THỨ BẢY 26/10/2013
Thứ Bảy sau Chúa Nhật
29 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 1-11
"Thánh Thần của
Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, giờ đây không còn gì là án phạt dành cho những ai ở trong Ðức
Giêsu Kitô: vì những kẻ ấy không còn sống theo xác thịt. Bởi chưng lề luật của
Thánh Thần ban sự sống trong Ðức Giêsu Kitô, đã giải thoát tôi khỏi lề luật sự
tội và sự chết. Ðiều mà lề luật không thể làm được, vì bị xác thịt làm cho ra yếu
đi, thì Thiên Chúa sai Con của Người đến trong xác thịt giống như xác thịt tội
lỗi, và để phản đối sự tội, Người đã luận phạt tội lỗi, và phản đối sự tội, Người
đã luận phạt tội lỗi trong xác thịt, khiến cho ơn công chính của lề luật thành
tựu đầy đủ trong chúng ta, là những người không còn sống theo xác thịt, nhưng
theo tinh thần. Vì những ai sống theo xác thịt, thì tưởng ước những sự thuộc về
xác thịt: còn những ai sống theo tinh thần, thì tưởng ước những sự thuộc về
tinh thần. Mà tưởng ước của xác thịt là sự chết, còn tưởng ước của tâm thần là
sự sống và bình an. Vì chưng sự khôn ngoan của xác thịt là thù nghịch với Thiên
Chúa: bởi nó không tùng phục lề luật của Thiên Chúa: vả lại nó cũng không thể
tùng phục được. Những kẻ sống theo xác thịt, thì không thể đẹp lòng Chúa. Còn
anh em, anh em không sống theo xác thịt, nhưng sống theo tinh thần, nếu thật sự
Thánh Thần Chúa ở trong anh em. Nếu ai không có Thánh Thần của Ðức Kitô, thì kẻ
ấy không thuộc về Người. Nhưng nếu Ðức Kitô ở trong anh em, cho dù thân xác đã
chết vì tội, nhưng tinh thần vẫn sống vì đức công chính. Và nếu Thánh Thần của
Ðấng đã làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại ở trong anh em, thì Ðấng đã
làm cho Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại cũng cho xác phàm hay chết của anh
em được sống, nhờ Thánh Thần Người ngự trong anh em.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 23, 1-2. 3-4ab. 5-6
Ðáp: Lạy Chúa, đó là
dòng dõi người tìm kiếm long nhan Chúa (c. 6).
Xướng: 1) Chúa là chủ trái
đất và mọi vật làm sung mãn nó, chủ địa cầu và muôn loài cư trú ở trong. Vì
chính Người xây dựng nó trên biển cả, và Người giữ vững nó trên chỗ nước nguồn.
- Ðáp.
2)
Ai khá trèo lên cao sơn của Chúa, ai được đứng trong nơi thánh của Người? Người
tay vô tội và lòng thanh khiết, người không để lòng xu hướng bả phù hoa. - Ðáp.
3)
Người đó sẽ được Chúa chúc phúc cho, và được Thiên Chúa là Ðấng cứu độ ban ân
thưởng. Ðó là dòng dõi người tìm kiếm Chúa, người tìm long nhan Thiên Chúa nhà
Giacóp. - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều
kỳ diệu trong luật Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 13, 1-9
"Nếu các ngươi
không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người
Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Người lên tiếng bảo:
"Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê đó bị ngược đãi như vậy là những
người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi:
không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi
cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè
chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo
các ngươi: không phải thế; nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả
các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy".
Người
còn nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho
mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng:
Kìa, đã ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó
đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin
để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân: may ra nó có
quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Thay Ðổi Cái Nhìn
Cùng
một biến cố, nhưng người ta có thể nhìn dưới nhiều góc cạnh khác nhau. Bệnh
AIDS (SIDA) chẳng hạn, các nhà Y học coi đó như một thách đố cho việc tìm tòi,
một số kỹ nghệ gia coi đó là dịp để tung ra các sản phẩm phòng ngừa, các nhà đạo
đức thì coi đó như là chiếc roi của Thiên Chúa trừng phạt nhân loại, còn người
có đức tin thực sự lại nhận ra ở đó khởi điểm của tình yêu của Thiên Chúa đối với
con người.
Chúa
Giêsu đã nhắc đến phản ứng rất thông thường của người Do thái và có lẽ cũng là
của nhiều Kitô hữu, đó là qui trách cho Thiên Chúa mọi sự trừng phạt. Khi
Philatô ra lệnh xử tử một số người Galilê nổi loạn, thì người Do thái cho rằng
những người này đáng bị trừng phạt vì là những kẻ tội lỗi. Khi tháp Silôê đổ xuống
làm một số người chết, người ta cũng bảo là họ bị Chúa phạt.
"Chúa
phạt", đó có thể là phản ứng của chúng ta khi đứng trước một tai họa cho
người khác. Chúng ta vừa gán cho Chúa một hình ảnh không mấy đúng đắn về công
bình, vừa vô tình kết án người khác mà quên đi thân phận yếu hèn của mình.
Chúa
Giêsu mời gọi chúng ta nhìn vào các biến cố với niềm tin tưởng vào tình yêu
Thiên Chúa. Dù con người tội lỗi đến đâu, Thiên Chúa vẫn luôn yêu thương, tha
thứ cho họ. Ý thức về tình yêu ấy, con người cũng được mời gọi hoán cải. Càng
nhận ra tình yêu Thiên Chúa, càng ý thức về thân phận yếu hèn của mình và càng
phải cảm thông và yêu thương người khác nhiều hơn. Sám hối trước tiên phải là
sám hối trong cái nhìn về Thiên Chúa nhân từ, đồng thời thay đổi cái nhìn đối với
người khác.
Ước
gì hoa trái của yêu thương, phó thác, tha thứ trổ bông trong tâm hồn và tràn ngập
trong ánh mắt chúng ta.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 29 TN,
Năm lẻ
Bài đọc: Rom
8:1-11; Lk 13:1-9.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải biết sống thế
nào để sinh ích lợi cho mình và cho tha nhân.
Làm
việc gì ai cũng muốn có kết quả tốt; nếu không, họ sẽ ngưng không làm nữa. Ví dụ,
nhà nông sẽ không trồng hay giữ lại những cây mà không đem lại lợi tức; người
thương gia sẽ không giữ những món hàng mà không có ai hay ít người mua; người
chủ sẽ không giữ để phải trả tiền lương cho những người thợ không mang lợi tức
về cho công ty. Trong lãnh vực tâm linh cũng thế, Thiên Chúa đòi con người phải
sinh lợi ích cho Ngài, cho tha nhân, và cho bản thân. Ngài sẽ cho con người nhiều
cơ hội để sinh lợi ích, nhưng sẽ lấy đi nếu con người không sinh ích lợi.
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong câu hỏi con người phải biết sống thế nào để
sinh ích lợi cho mình và cho Nước của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô
vạch ra hai lối sống hoàn toàn trái ngược nhau: một lối sống theo xác thịt sẽ
đưa con người dần dần đến cái chết và một lối sống theo Thánh Thần sẽ làm cho
con người sinh hoa trái và dẫn đến cuộc sống đời đời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu
khuyên khán giả đừng lo việc xét đoán người khác để tìm ra lý do của đau khổ;
nhưng tốt hơn nên biết thường xuyên xét mình, để biết hoán cải và biết sinh lợi
ích cho mình và cho tha nhân.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Hai lối sống theo xác thịt và theo Thánh Thần
Theo
thần học thân thể của Phaolô, con người không đứng riêng lẻ một mình, nhưng
trong sự liên hệ với Thiên Chúa và tha nhân. Như con người có liên hệ với Adam
trong tội nguyên tổ và sự chết, con người cũng có liên hệ với Đức Kitô trong ân
sủng và sự sống đời đời. Như hậu quả của tội làm cho con người phải chết như
Adam, hậu quả của ân sủng làm cho con người được sống lại với Đức Kitô.
1.1/
Lối sống theo xác thịt:
(1)
Từ ngữ xác thịt được xử dụng theo Phaolô: Phaolô dùng chữ xác thịt (sark) để chỉ theo nghĩa
đen là thân xác con người như việc cắt bì (Rom 2:28). Phaolô cũng dùng để chỉ
theo nghĩa bóng: sống theo xác thịt là sống theo tiêu chuẩn của con người (Rom
7:5). Lối sống theo xác thịt không chỉ bao gồm tội ham muốn xác thịt, nhưng còn
mở rộng đến mọi tội khác như: thờ bụt thần, ghen tị, tranh chấp... (Gal
5:19-21).
(2)
Hậu quả của lối sống theo xác thịt: Như đã thảo luận trong chương 7, con người không có
sức mạnh để chống lại tội lỗi; và hậu quả của tội là con người phải lãnh nhận
cái chết. Thánh Phaolô lặp lại điều này trong trình thuật hôm nay: "Hướng
đi của tính xác thịt là sự chết, Thật vậy, hướng đi của tính xác thịt là sự phản
nghịch cùng Thiên Chúa, vì tính xác thịt không phục tùng luật của Thiên Chúa,
mà cũng không thể phục tùng được."
1.2/
Lối sống theo Thánh Thần:
(1)
Từ ngữ Thánh Thần được xử dụng theo Phaolô: Theo truyền thống Do-thái, họ chỉ có một chữ (pneuma)
để chỉ gió, hơi thở, tinh thần và năng lực của con người. Theo Phaolô, tinh thần
này ám chỉ năng lực, đời sống thần linh, hay Thánh Thần của Thiên Chúa. Khi con
người sống theo Thánh Thần, con người vâng theo theo sự dạy dỗ của Ba Ngôi
Thiên Chúa.
(2)
Hậu quả của lối sống theo Thánh Thần: sẽ dẫn tới bình an và sự sống vì có sức mạnh làm cho
con người trở nên công chính. Phaolô xác tín: "Nếu Thánh Thần ngự trong
anh em, Thánh Thần của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng
đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thánh Thần của Người
đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới."
2/
Phúc Âm: Nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.
2.1/
Con người phải năng xét mình để biết ăn năn sám hối: Đâu là sự liên
quan giữa đau khổ và tội lỗi? Có 2 cách nhìn: của thế gian và của Thiên Chúa.
Theo cách nhìn của thế gian: đau khổ phải chịu là do tội lỗi gây lên, “Ác giả
ác báo, tội càng lớn đau khổ càng nhiều.” Theo cách nhìn của Thiên Chúa: đau khổ
có thể không do tội lỗi. Chẳng hạn, có người hy sinh chịu đau khổ cho người
khác được sống (Chúa Giêsu), hay để vinh quang Thiên Chúa được tỏ hiện (ví dụ
ông Job hay người mù từ lúc mới sinh trong chương 9 của Tin Mừng Gioan). Chúa
Giêsu dẫn chứng 2 ví dụ:
(1)
Những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế
vật họ đang dâng. Chúa Giêsu hỏi khán giả: “Các ông tưởng mấy người Galilê này
phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho
các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông
cũng sẽ chết hết như vậy.” Truyền thống Do-thái tin những người này bị Philatô
giết chết vì họ chống lại việc Philatô lấy thuế của Đền Thờ để làm hệ thống nước
cho dân thành Jerusalem.
(2)
Mười tám người bị tháp Siloam đổ xuống đè chết. Chúa Giêsu cũng đặt câu hỏi cho
khán giả: “Các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở
thành Jerusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu
các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Điều
quan trọng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh ở đây là thay vì tranh luận tìm ra sự liên
hệ giữa đau khổ và tội lỗi, con người nên nhìn vào chính mình để nhận ra tội và
ăn năn sám hối.
2.2/
Con người phải sinh hoa trái cho Thiên Chúa: “Người kia có một cây vả trồng
trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn:
"Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh
chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: "Thưa ông,
xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó.
May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi."”
(1)
Mọi người đều được Thiên Chúa cho cơ hội như cây vả để sinh hoa kết trái. Nếu
vây vả không sinh hoa kết trái, nó sẽ bị chặt để lấy chỗ cho cây khác để sinh lợi
cho con người hơn. Con người cũng thế, nếu không sinh lợi ích như Thiên Chúa muốn,
Ngài sẽ cất đi để cho người khác có cơ hội sinh lợi cho Ngài.
(2)
Thiên Chúa cho con người nhiều cơ hội; nhưng nếu con người không biết lợi dụng,
có thể là cơ hội cuối cùng. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn chờ đợi để con người sinh
hoa kết quả; nhưng nếu con người vẫn không sinh trái, Ngài sẽ chặt đi và lấy chỗ
cho người khác để sinh trái cho Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần hiểu biết tường tận Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa và vai trò của
mỗi người chúng ta trong Kế Họach này. Hãy làm trọn vai trò Ngài muốn chúng ta
làm.
-
Đừng ghen tị đòi làm những gì người khác làm, nhưng biết chu tòan ơn gọi Chúa
ban, để cùng với mọi người, đưa Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa tới chỗ viên
mãn.
-
Đừng nhìn chung quanh để dò xét và kết án người khác, nhưng hãy tự xét mình để
xem mình đã sinh hoa kết trái tương xứng với những hồng ân Thiên Chúa đã ban
chưa?
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 29TN
Lc 13,1-9
A. Hạt giống...
Ý chính của đoạn Tin Mừng này là kêu gọi sám hối
:
- cc 1-5 : người do thái thời Chúa Giêsu quen
nghĩ “ác giả ác báo”. Trước hai tai nạn đột ngột làm chết nhiều người, họ kết
luận ngay rằng những nạn nhân ấy là “ác giả” cho nên bị “ác báo”. Chúa Giêsu
khuyên đừng hồ đồ suy đoán về người khác những mỗi người hãy coi các tai nạn đó
là tiếng nhắc nhở hãy xét lại lương tâm mình để lo sám hối.
- cc 6-9 : Qua dụ ngôn cây vả không sinh trái,
Chúa Giêsu bảo mỗi người hãy tận dùng thời gian gia hạn mà Thiên Chúa đã ban
cho mình để sớm lo sám hối.
B.... nẩy mầm.
1. “Hãy sám hối”, đó là câu nói được khẩn thiết
kêu gọi rất nhiều lần bởi Gioan Tiền hô, bởi Chúa Giêsu, bởi các tông đồ và bởi
Giáo Hội. Tại sao ? Vì con người luôn đi lệch đường. Sám hối là nhận ra mình
đang lệch đường và mau mắn quay về đường chính.
2. “Tôi sẽ vun xới, bón phân cho nó. May ra sang
năm nó có trái. Nếu không ông sẽ chặt nó đi”. Hôm nay, tôi dám nói câu này với
Chúa không ?
3. Sau khi đánh tan một cuộc nổi loạn, nhà vua
bắt những kẻ phản loạn về. Ông ra lệnh thắp lên một cây nến, rồi nói với họ :
“Ai chịu đầu hàng và thề trung thành với ta thì sẽ được tha, bằng không sẽ bị
giết Các ngươi hãy suy nghĩ. Khi cây nến tắt thì cuộc hành quyết sẽ bắt đầu”.
Thiên Chúa cũng đối xử với tội nhân như vậy : Ngài cho họ một thời gian gia
hạn. Tuy nhiên có một khác biệt quan trọng : không ai biết cây nến của đời mình
còn dài hay ngắn. (Tonne).
4. “Tôi nói cho các ông biết : không phải thế
đâu. Nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết như vậy.”
“Sám hối”. Vâng, tôi đã hơn một lần sám hối, thế
mà cuộc đời tôi vẫn thế. Và hôm nay Chúa lại mời gọi tôi sám hối, mời gọi tôi
hãy làm cuộc cách mạng tận căn mà lấy Lời Chúa làm chuẩn mực, một cuộc cách
mạng dựa trên nền tảng của tình yêu thương, không đố kỵ. không ghen ghét,
để nơi con có được tình yêu mà Chúa đã đem đến nơi thế gian này.
Lạy Chúa, xin giúp con sám hối, xin biến
đổi tâm hồn con, để mọi việc con làm, mọi điều con suy nghĩ đều dựa trên tình
yêu. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
26/10/13 THỨ BẢY TUẦN 29 TN
Lc 13,1-9
Lc 13,1-9
AI CÓ TỘI NHIỀU HƠN AI ?
“Các ông tưởng
mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê
khác sao ?” (Lc 13,2)
Suy niệm: Quan
niệm “ác giả ác báo,” “xem kết quả biết nguyên nhân” không được Chúa Giêsu áp
dụng trong trường hợp này. Sở dĩ như vậy vì Ngài biết rõ lòng dạ con người chứ
không dừng lại ở một so các biểu hiện bên ngoài. Đức bác ái dạy ta phải “vui
với người vui, khóc với người khóc”, chứ không luận tội, kết án người anh em dù
họ có những biểu hiện sai lỗi bên ngoài. Chúng ta nhớ đến trường hợp anh mù từ
mới sinh được Chúa chữa lành (x. Ga 9,2-3) Chúa không bảo anh bị mù là do tội
của anh hay tội của cha mẹ anh. Chúa không cân đong tội ta để trừng phạt mà
Ngài muốn mỗi người phải hết sức hoán cải, từ bỏ tội lỗi, đồng thời không suy
đoán, cũng chẳng phán xét người khác cách cực đoan.
Mời Bạn: Con
người thường vấp phải tội võ đoán, nhất là khi đối tượng bị xét đoán là người
mình không ưa thích. Hãy thành thật hỏi lòng mình ai tốt hơn ai rồi mới kết
luận. Nói như Chúa Giêsu: “hãy lấy cái xà ra khỏi mắt
ngươi trước đã...” (Lc
6,42) và “Ai trong các ông sạch tội, thì
cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga
8,7).
Chia sẻ: Ai cũng là tội nhân, cần phải
sám hối. Bạn thấy có cần nhớ đến sự thật này mỗi khi sắp xét đoán người
khác không?
Sống Lời Chúa: Tôi
sẽ không hùa theo dư luận, thông tin báo chí để suy đoán và lên án người anh
em. Đừng tưởng làm như thế là ta vô tội hơn người!
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin nhắc con thay vì
lăm lăm cầm đá ném người khác, xin cho chúng con luôn nhớ mình là tội nhân, cần
phải sám hối, hoán cải mỗi ngày và suốt cuộc đời. Amen.
Dấu
Chỉ Của Thời Ðại
Trong
bài Phúc Âm của ngày hôm qua chúng ta đã nghe Chúa Giêsu dạy về việc phải biết
nhìn xem những dấu chỉ của thời đại, biết phân định những biến cố xảy ra theo
ánh sáng của Lời Chúa. Bài Phúc Âm hôm nay cho chúng ta thấy một thí dụ cụ thể
là Chúa Giêsu đã đọc dấu chỉ của thời đại, tức là hai biến cố đau thương vừa xảy
ra: quan tổng trấn Philatô đã giết chết một số người Galilê nơi đền thờ; và
tháp Silôê sập đè chết mười tám người. Chúa Giêsu đã thuật lại hai biến cố này
trước: "Các ông tưởng mấy người Galilê đó tội lỗi hơn hết những người
Galilê khác bởi lẽ họ đã chịu đau khổ như vậy sao? Tôi nói cho các ông biết,
không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không sám hối thì các ông cũng sẽ chết hết
như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, các ông tưởng
họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi
nói cho các ông biết, không phải thế đâu, nhưng nếu các ông không chịu sám hối
thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy".
Tai
họa là điều tiêu cực xảy ra, không phải là hình phạt của một vị Thiên Chúa muốn
trả thù vì tội lỗi của con người và những anh chị em nạn nhân, không phải là những
kẻ xấu tệ, đáng khinh. Những biến cố xảy ra là những dịp kêu gọi con người trở
lại cùng Thiên Chúa. Dụ ngôn về cây vả không có trái cũng vậy.
Dụ
ngôn mời gọi người nghe hãy ăn năn hối cải và thực hiện đền bù trổ sinh hoa
trái tốt và thôi không lạm dụng lòng nhân từ của Thiên Chúa nữa. Mỗi tín hữu đều
được mời gọi sống đức tin bằng những việc tốt lành của đức bác ái, một đức tin
sống động mới xác tín cá nhân để thực hiện những công việc làm của kẻ yêu mến
Thiên Chúa và anh chị em.
Trước
nhan Thiên Chúa không có những phân biệt đối xử, những kỳ thị cho người này cao
trọng hơn người kia. Chúng ta tự nhiên thường hay có thái độ khinh thị anh chị
em và kiêu ngạo cho mình tốt lành hơn cả. Chúng ta cần thay đổi tâm thức để mặc
lấy những tâm tình của Chúa, hành xử như Chúa đã nêu gương. Chúng ta hãy biến đổi
con tim mình để nó đừng ích kỷ, đừng khinh dễ anh chị em, đừng xét đoán hạ thấp
anh chị em, nhưng ngược lại biết mở rộng trong sự vị tha, tình huynh đệ, sự hòa
hợp, tình thương, lòng nhân từ, niềm vui, sự bình an, lòng quảng đại và hy vọng.
Thay đổi chính tâm hồn mình là một điều khó, một tiến trình liên lỉ, dài hạn,
đòi hỏi hy sinh và can đảm cộng tác với ơn Chúa. Ðừng an ủi mình, đừng trấn an
lương tâm mình bằng việc phân tích phê bình những sơ sót của anh chị em, dường
như thể chúng ta tốt lành hơn: "Nếu các con không sám hối, thì các con
cũng sẽ chết giống như vậy".
Lạy
Chúa.
Chúng
con cảm tạ Chúa vì đã luôn thức tỉnh chúng con, mời gọi chúng con sám hối, canh
tân. Chúng con muốn vượt ra khỏi những vòng nô lệ của tật xấu và tội lỗi. Xin
thương ban ơn thánh Chúa, thanh luyện giúp chúng con trở thành những con người
mới, sống theo mẫu gương của Chúa, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi
hoàn cảnh.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Sau khi giáo huấn dân
chúng phải để ý đến các dấu chỉ thời đại để sám hối, hôm nay Chúa Giêsu dựa vào
hai biến cố có tính cách thời sự để hối thúc họ sám hối. Đồng thời Ngài kể cho
họ dụ ngôn về cây vả để nói lên Thiên Chúa nhân từ và kiên nhẫn, luôn mong đợi
và sẵn sàng tha thứ khi người tội lỗi biết sám hối và quay về với Người.
Bài Tin Mừng hôm nay cảnh
tỉnh chúng ta: ai cũng là tội nhân, nên cần sám hối và ăn năn để sống đúng phẩm
giá mình là con cái Thiên Chúa. Đồng thời chúng tã cũng đừng vội vàng xét đoán
khi người khác gặp những biến cố không may mắn. Thay vì xét đoán chúng ta hãy
coi đó là những bài học, những lời cảnh tỉnh để chúng ta ăn năn thống hối tội
lỗi của mình. Chúa đã dùng các biến cố thời sự, rất thực tế để giáo huấn dân
chúng. Chúng ta cũng phải biết dựa vào những sự kiện, biến cố trong xã hội để
rút ra những bài học cho phần rồi của mình và tha nhân.
Thiên Chúa luôn kiên nhẫn
chờ đợi con người sám hối trở về với Ngài, như ông chủ trong dụ ngôn hôm nay.
Đời sống của chúng ta, không nhiều thì ít, mỗi người cũng có những lầm lỗi với
Chúa và tha nhân. Tâm hồn chúng ta như cây vả không biết sinh hoa kết trái
thiêng liêng. Mỗi người chúng ta có dám nói với Chúa: “tôi sẽ đào đất chung
quanh và bón phân: may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi".
Thiên Chúa rất nhân từ, kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sám hối, nhưng nếu chúng ta
không sám hối thì có lẽ Ngài cũng nói với chúng ta như nói với người Do Thái
xưa: “nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị
huỷ diệt như vậy". Chúng ta không biết cuộc đời mình kết thúc lúc
nào.Vì thế hãy luôn trong tư thế chờ đợi sẵn sàng. Ngay từ bây giờ chúng ta hãy
biết sám hối, ăn năn tội trở về với Chúa.
Lạy Chúa, xin giúp chúng
con sám hối, xin biến đổi tâm hồn chúng con, để mọi việc con làm, mọi điều con
suy nghĩ đều dựa trên tình yêu. (Hosana)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26
THÁNG MƯỜI
Kiểu Mẫu Và Nguồn Mạch
Tối Thượng Của Hiệp Nhất
Mối
hiệp nhất liên kết các Kitô hữu vào một thân thể, đó là mối hiệp nhất bắt nguồn
từ Thiên Chúa. Mẫu thức tối thượng của sự hiệp nhất này là Thiên Chúa Ba Ngôi,
là sự hiệp thông của Ba Ngôi Vị Thần Linh – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.
Chính vì thế Chúa Giêsu đã cầu nguyện trong bữa Tiệc Ly: " Cũng như, lạy
Cha, Cha ở trong con, và con ở trong Cha, con cầu xin để họ nên một trong chúng
ta" (Ga 17, 21).
Tất
cả những người nhờ cùng một đức tin và cùng một Phép Rửa, đã trở nên con cái
Thiên Chúa, đều được mời gọi đi vào trong mối hiệp nhất này. Thánh Phaolô nói:
"Nhờ đức tin, tất cả anh em đều là con cái Thiên Chúa trong Đức Giêsu
Kitô" (Gl 3,26). Vì thế nhờ đức tin, chúng ta là con cái Thiên Chúa trong
Đấng là Con Một của Thiên Chúa Cha. Chúng ta phải hiệp nhất trong nguồn hiệp nhất
tối thượng này: mối hiệp nhất thần linh giữa Chúa Con với Chúa Cha. Rồi, Chúa
Cha và Chúa Con đã tuôn tràn Thánh Thần xuống trên Giáo Hội.
Chúa
Thánh Thần ngự trong tâm hồn tất cả những người đã chịu Phép Rửa, thúc đẩy họ
tin tưởng cầu xin và thưa lên: "Abba, Cha ơi!". Như Công Đồng Vatican
II đã dạy: "Chúa Thánh Thần – Đấng cư ngụ trong lòng các tín hữu và cai quản
toàn thể Giáo Hội – tạo ra sự hiệp thông kỳ diệu của các tín hữu và hiệp nhất tất
cả trong Đức Kitô cách mật thiết đến nỗi Ngài chính là nguyên lý hiệp nhất của
Giáo Hội. Ngài phân phát vô số các ân sủng và các sứ vụ khác nhau (1Cr 12,
4-11) và làm cho Giáo Hội của Chúa Giêsu Kitô nên phong phú bằng nhiều ân huệ,
‘nhờ đó các thánh được chuẩn bị làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể
Chúa Kitô’ (Eph 4, 12).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
26-10
Rm
8,1-11; Lc 13,1-9
SUY NIỆM: “Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức
Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra
hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng” (Lc 13,1).
Trong đời sống thường ngày, khi
chúng ta chứng kiến một ai đó gặp một tai họa, chúng ta liên tưởng đến một sự
trừng phạt do một tội, một lỗi nào đó của người ấy. Trong Tin Mừng này người ta
cũng kể câu chuyện như thế cho Chúa Giêsu nghe. Đối với Chúa Giêsu khi nghe,
Ngài khẳng định “không phải thế đâu”. Đối với người Kitô hữu, chúng ta cũng cần
phải biết và nhìn thấy những tai họa xãy đến với người chung quanh, để mà tỉnh
thức, xét mình lại, sám hối ăn năn, bởi mọi sự trong tương lai mình không thể
biết sẽ như thế nào.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
26-10
Thánh
HEDVIGA, Nữ Tu (1174 - 1243)
Thánh
nữ Hedviga sinh tại Bavaria vào khoảng năm 1174. Ngay từ hồi 4 tuổi, Ngài đã được
gửi học tại tu viện. Lên 12 tuổi, Ngài kết hôn với Henri, bá tước miền Silêsia.
20
tuổi, thánh nữ Hedviga đã là mẹ của sáu người con, ba trai ba gái. Năm 1209, họ
quyết định hiến thân cho Thiên Chúa để sống đời khiết tịnh nhưng vẫn chu toàn
trách vụ thuộc bổn phận mình. Họ sống như anh em, lo cho con cái lẫn các gia
nhân sống đạo đức mà không dung túng cho bất cứ một chuyện dèm pha nào. Mỗi
ngày nữ bá tước nuôi cho 13 người ăn, để kính Chúa Giêsu và 12 tông đồ. Ngài mặc
một áo nhặm bên trong các y phục thường ngày, khiến Ngài phải chịu nhiều hy
sinh lớn lao.
Nhưng
các đau khổ tinh thần còn lớn lao hơn, như xé nát lòng người. Vị bá tước dầu
đáng kính nhưng lại có khuyết điểm là thương riêng Conrad, người con thứ hơn
các người con khác. Ông coi Conrad như người kế vị mình. Sự thiên tư này đã là
nguồn gốc gây nên mối thù oán... dữ dằn giữa người anh út với anh mình. Họ gây
chiến đấu với nhau và Conrad bại trận. Sau đó ít lâu, Conrad từ trần trong tinh
thần sám hối. Nhưng những tranh chấp tương tàn và những cái tang này đã làm cho
vị bá tước còn tránh xa thế sư hơn nữa.
Thánh
nữ Hedviga thiết lập một nhà dòng khổ tu ở gần Breslau... Gertrude, người con
gái duy nhất còn sống cho tới khi thánh nữ từ trần sẽ làm bề trên tu viện này.
Nơi đây các em gái mồ côi và nghèo túng tìm được chỗ dung thân, chúng được đào
tạo để trở nên những bà mẹ tốt trong gia đình hơn là để theo đuổi ơn kêu gọi.
Riêng thánh nữ Hedviga lại đóng vai trò người tôi tớ rửa chân cho các người
phong cùi. Lời Ngài mang lại hạnh phúc cho những ai tới gần và gặp gỡ Ngài.
Trong
một cuộc chiến, bá tước Henri bị bá tước miền Warzava cầm tù. Ong này từ chối mọi
thỏa hiệp, để cứu cha, công tử Henri II muốn khởi binh. Nhưng thánh nữ Hedviga
muốn tránh đổ máu nhiều hơn nữa, Ngài đích thân đến gặp kẻ chiến thắng. Gặp
Ngài, ông ta bỗng dịu lại và chấp nhận thỏa hiệp. Vị bá tước được trả tự do.
Nhưng vì vết thương quá trầm trọng, ông qua đời năm 1238.
Hedviga
đau lòng, nhưng vâng ý Chúa, Ngài mặc áo dòng ở Treibnitz, và dù không tuyên bố
lời khấn, Ngài trung thành với các bổn phận, dưới sự điều khiển của con mình là
Gertrude. Làm những việc thấp hèn, phục vụ những người nghèo khổ, Ngài nói với
các nữ tu: - Các chị là hôn thê của Chúa Giêsu, còn tôi chỉ là tôi tớ Người.
Sau
ba năm goá bụa, thánh Hedviga còn chịu một nỗi thống khổ chót, đó là cái chết của
Hênri II... Ông đã ngã gục trong cuộc chiến chống lại người Rartares. Thánh Nữ
Hedviga đã linh cảm thấy trước về cái chết này. Một bản tường thuật ghi lại rằng,
vào một buổi tối hôm khởi chiến, thánh nữ đánh thức một chị bạn và nói: -
Demundis ơi ! chị biết, tôi đã mất con rồi. Đứa con yêu dấu đã xa tôi như con
chim gãy cánh. Tôi sẽ không còn thấy nó trên trần gian này nữa.
Ba
ngày sau, một nguồn tin xác quyết này, thánh Hedviga nói: - Đó là ý Chúa. Điều
Chúa muốn và vui thỏa cũng phải làm cho chúng ta mãn nguyện.
Và
vui mừng trong Chúa, Ngài nói: - Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa đã ban cho con được
những đứa con như vậy. Suốt đời nó thương mến con và không hề làm gì cho con
đau lòng. Con muốn có nó trong đời. Nhưng con hết lòng chúc tụng Chúa về việc đổ
máu của nó, khiến nó được kết hợp với Chúa trên trời là đấng tạo thành nên nó.
Thánh
nữ vẫn tiếp tục theo đuổi con đường thăng tiến. Ngài đã trải qua những buổi cầu
nguyện thâu đêm. Các sử gia còn ghi lại nhiều phép lạ thánh nữ đã thực hiện. Cuối
cùng, Ngài được mạc khải cho biết trước giờ chết của mình.
Dầu
không có gì trầm trọng, Ngài đã xin được lãnh các bí tích sau hết. Khi vừa rước
Mình Thánh Chúa và cầu nguyện được hai tiếng: "Lạy Chúa, Lạy Chúa"
thì Ngài từ trần. Hôm đó là ngày 15 tháng 10 năm 1243, năm 1267, nghĩa là 24
năm sau, Ngài được suy tôn lên bậc hiển thánh .
(daminhvn.net)
26
Tháng Mười
Xin Cho Con Ðược
Thay Ðổi Chính Con
Một triết gia Ấn Ðộ
đã nhìn lại quãng đời đi của mình như sau: Lúc còn trẻ, tôi là một người có đầu
óc cách mạng. Lời cầu nguyện duy nhất mà tôi dâng lên Thượng Ðế là: Lạy Chúa,
xin ban cho con nghị lực để thay đổi thế giới.
Ðến tuổi trung
niên, tôi mới nhận thấy rằng một nửa đời tôi đã qua đi mà tôi chưa thay đổi được
một người nào. Lúc đó, tôi mới cầu nguyện với Thượng Ðế: Lạy Chúa, xin ban cho
con ơn được biến cải tất cả những người con đã gặp gỡ hằng ngày, nhất là gia
đình con, bạn bè con. Và như vậy là đủ cho con mãn nguyện rồi.
Nhưng giờ đây, tóc
đã bạc, răng đã long, ngày tháng còn lại chỉ đếm trên đầu ngón tay, tôi mới nhận
thức rằng tôi đã khờ dại biết chừng nào. Giờ này, tôi chỉ còn biết cầu nguyện
như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con ơn được thay đổi chính con.
Nếu tôi biết cầu
nguyện như thế ngay từ lúc đầu, thì tôi đã không phí phạm quãng đời đã qua.
Người
xưa đã có lý khi dạy chúng ta: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ... Theo
trật tự của cuộc cạch mạng, thì cách mạng bản thân là điều tiên quyết.
Một
nhà cách mạng nào đó đã nói: chỉ cần 10 người như thánh Phanxicô thành Assisi
thì cuộc diện thế giới sẽ thay đổi. Cuộc cách mạng đầu tiên mà bất cứ vị thánh
nào cũng khởi sự đó là cách mạng bản thân.
Chúa
Giêsu đã chuẩn bị 3 năm sống công khai bằng 30 năm âm thầm, 40 đêm ngày ăn chay
cầu nguyện... Và lời kêu gọi đầu tiên của Ngài là: hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.
Ai
trong chúng ta cũng biết câu châm ngôn: Thà thắp lên một ngọn đèn hơn là ngồi
đó mà nguyền rủa bóng tối. Nếu mỗi người, ai cũng đốt lên ngọn đèn của mình, nếu
mỗi người, ai cũng đóng góp phần ít ỏi, nhỏ mọn của mình, thì có lẽ thế giới
này sẽ bớt lạnh lẽo hơn vì lòng ích kỷ... Không ai nghèo đến nỗi không có gì để
cho người khác. Chúng ta hãy bắt đầu bằng món quà nhỏ mọn, có khi vô danh của
chúng ta. Một giọt nước nhỏ là điều không đáng kể trong đại dương, nhưng nếu
không có những giọt nước nhỏ kết tụ lại, thì đại dương kia cũng sẽ chỉ là sa mạc
khô cằn.
(Lẽ
Sống)
Thứ Bẩy 26-10
Chân Phước Contardo Ferrini
(1859-1902)
C
|
ontardo Ferrini là con
của một thầy giáo mà sau này chính ngài cũng trở nên một người có kiến thức,
hiểu biết nhiều thứ tiếng khác nhau. Ngày nay, ngài là quan thầy của các đại
học.
Sinh ở Milan, ngài có
bằng tiến sĩ luật ở Ý và được học bổng để du học ở Bá Linh về luật
Rôma-Byzantine. Là một chuyên gia nổi tiếng về luật, ngài dạy ở vài trường cao
đẳng trước khi dạy ở Ðại Học Pavia, là nơi ngài được coi là một người có thẩm
quyền hiểu biết về luật Rôma.
Contardo cũng học biết
về đức tin mà ngài đã sống và quý trọng. Ngài nói, "Ðời sống chúng ta
phải vươn đến Ðấng Vô Biên, và từ nguồn cội đó chúng ta mới có thể rút ra được
bất cứ những gì được coi là công trạng và phẩm giá." Là một học giả,
ngài nghiên cứu cổ ngữ trong Phúc Âm và Sách Thánh. Những bài giảng và văn từ
của ngài cho thấy sự hiểu biết của ngài về đức tin và khoa học. Ngài tham dự
Thánh Lễ hàng ngày và trở nên một người dòng Ba Phanxicô, trung thành tuân giữ
quy luật. Ngài cũng phục vụ trong tổ chức Bác Ái Vincent de Paul.
Ngài từ trần năm 1902
lúc 43 tuổi với nhiều lá thư của các giáo sư đồng viện đã ca tụng ngài như một
vị thánh; người dân Suma là nơi ngài sinh sống cũng cả quyết rằng ngài phải
được tuyên xưng là một vị thánh.
Ðức Giáo Hoàng Piô XII
đã phong chân phước cho ngài năm 1947.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét