Phòng Báo Chí Tòa Thánh công bố chương trình chi tiết chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Assisi ngày 4 tháng 10. Trong dịp này, Đức Thánh Cha sẽ đến viếng mộ Thánh Phanxicô và mộ Thánh Clara. Ngài cũng sẽ gặp những người nghèo và giới trẻ.Vào lúc 7 giờ sáng, máy bay trực thăng chở Đức
Sau đó ngài đến Vương cung thánh đường Thánh Clara, và thinh lặng suy niệm trước Thánh giá Thánh Đamianô.Tiếp theo Đức Thánh Cha đến Vương cung thánh đường Nữ vương các Thiên thần; vào lúc 17g45, Đức Thánh Cha gặp giới trẻ vùng Umbria tại quảng trường và trả lời các câu hỏi.
Chặng cuối cùng, lúc 18g45, Đức Thánh Cha viếng thăm Đền thánh Rivotorto.Cuối cùng Đức Thánh Cha đáp máy bay trực trăng lúc 19g15 và trở về Vatican lúc 20g00. (Vatican Radio).
Năm Đức Tin, tôi đi hành hương đến Assisi, xin gởi đến quý độc giả những ghi nhận từ những nơi hành hương để cùng hiệp thông với Đức Thánh Cha Phanxicô trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tại Assisi.
Phanxicô chào đời vào khoảng cuối năm 1182, tại thành Assisi phía bắc Rôma. Cha của ngài là ông Phêrô Bênađônê, một thương gia chuyên nghề bán len dạ. Mẹ là bà Pica, một phụ nữ hiền đức.Cậu Phanxicô rất hào hoa, lại được gia đình giàu có nuông chiều, nên mặc sức ăn chơi phung phí. Mộng công danh thôi thúc, Phanxicô theo bá tước Gauthie de Brienneur đi chinh phục vùng Apulia, gần thành Assisi. Nhưng ý Chúa nhiệm mầu đã khiến Phanxicô đau nặng và bắt buộc phải trở về quê hương.Lần này, tuy vẫn ăn chơi như trước, nhưng Phanxicô cảm thấy những thú vui xưa kia dần dần mất hết ý nghĩa. Thế rồi Phanxicô đi tìm lý tưởng cao đẹp hơn. Một hôm, lúc đang cầu nguyện trong nguyện đường Đamianô nhỏ bé, Phanxicô nghe tiếng Chúa phán ra từ cây Thánh Giá: “Phanxicô, con hãy đi sửa lại ngôi đền thờ của ta đang đổ nát !”. Phanxicô hiểu câu nói này cách nông cạn, nên tình nguyện đi xin từng viên đá đem về sửa lại các Nhà thờ cạnh Assisi. Trong hai năm, ngài đi hành khất, sống ẩn dật và sửa sang ba nhà thờ đổ nát trong miền Assisi: nhà thờ Thánh Đamianô, nhà thờ Thánh Phêrô và nhà thờ Đức Bà Porziuncula.Phanxicô chưa hiểu rằng, ngôi đền thờ mà Chúa muốn nói chính là Hội Thánh.
Ngày 24-2-1208, đang dữ lễ, Phanxicô nghe được đoạn Phúc Âm: “Các con hãy đi rao giảng Tin Mừng... Các con đừng mang theo tiền bạc, bao gậy...” (Mt 10,10). Phanxicô nhận ra tiếng gọi của Chúa, nên quyết tâm triệt để sống khó nghèo và theo Chúa trên con đường Thập Giá (Mt 19,21; Lc 9,1-6; Mt 16,24). Phanxicô công khai từ bỏ cha ruột của mình để thuộc trọn về Chúa. Ngài từ bỏ những cuộc vui chơi tiệc tùng với bạn bè để đi giúp những người phung cùi, những kẻ vô gia cư và những người bị xã hội khai trừ.Với tình yêu sự khó nghèo, Phanxicô yêu những người nghèo, những bệnh nhân. Ngài nhìn thấy Chúa Giêsu ở nơi họ. Ngài chỉ muốn giống Chúa Giêsu cách trọn vẹn trong khó nghèo, trong tình yêu, trong sự giảng dạy và trong đau khổ.
Lối sống của ngài thu hút trước tiên hai anh bạn đồng hương: anh Bernađô Cantavalê giàu có và anh Phêrô Catanê, nhà giáo luật. Tiếp đó có 9 anh khác nhập đoàn. Họ trở thành 12 "người đền tội" và lữ hành, không nhà cửa hoặc nơi cư trú cố định. Lúc đầu Phanxicô soạn một ít quy luật sống và đã được Đức Giáo Hoàng Innôxentê III chấp thuận bằng miệng; cuối cùng, ngài viết ra bản Luật Dòng Anh em Hèn mọn và đã được Đức Giáo Hoàng Hônôriô III phê chuẩn năm 1223 bằng sắc dụ.
Phanxicô bị giằng co giữa một đời sống tận hiến cho sự cầu nguyện và một đời sống tích cực rao giảng Tin Mừng. Và ngài đã quyết định theo đuổi đường lối sau, nhưng luôn luôn trở về sự tĩnh mịch bất cứ khi nào có cơ hội. Ngài muốn đến truyền giáo ở Syria và Phi Châu, nhưng trong cả hai trường hợp ngài đều bị đắm tàu và đau nặng. Ngài cũng cố gắng hoán cải các vua Hồi Giáo ở Ai Cập trong lần Thập Tự Chinh thứ năm.
Trong những năm cuối cùng của cuộc đời ngắn ngủi (ngài từ trần khi 44 tuổi) ngài gần như mù và đau nặng. Hai năm trước khi chết, ngài được in năm dấu thánh, là những vết thương của Ðức Kitô ở tay chân và cạnh sườn của ngài.Trong giờ phút cuối cùng, ngài lập đi lập lại phần phụ thêm của Bài Ca Anh Mặt Trời, "Ôi lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì người Chị Tử Thần." Ngài hát Thánh Vịnh 141, và khi đã đến giờ lìa đời, ngài xin cha bề trên cho ngài cởi quần áo ra để nằm chết trần truồng trên mặt đất, giống như Ðức Giêsu Kitô.
Ngài qua đời vào ngày 3-10-1226. Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX đã phong ngài lên bậc hiển thánh vào ngày 16-7-1228.
Vương cung Thánh đường nằm ở vùng đồng bằng dưới chân đồi Assisi. Sau khi chụp tấm hình chung đoàn tiến vào Nhà thờ. Bề ngoài trông đơn sơ nhưng bên trong rất rộng cùng với nhiều nhà nguyện nhỏ và nhiều bức tượng tranh ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp.
Trong lòng Nhà thờ có “The Portiuncola”, nơi đây được coi như là nhà mẹ đầu tiên, nơi Thánh Phanxicô lập dòng Anh em hèn mọn.
Ngôi Nhà thờ nhỏ từ thế kỷ thứ 9 là Porziuncola, nơi linh thánh nhất đối với các tu sĩ Phanxicô. Đây là nơi Thánh Phanxicô thời thanh niên tìm hiểu ơn gọi rồi từ bỏ thế gian để sống nghèo khó giữa những người nghèo và bắt đầu phong trào Phan Sinh.
Sau khi thánh nhân qua đời năm 1226, các tu sĩ xây dựng những túp lều nhỏ chung quanh Porziuncola. Năm 1230, một phòng ăn và một số tòa nhà kế cận được thêm vào. Theo dòng thời gian, những mái cổng nhỏ và những phòng ở của các tu sĩ được thêm vào chung quanh Porziuncola. Từ năm 1967 và 1969, trong khi khai quật, người ta đã phát hiện một số cơ sở dưới nền của ngôi Vương cung Thánh đường hiện tại.
Khi khách hành hương đến Assisi ngày càng đông để lãnh nhận “ân xá Assisi", không gian nhỏ bé của Porziuncola đã không còn đủ sức chứa. Nhu cầu là cần phải xây dựng một ngôi nhà thờ mới kết hợp với Porziuncola. Theo lệnh của Đức Giáo Hoàng Piô V (1566-1572), các tòa nhà chung quanh Đền thánh bị tháo gỡ, trừ nguyện đường Transito và căn phòng nơi Thánh Phanxicô qua đời.
Ngày 25 tháng 3 năm 1569, khởi công.Vương cung Thánh đường này được xây dựng theo phong cách Mannerist đến 1679 mới hoàn thành.
Phong cách Mannerist, tiền thân của phong cách Baroque. Hai kiến trúc sư nổi tiếng là Galeazzo Alessi và Vignola thiết kế. Công trình xây dựng tiến triển chậm chạp do thiếu tiền liên tục vì chỉ nhờ vào sự đóng góp địa phương. Mái vòm nằm trên cái trống hình bát giác với tám cửa sổ và những đường gờ trang trí chạy chung quanh, được hoàn thành năm 1667. Công trình xây dựng cuối cùng đã được hoàn thành vào năm 1679. Đến năm 1684, một tháp chuông đã được thêm vào. Ban đầu dự định có một tháp đôi, nhưng tháp thứ hai không được xây dựng.
Ngày 15 tháng 3 năm 1832, động đất đã phá hủy một phần nhà thờ. Đến năm 1836 tái thiết lại dưới sự điều khiển của kiến trúc sư Luigi Poletti. Công trình hoàn thành vào năm 1840. Ông sửa lại mặt tiền theo phong cách tân cổ điển. Khoảng năm 1924 - 1930, Cesare Bazzani đã đưa mặt tiền thánh đường trở lại phong cách Baroque ban đầu. Điêu khắc gia Colasanti đã tạc bức tượng mạ vàng Madonna degli Angeli và đặt trên đỉnh đầu của mặt tiền nhà thờ vào năm 1930.
Ngày 11 Tháng 4 năm 1909, Nhà thờ đã được Đức Giáo Hoàng Piô X nâng lên hàng "Vương Cung Thánh Đường thượng phụ và là nhà nguyện của Đức Giáo Hoàng".
Nhà thờ với 126 mét dài, 65 mét rộng và mái vòm cao 75 mét.
Bên trong Thánh đường có gian giữa và lối đi hai bên với 10 nhà nguyện. Porziuncola nằm dưới mái vòm.
Nội thất Nhà thờ đơn giản nhưng thanh lịch với ít đồ trang trí, hoàn toàn trái ngược lối trang trí các nhà nguyện phụ. Gian giữa và các lối đi được xây dựng lại theo phong cách Doric tân cổ điển do Luigi Poletti thực hiện. Phần bán nguyện phía sau cung thánh là chỗ ca đoàn được làm bằng gỗ vào năm 1689 và được các tu sĩ Phanxicô tạc hình Nhà thờ Chính tòa và bàn thờ Giáo hoàng. Nhà nguyện của Transito có phòng nơi Thánh Phanxicô qua đời, vẫn còn được lưu giữ đến ngày nay.
Rời Vương Cung Thánh Đường chúng tôi theo hướng Foligno đi khoảng 3 km đến Đền thờ Đức Maria Rivotorto là ngôi nhà đầu tiên của các tu sĩ Phanxicô.
3. Đền thánh Đức Maria ở Rivotorto.
Bước vào bên trong Nhà thờ, ngay cửa chính, tôi thấy có hai ngôi nhà cũ kỹ xây bằng đá, trần lợp tôn ximăng rất thấp. Đây là nơi các môn đệ đầu tiên của thánh Phanxicô trú ngụ, sau đó họ di chuyển đến Porziuncola.
Trong ngôi nhà nhỏ bé này, Thánh Phanxicô đã triển khai, áp dụng và viết luật Dòng theo tinh thần đơn sơ, khó nghèo và cầu nguyện.
Năm 1209, từ nơi này, thánh nhân đã khởi hành cùng với 11 người bạn đến Roma yết kiến Đức Giáo Hoàng Innocentê III. Đức Giáo Hoàng đã chấp thuận bằng miệng Luật dòng của ngài. Đến năm 1223, Đức Giáo Hoàng Onorio III đã chuẩn y Luật dòng.
Hai ngôi nhà nhỏ này có lẽ không phải là hai ngôi nhà nguyên thủy vào năm 1200, nhưng là kết quả của việc tái cấu trúc lại ngôi nhà từ năm 1445 do tu sĩ Monk Francecso Saccardo thực hiện. Linh mục Tổng đại diện ở Assisi đã cho phép xây dựng ngôi nhà nguyện để cử hành Thánh Lễ.
Ngôi nhà thờ hiện tại được xây dựng lại theo phong cách Gothic sau trận động đất năm 1854, nó thuộc quyền sở hữu của dòng Phanxicô thuộc phái Conventual (tuân thủ) có nhà dòng nằm bên cạnh.
Chúng tôi tiếp tuc thăm nhà thờ Thánh Đamianô, nơi thánh Phanxicô lập tu viện cho dòng Clara. Xuôi theo con dốc gần cây số, 2 bên đường là vườn ôliu, tôi thấy tu viện Đamianô đơn sơ và thanh thoát.
4. Nhà Thờ Thánh Đamianô
Nơi đây, Thánh Phanxicô gặp gỡ Chúa Giêsu. Thánh nhân đã cầu nguyện tại San Đamiano ngay tại thời điểm Nhà thờ bị hư hại. Thánh Phanxicô đã nhìn thấy hình ảnh Chúa Kitô chịu đóng đinh sống động. Chúa với ngài: "Phanxicô, con không thấy ngôi nhà của Ta đổ nát hay sao, hãy đứng lên và khôi phục nó lại!". Thánh Phanxicô đã sửa chữa lại nhà thờ San Đamiano. Sau đó, thánh nhân hiểu rằng sứ điệp của Chúa nói với ngài là phục hồi lại Giáo Hội hơn là sửa chữa ngôi thánh đường San Đamiano.
Cây Thánh Giá mà từ đó Chúa Giêsu nói với Thánh Phanxicô được coi như là cây Thánh giá Thánh Đamiano. Hiện nay cây Thánh giá đang được treo tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Clara.
Chúng tôi thăm phòng nguyện, thăm nhà cơm nơi đặt bình hoa là chỗ ngồi hàng ngày của Clara. Lên gác thăm phòng ngũ thấy các Nữ tu sống khổ hạnh trong những phòng quá nhỏ bé nghèo nàn.
Từ Tu viện đi bộ lên dốc cao, rồi đi thang cuốn lên một dốc cao hơn chúng tôi đi đến Vương cung Thánh đường Clara.
Vương cung Thánh đường Thánh Clara được xây dựng theo phong cách Gothic Ý giữa 1257 và 1265. Vật liệu kiến trúc là loại đá màu hồng được chiết xuất từ các mỏ đá của núi Subasio. Trong Đền thờ có những bức bích họa quý giá với niên đại vào khoảng từ thế kỷ XII đến thế kỷ XIV.
Bên phải có nhà nguyện, nhiều người đang chiêm ngắm tượng Chúa chịu nạn. Theo truyền thống, tượng chịu nạn này đã mời gọi Phanxicô “vực dậy Giáo Hội” ở Nhà thờ Thánh Đamiano.
Nhà nguyện này là di tích còn lại của ngôi Nhà thờ trước đó kính Thánh Giorgio.
Từ bên trái cung thánh có lối xuống tầng hầm. Nơi đây có phần mộ đặt thi hài thánh Clara. Ở đây lưu giữ một số di tích đặc biệt, trong đó có áo dòng của Thánh Phanxicô và tu phục của Thánh nữ Clara.
Từ quảng trường phía trước Đền thờ chúng tôi ngắm nhìn thung lũng Umbrian từ Montefalco tới Perugia trong ánh nắng lên đuổi bớt gió se lạnh đang thổi.
Thánh Clara làm bề trên tu viện trong 40 năm, nhưng có đến 29 năm ngài luôn đau yếu. Vậy mà lúc nào ngài cũng vui vẻ vì cho rằng đó là sự phục vụ Thiên Chúa. Nhiều người cho rằng các nữ tu đau yếu là vì quá khắc khổ. Ngài nói: "Họ nói chúng tôi quá nghèo khổ, nhưng một tâm hồn có được Thiên Chúa vĩnh cửu thì có thực sự nghèo hay không?"
Thánh Clara là người nữ đầu tiên viết luật dòng cho chị em mình. Năm 1252, Đức Giáo Hoàng Innocentê IV đã chính thức phê chuẩn luật dòng của Thánh nữ khi ngài tới ban phép lành cho Dòng "Clarisse" vào ngày 9-8-1253.
Thánh nữ qua đời vào ngày 11-8 -1253. Đức Giáo Hoàng Innocentê IV cử hành lễ tang cho ngài. Chính Đức Giáo Hoàng không muốn hát bộ lễ cầu hồn, ngài cử hành nghi thức thánh lễ các trinh nữ. Chỉ hai năm sau, Clara đã được Ðức Giáo Hoàng Alexander IV phong thánh.
(Có giếng rửa tội nơi thánh Phanxicô và Clara đã được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy; trong Nhà thờ còn có tượng Pietà theo nghệ thuật của Đức vào thế kỷ XV).
Vương cung Thánh đường Thánh Rufino có tầm mức quan trọng trong lịch sử của dòng. Thánh Phanxicô, Thánh Clara và nhiều đệ tử ban đầu của Thánh nhân đã được rửa tội tại đây khi nghe Thánh Phanxicô rao giảng trong nhà thờ này. Năm 1209, Clara cảm động trước sứ điệp của Phanxicô rao giảng và thực hiện lời kêu gọi của ngài.
Nhà thờ được thiết kế theo phong cách Umbrian Roman và được xây dựng trên địa điểm có lưu giữ di tích của Giám mục Rufino tại Assisi, chịu tử đạo vào thế kỷ thứ III. Công trình khởi công từ năm 1140 theo thiết kế của Giovanni da Gubbio. Các dòng chữ ở bên trong vòng cung sau cung thánh đã chứng thực điều này. Có thể cũng chính Giovanni là người đã thiết kế các cửa sổ hoa hồng trên mặt tiền của Nhà thờ Đức Maria Maggiore vào năm 1163.
Năm 1228, trong khi đến Assisi để phong thánh cho Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Gregoriô IX đã thánh hiến bàn thờ. Đức Giáo Hoàng Innocent IV đã khánh thành Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1253.
Mặt tiền Nhà thờ theo phong cách Roma được xây dựng bằng đá lấy từ núi Subasio. Đây là một ví dụ điển hình của phong cách các nhà thờ vào thế kỷ thứ 12 ở vùng Umbria.
Ở bên trong Nhà thờ, giếng rửa tội được đặt ở đầu cánh bên phải Nhà thờ, Thánh Phanxicô đã được rửa tội ở đây vào năm 1182. Thánh nữ Clara được rửa tội ở đây vào năm 1193. Giếng rửa tội được làm bằng một miếng đá granit cổ đại và có một cái đai sắt. Nhà tạm bằng đất nung đỏ có từ năm 1882 nhân dịp kỷ niệm 700 năm ngày sinh của Thánh Phanxicô.
Cánh bên phải là Nhà nguyện Mình Thánh Chúa theo phong cách Baroque (bắt đầu năm 1541 và mở rộng năm 1663), 9 bức tranh tường được cho là vào thế kỷ 17 do họa sĩ Andrea Carlone thực hiện.
Ngôi Nhà nguyện Đức Mẹ An Ủi được xây dựng vào năm 1496.
Vào thế kỷ XIX, bàn thờ chính ở dưới mái vòm hình bát giác thời phục hưng nằm trên di tích của Thánh Rufinô. Ở hai bên có tượng cẩm thạch của Thánh Phanxicô và Thánh Clara do Giovanni Dupré thực hiện.
Có một vài bức tranh do Dono Doni vẻ: Các Thánh thờ lạy Đức Kitô (1555), ở hai bàn thờ hai bên có hai tác phẩm: Hạ xác Chúa (1562) và Chúa bị đóng đinh (1563).
Dưới Vương cung Thánh đường là hầm mộ với quan tài của một người Roma ngoại giáo từ thế kỷ thứ III. Nơi đây có hài cốt của Thánh Rufinô.
7. Francesco Piccolino (nơi sinh của Thánh Phanxicô).
Nơi sinh của Thánh Phanxicô được xem như là một nơi linh thiêng. Sau năm 1250 một thời gian ngắn, Piccardo, con trai của Angelo và là cháu của thánh nhân, đã biến căn phòng lưu trữ này trong ngôi nhà của Thánh Phanxicô thành một nguyện đường. Đến năm 1281, ông đã tôn tạo bên ngoài với một mái vòm lớn. Vào khoảng đầu Thế kỷ thứ 14, dòng chữ Latin được khắc trên mái vòm theo phong cách Gothic này dòng chữ: Đây là nguyện đường có thời là chỗ cho bò và lừa, nơi đó Thánh Phanxicô, tấm gương của thế giới được sinh ra. Bên trong có những bức bích họa chồng lên nhau có niên đại từ cuối thế kỷ thứ 13 và hai thế kỷ kế tiếp đó.
8. Vương Cung Thánh Đường Thánh Phanxicô, di sản thế giới.
Từ vương cung Thánh đường Clara đi bộ hơn cây số là đến Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô. Nổi bật trước mặt tiền Thánh đường là quãng trường rộng xanh mướt những thảm có.
Anh Êlia đã là Phó Tổng Phục vụ từ Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1221. Tại Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1227, ngày 30-5, anh Gioan Parenti, Tỉnh Phục vụ Tỉnh Dòng Tây Ban Nha đã được bầu lên thay anh Êlia và trở thành người kế vị Thánh Phanxicô trong vai trò Tổng Phục vụ Dòng Anh em Hèn mọn.
Cùng năm ấy, ngày 19-3-1227, Đức Hồng Y Hugôlinô, Hồng Y Bảo trợ Dòng, được bầu làm Giáo Hoàng, lấy hiệu là Grêgôriô IX. Một trong các ưu tiên của ngài là tôn vinh Thánh Phanxicô. Ngày 29-4-1228, ngài ra sắc dụ "Recolentes" trong đó ngài loan báo ý định của ngài là cho xây cất một ngôi "nhà thờ đặc biệt" để tôn vinh Thánh Phanxicô, trong đó thi hài Thánh nhân sẽ được cất giữ. Anh Elia được chỉ định làm kiến trúc sư điều hành công trình vĩ đại này, xây một tầng hầm đặt ngôi mộ và một ngôi nhà thờ tu viện.
Ngày 16-7-1228, Đức Giáo Hoàng Grêgôriô IX long trọng phong thánh cho Thánh Phanxicô tại Assisi, và ngày 19-7, sắc dụ phong thánh "Mira circa nos" đã được phổ biến. Trong cùng thời gian ấy, ngài đã đặt viên đá đầu tiên cho ngôi thánh đường mới mà ngài tuyên bố là sở hữu của Đức Giáo Hoàng, và ngài xin anh Tôma Xêlanô viết một cuốn tiểu sử chính thức về Thánh Phanxicô.
Năm 1230, tầng hầm mộ hoặc ngôi thánh đường tầng dưới đã hoàn tất. Hài cốt Thánh Phanxicô được rước về ngôi thánh đường mới ngày 25-5-1230 cách trọng thể. Anh Elia vội vã cất giữ hài cốt trong ngôi thánh đường mới mà Đức Giáo Hoàng tuyên bố là "caput et mater" (đầu và mẹ) của Dòng Anh em Hèn mọn.
Tại Tổng Tu nghị Lễ Hiện xuống 1230, anh Êlia toan tính nắm lấy việc quản trị Dòng, nhưng anh em bầu lại Anh Gioan Parenti. Một ủy ban đã được thành lập trong đó có anh Antôn Padua, đi Rôma xin Đức Giáo Hoàng Grêgôgiô IX một lời giải thích chính thức về Bản luật và Di chúc của Thánh Phanxicô. Đức Giáo Hoàng trả lời bằng sắc dụ "Quo elongati" (28-9-1230), qua đó, cùng với nhiều điều khác, ngài tuyên bố rằng bản Di chúc không buộc anh em phải tuân giữ như một bổn phận, và anh em được phép có một "người trung gian" (nuntius) và "những bạn thiêng liêng" để họ cung cấp cho anh em những nhu cầu cần thiết hằng ngày như Bản luật chung kết ấn định, tuy nhiên anh em không được sở hữu gì, nhưng chỉ được "sử dụng hợp với lời khấn nghèo khó" (usus pauper) những gì anh em đã nhận được.
Tại Tổng Tu nghị Riêti, 1232, Anh Êlia Bombarone được bầu làm Tổng Phục vụ. Anh đã hoàn tất việc xây cất Vương cung Thánh đường Thánh Phanxicô. Một tổng thể kiến trúc to lớn gồm cả một Tu viện rộng rãi cho anh em (Sacro Convento), và nhà ở của Đức Giáo Hoàng.
Chiều dài Đền thờ 80 mét, chiều rộng 50 mét, chiều rộng gian giữa 18 mét. Từ năm 2000, Unesco đã công nhận Đền thờ này là Di sản thế giới.
Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng mang tên Thánh Phanxicô (Basilica Sancti Francisci Assisiensis) là Nhà thờ Mẹ của Dòng Phanxicô tại Assisi. Kế cận với Đền thờ là Tu viện Dòng Phanxicô.
Năm 1228 khởi công xây dựng Đền thờ bên cạnh một ngọn đồi gồm hai phần: Nhà thờ trên và Nhà thờ dưới. Có hầm mộ nơi để phần mộ của Thánh nhân. Phần trang trí bên trong của ngôi Nhà thờ trên theo phong cách Gothic ở Ý. Cả hai nhà thờ trên và dưới được trang trí với các bức bích họa do các danh họa thuộc trường phái La mã và Tuscan vào cuối thời Trung cổ, bao gồm các tác phẩm của Cimabue, Giotto, Simone Martini, Pietro Lorenzetti và của cả Pietro Cavallini. Đặc điểm này nói lên sự phát triển nghệ thuật Italia vào thời kỳ này.
Kiến trúc Đền thờ là một tổng hợp hai phong cách Roman và Gothic. Đền thờ có kiến trúc hình thập giá đơn giản, bên hông trái Nhà thờ có một tháp chuông theo phong cách Roman.
Nhà thờ dưới được xây dựng hoàn toàn theo phong cách Roman, không gian của Nhà thờ đã được mở rộng với một số nhà nguyện ở hai bên. Lối vào chính của gian giữa nhà thờ thông qua một ô cửa Gothic trang trí công phu được xây dựng giữa những năm 1280 và 1300.
Nhà thờ trên với mặt tiền gạch trắng và có một cánh cửa chính lớn theo phong cách Gothic. Phần phía trái của mặt đứng ta có thể nhìn thấy từ cả hai sân trước của Nhà thờ trên và Nhà thờ dưới thì lại theo phong cách Baroque, khi Đền thờ này được nâng lên hàng Vương cung Thánh đường vào năm 1754.
Bên trong của Nhà thờ trên vẫn mang hình chữ thập theo sự thiết kế của thầy Elias
Đền thờ này mang đặc trưng của kiến trúc nhà thờ Ý, những bức bích họa có sớm nhất nằm ở Nhà thờ dưới. Có nhiều nghệ sĩ trong đó có những người nổi tiếng như Cimabue và Giotto, nhưng cũng có nhiều nghệ sĩ không được biết đến thực hiện những công trình nghệ thuật này.
Trên cung thánh mái vòm cung thứ hai có những bức tượng bán thân Chúa Giêsu đối diện với Thánh Phanxicô và Đức Trinh nữ đối diện với Thánh Gioan Tẩy Giả. Mái vòm cung ở cửa ra vào có bốn vị Tiến sĩ Giáo Hội: Thánh Gregoriô đối diện với Thánh Giêrônimô, Thánh Ambrosio đối diện với Thánh Augustinô.
Phía tây của cánh ngang có nhiều bức bích họa của Cimabue trong đó có bức bích họa tráng lệ mang tên cuộc đóng đinh, trong đó Thánh Phanxicô quỳ gối tại chân cây Thánh Giá để tôn thờ cuộc Khổ nạn của Đức Kitô.
Có một loạt 28 bức bích họa do họa sĩ Giotto thời trẻ thực hiện dọc theo phần dưới của gian giữa. Họa sĩ này dựa theo tác phẩm Legenda Maior của thánh Bonaventure viết tiểu sử thánh Phanxicô (1266) để tái tạo lại những sự kiện lớn trong đời sống của thánh nhân. Những bức họa này mang nét sinh động như thể Giotto là chứng nhân những sự kiện chính này. Nhưng việc coi Giotto là tác giả những bức họa này còn đang trong vòng tranh cãi, người ta nghĩ rằng ít nhất có 3 họa sĩ riêng biệt sử dụng khái niệm nguyên thủy của Giotto để vẽ những bức họa này.
Mặt tiền của Vương cung Thánh đường có một cổng ra vào theo phong cách Gothic
Tu sĩ Êlia đã thiết kế Nhà thờ dưới như là một hầm mộ rất lớn giống như những phần mộ bằng đá cứng ở Syria.
Trên các cửa ra vào là một cửa sổ lớn kiểu hoa hồng, hai bên là hai cửa nhỏ hơn, người ta gọi chúng là "con mắt của ngôi nhà thờ đẹp nhất trên thế giới". Ugolinuccio da Gubbio (khoảng năm 1550) đã trang trí phần bên trái cánh cửa gỗ, còn một nghệ sĩ vô danh vùng Umbrian thực hiện phần cửa bên phải vào năm 1573. Chúng miêu tả những câu chuyện về đời sống của Thánh Phanxicô, Thánh Clara, Thánh Louis và Thánh Antôn. Trên bức tường bên trái của mái hiên là tượng bán thân của Đức Giáo Hoàng Benedict XIV đã ban cho nhà thờ này tước hiệu Vương Cung Thánh Đường Thượng phụ. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đổi tên Đền thờ này là Vương Cung Thánh Đường Giáo Hoàng của Thánh Phanxicô.
Cổng chính Nhà thờ dưới ăn thông ra một Quảng trường nhỏ, dọc hai bên quảng trường là hai hành lang có mái che và có hàng cột. Đức Chân phước Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có sáng kiến tổ chức buổi cầu nguyện liên tôn mỗi năm một lần tại quảng trường này. Ngài mời đại diện các tôn giáo lớn trên thế giới đến cùng cầu nguyện với nhau cho hòa bình thế giới. Truyền thống được các đấng kế vị tiếp tục cho đến ngày nay. Nhờ đó, nhiều người trên thế giới biết đến quảng trưởng nhỏ này trong khu vực nhà dòng cạnh Đền thờ.
Chúng tôi dâng lễ tại Nhà thờ trên, sau đó mọi người thinh lặng xuống Nhà thờ dưới quỳ cầu nguyện trước phần mộ thánh Phanxicô. Tham quan nhiều nhà nguyện nhỏ và những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong thư gửi Dòng Phanxicô nhân dịp lễ sinh nhật lần thứ 800 của vị Thánh Nghèo đã viết rằng, “trong suốt giòng lịch sử, thiên hạ vẫn luôn luôn ngưỡng mộ và yêu mến Thánh nhân vì họ thấy thực hiện nơi ngài một cách lạ lùng, điều mà họ ao ước cho mình, trên hết mọi sự trong đời: đó là niềm vui, sự tự do, hòa bình, hòa thuận và hòa hợp giữa loài người và giữa các dân tộc”.
Lm Giuse Nguyễn Hữu An10/2/2013(VIETCATHOLIC)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét