Trang

Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Ngày quốc tế nhân quyền

Ngày quốc tế nhân quyền

Ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948 tức cách đây 69 năm Liên Hiệp Quốc đã công bố “Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền” như kim chỉ nam hành xử của mọi quốc gia và xã hội toàn thế giới, nhằm mục đích đề cao nhân phẩm, thăng tiến hoà bình, hạnh phúc và thịnh vượng cho người dân sống ở khắp nơi trên trái đất này. Bản tuyên ngôn quốc  tế nhân quyền là hoa trái các suy tư và duyệt xét kinh nghiệm chết chóc tàn phá thương đau, mà các quốc gia đã gây ra cho nhau trong đệ nhị thế chiến. Để ghi nhớ biến cố quan trọng này năm 1950 Liên Hiệp Quốc chọn ngày mùng 10 tháng 12 làm Ngày quốc tế nhân quyền.
Nhân ngày này ĐTC Phanxicô đã viết trong Twitter như sau: “Hoạt động chính trị cần được thực sự đặt để phục vụ con người, công ích và việc tôn trọng thụ tạo”. Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật mùng 10 tháng 12 ĐTC cũng nói: “Hôm nay là ngày trao giải thưởng Nobel Hoà Bình cho chiến dịch quốc tế nhằm huỷ bỏ các vũ khí hạt nhân. Việc thừa nhận ấy xảy ra trùng với Ngày quốc tế nhân quyền và điều này nêu bật mối dây nối kết mạnh mẽ giữa các quyền con người và việc giải trừ vũ khí hạt nhân. Thật vậy, dấn thân bảo vệ phẩm giá của tất cả mọi người, một cách đặc biệt những người yếu đuối và bị thiệt thòi nhất, có nghĩa là cương quyết làm việc để xây dựng một thế giới không có vũ khí hạt nhân. Thiên Chúa cho chúng ta khả năng cộng tác để xây dựng căn nhà chung của chúng ta: chúng ta có sự tự do, trí thông minh và khả năng hướng dẫn kỹ thuật, hạn chế quyền lực của chúng ta, để phục vụ hoà bình và tiến bộ thật sự (Laudato si, 78,112,202).
Tổng thống Sergio Matarella của Italia cũng tuyên bố rằng: “Ý nghĩa của Ngày quốc tế nhân quyền, được cử hành trên toàn thế giới, nhắc chúng ta nhớ rằng việc tôn trọng nhân phẩm và thăng tiến các nguyên tắc bình đẳng và công bằng làm thành các cột trụ của một xã hội công bằng, có khả năng tôn trọng các khác biệt và đánh giá sự đóng góp mà mỗi người cống hiến cho hạnh phúc chung”. Còn bà Laura Boldrini, chủ tịch Hạ Viện Italia, thì tuyên bố: “Các quyền con người là nét đặc thù nhất của căn tính âu châu. Ý thức này được tái củng cố trong ngày cử hành Bản tuyên ngôn nhân quyền đã được công bố tại Paris cách đây 69 năm. Bởi vì có nguy cơ rất lớn là cuộc chiến chống lại nạn khủng bố và các lý do an ninh quốc gia bị viện cớ như lý do để ngưng việc bảo vệ các cá nhân và cộng đoàn”.
Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền do Liên Hiệp Quốc công bố ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948 là một trong các văn bản pháp luật có gia trị luân lý đạo đức rất cao. Nó gồm 30 điều lệ bảo đảm cho các quyền tự do của con người trong mọi lãnh vực cuộc sống chính trị, dân sự, kinh tế, xã hội, văn hoá và tôn giáo. Nó diễn tả ước mong của các cá nhân và cộng đoàn gia đình, quốc gia và quốc tế được sống trong tự do và hạnh phúc. Nhưng rất tiếc có rất nhiều chính quyền đã ký nhận nhưng lại không thi hành Bản tuyên ngôn này, trong đó có các chính quyền độc tài cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam.
** Lời mở đầu Tuyên ngôn quốc tế nhân quyến viết rất hay như sau:
“Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,
Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, được giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người, 
Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền, 
Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,
Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,
Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản, 
Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.
Vì vậy,
ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC
Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thổ bị giám hộ.

Tiếp theo đó là 30 điều luật quốc tế về các quyền tự do của con người.
Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.
Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.
Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay vẫn có rất nhiều nhóm thiểu số chủng tộc và tôn giáo bị bách hại và kỳ thị.  Điển hình như hơn 600 ngàn người Rohingya bên Myanmar, bị đàn áp phải chạy qua Bangladesh tỵ nạn, hay  như các nhóm thiểu số kitô bị kỳ thị và bách hại tại nhiều nước có đa số theo Hồi giáo, hay Ấn giáo và Phật giáo. Hiện nay trên thế giới có 200 triệu kitô hữu bị bách hại vì đức tin. Nhiều kitô hữu đã bị các lực lượng hồi cuồng tín IS sát hại, chặt đầu đónh đinh.
** Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.
Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ
Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.
Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.
Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị.
Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.
Tuy nhiên trong thực tế, rất nhiều chính quyền, đặc biệt là các chính quyền độc tài cộng sản như Trung Quốc Bắc Hàn và Việt Nam, đã không hề tôn trọng các điều luật này về nhân quyền. Họ muốn bắt và bỏ tù ai hay muốn đánh đập tra tấn hành hạ ai thì tuỳ ý. Rất thường khi họ còn vu khống, giàn dựng và gán ghép tội cho những ai họ muốn triệt hạ, vì bất đồng chính kiến, vì không ủng hộ đường lối cai trị độc tài của họ. Và đã có rất nhiều người bị công an cảnh sát tra tấn hành hạ đánh chết.
Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.
Điều 13:
1) Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.
2) Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.
Trên thực tế các nhà nước độc tài kiểm soát mọi sự. Người dân làm gì cũng phải xin phép. Chế độ hộ khẩu và khai báo huỷ  bỏ tất cả các quyền tự do nói trên của người dân.
** Điều 16:
3) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.
Điều 17:
1) Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.
2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.
Trên thực tế các nhà nước độc tài cướp nhà và cướp đất đai ruộng vườn của dân, cướp các cơ sở của các cộng đoàn dòng tu tôn giáo và giáo hội.
Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.
Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.
Trên thực tế nhà nước độc tài bắt bỏ tù mọị thành phần bất đồng chính kiến, tranh đấu cho các quyền tự do dân chủ của dân, và thủ tiêu cả các đảng viên nào tỏ vẻ chống đối. Nhà nước độc quyền thông tin, kiểm soát và nắm trong tay mọi phương tiện truyền thông. Do đó tất cả mọi thông tin đều một chiều và rất thường khi dối trá không trung thực. Chế độ xin cho “tự do nhưng làm gì cũng phải xin phép” vô hiệu hoá các điều luật của Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền .
Liên quan đến giáo dục ý tế và an sinh tình hình cũng không khả quan bao nhiêu. Trên thế giới vẫn có hơn 1 tỷ người đói, gần 1 tỷ người mù chữ, 250 triệu trẻ em từ 4 đến 17 tuởi phải lao động vất vả mỗi ngày. Và hàng tỷ người vẫn không có thuốc men và được săn sóc sức khỏe. Đó là chưa kể đến hàng trăm triệu người không có công ăn việc làm và nhà ờ và nước trong lành để uống.
69 năm đã trôi qua kể từ khi công bố Bản tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, nhưng rất tiếc hai phần ba dân số thế giới vẫn chưa được hưởng các quyền căn bản của con người như được long trọng công bố ngày mùng 10 tháng 12 năm 1948. Trái lại, xem ra chiến tranh, xung khắc, khủng bố, đàp áp bất công vẫn tiếp diễn và ngày càng gia tăng tại nhiều nơi trên thế giới, và trong các hoàn cảnh ấy các quyền con người rất thường bị vi phạm một cách trầm trọng có thể dẫn đến cảnh thanh lọc chủng tộc và diệt chủng.
Linh Tiến Khải


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét