27/04/2016
Thứ Tư tuần 5 Phục Sinh
BÀI ĐỌC
I: Cv 15, 1-6
"Người ta
quyết định là các ngài lên Giêrusalem xin các Tông đồ và niên trưởng giải quyết
vấn đề này".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, có mấy người từ Giuđê đến dạy bảo
các anh em rằng: "Nếu anh em không chịu cắt bì theo luật Môsê, thì không
được cứu độ". Do đó, Phaolô và Barnaba đã tranh luận gắt gao với họ. Bấy
giờ người ta quyết định là Phaolô và Barnaba và một ít người khác thuộc phe họ
lên Giêrusalem gặp các Tông đồ và niên trưởng để xin giải quyết vấn đề này.
Các ngài được giáo đoàn tiễn đưa, và khi đi ngang
qua Phênixê và Samaria, các ngài kể lại việc dân ngoại trở lại khiến mọi anh em
đầy hân hoan. Khi đến Giêrusalem, các ngài được giáo đoàn, các Tông đồ và kỳ
lão đón tiếp, rồi các ngài kể lại bao nhiêu việc Thiên Chúa đã thực hiện với
các ngài. Nhưng có mấy người tín hữu thuộc nhóm biệt phái đứng lên nói rằng:
"Phải cắt bì cho những người dân ngoại và bắt họ cũng phải giữ luật
Môsê". Các Tông đồ và các kỳ lão họp lại cứu xét việc này. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 121, 1-2. 3-4a. 4b-5
Đáp:
Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi: "Chúng ta sẽ tiến vào nhà
Chúa"(c. 1).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi:
"Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa". Hỡi Giêrusalem, chân chúng tôi đang
đứng nơi cửa thành rồi. - Đáp.
2) Giêrusalem được kiến thiết như thành trì, được cấu
tạo kiên cố trong toàn thể. Nơi đây các bộ lạc, các bộ lạc của Chúa tiến lên. -
Đáp.
3) Theo luật pháp của Israel, để ngợi khen danh
Chúa. Tại đây đã đặt ngai toà thẩm phán, ngai toà của nhà Đavít. - Đáp.
ALLELUIA:
Ga 16, 28
Alleluia, alleluia! - Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến
trong thế gian; bây giờ Thầy lại bỏ thế gian mà về cùng Cha. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Ga 15, 1-8
"Ai ở
trong Thầy, và Thầy ở trong người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Nhành nào trong Thầy
không sinh trái thì Người chặt đi, còn nhành nào sinh trái thì Người tỉa sạch để
nó sai trái hơn. Các con đã được tỉa sạch nhờ lời Thầy đã nói với các con. Các
con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Cũng như nhành nho tự nó không thể
sinh trái được, nếu không dính liền với cây nho; các con cũng vậy, nếu không ở
trong Thầy. Thầy là cây nho, các con là nhành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong
người ấy, kẻ ấy sẽ sinh nhiều trái, vì không có Thầy, các con không thể làm được
gì. Ai không ở trong Thầy, thì bị vứt ra ngoài như nhành nho, và sẽ khô héo,
người ta sẽ thu lại, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu các con ở trong Thầy, và
lời Thầy ở trong các con, thì các con muốn gì, cứ xin, và sẽ được. Đây là điều
làm Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế các con trở
nên môn đệ của Thầy". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM
: Sự kết hiệp thâm sâu
Nền
văn minh kỹ thuật làm phát sinh nơi con người một não trạng kiện toàn duy vật.
Người ta đánh giá con người với những tiêu chuẩn của sự sản xuất và hiệu năng.
Con người được nhìn qua lăng kính của những sản xuất và chiếm hữu vật chất, như
đồng lương, cái nhà, chiếc xe. Não trạng ấy không chừng áp dụng vào việc đánh
giá sự sống còn của xã hội. Hình ảnh của những cành nho phải sinh trái trong
Tin Mừng hôm nay phải chăng không củng cố cho cái nhìn ấy. Phải chăng một Giáo
Hội có sức sống không là một giáo hội có nhiều tín hữu, có nhiều cơ sở vật chất,
có nhiều hội dòng, có nhiều phong trào, có nhiều hoạt động và nhất là có nhiều
quan hệ tốt với thế quyền.
Thật
ra, người ta không thể đánh giá về sự sống bằng số lượng. Những con số không thể
nói hết về một thực tại vô cùng thâm sâu về huyền nhiệm và sự sống, nhất là sự
sống của Giáo Hội. Người ta không thể đo lường sự sống của Giáo Hội bằng hiệu
năng và những con số. Trong Giáo Hội, không ai có thể đi tìm hiệu năng bằng những
phương pháp và các phương tiện riêng của mình. Ðể trở nên phong phú trong Giáo
Hội, cần phải chấp nhận hai điều kiện được chính Chúa Giêsu đưa ra: một là ở lại
trong Ngài, hai là chịu cắt tỉa. Ở lại trong Ngài, với kiểu nói này, Chúa Giêsu
muốn nói đến sự kết hiệp thâm sâu giữa Ngài và Giáo Hội.
Nếu
Giáo Hội tìm cách thay thế sự kết hiệp thâm sâu này bằng những cố gắng liên kết
với quyền bính thế trần, Giáo Hội có thể có một chỗ đứng thế giá trong trần thế,
Giáo Hội có thể mua được nhiều đặc ân đặc quyền hay bất cứ một dễ dãi nào mà thế
quyền có thể ban tặng. Nhưng một khi đã sống bên ngoài sự sống của Chúa Giêsu,
Giáo Hội chỉ còn là những cành nho khô héo. Những thành quả đạt được bằng sự
liên kết, thỏa hiệp với quyền bính sẽ chỉ là những trái trăng héo úa, nếu ở lại
trong Chúa Giêsu, Giáo Hội cũng phải chấp nhận bị cắt tỉa. Sức sống và sự phong
phú đích thực của Giáo Hội lúc đó sẽ không phải là những con số của những gì có
thể đếm được mà chính là những mất mát, thử thách, bách hại, những chướng ngại
thập giá. Sức sống của Giáo Hội được thể hiện trước tiên qua những cắt tỉa ấy.
Thánh
Phaolô là hiện thân của một sức sống như thế, Ngài đã phải chịu cắt tỉa ngay
trong cộng đoàn Giêrusalem. Ngài bị cô lập và nhìn với con mắt nghi ngờ. Ngài bị
xem như một con người nguy hiểm gieo rắc những tư tưởng đe dọa những giá trị được
củng cố, đảo lộn những cái khoen đã cắm rễ sâu, phá hoại sự an toàn có sẵn. Suốt
một cuộc đời ra đi không ngừng, thánh nhân là đối tượng của không biết bao
nhiêu bách hại, nhưng Ngài không sống theo luận lý của con người. Thập giá là một
hiếu kỳ đối với người Do Thái và là một điều ngu xuẩn đối với người Hy Lạp,
nhưng với ngài, nó sẽ là khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa. Với ngài, người
chỉ biết có một Chúa Kitô chịu đóng đinh, "sống" là chính Chúa Kitô.
Mất mát, khổ đau, thử thách, thập giá là chìa khóa để đọc được ý nghĩa và sự
phong phú đích thực của Giáo Hội, nó cũng là chìa khóa để nhìn vào những bách hại
và thử thách mà một số tín hữu Kitô đang phải trải qua trong cuộc sống của
mình.
Nguyện
xin Chúa Kitô Phục Sinh nâng đỡ các tín hữu Kitô để họ trở thành đuốc sáng cho
mọi người trong giai đoạn hiện nay.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Tư
Tuần V PS
Bài đọc: Acts 15:1-6; Jn 15:1-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Điều gì là điều khẩn thiết của Kitô
Giáo?
Mỗi
dân tộc trên địa cầu đều có một truyền thống, một văn hóa, và một giá trị khác
nhau cần được tôn trọng. Khi Kitô Giáo được rao giảng vào dân tộc đó, các nhà
truyền giáo cần phải nghiên cứu cẩn thận các truyền thống, văn hóa, và giá trị
của họ. Mục đích là để làm sao cho dân tộc đó có thể đón nhận và thực hành đức
tin, mà vẫn không xung đột với những truyền thống và văn hóa của họ.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy tầm quan trọng của vấn đề. Trong Bài Đọc I,
Giáo Hội thời sơ khai phải đương đầu với nhiều vấn đề khi phải làm một sự chuyển
tiếp từ Do-thái Giáo qua Kitô Giáo: Nên giữ những gì và nên bỏ những gì khi dân
Do-thái và Dân Ngoại gia nhập Kitô Giáo? Cụ thể là 2 vấn đề chính: Dân Ngoại có
phải cắt bì và giữ Lề Luật khi theo Kitô Giáo? Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu đưa ra
một điều khẩn thiết hơn cả: Các tín hữu phải sống kết hợp mật thiết với Ngài
như cây nho và cành; nếu không sẽ không thể sinh hoa trái, sẽ bị khô héo, và sẽ
bị cắt bỏ ra ngoài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài
đọc I: Có cần phải cắt bì
và giữ Lề Luật để được cứu độ?
1.1/
Theo các tín hữu Pharisees:
Phải cắt bì và giữ Lề Luật.
(1) Về
việc cắt bì: Những người Do-thái từ Judah tới nói với Dân Ngoại: "Nếu anh
em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Moses, thì anh em không thể được cứu độ."
Cắt bì là dấu chỉ của giao ước giữa Thiên Chúa và tổ-phụ Abraham (Gen 17). Chúa
Giêsu chịu cắt bì tám ngày sau khi sinh ra (Lk 2:21); Phaolô cũng chịu cắt bì
(Phi 3:5). Bằng việc cắt bì, một người Do-thái biết họ thuộc về dân của Thiên
Chúa, và là con cháu của tổ phụ Abraham.
Tuy
nhiên, điều quan trọng là niềm tin yêu nơi Thiên Chúa, cắt bì chỉ là dấu hiệu bề
ngoài để chứng tỏ niềm tin yêu bên trong. Nếu cắt bì mà không tin yêu vào Thiên
Chúa, cắt bì có ích chi đâu, Dân Ngoại nhiều nơi cũng có thói quen như vậy.
Ngôn sứ Jeremiah (Jer 4:4, 9:24-26) đã từng nói lên sự cần thiết phải cắt bì
trái tim và lòng trí. Thiên Chúa yêu mến sự công bằng và tình yêu hơn là cắt
bì.
(2) Lề
Luật: Có những người thuộc phái Pharisee đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra
nói rằng: "Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật
Moses." Trước tiên, chúng ta cần phân biệt Lề Luật của Thiên Chúa và của
con người (thói quen hay truyền thống): Luật của Thiên Chúa không thể thay đổi;
luật do con người làm ra có thể thay đổi.
- Lề
Luật chính yếu là là Thập Giới mà Thiên Chúa đã ban cho dân trên núi Sinai qua
ông Moses đại diện cho toàn dân (Exo 20:1-17). Thập Giới này không thay đổi và
mọi người, Do-thái cũng như Dân Ngoại, đều phải tuân hành.
- Những
luật của con người do thói quen hay do truyền thống: luật thanh sạch, hay những
chi tiết về giữ ngày Sabbath. Dân Ngoại không phải giữ các truyền thống này. Chính
Chúa Giêsu cũng từng tranh luận với các kinh-sư và biệt-phái về những truyền thống
này, và sửa sai họ: Các ông dùng truyền thống của các ông để bãi bỏ Lề Luật của
Thiên Chúa (Mt 15:2-6, Mk 7:3-13).
1.2/
Theo Phaolô và Barnabas: Dân
Ngoại không có truyền thống cắt bì và giữ luật thanh sạch như người Do-thái.
Hơn nữa, Lịch sử Cứu Độ đã bước sang giai đọan mới và bao gồm các Dân Ngoại.
Ông Phaolô và ông Barnabas chống đối và tranh luận khá gay go với họ. Người ta
bèn quyết định cử ông Phaolô, ông Barnabas và một vài người khác lên Jerrusalem
gặp các Tông Đồ và các kỳ mục, để bàn về vấn đề đang tranh luận này.
Chúng
ta không biết những lập luận của hai ông khi tranh luận với họ; nhưng theo
Phaolô trong các Thư sau này: Khi Chúa Giêsu đến, Ngài đã mang Lề Luật tới chỗ
kiện toàn. Vì biến cố sinh ra, chết đi, và sống lại; giờ đây, không còn nhất
thiết phải trở thành người Do-thái trước khi trở thành Kitô hữu. Con người được
cứu độ không do bởi việc cắt bì và giữ Lề Luật; nhưng do bởi niềm tin của họ
vào Đức Kitô.
Tuy vấn
đề cắt bì và Lề Luật đã được giải quyết trong Công Đồng Jerusalem; nhưng nó vẫn
còn là bài học kinh nghiệm cho chúng ta trong đời sống hiện tại. Mỗi khi có những
xung đột như thế, chúng ta cần ngồi xuống để phân tích xem điều gì quan trọng
phải giữ và điều gì không quan trọng có thể bỏ hay thích ứng được. Bắt một người
ngoại kiều hay một dân tộc phải theo văn hóa và truyền thống của mình trong việc
thực hành đức tin dễ đưa đến bất đồng và gây nhiều trở ngại cho việc rao giảng
Tin Mừng; một ví dụ cụ thể là việc thờ cúng tổ tiên tại Việt-nam.
2/
Phúc Âm: Sống kết hiệp mật
thiết với Chúa Giêsu là điều khẩn thiết hơn cả.
Mối
liên hệ giữa con người và Thiên Chúa là trung tâm điểm của Đạo. Vì thế, tất cả
những gì giúp đưa con người tới Thiên Chúa, và giúp cho mối liên hệ này phát
triển tối đa là những điều cần thiết hơn cả. Trong dụ ngôn hôm nay, Chúa Giêsu
ví mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa như sau: "Thầy là cây nho thật,
và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa
trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó
sinh nhiều hoa trái hơn."
(1) Lời
Kinh Thánh: cần thiết để con người biết Thiên Chúa là ai, những gì Ngài mong muốn,
và những gì Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Lời Kinh Thánh có sức tẩy sạch
những gì là gian trá và mờ ám của thế gian như Chúa Giêsu nói hôm nay:
"Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em."
(2)
Các Bí-tích: giúp thông chuyển đời sống thần linh và ơn thánh từ Thiên Chúa đến
cho con người. Hình ảnh những cành nho cần nhựa sống nuôi dưỡng của cây nho dẫn
chứng sự cần thiết của các Bí-tích, nhất là Bí-tích Thánh Thể: "Hãy ở lại
trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình
sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại
trong Thầy. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại
trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng
làm gì được."
(3)
Sinh hoa kết trái bằng việc giữ các giới răn: Hoa trái đây là những gì con người
làm cho Thiên Chúa và cho tha nhân, từ việc yêu mến, đến việc giữ Lề Luật của
Thiên Chúa, và tất cả những gì con người có thể làm cho tha nhân. Khi con người
sinh hoa kết trái, con người làm Thiên Chúa được tôn vinh.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Trong lãnh vực đức tin, chúng ta cần chú trọng tới mối liên hệ giữa con người
và Thiên Chúa, biểu lộ qua việc tin và yêu Ngài bằng những việc làm cụ thể.
- Mỗi
khi có xung đột về truyền thống, văn hóa, và giá trị; chúng ta cần cùng nhau cầu
nguyện và giải quyết, để xem coi những gì quan trọng về đạo lý cần giữ, những
gì cần thích ứng với hoàn cảnh, và những gì có thể bỏ được.
- Việc
bắt người khác phải theo truyền thống và văn hóa của mình sẽ đưa đến chia rẽ và
làm trở ngại cho việc rao giảng Tin Mừng đến mọi nơi và mọi người.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
27/04/16 THỨ TƯ TUẦN 5 PS
Ga 15,1-8
Ga 15,1-8
Suy niệm: Ca dao Việt Nam: “Đến đây thì ở lại đây, bao giờ
bén rễ xanh cây hãy về”nói lên rằng một tình yêu muốn triển nở thật
sự cần có sự gắn kết mật thiết, tình yêu này ở trong tình yêu kia. Trong dụ
ngôn cây nho, Chúa Giê-su dùng hình ảnh “cành
liền cây” để
minh hoạ cho sự gắn kết sâu xa đó đến mức “anh
em ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong anh em.” Và hiệu quả của sự gắn kết này là nhiều hoa
trái trổ sinh. Nhưng làm thế nào một con người tội lỗi có thể “ở lại” trong
Chúa là Đấng Thánh mà không bị coi là bất tương hợp kiểu một tế bào lạ được đưa
vào cơ thể một người? – Tình yêu là câu trả lời cho vấn nạn này: Vì yêu, Chúa “trút bỏ vinh quang, mặc lấy
thân nô lệ, sống như người trần thế” và chịu chết trên thập giá để xoá bỏ tội chúng
ta (Pl 2,7-8); và phần chúng ta được mời gọi chết đi đối với tội lỗi (Rm 6,11)
để trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài (Pl 3,10).
Mời Bạn: Không
thiếu những người vẫn ngần ngại đến với Chúa để được ở lại trong Ngài. Có nhiều
lý do: vì chưa tin, vì sợ phiền toái rầy rà, vì muốn nhìn thấy một phép lạ…
Những lý do ấy không phải là không có cơ sở, nhưng người ấy nên đánh liều một
phen để rồi sẽ được Chúa đáp ứng vì không ai phải thất vọng trước một tình
thương vô vị lợi của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Sống
phương châm của Mẹ Tê-rê-xa: “Tôi muốn là cây bút chì trong bàn tay Thiên Chúa”
đến và sống gắn kết với Chúa cách trọn vẹn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con luôn gắn kết với Chúa để con sinh
nhiều hoa trái cho Nước Trời.
Thầy là cây nho
Kitô hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như
Giêsu, sống cho Giêsu, mà còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục
sinh. Chưa sống trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.
Suy
niệm:
Cây
nho là một cây quen thuộc trên đất Palestin.
Người
ta trồng nho để ăn trái hay làm rượu.
Đức
Giêsu đã từng thấy những cây nho với những cành nho trĩu quả.
Ngài
muốn dùng hình ảnh này để nói lên tương quan giữa Ngài với môn đệ.
“Thầy
là cây nho, anh em là cành” (c. 5).
Cành
sống được, sinh trái được, là nhờ còn gắn liền với cây.
Dòng
nhựa nguyên từ cây sẽ nuôi sống cành.
Như
cành không tự mình sinh trái được (c. 4),
người
môn đệ cũng chẳng làm gì được nếu không gắn bó với Thầy (c. 5).
Có
một lối nói đặc biệt để diễn tả sự gắn bó này: ở lại trong.
Cụm
từ này được nhắc lại sáu lần như một điệp khúc (cc. 4-7).
“Anh
em hãy ở lại trong Thầy”: một lời kêu mời tha thiết của trái tim.
Thầy
Giêsu như xin các môn đệ đừng quay lưng trước tình yêu,
vì
tình yêu cần được đáp trả mới nên trọn vẹn.
“Hãy
ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em” (c. 4).
Cành
nho không có tự do để chọn ở lại hay không ở lại.
Chỉ
con người mới có thể tự nguyện ở lại hay cố tình từ chối.
Nhưng
ở lại trong Thầy cũng có nhiều cấp độ.
Chắc
chúng ta đã ở lại trong Chúa Giêsu phục sinh đến một mức nào đó.
Và
cây đời của chúng ta đã sinh hoa trái ít nhiều.
Nhưng
chúng ta vẫn cần ở lại hơn để có trái nhiều hơn.
Càng
ở lại sâu, càng có trái nhiều, trái ngon, trái tồn tại mãi (cc. 5.8.16).
Trái
tỷ lệ thuận với việc chúng ta ở lại trong Chúa.
Nét
đặc sắc làm nên đời người Kitô hữu chính là chuyện của cây và cành.
Cây
và cành cùng sẻ chia một dòng nhựa sống.
Kitô
hữu không chỉ sống với Giêsu, sống như Giêsu, sống
cho Giêsu,
mà
còn sống trong Giêsu, sống sự sống của Chúa Giêsu phục sinh.
Chưa sống
trong Giêsu, chưa thực sự là Kitô hữu.
Chúng
ta cũng không quên vai trò của Thiên Chúa Cha người trồng nho.
Cây
nho Giêsu được Cha vun trồng chăm bón.
Các
cành nho không sinh trái thì bị Cha chặt đi.
Các
cành đã sinh trái thì được Cha cắt tỉa để sinh trái hơn (c.
2).
Cha
cắt tỉa không vì độc ác, nhưng vì yêu, vì muốn điều tốt hơn cho cành nho.
Chữ hơn giúp
chúng ta hiểu được những cắt tỉa đau đớn trong đời mình.
Có
thể nói chính Đức Giêsu cũng đã được Cha cắt tỉa
qua
khổ đau, nhục nhã và cái chết kinh hoàng.
Không
phải vì Ngài chưa thanh sạch, nhưng để Ngài giống và gần ta hơn.
“Điều
làm Cha được tôn vinh là anh em sinh trái nhiều” (c. 8).
Vinh
quang của Cha không nghịch với sự triển nở thật sự của con người.
Sự
èo uột, cằn cỗi của chúng ta mới là nỗi nhục cho Thiên Chúa.
Hãy
sinh trái nhiều nhờ chấp nhận những cắt tỉa của Cha qua lời của Giêsu.
Cầu
nguyện:
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì
con cần có Chúa hiện diện
để
con khỏi quên Chúa.
Chúa thấy con dễ bỏ Chúa biết chừng nào.
Xin
ở lại với con, lạy Chúa,
vì
con yếu đuối,
con
cần Chúa đỡ nâng để con khỏi ngã quỵ.
Không có Chúa,
con
đâu còn nồng nhiệt hăng say.
Xin
ở lại với con, lạy Chúa,
vì
trời đã xế chiều và ngày sắp tàn,
cuộc
đời qua đi, vĩnh cửu gần đến.
Con cần được thêm sức mạnh
để
khỏi ngừng lại dọc đường.
Xin ở lại với con, lạy Chúa,
vì
con cần Chúa trong đêm tối cuộc đời.
Con không dám xin những ơn siêu phàm,
chỉ
xin ơn được Ngài hiện diện.
Xin ở lại với con
vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa
và không đòi phần thưởng nào khác
ngoài việc được yêu Chúa hơn.
(Cha
Piô)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
27/04/2016
Gương Thánh Nhân
Thánh
Zita ở Lucca
(1218 -- 1278)
Thánh Zita còn được gọi là Sitha hay Citha. Ngài sinh trong một gia đình nghèo
nhưng rất đạo đức ở Lucca, nước Ý. Từ 12 tuổi cho đến chết, ngài làm đầy tớ cho
gia đình Fatinelli ở Lucca. Vì không có địa vị trong xã hội nên ngài không có
tên họ.
Ngay từ khi còn nhỏ, Zita đã lưu tâm đến những người nghèo và bơ vơ. Lòng
thương người ấy ngày càng nổi tiếng, và họ tìm đến ngài. Ðiều ấy không phù hợp
với hoàn cảnh của một đầy tớ cũng như khiến gia chủ phải khó chịu. Và Thiên
Chúa đã can thiệp. Một ngày kia, Zita bỏ dở công việc nấu nướng để chăm sóc người
nghèo và các đầy tớ khác đã lên mách với gia chủ. Khi xuống bếp điều tra, họ
nhìn thấy các thiên thần đang làm công việc bếp núc thay cho Zita. Một lần
khác, Zita đã phân phát cả một kho chứa đậu cho những người trong phố khi nạn
đói hoành hành. Khả nghi, gia chủ xuống xem xét và lạ lùng thay họ thấy kho vẫn
đầy những hạt đậu.
Ngày tháng dần trôi, ngài trở nên nổi tiếng trong việc giúp đỡ người nghèo, người
đau yếu và kẻ tù đầy. Ngay sau khi chết, nhiều phép lạ đã xảy ra nhờ lời cầu bầu
của ngài, người ta đã sùng kính ngài như một vị thánh; và danh xưng đó được
chính thức trao ban cho ngài năm 1696. Thánh Zita là quan thầy của các người
giúp việc trong nhà.
Lời Bàn
Chúng ta thường nói, "Bạn không thể đem theo của cải với mình khi chết."
Nhưng người ta vẫn e ngại khi làm việc từ thiện vì họ sợ tài sản của họ sẽ tiêu
tan, dù đó là thời giờ, tiền bạc hay sức lực. Thánh Zita được vinh danh là vì
lòng bác ái của ngài. Ngài đã có thể so đo với những người giầu có và bào chữa
cho sự ích kỷ của mình. Nhưng ngài đã sống lời Ðức Kitô trong câu truyện về người
goá phụ nghèo (xem Luca 21:1-4).
Lời Trích
"Vì vậy chúng ta hãy bác ái và khiêm tốn; chúng ta hãy bố thí vì của bố
thí sẽ tẩy sạch vết nhơ tội lỗi trong linh hồn chúng ta (xem Tobia 4:11; 12:9).
Vì người ta sẽ mất tất cả những gì họ để lại trần gian mà chỉ đem theo được các
phần thưởng của hành động bác ái và bố thí mà họ đã cho đi, vì đó mà họ sẽ được
Chúa thưởng công và được đền đáp xứng đáng" (Thư Thánh Phanxicô Gửi Người
Tín Hữu).
Trích từ NguoiTinHuu.com
27
Tháng Tư
Kẻ Không Biết Sám Hối
Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi
ngạt tại nhà tù San Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu
tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể
từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến,
tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử
hình. Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được
đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.
Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi
đã mãn hạn tù hai năm vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người
em của mình định đến cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển,
Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn.
Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ vàtại đây, anh
đã rút súng sát hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên,
Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người
thanh niên đang ăn dở... Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu
hiệu nào của ăn năn sám hối...
Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án,
người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton
Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải... Anh đã
được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết
bằng đúng cái chết mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.
Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt
răng thế răng, hoặc tôi cho anh để tôi cho lại... Kẻ có tội luôn luôn phải bị
trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác của người đó đã gây ra... Thiên Chúa dường
như chỉ có một công lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của
Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô,
nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người,
dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của
Thiên Chúa.
Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy
niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó
không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con
người. Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự
chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm
luân. Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng... Chúng ta
nhìn đến thân phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của
chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.
Trích
sách Lẽ Sống
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét