Trang

Thứ Ba, 30 tháng 6, 2015

01-07-2015 : THỨ TƯ TUẦN XIII MÙA THƯỜNG NIÊN

01/07/2015
Thứ Tư sau Chúa Nhật 13 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) St 21, 5.8-20
"Con của người nữ tỳ không được thừa hưởng gia tài cùng với con tôi".
Trích sách Sáng Thế.
Khi Abraham được một trăm tuổi, thì Isaac sinh ra.
Ðứa trẻ lớn lên và thôi bú.
Ngày Isaac thôi bú, Abraham thết tiệc linh đình.
Bà Sara thấy con của Agar, người đàn bà Ai Cập, chơi với Isaac, con của bà, liền nói với Abraham rằng: "Hãy đuổi mẹ con người tì nữ này đi, vì con của người đầy tớ không được thừa hưởng gia tài cùng với con tôi là Isaac".
Abraham lấy sự ấy làm đau lòng cho con mình.
Chúa phán cùng Abraham rằng: "Người đừng buồn vì con trẻ, và con của nữ tì ngươi. Bất cứ Sara nói gì, ngươi hãy nghe theo vì nhờ Isaac, sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Nhưng Ta cũng sẽ cho con trai của nữ tì trở thành một dân tộc lớn, vì nó thuộc dòng dõi của ngươi".
Sáng sớm, Abraham chỗi dậy,lấy bánh mì và bầu nước, đặt lên vai người nữ tì, trao con trẻ cho nàng rồi bảo nàng đi.
Sau khi ra đi, nàng đến rừng Bersabê.
Và khi đã uống hết bầu nước, nàng bỏ con trẻ dưới gốc cây trong rừng.
Nàng ra ngồi cách xa đó khoảng tầm một tên bắn.
Vì nàng nói: "Tôi chẵng nỡ thấy con tôi chết", và nàng ngồi đó, thì bên trong đứa bé cất tiếng khóc.
Chúa đã nghe tiếng khóc của đứa trẻ, và thiên thần Chúa từ trời gọi Agar mà rằng: "Agar, ngươi làm gì thế? Ngươi đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nghe tiếng đứa trẻ khóc từ chỗ nó đang nằm kia.
Ngươi hãy chỗi dậy, ẵm con đi, và giữ chặt tay nó, vì Ta sẽ cho nó trở thành một dân tộc vĩ đại".
Và Thiên Chúa mở mắt cho Agar, nàng thấy một giếng nước và đến múc đầy bầu nước cho đứa trẻ uống.
Chúa phù trợ đứa trẻ; nó lớn lên, cư ngụ trong rừng vắng, và trở thành người có tài bắn cung tên.
Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 33,7-8.10-11,12-13
Ðáp: Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe. (7a)
Xướng 1) Kìa người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. Thiên thần Chúa hạ trại đồn binh, chung quanh những người sợ Chúa, và bênh chữa họ. - Ðáp.
2) Các thánh nhân của Chúa hãy tôn sợ Chúa, vì người tôn sợ Chúa chẳng thiếu thốn chi. Bọn sang giàu đã sa cơ nghèo đói, nhưng người tìm Chúa chẳng thiếu chi thiện hảo. - Ðáp.
3) Các đệ tử ơi, hãy lại đây, hãy nghe ta, ta sẽ dạy các con biết tôn sợ Chúa. Ai là người yêu quý cuộc đời, mong sống lâu để hưởng nhiều phúc lộc. - Ðáp.

Alleluia: Tv 94, 8ab
Alleluia, alleluia. - Ước gì hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 8,28-34
"Ông đến lúc này để hành hạ các quỷ".
Bài trích Phúc Âm theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu lên thuyền sang bờ bên kia, đến miền Giêrasa, thì gặp hai người bị quỷ ám từ các mồ mả đi ra, chúng hung dữ đến nỗi không ai dám qua đường ấy.
Và chúng kêu lên rằng: "Lạy Ông Giêsu, Con Thiên Chúa, chúng tôi có can chi đến ông? Ông đến đây để hành hạ chúng tôi trước hạn định sao?"
Cách đó không xa có một đàn heo lớn đang ăn.
Các quỷ nài xin Người rằng: "Nếu ông đuổi chúng tôi ra khỏi đây, thì xin cho chúng tôi nhập vào đàn heo".
Người bảo chúng rằng: "Cứ đi".
Chúng liền ra khỏi đi nhập vào đàn heo.
Tức thì cả đàn heo, từ bờ dốc thẳng, nhào xuống biển và chết chìm dưới nước.
Các người chăn heo chạy trốn về thành, báo tin ấy và nói về các người bị quỷ ám. Thế là cả thành kéo ra đón Chúa Giêsu. Khi gặp Người, Họ xin Người rời khỏi vùng của họ.
Ðó là Lời Chúa.


Suy Niệm: Hai Mẫu Người
Chúa Giêsu đã đến với con người. Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy hai mẫu người, hai cách thức Chúa đến với họ.
Mẫu người thứ nhất có thể thấy được nơi hai người bị quỉ ám. Họ là những con người bị đẩy ra bên lề xã hội và chính họ cũng không làm chủ được trí khôn của mình nữa, họ không còn sống như một người bình thường và bị người ta xa lánh. Chúa Giêsu đến với họ một cách bất ngờ, họ chưa kịp xin Chúa chữa lành; vả lại họ cũng không thể xin, vì lúc đó họ đang bị quỉ ám. Thế nhưng, Chúa đã chữa lành họ, Ngài cho phép quỉ nhập vào đàn heo gần đó. Một phép lạ xẩy ra làm rúng động những người dân trong thành.
Mẫu người thứ hai là dân cư miền Gađara. Những người này có đời sống vật chất đầy đủ và tiện nghi, nhưng dường như không có sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúa đến với họ qua dấu lạ chữa lành hai người bị quỉ ám mà từ lâu họ đã chối từ, và sự kiện đàn heo bị quỉ nhập lao xuống biển chết chìm. Chúa Giêsu đã thực hiện dấu lạ để kéo chú ý của người dân trong thành về việc Chúa đến, nhưng họ đã bỏ mất cơ hội để tiếp xúc với Chúa và đón nhận ơn cứu độ. Bởi vì, như Tin Mừng kể lại, sau khi gặp Ngài, họ xin Ngài rời khỏi vùng đất của họ. Họ làm thế vì sợ phải gánh chịu những thiệt hại vật chất do sự hiện diện của con người lạ lùng này. Những lợi lộc hay những thiệt thòi vật chất có thể làm cho con người khép kín tâm hồn, trở nên mù quáng trước sự hiện diện yêu thương, bình an và cứu rỗi của Chúa.
Xin Chúa cho chúng ta một tâm hồn thanh thoát, biết mở rộng để đón nhận những dấu chỉ sự hiện diện của Chúa, để sẵn sàng đến gặp Chúa, sống với Chúa và trở thành dụng cụ hữu hiệu của Chúa cho những người xung quanh.
Veritas Asia


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần 13 TN1, Năm lẻ 
Bài đọc: Gen 21:5, 8-20; Mt 8:28-34. 

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Quan tâm lợi lộc trước mắt mà không nhìn thấy thiệt hại tương lai.

             Thiên Chúa khôn ngoan và yêu thương, Ngài biết những gì hữu ích và những gì gây thiệt hại cho con người; nên đã thân hành ban Thập Giới, để con người cứ theo đó sống để có hạnh phúc cả đời này và đời sau. Ma quỉ rất tinh ranh và ghen tị, chúng không muốn con người được yêu thương và hạnh phúc, nên không ngừng cám dỗ và xúi giục con người vi phạm Thập Giới để phải chịu đau khổ cả đời này lẫn đời sau. Theo căn bản của Thập Giới, con người phải kính mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương tha nhân như chính mình vậy. Ma quỉ, chúng thừa biết sự thiển cận của con người: chỉ biết nhìn cái lợi trước mắt; nên không ngừng bày ra những ảo ảnh của vật chất để xúi giục con người chọn vật chất trên tình yêu dành cho Thiên Chúa và tha nhân.
            Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những bài học thực tế để cho chúng ta suy tư và học hỏi. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Sáng Thế tường thuật lý do tại sao bà Sarah bắt ông Abraham phải trục xuất mẹ con Hagar ra khỏi nhà, vì bà không muốn Ismael, con của Hagar, được đồng thừa tự với Isaac, con bà. Trong Phúc Âm, dân làng Gadara, vì quá quan tâm đến sự thiệt hại của đàn heo, và không quan tâm đến sự lành mạnh tinh thần của hai con người; nên đã lạnh nhạt mời Chúa ra khỏi làng, để họ tiếp tục sống nô lệ cho ma quỉ. 

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC: 

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa vượt xa tính ích kỷ nhỏ nhen của con người. 
           
1.1/ Cách cư xử ích kỷ và bất công của bà Sarah: Đọc Sách Sáng Thế, chúng ta biết rõ lý do tại sao Hagar có con với Abraham: đó là do kế hoạch của bà Sarah, vì bà không thể sinh con cho Abraham có con nối giòng. Nhưng khi được Thiên Chúa đoái thương và ban cho bà có một con trai là Isaac trong lúc tuổi già, bà đổi ý định và đày đọa Hagar và con của nàng.
            Khi bà Sarah thấy đứa con mà Hagar, người Ai-cập, đã sinh ra cho ông Abraham, đang cười giỡn, bà liền nói với ông Abraham: "Ông hãy đuổi hai mẹ con đứa nữ tỳ này đi, vì con trai đứa nữ tỳ không được thừa kế cùng với Isaac, con trai tôi." Lý do chính bà lo lắng là Ismael sẽ được cùng thừa kế gia tài của Abraham để lại với Isaac con bà!
            Sự việc xảy ra là hoàn toàn do ý định của bà Sarah, lẽ ra bà phải có can đảm lãnh trách nhiệm do quyết định của mình, bà lại đổ xuống trên Abraham và mẹ con Hagar. Ông Abraham rất bực mình vì lời ấy, bởi đó là con ông. Nhưng Thiên Chúa phán với ông Abraham: "Đừng bực mình vì chuyện đứa trẻ và người nữ tỳ của ngươi. Tất cả những gì Sarah nói với ngươi, cứ nghe, bởi vì chính nhờ Isaac mà ngươi sẽ có một giòng dõi mang tên ngươi. Còn con trai của người nữ tỳ, Ta cũng sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn, vì nó là giòng dõi ngươi."

1.2/ Kế hoạch của Thiên Chúa cho mẹ con Hagar: Nghe lời Thiên Chúa, sáng hôm sau, ông Abraham dậy sớm, lấy bánh và một bầu da đựng nước đưa cho Hagar. Ông đặt đứa bé lên vai nàng và bắt nàng phải đi.
            (1) Phản ứng của Hagar: Mẹ góa con côi, hành trang lên đường chỉ có ít bánh và nước. Nàng đi mà không biết đi về đâu. Chán nản, mệt mỏi, tuyệt vọng ... Khi nước trong bầu da đã cạn, nàng vất đứa bé dưới một bụi cây, rồi đi ngồi đối diện, cách xa khoảng tầm cung bắn. Nàng nói: "Sao cho tôi đừng nhìn thấy đứa bé chết!" Nàng ngồi đối diện và bật tiếng khóc.
            (2) Thiên Chúa vẫn rộng tình thương: Thiên Chúa nghe thấy tiếng đứa trẻ và từ trời Ngài sai sứ thần đến an ủi Hagar: "Sao thế, Hagar? Đừng sợ, vì Thiên Chúa đã nghe thấy tiếng đứa trẻ, ở chỗ nó nằm. Đứng lên! Đỡ đứa trẻ dậy và ôm nó trong tay, vì Ta sẽ làm cho nó thành một dân tộc lớn." Thiên Chúa mở mắt cho nàng, và nàng thấy một giếng nước. Nàng đi đổ nước đầy bầu da, rồi cho đứa trẻ uống. Thiên Chúa ở với đứa trẻ, nó lớn lên, sống trong sa mạc, và trở thành người bắn cung.
            (3) Hậu quả của cách cư xử của bà Sarah: Chúng ta không phủ nhận tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa; nhưng mối thù truyền kiếp giữa dân tộc Do-thái và người Hồi-giáo là do kết quả của hành động thiếu khôn ngoan của bà Sarah. Abraham là tổ phụ của cả hai bên: Do-thái và Hồi-giáo. Nếu bà biết khiêm nhường dàn xếp để bà và Hagar có thể ở chung một nhà, và hai con trẻ Isaac và Ismael có thể cười giỡn và đối xử với nhau như anh em; mối thù truyền kiếp chắc đã không xảy ra và kéo dài như ngày nay.

 2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu trục xuất quỉ thần ra khỏi hai người. 
           
2.1/ Chúa Giêsu đương đầu với quyền lực ma quỉ: Khi Đức Giêsu sang bờ bên kia của Biển Hồ đến miền Gadara, có hai người bị quỷ ám từ trong đám mồ mả ra đón Người; chúng rất dữ tợn, đến nỗi không ai dám qua lại lối ấy. Gặp Chúa Giêsu, chúng la lên rằng: "Hỡi Con Thiên Chúa, chuyện chúng tôi can gì đến ông? Chưa tới lúc mà ông đã đến đây làm khổ chúng tôi sao?"
            (1) Thiên Chúa và ma quỉ không thể ở chung: chỗ nào có sự hiện diện của Thiên Chúa, là không có sự hiện diện của ma quỉ và ngược lại. Ma quỉ biết Thiên Chúa sẽ tiêu diệt chúng vĩnh viễn trong Ngày Phán Xét. Thời gian trước ngày đó, chúng được quyền cám dỗ con người. Đó là lý do chúng nhắc khéo Chúa Giêsu là "chưa tới lúc" để Ngài tiêu diệt chúng.
            (2) Kế hoạch của ma quỉ: Nhiều người thắc mắc tại sao ma quỉ xin nhập vào đàn heo và tại sao chúng lại lao xuống biển? Ma quỉ rất khôn ngoan, chúng đã có sẵn kế hoạch để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi!

2.2/ Sợ hãi mất lợi tức làm dân thành quyết định thiếu khôn ngoan: Trình thuật của Matthew không cho biết số lượng của bầy heo lao xuống biển; trình thuật của Marcô cho biết số lượng khoảng 2,000 con. Nhiều tác giả thắc mắc lý do tại sao Chúa Giêsu cho quỉ nhập vào đàn heo để gây thiệt hại cho dân làng như vậy. Chúng ta cần công bằng khi phán xét: Chúa Giêsu không phải là lý do chính gây ra việc đàn heo lao xuống biển; ma quỉ là nguyên nhân chính và chúng có uy quyền để gây ra thiệt hại cho đàn heo. Hơn nữa, mục đích của chúng khi gây thiệt hại là để dân làng mời Chúa Giêsu đi khỏi, để chúng có dịp tác hại dân làng.
            Đây chỉ là một ví dụ trong muôn ngàn ví dụ dẫn chứng con người hành xử thiếu khôn ngoan và không theo thứ tự ưu tiên của cuộc đời:
            (1) Mời Đức Kitô ra khỏi thành của họ: Mối liên hệ với Thiên Chúa phải là mối liên hệ được ưu tiên hàng đầu; thế mà vì lợi nhuận vật chất, dân làng mời Chúa Giêsu ra khỏi làng của họ, để họ tiếp tục sống dưới ảnh hưởng của quỉ thần. Chúng biết con người chỉ biết nhìn lợi lộc thấp hèn như chúng đã từng cám dỗ Chúa Giêsu trong sa mạc.
            (2) Coi linh hồn và an sinh của con người thua kém một bầy heo: Mối liên hệ giữa con người với con người phải được đặt trên những lợi lộc vật chất; thế mà dân làng không vui vì hai con người được chữa lành và từ nay không gây thiệt hại cho dân làng nữa, nhưng buồn giận vì đàn heo bị thiệt hại!
           
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

            - Con người chỉ biết nhìn lợi lộc trước mắt, Thiên Chúa quan tâm đến tương lai. Chúng ta cần học cách đối xử công bằng của Thiên Chúa, để tránh thiệt hại cho tương lai.
            - Con người luôn nhìn lợi lộc vật chất, Thiên Chúa quan tâm đến sự lành mạnh của linh hồn. Chúng ta cần học biết cách suy xét và hành động như Thiên Chúa. 

Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


01/07/15        THỨ TƯ ĐẦU THÁNG TUẦN 13 TN
            Mt 8,28-34
CHÚA Ở VỚI NGƯỜI
 Cả thành ra đón Đức Giê-su, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ. (Mt 8,34)
 Suy niệm : “Quỷ ở với người” là tác phẩm nổi tiếng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, và cũng là thực trạng của gia đình, xã hội không còn tôn ti trật tự, nhân nghĩa khi cư xử với nhau. Ngày xưa quỷ trong bài Tin Mừng đã đẩy hai người vào sống trong ngôi mộ của người chết. Ngày nay quỷ ở với những người sống trong nền văn hóa sự chết như phá thai, nghiện tình dục, rượu bia, bạo lực... Ngày xưa quỷ xúi dục dân chúng mời Chúa rời khỏi vùng đất mình vì mất đàn heo. Ngày nay quỷ hoành hành trong tâm hồn người chuộng tiền bạc, sổ đỏ, tài khoản ngân hàng hơn tình nghĩa cha mẹ, anh em, bạn bè, nhất là việc thờ phượng Thiên Chúa, thậm chí dần dần loại Ngài ra khỏi đời sống.
 Mời Bạn : Quỷ đã biến hai người ở Ga-đa-ra thành mối đe dọa người đồng loại (c. 28). Hôm nay hễ khi nào bạn là mối gây mất bình an, lo lắng, buồn phiền, thậm chí là mối đe dọa, khủng bố người khác, có thể quỷ đang ở với bạn. Hãy để quyền năng của Đức Giê-su loại trừ thứ quỷ ấy ra khỏi bạn bằng ơn Chúa qua các bí tích và nghị lực của bạn.
 Sống Lời Chúa : Tôi xác tín cùng với thánh giáo hoàng Gio-an Phao-lô II: "Sự hiện diện của quỷ ngày càng ghê gớm hơn khi con người và xã hội quay lưng với Thiên Chúa" (tháng 08/1986). Tôi cũng sẽ nỗ lực thờ phượng Chúa cách nhiệt thành, sốt sắng hơn.
 Cầu nguyện : Lạy Chúa Giê-su, chúng con cảm phục quyền năng mạnh mẽ của Chúa trong việc trấn áp ma quỷ. Xin giúp chúng con cảnh giác với mưu mô của ma quỷ; xin cho chúng con luôn tin tưởng cậy trông vào Chúa, tin rằng  Chúa luôn ở với chúng con. Amen.
Đi đi 
  Quỷ hấp dẫn con người bằng quyền lực và tri thức của chúng. Nhưng thực sự chúng là kẻ thù không đội trời chung của con người. 

Suy nim:
Theo cha Gabrielle Amorth, vị trừ quỷ chính của giáo phận Rôma,
“số người bị quỷ ám đã gia tăng rất nhiều.”
Trong vòng tám năm, chính cha đã trừ cho hơn hai mươi ngàn trường hợp.
Con số kinh khủng này hẳn là một nhắc nhở cho những ai nghĩ rằng
quỷ vắng bóng trong thế giới của khoa học kỹ thuật,
quỷ chỉ là huyền thoại của thế giới cách đây hai ngàn năm thời Đức Giêsu,
hay quỷ ám thật ra chỉ là bệnh thần kinh vào thời y khoa chưa phát triển.
Trong cuộc hội kiến vào tháng 8-1986, Đức Gioan Phaolô đã nói
sự hiện diện của quỷ trong thế giới “ngày càng trở nên ghê gớm hơn
khi con người và xã hội quay lưng với Thiên Chúa.”
Tin Mừng hôm nay là trình thuật đầu tiên về trừ quỷ của thánh Mátthêu.
Chuyện này đã được Máccô kể lại với nhiều chi tiết hấp dẫn hơn (Mc 5, 1-20).
Nhưng trong Mátthêu, khuôn mặt Đức Giê su lại nổi bật hơn nhiều.
Ngài đã cùng với các môn đệ qua bờ bên kia sau khi gặp cơn bão biển.
Khi Ngài đến vùng đất của người Gađara, ở phía đông nam Hồ Galilê,
hai người bị quỷ ám từ mồ mả đi ra, đến gặp Ngài (c. 28).
Mồ mả là nơi dành cho người chết, nơi bị coi là nhơ uế, nơi của thần dữ.
Có hai nét giúp ta nhận ra sự hiện diện của quỷ nơi những người bị ám.
Họ rất dữ tợn đến nỗi không ai dám qua lại con đường ấy (c. 28).
Họ nhận biết ngay Đức Giêsu là Con Thiên Chúa (c. 29).
Sức mạnh kinh khủng và sự hiểu biết lạ lùng là thế mạnh của thần dữ.
Nhưng đây cũng là điểm yếu của quỷ khi đứng trước Đức Giêsu.
Chính vì thế chúng hoảng sợ khi thấy mình bị đe dọa:
“Chưa tới lúc mà ông đã đến đây hành hạ chúng tôi sao?”
Đức Giêsu đến sớm quá và khiến cho quyền lực của chúng phải sụp đổ.
Khi đọc bài Tin Mừng này, chúng ta thường có nhiều câu hỏi.
Tại sao quỷ lại xin nhập vào đàn heo? Tại sao Đức Giêsu lại đồng ý?
Đàn heo chết đuối thì quỷ ra sao? Phải đền người chủ đàn heo thế nào?
Mátthêu có vẻ không quan tâm đến những câu hỏi ấy.
Điều ông quan tâm là làm nổi bật quyền năng của Đức Giêsu.
Chỉ một lời Ngài phán: “Đi !” là đuổi được quỷ ra khỏi hai người.
Nước Trời đến đem lại bình an cho hai người quỷ ám ở trong mồ mả,
và cho những ai qua lại lối đi ấy.
Không thấy các người dân ngoại chăn heo kêu ca về chuyện mất đàn heo,
nhưng họ lại trở nên những người loan báo cho dân thành về mọi chuyện.
Tiếc là dân thành đã không muốn đón tiếp Ngài.
Quỷ hấp dẫn con người bằng quyền lực và tri thức của chúng.
Nhưng thực sự chúng là kẻ thù không đội trời chung của con người.
Chúng phân ly con người, đẩy người sống vào mộ người chết,
biến con người thành mối đe dọa cho con người (c. 28).
Chúng thích có mặt ở đàn vật ô uế, thích gieo vãi sự ô uế khắp nơi (c. 31).
Xin Chúa cho ta thấy được sự lộng hành của quỷ dữ trong thế giới hôm nay.
Và xin Chúa cứu ta khỏi nanh vuốt của ác thần.
Cầu nguyn:

Lạy Cha,
thế giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn có những người bơ vơ lạc hướng
vì không tìm được một người để tin ;
vẫn có những người đã chết từ lâu
mà vẫn tưởng mình đang sống ;
vẫn có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống ;
vẫn có những người bị sống bên lề xã hội,
dù không phải là người phong...
Xin Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng trước hết,
xin cho chúng con
nhìn thấy chính bản thân chúng con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG BẢY
Đấng Cầm Quyền Tối Cao Luôn Ân Cần Săn Sóc
Các biểu tượng cổ xưa của đức tin và của truyền thống Kitô giáo diễn tả chân lý về sự quan phòng bằng từ La tinh “omni-tenens” (nắm giữ tất cả) – ứng với từ Hi lạp “panto-krator” (cai quản tất cả). Tuy nhiên, những ý niệm ấy vẫn chưa nói được gì so với sự hàm súc và vẻ đẹp của hình ảnh người mục tử trong Thánh Kinh. Hình ảnh người mục tử là một hình ảnh đầy ấn tượng có sức mạc khải chân lý về sự quan phòng thần linh.
Thật vậy, người mục tử là một người cầm quyền đầy quan tâm, thực hiện một kế hoạch đời đời đầy khôn ngoan và yêu thương qua việc cai quản thế giới tạo vật và nhất là xã hội loài người (Vat. II, TDTG số 3). Đó là một quyền bính đầy cẩn trọng, bao gồm cả quyền lực lẫn lòng nhân.
Theo bản văn của Sách Khôn Ngoan mà Công Đồng Vatican I trích dẫn, quyền bính ấy “vươn rộng từ chân trời này tới chân trời kia, cai quản mọi sự thật tốt đẹp” (Kn 8,1). Nghĩa là, nó bao trùm lấy, nâng đỡ, bảo vệ, và – một cách nào đó – nó nuôi dưỡng nữa. Quyền bính đó chính là Thiên Chúa chúng ta, Đấng săn sóc chúng ta như mục tử săn sóc đàn chiên của mình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
+++++++++++++++++
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 01-7
St 21, 5.8-20; Mt 8, 28-34
LỜI SUY NIỆM: “Và kìa, cả thành ra đón Đức Giêsu, và khi gặp Người, họ xin Người rời khỏi vùng đất của họ.”
Trong câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành cho hai người bị quỷ ám, mà phải hy sinh một đàn heo phải chết, Dân miền Ga-đa-ra đã xin Người rời khỏi vùng đất của họ. Điều này cũng đang đòi hỏi về lương tâm của mỗi người. Trong Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo số 1778 cho chúng ta biết được: “Lương tâm là một thứ tòa án, một cơ quan bên trong – Từ đó chúng ta cảm nhận sự ưng thuận hay khước từ, phán đoán tích cực hay tiêu cực về thái độ và hành động của con người.” Đối với ngườ Kitô hữu chúng ta có “Lề Luật”. tiếng nói của Lề Luật đó luôn luôn kêu gọi con người yêu mến và làm điều tốt cũng như tránh điều xấu, vào lúc cần thiết, tiếng nói đó vang lên trong trái tim con người” (GLHTCG 1776).
Lạy Chúa Giêsu, Lời Chúa là Ánh Sáng soi đường chúng con đi. Lề luật Chúa dẫn đưa chúng con vào sự sống. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con có lương tâm được đặt trên hai nền tảng này, để sống cho mình và sống với tha nhân.
Mạnh Phương
+++++++++++++++++
01 Tháng Bảy
Một Cách Trả Thù
Những người thổ dân Nam Phi thường đề cao sự tha thứ bằng câu chuyện sau đây:
Có hai người thổ dân rất thù ghét nhau. Một ngày kia, một trong hai người gặp cô gái nhỏ của kẻ thù mình trong rừng. Hắn đã bắt lấy cô gái và lấy dao chặt đứt hai ngón tay của cô bé. Cô bé vừa chạy về vừa khóc lóc đau đớn, còn tên hung thủ thì vừa đi vừa đắc trí hô lớn: "Ta đã trả thù được rồi".
Mười mấy năm sau, cô bé đáng thương ấy đã lớn lên rồi có gia đình. Một hôm, có một người ăn xin đến gõ cửa nhà cô. Cô nhận ra tức khắc người hành khất chính là kẻ đã chặt tay cô cách đây mười mấy năm. Không một chút oán hờn, không một lời trả đũa, cô vội vàng vào nhà và mang thức ăn ra hầu hạ cho kẻ đã từng hành hạ mình. Khi người hành khất đã ăn no rồi, người đàn bà liền đưa bàn tay cụt mất hai ngón cho ông ta xem và nói: "Tôi cũng đã trả được thù rồi".
"Lấy ân trả oán": đó phải là phương châm hành động của người Kitô chúng ta. Không có cách trả thù nào cao quý hơn bằng yêu thương, tha thứ cho chính kẻ thù. Nói như thánh Phaolô, chúng ta không mắc nợ với nhau đều gì ngoài tình thương mến.
Chỉ có tình thương, chỉ có lòng tha thứ mới có thể tiêu diệt được hận thù, lấy bạo động để tiêu diệt bạo động: con người chỉ đổ thêm dầu vào hận thù và bạo động mà thôi.
Cuộc cách mạng bạo động và đẫm máu nào cũng chỉ mang lại tang thương, chết chóc và không biết bao nhiêu hệ lụy khổ đau khác.
Chỉ có một cuộc cách mạng duy nhất có thể cứu vãn được nhân loại: đó là cuộc cách mạng mà Chúa Giêsu đã đề ra. Chỉ có cuộc cách mạng tình thương ấy mới có thể tiêu diệt được hận thù. Ðó là cuộc cách mạng mà người Kitô chúng ta cần phải đeo đuổi mỗi ngày. Thay vì tiêu diệt kẻ thù, chúng ta hãy tiêu diệt chính sự thù hận trong tâm hồn chúng ta.
(Lẽ Sống)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét