Trang

Thứ Hai, 25 tháng 4, 2016

Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 199-216)

Nguyên Văn Tông Huấn Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 199-216)
Vũ Văn An4/25/2016



Chương Sáu: Một Số Viễn Ảnh Mục Vụ 

199. Cuộc đối thoại diễn ra tại Thượng Hội Đồng đặt ra nhu cầu phải có các phương pháp mục vụ mới. Tôi sẽ cố gắng nhắc đến một số phương pháp này một cách tổng quát. Các cộng đồng khác nhau sẽ đưa ra nhiều sáng kiến thực tiễn và hữu hiệu hơn, biết tôn trọng cả giáo huấn của Giáo Hội lẫn các vấn đề và nhu cầu địa phương. Không có tham vọng trình bầy một kế hoạch mục vụ về gia đình, tôi chỉ muốn suy nghĩ về một số thách đố mục vụ có ý nghĩa hơn mà thôi.

Công bố Tin Mừng Gia Đình Ngày Nay 

200. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhấn mạnh rằng các gia đình Kitô hữu, nhờ ơn thánh của bí tích hôn phối, đã trở thành các tác nhân chính của việc tông đồ gia đình, trước hết bằng “chứng tá đầy hân hoan như là các Giáo Hội tại gia” (225). Do đó, “điều quan trọng là: người ta cảm nghiệm được Tin Mừng Gia Đình như một niềm vui ‘tràn ngập các tâm hồn và cuộc sống’, vì nơi Chúa Kitô, chúng ta ‘đã được giải thoát khỏi tội lỗi, buồn sầu, trống rỗng bên trong và cô độc’ (Evangelii Gaudium, 1). Như trong dụ ngôn người gieo giống (xem Mt 13:3-9), ta được kêu gọi góp tay vào việc gieo hạt giống; phần còn lại là của Thiên Chúa. Chúng ta cũng đừng quên rằng, trong giáo huấn của mình về gia đình, Giáo Hội là một dấu chỉ mâu thuẫn” (226). Các cặp vợ chồng biết ơn khi các mục tử của họ bảo vệ lý tưởng cao cả của một tình yêu mạnh mẽ, vững chắc, lâu bền và có khả năng nâng đỡ họ vượt qua bất kỳ thử thách nào họ có thể phải đương đầu. Giáo Hội, với lòng khiêm nhường và cảm thương, muốn vươn tay ra với các gia đình và “giúp mỗi gia đình khám phá ra cách tốt nhất để vượt qua mọi trở ngại họ gặp phải” (227). Trong việc lên kế hoạch mục vụ, chỉ tỏ quan tâm chung chung đối với gia đình là điều không đủ. Việc giúp các gia đình có khả năng lãnh nhận vai trò của họ như các tác nhân tích cực của việc tông đồ gia đình đòi phải có “một cố gắng truyền giảng Tin Mừng và dạy giáo lý bên trong gia đình “ (228).

201. “Cố gắng này đòi mọi người trong Giáo Hội phải có một hồi tâm truyền giáo, một hồi tâm không hài lòng với việc chỉ công bố một sứ điệp hoàn toàn có tính lý thuyết, không hề liên quan gì tới các vấn đề có thực của người ta” (229). Việc chăm sóc mục vụ gia đình “cần phải minh xác rõ rệt rằng Tin Mừng Gia Đình đáp ứng các nguyện vọng sâu xa nhất của con người nhân bản: đáp ứng phẩm giá và sự thành toàn của mỗi người trong tính hỗ tương, hiệp thông và sinh hoa trái. Điều này hệ ở việc không những trình bầy một loạt luật lệ, mà còn đề xuất các giá trị mà người ngày nay, ngay trong các quốc gia bị duy tục hóa hơn hết, rõ ràng đang cần tới” (230). Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng “làm nổi bật sự kiện này: việc truyền giảng Tin Mừng rõ ràng cần phải tố cáo các nhân tố văn hóa, xã hội, chính trị và kinh tế nào, như dành sự quan trọng quá đáng cho luận lý học thị trường chẳng hạn, cản trở đời sống chân chính gia đình và dẫn tới kỳ thị, nghèo đói, loại trừ, và bạo lực. Do đó, cần phải cổ vũ đối thoại và hợp tác với các cơ cấu xã hội và khuyến khích các tín hữu giáo dân tham gia vào các lãnh vực văn hóa và chính trị xã hội, với tư cách Kitô hữu” (231).

202. “Sự đóng góp chính vào việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình do giáo xứ cung ứng; vì giáo xứ chính là gia đình của các gia đình, nơi mà các cộng đồng nhỏ, các phong trào và hiệp hội trong Giáo Hội sống hòa hợp với nhau” (232). Song song với việc mục vụ vươn tay ra, chuyên biệt nhằm vào các gia đình, điều này còn cho thấy nhu cầu phải có “một nền đào tạo ... các linh mục, phó tế, nam nữ tu sĩ, giáo lý viên và các nhân viên mục vụ khác một cách thích đáng hơn” (233). Trong các câu trả lời cuộc tham khảo ý kiến toàn thế giới, ta thấy rõ: các thừa tác viên thụ phong thường thiếu sự huấn luyện cần cho việc xử lý các vấn đề phức tạp mà các gia đình hiện đang phải đương đầu. Ta cũng có thể rút tỉa kinh nghiệm giáo sĩ có gia đình của truyền thống Đông Phương rộng khắp.

203. Các chủng sinh nên nhận được một nền đào tạo liên khoa sâu rộng hơn, chứ không chỉ về tín lý, trong các lãnh vực đính hôn và kết hôn. Việc đào tạo họ không luôn luôn giúp họ thăm dò chính bối cảnh và các trải nghiệm tâm lý và cảm giới của họ. Một số xuất thân từ các gia đình gặp rắc rối, thiếu cha thiếu mẹ hay không ổn định về xúc cảm. Phải làm thế nào bảo đảm được rằng diễn trình đào tạo có thể giúp họ đạt được sự trưởng thành và sự quân bình tâm lý cần cho thừa tác vụ tương lai của họ. Các mối dây liên kết gia đình là điều chủ yếu để tăng cường lòng tự trọng lành mạnh. Điều quan trọng đối với các gia đình là trở thành một phần trong diễn trình chủng viện và đời sống linh mục, vì họ có thể giúp tái xác định hai điều vừa kể và giữ cho chúng có cơ sở vững vàng trong thực tại. Điều hữu ích cho các chủng sinh là biết phối hợp thời gian sống trong chủng viện với thời gian sống ở các giáo xứ. Ở đấy, họ có thể tiếp xúc nhiều hơn với các thực tại cụ thể của đời sống gia đình, vì trong thừa tác vụ tương lai của họ, phần lớn họ sẽ phải xử lý với các gia đình. “Sự hiện diện của các giáo dân, của các gia đình và nhất là của phụ nữ trong việc đào tạo linh mục, sẽ phát huy việc đánh giá cao tính đa dạng và bổ túc cho nhau của các ơn gọi khác nhau trong Giáo Hội” (234).

204. Các câu trả lời trong cuộc tham khảo nói trên cũng nhấn mạnh đến việc phải huấn luyện các nhà lãnh đạo giáo dân có khả năng trợ giúp việc chăm sóc mục vụ cho các gia đình, với sự giúp đỡ của các thầy cô và huấn đạo viên, các y sĩ gia đình và cộng đồng, các nhân viên xã hội, các luật sư thiếu niên và gia đình, và dựa vào các đóng góp của tâm lý học, xã hội học, trị liệu và huấn đạo hôn nhân. Các nhà chuyên nghiệp, nhất là những người có kinh nghiệm thực tiễn, giúp giữ cho các sáng kiến mục vụ có cơ sở trong các hoàn cảnh có thực và các quan tâm cụ thể của gia đình. “Các khóa học và chương trình, được hoạch định chuyên biệt cho các nhân viên mục vụ, có thể có ích bằng cách hội nhập chương trình chuẩn bị tiền hôn nhân vào tính năng động rộng lớn hơn của đời sống Giáo Hội” (235). Việc đào tạo tốt về mục vụ là điều quan trọng “nhất là khi cân nhắc các tình huống khẩn trương đặc thù phát sinh từ các trường hợp bạo hành trong gia đình và lạm dụng tình dục” (236). Tất cả những điều này không hề làm giảm, nhưng đúng hơn, bổ túc cho giá trị nền tảng của việc linh hướng, của các kho báu linh đạo phong phú của Giáo Hội và của bí tích Hòa Giải.

Chuẩn bị hôn nhân cho các cặp đính hôn 

205. Các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, bằng nhiều cách, đã quả quyết rằng ta cần giúp giới trẻ khám phá ra phẩm giá và cái đẹp của hôn nhân (237). Họ nên được giúp đỡ để nhận thức rõ sự quyến rũ của một kết hợp hoàn toàn, một sự kết hợp nhằm nâng cao và hoàn thiện hóa chiều kích xã hội của nhân sinh, đem lại cho tính dục ý nghĩa sâu xa nhất của nó, gây ích cho con cái bằng cách cung hiến cho chúng bối cảnh tốt nhất để chúng lớn lên và phát triển.

206. “Sự phức tạp của xã hội ngày nay và các thách đố mà gia đình đang đối phó đòi phải có một cố gắng lớn lao về phía toàn bộ cộng đồng Kitô hữu trong việc chuẩn bị những người sắp sửa kết hôn. Sự quan trọng của các nhân đức phải được bao gồm trong đó. Trong số các nhân đức, đức trong sạch đã được chứng minh là vô giá để tình yêu giữa những con người có thể lớn lên một cách chân chính. Về phương diện này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng nhất trí về việc phải để toàn bộ cộng đồng tham dự một cách sâu rộng hơn, bằng cách nhấn mạnh đến chứng tá của chính các gia đình và đặt cơ sở cho việc chuẩn bị hôn nhân ngay trong diễn trình Khai tâm Kitô Giáo qua việc làm nổi bật mối liên kết giữa hôn phối, phép rửa và các bí tích khác. Các Nghị Phụ cũng nói tới việc phải có những chương trình chuẩn bị hôn nhân đặc biệt nhằm đem lại cho các cặp này kinh nghiệm chân chính được tham dự vào đời sống Giáo Hội và được dẫn nhập trọn vẹn vào các khía cạnh khác nhau của đời sống gia đình” (238).

207. Tôi khuyến khích các cộng đồng Kitô hữu nhìn nhận lợi ích lớn lao chính họ nhận được từ việc giúp đỡ các cặp đính hôn lớn lên trong lòng yêu thương. Như các giám mục Ý từng nhận xét, những cặp này là “tài nguyên giá trị vì khi thành thực cam kết lớn lên trong lòng yêu thương và sự tự hiến, họ đã có thể góp phần vào việc canh tân cấu trúc của toàn bộ cơ thể Giáo Hội. Hình thức tình bằng hữu đặc biệt của họ có thể chứng minh được là dễ lây và có khả năng phát huy sự lớn mạnh của tình bằng hữu và tình huynh đệ trong cộng đồng Kitô hữu mà họ vốn là một thành phần” (239). Hiện có một số cách hợp pháp để tổ chức các chương trình chuẩn bị hôn nhân, và mỗi Giáo Hội địa phương phải biện phân cách tốt nhất để cung cấp việc huấn luyện thích đáng mà không làm giới trẻ ra xa lạ với bí tích. Họ không cần được dạy toàn bộ Sách Giáo Lý hay được nhồi nhét quá nhiều tín liệu. Cả ở đây, “không phải sự hiểu biết lớn lao, mà đúng hơn là khả năng cảm nhận và trân qúy những điều ở bên trong có khả năng làm cho linh hồn hài lòng và thỏa mãn” (240). Phẩm lúc nào cũng quan trọng hơn lượng và, song song với việc công bố sơ truyền một cách mới mẻ, nên dành ưu tiên cho việc trình bầy một cách lôi cuốn và hữu ích các tín liệu có thể giúp các cặp đính hôn biết sống trọn phần còn lại của đời họ với nhau “một cách can đảm và quảng đại” (241). Việc chuẩn bị hôn nhân nên trở thành một thứ “khai tâm” vào bí tích hôn phối, cung cấp cho các cặp đính hôn sự giúp đỡ họ cần để lãnh nhận bí tích cách xứng đáng và khởi đầu cuộc sống vững chắc của họ như một gia đình.

208. Với sự giúp đỡ của các gia đình truyền giáo, người ta cũng thấy các gia đình riêng của cặp đính hôn và hàng loạt các nguồn tài nguyên và đường lối mục vụ khác cũng có thể cung cấp việc chuẩn bị xa, một việc, nhờ gương sáng và lời khuyên tốt, có khả năng giúp cho lòng yêu thương của họ lớn lên và trưởng thành. Các nhóm thảo luận và các buổi thuyết trình nhiệm ý về hàng loạt các đề tài được giới trẻ thực sự lưu ý cũng đã được chứng minh là hữu ích. Cũng thế, một số cuộc tụ họp cá nhân cũng có tính chủ yếu, vì mục tiêu hàng đầu là giúp nhau học cách yêu thương con người thực này mà với họ nàng hay chàng có dự kiến chia sẻ cả đời nàng hay đời chàng. Học cách yêu thương một ai đó không tự động mà đến, cũng không thể được dạy trong một buổi tập huấn (workshop) chỉ trước khi cử hành hôn phối. Với mọi cặp đính hôn, việc chuẩn bị hôn nhân phải bắt đầu từ lúc mới sinh ra. Điều họ lãnh nhận được từ gia đình họ nên chuẩn bị để họ tự biết họ và biết dấn thân cách trọn vẹn và dứt khoát. Những ai được chuẩn bị kỹ càng nhất để kết hôn có lẽ là những người được chính cha mẹ họ dạy cho biết bản chất hôn nhân Kitô Giáo là gì; vì các ngài đã chọn nhau một cách vô điều kiện và mỗi ngày mỗi canh tân quyết định này. Theo chiều hướng này, các sáng kiến mục vụ nhằm giúp các cặp vợ chồng lớn lên trong lòng yêu thương và trong Tin Mừng gia đình cũng sẽ giúp con cái họ, bằng cách chuẩn bị chúng cho cuộc sống hôn nhân tương lai của chúng. Ta cũng đừng nên đánh giá thấp giá trị mục vụ trong các thực hành tôn giáo truyền thống. Xin đơn cử một điển hình: tôi nghĩ tới Ngày Thánh Valentine; ở một số quốc gia, các tư lợi thương mãi nhanh nhẩu hơn trong việc nhận ra tiềm năng của vệc cử hành này hơn là chúng ta trong Giáo Hội.

209. Việc cộng đồng giáo xứ chuẩn bị đúng lúc cho các cặp đính hôn cũng nên giúp họ nhận ra các vấn đề và nguy cơ có thể có. Nhờ cách này, họ có thể tiến tới chỗ hiểu ra sự khôn ngoan của việc hủy bỏ một mối liên hệ mà họ thấy trước sẽ thất bại và gây đau khổ về sau. Trong sự say mê nhau lúc ban đầu, cặp đính hôn dám có mưu toan che dấu hay tương đối hóa một số sự việc nào đó hay tránh bất đồng với nhau; chỉ để sau đó xẩy ra không biết bao nhiêu vấn đề. Vì lý do này, họ nên được khuyến khích một cách mạnh mẽ trong việc thảo luận xem mỗi người mong ước gì ở cuộc hôn nhân, hiểu những gì về lòng yêu thương và sự cam kết, muốn gì ở người kia và cùng nhau xây dựng loại cuộc sống nào. Những cuộc thảo luận như thế sẽ giúp họ thấy rõ có phải thực ra họ có rất ít điểm chung với nhau và hiểu ra rằng chỉ sự lôi cuốn lẫn nhau mà thôi sẽ không đủ để giữ họ lại với nhau. Không điều gì dễ thay đổi, nhất thời và ít đoán trước được bằng sự thèm muốn. Không bao giờ nên khích lệ một quyết định kết hôn trừ khi cặp đính hôn biện phân được các lý do sâu sắc hơn giúp đảm bảo một cam kết chân chính và bền vững.

210. Dù sao, nếu một bên rõ ràng nhận ra các điểm yếu của bên kia, thì họ cần phải có một lòng tin tưởng thực tiễn vào khả năng có thể giúp đỡ người này để họ phát triển các điểm mạnh nhằm quân bình hóa các điểm yếu kia, và nhờ thế, cổ vũ sự lớn mạnh nhân bản của họ. Điều này bao hàm việc sẵn sàng để đối phó với nhiều hy sinh, nhiều nan đề và tình huống tranh chấp có thể có; nó đòi một quyết tâm vững vàng để sẵn sàng đối phó với nó. Các cặp đính hôn cần có khả năng khám phá ra các dấu hiệu nguy hiểm trong mối liên hệ của họ và, trước ngày cưới, tìm được những cách thế hữu hiệu để đáp ứng các dấu hiệu này. Buồn thay, rất nhiều cặp lấy nhau mà thực ra không hề hiểu biết nhau. Họ vui hưởng sự có nhau của nhau và làm nhiều việc với nhau, nhưng không đương đầu với thách đố tự vén màn cho nhau và tiến tới chỗ biết người kia thực sự là người như thế nào.

211. Việc chuẩn bị hôn nhân bất kể là ngắn hạn hay dài hạn đều nên bảo đảm việc này: cặp đính hôn không coi nghi lễ kết hôn như là cuối đường đi, nhưng thay vào đó, là bắt đầu cuộc hôn nhân như một ơn gọi suốt đời đặt căn bản trên một quyết định vững chắc và thực tiễn sẽ cùng nhau đương đầu với mọi thử thách và thời điểm khó khăn. Việc chăm sóc mục vụ các cặp đính hôn và kết hôn nên tập trung vào dây hôn phối, giúp các cặp này không những thâm hậu hóa lòng yêu thương của họ mà còn vượt qua các nan đề và khó khăn của họ nữa. Việc này bao gồm không những phải giúp họ chấp nhận các giáo huấn của Giáo Hội và biết chạy đến với các tài nguyên giá trị của Giáo Hội, mà còn phải cung cấp cho họ các chương trình thực tiễn, những lời khuyên vững chắc, các chiến thuật đã được chứng thực và các hướng dẫn tâm lý. Điều này đòi phải có một nền sư phạm về lòng yêu thương, phù hợp với cảm quan và nhu cầu giới trẻ và có khả năng giúp họ lớn lên về nội tâm. Việc chuẩn bị hôn nhân cũng nên cung cấp cho các cặp đính hôn tên các nơi, các người và các dịch vụ họ có thể chạy tới xin giúp đỡ khi có vấn đề. Điều cũng quan trọng là nhắc họ nhớ đến sự sẵn có của bí tích Hòa Giải, là bí tích giúp họ đem tội lỗi và các lỗi lầm quá khứ của họ, cũng như chính mối liên hệ của họ tới trước mặt Thiên Chúa, để ngược lại, nhận được sự tha thứ đầy xót thương và sức mạnh chữa lành của Người.

Chuẩn bị việc cử hành 

212. Các cuộc chuẩn bị hôn nhân ngắn hạn có khuynh hướng tập rung vào thiệp mời, quần áo, tiệc tùng và nhiều chi tiết khác làm kiệt quệ không những ngân sách mà cả sức lực và niềm vui nữa. Các người phối ngẫu đến với nghi thức hôn phối trong trạng thái kiệt lực và rã rời căng thẳng, hơn là tập chú và sẵn sàng thực hiện bước đi vĩ đại họ sắp sửa bước. Cùng một loại bận tâm với việc cử hành lớn lao này cũng ảnh hưởng tới các cuộc phối hợp de facto (trên thực tế); vì các chi phí liên hệ, những cặp này, thay vì quan tâm trước nhất tới lòng yêu thương của mình và cử hành nó theo nghi thức trước sự hiện diện của nhiều người khác, không bao giờ kết hôn cả. Ở đây, tôi xin nói với các người sắp lấy nhau này một lời. Hãy can đảm làm khác đi. Đừng để mình bị xã hội duy tiêu thụ và chỉ sống bằng dáng vẻ nuốt trửng. Điều quan trọng là lòng yêu thương các con chia sẻ với nhau, được ơn thánh củng cố và thánh hóa. Các con có thể chọn một lối cử hành khiêm tốn và giản dị hơn, trong đó, lòng yêu thương của các con chiếm ưu tiên hơn bất cứ điều gì khác. Các nhân viên mục vụ và toàn thể cộng đồng có thể giúp làm cho ưu tiên này trở thành qui lệ hơn là ngoại lệ.

213. Trong việc chuẩn bị kết hôn của mình, các cặp đính hôn nên được khuyến khích biến việc cử hành phụng vụ thành một cảm nghiệm bản thân sâu sắc và đánh giá cao ý nghĩa của mỗi dấu hiệu. Trong trường hợp hai người đã chịu phép rửa, thì cam kết được phát biểu qua các lời tỏ ưng thuận và việc kết hợp thân xác nhằm hoàn hợp cuộc hôn nhân chỉ có thể được coi là các dấu chỉ tình yêu và sự kết hợp giao ước giữa Con Thiên Chúa nhập thể và Giáo Hội của Người. Nơi người đã chịu phép rửa, các lời và dấu hiệu trở thành một ngôn ngữ hùng hồn của đức tin. Thân xác, được dựng nên với ý nghĩa Chúa ban, “trở thành thân xác của các thừa tác viên bí tích, những người ý thức rằng trong khế ước phu phụ có sự phát biểu và thể hiện của mầu nhiệm vốn phát sinh từ chính Thiên Chúa” (242).

214. Đôi lúc, cặp kết hôn không nắm được tầm quan trọng về thần học và tâm linh của các lời tỏ ưng thuận, là những lời vốn soi sáng ý nghĩa của mọi dấu hiệu tiếp theo. Ta cần nhấn mạnh rằng những lời này không thể bị giản lược vào hiện tại; chúng bao hàm một toàn diện tính bao trùm cả tương lai: “cho tới lúc cái chết phân rẽ chúng ta” (phụng vụ tiếng Việt: mọi ngày suốt đời tôi). Nội dung các lời tỏ ưng thuận minh xác rằng “tự do và trung thành không chống chọi nhau; đúng hơn, chúng nâng đỡ nhau, trong cả các liên hệ liên bản ngã lẫn các liên hệ xã hội nữa. Thực thế, trong nền văn hóa truyền thông hoàn cầu, ta hãy xem xét sự tai hại gây ra bởi việc leo thang của những hứa hẹn không được tuân giữ... Tôn trọng lời nói của mình, trung thành với các lời hứa của mình: đó là những điều không thể mua hay bán được. Chúng không thể nào bị cưỡng bức bằng vũ lực hay được duy trì bất cần hy sinh” (243).

215. Các giám mục Kenya từng nhận xét rằng “nhiều [người trẻ] tập trung vào ngày cưới của họ mà quên cả việc cam kết suốt đời mà họ sắp bước vào” (244). Họ cần được khuyến khích để coi bí tích này không như giờ phút duy nhất để rồi sau đó trở thành một phần của quá khứ và ký ức của nó, nhưng đúng hơn như một thực tại vĩnh viễn gây ảnh hưởng tới trọn cuộc sống vợ chồng (245). Ý nghĩa sinh sản của tính dục, ngôn ngữ thân xác, và các dấu hiệu của lòng yêu thương biểu lộ suốt trong cuộc sống hôn nhân, tất cả trở thành “liên tục tính bất tận của ngôn ngữ phụng vụ” và “cuộc sống lứa đôi, theo một nghĩa nào đó, trở thành có tính phụng vụ” (246).

216. Cặp đính hôn cũng có thể suy niệm các bài đọc Thánh Kinh và tính ý nghĩa của những chiếc nhẫn họ sẽ trao cho nhau và các dấu hiệu khác vốn là thành phần của nghi lễ. Điều cũng không tốt đối với họ là tới lễ cưới mà chưa bao giờ cùng nhau cầu nguyện, người này cầu nguyện cho người nọ, xin Thiên Chúa nâng đỡ để mãi mãi trung thành và quảng đại, cùng nhau hỏi Chúa xem Người muốn mình điều gì, và hiến dâng lòng yêu thương của mình trước tượng Đức Nữ Trinh Maria. Những người giúp chuẩn bị cho họ kết hôn nên giúp họ cảm nghiệm các thời khắc cầu nguyện này, những thời khắc được chứng minh là hết sức hữu ích. “Phụng vụ hôn phối là biến cố độc đáo, vì vừa là một cử hành của gia đình vừa là một cử hành của cộng đồng. Các dấu lạ đầu tiên của Chúa Giêsu đã được thực hiện tại tiệc cưới Cana. Rượu ngon, phát sinh từ phép lạ của Chúa nhằm đem lại niềm vui cho những ngày đầu của một gia đình mới, chính là rượu mới của Giao Ước giữa Chúa Kitô và những người nam nữ mọi thời... Thỉnh thoảng, vị cử hành nói với một cộng đoàn gồm những người ít khi tham dự vào đời sống Giáo Hội, hay những người là thành viên của các hệ phái Kitô Giáo khác hay cộng đồng tôn giáo khác. Như thế, đây là dịp có giá trị để công bố Tin Mừng của Chúa Kitô” (247).

Kỳ Sau: Đồng Hành Trong Các Năm Đầu Đời Hôn Nhân

_________________________________________________________________________________________________________________________________________________________
(225) Relatio Synodi 2014, 30.
(226) Ibid., 31.
(227) Relatio Finalis 2015, 56.
(228) Ibid., 89.
(229) Relatio Synodi 2014, 32.
(230) Ibid., 33.
(231) Ibid., 38.
(232) Relatio Finalis 2015, 77.
(233) Ibid., 61.
(234) Ibid.
(235) Ibid.
(236) Ibid.
(237) Cf. Relatio Synodi 2014, 26.
(238) Ibid., 39.
(239) Hội Đồng Giám Mục Ý, Ủy Ban Giám Mục về Gia Đình và Sự Sống, Orientamenti pastorali sulla preparazione al matrimonio e alla famiglia(22 tháng 10, 2012), 1.
(240) Thánh Inhaxiô Thành Loyola, Spiritual Exercises, Annotation 2.
(241) Ibid., Annotation 5.
(242) Đức Gioan Phaolô II, Bài Giáo Lý (27 tháng 6, 1984), 4: Insegnamenti
VII/1 (1984), 1941.
(243) Bài Giáo Lý (21 tháng 10, 2015): L’Osservatore Romano, 22 tháng 10, 2015, p. 12.
(244) Hội Đồng Giám Mục Kenya, Sứ Điệp Mùa Chay, (18 tháng 2, 2015).
(245) Cf. Đức Piô XI, Thông Điệp Casti Connubii (31 tháng 12, 1930): AAS 22 (1930), 583.
(246) Đức Gioan Phaol6 II, Bài Giáo Lý (4 tháng 7, 1984), 3, 6: Insegnamenti VII/2 (1984), pp. 9, 10.
(247) Relatio Finalis 2015, 59.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét