Trang

Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

01-05-2016 : (phần I) CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH năm C

01/05/2016
Chúa Nhật tuần 6 Phục Sinh năm C
(phần I)


BÀI ĐỌC I:  Cv 15, 1-2. 22-29
"Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđêa đến dạy bảo các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy giờ người ta quyết định là Phaolô, Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ, lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng, để xin giải quyết vấn đề này.
Bấy giờ các Tông đồ, kỳ lão, cùng toàn thể Hội thánh chấp thuận chọn ít người trong các ngài, và sai đi Antiôkia với Phaolô và Barnaba: đó là Giuđa, gọi là Barsaba, và Sila, những vị có uy thế giữa anh em. Các ngài nhờ tay hai ông chuyển bức thơ viết như sau:
"Anh em Tông đồ và kỳ lão chúng tôi kính chào các anh em thuộc dân ngoại ở Antiôkia, Syria và Cilicia. Chúng tôi nghe tin rằng có mấy người trong chúng tôi đã đến nói những lời gây hoang mang và làm cho tâm hồn anh em xao xuyến, chúng tôi không uỷ quyền cho họ, vì thế chúng tôi họp lại, đồng ý chọn một ít người và sai đến anh em làm một với Barnaba và Phaolô, những anh em yêu quý của chúng tôi, tức là những người đã liều mạng sống mình vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi đã sai Giuđa và Sila đến nói miệng với anh em cũng chính những lời này: Thánh Thần và chúng tôi xét rằng không nên đặt thêm cho anh em gánh nặng nào khác ngoài mấy điều cần kíp này là anh em hãy kiêng đồ cúng thần, huyết, thịt thú chết ngạt và gian dâm; giữ mình khỏi các điều đó là anh em làm phải. Chúc anh em vạn an". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA:  Tv 66, 2-3. 5-6 và 8
Đáp: Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài  (c. 4).
Hoặc đọc:  Alleluia.
1) Xin Thiên Chúa xót thương và chúc phúc lành cho chúng con, xin chiếu giãi trên chúng con ánh sáng tôn nhan Chúa, để trên địa cầu người ta nhìn biết đường lối của Ngài, cho chư dân thiên hạ được biết rõ ơn Ngài cứu độ.     -  Đáp.
2) Các dân tộc hãy vui mừng hoan hỉ, vì Ngài công bình cai trị chư dân, và Ngài cai quản các nước địa cầu.     -  Đáp.
3) Chư dân, hãy ca tụng Ngài, thân lạy Chúa, hết thảy chư dân hãy ca tụng Ngài! Xin Thiên Chúa chúc phúc lành cho chúng con, và cho khắp cùng bờ cõi trái đất kính sợ Ngài.     -  Đáp.
BÀI ĐỌC II:  Kh 21, 10-14. 22-23
"Người chỉ cho tôi thấy thành thánh do Thiên Chúa từ trời gởi xuống".
Trích sách Khải Huyền của Thánh Gioan.
Thiên Thần đem tôi lên một núi cao chót vót khi tôi ngất trí, và chỉ cho tôi thấy thành thánh Giêrusalem từ trời nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa. Ánh sáng của nó toả ra như đá quý, giống như ngọc thạch, óng ánh tựa pha lê. Thành có tường lũy cao lớn, trổ mười hai cổng, trên các cổng có mười hai thiên thần, và có khắc tên mười hai chi họ con cái Israel. Phía đông có ba cổng, phía bắc có ba cổng, Phía nam có ba cổng, và phía tây có ba cổng. Tường thành xây trên mười hai móng có khắc tên mười hai tông đồ của Con Chiên. Còn đền thờ, tôi không thấy có trong thành, vì Thiên Chúa toàn năng và Con Chiên là đền thờ của thành. Thành không cần mặt trời, mặt trăng chiếu soi: vì đã có vinh quang Thiên Chúa chiếu sáng nó, và đèn của nó chính là Con Chiên.  Đó là lời Chúa.
ALLELUIA:  Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

PHÚC ÂM:  Ga 14, 23-29
"Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Đấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con.  Nhưng Đấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin".  Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)


SUY NIỆM : Thiên Chúa đã đến cư ngụ nơi những kẻ yêu mến Người
Theo những lời đầu tiên của bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy Chúa đang dặn dò môn đồ những lời cuối cùng trước khi Người ra đi chịu chết. Bầu khí này hợp để hướng lòng chúng ta về ngày lễ Chúa lên trời cử hành trong Chúa nhật sau. Nhưng những lời từ biệt cũng là những cảm tình Chúa để lại mãi mãi nơi Hội Thánh, và nói về Hội Thánh. Hội Thánh đã đón nhận những lời này để trao ban lại cho chúng ta để mọi thế hệ Kitô hữu thi hành ý Chúa mà xây dựng Nước Trời.
Bài Tin Mừng sẽ cho chúng ta thấy Hội Thánh đón nhận Lời Chúa như thế nào; rồi bài sách Công vụ, các Tông đồ sẽ chứng tỏ nhiệt tình của Hội Thánh, thi hành Lời Chúa; và cuối cùng bài Khải huyền sẽ mở ra cho chúng ta được chiêm ngưỡng trước vinh quang của Nước Trời, tức là Hội Thánh sau này nơi Thiên Quốc.

1. Hội Thánh Ðón Nhận Lời Chúa
Tác giả Gioan đã để Chúa Giêsu ngồi nói chuyện lâu với các tông đồ nơi bàn tiệc ly. Ông muốn dùng khung cảnh ấy để câu chuyện được thắm thiết. Mỗi lời môn đệ hỏi là một dịp để Chúa Giêsu dốc hết bầu tâm sự của Người. Ðoạn Tin Mừng hôm nay là Lời Chúa đáp lại câu hỏi của tông đồ Giuđa - không phải là Iscariốt đâu. Nghe Chúa nói: "Ai yêu mến Người thì Người sẽ tỏ mình ra cho người ấy", ông Giuđa liền hỏi: "Tại sao Người sẽ tỏ mình ra cho chúng tôi, chứ không cho thế gian?" Ông đã phát biểu tâm tư của hết mọi anh em, và có thể nói, của mọi người.
Thật vậy, người ta không chờ Ðức Giêsu là Cứu Thế sao? Riêng các môn đệ, họ đi theo Người không phải vì tin rằng Người sẽ tỏ vinh quang của Người ra và họ sẽ được xếp hàng hai bên tả hữu Người sao? Theo quan niệm của mọi người, Ðấng Cứu Thế phải được hiển vinh. Người sẽ lên cao trong xã hội và lấy uy quyền, đức độ của mình mà tái lập sự công chính ở trần gian. Thế mà bây giờ Ðức Giêsu lại bảo Người sẽ chỉ tỏ mình ra cho những kẻ mến Người và giữ lệnh Người. Số người này ít quá. Sau ba năm Người làm việc, số người đó đang ngồi cả ở đây chung quanh bàn Tiệc Ly. Cũng có một số môn đệ khác, đông hơn không có mặt ở đây. Nhưng cũng chưa chắc họ sẽ theo Người mãi mãi. Con số 12 ở đây là chắc hơn cả, ấy là chưa kể lúc này chỉ còn 11, vì tên phản phúc nộp Thầy đã ra đi rồi. Vậy nếu Chúa chỉ tỏ mình cho nhóm 12 này thì vinh quang Ðấng Cứu Thế sẽ như thế nào? Chúng ta phải hiểu thế nào về vai trò Cứu Thế của Ðức Giêsu? Người có phải là Cứu Thế không? Hay là chúng ta phải thay đổi quan niệm cứu thế xưa nay của mình? Câu hỏi của tông đồ Giuđa rất quan trọng. Và chắc chắn ai ai cũng chăm chú chờ đợi câu trả lời.
Chúa Giêsu đã lên tiếng. Người lặp lại ý đã nói: Ai mến Người thì sẽ giữ Lời Người và Cha Người sẽ yêu mến kẻ ấy. Rồi Người tiếp - và đây là lời Người đáp lại câu hỏi của môn đệ: "Chúng ta sẽ đến với nó và sẽ đặt chỗ ở nơi mình nó."
Những ai nhớ Kinh Thánh hẳn đã thấy Chúa trả lời rất đầy đủ và gẫy gọn. Nhưng sợ các tông đồ không thể hiểu hết ý của Người. Thế nên Người còn thêm một ý tưởng tiêu cực để giúp họ dễ hiểu hơn. Người nói: "Ai không mến Ta thì không giữ lời Ta". Và lẽ ra Người đã phải nói thêm: "Và chúng ta sẽ không đến với nó và sẽ không đặt chỗ ở nơi mình nó". để các tông đồ thấy rằng: quả thật Chúa sẽ chỉ tỏ mình ra cho những kẻ mến Người và giữ lời Người mà thôi. Còn kẻ không mến Người và không giữ lời Người sẽ không được Người tỏ mình ra. Là vì lời Người nói không phải của Người nhưng là của Ðấng đã sai Người là Chúa Cha. Nếu người ta từ khước Lời Thiên Chúa thì làm sao Chúa Cha và Người có thể tỏ mình ra cho họ?
Nhưng dù ý Chúa đã khá rõ như vậy, các Tông đồ vẫn chưa thể hiểu hết. Và có lẽ chính chúng ta cũng vậy. Chúng ta hết thảy cần được giải thích thêm. Và đây là công việc của Chúa Thánh Thần mà hôm nay Chúa Giêsu hứa sẽ đến với các tông đồ và nhắc nhở dạy dỗ họ biết mọi sự và hiểu mọi lời Chúa nói. Chúng ta không nên thắc mắc nhiều vì sao Chúa Giêsu đã không làm cho môn đệ hiểu hết và hiểu ngay tức khắc sự thật mà Người muốn nói với họ. Mầu nhiệm của Người cốt yếu nằm trong việc Người tử nạn phục sinh. Việc này chưa xảy đến thì các sự thật về Người khó mà tỏ hiện hoàn toàn được. Trái lại, sau khi đã tham dự việc Người chịu chết và sống lại, người ta mới có khả năng hiểu mọi chân lý cứu độ mà Người thông tri cho họ.
Vậy nhờ ánh sáng của mầu nhiệm Tử nạn Phục sinh chúng ta bây giờ mới lãnh hội được ý nghĩa sâu xa của Lời Chúa đáp lại câu hỏi của tông đồ Giuđa. Ông này muốn biết vì sao Chúa chỉ tỏ mình ra cho môn đệ, chứ không cho thế gian. Ông quan niệm Nước của Chúa phải đến theo ý nghĩa xác thịt. Ông cũng như mọi người cứ tưởng rằng Ðấng Cứu Thế sẽ làm Vua thiên hạ ở đời này... Ðang khi đọc lại lời các tiên tri và theo dõi giáo huấn của Chúa Giêsu từ ngày Người ra đi giảng đạo, chúng ta phải công nhận quan niệm như vậy không đúng tí nào. Ngay từ đầu, khi Chúa gọi các tổ phụ, Người vẫn bảo đảm rằng Người ở với họ. Và đó là dấu hiệu họ được tuyển chọn. Lúc nhờ Môisê tập họp con cái Israen lại thành dân riêng, Người cũng khẳng định sẽ ở với họ nếu họ giữ giao ước của Người. Vẫn biết Người đã ban cho họ những dấu hiệu làm chứng Người ở với họ, như Lều Giao Ước, Hòm Bia Thánh v.v... Nhưng đó chỉ là dấu hiệu và một vài dấu hiệu thôi. Sự hiện diện của Người còn rõ rệt trong nhiều dấu hiệu khác và đặc biệt trong cách Người dẫn dắt lịch sử Israen, như mục tử chăn dắt đàn chiên. Dân Chúa nhận biết Người ở với họ khi Người ra tay cứu họ khỏi kẻ thù hơn là tựa vào những dấu hiệu bề ngoài như Hòm Bia Thánh hay là Lều Giao Ước. Chắc chắn khi thấy Chúa lấy hình lửa, khói vào đầy đền thờ mới xây, Salomon đã cảm tạ Chúa vô vàn vì Người là Ðấng mà cả trời đất không chứa nổi, đã khấng đến ở với dân Người trong đền thờ...
Nhưng rồi Êzêchien đã thấy khói lửa ở đền thờ bốc lên, và đi theo đoàn người lưu đày... Những người có khuynh hướng xác thịt vẫn ước mong được thấy có ngày đền thờ được tái thiết, Chúa lại đến ở với dân trong đền thờ mới... Nhưng những người có tâm hồn cao thượng và ý nghĩ tiến bộ đã nghe lời Giêrêmia và các tiên tri để trông đợi ngày Giao Ước mới được ký kết ngay trong tâm hồn người ta và Thần khí của Chúa sẽ được đổ xuống trên tôi tớ nam nữ của Chúa, chứng tỏ Ðấng Emmanuen, Ðấng Thiên Chúa ở cùng chúng tôi sẽ không ở nơi các đền thờ bằng đá, gạch nhưng cần nhất là nơi tâm hồn dân Chúa...
Ðức Giêsu từ ngày ra giảng đạo không ngớt hướng tâm trí mọi người theo hướng ấy. Và hôm nay Người khẳng định với môn đệ: Ai mến Người sẽ giữ lệnh Người, kẻ ấy sẽ được Thiên Chúa yêu mến; và Cha Người với Người sẽ đến cư ngụ nơi mình họ. Dĩ nhiên Người không thể đến cư ngụ với thân thể Người đang mang khi ngồi nói với họ đây. Nhưng khi Người đã được tôn vinh nơi Thiên Chúa trong mầu nhiệm Phục sinh, Người sẽ ở trong vinh quang Chúa Cha và bấy giờ cùng Chúa Cha đến ở trong tâm hồn những kẻ yêu mến Người và giữ lệnh Người. Còn những kẻ không tin và giữ Lời Người thì tự họ đã đặt cản trở cho Thiên Chúa đến ở với họ. Và dấu chỉ rõ ràng việc Người sẽ tỏ mình ra cho những kẻ giữ lệnh Người là việc Thánh Thần sẽ được ban xuống cho họ, nhân danh Chúa Giêsu Kitô.
Tất cả những điều này xảy ra. Ðức Giêsu đã ra đi biến đổi thân xác của mình. Sau đó Người đã trở lại tỏ mình ra cho môn đệ, chứ không cho thế gian. Rồi cũng chỉ có các môn đệ được lãnh nhận Thánh Thần, khiến thiên hạ phải công nhận Thiên Chúa đang ở với các môn đệ của Người...
Tuy nhiên, như đã nói, khi ở bàn tiệc ly, các tông đồ chưa được thấy những việc này. Họ chưa hiểu được lời của Chúa. Họ lại sắp sửa vấp phải thử thách của mầu nhiệm thập giá. Chúa Giêsu thương họ. Người phải an ủi, nên đã nói thêm với họ: "Ta để lại bình an cho các ngươi". Ðây không phải là sự bình an theo nghĩa thế gian. Cũng không phải là sự bình an theo như người Do Thái hiểu khi chào nhau để cầu xin cho nhau được sự độ trì của Thiên Chúa. Nhưng đây là sự bình an của chính Chúa Giêsu, sự bình an Người "mua sắm" được trong mầu nhiệm thánh giá, để giảng hòa tội nhân với Thiên Chúa, để đưa tội nhân vào thân thể mầu nhiệm của Người cho họ được ơn tha thứ tội lỗi và trở nên Con Thiên Chúa, để họ được Thiên Chúa làm Ðấng ở cùng họ.
Do đó, cho dù chưa đi chịu chết và sống lại, và chưa làm cho môn đệ trở nên đền thờ Thiên Chúa ngay được, Ðức Giêsu khi để lại sự bình yên cho họ, đã như bảo đảm cho họ sẽ được Thiên Chúa ở cùng, để khi gặp thử thách thập giá, họ có thể vững tâm. Họ không có gì phải sợ vì rồi đây Chúa sẽ trở lại và tỏ mình ra cho họ chứ không cho thế gian. Hơn nữa họ còn phải vui mừng vì việc Người ra đi. Xét về bản tính nhân loại, Người vẫn ở dưới Chúa Cha và việc Người về với Chúa Cha chỉ có lợi cho Người và cho họ. Người về để được lại vinh quang mà Người vẫn có nơi Chúa Cha để cùng Chúa Cha trở lại với họ trong vinh quang ấy, khiến cộng đoàn của họ sẽ không như hiện giờ nữa nhưng sẽ đổi mới và vinh quang khác thường.
Và những điều này thật sự đã xảy ra. Sau khi Chúa Giêsu sống lại và ban Thánh Thần xuống, cộng đoàn môn đệ đã mau biến dạng. Mọi người phải kinh ngạc, và ai nấy phải nhận là Thiên Chúa đã đến ở cùng cộng đoàn những người yêu mến Chúa và giữ lệnh Người. Chúng ta hãy nhìn xem cộng đoàn ấy sinh hoạt trong bài sách công vụ hôm nay.

2. Chúa Ở Cùng Hội Thánh
Bài sách chỉ giữ lại đoạn đầu và đoạn cuối câu chuyện. Chúng ta biết có chuyện một số người từ Giuđê xuống Antiôkia. Họ cũng là Kitô hữu nhưng trước đây ở trong Do Thái giáo và giữ Luật Môisê. Ðến Antiôkia họ gặp các tín hữu mới, đã trở lại từ lương dân. Những người này chỉ mến Chúa và giữ lệnh Người truyền chứ không để ý đến những bó buộc của luật Môisê, đặc biệt luật cắt bì. Thấy vậy, những anh em ở Giuđê đến không chịu. Họ bảo phải cắt bì và giữ luật Môisê. Họ phản đối Barnaba và Phaolô trong vấn đề này, vì chính hai ông từ đầu, đã không biết dạy lương dân khi tòng giáo phải giữ luật Môisê. Và họ làm cho cả miền đất ngoại cũ này xôn xao, mất bình an. Thế là giáo dân ở Antiôkia, phải cử Phaolô và Barnaba lên Giêrusalem với mấy anh em để gặp gỡ các bậc lãnh đạo Hội Thánh ở Giuđê.
Ðến nơi, người ta càng thấy vấn đề nghiêm trọng. Hội Thánh ở Giuđê cũng rất xôn xao, trước cả Antiôkia nhiều. Người ta bàn tán rất nhiều về việc Phaolô và Barnaba không bắt lương dân tòng giáo, phải chịu cắt bì và giữ luật Môisê. Những người chống đối thái độ "dễ dàng" này dường như muốn bám víu uy tín của tông đồ Giacôbê đang lãnh đạo Hội Thánh ở Giêrusalem. Nhưng Phaolô và Barnaba biết ai là người có uy quyền thật sự. Các ông đến với Phêrô xin vị tông đồ trưởng này kể lại cho mọi người rõ Chúa Thánh Thần đã dạy dỗ ông thế nào. Và ông đã lên tiếng thuật lại việc đã xảy ra tại nhà Cornêliô. Nhiều người lương dân đang nghe ông giảng thì đã nhận ra được Thánh Thần hiện xuống, khiến Phêrô dạy phải rửa tội ngay cho họ mà không cần bó buộc phải cắt bì.
Nghe Phêrô làm chứng như vậy, Giacôbê đã lên tiếng ôn hòa hơn và làm cho Hội Thánh chấp nhận giải pháp hôm nay. Hội Thánh phủ nhận việc làm của những anh em đã từ Giuđê đến gây xáo trộn ở Antiôkia: họ đã làm việc tự ý chứ không có ủy nhiệm. Bù lại, Hội Thánh nhất trí cử lại một phái đoàn đến lập lại bình an. Hội Thánh cũng lấy lại uy tín cho Phaolô và Barnaba là những anh em kính mến đã tận hiến đời mình cho công cuộc của Chúa. Nhất là Hội Thánh ban như nói rõ: "Thánh Thần và chúng tôi quyết định không chất thêm gánh nặng nào cho anh em (lương dân trở lại), trừ vài điều cần kíp này..." nhưng không có vấn đề cắt bì nói riêng và luật Môisê nói chung.
Ðó là thắng lợi cho Phaolô và Barnaba; sự vui mừng của anh em ở Antiôkia đã không nhỏ. Nhưng đó là những điều nhất thời. Kết quả lâu dài và tồn tại là chính sự bình an mà Hội Thánh đã đạt được ở hết mọi nơi, tại Giuđê cũng như ở Antiôkia. Sự bình an này thật sâu rộng và phải nói là bởi trời. Nó đem lại sự nhất trí nơi các tông đồ; nó xiết chặt. Hội Thánh Mẹ với các Hội Thánh con; nó làm cho Hội Thánh Mẹ thấy Chúa đang ban cho mình được các dân tộc; nó khiến các dân mới ý thức vinh dự đồng thừa tự trong Ðức Kitô. Rõ ràng đây là việc của Thánh Thần. Chính Người đã thắng khi làm cho mọi người hiểu ý của Người đã tỏ ra tại nhà Cornêliô. Người đã đem môn đệ của Chúa vào sự thật và đã nhắc nhở, soi sáng để họ hiểu mọi lời Chúa đã nói. Thế nên không phải vô lý mà các môn đệ của Chúa đã để tên Chúa Thánh Thần ngay ở văn kiện đầu tiên của Công đồng thứ nhất của Dân Chúa. Và điều này nói lên rằng: Thiên Chúa ở cùng Hội Thánh. Người không thụ động trong Hội Thánh nhưng luôn sinh hoạt với Hội Thánh, làm cho Lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay thành sự thật ở trước mắt mọi người: Hễ ai yêu mến Chúa và giữ lệnh Người thì Cha Người và Người sẽ đến ở nơi mình họ... Người sẽ ban Thánh Thần đến, dạy dỗ họ và cho họ được bình an, sự bình an đặc biệt của Người mà thế gian không có cũng chẳng ban được.
Những điều này khiến chúng ta vững vàng đi với Hội Thánh. Và cùng Hội Thánh hướng về tương lai mà sách Khải Huyền hôm nay mô tả.

3. Hội Thánh Là Giêrusalem Mới
Tác giả Gioan đã trỏ cho thấy Tân nương, hiền thê của Chiên Con. Quang cảnh xảy ra trên một ngọn núi hùng vĩ và cao chót vót. Không phải là núi Sion nữa để cho thấy cũ đã qua, mới đã đến. Và Giêrusalem hiền thê của Chiên Con chưa có sẳn ở đó, nhưng rồi đã từ trời xuống, để ai nấy đều biết đây là tạo dựng mới hoàn toàn, phát xuất từ nơi Thiên Chúa. Hơn nữa nó còn chói lại vinh quang của Người và ánh sáng của nó tỏa ra rất là linh diệu, không bút nào tả xiết. Tác giả Gioan đã viết những điều như thế để chúng ta đừng ngộ nhận, tưởng rằng thiên quốc và đời sống hạnh phúc mai này chỉ nối dài những điều mắt thấy tai nghe ở đời này. Không, mọi sự đều mới hẳn và đến từ Thiên Chúa.
Tuy nhiên, Giêrusalem thiên quốc vẫn liên hệ mật thiết với Hội Thánh dưới đất, vì kìa Gioan thấy nó có tường cự đại, trổ 12 cổng có khắc tên 12 chi tộc con cái Israen, để chứng tỏ dân cũ đã đóng vai trò lịch sử của nó là mở đường cho thiên hạ đi vào Nước Trời. Chúng ta không nên tưởng 12 thiên thần đứng ở 12 cổng có nhiệm vụ canh gác... Thời gian lựa chọn đã qua rồi. Họ đứng đó để tiếp rước và để nói lên vinh dự của con cái Thiên Chúa từ nay được ở với các thiên thần. Và như lời Kinh Thánh đã hứa, những kẻ ở bên đông, bên tây, bên nam và bên bắc sẽ đến dự tiệc Nước Trời, nên ở đây sau khi nói đến 12 cổng, tác giả Gioan đã ghi rõ mỗi phía đều có 3 cổng. Ông lập lại ý tưởng đã viết chỉ để nhấn mạnh rằng mọi lời hứa đều đã thực hiện. Và tuy rằng 12 cổng đều mang tên 12 họ con cái Israen, tất cả tường thành đều xây trên nền móng 12 tông đồ của Chiên Con, để nói lên sự mật thiết giữa dân mới và dân cũ, dân mới đã duy trì dân cũ, cũng như bây giờ cả hai dân đã được Thiên Chúa đổi mới hoàn toàn để làm thành Giêrusalem mới xuống tự trời cao, tự nơi Thiên Chúa.
Ðiều đáng để ý nhất trong Giêrusalem mới này là không có điện thờ nữa cũng như không có mặt trời, mặt trăng nữa; Vì Thiên Chúa toàn năng và Chiên Con nay là điện thờ của thành và vinh quang của các Ngài là ánh sáng chiếu soi Giêrusalem mới. Những điều này thật ý nghĩa, vì như vậy rõ ràng đã thực hiện Lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: Cha Người và Người sẽ đến cư ngụ nơi cộng đoàn môn đệ của Người và Hội Thánh của Người có Thiên Chúa ở cùng họ.
Do đó, chúng ta có thể kết luận về giáo huấn của ba bài Kinh Thánh hôm nay rằng: nhờ mầu nhiệm tử nạn phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, Thiên Chúa đã đến cư ngụ nơi những kẻ yêu mến Người và giữ lệnh Người. Cộng đoàn những kẻ ấy trở nên Ðiện thờ mới của Thiên Chúa ở trần gian để Người là Thiên Chúa ở cùng họ mọi ngày trong đời sống. Bây giờ cộng đoàn ấy đang mở cửa để dân ngoại mọi nơi tuôn đến đợi khi thời gian sung mãn, tất cả những gì chúng ta đang thấy nơi Hội Thánh trần gian sẽ được siêu thăng. Vinh quang của Chiên Con và của Thiên Chúa sẽ đổi mới Hội Thánh và biến Hội Thánh nên Tân nương trang sức rực rỡ của Chiên Con. Người ta sẽ thấy Thiên Chúa hiện thân ở cùng Hội Thánh mãi mãi và vô tận. Và lời Chúa nói với môn đệ ở bàn tiệc ly sẽ được thực hiện hoàn toàn nơi Giêrusalem thiên quốc.
Cho đến ngày ấy, mỗi khi cử hành thánh lễ lời của Chúa lại được hiện tại hóa. Tất cả những ai sốt sắng tham dự mầu nhiệm tử nạn phục sinh sẽ được Chúa ngự đến nơi tâm hồn. Người ta trở thành Kitô hữu nhiều hơn và trở nên con cái Thiên Chúa hoàn toàn hơn. Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong họ, và Chúa Thánh Thần hoạt động với họ. Họ và cộng đoàn giáo xứ của họ phải mở cửa đón nhận mọi người từ đông tây nam bắc để Thiên Chúa ở cùng mọi người, để mọi người dần dần được vinh quang đời sống và giáo huấn của Chúa Giêsu Kitô chiếu soi và làm cho trong sáng đợi ngày tất cả trở nên Giêrusalem thiên quốc bình an và hạnh phúc.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 6 Phục SinhNăm C
Bài đọc: Acts 15:1-2, 22-29; Rev 21:10-14, 22-23; Jn 14:23-29.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Từ Do-thái Giáo đến Kitô Giáo
Trong Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài muốn chọn dân Do-thái trước để sửa dọn con đường cho Đấng Cứu Thế đến; nhưng khi Đấng Cứu Thế đến, ơn cứu độ được mở rộng cho tất cả các Dân Ngoại. Điều này đã được đề cập tới nhiều lần trong sách các ngôn sứ; nhưng nhiều người Do-thái từ chối không tin Dân Ngoại cũng sẽ được hưởng ơn cứu độ như người Do-thái. Phaolô là một trường hợp điển hình: Vì quá nhiệt thành bảo vệ Lề Luật và truyền thống, ông đã xin giấy có đóng ấn chính thức để đi Damascus truy tố các Kitô hữu tại đó.
Các bài đọc hôm nay dẫn chứng sự liên tục từ Do-thái Giáo sang Kitô Giáo. Tuy có khó khăn, nhưng nhờ các nhà lãnh đạo biết cư xử khéo léo, nên đã giúp Giáo Hội sơ khai thoát khỏi những đáng tiếc và phát triển nhanh chóng. Trong bài đọc I, khi có sự tranh cãi về việc có nên bắt các tín hữu Dân Ngoại phải cắt bì, các nhà lãnh đạo đã họp Công Đồng đầu tiên tại Jerusalem để giải quyết vấn đề này. Trong bài đọc II, tác giả Sách Khải Huyền mô tả một hình ảnh của Thành Jerusalem đến từ trời, là tập hợp của cả 12 chi tộc Israel của Cựu Ước lẫn tên của 12 tông đồ của Tân Ước. Thành Thánh vẫn có sự hiện diện của Thiên Chúa; nhưng không có Đền Thờ, vì sự hiện diện của Thiên Chúa và Con Chiên là Đức Kitô trong thành. Trong Phúc Âm, tuy Chúa Giêsu không còn ở với các môn đệ nữa; nhưng Ngài gởi Thánh Thần và bình an của Ngài xuống trên các ông. Thánh Thần sẽ nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói và hướng dẫn con người tới sự thật toàn vẹn.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Điều gì cần thiết nhất cho việc cứu độ?
1.1/ Phải chăng là việc cắt bì theo luật Moses? Trình thuật cho chúng ta thấy rõ vấn đề được tranh luận: “Có những người từ miền Judah đến dạy anh em rằng: "Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ." Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerusalem gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.” Phaolô có lẽ là người hiểu biết vấn đề này hơn ai cả, vì ông đã có kinh nghiệm bản thân bị té ngựa trên đường đi Damascus. Hậu quả của việc té ngựa và mặc khải của Thiên Chúa dẫn Phaolô tới chỗ xác tín: “con người được trở nên công chính do bởi niềm tin vào Đức Kitô, chứ không do bởi việc giữ Lề Luật” (Rom 3:28).
Để giải quyết vấn đề, các nhà lãnh đạo quyết định họp Công Đồng của Giáo Hội đầu tiên tại Jerusalem. Các đại biểu của các giáo đoàn địa phương cũng được mời về để cùng với các tông đồ giải quyết vấn đề. Theo trình thuật của Công Vụ Tông Đồ 15, sau khi các đại biểu nghe Phêrô, người lãnh đạo Giáo Hội, và Giacôbê, người lãnh đạo của Jerusalem, tỏ bày ý kiến; tất cả đều đồng ý các tín hữu Dân Ngoại không phải cắt bì như các tín hữu Do-thái.
1.2/ Kết quả của công đồng: Bấy giờ các Tông Đồ và các kỳ mục, cùng với toàn thể Hội Thánh, quyết định chọn mấy người trong các ông, để phái đi Antioch với ông Phaolô và ông Barnabas. Đó là ông Judah, biệt danh là Barsabas, và ông Silas, những người có uy tín trong Hội Thánh. Các ông trao cho phái đoàn bức thư sau: “Chúng tôi nghe biết có một số người trong chúng tôi, không được chúng tôi uỷ nhiệm, mà lại đi nói những điều gây xáo trộn nơi anh em, làm anh em hoang mang. Vì thế, chúng tôi đã đồng tâm nhất trí quyết định chọn một số đại biểu, và phái họ đến với anh em, cùng với những người anh em thân mến của chúng tôi là ông Barnabas và ông Phaolô, những người đã cống hiến cuộc đời vì danh Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vậy chúng tôi cử ông Judah và ông Silas đến trình bày trực tiếp những điều viết sau đây: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết, ăn thịt loài vật không cắt tiết, và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi. Chúc anh em an mạnh."
2/ Bài đọc II: Thành Jerusalem chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.
2.1/ Đền Thánh Jerusalem mới: Khi tác giả Gioan viết Sách Khải Huyền, Đền Thánh Jerusalem cũ đã bị quân đội Rôma phá bình địa vào năm 70 AC. Từ đó đến nay, Đền Thánh Jerusalem vẫn chưa được xây dựng lại. Đền Thánh mà chúng ta thấy hiện nay là của người Hồi Giáo, họ gọi là Golden Dome. Người theo Do-thái Giáo chỉ còn lại bức tường phía Tây của Đền Thờ, gọi là Bức Tường Than Khóc. Sáng chiều họ có thói quen ra để than khóc và cầu xin cho có ngày Đền Thờ được xây dựng lại.
Thành Thánh Jerusalem được mô tả trong trình thuật hôm nay chỉ là kiểu mẫu mà tác giả thấy trong một thị kiến. Điều đặc biệt tác giả mô tả là thành Jerusalem mới vừa có “mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ, và trên các cửa có ghi tên mười hai chi tộc con cái Israel;” vừa có “tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên.”
2.2/ Hai điểm kỳ lạ:
(1) Thành không có Đền Thờ: “Trong thành, tôi không thấy có Đền Thờ, vì Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn Năng, và Con Chiên là Đền Thờ của thành.” Thành cũ và thành hiện nay đều có Đền Thờ (của Hồi Giáo); nhưng thành mới trong tương lai không có Đền Thờ vì đã có sự hiện diện của Thiên Chúa, và của Đức Kitô.
(2) Thành không cần ánh sáng: “Thành chẳng cần mặt trời mặt trăng chiếu sáng, vì đã có vinh quang Thiên Chúa toả rạng, và Con Chiên là ngọn đèn chiếu soi.” Vinh quang của Thiên Chúa và của Đức Kitô là nguồn sáng rạng ngời trong thành; vì thế thành không cần chiếu soi bởi các nguồn sáng khác.
3/ Phúc Âm: Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.
3.1/ Yêu Chúa là giữ những gì Chúa dạy: Ngôn sứ Jeremiah 31:31-34 nêu bật những khác biệt giữa giao ước cũ và giao ước mới: Giao ước cũ dựa vào Lề Luật và đến từ bên ngoài, nên không đủ sức làm cho con người chu toàn những đòi hỏi của Lề Luật. Giao ước mới đặt căn bản trên tình yêu và đến từ bên trong, nên có sức mạnh giúp con người chu toàn những đòi hỏi của tình yêu. Đó là lý do Chúa Giêsu đòi hỏi: "Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy. Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.” Theo Gioan, vâng lời là điều kiện đáp trả tình yêu của Chúa Giêsu; và ai đã yêu mến là chu toàn mọi Lề Luật.
3.2/ Những điều Chúa Giêsu làm cho các môn đệ:
(1) Gởi Thánh Thần đến cho các ông: Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Các điều đó, Thầy đã nói với anh em, đang khi còn ở với anh em. Nhưng Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” Hai điều chính yếu Thánh Thần sẽ thực hiện nơi các môn đệ: Thứ nhất, Ngài sẽ lặp lại những gì Chúa Giêsu đã nói khi còn sống trên dương gian. Nói cách khác, Ngài không tuyên bố những gì mới lạ mà Chúa Giêsu chưa tuyên bố cả. Nhiều người nghĩ khi được Thánh Thần soi sáng, họ sẽ nói những điều mới lạ mà con người chưa được nghe bao giờ. Để kiểm chứng những gì một người nói dưới ảnh hưởng của Thánh Thần, chúng ta chỉ cần đối chiếu với Phúc Âm xem Chúa Giêsu đã nói những điều ấy chưa. Thứ hai, Thánh Thần sẽ hướng dẫn các tín hữu tới sự thật toàn vẹn. Có nhiều khía cạnh của sự thật, sự thật toàn vẹn không thể mâu thuẫn với nhau. Thánh Thần sẽ làm cho các tín hữu hiểu mọi khía cạnh của sự thật nghĩa là làm cho các khía cạnh của sự thật ăn khớp với nhau, không có gì mâu thuẫn cả.
Một điều quan trọng các tín hữu cần nhớ là họ đang sống trong triều đại của Thánh Thần; Ngài đang tiếp tục triều đại của Chúa Giêsu. Các tín hữu cần cầu nguyện với Ngài, nhất là những khi học hỏi Kinh Thánh và tìm hiểu sự thật.
(2) Bình an: Chúa Giêsu hứa với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” Bình an là một trong những món quà quí giá nhất Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ. Bình an của Chúa Giêsu hoàn toàn khác với bình an của thế gian. Bình an của thế gian là sự vắng mặt của chiến tranh, lo lắng hay tranh chấp; trong khi bình an của Thiên Chúa hiện diện ngay trong chiến tranh, lo lắng và tranh chấp này. Bình an của Thiên Chúa chỉ có khi con người sống và sẵn sàng làm chứng cho sự thật; chứ không hy sinh sự thật để có sự bình an.
(3) Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha: “Anh em đã nghe Thầy bảo: "Thầy ra đi và đến cùng anh em." Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.”
Người Do-thái và ngay cả các môn đệ không thể hiểu câu Chúa Giêsu nói: "Thầy ra đi và đến cùng anh em." Làm sao một người đã ra đi (đã chết) lại có thể trở lại với các môn đệ. Nhưng sau khi Chúa Giêsu phục sinh, Ngài hiện ra với các môn đệ nhiều lần trước khi về với Chúa Cha. Chỉ trong ánh sáng Phục Sinh, các môn đệ mới có thể hiểu điều này. Một điều làm rối tâm trí các môn đệ nữa là mối liên hệ giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu: Là những người Do-Thái, các môn đệ chỉ tin một mình Thiên Chúa. Dù Chúa Giêsu đã mặc khải nhiều lần cho các môn đệ về sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Ngài; nhưng chỉ trong ánh sáng Phục Sinh, mối liên hệ này mới bắt đầu rõ ràng cho các môn đệ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Trong Kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, Ngài đã chọn dân tộc Do-thái để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời. Khi Chúa Giêsu đến, Tin Mừng Cứu Độ được mở rộng ra cho mọi người.
- Khi cái mới hoàn hảo hơn đến, cái cũ và bất toàn sẽ phải nhường chỗ cho cái hoàn hảo hơn. Chúng ta đừng ngoan cố giữ lại những gì bất toàn trong Kế hoạch của Thiên Chúa.
- Thiên Chúa không bao giờ để con người mồ côi, thời đại nào Ngài cũng lo liệu để chúng ta có Đấng Bảo Trợ hướng dẫn và chăm sóc chúng ta biết đường tìm đến sự thật.
- Sống theo sự thật của Thiên Chúa sẽ đem lại cho chúng ta sự bình an thực sự trong tâm hồn; sự bình an mà không có quyền lực nào có thể cướp đi khỏi chúng ta.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP


01/05/16 CHÚA NHẬT TUẦN 6 PS – C
Ga 14,23-29

Suy niệm: Bình an Chúa ban là loại bình an nào? Sao gia đình Na-da-rét phải chịu nhiều gian nan đến thế? Sao các tín hữu của Chúa phải chịu nhiều hy sinh, đến mức đổ cả máu và mạng sống? Xét theo “kiểu thế gian,” gia đình Na-da-rét và các tín hữu không có bình an. Nhưng “bình an Chúa ban” là chính Chúa, là niềm vui nằm sâu trong trái tim của họ, nên dù những chông gai đầy dẫy trong cuộc đời của họ, họ vẫn được bình an. Ngày Chúa giáng sinh, thiên thần đã giới thiệu Chúa là “bình an dưới thế.” Sau khi sống lại và hiện ra với các môn đệ, Chúa Giê-su nói: “Bình an cho các con.” Đây không phải là một lời chúc, mà là lời khẳng định một thực tại, vì Chúa đang ở giữa họ. Và đặc biệt trong bí tích Thánh Thể, Chúa chính là sự bình an. Chính vì thế, thánh Tê-rê-xa A-vi-la đã khẳng định với kinh nghiệm đức tin của mình và của Giáo Hội: “Không có gì làm bạn phải lo sợ cả. Ai có Chúa sẽ chẳng thiếu thốn gì. Chỉ một mình Ngài là đủ.”
Mời Bạn: Trong đau đớn vì bị người ta ném đá, sách Tông Đồ Công Vụ cho biết thánh Tê-pha-nô ngước mắt lên trời và ra đi bình an. Những lúc bạn bị thử thách, đau khổ, bạn nhìn vào đâu, hay ngước mắt lên trời tìm bình an nơi Chúa, Đấng hứa ban bình an cho bạn?
Sống Lời Chúa: Bắt chước Mẹ Maria, ngước mắt nhìn lên thánh giá hoặc ngước nhìn trời và cầu nguyện với Chúa
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho việc Chúa sống lại làm cho chúng con vỡ òa niềm vui, vì từ nay, chúng con có Chúa ở cùng và được bình an.

ĐẾN VÀ Ở LẠI 
Chính Thánh Thần sẽ giúp ta thấy Ðức Kitô thật gần để có thể say mê Ngài, thấy Lời Tin Mừng trở nên sống động và bừng sáng để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.


Suy nim:
Khi được hỏi Ðức Kitô hiện diện ở đâu,
chúng ta thường nghĩ ngay tới nhà thờ, nhà Tạm.
Tiếc thay lắm khi chúng ta dừng lại ở đó.
Chúng ta ít nghĩ đến một lối hiện diện khác của Ngài.
Không phải chỉ là ở với, ở bên, ở trước mặt,
mà còn là ở trong con người yếu đuối của ta.
Chúng ta ít nghĩ, vì chúng ta không dám tin
vào hồng ân quá đỗi lớn lao đó.
Chính vào lúc sắp chia tay các môn đệ để về với Cha,
Ðức Giêsu đã long trọng loan báo chuyện Ngài ở lại:
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy,
Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy.
Chúng ta sẽ đến với người ấy
và sẽ làm nhà nơi người ấy” (Ga 14,23).
Ðại từ Chúng Ta ở đây để chỉ Chúa Cha và Chúa Con,
mà ở đâu có Chúa Cha, Chúa Con thì cũng có Thánh Thần.
Vì yêu Ðức Kitô, tôi được đón nhận thế giới Ba Ngôi.
Vì yêu tôi, Ba Ngôi muốn đến thăm tôi và cư ngụ tại đó.
Trong tình yêu hai chiều này, thiên đàng chớm nở.
Thiên đàng thật gần, ngay trong lòng tôi.
Thiên đàng ấm áp ở nơi nghèo hèn, bé nhỏ,
nơi tâm hồn biết yêu Ðức Kitô và tuân giữ lời Ngài.
Ðôi khi tôi cần tự hỏi Thiên Chúa có ở trong tôi không.
Tôi có cảm nghiệm được chút nào sự hiện diện đó chăng?
Có bao giờ tôi thờ lạy sự hiện diện đó của Ngài không?
Kitô hữu không chỉ là bạn hữu của Ðức Kitô,
mà còn là người có Ðức Kitô nơi chính mình.
Họ là những cung thánh, những nhà thờ lưu động.
Họ không chỉ chứa đựng Ðức Kitô như một Nhà Tạm,
họ còn nên một với Ngài trong tình yêu.
Các bí tích chúng ta lãnh nhận đều nhằm mục đích
làm cho tình yêu giữa ta với Ðức Kitô được lớn lên.
Trước khi tôi rước lễ, Ðức Kitô đã ở trong tôi rồi.
Sau khi tôi rước lễ, Ngài cũng chẳng bỏ tôi.
Nhưng mỗi lần rước lễ, sự hiện diện Ngài lại tăng trưởng.
Ngay cả khi không thể đến nhà thờ,
tôi vẫn có thể gặp Ðức Kitô nơi cung lòng mình.
Chỉ cần để lòng mình lắng xuống,
là tôi có thể gặp Ngài và bước vào cuộc đối thoại.
“Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”
Yêu mến Ðức Kitô không phải chuyện dễ.
Yêu một người ta chưa gặp mặt và sống xa ta 20 thế kỷ.
Giữ lời Ðức Kitô chẳng phải chuyện dễ.
Lời đòi chúng ta ra khỏi mình và bay lên cao.
Chính Thánh Thần sẽ giúp ta thấy Ðức Kitô thật gần
để có thể say mê Ngài,
thấy Lời Tin Mừng trở nên sống động và bừng sáng
để giải quyết những vấn đề mới nảy sinh.
Hội Thánh của chúng ta sẽ là một Hội Thánh vô hồn,
nếu chẳng có sự hiện diện của Chúa nơi lòng các tín hữu.
Cầu nguyn:

Ngài đã xuống tận đáy lòng con,
xin cho con chỉ tập trung
vào tận đáy lòng con.

Ngài là thượng khách của lòng con,
xin cho con bước vào nhà
là chính đáy lòng con.

Ngài chọn cư ngụ trong lòng con,
xin cho con biết ngồi yên
ngay tại đáy lòng con.

Duy Ngài ở lại trong con,
xin cho con biết chìm sâu
xuống tận đáy lòng con.

Duy Ngài hiện diện trong lòng con,
xin cho con biết xóa mình
khi Ngài ở bên con.

Khi con đã gặp Ngài,
không còn con và Ngài nữa.
Con chẳng là gì cả,
và Ngài là tất cả.
(Theo Swami Abhisiktananda)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
1 THÁNG NĂM
Sự Đảm Bảo Của Thiên Chúa
Để hiểu dụ ngôn về Người Mục Tử Tốt Lành, chúng ta cần xác tín khả năng quán thông trước mọi sự của Thiên Chúa và giá trị vô hạn của chúng ta trước mặt Ngài: “Chúng sẽ không bao giờ hư mất. Không ai cướp được chúng khỏi tay tôi … Không ai cướp được chúng khỏi tay Chúa Cha” (Ga 10, 28 – 29). Lời khẳng định thật mạnh mẽ. Có thể nói, toàn bộ tấn kịch cứu độ được phản ảnh trong những lời này.
Đức Kitô nói rõ: “Cha tôi, Đấng đã ban chúng cho tôi, thì cao trọng hơn tất cả … Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 29 – 30). Xuyên qua Thập Giá và Phục Sinh, mối hiệp nhất thần linh của Chúa Cha và Chúa Con được bày tỏ trọn vẹn. Mối hiệp nhất này được diễn tả trong công cuộc sáng tạo con người, trong sự quan phòng cứu độ của Thiên Chúa, và trong hành động cứu chuộc của Ngài.
Trong hành động cứu chuộc, một cách nào đó, Thiên Chúa dấn mình trọn vẹn để đảm bảo rằng những gì mà Ngài đã tạo nên theo hình ảnh Ngài và giống như Ngài sẽ không bị tước mất khỏi Ngài. Thiên Chúa đảm bảo rằng hành động cứu độ của tình yêu vĩnh cửu ấy sẽ được hoàn tất nơi con người.
Giáo Hội là chứng nhân của tình yêu ấy. Giáo Hội là chứng nhân của công cuộc cứu độ con người được thực hiện nơi Đức Kitô. Giáo Hội là chứng nhân của Mầu Nhiệm Phục Sinh – qua cuộc phục sinh này, sứ mạng của Đấng Mục Tử Tốt Lành đã được thực hiện với tầm mức sâu xa nhất. Trong Sách Công Vụ Tông Đồ, chúng ta nhận được cùng một lời chứng ấy khi Phao-lô và Barnaba nhắc lại những lời trong Sách Ngôn Sứ Isaia: “Ta sẽ đặt ngươi làm ánh sáng muôn dân, để ngươi đem ơn cứu độ đến tận cùng cõi đất” (Cv 13, 47).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II

Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 01-5
Chúa Nhật VI Phục Sinh
Cv 15, 1-2. 22-29; Kh 21, 10-14.22-23; Ga 14, 23-29

Lời suy niệm: “Ai yêu mến Thầy, thì giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”
Thiên Chúa là Tình Yêu, con người là tạo vật được Thiên Chúa tạo dựng theo hình ảnh của Ngài; và khi Con Một của Ngài là Đức Giêsu được Ngài sai đến trên trần gian này; Chính Chúa Giêsu cũng đã sống và thể hiện tình yêu, giới luật của Người để lại cho nhân loại là tình yêu: “Yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta” Chỉ có tình yêu nối kết tình yêu mới đem lại hạnh phúc cho con người. Chúa Giêsu đang mời gọi mỗi người chúng ta yêu mến Người và giữ Lời Người, để được Chúa Cha yêu mến và Ba Ngôi Thiên Chúa sẽ đến và ở trong tâm hồn chúng ta trong suốt cuộc đời của chúng ta..
Lạy Chúa Giêsu. Xin Chúa ban ơn đức tin cho chúng con, để chúng con ngày càng yêu mến Chúa và tuân giữ Lời Chúa, để chúng con được vui sống trong tình yêu của Chúa Cha và luôn có Chúa và Chúa Cha ở trong suốt cuộc đời của chúng con.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 01-05: Thánh GIUSE THỢ

Thánh Giuse. Cả hai bản của thánh Mathêu và thánh Luca, đều nói rằng: Ngài thuộc giòng họ David. Nhưng vào thời khởi đầu công nguyên, miêu duệ cùng giòng giống vương giả này chẳng còn danh giá và giàu có gì. Vài điều chúng ta biết được về thánh Giuse qua việc dâng Chúa Giêsu vào đền thờ (Lc 2,24), cho biết rằng Ngài là một người nghèo khó, không có đặc quyền nào. Gia đình Ngài vốn thuộc về Belem đất Giudêa, nhưng đã dời về Nazareth đất Galilea nơi Ngài sinh sống bằng nghề thợ mộc (Mt 13,55).
Con người bình thường được nhắc tới với một chút khinh thường như "bác thợ mộc" ấy lại là gương mẫu cho mọi Kitô hữu và cách riêng cho những Kitô hữu sống nghề lao động tay chân. Ngài thật là người công chính như một dụng cụ nhẫn nại của Thiên Chúa, thực hiện mọi điều Chúa đòi hỏi với một đức tin không nghi nan. Ngài sốt sắng tuân giữ luật Do thái, trung thành bảo vệ gia đình, Ngài có trách nhiệm, chấp nhận mọi khó khăn mau mắn vâng theo lệnh truyền, vững chí dưới cơn thử thách, luôn lặng lẽ đáng kính phục. Nhân tính hấp dẫn của Chúa Kitô với tính cương trực, lòng can dảm và đức bác ái sâu xa, chắc chắn đã được phát triển theo gương mẫu và sự nuôi dưỡng Người nhận được từ Thánh cả Giuse.
Dầu vậy, sự cao cả của thánh nhân ở một mức độ sâu xa hơn từ ngữ vẫn áp dụng cho Người là "Cha nuôi Chúa Giêsu". Từ ngữ này gợi lên một liên hệ bóng gió nào đó với Chúa Kitô. Đúng hơn có lẽ phải nói rằng thánh Giuse là Cha của Chúa Giêsu như các sách Tin Mừng đã là ngần ngại nói như vậy, Chúa Giêsu thực là hoa quả của cuộc hôn nhân mà thánh Giuse giữ vai trò thiết yếu. Nếu tình phụ tử của Ngài là trinh khiết thì không phải vì thế mà mối tình ấy thấp hèn hơn tình phụ tử về thể xác. Liên hệ của người cha trinh khiết với Chúa Giêsu cũng tương tự như mối liên hệ của Người Mẹ Trinh khiết đối với Người. Cả Đức Mẹ và thánh Giuse đều góp phần hoàn hảo của mình vào mầu nhiệm nhập thể. Phần đóng góp này còn mở rộng tới thân thể mầu nhiệm của Ngôi Lời hoá thành nhục thể là Giáo hội. Thánh Giuse vẫn tiếp tục vai trò của mình trong việc nuôi dưỡng bảo vệ và hướng dẫn Giáo hội.
Bởi đó năm 1870, Đức Giáo Hoàng Piô IX tuyên xưng thánh Giuse là Đấng bảo trợ của cả Hội Thánh khắp hoàn cầu. Và đặt lễ kính vào ngày 19 tháng 3 mỗi năm.
Từ vai trò đặc biệt của thánh Giuse đối với toàn thể Hội Thánh, thánh nhân chắc chắn cũng liên hệ đến từng người trong thân thể mầu nhiệm này. Thánh nhân đã thi hành sứ mạng của mình trong cuộc sống lao động như người thợ. Do đó, Ngài có một mối liên hệ đặc biệt với lớp người đông đảo sống bằng sức lao động chân tay của mình. Năm 1955, Đức Piô XII đã lập nên lễ thánh Giuse và đặt ngày kính nhớ vào mồng 1 tháng 5, ngày mà nhiều nước chọn cử hành lễ lao động. Niên biểu không hoàn toàn phổ quát nên lễ thánh Giuse Thợ cũng được để tự do.
Tuy nhiên, chính Đức Giáo Hoàng đã nói tới ý nghĩa của lễ này : - "Chắc hẳn chúng ta phải hân hoan vì Người thợ vô danh ở Nazareth chẳng những là hiện thân cho giá trị lao động tay chân trước mặt Chúa và Giáo hội mà còn là vị Giám hộ mẫn tiệp của mọi người và của các gia đình các bạn lao động nữa".
Để nói về quyền năng của Đấng bảo trợ, Ngài tiếp : - "Không có Vị Giám hộ nào có đủ khả năng Linh nghiệm truyền thông Phúc âm cho đời sống thợ thuyền hơn bằng thánh Giuse thợ"
Mừng lễ thánh Giuse thợ, chúng ta hãy nhớ lời vị Cha chung, Đức Piô XII nhắn nhủ, trong bài diễn văn đọc vào ngày lễ thánh Giuse thợ đầu tiên này : - "Nếu các con muốn được gần Chúa Kitô, Cha nhắc nhớ các con hôm nay : Ite ad Joseph - Hãy đến với Giuse" (St 41,55)
(daminhvn.net)


01 Tháng Năm
Giuse Trong Xóm Nhỏ Ðiêu Tàn
"Giuse trong xóm nhỏ điêu tàn..."
Có lẽ không một người công giáo Việt Nam nào mà không thuộc nằm lòng bài thánh ca trên đây của cố linh mục Ðạo Minh, dòng thánh Giuse... Tác giả đã sáng tác ca khúc trong giai đoạn đau thương của đất nước giữa hai thập niên 40 - 50 và cũng như thánh Giuse, đã ra đi âm thầm trong một cái chết vô cùng bí ẩn sau ngày thay đổi chế độ.
Lời ca đơn sơ xuất phát từ cuộc sống lam lũ qua mọi thời đại của người Việt Nam. Nhưng tâm tình đó lại càng hợp với hoàn cảnh sống của người Việt Nam hơn bao giờ hết. Với khẩu hiệu lao động là vinh quang... dường như sau năm 1975, người Việt Nam nào cũng đã hơn một lầm mồ hôi nhễ nhại với cây cuốc, cái cày hoặc còng lưng trên chiếc xích lô đạp...
Trong cảnh sống đó, có lẽ ai trong chúng ta cũng cảm thấy gần gũi với thánh Giuse, vị thánh được mệnh danh là người công chính, nhưng đồng thời cũng là con người thinh lặng nhất trong Phúc Âm. Có rất nhiều thứ thinh lặng. Thinh lặng của những người câm điếc, bị trói buộc trong bất lực tự nhiên của mình. Thinh lặng trong cô đơn buồn chán. Thinh lặng trong căm thù oán ghét. Thinh lặng trong khép kín ích kỷ. Thinh lặng trong kiêu hãnh trước đe dọa, thử thách...
Thánh Giuse đã thinh lặng trong tinh thần chấp nhận và chiêm niệm. Trong cuộc sống âm thầm tại Nagiaréth, thánh Giuse đã thinh lặng để chiêm ngưỡng mầu nhiệm nhập thể kỳ diệu trong con người của Chúa Giêsu. Cuộc đời của thánh Giuse đã bắt đầu bằng một giấc mơ để rồi tiếp tục trong một giấc mơ triền miên. Nhưng đây không phải là một giấc mơ của mộng ảo phù du, mà là một giấc mơ trong chiêm niệm về hiện thực...
Trong sự thinh lặng chiêm niệm ấy, từng biến cố nhỏ của cuộc sống đã mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.
Hôm nay là ngày lao động Quốc tế. Ngày lao động Quốc tế này gợi lại cả một quá trình tranh đấu của giới thợ thuyền của Âu Châu vào đầu thế kỷ vừa qua. Từ những bất công xã hội, cuộc đấu tranh của giới thợ thuyền đã làm trồi dậy phẩm giá của con người và giá trị của sự cần lao...
Ðối với người Kitô, ngày Quốc tế lao động này gắn liền với con người của Thánh cả Giuse, quan thầy và gương mẫu của giới cần lao. Do đó ngày hôm nay đối với chúng ta phải là một ngày của suy tư và cầu nguyện. Suy tư về ý nghĩa và giá trị những công việc hằng ngày của chúng ta. Cầu nguyện cho mọi người biết nhận ra sự hiện diện và tác động và lời kêu mời của Chúa trong cuộc sống...
(Lẽ Sống)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét