Trang

Thứ Sáu, 1 tháng 12, 2017

Tông Du Bangladesh: Đức Phanxicô nhìn nhận Rohingya, tuy không dùng danh xưng này.

Tông Du Bangladesh: Đức Phanxicô nhìn nhận Rohingya, tuy không dùng danh xưng này.

Vũ Văn An
30/Nov/2017

Tin của tập san Crux từ Dhaka, Bangladesh, cho hay Đức Phanxicô, hôm thứ Năm, đã từ Miến Điện qua Bangladesh và, lần đầu tiên, trong bốn ngày qua, đã nhìn nhận “có con voi lớn ở trong phòng” (nhưng không ai muốn thấy) đó là cuộc khủng hoảng của người Hồi Giáo Rohingya, bị cưỡng bức phải trốn chạy qua Bangladesh và nhiều nước lân cận.

Thế nhưng, một lần nữa, ngài lại tránh không minh nhiên sử dụng danh xưng “Rohingya”. Ngài nói: “Trong mấy tháng gần đây, tinh thần đại lượng và liên đới, một tinh thần vốn là đặc điểm rõ nét của xã hội Bangladesh, đã được chứng tỏ môt cách sống động nhất trong việc họ nối vòng tay lớn nhân đạo với đoàn lũ đông đảo người tỵ nạn từ Tiểu Bang Rakhine, bằng cách cung cấp cho họ nơi trú ẩn tạm thời và các nhu cầu căn bản của cuộc sống”.

Miến Điện vốn không nhìn nhận người Rohingya là cư dân hợp pháp của xứ sở, chính thức gọi họ là “những tên Bengal xâm lấn”, trong khi, trong nhiều năm qua, Bangladesh đã mở cửa cho hơn 1 triệu người Rohingya (nội trong 3 tháng qua là 600,000 người).

Thế nhưng, trong diễn văn nghinh đón Đức Phanxicô, Tổng Thống Abdul Harmid đã sử dụng danh xưng Rohingya. Ông nói rằng Bangladesh dành nơi trú ẩn cho “những người Rohingya bị buộc phải tản cư khỏi quê hương của tổ tiên họ ở Tiểu Bang Rakhine của Miến Điện”.

Nhiều người Rohingya đã bị giết, và trong số các phụ nữ, hàng ngàn người bị hiếp dâm. Nhà cửa họ bị thiêu rụi, và như Tổng Thống Harmid nói, họ đã phải “tìm nơi ẩn náu tại Bangladesh để tránh thoát các hành động tàn ác hết sức nhẫn tâm của quân đội Miến Điện”.

Vị tổng thống này cũng cho rằng sau khi nhân dân Bangladesh chấp nhận “sự bất tiện” vì đã nghinh đón họ, nay trách nhiệm chung là bào đảm cho họ một “việc hồi cư an toàn, lâu dài và tôn trọng phẩm giá trở lại quê hương họ và được hội nhập vào đời sống xã hội, kinh tế và chính trị của Miến Điện”.

Tổng Thống Harmid cũng hoan nghinh chủ trương “rất đáng ca ngợi” của Đức Phanxicô khi ủng hộ người Rohingya; ông nói rằng lời Đức Giáo Hoàng kêu gọi thế giới đến giúp đỡ họ đã đem đến cho cộng đồng quốc tế một trách nhiệm tinh thần phải hành động nhanh chóng và thành thực”

Trong các nhận định của mình, Tổng Thống Harmid cũng đã đưa ra một lời kết án mạnh mẽ chủ nghĩa khủng bố; ông cho rằng đối với chủ nghĩa cực đoan bạo lực và nguyên nhân gốc rễ của chủ nghĩa khủng bố, không thể có bất cứ thứ dung tha nào. Ông nói rằng: “Cùng một lúc, giống các nước đa số theo Hồi Giáo khác, chúng tôi luôn quan tâm tới sự gia tăng của chủ nghĩa thù ghét Hồi Giáo và tội ác thù hận ở nhiều xã hội Tây Phương, một chủ nghĩa đang tác động tiêu cực đối với đời sống hàng triệu tín hữu ưa chuộng hòa bình”.

Theo yêu cầu của Đức Hồng Y Charles Bo, Đức Phanxiicô đã tránh sử dụng danh xưng Rohingya xuốt trong thời gian ở Miến Điện, và cả ở đây, cho tới nay, ngài vẫn tránh việc này, dù ca ngợi người Bangladesh đã nghinh đón họ “với không ít hy sinh”.

Trước khi thúc giục cộng đồng quốc tế giúp giải quyết các vấn đề chính trị từng dẫn đến việc sơ tán ồ ạt cũng như trợ giúp vật chất cho khối người này, Đức Phanxicô nói rằng: “Không ai trong chúng ta lại có thể không biết đến sự trầm trọng của tình thế, số lượng khổng lồ các đau khổ của con người, và điều kiện sinh sống bấp bênh của rất nhiều anh chị em chúng ta, mà đa phần là phụ nữ và trẻ em, chen chúc nhau trong các trại tị nạn”.

Có khoảng 600,000 người đã rời Miến Điện chạy qua Bangladesh từ cuối tháng Tám, để định cư ở một nơi mà cho tới tháng 7 chỉ là những cánh đồng trống ít được cày cấy. Các quan sát viên mô tả các trại tỵ nạn này là lớn nhất trong lịch sử gần đây, so sánh chúng với các trại tỵ nạn ở Kenya trong cuộc diệt chủng Rwandan.

Lời lẽ của Đức Phanxicô được gióng lên ở Dinh Tổng Thống Bangabhaban, khi ngài ngỏ lời với khoảng 400 đại diện các nhà cầm quyền dân sự, ngoại giao đoàn và thành viên xã hội dân sự.

Khi đặt chân tới Bangladesh, đầu tiên Đức Phanxicô tới viếng “Đài Tưởng Niệm Tử Đạo Quốc Gia”, cách Dhaka cừng 20 dặm. Đài này được dựng lên để tưởng nhớ tất cả những người đã hiến mạng sống mình trong Chiến Tranh Giải Phóng Bangladesh khỏi Pakistan, một cuộc chiến tranh đã đem lại độc lập và tách Bangladesh ra khỏi Pakistan.

Sau đó, ngài tới viếng Bảo Tàng Viện Tưởng Niệm Bangbandhu để tôn kính Sheikh Mujibur Rahman, tổng thống đầu tiên của Bangladesh, được coi như cha già dân tộc. Cùng với 31 thành viên của gia đình, Rahman bị sát hại năm 1975, trong cuộc chiến tranh giành độc lập cho xứ sở.

Đức Phanxicô nhắc đến Rahman trong bài diễn văn đầu tiên của ngài trên đất Bangladesh. Ngài nói rằng Ông hiểu rõ, “là thành viên của gia đình nhân loại duy nhất”, người ta cần đến nhau.

Ngài cho hay, các nhà lập quốc Bangladesh “có viễn kiến về một xã hội hiện đại, đa nguyên và bao gồm mọi người” trong đó, người ta có thể sống tự do và hòa bình, với phẩm giá bẩm sinh được tôn trọng và là nơi mọi người có các quyền bình đẳng nhau.

“Tương lai của nền dân chủ trẻ trung này và sự lành mạnh của đời sống chính trị của nó, trong yếu tính, vốn liên kết với sự trung thành đối với viễn kiến lập quốc đó”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói thế khi cho biết thêm rằng cuộc đối thoại chân thực được xây dựng trên việc phục vụ ích chung, với sự lưu ý đặc biệt tới người nghèo và người không có tiếng nói.

Bangladesh là một nước đa số theo Hồi Giáo, nơi người Công Giáo chỉ là 350,000 người, nghĩa là chiếm 0.2% tổng dân số, với 400 linh mục. Đây là nước đông dân hàng thứ 8 của thế giới và là một trong những nước nghèo nhất: khoảng 30% dân chúng sống dưới mức nghèo tức kiếm được dưới 2 dollars một ngày.

Chuyến thăm viếng Bangladesh của Đức Phanxicô diễn ra sau chuyến viếng thăm năm 1986 của Đức Gioan Phaolô II. Đức Phaolô VI có dừng chân ở đây năm 1970 lúc nước này còn có tên là Đông Pakistan.

Trong chuyến tông du từ 30 tháng 11 tới 2 tháng 12, Đức Phanxicô sẽ có cuộc gặp gỡ liên tôn, gặp người Hồi Giáo Rohingya, cử hành Thánh Lễ với sự tham dự của 100,000 người, trong đó, ngài sẽ tấn phong 16 linh mục. Sau cùng, ngài sẽ gặp gỡ giới trẻ như ngài đã làm tại Miến Điện.

Trong bài diễn văn với các nhà cầm quyền, Đức Phanxicô trình bầy Bangladesh như một đất nước nổi danh về sự hài hòa giữa các tín hữu của các tôn giáo khác nhau; ngài nói rằng một chứng tá như thế “càng cần thiết hơn” trong một thế giới nơi tôn giáo “thường bị lạm dụng một cách tai tiếng để xúi giục chia rẽ”.

Về mặt chính thức, Bangladesh là một quốc gia thế tục nơi tự do tôn giáo được hiến pháp bảo đảm. Ước lượng có đến 86 phần trăm dân chúng theo Hồi Giáo, hơn 10 phần trăm theo Ấn Giáo và phần còn lại theo Phật Giáo, Kitô Giáo và duy linh (animist).

Open Doors International, một tổ chức bất vụ lợi ở Hoa Kỳ chuyên theo dõi việc bách hại Kitô hữu khắp thế giới, đã ấn định mức bách hại đối với cộng đồng Kitô Giáo bé nhỏ của quốc gia này là “rất cao” không phải trong tay chính phủ mà là các nhóm cực đoan Hồi Giáo.

Mấy ngày trước chuyến tông du, một linh mục thuộc số những người sẽ gặp Đức Giáo Hoàng hôm thứ Bẩy, đã bị bắt cóc, và nhiều người ở đây tin rằng ISIS đứng đàng sau vụ này.

Qũy giáo hoàng hoàn cầu “Giúp Đỡ Giáo Hội Túng Thiếu”, một tổ chức giúp đỡ các Kitô hữu bị bách hại, đã viết một bài trên trang mạng của họ với hàng chữ: “Các Kitô Hữu Bị Áp Bức ở Bangladesh Đang Chờ Mong Chuyến Viếng Thăm của Đức Giáo Hoàng”. Một trong mười hai giám mục trong nước, Đức Cha Bejoy Nicephorus D’Cruze, thuộc giáo phận Sylhet, phía đông bắc, nói rằng bất chấp luật lệ, các Kitô hữu đối phó với việc bị kỳ thị hàng ngày và không có cùng một cơ hội giáo dục và việc làm như những người khác.

Cha Adam Pereira, thuộc Đại Học Notre Dame ở Bangladesh, nói rằng tình thế các Kitô hữu ở đây “tốt hơn ở Pakistan”, một đất nước luôn đứng hàng thứ năm tệ nhất đối với Kitô hữu, sau Bắc Hàn và Afghanistan.

Cha nói với tập san Crux, lúc Đức Phanxicô đặt chân tới Bangladesh, rằng “Chúng tôi có sự hỗ trợ của thủ tướng và chính phủ, họ đứng sau lưng chúng tôi và các cộng đồng tôn giáo thiểu số khác”. Chủ nghĩa cực đoan, theo ngài, “không phải là qui luật” nhưng diễn ra khá thường xuyên khiến nhiều người lo sợ, từ đó, muốn có “nhiều tự do hơn”. Chắc chắn ý thức được bối cảnh này, và giữ đúng thái độ dè dặt trong việc đưa ra các nhận đỉnh nẩy lửa trong chuyến tông du Á Châu lần này, nên Đức Phanxicô đã nhỏ nhẹ nói rằng Giáo Hội ở Bangladesh đánh giá cao “quyền tự do thực hành đức tin của mình và theo đuổi các việc bác ái, mang lợi ích lại cho toàn thể quốc gia”.

Ngài liệt kê một số việc làm trên và nhắc các chính trị gia địa phương nhớ rằng bất chấp con số nhỏ nhoi, người Công Giáo vẫn “đóng một vai trò xây dựng trong việc phát triền đất nước” đặc biệt qua các trường học, bệnh xá và phòng phát thuốc.

Ngài nhận định: “Quả thực, tuyệt đại đa số học sinh và thầy cô trong các trường này không theo Kitô Giáo, nhưng thuộc các truyền thống tôn giáo khác. Tôi xác tín rằng, phù hợp với chữ nghĩa và tinh thần của hiến pháp, cộng đồng Kitô hữu sẽ tiếp tục được hưởng tự do để thi hành các việc làm tốt này như một biểu thức nói lên cam kết của họ đối với ích chung”.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Dinh Tổng Thống sau bài diễn văn, Marcia Bernicat, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Bangladesh, nói rằng các nhận định của Đức Giáo Hoàng về hợp nhất và đa dạng “rất, rất được hoan nghinh”

Khi được hỏi liệu Đức Giáo Hoàng có nên minh nhiên nhắc đến danh xưng Rohingya hay không, Đại Sứ Bernicat nói: Đức Phanxicô đã diễn tả “bằng các hạn từ minh nhiên thảm kịch đã diễn ra tại Miến Điện”. Bà cũng cho biết bà đánh giá cao việc ngài nhìn nhận những gì Bangladesh đã làm để tiếp đón người Rohungya trốn chạy khỏi Miến Điện. Bà nói “Tôi từng nghe người Rohingya được mô tả như những người bị hoàn toàn tước hết mọi sự. Nhưng họ có cái tên của họ. Tuy nhiên, theo tôi, điều quan trọng nhất là liệu họ có một tiếng nói hay không và đối với mọi người từng làm chứng cho nỗi đau khổ mà họ vốn chịu xưa nay, chúng ta giúp họ, và chúng ta giúp khuếch đại tiếng nói của họ”.






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét