Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

20-10-2013 : CHÚA NHẬT LỄ KHÁNH NHẬT TRUYỀN GIÁO

CHÚA NHẬT 20/10/2013
Chúa Nhật Lễ Khánh Nhật Truyền Giáo


Bài Ðọc I: Is 60, 1-6
Trích sách Tiên Tri Isaia.
1 Ðứng lên, bừng sáng lên! Vì ánh sáng của ngươi đến rồi. Vinh quang của Ðức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi. 2 Kìa bóng tối bao trùm mặt đất, và mây mù phủ lấp chư dân; còn trên ngươi Ðức Chúa như bình minh chiếu toả, vinh quang Người xuất hiện trên ngươi. 3 Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. 4 Ðưa mắt nhìn tứ phía mà xem, tất cả đều tập hợp, kéo đến với ngươi: con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông. 5 Trước cảnh đó, mặt mày ngươi rạng rỡ, lòng ngươi rạo rực, vui như mở cờ, vì nguồn giàu sang sẽ đổ về từ biển cả, của cải muôn dân nước sẽ tràn đến với ngươi. 6 Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Ma-đi-an và Ê-pha: tất cả những người từ Sơ-va kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương, và loan truyền lời ca tụng Ðức Chúa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-5
Ðáp: Âm thanh họ truyền khắp địa cầu.
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, không trung loan báo việc tay Người làm. Ngày qua mách bảo cho ngày tới, đêm này kể lại với đêm kia. - Ðáp.
2) Chẳng một lời một lẽ, chẳng nghe thấy âm thanh, mà tiếng vang đã dội khắp hoàn cầu và thông điệp loan đi tới chân trời góc biển. Chúa căng lều cho thái dương tại đó. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1Tm 2,1-8
Trích Thư Thánh Phaolô Tông Ðồ Gửi Tín Hữu Timôthê.
1 Vậy tiên vàn mọi sự, tôi truyền phải dâng lời khẩn xin, cầu nguyện, kỳ đảo, tạ ơn cho hết mọi người, 2 cho vua Chúa và hết các người quyền cao chức trọng, ngõ hầu ta được qua một đời yên hàn, ổn định, trong đạo đức vẹn toàn và nghiêm chỉnh. 3 Ðó là điều tốt lành, đẹp lòng Thiên Chúa, Cứu Chúa của ta. 4 Người muốn cho mọi người được cứu thoát và được nhìn biết sự thật. 5 Vì chỉ có một Thiên Chúa và cũng chỉ có một Ðấng trung gian giữa Thiên Chúa và nhân loại: 6 một người, là Ðức Yêsu, Ðấng đã thí mình làm giá chuộc thay cho mọi người; chứng đã tuyên ra vào chính thời chính buổi, 7 mà tôi đã được đặt làm lệnh sứ, làm tông đồ -- và tôi nói thật, chứ không nói dối -- làm tấn sĩ dân ngoại, trong đức tin, trong sự thật.
8 Vậy tôi muốn nam nhân cầu nguyện mọi nơi thì giăng lên những bàn tay lành thánh, không nóng giận, không cãi cọ.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài đọc sau đây:
Bài Ðọc II: Act 1, 3-8
Trích sách Công Vụ Tông Ðồ.
Sau khi Chúa Giêsu sống lại, 3 Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. 4 Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Ðồ, Ðức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, "điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, 5 đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần.
6 Bấy giờ những người đang tụ họp ở đó hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Ítraen không?" 7 Người đáp: "Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, 8 nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari cho đến tận cùng trái đất".
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Mt 28, 19-20
Alleluia, alleluia! - Thầy bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 16,15-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Mác-cô.
15 Và Ðức Giêsu nói với các môn đệ: "Hãy đi khắp cả thiên hạ rao giảng tin mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin cùng chịu thanh tẩy thì sẽ được cứu, còn ai không tin thì sẽ bị luận tội. 17 Những dấu lạ này sẽ tháp tùng kẻ tin: nhân danh Ta, chúng sẽ trừ quỉ, nói các thứ tiếng, 18 Chúng sẽ cầm rắn trong tay, và dẫu có uống nhằm thuốc độc, thuốc độc cũng chẳng hại được chúng; chúng sẽ đặt tay cho kẻ liệt lào và họ sẽ được an lành mạnh khỏe".
19 Vậy sau khi đã nói với họ rồi, Chúa Yêsu được nhắc về trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn họ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng họ hoạt động, và củng cố lời bởi phép lạ kèm theo.
Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc bài Phúc Âm sau đây:
Phúc Âm: Mt 28, 16-20
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
16 Mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Ðức Giêsu đã truyền cho các ông đến. 17 Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. 18 Ðức Giêsu đến gần, nói với các ông: "Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. 19 Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, 20 dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Như Cha đã sai Con vào thế gian thì Con cũng sai chúng vào thế gian
Chúa Nhật Truyền Giáo
(Ys 2,1-6; Cv 11,19-26; Yn 17,11b.17-23)
Hôm nay, ngày Chúa Nhật Truyền Giáo, Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem Tin Mừng cứu độ của Chúa Yêsu Kitô đến cho lương dân, để làm cho họ cũng trở nên môn đệ của Người. Chúng ta đừng vội kêu lên: làm sao chúng tôi làm được việc ấy? Ngay việc giữ đạo cũng đã khó rồi, huống nữa còn nói đến việc truyền giáo! Ðàng khác, chúng tôi đến với lương dân như thế nào được? Ai làm việc nhà thay cho chúng tôi? Dễ gì mà tiếp xúc với người ta? Và ai mà lại không có lập trường? Vấn đề làm cho người khác "trở lại" xem ra không còn dễ như ngày trước nữa...
Nhưng nói gì thì nói, rõ ràng Lời Chúa hôm nay muốn sai chúng ta đến với lương dân. Và chúng ta không thể sống đẹp lòng Chúa nếu không thao thức làm cho lương dân trở thành môn đệ của Người. Vậy, chúng ta phải tìm hiểu lý do tại sao chúng ta được sai đi, sai đi để làm gì và phải làm việc ấy thế nào?

A. Lý Do Truyền Giáo
Chính Ðức Yêsu hôm nay trong Tin Mừng đã nói lên lý do tại sao chúng ta được sai đến với lương dân. Người nói: "Như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian". Qua lời vắn tắt ấy, Chúa Yêsu công khai sai các môn đệ của Người đi. Người chọn họ để sai đi. Ơn gọi Kitô hữu và ơn gọi tông đồ là một, vì tông đồ chỉ có nghĩa là được sai đi. Thế nên Công đồng Vatican II đã khẳng định Giáo hội là Giáo hội truyền giáo. Giáo hội gồm những người được sai đi. Và truyền giáo là lẽ sống của Giáo hội. Mọi người trong Giáo hội phải truyền giáo. Không truyền giáo là không thi hành ơn gọi của mình.
Và Chúa Yêsu không thể làm thế khác. Người không thể cứu chuộc ai mà đồng thời lại không sai họ đi. Người không thể nhận ai vào thân thể của mình mà lại không để cho họ thông phần vào sự sống của Người. Mà sự sống của Người là làm theo ý Chúa Cha, là tham dự sự sống của Chúa Cha, là chia sẻ tất cả những gì Chúa Cha có. Thật sự, chẳng ai thấy Chúa Cha bao giờ... Và chẳng ai biết được Người, ngoại trừ Chúa Con. Thếmà Chúa Cha đã cho chúng ta biết: Chúa Cha yêu thương loài người đến nỗi đã ban Con của Người cho họ để họ được sự sống của Người. Nghĩa là chúng ta đã được biết Chúa Cha là Bác ái, Yêu thương; là Ðấng thương yêu loài người và muốn cứu chuộc loài người. Chính vì lòng yêu thương vô vàn đó mà Người đã sai Con của Người xuống thế. Và Con của Người đến với loài người không để làm công việc nào khác chính là việc thi hành lòng yêu thương của Chúa Cha muốn cứu độ mọi người. Thế nên khi chúng ta đang còn là tội nhân, thì Chúa Con đã hy sinh dâng mình làm lễ tế cứu chuộc chúng ta. Người là Sứ giả của Chúa Cha, là Tông đồ của Chúa Cha sai xuống cứu độ trần gian. Người đã làm công việc ấy khi trở thành giá cứu chuộc mọi người trong mầu nhiệm tử nạn-phục sinh. Và chính khi làm công việc này, Người đã muốn sai chúng ta vào thế gian, như lời bài Tin Mừng hôm nay chúng ta vừa nghe đọc.
Hôm ấy, trước giờ chịu nạn, Chúa Yêsu đã ngước mắt lên cầu nguyện. Người ý thức Chúa Cha đã sai Người vào thế gian. Này đây, Người dâng mình "tự thánh hóa" để thánh hóa chúng ta, tức là cứu độ chúng ta. Không phải để chúng ta tiếp tục sống sự sống của mình và cho mình, nhưng là để chúng ta nhận được sự sống mới đang chảy đến cho các tín hữu của Chúa từ cạnh sườn Ðấng bị đâm thâu, đang thống thiết cầu xin Chúa Cha tha tội cho mọi người. Sự sống mới đến với chúng ta, do đó, là ơn tha thứ, ơn xóa bỏ tội lỗi, ơn giao hòa tội nhân với Thiên Chúa, ơn đưa tội nhân vào dòng nước thanh tẩy, ơn lôi cuốn những ai được tha thứ lại đi cứu vớt người khác. Chính vì thế mà trong bài Tin Mừng hôm nay Chúa Yêsu lại nói: "Con không cầu xin cho chúng mà thôi, nhưng còn cho tất cả những kẻ nhờ lời chúng mà tin vào Con". Nghĩa là không những Ðức Kitô chỉ thánh hóa chúng ta. Người gián tiếp dạy chúng ta đã được thánh hóa thì phải ra đi làm cho kẻ khác cũng được thánh hóa để tất cả nên một.
Như vậy rõ ràng sứ mệnh được sai đi gắn liền với vinh dự được thánh hóa. Ơn gọi truyền giáo gắn liền với danh hiệu Kitô hữu. Hết mọi tín hữu phải làm tôngđồ, cho dù danh xưng này nhiều khi được dành để gọi những người chuyên môn làm việc truyền giáo. Nhưng cho dù có các chuyên viên truyền giáo, hết mọi người vẫn phải truyền giáo vì sự sống mới của Chúa Yêsu mang vào thế gian là chính tình yêu của Chúa Cha muốn cứu vớt mọi người. Ai nhận được sự sống ấy, phải ra công cứu thế; bằng không, nó sẽ không phát triển và dần dần sẽ hao hụt đi. Sự sống mà không vươn lên thì nó sẽ tắt đi. Chỗ nào không truyền giáo, sự sống ở nơi đó sẽ suy yếu.
Ý thức lý do truyền giáo như thế, chúng ta sẽ thấy đây là vấn đề nhiệm vụ và là lẽ sống của chúng ta. Chúng ta bị động, vì bàn tay Chúa đã để trên chúng ta, vì chúng ta đã nhận được sức sống mạnh mẽ của Thiên Chúa muốn cứu vớt mọi người. Chúng ta "bị bắt" làm tiên tri vì Chúa chứ không phải vì người ta, nếu nói được như vậy. Và chúng ta nên nói như thế để khi đến với lương dân, chúng ta không có thái độ tự tôn, coi mình như kẻ làm ơn đến kéo họ ra khỏi nơi tối tăm lầm lạc. Chúng ta sẽ theo gương Chúa Yêsu đã được Chúa Cha sai đến với loài người. Người khiêm tốn đến tìm các người em đi lạc của Nhà Cha trên trời. Người mang tình yêu của gia đình đến. Người khơi lên những tâm tình sâu sắc bị chôn vùi dưới nhiều cảm nghĩ sai lầm. Người dạy chúng ta đến với lương dân như để họ và ta cùng khám phá ra cả hai đều có một Cha chung trên trời và chúng ta thật sự là anh em với nhau. Việc đó làm cho Danh Cha cả sáng, nhưng đồng thời cũng làm cho chính chúng ta hết thảy được thêm phong phú... Truyền giáo như vậy không phải chỉ là trao ban mà còn đón nhận. Và ai dám nói bên nào nặng hơn bên nào? Thực tế nhiều khi chúng ta ra đi chưa làm được gì cho người khác, nhưng đã mang về nhiều kết quả cho mình rồi vì mình đã sống đạo mạnh mẽ. Như vậy, lại thêm lý do nữa để chúng ta nhiệt tình hơn với việc truyền giáo.

B. Nhưng Truyền Giáo Thế Nào?
Không ai ra đi nếu không được sai phái. Có những người được chính thức sai đi. Ðó là các nhà truyền giáo. Nhưng chính họ cũng chỉ được sai đi chính thức vì sứ mệnh nội tại của Giáo hội và vì tiếng gọi tông đồ khẩn thiết của chính ơn gọi làm Kitô hữu, như chúng ta đã trình bày ở trên. Do đó, trước khi nói đến việc ra đi đến với lương dân, phải chú trọng đến sức sống Kitô giáo mạnh mẽ ở trong tâm hồn. Thế mà nhiều khi chúng ta không có điều kiện này. Những khi đó, ước gì chúng ta được như Isaia.
Nhà tiên tri hồi ấy sống trong một hoàn cảnh bi đát. Dân Chúa dường như không có tương lai. Miền Bắc và miền Nam không thống nhất. Hai bên càng ngày càng tiêu điều. Chung quanh, các dân tộc chỉ chiến tranh chém giết. Suy nghĩ con người chỉ có bi quan yếm thế. Nhưng nhà Tiên tri có niềm tin vào mạc khải. Ông biết Chúa đã chọn Dân Người. Người muốn cứu độ các dân tộc. Người đã mạc khải như vậy ngay từ thời Abraham. Thế nên Isaia lên tiếng giữa cảnh tang thương. Ông tuyên bố Sion sẽ được khôi phục. Muôn dân sẽ tiến về đó. Khắp nơi sẽ bước theo đường lối của Chúa. Và người ta sẽ uốn lưỡi gươm thành lưỡi cày; và thay vì chém giết lẫn nhau, các dân tộc sẽ hân hoan đồng hành theo ánh sáng của Chúa.
Ở thời bấy giờ mà Isaia đã có được niềm tin như vậy. Ông đã nói lên được kế hoạch yêu thương cứu độ của Thiên Chúa. Và ông không ngớt chia sẻ cái nhìn cứu thế ấy cho mọi người. Còn chúng ta, những người đã được nhìn thấy ơn cứu độ tỏ hiện của Thiên Chúa, nhiều khi chúng ta không nhìn xa thấy rộng. Chúng ta chỉ quanh quẩn với các vấn đề sinh nhai của mình. Chúng ta ít sống bằng niềm tin và không đặt mình vào giòng lịch sử. Thiên Chúa đang đưa lịch sử đi mà chúng ta không tham gia. Người đang đưa muôn dân vào trong Nước của Con Yêu Dấu Người mà chúng ta không để ý nhìn xem. Chỉ vì chúng ta đang sống sự sống của phàm nhân chứ chưa phải sự sống mà Ðức Kitô đã đặt trong chúng ta. Chúng ta sống chứ không phải để Người sống trong chúng ta.
Ngược lại, nếu Người đang sống trong chúng ta thì ít nhất Người cũng làm được công việc Người đang làm ở trên trời mà không có sự cộng tác của chúng ta. Ðó là việc Người cầu bầu, thỉnh nguyện cho tất cả loài người. Người sẽ nói lên như trong bài Tin Mừng hôm nay: "Lạy Cha, Con không những cầu xin cho chúng mà thôi, mà còn cho mọi kẻ tin vào lời chúng nữa để hết thảy nên một". Và khi đó chúng ta sẽ tự nhiên muốn hợp ý với Người mà cầu nguyện cho việc truyền giáo.
Chúng ta sẽ truyền giáo trước tiên bằng cầu nguyện. Cầu nguyện cho các chuyên viên truyền giáo và các kẻ tin vào lời họ rao giảng. Lời cầu nguyện truyền giáo làm chứng chúng ta kết hiệp với Chúa, Ðấng đầy yêu thương muốn cứu vớt mọi người. Nó chứng tỏ chúng ta có sự sống mạnh mẽ của Chúa, Ðấng hằng sinh ra và tái tạo mọi loài. Nó nói lên lòng bác ái thật sự của chúng ta, không quanh quẩn chỉ nghĩ đến cái thế giới bé nhỏ của mình nhưng luôn luôn có một đức tin công giáo muốn bao trùm tất cả nhân loại. Lời cầu nguyện truyền giáo cho thấy chúng ta đã biết cầu nguyện như Chúa dạy, vì theo kinh "Lạy Cha" chúng ta trước tiên phải cầu cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Thế mà chúng ta lại thường thiếu sót việc cầu nguyện truyền giáo. Và cũng chính vì vậy mà chúng ta không biết làm gì thêm nữa để truyền giáo.
Ngược lại, ai nhiệt tình với việc cầu nguyện truyền giáo sẽ có khả năng làm được nhiều việc khác nữa cho việc Phúa Âm hoá các dân tộc. Họ sẽ như các tín hữu tiên khởi mà bài sách Công vụ các Tông đồ hôm nay còn kể lại. Những người ấy đi đến đâu cũng ưu tư loan Tin Mừng cứu độ của Ðức Kitô cho người khác. Biết nói tiếng Dothái thì họ nói với người Dothái. Mà biết tiếng Hylạp, thì họ nói với người Hylạp. Họ không đến với người ta như các chuyên viên truyền giáo, tức là không đến vì mục đích giảng đạo. Thời cuộc đã phân tán họ đi. Họ đi vì hoàn cảnh bó buộc. Vì lý do sinh sống, nếu được nói như vậy. Nhưng đi đâu họ cũng sống đạo. Và sống đạo là sống đức ái yêu thương của Thiên Chúa, nên ở hoàn cảnh nào họ cũng nói với người ta về Tin Mừng cứu độ của Chúa Yêsu. Họ khuyến khích chúng ta truyền giáo, mặc dầu không phải là các chuyên viên tông đồ. Còn các vị này lại dạy thêm chúng ta một bài học nữa.
Barnaba là một tông đồ. Ông được Hội Thánh cử đến Antiôkia. Thấy công việc truyền giáo ở đấy, ông tạ ơn Chúa và khuyến khích mọi người. Rồi thấy người khác có thể đóng góp vào công việc chung này một cách hữu hiệu, ông đã đi Tarsô tìm Saulô, để ông này trở thành Phaolô Tông đồ các dân ngoại.
Chúng ta cũng năng gặp những hoàn cảnh tương tự. Có người ở ngoài chợ muốn theo đạo hoặc có ngưòi khác ở nơi nọ muốn biết giáo lý. Chúng ta không có khả năng trực tiếp giúp đỡ. Tại sao chúng ta không đi tìm cho họ một người tông đồ? Và tại sao chúng ta không nghĩ đến việc khuyến khích, giúp đỡ các chuyên viên tông đồ? Họ sẽ được sai đi bởi Chúa đang hoặc đã sống trong chúng ta. Và như vậy chúng ta cũng tham gia thật sự vào việc tông đồ của họ.
Têrêsa Hài Ðồng Yêsu này là Bổn mạng các xứ truyền giáo. Người không đặt chân đến một nơi truyền giáo nào; cũng chẳng đào tạo một lớp tông đồ nào để sai đi. Nhưng người chia sẻ tâm tình cứu thế của Chúa. Người cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo. Người kêu gọi khuyến khích các tâm hồn tông đồ. Người sống như thể đang ra đi, đang rao giảng, đang chịu đau khổ, đang rửa tội cho lương dân. Giáo hội đặt người làm Bổn mạng các xứ truyền giáo để toàn thể Dân Chúa thấy phải tha thiết với việc truyền giáo như thế đó.
Giờ đây, đi vào thánh lễ, chúng ta hãy kết hiệp với Ðức Kitô. Người muốn tự hiến thánh mình để thánh hóa chúng ta và mọi kẻ sẽ tin vào lời chúng ta. Chúng ta hãy dâng mình với Người để được đưa vào mầu nhiệm cứu thế hầu thánh hóa mình ở đây rồi ra đi thánh hóa tha nhân và lương dân trong đời sống, để tất cả nên một trong tình yêu hạnh phúc của Thiên Chúa, Ðấng đã sai Chúa Con vào thế gian thế nào cũng đang muốn sai chúng ta vào thế gian như vậy.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Nối bước các thừa sai


Trong tông huấn Ecclesia in Asia, Đức Cố Gioan Hoàng Gioan Phaolô II đã kêu gọi: "Thiên niên kỷ thứ nhất truyền giáo cho Châu Âu. Thiên niên kỷ thứ hai truyền giáo cho Châu Mỹ. Thiên niên kỷ thứ ba phải truyền giáo cho Á Châu".
Cách riêng với Giáo Hội Việt Nam năm 2003 mừng 470 năm Tin Mừng được rao giảng trên quê hương đất nước chúng ta, các Đức Giám mục Việt Nam đã hưởng ứng lời kêu gọi của Đức Thánh Cha, công bố thư mục vụ mang tựa đề "Sứ Mạng Loan báo TinMừng Của Hội Thánh Việt Nam Hôm Nay" đã khẳng định: "Đầu thiên niên kỷ mới, sứ mạng loan báo Tin mừng được đặc biệt trao vào tay chúng ta. Chúng ta hãy tiếp bước các vị thừa sai đầy nhiệt tình tông đồ, hãy phát huy truyền thống kiên cường của các bậc tiền nhân anh hùng tử đạo. Ta hãy đáp lại kỳ vọng của Hội thánh đem Tin mừng cho anh em trên lục địa mênh mông này. Và đặc biệt đem Tin mừng cho anh chị em sống ngay trên quê hương Việt nam". (Thư chung 2003)
Hơn nữa, Giáo hội Việt Nam ngày nay là con cháu của 117 vị thánh Tử Đạo và của hàng chục ngàn người Việt Nam đã chết vì đạo. Nhưng gần 5 thế kỷ trôi qua, Giáo hội Việt Nam xem ra vẫn còn bé nhỏ giữa lòng dân tộc Việt nam. Theo thống kê năm 2006 thì Giáo hội việt nam có 26 Giáo Phận, gồm khoảng 7 triệu giáo dân, trên tổng số hơn 80 triệu người Việt Nam, chiếm tỉ lệ 6,62%.
Là người con của dân tộc Việt Nam, là dòng máu các anh hùng Tử đạo Việt Nam chúng ta cần phải có bổn phận loan báo Tin mừng cho chính quê hương, dân tộc của mình. Đạo làm người dạy chúng ta phải "thương người như thể thương thân", thì đạo làm con Chúa đòi hỏi chúng ta chia sẻ tất cả những gì mình có cho tha nhân, cho đồng loại. Các thánh Tông Đồ, các vị Thừa Sai đã đem niềm vui lớn nhất là Tin mừng Chúa Giêsu được công bố cho toàn thế giới. Các Ngài đã không quản ngại hy sinh tính mạng để đổi lấy niềm vui ơn cứu độ được trao ban tới muôn triệu tâm hồn. "Từng đoàn người vượt suối băng rừng. Từng đoàn người ra khơi giữa biển rộng sóng lớn. Biết bao người bỏ mạng nơi rừng sâu núi thẳm. Biết bao người bỏ xác ngoài biển khơi. Nhưng lớp này nằm xuống, lớp khác đứng lên nối tiếp nhau đem Tin mừng đến tận cùng thế giới". (Thư chung 2003)
Nhờ các vị thừa sai tràn đầy nhiệt huyết, quê hương Việt Nam đã được đón nhận Tin mừng. Nhờ đời sống đức tin anh dũng của các bậc tiền nhân mà thế hệ chúng ta được thừa hưởng một gia tài đức tin vô cùng quý giá. Gia sản này chúng ta không có quyền lưu giữ cho riêng mình, nhưng phải có bỗn phận chia sẻ cho con người thời đại hôm nay. Chúa Giêsu sau khi phục sinh, Ngài đã uỷ thác cho Hội Thánh nhiệm vụ loan báo tin mừng khi Ngài nói: "Anh em hãy đi tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin mừng" (Mc 16,15). Lệnh truyền này đã trở thành sứ mạng chính yếu của Hội Thánh Chúa Kitô. Hội thánh hiện hữu là để loan báo Tin mừng và làm cho những ai thành tâm đón nhận Tin mừng trở nên môn đệ Chúa Kitô, đồng thời quy tụ cho Thiên Chúa mọi con cái tản mác khắp nơi về một mối (Ga 10,52). Thế nên, là người công dân của Nước Trời, chúng ta phản có bỗn phận chu toàn sứ vụ đó cho anh chị em chung quanh chúng ta, cụ thề là cho chình đồng bào và dân tộc Việt Nam.
Vậy, truyền giáo là gì?
Theo công đồng Vat II: "Việc truyền giáo là tất cả những công tác đặc biệt qua đó các nhà rao giảng Phúc âm được Giáo hội sai đi khắp thế gian, thi hành nhiệm vụ rao giảng Phúc âm và vun trồng Giáo hội nơi các dân tộc cũng như giữa những nhóm người chưa tin vào Chúa". (TG 6c)
Trước đó, cha Pierre Charles cũng cho rằng: "mục tiêu truyền giáo không phải là cứu rỗi các linh hồn", hoặc "làm cho dân ngoại trở về với Chúa"...; song là "mở rộng biên cương Giáo hội hữu hình, nhằm hoàn tất tiến trình lớn lên, hầu bao phủ toàn thế giới với lời cầu nguyện và việc phụng tự, tức là để mang cho Đấng Cứu Thế toàn bộ gia sản của Ngài".
Như vậy, việc truyền giáo là "đưa Thiên Chúa đến với con người và đưa con người trở về với Thiên Chúa". Đó chính là mục tiêu chính của việc truyền giáo và cũng là sứ mạng cấp bách của Giáo hội Chúa Kitô. Vì Giáo hội được hình thành để tiếp nối sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng sang lập Giáo hội. Khi hoàn tất sứ mạng của mình ở trần gian, Chúa Giêsu đã sai phái các tông đồ tiếp tục sứ mạng đó cho đến tận cùng trái đất. "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sia anh em" (Ga 20, 21". "Anh em hãy làm chứng cho Thầy khởi đầu từ Giêrusalem đến tận cùng trái đất" (Lc 24, 47)
Vì vậy, là người công giáo chúng ta phải có bổn phận mang Tin mừng của Chúa đến cho anh em minh. Hãy tiếp nối sứ mạng của Chúa Kitô đưa muôn người đang còn tản mác khắp nơi về với Chúa. Hãy tiếp nối truyền thống của các Thừa sai Việt Nam mang Tin mừng đến cho những anh em nghèo đói, đến những phận người bị bỏ rơi.. Hãy tiếp nối tinh thần quả cảm hy sinh, kiên cường của các tiền nhân mà mạnh dạn làm chứng cho Chúa, cho dù có bị thua thiệt trước mặt người đời, cho dù có bị hiểu lầm, ngược đãi... nhưng cùng chịu chết với Đức Kitô là một mối lợi mà không có một gia sản nào trên trần gian có thể sánh bằng.
Nguyện xin Chúa Giêsu là người thợ lành nghề được sai đến trần gian để gặt lúa của Người, xin giúp chúng con biết dấn thân quảng đại vào cánh đồng truyền giáo Việt Nam hôm nay. Amen.
(Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)



Bổn phận Truyền Giáo
1. Bổn phận Truyền Giáo của chúng ta
Hôm nay, ngày Chúa Nhật Truyền Giáo lần thứ 87, Giáo Hội dạy chúng ta phải ý thức về bổn phận hết sức quan trọng của mình, là bổn phận truyền giáo.
Hoài bảo lớn nhất của Chúa Giêsu khi xuống trần gian nầy, là giải phóng tất cả mọi người khỏi ách nô lệ của ma quỷ, xác thịt, thế gian, và giành lại cho họ quyền được người con của Chúa.
Hoài bảo nầy được Chúa nói ra trước khi đi chịu chết: “Đây là máu đổ ra để cứu chuộc nhiều người”.
Hoài bảo nầy cũng được Chúa nói ra trước khi Ngài ngự về trời: “Các con hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”.
2. Giáo Hội dạy chúng ta phải Truyền Giáo.
Vì thế, thay mặt Chúa Giêsu, Giáo Hội đã long trọng tuyên bố trong Công Đồng Vatican II rằng: “Hoạt động truyền giáo của Giáo Hội là bổn phận căn bản của Dân Chúa”, là “bổn phận cao cả và thánh thiện nhất của Giáo Hội” (Sắc Lệnh Truyền Giáo).
Nghe như vậy thì biết rằng: từng cá nhân, từng đoàn thể, từng giáo xứ, từng địa phận, từng Giáo Hội địa phương và cả Giáo Hội khắp toàn cầu, đều phải xem bổn phận truyền giáo của mình là quan trọng nhất.
3. Người công giáo nào cũng phải làm việc truyền giáo.
Làm cho người khác biết Chúa, tin Chúa, yêu Chúa, đó là bổn phận của tất cả mọi người công giáo không trừ ai, vì Chúa đã phán rõ: “Các con hãy nên muối ướp thế gian, các con hãy nên ánh sáng soi chiếu thế gian”. Chúa dạy đức tin chúng ta phải nên như muối để làm cho thế gian khỏi ương thối. Chúa dạy đức tin chúng ta phải là ánh sáng để soi sáng cho kẻ khác biết con đường đi về với Chúa.
Trên núi Ôlivêtê, trước khi ngự về trời, Chúa đưa ra lệnh truyền giáo: “Hãy đi khắp thế gian, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo... Hãy dạy người ta giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con”. Khi phán những lời nầy, Chúa không phán riêng cho các tông đồ mà thôi, nhưng còn phán cho nhiều môn đệ khác nữa. Như vậy, lời Chúa dạy, bắt buộc tất cả mọi người trong Giáo Hội phải làm việc truyền giáo.
4. Bí tích Rửa Tội và Bí Tích Thêm Sức bắt buộc chúng ta phải làm việc Truyền Giáo.
Khi lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, mỗi người chúng ta được in vào linh hồn một dấu thiêng liêng làm cho mình được thuộc về Chúa, được dâng hiến cho Chúa, được sát nhập vào Chúa, được nên giống hình ảnh Chúa, được thông chia đời sống và chức vụ của Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu thi hành 3 chức vụ: một là chức vụ tư tế (dâng hiến mình làm của lễ đền tội thay cho nhân loại, và đưa nhân loại về với Đức Chúa Cha); hai là chức vụ tiên tri (nói lên những lời hằng sống để cứu rỗi nhân loại); ba làchức vụ hướng dẫn (dẫn đưa nhân loại đi trên con đường cứu rỗi để về với Chúa).
Ai đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, cũng phải làm ba nhiệm vụ nầy: phải làm tư tế, nghĩa là phải hy sinh cầu nguyện để cho người ta trở lại với Chúa; phải làm tiên tri, nghĩa là phải nói Lời Chúa cho người ta nghe để họ biết Chúa mà tin Chúa; phải làm người hướng dẫn, nghĩa là phải sống đời sống gương tốt để cho người ta bắt chước sống theo mà đi về với Chúa. Bởi thế, ai đã đã lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội để trở thành con Chúa, mà không thi hành ba chức vụ trên đây để làm việc truyền giáo, thì họ không còn xứng đáng là con của Chúa nữa.
Và khi nhận lãnh thêm phép Bí Tích Thêm Sức, mỗi người chúng ta được trở nên mạnh mẽ nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần để can đảm thi hành ba chức vụ trên.
5. Chúng ta phải Truyền Giáo thế nào và phải sống đời Truyền Giáo ra sao?
Mỗi người chúng ta có bổn phận phải xây dựng Nước Chúa theo chiều rộng, nghĩa là phải lôi kéo nhiều người vào Đạo Chúa, làm cho họ thuộc về Nước Chúa, trở thành dân của Chúa, trở thành môn đệ của Chúa.
Mỗi người chúng ta có bổn phận phải xây dựng Nước Chúa theo chiều cao, nghĩa là phải làm sao cho người ta vâng giữ luật Chúa và sống theo những điều Chúa truyền dạy.
Mỗi người chúng ta có bổn phận phải xây dựng Nước Chúa theo chiều sâu, nghĩa là phải làm sao cho Đạo Chúa thấm nhập vào đời sống xã hội, ăn sâu vào tư tưởng, vào tập quán của xã hội, để xã hội trở nên môi trường thuận lợi cho Đạo Chúa nẩy nở.
Việc truyền giáo, việc làm tông đồ cho người ta trở lại, là công việc siêu nhiên. Người ta trở lại là nhờ ơn Chúa ban. Mà Chúa chỉ ban ơn khi thấy chúng ta cầu nguyện. Bởi đó, trong vấn đề truyền giáo, điều quan trọng nhất, là sự cầu nguyện.
Lời cầu nguyện, muốn được Chúa nhậm lời, phải có sự hy sinh đi kèm theo. Chúng ta càng hy sinh, càng chịu khó, càng hãm mình nhiều chừng nào, thì lời cầu nguyện của chúng ta càng dễ được Chúa nhậm lời chừng đó.
Gương tốt của chúng ta lôi kéo người khác trở lại với Chúa, vì họ được đánh động khi thấy cách ăn nết ở xứng đáng của chúng ta. Gương các bổn đạo đầu tiên trong Giáo Hội là một bằng chứng rõ ràng: họ chỉ là thiểu số, họ thiếu thốn mọi sự, họ bị Nhà Nước loại bỏ, nhưng họ vẫn sống đức tin mạnh mẽ, vẫn treo cao gương tốt khắp nơi, làm cho nhiều người cảm phục Đạo Chúa và xin theo Đạo càng ngày càng đông. Lời nói bay đi, chỉ có gương lành ở lại và lôi kéo kẻ khác.
Chúng ta hãy cầu nguyện nhiều để cho người ta biết Chúa!
Chúng ta hãy hy sinh nhiều để Chúa nhậm lời chúng ta cầu nguyện cho người ta biết Chúa!
Chúng ta hãy luôn luôn treo cao gương tốt để cho người ta bắt chước chúng ta mà đến với Chúa!

Linh mục Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét