Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

07-10-2013 : THỨ HAI TUẦN XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN - ĐỨC MẸ MÂN CÔI (lễ nhớ)

THỨ HAI 07/10/2013
Thứ Hai Tuần XXVII Mùa Thường Niên
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
(Lễ Nhớ)


* Ngày 7 tháng 10 năm 1571, Tây Phương thoát khỏi sự đe dọa của quân Thổ Nhĩ Kỳ nhờ chiến thắng ở vịnh Lê-pan-tô. Người ta cho rằng chiến thắng đó là kết quả của Kinh Mân Côi. Ngày nay, mừng lễ này không có nghĩa là mừng biến cố xa xưa đó, nhưng là nhắc nhở việc suy niệm các mầu nhiệm nhập thể, thương khó và phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa cũng như khám phá ra vị trí của Đức Trinh Nữ Maria trong mầu nhiệm cứu độ.

BÀI ĐỌC I: 1. St 3, 9-15. 20
"Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa miêu duệ mi và miêu duệ người phụ nữ".

Trích sách Sáng Thế.
Thiên Chúa đã gọi Ađam và phán bảo ông rằng: "Ngươi đang ở đâu?" Ông đã thưa: "Con đã nghe thấy tiếng Ngài trong vườn địa đàng, nhưng con sợ hãi, vì con trần truồng và con đang ẩn núp".
Chúa phán bảo ông rằng: "Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi không được ăn ư?" Ađam thưa lại:"Người phụ nữ Chúa đã cho làm bạn với con, chính nàng đã cho con trái cây và con đã ăn". Và Thiên Chúa phán bảo người phụ nữ rằng: "Tại sao ngươi đã làm điều đó?" Người phụ nữ thưa:"Con rắn đã lừa dối con và con đã ăn".
Thiên Chúa phán bảo con rắn rằng: "Bởi vì mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người".
Và Ađam đã gọi tên vợ mình là Evà: vì lẽ bà là mẹ của chúng sinh. Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: 1 Sm 2, 1. 4-5. 6-7. 8
Đáp: Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, Đấng Cứu độ tôi (c. 1a).
Xướng: 1) Tâm hồn tôi nhảy mừng trong Chúa, và sức mạnh tôi được gia tăng trong Thiên Chúa tôi; miệng tôi mở rộng ra trước quân thù, vì tôi reo mừng việc Chúa cứu độ tôi. - Đáp.
2) Chiếc cung những người chiến sĩ đã bị bẻ gãy, và người yếu đuối được mạnh khoẻ thêm. Những kẻ no nê phải làm thuê độ nhật, và những người đói khát khỏi phải làm thuê; người son sẻ thì sinh năm đẻ bảy, còn kẻ đông con nay phải héo tàn. - Đáp.
3) Chúa làm cho chết và Chúa làm cho sống, Chúa đày xuống Âm phủ và Chúa dẫn ra. Chúa làm cho nghèo và làm cho giàu có, Chúa hạ xuống thấp và Chúa nâng lên cao. - Đáp.
4) Từ nơi cát bụi, Chúa nâng người yếu đuối; từ chỗ phân nhơ, Chúa nhắc kẻ khó nghèo, để cho họ ngồi chung với các vương giả, và cho họ dự phần ngôi báu vinh quang. - Đáp.

BÀI ĐỌC II: Rm 5, 12. 17-19
"Nơi nào tội lỗi đầy tràn, thì Người ban ơn thánh dư dật".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi mà có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà sự chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một người là Đức Giêsu Kitô. Do đó, tội của một người truyền đến mọi người đưa tới án phạt như thế nào, thì đức công chính của một người truyền sang mọi người đưa tới bậc công chính ban sự sống cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người trở thành kẻ công chính cũng như thế. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA : Lc 1, 28

Alleluia, alleluia! - Kính chào Maria đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ; Trinh Nữ được chúc phúc giữa các người phụ nữ. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 1, 26-38
"Này Trinh nữ sẽ thụ thai và sinh một Con trai".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Thiên Thần Gabriel được Chúa sai đến một thành xứ Galilêa, tên là Nadarét, đến với một trinh nữ đã đính hôn với một người tên là Giuse, thuộc chi họ Đavít, trinh nữ ấy tên là Maria. Thiên thần vào nhà trinh nữ và chào rằng: "Kính chào Trinh Nữ đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng Trinh Nữ". Nghe lời đó, Trinh Nữ bối rối và tự hỏi lời chào đó có ý nghĩa gì. Thiên thần liền thưa: "Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa với Chúa. Này Trinh Nữ sẽ thụ thai, hạ sinh một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao trọng và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngôi báu Đavít tổ phụ Người. Người sẽ cai trị đời đời trong nhà Giacóp, và triều đại Người sẽ vô tận.
Nhưng Maria thưa với thiên thần: "Việc đó xảy đến thế nào được, vì tôi không biết đến người nam?"
Thiên thần thưa: "Chúa Thánh Thần sẽ đến với trinh nữ và uy quyền Đấng Tối Cao sẽ bao trùm trinh nữ. Vì thế, Đấng trinh nữ sinh ra sẽ là Đấng Thánh và được gọi là Con Thiên Chúa. Và này, Isave chị họ trinh nữ cũng đã thụ thai con trai trong lúc tuổi già và nay đã mang thai được sáu tháng, người mà thiên hạ gọi là son sẻ; vì không có việc gì mà Chúa không làm được".
Maria liền thưa: "Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền". Và thiên thần cáo biệt trinh nữ. Đó là lời Chúa.



Suy niệm : Quà tặng
Kinh nghiệm sống cho chúng ta thấy: Quà tặng thường làm dịu lại cõi lòng con người, là một thứ nam châm hút tình cảm của kẻ khác, là một loại keo dính, là một thứ dây cột chặt người khác lại với chúng ta. Và Kinh Thánh đã đưa ra những mẩu chuyện điển hình: Giacop đã bảo con đem dâng hoa trái lên quan đại thần, để người con của Simeon bị quan phạt được tha thứ. Abigail cũng đã đem nhiều lễ vật dâng cho Đavit, để xin nhà vua xá tội cho Nabal.
Còn chúng ta thì sao? Bước vào giữa tháng 10, nhưng chúng ta đã dâng lên cho Mẹ được những gì? Chúng ta nên nhớ rằng: Dâng kính Mẹ thì không bao giờ chúng ta bị thua lỗ, bị thiệt thòi. Cũng như cha mẹ ở đời phải hy sinh nhiều vì con cái, chứ mấy khi ngược lại. Cha mẹ bao giờ cũng yêu thương con cái nhiều hơn là con cái yêu thương cha mẹ.
Với niềm tin đó, chúng ta hãy đến với Mẹ hôm nay vì không ai đến với Mẹ mà lại phải ra về tay không. Hãy mang theo một thứ quà tặng đẹp lòng Mẹ nhất, đó là kinh Mân côi.
Như chúng ta đã biết kinh Mân Côi xuất phát từ lời Chúa. Chẳng hạn kinh Lạy Cha là khuôn mẫu cho mọi tâm tình cầu nguyện mà chính Chúa Giêsu đã truyền dạy cho chúng ta. Còn kinh Kính Mừng là lời chào kính của sứ thần Gabriel, của bà Isave hợp với lời kêu xin của cộng đồng dân Chúa. Rồi những sự việc đều là những biến cố trong cuộc đời của Chúa. Và chúng ta có thể nói: Kinh Mân côi chính là cuốn Tin Mừng được rút gọn.
Ngoài ra kinh Mân côi là một lời kinh bình dân, dễ nhớ, dễ đọc và dễ suy gẫm, nhờ đó mà cuộc đời chúng ta được thấm nhuần tinh thần Phúc Âm, cũng như nhờ đó chúng ta tìm thấy nguồn nghị lực và niềm hy vọng cho bản thân.
Hơn thế nữa, trải qua dòng thời gian kinh Mân Côi đã đem lại biết bao nhiêu ơn lành cho cá nhân, cho xã hội, cho dân tộc cũng như cho toàn thể nhân loại. Đặc biệt là trong phạm vi gia đình, bởi vì gia đình là tế bào đầu tiên của xã hội, là vườn ươm trồng cây đức tin cho con cái. Đức Thánh Cha Piô XII đã diễn tả: Không cảnh nào êm đẹp cho bằng cảnh tượng gia đình, mỗi khi màn đêm buông xuống, cùng nhau dâng lên những lời kinh ca tụng Nữ Vương trời đất, nhờ đó mà mọi người trong gia đình sẽ xích lại gần nhau hơn, cũng như sẽ được gặp nhau trong tình thương của Mẹ.
Từ những điều vừa trình bày chúng ta có thể đi tới một kết luận: Yêu Mẹ là yêu kinh Mân côi. Bởi vì chỉ trong tình yêu chúng ta mới thích lặp đi lặp lại một lời bất tận mà không nhàm chán. Vậy chúng ta có lần hạt mân côi vì tình yêu mến Mẹ hay không? Chúng ta đã thực hiện lời Mẹ truyền dạy hay chưa. Kinh mân côi phải trở nên như lễ vật Abel chúng ta dâng tiến Mẹ mỗi khi chiều xuống. Mỗi lời kinh mân côi sẽ là như một hạt ngọc chúng ta thu tích vào kho tàng thiêng liêng của chúng ta, mỗi lời kinh mân côi sẽ là như một tấm ván đóng cho chúng ta con thuyền của Noe, để với con thuyền này chúng ta sẽ vượt qua biển trần gian để tiến tới bờ bến vĩnh cửu là quê trời.
Ước gì lời kinh mân côi sẽ là lễ vật thường xuyên chúng ta dâng kính Mẹ, hôm nay cũng như mai ngày, nhờ đó mà chúng ta biểu lộ được lòng tôn sùng kính mến của chúng ta đối với Mẹ.


LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Lễ Đức Mẹ Mân Côi
Bài đọc: Zec 2:14-17; Lk 1:26-38


CHỦ ĐỀ: Con Thiên Chúa xuống thế để ở với con người. 

            Tháng mười, được gọi là tháng Mân Côi, tháng kỷ niệm cuộc đời của Chúa Cứu Thế và Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ người. Cuộc đời của hai con người quan trọng nhất trong lịch sử cứu độ của Thiên Chúa được dệt bằng những biến cố quan trọng, nhưng các bài đọc hôm nay tập trung trong biến cố Nhập Thể của Chúa Giêsu.
            Trong bài đọc I, ngôn sứ Zechariah nói trước về biến cố này, được lồng trong khung cảnh lưu đày của dân tộc Do Thái. Thiên Chúa luôn quan tâm và săn sóc con người; nhất là khi con người phải buồn sầu khổ cực trong chốn lưu đày. Ngài đã có một kế hoạch để giải thoát con người khỏi quyền lực của tội lỗi bằng cách cho người con một của Người xuống để ở với con người, để dạy dỗ, chữa lành và cứu chuộc con người. Ngôn sứ Zechariah đã được Thiên Chúa cho nhìn thấy trước ngày này, nên ông đã kêu gọi dân Do Thái hãy vui mừng lên vì ngày đó đã gần đến. Trong Phúc Âm, những gì ngôn sứ Zechariah loan báo đã trở thành hiện thực trong biến cố Truyền Tin, được ghi lại bởi thánh sử Lucas. Chính nhờ sự vâng phục của Đức Trinh Nữ Maria mà con Thiên Chúa đã nhập thể trong cung lòng của Mẹ, để bắt đầu sứ vụ cứu chuộc của ngài cho trần gian.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC

1/ Bài đọc I: "Hỡi con gái Xi-on, hãy vui sướng reo hò, vì này Ta đang đến để ở lại giữa ngươi.”
            Có ba sự kiện chính chúng ta ghi nhận trong đoạn văn của ngôn sứ Zechariah:

1.1/ Thiên Chúa đang đến và ở lại với dân Người: Sự kiện này được lặp lại hai lần trong hai câu đầu tiên, 14 và 15. Không những Thiên Chúa đến để viếng thăm, nhưng còn ở lại với dân Người. Khi Chúa Giêsu đến, ngài không chỉ viếng thăm; nhưng hoá thành nhục thể để ở với con người trong suốt ba mươi ba năm; và lập bí tích Thánh Thể để ở với con người suốt mọi ngày cho đến tận thế. Đây là một sự kiện đặc biệt mà con người phải vui mừng, phải reo hò và hân hoan vì khi có Thiên Chúa ở với, con người sẽ không còn cô đơn và sợ hãi những quyền lực của thế gian và ma quỉ.
            Thiên Chúa phải trừng phạt dân tộc Do Thái một thời gian vì họ quá cứng lòng, không chịu nghe những lời Ngài dạy bảo qua các ngôn sứ; nhưng khi họ biết nhận ra những lỗi lầm của họ và quay trở về với Thiên Chúa, Ngài sẽ phục hồi tất cả mọi quyền lợi và địa vị cho họ, như lời ngôn sứ Zechariah loan báo, “Đức Chúa sẽ lấy Giu-đa làm cơ nghiệp, đó là sở hữu của Người trên Đất Thánh và Người sẽ lại tuyển chọn Giê-ru-sa-lem.”

1.2/ Các dân tộc sẽ được nhập đoàn với dân Chúa: “Ngày ấy, nhiều dân tộc sẽ gắn bó cùng Đức Chúa: Chúng sẽ thành dân thánh của Ta, và Ta sẽ cư ngụ ở giữa ngươi.” Trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, Ngài bắt đầu với dân tộc Do Thái như một dân riêng; sau đó, Ngài sẽ cho tất cả các dân tộc được nhập đoàn qua niềm tin của họ vào Đức Kitô. Khi sự kiện này bắt đầu xảy ra, người Do Thái sẽ nhận ra kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và phải tin rằng Đức Kitô được Chúa Cha sai đến.

1.3/ Thái độ của con người phải có trước mầu nhiệm Nhập Thể: “Hỡi mọi xác phàm, hãy lặng thinh trước nhan Đức Chúa, bởi vì Người tỉnh giấc và ra khỏi Nơi Thánh của Người.” Đứng trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, được biểu tỏ qua việc con Thiên Chúa bỏ Nơi Thánh của người trên thiên quốc để xuống gian trần cứu độ con người, con người không biết làm gì hơn là thinh lặng để suy niệm và cảm nghiệm tình yêu sâu xa và vô biên này.

2/ Phúc Âm: Sứ vụ của Đức Trinh Nữ Maria

2.1/ Cuộc gặp gỡ giữa trời và đất: Tuyệt đỉnh của Mầu Nhiệm Cứu Độ là Đấng Cứu Thế sẽ sinh ra; và bắt đầu cuộc đời của Đấng Cứu Thế trên dương gian là biến cố Truyền Tin hôm nay. Không ai có thể ngờ một Thiên Chúa, Đấng dựng nên và có quyền trên muôn loài, lại đến với một tạo vật của mình; để xin cho Người Con được vào cung lòng của Trinh Nữ và sinh ra làm người. Thánh-sử Luca tường thuật biến cố Truyền Tin như sau: “ Khi Bà Elizabeth có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gabriel đến một thành miền Galilee, gọi là Nazareth, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đavit. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: "Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà." Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần liền nói: "Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa.”

2.2/ Mầu Nhiệm Cứu Độ được mặc khải: Sứ-thần Gabriel nói về con trẻ sẽ được sinh ra như sau: “Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavit, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Jacob đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận." Đây chính là lời hứa thứ ba mà Tiên-tri Nathan đã loan báo cho Vua Đavit trong Sách Samuen II. Chỉ có một điều kỳ lạ không ai ngờ tới về đứa trẻ sinh ra, tuy là Con của Đấng Tối Cao nhưng lại thuộc giòng dõi Đavit qua người cha nuôi, Thánh Giuse.

2.3/ Phản ứng của Đức Trinh Nữ Maria: Vì đã khấn giữ mình đồng trinh, Maria thưa với sứ thần: "Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!" Điều Maria muốn giữ mình đồng trinh là điều đẹp lòng Thiên Chúa, vì Ngài muốn con của Ngài nhập thể trong một cung lòng thanh sạch và tinh tuyền như thế. Hơn nữa, lời tiên tri của Isaiah cũng đã báo trước về người trinh-nữ này (parthenos, Isa 7:14).
            Đức Trinh Nữ, cũng giống như nhiều người chúng ta, thắc mắc theo sự hiểu biết của con người: Làm sao thụ thai và sinh con mà còn đồng trinh? Chúng ta quên đi cách của Thiên Chúa: có thể giữ mình đồng trinh mà vẫn sinh con. Sứ thần cắt nghĩa cách của Thiên Chúa: "Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Sứ thần đưa một bằng chứng cụ thể: “Kìa bà Elizabeth, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được." Sau khi đã lắng nghe lời cắt nghĩa của Sứ-thần, Đức Trinh Nữ Maria nói: "Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói." Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG

            - Trong tháng Mân Côi, chúng ta hãy dành nhiều thời giờ để lần hạt và suy ngắm về tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho chúng ta qua mầu nhiệm Nhập Thể của con Ngài.
            - Noi gương Mẹ Maria, chúng ta hãy vâng lời và cộng tác với Thiên Chúa để mang ơn cứu độ của Ngài cho chúng ta và cho mọi dân tộc.
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.


07/10/13 THỨ HAI TUẦN 27 TN
Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38

KHÁM PHÁ ÂN SỦNG
Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói :”Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” (Lc 1,28)

Suy niệm: Đức Maria được thiên thần chào bằng danh hiệu: “Đấng đầy ân sủng,” danh hiệu nói lên vẻ đẹp nguyên tuyền và sự thánh thiện vô song của Mẹ. Ân sủng Thiên Chúa tràn đầy nơi Mẹ không chỉ là “quyền năng của Đấng Tối Cao” bao bọc Mẹ mà là chính sự hiện diện của Con Thiên Chúa mà Mẹ cưu mang trong lòng. Nếu ân sủng làm cho ta tham dự trọn vẹn vào đời sống thâm sâu của Ba Ngôi Thiên Chúa thì Mẹ “đầy ân sủng” có nghĩa là không giây phút nào trong đời Mẹ, không chỗ nào trong tâm hồn Mẹ không được Thiên Chúa chiếm ngự.
Mời Bạn: Người ta đánh giá mức thành đạt một người dựa vào danh vọng, giàu sang, tầm ảnh hưởng, nhưng giá trị đích thực của một người trước mặt Thiên Chúa chính là ân sủng của Ngài ở nơi người ấy. Không có ơn Chúa, ta không làm được gì và cũng chẳng là gì. Ta chỉ còn là con người trống rỗng. Thật là điên rồ nếu ta chỉ cậy dựa vào sức riêng mình mà loại bỏ ân sủng Thiên Chúa ra khỏi đời sống chúng ta.
Sống Lời Chúa: “Tôi có là gì là do ân sủng Chúa. Tất cả là hồng ân” (x. 1Cr 15,10). Mỗi khi lần chuỗi hoặc đọc kinh Kính Mừng, bạn dâng lên Chúa tâm tình cảm tạ, và khiêm tốn xin ơn Chúa giúp trong mọi hoàn cảnh và biết dùng các ơn Chúa ban để phục vụ tha nhân.
Cầu nguyện: Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót. Nhờ ơn cứu chuộc của Con Cha, Đức Giêsu Kitô chúng con được sống trong nguồn ân thiêng vô giá của Chúa. Xin cho chúng con biết nhận ra các ơn Chúa ban. Xin đừng để bất cứ một ơn Chúa ban ra vô hiệu nơi chúng con. Amen.

Mẹ đầy ơn phước


Thời gian viên mãn đã đến, người trinh nữ, dấu chỉ của lời hứa được loan báo trước kia giỡ đây được chỉ định rõ ràng cho chúng ta biết và chúng ta biết rõ đó là Đức Maria, Đấng làm cho tâm hồn ta tràn đầy tin tưởng và niềm vui khi nghe đến tên Ngài. Cùng với thiên thần Gabriel, chúng ta cất lên lời chào: “Kính mừng Maria, hãy vui lên, Maria”. Qua lời chào của thiên thần, Thiên Chúa mời gọi Maria hãy vui lên vì thời giờ thực hiện lời hứa đã đến và làm sao Mẹ Maria không vui lên được, khi biết chính mình đã được chọn để thực hiện lời hứa, để làm dấu chỉ loan báo hoàng tử hòa bình sắp đến. Mỗi lần chúng ta chào chúa Mẹ Maria qua kinh Kính Mừng “Kính Mừng Maria đầy ơn phước” chúng ta tham dự vào niềm vui và niềm tri ân của Mẹ đối với Thiên Chúa.
Mẹ là Đấng đầy ơn phước, Đấng được Thiên Chúa chúc phúc. Mẹ thuộc hoàn toàn về người tôi tớ của Đức Giavê như được loan báo nơi sách tiên tri Isaia chương 42 câu 1: “Đây là tôi tớ Ta, Đấng Ta chọn và đẹp lòng Ta mọi đàng. Mẹ được đầy ơn phước vì Đấng sắp đến ngự nơi Mẹ là Con yêu dấu của Thiên Chúa”. Mẹ Maria được đầy tràn niềm vui. Mẹ là người đầu tiên được Thiên Chúa cho nếm trước niềm vui vì Thiên Chúa nhập thể. Nhờ Thiên Chúa mạc khải, Mẹ Maria hiểu được sứ mệnh của Mẹ như là dấu chỉ niềm hy vọng, dấu chỉ Thiên Chúa chu toàn lời hứa của Ngài cho Israel, và suốt đời Mẹ sẽ là bài ca chúc tụng lòng trung thành của Thiên Chúa, như Mẹ đã thốt lên nơi nhà ông Dacaria: “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa, Ngài là Đấng trung tín như lời đã hứa Abraham và con cháu ông”.
“Thiên Chúa ở cùng Bà”,Mẹ Maria đã từng suy niệm lời tiên tri loan báo trước về biến cố cứu rỗi sắp đến, nên giờ đây từng lời thiên thần nói ra cho Mẹ đều mang một ý nghĩa sâu xa. “Thiên Chúa ở cùng Bà”, giây phút quan trọng nhất của lịch sử đã đến, đó là lúc trinh nữ Maria hay tin và hiểu rõ thực tại Thiên Chúa ở cùng chúng ta, Emmanuel, một cách thật độc nhất vô nhị. Mẹ vui mừng gọi Thiên Chúa là Emmanuel, là Đấng ở cùng chúng ta. Mẹ vui mừng trước sự hiện diện của Thiên Chúa và chúng ta hiệp với Mẹ trong niềm vui và hết lòng cảm tạ Thiên Chúa.
“Hỡi Maria, đừng sợ”, kinh nghiệm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi chính mình, không khỏi làm cho con người run sợ. Không phải Mẹ Maria cảm nghiệm Thiên Chúa hiện diện, nhưng Mẹ còn được mạc khải cho biết giờ đây, đến lúc lời hứa thành sự thật nơi Mẹ. Không bao giờ Mẹ Maria đã nghĩ đến việc cả thể này, Thiên Chúa mạc khải chính Ngài và ý định của Ngài cho Mẹ. Mẹ vui mừng lên như một niềm vui mừng đi kèm với sự run sợ, một sự run sợ thánh. Kinh nghiệm sống đời Kitô, chúng ta cũng thấy hai tâm tình này như Mẹ Maria, vừa vui và vừa sợ. Mẹ Maria nhờ ơn Chúa giúp đã thắng vượt cái sợ và phó thác tin tưởng hoàn toàn vào Chúa.
Xin Mẹ Maria giúp chúng ta được tham dự vào niềm vui của Mẹ, được trở thành dấu chỉ để Thiên Chúa thực hiện ơn cứu rỗi của Ngài nơi anh chị em chung quanh. Đặc biệt, trong ngày lễ của Mẹ hôm nay, chúng ta hãy dâng lời cầu nguyện lên Thiên Chúa Cha:
“Lạy Cha là Chúa tể trời đất, Chúng con chúc tụng Cha
Vì Cha đã không mạc khải cho những kẻ khôn ngoan, kiêu ngạo, nhưng cho những kẻ bé nhỏ khiêm tốn. Cha đã chọn Mẹ Maria để thực hiện lời hứa cứu rỗi chúng con.
Nhờ lời cầu khẩn của Mẹ Maria, đặc biệt trong ngày lễ của Mẹ hôm nay, và nhân danh Chúa Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel, Thiên Chúa ở cùng chúng con”. Xin cho chúng con nhận ra sự hiện diện của Người và vui mừng tiếp rước Người đến ở với chúng con. Và lạy Mẹ Maria, chúng con kính mừng Mẹ, Đấng đầy ơn phước. Mẹ đã lãnh nhận mọi phúc lành của Thiên Chúa để giúp chúng con. Thiên Chúa ở cùng Mẹ; Ngài cũng đến ở với chúng con. Chúng con cũng sẽ cảm nghiệm được điều này như Mẹ, nếu chúng con biết sống trung thành với ơn gọi như Mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cho chúng con được luôn sống trong niềm vui vì được Chúa hiện diện bên cạnh, và đặc biệt trong chính chúng con.
(Trích dẫn từ ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’ – Veritas)

Suy niệm

Tháng Mân Côi gợi hứng và gợi nhắc các tín hữu về lòng mến yêu đối với Đức Maria cách đậm nét. Và lòng yêu mến đó được thể hiện cụ thể qua những tràng chuỗi Mân côi mà người tín hữu sốt sắng cử hành: miệng đọc và lòng suy. Như vậy, Tin Mừng cứu độ của Thiên Chúa được cô đọng qua những mầu nhiệm (Vui, Sáng, Thương, Mừng), mà cùng với Đức Maria, người Kitô hữu điểm lại và tin nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã thực hiện cho cuộc đời và cho mỗi người. Như vậy, qua tràng chuỗi Mân Côi, Mẹ dắt con cái trở về với ơn nghĩa của Chúa.
Mỗi khoảnh nhắc trong ngày sống, môi miệng hay lòng trí người tín hữu vẫn có thể vang lên câu ngợi khen “Kính mừng Maria”. Như thế, khi chân nhận Mẹ Maria “đầy ơn phúc” và “được Chúa ở cùng”, là tôi nhận ra hạnh phúc ấy của Mẹ như một phần thưởng đặc biệt Chúa ban, và cũng thầm mong ân huệ đó cũng thuộc về phận đời mình: đầy ơn phúc và được Chúa ở cùng. Như thế, khi cất lời xin “Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con…”, là tôi tuyên nhận quyền năng cầu bầu phù hộ của Mẹ trên kiếp người yếu đuối, rất cần sự nâng đỡ bằng ơn thánh của cuộc đời tôi.
Mong sao, chuỗi Mân Côi mỗi ngày và mỗi khoảnh khắc, luôn làm tôi gần Mẹ trong thân thiện và yêu mến.
Mong sao, nhờ biết sống như Mẹ, “ơn phúc” và sự “Thiên Chúa ở  cùng” sẽ là phần thưởng dành cho tôi “khi nay” và “trong giờ lâm tử”.

LỄ ĐỨC MẸ MÂN CÔI 2013
XIN VÂNG TRONG ĐỜI SỐNG ĐỨC TIN
Lm. Thiện Duy


Hôm nay Giáo Hội mừng kính lễ Đức Mẹ Mân Côi. Mừng lễ Đức Mẹ Mân Côi không phải là tôn vinh những lời kinh chúng ta đọc theo sự chỉ dạy của Đức Mẹ, mà là tôn vinh Thiên Chúa qua Đức Trinh Nữ Maria. Cách để cùng với Mẹ tôn vinh Thiên Chúa, đặc biệt trong giai đoạn cuối của Năm Đức Tin là bắt chước Mẹ đem lời Chúa ra thực hành trong cuộc sống, và nghe lời Mẹ để siêng năng lần chuỗi Mân Côi. Vì vậy chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu Phụng vụ Lời Chúa để sau khi lắng nghe lời Chúa, chúng ta cũng biết đem lời Chúa ra thực hành trong đời sống đức tin của mình.

I.                   PHỤNG VỤ LỜI CHÚA
1.      Bài Đọc 1: Cv 1, 12-14
Sau biến cố Thăng Thiên, các môn đệ biết rằng cuộc đời còn lại của mình là để phục vụ cho Nước Chúa. Trước tiên họ trở lại Giêrusalem, vì ở nơi đó họ được hứa sẽ nhận lãnh Chúa Thánh Thần. Ở đây, họ quây quần cùng với anh em của mình, và nhất là với Mẹ Maria, cùng Mẹ Maria để cầu nguyện. Qua đó cho chúng ta biết rằng Mẹ luôn hiện diện trong lòng Giáo Hội ngay từ buổi sơ khai. Và nhất là nơi nào con người cùng với Đức Maria khẩn thiết cầu nguyện, thì nơi đó Đức Kitô hiện diện và Chúa Thánh Thần sẽ nối kết những người cầu nguyện vào một mối dây hiệp thông duy nhất.

2.      Bài Đọc 2: Gl 4, 4-7
Chúng ta thấy được tình yêu của Thiên Chúa qua việc cho Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người để giải thoát con người khỏi tội lỗi. Tình yêu này đã cho chúng ta được gọi Chúa là Cha nhờ Thần Khí của Đức Giêsu Kitô ngày chúng ta lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội. Trong mầu nhiệm vĩ đại này, chúng ta nhìn ngắm người phụ nữ đã được Thiên Chúa gọi để làm Mẹ Đấng Cứu Độ của chúng ta.

3.      Tin Mừng: Lc 1, 26-38
Về cơ bản, đoạn Tin Mừng Truyền Tin là lời giới thiệu nhân vật chính của Tin Mừng, không phải Đức Maria, mà là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta. Gương mặt thứ hai trong đoạn Tin Mừng này mới là Đức Maria, người phụ nữ được Thiên Chúa chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

Một cách thông thường khi suy niệm lời Chúa, chúng ta chiêm ngắm Đức Giêsu Kitô, để qua ĐGK chúng ta biết được sự thật về Thiên Chúa; và cũng để chúng ta có được suy nghĩ, lời nói và hành động của Ngài. Nhưng hôm nay lễ Đức Mẹ Mân Côi, chắc chắn Thiên Chúa rất vui lòng khi chúng ta chiêm ngắm một người phụ nữ, vì người phụ nữ đó là Mẹ của Thiên Chúa cũng là Mẹ của chúng ta. Lý do thứ hai để Thiên Chúa vui lòng khi chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria, vì nhờ Mẹ Maria, chúng ta đến với Chúa Giêsu.

II.               CHIÊM NGẮM MẸ MARIA
Chúng ta chiêm ngắm Mẹ Maria trong bài Tin Mừng hôm nay qua thái độ Xin Vâng.

1.      Cam kết trung thành
Với tiếng Xin Vâng, Mẹ đã cam kết trung thành với Chúa cho đến trọn đời, dù cuộc đời đã đem đến cho Mẹ nhiều những chua cay, lắm nỗi đoạn trường và không thiếu những đau thương.
Không kể những hiểu lầm của thánh Giuse khi thấy Mẹ tự nhiên có những thay đổi khác thường khi đi thăm bà chị họ Êlisabet về. Làm sao chúng ta có thể thấu hiểu được lời nói tiên tri của ông già Simêon về cuộc đời của Mẹ: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà”. Làm sao chúng ta có thể cảm nhận được sự đau đớn khi người ta mắng vốn mình: “Con bà bị tâm thần rồi!”. Có nỗi đau nào bằng nỗi đau nhìn con mình bị người ta đánh đập, hành hạ và sau cùng đóng đinh trên cây thập giá ngay trước mắt mình… Những lúc như vậy chẳng lẽ Mẹ nói: “Thôi Chúa ơi, con rút lại tiếng xin vâng, con chịu không nỗi!”. Không, Mẹ biết vượt lên chính mình, vượt qua những đau thương để trung thành nói tiếng Xin Vâng và trung kiên với Chúa, vì Mẹ tin tưởng vào Chúa.

2.      Nỗ lực dấn thân
Với tiếng Xin Vâng, không phải Mẹ nằm đó để hưởng thụ ơn thánh Chúa vì từ đây mình đã là Mẹ Thiên Chúa, Thiên Chúa phải làm theo ý mình, nhưng Mẹ biết nỗ lực dấn thân cho sứ mạng mình đã lãnh nhận. Và đây là một nỗ lực không ngơi nghỉ chứ không phải làm theo cảm tính nhất thời, theo thuận lợi của thời gian.

Chúng ta thử suy nghĩ, làm Mẹ Thiên Chúa như Mẹ Maria có sung sướng gì đâu. Mới sinh con phải bồng ẵm trốn sang Ai Cập trong sợ hãi. Ở bên đó chưa được bao lâu lại kêu dắt về Nagiarét… Những lúc đó đâu phải Mẹ trách móc Thiên Chúa tại sao lại để cho Mẹ như vậy? Nếu không sung sướng, không hưởng vinh hoa phú quý thì rút lại tiếng Xin Vâng à? Không, Mẹ lại tiếp tục dấn thân và trong niềm vui vươn lên để hiến dâng, vì Mẹ trông cậy vào Chúa

3.      Thực Thi tình mến:
Khi nói tiếng Xin Vâng, mẹ không giữ niềm vui sự hiện diện của Thiên Chúa cho một mình mình, nhưng Mẹ biết đem niềm vui đó cho người khác, cụ thể là bà Êlisabet, chị họ của Mẹ.

Nhiều khi chúng ta cứ nghĩ rằng, khi Mẹ được tin người chị họ của mình mang thai trong lúc tuổi già, Mẹ đã tức tốc lên đường để giúp đỡ bà ta. Điều đó chỉ đúng một phần thôi, vì bà Êlisabet không cần Mẹ giúp đỡ đâu, bà ta đang là vợ của ông thượng tế Giacaria, vì vậy khi biết bà mang thai trong lúc tuổi già, có hàng khối người đến phục vụ bà. Nhưng Mẹ tức tốc lên đường là để chia sẻ niềm vui thánh thiêng mà chỉ có hai người phụ nữ này mới hiểu nhau mà thôi. Một bà mang thai người dọn đường cho Đấng Cứu Thế, một cô cưu mang chính Đấng Cứu Thế. Và đó là hành động bác ái đích thực. Bác ái là biết chia sẻ hầu đem đến những niềm vui thánh thiêng.

Một khi nói tiếng Xin Vâng, Mẹ đã cam kết trung thành với Chúa bằng một đức tin mạnh mẽ; Mẹ đã nỗ lực dấn thân bằng tất cả niềm trông cậy; Mẹ đã thực thi tình mến bằng một đức ái hoàn hảo.

III.            XIN VÂNG TRONG CUỘC SỐNG
Chúng ta đang sống trong Năm Đức Tin. Đức nguyên Giáo hoàng Bênêđictô XVI mời gọi chúng ta chiêm ngắm hình ảnh Đức Mẹ như mẫu gương của sự vâng phục đức tin. Chúng ta đã nói tiếng Xin Vâng với Chúa ngày lãnh nhận BTRT. Vậy một khi đã nói tiếng Xin Vâng, chúng ta cũng phải biết sống Xin Vâng như Đức Mẹ.

1.      Cam kết trung thành:
Với tiếng Xin Vâng, Mẹ đã cam kết trung thành với Chúa cho đến trọn đời. Chúng ta cũng phải cam kết trọn đời trung thành với Chúa vì mình cũng đã nói tiếng Xin Vâng. Sự trung thành có nghĩa là dù cuộc đời có như thế nào đi nữa, tôi vẫn thờ phượng Chúa. Nếu tôi nói trung thành với Chúa chỉ trong những lúc thuận lợi, còn những lúc khó khăn lại quên hoặc bỏ Chúa, thì đâu phải là trung thành.

Chúng ta vẫn gặp trường hợp có những người đang đi lễ, bỗng nhiên không thấy đến nhà thờ nữa. Hỏi tại sao vậy? Họ trả lời: Lúc này làm ăn thất bại quá! Ủa, bộ làm ăn thất bại là chúng ta quên Chúa sao? Những lúc như vậy chúng ta càng phải trung thành với Chúa hơn. Có những người gia đình đạo công giáo nhưng hễ có chuyện gì cũng đi coi thầy, coi bói. Như vậy là đâu trung thành với Chúa, mà là đang phản bội Chúa. Có những người phải được người khác hun đúc, nhắc nhở mới đi lễ, mới giữ đạo, nhưng được một thời gian lại trở về nếp sống cũ, nếp sống không được lành mạnh. Như vậy rõ ràng chúng ta chưa có sự trung thành, mà chỉ giữ đạo nhất thời, theo cảm tính.

2.      Nỗ Lực Dẫn Thấn
Khi nói tiếng Xin Vâng, Mẹ đã nỗ lực dấn thân trong suốt cuộc đời của Mẹ. Sự dấn thân cũng phải là nỗ lực trong suốt cuộc đời của chúng ta. Dấn thân để làm gì? Thưa dấn thân để trung thành với Chúa, để giữ vững đức tin.

Sống trong xã hội ngày hôm nay, người Kitô hữu, nhất là giới trẻ phải cảnh giác với nguy cơ mất đức tin vì những lôi cuốn của thời đại. Lôi cuốn của thời đại hôm nay đó là vấn đề hưởng thụ. Người ta làm sao để mình hưởng thụ càng nhiều càng tốt. Chính vì vậy mà không lạ gì những bạn trẻ bỏ lễ ngày Chúa Nhật với lý do đơn giản hết sức: mắc ngủ, tại đi đá banh… Có những người sa vào con đường nghiện ngập, hút chích vì muốn tìm cảm giác mạnh. Có những bạn muốn kiếm tiền mà khỏi phải mệt nhọc nên đá gà, cá độ, làm những việc bất chính… Người ta chỉ lo làm sao để cho mình sung sướng thoải mái thôi. Và để hưởng thụ, người ta cũng không ngần ngại làm những điều xấu xa, ví dụ lường gạt, trộm cướp, giết người… Nói tóm lại giới trẻ thời đại của chúng ta đang đứng trước nguy cơ mất đức tin rất lớn. Vì vậy chúng ta phải biết nỗ lực dấn thân để bằng mọi giá bảo vệ được đức tin của mình.

3.      Thực thi bác ái
Cuối cùng, khi nói tiếng Xin Vâng, Mẹ biết chia sẻ niềm vui thánh thiêng với người khác. Chúng ta cũng phải biết chia sẻ niềm vui thiêng liêng của mình cho những người chung quanh.

Nói các bạn trẻ đang bị những cám dỗ của thời đại lôi kéo làm mất đức tin, nhưng vẫn còn rất nhiều bạn đang giữ vững đức tin của mình, cụ thể là vẫn còn nhiều bạn đến nhà thờ tham dự thánh lễ, tham gia sinh hoạt giới trẻ, trở thành huynh trưởng, vào ca đoàn... Chúng ta phải biết biết nghĩ đến còn những người thân, bạn bè, trong số đó thậm chí có cha mẹ, anh chị em của mình đã bỏ Chúa, để lôi kéo họ về với Chúa bằng lối sống ngược lại với những sai trai của họ, đồng thời động viên khích lệ, mời gọi họ trở về với Chúa. Mỗi một bạn rủ thêm người bạn của mình đi học Giáo lý, đi tham dự thánh lễ, đi sinh hoạt giới trẻ, đi làm những công tác chung. Đó là lúc chúng ta đang thực thi tình bác ái một cách  cụ thể.

Tóm lại… Với lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm Đức Maria khi nói tiếng Xin Vâng để biết bắt chước Mẹ Xin Vâng trong đời sống đức tin qua việc cam kết trung thành với Chúa, nỗ lực dấn thân để bảo vệ đức tin và thực thi tình bác ái cụ thể qua việc lôi kéo nhiều người trở về với Chúa. Và cũng mời gọi chúng ta biết nghe lời Mẹ để siêng năng lần chuỗi mân côi, hầu giúp chúng ta có thể thực hiện được những điều mà Tin Mừng hôm nay đòi hỏi. Cầu chúc mọi người biết yêu mến Đức Mẹ nhiều hơn. Và xin Đức Mẹ cầu cho chúng ta là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử. Amen.      

Thứ Hai 7-10
Lễ Ðức Mẹ Mai Khôi (*)

T
hánh Giáo Hoàng Piô V đã thiết lập ngày lễ này vào năm 1573. Mục đích là để cảm tạ Thiên Chúa vì người Kitô chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ ở Lepanto -- là một chiến thắng nhờ bởi việc lần chuỗi mai khôi. Vào năm 1716, Ðức Clement XI đã nới rộng ngày lễ này cho toàn thể Giáo Hội.
Sự hình thành chuỗi mai khôi có một lịch sử lâu dài. Ðầu tiên, người ta đọc 150 kinh Lạy Cha để phỏng theo 150 Thánh Vịnh. Sau đó người ta thêm vào tập tục đọc 150 kinh Kính Mừng. Và sau cùng các mầu nhiệm của cuộc đời Chúa Giêsu đã được thêm vào trước mỗi kinh Kính Mừng. Mặc dù sự kiện Ðức Maria ban chuỗi mai khôi cho Thánh Ða Minh được coi là không có trong lịch sử, việc phát triển hình thức cầu nguyện này là nhờ những người theo Thánh Ða Minh. Một trong những người đó là Chân Phước Alan de la Roche, thường được gọi là "tông đồ mai khôi." Ngài thành lập hội Ái Hữu Mai Khôi đầu tiên trong thế kỷ 15. Vào thế kỷ 16, cách lần chuỗi mai khôi được phát triển như hình thức bây giờ -- gồm 15 mầu nhiệm vui, thương và mừng.
Lời Bàn
Lần chuỗi mai khôi là để giúp chúng ta suy tư về các mầu nhiệm cứu chuộc. Ðức Piô XII gọi đó là bản tóm lược phúc âm. Ðích điểm nhắm đến là Chúa Giêsu -- sự sinh hạ, cuộc đời, sự chết và sự sống lại của Người. Kinh Lạy Cha nhắc nhở chúng ta rằng Cha của Ðức Giêsu là người khởi xướng sự cứu chuộc. Kinh Kính Mừng nhắc nhở chúng ta hãy cùng với Mẹ Maria suy niệm về những mầu nhiệm này. Các mầu nhiệm đó cũng giúp chúng ta ý thức rằng Mẹ Maria đã và đang kết hợp mật thiết với Con của ngài trong tất cả những mầu nhiệm khi Chúa Giêsu ở trần gian cũng như ở trên thiên đàng. Kinh Sáng Danh nhắc nhở chúng ta rằng mục đích của mọi sự sống là để vinh danh Thiên Chúa Ba Ngôi.
Chuỗi Mai Khôi được nhiều người ưa chuộng vì nó đơn giản. Việc lập đi lập lại những câu kinh quen thuộc tạo nên bầu khí thuận tiện cho việc suy niệm những mầu nhiệm của Thiên Chúa. Chúng ta cảm thấy như Chúa Giêsu và Mẹ Maria ở với chúng ta trong các niềm vui cũng như sự đau khổ của đời sống. Chúng ta hy vọng rằng Thiên Chúa sẽ cho chúng ta được chia sẻ sự vinh quang của Chúa Giêsu và Mẹ Maria nơi thiên đàng.
Lời Trích
"[Chuỗi mai khôi] đưa ra những mầu nhiệm của Ðức Kitô trong một phương cách độc đáo mà Thánh Phao-lô đã diễn tả trong Thư gửi tín hữu Philípphê -- tự hạ mình, chịu chết và được siêu tôn (2:6-11)... Tự bản chất, việc lần chuỗi mai khôi đòi hỏi sự nhịp nhàng và đều đặn, giúp người tín hữu suy niệm về những mầu nhiệm cuộc đời của Ðức Kitô để gắn bó với Người như tâm hồn của Ðức Maria, là người gần với Ðức Kitô hơn ai hết" (Ðức Phao-lô VI, Việc Sùng Kính Ðức Trinh Nữ Maria, 45, 47).
(*) Theo linh mục Trần Văn Kiệm, chữ Rosary được dịch là Mai Khôi thì đúng nhất, vì chữ Mai có nghĩa hoa hồng và chữ Khôi có nghĩa ngọc đẹp. Những chữ Mân Côi và Văn Côi không được xác thực.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét