13/12/2017
Thứ Tư tuần 2 mùa vọng
Thánh Luxia, trinh nữ, tử đạo.
Lễ nhớ.
* Có lẽ thánh nữ đã chịu chết ở Xyracuxa, thời hoàng đế Điôlêxianô bách hại đạo (340). Ngay từ thời xa xưa, hầu như cả Hội Thánh Rôma đã tôn kính rồi ghi tên người vào Kinh Tạ Ơn.
Bài Ðọc I: Is 40, 25-31
"Thiên Chúa
toàn năng ban sức mạnh cho người mệt mỏi".
Trích sách Tiên tri
Isaia.
Ðấng Chí Thánh phán rằng:
Các ngươi sánh Ta với ai? Và kể Ta bằng ai? Hãy ngước mắt lên cao mà xem, ai đã
dựng nên muôn loài này? Ðấng vận chuyển các cơ binh của chúng và biết gọi đích
danh tất cả, không thiếu vật nào, vì sức mạnh của người rất lớn và quyền năng của
Người rất cao.
Hỡi Giacob, tại sao
ngươi nói, hỡi Israel, tại sao ngươi nói: Chúa không biết đến số phận tôi, Người
không biết đến quyền lợi của tôi? Ngươi không biết? Ngươi không nghe sao?
Chúa là Thiên Chúa hằng
hữu, là Ðấng đã dựng nên toàn thể trái đất, Người không mỏi không mệt và sự
khôn ngoan của Người không thể suy thấu.
Người ban sức mạnh cho
kẻ rã rời và thêm sức cho người mệt mỏi.
Những trai trẻ cũng
mòn mỏi mệt nhọc, những tráng sĩ cũng lao đao vấp ngã.
Những ai trông cậy
Chúa, sẽ được thêm sức mới, cất cánh bay cao như phượng hoàng, họ chạy mà không
mệt, họ đi mà không mỏi.
Ðó là Lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 103: 1-2,
3-4, 8,10
Ðáp: Hồn tôi ơi, hãy chúc tụng Chúa.
Xướng 1) Hồn tôi ơi,
hãy chúc tụng Chúa, và toàn thể thân tôi, hãy chúc tụng danh Người. Hồn tôi ơi,
hãy chúc tụng Chúa, và đừng bao giờ quên các ân huệ của Người. - Ðáp.
2) Người đã thứ tha mọi
tội lỗi ngươi, và đã chữa ngươi khỏi tật nguyền. Người đã cứu ngươi khỏi chết
và ban cho ngươi hồng ân, nhân ái. - Ðáp.
3) Chúa là Ðấng thương
xót nhân ái, chậm oán hờn và yêu thương khôn lường. Người không xử với ta như
ta đáng tội, và không trả cho ta theo lỗi của ta. - Ðáp.
Alleluia:
Alleluia, alleluia -
Chúa chúng ta sẽ đến trong quyền lực, và sẽ làm cho mắt các tôi tớ Người được
sáng. - Alleluia.
Phúc Âm: Mt 11:28-30
"Hãy đến với
Ta, hỡi những ai vất vả cực nhọc".
Tin Mừng Chúa Giêsu
Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu
phán rằng: Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ
nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.
Hãy mang lấy ách của
Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn
các ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm
ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.
Ðó là Lời Chúa.
Suy Niệm: Ách êm ái.
Trong lịch sử nhân
loại, nhiều khi những cuộc cách mạng nhằm lật đổ một tình trạng bất công lãi dẫn
đến một tình trạng bất công còn tệ hại hơn. Cuộc cách mạng Pháp 1789 đã gây ra
biết bao nhiêu đổ máu. 80 triệu người Trung hoa đã chết dưới bàn tay của Mao trạch
Đông. 2 triệu người Cambốt đã chết trên cánh đồng giết người của Pônpốt. Quả thực,
con người mơ ước thiên đàng, nhưng lại rơi vào địa ngục.
Trong tôn giáo có lúc
người ta cũng chứng kiến một hiện tượng tương tự: tôn giáo vốn là nơi nương tựa
của con người: con người tìm đến với tôn giáo thường là để tìm một sự giải
thoát nào đó. Nhưng nhiều khi thay vì tìm được thanh thản nơi tôn giáo, con người
lại bị đè bẹp bởi những gánh nặng. Đó là trường hợp đã xảy ra cho những người
mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ bé mọn. Họ là những người vất vả gồng gánh nặng nề.
Thật thế, vào thời Chúa Giêsu, trong Do Thái giáo, những người thiệt thòi nhất
là những người bé mọn, thất học. Gồng gánh nặng nề mà các luật sĩ chất lên vai
họ chính là vô số khoản luật mà họ phải tuân giữ mà không hề hiểu được ý nghĩa
và mục đích, họ không đủ khả năng để phân biệt được cái thiết yếu với điều phụ
thuộc. Tôn giáo như thế không phải là một giải thoát, nhưng chỉ là một cầm buộc,
đi tìm sự giải thoát, con người lại trở thành nô lệ.
Với những người bé mọn
ấy, Chúa Giêsu đã mời gọi hãy mang lấy ách của Ngài, vì ách của Ngài thì êm ái
và gánh của Ngài thì nhẹ nhàng. Thật ra, Chúa Giêsu không rao giảng một tôn
giáo mới. Ngài không đạp đổ hệ thống tôn giáo có sẵn. Trái lại Ngài chỉ cho con
người thấy đâu là cái cốt lõi của Lề Luật và của đạo. Cái cốt lõi ấy chính là
tình yêu thương. Ngài đã từng tuyên bố: “Ta đến không phải để bãi bỏ Lề Luật và
các tiên tri, nhưng để kiện toàn”. Và như thánh Phaolô đã giải thích: “Yêu
thương là chu toàn cả Lề Luật”. Thật thế, Chúa Giêsu đã kiện toàn Lề Luật bằng
giới răn yêu thương, Ngài thu tóm cả Lề Luật thành hai chữ yêu thương. Một bộ
luật nặng nề và không hồn đã trở thành nhẹ nhàng nhờ có linh hồn là tình yêu
thương. Đó là cuộc cách mạng vĩ đại nhất của Chúa Giêsu, cuộc cách mạng của
tình thương. Chỉ có tình thương mới là khí giới lật đổ được bất cứ một bất công
nào và xây dựng được một xã hội công bằng thật sự. Chỉ có tình thương mới thực
sự giải phóng con người khỏi mọi áp bức.
“Hãy mang lấy ách của
Ta, vì ách của Ta thì êm ái. Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường”.
Lời mời gọi của Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta về cái cốt lõi của đạo. Đạo là
chính Chúa, là tình yêu nhập thể. Sống đạo là sống bằng sức sống thần linh của
Ngài, sống đạo là làm chứng và chia sẻ tình yêu của Ngài cho mọi người. Đó là
cuộc cách mạng đích thực mà Chúa Giêsu muốn tiếp tục qua Giáo Hội và qua mỗi
người chúng ta.
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư Tuần II MV
Bài đọc: Isa
40:25-31; Mt 11:28-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa yêu thương và săn sóc mọi người.
Con người thường có
khuynh hướng lấy những gì mình suy nghĩ và áp dụng cho Thiên Chúa; chẳng hạn,
cha mẹ chỉ có thể yêu thương và chăm sóc cho vài con (chỉ 2 con với cha mẹ thời
nay). Đem áp dụng suy nghĩ này cho Thiên Chúa, họ không tin Thiên Chúa có thể
biết, yêu thương, và chăm sóc cho từng người một trong nhân lọai.
Các Bài đọc hôm nay muốn
chứng minh: với quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Ngài yêu thương và
săn sóc từng người một. Trong Bài đọc I, người Do-Thái kêu trách Thiên Chúa:
"Đường tôi đi, Đức Chúa không nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng
đoái hoài?" Tiên Tri Isaiah sửa sai quan niệm này: Nếu Thiên Chúa có thể gọi
đích danh từng ngôi sao một, Ngài cũng có thể gọi đích danh từng người một. Nói
cách khác, vì Thiên Chúa gọi, nên tất cả được tạo thành. Tiên tri nói: “Thiên
Chúa không mệt mỏi, cũng chẳng nhọc nhằn, trí thông minh của Người khôn dò thấu.
Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm cho nên cường tráng.”
Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu kêu mời mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang
gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Người ban sức mạnh cho ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người làm
cho nên cường tráng.
1.1/ Chúa biết và yêu
thương từng cá nhân một: Tiên Tri Isaiah
dùng công cuộc sáng tạo vũ trụ của Thiên Chúa để chứng minh sự quan phòng của Thiên
Chúa cho con người: “Các ngươi so sánh Ta với ai, để Ta phải ngang hàng với nó?
Hãy đưa mắt lên cao mà nhìn: Ai đã sáng tạo những vật đó? Đấng tung ra toàn bộ
đạo binh các tinh tú, Người gọi đích danh từng ngôi một, khiến không thiếu vắng
một ngôi nào.”
Nếu Thiên Chúa đã dựng
nên từng ngôi sao một và sắp xếp vị trí của chúng trong trời đất, Người cũng dựng
nên và quan phòng cho từng con người một trong thế gian này. Vì thế, Tiên Tri
chất vấn những người không tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa: “Hỡi Jacob,
sao ngươi nói, hỡi Israel, sao ngươi bảo: "Đường tôi đi, Đức Chúa không
nhìn thấy, quyền lợi của tôi, Thiên Chúa chẳng đoái hoài?" Ngươi chẳng biết,
chẳng nghe thấy sao? Đức Chúa là Thiên Chúa vĩnh cửu, là Đấng sáng tạo toàn cõi
đất.”
1.2/ Chúa săn sóc từng cá
nhân: Vì Thiên Chúa uy quyền, khôn ngoan, và
thông biết mọi sự, nên Người không mệt mỏi cũng chẳng nhọc nhằn trong việc quan
phòng con người. Những ai trông cậy vào Người, thì được Người ban sức mạnh:
“Như thể chim bằng, họ tung cánh. Họ chạy hoài mà không mỏi mệt, và đi mãi mà
chẳng chùn chân.” Người ban sức mạnh cho những ai mệt mỏi; kẻ kiệt lực, Người
làm cho nên cường tráng. Còn những ai không biết trông cậy nơi Người, cho dẫu
là thanh niên cũng mệt mỏi, nhọc nhằn; cho dẫu là trai tráng cũng ngả nghiêng,
lảo đảo.
2/ Phúc Âm: Hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.1/ Chúa Giêsu biết “nỗi
vất vả” và “gánh nặng nề” của từng người: Ngài
kêu gọi: "Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi,
tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” Trong đời người, chắc ai cũng đã trải qua những
kinh nghiệm như Chúa Giêsu mô tả hôm nay: mặc dù đã cố gắng hết sức, nhưng vẫn
không gánh nổi những đau thương của cuộc sống. Trong những lúc như thế, con người
chỉ muốn buông xuôi, nói theo kiểu của thi hào Nguyễn Du, “thử xem Con Tạo xoay
vần đến đâu!” Chúa Giêsu cũng đã từng trải qua những kinh nghiệm đau thương như
chúng ta, và còn hơn chúng ta nữa. Bị nhân lọai khước từ mặc dù đã làm không biết
bao nhiêu điều ích lợi cho con người: mặc khải, dạy dỗ, chữa lành. Một mình
Ngài đã vác Thập Giá nặng lên Đồi Canvê dưới bao nhiêu những roi đòn của lính;
và đã 3 lần gục ngã dưới sức nặng của cây Thập Giá. Sau cùng, Ngài phải chịu một
cái chết đau thương, cô đơn, nhục nhã; đến nỗi đã phải thốt lên: “Cha hỡi, Cha
ơi! Sao Cha bỏ con!” Một người đã trải qua những gánh nặng như thế của kiếp người,
Ngài chắc chắn biết chia sẻ những gánh nặng của con người. Ngài mời gọi con người
hãy đến với Ngài để được nghỉ ngơi bồi dưỡng.
2.2/ Chúa Giêsu giúp từng
người giải quyết vấn đề của mình.
(1) Chúa không hứa con
người sẽ không phải đau khổ; nhưng Ngài sẽ giúp con người vượt qua đau khổ:
“Anh em hãy mang lấy ách của tôi… Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng.”
Tĩnh từ Hy-Lạp dùng để mô tả chữ êm ái ở đây là “crhsto.j,” nó còn có nghĩa “vừa
vặn.” Bên Palestine, ách của bò được làm bằng gỗ, con bò được mang tới xưởng để
thợ mộc đo kích thước trước khi làm ách. Sau khi đã làm xong, con bò được mang
tới để thử; ách được cẩn thận thêm bớt sao cho nó có thể vừa khít cổ con bò mà
không gây đau đớn cho nó. Truyền thuyết cho rằng Chúa Giêsu nổi tiếng về nghề
làm ách khi Ngài lớn lên ở Nazareth với Giuse. Ngài biết cách giúp con người
mang ách làm sao cho êm ái, và mang gánh làm sao cho nhẹ nhàng.
(2) Chúa giúp con người
vượt qua đau khổ bằng dạy dỗ hai bài học quan trọng trong cuộc đời: “Hãy học với
tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường.”
- Bài học hiền hậu:
Đây là đức tính giúp con người thực sự có bình an trong tâm hồn. Người hiền hậu
không dễ bị tức giận vì lời nói, thái độ, hay việc làm của người khác. Vì thế,
họ sẽ không cảm thấy đau khổ khi bị chọc tức, bị khinh thường, hay bị đối xử bất
công.
- Bài học khiêm nhường:
Đây là đức tính giúp con người biết chấp nhận mọi hòan cảnh xảy ra trong cuộc đời.
Người khiêm nhường không ghen tị, không bon chen để tìm cách cho bằng hay hơn
người khác. Họ biết mình và biết người. Vì họ luôn tìm chỗ hèn hạ, và nhường
cho người khác chỗ cao trọng hơn; nên họ không lo phải đối chọi với phong ba,
bão táp của những người ham hố quyền hành, chức vụ.
(3) Chúa giúp con người
vượt đau khổ bằng sức mạnh của Ngài: “Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng.”
Lời Chúa hướng dẫn và Bí-tích Thánh Thể cung cấp cho con người sức mạnh để
đương đầu với mọi đau khổ có thể xảy đến trong cuộc đời.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần xác tín
mối liên hệ giữa chúng ta với Thiên Chúa là mối liên hệ cá nhân; và Chúa muốn
chúng ta dùng tình yêu cá nhân để đáp trả lại.
- Chúa biết chúng ta
còn hơn chúng ta biết chúng ta. Chúng ta đừng sợ khi đối diện với Chúa, vì Ngài
đã biết mọi vấn đề, và quan tâm giúp chúng ta giải quyết vấn đề.
- Nhiều khi chúng ta cảm
thấy cô đơn, mệt mỏi, chán chường, thất vọng, vì chúng ta muốn chiến đấu một
mình; nhưng nếu chúng ta biết chạy đến với Chúa để xin Ngài giúp sức, mọi sự sẽ
trở nên dễ dãi, nhẹ nhàng; và chính Ngài sẽ giúp chúng ta vượt qua mọi khó khăn
trở ngại bằng chính sức mạnh của Ngài.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
13/12/2017
THỨ TƯ TUẦN 2 MV
Mt 11,28-30
Mt 11,28-30
Hiền lành và khiêm nhường
“Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường
trong lòng.” (Mt 11,29)
Suy niệm: Lời Chúa
nghe quen quen. Na ná những mẩu quảng cáo gia sư trên các tờ bướm người ta phát
vội tại các cổng trường hay các ngã tư đèn đỏ. Cũng một thông điệp là: tôi
là thầy đây, tôi muốn dạy học đây, bạn đến học với tôi đi! Ồ, nhưng thật
ra khác lắm. Các gia sư giới thiệu mình ‘đáng tín nhiệm’ bằng cách kê ra những
chứng chỉ, những bằng cấp, cả những chức danh dài ngoằng mà mình đã hay đang giữ.
Còn Thầy Giê-su thì chỉ có cái này để ‘khoe’: “hiền lành và khiêm nhường”!
Và một điều khác biệt nữa, thật căn bản: Thầy Giê-su không dạy các môn luyện
thi như Toán, Lý, Hóa, Sinh, Ngoại Ngữ... cho học sinh. Thầy dạy môn SỐNG, môn
LÀM NGƯỜI cho hết mọi người, nhất là cho những ai “đang vất vả mang gánh nặng
nề.”
Mời Bạn: Dù bạn là ai, nếu bạn nhìn
lại và tự thấy đời mình chưa thật sự bình an và hạnh phúc, nếu bạn nhìn nhận
mình còn cần học sống, học làm người, thì Thầy Giê-su sẵn sàng giúp bạn đó. Miễn
phí. Và bí quyết của Thầy là “hiền lành và khiêm nhường.”
Chia sẻ: Đọc Phúc Âm, bạn cảm kích nhất về sự hiền lành và khiêm
nhường của Thầy Giê-su trong trường hợp nào?
Sống Lời Chúa: Thỉnh thoảng có một cung
cách hay thái độ hiền lành và khiêm nhường thì khá dễ. Điều quan trọng là hiền
lành và khiêm nhường thật sự sâu xa trong lòng, mọi nơi mọi lúc. Để được vậy
thì ta phải cho phép Chúa Giê-su sống trong mình mọi nơi mọi lúc.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su khiêm nhường và hiền lành, xin dạy con
ngày hôm nay biết sống hiền lành và khiêm nhường hơn. Amen.
(5 phút Lời Chúa)
Ách của tôi êm ái (13.12.2017 – Thứ tư Tuần 2 Mùa Vọng)
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ, thì là vì
chúng được đón nhận trong tình yêu. Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
Suy niệm:
Khi quy hoạch thành phố tương lai,
người ta không quên dành một khu vui chơi giải trí.
Nghỉ ngơi thư giãn là một nhu cầu quan trọng
cho những ai sống trong nền kinh tế thị trường.
Nghỉ ngơi không chỉ cần cho thân xác hay trí óc.
Nghỉ ngơi còn cần cho tâm hồn.
Cái tâm của chúng ta cần được sống trong an tĩnh
giữa sóng gió dao động, giữa chợ đời bon chen.
Nhiều người bị suy nhược thần kinh, bị stress.
Có người tự tử vì không đủ sức để tiếp tục sống.
Ðức Giêsu mời chúng ta đến với Ngài,
tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề.
Gánh nặng của nỗi đau và vấp ngã trong quá khứ.
Gánh nặng của trách nhiệm và yếu đuối hiện tại.
Gánh nặng phải mang vì người khác...
Tất cả những ai bị căng thẳng và lo âu,
chán chường và mệt mỏi.
Tất cả những ai muốn tìm một chút nghỉ ngơi.
Hãy đến với Ngài, ta sẽ gặp được sự an tĩnh.
Hãy mang lấy ách của tôi.
Ðức Giêsu không ngần ngại nói đến ách của Ngài
mà những kẻ đến với Ngài phải mang.
Ngài không giấu ta về những đòi hỏi nghiêm túc,
về con đường hẹp mà ít người muốn đi,
về thánh giá mà ta phải vác để theo Ngài.
Như thế sự an bình thư thái Ngài hứa ban
đâu phải là thứ bình an rẻ tiền, không cần từ bỏ.
Ðó là thứ bình an ngay giữa khổ đau và nước mắt,
vì biết mình được Thiên Chúa yêu thương,
vì xác tín là mình đang làm đúng ý Thiên Chúa.
Nếu ách của Ngài êm và gánh của Ngài nhẹ,
thì là vì chúng được đón nhận trong tình yêu.
Tình yêu làm cho mọi sự trở nên êm nhẹ.
“Chỗ nào có lòng yêu mến, thì không cảm thấy vất vả;
mà giả như có vất vả đi nữa
thì người ta cũng thích cái vất vả đó” (thánh Âutinh)
Hãy học với tôi.
Ðức Giêsu kêu gọi chúng ta làm học trò của Ngài.
Chúng ta học trường Giêsu, học Thầy Giêsu, học bài
Giêsu.
Bài học nằm nơi chính trái tim Ngài:
“Vì tôi có trái tim hiền hậu và khiêm nhu.”
Khi mang trong mình những tâm tình của Thầy Giêsu
thì tâm hồn ta sẽ được bình an trở lại.
Chúng ta cần theo học Thầy Giêsu suốt đời,
cần lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái,
cần sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ.
Chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải,
và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con trở nên đơn sơ bé nhỏ,
nhở đó con dễ nghe được tiếng Chúa nói,
dễ thấy Chúa hiện diện
và hoạt động trong đời con.
Sống giữa một thế giới đầy lọc lừa và đe dọa,
xin cho con đừng trở nên cứng cỏi,
khép kín và nghi ngờ.
Xin dạy con sự hiền hậu
để con biết cảm thông và bao dung với tha nhân.
Xin dạy con sự khiêm nhu
để con dám buông đời con cho Chúa.
Cuối cùng, xin cho con sự
bình an sâu thẳm,
vui tươi đi trên con
đường hẹp với Ngài,
hạnh phúc vì được cùng
Ngài chịu khổ đau. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG MƯỜI HAI
Một Lời Mời Tiến Tới
Mật Thiết
Chúa đang đến gần! Nào
ta hãy hân hoan lắng nghe lời sau đây của Ngôn Sứ Xô-phô-ni-a: “Hãy reo vui, hỡi
con gái Si-on! … Này Vua Israel là Đức Chúa đang ở giữa ngươi, ngươi sẽ không
còn phải sợ hãi … Hỡi Si-on, đừng sợ! Đừng thất đảm!” (Xp 3,14-16).
Thiên Chúa đang hiện
diện giữa Israel dân Người, sự hiện diện gần gũi ấy của Người là nguồn sức mạnh
chống lại mọi sự dữ. Sự hiện diện của Người là sự nâng đỡ có sức cứu độ. Người
là ‘Đấng cứu độ uy quyền’ (Xp 3,17). Đây là nguồn mạch để chúng ta canh tân
tinh thần. Vì sự hiện diện của Người giữa con người cho thấy tình yêu của Người
đối với chúng ta, một tình yêu chiến thắng mọi sự dữ.
Tân Ước làm chứng cho
sự thật đó. Chẳng hạn, Thánh Phaolô viết trong Thư gửi tín hữu Philipphê: “Anh
em hãy vui luôn trong Chúa! Tôi xin nói lại. Hãy vui lên! Chúa đang đến gần”
(Pl 4,4-5). Hãy vui lên trong sự hiện diện cứu độ của Người, hãy vững tin nơi
Thiên Chúa. Rồi Thánh Tông Đồ viết: “Anh em đừng âu lo xao xuyến, nhưng trong mọi
sự, bằng lời kinh nguyện và cầu xin, với tâm tình tạ ơn, anh em hãy trình bày
những ước nguyện lên Chúa” (Pl 4,6).
Lời tuyên bố “Chúa gần
đến” là một lời mời gọi đi vào kết hợp mật thiết với Người – sự mật thiết này
được thể hiện cách trực tiếp qua cầu nguyện. Chính qua cầu nguyện mà chúng ta mở
lòng mình ra với Chúa và chia sẻ cho Ngài chính cuộc sống của chúng ta.
Hạnh Các Thánh
13 Tháng Mười Hai
Thánh Lucia
(c. 304)
(c. 304)
Các thiếu nữ có tên
thánh là Lucia chắc phải thất vọng khi muốn tìm hiểu về vị thánh quan thầy của
mình. Các sách cổ viết dài dòng nhưng rất ít chi tiết liên hệ đến truyền thuyết.
Các sách mới đây cũng dài dòng dẫn chứng một sự kiện là những truyền thuyết này
không có trong lịch sử. Chỉ có một chi tiết về Thánh Lucia còn sót lại đến ngày
nay, đó là người cầu hôn với thánh nữ vì bị từ chối nên đã tố cáo ngài là Kitô
Hữu, do đó ngài bị xử tử ở Syracuse thuộc Sicily vào năm 304. Nhưng cũng đúng
là tên của thánh nữ đã được nhắc đến trong lời cầu nguyện Rước Lễ Lần Ðầu, có
những địa danh và một bài dân ca mang tên thánh nữ, và qua bao thế kỷ, hàng chục
ngàn thiếu nữ đã hãnh diện chọn ngài làm quan thầy.
Cũng dễ để hiểu
những khó khăn của một thiếu nữ Kitô Giáo khi phải chiến đấu trong một xã hội
trần tục như ở Sicily vào năm 300. Cũng tương tự như xã hội ngày nay, nhiều
thói tục của xã hội đã ngăn cản chúng ta sống xứng đáng là người theo Ðức Kitô.
Các bạn bè của Lucia
có lẽ cũng ngạc nhiên về Ðấng mà Lucia yêu quý, đó là một người đi rao giảng khắp
nơi, sống trong một dân tộc nô lệ và đã bị tiêu diệt cách đó 200 năm. Người từng
là một người thợ mộc, từng bị chính dân của Người kết án và chết trên thập giá.
Với tất cả tâm hồn, Lucia tin tưởng rằng chính Người đã sống lại từ cõi chết.
Thiên Chúa đã minh chứng tất cả những gì Người nói và hành động. Ðể làm chứng
cho đức tin ấy, thánh nữ đã thề giữ mình đồng trinh.
Thật là một điều khôi
hài đối với các bạn ngoại giáo của thánh nữ! Giữ mình trong trắng trước khi
thành hôn là một lý tưởng cổ hủ của người Rôma, ít người còn giữ nhưng không ai
kết án lý tưởng ấy. Tuy nhiên, ngay cả cô ta không muốn kết hôn thì điều đó thật
quá đáng. Chắc cô ta phải có điều gì xấu xa cần giấu diếm, như miệng lưỡi thế
gian thường đồn đãi.
Chắc chắn Thánh Lucia
đã nghe biết về nhân đức anh hùng của các vị đồng trinh tử đạo. Ngài muốn trung
thành với tấm gương của các đấng ấy, cũng như theo gương của người thợ mộc, là
Người mà ngài tin là Con Thiên Chúa.
Lời Bàn
Nếu bạn chọn Thánh
Lucia làm quan thầy thì đừng thất vọng. Vị quan thầy của bạn thực sự là một nữ
anh thư, hơn hẳn mọi người, là một hứng khởi vô tận cho bạn và cho mọi Kitô Hữu.
Sự can đảm sống luân lý của người thiếu nữ Sicilian tử đạo ấy đã tỏa sáng như để
soi dẫn giới trẻ ngày nay cũng như giới trẻ trong thời đại ấy.
Trích từ
NguoiTinHuu.com
13 Tháng Mười Hai
Danh Hiệu Của Ánh Sáng
Không những ở Việt
Nam, nhưng trên toàn thế giới, nhiều thánh nữ mang tên thánh bổn mạng Lucia,
như nữ tu Lucia, một trong ba trẻ đã được thấy Ðức Mẹ hiện ra ở Fatima.
Những người thiếu nữ
mang tên Lucia này không khỏi thất vọng khi tìm hiểu về đời sống và sự nghiệp của
thánh nhân. Vì những sách cũ đã viết tiểu sử của các thánh nhân đã ghi lại nhiều
câu chuyện về thánh Lucia, để rồi các tác giả viết về đời sống của các thánh
nhân thời đại chúng ta lại phê bình những câu chuyện ấy không có tính cách lịch
sử. Chúng ta chỉ có thể tóm lại những chứng tích lịch sử để viết về cuộc đời,
nhất là cái chết vì niềm tin của thánh Lucia như sau:
Một chàng thanh
niên không Công Giáo thất vọng vì không được Lucia đáp trả lại tình yêu của
mình đã tố cáo với nhà cầm quyền Lucia là người Công Giáo. Và nàng đã bị xử tử
vào năm 304 tại thành Syracuse vùng Sicilia, mạn Nam nước Italia. Di tích lịch
sử thứ hai là tên Lucia được ghi trong danh sách những thánh tử đạo trong lời
nguyện thánh lễ Roma, nay là lời nguyện Thánh Thể thứ nhất trong phụng vụ mới.
Những di tích bên lề
cũng nên nói đến là nhiều địa danh, nhiều làng mạc, thành phố bên Âu Châu mang
tên nàng, cũng như có những bằng chứng lịch sử về sự tôn kính nàng từ trước thế
kỷ thứ 5.
Chữ
"Lucia" có nghĩa là ánh sáng. Và gương can đảm chết vì lòng tin của
nàng vẫn tiếp tục chiếu sáng trong tâm hồn những người đang bị thử thách và đau
khổ vì lòng tin, cũng như làm rạng rỡ những khuôn mặt của những thiếu nữ mang
tên thánh bổn mạng Lucia.
Muốn hiểu sự can đảm của
thánh Lucia Giáo Hội mừng kính hôm nay với tước hiệu đồng trinh, tử đạo, chúng
ta có thể tưởng tượng một thiếu nữ Công Giáo sống giữa những người không Công
Giáo vào thời kỳ tôn giáo này bị bách hại. Ðể sống trọn niềm tin Công Giáo,
nàng cũng gặp nhiều khó khăn như đại đa số những tín hữu Kitô trong thời đại
chúng ta phải sống chung với những người vô thần, không tin tưởng.
Lạ lùng hơn là niềm
tin của Lucia. Nàng tin vào một người sáng lập tôn giáo với thân thế và sự nghiệp
không mấy được rõ ràng ở một nước thuộc địa xa xôi với thủ đô Jerusalem bị quân
đội Roma phá hủy cách đó 200 năm. Trước khi truyền đạo, ông này làm nghề thợ mộc
và sau một thời giảng đạo ngắn ngủi, ông bị quân lính Roma đóng đinh vào thập tự,
một hình phạt dành cho dân thuộc địa phạm những trọng tội sát nhân hay nổi loạn.
Nay Lucia tin tưởng với tất cả tâm hồn là ông ấy đã Phục Sinh, như một dấu chỉ
cho thấy Thiên Chúa đã chấp nhận những gì ông truuyền dạy và đã làm.
Ðể biểu lộ lòng tin của
mình, Lucia đã thề hứa giữ sự trinh khiết, không lập gia đình.
Lucia lập lời hứa đó
vì nàng biết đến gương anh dũng của những người chết vì đạo trong các hí trường
tại Roma hay những nơi khác và nhất là để giữ lòng trung tín với ông Giêsu làng
Nagiareth, đã bị chết treo trên thập giá, nhưng đối với niềm tin của nàng là Ðấng
Cứu Thế, Con Một Thiên Chúa.
Trích sách Lẽ Sống
Lectio Divina: Mátthêu 11:28-30
Thứ Tư, 13 Tháng 12, 2017
Thứ Tư sau CN II Mùa Vọng
1. Lời
nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa quyền năng và lòng thương xót,
Xin Chúa mở rộng tâm hồn chúng con trong sự đón nhận.
Xin hãy loại bỏ những gì làm cản trở chúng con đón nhận Đức Kitô với
lòng hân hoan,
Để chúng con có thể chia sẻ sự khôn ngoan của Người
Và trở nên một với Người
Khi Người đến trong vinh quang,
Vì Người hằng sống và hiển trị cùng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần,
Một Thiên Chúa, đến muôn thuở muôn đời.
2.
Phúc Âm – Mátthêu 11:28-30
Khi ấy, Chúa Giêsu phán rằng:
“Hãy đến với Ta tất cả, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ
bổ sức cho các ngươi.
Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhượng
trong lòng và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.
Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.”
3.
Suy Niệm
- Một số văn bản Tin Mừng mặc khải
cho chúng ta đầy đủ ý nghĩa khi chúng ta đặt chúng trong bối cảnh của Cựu Ước. Đây là cách mà đoạn Tin Mừng rất ngắn gọn và
tuyệt đẹp này của ngày hôm nay được viết.
Trong văn bản này, có tiếng vang vọng của hai chủ đề rất đáng yêu và gợi
nhớ bởi Cựu Ước, một chủ đề từ sách tiên tri Isaia và chủ đề kia trích từ sách
Khôn Ngoan.
- Tiên tri Isaia nói về Đấng Cứu
Thế, Người Tôi Trung và miêu tả Người như một người môn đệ luôn tìm những lời
an ủi để có thể khích lệ những người đang chán nản: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng
như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức
tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50:4). Và Đấng Mêssia Tôi Tớ đưa ra lời mời gọi: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước
đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến
mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55:1). Những văn bản này đã hiện diện trong trí nhớ
của người ta. Chúng giống như những bài
ca dao thời thơ ấu của chúng ta. Khi người
ta lắng nghe chúng, những kỷ niệm hiện về trong trí, có một nỗi hoài niệm về
quá khứ. Cùng với Lời của Chúa
Giêsu: “Hãy đến với Ta!” đã làm sống lại
kỷ niệm và mang lại tiếng vang hoài cổ của những văn bản trứ tuyệt của sách
tiên tri Isaia.
- Sách Khôn Ngoan tiêu biểu cho sự
khôn ngoan của Thiên Chúa như một người phụ nữ, một bà mẹ truyền lại cho các
con trai mình sự khôn ngoan của bà và bảo chúng rằng: “Các con hãy thu nhận những điều ấy, không phải
trả đồng nào. Hãy tra cổ vào ách, và đón
nhận giáo huấn vào tâm hồn; giáo huấn này, các con có thể tìm thấy ở ngay bên cạnh
mình. Hãy nhìn xem: ta đâu có vất vả bao nhiêu, và chính ta đã được
nghỉ ngơi an nhàn” (Hc 51:25-27) Đức
Giêsu lặp lại cùng một câu nói này: “Tâm
hồn các ngươi sẽ gặp được bình an!”
- Một cách chính xác vì đây là
cách Chúa nói chuyện với mọi người, Đức Giêsu khơi lại trí nhớ của họ và do đó
tâm tư họ vui mừng và nói: “Đấng Mêssia,
Đấng được mọi người mong đợi đã đến!” Đức
Giêsu biến đổi nỗi hoài niệm quá khứ trở thành niềm hy vọng. Chúa làm cho người ta tiến tới phía trước. Thay vì họ loay hoay với hình ảnh của một Đấng
Cứu Thế vinh quang, vị quân vương và đấng thống trị, được giảng dạy bởi các
Kinh Sư, người ta thay đổi quan niệm và chấp nhận Chúa Giêsu, Đấng Cứu Thế Tôi
Tớ. Một Đấng Cứu Thế khiêm nhường và hiền
lành, chào đón và đầy sự dịu dàng, Đấng đã khiến họ cảm thấy thoải mái, họ là
những người nghèo khó cùng với Chúa Giêsu.
4. Một
vài câu hỏi gợi ý cho việc suy gẫm cá nhân
- Lề Luật của Thiên Chúa có phải
là một cái ách nhẹ nhàng nâng đỡ tôi không, hay nó là một cái ách nặng nề khiến
tôi mệt mỏi?
- Có khi nào tôi cảm thấy sự nhẹ
nhàng và hân hoan của cái ách Lề Luật Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã mặc khải cho
tôi không?
5. Lời
nguyện kết
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh!
Chúc tụng CHÚA đi, hồn tôi hỡi,
Chớ khá quên mọi ân huệ của Người.
(Tv 103)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét