Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 10, 2013

27-10-2013 : (phần I) CHÚA NHẬT XXX MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

CHÚA NHẬT 27/10/2013
Chúa Nhật XXX Mùa Thương Niên năm C
(phần I)


BÀI ĐỌC I: Hc 35, 15b-17. 20-22a (Hl 12-14. 16-18)
"Lời cầu nguyện của người khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây".

Trích sách Huấn Ca.
Chúa là quan án, Người không xem sao vinh quang loài người. Chúa không vì nể kẻ nghịch với người nghèo khó, và Người nhậm lời kẻ bị áp bức kêu cầu. Người không khinh rẻ kẻ mồ côi khẩn nguyện, cũng không khinh rẻ người goá bụa, khi nó bày tỏ lời than van.

Nỗi hồn đắng cay, của lễ được nhận, và tiếng kêu oan kíp thấu tầng mây. Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn. Chúa sẽ không trì hoãn, Người sẽ xét đoán những người công chính và sẽ ra lời phán quyết. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 17-18. 19 và 28

Đáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe (c. 7a).

Xướng: 1) Tôi chúc tụng Thiên Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Thiên Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Đáp.

2) Thiên Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Người cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. - Đáp.

3) Thiên Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương giập nát. Thiên Chúa cứu chữa linh hồn tôi tớ của Người, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Người, người đó sẽ không phải đền bồi tội lỗi. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: 2 Tm 4, 6-8. 16-18
"Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha".

Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con thân mến, phần cha, cha đã già yếu, giờ ra đi của cha đã gần rồi. Cha đã chiến đấu trong trận chiến chính nghĩa, đã chạy đến cùng đường và đã giữ vững đức tin. Từ đây triều thiên công chính đã dành cho cha. Và trong ngày đó, Chúa là Đấng phán xét chí công sẽ trao lại cho cha mũ triều thiên ấy; nhưng không phải cho cha mà thôi, mà còn cho những kẻ yêu mến trông đợi Người xuất hiện.

Lần đầu tiên cha đứng ra biện hộ cho cha, thì chẳng ai bênh đỡ cha, trái lại mọi người đều bỏ mặc cha: xin chớ chấp tội họ. Nhưng Chúa đã phù hộ cha và ban sức mạnh cho cha, để nhờ cha mà lời rao giảng được hoàn tất, và tất cả các Dân ngoại được nghe: vậy cha đã thoát khỏi miệng sư tử. Chúa đã giải thoát cha khỏi mọi sự dữ và cứu lấy cha để đưa vào nước Người trên trời. Nguyện chúc Người được vinh quang muôn đời! Amen. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Ga 14, 5

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống; không ai đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 18, 9-14
"Người thu thuế ra về được khỏi tội".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói dụ ngôn sau đây với những ai hay tự hào mình là người công chính và hay khinh bỉ kẻ khác: "Có hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái, một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng, cầu nguyện rằng: 'Lạy Chúa, tôi cảm tạ Chúa vì tôi không như các người khác: tham lam, bất công, ngoại tình, hay là như tên thu thuế kia; tôi ăn chay mỗi tuần hai lần và dâng một phần mười tất cả các hoa lợi của tôi'. Người thu thuế đứng xa xa, không dám ngước mắt lên trời, đấm ngực và nguyện rằng: 'Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội'. Ta bảo các ngươi: người này ra về được khỏi tội, còn người kia thì không. Vì tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên". Đó là lời Chúa.


Suy niệm : Chúa Là Ðấng Chí Công

Lời Chúa hôm nay muốn giáo huấn chúng ta về sự cầu nguyện. Ðúng hơn, Người muốn dạy dỗ chúng ta về chính Người. Hiểu Người hơn, chúng ta sẽ biết cầu nguyện tốt hơn; và nói chung, chúng ta sẽ biết sống đạo hoàn toàn hơn.
Thực vậy, thánh Phaolô có thể sống đạo như trong thư hôm nay người viết, là vì người đã hiểu Chúa như Kinh Thánh Cựu Ước cho biết và nhất là như chính Con Một Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. Giáo lý của bài sách Huấn ca và dụ ngôn trong bài Tin Mừng Luca sẽ giúp chúng ta hiểu Chúa hơn; và nhờ đó, chúng ta cũng sẽ hiểu lời lẽ thắm thiết của thánh Phaolô.

1. Chúa Là Ðấng Chí Công
Bài sách Huấn ca thực ra không có những giáo lý khác thường. Nhiều tiên tri và có thể nói hết mọi tác giả thời Cựu ước vẫn thường nói: Chúa là Ðấng nhân ái; Người không tây vị nhưng vẫn để tai riêng nghe lời rên xiết của kẻ khó nghèo; Người thi hành công lý khi phán xét chí công. Nhưng nếu đặt những tư tưởng này vào văn mạch, và đọc những đoạn sách này với những trang trước sau, chúng ta sẽ thấy tác giả Huấn ca muốn nói nhiều hơn những điều chúng ta vừa hiểu.
Ông vừa đi du lịch về, sung sướng vì đã học được một sàng khôn. Với kinh nghiệm mới này, ông đề cập đến vấn đề sôi bỏng thời bấy giờ, hay là các tế lễ nơi Ðền Thờ có thật sự cần thiết và giá trị không? Việc tiếp xúc với văn minh Hy Lạp đã cho người Do Thái thấy phải chăng mình đã chẳng quá thiên về tế tự và xao nhãng việc suy nghĩ khôn ngoan?
Tác giả không phủ nhận vai trò của việc dâng lễ, nhưng theo ông, người Do Thái nên cố gắng trở về nguồn và nhận định: giữ lề luật, tức là dâng nhiều lễ tế; cẩn thủ lịnh truyền tức là dâng lễ kỳ an. Và như vậy tư tưởng của ông đã góp phần vào việc xây dựng đạo Do Thái thời sau lưu đày. Con cái Israel chú trọng vào việc giữ luật và những người quan trọng trong dân này là luật sĩ.
Nhưng tác giả vẫn đề cao cảnh giác. Chính việc giữ Luật cũng có thể nguy hiểm. Và tôn giáo khi chú trọng đến Luật pháp có thể trở nên vụ luật, cũng như đã có thể trở nên vụ hình thức khi quá coi trọng vai trò của tế tự. Lòng đạo đức chân thật không phục vụ Luật pháp, đồng thời cũng không phục vụ bàn thờ. Nó chỉ phục vụ Thiên Chúa. Người ở trên Luật pháp và lễ tế. Chúng ta cũng đừng mong lấy việc giữ luật bề ngoài và các lễ dâng vụ lợi mà mua chuộc lòng Chúa.
Người là Ðấng chí công. Người không tây vị theo nghĩa ở đây là không thể dùng các của lễ bề ngoài và việc giữ luật một cách máy móc mà làm đẹp lòng người. Sự thờ phượng chân thật Người ưa thích là lòng chân thành của người khó nghèo.
Ðoạn sách Huấn ca hôm nay dùng nhiều hình thức của nhiều câu văn lặp đi nhắc lại chỉ một ý tưởng: Thiên Chúa nghe lời người khó nghèo kêu xin. Ðó là của lễ được nhận...
Chúng ta chỉ có một thắc mắc, kẻ khó nghèo tác giả nói đây là ai? Thuộc hạng người nào? Ðoạn sách trích hôm nay nói đến kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người góa bụa, là những thành phần cô thân cô thế trong xã hội. Nhưng có thật tác giả nhắm đến những người ấy và chỉ nhắm đến họ không? Hay đó chỉ là những hình ảnh văn chương, những bộ mặt tiêu biểu thường được mọi tác giả Kinh Thánh dùng để nói đến hạng người được Chúa chiếu cố và quan tâm cứu độ?
Có nhiều đoạn văn khác làm chứng tác giả sách Huấn ca nghĩ nhiều nhất đến tất cả đồng bào của ông, là con cái Israel thời bấy giờ. Họ phải phiêu bạt đi nhiều nơi, bị dân ngoại chèn ép không nhận được pháp luật bảo vệ trong việc thờ phượng và giữ luật của cha ông. Nhưng họ vẫn cố gắng trung thành với giao ước; vẫn thờ lạy Giavê; vẫn khẩn cầu Danh Chúa. Ðó mới thật là kẻ nghèo, người oan, kẻ mồ côi, người góa bụa. Lòng đạo đức của họ nhất định đẹp lòng Chúa và chắc chắn Người sẽ thi hành công lý cho họ khi Ðấng chí công xét xử.
Như vậy, tư tưởng của tác giả rất cổ điển và chính thống. Nó là giáo huấn của các tiên tri. Nó là niềm tin hướng về cứu độ thiên sai của Do Thái giáo. Nó vừa chuẩn bị vừa có thể gây trở ngại cho giáo huấn của Chúa Giêsu sau này, vì tuy nói đến địa vị ưu việt của người nghèo khó, tác giả vẫn còn óc Do Thái và Cựu Ước: Ðồng hóa người khó nghèo của Chúa với Dân Do Thái và hứa một sự phân xử cứu độ ở bình diện trần gian khi Ðấng Thiên Sai đến. Những tư tưởng này sẽ được Ðức Giêsu sửa chữa, như chúng ta cũng có thể thấy trong bài Tin Mừng hôm nay.

2. Chúa Ban Ơn Công Chính
Một mình tác giả Luca thuật lại dụ ngôn này. Trong Matthêô, Marcô và Gioan chúng ta không thấy câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện. Dĩ nhiên không phải Chúa nói dụ ngôn nào thì cũng được cả bốn tác phẩm Tin Mừng ghi lại.
Riêng Luca có một sở thích về dụ ngôn... Trong số chừng 50 dụ ngôn Chúa đã nói, Luca ghi lại trên dưới 40. Ông không thể nào quên dụ ngôn hai người biệt phái và thu thuế hôm nay, vì ông rất thích nói về cầu nguyện; mà hai người này đã lên Ðền thờ cầu nguyện; Chắc là Luca đã cẩn thận theo dõi Lời Chúa kể. Nhờ vậy chúng ta có bài dụ ngôn rất hay.
Trước hết, tác giả Luca xác nhận: Ðức Giêsu đã nói dụ ngôn này với những kẻ tự tin rằng mình là công chính và khinh miệt người khác. Những kẻ ấy là ai? Theo câu chuyện tiếp theo chúng ta phải hiểu họ là các biệt phái thời Ðức Giêsu. Nhưng chúng ta đừng vội mất cảm tình với họ, chúng ta nghĩ đến những người đã mạnh tay và to mồm trong vụ án Chúa Giêsu; và chúng ta coi họ là những người xấu. Nhưng trước mặt người thời bấy giờ và trước cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu, họ được kính trọng và kính nể. Họ là những người như Luca vừa kể, được coi là công chính trong đạo cũ vì không ai giữ luật pháp Môsê hơn họ. Chính việc tuân thủ, chấp hành luật pháp rất cặn kẽ này làm cho họ tự tin, ý thức mình là công chính và khinh miệt người khác... Họ biết mình "hoàn toàn" và ung dung giữ đạo, không mảy may sợ phán xét của Chúa.
Hôm nay, Ðức Giêsu nói dụ ngôn này với họ và cho họ, để họ suy nghĩ. Và vì thế bài dụ ngôn không nhắm dạy cách thức cầu nguyện cho bằng muốn triệt hạ lòng tự tín, phủ nhận một lối sống đạo, một sự công chính sai lầm và đề ra tinh thần đạo đức thánh thiện thật... Chúng ta hãy nghe bài dụ ngôn.
Hai người lên Ðền thờ cầu nguyện: một người là Biệt phái, người kia làm nghề thu thuế; một người được xã hội kính trọng; người kia bị người đời đàm tiếu; một người chấp hành luật đạo nghiêm chỉnh, người kia mang tiếng là tội lỗi. Người Biệt phái nguyện rằng: "Lạy Chúa, tôi đội ơn Ngài vì tôi không như những người khác, gian tham, bất lương, ngoại tình hay là như tên thu thuế kia. Mỗi tuần tôi ăn chay hai lần, tôi nộp thuế thập phân về hết mọi vật tôi mua".
Người ấy không nói ngoa. Ông ta không có tội mà người khác hay phạm. Cuộc đời ông thánh thiện khác hẳn nếp sống của phường thu thuế. Tiêu cực như thế; còn tích cực thì đừng bảo ông chỉ giữ luật; ông còn làm quá luật dạy, chứng tỏ ông sốt sắng thánh thiện khác thường. Vì luật đâu có buộc ăn chay mỗi tuần hai lần và nộp thuế thập phân về các hàng mua.
Ðó là những hành vi khuyên và dành cho những người hoàn toàn. Sống được như vậy mà không tạ ơn Thiên Chúa sao? Ông cám ơn Chúa vì ông đã công chính như vậy... Lời nguyện của ông là lời kinh tạ ơn và tạ ơn là đúng.
Tuy nhiên tác giả Luca vì quen để ý đến việc cầu nguyện, nên đã nhận ra những khuyết điểm trong cách tạ ơn như vậy. Trước hết, tác giả lưu ý chúng ta thái độ dửng dưng mà cầu nguyện của người Biệt phái. Tư thế "đứng" không có gì đáng chê. Người thu thuế cũng sẽ đứng mà cầu nguyện. Nhưng có nhiều cách đứng. Và cách đứng của người Biệt phái nói lên niềm tự tín, phấn khởi. Không có sự kính sợ Chúa trong cách đứng của ông. Ông đến kể công chứ không cầu nguyện. Ông quen phô trương sự công chính thánh thiện trước mặt người khác khi khua chuông đánh trống lúc bố thí và cầu nguyện, nên cũng chỉ có thái độ phô trương công trạng trước mặt Thiên Chúa...
Thật ra, ông có để ý gì đến Chúa, mà chỉ quan tâm đến mình, đến sự nghiệp của mình. Ông cầu nguyện nơi mình chứ không cầu nguyện với Chúa. Ông nói cho mình nghe và cùng lắm cho người khác nghe, chứ đâu có cần Chúa biết, vì ông không chờ Người ban cho hay làm gì cho ông cả. Ông cầu nguyện để thêm tự tín và phô trương, thế thôi.
Ðang khi ấy; người thu thuế đứng lẻn đàng xa, không dám, ngước mắt lên, nhưng đấm ngực mà rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin khấng thương tôi là đứa tội lỗi". Người ấy có thái độ kính sợ Chúa và khiêm nhường thống hối ăn năn. Chắc chắn, người ấy không dám kể công vì có thể chẳng có công gì mà kể. Nhưng chúng ta cũng đừng ngạc nhiên vì người ấy không kể tội ra. Có lẽ vì không cần thiết nữa: người biệt phái đã kể rồi. Người ấy chỉ cần công nhận phán xét của người biệt phái... và khi công nhận mình là đứa tội lỗi, chắc chắn người ấy coi việc kể tội là dư thừa... Ðiều người ấy chú ý là tha thiết nài xin lòng Chúa khấng thương xót cho mình, thế thôi.
Ðức Giêsu bảo: Người thu thuế ra về thì được giải án tuyên công, tức là được công chính hóa, khác với người biệt phái kia thì không. Phán quyết của Người không làm chúng ta ngạc nhiên, vì chúng ta đã biết nhiều về giáo huấn của Người. Nhưng chắc chắn nó đã làm những biệt phái và Do Thái thời ấy giật mình mà suy nghĩ. Và họ sẽ chỉ có thể hiểu được nếu nhớ lại giáo huấn của Cựu Ước như chúng ta đã thấy trong bài sách Huấn ca.
Người ta đừng lấy lễ vật và việc giữ luật mà "hối lộ" Thiên Chúa. "Nỗi hồn cay đắng là của lễ được nhận", tác giả sách Huấn ca đã viết như vậy (35,16). Lòng đạo đức chân thành nằm nơi tâm hồn thống hối ăn năn. Chính Chúa công-chính-hóa con người, chứ con người không thể là công chính. Nếu chúng ta đã để ý thì thấy Chúa Giêsu nói dụ ngôn này "với những kẻ tự tín rằng mình là kẻ công chính" để rồi chúng sẽ nhận ra mình không được công chính hóa; đang khi kẻ thấy mình không công chính nhưng biết ăn năn hối cải và cầu xin lòng thương xót thì được Chúa công chính hóa. Thành ra bài dụ ngôn đã kết luận: "Kẻ nào nhấc mình lên sẽ bị hạ xuống; còn kẻ nào hạ mình xuống sẽ được nhấc lên".
Câu kết luận càng cho chúng ta thấy rõ bài học của bài Tin Mừng hôm nay. Chúa không ưa kẻ tự tín. Họ không chờ ơn Người cứu độ. Ngược lại ai khiêm tốn cầu xin ơn tha thứ, sẽ được Chúa nhận lời và ban cho ơn trở nên công chính.
Giáo huấn của Chúa còn làm sáng tỏ bài sách Huấn ca. Nhờ ánh sáng Tin Mừng Chúa Giêsu mang đến, chúng ta hiểu kẻ khó nghèo đích thực luôn được Chúa chiếu cố nghe lời và thi hành công lý cho là mọi kẻ khiêm nhường như người thu thuế, nhận rằng mình là đứa tội lỗi và khẩn thiết cầu xin ơn cứu độ. Họ cần được công-chính-hóa chứ không đòi được nhìn thấy sự chí công của Chúa ở đời này. Những tâm tình như vậy, chúng ta gặp thấy rõ ràng trong bài thư Phaolô hôm nay.

3. Chúa Ðộ Vào Nước Trời
Thánh Tông đồ bấy giờ không những đang ở tù, mà còn biết sắp được tử đạo. Như người ta có thói quen đổ rượu (hoặc nước, hoặc dầu) trên của lễ trước khi dâng, máu ngài cũng sắp đổ ra trên cái chết của ngài. Do đó giờ ra đi lên đường của ngài đã đến.
Nhìn lại cuộc đời, Phaolô thấy mình đã chiến đấu tốt, đã chạy đến cùng đích rồi. Nhưng không vì vậy mà ngài tự tín, tự phụ vì ngài đã phấn đấu như thế chỉ để kiên giữ lòng tin vào Chúa; và ngài đã chạy như vậy như thể dưới mắt quan sát và trọng tài của Chúa. Ngài không làm gì cho mình, cũng như không phải để cho ai xem. Ðối với ngài tất cả chúng ta đều như các lực sĩ nơi thao trường. Khán giả duy nhất là Chúa, Ðấng phán xét chí công. Người sẽ ban triều thiên công chính cho hết mọi người đã đầy lòng yêu mến trong cuộc trông đợi cuộc hiển linh của Người mà chạy.
Như vậy chỉ có Chúa là lẽ sống của Phaolô. Các phấn đấu của ngài là để được triều thiên công chính. Ngài biết mình chưa là công chính. Sự công chính nằm nơi tay Chúa. Người sẽ ban nó cho hết thảy những ai biết phấn đấu.
Phaolô đã phấn đấu tốt, không phải với sức mình, nhưng hoàn toàn nhờ sức Chúa. Mới rồi đây, khi bị đưa ra tòa để biện hộ, Phaolô đã trơ trọi. Chẳng một ai ủng hộ ngài... Nhưng Chúa đã giúp sức. Và Phaolô đã ăn nói dạn dĩ làm chứng cho Chúa và đã thoát nạn. Ngài tin chắc rằng Chúa còn ban ơn để cuối cùng Chúa sẽ cứu mà độ ngài vào Nước Trời.
Và như vậy từ đầu chí cuối Phaolô chỉ có những tâm tình khiêm cung của kẻ biết mình yếu đuối mà thành khẩn trông cậy ơn Chúa... Ngài sống như kẻ "khó nghèo" của Phúc Âm; và vì thế ngài không hề phàn nàn về người khác. Ngay khi nhớ lại lúc bị mọi người bỏ rơi một cách bất công bất nhẫn, ngài cũng chỉ cầu nguyện cho họ được ơn tha thứ. Ngài bắt chước "Ðấng Khó Nghèo" khi ở trên thánh giá đã cầu nguyện cho kẻ giết mình. Ngài để lại cho chúng ta những tâm tình thắm thiết trong lời di chúc hôm nay để Hội Thánh chúng ta muôn đời suy nghĩ.
Chúng ta ghi nhận lời ngài và luôn luôn ghi nhớ gương sáng của ngài. Nhờ đoạn thư hôm nay của ngài, chúng ta hiểu Cựu Ước và Tân Ước hơn khi những sách này nói đến tư cách khó nghèo của những người được Chúa chọn. Nhất là nhờ giáo huấn của ngài bây giờ chúng ta biết đi vào thánh lễ với những tâm tình chân thật.
Ðây không phải là lễ dâng bề ngoài, vì có thể nói bề ngoài chẳng có gì đáng kể. Chúng ta đây là những người dâng lễ cũng chẳng công chính gì. Chúng ta giống người thu thuế trong bài Tin Mừng hơn là giống người biệt phái. Chúng ta đến đây không phải chỉ để cầu xin lòng thương xót Chúa.
Hơn nữa, chúng ta còn muốn tham dự vào hành vi khó nghèo của Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thánh giá. Chúng ta muốn được sự sống của Người để trong đời sống chúng ta học với Người mà ở hiền lành khiêm nhường... Không những chúng ta sẽ đẹp lòng Chúa mà còn giúp ích được cho đời. Ðó là điều chúng ta cầu nguyện cho nhau hôm nay trong thánh lễ này.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Chủ Nhật 30 Thường Niên, Năm C

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin và những thái độ cần có khi cầu nguyện với Thiên Chúa.

Làm thế nào để lời cầu nguyện của một người được Thiên Chúa đoái nhận là chủ đề của Lời Chúa tuần này. Trước khi cầu nguyện, con người phải có một số những hiểu biết căn bản để rồi có thái độ thích hợp khi cầu nguyện: Thiên Chúa là quan tòa không bao giờ thiên vị; mọi lời cầu xin sẽ được Thiên Chúa cứu xét; những gì Thiên Chúa hứa Ngài sẽ giữ lời; con người không bao giờ có thể tự mình trở nên công chính vì tất cả đều phạm tội; con người chỉ có thể công chính bằng đặt niềm tin nơi Thiên Chúa và cố gắng tuân giữ các điều Ngài truyền dạy.
Các bài đọc hôm nay dẫn chứng những hiểu biết căn bản này. Trong bài đọc I, tác giả Sách Huấn Ca mô tả Thiên Chúa là một quan tòa chí công vô tư. Ngài bênh vực quyền lợi cho kẻ bị áp bức, và nghe tiếng van nài của mẹ góa con côi. Trong bài đọc II, Phaolô biết trước những gì sẽ xảy ra cho ông trong những ngày cuối đời tại Rôma, ông sẽ bị bạn đồng hành bỏ rơi và bị ngược đãi bởi người Do-thái cũng như nhà cầm quyền; nhưng ông vẫn một niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ bảo vệ ông khỏi mọi nguy hiểm và đã sắm sẵn cho ông một triều thiên công chính trên trời. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kể một câu truyện để nhắc nhở các môn đệ thái độ phải có khi cầu nguyện: đừng cậy dựa sức mình, đừng khinh thường tha nhân; nhưng phải biết cậy dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa và khiêm nhường thú nhận tội lỗi của mình.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa lắng nghe mọi lời nguyện xin.

1.1/ Thiên Chúa là Đấng xét xử chí công vô tư.
Không giống như các vua chúa hay những nhà lãnh đạo thế gian, họ thường xét xử theo tình cảm và lợi lộc vật chất; Thiên Chúa là quan tòa chỉ xét xử theo sự thật. Ngài không thiên vị ai, và cũng chẳng ai có thể mua chuộc Thiên Chúa.
Hơn nữa, vì tất cả mọi người đều là con cái của Ngài, nên Ngài tỏ lòng quan tâm đặc biệt đến những người cô thân cô thế. Tác giả Sách Huấn Ca liệt kê hai hạng người được Thiên Chúa quan tâm đặc biệt:
(1) Những người nghèo hèn bị đối xử bất công: “Người không vị nể mà làm hại kẻ nghèo hèn, nhưng nghe lời kêu xin của người bị áp bức.”
(2) Mẹ góa, con côi: Vì họ không có chồng hay không có cha, Thiên Chúa sẽ bảo vệ họ khỏi những kẻ lợi dụng: “Người không coi thường lời khấn nguyện của kẻ mồ côi, hay tiếng than van của người goá bụa.”

1.2/ Thiên Chúa cứu xét mọi lời cầu nguyện.
Nhiều người tự hỏi làm sao Thiên Chúa có thể nghe và cứu xét tất cả lời cầu nguyện của con người; nhất là của những người thấp mũi bé miệng; những người không có công trạng gì trước mặt Thiên Chúa? Nhiều lần chúng ta đã nói Thiên Chúa điều khiển vũ trụ bằng cách dùng các thiên thần. Họ là những sứ giả mang lời cầu nguyện của con người lên Thiên Chúa và chuyển những ơn lành từ Thiên Chúa xuống cho con người. Sứ thần Raphael đã củng cố điều này khi nói cho Tobia hiểu kế hoạch của Thiên Chúa cho gia đình ông.
Tác giả Sách Huấn Ca cũng xác nhận Thiên Chúa nghe tất cả lời cầu nguyện của con người và sẽ cứu xét từng trường hợp để có thể ban như lời con cái kêu xin. Khi một người luôn làm theo ý Thiên Chúa kêu xin, Ngài sẽ đáp lời họ: “Kẻ phục vụ Đức Chúa theo ý Người sẽ được Người chấp nhận, lời họ kêu xin sẽ vọng tới các tầng mây. Lời nguyện của người nghèo vượt ngàn mây thẳm.”
Vì thế, thái độ con người cần có khi cầu nguyện là kiên trì tin tưởng lời cầu nguyện của mình sẽ được thiên thần mang lên trước thiên nhan Chúa. Ngài sẽ cứu xét từng trường hợp và sẽ ban như ý họ kêu xin.

2/ Bài đọc II: Giờ đây tôi chỉ còn đợi triều thiên dành cho người công chính.

2.1/ Phaolô hoàn toàn tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sau khi đã làm chứng cho Đức Kitô tại Jerusalem, Ngài đã hiện ra với ông trong một thị kiến ban đêm để an ủi và cho ông biết ông sẽ làm chứng cho Ngài tại Roma nữa; đồng thời Ngài cũng cho ông biết những gian nan nguy hiểm đang chờ ông tại Roma.
Phaolô viết thư này cho môn đệ Timothy khi ông đang bị giam trong tù tại Roma, với mục đích để khích lệ tinh thần cho Timothy sẵn sàng làm chứng cho Đức Kitô: “Còn tôi, tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện.”
Phaolô không cho là ông xứng đáng với triều thiên dành cho người công chính bằng những công việc ông làm; nhưng Phaolô muốn nhấn mạnh đến niềm tin trung thành nơi Đức Kitô. Ngài là Thẩm Phán Chí Công, Ngài là Đấng sẽ tuyên bố Phaolô là người công chính, và sẽ trao phần thưởng là triều thiên công chính cho ông.
Đoạn văn này là bằng chứng cho những người hiểu lầm học thuyết của Phaolô khi ông nói con người được công chính nhờ đặt niềm tin nơi Đức Kitô, mà không cần phải làm gì để chứng tỏ niềm tin. Phaolô chứng minh niềm tin của ông vào Thiên Chúa bằng việc hoàn tất sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngoại mà Đức Kitô đã trao cho ông, và giờ đây, ông còn sẵn sàng đổ máu để làm chứng cho Tin Mừng ông rao giảng trên đất Rôma của Dân Ngoại.

2.2/ Phaolô có thể vượt qua mọi trở ngại là nhờ ông vững tin nơi Thiên Chúa.
Nhìn lại cuộc đời rao giảng Tin Mừng của Phaolô, chúng ta không khỏi ngạc nhiên về sự kiên trì phi thường của ông, khi phải đương đầu với những đau khổ bên trong cũng như bên ngoài, như trong trình thuật hôm nay, ông viết: “Khi tôi đứng ra tự biện hộ lần thứ nhất, thì chẳng có ai bênh vực tôi. Mọi người đã bỏ mặc tôi. Xin Chúa đừng chấp họ.” Tuy phải chịu đau khổ như thế, nhưng ông đã noi gương Đức Kitô, chẳng những không trách cứ họ, mà còn cầu nguyện cho họ nữa.
Phaolô nhận ra sức mạnh để chịu đựng và sự thành công trong việc rao giảng Tin Mừng không đến từ con người yếu đuối của ông; nhưng nhờ ông đặt niềm tin trọn vẹn nơi Đức Kitô. Ông viết: “Có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. A-men.”

3/ Phúc Âm: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Trước hết, chúng ta cần chú ý: mục đích của Chúa Giêsu khi kể câu truyện này là muốn răn dạy những người tự cho mình là công chính và khinh chê người khác.

3.1/ Thái độ của người Pharisee:
(1) Tác phong của người Pharisee: Tác phong của một người nói lên rất nhiều về tính khí của người đó. Trình thuật kể ông đứng thẳng trước thiên nhan của Thiên Chúa, chứ không xấp mình đấm ngực như người thu thuế.
(2) Hai cách ông làm để đề cao mình: nói xấu người khác và nói tốt về mình. Ông nói xấu hay giảm giá trị của người khác khi ông cầu nguyện: "Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia.” Cầu nguyện là lúc con người nói chuyện của mình với Thiên Chúa; chứ không phải là lúc để tố tội người khác. Có lẽ ông cám ơn Thiên Chúa đã cho ông sức mạnh để ông trở thành người quá tốt như thế; nhưng đó không phải là những gì Thiên Chúa muốn nghe. Ngài muốn ông nhận ra những khuyết điểm của mình, chứ không muốn ông luận tội người khác, vì đó không phải là việc của ông. Ông khoe thành tích của mình: “Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.” Việc khoe thành tích của ông chứng tỏ ông không biết Thiên Chúa là ai. Ngài biết tất cả việc ông làm và ý hướng bên trong của ông, Ngài không cần ông phải nhắc nhở. Việc ông đóng góp 10% cho Đền Thờ cũng chỉ là dâng lại những gì Thiên Chúa ban cho ông. Nếu để ý lời cầu nguyện của người Pharisee, chúng ta thấy ông không xin Thiên Chúa điều gì cả, ông chỉ tạ ơn Chúa; nói đúng hơn ông chỉ khoe thành tích của ông với Thiên Chúa.

3.2/ Thái độ của người thu thuế:
(1) Tác phong của người thu thuế: Ông đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: "Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
(2) Ông biết ông là người tội lỗi. Ông biết ông không có công trạng gì trước mặt Thiên Chúa. Ông hoàn toàn cậy dựa hoàn toàn vào lòng từ bi của Thiên Chúa.

3.3/ Kết quả của việc cầu nguyện: Chỉ có Thiên Chúa là Đấng nhận lời cầu nguyện của con người. Chúa Giêsu tuyên bố rõ ràng kết quả: “Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không.” Lý do được chấp nhận hay từ chối: “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên."
Việc tuyên bố ai là công chính hoàn toàn là việc của Thiên Chúa, vì không ai là người không có tội. Con người được trở nên công chính là nhờ niềm tin vào Đức Kitô, Đấng đã gánh tội cho con người và hòa giải con người với Thiên Chúa. Thái độ tự cho mình là công chính gây ra rất nhiều nguy hiểm cho con người:
- Vì thấy mình quá tốt lành nên họ không cần tình thương tha thứ của Thiên Chúa. Thời nào cũng có những loại người này: các Pharisees thời của Chúa Giêsu, Pelagism hay Semi-Pelagism thời của thánh Augustine. Thánh Gioan khuyên nhủ các môn đệ của Ngài: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta... Nếu chúng ta nói là chúng ta đã không phạm tội, thì chúng ta coi Người là kẻ nói dối, và lời của Người không ở trong chúng ta” (1 Jn 1:8-10).
- Họ không thấy có tội là vì chưa xét mình cẩn thận hay lương tâm đã quá chai đá đó thôi. Nếu chịu khó xét mình cẩn thận, họ sẽ nhận ra họ cũng là tội nhân như bao người khác.
- Khi thấy mình hoàn hảo, họ dễ khinh thường và xét đoán người khác. Tật xấu này gây cho họ nhiều bất an và phá hủy gia đình cũng như cộng đoàn của họ; vì họ luôn bắt những người chung quanh phải sống theo tiêu chuẩn của họ, những gì mà họ nghĩ là “hoàn hảo.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Lời cầu nguyện với lòng thành tín làm theo ý Thiên Chúa chắc chắn sẽ được Ngài nhậm lời. Không một lời cầu nguyện nào mà không được dâng lên trước tôn nhan Thiên Chúa.
- Chúng ta phải sẵn sàng đương đầu với mọi gian nan trong cuộc đời để làm chứng cho Thiên Chúa. Ngài sẽ bảo vệ và cung cấp cho chúng ta sức mạnh cần thiết để vượt qua.
- Chúng ta cần phải có thái độ khiêm nhường khi cầu nguyện: nhận mình là người tội lỗi và trông chờ ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.



Hai hạng người cầu nguyện


Bài Phúc Âm chúng ta vừa nghe có thể không cần một câu chuyện hướng dẫn nào khác, nhưng tự nó gợi ý để chúng ta suy nghĩ về điều mà chúng ta có thể gọi là sự thành thật của người Kitô. Thành thật với chính mình, thành thật với kẻ khác và thành thật với Thiên Chúa.
Con người thành thật là con người nhìn nhận thực thể của mình và cảm nhận thực thể đó một cách trung thực. Thành thật trước tiên không có nghĩa là nói thẳng ra điều mình nghĩ hay điều mình cảm nhận. Nói thẳng điều mình nghĩ, điều mình cảm nhận được không đủ để sống thành đạt. Trước hết, yếu tố quan trọng phải là chân thành nhìn nhận thực thể mình, nhìn nhận chính điều mình nghĩ về mình, và khi ta nhận thực thể mình và ý thức những giới hạn của nó, ta sẽ không còn hứng thú để xét đoán kẻ khác.
Người thành thật ý tứ để đừng lừa gạt chính mình và cũng không lừa gạt kẻ khác. Người thành thật không thích người giả hình, không thích mánh mung, nói láo. Đây không phải là điều dễ, cần phải kiên trì quan sát mình, phải xét mình hằng ngày dựa theo lời Chúa và trong sự khiêm tốn vâng phục ơn soi sáng nội tâm của Chúa. Lời cầu nguyện của chúng ta cần dâng lên Chúa hằng ngày phải là: “Lạy Chúa, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa. Lạy Chúa xin thương xót con vì con là kẻ có tội.
Bài dụ ngôn hôm nay nêu bật lời cầu nguyện khiêm nhường của người thu thuế, anh không nhìn sang người khác, không dám so sánh mình với kẻ khác, nhưng nhìn vào mình và so sánh mình với mẫu gương của Chúa, qua đó anh đã khám phá ra những khuyết điểm của mình rồi khiêm tốn chấp nhận.
Chúng ta cũng vậy, mỗi lần chúng ta đặt mình trước nhan Chúa, khi cầu nguyện chúng ta hãy ý thức rằng, Thiên Chúa đã biết rõ cả rồi, đã biết trọn cả con người của chúng ta là như thế nào rồi, nên không cần che giấu tránh né. Nhưng Thiên Chúa cũng là Đấng nhân từ và hay thương xót, nên chúng ta không quá lo sợ hay tuyệt vọng vì những bất toàn ấy mà hãy vươn lên cùng Chúa, xin Chúa chữa lành: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”.
Trong lời cầu nguyện của người thu thuế, chúng ta còn có thể khám phá ra một yếu tố quan trọng khác nữa, khi cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi, là kẻ đã xúc phạm đến Chúa”. Người thu thuế kia tha thiết muốn kêu lên cùng Chúa, muốn hưởng nhờ lòng nhân từ của Ngài để tiến mãi trên con đường thiêng liêng, sống mối tương quan với Chúa mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Người Pharisêu không có được thái độ này, ông tự mãn với chính mình và ông nghĩ là do công trạng của mình tạo lập ra, như vậy lời cầu nguyện của ông thật ra không phải là lời cầu nguyện mà chỉ là những lời khoe khoang đi kèm với thái độ khinh dể kẻ khác.
Ước chi trong cuộc sống đức tin của mỗi người chúng ta, chúng ta đừng nhìn sang kẻ khác mà so sánh. Bởi vì chúng ta sẽ bị cám dỗ so sánh mình với những bất toàn của anh chị em và nâng mình lên khinh dể kẻ khác. Chúng ta hãy so sánh mình với chính mẫu gương trọn lành của Chúa để nhận biết chúng ta còn nhiều điều phải canh tân để tiến lên mãi: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ tội lỗi”.
Ước chi lời cầu nguyện này trở thành lời cầu nguyện của mỗi người chúng ta không những hôm nay mà trong mọi ngày của đời sống chúng ta, để chúng ta nhận lãnh ơn thương xót của Chúa và tiến lên mãi trong tình thương của Ngài. Xin Chúa gìn giữ chúng ta trong đức tin mà giờ đây chúng ta cùng nhau tuyên xưng qua Kinh Tin Kính.

Veritas
(Trích dẫn từ ‘Hãy Ra Khơi’)


27/10/13 CHÚA NHẬT TUẦN 30 TN – C  
Lc 18,9-14

THÁI ĐỘ KHI CẦU NGUYỆN
Chúa Giêsu kể dụ ngôn sau đây: “ . . có hai người lên Đền thờ cầu nguyện: một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.” (Lc 18,10)
Suy niệm: Qua một dụ ngôn súc tích, Chúa Giêsu so sánh hai mẫu người để cho chúng ta biết thế nào là cầu nguyện. Ông Pharisêu thuộc mẫu người mắc “bệnh thành tích”: báo cáo của ông mọi thứ đều “vượt chỉ tiêu”: Luật Môsê buộc ăn chay trong ngày lễ Xá tội (Ds 29,7) và một số dịp đặc biệt khác, còn ông ăn chay một tuần hai lần; thuế thập phân thì ông nộp nghiêm túc không chỉ hoa lợi ngoài đồng (Đnl 14,22) mà còn đủ mọi thứ chi li: bạc hà, thì là, rau húng (Mt 23,23). Thế nhưng ông dẫm đạp người khác xuống để tôn mình lên: “Con không như người khác… hoặc như tên thu thuế kia.”Chính sự tự mãn này làm cho lời cầu nguyện của ông không được Chúa đoái trông đến.
Còn người thu thuế biết mình không có gì để khoe, và cũng chẳng có ai thấp kém hơn mình để đạp. Ông chỉ biết mình được xếp loại ngang hàng với gái điếm. Ông đứng xa xa, không dám ngước lên trời, đấm ngực và nói lên điều mà lòng ông đang khao khát:“Xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Chính vì lòng khao khát này mà ông được Chúa đoái thương và lời nguyện xin của ông được Ngài chấp nhận.
Mời Bạn: Đối chiếu hai mẫu người trên, bạn tự xét mình có thái độ nào trong khi cầu nguyện.
Sống Lời Chúa: Xét mình và thưa với Chúa một cách thật lòng: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con có lòng khiêm tốn chân thành của người thu thuế, để con đón nhận anh em con với tình thương mến và để con cũng được Chúa thương đón nhận. Amen.

KHIÊM TỐN LÀ NỮ HOÀNG CỦA MỌI NHÂN ĐỨC (CHÚA NHẬT XXX/C)

SUY NIỆM

”Tất cả những ai tự nâng mình lên, sẽ bị hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nâng lên”. Câu kết của Đức Chúa GIÊSU nhấn mạnh tầm quan trọng của nhân đức KHIÊM NHƯỜNG.

”Hãy theo và học cùng Thầy, vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”. Ước gì tư tưởng này theo sát các tín hữu Công Giáo mỗi giây phút trong cuộc sống. Nó cũng giúp mọi người mỗi ngày một trở nên giống Thầy Chí Thánh GIÊSU hơn. Hiền lành và khiêm nhượng trong lòng! Nguyên vẻ đẹp của chính câu nói cũng đủ thúc đẩy các tín hữu Công Giáo tiến bước trên con đường thánh thiện: Hiền lành và khiêm nhượng trong lòng!

Hơn thế nữa, sách Đức-Huấn-Ca khẳng định: ”Lời cầu nguyện của kẻ khiêm nhường vọng lên tới các tầng mây: nó sẽ không yên lòng cho đến khi lời nguyện nó đến nơi, và nó chẳng rút lui cho đến khi Đấng Tối Cao đoái nhìn”. Và chắc chắn Đấng Tối Cao sẽ đoái nhìn, vì Ngài chăm sóc cách riêng những kẻ bé nhỏ và khiêm tốn. THIÊN CHÚA là Cha Nhân Hậu sẽ bênh đỡ, bảo vệ và ở cùng người khiêm tốn. Và một khi THIÊN CHÚA ở cùng ai, người đó có tất cả. Dù bị thế gian, ma quỷ và sự dữ tấn kích, người khiêm tốn vẫn không hề nao núng. Bởi vì người khiêm tốn đặt trọn niềm tin tưởng nơi THIÊN CHÚA Ba Ngôi.

Thật thế, nếu Tình Yêu là Vua của mọi nhân đức thì Khiêm Nhường là Nữ Hoàng của mọi nhân đức. Đây là điều mà thế hệ ngày nay vẫn chưa hiểu. Con người ngày nay cần học biết cư xử với nhau cách đầy tràn tình yêu và khiêm tốn.

Tín hữu Công Giáo mau mắn kêu xin cùng Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA các ơn Khiêm Tốn và Yêu Thương mỗi khi lần hạt Mân Côi, và Đức Mẹ MARIA sẽ ban cho mỗi người 2 ơn này thật dồi dào. Đây là các ơn rất cần thiết cho sự cứu rỗi của từng người, đặc biệt trong thời buổi mà thế giới gần như bị rơi xuống vực sâu của khủng bố, hủy hoại, tàn phá và chết chóc. Trong mọi công việc mỗi tín hữu Công Giáo đều làm với trọn lòng KHIÊM TỐN và đầy tràn TÌNH YÊU. Tín hữu cư xử với nhau cách thật KHIÊM TỐN và đầy tràn TÌNH YÊU. Như thế, các tín hữu Công Giáo sẽ có thể lấp đầy hố thẳm của kiêu căng và tội lỗi ..

Các tín hữu Công Giáo cũng học cách mau mắn tha thứ cho nhau, không nuôi dưỡng lòng thù hận. Còn có rất nhiều người không chịu tha thứ! Thật đáng buồn! Những người này không thể hy vọng được tha thứ, bao lâu họ không muốn tha thứ cho tha nhân. Vì thế, mỗi tín hữu cố gắng ý thức rõ điều này và mau mắn thật lòng tha thứ cho tha nhân. Trong cuộc sống, tâm tình khiêm tốn là nền tảng vững vàng kiên cố nhất để xây dựng lòng tha thứ. Và từ lòng tha thứ, tín hữu Công Giáo sẽ kín múc niềm an bình cùng hạnh phúc tràn trề. Bởi vì, oán thù là độc dược ngăn cản con người sống vui tươi và thoải mái. Trái lại, TÌNH YÊU là dầu thơm lan tỏa niềm hạnh phúc cho riêng mình và cho mọi người sống chung quanh.

Một khuôn mặt rạng rỡ tình yêu và lòng khiêm tốn là khuôn mặt khả ái dịu dàng nhất. Đó là khuôn mặt phản chiếu Tình Yêu THIÊN CHÚA. Ai ai cũng hưởng nếm niềm an bình mỗi khi có dịp nhìn khuôn mặt ấy. Dĩ nhiên tín hữu Công Giáo không thể không nghĩ tới 2 Nhan Thánh mẫu gương tột đỉnh của mình. Đó là nhan thánh Đức Chúa GIÊSU KITÔ và Đức Trinh Nữ Rất Thánh MARIA. Ước chi mọi tín hữu luôn luôn chiêm ngắm hai nhan thánh và nhất là hãy noi theo gương sống Hiền Lành, Khiêm Tốn và Từ Bi Tha Thứ của các Ngài.

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt

www.vi.radiovaticana.va



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét