Trang

Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

20-10-2013 : (phần II) CHÚA NHẬT XXIX MÙA THƯỜNG NIÊN năm C

CHÚA NHẬT 20/10/2013
Chúa Nhật 29 Quanh Năm Năm C
(phần II)

Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XXIX Quanh Năm C, ngày 20.10.2013
CHÚA NHẬT XXIX QUANH NĂM, NĂM C
Sách Xuất Hành 17.8-13; Thư Thứ Hai của Thánh Phaolô gửi Timôtê  3.14-4.2
 và Phúc Âm Thánh Luca 18.1-8

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
“Ta bênh vực mụ cho rồi, kẻo mụ ấy cứ đến hoài, làm ta nhức đầu nhức óc!”
Chúa là Đấng tốt lành, chắc chắn Ngài nghe tiếng chúng ta nài van.

Dù có trì hoãn, nhưng Thiên chúa luôn bênh vực kẻ người tuyển chọn, ngày đêm kêu cứu đến Ngài. Nên phải kiên trì cầu nguyện.

Trong tương lai, những kẻ được tuyển chọn tức những môn đệ Chúa sẽ bị bách hại, bỏ vạ cáo gian…vì công cuộc truyền đạo. Đôi khi họ nản lòng tưởng rằng Chúa bỏ họ… Nhưng hãy kiên nhẫn cầu nguyện vì Chúa sẽ mau chóng bênh vực người kêu cầu Chúa.

II.        Vấn nạn P.Â.    
Trong bài đọc I, sách xuất hành kể chuyện Ông Môsê dang tay cầu nguyện để dân Do Thái chiến thắng dân Amalech. Như vậy Chúa thương bênh vực dân Do Thái và tiêu diệt dân Amalech? Có dân Chúa thương mà có dân Chúa ghét?
Bài đọc I không có ý nói Thiên Chúa thiên vị, thương dân Do Thái mà ghét bỏ các dân chung quanh. Nhưng Bài đọc I chỉ nhằm diễn tả sức mạnh của sự cầu nguyện. Do Thái chiến thắng quân thù không vì tài chinh chiến của họ, nhưng vì Chúa nghe lời họ cầu xin. Ông Môsê phải dang tay cầu nguyện trong suốt trận chiến. Tư thế của người cầu nguyện tha thiết là dang rộng tay và ngước mắt lên trời kêu cầu Thiên Chúa.
Cho đến ngày nay người Do Thái vẫn giữ tư thế cầu nguyện nầy: dang tay, nhúc nhích toàn thân, ngước mắt nhìn Trời và kêu than tha thiết…Họ cầu nguyện với cả thân xác và tâm hồn.
Thiên Chúa trong bài đọc I được diễn tả như một người thiên vị: Thương dân Do Thái, cho họ chiến thắng và bỏ rơi những dân nước khác. Tuy nhiên chúng ta thấy thế nầy: Đã đi vào cuộc chiến thì phải có kẻ thắng người thua. Dân Do Thái là dân Chúa chọn, và họ chiến đấu quyết tử để giành đất. Nên họ chiến thắng là phần chắc. Bài đọc I chỉ muốn chứng minh là Chúa thương yêu và bệnh vực dân Ngài. Nên dân Do Thái phải tôn thờ Chúa mà thôi. Vì “không còn gì mà Chúa không làm cho họ!”. Chúa thương họ. Họ phải đáp lại bằng tình thương dành cho Thiên Chúa, Đấng độc thần.

Ý nghĩa dụ ngôn quan tòa bất chính và bà góa kiên trì kêu van?
Như đã nói: Dụ ngôn không là chuyện có thật, nhưng là cách dùng câu chuyện để giáo huấn, vừa dễ nhớ mà cũng vừa mang ý nghĩa luân lý. Quan tòa bất chính chả coi ai ra gì, nhưng sau cùng phải chịu thua sự kêu van quá kiên trì của bà góa. Người xấu mà còn vậy, huống chi Chúa là Đấng tốt lành, chắc chắn Chúa sẽ nghe lời chúng ta cầu xin. Tin vào Thiên chúa tốt lành.

Tại sao có những lời cầu nguyện thật chân thành tha thiết nhưng không được đáp trả?
Không ai có thể trả lời cặn kẽ rõ ràng và dứt khoát câu hỏi nầy. Vì chúng ta là con người, sự hiểu biết chúng ta có giới hạn, nhất là về Thiên Chúa, thần thánh hay những việc cao siêu nhiệm mầu như cầu nguyện. Cầu nguyện là một lời cầu xin của ai đó, với Chúa là Cha của mình. Nội dung ra sao? Lý do tại sao cầu nguyện và mức độ lòng tin nơi lời cầu… chúng ta không hiểu thấu. Nếu người đó yêu cầu chúng ta cầu nguyện thì chúng ta chỉ biết được ý cầu nguyện. Còn việc chấp thuận hay trì hoãn là chuyện của Chúa. Chúng ta không sao hiểu nỗi Chúa thì làm sao hiểu được lý do?
Lời cầu nguyện tha thiết và mang ích lợi cho người khác như cầu cho quốc thái dân an, cho hòa bình thế giới thì hợp lý quá, sao Chúa không đáp trả? Nếu Chúa phải đáp trả lời chúng ta cầu, điều đó có nghĩa Chúa có bổn phận hay có trách nhiệm hay thiếu nợ chúng ta chăng? Không, Chúa không phải mà cũng không bị bó buộc phải nhậm lời chúng ta xin. Nếu Chúa nghe lời dân chúng khắp nơi cầu nguyện thì thời tiết hay thế giới nầy chắc rất bất ổn. Cùng một nơi chốn, nhưng có người cầu nắng, có người cầu mưa. Cùng một quốc gia, nhưng có người cầu cho tổng thống nầy mau xuống chức, người khác cầu cho tổng thống tại chức lâu dài.
Ý kiến cá nhân: Đừng quá thắc mắc hay tìm câu trả lời tại sao Chúa không nghe lời tôi tha thiết cầu xin nhưng cầu cho mình tiếp tục kiên tâm cầu nguyện và cầu cho mình thêm mạnh tin là Chúa sẽ đáp lời chúng ta cầu. Phúc âm nói: “Người có trì hoãn”, nhưng quả quyết là Chúa sẽ nhậm lời chúng ta kêu cầu. Nhiều khi Chúa đáp lời cầu không giống như ý chúng ta. Thí dụ chúng ta cầu cho có tiền nhiều thêm. Không thấy Chúa cho thêm tiền, nhưng chúng ta có sức khỏe hơn và công việc làm vững chắc hơn. Đó cũng là cách cho thêm tiền. Chúa là Cha, Chúa biết cách phải cho chúng ta thứ gì cần và khi nào thì ban phát cho thích hợp.

III.      Thực hành P.Â.:
1.      Không cần cầu nguyện thật ồn ào với chiêng trống kèn đồng
Ngoài Bắc dường như xứ đạo nào cũng có chiêng trống và đội kèn. Đội kèn để chào đón quan khách. Đội kèn đưa đám tang đám xác. Đội kèn thi thố trong các lễ hội lớn. Lần nào tham dự ngày Thánh mẫu La Vang, tôi cũng được thấy và nghe những đội kèn của các địa phận miền Bắc như Thái Bình, Bùi Chu hay Bắc Ninh biểu diễn. Ngày 15 tháng 8 năm 2013 vừa qua thì do đội kèn Thái Bình biểu diễn. Đại đa số nhạc viên là phụ nữ trong đồng phục quần áo màu hột gà giống như cảnh sát hay ban quân nhạc ngày xưa. Nhìn hơi khác người cho đặc biệt một chút vậy thôi chứ cũng không bắt mắt cho lắm.
Tài nghệ âm nhạc của đội kèn đồng cũng hạn hẹp khiêm tốn. Một bài nhạc chỉ thổi từng dấu nhạc thì không phải tốt nghiệp ở trường nào cả. Cách trình tấu cũng hơi đơn điệu: thổi kèn theo dấu, rồi phách trống tùng tùng giữ nhịp…Nhưng cái tôi muốn nói là: Chiêng trống kèn đồng chỉ tạo một âm thanh ồn ào và hỗn tạp chứ không tạo một bầu khí cầu nguyện thật sự. Cầu nguyện thực sự không cần những thứ phèn la chẫm chọe nầy. Cách chung, bà con Việt Nam mình còn ồn ào, bon chen và “tranh đấu” để cầu nguyện nhiều quá. Những bon chen nầy đưa đến vô số hội đoàn, tổ chức hay đội kèn đội trống.. chỉ làm giảm đi bầu khí hay cách thức cầu nguyện. Khi có người chết, đến thăm viếng, đọc kinh cầu nguyện hay hát một vài bài quen thuộc có ý nghĩa thì hay rồi… đâu cần gì chiêng trống hay kèn đồng cho thêm nhọc công mà rối việc.

2.      Đời người sao thật khốn khổ!
Hàng ngày có hàng đôi ba trăm người đến trung tâm hành hương Tắc Sậy để cầu nguyện và khấn xin với Cha Phanxicô Xaviê Trương bửu Diệp. Nhiều người quây chung quanh mộ phần của Cha mà kêu cầu tha thiết và  tả ra những cảnh khốn cùng trong cuộc sống như: Mua bán ế ẩm, làm ăn thất bại, con gái bỏ nhà theo trai, chồng bê tha nhậu nhẹt, bị giựt nợ trốn mất…Tôi thầm nghĩ: Sao đời người có quá khốn khổ vậy Chúa?
Dường như có tiếng Chúa trả lời: Phải vậy con à! Đời mà con! chứ phải thiên đàng đâu mà hạnh phúc hoàn toàn hay mọi chuyện đều như ý. Nếu hạnh phúc hoàn toàn hay mọi chuyện đều êm xuôi như ý thì đâu còn ai nghĩ đến thiên đàng hay đến đây cầu nguyện làm gì.
Vậy hóa ra Chúa tạo trần gian nầy bất toàn để hướng về thiên đàng trọn hảo?
Đúng vậy! Thánh Anselmô cả nói: Con người có khát vọng vô biên mà chỉ có Chúa mới có khả năng lấp đầy. Nên khi chiếm hữu được thiên đàng thì con người hoàn toàn mãn nguyện. Nên chuyện tạo thiên đàng tại thế là chuyện của đấu tranh chính trị và là chuyện không tưởng. Hay nói đúng hơn, đó là chiếc bánh vẽ dụ người kém hiểu biết. Nên đời sống con người luôn đi liền với cầu nguyện, khấn xin như bà con đang làm. Những ai đến cầu nguyện là có niềm tin vào Thượng Đế. Tôn giáo không bao giờ chết. Đạo là đường đưa con người tới Chúa. Con người khốn khổ luôn và cần Chúa luôn. Nên tôn giáo luôn cần cho con người.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên

 Kiên nhẫn cầu nguyện

Người có tôn giáo luôn gắn liền với cầu nguyện. Cầu nguyện là hơi thở, là sự sống của người tín hữu. Vậy cầu nguyện là gì?
Cầu nguyện theo thánh Augstinô là thưa chuyện với Chúa, như một người con hiếu thảo thưa chuyện với cha mẹ, hoặc như hai người bạn chân tình tâm sự với nhau.
Vâng, nếu hiểu cầu nguyện là một cuộc tâm sự, là một cuộc trò chuyện, thì quả thực cầu nguyện là một điều rất dễ dàng và dành cho mọi người, chứ không phải chỉ dành riêng cho các linh mục, tu sĩ hay những người trí thức.
Mỗi người trong chúng ta cũng đều có kinh nghiệm về những lần trò chuyện, trao đổi tâm sự với người khác. Vậy chúng ta đã thường hay nói những gì?
Tôi xin thưa:
- Nếu là bè bạn thân thích, chúng ta có thể nói tới mọi sự: sự vui cũng như sự buồn, sự trong nhà cũng như sự ngoài ngõ, sự quan trọng cũng như sự tầm phào. Nói chung nếu là bạn bè chúng ta có rất nhiều điều để tâm sự với nhau, để kể cho nhau...
Khi đến với Chúa, chúng ta cũng có thể trình bày về những niềm vui, những nỗi buồn, những đắng cay và những băn khoăn lo lắng chúng ta đã gặp phải. Và chắc chắn khi niềm vui được chia sẻ, thì niềm vui sẽ được nhân rộng hơn lên. Nỗi buồn được chia sẻ, nỗi buồn sẽ vơi đi. Chính những lời kinh xuất phát từ giữa lòng cuộc đời, từ những biến cố xảy ra hằng ngày, sẽ dễ làm cho chúng ta cầm trí và tránh đi thói quen máy móc chiếu lệ trong cầu nguyện.
Tuy nhiên, lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện trong kiên trì và tín thác. Thiên Chúa sẽ không bỏ rơi những ai kêu cầu Người, nhất là những người thấp hèn, bé nhỏ, miễn là biết đặt niềm tin tưởng vào Chúa.
Thánh nữ Monica đã luôn cầu xin Chúa cho đứa con hoang đàng của mình là Augustinô. Hằng ngày bà khóc lóc, ăn chay và hãm mình. Một hôm quá thất vọng, bà đã đến hỏi ý kiến thánh Ambrôsiô và thánh giám mục đã trả lời:
- Bà hãy yên trí, đứa con của biết bao nhiêu nước mắt sẽ không thể nào hư mất.
Mười tám năm đằng đẵng, sau cùng Augustinô mới trở lại.
- Như vậy, cầu nguyện là một việc rất dễ dàng mà bất cứ ai cũng đều có thể và phải làm được. Nhưng cầu nguyện không phải là chúng ta đòi Thiên Chúa làm theo ý chúng ta mà là để xin được theo ý Chúa với một lòng tin tưởng cậy trông tuyệt đối vào sự quan phòng của Thiên Chúa.
Đức Hồng Y Jaime Sin, Tổng giám mục Manila, Phi Luật Tân, thường trích dẫn bài thơ của một tác giả vô danh trong các bài giảng của Ngài. Bài thơ ấy như sau:
Tôi đã xin Chúa cất khỏi sự kiêu hãnh của tôi và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng không phải Ngài là người cất khỏi mà chính tôi mới là người phấn đấu để vượt thắng nó.
Tôi đã xin Chúa làm cho đứa con tàn tật của tôi được lành lặn và Chúa trả lời: "Không". Ngài nói rằng tinh thần mới lành lặn, còn thể xác chỉ là tạm bợ.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi sự kiên nhẫn và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng kiên nhẫn là hoa trái của thử thách. Ngài không ban cho tôi trái ấy mà để tôi tự tìm lấy.
Tôi đã xin Chúa ban cho tôi được hạnh phúc và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng Ngài ban ân phúc cho tôi, còn hạnh phúc hay không là tùy tôi.
Tôi đã xin Chúa gia tăng tinh thần cho tôi và Chúa đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng tôi phải tự lớn lên, nhưng Ngài sẽ cắt tỉa để tôi mang nhiều hoa trái.
Tôi đã xin Chúa đừng để tôi đau khổ và Ngài đã trả lời: "Không". Ngài nói rằng đau khổ là cho tôi được xa cách với những vướng bận trần gian và mang tôi đến gần Ngài.
Tôi đã hỏi: "Liệu Ngài có yêu tôi không" và Ngài đã trả lời rằng: "Có". Ngài nói rằng Ngài đã ban cho tôi Người Con Một, Đấng đã chết vì tôi và một ngày nào đó, tôi sẽ được lên Thiên đàng vì tôi đã tin.
Tôi đã xin Chúa giúp tôi yêu mến tha nhân như Ngài yêu thương tôi và Chúa nói: "Cuối cùng con đã xin đúng điều ta chờ đợi".
Nguyện xin Chúa ban thêm lòng tin để chúng ta luôn kiên nhẫn trong lời cầu nguyện và tín thác vào sự quan phòng của Chúa. Amen.

Lm. Jos. Tạ duy Tuyền

Lectio: Chúa Nhật XXIX Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 20 Tháng 10, 2013
Lời cầu nguyện thực sự:
Ví dụ của bà góa
Lc 18:1–8 


1.  Lời nguyện mở đầu

Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong chúng con để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn gốc của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen. 

2.  Bài Đọc
a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Bài phụng vụ Chúa Nhật tuần này trình bày cho chúng ta một văn bản trích từ sách Tin Mừng Luca liên quan đến lời cầu nguyện, một chủ đề tha thiết của ông.  Đây là lần thứ hai vị Thánh Sử này trích dẫn những lời của Chúa Giêsu dạy chúng ta cách cầu nguyện.  Lần đầu tiên (Lc 11:1-13), giới thiệu về văn bản của Kinh Lạy Cha, bằng các phương cách so sánh và dụ ngôn, dạy chúng ta phải cầu nguyện liên lỉ không mệt mỏi.  Giờ đây, lần thứ hai (Lc 18:1-4), một lần nữa Luca dùng đến các dụ ngôn được lấy từ đời sống hằng ngày để dạy chúng cách cầu nguyện:  dụ ngôn bà góa và vị thẩm phán (18:1-8).  Thánh Luca kể các dụ ngôn dưới một hình thức sư phạm.  Mỗi dụ ngôn bắt đầu bằng một lời giới thiệu ngắn gọn như cái chìa khóa dẫn đến bài đọc đó.  Rồi theo sau là bài dụ ngôn, và sau cùng, chính Chúa Giêsu áp dụng bài dụ ngôn vào trong đời sống.  Bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này chỉ thuật lại dụ ngôn đầu tiên về bà góa và người thẩm phán (Lc 18:1-8).  Trong khi đọc, tốt hơn chúng ta nên chú ý điều sau đây:  “Thái độ của mỗi nhân vật trong bài dụ ngôn này là gì?

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:

Lc 18:1:  Chìa khóa được đưa ra bởi Chúa Giêsu để giúp cho việc thông hiểu dụ ngôn
Lc 18:2-3:  Sự tương phản giữa vị thẩm phán và bà góa
Lc 18:4-5:  Sự thay đổi của vị thẩm phán và lý do của sự thay đổi
Lc 18:6-8a:  Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn
Lc 18:8b:  Một lời thách thức cuối cùng

c)  Phúc Âm:
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ một dụ ngôn, dạy các ông cần phải cầu nguyện luôn và đừng ngã lòng:  2 “Trong thành kia có một vị thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa.  Cũng không kiêng nể người ta.  3Trong thành đó lại có một bà góa đến thưa cùng ông rằng:  ‘Xin ông minh oan cho tôi khỏi tay kẻ thù!’  4Trong một thời gian lâu dài, ông không chịu, nhưng sau đó ông nghĩ rằng:  ‘Mặc dầu ta không kính sợ Thiên Chúa, mà cũng chẳng kính nể người ta, 5 nhưng vì bá góa này cứ quấy rầy ta mãi, nên ta sẽ xử cho bà ấy, kẻo bà ấy đến mãi làm ta nhức óc.’ ”  6 Rồi Chúa phán:  “Các con hãy nghe lời vị thẩm phán bất lương đó nói gì?”  7Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những kẻ Chúa tuyển chon hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?  8 Thầy bảo các con:  Chúa sẽ kíp giải oan cho họ.  Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn gặp được lòng tin trên mặt đất nữa không?””  
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Bạn hài lòng điều nào nhất trong đoạn Tin Mừng này?     
b)  Thái độ của bà góa như thế nào?  Hay trong những lời nói và việc làm của bà ta, điều gì đã đành động bạn nhất?   
c)  Điều gì đã đánh động bạn nhất trong thái độ và lời nói của vị thẩm phán?  Tại sao?
d)  Chúa Giêsu đã áp dụng dụ ngôn này ra sao?  
e)  Bài dụ ngôn này đã dạy chúng ta điều gì trong cách chúng ta nhìn vào đời sống và con người?

5.  Ý chính của bài Phúc Âm

Dành cho những ai muốn đào sâu vào chủ đề

a)  Bối cảnh lịch sử:

Khi phân tích bối cảnh lịch sử của sách Tin Mừng Luca, chúng ta phải luôn ghi nhớ chiều kích đôi này:  thời điểm của Chúa Giêsu trong thập niên 30, và thời điểm những người mà sách Tin Mừng được viết cho họ vào thập niên 80.  Việc hai lần ảnh hưởng này, mỗi lần theo cách riêng của nó, cách viết của Tin Mừng và phải hiện diện tại chỗ như lúc chúng ta cố gắng khám phá ra ý nghĩa những bài dụ ngôn của Chúa Giêsu cho chúng ta ngày hôm nay.

b)  Bối cảnh văn học:

Bối cảnh văn học trực tiếp giới thiệu cho chúng ta hai dụ ngôn về việc cầu nguyện:  cầu nguyện liên lỉ và kiên trì (bà góa và vị thẩm phán) (Lc 18:1-8); cầu nguyện trong khiêm cung và thực tế (người Biệt Phái và người thu thuế) (Lc 18:9-14).  Mặc dù chúng khác nhau, hai du ngôn này có điểm tương đồng.  Chúng cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã nhìn những sự việc trong đời sống theo một cách khác.  Chúa Giêsu đã nhìn thấy sự mặc khải của Thiên Chúa trong khi những người khác lại thấy đó là một sự tiêu cực. Ví dụ, Người đã thấy điều tích cực nơi người thu thuế, kẻ mà mọi người đều nói:  “Hắn không biết cách cầu nguyện!”  Và nơi bà góa nghèo hèn, người mà đã bị nói rằng:  “Bà ta lải nhải mãi đến nỗi làm phiền cả vị thẩm phán!”  Chúa Giêsu đã hiệp nhất với Đức Chúa Cha đến nỗi mà đối với Người mọi việc đã biến đổi thành một nguồn gốc cầu nguyện.  Có nhiều cách để chúng ta có thể bày tỏ trong lời cầu nguyện.  Có những người nói:  “Tôi không biết cầu nguyện như thế nào”, nhưng họ nói chuyện với Thiên Chúa cả ngày.  Bạn đã gặp người nào như thế này chưa?

c)  Lời bình giải về đoạn Tin Mừng:

Lc 18:1:  Chìa khóa để giúp cho việc thông hiểu dụ ngôn
Luca giới thiệu dụ ngôn như sau:  “Sau đó Người nói với các ông một dụ ngôn về sự cần thiết phải cầu nguyện liên tục và không bao giờ nản lòng”.  Những chữ “cầu nguyện và không nản lòng” xuất hiện thường xuyên trong Tân Ước (1Tx 5:17; Rm 12:12; Êp 6:18 v.v).  Đây là một nét đặc trưng đời sống tâm linh của các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi.  Nó cũng là một điểm được Luca nhấn mạnh trong cả hai sách Phúc Âm và sách Tông Đồ Công Vụ.  Nếu các bạn có ý định muốn khám phá khía cạnh này trong các tác phẩm của Luca, hãy thực hiện bài tập này:  đọc sách Phúc Âm và sách Tông Đồ Công Vụ và viết xuống tất cả các câu nơi Chúa Giêsu hoặc những người khác đang cầu nguyện.  Các bạn sẽ ngạc nhiên!

Lc 18:2-3:  Sự tương phản giữa vị thẩm phán và bà góa

Chúa Giêsu giới thiệu với chúng ta hai nhân vật từ đời sống thật:  một người thẩm phán không kính sợ Thiên Chúa cũng chẳng kiêng nể người ta, và một bà góa, người sẽ không ngừng tranh đấu cho quyền lợi của mình trước mặt vị thẩm phán.  Sự thật đơn giản Chúa Giêsu đưa ra hai nhân vật này cho thấy rằng Người biết rất rõ xã hội Người đang sống thời bấy giờ.  Bài dụ ngôn không chỉ cho thấy những người nghèo khó phải tranh đấu tại tòa án để quyền lợi của họ được công nhận, mà nó cũng cho chúng ta thấy sự tương phản mạnh mẽ giữa các giai cấp trong xã hội.  Một bên là người thẩm phán vô đạo và vô cảm, và mặt khác, một bà góa biết phải gõ cửa nào để đòi lại những gì thuộc về bà ta.

Lc 18:4-5:  Sự thay đổi của vị thẩm phán và lý do của sự thay đổi
Trong một thời gian dài, mỗi ngày yêu cầu cùng một điều, bà góa đã không nhận được gì từ người thẩm phán vô cảm.  Cuối cùng, vị thẩm phán, dù rằng “ông ta không kính sợ Thiên Chúa cũng không kiêng nể người ta” đã quyết định phải quan tâm đến người đàn bà góa và xét xử cho bà ta.  Lý do là: để khỏi bị thường xuyên quấy nhiễu nữa.  Một lý do khá ích kỷ!  Tuy nhiên, bà góa đã được những gì bà muốn!  Đây là một thực tế trong đời sống hằng ngày và Chúa Giêsu dùng nó để dạy cho chúng ta phải cầu nguyện như thế nào.

Lc 18:6-8a:  Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn
Chúa Giêsu áp dụng dụ ngôn:  “Các con hãy để ý xem người thẩm phán bất công đã nói gì? Vậy Thiên Chúa lại không minh xử cho những người Chúa chọn hằng kêu cứu với Người đêm ngày mà khoan giãn với họ mãi sao?”  Đoạn Người nói thêm rằng Thiên Chúa cũng muốn công lý được thực hiện một cách mau chóng.  NếuChúa Giêsu đã không nói thì chúng ta sẽ không có can đảm để so sánh thái độ đạo đức của Thiên Chúa với người thẩm phán.  Điều quan trọng trong việc so sánh là thái độ của người góa phụ, người mà nhờ sự nài nỉ của bà, cuối cùng cũng nhận được những gì bà muốn.
                                                                               
Lc 18:8b:  Một lời thách thức về đức tin
Cuối cùng, Chúa Giêsu bày tỏ hoài nghi:  “Nhưng khi Con Người đến, liệu sẽ còn tìm thấy được lòng tin nào trên mặt đất nữa chăng?”  Liệu chúng ta sẽ có đủ can đảm để chờ đợi, để kiên tâm, ngay cả khi Thiên Chúa chậm trả lời chúng ta không?  Chúng ta cần rất nhiều đức tin để tiếp tục cố nài nỉ và ứng xử khi thấy không có kết quả.  Bất cứ ai mong muốn có kết quả ngay lập tức sẽ bị thất vọng.  Nhiều bài Thánh Vịnh nói về sự nài nỉ khó khăn và lâu dài trước Thiên Chúa cho đến khi Người thấy đến lúc thích hợp để đáp ứng (Tv 71:14; 37:7; 69:4; Ac 3:26).  Khi trích dẫn Thánh Vịnh 80, thánh Phêrô đã nói một ngày đối với Chúa ví như ngàn năm (2Pr 3:8; Tv 90:4).

d)  Phần tìm hiểu thêm:  Sự cầu nguyện trong các tác phẩm của thánh Luca

i)  Chúa Giêsu cầu nguyện trong Phúc Âm

Các sách Phúc Âm giới thiệu cho chúng ta về một Chúa Giêsu cầu nguyện, Người đã sống trong sự liên lạc liên tục với Đức Chúa Cha.  Ước muốn duy nhất của Chúa Giêsu là làm theo thánh ý của Chúa Cha (Ga 5:19). Thánh Luca là người nói nhiều nhất về đời sống cầu nguyện của Chúa Giêsu.  Ông cho chúng ta thấy Đức Giêsu là một người luôn cầu nguyện.  Chúa Giêsu đã cầu nguyện nhiều và cầu nguyện một cách liên lỉ, để người ta và các môn đệ của Người cũng sẽ làm như vậy.  Đó là khi phải đối diện với Thiên Chúa trong sự thật rằng người ấy thấy chính mình trong thực tế và sự khiêm hạ của nó.  Đây là một số những lúc khi Chúa Giêsu đang cầu nguyện trong sách Tin Mừng của Luca:

Lc 2:46-50:  Khi Đức Giêsu lên mười hai tuổi, Người đi lên Đền Thờ, nhà Cha của Người
Lc 3:21:  Đức Giêsu cầu nguyện khi Người chịu phép rửa và khi Người nhận lãnh sứ vụ
Lc 4:1-2: Khi Đức Giêsu khởi sự rao giảng, Người đã cầu nguyện bốn mươi ngày trong hoang địa
Lc 4:3-12:  Khi Đức Giêsu bị cám dỗ, Người phải đối diện với quỷ như trong văn bản từ Kinh Thánh
Lc 4:16:  Trong những ngày Sabbát, Chúa Giêsu cầu nguyện trong hội đường
Lc 5:16; 9:18:  Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện
Lc 6:12:  Người đã thức suốt đêm cầu nguyện trước khi chọn các thánh Tông Đồ
Lc 9:16; 24:30:  Người cầu nguyện trước bữa ăn
Lc 9:18:  Đức Giêsu cầu nguyện trước khi tiên báo về cuộc thương khó của Người
Lc 9:28:  Trong lúc bối rối, Chúa Giêsu lên núi cầu nguyện, Người đã hiển dung trong lúc cầu nguyện
Lc 10:21:  Khi Phúc Âm được mặc khải cho những người bé mọn, Người nói:  “Lạy Cha, con xin ngợi khen Cha…”
Lc 11:1:  Khi Chúa Giêsu cầu nguyện, Người linh ứng cho các tông đồ ước muốn cầu nguyện
Lc 22:32:  Chúa Giêsu cầu nguyện cho Phêrô để ông khỏi mất lòng tin
Lc 22:7-14:  Chúa mừng lễ Vượt Qua với các môn đệ
Lc 22:41-42:  Chúa cầu nguyện và mồ hôi máu chảy ra trong vườn Cây Dầu
Lc 22:40-46:  Khi lâm cơn xao xuyến bồi hồi, Chúa bảo các môn đệ cùng cầu nguyện với Người
Lc 23:34:  Khi Chúa bị đóng đinh trên thập giá, Người cầu nguyện xin tha cho những kẻ hành hạ Người
Lc 23:46; Tv 31:6:  Vào lúc trước khi chết Đức Giêsu kêu lớn tiếng:  “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha”
Lc 23:46:  Chúa Giêsu tắt thở với tiếng kêu của người khốn khổ trên môi Người

Danh sách các lời trích dẫn cho chúng ta thấy rằng đối với Chúa Giêsu việc cầu nguyện liên hệ mật thiết với đời sống, với thực tế cụ thể, với những quyết định sắp được thực hiện.  Để được trung tín với kế hoạch của Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã tìm cách để được một mình với Chúa Cha, để lắng nghe lời Người.  Trong những giây phút khó khăn và quyết định của cuộc đời, Chúa Giêsu cầu nguyện với các bài Thánh Vịnh.  Giống như những người Do Thái mộ đạo, Chúa Giêsu thuộc lòng những bài này.  Đọc lên những bài Thánh Vịnh đã không dập tắt những tinh thần sáng tạo của Người.  Thay vào đó, Chúa Giêsu đã sáng tạo ra một bài Thánh Vịnh, đó là, Kinh Lạy Cha.  Cuộc đời của Người là một lời cầu nguyện liên tục:  “Tất cả mọi lúc Ta sẽ làm những gì Chúa Cha muốn ta làm!” (Ga 5:19-30).  Điều Thánh Vịnh nói đã ứng nghiệm với Chúa Giêsu:  “…con chỉ biết cầu nguyện cho họ!” (Tv 109:4).

 ii)  Các cộng đoàn cầu nguyện trong Sách Tông Đồ Công Vụ

Như trong sách Phúc Âm, sách Tông Đồ Công Vụ cũng thế, Luca thường xuyên nói về cầu nguyện.  Các Kitô hữu tiên khởi là những người tiếp tục việc cầu nguyện của Chúa Giêsu.  Đây là danh sách, mà trong cách này hay cách khác, nói về cầu nguyện.   Nếu bạn tìm kỹ, bạn sẽ thấy các văn bản khác nữa:

Cv 1:14:  Cộng đoàn chuyên cần cầu nguyện cùng với Đức Maria, thân mẫu Chúa Giêsu
Cv 1:24:  Cộng đoàn cầu nguyện để biết ai sẽ thay thế Giuđa
Cv 2:25-35:  Thánh Phêrô trích dẫn Thánh Vịnh trong bài giảng của ông
Cv 2:42:  Các Kitô hữu tiên khởi siêng năng cầu nguyện
Cv 2:46-47:  Họ đi đến Đền Thờ để ca tụng Thiên Chúa
Cv 3:1:  Phêrô và Gioan đi lên Đền Thờ để cầu nguyện vào giờ thứ chín
Cv 3:8:  Người què được chữa lành ca tụng Thiên Chúa
Cv 4:23-31:  Cộng đoàn cầu nguyện trong cơn bách hại
Cv 5:12:  Các Kitô hữu đầu tiên ở tại cổng Sôlômon (của đền thờ)
Cv 6:4:  Các tông đồ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa
Cv 6:6:  Các tông đồ cầu nguyện trước khi đặt tay trên các phó tế
Cv 7:59:  Khi sắp chết, Stêphanô cầu nguyện rằng:  “Lạy Chúa Giêsu, xin nhận lấy hồn con”
Cv 7:60:  Rồi Stêphanô kêu lớn tiếng: "Lạy Chúa, xin đừng chấp họ tội này."
Cv 8:15:  Phêrô và Gioan cầu nguyện cho những người đón nhận Lời Chúa nhận được ơn Chúa Thánh Thần
Cv 8:22:  Người tội lỗi được khuyên bảo:  “Hãy sám hối và cầu nguyện để anh có thể được tha thứ”
Cv 8:24:  Simon thưa:  "Xin hai ông cầu cùng Chúa cho tôi, để không điều nào trong những điều các ông đã nói giáng xuống trên tôi."
Cv 9:11:  Phaolô đang cầu nguyện
Cv 9:40:  Phêrô cầu nguyện cho việc chữa lành bà Tabitha
Cv 10:2:  Cônêliô luôn cầu nguyện cùng Thiên Chúa
Cv 10:4:  Lời cầu nguyện của Cônêliô đã thấu tòa Thiên Chúa
Cv 10:9:  Vào giờ thứ sáu, Phêrô lên sân thượng cầu nguyện
Cv 10:30-31:  Cônêliô cầu nguyện vào giờ thứ chín và Thiên Chúa đã nhậm lời cầu nguyện của ông
Cv 11:5:  Phêrô kể với dân chúng thành Giêrusalem:  “Tôi đang cầu nguyện”!
Cv 12:5:  Cộng đoàn cầu nguyện khi Phêrô bị bắt trong ngục
Cv 13:2-3:  Cộng đoàn cầu nguyện và ăn chay trước khi tiễn hai ông Phaolô và Ba-na-ba đi
Cv 13:48  Dân ngoại vui mừng và tôn vinh Lời Chúa
Cv 14:23:  Các nhà truyền giáo cầu nguyện để chỉ định các kỳ mục cho mỗi cộng đoàn
Cv 16:13:  Tại Phi-líp-pi, gần bờ sông, có một nơi cầu nguyện
Cv 16:16:  Phaolô và Sila đang đi đến nơi cầu nguyện
Cv 16:25:  Vào ban đêm, Phaolô và Sila hát thánh ca và cầu nguyện trong ngục
Cv 18:9:  Phaolô có một thị kiến với Chúa vào ban đêm
Cv 19:18:  Nhiều người xưng thú tội lỗi của họ
Cv 20:7:  Họ đã họp nhau và bẻ bánh (Phép Thánh Thể)
Cv 20:32:  Phaolô phó thác những người kỳ mục của cộng đoàn cho Thiên Chúa
Cv 20:36:  Phaolô cùng với những người kỳ mục của cộng đoàn quỳ gối cầu nguyện
Cv 21:5:  Họ quỳ xuống trên bãi biển mà cầu nguyện
Cv 21:14:  Khi không thể thuyết phục được Phaolô, họ đành thôi và nói:  “Xin cho ý Chúa được thể hiện!”
Cv 21:20:  Họ tôn vinh Thiên Chúa vì tất cả những việc Phaolô đã làm
Cv 21:26:  Phaolô vào đền thờ để hoàn thành lời hứa
Cv 22:17-21:  Phaolô cầu nguyện trong đền thờ, ông có một thị kiến và Thiên Chúa nói với ông
Cv 23:11:  Trong nhà ngục tại Giêrusalem, Phaolô có một thị kiến với Chúa Giêsu
Cv 27:23:  Phaolô có thị kiến với Chúa Giêsu trong một cơn bão tại biển
Cv 27:35:  Phaolô cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn Thiên Chúa trước khi đến vùng Man-ta
Cv 28:8:  Phaolô cầu nguyện trên thân phụ của Púp-li-ô, người đang bị sốt
Cv 28:15:  Phaolô tạ ơn Thiên Chúa khi được thấy anh em ở Pô-zu-ô-li

Danh sách này cho chúng ta hai điều quan trọng.  Một mặt, các Kitô hữu tiên khởi đã giữ gìn phụng vụ truyền thống của người dân.  Giống như Chúa Giêsu, họ cầu nguyện ở nhà trong gia đình, trong cộng đoàn và nơi hội đường và cùng với những người trong đền thờ.  Mặt khác, ngoài các truyền thống phụng vụ, có xuất hiện một phương pháp cầu nguyện mới nơi họ trong cộng đoàn và với một nội dung mới.  Nguồn gốc của cách cầu nguyện mới này xuất phát từ kinh nghiệm mới về “Thiên Chúa trong Đức Giêsu” và từ một nhận thức rõ ràng và sâu sắc về sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa cộng đoàn:  “Chính ở nơi Người mà chúng ta sống, cử động và hiện hữu!” (Cv 17:28)

6.  Cầu Nguyện:  Thánh Vịnh 63 (62)
Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ,
ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.
Linh hồn con đã khát khao Ngài,
tấm thân này mòn mỏi đợi trông,
như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước.
Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện,
để thấy uy lực và vinh quang của Ngài.
Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống,
miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương.

Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng,
và giơ tay cầu khẩn danh Ngài.
Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc,
môi miệng con rộn rã khúc hoan ca.
Con tưởng nhớ Chúa trên giường ngủ,
suốt năm canh thầm thĩ với Ngài.
Quả thật Ngài đã thương trợ giúp,
nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui.
Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó,
giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì.

Còn những kẻ tìm hại mạng sống con,
ước gì chúng phải xuống vực sâu lòng đất,
bị gươm giáo phanh thây, làm mồi cho muông sói.
Đức Vua sẽ vui mừng trong Thiên Chúa.
Ai lấy danh Chúa mà thề sẽ được hiên ngang;
còn người nói dối phải câm miệng.
7.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.







Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét