Nguyên Văn Tông Huấn
Amoris Laetitia của Đức Phanxicô (các số 280-290)
Vũ Văn An4/28/2016
Vũ Văn An4/28/2016
Chương Bẩy: Hướng Tới Việc
Giáo Dục Con Cái Tốt Hơn (tiếp
theo)
Nhu cầu giáo dục tính dục
280. Công Đồng Vatican II đề cập tới việc phải đem lại cho trẻ em và các thiếu niên “một nền giáo dục tích cực và khôn ngoan về tính dục khi họ đang lớn lên” với “trọng tâm thích đáng đặt vào các tiến bộ trong các khoa tâm lý, sư phạm và giáo khoa” (301). Ta nên tự hỏi liệu các định chế giáo dục của ta đã tiếp nhận thách đố này chưa. Quả thực không dễ bàn đến vấn đề giáo dục tính dục trong một thời đại trong đó, tính dục bị tầm thường hóa và nghèo nàn hóa. Nó chỉ có thể được xem xét bên trong khuôn khổ giáo dục lòng yêu thương và tự hiến cho nhau. Nhờ cách này, ngôn ngữ tính dục sẽ không bị nghèo nàn hóa một cách đáng buồn nhưng được soi sáng và phong phú hóa. Thúc đẩy tính dục có thể được điều hướng bằng diễn trình lớn mạnh trong việc tự biết và tự kiểm soát chính mình, những việc vốn có thể nuôi dưỡng các khả năng có giá trị để đạt tới niềm vui và những cuộc gặp gỡ yêu thương.
281. Giáo dục tính dục cung cấp tín liệu trong khi phải nhớ rằng trẻ em và các thiếu niên chưa đạt tới sự chín chắn trọn vẹn. Tín liệu phải được cung cấp đúng lúc và thích ứng với độ tuổi của các em. Nó sẽ không giúp được gì nếu áp đảo các em bằng đủ mọi dữ kiện mà không giúp chúng phát triển năng khiếu phê phán để xử lý cuộc tấn công vũ bão của các ý tưởng và gợi ý mới, của cơn lũ khiêu dâm và sức nặng kích thích vốn làm méo mó tính dục. Giới trẻ cần hiểu ra rằng họ đang bị oanh kích tới tấp bởi các sứ điệp vô bổ đối với việc tăng trưởng sự chín chắn của họ. Ta nên giúp đỡ để họ nhận ra và đi tìm các ảnh hưởng tích cực, trong khi xa tránh những điều có thể làm tê liệt khả năng yêu thương của họ. Ta cũng phải hiểu ra rằng ta cần “một ngôn ngữ mới và thích đáng hơn để dẫn nhập trẻ em và các thiếu niên vào chủ đề tính dục” (302).
282. Nền giáo dục tính dục nào cổ vũ được cảm thức thùy mị nết na lành mạnh là nền giáo dục rất có giá trị, bất kể một số người ngày nay coi thùy mị nết na như phế tích của một thời xa xưa. Thùy mị nết na là một phương thế tự nhiên để ta bảo vệ sự tư riêng bản thân và ngăn ngừa ta khỏi trở thành những đối tượng bị lợi dụng. Không có cảm thức thùy mị nết na này, lòng âu yếm và tính dục có thể bị giản lược chỉ còn là một ám ảnh đối với dục quan và các tác phong không lành mạnh vốn làm méo mó khả năng yêu thương của ta, và đối với các hình thức bạo lực tính dục có thể dẫn tới việc đối xử vô nhân đạo hoặc gây thương tích cho người khác.
283. Giáo dục tính dục thường chủ yếu bàn đến “việc bảo vệ” bằng cách thực hành việc “làm tình an toàn”. Các kiểu nói này chuyên chở một thái độ tiêu cực đối với cùng đích tự nhiên của tính dục là sinh sản, như thể đứa trẻ có thể sinh ra là một kẻ thù cần được phòng thủ. Kiểu suy nghĩ này cổ vũ lòng yêu mình thái quá (narcissism) và tính gây hấn thay vì chấp nhận. Điều luôn luôn vô trách nhiệm là mời gọi thiếu niên đùa bỡn với thân xác và các thèm muốn của họ, như thể họ đã sở đắc được sự chín chắn, các giá trị, sự cam kết hỗ tương và các mục tiêu của riêng hôn nhân. Kết cục, vô tình, họ chỉ được khuyến khích sử dụng người khác như một phương tiện để thoả mãn các nhu cầu hay các giới hạn của mình. Điều quan trọng là phải dạy họ biết nhậy cảm đối với các cách diễn tả khác nhau của lòng yêu thương, biết quan tâm và săn sóc lẫn nhau, biết tôn trọng một cách yêu thương và thông đạt có ý nghĩa sâu xa. Tất cả những điều này sẽ chuẩn bị để họ biết tự hiến thân một cách toàn diện và quảng đại, một hiến thân, sau khi đã công khai cam kết, sẽ được diễn tả qua việc hiến thân xác cho nhau. Do đó, kết hợp tính dục trong hôn nhân sẽ trở thành dấu hiệu của một cam kết bao trùm tất cả, được tất cả những gì đi trước nó phong phú hóa.
284. Giới trẻ không nên bị lừa trong việc lẫn lộn hai bình diện thực tại: “lôi cuốn tính dục tạm thời tạo nên ảo giác kết hợp, thế nhưng, nếu không có lòng yêu thương, ‘sự kết hợp’ này sẽ để những kẻ xa lạ mãi mãi xa lạ như trước” (303). Ngôn ngữ thân xác đòi phải có thời kỳ tập việc kiên nhẫn để học tập cách giải thích và vận dụng các thèm muốn để có thể tự hiến một cách chân chính. Khi tham vọng muốn lập tức cho đi mọi sự, rất có thể ta chẳng cho đi được gì. Hiểu rõ tính mỏng dòn và bối rối của người trẻ là một chuyện mà khuyến khích họ kéo dài sự thiếu chín chắn trong cách biểu lộ lòng yêu thương của họ lại là một chuyện khác hẳn. Nhưng ngày nay, ai nói tới những điểu này? Ai có khả năng khiến người trẻ nghiêm túc? Ai giúp họ chuẩn bị cách nghiêm chỉnh để đón nhận lòng yêu thương vĩ đại và quảng đại này? Hiện nay, người ta rất coi nhẹ việc giáo dục tính dục.
285. Giáo dục tính dục cũng bao gồm việc tôn trọng và đánh giá cao các dị biệt, như một cách giúp giới trẻ thắng vượt tính chỉ biết có mình ngõ hầu có thể cởi mở và chấp nhận người khác. Ngoài các khó khăn dễ hiểu mà các cá nhân có thể gặp phải, giới trẻ cần được giúp đỡ để chấp nhận thân xác họ như đã được tạo nên, vì “nghĩ rằng ta có quyền tuyệt đối trên thân xác ta, kết cục, một cách tinh tế, sẽ khiến ta nghĩ rằng ta có quyền tuyệt đối trên sáng thế... Biết đánh giá thân xác ta như là nam hay nữ cũng là điều cần thiết để ta tự biết mình trong cuộc gặp gỡ những người khác với ta. Nhờ cách này, ta có thể hân hoan chấp nhận các ơn phúc chuyên biệt của một người đàn ông hay một người đàn bà khác, vốn là công trình của Thiên Chúa Hóa Công, và tìm được sự phong phú hỗ tương” (304). Chỉ khi nào hết sợ khác biệt, ta mới thoát khỏi não trạng lấy mình làm trung tâm, chỉ lưu tâm tới mình. Giáo dục tính dục nên giúp giới trẻ biết chấp nhận thân xác họ và tránh cái cao vọng muốn “triệt tiêu sự dị biệt giới tính vì không còn biết phải xử lý với nó ra sao” (305).
286. Ta cũng không thể làm ngơ sự kiện này: việc tạo hình cho cung cách hiện hữu của ta, bất kể là nam hay nữ, không hề chỉ là kết quả của các nhân tố sinh học hay di truyền học mà thôi, mà của nhiều yếu tố liên quan đến tính khí, lịch sử gia đình, văn hóa, kinh nghiệm, giáo dục, ảnh hưởng của bạn bè, các thành viên trong gia đình và những người được tôn kính, cũng như các hoàn cảnh đào tạo. Đúng là ta không thể tách biệt yếu tố nam yếu tố nữ ra khỏi công trình sáng tạo của Thiên Chúa, một công trình có trước mọi quyết định và kinh nghiệm của ta, và là nơi hiện hữu các yếu tố sinh học mà ta không thể làm ngơ. Nhưng điều cũng đúng là nam tính và nữ tính không phải là những phạm trù cứng ngắc. Cách hiện hữu như người nam của người chồng, chẳng hạn, có thể được thích ứng một cách mềm dẻo với lịch trình làm việc của người vợ. Nhận làm việc nhà hay một vài khía cạnh nuôi dưỡng con cái không làm người chồng bớt là đàn ông chút nào hay hàm nghĩa thất bại, vô trách nhiệm hay gây xấu hổ chi. Con cái cần được giúp đỡ để chấp nhận “các trao đổi” lành mạnh này như những chuyện bình thường, không hề làm giảm phẩm giá của người cha. Phương thức cứng ngắc sẽ biến thành việc quá nhấn mạnh tới yếu tố nam hay yếu tố nữ, và sẽ không giúp trẻ em và các thiếu niên biết đánh giá tính hỗ tương chân chính đã nhập thân trong các điều kiện đích thực của hôn nhân. Sự cứng ngắc này, ngược lại, sẽ gây trở ngại cho việc phát triển các khả năng của cá nhân, đến độ dẫn họ tới chỗ nghĩ, chẳng hạn, rằng tập tành nghệ thuật hay khiêu vũ là không nam tính chút nào, hay thi hành quyền lãnh đạo là không nữ tính chút nào. Cám ơn Chúa, suy nghĩ này nay đã thay đổi, nhưng ở một số nơi, các quan niệm thiếu sót vẫn còn đang giới hạn quyền tự do chính đáng và gây trở ngại cho việc phát triển căn tính và tiềm năng chuyên biệt của trẻ em một cách chân chính.
Lưu truyền đức tin
287. Việc nuôi dưỡng con cái đòi phải có một diễn trình có thứ tự để lưu truyền đức tin. Việc này hiện đang bị làm cho khó khăn bởi các lối sống đương thời, các lịch trình làm việc và tính phức tạp của thế giới ngày nay, nơi nhiều người đang phải chạy đua với nhịp độ điên cuồng chỉ để sinh tồn (306). Dù thế, tổ ấm vẫn phải tiếp tục là nơi ta học cách biết đánh giá ý nghĩa và vẻ đẹp của đức tin, biết cầu nguyện và phục vụ người lân cận. Việc này bắt đầu với phép rửa, trong đó, như Thánh Augustinô từng nói, các bà mẹ mang con cái họ tới “hợp tác vào việc sinh hạ thánh thiêng” (307). Cuộc hành trình lớn mạnh trong sự sống mới này bắt đầu như thế đó. Đức tin là hồng ơn của Thiên Chúa, tiếp nhận được trong phép rửa, chứ không phải công trình của ta, thế nhưng cha mẹ là phương thế Chúa dùng để nó lớn lên và phát triển. Do đó, “quả là đẹp đẽ khi các bà mẹ dạy con thơ của mình hôn gió Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Trong cử chỉ này, có biết bao yêu thương trong đó! Lúc ấy, trái tim đứa con trở thành một nơi cầu nguyện (308). Truyền thụ đức tin giả thiết cha mẹ phải tín thác thực sự nơi Thên Chúa, tìm kiếm Người và cảm nhận được nhu cầu cần có Chúa, vì chỉ bằng cách này, “thế hệ này mới ca ngợi các công trình của Ngài cho thế hệ kia nghe, và công bố các kỳ công của Ngài” (Tv 144:4) và “các người cha cho con cái họ biết lòng trung tín của Ngài” (Is 38:19). Điều này có nghĩa: ta cần xin Chúa hành động trong trái tim chúng, tức những nơi chính ta không với tới được. Hạt mù-tạt, nhỏ nhoi là thế, đã trở nên cây lớn (xem Mt 13:31-32); điều này dạy ta nhìn thấy sự không tương xứng giữa hành động của ta và các hậu quả của những hành động này. Ta biết rằng ta không sở hữu hồng phúc này, nhưng ta được trao phó việc chăm sóc nó. Thế nhưng, cam kết có tính sáng tạo của ta tự nó là một lễ dâng giúp ta khả năng hợp tác với kế hoạch của Thiên Chúa. Vì lý do này, “các cặp vợ chồng và các cha mẹ nên được đánh giá thích đáng như các tác nhân tích cực trong việc dạy giáo lý... Dạy giáo lý trong gia đình rất có ích như một phương pháp hữu hiệu để huấn luyện các cha mẹ trẻ biết ý thức sứ mệnh làm những nhà truyền giảng Tin Mừng ngay trong gia đình mình” (309).
288. Giáo dục đức tin cần được thích ứng với từng đứa con, vì các tài nguyên và công thức cũ không luôn luôn hữu hiệu. Trẻ em cần các biểu tượng, hành động và truyện kể. Vì các thiếu niên thường có vấn đề đối với quyền bính và qui luật, nên tốt nhất, ta nên khuyến khích các trải nghiệm đức tin riêng của các em và cung cấp cho chúng những chứng từ hấp dẫn, những chứng từ chiếm được cảm tình chỉ nhờ vẻ đẹp của chúng mà thôi. Cha mẹ nào mong nuôi dưỡng đức tin của con cái đều phải nhậy cảm đối với các khuôn mẫu lớn mạnh của chúng, vì chúng biết rằng trải nghiệm tâm linh không được áp đặt mà phải được tự do đề xuất. Điều chủ yếu là con cái thực sự thấy được điều này: đối với cha mẹ chúng, cầu nguyện là một việc thực sự quan trọng. Bởi thế, những lúc gia đình cầu nguyện và các hành vi sùng kính có thể mạnh mẽ đối với việc truyền giảng Tin Mừng hơn cả các lớp giáo lý hay các bài giảng. Ở đây, tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn cách riêng tới tất cả các bà mẹ vẫn tiếp tục cầu nguyện, như Thánh Monica, cho những đứa con đã lạc xa Chúa Kitô.
289. Công việc lưu truyền đức tin cho con cái, theo nghĩa làm dễ dàng việc phát biểu và lớn mạnh của nó, giúp toàn bộ gia đình trong sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của họ. Tự nhiên nó bắt đầu với việc truyền bá đức tin cho mọi người chung quanh họ, cả bên ngoài khung cảnh gia đình. Con cái lớn lên trong các gia đình có tinh thần truyền giáo thường sẽ trở nên các nhà truyền giáo; lớn lên trong các gia đình ấm cúng và thân thiện, chúng học được cách liên hệ với thế giới theo cách này, mà không từ bỏ đức tin và các xác tín của chúng. Ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã ăn uống với các người tội lỗi (xem Mc 2:16; Mt 11:19), chuyện trò với người đàn bà Samaria (xem Ga 4:7-26), tiếp Nicôđêmô lúc đêm hôm (xem Ga 3:1-21), để một gái điếm rửa chân cho mình (xem Lc 7:36-50) và không do dự đặt tay lên người bệnh (xem Mc 1:40-45; 7:33). Điều này cũng đúng đối với các tông đồ của Người: các ngài không coi thường người khác, hoặc tụ tập thành những nhóm ưu tú nho nhỏ, tách biệt hẳn cuộc sống của dân mình. Dù các nhà cầm quyền xách nhiễu các ngài, các ngài vẫn được “toàn dân” thương mến (Cv 2:47; xem 4:21, 33; 5:13).
290. Như thế, gia đình là một tác nhân của hành động mục vụ qua việc minh nhiên công bố Tin Mừng và di sản của nó gồm nhiều hình thức làm chứng: liên đới với người nghèo, cởi mở đối với các dị biệt giữa người ta, gìn giữ sáng thế, liên đới với các gia đình khác, nhất là những gia đình túng thiếu nhất, cả tinh thần lẫn vật chất, cả dấn thân cho việc cổ vũ ích chung bằng việc biến đổi các cơ cấu xã hội bất công, bắt đầu với khu vực họ sinh sống, tham gia các công việc thương người về tinh thần và thể xác” (310). Tất cả những điều này đều nói lên niềm tin sâu xa Kitô giáo của ta vào lòng yêu thương của Chúa Cha, Đấng luôn hướng dẫn và nâng đỡ ta, một lòng yêu thương được biểu hiện trong việc tự hiến hoàn toàn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng nay vẫn đang sống giữa chúng ta và giúp chúng ta khả năng cùng nhau đương đầu với giông bão cuộc đời trong mọi giai đoạn của nó. Trong mọi gia đình, Tin Mừng cần được vang vọng trở lại, bất kể lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, làm nguồn ánh sáng khắp nẻo đường đi. Mọi người chúng ta đều có thể nói được rằng nhờ kinh nghiệm sống trong gia đình “chúng ta đã tin vào lòng yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1Ga 4:16). Chỉ dựa vào kinh nghiệm này việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội dành cho các gia đình mới giúp họ trở nên vừa là Giáo Hội tại gia vừa là chất men của việc truyền giảng Tin Mừng trong xã hội.
Kỳ Sau: Chương Tám: Đồng Hành, Biện Phân và Hội Nhập Sự Yếu Đuối
__________________________________________________________________________________________________________
(301) Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, Gravissimum Educationis, 1.
(302) Relatio Finalis 2015, 56.
(303) Erich Fromm, The Art of Loving, New York, 1956, p. 54.
(304) Thông Điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 155.
(305) Bài Giáo Lý (15 tháng 4, 2015): L’Osservatore Romano, 16 tháng 4, 2015, p. 8.
(306) Cf. Relatio Finalis 2015, 13-14.
(307) Thánh Augustinô, De sancta virginitate 7,7: PL 40, 400.
(308) Bài Giáo Lý (26 tháng 8, 2015): L’Osservatore Romano, 27 tháng 8, 2015, p. 8.
(309) Relatio Finalis 2015, 89.
(310) Ibid., 93.
Nhu cầu giáo dục tính dục
280. Công Đồng Vatican II đề cập tới việc phải đem lại cho trẻ em và các thiếu niên “một nền giáo dục tích cực và khôn ngoan về tính dục khi họ đang lớn lên” với “trọng tâm thích đáng đặt vào các tiến bộ trong các khoa tâm lý, sư phạm và giáo khoa” (301). Ta nên tự hỏi liệu các định chế giáo dục của ta đã tiếp nhận thách đố này chưa. Quả thực không dễ bàn đến vấn đề giáo dục tính dục trong một thời đại trong đó, tính dục bị tầm thường hóa và nghèo nàn hóa. Nó chỉ có thể được xem xét bên trong khuôn khổ giáo dục lòng yêu thương và tự hiến cho nhau. Nhờ cách này, ngôn ngữ tính dục sẽ không bị nghèo nàn hóa một cách đáng buồn nhưng được soi sáng và phong phú hóa. Thúc đẩy tính dục có thể được điều hướng bằng diễn trình lớn mạnh trong việc tự biết và tự kiểm soát chính mình, những việc vốn có thể nuôi dưỡng các khả năng có giá trị để đạt tới niềm vui và những cuộc gặp gỡ yêu thương.
281. Giáo dục tính dục cung cấp tín liệu trong khi phải nhớ rằng trẻ em và các thiếu niên chưa đạt tới sự chín chắn trọn vẹn. Tín liệu phải được cung cấp đúng lúc và thích ứng với độ tuổi của các em. Nó sẽ không giúp được gì nếu áp đảo các em bằng đủ mọi dữ kiện mà không giúp chúng phát triển năng khiếu phê phán để xử lý cuộc tấn công vũ bão của các ý tưởng và gợi ý mới, của cơn lũ khiêu dâm và sức nặng kích thích vốn làm méo mó tính dục. Giới trẻ cần hiểu ra rằng họ đang bị oanh kích tới tấp bởi các sứ điệp vô bổ đối với việc tăng trưởng sự chín chắn của họ. Ta nên giúp đỡ để họ nhận ra và đi tìm các ảnh hưởng tích cực, trong khi xa tránh những điều có thể làm tê liệt khả năng yêu thương của họ. Ta cũng phải hiểu ra rằng ta cần “một ngôn ngữ mới và thích đáng hơn để dẫn nhập trẻ em và các thiếu niên vào chủ đề tính dục” (302).
282. Nền giáo dục tính dục nào cổ vũ được cảm thức thùy mị nết na lành mạnh là nền giáo dục rất có giá trị, bất kể một số người ngày nay coi thùy mị nết na như phế tích của một thời xa xưa. Thùy mị nết na là một phương thế tự nhiên để ta bảo vệ sự tư riêng bản thân và ngăn ngừa ta khỏi trở thành những đối tượng bị lợi dụng. Không có cảm thức thùy mị nết na này, lòng âu yếm và tính dục có thể bị giản lược chỉ còn là một ám ảnh đối với dục quan và các tác phong không lành mạnh vốn làm méo mó khả năng yêu thương của ta, và đối với các hình thức bạo lực tính dục có thể dẫn tới việc đối xử vô nhân đạo hoặc gây thương tích cho người khác.
283. Giáo dục tính dục thường chủ yếu bàn đến “việc bảo vệ” bằng cách thực hành việc “làm tình an toàn”. Các kiểu nói này chuyên chở một thái độ tiêu cực đối với cùng đích tự nhiên của tính dục là sinh sản, như thể đứa trẻ có thể sinh ra là một kẻ thù cần được phòng thủ. Kiểu suy nghĩ này cổ vũ lòng yêu mình thái quá (narcissism) và tính gây hấn thay vì chấp nhận. Điều luôn luôn vô trách nhiệm là mời gọi thiếu niên đùa bỡn với thân xác và các thèm muốn của họ, như thể họ đã sở đắc được sự chín chắn, các giá trị, sự cam kết hỗ tương và các mục tiêu của riêng hôn nhân. Kết cục, vô tình, họ chỉ được khuyến khích sử dụng người khác như một phương tiện để thoả mãn các nhu cầu hay các giới hạn của mình. Điều quan trọng là phải dạy họ biết nhậy cảm đối với các cách diễn tả khác nhau của lòng yêu thương, biết quan tâm và săn sóc lẫn nhau, biết tôn trọng một cách yêu thương và thông đạt có ý nghĩa sâu xa. Tất cả những điều này sẽ chuẩn bị để họ biết tự hiến thân một cách toàn diện và quảng đại, một hiến thân, sau khi đã công khai cam kết, sẽ được diễn tả qua việc hiến thân xác cho nhau. Do đó, kết hợp tính dục trong hôn nhân sẽ trở thành dấu hiệu của một cam kết bao trùm tất cả, được tất cả những gì đi trước nó phong phú hóa.
284. Giới trẻ không nên bị lừa trong việc lẫn lộn hai bình diện thực tại: “lôi cuốn tính dục tạm thời tạo nên ảo giác kết hợp, thế nhưng, nếu không có lòng yêu thương, ‘sự kết hợp’ này sẽ để những kẻ xa lạ mãi mãi xa lạ như trước” (303). Ngôn ngữ thân xác đòi phải có thời kỳ tập việc kiên nhẫn để học tập cách giải thích và vận dụng các thèm muốn để có thể tự hiến một cách chân chính. Khi tham vọng muốn lập tức cho đi mọi sự, rất có thể ta chẳng cho đi được gì. Hiểu rõ tính mỏng dòn và bối rối của người trẻ là một chuyện mà khuyến khích họ kéo dài sự thiếu chín chắn trong cách biểu lộ lòng yêu thương của họ lại là một chuyện khác hẳn. Nhưng ngày nay, ai nói tới những điểu này? Ai có khả năng khiến người trẻ nghiêm túc? Ai giúp họ chuẩn bị cách nghiêm chỉnh để đón nhận lòng yêu thương vĩ đại và quảng đại này? Hiện nay, người ta rất coi nhẹ việc giáo dục tính dục.
285. Giáo dục tính dục cũng bao gồm việc tôn trọng và đánh giá cao các dị biệt, như một cách giúp giới trẻ thắng vượt tính chỉ biết có mình ngõ hầu có thể cởi mở và chấp nhận người khác. Ngoài các khó khăn dễ hiểu mà các cá nhân có thể gặp phải, giới trẻ cần được giúp đỡ để chấp nhận thân xác họ như đã được tạo nên, vì “nghĩ rằng ta có quyền tuyệt đối trên thân xác ta, kết cục, một cách tinh tế, sẽ khiến ta nghĩ rằng ta có quyền tuyệt đối trên sáng thế... Biết đánh giá thân xác ta như là nam hay nữ cũng là điều cần thiết để ta tự biết mình trong cuộc gặp gỡ những người khác với ta. Nhờ cách này, ta có thể hân hoan chấp nhận các ơn phúc chuyên biệt của một người đàn ông hay một người đàn bà khác, vốn là công trình của Thiên Chúa Hóa Công, và tìm được sự phong phú hỗ tương” (304). Chỉ khi nào hết sợ khác biệt, ta mới thoát khỏi não trạng lấy mình làm trung tâm, chỉ lưu tâm tới mình. Giáo dục tính dục nên giúp giới trẻ biết chấp nhận thân xác họ và tránh cái cao vọng muốn “triệt tiêu sự dị biệt giới tính vì không còn biết phải xử lý với nó ra sao” (305).
286. Ta cũng không thể làm ngơ sự kiện này: việc tạo hình cho cung cách hiện hữu của ta, bất kể là nam hay nữ, không hề chỉ là kết quả của các nhân tố sinh học hay di truyền học mà thôi, mà của nhiều yếu tố liên quan đến tính khí, lịch sử gia đình, văn hóa, kinh nghiệm, giáo dục, ảnh hưởng của bạn bè, các thành viên trong gia đình và những người được tôn kính, cũng như các hoàn cảnh đào tạo. Đúng là ta không thể tách biệt yếu tố nam yếu tố nữ ra khỏi công trình sáng tạo của Thiên Chúa, một công trình có trước mọi quyết định và kinh nghiệm của ta, và là nơi hiện hữu các yếu tố sinh học mà ta không thể làm ngơ. Nhưng điều cũng đúng là nam tính và nữ tính không phải là những phạm trù cứng ngắc. Cách hiện hữu như người nam của người chồng, chẳng hạn, có thể được thích ứng một cách mềm dẻo với lịch trình làm việc của người vợ. Nhận làm việc nhà hay một vài khía cạnh nuôi dưỡng con cái không làm người chồng bớt là đàn ông chút nào hay hàm nghĩa thất bại, vô trách nhiệm hay gây xấu hổ chi. Con cái cần được giúp đỡ để chấp nhận “các trao đổi” lành mạnh này như những chuyện bình thường, không hề làm giảm phẩm giá của người cha. Phương thức cứng ngắc sẽ biến thành việc quá nhấn mạnh tới yếu tố nam hay yếu tố nữ, và sẽ không giúp trẻ em và các thiếu niên biết đánh giá tính hỗ tương chân chính đã nhập thân trong các điều kiện đích thực của hôn nhân. Sự cứng ngắc này, ngược lại, sẽ gây trở ngại cho việc phát triển các khả năng của cá nhân, đến độ dẫn họ tới chỗ nghĩ, chẳng hạn, rằng tập tành nghệ thuật hay khiêu vũ là không nam tính chút nào, hay thi hành quyền lãnh đạo là không nữ tính chút nào. Cám ơn Chúa, suy nghĩ này nay đã thay đổi, nhưng ở một số nơi, các quan niệm thiếu sót vẫn còn đang giới hạn quyền tự do chính đáng và gây trở ngại cho việc phát triển căn tính và tiềm năng chuyên biệt của trẻ em một cách chân chính.
Lưu truyền đức tin
287. Việc nuôi dưỡng con cái đòi phải có một diễn trình có thứ tự để lưu truyền đức tin. Việc này hiện đang bị làm cho khó khăn bởi các lối sống đương thời, các lịch trình làm việc và tính phức tạp của thế giới ngày nay, nơi nhiều người đang phải chạy đua với nhịp độ điên cuồng chỉ để sinh tồn (306). Dù thế, tổ ấm vẫn phải tiếp tục là nơi ta học cách biết đánh giá ý nghĩa và vẻ đẹp của đức tin, biết cầu nguyện và phục vụ người lân cận. Việc này bắt đầu với phép rửa, trong đó, như Thánh Augustinô từng nói, các bà mẹ mang con cái họ tới “hợp tác vào việc sinh hạ thánh thiêng” (307). Cuộc hành trình lớn mạnh trong sự sống mới này bắt đầu như thế đó. Đức tin là hồng ơn của Thiên Chúa, tiếp nhận được trong phép rửa, chứ không phải công trình của ta, thế nhưng cha mẹ là phương thế Chúa dùng để nó lớn lên và phát triển. Do đó, “quả là đẹp đẽ khi các bà mẹ dạy con thơ của mình hôn gió Chúa Giêsu và Đức Mẹ. Trong cử chỉ này, có biết bao yêu thương trong đó! Lúc ấy, trái tim đứa con trở thành một nơi cầu nguyện (308). Truyền thụ đức tin giả thiết cha mẹ phải tín thác thực sự nơi Thên Chúa, tìm kiếm Người và cảm nhận được nhu cầu cần có Chúa, vì chỉ bằng cách này, “thế hệ này mới ca ngợi các công trình của Ngài cho thế hệ kia nghe, và công bố các kỳ công của Ngài” (Tv 144:4) và “các người cha cho con cái họ biết lòng trung tín của Ngài” (Is 38:19). Điều này có nghĩa: ta cần xin Chúa hành động trong trái tim chúng, tức những nơi chính ta không với tới được. Hạt mù-tạt, nhỏ nhoi là thế, đã trở nên cây lớn (xem Mt 13:31-32); điều này dạy ta nhìn thấy sự không tương xứng giữa hành động của ta và các hậu quả của những hành động này. Ta biết rằng ta không sở hữu hồng phúc này, nhưng ta được trao phó việc chăm sóc nó. Thế nhưng, cam kết có tính sáng tạo của ta tự nó là một lễ dâng giúp ta khả năng hợp tác với kế hoạch của Thiên Chúa. Vì lý do này, “các cặp vợ chồng và các cha mẹ nên được đánh giá thích đáng như các tác nhân tích cực trong việc dạy giáo lý... Dạy giáo lý trong gia đình rất có ích như một phương pháp hữu hiệu để huấn luyện các cha mẹ trẻ biết ý thức sứ mệnh làm những nhà truyền giảng Tin Mừng ngay trong gia đình mình” (309).
288. Giáo dục đức tin cần được thích ứng với từng đứa con, vì các tài nguyên và công thức cũ không luôn luôn hữu hiệu. Trẻ em cần các biểu tượng, hành động và truyện kể. Vì các thiếu niên thường có vấn đề đối với quyền bính và qui luật, nên tốt nhất, ta nên khuyến khích các trải nghiệm đức tin riêng của các em và cung cấp cho chúng những chứng từ hấp dẫn, những chứng từ chiếm được cảm tình chỉ nhờ vẻ đẹp của chúng mà thôi. Cha mẹ nào mong nuôi dưỡng đức tin của con cái đều phải nhậy cảm đối với các khuôn mẫu lớn mạnh của chúng, vì chúng biết rằng trải nghiệm tâm linh không được áp đặt mà phải được tự do đề xuất. Điều chủ yếu là con cái thực sự thấy được điều này: đối với cha mẹ chúng, cầu nguyện là một việc thực sự quan trọng. Bởi thế, những lúc gia đình cầu nguyện và các hành vi sùng kính có thể mạnh mẽ đối với việc truyền giảng Tin Mừng hơn cả các lớp giáo lý hay các bài giảng. Ở đây, tôi muốn bầy tỏ lòng biết ơn cách riêng tới tất cả các bà mẹ vẫn tiếp tục cầu nguyện, như Thánh Monica, cho những đứa con đã lạc xa Chúa Kitô.
289. Công việc lưu truyền đức tin cho con cái, theo nghĩa làm dễ dàng việc phát biểu và lớn mạnh của nó, giúp toàn bộ gia đình trong sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của họ. Tự nhiên nó bắt đầu với việc truyền bá đức tin cho mọi người chung quanh họ, cả bên ngoài khung cảnh gia đình. Con cái lớn lên trong các gia đình có tinh thần truyền giáo thường sẽ trở nên các nhà truyền giáo; lớn lên trong các gia đình ấm cúng và thân thiện, chúng học được cách liên hệ với thế giới theo cách này, mà không từ bỏ đức tin và các xác tín của chúng. Ta biết rằng chính Chúa Giêsu đã ăn uống với các người tội lỗi (xem Mc 2:16; Mt 11:19), chuyện trò với người đàn bà Samaria (xem Ga 4:7-26), tiếp Nicôđêmô lúc đêm hôm (xem Ga 3:1-21), để một gái điếm rửa chân cho mình (xem Lc 7:36-50) và không do dự đặt tay lên người bệnh (xem Mc 1:40-45; 7:33). Điều này cũng đúng đối với các tông đồ của Người: các ngài không coi thường người khác, hoặc tụ tập thành những nhóm ưu tú nho nhỏ, tách biệt hẳn cuộc sống của dân mình. Dù các nhà cầm quyền xách nhiễu các ngài, các ngài vẫn được “toàn dân” thương mến (Cv 2:47; xem 4:21, 33; 5:13).
290. Như thế, gia đình là một tác nhân của hành động mục vụ qua việc minh nhiên công bố Tin Mừng và di sản của nó gồm nhiều hình thức làm chứng: liên đới với người nghèo, cởi mở đối với các dị biệt giữa người ta, gìn giữ sáng thế, liên đới với các gia đình khác, nhất là những gia đình túng thiếu nhất, cả tinh thần lẫn vật chất, cả dấn thân cho việc cổ vũ ích chung bằng việc biến đổi các cơ cấu xã hội bất công, bắt đầu với khu vực họ sinh sống, tham gia các công việc thương người về tinh thần và thể xác” (310). Tất cả những điều này đều nói lên niềm tin sâu xa Kitô giáo của ta vào lòng yêu thương của Chúa Cha, Đấng luôn hướng dẫn và nâng đỡ ta, một lòng yêu thương được biểu hiện trong việc tự hiến hoàn toàn của Chúa Giêsu Kitô, Đấng nay vẫn đang sống giữa chúng ta và giúp chúng ta khả năng cùng nhau đương đầu với giông bão cuộc đời trong mọi giai đoạn của nó. Trong mọi gia đình, Tin Mừng cần được vang vọng trở lại, bất kể lúc thịnh vượng cũng như lúc gian nan, làm nguồn ánh sáng khắp nẻo đường đi. Mọi người chúng ta đều có thể nói được rằng nhờ kinh nghiệm sống trong gia đình “chúng ta đã tin vào lòng yêu thương mà Thiên Chúa dành cho chúng ta” (1Ga 4:16). Chỉ dựa vào kinh nghiệm này việc chăm sóc mục vụ của Giáo Hội dành cho các gia đình mới giúp họ trở nên vừa là Giáo Hội tại gia vừa là chất men của việc truyền giảng Tin Mừng trong xã hội.
Kỳ Sau: Chương Tám: Đồng Hành, Biện Phân và Hội Nhập Sự Yếu Đuối
__________________________________________________________________________________________________________
(301) Công Đồng Vatican II, Tuyên Ngôn về Giáo Dục Kitô Giáo, Gravissimum Educationis, 1.
(302) Relatio Finalis 2015, 56.
(303) Erich Fromm, The Art of Loving, New York, 1956, p. 54.
(304) Thông Điệp Laudato Si’ (24 tháng 5, 2015), 155.
(305) Bài Giáo Lý (15 tháng 4, 2015): L’Osservatore Romano, 16 tháng 4, 2015, p. 8.
(306) Cf. Relatio Finalis 2015, 13-14.
(307) Thánh Augustinô, De sancta virginitate 7,7: PL 40, 400.
(308) Bài Giáo Lý (26 tháng 8, 2015): L’Osservatore Romano, 27 tháng 8, 2015, p. 8.
(309) Relatio Finalis 2015, 89.
(310) Ibid., 93.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét