26/04/2016
Thứ Ba tuần 5 Phục Sinh
BÀI ĐỌC
I: Cv 14, 18-27 (Hl 19-28)
"Các ngài
thuật cho giáo đoàn nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người Do-thái từ
Antiôkia và Icôniô đến xúi giục dân chúng. Họ ném đá Phaolô, và tưởng rằng
Phaolô đã chết, nên kéo ngài ra bỏ ngoài thành. Nhưng đang khi các môn đồ đứng
xung quanh ngài, ngài liền chỗi dậy đi vào thành, và hôm sau, ngài cùng Barnaba
đi sang Đerbê. Khi đã rao giảng Tin Mừng cho thành này và dạy dỗ được nhiều người,
các ngài trở lại Lystra, Icôniô và Antiôkia, củng cố tinh thần các môn đồ,
khuyên bảo họ giữ vững đức tin mà rằng: "Chúng ta phải trải qua nhiều nỗi
gian truân mới được vào nước Thiên Chúa". Nơi mỗi hội thánh, các ngài đặt
những vị niên trưởng, rồi ăn chay cầu nguyện, trao phó họ cho Chúa là Đấng họ
tin theo.
Sau đó, các ngài sang Pisiđia, đi đến Pamphylia. Sau
khi rao giảng lời Chúa tại Perghê, các ngài xuống Attilia, rồi từ đó xuống tàu
trở về Antiôkia, nơi mà trước đây các ngài đã được trao phó cho ơn Chúa để làm
công việc các ngài mới hoàn thành. Khi đến nơi, các ngài tụ họp giáo đoàn, thuật
cho họ nghe những gì Thiên Chúa đã làm với các ngài và đã mở lòng cho nhiều dân
ngoại nhận biết đức tin. Các ngài còn ở lại đó với môn đồ trong một thời gian
lâu dài. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 144, 10-11. 12-13ab. 21
Đáp:
Lạy Chúa, các bạn hữu Chúa nhận biết vinh quang nước Chúa (x. c. 12a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, mọi công cuộc của Chúa hãy ca ngợi
Chúa, và các thánh nhân của Ngài hãy chúc tụng Ngài. Thiên hạ hãy nói lên vinh quang
nước Chúa, và hãy đề cao quyền năng của Ngài. - Đáp.
2) Để con cái loài người nhận biết quyền năng và
vinh quang cao cả nước Chúa. Nước Ngài là nước vĩnh cửu muôn đời, chủ quyền
Ngài tồn tại qua muôn thế hệ. - Đáp.
3) Miệng tôi hãy xướng lời ca ngợi khen Chúa, mọi
loài huyết nhục hãy chúc tụng danh Chúa tới muôn đời. - Đáp.
ALLELUIA:
Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến
trong thế gian, bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Ga 14, 27-31a
"Thầy ban
bình an của Thầy cho các con".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con.
Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến
và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy sẽ
trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy
về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi
việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin. Thầy không còn nói nhiều với
các con nữa, vì thủ lãnh thế gian đã đến. Nó không có quyền lực gì đối với Thầy.
Nhưng để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Cha, thì Thầy làm như Cha đã truyền
dạy". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Hiệp nhất và bình an
Các môn đệ ngày xưa đã được nghe Chúa Giêsu chia sẻ
tâm tình của Ngài khi Ngài cùng với các ông ngồi bên cạnh nhau trong bữa tiệc
ly. Chúng ta cũng đã nghe lại những lời thân thương đó mỗi khi chúng ta cùng với
Ngài và với nhau dâng Thánh Lễ. Giáo Hội đặt để những lời thân thương ấy sau
kinh Lạy Cha và trước khi chúng ta đón nhận Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Chúng ta
chứng minh được bao bọc trong bình an của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần,
nhất là chúng ta đã dọn lòng mình đủ để có Chúa ngự trong lòng chúng ta.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu thực sự tin rằng Thiên Chúa qua
Chúa Giêsu Kitô không chấp nhất gì tội lỗi của chúng ta mà dựa trên đức tin của
Giáo Hội, của cộng đoàn dân Chúa đã ban cho chúng ta, cho Giáo Hội được ơn hiệp
nhất và bình an. Chắc chắn là Giáo Hội rất rõ điều Chúa Giêsu nói với các môn đệ:
"Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng". Và chúng ta cũng
phải hiểu được điều đó để hân hoan với bình an mà Chúa ban cho chúng ta. Thế
gian là gì trong nhãn quan của thánh Gioan.
Thế gian là ma quỉ, là mãnh lực của ma quỉ, là thế
giới của ma quỉ, là tất cả những con người và những sinh hoạt đồng lõa với ma
quỉ. Bình an của thế gian này ban tặng là bình an có được do vũ lực, do đàn áp,
do chiến tranh, do mưu mô xảo quyệt, do tội ác, do chiếm đoạt và đe dọa, mong
manh biết bao sự bình an tạm bợ này, chỉ cần một vài thay đổi rất ư là đơn giản
thì cũng đủ để cho người ta mất đi bình an và lại rơi vào hoảng sợ, vào dằn vặt.
Ma quỉ và đồng lõa của ma quỉ vốn dĩ rất quen thuộc với chiến lược trở mặt như
trở bàn tay, và vì thế không ít những người trở thành nạn nhân của sự bình an
do chúng tạo nên. Còn bình an của Chúa ban cho lại là sự bình an của những người
được tha thứ tất cả. Bình an của một con người thấy thanh thản trong thân xác
và nhẹ nhàng trong tâm hồn. Bình an của một cuộc đời có Thiên Chúa. Sự bình an
bất chấp những khó khăn, bất chấp mọi thử thách. Sự bình an của một con người
không thấy hổ thẹn gì khi ngước mắt nhìn lên trời, đưa mắt nhìn chung quanh và
nhắm mắt lại nhìn vào chính mình.
Lạy Cha chí thánh, là con người ai cũng khao khát
bình an và có rất nhiều người thấy hãnh diện vì sự an toàn nhất thời họ có được
ở trần gian này, khi họ dựa cậy vào quyền lực hoặc là do một con người hay của
một nhóm người, thực tế cho thấy bình an ấy quá mong manh. Các con cảm tạ Cha
vì sự bình an ban cho chúng con qua Chúa Giêsu và với tác động của Chúa Thánh
Thần. Sự bình an của Ðấng bị bắt, bị tra tấn, bị bỏ mặc, bị coi là điên khùng
và bị treo lên giữa những tử tội trộm cướp, ngày thứ ba Ngài đã sống lại. Chúng
ta thật hạnh phúc vì có được sự bình an ấy.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba
Tuần V PS
Bài đọc: Acts 14:19-28; Jn 14:27-31.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Phải qua gian khổ mới đạt tới vinh
quang.
Như
người nhà nông phải vất vả cầy bừa, giầm mưa, dãi nắng, thì hạt giống gieo xuống
mới mang lại mùa màng; đức tin của các tín hữu có được là do sự miệt mài rao giảng
của các nhà truyền giáo. Họ không ngại đường sá xa xôi, cách trở; phải chịu đựng
bao nguy hiểm, bắt bớ, ghen tị, tù đày, ném đá ... để gieo vãi hạt giống đức
tin, củng cố niềm tin, và chờ ngày hạt giống đức tin được sinh hoa kết trái.
Các
Bài Đọc hôm nay dẫn chứng những điều này. Trong Bài Đọc I, Sách CVTĐ tường thuật
những khó khăn và bách hại mà Phaolô và Barnabas phải trải qua trong hành trình
rao giảng đức tin cho Dân Ngoại; nhưng hai ông vẫn kiên trì chịu đựng, đi từ
thành này qua thành khác để gieo vãi hạt giống đức tin, củng cố niềm tin, và
thiết lập các giáo đoàn địa phương. Khi trở về Antioch, các ông tập họp Hội
Thánh và tường trình những gì Thiên Chúa đã thực hiện nơi hai ông. Trong Phúc
Âm, mặc dù Chúa Giêsu biết trước bao nhiêu gian khổ đang chờ Ngài trong Cuộc
Thương Khó sắp tới, Ngài vẫn can đảm tiến tới để đương đầu. Ngài khuyên các môn
đệ đừng xao xuyến và sợ hãi vì Ngài sẽ ban bình an cho các ông, và bảo đảm quyền
lực thế gian sẽ không thắng được quyền lực của Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Chúng ta phải chịu
nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.
1.1/
Phaolô đi đâu, người Do-thái theo ông tới đó: "Bấy giờ có những người Do-thái từ Antioch và
Iconium đến Lystra, thuyết phục được đám đông. Họ ném đá ông Phaolô rồi lôi ông
ra ngoài thành, vì tưởng ông đã chết. Nhưng khi các môn đệ xúm lại quanh ông,
ông đứng dậy và vào thành. Hôm sau, ông trẩy đi Derbe cùng với ông
Barnabas."
Chúng
ta thấy sự nhẫn nhục, chịu đựng đau khổ của Phaolô trong việc rao giảng Tin Mừng:
vừa thu nhận được chút kết quả là đối phương theo tới quấy phá; vừa bị đối
phương ném đá gần chết lại chỗi dậy đi qua thành khác rao giảng Tin Mừng.
Điều
chúng ta học được nơi Phaolô và Barnabas trong việc truyền giáo là phải trở lại
thăm viếng và củng cố các giáo đoàn địa phương mình đã thành lập để củng cố
tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói:
"Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa."
1.2/
Phaolô và Barnabas hoàn tất cuộc hành trình thứ nhất: Trong cuộc hành trình này, hai ông bắt đầu
từ Antioch của Syria đến Salamis và Paphos của đảo Cyprus, đến Perga, Antioch của
Pisidia, đến Iconium, Lystra, Derbe, và theo đường cũ trở lại Perga, rồi từ
Perga đến Attalia, trở về Pergha và dùng thuyền trở về Antioch của Syria. Đây
là cuộc hành trình ngắn nhất trong 3 cuộc hành trình của Phaolô rao giảng Tin Mừng
cho Dân Ngoại. Ông đã đi qua tất cả 8 thành. Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định
cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người
đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.
Khi trở
về Antioch, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã
cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức
tin. Rồi hai ông ở lại một thời gian khá lâu với các môn đệ trước khi bắt đầu
cuộc hành trình thứ hai.
2/
Phúc Âm: Thầy nói với anh
em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.
2.1/
Bình an của Thiên Chúa: Biết
Cuộc Thương Khó đã gần kề, và biết trước những gì sẽ xảy đến cho các môn đệ,
Chúa Giêsu để lại một báu vật cho các môn đệ: "Thầy để lại bình an cho anh
em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu
thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi." Đây cũng là món quà các
thiên sứ reo vang trong Ngày Chúa sinh ra: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời.
Bình an dưới thế cho người thiện tâm."
Chúa
Giêsu nhấn mạnh sự khác biệt giữa sự bình an của Thiên Chúa và của con người.
Bình an của Thiên Chúa đến từ trong tâm hồn con người; trong khi sự bình an của
thế gian đến từ bên ngoài. Bình an của Thiên Chúa ban không bao giờ mất được;
trong khi sự bình an của thế gian rất mong manh và dễ vỡ. Chúng ta có thể nhận
ra điều này qua các cuộc chiến tranh tương tàn, và chúng luôn đe dọa con người.
Bình
an của Chúa Giêsu được bảo đảm bởi Thiên Chúa. Ngài tạm rời các môn đệ để về
cùng Cha trong ít ngày; nhưng Ngài lại trở lại với các môn đệ sau Cuộc Thương
Khó và Phục Sinh. Sự bình an các ông có được là sau khi chứng kiến tất cả những
điều này: Nếu Chúa Giêsu đã chiến thắng thần chết, và đang ngự nên hữu Chúa Cha
trên trời để luôn bầu cử cho các ông, thì chẳng còn gì sợ hãi nữa; và vì thế,
các ông luôn có bình an.
2.2/
Xung đột giữa Thiên Chúa và thế gian: Sống trong thế gian, Chúa Giêsu và các môn đệ sẽ bị thế gian
ghét bỏ và truy tố, vì không sống theo tiêu chuẩn và đường lối của thế gian.
Chúa Giêsu biết thế gian sắp sửa truy tố Ngài, và nó cũng sẽ truy tố các môn đệ
của Ngài, nên Ngài nói với các môn đệ: "Thầy sẽ không còn nói nhiều với
anh em nữa, bởi vì Thủ Lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy.
Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và
làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy. Nào đứng dậy! Ta đi khỏi đây!"
Thế
gian tưởng khi họ tiêu diệt Chúa Giêsu là họ đã dùng sức mình để chiến thắng;
nhưng sự thật là họ đang thi hành ý muốn của Thiên Chúa. Ngài muốn Chúa Giêsu
chịu đau khổ để gánh tội và mang lại sự sống đời đời cho con người. Khi Chúa
Giêsu sống lại vinh hiển, thế gian sẽ sững sờ kinh ngạc, vì những gì họ tưởng
đã chiến thắng, nhưng giờ bị thua thiệt, vì các tín hữu không còn sống nô lệ
cho họ nữa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức
tin là một gia sản vô giá mà Thiên Chúa trao tặng cho chúng ta qua sự cố gắng
vượt bực của các nhà truyền giáo. Họ đã bỏ gia đình và quê hương, chấp nhận bao
nhiêu đau khổ và nghiệt ngã của các xứ truyền giáo để trao cho chúng ta món quà
quí giá này. Chúng ta đừng khinh thường nó.
- Bổn
phận của chúng ta là gìn giữ và củng cố đức tin này sao cho ngày càng lớn mạnh,
và cố gắng hết sức để trao lại cho con cháu và những người chúng ta có trách
nhiệm. Nếu chúng ta đã lãnh nhận cách nhưng không, chúng ta cũng phải rộng rãi
cho đi cách nhưng không.
-
Riêng với con cháu Việt-nam, chúng ta biết để bảo vệ đức tin này, các nhà truyền
giáo và cha ông chúng ta đã phải đổ máu và chịu đựng biết bao bắt bớ, roi đòn,
tù đày, tủi nhục. Hãy sống đức tin làm sao cho xứng đáng với giá máu ấy.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
26/04/16 THỨ BA TUẦN 5 PS
Ga 14,27-31a
Ga 14,27-31a
Suy niệm: Trong đêm Con Thiên Chúa giáng trần, các thiên
thần hát: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người
Chúa thương”. Bình an kiểu “Chúa Ban” không phải thứ bình an kiểu “Thế Gian”
mà là bình an của Lòng Thương Xót. Ngay trong ngày phục sinh, Chúa Giê-su hiện
ra và ban cho các môn đệ bình an đó: “Bình
an cho các con. Thầy ban bình an của Thầy cho các con.” Đó là bình an của Người Con đã vâng phục thánh
ý Chúa Cha để chịu khổ nạn, chịu chết đền tội thay cho nhân loại. Ngày nay
trong mỗi thánh lễ chúng ta đón nhận từ lời chúc của chủ tế: “Bình an của Chúa ở cùng anh
chị em” để
đến lượt chúng ta, chúng ta cũng chúc bình an đó cho nhau.
Mời Bạn: Bao
lâu chúng ta còn sống trong tội lỗi, bao lâu chúng ta còn hờn ghen, giận ghét
tha nhân, chúng ta không có bình an nơi mình. Vì chưa có bình an nên lòng chúng
ta vẫn bất an, căng thẳng, mặc cảm… Bạn hãy để Chúa đong đầy lòng bạn bằng bình
an của Chúa khi bạn thực thi lời Ngài: đó là hy sinh quên mình, nhẫn nại bao dung
và phục vụ anh chị em mình trong tinh thần khiêm tốn và vui tươi
Sống Lời Chúa: Sau
khi rước lễ, bạn thinh lặng trong tâm tình cầu nguyện để cảm nghiệm sâu xa bình
an của Lòng Thương Xót đang tràn ngập tâm hồn bạn. Và ngày hôm nay bạn sẽ chia
sẻ bình an ấy cho người khác bằng những hành động bác ái.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho con bình an của Chúa, để con sẵn sàng làm
chứng tá của Chúa trên trần gian. Hoặc
hát: “Biết lấy gì cảm mến”.
Bình an cho anh em
Sự bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau
trong mỗi Thánh lễ có thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta
không?
Suy
niệm:
Con
người thời nay gần như có mọi sự.
Nhưng
tiếc thay nhiều người lại không có một điều rất quan trọng,
đó
là bình an ở nơi tâm hồn.
Nhiều
người bị mất ngủ, căng thẳng, suy sụp, chán đời, tự tử.
Có
người rơi vào tình trạng nghiện ngập, bạo hành hay trụy lạc.
Gia
đình cũng chẳng bình an khi gặp cảnh xung đột, ly dị, ngoại tình.
Con
người nôn nóng đi tìm bình an.
Có
người tìm đến những giáo phái, liệu pháp tâm lý hay đơn giản là tập thở.
Bình
an phải chăng chỉ là kết quả của cố gắng từ phía con người?
Tự
sức con người có thể tạo ra bình an cho mình, gia đình và thế giới không?
Khi
thấy các môn đệ xao xuyến và sợ hãi trước việc Thầy sắp ra đi,
Đức
Giêsu đã nói câu mà chúng ta không ngừng lặp lại trong mỗi Thánh lễ.
“Thầy
để lại bình an cho anh em.
Thầy
ban cho anh em bình an của Thầy” (c. 27).
Bình
an là quà tặng cao quý của Thầy Giêsu
khi
Thầy sắp trở về với Cha qua cái chết thập giá (c. 28).
Bình
an cũng là quà tặng của Chúa Giêsu phục sinh
khi
Ngài hiện ra cho các môn đệ đang đóng cửa vì sợ hãi:
“Bình
an cho anh em” (Ga 20, 19.21.26).
Như
thế các môn đệ vẫn phải luôn bình an trước và sau cái chết của Thầy.
Đời
sống Kitô hữu được bình an không phải vì không gặp sóng gió,
nhưng
là bình an giữa những sóng gió.
“Thầy
nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an.
Trong
thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó.
Nhưng
can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16, 33).
Bình
an của chúng ta dựa trên chiến thắng của Đức Giêsu.
“Trong
mọi thử thách, chúng ta toàn thắng
nhờ
Đấng đã yêu chúng ta” (Rm 8, 37).
Đức
Giêsu nhìn nhận thế gian có khả năng ban cho chúng ta bình an.
Nhưng
Ngài phân biệt thứ bình an ấy với thứ bình an của Ngài.
Chúng
ta tự hỏi mình có tìm bình an dựa trên sự vững bền mong manh
của
tiền bạc, sắc đẹp, chức quyền, tài năng, tri thức không?
Sự
bình an mà chúng ta nhận được và trao cho nhau trong mỗi Thánh lễ
có
thật sự gây âm vang trong cuộc sống đời thường của ta không?
Cầu
nguyện:
Giữa những ồn ào của đám đông,
giữa
những sôi nổi của thành công
và ê
chề của thất bại,
xin
dành một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa những đam mê quay cuồng,
giữa
những khát khao thèm muốn
và
những trói buộc của sợ hãi, âu lo,
xin
giữ một cõi rất riêng cho Giêsu.
Giữa lúc bị cuộc đời từ khước,
giữa lúc bơ vơ đi trong đêm mênh mông,
chẳng có ai để cậy dựa,
xin trở về với cõi riêng bên Giêsu,
để một mình ở đó,
trầm
lắng và bình an.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa Giêsu
Thánh Thể,
Chúa hằng ao ước
ban cho chúng con ơn bình an. Ơn bình an là hệ quả của một đời sống công bình
bác ái. Ơn bình an của “lương tâm không hề trách con điều gì”. Xin Chúa ban cho
chúng con sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Xin ban cho chúng con sự
bình an của Chúa là kết quả của việc dám sống theo những đòi hỏi của tin mừng.
Xin ban cho chúng con sự bình an của một tâm hồn luôn hướng về sự thiện, luôn ước
ao sự lành, luôn sống thanh sạch và lòng ngay.
Nhưng Chúa ơi!
Cuộc đời đâu mấy khi bình an. Sự dữ vẫn hoành hành. Tội ác vẫn gia tăng. Người
làm việc thiện là thiểu số. Kẻ làm điều gian ác thì vô số. Chúng con xin phó
dâng cuộc đời trong tay Chúa. Xin gìn giữ chúng con khỏi mọi sự dữ. Xin cho
chúng con biết đẩy lùi sự dữ ra khỏi môi trường bằng chính đời sống đạo đức của
chúng con. Xin đừng để chúng con sa vào những cám dỗ sự dữ làm mất đi vẻ đẹp của
hình ảnh Chúa nơi tâm hồn chúng con. Xin cho các bạn trẻ nam nữ trên thế giới đừng
để mình bị cùng hút vào trào lưu văn hoá đồi truỵ, nhưng bị tự chủ bản thân để
sống xứng với nhân vị con người.
Lạy Chúa Giêsu
mến yêu, xin Chúa hãy dùng chúng con như khí cụ bình an của Chúa. Xin giúp
chúng con đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an
hoà vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. Xin cho chúng con cũng trở
nên dấu chỉ sự bình an cho thế giới hôm nay. Amen.
(Lm.
Jos. Tạ Duy Tuyền)
26/04/2016
Gương
Thánh Nhân
Thánh
Giuse Cottolengo
(1786 - 1842)
Thánh Giuse Cottolengo là người
con cả trong gia đình 12 người con. Sinh trưởng ở Bra, gần Turin, Ý Ðại Lợi,
sau một thời gian vất vả vì sức khoẻ yếu kém và khó khăn trong việc học, ngài
được thụ phong linh mục trong Ðịa Phận Turin năm 1811.
Trong quãng đời của Cha Giuse, nước
Ý tan nát vì chiến tranh và người nghèo cũng như người bệnh tật thường bị quên
lãng. Ðược khích động bởi cuộc đời Thánh Vinh Sơn Phaolô và xúc động trước sự
đau khổ của những người chung quanh, Cha Giuse đã thuê phòng ốc để chăm sóc các
bệnh nhân, và tuyển mộ các thiếu nữ để điều hành. Khi công việc ngày càng bành
trướng và được nhiều người tham gia, Cha Giuse quy tụ những người thiện chí
trong hai tổ chức là Tiểu Ðệ Thánh Vinh Sơn Phaolô và Tiểu Muội Thánh Vinh Sơn
Phaolô.
Khi bệnh dịch tả lan tràn năm
1831, tổ chức của Cha Giuse phải đóng cửa và di chuyển ra ngoại ô thành phố, ở
Voldocco, tiếp tục chăm sóc người bất hạnh. Tổ chức của ngài có tên Nhà Chúa
Quan Phòng và phục vụ nhiều loại người khác nhau (người bệnh, người già, sinh
viên nghèo, người bị bệnh tâm thần, người mù). Tất cả phần tài chánh đều nhờ
vào lòng bác ái của mọi người.
Ðể phục vụ những người kém may mắn,
ngài còn sáng lập các tổ chức Nữ Tử Ðấng Thương Xót, Nữ Tử Ðấng Chiên Lành, Ẩn
Sĩ của Chuỗi Mai Khôi, và các Linh Mục của Thiên Chúa Ba Ngôi.
Bị mắc bệnh thương hàn, ngài yếu
dần và từ trần ở Chieri, nước Ý, và được phong thánh năm 1934.
Lời Bàn
Làm thế nào để chúng ta biết được
thánh ý Thiên Chúa? Có phải thánh ý đó không thay đổi? Thánh Giuse Cottolengo
chỉ bắt đầu thực hiện công việc bác ái nổi tiếng đó sau 21 năm làm linh mục. Những
năm cầu nguyện và tìm kiếm đã giúp Thánh Giuse Cottolengo nhận ra lời mời gọi của
Thiên Chúa. Trong quá khứ, dù chúng ta có đáp ứng thế nào với nhu cầu của tha
nhân đi nữa, Thiên Chúa luôn luôn mời gọi chúng ta độ lượng hơn nữa.
Trích từ NguoiTinHuu.com
26 Tháng Tư
Người Sói
Một trong những cuốn phim nói về sự bí ẩn của tuổi thơ: đó là cuốn phim
có tựa đề "người sói". Cuốn phim xây dựng trên một câu chuyện có thực
xảy ra tại Pháp vào cuối thế kỷ 18. Một đứa trẻ đã bị thất lạc trong rừng từ
lúc lọt lòng mẹ.
Mười hai năm sau, khi người ta tìm gặp nó giữa rừng, thì đứa bé không khác nào
một con thú. Người ta không thể nào giao thiệp gặp gỡ với nó được. Tất cả những
gì một nhà giáo, một bà vú nuôi có thể làm được chỉ là chuẩn bị thức ăn và đặt
vào trong xó bếp để đứa bé tìm đến và liếm thức ăn như một con thú... Mọi người
dường như bó tay, không còn cách nào để đưa nó ra khỏi đời sống hoang dã của
nó.
Và một ngày kia, nó đã trốn thoát. Mọi người thở dài trước thất bại của mình...
Tình cờ, vì đói, nó đã trở ra xóm làng và một lần nữa người ta đã bắt lại được
nó. Người ta mang nó đến nhà giáo và người được chỉ định đến gần nó để hỏi han,
trò chuyện chính là vú nuôi. Bà cố gắng dùng ngôn ngữ thô sơ của mình để nói
chuyện với đứa bé. Gương mặt của nó như bất động. Nhưng bỗng nhiên, trước sự ngạc
nhiên của mọi người, đứa bé nắm tay người đàn bà. Nó nhìn bà một hồi lâu và
trong thinh lặng. nó cầm hai tay người đàn bà áp lên mặt mình...
Lúc đó, người ta chỉ còn thấy những giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má của hai
khuôn mặt...
Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và
con người cũng diễn ra như thế. Nó nằm ra bên ngoài tất cả những dự đoán và
tính toán của chúng ta. Thiên Chúa không bao giờ là đối tượng của những tính
toán khoa học. Thiên Chúa cũng không là kết luận của những suy tư uyên bác.
Thiên Chúa đến gặp gỡ chúng ta trong những cái bất ngờ nhất. Thiên Chúa ở trong
chúng ta, nhưng đồng thời cũng thoát khỏi tầm tay với của chúng ta... Nói tóm lại,
chúng ta không thể chiếm hữu Thiên Chúa như một sự vật, nhưng trái lại chúng ta
phải chiến đấu không ngừng để nhận ra Ngài trong những cái tầm thường và bất ngờ
nhất của cuộc sống...
Tin Mừng cho chúng ta thấy nhiều
phản ứng khác nhau của con người đối với Chúa Giêsu. Phần đông dân chúng chỉ
nhìn thấy nơi Ngài như một người dân quê xuất thân từ cái miền nghèo nàn là
Galilê. Những người trí thức thì nghiên cứu Kinh Thánh để rồi áp dụng những hiểu
biết sách vở của họ vào con người Chúa Giêsu. Và, sĩ nhiên, những gì đã được
Kinh Thánh nói đến, họ không tìm thấy nơi Chúa Giêsu... Một số khác thì đề nghị
bắt giữ Chúa Giêsu vì Ngài là một tên lừa bịp...
Chúa Giêsu vẫn mãimãi là câu hỏi
của chúng ta: "Còn các con, các con bảo Ta là ai?". Một câu hỏi như
thế, chúng ta không chỉ trả lời bằng những kiến thức đã lĩnh hội được qua giáo
lý, thần học, Kinh Thánh... Một câu hỏi như thế chỉ có thể được trả lời bằng một
cuộc gặp gỡ thân tình với Ngài.
Cũng giống như người vú nuôi già và đứa bé người sói đã cảm thông với nhau trong thinh lặng và vượt lên trên tất cả những ngôn ngữ của loài người, Chúa Giêsu cũng mời gọi chúng ta đi vào thông hiệp với Ngài trong Ðức Tin.
Ðức tin đó sẽ luôn là mặt trận
chiến dai dẳng trong tâm hồn chúng ta. Có lúc chúng ta cảm thấy như đi trong
ánh nắng chan hòa. Có lúc, tất cả xung quanh chúng ta như ập phủ xuống và chúng
ta không còn thấy gì nữa. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng những câu hỏi mà
chúng ta không ngừng nêu lên với Ngài... Tại sao Ngài bỏ con? Chúng ta hãy
không ngừng tra vấn Thiên Chúa. Ðó là dấu hiệu của một cuộc đối thoại giữa Ngài
với ta.
Trích sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét