Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2015

28-06-2015 : (phần I) CHÚA NHẬT XIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm B

28/06/2015
Chúa Nhật 13 Quanh Năm Năm B
(phần I)


Bài Ðọc I: G Kn 1, 13-15; 2, 23-25
"Bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian".
Trích sách Khôn Ngoan.
Thiên Chúa không tạo dựng sự chết, chẳng vui mừng khi người sống phải chết. Người tác thành mọi sự cho có. Người tạo dựng mọi sự trên mặt đất đều lành mạnh, chúng không có nọc độc sự chết, và không có địa ngục ở trần gian.
Vì chưng, công chính thì vĩnh cửu và bất tử. Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, để sống vĩnh viễn. Nhưng bởi ác quỷ ghen tương, nên tử thần đột nhập vào thế gian: kẻ nào thuộc về nó thì bắt chước nó.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 29, 2 và 4. 5-6. 11-12a và 13b
Ðáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa, Chúa đã đưa linh hồn con thoát xa âm phủ; Ngài đã cứu con khỏi số người đang bước xuống mồ. - Ðáp.
2) Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Ngài, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có suốt đời. - Ðáp.
3) Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con. Lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 2 Cr 8, 7. 9. 13-15
"Sự dư thừa của anh em bù đắp lại sự thiếu thốn của những anh em nghèo khó".
Trích thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh em thân mến, cũng như anh em vượt trổi về mọi mặt: về lòng tin, về hùng biện, về sự hiểu biết, về mọi hình thức nhiệt thành, cũng như về lòng bác ái của anh em, thì anh em cũng phải vượt trổi trong việc phúc đức này.
Vì anh em biết lòng quảng đại của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta: mặc dù giàu sang, Người đã nên thân phận nghèo khó, để nhờ việc nghèo khó của Người, anh em nên giàu có. Nhưng không lẽ để cho kẻ khác được thư thái, mà anh em phải túng thiếu, nhưng phải làm sao cho đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, sự dư giả của anh em bù đắp lại chỗ thiếu thốn của họ, để sự dư giả của họ bù đắp lại sự thiếu thốn của anh em, hầu có sự đồng đều như lời đã chép rằng: "Kẻ được nhiều, thì cũng không dư; mà kẻ có ít, cũng không thiếu".
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 6, 64b và 69b
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, lời Chúa là thần trí và là sự sống; Chúa có những lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 5, 21-43
"Hỡi em bé, Ta bảo em hãy chỗi dậy".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu đã xuống thuyền trở về bờ bên kia, có đám đông dân chúng tụ họp quanh Người, và lúc đó Người đang ở bờ biển. Bỗng có một ông trưởng hội đường tên là Giairô đến. Trông thấy Người, ông sụp lạy và van xin rằng: "Con gái tôi đang hấp hối, xin Ngài đến đặt tay trên nó để nó được khỏi và được sống". Chúa Giêsu ra đi với ông ấy, và đám đông dân chúng cũng đi theo chen lấn Người tứ phía.
{Vậy có một người đàn bà bị bệnh xuất huyết đã mười hai năm. Bà đã chịu cực khổ, tìm thầy chạy thuốc, tiêu hết tiền của mà không thuyên giảm, trái lại bệnh càng tệ hơn. Khi bà nghe nói về Chúa Giêsu, bà đi lẫn trong đám đông đến phía sau Người, chạm đến áo Người, vì bà tự nhủ: "Miễn sao tôi chạm tới áo Người thì tôi sẽ được lành". Lập tức, huyết cầm lại và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh. Ngay lúc ấy, Chúa Giêsu nhận biết có sức mạnh đã xuất phát tự mình, Người liền quay lại đám đông mà hỏi: "Ai đã chạm đến áo Ta?" Các môn đệ thưa Người rằng: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy tứ phía, vậy mà Thầy còn hỏi 'Ai chạm đến Ta?'!" Nhưng Người cứ nhìn quanh để tìm xem kẻ đã làm điều đó. Bấy giờ người đàn bà run sợ, vì biết rõ sự thể đã xảy ra nơi mình, liền đến sụp lạy Người và thú nhận với Người tất cả sự thật. Người bảo bà: "Hỡi con, đức tin của con đã chữa con, hãy về bình an và được khỏi bệnh".}
Người còn đang nói, thì người nhà đến nói với ông trưởng hội đường rằng: "Con gái ông chết rồi, còn phiền Thầy làm chi nữa?" Nhưng Chúa Giêsu đã thoáng nghe lời họ vừa nói, nên Người bảo ông trưởng hội đường rằng: "Ông đừng sợ, hãy cứ tin". Và Người không cho ai đi theo, trừ Phêrô, Giacôbê và Gioan, em Giacôbê. Các Ngài đến nhà ông trưởng hội đường và Chúa Giêsu thấy người ta khóc lóc kêu la ồn ào, Người bước vào và bảo họ: "Sao ồn ào và khóc lóc thế? Con bé không chết đâu, nó đang ngủ đó". Họ liền chế diễu Người. Nhưng Người đuổi họ ra ngoài hết, chỉ đem theo cha mẹ đứa bé và những môn đệ đã theo Người vào chỗ đứa bé nằm. Và Người cầm tay đứa nhỏ nói rằng: "Talitha, Koumi", nghĩa là: "Hỡi em bé, Ta truyền cho em hãy chỗi dậy!" Tức thì em bé đứng dậy và đi được ngay, vì em đã được mười hai tuổi. Họ sửng sốt kinh ngạc. Nhưng Người cấm ngặt họ đừng cho ai biết việc ấy và bảo họ cho em bé ăn.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chia Sẻ Với Những Người Túng Thiếu

Ðau khổ, bệnh tật, chết chóc: bởi đâu đến? Diệt được không? Làm thế nào? Ba bài Kinh Thánh hôm nay gợi lên nhiều suy nghĩ. Cho dù Lời Chúa chỉ dễ hiểu đối với những ai có lòng tin; nhưng khách quan cũng có thể nâng đỡ suy nghĩ của con người. Ít ra đó cũng là quan điểm của tác giả bài đọc I hôm nay.

A. Thiên Chúa Ðã Không Làm Ra Sự Chết
Thật vậy, vào khoảng nửa thế kỷ I trước khi Ðức Yêsu Kitô ra đời, một người trí thức Dothái sống lưu lạc ở Alexandria, thủ đô văn hóa của thế giới Hylạp thời bấy giờ. Ông gặp gỡ nhiều luồng tư tưởng triết học ngoại giáo. Họ luôn đề cập đến các sự dữ ở đời. Họ chưa phân biệt như Gabriel Marcel sau này ở thời đại chúng ta, triết gia công giáo này bảo không nên đặt sự dữ thành "vấn đề", vì nếu là vấn đề thì phải có giải pháp; và rõ ràng cho đến nay không có giải pháp nào xóa bỏ được sự dữ. Tốt hơn hãy coi nó là "mầu nhiệm", và đối với mầu nhiệm, con người đừng tìm cách khắc phục nhưng hãy đưa mình vào để cảm nghiệm.
G. Marcel là triết gia, nên nói tiếng nói của triết học. Tác giả đoạn sách Khôn ngoan hôm nay chỉ là một người Dothái trí thức không biết luật pháp Môsê và mạc khải của Thiên Chúa. Ông muốn đem Lời Chúa nói với những người chỉ quanh quẩn với các lý luận triết học. Ông khẳng định không úp mở: Thiên Chúa không làm ra sự chết. Người chỉ làm ra sự sống. Nơi Người chỉ có tích cực, đến nỗi Người chẳng vui gì khi sinh linh hư diệt.
Như vậy thế giới này là công trình của một ông thiện và một ông ác, của một thần lành và một thần dữ như có thứ triết học chủ trương sao? Chắc chắn tác giả của chúng ta không nghĩ như vậy. Quan niệm lưỡng nguyên coi vạn vật là con đẻ của hai nguyên lý lành-dữ bị chính triết học phi bác, ít ra nơi những suy tư nghiêm chỉnh. Tác giả là người Dothái có mạc khải của Thiên Chúa. Ông nhớ đến trang đầu tiên trong sách Khởi nguyên nói rằng: Thiên Chúa dựng nên vạn vật và Người thấy chúng thật tốt lành. Và ông viết: " Những gì được sinh thành ra trong vũ trụ đều lương hảo". Ông diễn tả đúng niềm tin như Lời Chúa mạc khải.
Tuy nhiên ông phải nói cho người Hylạp hiểu: vì sao lại có sự dữ, là đau khổ, bệnh tật và nhất là sự chết? Sự chết bao trùm mọi sự dữ ở đời. Nó không có mặt trong trời đất khi Thiên Chúa sinh thành vạn vật. Nó đã từ đâu tới để đến nỗi bây giờ nó gieo rắc đau thương, bệnh tật và tang tóc ở mọi nơi? Nhất là nơi con người. Phải nói rằng chỉ nơi con người ta sự chết mới được cảm nghiệm như là sự dữ. Và người ta lấy tâm trạng của mình để phóng lên trên sự vật, khiến chúng ta có thể nói: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Ở đây không phải là chỗ để chúng ta tranh luận triết học. Nhưng người ta không sai lầm lắm đâu khi quan niệm rằng chính ý thức về sự chết là sự dữ ở nơi mình mà con người đâm ra nhìn thấy các khía cạnh tiêu cực nơi ngoại vật. Một em bé thơ ngây không dễ yếm thế như những người đã có kinh nghiệm đau khổ. Ít ra chúng ta nên tập suy nghĩ rằng: những sự dữ bên ngoài không quan trọng và chủ yếu như sự dữ ngay trong con người chúng ta. Và có thể nói như thánh Phaolô: Tạo vật đang rên xiết vì còn phải chờ ngày con cái Thiên Chúa xuất hiện nơi chúng ta. Hoặc như tác giả hôm nay viết trong bài sách Khôn ngoan: Tử thần không có quyền bá chủ cõi trần (khi cõi trần này được tạo dựng).
Vậy chhính con người mang sự chết và bè lũ của nó là đau khổ, bệnh tật đến sao? Cũng không phải. Con người linh ư vạn vật. Khi do Chúa tạo thành, con người cũng là tạo vật thật tốt lành. Và phải tốt lành hơn mọi vật khác. Con người đã được dựng nên giống hình ảnh tạo hóa, theo như bản chất của Người. Con người cũng phải bất hoại vì lẽ Thiên Chúa không làm ra sự chết và Người không vui khi sinh linh hư diệt. Tác giả chỉ tìm thấy nguyên do sự chết nơi con người trong mạc khải của chính Thiên Chúa. Ở chương 3 sách Khởi nguyên, chúng ta đã được nghe biết về câu truyện cám dỗ và sa ngã của nguyên tổ loài người. Vì tội lỗi của Adam-Evà mà sự chết đã xâm nhập vào thế gian. Nó là hình phạt của tội lỗi. Và tội lỗi do tên cám dỗ mang lại. Do đó tác giả viết: "Còn chết, có nhập vào trần gian, ấy là do quỷ đố kỵ".
Tác giả bài sách Khôn ngoan đã chỉ vắn tắt lập lại giáo lý của sách Khởi nguyên, của truyện Thiên Chúa dựng nên vạn vật và nhất là con người. Người đã sinh thành con người tốt lành và bất tử, với điều kiện loài người không phạm tội. Nhưng chính vì không trung thành với Người, Adam-Evà đã phạm tội và đã chuốc lấy hình phạt được báo trước: đó là sự chết và bè lũ đi theo nó, là đau khổ và tật bệnh.
Tác giả có làmcho các triết gia Hylạp suy nghĩ không? Ông đã làm phận sự của người dân có mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên chỉ ai có niềm tin mới biết đón nhận; nhưng khi con người nhận thấy các suy tư của mình lúng túng trong những điều khó hiểu như các thắc mắc về đau khổ, bệnh tật và chết chóc mà chúng ta thường gọi chung là sự dữ, Lời Chúa có thể là ánh sáng cho những tâm hồn thiện chí và có khả năng nâng đỡ suy tư của con người.
Chúng ta cám ơn Chúa vì có sẵn đức tin. Chúng ta hôm nay hiểu hơn giáo lý về sự dữ. Chúng ta sẽ bắt chước tác giả sách Khôn ngoan, khi có dịp đã không ngần ngại chia sẻ với mọi người chung quanh niềm tin của mình để góp phần suy nghĩ với họ về mọi cái xảy ra trong cuộc sống con người. Hơn nữa, nhờ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta còn có thể đi xa hơn. Sau khi đã biết sự chết bởi đâu đến, chúng ta còn được mạc khải về đường lối giải thoát cứu độ.

B. Chúa Yêsu Kitô Ðã Cứu Người Ta Khỏi Chết
Ít khi chúng ta thấy các tác giả thánh lồng hai câu truyện vào với nhau như trong bài Tin Mừng hôm nay. Có cả một câu truyện dài tường thuật việc một người phụ nữ khỏi bệnh lồng trong câu truyện Chúa đến chữa một em bé sống lại. Câu truyện nào quan trọng hơn? Nhất là có tương quan mật thiết nào giữa hai câu truyện không? Có thể nói cả hai chỉ nhằm đề cao một chủ đề cho thấy hành trình của đức tin cứu độ.
Thật vậy, có một nét chung rất bề ngoài của hai câu truyện. Người phụ nữ đã bị bệnh 12 năm và trở thành nan trị. Em bé đó cũng 12 tuổi và đã chết. Cả hai trường hợp đều nói lên tình trạng nan giải của nhân loại tội lỗi. Nhưng rồi cả hai đều đã được cứu thoát nhờ việc tiếp xúc với Ðức Yêsu. Người phụ nữ thì rờ vào áo Người; còn em bé thì được Người cầm tay đỡ dậy. Tuy nhiên điều mà có lẽ thánh Marcô muốn chú trọng hơn cả trong hai câu truyện là từ tình trạng bệnh tật, chết chóc đến trạng thái khỏe mạnh, sống vui, con người phải làm một cuộc hành trình đức tin.
Có lẽ vì vậy mà tác giả đã dừng lại lâu ở trên đường đi. Và rõ ràng ông đã coi thường con đường bề ngoài dẫn Ðức Kitô đi. Ông chú ý vào con đường tâm hồn dẫn người ta đến với Người.
Khởi đầu, ông Yairô đến xin Người lại nhà ông đặt tay lên đứa con sắp chết. Lúc ấy Người đang ở giữa đám đông. Không ai có thái độ nào khác thường đối với Người. Nhưng Yairô đã đến sấp mình dưới chân Người. Ðó là cử chỉ thờ lạy; đó là hành vi đức tin, nổi bật hẳn lên giữa đám đông chưa biết nhận ra con người thật của Ðức Kitô. Có thể niềm tin kia còn mơ hồ vì Yairô đã xin Người đến nhà ông và đặt tay trên con bệnh. Ông nhớ lại nhiều hình ảnh về các tiên tri. Có lẽ ông đã thấy nhiều pháp sư có khả năng chữa bệnh như vậy. Dù sao ông đã có niềm tin. Và chút niềm tin này đủ để Ðức Yêsu lên đường đi cứu độ.
"Người ta chen cả vào Người", để Người thật sự là Ðấng Emmanuel tức là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi; và cũng để Người sống như mọi người và để người ta phải đón nhận Người trong nhân tính khiêm cung khó nghèo.
Người phụ nữ bị bệnh 12 năm có niềm tin ấy. Bà coi thường luật "dơ và sạch" cấm bà động vào người ta. Bà âm thầm nói lên niềm tin ở trong lòng trước khi sờ vào áo Người. Bao nhiêu kẻ khác chen vào Người mà Người không để ý, nhưng ơn cứu độ ở nơi Người đón nhận ai là kẻ có lòng tin đến với Người. Người cảm thấy mãnh liệt có một kẻ tin đụng vào mình. Người là Ðấng được sai đến để "khơi nguồn và viên thành đức tin" như lời thư Hipri nói. Thế nên Người lên tiếng, làm nổi khuôn mặt của kẻ có niềm tin lên. Người suy tôn kẻ ấy và đồng thời muốn khơi dậy nhiều niềm tin như vậy.
Khốn nỗi, thế gian luôn muốn chọc phá công việc cứu độ của Thiên Chúa và dập tắt ngọn lửa lòng tin mà Ðức Yêsu vừa nhóm lên. Người nhà viên trưởng hội đường đến báo tin em bé đã chết rồi và bảo ông Yairô đừng phiền hà Ðức Yêsu nữa. Nếu không có phép lạ vừa xảy ra cho người phụ nữ được khỏi bệnh; nếu không có những lời Ðức Yêsu vừa cổ võ lòng tin của bà; và nhất là nếu không có chính lời Người giờ đây bảo ông: Ðừng sợ, hãy tin mà thôi. Ông Yairô có lẽ đã theo lời người ta khuyên và đã xin Người đừng mất công đến nhà ông làm gì nữa. Nhưng may Người đã "viên thành" đức tin cho ông. Ông cứ để Người đi.
Người chỉ để cho Phêrô, Yacôbê và Yoan đi theo. Người muốn cho ba môn đệ đặc biệt này được chứng kiến một việc để sau này đức tin được nâng đỡ khi thấy Người rũ rượi cầu nguyện nơi vườn Ghếtsêmani.
Thế gian lại đặt thêm chướng ngại vật trên con đường đức tin. Những tiếng khóc lóc kêu la ầm ĩ và nhất là những tiếng cười nhạo báng khi nghe Người nói: "Em bé chỉ ngủ thôi", là tất cả những hình ảnh về sự thiếu lòng tin và sự cứng lòng tin của thế gian muốn vây hãm và làm cản bước hành trình đức tin của những người đi theo Ðức Yêsu.
Nhưng khi Người cầm tay cho em bé đã nằm chết mà Người chỉ coi như đang "ngủ" được chỗi "dậy" thì niềm tin của Người trở thành hoàn toàn. Nói đúng ra, niềm tin vào Người sẽ chỉ hoàn toàn, khi người ta tin Người đã "ngủ" và chỗi "dậy" trong mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Người. Khi ấy không những người ta tin Người có phép làm cho kẻ chết sống lại, mà còn làm cho mọi kẻ tin Người sẽ được sống đời đời. Bây giờ Người trở thành sự sống lại và sự sống cho những ai tin Người. Người là Ðấng chiến thắng sự chết và cứu người ta khỏi đau khổ đời đời. Và như vậy như lời Phaolô nói: Cũng như chỉ vì một người mà sự tội đã đột nhập trần gian, và vì tội, thì sự chết nữa... Cũng vậy, công đức của một người đã thành giải án tuyên công đem lại sự sống cho hết mọi người hết thảy (Rm 5,12.18). Và bài sách Khôn ngoan hôm nay phải có bài Tin Mừng này mới đầy đủ. Chúng ta cám ơn mạc khải của Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Người là Ðấng đã chiến thắng sự chết để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ tin vui mừng ấy với hết mọi người, đặc biệt với những người khổ đau. Và ở đây, chúng ta được bài thư Phaolô hướng dẫn.

C. Chúng Ta Hãy Chia Sẻ Với Những Người Túng Thiếu
Thánh Tông đồ khuyên giáo dân Côrintô rộng rãi trong việc lạc quyên cho anh em tín hữu ở Yuđêa. Sự việc nay đã qua rồi. Nhưng lý lẽ thánh tông đồ đưa ra vẫn luôn hợp thời.
Không phải giáo dân Côrintô giàu có gì. Cho dù bấy giờ họ không gặp cảnh túng đói như tín hữu ở Yêrusalem, nhưng dân Chúa ở mọi nơi vẫn là thành phần nghèo khó trong xã hội. Tuy nhiên người có đức tin phải nhìn đời bằng cách khác. Cho dù về vật chất họ có nghèo, nhưng về tinh thần và lòng đạo đức, họ là những người giàu có. Bởi vì Ðức Yêsu Kitô đã trở nên nghèo khó để làm giàu cho họ. Người đã từ bỏ tất cả, ngay đến bản thân mình trong mầu nhiệm thập giá, để trở nên giàu có mọi ơn Thánh Thần cho những ai tin Người. Theo nguyên tắc, mọi tín hữu khi chịu phép Rửa đã nhận được tất cả mọi Lời Hứa của Thiên Chúa. Họ được "trổi trang về mọi mặt: về lòng tin, về lời nói, về trí tri, về sốt sắng mọi kiểu, về lòng mến...". Họ có cả Nước Trời làm gia nghiệp. Thế thì họ không thể chật hẹp về lòng thương . Có sẵn lòng chia sẻ với người túng thiếu hơn, họ mới tỏ ra biết quý hóa các ơn cao trọng họ đang mang trong mình.
Chia sẻ bao nhiêu? Thánh Tông đồ đáp: miễn sao có sự đồng đều! Không ai buộc làm cho kẻ khác được thư thái, còn mình lại bị túng quẫn. Nhưng sự dư giả của mình phải đắp vào sự thiếu thốn của người khác để rồi ra sự dư giả của họ sẽ bồi vào sự thiếu thốn của mình, và như thế là có đồng đều.
Lập trường của thánh Tông đồ như vậy rất rõ. Người có đức tin phải thấy mình được Thiên Chúa ban cho quá nhiều ơn cao cả. Lòng họ phải rộng rãi. Họ phải biết sống chia sẻ, làm sao trong anh em có sự đồng đều.
Một lập trường như thế còn là lời kêu gọi chúng ta trong thế giới hiện nay mà các chênh lệch về của cải đang tăng thêm nhiều đau khổ cho xã hội loài người. Ðó là kêu gọi đòi hỏi, gắt gao. Chúng ta không dễ tự nguyện nghe theo. Phải nhìn vào gương Chúa Yêsu: giàu có như Người mà vì chúng ta, Người đã trở nên nghèo khó ngõ hầu chúng ta được nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người.
Giờ đây Người sắp hiện diện giữa chúng ta trong mầu nhiệm bàn thờ. Người dùng bánh rượu là những thứ thô sơ để làm dấu chỉ cuộc tử nạn phục sinh của Người. Người trở nên khó nghèo trong mầu nhiệm Thánh giá và Thánh Thể này, để chúng ta được nhận lấy sự sống của chính Thiên Chúa và mọi phúc lộc khác đi theo sự sống này. Chúng ta được nên giàu có khác thường. Chúng ta phải rộng rãi, sẵn lòng chia sẻ với mọi người để có sự đồng đều. Như vậy cũng chẳng tiêu diệt được hết các đau khổ, tật bệnh, chết chóc của đời này đâu. Nhưng không kể phần hạnh phúc cụ thể mà sự chia sẻ của chúng ta sẽ đem lại cho người này người khác, chúng ta còn chứng tỏ đã hiểu nguyên do đích thực của sự chết và sự dữ, cũng như giải pháp đích thực cho các đau khổ và sự chết đời đời nằm ở chân lý nào. Chúng ta hòa mình và sống trong "mầu nhiệm" đau khổ chứ không chỉ nhìn các đau khổ ở đời như một "vấn đề" triết học khách quan. Và chúng ta làm được như vậy nhờ có Lời Chúa hôm nay.
Ðặc biệt, nhờ vào lòng tin nơi Chúa Yêsu Kitô, đấng đã chiến thắng sự chết để ban cho chúng ta sự sống hạnh phúc bất diệt. Chúng ta hãy sốt sắng dọn lòng trí đón nhận Người trong mầu nhiệm cử hành giờ đây nơi bàn thờ.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 13 Thường Niên, Năm B
Bài đọc: Wis 1:13-15, 2:23-24; II Cor 8:7, 9, 13-15; Mk 5:21-43.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa có toàn quyền trên đau khổ và sự chết.
Theo Sách Sáng Thế, Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, và Ngài mong muốn cho mọi loài tồn tại; nhưng con người luôn phải đương đầu với đủ loại đau khổ và cái chết. Câu hỏi được đặt ra: Đâu là nguyên nhân của đau khổ và cái chết? Sách Sáng Thế tường thuật biến cố cám dỗ và sự sa ngã của con người trong vườn Địa Đàng. Vì con người lạm dụng quyền tự do để bất tuân lệnh Thiên Chúa và nghe lời quỷ dữ, nên tội lỗi và sự chết đã đột nhập vào thế gian và tác hại trên con người.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh ý hướng và quyền năng của Thiên Chúa trong việc tạo dựng và quan phòng vũ trụ. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan xác quyết: Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành và tiền định cho muôn loài được trường tồn; nhưng quỉ dữ cám dỗ con người và là nguyên nhân của đau khổ và sự chết. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô kêu gọi các tín hữu Corintô giúp đỡ Giáo Hội tại Jerusalem để duy trì sự sống trong trận đói đang xảy ra tại đây. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chứng tỏ Ngài có toàn quyền trên đau khổ và sự chết qua việc chữa lành người phụ nữ bị loạn huyết và cho con gái ông Jairus sống lại.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sáng tạo con người và cho họ được trường tồn bất diệt.
1.1/ Thiên Chúa muốn con người được sống trường sinh bất tử: Tác giả Sách Khôn Ngoan, dựa theo trình thuật tạo dựng thế giới và con người trong Sách Sáng Thế, quả quyết: Thiên Chúa dựng nên mọi sự đều tốt lành, không một loài nào là xấu hay mang những nọc độc trong người. Vì Thiên Chúa tạo dựng, nên mọi loài hiện hữu; nếu Thiên Chúa không tạo dựng, không loài nào có cả. Thiên Chúa tạo dựng con người theo hình ảnh của Ngài, và muốn cho con người được sống trường sinh bất tử. Ngài không sáng tạo cái chết, cũng chẳng vui gì khi sinh mạng tiêu vong.
1.2/ Lý do tại sao con người phải chết: Tác giả Sách Khôn Ngoan ý thức rõ sự hiện hữu của cái chết và cố gắng đi tìm nguyên nhân của nó, vì Thiên Chúa không tạo dựng nên cái chết. Ông tìm ra nguyên nhân là: "Chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết."
Sách Sáng Thế tường thuật rõ ràng cám dỗ của quỉ dữ và sự sa ngã của con người trong vườn Địa Đàng. Vì lý do này mà tội lỗi đã xâm nhập con người và làm cho họ phải chết. Sách Sáng Thế cũng tường thuật sự lan tràn của tội lỗi nơi con người: Cain giết Abel, em ông; Lụt Hồng Thủy là hậu quả của tội lỗi con người đã xúc phạm đến Thiên Chúa quá nhiều; việc xây tháp Babel không thành vì Thiên Chúa làm cho con người không hiểu nhau...
Không những nọc độc của tội lan tràn và cư ngụ trong con người, mà tất cả các tạo vật của Thiên Chúa đều bị ảnh hưởng bởi tội của con người. Trước khi phạm tội, con người sống chung với muôn thú. Sau khi phạm tội, chúng rời xa con người. Nọc độc của rắn lửa hay bò cạp, phản ứng hung hăng của muông thú, các thiên tai, động đất, bão lụt ... đều là những hậu quả từ sự phạm tội của con người.
2/ Bài đọc II: Người tín hữu phải có tinh thần tương thân, tương ái.
Bối cảnh lịch sử của Bài Đọc II là Phaolô muốn tổ chức cuộc lạc quyên để giúp các tín hữu tại Jerusalem, đang chịu một nạn đói dữ dội. Thánh Phaolô muốn các tín hữu Corintô hiểu lý do tại sao họ phải đóng góp; ông muốn họ rộng lượng giúp đỡ các anh/chị/em đang lâm cảnh túng thiếu.
2.1/ Chúng ta phải giúp đỡ mọi người trong cảnh túng thiếu: Ngài cho họ ít là hai lý do để đóng góp:
(1) Đã nhận lãnh nhưng không, cũng phải cho đi nhưng không: Ngài nói: "Cũng như anh em từng trổi vượt về mọi mặt: về đức tin, lời giảng, sự hiểu biết, lòng nhiệt thành trong mọi lãnh vực, và về lòng bác ái mà anh em đã học được nơi chúng tôi, thì anh em cũng phải trổi vượt về lòng quảng đại trong dịp lạc quyên này nữa." Thánh Phaolô muốn các tín hữu biết ngài đã hy sinh rất nhiều thời gian, tài năng, và sức khỏe để giúp các tín hữu Corintô có đức tin và hiểu biết về Thiên Chúa. Để trả ơn, họ phải hăng hái đóng góp cho các tín hữu tại Jerusalem.
(2) Gương của Đức Kitô: Ngài nói: "Quả thật, anh em biết Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, đã có lòng quảng đại như thế nào: Người vốn giàu sang phú quý, nhưng đã tự ý trở nên nghèo khó vì anh em, để lấy cái nghèo của mình mà làm cho anh em trở nên giàu có." Ví dụ: Chúa chọn mang kiếp phàm nhân để chịu đau khổ, hầu mang lại ơn cứu độ cho con người. Chỉ cần một ơn cứu tử này thôi, con người có hy sinh tất cả những gì mình có cũng chưa báo đền được. Đó là chưa kể biết bao ơn lành Đức Kitô mang lại cho con người qua cái chết của Ngài.
2.2/ Tha nhân sẽ giúp lại khi chúng ta lâm cảnh khốn khó: Con người ích kỷ thường kiếm đủ mọi lý do để biện minh cho việc từ chối đóng góp: phải mua cái này, đang cần cái kia, phải để dành cho con cái ăn học, cần tiết kiệm để lo cho tuổi già hay khi bệnh tật ... Thánh Phaolô biết rõ những điều này, nên ngài cắt nghĩa: "Vấn đề không phải là bắt anh em sống eo hẹp để cho người khác bớt nghèo khổ. Điều cần thiết là phải có sự đồng đều. Trong hoàn cảnh hiện tại, anh em có được dư giả, là để giúp đỡ những người đang lâm cảnh túng thiếu, để rồi khi được dư giả, họ cũng sẽ giúp đỡ anh em, lúc anh em lâm cảnh túng thiếu. Như thế, sẽ có sự đồng đều, hợp với lời đã chép: Kẻ được nhiều thì không dư, mà người được ít thì không thiếu."
Lịch sử xoay vần, không ai sung sướng mãi, cũng như không ai khổ cực mãi. Kinh ngiệm của biến cố 30 tháng tư năm 1975 là một trường hợp điển hình: Cả thế giới xúc động về những đau khổ của người tỵ nạn Việt-nam phải đổ xô ra biển cả để tìm đường sinh sống, nên đã giúp đỡ đồng bào ta có nơi ăn, chốn ở, và định cư nơi quốc gia đệ tam. Giờ đây, hầu hết chúng ta đã ổn định cuộc sống, chúng ta phải góp phần phát triển các quốc gia đã giúp đỡ chúng ta: những người bản xứ nghèo, những người di dân mới tới, những đồng bào bị thiên tai bão lụt trong nước. Làm ngơ trước những nhu cầu này là vô ơn với Thiên Chúa và những người ân nhân của chúng ta. Hơn nữa, cuộc đời chúng ta chưa hết, mọi sự khó đếu có thể xảy ra, ai sẽ giúp đỡ khi chúng ta lâm nạn?
3/ Phúc Âm: Chúa Giêsu có toàn quyền trên sự chết và sự đau khổ.
3.1/ Chúa làm cho con gái ông Trưởng Hội Đường Jairus được sống lại: Trình thuật Chúa chữa con gái của ông được xen kẽ bởi trình thuật Chúa chữa người đàn bà bị loạn huyết. Chúng ta sẽ phân tích 3 phản ứng trong trình thuật này:
(1) Phản ứng của ông Jairus Trưởng Hội Đường: Niềm tin của ông được biểu lộ qua hành động ông sụp xuống dưới chân Ngài và khẩn khỏan nài xin: "Con bé nhà tôi gần chết rồi. Xin Ngài đến đặt tay lên cháu, để nó được cứu thoát và được sống." Là một Trưởng Hội Đường, ông Jairus phải là người có danh giá và địa vị; thế mà ông lại sụp lạy công khai một nhà rao giảng mà các kinh sư và luật sĩ khinh thường. Thấy niềm tin và lòng thương xót của ông dành cho con, Chúa Giêsu chấp nhận về nhà ông để chữa lành em bé.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngài muốn ông Jairus phải tiếp tục tin tưởng, ngay trong khi vừa nghe hung tin về cái chết của con gái mình: "Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi." Để dạy các môn đệ luôn tin tưởng và can đảm đối diện với cái chết, Ngài không cho ai đi theo mình, trừ ông Phêrô, ông Giacôbê và em ông này là ông Gioan.Người bắt tất cả những kẻ không có lòng tin ra ngoài hết, rồi dẫn cha mẹ đứa trẻ và những kẻ cùng đi với Người, vào nơi nó đang nằm. Người cầm lấy tay nó và nói: "Talitha qum," nghĩa là: "Này bé, hãy trỗi dậy đi!" Lập tức em bé đứng dậy và đi lại được, vì nó đã mười hai tuổi. Mọi người hiện diện sững sờ, kinh ngạc. Đức Giêsu ngiêm cấm họ không được để một ai biết việc ấy, và bảo họ cho con bé ăn.
(3) Phản ứng của những người chung quanh: Họ không tin Chúa Giêsu có uy quyền làm cho người chết sống lại. Vì thế, có mấy người từ nhà ông trưởng hội đường đến bảo: "Con gái ông chết rồi, làm phiền Thầy chi nữa?" Khi thấy Chúa Giêsu và các môn đệ tiến vào nhà và Ngài bảo họ: "Sao lại náo động và khóc lóc như vậy? Đứa bé có chết đâu, nó ngủ đấy!" Họ chế nhạo Người.
3.2/ Chúa chữa lành một bà bị băng huyết 12 năm: "Có một bà kia bị băng huyết đã mười hai năm, bao phen khổ sở vì chạy thầy chạy thuốc đã nhiều đến tán gia bại sản, mà vẫn tiền mất tật mang, lại còn thêm nặng là khác."
(1) Phản ứng của bà bị băng huyết: Bà đã nghe đồn về Chúa Giêsu, và đây là cơ hội ngàn năm một thuở để Bà xin Chúa cứu. Tại sao Bà không can đảm đến xin Ngài chữa lành mà lại sờ vào tua áo của Ngài? Có ít nhất hai lý do ngăn cản Bà: Thứ nhất, đây là thứ bệnh đàn bà, có lẽ Bà cảm thấy xấu hổ khi phải thú nhận bệnh của Bà trước đám đông chăng? Hơn nữa, Bà cũng muốn tránh cho Chúa khỏi phải trở nên không sạch, vì Lề Luật ngăn cấm không cho đụng tới những người có bệnh như thế. Thứ hai, Chúa Giêsu đang bận rộn trên đường đi chữa bệnh, và cả một đám đông chen lấn theo sau Ngài; làm sao một phụ nữ yếu đuối như Bà có thể chen lại đám đông? Vì thế, Bà tự nhủ: "Tôi mà sờ được vào áo Người thôi, là sẽ được cứu." Với niềm tin đó, Bà chạy theo và sờ vào tua áo Chúa; tức khắc, máu cầm lại, và bà cảm thấy trong mình đã được khỏi bệnh.
(2) Phản ứng của Chúa Giêsu: Ngay lúc đó, Đức Giêsu thấy có một năng lực tự nơi mình phát ra, Người liền quay lại giữa đám đông mà hỏi: "Ai đã sờ vào áo tôi?" Và Đức Giêsu ngó quanh để tìm người đã làm điều đó. Đây là giây phút giao linh giữa người được tin và người tin. Giống như tình yêu, hai kẻ yêu nhau không cần phải nói; chỉ một hành động được làm từ một trong hai người, họ có thể hiểu tình yêu người khác dành cho mình. Người đàn bà loạn huyết sợ phát run lên, vì Bà không ngờ hành động bí mật của Bà bị phát hiện. Bà đến phủ phục trước mặt Người, và nói hết sự thật với Người. Tưởng rằng Ngài sẽ la mắng Bà, nhưng Chúa Giêsu nói với Bà: "Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh."
Trình thuật này phải giúp chúng ta tin tưởng vững mạnh vào Ngài khi mang bệnh phần hồn cũng như phần xác. Chúa thấu hiểu sức mạnh của lòng tin chúng ta dành cho Ngài, và Ngài sẽ ban ơn cần thiết để chữa lành. Ngài cũng thấu hiểu mọi bí mật trong tâm hồn chúng ta; vì thế, chúng ta hãy thú nhận và đừng giấu diếm chi cả. Chúng ta sẽ hưởng được bình an thực sự khi làm như thế.
(3) Phản ứng của các môn đệ: Các môn đệ dùng sự suy nghĩ của con người để thưa với Chúa: "Thầy coi, đám đông chen lấn Thầy như thế mà Thầy còn hỏi: ''Ai đã sờ vào tôi?" Khi nói như thế, các môn đệ đã tỏ vẻ khinh thường Thầy mình, và không hiểu những gì xảy ra trong lãnh vực đức tin. Phản ứng của Chúa Giêsu hôm nay phải dạy chúng ta biết thận trọng khi phán xét những điều thuộc lãnh vực tinh thần. Đừng bao giờ lấy sự khôn ngoan con người để phán xét những sự thuộc về Thiên Chúa; nhưng phải biết khiêm nhường và lấy đức tin để hiểu những sự thuộc về Thiên Chúa và phán xét tha nhân.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa có toàn quyền trên sự chết và sự đau khổ
- Chúng ta phải cộng tác với Thiên Chúa trong việc bảo vệ sự sống và tiêu diệt sự chết.
- Để bảo vệ sự sống, chúng ta phải can đảm sống theo nền "văn minh tình thương" và loại bỏ nền "văn hóa sự chết," như lời ĐGH Gioan-Phaolô II kêu gọi.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

28/06/2015 - CHÚA NHẬT TUẦN 13 TN – B
Mc 5,21-24.35-43

CHỈ CẦN TIN THÔI
“… đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (Mc 5,37)
Suy niệm: Nick Vujicic, một người Úc gốc Serbia từ khi sinh ra đã không có tay và chân. Từ nhỏ anh đã từng tuyệt vọng và có ý định tự tử, nhưng nhờ tình thương của cha mẹ và nhờ đức tin, anh đã vượt qua mọi trở ngại của một người khuyết tật và sống rất lạc quan. Anh đi khắp thế giới để làm chứng về niềm tin vào Đức Giê-su của mình. Trong lần đến Việt Nam vào ngày 23/5/2013, trên sân vận động Mỹ Đình Hà Nội, anh đã lớn tiếng tuyên xưng niềm tin đó trước hàng ngàn khán giả. Anh đã sống niềm tin của mình cách thiết thực nhất, đó là sự tin tưởng, tha thứ và yêu thương. Khi Chúa Giê-su chữa lành người phụ nữ bị băng huyết đã mười hai năm và cho con gái ông trưởng hội đường đã chết được sống lại, chính Ngài đã xác quyết điều này: “…đừng sợ, chỉ cần tin thôi”.
Mời Bạn: Trong cuộc sống hằng ngày, những thử thách của bệnh tật và đau khổ luôn làm chúng ta lo lắng và mất niềm tin vào Chúa. Chúng ta cũng thường bị cám dỗ đi tìm lời giải đáp ở những việc mê tín dị đoan. Chính Chúa đang mời gọi bạn hãy sống phó thác và đặt trọn niềm tin vào Ngài.
Chia sẻ: Bạn đã từng bị thử thách trong đời sống đức tin. Mời bạn chia sẻ: cảm nghiệm của bạn trong hoàn cảnh đó. Bạn đã vượt qua những thử thách đó thế nào?
Sống Lời Chúa: Khi gặp thử thách, đau khổ, bạn tâm niệm Lời Chúa: “Mọi âu lo, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em” (1 Pr 5,7).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, giữa những gian lao và thử thách của cuộc sống, xin ban cho con thêm sức mạnh và đức tin; để con có đủ can đảm sốngphó thác và đặt trọn niềm tin nơi Chúa. Amen.
(5 Phút Lời Chúa)

ĐỤNG ĐẾN ÁO
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu. Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài. Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi, đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.


Suy nim:
Giữa đám đông chen lấn chung quanh Ðức Giêsu,
có những người đụng vào áo Ngài.
Nhưng chỉ có một cái đụng cố ý,
đụng lén như sợ bị bắt quả tang.
Ðó là cái đụng của một người phụ nữ,
mười hai năm mắc bệnh băng huyết,
mười hai năm tìm thầy chạy thuốc mà không khỏi,
mười hai năm bị coi là ô nhơ:
không được đụng đến người khác,
không được tham dự nghi lễ ở Ðền thờ.
Người phụ nữ đụng vào áo Ðức Giêsu
bằng tay và bằng lòng tin,
một lòng tin đơn sơ mà mạnh mẽ.
“Dầu tôi chỉ đụng vào áo Ngài, tôi sẽ được khỏi”.
Cái đụng của lòng tin đã cứu bà khỏi bệnh.
Trong đời sống Kitô hữu,
chúng ta đã nhiều lần đụng vào Chúa.
Ðụng đến Lời Ngài, đụng đến Mình Máu Thánh Ngài.
Ðụng bằng tay, bằng miệng, bằng rung động của trái tim.
Có những lần đụng chạm hời hợt vì thói quen,
không để lại một âm vang nào,
không đem lại một biến đổi nào trong cuộc sống.
Nhưng cũng có lần, như người phụ nữ,
ta run rẩy đụng vào Ngài, dù biết mình ô nhơ tội lỗi.
Hay nói đúng hơn,
vì biết mình ô nhơ tội lỗi mà ta cả dám đụng vào Ngài.
Ðụng vào Ðấng Thánh để được nên trong sạch.
Chúng ta cần đụng đến Ðức Giêsu mỗi ngày
và chúng ta cũng cần được Ngài đụng đến.
Ông trưởng hội đường xin Ngài đặt tay trên con mình.
Ngài đã cầm tay cô bé để kéo cô ra khỏi cái chết.
Như con gái của ông trưởng hội đường,
chúng ta cần được Chúa cầm tay và bảo: “Hãy trỗi dậy”.
Trỗi dậy khỏi bệnh tật và cái chết.
Trỗi dậy và đi lại, ăn uống như người bình thường.
Trỗi dậy và sống vui tươi, tự do như con cái Thiên Chúa.
Hai phép lạ xảy ra nhờ có lòng tin.
Ðức Giêsu xác nhận lòng tin vững vàng của người phụ nữ:
“Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con” (c.34).
Ngài nâng đỡ lòng tin đang chao đao của Giairô:
“Ông đừng sợ, chỉ cần tin thôi” (c.36).
Cần có lòng tin khi đụng chạm Chúa Giêsu.
Cần nhạy cảm để nhận ra cái đụng nhẹ của Ngài.
Khi đụng vào Thân Mình Ngài nơi bí tích Thánh Thể,
ta được mời gọi đụng đến nỗi khổ của anh em,
là những chi thể của Nhiệm Thể Ngài.
Khi đụng đến Lời Chúa nơi những trang Tin Mừng,
ta được mời gọi chạm đến Lời Chúa nơi mọi biến cố.
Chỉ cần để Chúa đụng đến bạn một lần thôi,
đời bạn sẽ hoàn toàn đổi mới.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
dân làng Nazareth đã không tin Chúa
vì Chúa chỉ là một ông thợ thủ công.
Các môn đệ đã không tin Chúa
khi thấy Chúa chịu treo trên thập tự.
Nhiều kẻ đã không tin Chúa là Thiên Chúa
chỉ vì Chúa sống như một con người,

Cũng có lúc chúng con không tin Chúa
hiện diện dưới hình bánh mong manh,
nơi một linh mục yếu đuối,
trong một Hội thánh còn nhiều bất toàn.

Dường như Chúa thích ẩn mình
nơi những gì thế gian chê bỏ,
để chúng con tập nhận ra Ngài
bằng con mắt đức tin.

Xin thêm đức tin cho chúng con
để khiêm tốn thấy Ngài
tỏ mình thật bình thường giữa lòng cuộc sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28 THÁNG SÁU
Sự Quan Phòng Của Thiên Chúa: Một Xác Nhận Nền Tảng
Việc tách biệt công cuộc sáng tạo khỏi sự quan phòng thần linh (thuyết tự nhiên thần giáo) và việc phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa (thuyết duy vật) mở ngõ cho sự sai lầm của thuyết tất định duy vật (materialistic determinism). Ở đây con người và đời sống của con người trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào một tiến trình phi ngã. Đối đầu với những tấn công này, chân lý về sự hiện hữu của Thiên Chúa và về sự quan phòng thần linh của Ngài giúp bảo đảm cho con người sự tự do và chỗ đứng của mình trong vũ trụ.
Chúng ta nhận thấy sự thật này được khẳng định trong Cựu Ước. Chẳng hạn, Thiên Chúa được xem như một sự đỡ nâng mạnh mẽ và không gì có thể tiêu diệt được: “Con yêu mến Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ!” (Tv 18, 2-3). Thiên Chúa là nền tảng vững chắc để con người có thể tựa vào, như lời tác giả thánh vịnh thốt lên đầy xác tín: “Lạy Chúa, số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16, 5).
Sự quan phòng của Thiên Chúa là lời xác nhận hùng hồn của Ngài đối với tạo vật, nhất là đối với con người – triều thiên của mọi tạo vật. Sự quan phòng ấy đảm bảo quyền cai quản tối cao của con người trong thế giới này. Điều này không có nghĩa rằng các qui luật tự nhiên bị quyền cai quản tối cao của con người xóa bỏ. Trái lại, nó có nghĩa rằng chúng ta phải loại trừ thuyết tất định duy vật kia – một chủ thuyết giảm trừ toàn bộ sự hiện hữu của con người đến chỉ còn như một cái gì hoàn toàn tất định. Trong thực tế, một cái nhìn như vậy sẽ hủy diệt sự tự do chọn lựa của con người.
Thiên Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – chính là sự đỡ nâng tối thượng cho sự tự do của chúng ta. Đó là điều tốt lành và quí hóa biết bao!
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 28-6
Chúa Nhật XIII Thường niên
Kn 1, 13-15;2,23-24; 2Cr 8, 7.9.13-15; Mc 5, 21-43

LỜI SUY NIỆM: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẵn bệnh.”
Trong cả hai phép lạ đã được Chúa Giêsu thực hiện, cho chúng ta thấy được quyền năng của Chúa luôn luôn là sẵn sàng ban cho những ai đặt trọn niềm tin vào Chúa. Trong việc người con gái của ông trưởng hội đường được sống lại và người mang bệnh loạn huyết được chữa lành đều do có lòng tin, dù cả hai đều đến với Chúa với sự bất toàn, sau những thất bại của họ; nhưng đối với Chúa, Chúa không quan tâm đến điều đó, cho dù là cái bất toàn của chúng ta đi nữa. Nhưng khi con người tin vào Chúa và chạy đến với Chúa; Thì với Chúa, Chúa cũng sẽ làm cho nó thành toàn.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho chúng con luôn nhận ra bản thân chúng con, ý muốn và những lời cầu xin của chúng con đều bất toàn trước mặt Chúa. Nhưng xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn trông cậy và đặt trọn niềm tin vào Chúa. Để chúng con nhận được mọi ơn lành của Chúa ban.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 28-06: Thánh IRENÊ
Giám mục, Tử Đạo (Thế kỷ II)

Thánh Irenê sinh tại Tiểu Á và giữa thế kỷ II. Chúng ta biết được phần nào ngày sinh của Ngài, dựa vào bản tường thuật Ngài viết về thánh Policarpô. Ngài viết cho Flôrinô:
- "Tôi có thể nói với ông nơi thánh Pôlicarpô ngồi khi Ngài rao giảng lời Chúa, tôi được thấy Người ra vào. Bước chân, phong thái, cách sống và lời Ngài nói in sâu vào lòng tôi. Tôi như còn nghe thấy Người kể lại cách người đàm luận với thánh Gioan và các tông đồ khác đã thấy mặt Chúa. Người nói lại cho chúng tôi những lời nói và những điều các Ngài đã học được liên quan đến Chúa Giêsu. Các phép lạ và giáo thuyết của Chúa.
Thánh Irenê còn phấn khởi ghi thêm: - "Tôi ghi nhận các hành vi và lời nói ấy không phải trên bảng viết mà là trong sâu thẳm tâm hồn. Thiên Chúa cho tôi được ơn không ngừng nhớ lại những kỷ niệm ấy trong lòng".
Như vậy, thánh Irenê luôn nhớ mãi hình ảnh sống động của thánh Policarpô qua đời năm 155. Vậy có thể là thánh Irenê ra đời khoảng từ năm 130 đến 135, và Ngài được giáo dục tại Smyrna, làm môn đồ của thánh Pôlicarpô. Hấp thụ nền giáo dục gần với các tông đồ. Nhất là với thánh Gioan, thánh Irenê còn ở trong vòng ánh sáng mà tâm điểm là tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô. Trong tác phẩm dài "Adversus Haereses" của Ngài. Chúng ta cảm thấy Ngài là người được thấm nhiễm một trực giác hiếm có.
Thánh Pôlicarpô gọi Irênê sang Gaule. Tại đây thánh Pôthinô, giám mục Lyon phong chức linh mục cho Ngài. Phần đóng góp của thánh Irenê cho Giáo hội thật lớn. Ngài chú tâm tới mọi khoa học, chuyên cần suy gẫm thánh kinh. Khi nghiên cứu huyền thoại và các hệ thống triết học ngại giáo, Ngài biết tìm ra nguồn gốc các sai lầm và bác bỏ các lạc thuyết pha trộn huyền thoại vào Kitô giáo. Tertulianô đã tuyên nhận rằng không có ai nỗ lực tìm tòi hơn là thánh Irênê. Thánh Hiêrônimô, nại đến thánh nhân để củng xố uy tín của mình. Ngài được coi như là ánh sáng các vùng Gaules ở Phương Tây.
Năm 177, thánh Irenê được cử làm đại diện về Rôma, bên cạnh Đức giáo hoàng để thực hiện một sứ mệnh tế nhị là dàn xếp ngày mừng lễ phục sinh
Trở lại Lyon, thánh Irênê gặp lại một giáo đoàn côi cút. Marcô Aureliô vừa mới giết hại các Kitô hữu. Đức cha Pothinô đã bị sát hại. Thánh Irenê được bầu lên kế vị. Ngài trở thành thủ lãnh Giáo hội tại xứ Gaule, bận rộn với công việc rao giảng, thánh nhân vẫn viết sách để chống đỡ chân lý. Ngài phải chiến đấu không ngừng, bởi vì cuộc bách hại tưởng chấm dứt khi Marcô Aureliô qua đời, nhưng các lạc giáo lại nổi lên chống phá Giáo hội.
Thánh Irenê dùng hết tâm trí và đức tin chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương những lẻ lầm lạc, Ngài cầu nguyện cho họ van nài họ trở về với Giáo hội thật:
- "Hợp nhất với Chúa là sự sống và là Sự sống .... Khốn khổ cho ai lìa xa sự hợp nhất ấy. Hình phạt đổ xuống họ không phải do Thiên Chúa mà do chính họ, vì khi chọn quay mặt khỏi Thiên Chúa, họ đánh mất mọi tài sản".
Các tác phẩm lừng danh Ngài đã soạn khiến cho Ngài đang được gọi là "Anh sáng bên trời Tây".
Dưới sự dẫn dắt của thánh Irênê, Lyon đã trở thành một trường dạy phụng sự Chúa đào tạo nhà tri thức và có khả năng truyền giáo. Thế hệ đầu tiên của trường đã bảo vệ đức tin tinh tuyền bằng những nghiên cứu và sách vở của họ. Thế hệ thứ hai phổ biến Tin Mừng đến những miền khác.
Hoàng đế Seltinô - Severô tái diễn cuộc bách hại. Ông gia hình cho đến chết những ai kiên trì với đức tin. Lyon là thành phố diễn ra cuộc hãm xác tập thể các Kitô hữu thật khủng khiếp. Máu chảy thành suối trên đường phố tiếp nối dòng máu các giám mục tử đạo, thánh Irênê, cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cố tìm được cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ chịu chết vì đạo với Ngài.
(daminhvn.net)


28 Tháng Sáu
Ngợi Khen Con Người
Trong tập thơ có tựa đề "Nhật ký", nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến giáo đường đọc Kinh "Te Deum" ngợi khen Cúa nhân ngày cuối năm.
Trời mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu phụ mà cách đó không lâu bọn Ðức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn... Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa. Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp đi tất cả những lương thực dự trữ.
Vậy mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài "Te Deum" ngợi khen Chúa trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua.
Nhìn thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ, Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: "Quả thực, quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với họ... Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình, người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta... Ta không thể thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ... Quả thực, lòng tin của họ lớn lao... Các ngươi có nghe họ hát "Thánh, thánh" với tất cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng tôn vinh Ta".
Nói xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca "Ngợi khen con người".
Thiên Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác cho Thiên Chúa.
Tin tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên Chúa. Ðáp lại với những phản trắc lừa đảo, đáp lại với những thấp hèn đê tiện, người có niềm tin nơi Thiên Chúa và tin ở tình người hãy giữ mã
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét