờ đây anh em hãy cống hiến chi thể anh em để phục vụ đức công chính, hầu nên thánh thiện cũng như vậy. Vì xưa kia anh em làm nô lệ tội lỗi, thì anh em được tự do đối với đức công chính. Vậy thì bấy giờ anh em đã được những lợi ích gì do những việc mà giờ đây anh em phải hổ thẹn? Vì chung cục của những điều ấy là sự chết. Nhưng giờ đây, anh em được thoát khỏi sự tội, được phục vụ Thiên Chúa, thì anh em được những ích lợi đưa đến thánh thiện, mà chung cục là sự sống đời đời. Bởi vì lương bổng của tội lỗi là sự chết. Nhưng hồng ân của Thiên Chúa là sự sống đời đời trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (c. Tv 39,5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa, lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi, vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia, alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến; bình an trên trời và vinh quang trên các tầng trời. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 12, 49-53
"Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian, và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. Thầy phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi hoàn tất. Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư? Thầy bảo các con: không phải thế, nhưng Thầy đến để đem sự chia rẽ. Vì từ nay, năm người trong một nhà sẽ chia rẽ nhau, ba người chống lại hai, và hai người chống lại ba: cha chống đối con trai, và con trai chống đối cha; mẹ chống đối con gái, và con gái chống đối mẹ; mẹ chồng chống đối nàng dâu, và nàng dâu chống đối mẹ chồng".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Ðường Ðến Vinh Quang
Bình an chỉ có thể đạt được bằng giá của chiến đấu liên lỉ chống lại tư lợi và khuynh hướng xấu trong con người. "Nếu muốn có hòa bình, hãy chuẩn bị chiến tranh". Nếu muốn có bình an trong tâm hồn, hãy chuẩn bị đương đầu với những cạm bẫy và sức mạnh của ác thần luôn bủa vây lôi kéo chúng ta đến tội lỗi.
Vai trò của các vua chúa trong Cựu Ước là võ trang và chuẩn bị chiến tranh. Chúa Kitô cũng được gọi là Vua, vai trò của Ngài chính là võ trang và chuẩn bị chiến đấu, nhưng khí giới Ngài trang bị cho mình là cái chết trên Thập giá. Chính khi bị treo trên Thập giá, Ngài đã được tôn phong là Vua Do thái. Chúa Giêsu cũng là Vua, vì Ngài đã đánh bại Satan, tội lỗi. Con đường vương giả Ngài đã vạch ra cũng chính là con đường Thập giá. Chúng ta không thể làm môn đệ Ngài, không thể đi theo Ngài, không thể tham dự cuộc chiến của Ngài, mà lại khước từ Thập giá.
Thật ra, thập giá chỉ là một phát minh độc ác của con người để hủy hoại nhau; mãi mãi thập giá vẫn là biểu tượng sự độc ác của con người. Nếu Chúa Giêsu đã ôm trọn Thập giá, thì không phải vì Ngài yêu sự độc ác, tự đày đọa mình, nhưng chính là để thể hiện tình yêu tột độ của Thiên Chúa. Dù con người có độc ác, xấu xa đến đâu, Thiên Chúa vẫn yêu thương, tha thứ cho họ. Chiến thắng của Chúa Kitô chính là chiến thắng của tình yêu trên hận thù, của ân sủng trên tội lỗi, của niềm tin trên thất vọng.
Chúng ta tiếp tục đi theo con đường của Chúa Kitô; chúng ta tiếp tục đau khổ vì tin rằng bên kia những thất bại, khổ đau, tình yêu Thiên Chúa vẫn còn mang lại ý nghĩa cho cuộc sống. Chúng ta đón nhận mọi bách hại, thù ghét, thua thiệt, vì tin rằng chỉ có tình yêu mới có thể thắng vượt được ích kỷ, hận thù trong lòng con người.
Xin Chúa Kitô ban sức mạnh để chúng ta bước theo con đường Thập giá dẫn đến vinh quang.
(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 29 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Rom 6:19-23; Lk 12:49-53.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy cố gắng nhận ra sự thật.


Cuộc đời có nhiều cái nghịch lý. Cái nghịch lý dại dột nhất trong cuộc đời là thay vì phải nhận ra và thương yêu những người đã hy sinh vất vả cả cuộc đời để nuôi nấng, dạy dỗ, và lo lắng tương lai cho mình; thì con người lại chạy theo những con người luôn rình chờ để lợi dụng, đầu độc, là phá hủy tương lai của mình. Tại sao cái nghịch lý này xảy ra? Lý do vì những kẻ đầu độc biết những gì con người thích: khoái lạc, dễ dãi, và những giá trị tạm thời.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi con người hãy cố gắng suy tư để nhìn ra sự thật và những ai yêu thương mình thực sự. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu hãy biết so sánh để nhận ra sự thật và tình yêu Thiên Chúa: Kẻ thù của Thiên Chúa luôn cám dỗ con người để họ làm nô lệ cho tội lỗi. Hậu quả là những xấu hổ dằn vặt lương tâm và cái chết đau thương muôn đời; trong khi Thiên Chúa luôn yêu thương, dạy dỗ, và làm mọi sự để cứu độ con người. Khi gởi Đức Kitô xuống trên trần gian, Ngài sẵn sàng tha tội và ban mọi ơn lành để con người có sức mạnh thoát khỏi làm nô lệ cho tội lỗi và sống công chính theo đường lối Thiên Chúa. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nói với các môn đệ ý muốn của Ngài cho con người: Ngài mang lửa của tình yêu, của sự thật, và của bình an đến cho con người; nhưng họ phải đón nhận thì mới mang lại kết quả được.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy biết so sánh để làm theo những gì Chúa dạy.
Thánh Phaolô muốn con người nhận ra hai điều chính trong trình thuật hôm nay:
1.1/ Con người có khả năng thắng vượt tội lỗi: Trước khi Đức Kitô đến, con người không có sức mạnh để thắng vượt tội lỗi, dù Lề Luật giúp con người nhận ra tội lỗi; nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài trang bị cho con người ơn thánh đủ để con người chống lại tội lỗi. Thánh Phaolô diễn tả tư tưởng này như sau: "Trước đây, anh em đã dùng chi thể của mình mà làm những điều ô uế và sự vô luân, để trở thành vô luân, thì nay anh em cũng hãy dùng chi thể làm nô lệ sự công chính để trở nên thánh thiện. Khi còn là nô lệ tội lỗi, anh em được tự do không phải làm điều công chính." Nếu Đức Kitô đã giúp con người có thể thắng vượt tội lỗi để sống công chính, tại sao con người không biết lợi dụng cơ hội để thoát khỏi kiếp nô lệ cho tội lỗi?
1.2/ Hậu quả của hai lối sống: Để có thể lựa chọn cách khôn ngoan, con người cần nhận ra hậu quả của mỗi lựa chọn. Thánh Phaolô giúp các tín hữu nhận ra hậu quả của hai lối sống: "Nhưng giờ đây anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ của Thiên Chúa; anh em thu được kết quả là được trở nên thánh thiện, và rốt cuộc được sống đời đời. Thật vậy, lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta."
(1) Lối sống theo tội lỗi: là bị xấu hổ và bị chết: "Bấy giờ anh em thu được kết quả nào, bởi làm những việc mà ngày nay anh em phải xấu hổ? Vì rốt cuộc những việc ấy đưa đến chỗ chết." Khi phạm tội, con người cảm thấy xấu hổ với Thiên Chúa và với tha nhân: với Thiên Chúa, vì con người đã bất tuân những gì Ngài dạy; với tha nhân, vì con người đã xúc phạm đến họ cách này hay cách khác. Nguy hiểm nhất của tội là nó đưa dần con người đến cái chết. Thánh Phaolô gọi cái chết là lương bổng của tội; vì khi con người làm việc gì, họ sẽ được trả lương tương xứng với việc họ làm.
(2) Lối sống theo sự công chính: sẽ giúp con người được trở nên thánh thiện và được sống đời đời. Lợi ích khi con người sống thánh thiện là họ sẽ không ngại ngùng xấu hổ khi tiếp xúc với Thiên Chúa hay tha nhân, vì họ chẳng có gì phải dấu diếm hay sợ sệt. Lợi ích trên hết là giúp con người đạt đến cuộc sống đời đời. Thánh Phaolô gọi cuộc sống đời đời là của Thiên Chúa ban cho con người nhờ công trạng của Đức Kitô.
2/ Phúc Âm: Sống theo tình yêu và sự thật sẽ giúp con người có bình an thực sự.
2.1/ “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên!” Lửa có ít nhất 3 công dụng: soi sáng, thanh tẩy (luyện kim), và sưởi ấm.
- Chúa Giêsu soi sáng con người bằng Lời Chúa;
- Sống Lời Chúa sẽ giúp con người thanh tẩy tất cả sai trái và tật xấu trong tâm hồn;
- Cảm nghiệm được tình thương Thiên Chúa sẽ giúp con người có sức mạnh xóa tan đi những hố sâu chia rẽ và sưởi ấm lại tình người.
Lửa mà Chúa Giêsu đã ném vào mặt đất mà muốn cho bùng lên là Sự Thật và Tình Yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói tiếp: “Thầy còn một phép rửa phải chịu, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc này hoàn tất!” Phép Rửa Chúa Giêsu đề cập đến ở đây chính là Phép Rửa bằng Máu, là Cuộc Thương Khó của Ngài. Phép Rửa này chỉ hòan tất khi Ngài giang tay chết trên Thập Giá để chứng tỏ tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người.
2.2/ Thầy đến để đem sự chia rẽ? Lời tuyên bố của Chúa Giêsu sẽ làm không ít người ngạc nhiên: “Anh em tưởng rằng Thầy đến để ban bình an cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ.” Nhiều người sẽ hỏi: “Tại sao Thiên Chúa của bình an lại đem chia rẽ?”
Bình an của Thiên Chúa khác với bình an của con người và cách để có bình an của Thiên Chúa cũng khác với cách của con người. Bình an của trái đất là bình an giả tạo vì đặt trên những hiểu biết của con người; và chiến tranh có thể tái phát bất cứ lúc nào nếu có sự xung đột giữa những hiểu biết của con người. Thiên Chúa ban bình an cho con người không theo kiểu của thế gian: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Jn 14:27). Bình an của Thiên Chúa chỉ thực sự có được khi mọi người nhận ra sự thật trong Mầu Nhiệm Cứu Độ và tình thương của Thiên Chúa dành cho con người.
Vì sự thật của Thiên Chúa khác với sự thật của con người nên những lời dạy của Chúa Giêsu sẽ tạo nên sự chia rẽ: có những người tin vào Lời Chúa giảng dạy như các Tông Đồ và môn đệ; có những người sẽ phản đối và không tin như một số Kinh-sư, Biệt-phái, và Luật-sĩ. Hậu quả là họ tìm cách để tiêu diệt Chúa và các Tông Đồ. Cũng vậy, khi Lời Chúa được gieo trong cùng một mái nhà: sẽ có những người trong gia đình tin; sẽ có những người không tin. Hậu quả là gia đình sẽ chia rẽ. Nhưng nếu mọi người trong gia đình đều nhận ra sự thật và tin vào Lời Chúa, lúc ấy gia đình mới thực sự có bình an, và không một quyền lực nào có thể phá tan sự bình an đích thực này.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta có khả năng dứt bỏ tội lỗi và sống công chính theo đường lối của Thiên Chúa. Hãy cố gắng thực hành Lời Chúa và năng lãnh nhận sức mạnh Chúa ban qua các Bí-tích.
- Đức Kitô là nguồn mạch bình an. Ngài đến để hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa. Sự hiểu biết và tình yêu con người dành cho Đức Kitô sẽ giúp xóa tan mọi khác biệt và giúp con người hòa giải với nhau và trở nên một trong thân thể của Đức Kitô.
- Đức Kitô đã ném lửa của sự thật và của tình yêu vào trong trái đất và Ngài muốn làm cho lửa này cháy bùng lên. Để có bình an thực sự trên trong gia đình cũng như trên địa cầu, mọi người chúng ta cần cộng tác với Thiên Chúa bằng việc rao giảng Lời Sự Thật và mang tình yêu Thiên Chúa đến cho mọi người.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 29TN

Lc 12,49-53

A. Hạt giống...
Đoạn này có hai ý :
1. Bằng hai hình ảnh “lửa” và “phép rửa”, Chúa Giêsu nói về tương lai sắp tới (cc 49-50) :
- “Lửa” ám chỉ sự thanh luyện. Chúa Giêsu đến trần gian để thanh luyện trần gian, cho nên Ngài ước mong việc thanh luyện ấy sớm hoàn thành.
- “Phép rửa” ám chỉ cuộc khổ nạn sắp tới : việc thanh luyện ấy chỉ hoàn thành sau khi Ngài chịu nạn chịu chết và sống lại.
2. Bằng hai hình ảnh “hòa bình” và “chia rẻ”, Chúa Giêsu kêu gọi người ta chọn lựa thái độ trước Tin Mừng của Ngài (cc 51-53) : Nhiều người nghĩ rằng Đấng Messia là Đấng mang hòa bình đến (x. Is 9,5). Chúa Giêsu xác nhận rằng đúng thực, sứ mạng của Ngài là một sứ mạng Hòa bình (Is 9,5tt ; Dcr 9,10 ; Lc 2,14 ; Ep 2,14-15). Nhưng Ngài thấy cần giải thích thêm : chữ “Hoà bình” có nhiều nghĩa : hoà bình kiểu thế gian và hoà bình của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói rằng Ngài đến thế gian không phải để đem hòa bình kiểu thế gian, mà là thứ hòa bình của Thiên Chúa. Thứ hoà bình của Thiên Chúa mà Chúa Giêsu mang đến, người ta chỉ sẽ nhận được sau khi người ta đã cố gắng chiến đấu để sống theo Tin mừng của Ngài. Thực tế cho thấy là sứ vụ của Chúa Giêsu đã gặp chống đối, và Lời rao giảng của Ngài đã gây ra chia rẽ giữa những người tin và những người không tin, chia rẽ xảy ra ngay trong lòng một gia đình (Lc 2,35 : có chia rẽ, thì tâm tư người ta mới lộ ra).

B.... nẩy mầm.
1. Lời Chúa Giêsu nói về sứ mạng của Ngài cũng là một lời khuyến cáo các môn đệ Ngài : Sự kiện Nước Thiên Chúa đến không phải để các môn đệ hưởng thụ một cuộc sống bình an một cách thụ động. Họ sẽ hưởng bình an đấy, nhưng là thứ bình an mà họ phải cố gắng chiến đấu mới đạt được, chiến đấu trong gian truân thử thách, chiến đấu với cả những người thân nhưng không cùng niềm tin với mình. Phaolô và Barnabê đã hiểu như thế, nên đã khuyên các tín hữu rằng : “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa” (Cv 14,22).
2. Hòa bình Chúa ban là kết quả của những cố gắng để giải quyết tình trạng “chia rẻ” : a/ Nơi bản thân mỗi người, chỉ có hòa bình thật khi không còn xung đột giữa cái tôi hướng thiện với cái tôi hướng ác ; b/ Nơi gia đình, nơi xã hội và bất cứ nơi nào cũng thế, chỉ có hòa bình thật khi mọi người đều một lòng một ý với nhau.
3. “Nếu trong tương lai, chúng ta không ký kết được những hiệp ước vững chắc và thành thật bảo đảm cho một nền hòa bình đại đồng, thì nhân loại, hiện đang gặp nguy cơ trầm trọng dù có một nền khoa học kỳ diệu đi nữa, có lẽ cũng sẽ tiến đến cách thảm khốc tới một giây phút mà nhân loại sẽ không biết hòa bình nào khác hơn là thứ hòa bình khủng khiếp của chết chóc” (Gaudium et Spes, số 82).
4. “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên !” (Lc 12,49)
Báo tuổi trẻ trong bài “Một cái chết bắt đầu cho sự sống” đã viết về anh Nguyễn Đức Minh như sau :
“... Vật vã với cơn đau ngày càng tăng, từ đầu năm anh tìm đến khoa giải phẫu của trường ĐHYD rồi về nhà lập tờ di chúc, trong đó chỉ có ba điều ước mong : hiến xác, đề nghị gia đình không làm đám tang lớn để lấy tiền giúp người khốn khó và dành những vật dụng riêng gồm máy đánh chữ, cassette, ampli, dụng cụ học tập của câu lạc bộ Bừng Sáng và một người bạn cùng cảnh mù. Chị hai của Đức Minh cho biết : “Em tôi lo gia đình không thực hiện lời hứa nên đã bắt cha mẹ ký xác nhận cho xác em mới chịu lên bàn mổ. Trước khi mổ, em còn dặn bác sĩ viện trưởng có gì thì đưa xác em đi ngay để gia đình khỏi đổi ý...”
Mong ước của anh Minh giúp tôi nhận ra được những khao khát của Chúa Giêsu trước khi bước vào cuộc Thương Khó : “Thầy ước mong phải chi lửa ấy - ngọn lửa yêu thương mà Ngài đã ném vào mặt đất – cháy bùng lên !”
Giêsu ơi, con cũng muốn sống những thao thức của Giêsu, bằng cuộc sống yêu thương, và dấn thân cho tình yêu. Xin giúp con Chúa nhé ! (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ


24/10/13 THỨ NĂM TUẦN 29 TN
Th. Antôn Maria Clarét, giám mục
Lc 12,49-53

CÙNG NÉM LỬA VỚI CHÚA GIÊSU
Đức Giêsu nói với các môn đệ :”Thầy đã đến ném lửa vào trái đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bùng lên! Thầy sẽ phải chịu một phép rửa, và lòng Thầy khắc khoải biết bao cho đến khi việc ấy hoàn tất.”
(Lc 12,49-50)

Suy niệm: Trong Cựu ước, Đức Chúa đã hiện ra với ông Môsê trong một bụi gai bốc cháy; trong Tân ước, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ dưới dạng lưởi lửa. Đức Giêsu đến ném lửa vào trái đất là Ngài ném Thiên Chúa, ném Thánh Thần vào thế giới để Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần ấy sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện nhân loại. LỬA sưởi ấm nhân loại khỏi thái độ lạnh lùng giữa người với người, sự dửng dưng giữa người với Thiên Chúa. LỬA soi sáng cho nhân loại biết con đường dẫn đưa đến hạnh phúc thật sự. LỬA thanh luyện con người khỏi tính ích kỷ, khỏi các tính hư tật xấu, khỏi những gì bất xứng với con cái Thiên Chúa.
Mời Bạn: Cộng tác với Thiên Chúa, với Thánh Thần để cùng ném Lửa Thiên Chúa, Lửa Thánh Thần vào thế giới của bạn. Thế giới của bạn chính là gia đình, học đường, xí nghiệp, chợ búa… Bạn là trợ lý tích cực của Chúa Giêsu khi dám để Lửa Thiên Chúa biến đổi bạn và hơn nữa để chính bạn cũng biến thành lửa và tiếp tục sưởi ấm, soi sáng, thanh luyện những người mà bạn tiếp xúc.
Sống Lời Chúa: Tối nay trước khi đi ngủ, bạn dành vài phút cầu nguyện và xét mình: Tôi thường lạnh lùng, dửng dưng trước người anh em, chị em nào? Tôi cư xử với người khác dựa trên động lực nào? Tôi sẽ để Lửa Thiên Chúa sửa đổi tôi thế nào?
Cầu nguyện: Lạy Chúa xin thắp sáng lên trong con ngọn lửa tình yêu Chúa, để con cùng với đem lửa tình yêu đó cháy bùng lên ở giữa thế gian.



Khôn Ngoan Của Tin Mừng
Mới thoáng nghe những gì Chúa Giêsu nói, chúng ta cảm thấy khó chịu và có lẽ nhiều người và có lẽ nhiều người nghe Chúa Giêsu cũng cảm thấy khó chịu như chúng ta. Thế nhưng thực tế là như vậy. Sự lựa chọn quyết liệt để sống và trung thành với giáo huấn của Tin Mừng sẽ gây khá nhiều những mâu thuẫn giữa những người thân thương trong gia đình và cả với những người chung quanh của chúng ta nữa. Lý do là vì khôn ngoan theo Tin Mừng khác với khôn ngoan theo tinh thần của thế tục. Chúng ta không thể nói rằng chúng ta không biết thế nào là khôn ngoan theo tinh thần thế tục.
Thiên Chúa muốn chúng ta khôn ngoan lựa chọn quyết liệt để sống theo khôn ngoan của Tin Mừng, vì Chúa cho lửa tình yêu của chúng ta với Thiên Chúa và giữa chúng ta với nhau được bùng lên và bốc cao trên mặt đất này vì đó là cách để Ngài dẫn chúng ta về với Chúa Cha, khi đã tập cho chúng ta biết yêu nhau như con cái của Thiên Chúa.
Lạy Cha là Thiên Chúa chúng con.
Hơn bao giờ hết trong lúc này, chúng con mới nhận thấy được rõ ràng thế nào là khôn ngoan theo Tin Mừng và thế nào là khôn ngoan theo thế tục. Chỉ tiếc có một điều là chúng con vẫn chưa đủ can đảm để cộng tác với Chúa Giêsu, Con Cha khởi lên. Chúng con yếu đuối quá.
Lạy Cha,
Xin Cha ban cho chúng con Thánh Thần của Cha, để chúng con cố gắng can đảm loại bỏ những khôn ngoan thế tục, dù có bị chính những người thân yêu của chúng con phản đối hay ghét bỏ.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm



Sau lời giáo huấn của Chúa Giêsu về việc phải tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi Chúa đến, có nhiều người trong môn đệ tỏ vẻ bở ngỡ. Nhân dịp này Chúa Giêsu nhấn mạnh về lý tưởng hy sinh, bằng cách người tuyên bố sứ vụ của người đến thế gian là để chịu đau khổ để cứu chuộc thế gian.

 Chúa Giêsu đã đến thế gian, chịu mọi đau khổ để cứu chuộc thế gian, sinh chúng ta lại làm con cái Chúa. Vì thế Ngài mời gọi từng người chúng ta phải trở lại: là sửa đổi con người cũ thành con người mới, bỏ nếp sống trần tục để sống đời làm con cái Thiên Chúa. Tinh thần Tin Mừng của Chúa Giêsu đem đến là tinh thần của sự thương khó, tử nạn và phục sinh, đi ngược với tinh thần thế gian là thích hưởng thụ và ham khoái lạc. Cho nên chúng ta dễ hiểu câu nói của Chúa Giêsu “Các con tưởng Thầy đến để đem sự bình an xuống thế gian ư?”. Tin Mừng mà Chúa Giêsu đem đến đi ngược lại với tinh thần của thế gian, nên những ai theo Chúa thì thường bị thế gian bách hại. Theo Chúa là chấp nhận hy sinh và mất mạng sống mình vì Chúa, nhưng chúng ta hãy nhớ lại lơi Chúa Giêsu: “Ai mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ được sống”.

 Là những người Kitô hữu, mỗi người chúng ta hãy tự xét lại bản thân xem chúng ta có dám can đảm vì lời Chúa mà sống ngược với tinh thần thế gian. Chúng ta có dám bỏ những đam mê, thú vui bình thường để sống đúng với tinh thần Tin Mừng mà Chúa Giêsu mang lại?

 Lạy Chúa, chúng con biết mình mang thân phận yếu đuối, dễ chìu theo những đam mê, những thú vui xác thịt mà quên đi những lời giáo huấn của Chúa. Xin Chúa ban thêm cho chúng con ơn khôn ngoan và sức mạnh, để chúng con phân biệt được việc tốt xấu và can đảm sống chứng nhân cho Chúa giữa đời. Amen.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

24 THÁNG MƯỜI

Xin Cho Chúng Nên Một

Chiều hôm trước khi vào cuộc Khổ Nạn, trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Chúa Giêsu đã cầu nguyện cho sự hiệp nhất của tất cả những ai tin vào Ngài. Ngài nói: “ Lạy Cha, con không chỉ cầu xin cho những người này – tức các tông đồ- nhưng còn cho những ai nhờ họ mà tin vào con, để tất cả nên một như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 20-21).
Chúng ta cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện này với chính Chúa Kitô – vị Thượng tế của Giao Ước Mới. Chúa Kitô hiến trao chính bản thân mình làm hy lễ. Ngài trao hiến chính Thịt và Máu của Ngài. Ngài trao hiến cuộc sống và cái chết của Ngài. Và với hy tế này, hy tế thánh thiện vô song, Ngài giao hòa thế giới với chính Ngài. Đức Kitô chết trên Thập Giá để “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mát khắp nơi về một mối” (Ga 11,52).
Lời nguyện hiến tế của Chúa Giêsu được thốt ra từ chính trọng tâm của hy tế này. Cả lời cầu nguyện và cái chết hy tế của Ngài đều có cùng một mục đích là “Xin cho chúng nên MỘT”.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 24-10
Thánh Antôn Maria Claret, Giám mục;
Rm 6,19-23; Lc 12,49-53


LỜI SUY NIỆM: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong phải chi lửa ấy đã bừng lên” (Lc 12,49).

Thiên Chúa là tình yêu. Chúa Giêsu đến để mạc khải tình yêu của Thiên Chúa cho con người, và Ngài muốn tất cả mọi con người trên trái đất này nhìn thấy được tình yêu của Thiên Chúa đối với họ. và Ngài ước mong toàn thể nhân loại lấy tình yêu mà đáp lại tình yêu của Thiên Chúa. Như lửa khi chạm vào bất cứ gì cũng thành lửa. Là người Kitô hữu chúng ta hãy đáp lại lòng mong muốn của Chúa Giêsu qua cách sống của chúng ta trong xã hội hôm nay.

Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

Ngày 24-10
Thánh ANTÔN MARIA CLARET
Giám mục - Tổ phụ dòng Trái tim vẹn sạch mẹ Maria (1807 - 1870)



"Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi"
Đó là châm ngôn và chương trình đời sống thánh ANTÔN MARIA CLARET. Ngài sinh năm 1807 tại Sallent Bắc Tây Ban Nha, trong một gia đình khiêm tốn làm nghề dệt. Là con thứ 5 trong 10 anh em, thánh nhân tỏ ra nhanh nhẹn thông minh có khiếu đối với nghề nghiệp của cha anh và được gởi đi Barcelone trong một xưởng máy lớn. Ban chiều, Ngài dự lớp học Pháp văn, nghiên cứu La văn và luyện nghề ấn loát, không có gì Ngài xao lãng cả. Ơn gọi đi tu sống sâu trong đáy lòng Ngài, kèm theo mọi hành động và sắp trở thành mạnh mẽ nhất: cuối cùng Ngài đã bước qua cổng chủng viện ở Vich năm 1829.
Trước tâm hồn phong phú của thánh nhân, Đức cha Corcue ra đã rút ngắn chương trình thần hoc. Ngài thụ phong linh mục 6 năm sau và cử hành thánh lễ đầu tiên tại giáo xứ Ngài đã được rửa tội. Được cử làm cha sở, Ngài đã thánh hóa địa hạt của mình. Nhưng việc tông đồ của Ngài cần một điạ hạt rộng lớn hơn. Ngài đi Roma, muốn gia nhập dòng Tên nhưng một vết thương ở chân buộc Ngài từ bỏ ý định trở về Tây Ban Nha. Bản chất nóng nảy của Ngài tỏ lộ những ân huệ siêu nhiên mới, tài hùng biện thánh của Ngài tăng bội số những cuộc trở lại, chủ đề được ưa chuông của Ngài là: đường thẳng và chắc để về trời" và ngày càng thêm nhiều người dấn thân vào đường hẹp sỏi đá mở ra ánh sáng. Đức Trinh Nữ hình như hiện diện khi Ngài trình bày các bổn phận của bậc sống nhạt nhẽo nhưng có nét đẹp ẩn giấu trước mặt Chúa, các từ bỏ liên tiếp... Ngài đã đi giảng như vậy qua một tỉnh với hành trang gồm có cuốn sách Thánh Kinh và sách nguyện gói trong khăn, Ngài từ chối tất cả tiền bạc, ngủ dưới vòm trời, giải tội ngày đêm và dâng lễ khi ánh sao cuối cùng vừa lặn. Ngài đã đặt tay chữa bệnh, chiêm ngắm các cuộc hiện ra.
Antôn rất gần gũi tự do đến nỗi đã gây nên những ghen tương, những lời chế nhạo ngắt ngang bài giảng của Ngài. Mạng sống bị đe dọa, Ngài phải giã từ quê hương thân yêu để rồi chỉ trở lại 15 năm sau để được đề cử và tấn phong Tổng giám mục Santiago, Cuba, tại nhà thờ chính toà Vich, Ngài đã dùng khoảng thời gian giao thời này để Phúc âm hoá các đảo Camari và đặt nền móng tu hội thừa sai Trái tim vẹn sạch Đức Mẹ, Ngài nỗ lực dưới mọi hình thức để cứu vớt các linh hồn. Đây là lúc Ngài thêm danh hiệu MARIA vào tên mình.
Vị tổng giám mục truyền giáo cập bến, Ngài sắp gặp thấy một giáo xứ đầy thương tâm gồm một ít linh mục thiếu học nghèo túng, Ngài thiết lập một nhóm học hiểu biết và tiếp tục vai trò người bao bọc vì Chúa Kitô, Ngài mất 6 năm để rảo qua các điạ phận mênh mông của mình, những con số sau đây nói lên hoạt động của Ngài: 11.000 bài giảng, 120.000 lễ Thêm sức, 40.000 phép rửa tội, 12.000 lễ hôn phối. Còn mệt nhọc hơn cả những khó khăn trên đường, thánh nhân hòa mình với các bệnh nhân ngã gục vì dịch tả. Các chủ nhân buôn bán nô lệ tố cáo Ngài đã xúi giục các người bị tàn phá nổi loạn. Mười lăm lần Ngài đã thoát chết. Ngài mơ lập một trường nông nghiệp nhưng gặp những chống đối mạnh mẽ.
Theo lời thỉnh cầu của hoàng hậu Isabelle II, đức giáo hoàng đã cử thánh Antôn Maria làm tuyên úy cho bà. Ngài nhận lời sau nhiều do dự, với điều kiện là sẽ đứng ra ngoài mọi chuyện chính trị và không sống trong hoàng cung. Từ Maddrid, Ngài tiếp tục cai quản Cuba. Nhưng sự ghen tương không dứt. Sự vu khống đã đưa đến chỗ các kẻ thù ký tên khả kính của Ngài dưới những danh sách bần tiện, trong khi chính Ngài đã là tác giả xây dựng của 150 pho sách hay những tập rời. Cuộc cách mạng đã xua đuổi hoàng hậu tới Pan, rồi Paris là nơi cha giải tội đã theo bà và lo lắng cho thuộc điạ Tây ban Nha và vẫn theo đuổi phát triển của tu hội truyền giáo, Ngài dự cộng đồng bàn về giáo thuyết bất khả ngộ của tòa thánh. Sự ghen ghét của những thù địch người Tây ban Nha theo đuổi Ngài mãi. Thánh nhân một thời rút lui về một trong những nhà dòng của Ngài ở Prades, rồi ở L'Audes, nơi các thày dòng Xitô ở Phontfroide là nơi không hề phàn nàn kêu trách năm 1870.
Antôn Maria Claret vị thánh rất tân thời đã tỏ ra là nhà tiên phong với nhà sách đạo của Ngài. Trước khi có các tu hội triều ngày nay, Ngài đã sáng nghĩ ra "các nữ tu tại gia" là học giả uyên bác, Ngài đã xếp các văn sĩ có giá trị, các nghệ sĩ công giáo vào "hàn lâm viện thánh Micae".

(daminhvn.net)

24 Tháng Mười

Ngày Liên Hiệp Quốc


Vào năm 1945, ba quốc gia gây chiến Ðức, Italia, Nhật mang bộ mặt tan tác tả tơi của những nước bại trận. Ða số những thành phố lớn tại Ðức, cũng như hai thành phố Hiroshima và Nagasaki tại Nhật chỉ còn là những đống gạch vụn, những thành phố chết.
Hình ảnh của thế giới, nhất là tại các quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong những năm "39-45" có lẽ không khác gì bộ mặt của trái đất sau trận lụt Ðại Hồng Thủy, khi trận lụt vĩ đại gây ra do những trận mưa lũ kéo dài 40 ngày đêm đã giết hại mọi sinh vật, như tác giả sách Khởi Nguyên viết: "Mọi loài xác thịt động đậy trên đất đều tắt thở: chim chóc, thú vật, mãnh thú... tất cả các vật trên cạn đều bị xóa sạch trên mặt đất từ người cho đến xúc vật, côn trùng và chim trời...".
Từ đống tro tàn của thế chiến thứ hai, một ý nghĩa đã được manh nha và Liên Hiệp Quốc đã thành hình với mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình. Vì như một chính trị gia đã phát biểu: "Nếu con người không hủy diệt chiến tranh, chiến tranh sẽ hủy diệt con người".
Nhưng từ ngày tổ chức Liên Hiệp Quốc được thành lập vào năm 1945 đến nay không biết bao nhiêu cuộc chiến song phương cũng như nội bộ đã xảy ra. Những bàn tay con người vẫn được dùng để giơ gươm, để lảy cò, để bấm nút nhữntg khí giới giết người. Vì thế súng vẫn nhả đạn và máu tươi vẫn tuôn rơi, lòng đất mẹ vẫn thấm máu con người.

Ngày 24 tháng 10 hằng năm, bao nhiêu lá cờ của mọi quốc gia đã được trưng lên trong những buổi lễ kỷ niệm ngày Liên Hiệp Quốc được thành lập, bao nhiêu sinh hoạt đã được tổ chức để nhắc nhở con người, không phân biệt màu da, tiếng nói, không phân biệt tín ngưỡng hay quan niệm về thể chế chính trị, ý nghĩa của tổ chức mang mục đích bảo vệ an ninh và xây dựng hòa bình.
Nhưng thiết nghĩ, hòa bình thế giới không thể được thiết lập nếu lòng người chưa đạt được sự an bình, vì nếu những tâm tình ganh ghét, ghen tuông, nghi kỵ, nếu những tư tưởng lợi dụng, đàn áp, bóc lột vẫn còn âm ỉ cháy trong lòng chúng ta, thì ngọn lửa chiến tranh vẫn còn có thể bùng cháy bất cứ lúc nào.

(Lẽ Sống)

Thứ Năm 24-10
Thánh Antôn Maria Claret
(1807-1870)

N
gười cha tinh thần của Cuba" là một nhà truyền giáo, người sáng lập dòng, người cải cách xã hội, tuyên uý của hoàng hậu, nhà văn và nhà xuất bản, là đức tổng giám mục và cũng là người tị nạn. Ngài là người Tây Ban Nha mà vì công việc ngài đã đặt chân đến các nơi như quần đảo Canary, Cuba, Madrid, Paris và Công Ðồng Vatican I.
Thánh Antôn Claret sinh ở làng Salient, tỉnh Catalonia, nước Tây Ban Nha năm 1807. Ngài là con của một người thợ dệt. Trong khi làm thợ dệt cũng như vẽ kiểu cho một xưởng tơ sợi ở Barcelona, ngài dùng thời giờ rảnh rỗi để học tiếng Latinh và học cách in ấn: quả thật Chúa đang chuẩn bị ngài để trở nên một linh mục và nhà xuất bản tương lai. Ðược thụ phong linh mục lúc 28 tuổi, vì sức khỏe yếu kém nên ước mơ trở nên một tu sĩ dòng Tên hay dòng Thánh Brunô không thành tựu, ngài đã trở nên một linh mục triều nổi tiếng về rao giảng ở Tây Ban Nha. Ngài dành 10 năm để đi giảng tuần đại phúc, và luôn luôn nhấn mạnh đến bí tích Thánh Thể và sự sùng kính Trái Tim Mẹ Maria. Người ta nói, chuỗi mai khôi không bao giờ rời khỏi tay ngài. Khi 42 tuổi, cùng với năm linh mục trẻ, ngài thành lập tu hội truyền giáo, mà ngày nay được gọi là tu sĩ dòng Claret.
Từ năm 1850 đến 1857, ngài được bổ nhiệm về làm tổng giám mục của giáo phận bị quên lãng từ lâu là Tổng Giáo Phận Santiago ở Cuba. Ngài bắt đầu cải cách bằng việc rao giảng không ngừng và giải tội. Dĩ nhiên ngài phải chịu nhiều chống đối cay đắng -- phần lớn là vì ngài kịch liệt lên án vấn đề vợ lẽ và vì ngài dạy giáo lý cho các người nô lệ da đen. Một tù nhân mà Cha Antôn chuộc ra khỏi tù đã được thuê mướn để giết ngài, nhưng ngài thoát chết và chỉ bị thương ở mặt và tay. Cũng chính Cha Antôn giúp người này thoát án tử hình. Ngài giúp thay đổi sự nghèo nàn của dân Cuba bằng cách giúp họ trồng trọt những thực phẩm khác nhau, cần cho thị trường. Ðiều này khiến các điền chủ tức giận, vì họ chỉ muốn dân chúng trồng mía để thu hoa lợi. Trong các văn bản về tôn giáo của ngài còn có hai quyển ngài viết khi ở Cuba: Suy Tư về Canh Nông và Lợi Nhuận Quốc Gia.
Ngài được gọi về Tây Ban Nha với một công việc mà ngài không ưa thích gì -- làm tuyên uý cho nữ hoàng. Ngài đồng ý trở về với ba điều kiện: Ngài sẽ ở ngoài hoàng cung, ngài chỉ đến nghe nữ hoàng xưng tội và dạy giáo lý cho con cái họ, và ngài không bị dính líu gì đến sinh hoạt triều đình. 
Cả cuộc đời Thánh Antôn, ngài chỉ mơ ước việc xuất bản sách báo Công Giáo. Ngài sáng lập Nhà In Công Giáo, một cơ sở xuất bản Công Giáo mạo hiểm kinh doanh ở Tây Ban Nha, và ngài đã viết cũng như xuất bản khoảng 200 cuốn sách lớn nhỏ.
Trong Công Ðồng Vatican I, ngài là người trung thành bảo vệ tín điều bất khả ngộ của đức giáo hoàng, ngài được sự thán phục của các giám mục bạn. Ðức Hồng Y Gibbons của Baltimore nhận xét về ngài, "Ðây thực sự là vị thánh." Ngài chết ở tu viện dòng Xitô lúc 63 tuổi.
Lời Bàn
Ðức Giêsu đã nói trước cho những ai muốn theo Người là họ sẽ bị bách hại như chính Chúa. Ngoài những cám dỗ trong đời, Thánh Antôn còn phải chịu đựng biết bao vu khống xấu xa đến độ tên Claret của ngài đồng nghĩa với nhục nhã và bất hạnh. Ma quỷ không dễ gì buông tha con mồi của chúng.
Chúng ta không cần phải đi tìm sự bách hại. Tất cả những gì chúng ta cần là sẵn sàng chịu đau khổ vì đức tin chân thật nơi Ðức Kitô, chứ không phải vì những bất cẩn và tính khí bất bình thường của chúng ta.
Lời Trích
Có lần Nữ Hoàng Isabella II nói với Thánh Antôn, "Không ai có thể nói cho tôi nghe một cách rõ ràng và thành thật như cha." Sau này hoàng hậu nói với ngài, "Mọi người đều xin tôi ban cho họ những ơn huệ này nọ, nhưng chưa bao giờ thấy cha làm như vậy. Cha có muốn xin điều gì không?" Ngài trả lời, "Thưa có, xin cho tôi từ chức." Từ đó trở đi hoàng hậu không còn đề nghị gì khác.












Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét