Trang

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2013

30-10-2013 : THỨ TƯ TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ TƯ 30/10/2013
Thứ Tư sau Chúa Nhật 30 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 26-30
"Những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, có Thánh Thần nâng đỡ sự yếu hèn của chúng ta. Vì chúng ta không biết cầu nguyện như thế nào cho xứng hợp. Nhưng chính Thánh Thần cầu xin cho chúng ta bằng những tiếng than khôn tả. Mà Ðấng thấu suốt tâm hồn, thì biết điều Thánh Thần ước muốn. Bởi vì Thánh Thần cầu xin cho các thánh theo ý Thiên Chúa.
Nhưng chúng ta biết rằng những kẻ yêu mến Thiên Chúa, thì Người giúp họ được sự lành, họ là những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh. Vì chưng, những kẻ Chúa đã biết trước, thì Người đã tiền định cho họ nên hình ảnh giống Con Người, để Ngài trở nên trưởng tử giữa đoàn anh em đông đúc. Những ai Người đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; mà những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho họ được vinh quang.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 12, 4-5. 6
Ðáp: Lạy Chúa, con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa (c. 6a).
Xướng: 1) Xin đoái xem, nhậm lời con, lạy Chúa, lạy Thiên Chúa. Xin soi sáng mắt con, kẻo con thiếp ngủ trong tay tử thần, đừng để tên thù con nói được: "Ta đã thắng nó". Xin chớ để kẻ thù con hân hoan vì con quỵ ngã. - Ðáp.
2) Bởi con đã tin cậy vào đức từ bi của Chúa. Xin cho lòng con hân hoan vì ơn Ngài cứu độ, con sẽ hát mừng Chúa, vì Ngài ban ân huệ cho con. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 135
Alleluia, alleluia! - Xin tỏ cho tôi tớ Chúa thấy long nhan hiền hậu, và dạy bảo con những thánh chỉ của Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 22-30
"Người ta sẽ từ đông sang tây đến dự tiệc trong nước Chúa".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu rảo qua các đô thị và làng mạc, vừa giảng dạy vừa đi về Giêrusalem. Có kẻ hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, phải chăng chỉ có một số ít sẽ được cứu độ?" Nhưng Người phán cùng họ rằng: "Các ngươi hãy cố gắng vào qua cửa hẹp, vì Ta bảo các ngươi biết: nhiều người sẽ tìm vào mà không vào được. Khi chủ nhà đã vào đóng cửa lại, thì lúc đó các ngươi đứng ngoài mới gõ cửa mà rằng: "Thưa ngài, xin mở cửa cho chúng tôi". Chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu tới". Bấy giờ các ngươi mới nói rằng: "Chúng tôi đã ăn uống trước mặt Ngài và Ngài đã giảng dạy giữa các công trường của chúng tôi". Nhưng chủ sẽ trả lời các ngươi rằng: "Ta không biết các ngươi từ đâu mà tới, hỡi những kẻ làm điều gian ác, hãy lui ra khỏi mặt ta".
Khi các ngươi sẽ thấy Abraham, Isaac, Giacóp và tất cả các tiên tri ở trong nước Thiên Chúa, còn các ngươi bị loại ra ngoài, nơi đó các ngươi sẽ khóc lóc nghiến răng. Và người ta sẽ từ đông chí tây, từ bắc chí nam đến dự tiệc trong nước Thiên Chúa. Phải, có những người sau hết sẽ trở nên trước hết, và những người trước hết sẽ nên sau hết".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Hãy Vào Qua Cửa Hẹp

Câu hỏi mà một người vô danh đặt ra cho Chúa Giêsu đang khi Ngài trên đường lên Giêrusalem, đó cũng là câu hỏi thông thường nơi các trường phái của các vị thông luật thời Chúa Giêsu, và là câu hỏi như muốn giới hạn số lượng những người vào Nước Chúa: "Thưa Thầy, phải chăng ít người được cứu thoát?" Trong câu trả lời, Chúa Giêsu không nhằm đến số lượng nhưng là hướng tới một bình diện khác, tức là phẩm chất của những kẻ muốn vào Nước Chúa: họ phải qua cửa hẹp và cố gắng vào đúng lúc, khi còn thời giờ thuận tiện, đừng cậy dựa vào những liên hệ hời hợt bên ngoài với Chúa. Ơn cứu rỗi được Thiên Chúa trao ban cho mọi người: những kẻ trong dân Chúa chọn và cả những kẻ ở ngoài, bởi vì Chúa Giêsu đã đến để dẹp bỏ mọi hàng rào ngăn cách, thiên hạ sẽ từ đông, tây, nam, bắc đến dự tiệc trong Nước Chúa.
Ðặc tính phổ quát của ơn cứu rỗi không được hiểu theo phạm trù số lượng, nghĩa là không phải mọi người tự động đều được cứu rỗi. Sự cộng tác từ phía con người là điều cần thiết. "Hãy vào qua cửa hẹp", hẹp, vì nó đòi con người phải từ bỏ nhiều. Hình ảnh cậu bé Charlie trong phim hoạt hình, đứng trước cửa, ôm trên người rất nhiều thứ; cậu muốn bước ra ngoài chơi với bạn bè, nhưng lại không muốn bỏ những thứ đang chồng chất trên người mình; cậu bé bực tức nói lớn: "Làm sao tôi có thể bước qua cửa này được?". Nhiều người Kitô hữu chúng ta cũng có thể hành xử như vậy: vừa muốn vào Nước Chúa, vừa muốn giữ lấy mọi thứ không phù hợp với Nước Chúa; muốn vào Nước Chúa, nhưng lại không thực hành giáo huấn của Ngài, không canh tân đời sống của mình.
Chúng ta hãy cảm tạ Chúa vì đã ban ơn cứu rỗi cho mọi người. Xin cho chúng ta biết từ bỏ những gì không cần thiết, nhất là những gì mất lòng Chúa, để chúng ta có thể bước qua cửa hẹp trở về Nhà Chúa.

(Veritas Asia)

Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 30 TN1
Bài đọc: Rom 8:26-30; Lk 13:22-30.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tiến trình hưởng phúc vinh quang

Hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa là một tiến trình đòi cả đời người, chứ không phải chỉ một giai đoạn hay một giây phút cuối cùng trên giường chết như nhiều người lầm tưởng. Nhiều người lấy câu truyện của anh trộm lành để bắt chước; nhưng họ sẽ thấy để nói lên được những lời đó trên giường chết thật không dễ tí nào.
Các bài đọc hôm nay muốn nhắn nhủ mỗi người chúng ta phải biết chuẩn bị cả cuộc đời để hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa. Trong bài đọc I, thánh Phaolô liệt kê một tiến trình Thiên Chúa đã phác họa cho con người trước khi họ có thể hưởng phúc vinh quang với Ngài là: biết trước, tiền định, kêu gọi, cho nên công chính, cho hưởng phúc vinh quang. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mối liên hệ giữa con người và Thiên Chúa: không phải chỉ biết Chúa là đủ, nhưng còn phải biết hy sinh chiến đấu vào qua cửa hẹp để làm chứng cho Thiên Chúa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người.
1.1/ Con người chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải: Nếu thật tâm nhận xét, tất cả chúng ta đều không biết cách cầu nguyện thế nào cho phải. Có ít nhất là 3 lý do chứng minh con người không biết cách cầu nguyện.
(1) Con người không biết những gì sẽ xảy đến trong tương lai: Con người chỉ biết những gì xảy ra trong giây phút hiện tại; vì thế, một điều có thể tốt trong giây phút hiện tại, nhưng sẽ không tốt cho con người trong tương lai. Ví dụ, xin cho giàu có thể đưa con người đến chỗ bị thiệt hại mạng sống hay mất hạnh phúc.
(2) Con người không biết điều gì tốt cho mình: Có những điều con người xin tưởng là tốt, nhưng mang lại nhiều cay đắng cho con người. Ví dụ, xin cho có quyền cao, chức trọng; nhưng con người không biết những hậu quả cay đắng mà con người không thể chịu được..
(3) Con người không biết lời cầu xin của mình có hại cho người khác: Thiên Chúa có bổn phận bảo vệ mọi người, vì tất cả đều là con cái Ngài dựng nên dù họ có biết hay không. Ví dụ, xin Thiên Chúa trừng trị kẻ gian ác thích đáng và ngay lập tức.

1.2/ Chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho chúng ta: Vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải, nên Thiên Chúa ban cho chúng ta Thần Khí của Ngài. Thánh Phaolô nói rõ: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả.”
Động từ Hy-lạp dùng ở Rom 8:23 là stenázô, có nghĩa là rên xiết trong lòng. Danh từ dùng trong trình thuật ở đây là stenámois alalêtois, “những tiếng rên xiết không diễn tả được thành lời.” Danh từ này có nguồn gốc trong Sách Xuất Hành, khi Thiên Chúa nghe thấy những tiếng rên xiết của con cái Israel phải làm nô lệ bên Ai-cập. Họ bị đối xử bất công bởi các người đốc công và bị vất vả khổ cực tư bề; nhưng không biết kêu cầu đến ai, chỉ biết rên xiết trong lòng (Act 7:34; Exo 3:7-10).

Tại sao Thiên Chúa ban Thần Khí của Ngài cho con người? Thánh Phaolô cắt nghĩa:
“Ai trong loài người biết được những gì nơi con người, nếu không phải là thần trí của con người trong con người? Cũng thế, không ai biết được những gì nơi Thiên Chúa, nếu không phải là Thần Khí của Thiên Chúa. Phần chúng ta, chúng ta đã không lãnh nhận thần trí của thế gian, nhưng là Thần Khí phát xuất từ Thiên Chúa, để nhận biết những ân huệ Thiên Chúa đã ban cho chúng ta” (1 Cor 2:11-13). “Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa.”

1.3/ Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: Thánh Phaolô trong Thư gởi các tín hữu Rôma quả quyết: “Mọi sự xảy ra trong cuộc đời là cho sự tốt lành của những người yêu mến Thiên Chúa, là những người đã được kêu gọi theo như ý định của Ngài.”
Biết mục đích của cuộc đời không chưa đủ, con người còn phải biết cách làm sao để đạt được mục đích ấy mới trọn vẹn. Thánh Phaolô phác họa tổng quát kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa: “Những ai Thiên Chúa đã biết Ngài cũng định trước cho trở nên đồng hình đồng dạng với Con Thiên Chúa; những ai Chúa định trước Ngài cũng kêu gọi; những ai Chúa đã kêu gọi Ngài cũng cho trở nên công chính; những ai Chúa đã cho trở nên công chính, Ngài cũng cho hưởng phúc vinh quang.”
Theo Phaolô, con người được trở nên công chính là niềm tin vào Đức Kitô; nhưng niềm tin này cần được thử thách bởi các gian nan và đau khổ Thiên Chúa gởi đến trong cuộc đời. Người tín hữu phải chứng minh niềm tin nơi Đức Kitô bằng cách vượt qua những thử thách này. Nếu người tín hữu trung thành với đức tin đến cùng, anh sẽ được Thiên Chúa cho hưởng phúc vinh quang với Ngài.

2/ Phúc Âm: Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào.
2.1/ Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự hủy diệt: Con người có khuynh hướng chọn giải pháp dễ nhất, đường nào ngắn nhất; nhưng kinh nghiệm dạy, nếu họ chọn như thế là chỉ đưa đến thất bại mà thôi. Nếu không có kỷ luật, một người không thể thành công. Điều này không những đúng cho cá nhân mà còn đúng cho cả tập thể. Một số người rao giảng lòng nhân từ của Thiên Chúa như sau: Vì tình thương bao la của Thiên Chúa, nên sau cùng Ngài sẽ cứu hết (Universalism). Sứ điệp của Chúa Giêsu hôm nay phải là lời cảnh tỉnh cho những người này.

2.2/ Nước Trời dành cho những ai nghe và giữ những gì Chúa dạy, không phải chỉ biết Ngài mà thôi: Nhiều người nhấn mạnh đến cái biết, Chúa nhấn mạnh đến việc làm. Ngài cảnh cáo những người chỉ tin nơi môi miệng: “Bấy giờ anh em mới nói: "Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng ông sẽ đáp lại: "Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!”
Chúa đề phòng trước cho chúng ta một thực tế phũ phàng: “Con cháu trong nhà và những kẻ quyền thế bị lọai ra ngòai... Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa... Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Để được hưởng hạnh phúc vinh quang với Thiên Chúa là một tiến trình đòi cả đời người. Chúng ta phải luyện tập để có một niềm tin không lay chuyển vào Thiên Chúa.
- Chúng ta phải chiến đấu để vào Nước Trời qua cửa hẹp, vì đường rộng rãi thênh thang chỉ dẫn tới sự diệt vong.
- Chúng ta phải luôn nhớ: Thiên Chúa không những là Thiên Chúa của tình thương mà còn là Thiên Chúa của công bằng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP



HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 30TN
Lc 13,22-30

A. Hạt giống...
1. c.23 : Câu hỏi mà một người kia đặt ra cho Chúa Giêsu phản ánh quan tâm của người Do Thái đương thời về số lượng những kẻ được cứu.
            Khi đặt vấn đề dựa theo số lượng, người ta sẽ có thái độ không thích hợp : nếu mọi người đều được cứu thì thái độ sẽ là ỷ lại ; còn nếu có một số nhỏ được cứu thì thái độ sẽ là chán nản, cố gắng làm chi cho uổng công.
2. c.24 : Chúa Giêsu không trả lời thẳng câu hỏi. Người ta hỏi về số lượng. Ngài trả lời về cách thức làm sao cho mình được ở trong số lượng những kẻ được cứu ấy, đó là phải cố gắng, diễn tả bằng hình ảnh “đi qua cửa hẹp”.           
- “Đi qua” : Động từ “qua” diễn ta sự thay đổi cách sống. Có rất nhiều người đứng trước cái của hẹp ấy, nhưng chỉ những ai biết “đi qua” (thay đồi cách sống) thì mới vào nhà được.
            - “Cửa hẹp” diễn ta sự cố gắng. Muốn vào Nước Trời thì phải cố gắng nhiều (và khó khăn như lạc đà chui qua lỗ kim : xem Mt 19,24, Mc 10,25, Lc 18,25).

B.... nẩy mầm.
1. “Một cặp vợ chồng trẻ nọ chia sẻ cho nhau nghe ước muốn có được một ngôi nhà khang trang. Một nhà tỉ phú tình cờ theo dõi câu chuyện. Với tất cả nghiêm chỉnh. ông đề nghị với họ : nếu cô vợ chịu ngủ với ông một đêm, ông sẽ tặng họ một triệu mỹ kim. Hai vợ chồng đồng ý. Nhưng khi người vợ lên đường đến với nhà tỉ phú thì người chồng cũng bắt đầu hối hận. Nhưng đã quá muộn. Sau một đêm để có một triệu mỹ kim, hai vợ chồng đã tan vỡ (...) Con đường dễ dãi là con đường dẫn tới hư mất. Sự thành đạt thường không đến cách ngẫu nhiên, mà là kết quả của những cố gắng và kiên nhẫn lâu dài” (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
2. Chịu ảnh hưởng của nền văn minh hưởng thụ, người thời nay có khuynh hướng làm cho mọi việc thành thoải mái dễ chịu, kể cả việc sống đạo. Thí dụ : trong nhà thờ ghế phải rộng và êm, phải có quạt máy, cha phải giảng ngắn... Những lời nhắc nhở của ĐGH về hôn nhân bất khả li, về luật cấm phá thai, về độc thân Linh mục v.v. bị coi là chói tai nên không được đáp ứng v.v. Cách sống đạo như thế không phải là đi qua cửa hẹp. Thánh Phaolô đã so sánh cuộc sống tín hữu như một cuộc chạy đua : để đạt huy chương, người lực sĩ nào cũng phải dày công khổ luyện.
3. Chúa Giêsu nói với dân chúng : “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào...” (Lc 13,24)
Đậu tốt nghiệp hạng ưu, thằng nhóc nó vui mừng hớn hở về báo tin cho tôi. Tôi đã đọc được niềm vui trong lòng nó, tôi tự nhủ rằng : “Cậu tú nhà tôi đậu được thủ khoa cũng đáng”, bao công lao thức khuya dậy sớm “dùi mài kinh sử” nó còn phải dã từ cả sân cỏ : không đá banh, không patin, cũng không bén mảng đến hồ bơi, nó bỏ hết những cuộc chơi.
Từ đó tôi nghiệm ra rằng thành đạt là kết quả của những cố gắng lâu dài mà con đường dẫn đến không dễ dàng, đòi hỏi nhiều hy sinh và phấn đấu. Con đường tiến về quê trời cũng vậy, đòi hỏi tôi lực chọn đi qua cửa hẹp. Đó chính là điều Chúa Giêsu mời gọi hôm nay, như chính Ngài đã lựa chọn con đường của thập giá.
Lạy Chúa ! Mỗi ngày trong cuộc sống của con, xin cho biết chiến đấu để qua cửa hẹp mà vào Nước Trời. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

30/10/13 THỨ TƯ TUẦN 30 TN
Lc 13,22-30

TRỞ NÊN NHỎ BÉ ĐỂ VÀO QUA CỬA HẸP
Có người hỏi Đức Giêsu :”Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” Người bảo họ :”Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết, có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.”
(Lc 13,23-24)
Suy niệm: Trong thiên nhiên có một qui luật: Sống là chiến đấu. Phải vượt qua được những điều kiện khắc nghiệt nhất của cuộc đấu tranh sinh tồn, người ta mới có thể tồn tại được. Và đó cũng là qui luật chung: con đường sống dễ dãi làm cho người ta mất đi sức đề kháng cần thiết, lại là con đường dẫn đến diệt vong. Cuộc sống đức tin cũng được ví như một cuộc chiến đấu thiêng liêng đầy cam go. Con đường đức tin là con đường chật hẹp, đòi hỏi nhiều hy sinh phấn đấu: “Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24). Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình, với cái tôi cồng kềnh của mình, nặng nề vì những vun quén cá nhân, tự hào và tham vọng. Thật ra cửa vào sự sống không hẹp nhưng hẹp vì cái tôi trong con người quá to. Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại tới mức huỷ mình ra không, ta sẽ dễ dàng qua được cửa hẹp mà vào.
Mời Bạn: Con đường Chúa Giê-su đã chọn là con đường chật hẹp của thập giá. Để là Ki-tô hữu, bạn không có chọn lựa nào khác hơn là cùng đi với Ngài trên con đường ấy.
Sống Lời Chúa: Để quen đi trên con đường hẹp, mỗi ngày bạn tự nguyện làm một việc hy sinh hãm mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con luôn sẵn lòng đón nhận những hy sinh vì tình yêu Chúa để con được cùng đi với Chúa trên con đường hẹp của thập giá. Amen.

Con Ðường Dẫn Ðến Tự Do

Chính phủ Nam Phi mới đây đã quyết định cho đúc bức tượng cao ba mươi tầng lầu của nhà tranh đấu cho dân chủ và nhân quyền là cựu tổng thống Nelson Mandela. Theo dự trù, tượng đài kỷ niệm ông Mandela sẽ cao một trăm mười thước và được đặt tại hải cảng Elisabeth để cho những du khách tới Nam Phi qua đường biển phía đông chiêm ngưỡng người lãnh tụ khả kính này.
Song song với dự án bức tượng này, chính phủ Nam Phi sẽ làm một con đường đi bộ dài khoảng sáu trăm thước dẫn tới tượng đài. Con đường đi bộ này được đặt tên như trong bảng tóm lược đọc lên khi ông Nelson Mandela nhận giải Nobel Hòa Bình như sau: "Con đường dẫn đến tự do". Ông Nelson Mandela được trả tự do sau hai mươi bảy năm bị chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi cầm tù. Ông đã được bầu là tổng thống Nam Phi năm 1994.
Con đường dẫn đến tự do cho cá nhân ông Nelson Mandela, cho dân tộc Nam Phi cũng như cho cả thế giới là một con đường dài đến hai mươi bảy năm, qua đó ông đã trải qua không biết bao nhiêu gian khổ trong chốn tù đày. Con đường dẫn đến tự do nào cũng là con đường hẹp, đầy chông gai. Qua hình ảnh con đường của nhà đấu tranh Nelson Mandela chúng ta hiểu được con đường mà Chúa Giêsu đã vạch ra cho những ai muốn làm môn đệ Ngài.
Trong Tin Mừng hôm nay, một lần nữa thánh Luca lại đặt Chúa Giêsu trong tư thế lên đường tiến về Giêrusalem. Với cái nhìn của vị thánh sử này cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc hành trình về Giêrusalem mà điểm đến cuối cùng là Núi Sọ và vinh quang phục sinh.
Sinh ra ngoài đường, sống và rao giảng Tin Mừng ngoài đường, cuối cùng cũng chết ngoài đường. Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là một cuộc lên đường và ra đi không ngừng. Ngài kêu gọi tất cả những ai muốn làm môn đệ Ngài lên đường và ra đi như thế: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mỗi ngày và đi theo Ta". Trong lệnh lên đường ban bố cho các môn đệ, Ngài nói rõ với các môn đệ: "không mang theo giày dép, bao bị, túi tiền, vào nhà nào người ta cho ăn thứ nào hãy ăn thứ đó, ai không đón tiếp thì đi ra".
Tóm lại, ra đi và lên đường là tư thế đích thực của người môn đệ Chúa Giêsu. Mệnh lệnh ấy ngày nay vẫn tiếp tục có giá trị cho tất cả những ai muốn làm môn đệ để đi theo Chúa Giêsu. Sống đức tin là không ngừng ra đi và lên đường. Ra đi và lên đường không chỉ có nghĩa là rời bỏ một nơi này để đến một nơi khác. Cuộc ra đi và lên đường cam go nhất đòi hỏi nhiều quyết tâm và chiến đấu nhất hẳn phải là ra đi và lên đường khỏi con người cũ của tội lỗi. Trước khi lên đường về nhà Cha, người con hoang đàng đã phải phấn đấu mãnh liệt để ra khỏi bản thân và đứng dậy lên đường. Ðây chính là cuộc ra đi và lên đường mà Chúa Giêsu mời gọi chúng ta dấn bước vào, đây chính là cánh cửa hẹp mà Ngài mở ra cho chúng ta.
Lạy Mẹ Maria
Ðấng đã vội vã lên đường để đến với người chị họ Elisabeth luôn đồng hành với chúng ta, Mẹ giúp chúng ta biết nhìn về phía trước và tiến bước trong hân hoan, tin tưởng và cậy trông.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm

Đây là những giáo huấn “trên đường lên Giêrusalem” (Lc13,22), nghĩa là những lời giảng dạy lúc Chúa chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn. Chính lúc đó lại có kẻ quan tâm đến việc “cứu thoát”:“Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” (Lc 13,23). Chắc chắn đây là một con người tốt lành quan tâm đến ơn cứu độ. Chính vì vậy mà anh ta bị phân vân giữa hai lập trường anh ta được biết.

- Lập trường thứ nhất: “Mọi người Israel đều tham dự vào thế giới tương lai” (Minsha, Sanhedrin X,1).
- Lập trường thứ hai: “Những kẻ bị hư đi thì nhiều hơn những kẻ được cứu thoát” (Edras IX, 15).
Vì vậy nên anh ta đã tìm đến một bậc thầy mà anh ta kính nể là Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu không quan tâm đến vấn nạn kiểu kinh viện này, mà Ngài chỉ nhấn mạnh đến sự cố gắng: “Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13, 24).

Thực vậy, điều quan trọng là mỗi người phải lo thay đổi cách sống. Chính vì thế, lời đáp của Chúa Giêsu không xác định về số ít hay số nhiều người được cứu thoát, nhưng về tính cách nghiêm trọng của cuộc sống hiện tại con người: “Có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13, 24). Ngoài việc nhiều người sẽ chen chúc vào cửa hẹp để dự bữa tiệc vui Nước Trời, ở đây còn nói đến một yếu tố thứ hai: thời gian gấp rút vì cửa sắp đóng. Trên thực tế, tìm cách vào, giữa đám đông hỗn độn, ở phút chót thường là thất bại và còn gây ra cảnh tượng dẫm đạp lên nhau.

Vì họ đến vào phút chót, lại chen lấn nhiều người, nên họ nại đến việc trước đây họ đã từng ăn uống với Ngài để xem có được ưu tiên nào không. Nhưng Ngài đã đáp một cách chắc nịch đến hai lần:“Ta không biết các anh từ đâu đến”. Điều này nghĩa là: “Ta không chọn các ngươi, các ngươi không thuộc về những kẻ được chọn”. Ở đây không phải Chúa Giêsu tùy tiện từ chối theo tình cảm, nhưng là một cách gián tiếp Ngài nói họ bị loại vì làm điều xấu. Có những mối liên hệ theo kiểu xả giao với Thiên Chúa cũng chẳng ích lợi gì nếu người ta không chịu hoán cải cuộc đời.

Qua lời Chúa hôm nay cho con biết được rằng con đường theo Chúa của con luôn luôn là con đường hẹp. Nếu con không chịu bước đi trên con đường hẹp này, mà đợi gần đến giờ dự tiệc, thấy người ta chen lấn vào cửa hẹp, con cũng nhảy vào để chen lấn thì chắc chắn con không thể vào được. Quả thật cuộc sống luôn luôn cho con sự chọn lựa giữa hai con đường rộng và hẹp. Và theo tâm lý tự nhiên con sẽ chọn con đường rộng và khước từ con đường hẹp. Ví dụ trong làm ăn buôn bán chỉ cần con ký vào hóa đơn khống, không thiệt hại gì cho con, ngược lại con sẽ có được khách hàng. Trong cuộc sống gia đình, nếu thấy không hợp nữa thì chia tay chứ nhường nhịn chi cho mệt! Trong sinh hoạt đoàn thể, nếu ý kiến của con không được chấp nhận thì nghỉ cho khỏe, cần gì phải dấn thân. Trong họ đạo, nếu cha sở không làm con vừa lòng thì con sẽ bỏ đạo, hoặc qua nhà thờ khác đi lễ…

Như vậy rõ ràng con chưa có sự thay đổi cuộc sống, mà việc giữ đạo chỉ là một hình thức để con được an tâm. Với con giữ đạo là giữ một số luật lệ nào đó, sàn lọc trong nhiều những hình thức tôn giáo, xem cái nào dễ thì giữ, cái nào nhẹ nhàng thì theo…

Rõ ràng con cũng có “quen biết” với Chúa, nhưng sự “quen biết” xả giao như vậy không đủ để con được ưu tiên vào Nước Trời. Con không thể nại đến những việc lành nho nhỏ mà con đã ráng để giữ.

Chúa cần mối liên hệ thân tình của con. Chính mối liên hệ đó làm cho con dám mạnh dạn đi vào con đường hẹp; quyết liệt, mạnh mẽ để tìm đến với Chúa. Và khi chấp nhận đi vào con đường hẹp là con đang chấp nhận thanh tẩy cuộc sống mình, đang chấp nhận để được Chúa biến đổi.

Lạy Mẹ Maria, khi nói tiếng “Xin Vâng” Mẹ đã không chọn con đường rộng rãi, thênh thang, nhưng đang dấn thân vào con đường hẹp. Đi vào con đường hẹp để Mẹ chỉ còn biết theo sự hướng dẫn của Chúa, dù con đường hẹp sẽ khó đi hơn. Xin giúp con để con dám mạnh dạn từ khước những hấp dẫn của con đường thênh thang rộng rãi mà bước vào con đường hẹp. Để khi dám chấp nhận đi vào con đường hẹp là con dám để cho thánh ý Chúa soi dẫn, để cho lời Chúa uốn nắn, sửa dạy mình. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

30 THÁNG MƯỜI

Tình Yêu Vượt Qua Mọi Rào Chắn

Giáo Hội bước đi trên con đường tình yêu và chân lý. Trong tình yêu, Giáo Hội nhận ra mọi người đều là con cái Thiên Chúa, là anh chị em bình đẳng trong phẩm giá, bất kể địa vị xã hội, chủng tộc, tôn giáo của họ là gì. Trong chân lý, Giáo Hội vượt qua tình trạng nô lệ cho sự sai lầm, đạt được sự tự do mới mẻ trong tâm trí. Thật vậy, không thể có rào cản nào phong tỏa tình yêu Thiên Chúa.
Tiên vàn chúng ta, trong tư cách là những người Kitô hữu, phải không ngừng tín nhiệm vào sức mạnh của thập giá – để chiến thắng tội lỗi và giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Như tôi đã nhấn mạnh trong Sứ Điệp Ngày Thế Giới Hoà Bình 1986: “Các Kitô hữu, được soi sáng bởi đức tin, nhận biết rằng sở dĩ thế giới này trở thành một đấu trường xâu xé, căng thẳng, thù địch, bế tắc và bất bình đẳng (thay vì là một nơi của tình huynh đệ chân thành), thì đó chính là vì tội lỗi, nghĩa là vì sự rối loạn luân lý của con người. Kitôhữu cũng biết rằng ân sủng của Đức Kitô không ngừng được ban tặng cho thế giới, và ân sủng ấy có thể biến đổi tình trạng này của nhân loại, bởi vì “Ở đâu tội lỗi đầy tràn, ở đó ân sủng chứa chan” (Rm 5, 26).
Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta nên một, như Ngài và Chúa Cha là một. Trong hiệp thông với Giáo Hội, chúng ta kết hiệp với Đức Giêsu và tìm được sức mạnh và nguồn cảm hứng để vượt qua mọi rào cản và chia rẽ, và xây dựng những mối hiệp nhất mới mẻ và chặt chẽ hơn: Mối hiệp nhất trong các gia đình và giáo xứ, mối hiệp nhất trong các giáo hội địa phương, và giữa các giáo hội thuộc những nghi lễ khác nhau; mối hiệp nhất trong hiệp thông với Giáo Hội toàn cầu và với Giám Mục Rôma.
Thế giới đang chờ đợi những chứng từ sống động về đức tin và tình yêu của chúng ta. Như Công Đồng Vatican II nói: “Tất cả các tín hữu hãy nhớ rằng, họ càng cố gắng sống theo Tin Mừng, họ sẽ càng thăng tiến và sống triệt để hơn sự hiệp nhất giữa các Kitôhữu” (Sắc lệnh về Đại kết, 7). Tất cả chúng ta cố gắng để nên một trong sự hiệp nhất với Đức Kitô Giêsu và với Giáo Hội Ngài.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 30-10
Rm 8, 26-30; Lc 13, 22-30


LỜI SUY NIỆM: “Có kẻ hỏi Người: Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? Người bảo họ: hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được” (Lc 13,23-24)

Câu hỏi này là tâm trạng của người Do-thái thời bấy giờ, bởi theo Kinh Thánh thì chỉ số sống sót mới được cứu thoát. Nhưng đối với Chúa Giêsu ơn cứu thoát là một ơn phổ quát, tất cả đều được ơn cứu độ, nhưng cần phải chiến đấu, qua được cửa hẹp. Muốn được qua cửa hẹp, cần phải tôi luyện với những thử thách và răn dạy của Thiên Chúa, phải biết khiêm nhượng, gò ép mình vào một khuôn khổ cho vừa với cửa hẹp. Nếu chúng ta không biết tôi luyện, mang theo những thứ cồng kền bên mình thì chỉ đứng ngoài; muốn vào, vào cũng không được; cho đến khi cửa đã đóng thì không còn cách nào để mà vào được nữa, phải đứng bên ngoài muôn đời muôn kiếp; không được chung hưởng hạnh phúc đời đời bên Thiên Chúa.


Mạnh Phương


30 Tháng Mười

Viên Ðá Quý


Edith Stein, đó là tên của một người đàn bà mà chúng ta thường nghe nhắc đến nhiều lần nhân chuyến viếng thăm lần thứ hai của Ðức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Tây Ðức năm 1987.
Stein theo tiếng Ðức có nghĩa là đá. Ðây không phải là một viên đá tầm thường, nhưng là một viên ngọc quý đã được tôi luyện giữa lò lửa của hận thù, chiến tranh. Viên ngọc quý Stein đã được gọt đẽo và nung nấu trước tiên trong sự dửng dưng vô tôn giáo của những trào lưu tục hóa sau đệ nhất thế chiến.
Lên 14 tuổi, Edith Stein đã mất hòa toàn niềm tin vào Thiên Chúa của tổ phụ Arbaham. Nhưng cho dù con người có chối bỏ Thiên Chúa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục theo đuổi con người. Cuộc săn đuổi kỳ diệu ấy đã đưa con người đến ngõ cụt của cuộc sống. Nhưng chính khi đứng trước bức tường tưởng chừng như khôg thể vượt qua được, Thiên Chúa đã đưa cánh tay của Ngài ra để nâng con người lên. Ðó là điều đã xảy ra cho Edith Stein khi cô chứng kiến gương kiên nhẫn của một người thiếu phụ Công Giáo. Chiến tranh đã cướp đi người chồng thân yêu, người đàn bà ấy vẫn lấy Ðức Tin vào Chúa Kitô để vượt thắng mọi đau khổ, thử thách... Edith Stein thú nhận: Thập giá của Ðức Kitô đã đem lại sức mạnh kiên hùng cho người phụ nữ và do đó, cũng phá vỡ bức tường cứng lòng tin của cô.
Trong ánh sáng của thập giá Ðức Kitô, Edith Stein đã tìm lại được niềm tin vào chính Thiên Chúa của người Do Thái... Nhưng ánh sáng đó đã gắn liền với cả cuộc đời còn lại của cô như một định mệnh: Giữa những đổ vỡ và tàn ác của chiến tranh, Edith đã tìm lại được định hướng cho cuộc đời. Thánh giá đã được gắn liền với tên cô từ đó: Têrêxa Benedicta Della Croce, Têrêxa được thập giá chúc lành.
Thập giá của Ðức Kitô mà cô đã vác lấy qua cái chết đau đớn trong lò hơi ngạt tại trại tập trung Auschwitz đã biến cô trở thành một viên ngọc quý có giá trị cứu rỗi cho cả một dân tộc mà cô hằng yêu mến.

Ở đâu và bất cứ lúc nào cũng có thập giá. Ðã mang tiếng khóc vào đời, con người tiến bước trong cuộc sống với tất cả gánh nặng của thập giá... Tại sao Thiên Chúa đã để cho con người phải đau khổ? Mãi mãi dường như con người sẽ không bao giờ tìm được câu giải đáp cho vấn đề đau khổ. Chúa Giêsu không bao giờ đặt vấn đề và cũng không bao giờ đem lại một giải đáp cho vấn đề.
Trong thinh lặng, Ngài đã vác lấy thập giá và khi sống lại, Ngài cho chúng ta thấy rằng thập giá là con đường dẫn đến sự sống. "Hãy vác lấy thập giá và theo Ta", đó là lệnh truyền của Ngài. Mang lấy thập giá với tinh thần chấp nhận và mến yêu, chúng ta sẽ thấy ánh sáng bừng lên trong cuộc sống. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ thấy Tình Yêu mạnh hơn sự chết. Mang lấy thập giá, chúng ta sẽ chiến thắng được hận thù và thất vọng.


(Lẽ Sống)

Thứ Tư 30-10
Thánh An-phông-sô Rodriguez
(1532 -1617)


A
n-phông-sô sinh ở Segovia, Tây Ban Nha, con của một người buôn bán len sợi giầu có. Khi còn nhỏ, An-phông-sô thường gặp Cha Phêrô Favre (sau này là chân phước) và một linh mục dòng Tên khác, họ là những người thường tạm trú qua đêm ở nhà người cha ruột của An-phông-sô. Dần dà, chính Cha Phêrô Favre là người đã chuẩn bị cho An-phông-sô rước lễ lần đầu.
Vào lúc 14 tuổi, cùng với người anh, An-phông-sô được theo học với các linh mục dòng Tên, nhưng chưa được một năm sau, hai anh em được gọi về nhà để giúp trông coi cơ sở thương mại của gia đình sau cái chết bất ngờ của người cha. Vào lúc 23 tuổi, một mình An-phông-sô trông coi cơ sở buôn bán tơ sợi và, vài năm sau đó ngài lập gia đình và được một trai hai gái.
Khi kỹ nghệ tơ sợi xuống dốc thê thảm, nhiều thảm kịch cũng xảy đến cho An-phông-sô qua những cái chết bất ngờ của hai cô con gái, của vợ và của mẹ trong vòng ba năm liên tiếp. Sau khi bán hết cơ sở thương mại, An-phông-sô ngưng hoạt động, về sống với hai cô em gái và đứa con trai nhỏ. Chính trong quãng thời gian này An-phông-sô học được cách cầu nguyện và chiêm niệm từ hai cô em. Ngài thường xuyên lãnh nhận bí tích Hòa Giải và Thánh Thể, và sống một đời khổ hạnh. Khi đứa con trai từ trần, An-phông-sô, giờ đã gần 40 tuổi, quyết định gia nhập dòng Tên và tìm mọi cách để được thu nhận vào dòng ở Segovia. Vì cao tuổi, sức khỏe yếu kém và thiếu nền tảng học vấn nên khó cho ngài được thu nhận vào đời sống tu trì, nhưng An-phông-sô rất kiên nhẫn, ngài trở lại trường học tiếng Latinh. Sau cùng, cha bề trên đồng ý nhận An-phông-sô làm thầy trợ sĩ. Sáu tháng sau, ngài đến làm việc ở trường dòng Tên ở Majorca. Ở đây ngài giữ việc gác cửa.
Trong vòng 45 năm kế đó, thầy An-phông-sô trung thành với nhiệm vụ của mình trong khi dành thời giờ để cầu nguyện và chiêm niệm. Ngài nổi tiếng về sự vâng phục và hãm mình, cũng như sùng kính Ðức Mẹ Vô Nhiễm. Một linh mục dòng Tên phải kêu lên, "Thầy đó không phải là một người bình thường -- thầy là một thiên thần!" Các giáo sĩ, giới trưởng giả, giới chuyên nghiệp, giới thương mại cũng như người nghèo tìm đến ngài để xin hướng dẫn tâm linh. Một trong những người ấy là Cha Phêrô Claver, sau này được phong thánh và là vị Tông Ðồ của Người Nô Lệ Da Ðen. 
Trong những năm cuối đời, thầy An-phông-sô bị đau khổ vì bệnh tật và sự khô khan tinh thần. Sau cùng, trước khi từ trần, ngài được rước Mình Thánh và bỗng dưng mọi đau khổ tâm thần cũng như thể xác tan biến. Sau khi trìu mến nhìn đến các tu sĩ đứng quanh giường, ngài hôn thánh giá và lớn tiếng kêu tên Chúa Giêsu, ngài trút hơi thở cuối cùng vào ngày 31 tháng Mười, 1617. Tang lễ của ngài có nhiều thành phần tham dự, ngoài những người nghèo và bệnh tật còn có phó vương Tây ban Nha, giới quý tộc và các giám mục. Ngài được phong thánh năm 1888, cùng lúc với Thánh Phêrô Claver.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét