30/04/2016
Thứ Bảy tuần 5 Phục Sinh
BÀI ĐỌC
I: Cv 16, 1-10
"Xin đi
sang Macêđonia mà cứu giúp chúng tôi".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong
những ngày ấy, Phaolô đến Đerbê và Lystra. Ở đó có một môn đồ tên là Timôthêô,
con của một bà Do-thái đã tin đạo, còn cha là người dân ngoại. Các anh em ở
Lystra và Icôniô chứng nhận anh là người tốt. Phaolô muốn anh đi theo mình, vì
nể người Do-thái ở trong vùng ấy, nên Phaolô đã đem anh đi cắt bì, vì mọi người
biết cha anh là người dân ngoại. Khi hai ngài đi ngang qua các thành phố, hai
ngài truyền lại cho họ tuân giữ những giáo lý do các tông đồ và kỳ lão tại
Giêrusalem đã quyết định. Nhờ vậy, các giáo đoàn được vững mạnh trong đức tin
và mỗi ngày càng tăng thêm đông số.
Các
ngài đi qua Phrygia và vùng Galatia, vì Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng
lời Chúa tại Tiểu Á. Khi đến Mysia, các ngài tìm cách đi Bithynia; nhưng Thánh
Thần của Chúa Giêsu không cho phép. Vậy các ngài đi sang Mysia, xuống Trôa, và
ban đêm Phaolô được thị kiến thấy một người Macêđô đứng đó và van xin ngài rằng:
"Xin đi sang Macêđônia mà cứu giúp chúng tôi".
Vừa
thấy vậy, chúng tôi liền tìm cách đi sang Macêđônia, tin chắc rằng Thiên Chúa
đã kêu gọi chúng tôi rao giảng Tin Mừng cho họ. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 99, 2. 3. 5
Đáp:
Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! (c. 2a)
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Toàn thể địa cầu, hãy reo mừng Chúa! Hãy phụng sự Chúa với niềm vui vẻ; hãy
vào trước thiên nhan với lòng hân hoan khoái trá. - Đáp.
2)
Hãy biết rằng Chúa là Thiên Chúa, chính Người đã tạo tác thân ta, và ta thuộc
quyền sở hữu của Người. - Đáp.
3) Vì
Thiên Chúa, Người thiện hảo, lòng từ bi Người tồn tại muôn đời, và lòng trung
tín còn tới muôn muôn thế hệ. - Đáp.
ALLELUIA:
Ga 14, 16
Alleluia,
alleluia! - Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho các con một Đấng Phù Trợ
khác, để ở cùng các con luôn mãi. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Ga 15, 18-21
"Các con
không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy,
Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu thế gian ghét các con, các con
hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ
yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy
đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời
Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ
cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các
con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ
không biết Đấng đã sai Thầy". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM
: Chấp nhận lội ngược
dòng
Với
cuộc thăm viếng các nước Hy Lạp, Siri và Malta (từ ngày 4 đến 5/05/2001), Ðức cố
Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã muốn đi lại cuộc hành trình của thánh Phaolô tông
đồ. Ðặc biệt tại Siri, Ðức Thánh Cha đã sống lại một trong những cảnh sống động
nhất trong lịch sử Giáo Hội là cuộc trở lại của thánh Phaolô. Sách Tông Ðồ Công
Vụ thuật lại rằng: "Lúc ấy, Saolô vẫn còn hằm hằm giết các môn đệ của
Chúa, nên đã tới gặp thượng tế xin thư giới thiệu đến các hội đường ở Damasco để,
nếu thấy những người theo đạo, bất luận đàn ông hay đàn bà, thì bắt trói giải về
Giêrusalem. Vậy, đang khi ông đi đường đến gần Damasco, thì bỗng nhiên có một
luồng sáng từ trời chiếu xuống bao phủ lấy ông. Ông ngã xuống đất và nghe có tiếng
nói với ông: "Saolô, Saolô, tại sao ngươi bách hại ta?" Ông hỏi:
"Thưa Ngài, Ngài là ai?" Người đáp: "Ta là Giêsu mà ngươi đang
bách hại". Kinh nghiệm này cho thánh Phaolô xác tín lại chính vì Chúa Kitô
mà các tín hữu Kitô bị bách hại. "Nếu thế gian có ghét các con, thì hãy biết
ra họ đã ghét Thầy trước". Nếu Chúa Giêsu là đối tượng của những chống đối,
loại trừ, và cuối cùng là thập giá, thì bị bách hại là phần số tất yếu của các
tín hữu Kitô. Những hình thức và cường độ bách hại có khác nhau qua những thời
đại và xã hội, nhưng lý do bị bách hại vẫn không thay đổi. Chính vì Chúa Kitô
mà các tín hữu bị bách hại. Nơi họ, mầu nhiệm bách hại của Chúa Kitô vẫn tiếp tục
tái diễn. Nếu các thủ lãnh Do Thái Giáo nhân danh đạo giáo và cấu kết quyền lực
của đế quốc để loại trừ Chúa Giêsu, thì qua các thời đại và ở bất cứ nơi đâu
Giáo Hội có mặt, bản án dành cho Giáo Hội vẫn luôn mang tính tôn giáo. Hoàng đế
Nêron của đế quốc Lamã đã ra lệnh tàn sát các tín hữu Kitô bởi vì niềm tin của
họ là một đối đầu và thách thức cho thứ tôn giáo đang được áp đặt trên toàn đế
quốc.
Nếu
giáo huấn và cuộc sống của Chúa Giêsu là một đe dọa cho trật tự mà Do Thái Giáo
đã thiết lập, thì niềm tin của các tín hữu tiên khởi cũng là một đe dọa không
kém cho quốc giáo của đế quốc Lamã. Nhìn vào lịch sử của Giáo Hội tại Việt Nam,
người ta thấy rằng lý do của những cuộc bách hại cũng tương tự. Những vua chúa
Việt Nam cũng ban hành các dấu chỉ cấm đạo và bách hại các tín hữu Kitô, là bởi
vì họ xem Kitô giáo như một tà đạo, nguy hại cho đạo giáo vốn đang được thực
hành trên đất nước.
Tựu
trung, nếu các tín hữu Kitô có bị bách hại là bởi vì niềm tin Kitô luôn là
thách đố và tra vấn cho lương tâm con người. Nhìn lại các cuộc bách hại đã và
đang diễn ra trong các chế độ toàn trị, người ta cũng thấy rằng chính vì chủ
trương duy vật vô thần mà các chế độ độc tài bách hại Giáo Hội. Chính vì đến để
làm chứng và nói lên sự thật mà Chúa Giêsu đã bị chống đối, khước từ và loại trừ.
Ngày nay, bất cứ ai sống cho sứ mạng ấy, dù đang sống trong xã hội nào cũng đều
bị bách hại cách này hay cách khác. Năm 1968, khi Ðức Phaolô VI công bố thông
điệp Sự Sống Con Người, trong đó ngài lên án não trạng chống lại sự sống của
con ngườ thời đại, người ta đã có lý để gọi ngài là một người dám chống lại cả
thế giới.
Sống
cho sự thật, làm chứng cho sự thật, dám nói lên sự thật là chấp nhận bị tẩy
chay, bị loại trừ, bị bách hại. Một số phận như thế lại càng rõ nét hơn trong một
chế độ xây dựng trên dối trá, lừa bịp. Trong một chế độ như thế, những ai trung
thành với Chúa Giêsu, Ðấng đã bị bách hại vì sự thật, chắc chắn không thể không
bị bách hại.
Xét
cho cùng, sống đạo, dù trong xã hội và hoàn cảnh nào cũng đều chấp nhận lội ngược
dòng. Và lội ngược dòng có nghĩa là sẵn sàng mất tất cả, ngay cả mạng sống của
mình để không đánh mất chính bản thân.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Bảy
Tuần V PS
Bài đọc: Acts 16:1-10; Jn 15:18-21.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thánh Thần giúp con người biết khôn
ngoan giải quyết vấn đề.
Trong
cuộc sống của các Kitô hữu: Có những lúc cần phải bảo vệ sự thật cho đến chỗ phải
hy sinh mạng sống; nhưng cũng có những lúc cần khôn ngoan thích ứng trong những
trường hợp và hoàn cảnh khác nhau. Làm sao các tín hữu nhận ra khi nào phải sống
chết cho sự thật, và khi nào có thể khôn ngoan thích ứng tùy hoàn cảnh? Xin
thưa các tín hữu cần sống theo sự hướng dẫn của Thánh Thần. Chắc chắn Ngài
không hiện ra để nói trực tiếp với chúng ta, nhưng Ngài sẽ nói với chúng ta tùy
hoàn cảnh; ví dụ: nơi nào Ngài muốn chúng ta tới, Ngài sẽ tạo cơ hội và những
hoàn cảnh thuận tiện; nơi nào Ngài không muốn chúng ta tới, Ngài sẽ không cho
cơ hội và gây ra những trở ngại khó khăn.
Các
Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần. Trong Bài Đọc
I, thánh Phaolô trở lại các giáo đoàn cũ để thăm viếng, củng cố, và loan tin từ
Giáo Hội Trung Ương, trước khi bắt đầu cuộc hành trình truyền giáo thứ hai.
Chúng ta nhận ra sự hướng dẫn của Thánh Thần: khi Phaolô cắt bì cho Timothy, một
người Hy-lạp, khi Thánh Thần ngăn cản không cho rao giảng tại Asia Minor và
Bithynia, nhưng cho cơ hội vào Macedonia qua thị kiến mời gọi của một người địa
phương. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tiên báo các môn đệ của Ngài sẽ bị thế gian bắt
bớ như họ đã bắt bớ Ngài. Lý do đơn giản là Ngài không thuộc về thế gian cũng
như các môn đệ không thuộc về thế gian.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Phaolô bắt đầu cuộc
hành trình rao giảng Tin Mừng lần thứ hai.
1.1/ Trở
lại thăm các giáo đoàn cũ: Khi
có cơ hội, Phaolô luôn trở lại để viếng thăm và cũng cố những giáo đòan ông đã
thành lập. Ông đến Derbe, rồi đến Lystra.
(1)
Tuyển thêm môn đệ: Để có thêm người rao giảng Tin Mừng và để nâng đỡ nhau trong
sứ vụ, khi Phaolô đến Lystra, ở đó có một môn đệ tên là Timothy, mẹ là người
Do-thái đã tin Chúa, còn cha là người Hy-lạp. Ông được các anh em ở Lystra và
Iconium chứng nhận là tốt.
Tại
sao Phaolô cắt bì cho Timothy đang khi ông đưa sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem?
Xin thưa: Một khi Phaolô đã nhận được chỉ thị của Giáo Hội Mẹ cho biết việc cắt
bì không liên quan gì tới việc cứu độ, thì có cắt bì hay không cũng chẳng có gì
quan trọng cả. Tuy nhiên, có những cái không quan trọng với mình, nhưng lại
quan trọng với người khác. Lý do Phaolô muốn cắt bì cho Timothy là vì
"Phaolô muốn ông ấy cùng lên đường với mình, nên đã đem ông đi làm phép cắt
bì, vì nể các người Do-thái ở những nơi ấy."
(2)
Trao sứ điệp của Giáo Hội Jerusalem: "Khi đi qua các thành, các ông truyền
lại cho các anh em những chỉ thị đã được các Tông Đồ và kỳ mục ở Jerusalem ban
bố, để họ tuân giữ.
Vậy
các Hội Thánh được vững mạnh trong đức tin và mỗi ngày thêm đông số."
1.2/ Sống
theo sự hướng dẫn của Thánh Thần:
(1)
Không muốn cho rao giảng Tin Mừng: "Các ông đi qua miền Phrygia và
Galatia, vì Thánh Thần ngăn cảnkhông cho các ông rao giảng lời Chúa
ở Asia. Khi tới sát ranh giới Mysia, các ông thử vào miền Bithynia, nhưng Thần
Khí Đức Giêsu không cho phép. Các ông bèn đi qua miền Mysia mà xuống
Troa." Trong trình thuật này, hai lần Sách CVTĐ nói tới việc "Thánh
Thần ngăn cản" và "Thần Khí Đức Giêsu không cho phép"
vào những thành phố của Asia Minor. Tác giả không nói rõ cách thức Thánh Thần
cho Phaolô biết ý của Ngài: có thể trong thị kiến, có thể bằng cách để Phaolô gặp
những trở ngại từ phía địa phương.
(2)
Muốn cho rao giảng Tin Mừng ở Macedonia: "Ban đêm, ông Phaolô thấy một thị
kiến: một người miền Macedonia đứng đó, mời ông rằng: "Xin ông sang
Macedonia giúp chúng tôi!"
Sau
khi ông thấy thị kiến đó, lập tức chúng tôi tìm cách đi Macedonia, vì hiểu ra rằng
Thiên Chúa kêu gọi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho họ." Thánh Thần muốn mở
rộng biên giới trong hành trình rao giảng Tin Mừng thứ hai của Phaolô, không
còn giới hạn trong vùng Asia Minor; nhưng bành trướng vào Âu Châu, bắt đầu với
các thành phố Hy-lạp.
2/
Phúc Âm: Anh em sẽ bị thế
gian bắt bớ.
2.1/
Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Có nhiều ý nghĩa khác nhau về chữ "thế gian" trong Tin
Mừng Gioan; nhưng ở đây "thế gian" được hiểu là những quyền lực chống
lại Thiên Chúa, như ma quỉ và các tay sai của nó. Giữa Thiên Chúa và thế gian
có rất nhiều xung đột về giá trị: ánh sáng và bóng tối, sự thật và sự sai trá,
điều thiện hảo và điều gian ác, yêu thương và giận ghét, đoàn kết và chia rẽ,
công bằng và bất công. Người Kitô hữu được kêu gọi để sống và làm chứng cho những
giá trị của Thiên Chúa, và những giá trị này luôn đối nghịch với những giá trị
của thế gian; hậu quả là thế gian sẽ ghét các Kitô hữu như Chúa Giêsu nói:
"Giả như anh em thuộc về thế gian, thì thế gian đã yêu thích cái gì là của
nó. Nhưng vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi
thế gian, nên thế gian ghét anh em."
2.2/ Nếu
thế gian đã bắt bớ Chúa Giêsu, họ cũng sẽ bắt bớ các môn đệ của Ngài: Chúa Giêsu nhắc nhở các môn đệ:
"Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em: tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ
đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. Nếu họ đã tuân giữ lời Thầy, họ cũng
sẽ tuân giữ lời anh em." Cả cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời dạy dỗ những
điều tốt lành, chữa khỏi mọi bệnh hoạn tật nguyền, và khai trừ ma quỉ; thế mà
thế gian còn truy tố, luận phạt, đánh đòn, và đóng đinh vào Thập Giá; các môn đệ
là ai mà có thể tránh khỏi các cực hình này? Chỉ cần đọc Sách CVTĐ và Lịch Sử
Giáo Hội, chúng ta đã nghe bao cuộc bách hại của thế gian nhắm vào các môn đệ của
Chúa.
Nói
tóm, thế gian chống các Kitô hữu họ mang danh Chúa Kitô. Khi chọn mang danh
Kitô hữu là chọn để thế gian bắt bớ. Thế gian ghét những kẻ mang danh Kitô, vì
không thuộc về họ, và không theo những tiêu chuẩn và đường lối của họ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần mở rộng tâm hồn để sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Một
trong những dấu chỉ để nhận ra là dựa vào cơ hội và hoàn cảnh. Nếu Thánh Thần
muốn, Ngài sẽ tạo cơ hội và hoàn cảnh thuận tiện; nếu không, Ngài sẽ gởi những
khó khăn tới.
- Có
lúc chúng ta cần bảo vệ và làm chứng cho sự thật, có lúc chúng ta cần khôn
ngoan thích ứng để đạt được những lợi ích mong muốn, tùy theo sự hướng dẫn bên
trong của Ngài.
- Trở
thành môn đệ của Chúa là phải chịu bắt bớ trong việc rao giảng và làm chứng cho
Tin Mừng. Lý do đơn giản là thế gian không biết Chúa Giêsu; vì thế, không chấp
nhận những tiêu chuẩn của Tin Mừng.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
30/04/16 THỨ BẢY TUẦN 5 PS
Th. Pi-ô V, giáo hoàng
Ga 15,18-21
Th. Pi-ô V, giáo hoàng
Ga 15,18-21
Suy niệm: Bác sĩ phân tâm học lừng danh C. Jung đúc kết
những phát kiến của mình trong một câu nói nổi tiếng: “Điều duy nhất ta phải sợ trên
thế gian này là con người.”Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su
đã báo trước cho các môn đệ biết số phận của họ: bị ghét bỏ, bị bách hại, thậm
chí bị giết chết. Thầy của họ bị người đời đối xử thế nào, số phận của họ cũng
sẽ như vậy. Thế gian ghét bỏ họ, vì họ sống giữa thế gian, nhưng lại không
thuộc về thế gian: Họ lại được Thầy mình được sai vào thế gian, để biến đổi thế
gian. Muốn biến đổi thế gian hư hỏng ấy, họ phải sống khác người, một
điều tối kỵ với người đời, một lý do khiến họ bị ghét cay ghét đắng, bị nghi
kỵ, và rốt cuộc bị loại trừ.
Mời Bạn: “Với
thế giới này, bạn quá tốt lành, và vì thế cuối cùng thế giới ấy sẽ nghiền nát
bạn” (nhà
văn P. Auster). Sống tốt lành theo niềm tin Ki-tô giáo hôm nay là thật sự lội
ngược dòng đời, một dòng đời chạy theo cá nhân chủ nghĩa, ích kỷ hưởng thụ, tôn
sùng vật chất. Bị cười chê, chống đối... bạn đừng ngạc nhiên và thối chí, nhưng
hãy kiên vững, vì giúp bạn giống Thầy mình hơn.
Sống Lời Chúa: Tôi
quyết can đảm làm việc lành việc nghĩa, sống đức tin như Chúa dạy, dù bị dư
luận cười chê, ghét bỏ.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã thẳng
thắn báo trước số phận bi hùng của những người muốn làm môn đệ Chúa. Xin cho
con ý thức mình sống giữa thế gian, nhưng không thuộc thế gian, mà thuộc về
Nước Trời. Xin ban thêm sức mạnh để con can trường sống khác cung cách thế
gian, và chỉ theo cung cách môn đệ Chúa. Amen.
Thế gian ghét anh em
Nếu thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu,
lý do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian. Tuy
nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian.
Suy
niệm:
Khi
Đức Giêsu còn sống bên các môn đệ,
chưa
xảy ra chuyện các môn đệ bị thù ghét một cách nghiêm trọng.
Nhưng
khi Tin Mừng Gioan được viết gần xong, thì chuyện đó đã xảy ra rồi.
Các
Kitô hữu gốc Do thái đã bị trục xuất ra khỏi hội đường,
và
người Rôma đã bách hại các Kitô hữu không nương tay.
Bài
Tin Mừng hôm nay là một lời tiên báo của Đức Giêsu
về
số phận của các Kitô hữu, trong mọi thời đại.
Đức
Giêsu đã nói đến việc mình tự nguyện hy sinh mạng sống,
vì
Ngài là Mục tử nhân lành muốn bảo vệ đàn chiên (Ga 10, 11. 17-18).
Ngài
sẽ phải chiến đấu gay gắt để chống lại sói dữ hay kẻ trộm.
Đức
Giêsu cũng nói đến việc Ngài sẽ hy sinh mạng sống
cho
bạn hữu của mình là các môn đệ (Ga 15, 12-13).
Ngài
sẽ xung đột với tên Thủ lãnh thế gian (Ga 14, 30).
Thế
gian là một thế lực thù ghét và âm mưu chống lại Ngài.
Một
số nhà lãnh đạo Do thái giáo đã đứng hẳn về phía thế gian ấy.
Cái
chết của Đức Giêsu trên thập giá là đỉnh điểm của sự thù ghét.
Thủ
lãnh thế gian đã có được một chiến thắng tạm thời.
Nhưng
chính sự thua cuộc của Đức Giêsu lại vén mở tình yêu Thiên Chúa,
và
là khởi đầu cho một chiến thắng vẻ vang hơn, chiến thắng chính Tử thần.
Những
môn đệ Đức Giêsu cũng phải chia sẻ số phận của Thầy.
Không
phải các môn đệ luôn luôn được thế gian đón nhận.
“Nếu
họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em.” (c. 20).
“Nếu
thế gian ghét anh em,
hãy
biết rằng nó đã ghét Thầy trước khi nó ghét anh em” (c. 18).
Bị
ghét bỏ, bị bắt bớ, bị giết hại: đó là thân phận của Thầy Giêsu,
và
của những học trò đi theo Thầy, mãi đến tận thế.
Nếu
thế gian có thái độ thù nghịch với các Kitô hữu,
lý
do là vì họ không thuộc về thế gian, và đã được tách khỏi thế gian (c. 19).
Tuy
nhiên, họ vẫn không bị cất khỏi thế gian (Ga 17, 15),
mà
còn được sai vào trong thế gian để biến đổi thế gian đó (Ga 17, 18).
Chính
cái thế giằng co thuộc về bản chất của người Kitô hữu:
vừa
ở trong thế gian, lại vừa không thuộc về nó,
vừa
được chọn ra khỏi thế gian, lại vừa được sai vào trong nó,
đã
đưa người môn đệ vào những thách đố khôn lường.
Theo
một nghiên cứu năm 2002 của nhà báo người Ý, ông Antonio Socci,
có
khoảng 70 triệu người Kitô hữu chết vì đức tin trong 20 thế kỷ qua.
Nhưng
chỉ riêng trong thế kỷ 20, đã có hơn 45 triệu người bị chết.
Chúng
ta không kiểm chứng được nghiên cứu của ông này,
nhưng
chúng ta biết cuộc bách hại các Kitô hữu vẫn xảy ra ở nhiều nơi.
Xin
được ơn thuộc trọn về Giêsu dù phải lội ngược dòng với thế gian.
Cầu
nguyện:
Giữa
một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin
dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa
một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin
dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa
một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin
dạy con biết cộng tác và đồng trách nhiệm.
Giữa
một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin
dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy
Chúa Ba Ngôi,
Ngài
là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin
cho các kitô hữu chúng con
trở
thành tình yêu
cho
trái tim khô cằn của thế giới.
Xin
dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết
sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết
quảng đại cho đi
và
khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy
Ba Ngôi chí thánh,
xin
cho chúng con tin vào sự hiện diện của Chúa
ở
sâu thẳm lòng chúng con,
và
trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
30
Tháng Tư
Tôi Xin Chấp Nhận
Tại một bệnh viện trong thành phố Hiroshima bên Nhật Bản, một người đàn bà bị
phóng xạ nguyên tử từ 30 năm qua đang lên cơn hấp hối.
Bác sĩ chữa trị cho biết bà chỉ còn nhiều lắm là một hay vài giờ nữa là cùng. Theo thói quen tại Nhật Bản, người ta thông báo để người sắp chết cho biết ý muốn trong những giây phút cuối cùng.
Bác sĩ vào phòng bệnh nhân và nói nhỏ với bà: "Akiramé".
Người đàn bà ngước nhìn vị bác sĩ và dùng ngón tay trỏ viết vào trong lòng bàn
trái của bà câu: "Akiramé", nghĩa là "Tôi xin chấp nhận".
Với tất cả bình thản, người đàn bà đã biến những giờ phút hãi hùng nhất trong
cuộc sống thành một biến cố tự nhiên và thanh thản.
Cuộc sống của chúng ta dường như được cấu tạo bằng nhiều vị khác nhau: đắng
cay, chua xót, ngọt bùi... Gia vị là một điều cần thiết cho thức ăn. Người
không thích cay đắng thì sẽ xem trái ớt, hạt tiêu là kẻ thù của khẩu vị. Người
thích cay đắng thì lại tìm ra mùi vị thơm ngon của nó.
Hoa nào cũng có mật đắng. Nhưng loài ong khéo léo để chỉ hút mật ngọt.
Thiên Chúa ban cho chúng ta một cuộc sống với muôn màu sắc và hương vị khác
nhau. Chúng ta phải là loài ong đi tìm mật ngọt trong vườn hoa cuộc sống ấy. Nếu
chỉ nhìn thấy mật đắng, chúng ta sẽ bỏ cuộc đầu hàng trong chán nản. Nếu biết
biến báo, chúng ta có thể tìm được mật ngọt và biến những đắng cay chua xót
thành mật ngọt và hương thơm.
Sau khi đã đánh bại Ðức Quốc Xã và giải phóng Âu Châu, Churchill thủ tướng nước
Anh đãtuyên bố: "Không gì buồn thảm cho bằng một chiến thắng". Cảnh
thu dọn chiến trường, cảnh kẻ khóc người cười, cảnh vợ mất chồng, cảnh cha mẹ mất
con cái... Chiến thắng ngự trị trên tro tàn, đổ nát.
Dù vui với chiến thắng đến đâu, có ai mà không ngậm ngùi xót xa.
Hôm nay 30 tháng tư, đánh dấu một trong những biến cố đau thương nhất của lịch
sử dân tộc. Mỗi năm chúng ta có dịp ôn lại ngày lịch sử ấy. Mỗi người một tâm
tình. Nhưng dưới cái nhìn Ðức tin, người Kitô luôn được mời gọi để nhận ra bàn
tay quan phòng của Chúa. Với tất cả bình thản và lạc quan, chúng ta hãy thốt
lên như thánh nữ Têrêxa Hài Ðồng giữa cơn đau quằn quại trong thân xác và tâm hồn:
"Tất cả đều là ơn Chúa".
Tuyên xưng niềm tin vào Chúa Quan Phòng có nghĩa là chấp nhận mọi biến cố trong
cuộc sống như một khởi đầu mới, một khởi đầu với những ơn sủng dồi dào hơn. Với
những kẻ Thiên Chúa yêu thương, thì mọi sự đều quy về điều tốt...
Còn tâm tình nào đúng đắn hơn trong ngày lịch sử này là cảm tạ và phó thác. Cảm
tạ Chúa vì qua mọi biến cố, Chúa Quan Phòng luôn gìn giữ chúng ta và hướng dẫn
chúng ta trên đường ân phúc của Ngài. Phó thác cho Ngài bởi vì Ngài luôn có mặt
trong cuộc sống để biến tất cả những thất bại, đau khổ, cay đắng trong cuộc sống
thành khởi đầu của một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Trích
sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét