Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.
Hỏi : Ấn bản thứ ba của Sách Lễ Rôma dường như không có nghi thức làm phép muối. Liệu điều gì đó sẽ được đưa vào khi Sách Các Phép và Nghi thức được duyệt lại chăng? Cũng thế, liệu có thích hợp để làm phép muối trước khi bỏ muối vào nước mới làm phép không? - J. B., Neillsville , Wisconsin, Mỹ
Đáp: Trên thực tế, ấn bản thứ ba này vẫn giữ lại khả năng bỏ muối vào nước thánh. Nó được tìm thấy ở cuối Sách lễ như là phụ lục thứ hai. Tuy nhiên, việc thêm muối là không bắt buộc, và tùy theo phong tục địa phương quyết định.
Nghi thức nói:
"3. Nơi nào tập tục của người dân gợi ý bỏ muối vào nước làm phép, linh mục có thể làm phép muối, bằng cách đọc:
“Lạy Thiên Chúa toàn năng, chúng con khẩn khoản nài xin Chúa đoái thương lấy lòng nhân lành ban phúc + lành cho muối này, vì Chúa đã dùng ngôn sứ Ê-li-sa mà truyền dạy bỏ muối vào nước, để nước trở nên phong phú. Lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa cho nước này đã được pha muối rảy tới đâu, thì đẩy lui mọi cuộc tấn công của quân thù, và được Thánh Thần Chúa luôn luôn hiện diện gìn giữ chúng con. Chúng con nguyện xin, nhờ Đức Ki-tô, Chúa chúng con. A-men.
"Kế đó, linh mục đổ muối vào trong nước, mà không nói thêm gì.
"4. Sau đó, dùng cây rảy nước thánh, linh mục rảy nước thánh cho mình và các thừa tác viên, hàng giáo sĩ và tín hữu, linh mục đi khắp nhà thờ, nếu thích hợp.
"Trong khi đó, tín hữu hát một bài phù hợp".
Việc nhắc đến ngôn sứ Ê-li-sa (Elisha) là do ngôn sứ này chữa nước độc với muối trong 2 Vua 2, 19-21.
Việc sử dụng muối làm phép và nước thánh là đặc biệt với truyền thống Latinh. Lúc đầu, muối làm phép được nếm bởi những người chuẩn bị cho lễ rửa tội, như Thánh Augustinô và một số vị khác làm chứng. Ý nghĩa có lẽ là liên quan đến ý nghĩa ẩn dụ của muối như một biểu tượng của sự khôn ngoan của Thiên Chúa, đối với các người làm thành "muối trần gian". Nó cũng được sử dụng trong nghi thức rửa tội.
Một trong các bản văn đầu tiên đề cập đến việc sử dụng nước thánh hay nước làm phép được tìm thấy trong một lá thư viết năm 538 bởi Đức Giáo Hoàng Vigilius, gửi cho Procuro của Braga ở Bồ Đào Nha. Bởi vì văn mạch của lá thư này nhắc đến một tập tục đã có, người ta có thể phỏng đoán rằng nước thánh lần đầu tiên được sử dụng tại Rôma khoảng một thế kỷ trước đó. Có bằng chứng là các tín hữu đã đưa nước thánh về nhà họ, và chứa trong chậu nước thánh từ năm 590, mặc dù việc thực hành rảy nước thánh trên cộng đoàn trong Thánh lễ chỉ bắt đầu từ thế kỷ IX, và sự hiện diện của giếng rửa tội trong nhà thờ chỉ bắt đầu từ thế kỷ XI.
Việc trộn muối vào nước thánh có lẽ liên quan đến một tập tục đã phổ biến rộng rãi ở Rôma ngoại giáo; vì muối được nhận định là có hiệu quả trong việc xua trừ ma quỷ. Việc này được thực hành một cách đơn giản trong tập tục Kitô giáo, sau khi sự sử dụng muối của dân ngoại đã giảm thiểu đến mức không còn có bất kỳ mối nguy hiểm nào của chủ nghĩa hỗn tạp tôn giáo.
Vì vậy, mặc dù hành động của ngôn sứ Ê-li-sa được nhắc đến trong lời nguyện làm phép muối, ít có khả năng rằng câu chuyện của ngôn sứ có ảnh hưởng trực tiếp trong việc hình thành tập tục.
Các lời nguyện đầu tiên của việc làm phép muối và nước xuất hiện ở Pháp thời triều đại Merovee vào khoảng giữa năm 600 và 751. Hầu hết các lời nguyện hiện này đã được sáng tác vào đầu thế kỷ IX.
Như đã nói ở trên, mặc dù nguồn gốc của các chậu cố định nước thánh không liên quan về mặt lịch sử đến các giếng rửa tội trong nhà thờ, sự thực hành phụng vụ và lòng đạo đức riêng tư đã thiết lập một mối quan hệ trong nhiều thế kỷ.
Do đó, việc sử dụng nước thánh là một sự nhắc nhở phép rửa tội, đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi, và sự cứu chuộc qua thập giá. Khi nước được làm phép và rảy trên tín hữu vào thánh lễ Chúa Nhật, nó nhắc nhở chúng ta rằng mỗi ngày Chúa Nhật là một lễ Phục Sinh nhỏ, và bí tích rửa tội được đổi mới trong một cách biểu tượng.
Cuối cùng, hình thức ngoại thường của nghi thức làm phép muối và nước có thể được sử dụng, nhưng không phải trong một cách rằng hai hình thức của Nghi thức Rôma được nối kết lại trong một lễ cử hành duy nhất. Thực ra cũng không cần thiết, bởi vì nghi thức vẫn còn tìm thấy trong Sách lễ thông thường. (Zenit.org 22-10-2013)
Nguyễn Trọng Đa(vietcatho;ic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét