Trang

Thứ Sáu, 5 tháng 6, 2015

06-06-2015 : THỨ BẢY TUẦN IX MÙA THƯỜNG NIÊN

06/06/2015
Thứ Bảy sau Chúa Nhật 9 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm I) Tob 12, 1-5.20
"Tôi phải trở về cùng Ðấng đã sai tôi; còn các ngươi hãy chúc tụng Thiên Chúa".
Bài trích sách Tobia.
Trong những ngày ấy, Tobia kêu con trai lại và hỏi rằng: "Chúng ta phải tặng cái gì cho người thánh thiện đi với con?"
Rồi cả hai cha con gọi thiên thần đến và đưa người ra chỗ riêng và xin người vui lòng nhận một nửa những gì đã mang về.
Bấy giờ người bảo nhỏ hai cha con rằng: "Các người hãy chúc tụng Chúa trời, và tuyên xưng Người trước mặt mọi sinh vật, vì người tỏ lòng từ bi đối với các người.
Bởi chưng, giữ kín sự bí mật của nhà vua là một việc tốt, nhưng công bố và tuyên xưng các kỳ công của Thiên Chúa là một vinh dự, cầu nguyện, ăn chay, bố thí, thì tốt hơn là cất giấu kho vàng, vì việc bố thí cứu khỏi chết, tẩy sạch tội lỗi, mang lại lòng từ bi và sự sống đời đời.
Còn những ai phạm tội và làm điều gian ác, thì là thù địch của linh hồn mình.
Vậy tôi tiết lộ cho các người biết sự thật, và không giữ kín câu chuyện bí mật với các người nữa: Khi ông than khóc cầu nguyện, chôn xác kẻ chết, bỏ cơm trưa, và ban ngày giấu xác chết trong nhà, rồi ban đêm mang đi chôn, chính tôi đã dâng lời nguyện của ông lên cùng Chúa.
Và vì ông đã được đẹp lòng Chúa, nên cần phải có thử thách để thanh luyện ông.
Nay Chúa sai tôi đến để chữa ông và cứu Sara con dâu của ông khỏi ma quỷ.
Vì tôi là thiên thần Raphael, một trong bảy thiên thần chầu chực trước mặt Chúa.
Vậy đã đến lúc tôi phải trở về cùng Ðấng đã sai tôi; còn các người hãy chúc tụng Thiên Chúa và cao rao mọi việc kỳ diệu của Người".
Ðó là Lời Chúa.

Ðáp Ca: Tob 13, 2, 6, 7, 8
Ðáp: Lạy Chúa, Chúa cao cả muôn đời. (1b)
Xướng 1) Chúa trừng phạt, rồi Chúa lại tha thứ; Chúa đẩy xuống âm phủ, rồi lại đem ra; và không một ai thoát khỏi tay Chúa. - Ðáp.
2) Hãy ngắm nhìn những việc Chúa làm cho chúng ta, hãy tuyên xưng Người với lòng cung kính và run sợ, hãy suy tôn vua muôn đời trong những việc làm của các ngươi. - Ðáp.
3) Tôi tuyên xưng Người nơi tôi bị lưu đày, vì Người tỏ ra uy quyền trước dân phạm tội. - Ðáp.
4) Hỡi tội nhân, hãy sám hối ăn năn, hãy thực hiện sự công chính trước mặt Thiên Chúa, hãy tin rằng Người tỏ lòng từ bi với các ngươi. - Ðáp.

Alleluia: Ga 15, 15b
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.

Phúc Âm: Mc 12, 38-44
"Bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm nhặt hơn". Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bá goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tín thác vào Chúa
Một văn sĩ Mỹ kể lại giai thoại như sau: Hôm đó là Chúa Nhật, ông đi tham dự buổi nói chuyện của một nhà truyền giáo. Nhà truyền giáo nói năng rất hùng hồn, những nỗi thống khổ của người dân bản xứ mà nhà truyền giáo kể lại đã khiến cử tọa cảm động sâu xa. Văn sĩ kể về mình thế này: Khi nhà truyền giáo kêu gọi sự giúp đỡ, tôi định bỏ vào giỏ một đôla; nhưng giọng nói của ông cảm động đến độ tôi định tăng lên năm đôla, và ngay cả ký một chi phiếu. Thế rồi, nhà truyền giáo tiếp tục phóng đại nỗi thống khổ của người bản xứ; ông cứ nói mãi, nói mãi, đến nỗi mọi người không còn muốn nghe nữa. Tự nhiên tôi có ý định rút lại việc ký ngân phiếu, rồi từ từ giảm xuống năm rồi còn một đôla, và cuối cùng khi nhà truyền giáo chấm dứt bài thuyết trình và cái giỏ tiền được chuyền đến tay tôi, thì tôi chỉ bỏ vào đó có mười xu.
Giai thoại trên đây có thể gợi cho chúng ta thái độ cầu nguyện của các luật sĩ và biệt phái mà Chúa Giêsu đã không ngừng lên án. Họ nới rộng thẻ kinh và làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Thái độ cầu nguyện này phát xuất từ một quan niệm có tính cách bùa chú về Thiên Chúa. Họ tưởng rằng Thiên Chúa là một vị Thần mà người ta có thể hối lộ hoặc kích thích lòng quảng đại bằng những việc đạo đức của họ. Họ áp dụng cho Thiên Chúa sự tính toán hơn thiệt dựa trên sự công bình: có vay có trả, có qua có lại của con người. Chính quan niệm ấy đã khiến nhiều người xem sự giàu sang phú quí là một chúc lành của Thiên Chúa, còn tai họa rủi ro là một trừng phạt vì tội lỗi; từ đó người ta tự phụ về những công đức của mình và khinh bỉ những người nghèo hèn và những người tội lỗi.
Chúa Giêsu đến để mạc khải cho con người một Thiên Chúa khác biệt. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa yêu thương mọi người, ngay cả và nhất là những người kém may mắn nhất trong xã hội. Thiên Chúa của Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà người ta không thể giới hạn vào một số công thức bùa chú. Thiên Chúa mà lòng quảng đại vượt trên mọi tính toán cân lường của con người.
Mạc khải cho chúng ta một Thiên Chúa như thế, Chúa Giêsu muốn chỉ cho chúng ta một thái độ đúng đắn phải có, đó là lòng tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Lòng tín thác ấy luôn luôn mời gọi chúng ta nhìn vào mọi biến cố cuộc sống với tất cả tin tưởng lạc quan. Khi có một cánh cửa nào đó trong căn nhà của cuộc sống chúng ta bị đóng lại, thì Thiên Chúa lại mở ra những cánh cửa khác. Thiên Chúa không bao giờ bỏ cuộc và bỏ rơi chúng ta; ngay cả khi đứng trước tội lỗi chúng ta, Ngài cũng không thất vọng, nhưng vẫn luôn luôn tìm một lối thoát tốt đẹp hơn cho chúng ta.
Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta bằng một tình yêu không thể đo lường, tính toán. Xin cho từng tâm tư và suy nghĩ của chúng ta là một lời tri ân cảm tạ Chúa vì xác tín rằng bàn tay quan phòng của Chúa đang làm những điều kỳ diệu cho chúng ta.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 9 TN1, Năm lẻ
Bài đọc: Tob 12:1, 5-15, 20; Mk 12:38-44.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Làm thế nào để sống mối liên hệ với Thiên Chúa?
Trong tương quan giữa người với người, mối liên hệ nào cũng đòi phải có hai chiều: chiều cho đi và chiều nhận lại; thì mới thăng bằng và tiến triển được. Trong mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người cũng thế, Thiên Chúa sẽ yêu thương, chúc lành, bảo vệ ... nếu con người yêu thương Thiên Chúa, và tuân giữ những gì Ngài dạy. Ngược lại, nếu con người không yêu thương và ăn ở theo đường lối của Thiên Chúa, Ngài sẽ để mặc họ cho kẻ thù tha hồ tấn công tứ phía.
Các Bài Đọc hôm nay mở mắt cho chúng ta phải luôn biết sống đúng đắn mối liên hệ với Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thiên sứ Gabriel sau cùng đã mặc khải cho cha con ông Tobit về căn tính và sứ vụ của ngài được Thiên Chúa trao phó. Đồng thời, thiên sứ cũng mặc khải hai bổn phận quan trọng con người phải chu toàn: (1) phải luôn khen ngợi và chúc tụng danh Chúa, (2) phải luôn ăn ngay ở lành hết mọi ngày trong cuộc sống. Nếu con người chu toàn bổn phận của mình, Thiên Chúa sẽ sai sứ thần bảo vệ và ban muôn ơn lành cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cảnh cáo con người khi làm các việc thờ phượng và khi đóng góp vào nhà thờ. Mục đích của việc thờ phượng là làm thăng hoa mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa, chứ không phải vì bất kỳ lý do nào khác. Mục đích của việc đóng góp là trả lại cho Thiên Chúa những ơn lành Ngài đã đổ xuống trên con người, chứ không phải chỉ là cho đi của dư thừa.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hãy chúc tụng Thiên Chúa về những điều tốt lành Người đã làm cho cha con ông.
1.1/ Bổn phận của con người đối với Thiên Chúa:
(1) Phải luôn ngợi khen Thiên Chúa: Thiên sứ Raphael kín đáo gọi hai cha con lại và nói: "Hãy chúc tụng Thiên Chúa và tuyên xưng Người trước toàn thể sinh linh, về những điều tốt lành Người đã làm cho cha con ông. Hãy chúc tụng và ca ngợi danh Người! Những việc Thiên Chúa đã làm, hãy long trọng tỏ cho mọi người biết. Đừng ngần ngại xưng tụng Người! Giữ kín bí mật của vua là điều tốt đẹp; nhưng công trình của Thiên Chúa, thì phải tỏ bày và long trọng xưng tụng." Việc làm của Thiên Chúa khác với việc làm của vua chúa, Ngài chẳng cần chi phải giữ bí mật cả, nhưng muốn cho càng nhiều người biết tới càng tốt.
(2) Phải luôn cố gắng ăn ngay ở lành: Hãy làm điều lành thì cha con ông sẽ không gặp điều dữ. "Cầu nguyện kèm theo đời sống chân thật, bố thí đi đôi với đời sống công chính, thì tốt hơn có của mà ở bất công; làm phúc bố thí thì đẹp hơn là tích trữ vàng bạc. Việc bố thí cứu cho khỏi chết và tẩy sạch mọi tội lỗi. Những người làm phúc bố thí sẽ được sống lâu. Những ai phạm tội ăn ở bất công là kẻ thù của chính mình."
1.2/ Thiên sứ Raphael là khí cụ Thiên Chúa dùng để ban ơn cho cha con ông Tobit và cô Sarah: Thiên sứ nói: "Tôi sẽ tỏ cho ông và con ông biết tất cả sự thật, không giấu diếm chi."
(1) Thiên Chúa có mắt, có tai: Mắt và tai của Thiên Chúa là các thiên-sứ của Ngài; không một điều gì con người nói hay làm mà Thiên Chúa không biết. Chính thiên-sứ Raphael mặc khải cho cha con ông Tobit: "Hãy biết rằng khi ông và cô Sarah cầu nguyện, chính tôi đã tiến dâng những lời cầu nguyện đó lên trước nhan vinh hiển của Đức Chúa, để xin Chúa nhớ đến hai người; tôi cũng làm như vậy khi ông chôn cất người chết. Và khi ông không ngại trỗi dậy, bỏ dở bữa ăn để đi chôn cất người chết, bấy giờ tôi được sai đến bên ông để thử thách ông."
(2) Thiên Chúa có tay để chữa lành: "Thiên Chúa cũng sai tôi chữa lành cho ông và cô Sarah, con dâu ông. Tôi đây là Raphael, một trong bảy thiên sứ luôn hầu cận và vào chầu trước nhan vinh hiển của Đức Chúa."
2/ Phúc Âm: Bà góa này rút từ cái túng thiếu của mình để bỏ vào đó tất cả những gì bà có để nuôi sống mình.
2.1/ Những điều con người cần đề phòng khi làm việc thờ phượng: Mục đích của việc thờ phượng là đưa con người tới Thiên Chúa. Vì thế, phải tránh tất cả những gì chia trí, làm ngăn cản con người không hoàn toàn kết hợp với Thiên Chúa. Một số các chia trí được Chúa Giêsu liệt kê:
(1) Thói thích phô trương quần áo: "Anh em phải coi chừng những ông kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính trong bộ áo thụng." Điều này có thể được áp dụng cho cả các linh mục và giáo dân thời nay: có nhiều người chú trọng đến quần áo bên ngoài hơn những chuẩn bị trong tâm hồn để gặp gỡ Chúa.
(2) Thói thích được chào hỏi, khen ngợi: Có những người "thích được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng." Nhiệm vụ của tư tế là đưa con người đến với Thiên Chúa. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông vẫn chỉ là người đầy tớ vô dụng của Thiên Chúa: ông hoàn thành bổn phận đã được Thiên Chúa trao cho ông để làm (Lk 17:10). Thói quen này có thể ngăn cản các ngôn sứ nói lời của Thiên Chúa, mà chú trọng đến nói những gì để người khác khen và vỗ tay tán thưởng.
(3) Thói thích được danh dự: "Họ ưa chiếm ghế danh dự trong hội đường, thích ngồi cỗ nhất trong đám tiệc." Con người háo danh thường thích được điều này. Người sứ giả của Thiên Chúa được khuyến khích làm ngược lại, vì: "Ai nâng mình lên sẽ bị hạ xuống."
(4) Lợi dụng việc đạo đức để kiếm tiền: "Họ nuốt hết tài sản của các bà goá, lại còn làm bộ đọc kinh cầu nguyện lâu giờ. Những người ấy sẽ bị kết án nghiêm khắc hơn." Việc lạm dụng các Bí-tích để kiếm lợi nhuận cho cá nhân đã từng xảy ra, và bị kết án nặng nề trong thời Phục Hưng.
2.2/ Khi cho đi, không phải chỉ cho của dư thừa: Đa số người Việt-nam chúng ta quan niệm không đúng về việc bỏ tiền vào nhà thờ, ví dụ hôm nay cho chúng ta một cái nhìn đúng đắn về bổn phận đóng góp vào Nhà Chúa. Đức Giêsu ngồi đối diện với thùng tiền dâng cúng cho Đền Thờ. Người quan sát xem đám đông bỏ tiền vào đó ra sao:
(1) Phải đóng góp bằng của cần dùng:
+ Người giầu: Chúa nhìn thấy có lắm người giàu có bỏ thật nhiều tiền, nhưng Chúa không khen họ khi Ngài nói: "Quả vậy, mọi người đều rút từ tiền dư bạc thừa của họ mà đem bỏ vào đó."
+ Có một bà goá nghèo: Bà đến bỏ vào đó hai đồng tiền kẽm, trị giá một phần tư đồng xu Rôma. Đức Giêsu liền nói với các môn đệ: "Thầy bảo thật anh em: bà goá nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn ai hết; vì bà này rút từ cái túng thiếu của mình mà bỏ vào đó tất cả tài sản, tất cả những gì bà có để nuôi sống mình."
(2) Phải tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Luật Do-thái nói rõ, dân chúng phải đóng góp 10% những gì họ thu thập được; ví dụ, nếu một tuần thu thập được 400 đồng, tiền bỏ vào nhà thờ sẽ phải là 40 đồng, nhưng rất ít người thời nay có được thói quen này. Một điều con người cần tập là tin tưởng nơi sự quan phòng của Thiên Chúa: Nếu con người bác ái cho đi, Thiên Chúa nhân từ sẽ rộng lượng cho lại; nhưng nếu con người cứ bo bo giữ của, làm sao họ có kinh nghiệm sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa?
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta không chỉ thờ phượng Thiên Chúa bằng những lời ca ngợi; nhưng còn phải tỏ tình yêu chân thành bằng việc giữ các điều răn của Ngài.
- Khi làm việc thờ phượng, chúng ta phải chú trọng đến chiều kích tâm linh. Đừng để bị chia trí và lôi cuốn vì người khác hay vì những lợi nhuận vật chất.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

06/06/15 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Th. Nô-be-tô, giám mục
Mc 12,38-44

Suy niệm: Từ buổi đầu tạo dựng, ông bà nguyên tổ đã vì kiêu ngạo muốn ngang bằng Thiên Chúa nên đã phạm tội bất tuân: “Ngày nào các người ăn nó mắt các người sẽ mở ra và các người sẽ nên như Thiên Chúa biết cả tốt xấu” (St 3,5). Cho đến ngày nay, thói ‘chơi trội’, thích nổi hơn người vẫn luôn ám ảnh con người, dù được bọc gói trong những dáng vẻ ‘hợp lý’ hơn: được người ta ghi tên lên bảng vàng khi đóng góp với con số không nhỏ; một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp... Bao nhiêu hình thức tôn vinh của xã hội hôm nay đã tạo nên những ông kinh sư hiện đại, những ông kinh sư ấy chẳng trừ ai: người đi tu lẫn kẻ ở đời; kẻ nghèo lẫn người sang; nam phụ lão ấu đều có tất tần tật. Lời cảnh báo của Chúa thật đúng cho chúng ta hôm nay biết bao.
Mời Bạn: Bạn và tôi không dễ trốn thoát cái cám dỗ về đường danh vọng ấy đâu. Trong tôi và bạn luôn ẩn tàng cái tính thích được công kênh ấy như thể là vết tích của tội nguyên tổ vậy. Bạn và tôi hãy nỗ lực để sống tự hạ hết sức có thể, để không bị biến thành 'kinh sư giả hình' Bạn nhé.
Chia sẻ: Mỗi khi làm được một việc tốt, Bạn hãy tự vấn với chính mình đó có phải là việc của 'kinh sư' hay là việc của 'con Chúa' ?
Sống Lời Chúa: Tâm niệm: “Chúng con chỉ là đầy tớ vô dụng, chỉ làm việc bổn phận mà thôi” (Lc 17,10).
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã sống tự hạ đến chết trên thập giá. Xin cho con biết khiêm tốn trong mọi sự, để con nên họa ảnh của Chúa hơn là hình ảnh của kinh sư giả hình. Amen.

Tất cả những gì bà có 


Suy nim:
Bài Tin Mừng hôm nay đặt bên nhau hai hình ảnh trái ngược.
Một bên là các kinh sư, một bên là một bà góa.
Chúng ta được mời gọi nhìn cách hành xử bên ngoài của họ,
từ đó thấy được thái độ nội tâm của mỗi bên.
Các kinh sư thuộc về giới lãnh đạo cấp cao của Do thái giáo.
Trong một xã hội được chi phối toàn diện bởi Luật Môsê,
thì những người giỏi Luật như các kinh sư đóng vai trò rất quan trọng.
Họ có nhiều uy tín và ảnh hưởng trên đời sống tinh thần của dân.
Chính vì thế không lạ gì nếu có một số kinh sư đã vấp ngã.
Một người vừa có tri thức, vừa có quyền lực, dễ bị vấp vào thói háo danh.
Đức Giêsu nêu lên một vài nét chấm phá về họ.
Trong hội đường, nơi công cộng hay đám tiệc,
họ thích mặc áo thụng, thích được chào, thích chỗ cao.
Nói chung, họ thích mình trở nên trung tâm chú ý của người khác.
Hiểu biết của họ về Lời Chúa sau bao năm học tập
lại trở nên phương tiện để họ tìm vinh danh cho mình thay vì cho Chúa.
Tệ hơn nữa, họ lại mang bộ mặt đạo đức khi giả vờ đọc kinh dài.
Với uy tín và sự giả hình khéo léo, họ nuốt chửng nhà của các bà góa.
Ngược với hình ảnh của một vị kinh sư cao trọng, quyền uy
là chuyện một bà góa nghèo bỏ tiền vào hòm dâng cúng.
Đức Giêsu cố ý ngồi gần để quan sát người giàu kẻ nghèo bỏ tiền.
Ngài muốn dạy các môn đệ một bài học lớn khi gọi họ lại
và khẳng định rằng bà góa này đã bỏ nhiều hơn mọi người khác,
mặc dù bà chỉ bỏ vào thùng số tiền rất nhỏ.
Nhưng cái rất nhỏ này lại là tất cả những gì bà có, tất cả của nuôi thân.
Hẳn các môn đệ ngỡ ngàng vì cách đánh giá ấy của Thầy,
cũng là cách đánh giá con người của Thiên Chúa.
Ngài đánh giá theo tấm lòng, chứ không theo lễ vật.
Ngài không mãn nguyện với của dư thừa, nhưng Ngài đòi tất cả.
Tất cả của bà góa là hai đồng kẽm, thuộc đơn vị tiền tệ thấp nhất.
Hóa ra người túng thiếu cũng có thể dâng chính cái nghèo của mình.
Một kinh sư có học thức, có vai vế và bề ngoài có vẻ đạo đức
khác với bà góa cô thân cô thế và túng nghèo,
ở chỗ ông quay vào mình, loay hoay với tiếng tăm và lợi nhuận của mình.
Còn bà thì quay về phía Thiên Chúa,
với thái độ quảng đại, tin tưởng, phó thác và liều lĩnh.
Chúng ta ai cũng có hai đồng kẽm.
Đừng mặc cảm khi phải bỏ đồng tiền nhỏ nhoi vào hòm tiền,
nếu quả thực chúng ta chỉ có hai đồng kẽm.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG SÁU
Những Hữu Thể Siêu Việt
Công Đồng Vatican II nói về nguồn gốc con người trong công cuộc sáng tạo: “Con người duy nhất với xác và hồn. Xét về thể xác, con người là một tổng hợp những yếu tố thuộc thế giới vật chất. Vì thế nhờ con người mà những yếu tố ấy đạt tới tuyệt đỉnh của chúng” (MV 14).
Rồi sau đó, các Nghị Phụ của Công Đồng tuyên bố: “Thực vậy, con người không lầm lẫn khi họ nhận biết mình cao cả hơn vũ trụ vật chất và không coi mình chỉ như một mảnh vụn của thiên nhiên… Bởi vì, nhờ có nội giới, con người vượt trên mọi vật.”
Như vậy. ta thấy rằng sự thật về duy nhất tính và lưỡng diện tính của bản tính con người có thể được trình bày bằng một ngôn ngữ có thể hiểu được đối với thế giới ngày nay.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 06-6
Thánh Norbertô, giám mục
Tb 12, 1.5-15.20; Mc 12, 38-44

LỜI SUY NIỆM: “Phải coi chừng các kinh sư”.
Chúa Giêsu đang mời gọi tất cả chúng ta phải coi chừng các kinh sư, hãy để ý những dáng vẻ đạo mạo, đạo đức bên ngoài của họ, và xem họ có sống đúng thật những gì họ đã nói, đã dạy? Những điều này cần phải quan tâm. Quan tâm để cầu nguyện, cảm thông và nâng đỡ; đồng thời cũng giúp cho bản thân thấy được sự giả hình là xấu, để xa tránh, không vấp phạm. Giúp cho cả cộng đoàn ngày càng sống tốt đẹp hơn. Mỗi cộng đoàn cũng đang cần có những con người đóng góp phần của mình, mỗi khi đóng góp cần có thái độ khiêm tốn và thật lòng như: “Bà góa nghèo” mà Chúa Giêsu đang khen.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa đang nhắc cho chúng con biết tránh xa những cái đạo đức giả, những dáng vẻ hình thức bên ngoài; nhưng phải sống trung thực với chính mình, với Chúa và với người anh em. Xin Chúa ban cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết sống khiêm tốn với hết mọi người, để tránh được những hình thức bên ngoài, cũng như khi dâng cúng và làm việc bác ái xã hội với lòng yêu mến chân thành của mình.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 06-06: Thánh NÔBERTÔ
Giám Mục (1080 - 1134)

Thánh Noberto sinh khoảng năm 1080 tại Xanten, Ngài là con út trong một gia đình vương giả và có họ với nhà vua. Theo truyền thống cao thượng, Ngài đã được dự tính cho làm linh mục. Nhưng thời còn niên thiếu, Noberto đã sống quá xa lý tưởng. Giàu có của cải cũng như dồi dào sinh hư, lại có bản chất dễ dãi, Noberto cho mình vào những buổi lễ linh đình và những cuộc vui chơi thế gian. Không bao giờ một ý tưởng đứng đắn lại có thể xóa tan được những ảo tưởng Ngài nuôi dưỡng trong lòng.
Điều may mắn là khi ham vui như vậy, Ngài vẫn không sao nhãng việc học hành. Nhờ vậy, Noberto thông hiểu mọi khoa học, vua Henty mến chuộng Noberto và thâu dụng vào triều đình. Tuy nhiên Noberto vẫn tiếp tục nếp sống xưa. Biết rằng: chỉ có nhân đức mới mang lại hạnh phúc cho tâm hồn, nhưng Noberto lại yêu chuộng "xiềng xích" và không can đảm bẻ gãy được.
Một ngày kia Noberto cỡi ngựa đến một làng ở miền Wesphale. Ngài dẫn theo một giai nhân đi tìm thú vui. Khi đến giữa một đồng cỏ thì một cơn giông tố nổi lên sấm chớp dữ dằn. Khó tìm được một nơi trú ngụ, nên Ngài phi ngựa nước rút mong sớm tới đích. Nhưng một cú sét đánh ngay vào chân ngựa. Con vật hoảng hốt hất tung Kỵ sĩ xuống đất. Noberto nằm bất tỉnh tại chỗ như chết trong một giờ. Tỉnh dậy Noberto kêu lên như thánh Phaolô ngày trước: - Lạy Chuá, Chúa muốn con làm gì ?
Một tiếng nói bên trong đáp lại: - Hãy tránh sự dữ và làm điều lành.
Noberto chỗi dậy và quyết đền bù đời sống đã qua. Khi trở lại triều đình , Ngài trở về Xanten, sống những thinh lặng nội tâm, mặc áo nhặm và dành trọn thời gian cho viêc suy gẫm cầu nguyện. Từ đó, Ngài đã không còn đặt một giới hạn nào cho bậc trọn lành nữa, Ngài đã dành hai năm sám hối để dọn mình chịu chức linh mục và chỉ dâng thánh lễ đầu tiên sau 40 ngày chuẩn bị trực tiếp, Ngài bán hết mọi của cải, phân phát cho người nghèo rồi đi chân không đến xin Đức giáo hoàng ban quyền cho đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi. Những bài giảng nhất là chính đời sống gương mẫu của Ngài đã tạo nên được nhiều cuộc hối cải là lùng. Chính trong khi thực hiện nỗ lực tông đồ này mà thánh Noberto đã thiết lập tu viện ở Premontré, thường được gọi là dòng áo trắng.
Năm 1126, Noberto được đặt làm Tổng giám mục tại Magdburg. Đức tân giám mục vẫn không giảm bớt khắc khổ đi chân không, Ngài nỗ lực đổi mới giáo phận với nhiệt tâm của một thánh nhân bậc nhất. Trong nỗ lực ấy, Ngài phải chịu dựng biết bao là khó khăn, người ta tìm cách cản trở đến độ muốn mưu sát Ngài, nhưng lòng quả cảm và sự nhẫn nại đã đưa Ngài tới thành công. Trong một ít năm, Ngài đã sửa lại được những lạm dụng và làm cho mọi chỗ nên đạo đức hơn. Ngài thường nói: - Tôi đã ở trong triều đình đã rút vào đơn độc, đã được dặt nhiều chức vụ, nhưng tôi đã không tìm thấy được điều gì đẹp hơn là được phụng sự Chúa và thuộc trọn về Ngài.
Ở vào địa vị tổng giám mục, thánh Noberto từ đây cũng ảnh hưởng tới Giáo hội ngày càng nhiều hơn. Ngài là bạn của thánh Bernadô và đã giúp đỡ thánh nhân chống lại giáo hoàng giả Anacletus, Ngài cũng đã thành công trong việc chống lại lạc thuyết của Chúa trong bí tích Thánh Thể.
Sau bao nhiêu nỗ lực để đổi mới lòng đạo đức trong giáo phận thánh Noberto qua đời vì kiệt sức vào năm 1134.
(daminhvn.net)

06 Tháng Sáu
Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi
Buổi sáng ngày 06 tháng 6 năm 1966. Trương cao biểu ngữ với tựa đề: Tuần Hành Chống Lại Sợ Hãi, một người da đen 32 tuổi đã bước xuống quốc lộ thứ 51 của thành phố Memphis thuộc tiểu bang Mississipi bên Hoa Kỳ. Tiểu bang Mississipi có tất cả một triệu người da đen. Mặc dù luật pháp Hoa kỳ bảo đảm cho mọi người công dân, không phân biệt chủng tộc và địa vị xã hội, quyền được bỏ phiếu, trong thực tế chỉ có 100 ngàn người da đen đủ can đảm thi hành quyền này. Con số còn lại, vì sợ hãi bởi nhiều sức ép khác nhau đã không dám đi bỏ phiếu.
James Meredith, người thanh niên da đen nói trên, đã tuyên bố: "Chúng ta cần phải giải thoát khỏi những sợ hãi do người da trắng tạo ra. Tôi sẽ tuần hành từ Memphis đến thủ phủ của tiểu bang để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng một người da đen có quyền sống và đi lại, tôi muốn thắng vượt nỗi sợ hãi và những đe dọa do những người phân biệt chủng tộc tạo nên".
Trong phút chốc, nhiều người, kể cả những người da trắng, đã ra khỏi nhà và tuần hành bên cạnh Meredith. Meredith tâm sự với một vị mục sư đi bên cạnh như sau: "Thoạt tiên, tôi định mang theo một khẩu súng. Nhưng cuối cùng, tôi quyết định mang theo một khí giới duy nhất: đó là quyển Kinh Thánh".
Meredith dự định băng qua 350 cây số để đến tiểu phủ của tiểu bang, nhưng chưa đầy một ngày đường, anh đã bị một người da trắng quá khíh bắn ngã gục. Phát súng định mệnh đó làm rung động toàn thể nước Mỹ.
Giữa lúc Meredith đang nằm điều trị tại một nhà thương, từng đoàn người đến thăm và ủng hộ sáng kiến của anh. Sự sợ hãi giờ đây nhường chỗ cho một phong trào đang vươn lên với đầy khí thế...
Mục sư Martin Luther King, giải thưởng Nobel về Hòa Bình và là thủ lãnh của phong trào tranh đấu bất bạo động của người da đen tại Hoa Kỳ, đã ngỏ lời với từng trăm ngàn người đang đứng trước cửa bệnh viện Memphis như sau: "Cuộc tuần hành chống lại sợ hãi sẽ không bao giờ chấm dứt. Chúng ta sẽ xuống đường lại ngay mà nơi Meredith đã bị bắn gục. Con đường từ Memphis đến Jackson chỉ dài độ 350 cây số. Nhưng xiềng xích của sợ hãi và đe dọa mà chúng ta muốn bẻ gãy lại còn dài gấp bội".
Những người da đen bên Hoa Kỳ đã phải trải qua những năm tháng dài dưới sự đe dọa và sợ hãi. Sợ hãi là tâm trạng thường tình của những ai đang sống trong đe dọa, bất an.
Không biết mình sẽ bị bắt giữ lúc nào, không biết mình sẽ được phóng thích lúc nào, không biết mình có đủ cơm ăn áo mặc cho ngày mai không, không biết tương lai của con em mình sẽ như thế nào, không biết niềm tin của mình rồi ra có còn đứng vững trước những đe dọa không. Từng nỗi hoang mang ấy khiến ai trong chúng ta cũng đã một lần trải qua sợ hãi.
Chúa Giêsu, trong những giây phút nguy ngập nhất đã trấn an các môn đệ của Ngài: "Các con đừng sợ hãi, vì Ta đã thắng thế gian". Nghĩ đến cuộc khổ nạn đang chờ đợi ở trước mắt, Chúa Giêsu đã run rẩy sợ hãi đến độ toát mồ hôi máu. Nhưng cuối cùng, Ngài đã thắng vượt tất cả bằng khí giới của Tình Thương. Tình Thương là sức mạnh của Ngài trong bao thử thách... Meredith đã không mang theo súng đạn để trấn an chính mình, anh chỉ mang theo một quyển Kinh Thánh. Phải, bởi vì Kinh Thánh là biểu hiện của Tình Thương.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét