THỨ HAI 21/10/2013
Thứ Hai sau Chúa Nhật
29 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 4, 20-25
"Có lời đã
chép vì chúng ta là những kẻ được kể là tin vào Người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, lòng tin của Abraham vào Thiên Chúa không nao núng, mặc dầu ông
nhìn đến thân xác cằn cỗi của mình, -- vì ông đã gần trăm tuổi, -- và tuổi già
tàn tạ của Sara. Ông đã không cứng lòng hồ nghi lời hứa của Thiên Chúa; trái lại,
ông vững tin mà làm sáng danh Thiên Chúa, ông biết chắc chắn rằng Thiên Chúa có
quyền năng thi hành điều Người đã hứa. Bởi đấy, "việc đó đã được kể cho ông
là sự công chính".
Và
khi chép rằng "Ðã được kể cho ông", thì không phải chỉ chép vì ông mà
thôi, mà vì chúng ta nữa, là những kẻ tin vào Ðấng đã cho Ðức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, từ cõi chết sống lại, Người đã bị nộp vì tội lỗi chúng ta, và đã sống
lại để chúng ta được công chính hoá.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Lc 1, 69-70. 71-72.
73-75
Ðáp: Chúc tụng Chúa là
Thiên Chúa của Israel, vì Chúa đã viếng thăm và cứu chuộc dân Người (c. 68).
Xướng: 1) Chúa đã gầy dựng
cho chúng tôi một uy quyền cứu độ, trong nhà Ðavít là tôi tớ Chúa. Như Người đã
phán qua miệng các thánh nhân từ ngàn xưa, là tiên tri của Chúa. - Ðáp.
2)
Ðể giải phóng chúng tôi khỏi quân thù, và khỏi tay những người ghen ghét chúng
tôi. Ðể tỏ lòng từ bi với tổ tiên chúng tôi, và nhớ lại lời thánh ước của Người.
- Ðáp.
3)
Lời minh ước mà Người tuyên thệ với Abraham tổ phụ chúng tôi, rằng Người cho
chúng tôi được không sợ hãi, sau khi thoát khỏi tay quân thù. Phục vụ Người
trong thánh thiện và công chính, trước tôn nhan Người, trọn đời sống chúng tôi.
- Ðáp.
Alleluia: Tv 129, 5
Alleluia,
alleluia! - Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Chúa.
- Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 13-21
"Những của
ngươi tích trữ sẽ để lại cho ai?"
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có người trong đám đông thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, xin Thầy
bảo anh tôi chia gia tài cho tôi". Người bảo kẻ ấy rằng: "Hỡi người
kia, ai đã đặt Ta làm quan xét, hoặc làm người chia gia tài cho các
ngươi?" Rồi người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy coi chừng, giữ mình
tránh mọi thứ tham lam: vì chẳng phải sung túc mà đời sống được của cải bảo đảm
cho đâu".
Người
lại nói với họ thí dụ này rằng: "Một người phú hộ kia có ruộng đất sinh
nhiều hoa lợi, nên suy tính trong lòng rằng: "Tôi sẽ làm gì đây, vì tôi
còn chỗ đâu mà tích trữ hoa lợi?" Ðoạn người ấy nói: "Tôi sẽ làm thế
này, là phá các kho lẫm của tôi, mà xây những cái lớn hơn, rồi chất tất cả lúa
thóc và của cải tôi vào đó, và tôi sẽ bảo linh hồn tôi rằng: "Hỡi linh hồn,
ngươi có nhiều của cải dự trữ cho nhiều năm: ngươi hãy nghỉ ngơi, ăn uống vui
chơi đi!" Nhưng Thiên Chúa bảo nó rằng: "Hỡi kẻ ngu dại, đêm nay người
ta sẽ đòi linh hồn ngươi, thế thì những của ngươi tích trữ sẽ để lại cho
ai?" Vì kẻ tích trữ của cải cho mình, mà không làm giàu trước mặt Chúa,
thì cũng vậy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Ðiều Chỉnh
Hướng Ði
Văn
hào Nga Léon Tolstoi có kể một truyện ngụ ngôn như sau: Ngày kia, một người phú
hộ gọi người đầy tớ trung thành nhất đến và nói:
Tôi
muốn thưởng lòng trung thành của anh; ngày mai, từ lúc mặt trời mọc, anh hãy ra
đi, và tính cho đến lúc mặt trời lặn, bao nhiêu dặm anh đi được là bấy nhiêu dặm
đất thuộc về anh.
Con
người khốn khổ bao năm sống nhờ ông chủ giầu có tưởng mình đang mơ. Tối đó anh
không sao chợp mắt được, chỉ mong trời mau sáng để lên đường. Khi ánh dương vừa
ló rạng, anh đã hăm hở ra đi. Anh cố gắng đi thật nhanh, nhưng vẫn không thỏa
mãn với tốc độ đi, thế là anh liền chạy. Càng nhìn lại quãng đường đã qua, anh
càng chạy nhanh hơn, vừa chạy vừa mơ: rồi đây anh sẽ có nhiều đất đai, sẽ giầu
có hơn người, sẽ không còn phải sống cảnh đầy tớ nữa; càng mơ, anh càng chạy.
Giữa trưa nắng, anh cũng không màng đến chuyện ăn và nghỉ ngơi lấy sức, anh
không muốn mất một tấc đất nào. Chiều đến, khi những tia nắng tắt, anh dừng lại
và reo lên: "Ðây là đất của ta, ta sẽ có tất cả cho ta, cho gia đình, cho
tương lai". Thế nhưng, chính lúc thốt lên câu đó, anh thấy mắt mình hoa
lên, tay chân không cử động và tim cũng ngừng đập. Ngày hôm sau, người ta chôn
cất con người khốn khổ ấy trong hai thước đất, khoảng đất vừa đủ cho một con
người.
Nỗi
khốn khổ của người đầy tớ trên đây chính là sự khờ khạo của anh; anh khờ khạo đến
độ không nhận ra cái bẫy người giầu giăng ra, cũng như không đo lường được sức
mình.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cũng gọi những kẻ giầu có là ngu dại. Cái ngu
dại của người phú hộ trong dụ ngôn là không thể nhìn xa hơn cái kho lẫm mà ông
tự xây cất để giam hãm mình vào; cái ngu dại của ông là không biết mình có đem
theo được của cải nào sau khi chết hay không?
Kẻ
ngu dại nói chung là kẻ sống mà không biết mình đang đi về đâu, không biết đâu
là ý nghĩa và hướng đi của cuộc đời. Kẻ ngu dại là kẻ lấy phương tiện cuộc sống
làm cùng đích đời người; họ chạy theo quyền lợi, danh vọng, tiền bạc, họ chối bỏ
tiếng lương tâm để làm điều phi pháp; họ chà đạp người khác để đạt danh vọng,
quyền bính.
Cuộc
sống hiện tại có thể là một cạm bẫy. Những giành giựt mưu sinh có thể biến
chúng ta thành kẻ ngu dại, chỉ nhìn thấy chén cơm manh áo mà quên đi ý nghĩa và
cùng đích của cuộc sống. "Cái khó không những bó cái khôn", mà còn
trói buộc lòng quảng đại của chúng ta.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta điều chỉnh hướng đi. Hướng đi của những người có
niềm tin phải là hướng đi về những giá trị của Tin Mừng và cùng đích của cuộc đời.
Giữa chợ đời tranh chấp bon chen, người có niềm tin sẽ bị xem là kẻ mát mát, khờ
dại, nhưng điều người đời cho là khờ dại chính là lẽ khôn ngoan, là luận lý của
Thiên Chúa.
Dù
phải lội ngược dòng để trung thành với những giá trị Nước Trời, chúng ta cũng
hãy can đảm tiến bước và tín thác vào Chúa.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 29 TN,
Năm lẻ
Bài đọc: Rom
4:20-25; Lk 12:13-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin tưởng nơi quyền
năng Thiên Chúa hay nơi sức mình?
Đối
với nhiều người thời nay, câu trả lời sẽ là nơi mình; vì ngoài mình ra, chẳng
có ai lo cho mình cả. Đối với các tín hữu, Thiên Chúa muốn họ đặt trọn vẹn niềm
tin nơi Ngài; vì Ngài nắm giữ mạng sống và quan phòng mọi sự trong cuộc đời của
họ.
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong đòi hỏi con người phải hoàn toàn tin tưởng nơi
Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tổ-phụ Abraham đặt trọn vẹn tin tưởng vào Lời Chúa
hứa là sẽ ban cho ông một giòng dõi đông như sao trên trời và như cát dưới bể;
mặc dù chỉ có vỏn vẹn một con là Isaac trong lúc tuổi già. Đối với người đời,
đó là một lời chọc ghẹo; nhưng đối với tổ-phụ Abraham, ông tin nếu Thiên Chúa
đã hứa, Ngài sẽ có cách để hoàn thành. Thực tế đã chứng minh niềm tin của
Abraham vào Thiên Chúa; ngay lúc này đây, ba tôn giáo lớn với số tín hữu hơn một
nửa dân số của địa cầu tuyên nhận Abraham là tổ phụ của họ: Do-thái giáo, Kitô
giáo, và Hồi-giáo. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo những người chỉ biết cậy
dựa vào sức mình, mà không cần tin tưởng nơi Thiên Chúa: "Đồ ngốc! Nội đêm
nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay
ai?"
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Điều gì Thiên Chúa đã hứa, Người cũng có đủ quyền năng thực hiện.
1.1/
Đức tin của tổ phụ Abraham: ''Ông đã chẳng mất niềm tin, chẳng chút nghi ngờ lời Thiên Chúa
hứa; trái lại, nhờ niềm tin, ông đã nên vững mạnh và tôn vinh Thiên Chúa.''
Thiên
Chúa hứa hai điều với tổ-phụ Abraham: sẽ ban cho ông Đất Hứa và một giòng dõi
đông như sao trên trời và như cát ngoài biển. Lời hứa ban Đất Hứa được thực hiện
khi Joshua dẫn dân Do-thái vào đất Canaan; tuy nhiên, đây chỉ là hình bóng của
Đất Hứa thực sự là Thiên Đàng đời sau. Lời hứa ban một giòng dõi đông đúc là điều
phải làm cho Abraham trăn trở: Làm sao có thể trở thành tổ phụ một giòng dõi
đông đúc như thế, khi ông một trăm tuổi mới có người con đầu lòng là Isaac? Tuy
nhiên, "vì ông hoàn toàn xác tín rằng: điều gì Thiên Chúa đã hứa thì Người
cũng có đủ quyền năng thực hiện." Abraham được kể là người công chính không
phải do những việc ông làm; nhưng là niềm tin tưởng ông đặt hoàn toàn nơi Thiên
Chúa.
1.2/
Đức tin của chúng ta: Thánh
Phaolô suy diễn thêm về Lời Hứa này như sau: ''Nhưng khi viết ông được kể là
người công chính, thì không phải chỉ nói về ông, mà còn nói về cả chúng ta nữa:
chúng ta sẽ được kể là công chính, vì tin vào Đấng đã làm cho Đức Giêsu, Chúa
chúng ta, sống lại từ cõi chết; Đức Giêsu chính là Đấng đã bị trao nộp vì tội lỗi
chúng ta và đã được Thiên Chúa làm cho sống lại để chúng ta được nên công
chính.''
Khi
chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta trở nên con cháu của tổ-phụ Abraham, vì Đức
Kitô được sinh ra trong giòng dõi của tổ-phụ Abraham. Nói cách khác, một người
trở nên con cháu của tổ phụ Abraham nhờ niềm tin vào Đức Kitô; chứ không do
liên hệ ruột thịt. Khi chúng ta tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng tin vào Thiên
Chúa là Người đã sai Đức Kitô đến để hoàn thành Lời Hứa. Chính do bởi niềm tin
vào Đức Kitô, chúng ta được trở nên công chính, và được thừa hưởng Đất Hứa mà
Thiên Chúa đã hứa với tổ-phụ Abraham.
2/
Phúc Âm: Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam.
2.1/
Tranh chấp giữa anh em vì gia tài: Có người trong đám đông nói với Đức Giêsu rằng:
"Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi." Người
đáp: "Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho
các anh?" Và Người nói với họ: "Anh em phải coi chừng, phải giữ mình
khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm
nhờ của cải đâu." Hai nguyên lý con người cần học hỏi để biết cách xử dụng
của cải vật chất:
(1)
Của cải Thiên Chúa ban là cho mọi người cùng hưởng: Của cải đã có sẵn
trong trần gian khi con người bắt đầu xuất hiện. Con người không mang theo được
gì vào thế giới, và cũng không mang ra được gì khi từ giã cuộc đời. Vì thế, đừng
ai cậy sức để vơ vét và tich trữ của cải để làm của riêng; nhưng phải biết chia
sẻ cho mọi người cùng hưởng. Một người có thể làm nhiều hơn hay cố gắng hơn;
nhưng chẳng có ai tài đến nỗi tập trung trong tay của cải có thể nuôi hàng triệu
người. Lý do xảy ra tranh chấp vì tính tham lam của con người, muốn cất giữ làm
của riêng để tiêu xài phung phí hay để dành đến mãn đời cho con cháu.
(2)
Phải đặt tình nghĩa lên trên của cải vật chất: Ai cũng biết điều này, nhưng
khi phải áp dụng trong cuộc sống; rất ít người sống như thế. Trong xã hội hiện
nay, chúng ta thấy muôn vàn trường hợp cha mẹ, vợ chồng, anh chị em, họ hàng
tranh chấp nhau vì gia tài. Hậu quả của việc đặt tiền bạc lên trên tình nghĩa
là kiện cáo, chia rẽ, và gia đình ly tán.
2.2/
Khôn ngoan của con người và uy quyền của Thiên Chúa
(1)
Khôn ngoan của con người:
Sau đó Chúa Giêsu đưa ra một dụ ngôn cho mọi người phải suy nghĩ: "Có một
nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: "Mình
phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu!'' Rồi ông ta tự bảo:
"Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi
tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta
hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống
vui chơi cho đã!''
Biết
bao nhiêu con người ngày nay có thái độ giống như nhà phú hộ này; một số các
hình thức dẫn chứng lòng tham vô đáy của con người như thị trường chứng khoán,
nhà cửa đất đai, vàng bạc... Biết bao người đã phải táng gia bại sản vì lòng
tham vô đáy này. Con người cứ việc ngông cuồng tích trữ; đến khi Thiên Chúa muốn
lấy ra cho người khác, con người không thể cản lại.
(2)
Mạng sống con người nằm trong tay Thiên Chúa: Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta:
"Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi
sắm sẵn đó sẽ về tay ai?
Ấy
kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa,
thì số phận cũng như thế đó."
Con
người biết mình không có quyền trên mạng sống dù chỉ một khoảnh khắc ngắn ngủi.
Khi đến giờ đã định, con người phải từ giã cuộc trần. Nếu biết thế, tại sao phải
lo lắng vất vả tích trữ của cải? Họ biết mình không mang theo được; con cháu
chưa chắc đã cần, và nếu cần chưa chắc đã tốt cho chúng, ví dụ: sự phân chia
gia tài trên; lại còn biết bao thiệt hại về đàng tinh thần, trí tuệ, hao mòn
thân xác... Người khôn ngoan là người biết sống theo đường lối Thiên Chúa, dùng
của cải chỉ như phương tiện để đạt được đích điểm là cuộc sống đời đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta sống nhờ niềm tin vào Thiên Chúa. Hãy tin tưởng nơi Ngài trong bất cứ
trạng huống nào của cuộc đời, vì không có gì là không thể đối với Thiên Chúa.
-
Máu tham lam đưa con người tới tranh chấp và bất hòa, chúng ta cần diệt trừ mọi
thứ tham lam trong con người như uy quyền, danh vọng, và của cải vật chất.
-
Hãy biết dùng tất cả những gì Thiên Chúa ban để mưu cầu ơn cứu độ cho chúng ta
và cho mọi người. Chạy theo tất cả những điều khác là rơi vào bẫy của ma quỉ.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN
29TN
Lc 12,13-21
A. Hạt giống...
1. Vấn đề của đoạn Tin Mừng này được gợi lên từ
việc anh em tranh dành gia tài.
2. Dụ ngôn nói tới một người phú hộ đã lo tích
trữ được rất nhiều của cải và cho rằng từ nay cuộc đời mình sẽ được bảo đảm.
3. Nhận định của Chúa Giêsu về người phú hộ đó :
hắn là đồ ngốc vì đã lấy của cải vốn không bền để mà bảo đảm cho cuộc đời mình.
Người khôn phải dùng của cải không bền ở đời này mà làm phúc để mua lấy của cải
bền vững đời sau. Đó mới là bảo đảm chắc chắn thật sự cho cuộc đời.
B.... nẩy mầm.
1. Gc 4,13--5,6 : Thánh Giacôbê đã hiểu đoạn Tin
Mừng này như thế nào ?
2. Con người có khuynh hướng tạo an toàn cho
mình, bằng tiền bạc, bằng bảo hiểm, bằng dự trữ v.v. Nhưng tất cả những thứ mà
con người tưởng là an toàn ấy có thể sụp đổ tan tành trong một sớm một chiều.
Như thế sự an toàn của con người không nằm trong tầm tay của con người. Nó nằm
trong bàn tay của Chúa. Do đó an toàn nhất là “làm giàu trước mặt Thiên Chúa”
(câu 21).
3. Có hai cách xài tiền đưa đến hai kết quả khác
nhau : a/ Xài một cách ích kỷ cho riêng mình ; kết quả : không bảo đảm cho sự
sống đời đời ; b/ Dùng tiền để “làm giàu trước mặt Chúa” : kết quả là sự sống
đời đời được bảo đảm.
4. Tiền :
Người công nhân đồ mồ hôi để có được nó
Kẻ hoang phí thì đốt nó
Chủ ngân hàng đem nó cho vay
Đàn bà xài nó
Kẻ lưu manh làm giả nó
Nhân viên thuế vụ lấy nó
Người hấp hối lìa bỏ nó
Kẻ thừa kế tiếp thu nó
Người tiết kiệm để dành nó
Người keo kiệt thèm khát nó
Kẻ ăn trộm chộp lấy nó
Người giàu gia tăng nó
Người cờ bạc bị mất nó
Phần tôi thì dùng nó (Quote)
5. Một ông già nghèo ngồi bên cửa sổ lo lắng cho
tương lai. Một người lạ mặt ôm một con ngỗng đến tặng ông già và nói : “Ông hãy
chăm sóc con ngỗng này chu đáo thì nó sẽ giúp ích cho ông”. Rồi người đó đi
mất. Ông già nghèo đem con ngỗng vào nhà, cho nó ăn, cho nó uống, ban đêm cho nó
ngủ trong một cái lồng sạch sẽ. Sáng hôm sau khi nhín vào chiếc lồng ông vui
mừng thấy một quả trứng ngỗng bằng vàng. Ông mang quả trứng ra tiệm bán được
một số tiền lớn, mua được đủ mọi thứ cần thiết cho cuộc sống. Hôm sau ông được
thêm một trứng ngỗng vàng nữa. Hôm sau nữa cũng vậy. Cứ thế mỗi ngày ông nhặt
được một quả trứng vàng. Từ đó ông không còn nghèo nữa, ông sống rất thoải mái.
Nhưng dần dần ông trở thành tham lam. Ông không chịu mỗi ngày chỉ có một trứng,
ông không thể chờ cho tới hết tuần mới có được 7 trứng. Ông muốn có ngay một
lúc tất cả những trứng vàng của con ngỗng. Thế là ông mổ bụng con ngỗng ra.
Nhưng ông chẳng thấy quả trứng nào trong đó cả. Ông vội may bụng ngỗng lại mong
nó đừng chết. Nhưng vô ích. Khi đó người lạ mặt kia trở lại, và nói : “Trước
đây tôi đã chẳng bảo với ông rằng nếu ông chăm sóc con ngỗng tử tế thì nó sẽ
giúp ích cho ông sao ? Bây giờ cả ông lẫn tôi đều đã mất tất cả” (Aesop).
6. Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều
hoa lợi mới nghĩ bụng rằng : “Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã !”
Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta : “Đồ ngốc ! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng
ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai ?” (Lc 12,16.19-20)
Trong mớ giấy tờ còn lại của một viên sĩ quan
chết ở thế chiến thứ nhất, người ta đã thu nhặt được lời kinh này :
“Lạy Chúa Giêsu, ngay từ bây giờ con chấp nhận
cái chết từ bàn tay Chúa... Con ước ao chết đi để hoàn toàn bị tước đoạt tự do
và nhờ thế trở nên trọn vẹn là của Ngài... Con ước ao chết đi bởi vì con phó
thác vào tình Chúa vô bờ bến. Nhưng lạy Chúa Giêsu, con là của Ngài, con
sẵn sàng làm việc cho Ngài lâu hơn nếu Chúa cho con sức mạnh. Con không muốn
chết để chạy chốn đau khổ... Lạy Chúa, xin làm cho con điều Ngài muốn, bây giờ
và cho đến muôn đời. Amen”
Tôi thật cảm động và khó quên trước cái chết của
những người đang sống đẹp, sống tốt. Và tôi thật khâm phục trước cái chết của
những người sẵn sàng với giờ chết, vì thấy mình đã sống trọn vẹn cho đời.
Giêsu ơi, như ngài đã dạy chúng con, chết không
phải là hết, nhưng chỉ là đường dẫn đến cuộc sống vĩnh cửu. Xin giúp con biết
sống trọn vẹn ở đời này. để con khỏi ngỡ ngàng trước phúc Thiên Đàng Chúa đang
chờ con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
21/10/13 THỨ HAI TUẦN 29 TN
Lc 12,13-21
Lc 12,13-21
LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT CHÚA
“Kẻ nào thu tích của cải cho
mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.” (Lc 12,21)
Suy niệm: “Làm từ thiện” là cụm từ được nói đến khá
nhiều trong bối cảnh đất nước còn nghèo, lại lắm thiên tai như Việt Nam chúng
ta! Làm từ thiện là cách “làm giàu trước mặt Thiên Chúa.” Nhưng cũng không
thiếu kẻ lợi dụng việc từ thiện để thu tích của cải cho mình. Đây là việc làm
đáng buồn nếu khong nói là đáng nguyền rủa! Làm như thế chẳng những không làm
giàu trước mặt Thiên Chúa mà làm cho xã hội, tình người nghèo đi. Một khi tính
chất từ thiện bị lạm dụng để trục lợi thì mọi sự sẽ trở thành ác mộng cho những
người muốn đóng góp lẫn người nhận lãnh. Sử dụng của cải mình làm ra cách hợp
tình hợp lý cũng là một cách nữa để “làm giàu trước mặt Thiên Chúa.”
Mời Bạn: Dù
giàu hay nghèo, mỗi người chúng ta đều có cơ hội làm giàu trước mặt Thiên Chúa,
đó là giúp đỡ người anh em túng thiếu, chia sẻ vật chất cho nhau; khong dùng
thế lực để ăn chặn, ép buộc kẻ khác nộp của cải cho mình; không cậy tiền cậy
bạc để ăn chơi phung phí, ném tiền qua cửa sổ để lòe thiên hạ... Mỗi ngày có
biết bao nhiêu cơ hội để ta đầu tư, làm giàu như Chúa dạy bảo!
Sống Lời Chúa: Tôi
xác tính chân lý “khi cho đi cũng chính là lúc nhận lãnh nhiều hơn” là động
lực, phương thế giúp tôi thể hiện tinh thần Tin Mừng của ngày hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa không tính toán
được-thua, lời-lỗ khi thi ân cho chúng con. Xin cho chúng con cũng biết học nơi
Chúa bài học ấy để chúng con trở nên giàu có trước mặt Chúa. Amen.
Những
kho lớn hơn
Người giàu đáng yêu trước mặt Thiên Chúa là người
biết mở kho để trao đi và thấy Thiên Chúa liên tục làm cho kho mình đầy lại.
Suy niệm:
Cái kho là quan trọng.
Kho bạc quan trọng đối
với một đất nước.
Kho lẫm cần cho người làm
nghề nông.
Mỗi gia đình, mỗi công ty
thường có kho riêng.
Có thể là một tủ sắt để
trong nhà hay ở ngân hàng.
Mọi lợi nhuận đều thu vào
kho.
Ai cũng muốn cho kho của
mình bành trướng.
Sau một vụ mùa bội thu,
mối bận tâm lớn nhất của
ông phú hộ trong dụ ngôn
là tìm cho ra chỗ để tích
trữ hoa màu của mình,
vì những kho cũ không đủ
sức chứa nữa.
Cuối cùng ông đã tìm ra
giải pháp này:
phá những kho cũ, làm
những kho mới lớn hơn,
rồi bỏ tất cả hoa màu,
của cải vào đó,
khóa lại cho thật kỹ, đề
phòng kẻ trộm.
Khi nhà kho đã an toàn
thì tương lai của ông
vững vàng ổn định.
Nhiều của cải cho phép ông sống thoải mái trong nhiều năm.
Những cái kho lớn cho ông
tha hồ vui chơi, ăn uống.
Ông thấy mình chẳng cần
đến Chúa, chẳng cần đến ai.
Của cải trong kho bảo đảm
cho ông sống hạnh phúc.
Những cái kho là nơi ông
đặt lòng mình (x. Lc 12,34).
Xin đừng ai xâm phạm vào
chỗ thiêng liêng ấy.
Kho là nơi của cải đổ
vào, sinh sôi nẩy nở.
Kho không phải là chỗ
chia sẻ cho người khác.
Ông phú hộ sống cô độc,
khép kín như cánh cửa kho.
Ông sống với cái kho,
sống nhờ cái kho.
Ông tưởng mình đã tính
toán khôn ngoan,
nhưng ông không ngờ cái
chết đến lúc đêm khuya,
hay có thể có biết bao
rủi ro khác xảy đến.
Ông chợt nhận ra mình
phải bỏ lại tất cả.
Cái kho không níu được
ông, cũng không vững như ông nghĩ.
Những gì ông thu tích như
giọt nước lọt qua kẽ tay.
Ai trong chúng ta cũng có
một hay nhiều kho.
Có thể chúng ta ôm mộng
làm giàu hay đang giàu lên,
chúng ta định nới kho cũ
hay xây kho mới.
Chúng ta chăm chút cái
kho cho con cháu mai này.
Thật ra của cải không
xấu, xây kho cũng không xấu.
“Nhưng phải giữ mình khỏi
mọi thứ tham lam” (12,15).
Phải mở rộng những cánh
cửa kho của mình,
để kho không phải chỉ là
nơi tích trữ cho tôi,
nhưng là phương tiện để
tôi giúp đỡ tha nhân.
Ðừng để nhà kho, két sắt,
ví tiền thành mục đích.
Người giàu đáng yêu trước
mặt Thiên Chúa
là người biết mở kho để
trao đi
và thấy Thiên Chúa liên
tục làm cho kho mình đầy lại.
Làm thế nào để khi ra
trước toà Chúa,
chúng ta thấy kho của
mình trống trơn
vì vừa mới cho đi tất cả.
Cầu nguyện:
Lạy Cha, xin cho con ý
thức rằng
tấm bánh để dành của con
thuộc về người đói,
chiếc áo nằm trong tủ
thuộc về người trần trụi,
tiền bạc con cất giấu
thuộc về người thiếu thốn.
Lạy Cha, có bao điều con
giữ mà chẳng dùng,
có bao điều con lãng phí
bên cạnh những Ladarô
túng quẫn,
có bao điều con hưởng lợi
dựa trên nỗi đau của
người khác,
có bao điều con định mua
sắm dù chẳng có nhu cầu.
Con hiểu rằng nguồn gốc
sự bất công chẳng ở đâu xa.
Nó nằm ngay nơi sự khép
kín của lòng con.
Con phải chịu trách nhiệm
về cảnh người nghèo trong xã hội.
Lạy Cha chí nhân,
vũ trụ, trái đất và tất
cả tài nguyên của nó
là quà tặng Cha cho mọi
người có quyền hưởng.
Cha để cho có sự chênh
lệch, thiếu hụt,
vì Cha muốn chúng con san
sẻ cho nhau.
Thế giới còn nhiều người
đói nghèo
là vì chúng con giữ quá
điều cần giữ.
Xin dạy chúng con biết
cách đầu tư làm giàu,
nhờ sống chia sẻ yêu
thương. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Trong lúc Đức Giêsu
đang giảng dạy, có một người lên tiếng xin người xử việc hai anh em tranh nhau
gia tài. Đức Giêsu không xử việc đó vì nó không thuộc sứ mạng của người. Nhân
dịp này Chúa Giêsu dạy cho dân đừng quá ham mê của cải vật chất đời này vì của
cải lôi cuốn con người, khiến con người sinh ra bất công, ích kỷ; đồng thời của
cải không phải là nguồn mạch sự sống. Để dân chúng dễ hiểu giáo huấn về của
cải, Chúa Giêsu đã đưa ra dụ ngôn người phú hộ giàu có. Đây là một lời cảnh
giác những ai chỉ biết lo làm giàu của cải trần thế, mà không lo làm giàu trước
mặt Thiên Chúa bằng của cải thiêng liêng.
Giàu có, của cải
vật chất là hồng phúc Thiên Chúa trao ban. Thiên Chúa không cấm chúng ta làm
giàu, vì của cải vật chất cần thiết cho đời sống chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta
nên biết rằng mục đích làm ra của cải vật chất là để phục vụ con người. Nhưng
nếu không biết tận dụng cách đúng đắng, của cải sẽ trở thành mối họa cho linh
hồn ta như người phú hộ giàu có trong dụ ngôn trên.
Chính lời Chúa nhắc
nhở chúng ta phải sử dụng của cải cách thích đáng, nhằm làm giàu cho sự sống
đời sau, nghĩa là để mưu ích cho phần rỗi đời đời. Một cách cụ thể, chúng ta
hãy biết chia sẻ của cải với người nghèo khó, hãy kiềm hãm những khoái lạc trần
thế, hãy khước từ những lôi cuốn và thỏa mãn hưởng thụ bất chính do của cải
mang lại.
Lạy Chúa, chúng
con biết rằng của cải vật chất là hồng ân Chúa ban để phục vụ cho đời sống
chúng con. Xin Chúa cho chúng con luôn ý thức rằng của cải vật chất chỉ là
phương tiện. Ước gì trong bất kỳ hoàn cảnh nào chúng con luôn biết sử dụng của
cải trần thế nhầm mưu ích cho phần rỗi linh hồn. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21
THÁNG MƯỜI
Nhu Cầu Tiếp Nhận
Nguời Tị Nạn
Các
quốc gia trên thế giới cần phải hợp tác với nhau để đáp ứng nguyện vọng về chỗ
định cư cho những người muốn tìm đất sống mới. Chỉ có sự hợp tác trên qui mô lớn
giữa các chính phủ mới có thể có được giải pháp thỏa đáng cho vấn đề vốn dai dẳng
và nghiêm trọng này. Trong Thông Điệp Pacem in terris, Đức Gioan XXIII đã đề cập
đến tình trạng của những người bị trục xuất khỏi quê hương mình vì những lý do
chính trị (PT 103–108). Ngài nhấn mạnh: “Những người tị nạn ấy là những nhân vị,
và tất cả những quyền lợi của họ trong tư cách là những nhân vị cần phải được
tôn trọng. Người tị nạn không thể mất các quyền căn bản của mình, cho dù họ bị
tước đoạt quyền công dân tại xứ sở của họ”. (PT 105)
Với
những lời khẳng quyết mạnh mẽ này, Đức Gioan XXIII đã đưa ra những lý do căn bản
tại sao chúng ta – những Kitôhữu – phải quan tâm đến các anh chị em tị nạn. Họ
đến với chúng ta từ những hoàn cảnh đau khổ và bị ngược đãi. Bổn phận của chúng
ta là phải bảo vệ những quyền lợi cốt thiết của họ, những quyền căn bản của mọi
con người, những quyền không thể bị chế định bởi các yếu tố của tự nhiên hay bởi
những hoàn cảnh chính trị xã hội.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
21-10
Rm
4,20-25; Lc 12,13-21
LỜI SUY NIỆM: Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn nhà phú hộ ... và Ngài kết
luận: “Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt
Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó” (Lc 12,21).
Thiên Chúa tạo dựng mọi sự
là để cho tất cả mọi người hưởng dùng quản
lý và làm cho nó phát triển để phục vụ con người; chứ không phải là của riêng một
ai. Nếu trong cuộc sống chỉ lo tích trữ cho riêng mình, mà không nghĩ đến người
lân cận, đặc biệt đối với người nghèo. Là người Kitô hữu chúng ta đều biết:
Thiên Chúa chúc phúc cho những ai giúp đỡ người nghèo, và kết án những ai quay
lưng lại với họ. Ước gì mỗi người trong chúng ta được Thiên Chúa chúc phúc.
Mạnh Phương
21 Tháng Mười
Hai Cha Con Và Con Lừa
Một trong những câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ thường kể cho con
cái nghe nhất đó là câu chuyện: "Hai cha con và con lừa". Có hai cha
con dắt con lừa ra chợ bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người
đi đường thấy thế bèn nói: "Cha gì mà không biết thương con! Ngồi trễm trệ
trên lưng lừa, trong khi con phải đi bộ!". Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống
khỏi lưng lừa và nhường cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại
nghe người hai bên đường chỉ trích: "Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên
lưng lừa, trong khi cha lại đi cuốc bộ". Nghe như vậy, hai cha con mới bảo
nhau: "Chỉ còn một cách để cho thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa".
Thế là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng,
họ lại bắt đầu nghe một lời phê bình khác: "Thật là đồ vô nhân đạo! Làm
sao con lừa chịu đựng cả một sức nặng như thế".
Nghe thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì
cũng có người phê bình: "Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi
bộ". Hai cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến
chợ.
Ðôi khi chúng ta cũng bị ảnh
hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ nhiên chúng ta cần phải
biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có thiện chí muốn giúp đỡ
chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị "rung động" bởi những
lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.
Trong Giáo Hội cũng có những
người mắc phải chứng bệnh thích chỉ trích phê bình người khác. Họ quên rằng
mình cũng chỉ là những con người đầy khiếm khuyết. Họ là những gai nhọn hoặc dấm
chua trong Giáo Hội. Sự hiện diện của họ thường gây sứt mẻ hơn là góp phần xây
dựng Giáo Hội trong tình yêu thương và hiệp nhất.
(Lẽ Sống)
Thứ Hai 21-10
Chân Phước Josephine Leroux
(c. 1794)
J
|
osephine là một nữ tu
dòng Thánh Clara Khó Nghèo ở Valenciennes, nước Pháp, vào thời Cách Mạng Pháp
bắt đầu. Ngài buộc phải trở về gia đình khi nhà dòng được lệnh giải tán. Trong
thời gian đàn áp các cộng đồng tôn giáo, quân đội Áo chiếm được thành phố này.
Vì tu viện bị phá hủy, nên ngài phải gia nhập cộng đoàn của các nữ tu
Ursulines. Khi lực lượng cách mạng tái chiếm thành phố này, Josephine bị bắt về
tội phản quốc.
Khi đối chất với những
người lính đến bắt, ngài thật điềm tĩnh nói: "Ðể bắt một phụ nữ yếu
đuối như tôi thì đâu cần phải mất nhiều công sức như vậy." Và ngài thản
nhiên lấy nước, bánh trái mời họ ăn, sau đó theo họ đến nhà tù.
Quân cách mạng kết án tử
hình ngài vì cho rằng ngài đã phạm luật khi vẫn tiếp tục đời sống tu trì dù có
lệnh cấm. Sau khi được rước Mình Thánh, ngài đi theo tên lý hình trong khi
miệng hát bài thánh ca. Ngài cất tiếng tha lỗi mọi người và hôn tay tên lý
hình. Ngài được tử đạo ngày 23-10-1794.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét