Trang

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2013

29-10-2013 : THỨ BA TUẦN XXX MÙA THƯỜNG NIÊN

THỨ BA 29/10/2013
Thứ Ba sau Chúa Nhật 30 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 8, 18-25
"Các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tôi nghĩ rằng những đau khổ ở đời này không thể sánh với vinh quang sắp tới sẽ được mạc khải cho chúng ta. Vì chưng các tạo vật ngóng trông sự mạc khải của con cái Thiên Chúa. Các tạo vật đã phải tùng phục cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn như vậy, nhưng vì Ðấng đã bắt chúng phải tùng phục, với hy vọng là các tạo vật sẽ được giải thoát khỏi vòng nô lệ sự hư nát, để được thông phần vào sự tự do vinh hiển của con cái Thiên Chúa.
Vì chúng ta biết rằng cho đến bây giờ, mọi tạo vật đều rên siết và đau đớn như người đàn bà trong lúc sinh con. Nhưng không phải chỉ có các tạo vật, mà cả chúng ta nữa, là những kẻ đã được hưởng ơn đầu mùa của Thánh Thần, chúng ta cũng rên rỉ trong mình chúng ta khi ngóng chờ phúc làm nghĩa tử của Thiên Chúa và ơn cứu độ thân xác chúng ta.
Vì chưng nhờ niềm cậy trông mà chúng ta được cứu độ. Nhưng hễ nhìn thấy điều mình hy vọng thì không phải là hy vọng nữa. Vì ai đã thấy điều gì rồi, đâu còn hy vọng nó nữa? Nhưng nếu chúng ta hy vọng điều chúng ta không trông thấy, chúng ta sẽ kiên tâm trông đợi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi (c. 3a).
Xướng: 1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân hoan. - Ðáp.
2) Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng. Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của tôi, như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4) Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về trong hân hoan, vai mang những bó lúa. - Ðáp.

Alleluia: Tv 118, 34
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa và để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.

Phúc Âm: Lc 13, 18-21
"Hạt cải mọc lên và trở thành một cây to".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng: "Nước Thiên Chúa giống như cái gì? Và Ta sẽ so sánh nước đó với cái gì? Nước đó giống như hạt cải mà người kia lấy gieo trong vườn mình. Nó mọc lên và trở thành một cây to, và chim trời đến nương náu trên ngành nó".
Người lại phán rằng: "Ta sẽ so sánh Nước Thiên Chúa với cái gì? Nước đó giống như tấm men mà người đàn bà kia lấy bỏ vào ba đấu bột, cho tới khi tất cả khối đều dậy men".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Sức Mạnh Nội Tại Của Nước Chúa
Qua bài Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta suy niệm hai dụ ngôn về Nước Trời: hạt cải và nắm men. Cả hai dụ ngôn làm nổi bật khởi điểm khiêm tốn nhỏ bé của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.
Dụ ngôn hạt cải nhấn mạnh sự phát triển theo chiều rộng: từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây to, đến độ chim trời có thể đến làm tổ được. Dụ ngôn nắm men được đem trộn vào bột nhấn mạnh đến chiều sâu, tức phẩm chất của Nước Chúa: từ một chút men có thể làm dậy cả khối bột. Cả hai dụ ngôn đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh chỉ được nhìn thấy bằng đức tin mà thôi. Thật thế, khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến Nước Chúa đang xảy ra như thế nào trong lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào lúc cuối lịch sử: mặc cho những thử thách, những ngăn trở, Nước Chúa dù được bắt đầu một cách khiêm tốn nhỏ bé, nhưng chắc chắn sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.
Hai dụ ngôn: Hạt Cải và Nắm Men trong bột, gởi đến chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi phải đương đầu với trở ngại, thử thách trong đời sống đức tin. Nhìn thấy những điều tiêu cực luôn xảy ra trong Giáo Hội và trên thế giới, chúng ta có thể tự hỏi: Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới ngày càng bị tục hóa và bị nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa không? Một chút men Lời Chúa có đủ sức thu hút và biến đổi con người nên tốt hơn không? Ðã hơn 2,000 năm kể từ khi Con Thiên Chúa nhập thể làm người và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên Thập giá, nhưng thử hỏi nhân loại ngày nay có tốt đẹp hơn ngày xưa không?
Nếu suy nghĩ theo lý luận tự nhiên, chúng ta có thể dễ dàng rơi vào thất vọng. Tuy nhiên, những lời của Chúa Giêsu qua hai dụ ngôn trên đây không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng. Chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ như thế nào nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác vào đó, bằng sự cầu nguyện và dấn thân làm những gì có thể với ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần.
Xin Chúa mở rộng con mắt đức tin chúng ta, để chúng ta nhìn thấy tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hằng ngày. Xin cho chúng ta luôn kiên trì trong thử thách và luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 30 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Rom 8:18-25; Lk 13:18-21.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự liên hệ giữa con người và các tạo vật của Thiên Chúa

Nhiều tác giả của Kinh Thánh đã nhận ra sự liên hệ chặt chẽ giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ. Theo tác giả của Sáng Thế Ký, Thiên Chúa dựng nên tất cả các tạo vật và trao chúng trong tay con người để điều khiển và sinh lợi ích cho con người (Gen 1:28). Lúc đầu, khi con người chưa phạm tội, các dã thú sống với con người mà không sợ hãi chi cả. Tiên-tri Isaiah thấy trước triều đại của Đấng Thiên Sai, khi các dã thú ở chung với nhau, trẻ thơ chơi giỡn với rắn hổ mang, và trẻ còn măng sữa thò tay vào hang rắn lục mà không sợ bị cắn (Isa 11:1-8). Tác giả của Thư Phêrô II và của Khải Huyền nói về "trời mới, đất mới" sẽ xuất hiện và triều đại của Thiên Chúa sẽ vô cùng vô tận cho những người công chính (2 Pet 3:13, Rev 21:1).
Các Bài Đọc hôm nay muốn nói lên mối tương quan giữa con người và các tạo vật trong vũ trụ. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô diễn tả sự tương quan này bằng ảnh hưởng của tội lỗi con người trên các tạo vật, và bằng nỗi trông mong của các tạo vật được cùng chung hưởng vinh quang với con người, khi Thiên Chúa ban vinh quang cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu ví Nước Trời như hạt cải và như nắm men. Hạt cải có thể trở thành cây lớn để mang lại bóng mát cho chim trời. Nắm men tuy nhỏ nhưng có thể làm dậy ba thúng bột lớn để mang lại của ăn ngon cho con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang cho con cái Người.

1.1/ Các tạo vật cùng chung đau khổ với con người: Khi con người phạm tội, các tạo vật cùng chịu chung hậu quả, như khi Adam phạm tội, đất đai bị nguyền rủa (Gen 3:17); khi con người phạm tội trong thời Noah, mọi sinh vật đều chịu chung số phận với con người trong Lụt Hồng Thủy, trừ một số các sinh vật và gia đình Noah (Gen 6:5-8).
Hậu quả của tội là không chỉ con người phải chết, nhưng các sinh vật cũng cùng chịu chung số phận phải thoái hóa như con người. Sau trận Lụt Hồng Thủy, Thiên Chúa đã làm lại một giao ước với Noah và với tất cả các sinh vật" (Gen 9:12-13; cf. Psa 135). Phaolô xác tín sự liên hệ giữa các tạo vật của Thiên Chúa trong việc chia sẻ sự cứu chuộc của Đức Kitô cho con người: "Muôn loài thọ tạo những trông mong đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người.''

1.2/ Các tạo vật cùng đang trông chờ để chung phần vinh quang với con người: Vì cùng chung phần đau khổ với con người, các tạo vật cũng mong được chung phần vinh quang với con người. Thánh Phaolô diễn tả nỗi trông mong này như sau: "Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thánh Thần như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa."
Người tín hữu đã được làm con Thiên Chúa, đã được nhận lãnh Thánh Thần như ân huệ mở đầu; giờ đây họ chỉ còn mong chờ ngày được lãnh nhận vinh quang mà Thiên Chúa đã hứa. Trong khi chờ đợi, họ phải bền chí trong đau khổ, và không bao giờ được mất niềm hy vọng, vì "những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta."

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban cho con người có tiềm năng làm cho Nước Chúa được mở rộng.

2.1/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình: Hạt cải bên Palestine không phải là hạt sinh rau cải, nhưng có thể trở thành cây lớn: Mấy điều chúng ta cần chú ý:
(1) Hạt cải bé nhỏ nhưng có tiềm năng thành cây lớn: Giống như một hạt cải bé nhỏ nhưng Thiên Chúa đã cho nó một tiềm năng để trở thành cây lớn; Nước Thiên Chúa cũng vậy, khởi sự từ một nhóm người Do-Thái bé nhỏ hay từ Nhóm Mười Hai, nay đã chiếm khỏang 1/5 dân số thế giới và vẫn còn đang tiếp tục lan rộng cho đến tận cùng trái đất.
(2) Hạt cải trước khi thành cây phải mục nát đi trước khi nẩy mậm và vươn thành cây lớn; nếu không nó sẽ trơ trọi một mình. Nước Thiên Chúa cũng thế: Để có thể lan rộng, cần có những người sẵn sàng chấp nhận đau khổ để cho Nước Chúa được mau đến.
(3) Khi thành cây, chim trời làm tổ trên cành được: Tiềm năng được ban cho để sinh lợi cho Thiên Chúa, chứ không ích kỷ giữ cho mình. Như cây cải cung cấp chỗ ở cho chim trời, con người cũng phải dùng ơn thánh Thiên Chúa ban để bảo vệ những người yếu ớt bé nhỏ, chứ không chỉ biết lo lắng cho mình. Nếu ai cũng chỉ biết vun xới cho mình thì Nước Thiên Chúa lan tràn thế nào được?

2.2/ Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột: Men là bột cũ được giữ lại để dùng làm bánh sau này; công dụng chính của men là làm dậy bột.
(1) Nắm men tuy bé nhỏ nhưng có tiềm năng làm nổi ba thúng bột: Giống như hạt cải bé nhỏ, Thiên Chúa cũng cho men một tiềm năng để làm dậy những khối bột lớn. Và cũng tương tự như thế về Nước Thiên Chúa.
(2) Con người phải chu tòan sứ vụ làm dậy men của mình bằng lời giảng và cuộc sống chứng nhân để mọi người trông thấy và tin vào Thiên Chúa. Người này làm men cho người khác và cứ như thế, Nước Thiên Chúa được mở rộng.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta có mối liên hệ với các tạo vật chung quanh trong kế hoạch của Thiên Chúa; chúng ta phải biết xử dụng đúng đắn, và không được đối xử tàn tệ với các tạo vật Thiên Chúa dựng nên.
- Khi một người sống đúng mối liên hệ với Thiên Chúa, với tha nhân, và với các tạo vật chung quanh; các súc vật cũng nghe lời người ấy. Lịch sử các thánh là một minh chứng hùng hồn cho điều này như: thánh Phanxicô Asissi, Antôn Padua, và thánh Martin de Porres.
- Để giúp phát triển Nước Thiên Chúa, trước tiên chúng ta phải nhận ra những quà tặng Thiên Chúa ban và tiềm năng lớn lao có thể trở thành của chúng; thứ đến, chúng ta cần biết phát triển tiềm năng của những quà tặng này; sau cùng, phải biết dùng trong việc mang ích lợi cho bản thân và làm cho Nước Chúa mỗi ngày một mở rộng.

Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 30TN
Lc 13,18-21

A. Hạt giống...
Đây là 2 dụ ngôn mà các chuyên viên gọi là những dụ ngôn sinh đôi, nghĩa là cùng một ý nghĩa.
- Hai hình ảnh : hạt cải được gieo xuống vườn, nắm men được vùi vào thúng bột.
- Những chi tiết có ý nghĩa : a/ Nhỏ trở thành lớn ; b/ quá trình phát triển tuy âm thầm nhưng chắc chắn.
Những dụ ngôn về Nước Thiên Chúa này được Chúa Giêsu nói liền sau phép lạ chữa một phụ nữ còng lưng (Lc 13,10-21) nên cũng có liên hệ với nhau : Hiện tại xem ra Nước Thiên Chúa còn quá nhỏ bé, nhưng vì nó có sức phát triển nội tại nên chắc chắn sau này nó sẽ lớn mạnh. Việc giải thoát một người con cháu Abraham hôm nay là dấu chỉ cho việc Nước Thiên Chúa sẽ giải phóng tất cả mọi người sau này.

B.... nẩy mầm.
1. “Chúng ta chỉ nghe cây rừng đổ ngã mà không nghe được tiếng thì thầm của những mầm non đang mọc lên. Chúng ta tính toán dựa trên những con số mà không thẩm định dựa trên phẩm chất (...) Chúa Giêsu dùng những hình ảnh này để trấn an và khuyến khích các môn đệ. Những phương tiện nhỏ bé và hầu như vô hiệu các ông đang có trong tay quả thực làm cho các ông băn khoăn lo lắng. Nhưng Chúa muốn các ông đặt tin tưởng vào quyền năng Thiên Chúa. Các tông đồ đã đi rao giảng với hai bàn tay trắng. Nhưng đó đã là sức mạnh nhào nắn Giáo Hội từ 2000 năm qua” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
2. Tuy nhiên ta phải nhớ rằng hạt cải không tự động nẩy mầm, nắm men không tự động làm bột dậy lên. Muốn sinh hiệu quả, hạt cải phải được “gieo xuống” lòng đất và nắm men phải được “vùi vào” thúng bột.
3. 1 Cr 3,6 : Phaolô nói “Tôi trồng. Apollo tưới. Nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên”.
4. “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được”. (Lc 13,19)
Có anh thanh niên nọ được sinh ra trong một gia đình giàu có, sung túc chẳng thiếu thứ gì. nhưng anh vẫn cảm thấy buồn và cuộc sống dường như tẻ nhạt. Một hôm anh ta bắt gặp ngay đoạn Tin Mừng : “Chúa Giêsu cúi xuống rửa chân cho các môn đệ, rửa chân cho Phêrô, Giuđa,... “ và anh đã đọc được Lời Chúa nhắc bảo : “Các con hãy rửa chân cho nhau”. Chính hình ảnh ấy và câu nói đó đã thôi thúc anh ra đi phục vụ cho người khác. Anh xin tới những vùng xa xôi, những trại tỵ nạn để phục vụ. và chính lúc phục vụ anh đã tìm thấy niềm vui và cản thấy đời đáng sống hơn. Cuối cùng anh ta đã xin ra nhập đạo.
Lạy Chúa Giêsu, một khi con được Chúa cho thấm nhuần đời sống Tin Mừng thì con sẽ làm được những chuyện phi thường. Nguyện xin Chúa cho con biết đón nhận và sống lời Chúa. (Hosanna)

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

29/10/13 THỨ BA TUẦN 30 TN
Lc 13,18-21

Ý NGHĨA CỦA HẠT CẢI, NẮM MEN
“Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải...Nước Thiên Chúa giống như chuyện nắm men...” (Lc 13,19.21)

Suy niệm: Đã có nhiều nghiên cứu xem nước nào trên thế giới này là nơi đáng sống nhất. Kết quả có khi là Canada, là Pháp, lúc thì Thụy Điển, hay Na Uy… Có dạo, một số tờ báo Việt Nam nói rằng dân Việt Nam hạnh phúc… thứ nhì thế giới (?). R.ốt cục, chẳng có nước nào là lý tưởng mà chỉ có những nước khá hơn và những nước tệ hơn thôi. Chúa Giêsu xác nhận có một nước lý tưởng, ở ngay thế giới này nhưng lại không dễ hình dung. Đó là “Nước Thiên Chúa”. Vì thế Ngài phải dùng nhiều hình tượng như “nắm men,” “hạt cải” để mô tả. Hai hình tượng này cho thấy Nước Thiên Chúa vốn nhỏ bé nhưng lớn lên không ngừng và một cách rất âm thầm, bằng chính năng lực bên trong của nó, cho đến khi trở thành như cây xum xuê, hay như toàn thúng bột dậy men.
Mời Bạn: Yếu tố chủ yếu để xác định Nước Thiên Chúa không phải là vị trí chính trị hay sức mạnh quân sự, kinh tế mà là năng lực (tức sức sống) bên trong: Ở đâu có năng lực ấy là có Nước Thiên Chúa; ở đâu năng lực ấy mạnh thì Nước Thiên Chúa mạnh, và ngược lại. Và cũng như hạt cải, nắm men phát triển mạnh mẽ nhưng âm thầm, thì mọi sự phô trương ‘hoành tráng’ bên ngoài không đương nhiên là dấu chỉ của Nước Thiên Chúa (lắm khi cho thấy ngược lại nữa kia!). Năng lực đó là gì vậy? Là yêu thương, là Thánh Thần, là các giá trị Tin Mừng, v.v… Bạn còn có thể gọi nó bằng nhiều tên khác nữa.
Sống Lời Chúa: Hôm nay bạn quyết tâm yêu thương nhiều hơn, để làm cho Nước Thiên Chúa hiện diện nhiều hơn tại nơi mình sống.
Cầu nguyện: Kinh Hoà Bình.


Sức Mạnh Của Nước Thiên Chúa

Hôm nay Giáo Hội chúng ta được mời gọi suy niệm các câu 18-21 của chương 13 Phúc Âm theo thánh Luca, kể lại hai dụ ngôn ngắn của Chúa Giêsu về Nước Trời giống như hạt cải và giống như men được trộn với bột. Cả hai dụ ngôn đều làm nổi bật điểm khởi đầu khiêm tốn nhỏ nhoi của Nước Chúa so với sự hoàn thành cuối cùng.
Dụ ngôn về hạt cải nhấn mạnh đến sự phát triển theo chiều ngang, theo thể lượng từ hạt cải nhỏ bé trở thành cây có cành lá to lớn đến nỗi chim trời có thể đến đậu vào được; và dụ ngôn thứ hai về chất men được đem trộn vào bột, nhấn mạnh đến chiều sâu, đến phẩm chất sâu xa của Nước Chúa từ chất men có thể làm dậy cả thúng bột.
Cả hai đều nhấn mạnh đến sức mạnh nội tại của Nước Chúa, một sức mạnh mà chúng ta nhìn thấy nhờ đức tin mà thôi. Không có đức tin chúng ta sẽ không vượt qua được những thử thách xem ra như đang cản trở sự phát triển của Nước Chúa trên trần gian này. Chúng ta cũng lưu ý thêm là khi kể hai dụ ngôn này, Chúa Giêsu không nhằm đến diễn tiến đang xảy ra của Nước Chúa như thế nào trong dòng lịch sử, mà chỉ nhằm nhấn mạnh đến tình trạng hoàn tất chung cuộc vào cuối cùng của lịch sử. Mặc cho những thử thách, những ngăn trở Nước Chúa dù được bắt đầu một cách hết sức khiêm tốn, nhỏ nhoi nhưng chắc chắn cuối cùng sẽ đạt đến mức phát triển trọn vẹn.
Hai dụ ngôn trên của Chúa Giêsu gởi đến mỗi người chúng ta một sứ điệp hy vọng, nhất là khi chúng ta phải đương đầu với những trở ngại, những thử thách trong đời sống đức tin, khi chúng ta nhìn thấy những điểm tiêu cực không ngừng xảy ra trong Giáo Hội, trong Nước Chúa.
Những hạt cải giá trị Kitô liệu còn có thể mọc lên và phát triển trong một thế giới càng ngày càng bị trần tục hóa, càng ngày càng nhiễm tinh thần đối nghịch với Thiên Chúa hay không? Chất men lời Chúa có đủ sức mạnh thu hút con người và biến đổi con người trở nên tốt hơn hay không? Gần hai ngàn năm rồi, kể từ khi Con Thiên Chúa xuống thế thực hiện công việc cứu chuộc nhân loại qua cái chết trên thập giá và sống lại nhưng thử hỏi, nhân loại ngày hôm nay có tốt hơn ngày xưa không? Nếu suy luận theo cái lý tự nhiên, theo những toan tính phàm trần có thể chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào thất vọng. Nhưng lời dạy của Chúa Giêsu qua dụ ngôn trên không cho phép chúng ta bi quan ngã lòng, chúng ta không nhìn thấy tương lai Nước Chúa sẽ hoàn tất như thế nào nhưng hàng ngày chúng ta hãy lắng nghe lời Chúa dạy và cầu nguyện: "Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời". Chúng ta hãy cầu nguyện và dấn thân làm tất cả những điều mình có thể với ơn Chúa soi sáng.
Lạy Chúa,
Xin mở rộng đôi mắt niềm tin chúng con để chúng con được nhìn thấy những tác động âm thầm của tình yêu Chúa trong những biến cố hàng ngày. Xin thương ban cho chúng con được kiên trì trong những thử thách và luôn luôn hy vọng vào Chúa trong mọi sự.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Suy niệm

Tiếp nối đoạn Tin Mừng về việc Chúa Giêsu chữa lành cho người phụ nữ bị quỷ ám đã mười tám năm vào ngày Sabat và phản ứng của ông trưởng hội đường, là 2 dụ ngôn về hạt cải và nắm men trong bột. Như vậy 2 dụ ngôn này Chúa Giêsu nhằm giải thích cho hành động chữa lành người phụ nữ bị còng lưng trước đó. Chúa Giêsu có ý dạy rằng Nước Trời khởi đầu hết sức khiêm tốn, nhưng kết quả lại vô cùng lớn lao.

Việc Chúa Giêsu chữa một người phụ nữ bị còng lưng trước đoạn Tin Mừng này vào ngày Sabat như cho thấy rằng thời đại này đã thay đổi: nếu Satan bị xua đi, có nghĩa là Nước Thiên Chúa đã đến gần con người. Không gì có thể cản trở bước tiến của Tin Mừng, kể cả việc giả nhân, giả nghĩa của những người biệt phái và Pharisêu.

Hạt giống đức tin Chúa đã gieo vào tâm hồn con chắc chắn sẽ không chết đi, “mà sẽ lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được” (Lc 13,19). Thế nhưng, trong hiện tại, con thấy đời sống đức tin của con vẫn èo ọt, nghèo nàn, và tưởng chừng như có thể chết đi? Như vậy lời Chúa về dụ ngôn hạt cải và men trong bột có còn đúng nữa không?

Thưa vẫn còn! Chính thế lực thù địch đã làm cho tiến trình đức tin của con bị cản trở, cũng giống như luật ngày Sabat của người Do Thái ngày xưa; cũng tương tự như căn bệnh còng lưng làm cho người đàn bà mất cả nhân cách, vì bà phải “cúi xuống”. Thế nhưng Chúa Giêsu đã đến, đã phá tan tất cả để cho bà trở thành một con người thực sự. Đó là dấu chỉ Satan đã bị hạ gục, nước Thiên Chúa đang lớn lên.

Thấy được điều đó để con vững vàng hơn trong đời sống đức tin của con, dù cho có bị phong ba bão tố của cuộc sống dập vùi; dù cho có bị gánh nặng chồng chất của tội lỗi đè bẹp đến nghẹt thở… nhưng đức tin của con sẽ không chết nếu con để cho Đức Kitô đến giải thoát.

Con cũng tin tưởng vào hoạt động của Chúa trong lòng Giáo Hội, cụ thể là Giáo phận và họ đạo của con. Nhiều khi cảm thấy chán nản và thất vọng về bề trên, về cha sở, về những vị trong hội đồng giáo xứ… nhưng con tin chắc hạt giống Nước Chúa không vì thế mà bị bóp nghẹt; Giáo phận, họ đạo, Giáo Hội của Chúa không vì những cá nhân, những con người đó mà sụp đổ. Chúa sẽ cho lớn mạnh, và nhiều khi còn mạnh mẽ hơn sau một giai đoạn xuống cấp hoặc sau một sự cố bất thường nào đó trong Giáo Hội.

Lạy Chúa Nước Chúa sẽ lớn mạnh và trị đến. Con tin tưởng điều đó. Cũng chính tương lai tươi sáng đó làm cho con mạnh mẽ hơn để vượt qua những giai đoạn khủng hoảng của hành trình đức tin; nhẹ nhàng, bình an hơn trước những điều chưa hài lòng về Giáo Hội. Sức mạnh của Chúa sẽ chiến thắng. Xin cho con biết yêu mến Chúa, để tình yêu mến Chúa đủ đẩy con vượt qua sự chôn vùi của bùn đất và nảy mầm thành những chồi non, cây xanh và sinh hoa kết trái theo ý Chúa.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên

29 THÁNG MƯỜI

Để Thế Gian Tin Rằng Cha Đã Sai Con …

Sự hiệp nhất giữa các môn đệ Đức Kitô là một điều kiện để thi hành sứ mạng của Giáo Hội. Hơn thế nữa, nó còn là một điều kiện để thực thi sứ mạng của chính Đức Kitô trong thế giới này. Nó là một điều kiện để rao giảng và củng cố cách hiệu quả đức tin của chúng ta vào Đức Kitô. Chúa Giêsu cầu nguyện: “Con cũng cầu xin … cho những người sẽ tin vào con …để họ nên một trong chúng ta, và để thế gian tin rằng Cha đã sai con… Xin cho họ hoàn toàn nên một, để thế gian biết rằng Cha đã sai con, và để họ nhận biết Cha yêu thương họ như Cha đã yêu con” (Ga 17, 20 – 23).
Sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu là điều thiết yếu cho việc rao giảng Tin Mừng, bởi vì sự thành bại của việc rao giảng Tin Mừng tùy thuộc vào chứng tá sống của cộng đoàn Kitôhữu, chứ không chỉ là chuyện thuyết giảng Lời Chúa. Làm sao những người ngoài Kitô giáo có thể có thể bắt đầu tin vào tình yêu của Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô, nếu họ không nhìn thấy các Kitô hữu yêu thương nhau? Tình yêu không thể được biểu lộ ra cũng không thể xuyên thấu vào trái tim con người ngoại trừ qua chứng tá hiệp nhất.
Vì thế trước hết chúng ta phải tha thiết khát vọng hiệp nhất. Chúng ta phải cầu xin ơn hiệp nhất. Ân huệ này, Thiên Chúa đã ban cho Giáo Hội, cũng đặt ra cho Giáo Hội một trách nhiệm đặc biệt trong đại gia đình nhân loại. Nói cách khác, Giáo Hội có trách nhiệm thúc đẩy việc đối thoại và thông cảm nhau giữa tất cả mọi người, để vãn hồi sự hiệp nhất và hòa bình cho thế giới vốn đang bị phân rẽ của chúng ta.
Ngày nay thế giới đầy dẫy những xung đột và căng thẳng. Các quốc gia bị phân rẽ giữa Đông và Tây, giữa Bắc và Nam, giữa bạn và thù. Và ngay bên trong các đường biên giới của mỗi quốc gia, người ta có thể nhìn thấy sự đối đầu nhau giữa các nhóm và các đảng phái: Những giành giựt xâu xé phát sinh từ các thành kiến và các ý thức hệ, từ những định chế cứng ngắt của các quốc gia, từ những rào cản về chủng tộc, và từ vô số yếu tố khác – chẳng có yếu tố nào trong đó xứng đáng với phẩm giá con người.
Chính trong thế giới phân rẽ này mà Giáo Hội hôm nay được mời gọi cổ võ cho sự hòa điệu và hòa bình.

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 29-10
Rm 8,18-25; Lc 13,18-21


LỜI SUY NIỆM: “Nước Thiên Chúa giống như chuyện một hạt cải, người nọ lấy gieo trong vườn mình. Nó lớn lên và trở thành cây, chim trời làm tổ trên cành được.” (Lc 13,19).

Khi chúng ta cầm lấy hạt cải trong tay, chúng ta chỉ thấy nó là một hạt rất nhỏ có màu nâu, nhưng trong hạt đó chứa biết bao là lá, là cành và rễ của nó, mà chúng ta không thấy, không nghĩ tới. Chỉ khi gieo vào lòng đất với sự chăm sóc phân nước và rào dậu; sau một thời gian, nó mới đâm chồi nẩy lộc. Chúa Giêsu mời gọi chúng ta vững tin vào Giáo Hội của Ngài. Sẽ đến ngày Nước Chúa sẽ lang rộng khắp nơi. Mọi con người sẽ tìm đến để lãnh nhận ơn cứu độ của Ngài.


Mạnh Phương


29 Tháng Mười

Các Ông Là Quái Vật

Cuốn phim E.T. (nghĩa là người đến từ bên ngoài trái đất) đã là khởi đầu cho những giả thuyết về sự hiện hữu của nhiều giống người khác trên hành tinh. Chúng ta hãy thử tưởng tượng một ngày nào đó những người này đến viếng thăm trái đất của chúng ta. Có lẽ họ sẽ phải học hỏi rất nhiều nơi chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về các tôn giáo hiện hữu trên mặt đất. Họ sẽ tra cứu mọi thứ  triết thuyết và mọi lẽ khôn ngoan cũng như bao cái điên rồ của con người. Sau cùng họ sẽ điều tra về những người Kitô và khám phá ra rằng thủ lãnh của họ là Giêsu Kitô. Chúng ta hãy thử tưởng tượng cuộc đối thoại giữa họ và những người Kitô.
- Ông Giêsu Kitô là ai?
Một người Kitô sẽ trả lời:
- Ông là một người Do Thái, ông đã được muôn dân trông đợi từ ngàn xưa. Ông đến như một vị tiên tri để cứu thoát trần thế.
- Thế nhưng họ đã làm gì với ông ta?
- Thưa, họ đã đóng đinh ông vào thập tự.
Và một người trong cuộc đối thoại sẽ thêm:
- Phải, có lẽ ông ta đã không đến đúng lúc. Giả như  ông đến bây giờ đây, thì mọi sự có lẽ sẽ khác. Người ta sẽ thông cảm với ông, sẽ yêu mến ông và như vậy, tình huynh đệ đại đồng như chúng ta hằng mong ước sẽ được thực hiện. Thật là đáng tiếc, ông Giêsu đã đến không đúng lúc. Thật là một tai nạn đáng tiếc.
Một người Kitô khác có lẽ sẽ phản đối:
- Tôi không đồng ý. Chúa Giêsu có đến lúc nào và ở đâu, thì mọi sự cũng sẽ diễn ra như thế thôi.
Theo dõi cuộc đối thoại, không chừng người đến từ hành tinh khác sẽ phát biểu:
- Vậy thì các ông là những quái vật.

Có lẽ giống người của chúng ta trên mặt đất này là những quái vật. Và chính vì thế mà Chúa Giêsu đã đến để cứu độ chúng ta. Ngài đã yêu thương chúng ta. Ngài đã thể hiện lòng nhân từ đối với chúng ta, bởi vì chúng ta là những quái vật.
Chúng ta hãy thử nhìn vào các giống vật đang chia rẽ sự  sống với chúng ta trên mặt đất này. Chúng nó có thể cắn xé những con thú khác không thuộc giòng giống của nó. Nhưng chúng nó không bao giờ giết hại cắn xé lẫn nhau. Còn giống người của chúng ta thì sao?
Nhưng thập giá của Ðức Kitô không chỉ là một mặc khải về tính cách quái vật của con người, nó còn là một thể hiện của Tình Yêu Thiên Chúa dành cho con người. Ðó là dấu chỉ của Tình Yêu, của Hòa Bình.
Người Kitô mang trên người, vẽ trên người, dấu thập giá để ca tụng Tình Yêu của Thiên Chúa cũng như để nói lên thiện chí xây dựng Hòa Bình của họ.
Ước gì dấu thánh giá chúng ta làm mỗi ngày sẽ luôn nhắc nhở cho chúng ta về Tình Yêu kỳ diệu của Thiên Chúa cũng như mời chúng ta không ngừng xây dựng Hòa Bình với tất cả những người xung quanh.


(Lẽ Sống)

Thứ Ba 29-10
Chân Phước Tôma ở Florence
(c. 1447)

L
à con của một người hàng thịt ở Florence, có một thời gian Tôma sống rất hoang đàng đến nỗi những người hàng xóm phải ngăn cấm con cái họ không được chơi với anh. Một người đàn ông giầu có trong tỉnh là bạn với Tôma đã đưa anh vào con đường đồi trụy hơn trước. Khi bị buộc vào một tội ác trầm trọng mà anh không phạm, Tôma chạy đến người bạn này để xin bảo vệ. Nhưng ông ta không thèm nhìn mặt và đuổi anh đi. Thật tan nát, Tôma lang thang trên đường phố cho đến khi anh gặp một linh mục, là người đã lắng nghe câu chuyện của Tôma và đưa anh về nhà của ngài. Sau đó, ngài đã giúp anh được vô tội.
Sau khi cắt đứt mọi liên lạc với bạn bè cũ, Tôma bắt đầu một cuộc đời cầu nguyện và sám hối. Ðược tràn đầy ơn Chúa, anh xin gia nhập dòng Phanxicô làm thầy trợ sĩ. Tôma trở nên một người gương mẫu trong dòng, sống khắc khổ, và giữ kỷ luật rất nghiêm nhặt. Thầy mặc những quần áo vất đi của các thầy khác. Và thầy thường đắm mình trong sự xuất thần. Mặc dù thầy chưa bao giờ được tấn phong linh mục và vui vẻ chấp nhận phục vụ với tư cách một trợ sĩ, Tôma được bổ nhiệm làm giám đốc đệ tử viện. Nhiều người trẻ đã noi gương con đường nên thánh của ngài.
Thầy Tôma đã sáng lập thêm nhiều trường đệ tử ở vùng nam nước Ý. Và Ðức Giáo Hoàng Martin V đã kêu gọi thầy rao giảng chống lại bè phái Fraticelli, là những linh mục Phanxicô lạc đạo. Thầy cũng được yêu cầu đến Orient để cổ võ sự hợp nhất giữa Giáo Hội Ðông Phương và Tây Phương. Ở đây thầy bị cầm tù và có thể được lãnh triều thiên tử đạo. Nhưng đức giáo hoàng đã chuộc ngài với số tiền rất lớn. Thầy Tôma trở về Ý và từ trần khi trên con đường đến Rôma, là nơi ngài hy vọng được phép trở lại Orient.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét