10/12/2015
Thứ Năm Tuần
II Mùa Vọng
Bài Ðọc I: Is 41, 13-20
"Ta là Ðấng Thánh của Israel, Ta là Ðấng Cứu
Chuộc ngươi".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Ta là Chúa, Thiên Chúa của ngươi, Ta cầm tay ngươi và nói cùng
ngươi: Ðừng sợ gì, đã có Ta giúp.
Hỡi con sâu Giacóp, hỡi dân Israel, đừng sợ chi, Ta sẽ đến giúp
ngươi, đó là lời Chúa phán, Ðấng Thánh của Israel, Ðấng Cứu Chuộc ngươi. Ta sẽ
đặt ngươi như chiếc bừa mới tinh và có răng nhọn, ngươi sẽ băm các đồi ra như
rơm rác. Ngươi sẽ sàng chúng và gió sẽ cuốn chúng đi, và cơn lốc sẽ làm chúng
tan tác. Còn ngươi, ngươi sẽ vui mừng trong Thiên Chúa, sẽ hân hoan trong Ðấng
Thánh của Israel.
Những kẻ thiếu thốn nghèo nàn tìm nước, nhưng luống công, lưỡi
chúng đã khô đi vì khát nước. Ta là Chúa, Ta sẽ nhậm lời chúng. Thiên Chúa của
Israel, Ta sẽ không bỏ chúng. Ta khiến sông chảy trên đỉnh núi trọc, và suối nước
tràn giữa thung lũng. Ta sẽ biến hoang địa thành ao hồ và đất khô thành suối nước.
Nơi hoang địa, Ta sẽ cho mọc lên cây hương nam, cây keo, cây sim
và cây dầu; nơi sa mạc, Ta sẽ trồng cây tùng, cây du, cây bách, để mọi người thấy,
biết, lưu tâm và hiểu rằng chính tay Chúa đã làm nên sự nghiệp đó, và Ðấng
Thánh của Israel đã tạo nên cơ đồ này.
Ðó là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 144, 1 và 9. 10-11. 12-13ab
Ðáp: Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giàu ân sủng (c.
8).
Xướng: 1) Lạy Chúa, lạy Thiên Chúa của con, con sẽ ca khen Chúa,
và con sẽ chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. Chúa hảo tâm với hết mọi loài,và từ
bi với mọi công cuộc của Chúa. - Ðáp.
2) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi Chúa, và các
thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang nước
Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Ðáp.
3) Ðể con cái loài người nhận biết quyền năng và vinh quang cao
cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời; chủ quyền Ngài tồn tại qua
muôn thế hệ. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy đến viếng thăm chúng con
trong bình an, để tâm hồn chúng con được hoàn toàn vui mừng trước nhan Chúa. -
Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11, 11-15
"Chưa từng có ai cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng rằng: "Ta bảo thật
các ngươi, trong các con cái người nữ sinh ra, chưa từng xuất hiện một ai cao
trọng hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng người nhỏ nhất trong nước trời lại cao trọng hơn
ông. Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy,
và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Tất cả các tiên tri và lề luật đã
tuyên sấm cho đến Gioan và nếu các ngươi muốn hiểu, thì chính Gioan là Elia, kẻ
phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!"
Ðó là lời Chúa.
Suy Niệm: Người Ðược Chúa Khen
Nhìn vào các chi tiết đã xảy ra cho Gioan Tẩy Giả mà Thiên Chúa
đã làm, chúng ta thấy cũng là một chuyện lạ lùng. Zacharia, cha của Gioan Tẩy
Giả, là người thuộc ban Abina, tức là một tư tế phục dịch trong Ðền Thờ; và
Elizabeth, mẹ của ngài, thuộc dòng dõi Aaron. Cả hai ông bà là người công chính
trước mặt Thiên Chúa, ăn ở tuân giữ mọi giới răn và lề luật của Ngài. Nhưng cả
hai người không có con và tuổi đã già cả. Zacharia đến phiên mình vào dâng
hương trong Ðền Thờ khi trúng thăm. Khi vào Ðền Thờ dâng hương, ông thấy thiên
thần Gabriel hiện ra bên phải hương án và cho ông biết: Bạn ông sẽ sinh một con
trai và tên con trẻ sẽ gọi là Gioan Tẩy Giả, và con trẻ này sẽ nên cao trọng
trước mặt Thiên Chúa, ngài sẽ không uống rượu và thức có men, sẽ được tràn đầy
Thánh Thần ngay từ trong lòng mẹ, sẽ đem nhiều con cái Israel trở về cùng Chúa
là Thiên Chúa. Và thiên thần Gabriel còn cho biết thêm: Con trẻ là người đi trước
dọn đường cho Ðấng Cứu Thế đến.
Rồi khi Mẹ Maria đến thăm bà Elizabeth, lúc ấy bà đang mang thai
Gioan Tẩy Giả được sáu tháng thì con trẻ trong lòng bà cũng đã nhảy mừng và được
khỏi tội tổ tông.
Sau khi Gioan Tẩy Giả sinh ra, cả hai ông bà muốn đặt tên cho
con trẻ là Gioan Tẩy Giả, nhưng bấy giờ Zacharia đang bị câm không nói được nên
ông ra hiệu là đặt tên cho con trẻ là Gioan Tẩy Giả. Mặc dù mọi người trong
dòng họ đều không bằng lòng, vì không ai trong họ hàng có tên đó.
Từ những sự kiện trên cho ta thấy Gioan Tẩy Giả được sinh ra một
cách khác thường và khắp các miền núi phía Giuđêa lúc bấy giờ đều nghĩ thầm rằng:
Con trẻ này rồi sẽ nên thế nào? Vì quả thực bàn tay Thiên Chúa đã ở với con trẻ
này.
Ðiều đó đã được Chúa Giêsu xác nhận trong bài Tin Mừng hôm nay:
"Thật, Ta bảo các ngươi hay, trong con cái do người nữ sinh ra chưa có ai
cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả". Con người có lẽ ai cũng mong ước được như
Gioan Tẩy Giả. Chúng ta cũng thấy trong một đoạn Tin Mừng khác, lúc Chúa Giêsu
đang giảng dạy thì có một người đàn bà buột miệng nói rằng: "Phúc thay dạ
đã cưu mang Thầy và vú đã cho Thầy bú. Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng: :Ai nghe và
giữ lời Chúa thì còn có phúc hơn nhiều". Hoặc chúng ta cũng thấy trong lúc
Chúa Giêsu đang thi hành sứ mệnh công khai của Ngài, Mẹ Maria và các người thân
thuộc tìm đến nghe, nhưng vì dân chúng quá đông không chen vào được, có mấy người
thấy thế nói với Chúa Giêsu: "Kìa Mẹ và anh em Thầy đến tìm Thầy",
Chúa Giêsu liền trả lời: "Ai là Mẹ Ta, ai là anh em Ta? Ðó là những kẻ
nghe và giữ lời Ta".
Qua những lời trên, Chúa Giêsu cho chúng ta một cái nhìn mới, một
ý nghĩa mới: thân thuộc, bà con bằng máu mủ không quan trọng cho bằng thân thuộc
bà con thiêng liêng: "Ai theo Ta mà không từ bỏ cha mẹ anh em thì chưa xứng
đáng là môn đệ Ta". Nói thế không phải chúng ta không tôn kính hay không
yêu mến cha mẹ chúng ta, vì giới răn thứ tư trong Mười Ðiều Răn, Ðức Kitô dạy rằng:
"Hãy thảo kính cha mẹ". Giới răn này nằm sau giới răn thứ nhất:
"Thờ phượng Ðức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự".
Chúng ta đừng đặt nặng vấn đề gia đình, vấn đề tình thân thuộc
máu huyết mà chúng ta quên mất việc thờ Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng tìm danh
giá, giàu sang bên ngoài mà quên mất lương thực Thần Linh nuôi sống chúng ta,
đó là Mình và Máu Chúa. Mình Máu Chúa nuôi sống phần hồn, lương thực Lời Chúa
nuôi sống tinh thần chúng ta.
Từ Gioan Tẩy Giả trở về sau, tức là từ khi Chúa Giêsu Kitô đem
ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân loại thì Nước Trời phải dùng sức mạnh mới
chiếm lấy được và kẻ nào mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Trước Chúa Kitô chưa
ai có được ơn cứu rỗi cho đến khi Chúa Kitô chết trên Thánh Giá Ngài mới kéo tất
cả mọi sự lên cùng Ngài. Ai muốn nhận được ơn cứu rỗi đó phải qua cửa hẹp, phải
vác thập giá mình mà theo Chúa mới vào được Nước Trời, vì ngày nào có sự khốn
khó của ngày ấy.
Theo Chúa để vào Nước Trời, chúng ta phải chiến đấu với chính bản
thân mình, phải từ bỏ những đam mê, những thói quen không tốt, những việc làm
không chính đáng, phải hy sinh cho người thân quen thuộc trong gia đình, cho
tha nhân và làm tất cả những gì khi có thể để giúp đỡ người khác mới thực sự là
dấn thân thi hành giới răn "Mến Chúa Yêu Người".
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn hiểu rõ được giá trị của sự yêu
thương, tránh tìm những gì hào nhoáng bên ngoài nhưng thực sự sống cảm thông,
yêu thương nhau và tha thứ khoan dung hơn để mong chờ Ðấng Cứu Thế đến. Amen.
Veritas Asia
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Năm Tuần II MV2
Bài đọc: Isa 41:13-20; Mt 11:11-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Đường
lối và tiêu chuẩn của Thiên Chúa.
Đường lối và tiêu chuẩn của Thiên Chúa xem ra có vẻ nghịch lý với
đường lối và tiêu chuẩn của thế gian: trở nên cao trọng bằng khiêm nhường, trở
nên quan trọng bằng phục vụ, có được sức mạnh bằng tin tưởng, sửa phạt là xót
thương. Chúng nghịch lý vì thế gian cậy sức mình; trong khi các công dân Nước
Trời cậy vào sức của Thiên Chúa.
Các Bài Đọc hôm nay xoay quanh những nghịch lý này. Trong Bài Đọc
I, Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương Israel, bắt chịu đau khổ cùng cực rồi
lại ban sức mạnh khôn lường. Làm như thế, Chúa muốn dạy dân một bài học: Trong
tất cả mọi sự, phải đặt trọn vẹn niềm tin nơi Ngài. Trong Phúc Âm, Gioan Tẩy Giả
được Chúa Giêsu khen là nhân vật quan trọng nhất trong số các phàm nhân, nhưng
kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thiên Chúa sửa phạt rồi lại xót thương.
1.1/ Thiên Chúa xót thương Israel: Tiên Tri Isaiah muốn làm nổi
bật 2 điểm: sự uy quyền thánh thiện của Thiên Chúa và sự hèn hạ của Israel,
lòng thương xót của Thiên Chúa và sự bất trung của họ:
- Thiên Chúa xót thương Israel và làm cho họ được mạnh sức: “Vì
Ta, Đức Chúa, là Thiên Chúa của ngươi, Đấng cầm lấy tay phải ngươi và phán bảo:
"Đừng sợ, chính Ta phù trợ ngươi.””
- Israel chỉ là lòai sâu bọ: Danh từ Do-Thái được dùng ở đây là
“tôlaat,” có nghĩa là lòai dòi bọ ở trong rượu hay trong trái cây, danh từ này
được dùng để chỉ sự nhỏ bé và tội lỗi của dân tộc Israel. Thiên Chúa thương họ
vì lòng thương xót; chứ tự họ không có gì đáng yêu cả: “Đừng sợ, hỡi Jacob,
loài sâu bọ, hỡi những người Israel, chính Ta phù trợ ngươi, sấm ngôn của Đức
Chúa, Đấng cứu chuộc ngươi là Đức Thánh của Israel.”
1.2/ Thiên Chúa tăng sức mạnh cho Israel: Mặc dù
Israel yếu đuối và vô dụng như lòai giòi bọ, nhưng Thiên Chúa sẽ làm cho họ được
mạnh sức và uy quyền để chinh phục quân thù: “Này đây Ta sẽ biến ngươi thành một
cái bừa vừa sắc vừa mới và đầy mũi nhọn. Ngươi sẽ dày đạp và nghiền nát núi
non, sẽ làm cho các đồi nên như trấu. Ngươi sẽ rê chúng, gió sẽ cuốn đi
và bão táp sẽ phân tán chúng.”
và bão táp sẽ phân tán chúng.”
1.3/ Thiên Chúa làm cho Israel được vui mừng: “Còn
ngươi, vì Đức Chúa, sẽ mừng vui hoan hỷ, vì Đức Thánh của Israel, sẽ hãnh diện,
tự hào.” Điều Tiên Tri muốn nhấn mạnh ở đây cho dân Do-Thái biết: Tất cả là do
uy quyền của Thiên Chúa chứ không do công sức của họ; nếu họ biết tin tưởng và
cậy trông nơi Thiên Chúa, Ngài sẽ làm mọi sự cho họ.
(1) Thiên Chúa xót thương kẻ nghèo hèn, khốn khổ: “Những ai
nghèo hèn, khốn khổ, tìm nước không ra, lưỡi khô vì khát, Ta, Đức Chúa, Ta sẽ
đáp lời, Ta, Thiên Chúa của Israel, Ta sẽ không bỏ rơi chúng.”
(2) Thiên Chúa làm được mọi sự: Không có sự gì là không thể với
Thiên Chúa, ngay cả việc biến sa mạc thành đồng bằng phì nhiêu: “Ta sẽ khai mở
sông ngòi trên các đồi trọc, và khe suối dưới các lũng sâu. Ta sẽ biến hoang địa
thành hồ ao, biến đất khô nên mạch nước dồi dào. Và trong vùng hoang địa, Ta sẽ
trồng bá hương, keo, sim với ô-liu; trên những dải đất hoang, Ta sẽ cho mọc lên
một trật nào trắc bá, nào du, nào hoàng dương.”
(3) Điều quan trọng là phải tin vào uy quyền của Thiên Chúa: Khi
nhìn thấy những điều này xảy ra, thiên hạ đều nhìn ra và nhận biết, nghiền ngẫm
và hiểu rằng: “Điều ấy, bàn tay Đức Chúa đã làm nên, điều ấy, Đức Thánh của
Israel đã tạo thành.”
2/ Phúc Âm: Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan Tẩy Giả.
2.1/ Sự cao trọng của Gioan Tẩy Giả: Chúa Giêsu khen: "Tôi
nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng
hơn ông Gioan Tẩy Giả.” Tại sao Gioan Tẩy Giả quan trọng như thế?
(1) Ông được thánh hiến ngay từ lòng mẹ: Lời thiên thần mặc khải
cho Zechariah, thân sinh của Gioan: “Vì em bé sẽ nên cao cả trước mặt Chúa. Rượu
lạt rượu nồng em sẽ đều không uống. Và ngay khi còn trong lòng mẹ, em đã đầy
Thánh Thần” (Lk 1:15).
(2) Ông được Thiên Chúa chọn để dọn đường cho Đấng Tối Cao:
Thiên thần nói tiếp: “Em sẽ đưa nhiều con cái Israel về với Đức Chúa là Thiên
Chúa của họ. Được đầy thần khí và quyền năng của ngôn sứ Êlijah, em sẽ đi trước
mặt Chúa, để làm cho lòng cha ông quay về với con cháu, để làm cho tâm tư kẻ ngỗ
nghịch lại hướng về nẻo chính đường ngay, và chuẩn bị một dân sẵn sàng đón
Chúa” (Lk 1:16-17).
(3) Ông là người đầu tiên nhận ra Chúa và chỉ cho dân biết: “Đây
là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã
nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước
tôi” (Jn 1:29-30).
2.2/ Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
(1) Phải mạnh sức mới vào được Nước Trời: “Từ thời ông Gioan Tẩy
Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh
sức thì thắng.” Đây là câu khó hiểu; tại sao cần sức mạnh mới vào được Nước Trời?
Nếu nhìn lại cuộc đời của Gioan Tẩy Giả, chúng ta thấy ông phải đương đầu với sức
mạnh: Vua Herode bắt bỏ tù và giết chết ông. Chúa Giêsu cùng chịu chung số phận.
Rồi đến các thánh tử đạo ở mọi thời. Vì thế, ai không mạnh sức hơn các quyền lực
thế gian, người ấy sẽ không vào được Nước Trời. Kẻ nào vào được Nước Trời, kẻ ấy
chứng tỏ mình mạnh sức và cao trọng hơn các kẻ ở ngòai, cho dù là vua chúa trần
gian. Dĩ nhiên, Gioan Tẩy Giả cũng là người của Nước Trời, vì ông đã chiến thắng
sức mạnh của thế gian.
(2) Gioan Tẩy Giả chính là Tiên Tri Elijah: Truyền thống Do-Thái
tin Elijah không chết; ông sẽ trở lại trước thời Đấng Cứu Thế đến để dọn đường
cho Ngài. Chúa Giêsu tuyên bố: “Và nếu anh em chịu tin lời tôi, thì ông Gioan
chính là Elijah, người phải đến. Ai có tai để nghe thì hãy nghe.” Châm ngôn có
câu: “Người ta có thể mang ngựa đến giòng suối để uống nước, nhưng người ta
không thể bắt nó uống.” Thiên Chúa đã sai Gioan đến làm chứng cho Chúa Giêsu,
và chính Chúa Giêsu đã chứng thực lời chứng của Gioan. Nếu sau khi đã nghe cả
Gioan và Chúa Giêsu mà họ vẫn không tin, Thiên Chúa còn làm được gì cho họ nữa!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Là con của Cha trên trời, chúng ta cần học tiêu chuẩn và đường
lối của Thiên Chúa.
- Chúng ta phải tin tưởng tuyệt đối nơi Thiên Chúa, sẵn sàng từ
bỏ ý riêng, và làm theo thánh ý của Ngài.
- Chúng ta phải có thái độ: thà được làm công dân Nước Trời còn
hơn được hưởng mọi vinh hoa phú quí ở đời này.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
10/12/15 THỨ NĂM TUẦN 2 MV
Mt 11,11-15
Mt 11,11-15
Suy niệm: “Cuộc lữ hành khám phá thật sự
không phải là nhìn những cảnh tượng mới, nhưng là nhìn bằng đôi mắt mới” (M. Proust). Gio-an Tẩy Giả đi trước dọn đường
với lòng nhiệt thành nóng bỏng như Ê-li-a ngày nào, rồi Đức Giê-su xuất hiện
với quyền năng của Đấng Cứu Thế, y như cảnh tượng các ngôn sứ tiên báo từ xa
xưa. Thế nhưng, người Do Thái chỉ quen nhìn với đôi mắt cũ: Đấng Cứu Thế phải
đáp ứng mong mỏi của họ, phải là người giải phóng họ khỏi ách đô hộ của đế quốc
Rô-ma. Vì thế, họ khước từ Gio-an, người Thiên Chúa sai đến. Họ cũng chối bỏ
Đức Giê-su, không chấp nhận tư cách Thiên Sai của Ngài. Với đôi mắt cũ, họ
không nhận ra sự thật, một “sự thật sẽ giải thoát anh em.” (Ga 8,32).
Mời Bạn: “Anh có thể dắt con ngựa đi
uống nước, nhưng anh không thể bắt nó uống”(ngạn ngữ Anh). Thiên Chúa đã
và sẽ làm mọi sự để bày tỏ một sự thật: Ngài yêu thương bạn. Vấn đề sống còn
với bạn là có chấp nhận để Ngài yêu thương hay không.
Chia sẻ: Bạn
có tin rằng chấp nhận sự thật căn bản: Chúa yêu thương mình sẽ giúp bạn có một
đôi mắt mới khi nhìn cuộc đời và người chung quanh không?
Sống Lời Chúa: Nhìn
lại những gì Chúa đã thi ân giáng phúc cho bạn, dâng lên Ngài lời cảm tạ, và
tập nhìn mọi sự với đôi mắt mới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Sự Thật, Sự Thật toàn vẹn. Chúng con cảm
tạ Chúa đã mạc khải cho chúng con sự thật về Thiên Chúa và về con người. Xin
cho chúng con luôn sống xứng hợp với sự thật chúng con đã đón nhận. Amen.
Nước Trời
Thứ Năm tuần II Mùa Vọng
Lời Chúa:
Mt 11,11-15
"Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh
mẽ can đảm mới chiếm được." (Mt 11,12)
Suy niệm:
A- Phân tích (Hạt giống...)
Đoạn Phúc Âm này nói về Gioan Tẩy Giả:
- Ông là người cao trọng hơn tất cả mọi
người phàm từ trước tới nay nghĩa là tới lúc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước,
thiết lập Nước Trời, vì ông được vinh dự dọn đường cho Đấng
Messia, và khi Ngài đến, ông còn được vinh dự giới thiệu Ngài
cho người ta biết.
- Nhưng từ nay trở đi, kẻ nhỏ
nhất trong Nước Trời vẫn còn cao trọng hơn Gioan, bởi vì dù sao Gioan cũng
thuộc thời Cựu Ước và phải dừng lại ở ngưỡng cửa Nước Trời, không hạnh phúc bằng kẻ
ở trong thời Tân Ước và ở trong Nước Trời.
- “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả đến giờ, nước
trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được.”
Câu này có thể hiểu 2 cách:
a/ Muốn vào Nước Trời thì phải dũng
cảm chiến đấu với bản thân.
b/ Có nhiều điều cản trở người ta vào Nước Trời, cho nên muốn vào đó thìphải cố gắng rất nhiều.
b/ Có nhiều điều cản trở người ta vào Nước Trời, cho nên muốn vào đó thìphải cố gắng rất nhiều.
- “Chính Gioan là Elia”: xưa
kia ngôn sứ Êlia kêu gọi người ta sám hối để quay về thờ phượng một Thiên Chúa
duy nhất. Việc đó Gioan Tẩy Giả cũng đã làm để chuẩn bị người ta đón Đấng
Messia.
B- Suy gẫm (...nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu nói chúng ta hạnh
phúc hơn cả Gioan Tẩy Giả, vì chúng ta sinh ra vào thời Tân Ước, sinh ra là con
của Hội Thánh. Hai hạnh phúc lớn đó lại phát sinh nhiều hạnh phúc khác nữa...
2. Nhưng ta đừng ỷ lại. Muốn được
cứu rỗi thì vẫn phải cố gắng, phải luôn sám hối quay về đường chính.
3. “Nước trời phải dùng sức mạnh
mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được.” Trong đời sống đạo,
cái quý là làm sao sống trọn vẹn được cả hai khía cạnh sau đây:
- Vừa êm ái dịu dàng, bình an, thoải
mái.
- Vừa hăng say, quyết liệt, chiến đấu.
Một người ươn lười, ẻo lả, cẩu thả, ngại
phấn đấu chẳng có hy vọng chiếm được nước Trời. Cần phải “khó với mình, và dễ với
người.”
Một người lúc nào cũng hung hăng, quyết
liệt chiến đấu, duy ý chí sẽ có nguy cơ chẳng bao giờ hưởng được sự bình an. Dễ
sống bất mãn với người, với mình. Dễ biến thành kiểu sống đạo của mình,
hơn là kiểu sống đạo Chúa muốn.
4. “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả
đến giờ, nước trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy, và những kẻ mạnh mẽ can đảm
mới chiếm được.” (Mt 11,12)
Nhà giam chìm ngập trong khói lửa. Gió
xô rạp những cành cây khẳng khiu, ngập ngụa trong khói đen dầy đặc. Bọn quan,
lính chạy lăng xăng canh giữ mọi cửa nhà giam. Làng xóm lịm đi trước cuộc tàn
sát dã man. Ba trăm giáo dân xứ Thơm tỉnh Bà Rịa bị thiêu đốt trong lửa đỏ. Họ
đã chiến thắng và chiếm lĩnh Nước Trời bằng chính mạng sống mình.
Có những lúc tôi đã không dám làm Dấu
Thánh Giá một cách nghiêm túc trước bữa ăn ở nơi có đông người. Tôi vẫn thường
yếu đuối như thế khi phải tuyên xưng lòng tin, lòng cậy trông nơi Chúa của
mình.
Lạy Chúa, con là kẻ yếu đuối. Xin nâng
đỡ con bằng cánh tay mạnh mẽ của Người. Xin cho con biết vươn mình lên cao mãi,
mặc cho mọi cơn gió tung hoành, để đáng được ở bên Người và được Người chia xẻ
vinh quang.
(Lm. Carôlô Hồ Bặc Xái)
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể,
Chúa đã hứa ở cùng chúng con mọi ngày
cho đến tận thế. Qua bí tích Thánh Thể, Chúa viếng thăm từng cuộc đời chúng
con, Chúa giáng sinh từng ngày trong đời sống chúng con. Chúng con xin tạ ơn
Chúa. Xin giúp chúng con biết thanh tẩy mình mỗi ngày để xứng đáng là máng cỏ
thơm ngát cho Chúa giáng sinh ngự trị.
Lạy Chúa, xin thương xót chúng con, vì
chúng con là người yếu đuối. Chúng con còn ngủ vùi trong đam mê tật xấu. Chúng
con còn thiếu can đảm chống trả chước cám dỗ. Chúng con chưa mạnh mẽ để nói
không với tội lỗi. Chúng con còn mang nặng những yếu đuối và tật xấu. Xin nâng
đỡ chúng con bằng cánh tay mạnh mẽ, bằng sức mạnh và quyền năng của Chúa. Xin
quyền năng Chúa hiển trị trên sự yếu hèn của chúng con, để chúng con vượt thắng
những cám dỗ tội lỗi. Xin giúp chúng con luôn đứng vững trước những trào lưu của
xã hội đang loại trừ Thiên Chúa, đang cuốn hút trong đời sống hưởng thủ. Xin
cho những ai đang mê ngủ trong danh vọng trần gian được thức tỉnh mà quay trở về
với Chúa. Xin Chúa giúp họ biết thức tỉnh trước những cạm bẫy của thế gian và
ma quỷ. Xin cho họ biết hoán cải để thực tâm quay trở về với Chúa tình thương.
Lạy Chúa, xin cho chúng con là người
cao trọng trong Nước Trời khi chúng con luôn trung tín theo lề luật của Chúa.
Xin Chúa giáng sinh mang phước lành xuống trên cuộc đời chúng con, để chúng con
luôn an bình sống trong sự che chở của Chúa. Amen.
(Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
GIOAN CHÍNH LÀ ÊLIA
Đức Giêsu mãi mãi cần những Gioan cho đến ngày tận thế, để bắc một
nhịp cầu, để làm người môi giới trung gian để tình yêu cứu độ được mọi người
đón nhận.
Suy niệm:
Đã từ lâu dân tộc Do Thái không có vị ngôn sứ nào xuất hiện.
Thiên Chúa thinh lặng như chẳng muốn nói với dân Ngài.
Người ta thường coi vị ngôn sứ cuối cùng là Malaki.
Ông sống trước công nguyên gần năm thế kỷ.
Ông đã mạnh mẽ phê phán những bê bối của các tư tế và dân Do
Thái
sau khi họ trở về từ nơi bị lưu đầy ở Babylon.
Malaki tiên báo ngày đoán phạt của Đức Chúa gần đến.
Nhưng trước khi Ngài đến, sẽ có người đi trước để dọn đường (Ml
3, 1).
Êlia chính là người làm công việc đó:
“Này đây Ta sẽ sai đến với ngươi Êlia, vị ngôn sứ” (Ml 3,
23).
Gioan Tẩy giả là người đã làm nhiệm vụ của Êlia,
tuy ông không phải là một Êlia từ cõi chết sống lại.
Gioan xuất hiện như một ngôn sứ khắc khổ nơi sa mạc hoang vu.
Ông đã cất tiếng mời gọi mọi người sám hối và chịu phép rửa.
để dọn lòng đón Đấng Mêsia sắp đến.
Thế là sau bao thế kỷ mong chờ, Thiên Chúa lại ngỏ lời với dân
Ngài.
Gioan Tẩy giả luôn là nhân vật nổi bật trong Mùa Vọng.
Đức Giêsu khẳng định ông còn trọng hơn một ngôn sứ nữa (Mt 11,
9).
Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông,
loan báo về Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban.
Nhưng Gioan là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai.
Chính là Đức Giêsu, người ông đã ban phép rửa.
Gioan cao trọng vì ông là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử
cứu độ.
Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước (c. 11),
vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau (cc. 12-13).
Giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa,
và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này.
Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau.
Nhưng Ngài cần Gioan để làm người trực tiếp giới thiệu.
Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy giả,
nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông,
vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu.
Ơn cứu độ đã đến, Nước Trời đã ở ngay bên.
“Kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông” (c. 11).
Cao trọng hơn vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại.
Ngài đem đến ơn cứu độ toàn diện cho từng người,
vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.
Gioan hẳn sẽ có mặt trong bữa tiệc cánh chung (Mt 8, 11).
Ông đã chiếm được Nước Trời bằng sức mạnh phấn đấu (c. 12).
Ông đã sống bất khuất và đã chết anh hùng.
Mỗi lần Mùa Vọng, chúng ta lại gặp Gioan.
Đức Giêsu mãi mãi cần những Gioan cho đến ngày tận thế,
để bắc một nhịp cầu, để làm người môi giới trung gian
để tình yêu cứu độ được mọi người đón nhận.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến.
Xin đừng mỉm cười mà nói rằng
Chúa đã ở bên chúng con rồi.
Có cả triệu người chưa biết Chúa.
Nhưng biết Chúa thì được cái gì ?
Chúa đến để làm gì
nếu đời sống con cái của Chúa
cứ tiếp tục y như cũ ?
Xin hoán cải chúng con.
Xin lay chuyển chúng con.
Ước gì sứ điệp của Chúa
trở nên máu thịt của chúng con,
trở nên lẽ sống của cuộc đời chúng con.
Ước gì sứ điệp đó
lôi chúng con ra khỏi sự an nhiên tự tại,
và đòi buộc chúng con,
làm chúng con không yên.
Bởi lẽ chỉ như thế,
sứ điệp đó mới mang lại cho chúng con
bình an sâu xa,
thứ bình an khác hẳn,
đó là Bình An
của Chúa.
(Helder
Câmara)
Lm
Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng 12
10 THÁNG MƯỜI HAI
Đức Ma-ri-a Vô Nhiễm
‘Vô Nhiễm’ không duy chỉ có nghĩa rằng Đức Maria đã được dành
cho một chỗ đặc biệt trên tất cả số còn lại của chúng ta. ‘Vô Nhiễm’ cũng không
có phải là Mẹ được tách ra khỏi tất cả chúng ta – là những kẻ phải chịu di lụy
của tội nguyên tổ.
Phải nói hoàn toàn ngược lại mới đúng. Mẹ đứng ở giữa cuộc chiến
thiêng liêng chống lại Vua của Tối Tăm và Cha của Dối Trá – là kẻ thù của người
phụ nữ và miêu duệ người phụ nữ.
Qua Sách Sáng Thế, chúng ta có thể nhìn thấy Đức Nữ Trinh Vô Nhiễm
với tất cả sự thật của việc Mẹ được tuyển chọn. Chúng ta có thể nhìn thấy Mẹ ở
tột đỉnh của mối thù ấy: dưới chân Thập Giá Chúa Kitô trên đồi Canvê. Chính ở
đó mà ‘Người sẽ đạp nát đầu mi, còn mi cố cắn gót chân Người’. Trả giá bằng
chính mạng sống mình, Đức Kitô đem lại cho chúng ta sự chiến thắng trên Satan,
trên tội lỗi và sự chết.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong
Gia Đình
10-12 Thứ Năm tuần 2 Mùa Vọng
Is 41,13-20; Mt 11,11-15.
LỜI SUY NIỆM: “Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng
có ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời
còn cao trọng hơn ông.” (Mt 11,11)
Chúa
Giêsu đang giới thiệu với chúng ta về: ông Gioan Tẩy Giả. Ông được xem như là
Êlia. Vai trò của Gioan Tẩy Giả là: loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Tin Mừng.
Ông là người cao trọng hơn tất cả những ai sống trên trần gian này. Nhưng đối với
người được ở trong nước trời còn cao trọng hơn ông. Muốn được ở trong nước trời,
mỗi người trước tiên phải tin nhận Chúa Giêsu là Đấng cứu độ duy nhất, tin những
lời Ngài đã truyền dạy và đem ra thực hành trong ngày sống của mình. Sông đức
tin bằng sự yêu thương, phục vụ hết mọi người trong khiêm nhường vì Chúa.
Mạnh Phương
10 Tháng Mười Hai
Quyền Con Người
Ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948, Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc đã
long trọng tuyên bố bản tuyên ngôn quyền con người... Ðây là lần đầu tiên trong
lịch sử nhận loại, cộng đồng thế giới đã đảm nhận trách nhiệm quảng bá và bênh
vực quyền con người như một nghĩa vụ trường kỳ.
Khoản 1 và 2 của bản tuyên ngôn nhân quyền đã khẳng định rằng: Tất
cả mọi người sinh ra đều tự do và bình đẳng trong phẩm giá và quyền lợi, và mỗi
một cá nhân, không phân biệt chủng tộc, màu da, phái tính, ngôn ngữ, tôn giáo,
chính kiến, nguồn gốc dân tộc hay xã hội... đều được hưởng mọi quyền lợi và tự
do, được công bố trong bản tuyên ngôn.
Trong 21 khoản đầu của tuyên ngôn, chúng ta có thể kể ra những
quyền cơ bản sau đây: quyền được sống, được tự do và được đảm bảo an ninh cá
nhân, quyền không bị bắt làm nô lệ, quyền không bị tra tấn hay chịu những hình
phạt độc ác, vô nhân đạo hay chà đạp phẩm giá con người, quyền được bình đẳng
trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng, quyền được nại đến
sự xét xử của những tòa án quốc gia có thẩm quyền, quyền không bị bắt giữ, giam
cầm hay dày ải trái phép, quyền không bị độc đoán vào đời sống riêng tư, gia
đình, nhà ở, thư tín, quyền được đi lại, quyền được cư trú, quyền được một quốc
tịch, quyền được kết hôn và lập gia đình, quyền được sở hữu, quyền được tự do
tư tưởng, lương tâm, tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do phát biểu, tự do hội họp.
Ðó là một số những quyền và tự do cơ bản của con người.
Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố một thời gian ngắn sau
đệ nhị thế chiến. Thảm kịch của chiến tranh đã cho nhân loại mỗi lúc một hiểu rằng
hòa bình chỉ thực sự có khi con người biết tôn trọng quyền lợi và tự do căn bản
của con người. Ngược lại, nơi nào quyền con người bị phủ nhận và chà đạp, thì
cho dẫu không có chiến tranh đẫm máu, người ta chỉ sống trong một thứ hòa bình
giả tạo mà thôi.
Nhìn nhận và tôn trọng quyền con người là bổn phận hàng đầu của
người Kitô chúng ta vì chúng ta tin nhận rằng con người đã được tạo dựng giống
hình ảnh của Thiên Chúa và được cứu rỗi bằng chính Máu của Ðức Kitô. Ðó là tất
cả phẩm giá của con người.
Với ý thức ấy, người Kitô luôn được kêu mời để nhận ra hình ảnh
và sự hiện diện của Thiên Chúa trong mọi người và mỗi người, nhất là những người
kém may mắn, cùng khổ nhất.
Trong một cuộc phỏng vấn dành cho ký giả Edward Desmond được
đăng trên tạp chí Time số ra ngày 04 tháng 12 năm 1989, Mẹ Têrêxa Calcutta, người
được giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 1979 vì công tác phục vụ người nghèo tại Ấn
Ðộ, đã xác quyết về công cuộc của Mẹ: đó là cái nhìn tôn trọng đối với người
nghèo. Ðược hỏi: ơn cao trọng nhất mà Chúa đã ban cho Mẹ là gì? Vị sáng lập
dòng Nữ Tử Thừa Sai Bác Ái đã đáp gọn: "Ðó là người nghèo". Bởi vì,
theo Mẹ Têrêxa, với người nghèo Mẹ có dịp ở với Chúa Giêsu 24 giờ mỗi ngày. Mẹ
nói: "Họ là Chúa Giêsu đối với tôi. Tôi tin tưởng ở điều đó còn hơn là làm
những điều lớn lao cho họ".
Nhìn những người nghèo, những người cùng khổ, những người bị xã
hội tước đoạt mọi quyền lợi và bị đẩy ra bên lề, như chính hiện thân của Chúa
Giêsu: đó phải là cái nhìn và động lực của mọi hoạt động của người Kitô chúng
ta. Tôn trọng nhân quyền, bệnh vực nhân quyền là thế đó.
Lẽ Sống
Lectio Divina: Mátthêu
11:11-15
Thứ Năm, 10 Tháng 12, 2015
Tuần thứ hai Mùa
Vọng
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của chúng con,
Chúa không từ bỏ những ai trông cậy vào Chúa.
Xin Chúa dẫn dắt chúng con khi chúng con sợ
hãi,
Xin giúp chúng con khi chúng con kêu cầu lên
Chúa,
Bởi vì chúng con biết rằng chúng con không có
khả năng
Gầy dựng Vương Quốc công lý và yêu thương của
Chúa.
Xin Chúa sai Con Một Chúa lại hiện diện ở giữa
chúng con hôm nay
Là Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng con
Bây giờ và muôn đời.
2. Phúc Âm – Mátthêu 11:11-15
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng dân chúng
rằng: “Ta bảo thật các ngươi, trong số các con cái người nữ sinh ra,
chưa từng xuất hiện một ai cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả. Tuy
nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông. Từ thời
ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải dùng sức mạnh mà chiếm lấy,
và những kẻ mạnh mẽ can đảm mới chiếm được. Cho đến ông Gioan, tất
cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên tri. Và nếu các
ngươi muốn hiểu, thì ông Gioan chính là Êlia, người phải đến. Ai có
tai, thì hãy nghe!”
3. Suy Niệm
- Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết ý
kiến về ông Gioan Tẩy Giả. Được so sánh với những nhân vật của Cựu Ước,
không có ai cao trọng hơn ông Gioan. Ông Gioan Tẩy Giả là người cao
trọng hơn cả: cao trọng hơn tiên tri Giêrêmia, cao trọng hơn tổ phụ
Ábraham, cao trọng hơn tiên tri Isaia! Thế nhưng, so với những người
của Tân Ước, thì ông Gioan lại là người kém nhất so với tất cả. Kẻ
nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông Gioan Tẩy Giả! Làm
thế nào mà chúng ta có thể hiểu được tiêu chuẩn này, có vẻ như là mâu thuẫn,
điều mà Chúa Giêsu nói về ông Gioan Tẩy Giả được?
- Không lâu trước đó, Gioan Tẩy Giả đã sai môn đệ đến
hỏi Chúa Giêsu rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay
là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Mt 11:3). Ông Gioan Tẩy Giả
dường như có ít nhiều nghi ngờ về Chúa Giêsu. Trong thực tế, Chúa
Giêsu đã không tương ứng với ý tưởng mà Gioan Tẩy Giả đã có về một Đấng Mêssia,
một vị Thẩm Phán nghiêm khắc, Đấng phải đến để thực hiện việc xét xử và đổ cơn
thịnh nộ (Mt 3:7). Người sắp đốn các cây không sinh quả tốt khỏi gốc
rễ của chúng (Mt 3:10), Người sẽ rê sạch lúa trong sân và bỏ thóc lép vào lửa
(Mt 3:12). Nhưng Chúa Giêsu, thay vì là một vị thẩm phán nghiêm
khắc, lại là bạn của tất cả mọi người, “tâm hồn hiền hậu và khiêm nhường” (Mt
11:29), Người đón nhận những kẻ tội lỗi và ăn uống cùng họ (Mt 2:16).
- Chúa Giêsu trả lời cho ông Gioan Tẩy Giả bằng cách
trích dẫn lời của Tiên Tri Isaia: “Các anh cứ về thuật lại cho ông
Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi,
người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe
Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi!” (Mt 11:5-6; Is 33:5-6;
29:18). Một câu trả lời cứng rắn. Chúa Giêsu đòi hỏi ông
Gioan Tẩy Giả phân tích Thánh Kinh kỹ hơn để có thể thay đổi quan niệm sai lạc
mà ông đã có về Đấng Cứu Thế.
- Ông Gioan Tẩy Giả là người cao
trọng! Người cao trọng hơn hết cả các phàm nhân! Và kẻ
nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn cả ông Gioan Tẩy Giả. Ông Gioan
là người cao trọng nhất, bởi vì ông là tiếng vọng cuối cùng của Cựu
Ước. Chính ông Gioan Tẩy Giả, bởi vì lòng trung thành của ông, cuối
cùng đã có thể chỉ ra Đấng Cứu Thế cho người ta thấy: “Đây là Chiên
Thiên Chúa!” (Ga 1:36), và dòng lịch sử lâu đời bắt đầu từ ông Ábraham đã đạt
được mục tiêu của mình. Nhưng ông Gioan Tẩy Giả đã không có khả năng tự
hiểu thấu được tầm quan trọng của Nước Trời trong Đức Giêsu. Ông đã
có một mối nghi ngờ: “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là
chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Chỉ một mình lịch sử cổ xưa thôi
thì không soi sáng đầy đủ cho một người để hiểu thấu hoàn toàn sự mới mẻ của
Tin Mừng Thiên Chúa mà Đức Giêsu mang đến cho chúng ta. Tân Ước thì
không ở trong Cựu Ước. Thánh Augustinô đã nói: “Tân Ước
đã được ẩn dấu trong Cựu Ước. Nhưng Cựu Ước chỉ mặc khải đầy đủ ý nghĩa của nó
ở trong Tân Ước” (Novum in Vetere latet, Vetus in Novo patet). Những
ai cùng với Chúa Giêsu và sống với Người sẽ nhận lãnh nơi Người một quan niệm
mới để khám phá ra một ý nghĩa sâu xa hơn trong Cựu Ước. Và điều mới
lạ này là gì?
- Đức Giêsu đưa ra một chìa khóa: “Cho đến
ông Gioan, tất cả các ngôn sứ cũng như Lề Luật đều đã nói tiên
tri. Và nếu các ngươi chịu tin lời Ta, thì ông Gioan chính là Êlia,
người phải đến. Ai có tai, thì hãy nghe!” Chúa Giêsu
không giải thích, nhưng lại nói: “Đưa tâm hồn cha ông trở lại với
con cháu và đưa tâm hồn con cháu trở lại với cha ông” (Ml 3:24). Ông
Gioan Tẩy Giả loan báo về Đấng Cứu Thế và tái xây dựng lại cộng đồng (Lc
1:17). Nhưng điều bí ẩn sâu xa nhất đã bị ông bỏ sót, đó là đời sống
cộng đoàn. Chỉ có Đức Giêsu đã truyền đạt điều đó, loan báo rằng
Thiên Chúa là Cha, và do đó, tất cả chúng ta đều là anh chị em. Lời
loan báo này mang lại một dũng lực mới khiến cho chúng ta có khả năng vượt qua
được những bất đồng và tạo dựng cộng đồng.
- Đây là những kẻ bạo lực thành công trong việc chinh
phục Nước Trời. Nước Trời không phải là một học thuyết, mà là một
cách sống mới để sống giống như anh chị em, bắt đầu từ việc công bố mà Chúa
Giêsu đã loan báo: Thiên Chúa là Cha của tất cả mọi người.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc suy
gẫm cá nhân
- Nước Trời thuộc về những kẻ dùng bạo lực trên chính
họ, đó có nghĩa là, nó thuộc về những kẻ giống như Chúa Giêsu có nghị lực tạo
dựng nên cộng đoàn. Còn bạn thì sao?
- Đức Giêsu đã giúp ông Gioan Tẩy Giả hiểu cặn kẽ hơn các sự
kiện bằng phương tiện Kinh Thánh. Kinh Thánh có giúp tôi hiểu rõ hơn
về các sự kiện trong đời sống của tôi không?
5. Lời nguyện kết
Lạy Thiên Chúa con thờ là Vua của con,
Con nguyện tán dương Chúa
Và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời.
Chúa nhân ái đối với mọi người,
Tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng
nên.
(Tv 145)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét