THỨ SÁU 11/10/2013
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
27 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Ge 1, 13-15;
2, 1-2
"Ngày của
Chúa, ngày của u tối mù mịt".
Trích
sách Tiên tri Giôel.
Hỡi
các tư tế, hãy thắt lưng và kêu khóc! Hỡi các thừa tác viên bàn thờ, hãy la
lên! Hỡi các thừa tác viên của Thiên Chúa tôi, hãy tiến vào, hãy mặc áo vải gai
mà thức suốt đêm, vì lễ chay, lễ quán bị cất khỏi đền thờ Thiên Chúa các ngươi.
Hãy
công bố cuộc chay thánh. Hãy triệu tập đại hội. Hãy tụ họp các bô lão, tất cả
những dân cư trong nước hiệp mặt lại trong đền thờ Thiên Chúa các ngươi và hãy
kêu cầu Chúa: Ôi, ôi, ôi! ngày vô phúc, vì ngày của Chúa gần đến rồi, nó đến
như cuộc tàn phá do Ðấng Quyền Năng thực hiện.
Hãy
thổi kèn tại Sion! Hãy la lối trên núi thánh của Ta! Tất cả dân cư trong nước
hãy run sợ, vì ngày Chúa đã gần đến rồi, ngày u tối mù mịt, ngày mây đen bão
táp: một dân tộc đông đảo và hùng mạnh như rạng đông giãi trên các núi đồi, từ
cổ chí kim và bao thế hệ về sau cũng chẳng xảy ra giống như vậy.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 9, 2-3. 6 và 16.
8-9
Ðáp: Chúa công minh thống
trị địa cầu (c. 9a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ
ca tụng Chúa hết lòng, con sẽ kể ra mọi điều lạ lùng của Chúa. Con sẽ mừng rỡ
hân hoan trong Chúa, con sẽ đàn ca danh Ngài, lạy Ðấng Tối Cao. - Ðáp.
2)
Chúa trách phạt chư dân, diệt vong đứa ác, bôi nhoà tên tuổi chúng tới muôn đời.
Người chư dân rơi chìm xuống hố mà họ đã đào, chân họ mắc vào cái bẫy mà họ đã
che. - Ðáp.
3)
Nhưng Chúa ngự trị tới muôn đời, Ngài dựng vững ngai vàng ngõ hầu cai trị. Ngài
công minh thống trị địa cầu, Ngài chính trực xét xử chư dân. - Ðáp.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia,
alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời,
và vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 15-26
"Nếu Ta nhờ
ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, (lúc Chúa Giêsu trừ quỷ), thì có mấy người trong dân chúng nói rằng:
"Ông ta nhờ tướng quỷ Bêelgiêbút mà trừ quỷ". Mấy kẻ khác muốn thử
Người, nên xin Người một dấu lạ từ trời xuống.
Nhưng
Người biết ý của họ, liền phán: "Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà
cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau. Vậy nếu Satan cũng tự chia rẽ, thì nước nó
làm sao đứng vững được? Bởi các ngươi bảo Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, vậy nếu
Ta nhờ Bêelgiêbút mà trừ quỷ, thì con cái các ngươi nhờ ai mà trừ? Bởi đó chính
con cái các ngươi sẽ xét xử các ngươi. Nhưng nếu Ta nhờ ngón tay Thiên Chúa mà
trừ quỷ, ắt là nước Thiên Chúa đã đến giữa các ngươi rồi.
"Khi
có người khoẻ mạnh và võ trang đầy đủ canh giữ nhà mình, thì của cải người đó
được an toàn. Nhưng nếu có người mạnh hơn xông đến đánh bại hắn, thì sẽ tước hết
khí giới hắn tin tưởng, và làm tiêu tán hết những gì đã tước đoạt. Ai không thuận
với Ta là nghịch cùng Ta, và ai không thu góp với Ta là phân tán.
"Khi
thần ô uế ra khỏi người nào, thì nó đi dông dài những nơi khô ráo, tìm chỗ nghỉ
ngơi, nhưng không tìm được, nên nó nói rằng: "Ta sẽ trở lại nhà ta, nơi ta
đã ra đi". Khi đến nơi, nó thấy nhà đó đã được quét sạch và sắp đặt ngăn nắp.
Bấy giờ nó đi rủ bảy tà thần khác hung ác hơn nó, chúng vào cư ngụ ở đó. Và
tình trạng sau cùng của người ấy trở nên tệ hại hơn trước".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Nương Tựa Vào Chúa
Dù
với công thức dài như ở Tin Mừng Matthêu hay ngắn gọn nơi Tin Mừng Luca, Kinh Lạy
Cha được kết thúc bằng câu: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ".
Nhắc nhở các môn đệ cầu xin cho khỏi sa chước cám dỗ, Chúa Giêsu cũng muốn nói
đến một thực tại luôn có mặt trong thế giới này để làm hại con người, đó là sự
dữ hay ma quỉ. Ở bên cạnh con người, nhưng ma quỉ không hiện nguyên hình, mà lại
mượn chính hình dạng con người để quyến rũ và lôi kéo con người đến điều ác.
Ðó
cũng là sự kiện đã xảy ra như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay: sau khi Chúa
Giêsu chữa cho một người bị quỉ ám được khỏi, trong đám đông có mấy người nói rằng
Ngài đã nhờ thế của quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ. Chúa Giêsu đã nhân cơ hội
này để mạc khải về Nước Thiên Chúa. Nước Thiên Chúa đã đến và trong đó có bóng
dáng của ma quỉ. Một Phêrô vừa được khen thưởng vì đã tuyên xưng đúng tước hiện
của Chúa Kitô, thì lập tức đã bị khiển trách là Satan khi ông căn ngăn Chúa
Giêsu lên Yêrusalem để chịu khổ nạn.
Chúa
Giêsu đã đến để chiến thắng ma quỉ và tội lỗi, đồng thời Ngài cũng đòi hỏi những
kẻ theo Ngài phải có một thái độ dứt khoát: "Ai không theo tôi, là chống
tôi, và ai không cùng tôi thu góp, là phân tán". Hình ảnh người võ trang
canh giữ nhà của mình là một lời mời gọi những kẻ theo Chúa biết hoàn toàn đặt
tin tưởng, phó thác vào Ngài. Tìm một người hùng mạnh để canh giữ cho mình được
an toàn thì có ai bằng Thiên Chúa; kiếm một nơi ẩn náu trước những tấn công của
kẻ thù, thì có đâu vững chắc cho bằng núp bóng dưới cánh tay Ngài.
Chúng
ta phải tìm nơi nương tựa mạnh mẽ, vững chắc, vì ma quỉ như sư tử luôn gầm thét
rảo quanh tìm mồi cắn xé, làm hại chúng ta. Một lần thất bại, nó không nản
lòng, nó sẽ trở lại với một lực lượng hùng mạnh hơn. Bởi đó, chúng ta phải kiên
trì trong lời cầu nguyện: "Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu
chúng con cho khỏi sự dữ". Cám dỗ là vũ khí ma quỉ dùng để đánh bại chúng
ta, nhưng chúng ta vẫn không nao núng, nếu biết đứng vững trong đức tin để chống
cự và biết ẩn núp dưới sự che chở của Chúa.
Nguyện
xin Chúa gìn giữ chúng ta luôn kiên vững trong niềm xác tín đó.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 27
TN1, Năm lẻ.
Bài đọc: Joe
1:13-15, 2:1-2; Lk 11:15-26
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy luôn biết chuẩn
bị sẵn sàng.
Làm
việc gì con người cũng phải chuẩn bị thì mới có thành công được; nếu không chịu
chuẩn bị, thất bại chắc chắn sẽ xảy ra. Việc càng lớn đòi hỏi con người càng phải
chuẩn bị kỹ càng hơn. Đức Kitô luôn khuyên bảo các môn đệ phải biết tỉnh thức
và chuẩn bị sẵn sàng cho Ngày Chúa đến lần thứ hai.
Các
Bài Đọc hôm nay dạy mọi người phải luôn biết chuẩn bị. Trong Bài Đọc I,
tiên-tri Joel kêu gọi toàn thể con cái Israel, từ tư tế đến dân chúng, phải rúc
tù và long trọng tuyên bố mùa chay thánh để chuẩn bị đón Ngày mà Đấng Thiên Sai
sẽ đến. Trong Phúc Âm, vì không chịu chuẩn bị nên một số người chẳng những
không nhận ra Chúa Giêsu khi Ngài trục xuất một quỉ câm, lại còn mạ lỵ Ngài
"dùng quyền năng của quỉ vương Beelzebul mà trừ quỉ." Chúa Giêsu cũng
cảnh cáo các môn đệ phải luôn biết chuẩn bị tâm hồn cho có Chúa; nếu không, quỉ
thần sẽ kéo đến ngày càng nhiều và tình trạng tâm hồn sẽ càng ngày càng bi đát
hơn.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Ôi, Ngày đáng sợ thay! Ngày của Đức Chúa quả đã gần kề!
1.1/
Hãy chuẩn bị cho Ngày Thiên Chúa đến: Sách tiên-tri Joel được viết sau Thời Lưu Đày (khoảng
400-350 BC). Đây là thời gian mà truyền thống Do-thái, dựa vào lời sấm của các
tiên-tri, tin Ngày Đấng Thiên Sai sắp tới để tiêu diệt tất cả các quốc gia dám
gây chiến với Israel, và lên ngôi cai trị họ. Để chuẩn bị cho Ngày trọng đại này,
họ phải làm hai việc:
(1)
Long trọng tuyên bố mùa chay thánh bắt đầu: Tiên-tri Joel truyền lệnh của Thiên Chúa: "Hãy
ra lệnh giữ chay thánh, công bố mở cuộc họp long trọng, triệu tập các cụ già và
toàn thể cư dân trong xứ tại Nhà Đức Chúa, Thiên Chúa các ngươi. Hãy kêu lên Đức
Chúa." Hàng năm, Giáo Hội cũng dùng những lời này trong ngày Thứ Tư Lễ
Tro, để kêu gọi các tín hữu biết ăn năn và chuẩn bị tâm hồn để chuẩn bị đón
Ngày Chúa đến lần thứ hai.
(2)
Các việc phải làm trong mùa chay thánh: "Hỡi các tư tế, hãy mặc áo vải thô mà than van
kêu khóc! Rú lên đi, hỡi những người phục vụ bàn thờ! Hãy đến, mặc áo vải thô
mà thức suốt đêm, hỡi những người phục vụ Thiên Chúa." Việc ăn chay, hãm
mình, và cầu nguyện là ba việc phải làm để chuẩn bị đón chờ Ngày Chúa đến.
1.2/
Ngày của Thiên Chúa đến là Ngày đáng sợ: Truyền thống Do-thái tin Đấng Thiên Sai sẽ đến trong
uy quyền; nhưng trước khi lên ngôi cai trị, Ngài sẽ thanh luyện và phán xét tất
cả mọi người: con cái Israel cũng như các dân ngoại. Đó là lý do mà con cái
Israel phải chuẩn bị tâm hồn. Tiên-tri Joel báo trước cho họ biết về Ngày này
như sau: "Ôi, ngày đáng sợ thay! Ngày của Đức Chúa quả đã gần kề! Ngày sẽ
đến tựa cơn tàn phá do lệnh Đấng Toàn Năng... Run lên đi, mọi cư dân trong xứ,
vì Ngày của Đức Chúa sắp đến rồi, Ngày ấy đã kề bên. Ngày tối tăm u ám, Ngày
mây mù tối đen."
Sự
kinh hoàng của Ngày này được tiên-tri Joel và các tiên-tri khác mô tả như: mặt
trời, mặt trăng và các tinh tú sẽ không còn chiếu sáng; nạn châu chấu sẽ tiêu
diệt mùa màng khiến con người không còn của ăn; chiến tranh sẽ xảy ra khắp nơi
trên địa cầu ... Sau cùng, chỉ những người công chính mới sống sót, và được sống
hòa bình và hạnh phúc với Đấng Thiên Sai đến muôn đời.
2/
Phúc Âm: Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên
Chúa đã đến.
2.1/
Lòng ghen tị của con người: Khi chứng kiến Chúa Giêsu trục xuất quỉ ra khỏi người câm, đa số
dân chúng đều kính sợ; nhưng trong số đó có mấy người lại bảo: "Ông ấy dựa
thế quỷ vương Beelzebul mà trừ quỷ." Đây là một lời tố cáo của những người
ghen tị, khi thấy mình không làm được những gì người khác làm; họ tìm bất cứ một
lý do nào, cho dù là vô lý, để giảm giá trị hành động tốt đẹp của người khác.
Biết được tư tưởng ghen tị của họ, Chúa Giêsu vạch trần sự sai trá của lời tố
cáo bằng hai chứng minh:
(1)
Chia rẽ là tự hủy diệt: Để
có thể tồn tại, con người cần đoàn kết với nhau; nếu con người chia năm xẻ bảy,
họ sẽ bị tiêu diệt. Chúa Giêsu hỏi họ: ''Nếu Satan cũng tự chia rẽ chống lại
chính mình, thì nước nó tồn tại sao được?'' Satan phải bênh vực đồng bọn của
mình; vì nếu Satan chống lại đồng bọn, làm sao vương quốc nó tồn tại được. Vì
thế, điều họ tố cáo Chúa Giêsu dựa thế Beelzebul mà trừ quỷ là không hợp lý.
(2)
Nhiều người Do-thái cũng trừ được quỉ: Truyền thống Do-thái từ thời Solomon tin họ có thể
xua đuổi quỉ bằng cách đốt hoa cỏ và các cơ quan súc vật. Khói hương bay lên sẽ
làm quỉ xuất khỏi người bị ám. Một trường hợp dẫn chứng là khi sứ thần Raphael
bảo Tobia đốt tim và gan cá để đuổi quỉ ra khỏi Sarah trong đêm tân hôn của hai
người (Tob 8:2-3). Chúa Giêsu thách thức họ: ''Nếu tôi dựa thế Beelzebul mà trừ
quỷ, thì con cái các ông dựa thế ai mà trừ? Bởi vậy, chính họ sẽ xét xử các
ông. Còn nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả là Triều Đại Thiên
Chúa đã đến giữa các ông.''
2.2/
Chúa Giêsu có quyền trên ma quỉ: Để dẫn chứng Chúa có quyền trên ma quỉ, Ngài đưa ra
một ví dụ mà mọi người đều hiểu được: ''Khi một người mạnh được vũ trang đầy đủ
canh giữ lâu đài của mình, thì của cải người ấy được an toàn. Nhưng nếu có người
mạnh thế hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy
vẫn tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được.'' Quỉ câm có thể được
ví như người có vũ trang đầy đủ: nó có sức mạnh hơn người thanh niên nên khống
chế anh ta được; nhưng khi Chúa dùng uy quyền Thiên Chúa mà đuổi quỉ câm ra khỏi
anh ta, và làm cho anh ta bình phục, Ngài có uy quyền trên ma quỉ.
Trình
thuật kế tiếp dẫn chứng nhu cầu phải luôn có Thiên Chúa trong tâm hồn: "Khi thần ô uế
xuất khỏi một người, thì nó đi rảo qua những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi.
Vì tìm không ra, nó nói: "Ta sẽ trở về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi."
Khi đến nơi, nó thấy nhà được quét tước, dọn dẹp hẳn hoi. Nó liền đi kéo thêm bảy
thần khác dữ hơn nó, và chúng vào ở đó. Rốt cuộc tình trạng của người ấy lại
còn tệ hơn trước." Thiên Chúa và ma quỉ không thể ở chung: chỗ nào có
Thiên Chúa là không có ma quỉ, và ngược lại, chỗ nào có ma quỉ là không có
Thiên Chúa. Nếu người Kitô hữu luôn để Đức Kitô ngự trị trong tâm hồn và sống
theo sự hướng dẫn của Ngài; ma quỉ sẽ không khi nào có cơ hội xâm nhập.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Không lo xa, ắt có buồn gần. Chúng ta hãy dành thời giờ để chuẩn bị trước khi
làm bất cứ việc gì, nhất là chuẩn bị tâm hồn cho luôn có Chúa và đón Ngài đến lần
thứ hai. Khi Ngày đó bất thần tới, chỉ có những ai chuẩn bị mới được cứu thoát.
-
Khi chứng kiến những việc tốt lành của người khác làm, chúng ta hãy thành thật
khen ngợi tài năng và đức độ của họ. Đừng để tính kiêu ngạo ghen tương làm mờ mắt,
khiến chúng ta khinh thường họ hay phủ nhận những gì họ đã làm.
-
Chúng ta chỉ có thể chọn một trong hai: hoặc chọn Đức Kitô là vua cai trị tâm hồn,
hoặc sống theo những cám dỗ của ma quỉ và làm nô lệ cho chúng.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 27TN
Lc 11,15-26
A. Hạt giống...
1. Các câu 14-16 : Sau khi Chúa Giêsu làm phép lạ
trừ một quỷ câm, dân chúng phản ứng 3 cách khác nhau : a/ Đa số “ngạc nhiên”,
nghĩa là thán phục ; b/ Một nhóm xuyên tạc rằng Ngài đã dựa thể quỷ vương
Bê-en-dê-bun để trừ quỷ nhỏ ; c/ Nhóm thứ ba nửa tin nửa ngờ nên muốn có một
dấu lạ “từ trời” để chứng nhận Chúa Giêsu chính là người mà trời sai xuống.
2. Các câu 17-23 : Để trả lời cho những kẻ không
tin (nhóm thứ hai), Chúa Giêsu lý luận rằng : ma quỷ không ngu dại gì mà làm
hại thuộc hạ của nó. Bởi thế việc Chúa Giêsu trừ quỷ không phải là dựa vào thế
của quỷ vương. Nếu việc đó không do quỷ vương thì do đâu ? Thưa do một quyền
lực mạnh hơn ma quỷ, tức là Thiên Chúa. Như thế phép lạ này là dấu chỉ rằng
Nước Thiên Chúa đã đến gần.
3. Các câu 24-26 : Đây là của lời khuyến cáo các
môn đệ Chúa Giêsu. Đành rằng ma quỷ đã bị Chúa Giêsu đánh bại, nhưng các môn đệ
chớ có lơ là cảnh giác. Ma quỷ tìm cách quay trở lại và có thể làm hại họ nặng
hơn trước nữa.
B.... nẩy mầm.
1. Thực tại về ma quỷ : “Nhiều người ngày nay
không còn tin vào ma quỷ. Tội lỗi được biện minh bằng sự yếu đuối và thiếu tự
do nơi con người. Quỷ ám được giải thích như những chuyện thần thoại mà khoa
tâm lý chiều sâu tìm cách giải thích. Những cám dỗ chỉ còn là sản phẩm của óc
tưởng tượng. Chiến thuật của ma quỷ trong thế giới xem ra không phải là sự đe
dọa con người bằng những ám hại, mà chính là thuyết phục con người tin rằng nó
không có mặt trên trần gian này” (Trích “Mỗi ngày một tin vui”).
2. Người hạnh phúc nhất mà tôi từng được biết, đó
là một người Ái nhĩ Lan tên Dundee. Ông bị té gãy lưng từ năm 15 tuổi, sau đó
phải nằm trên giường bệnh rất đau đớn trong suốt 40 năm. Nhưng lúc nào ông cũng
tươi cười. Tôi hỏi :
- Có khi nào ông bị quỷ cám dỗ không, chẳng hạn
nó nói với ông rằng nếu Chúa thương ông thì chẳng để ông phải liệt giường như
vậy ?
- Có chứ, rất nhiều lần. Nó thường dẫn trí óc tôi
nhìn đến cảnh sung sướng của người khác và nói với tôi như thế. Nhưng tôi cũng
dẫn nó tới đồi Canvê, chỉ cho nó thấy Chúa Giêsu đang chết trên Thập giá. Và
tôi hỏi lại nó “Thế Chúa không thương tôi sao ?”. Kết quả là lần nào nó cũng
vội vàng rút lui. (Moody’s story)
3. Sự mù quáng do ganh tị : Vì ganh ghét Chúa
Giêsu nên các kẻ thù của Ngài đã bị mù quáng. Chẳng những họ không nhận ra ý
nghĩa việc Ngài trừ quỷ, mà còn xuyên tạc rằng Ngài làm như thế là dựa vào sức
quỷ vương.
4. Có một con đại bàng ganh tị với một con đại
bàng khác vì con này bay cao hơn nó. Một hôm con đại bàng ganh tị gặp một xạ
thủ. Nó xúi anh bắn hạ đối thủ của nó. Chàng xạ thủ đáp : “Được. Nhưng tôi
không có tên”. Con đại bàng nhổ một cọng lông cánh đưa cho chàng xạ thủ làm
tên. Nhưng chàng bắn hụt. Vì quyết tâm hại đối thủ của mình, con đại bàng ganh
tị lại nhổ thêm một cọng nữa, rồi một cọng nữa... cho tới khi hai cánh nhỏ trụi
nhẵn. Nó không bay được nữa. Chàng xạ thủ không bắn được con kia nên bắt lấy
con đại bàng trụi cánh về làm thịt. Nếu bạn ganh tị muốn hại ai thì rốt cuộc
bạn chỉ tổ hại chính bản thân mình (D.L. Moody).
5. “Kẻ khác lại muốn thử Chúa Giêsu nên đã đòi
Ngài một dấu lạ từ trời” (Lc 11,16)
Lạy Chúa, Tại sao Ngài cho con sinh ra trong gia
đình này với người cha “pharisêu” và các anh chị “giả hình” ? Tại sao Ngài
không cho con tài năng như anh kia ? đạo đức như chị nọ ? Tại sao con không có
một mái tóc óng mượt, không có một khuôn mặt xinh xắn hơn ? Tại sao ?... Tại
sao ?... Nhiều lần con đã chất vấn Ngài, con thử thách Ngài, con đòi Ngài phải
cho con cái của người khác, có như thế thì Chúa mới thực là một Thiên Chúa yêu
thương.
Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn đơn sơ để con nhận
ra tất cả những quà tặng Ngài mang đến cho con. Và tin rằng đó là món quà
tốt nhất đối với con, là dấu chứng rõ nhất về một Thiên Chúa yêu thương.
(Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI
– Gp. Cần Thơ
11/10/13 THỨ SÁU TUẦN 27 TN
Lc 11,15-26
Lc 11,15-26
THÁI ĐỘ TRƯỚC NHỮNG NGƯỜI ‘ĐỘC
MIỆNG’
“Nếu tôi dùng ngón tay Thiên
Chúa mà trừ quỷ, thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.” (Lc 11,20)
Suy niệm: Đứng
trước những phép lạ tốt lành Chúa Giê-su thực hiện, một số người Do Thái “độc
miệng” gán ghép Chúa “dựa thế quỉ vương Bê-en-dê-bun” để trừ “quỷ con”. Quả là
một lời xuyên tạc hiểm độc! Đối lại, Chúa Giê-su cho thấy không có gì phải làm
ầm ĩ. Một cách bình thản, Ngài đưa ra những lập luận lành mạnh và vững chắc để
bẻ gãy những lời lẽ nguỵ biện kia: “Nước nào tự chia rẽ thì sẽ
điêu tàn… Nếu Xa-tan cũng tự chia rẽ chống lại chính mình, thì nước nó tồn tại
sao được?” Nhưng
ở đây, phản bác những lời xuyên tạc đó chưa phải là mối bận tâm lớn nhất của
Chúa; trọng tâm duy nhất của Ngài đó là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa: “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ
thì quả là triều đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông.”
Mời Bạn: Tôi
có cái nhìn đầy thành kiến “trông cò ra quạ”, nhìn những dấu chỉ của Nước Thiên
Chúa ra biểu hiện của quỷ Bê-en-dê-bun hay không? Tôi có xu hướng xét đoán ý
xấu cho người khác không? Mặt khác, tôi đã phản ứng thế nào khi làm điều tốt mà
lại bị người khác công kích, xuyên tạc?
Sống Lời Chúa: Nhìn
ngắm thật kỹ mẫu gương của Chúa Giê-su hôm nay. Mỗi khi tôi định nói xấu về ai
hoặc tôi bị ai nói xấu hãy nhớ lại thái độ này của Chúa và xin ơn bắt chước
Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa đã biến tội lỗi chúng con thành dịp để ban cho chúng
con điều tốt đẹp nhất, đó là ơn cứu độ. Xin giúp con biết bắt chước Chúa để con
có thể khám phá những điều tốt đẹp, những điểm tích cực nơi anh em con.
Quyền Năng Trên Quỉ Dữ
Phép lạ Chúa Giêsu thực hiện là một dấu chỉ để mạc khải nước
Thiên Chúa và tình thương giải phóng của Thiên Chúa đối với con người. Nhưng
mọi dấu chỉ đều lưỡng vị, hai nghĩa và người ta có thể giải thích cách này hay
cách khác, tùy theo tâm hồn họ như thế nào. Thiên Chúa chấp nhận để cho con
người làm như vậy là vì Ngài kính trọng tự do của người chứng kiến và giải
thích dấu chỉ. Ðó là điều đã xảy ra và được kể lại trong đoạn Phúc Âm chúng ta
vừa đọc lại trên đây.
Nhiều người kính phục quyền năng giải phóng và tình thương
nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện nơi và qua hành động của Chúa Giêsu. Tuy
nhiên, vài người khác thì giải thích xấu đi, cho rằng Chúa Giêsu cấu kết với
quyền lực của quỷ vương để trừ quỷ con. Nhưng giải thích như vậy không hợp lý
gì cả. Lòng gian tà và ý xấu muốn bôi nhọ Chúa Giêsu làm cho họ ra mù quáng và
lý luận không còn hợp lý nữa. Chúa Giêsu chỉ cho họ thấy khuyết điểm này với
những lời như sau: "Vương quốc nào chia rẽ thì sẽ bị tan rã. Giờ đây, nếu
Satan cũng chia rẽ thì làm sao chúng đứng vững được". Giải thích duy nhất
đúng là qua dấu lạ đó mà nhìn nhận Ðấng thực hiện dấu lạ có quyền năng trên quỷ
dữ và như thế là Nước Thiên Chúa và hành động giải phóng của Ngài đã đến giữa
con người trước mặt họ.
Ðể chấp nhận lời mạc khải của Chúa và trong trường hợp này,
lời giải thích của Chúa Giêsu về ý nghĩa của dấu lạ Chúa vừa thực hiện, con
người cần nhờ đến ánh sáng siêu nhiên hướng dẫn, cần có đức tin, cần có sự soi
sáng của Chúa Thánh Thần. Ðây là điều mà những kẻ thù của Chúa Giêsu không có
được đức tin là hồng ân của Thiên Chúa, chứ không phải là kết luận của suy tư.
Vì thế, trước dấu lạ Chúa Giêsu thực hiện, con người không nhất thiết có thể
nhìn nhận ý nghĩa của dấu lạ đó và tuyên xưng đức tin. Nếu đức tin là kết luận
của suy tư lý trí thì trước dấu lạ Chúa thực hiện, mọi người đều đã tin Chúa
hết cả rồi.
Con người cần khiêm tốn cầu xin Thiên Chúa ban cho ơn đức
tin, để có thể nhận ra ý nghĩa của dấu lạ và được củng cố trong đức tin. Trước
dấu lạ của Chúa, con người chỉ có một trong hai thái độ: tin hay không tin;
chấp nhận hay chối từ mà thôi. Và một khi đã tin rồi, người đồ đệ cần phải góp
phần của mình để bồi dưỡng thêm cho đức tin, góp phần làm cho đức tin được phát
triển, được vững mạnh hơn. Nếu không, tình trạng bị mất đức tin sau đó sẽ trở
thành tồi tệ hơn trước khi tin Chúa, ma quỷ tấn công trở lại mạnh mẽ hơn muôn
vạn cho đến bảy lần hơn.
Ðể hiểu rõ một ai thì cần phải yêu mến người đó và thường
xuyên trao đổi với người đó. Ðối với Chúa Giêsu cũng vậy, để biết Chúa nhiều
hơn, thì cần phải yêu mến Ngài và có những trao đổi thường xuyên với Ngài qua
việc cầu nguyện, lắng nghe lời Chúa. Ðể có thể luôn luôn đứng về phe Chúa, luôn
luôn trung thành theo Chúa thì không có cách nào tốt hơn là hữu hiệu hơn là
sống thân mật kết hiệp với Chúa qua việc cầu nguyện và lắng nghe lời Ngài. Ðiều
này đòi hỏi chúng ta phải luôn sám hối, hoán cải, để có thể cùng với Chúa mà
chiến thắng sức mạnh thần dữ muốn chiếm đoạt chúng ta theo phe chúng.
Lạy Chúa là Cha chúng con.
Chúng con cảm tạ Chúa vì đã ban cho chúng con đức tin. Xin
thương ban xuống tràn đầy Chúa Thánh Thần trên chúng con để chúng con được củng
cố mỗi ngày một thêm trong đức tin.
Lạy Chúa.
Xin gia tăng đức tin cho chúng con.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Bài Tin mừng hôm nay là
những lời giải thích mạnh mẽ của Đức Giêsu, nhằm minh chứng và khẳng định quyền
năng và sứ mạng trừ quỷ của Người. Ngay từ những ngày đầu sứ vụ, Người đã phải
đối diện với quyền lực và mưu mô của Satan, và Người luôn ý thức sứ mạng giải
phóng con người khỏi Satan, khỏi sự dữ.
Ngày hôm nay, cuộc chiến
giữa Thiên Chúa và Satan, giữa Nước Thiên Chúa và vương quốc Satan vẫn còn tiếp
diễn.
Ngày hôm nay, vẫn còn đó
bóng dáng của sự ác, sự tội.
Mong sao, tôi đứng về
phía Đức Giêsu để chiến đấu cho Nước Thiên Chúa: sự thật, công lý và tình yêu.
Mong sao, sống tinh thần
của Đức Giêsu, tôi góp phần làm cho sự thiện được mênh mông trên mặt đất này.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11
THÁNG MƯỜI
Bài Sai Muôn Thuở
Lời
Chúa Giêsu, Đấng Cứu Độ chúng ta, vẫn luôn vang vọng: ”Anh em hãy đi và làm cho
muôn dân trở thành môn đệ, làm Phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha và Chúa Con
và Chúa Thánh Thần, dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và này
đây, Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 19-20).
Đó
là những lời sau cùng của Chúa trước khi Ngài rời bỏ mặt đất cách hữu hình để
trở về với Cha. Những lời ấy, trong sức mạnh và hiệu năng của nó, cho thấy rõ
căn tính của Giáo Hội – đó là một Giáo Hội được ủy thác kho tàng sự thật và ơn
cứu độ thần linh không phải để giữ cho riêng mình nhưng là để thông chia cho mọi
người khác nữa. Những lời ấy của bản văn Tin Mừng theo Thánh Matthêu là hiến
pháp của Giáo Hội, vì Giáo Hội, tự bản chất của mình, là một cơ chế truyền
giáo.
Loan
báo Tin Mừng, đó là công bố cho toàn thế giới ơn cứu độ trong Đức Kitô Giêsu, Đấng
đã chết và sống lại để làm Chúa của kẻ sống và người chết. Từ bối cảnh đó,
chúng ta hiểu ý tưởng của Thánh Augustinô, như được Công Đồng Vatican II lặp lại:
“Các Tông Đồ, là nền móng của Giáo Hội, bắt chước mẫu gương của Chúa Kitô, đã
rao giảng lời chân lý và xây dựng các giáo đoàn” (AG, 1).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
11-10
Ge,
1,1315;2,1-2; Lc 11,15-26
LỜI SUY NIỆM: “Khi thần ô-uế xuất khỏi một người, thì nó rảo
những nơi khô cháy, tìm chốn nghỉ ngơi. Mà vì tìm không ra, nó nói: ‘Ta sẽ trở
về nhà ta, nơi ta đã bỏ ra đi’”(Lc 11,24)
Trong cuộc đời của người Kitô hữu,
sau mỗi lần phạm tội, đã vào tòa cáo giải xưng thú tội lỗi; như thế không phải
là xong, nhưng cần phải luôn tỉnh thức, bởi ma quỷ luôn chờ chực sẵn, khi có cơ
hội là nó sẽ xâm nhập, vào tái chiếm tâm hồn của chúng ta. Chúng ta cần nhìn
vào Chúa Giêsu. Với Chúa Giêsu. Nó đã thua Người trong hoang địa. Chúa đã thắng,
nhưng ma quỷ đâu từ bỏ: “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi,
chờ đợi thời cơ” (Lc 4,13). Thời cơ cuối cùng, khi Chúa chịu treo trên cây
Thánh giá: Quỷ dùng dân chúng và các thủ lãnh cám dỗ Người “Hắn đã cứu người
khác, thì cứu lấy mình đi, nếu thật hắn là Đấng Kitô của Thiên Chúa” (Lc
23,35); cũng như qua tên gian phi “Ông không phải là Đấng Kitô sao? Hãy tự cứu
mình đi, và cứu cả chúng tôi với” (Lc 23,39). Mỗi người trong chúng ta, cần phải
luôn tỉnh thức, nếu không, tình trạng của chúng ta sẽ tệ hơn trước nữa.
Mạnh Phương
11 Tháng Mười
Một Cách Truyền Giáo
Tuần báo Midnight-Globe xuất bản tại Hoa Kỳ, gần đây có thuật
lại một phương thức làm việc tông đồ của một tín hữu Kitô như sau: mỗi ngày, trừ
ngày Chúa Nhật, ông Jewel Pierce đều ra bờ sông Coosa, gần chỗ ông ở, tại bang
Alabama. Ông ném xuống sông hai chai không, trong đó ông để một mảnh giấy ghi lại
một câu kinh thánh nói về tình thương, hay một sứ điệp tương tự, kèm theo đó là
lời đề nghị sẵn sàng giúp đỡ tất cả những ai cần đến sự giúp đỡ của ông về tinh
thần cũng như vật chất. Những chai không đó được bít kín lại và theo dòng sông
chạy ra biển khơi cách đó 15 cây số.
Trong vòng 40 năm, ông Jewel Pierce đã gửi đi được 27,000 sứ
điệp tình thương Kitô như thế, kèm theo địa chỉ của ông. Ðã có hơn 2,000 người
thuộc 30 quốc gia khác nhau đã viết thư trả lời và rất nhiều người đã đọc được
những lời đầy hy vọng của sứ điệp Kitô.
Một vị giám mục Việt Nam đã thuật lại
chứng từ sau đây. Tại một làng nhỏ ở miền thượng du Bắc Việt, toàn dân làng là
người Công Giáo, nhưng từ 20 năm qua, họ không có linh mục coi sóc. Dù vậy, các
tín hữu vẫn tổ chức các buổi đọc kinh và hát thánh ca tại nhà thờ. Ðây cũng là
nơi họ tổ chức các lễ cưới và rửa tội một cách trọng thể. Dù gặp nhiều khó
khăn, nhưng dân làng vẫn sống trong an vui và bình thản.
Tiếng đồn về niềm vui của dân làng
này đến tai một làng sơn cước. Do đó, dân làng sơn cước này yêu cầu những người
Công Giáo cho người đến dạy họ các bài kinh và thánh ca để họ cũng tìm được niềm
vui.
Nhưng dân làng Công Giáo không tìm
được ai: người lớn thì phải đi làm việc đồng áng, trẻ em thì phải đi học, còn
người già cả thì không đủ sức băng rừng leo núi để đến giúp người sơn cước. Chỉ
có một người thuộc kinh bổn, thánh ca và biết các nghi thức tôn giáo. Người đó
lại là một người mù.
Sau khi bàn bạc với nhau, dân làng
sơn cước đã đồng ý sai người dẫn hai con ngựa đi rước người mù. Người tín hữu
tàn tật này đã ở lại với dân làng 4 tháng. Cứ mỗi tối, sau khi làm việc trở về,
dân làng tụ họp với nhau, nay nhà này, mai nhà khác, để tập đọc kinh và hát
thánh ca. Sau một thời gian, người giảng viên giáo lý mù khảo sát và làm phép rửa
cho người dân làng đầu tiên. Và người tân tòng này lại rửa tội cho những người
khác và cứ như thế cho đến người cuối cùng.
Phương pháp làm việc tông đồ của
làng Công Giáo trên đây là phương pháp đơn sơ, nhưng cốt yếu của Kitô giáo: đó
là rao giảng bằng chính chứng từ của cuộc sống, nhất là cuộc sống an bình và
vui tươi
(Lẽ Sống)
CHÂN PHƯỚC MARY ANGELA
TRUSZKOWSKA
(1825-1899)
S
|
inh trưởng ở Kalisz, Ba
Lan, sức khoẻ của Sophia Truszkowska trong tình trạng hiểm nghèo nên không hy
vọng sống được lâu. Khi đến tuổi thiếu niên và được mạnh khoẻ hơn, cô quyết
định dâng mình cho Thiên Chúa. Và trong khi còn đang phục hồi sau cơn bệnh lao
thì Sophia đã khởi sự chăm sóc các trẻ mồ côi ở Warsaw.
Không bao lâu cô được
người bà con là Clothilde cũng như các bạn khác tiếp tay. Họ gia nhập dòng Ba
Phanxicô dưới sự hướng dẫn của các linh mục Capuchin và được mặc áo dòng. Năm
1855, Sophia, bây giờ là Mẹ Angela, thành lập một cộng đoàn Phanxicô mới, lấy tên
Các Nữ Tu Thánh Felicia.
Khi công việc chăm sóc
người vô gia cư của các nữ tu Thánh Felicia phát triển mạnh thì số người gia
nhập cộng đoàn cũng gia tăng. Thật không dễ cho một người sáng lập như Mẹ
Angela, vì ngài phải vạch ra một hướng đi rõ ràng cho cộng đoàn mà một số nữ tu
khác lại muốn theo đuổi đời sống chiêm niệm. Nhưng Mẹ Angela có cái nhìn khác
biệt, ngài thấy đây là một cộng đoàn nữ tu được Thiên Chúa mời gọi để cầu
nguyện và làm việc ở ngoài khuôn khổ của tu viện. Bởi đó, các Nữ Tu Thánh Felicia
chăm sóc bệnh nhân ngay trong nhà của họ cũng như phục vụ các người tàn tật,
người già yếu, trẻ mồ côi và các người vô gia cư. Các nữ tu cũng xây cất các
nhà dành riêng cho những người mắc bệnh hay lây ở làng mạc Ba Lan.
Vào năm 1863, khi người
Ba Lan vùng lên chống lại sự đô hộ của người Nga, các nữ tu Thánh Felicia tiếp
tục chăm sóc bệnh nhân bất kể quốc tịch nào. Lúc đó, Mẹ Angela ra lệnh cho các
nữ tu "không được loại trừ ai" và hãy nhớ rằng "mọi
người đều là người thân cận của mình."
Trong năm kế đó, vào
tháng Mười Hai năm 1864, các nữ tu Thánh Felicia bị chính quyền Nga giải tán.
Trong khi một số các nữ tu khác tập hợp lại thành cộng đoàn Nữ Tu Ba Lan, nhà
cầm quyền Áo cho phép các nữ tu Thánh Felicia tái lập cộng đoàn trong phần đất
của Áo ở Ba Lan. Mười năm sau các nữ tu Thánh Felicia đến Polonia, Wisconsin
thuộc Hoa Kỳ, để đáp lời mời gọi của những người di dân Ba Lan. Sứ vụ của họ
lan tràn cho tới bảy giáo phận.
Vào năm 1869, Mẹ Angela
từ chức bề trên vì sức khoẻ yếu kém. Trong những năm cuối đời, ngài dành nhiều
thời giờ để cầu nguyện và làm việc lao động. Ngài cũng được nhìn thấy cộng đoàn
của ngài sáng lập đã được Tòa Thánh chuẩn nhận.
Lời Bàn
Sau khi Mẹ Angela chết
không lâu, một trong các nữ tu đã nói về ngài như "một hiện thân của
tình yêu tha nhân. Ðối với ngài, chỉ những gì không thể thiếu, thật cần thiết
-- ngoài ra mọi sự là cho tha nhân, và đó là phương châm của ngài... không chỉ
để phô trương, nhưng được thể hiện qua các công việc hàng ngày trong nhiều năm
trường... Sự đau khổ, sự lo âu của
người khác luôn âm vang trong tâm hồn ngài, nhưng đó không phải là một âm vang vô hiệu quả. Với một tiềm năng
đáng khâm phục, dù sức khỏe mong manh, ngài đã đi tìm phương thuốc chữa trị và
luôn luôn tìm thấy. Ngài thi hành việc ấy rất tự nhiên, như thể đó là một bổn
phận của ngài."
Lời Trích
Mẹ Angela có lần khuyên
các nữ tu, "Một kinh 'Sáng Danh' được cất lên khi gặp nghịch cảnh thì
có giá trị gấp ngàn lần lời tạ ơn khi thành công."
(theo tongdosongdaovt.blogspot.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét