Trang

Thứ Tư, 9 tháng 12, 2015

Giải đáp phụng vụ: Sử dụng khung vải thay bàn thờ (antimension) trong Giáo Hội Latinh được không?

Giải đáp phụng vụ: Sử dụng khung vải thay bàn thờ (antimension) trong Giáo Hội Latinh được không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma. 

Hỏi: Khung vải thay bàn thờ vẫn được dùng trong Giáo Hội Latinh không, thưa cha? Sách Rituale Romanum (Sách nghi lễ Rôma) cũ có một công thức làm phép nó, và làm thế nào nó phải được thực hiện, nhưng con không biết luật hậu Công đồng về khung vải này. Nếu việc sử dụng khung vải thay bàn thờ không còn được phép trong Giáo Hội Tây phương, liệu một linh mục có thể xin một Giám mục Đông phương làm phép khung vải thay bàn thờ, theo tục lệ của họ được không? - L. L., Worcester, Massachusetts, Mỹ.


Đáp: Một khung vải thay bàn thờ, từ tiếng Hi Lạp "thay cho bàn thờ", là một trong các vật dụng quan trọng nhất của bàn thờ trong truyền thống phụng vụ Kitô giáo Byzantine. Nó là một khung hình chữ nhật, bằng vải hay vải lanh hoặc vải tơ tằm, thường được trang trí với hình vẽ Chúa Kitô được táng trong mồ và bốn Thánh sử, cùng các đoạn Kinh Thánh liên quan đến phép Thánh Thể. Một di tích nhỏ của một vị tử đạo được khâu vào khung vải. Thánh lễ không thể được cử hành mà không có một khung vải thay bàn thờ, vốn phải được thánh hiến bởi một Giám mục, và thực sự được Giám mục trao cho linh mục như lả bằng chứng của việc ngài cho phép linh mục ấy cử hành Phụng Vụ Thánh.

Khung vải thay bàn thờ là một vật để thay thế thật sự cho bàn thờ. Một linh mục có thể cử hành Thánh lễ trên khung vải thay bàn thờ, ngay cả khi bàn thờ chưa được thánh hiến. Trong trường hợp khẩn cấp, khi không có sẵn một bàn thờ, khung vải thay bàn thờ phục vụ một nhu cầu mục vụ rất quan trọng, qua việc thay thế cho bàn thờ chưa được thánh hiến ngoài các nhà thờ hoặc nhà nguyện.

Trong truyền thống Latinh, Thánh Lễ được cử hành với một phiến đá bàn thờ có chứa một di tích nhỏ. Khi cử hành bên ngoài nhà thờ với một bàn thờ thánh hiến, một phiến đá bàn thờ di động được sử dụng. Tuy nhiên, sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chinh phục Đế chế Byzantine năm 1454, nhiều Kitô hữu Đông phương, người Hi Lạp và Albania, chạy trốn tới miền nam nước Ý. Một số người xin Rôma cho họ vẫn giữ nghi lễ của họ, nhưng đức tin của nhiều người khác lại nghi ngờ. Kể từ khi một số linh mục Latinh bắt đầu sử dụng các khung vải thay bàn thờ, có một nỗi sợ hãi rằng việc cử hành Thánh lễ trên khung vải thay bàn thờ là được xem như sự hiệp thông trong các điều thiêng liêng (communicatio in Divinis) với người dị giáo, và do đó bị cấm đoán.

Do đó các Giáo hoàng, nhất là Giáo hoàng Clement VIII (1592-1605) và sau này là nhà giáo luật vĩ đại, Giáo hoàng Biển Đức XIV (1740-1758), quy định việc thực hành. Giáo hoàng Biển Đức XIV trong văn kiện "Etsi Pastoralis," ban hành ngày 26-5-1742, quyết định như sau:

“Nếu người Hi Lạp muốn chấp nhận các bàn thờ di động được thánh hiến bởi các Giám mục Latinh, thì thật là tốt; nếu họ không muốn như vậy, việc đặt các khung vải thay bàn thờ, hoặc khăn bệ ngai (throne), trên bàn thờ bằng đá khi họ cử hành Thánh lễ, có thể được dung thứ. Họ nên sử dụng khăn thánh (corporal) như người nghi lễ Latinh, trừ khi họ sử dụng khăn bệ ngai của họ cũng như khăn thánh. Sẽ là không hợp pháp khi một linh mục Latinh cử hành Thánh lễ bằng nghi lễ Latinh trong các nhà thờ của người Công Giáo Hi Lạp, nếu ngài không đưa theo phiến đá bàn thờ di động của mình, để cử hành Thánh lễ trên khung vải thay bàn thờ, hoặc khăn bệ ngai, của người Hi Lạp. Mọi linh mục phải cử hành Thánh lễ với một chén thánh vàng, hoặc chén thánh bạc hoặc ít nhất chén thiếc, dùng một khăn bệ ngai hoặc khăn thánh bằng lanh, trắng và sạch sẽ, và một bàn thờ được phủ bằng khăn bàn thờ sạch sẽ hoặc bằng khăn vải trang trí được chuẩn bị xứng đáng".

Các hạn chế này đã được chính thức đưa vào trong Bộ Giáo Luật năm 1917 (Điều 823,2):

"Khi thiếu một bàn thờ của nghi lễ riêng của mình, trên cơ bản linh mục có thể cử hành Thánh lễ trong nghi lễ của mình trên một bàn thờ được thánh hiến trong một nghi lễ Công Giáo khác, nhưng không trên khung vải thay bàn thờ của người Hi Lạp".

Tuy nhiên, bất chấp các lệnh cấm này, nhiều trường hợp ngoại lệ và miễn chước được ban cho một số Giám mục, linh mục và tu hội truyền giáo để sử dụng một hình thức của khung vải thay bàn thờ, để cử hành Thánh lễ trên bàn thờ di động.

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, Tòa Thánh ban cho các vị tuyên úy quân đội đặc ân cử hành Thánh lễ, thay vì trên phiến đá bàn thờ di động của nghi lễ Latinh, "trên một tấm khăn có chứa đựng và gắn chặt các di tích đích thực". Việc nầy được mở rộng trong thời bình nữa. Bởi vì không phải luôn có sẵn một tấm khăn đặc biệt như thế với các di tích đích thực, việc sử dụng một khung vải thay bàn thờ của nghi lễ Đông phương được xem như một sự thay thế có thể chấp nhận được.

Cuối cùng, tự sắc (motu proprio) "Pastorale munus" của Giáo hoàng Phaolô VI ban hành vào tháng 10-1963, trao cho tất cả các Đấng Bản quyền địa phương của Giáo Hội phổ quát (của mọi nghi lễ, Tây phương và Đông phương) năng quyền ban cho, vì một lý do chính đáng và nghiêm túc, tất cả các linh mục thuộc quyền, được hưởng quyền sử dụng bàn thờ di động, quyền thay thế phiến đá bàn thờ di động bằng khung vải thay bàn thờ của người Byzantine hoặc các hình thức nghi lễ Latinh khác.

Mặc dù năng quyền này không được thu hồi, nó đã được thay thế cách nào đó bởi phụng vụ, vốn không còn đòi hỏi việc sử dụng một phiến đá bàn thờ cho bàn thờ di động, và tiên liệu việc sử dụng các di tích trên bàn thờ cố định, nếu các di tích này là bộ phận của thân thể có thể nhìn thấy được.

Cuối cùng, chúng tôi trình bày văn bản của việc làm phép theo nghi lễ Latinh cho khung vải thay bàn thờ, với sự chấp thuận của Thánh Bộ Lễ Nghi ngày 12-3-1947. Việc sử dụng khung vải thay bàn thờ vẫn cần một phép chuẩn Tòa Thánh để được sử dụng trong việc cử hành Thánh Lễ trong các miền truyền giáo, thay thế cho phiến đá bàn thờ hoặc bàn thờ di động. Phép chuẩn này được dành cho một Giám mục, nhưng có thể được ủy quyền cho một linh mục.

1. LÀM PHÉP KHUNG VẢI THAY BÀN THỜ

Giám mục (hoặc một linh mục được ủy quyền cho việc này), sau khi đã xác định tính xác thực của di tích các thánh tử đạo được sử dụng trong khung vải, đặt các di tích này vào một cái túi nhỏ, vốn được may vào góc bên phải của khung vải thay bàn thờ. Sau đó, ngài làm phép khung vải thay bàn thờ, bằng cách đọc:

Chủ sự: Ơn phù trợ chúng ta ở nơi Danh Chúa.

Tất cả: Là Đấng Tạo thành trời đất.

Chủ sự: Chúa ở cùng anh chị em.

Tất cả: Và ở cùng cha.

Chúng ta hãy cầu nguyện.

Lạy Chúa, chúng con khiêm nhường nài xin Chúa tối cao, xin Chúa làm phép + khung vải thay bàn thờ này, để khung vải sẵn sàng cho thừa tác của chúng con tiếp nhận lễ vật của dân Chúa. Vì trên khung vải này, chúng con dâng Hy lễ thánh lên Chúa, lên Đức Trinh Nữ Maria và các thánh, nhất là các thánh N. và N., có di tích ở đây, mà chúng con đính kèm trong khung vải. Qua các mầu nhiệm thánh này, xin Chúa tha thứ tội lỗi chúng con, xin xóa các vết bẩn tâm hồn chúng con, xin cho chúng con được ơn tha thứ và lãnh nhận ân sủng, để cùng với vật được Chúa chọn, chúng con có thể hưởng các niềm vui của sự sống muôn đời. Nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.

Tất cả: Amen.

Ngài rảy nước thánh lên khung vải thay bàn thờ. [Từ Sách Nghi lễ Rôma, năm 1964]. (Zenit.org 8-12-2015)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét