24/04/2016
Chúa Nhật tuần 5 Phục Sinh năm C
(phần
II)
Phụng vụ Lời Chúa: Chúa Nhật V Phục Sinh - Năm C
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH
(Cv 14, 21-27; Kh 21, 1-5a; Ga 13, 31-33a.
34-35).
YÊU THƯƠNG: DẤU CHỈ LÀ NGƯỜI MÔN ĐỆ
“... Các con là môn đệ của Thầy, nếu các con yêu thương
nhau.” (Ga
13,35)
I. CÁC BÀI ĐỌC
1. Bài đọc 1 (Cv 14, 21-27)
Sau
khi Chúa Giêsu sống lại, các Tông đồ đã đi khắp nơi loan báo Tin Mừng Phục Sinh
và làm chứng về các điều mình giảng dạy. Bên cạnh việc rao giảng Tin Mừng, các
Tông đồ còn củng cố niềm tin của các tín hữu, an ủi họ trong những thử thách
gian nan. Các ngài thực hiện sứ vụ của mình với một niềm xác tín là chính Thiên
Chúa hoạt động trong các ngài; các ngài chính là những khí cụ Thiên Chúa dùng
để đem Tin Mừng cứu độ cho muôn dân. Với niềm xác tín như thế, các Tông đồ đã
loan báo Tin Mừng cách nhiệt thành, bằng hết lòng yêu thương để xây dựng những
cộng đoàn Kitô hữu và những Kitô hữu. Cũng với tình yêu của Chúa Phục Sinh, các
ngài đã khao khát đem Tin Mừng cho mọi dân, không giới hạn màu da sắc tộc. Tình
yêu Phục sinh là tình yêu phổ quát, được trao tặng cho tất cả mọi người để cùng
được cứu độ và cùng xây dựng xã hội mới và con người mới với yêu thương là đặc
tính tiêu biểu và căn tính.
2. Bài đọc 2 (Kh 21, 1-5a)
Trong
bài đọc II hôm nay tác giả sách Khải huyền thuật lại việc nhìn thấy trời mới
đất mới cùng với thành Giêrusalem mới. Đây là các hình ảnh diễn tả một cuộc tạo
thành mới, trong đó Thiên Chúa làm mới mọi sự. Người sẽ hiện diện ở giữa dân
Người và xóa tan những đau buồn tang tóc cũng như tiêu diệt sự chết. Những hình
ảnh tác giả nhìn thấy có thể nói đó là hình ảnh chiến thắng của Đức Kitô Phục
sinh, khi Người trỗi dậy từ cõi chết là Người bẻ gãy xiềng xích của sự chết,
giải thoát con người khỏi sự thống trị của tội lỗi, giao hòa mọi người với
Thiên Chúa. Nhờ hồng ân của Chúa Phục sinh mỗi người cũng đang được thanh luyện
đổi mới để trở nên những tạo vật mới cùng bước vào trong sự sống mới. Điều quan
trọng là cần đón nhận Tin Mừng và để cho Tin Mừng biến đổi mình nên những Kitô
hữu đích thực.
3. Bài Tin Mừng (Ga 13, 31-33a. 34-35)
Bài
Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của buổi chiều Tiệc Ly. Có thể coi đây là
những lời tâm huyết của Chúa Giêsu để lại cho các môn đệ của mình, những lời
lưu dấu sự hiện diện của Ngài ở giữa họ. Ngài gọi họ là “các con bé nhỏ” để cho
thấy ý nghĩa sâu sắc của những lời trăng trối sau cùng. “Các con hãy yêu thương
nhau như Thầy đã yêu thương các con. Cứ dấu này người ta sẽ nhận biết các con
là môn đệ Thầy”. Đây là lệnh truyền, là điều răn mới, hay hơn thế nữa, là quà
tặng được trao ban cho nhau. Yêu thương là giới răn quan trọng vì xuất phát từ
chính tình yêu của Chúa Cha và Chúa Con. “Như Cha đã yêu Thầy, Thầy cũng yêu
các con.”
Chính
Chúa Giêsu đã làm gương cho các môn đệ khi cúi xuống rửa chân cho từng người.
Người cũng muốn các môn đệ học theo gương của mình: yêu thương và phục vụ. Yêu
thương không phân biệt, yêu thương cả người sẽ phản bội mình, yêu thương những
người yếu đuối tội lỗi, yêu thương người đau khổ khốn khó. Hơn thế nữa, Chúa
Giêsu đã yêu thương và yêu thương cho đến dâng hiến chính mạng sống mình để cứu
độ loài người. Tình yêu của Ngài đã được tôn vinh. Chính khi Ngài tự hiến vì
yêu thương trên thập giá là chính lúc Ngài được Thiên Chúa Cha tôn vinh. Tình
yêu của Ngài không dừng lại ở mức độ giác quan tình cảm, nhưng còn mang lại ơn
cứu độ và sự sống.
II. GỢI Ý MỤC VỤ
1. “Cứ dấu này người ta nhận biết
các con là môn đệ Thầy là các con hãy yêu thương nhau”. Mỗi người chúng ta đã
yêu thương những anh chị em xung quanh mình chưa? Cộng đoàn của chúng ta có
phải là cộng đoàn yêu thương không?
2. Những hành động cụ thể chúng
ta có thể làm để bày tỏ tình yêu cho những người xung quanh: giúp đỡ, an ủi,
thăm viếng, chia sẻ thời giờ hay của cải... Chúng ta có làm một cách mau mắn
không tính toán hơn thua hay lợi lộc?
III. LỜI NGUYỆN CHUNG
Chủ tế: Anh chị em thân mến!
Qua Đức Giêsu, Thiên Chúa đã biểu lộ tình yêu của Người và trao cho chúng ta
giới răn mới là hãy yêu thương nhau. Với quyết tâm thực hành lời Chúa dạy, cộng
đoàn chúng ta cùng tha thiết cầu nguyện cho Hội Thánh và cho từng người chúng
ta:
1. Hội
Thánh có sứ vụ đem tình thương cứu độ của Chúa đến cho mọi người. Chúng ta cùng
cầu xin cho các thành phần trong Hội Thánh biết tích cực làm chứng cho Chúa
Kitô Phục Sinh bằng một đời sống yêu thương và phục vụ.
2. Ghen ghét hận thù chính là nguồn gốc của
bao đau khổ và khủng hoảng trên khắp thế giới. Chúng ta cùng cầu xin Chúa biến
đổi tâm hồn những người đang bạo động tranh chấp, giúp họ biết giải quyết xung
đột bằng tình yêu và thông cảm.
3. Cuộc vượt qua của Chúa Giêsu đã đem lại
trời mới đất mới cho nhân loại. Chúng ta cùng cầu xin cho mọi Kitô hữu biết
tích cực sống đời sống mới trong ân sủng của Đấng Phục Sinh, cùng nỗ lực chung
xây nền văn minh tình thương cho thế giới.
4. “Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương.” Chúng ta cùng cầu xin cho mọi người đang hiện diện nơi đây trở nên
những môn đệ đích thực của Chúa Kitô qua đời sống bác ái, luôn “hiền lành và
khiêm nhường” theo gương Người.
Chủ tế: Lạy Chúa là Cha rất nhân từ,
xin nhận lời chúng con cầu nguyện và ban ơn nâng đỡ giúp chúng con thực thi
giới răn mà Con Chúa truyền dạy, để nên những chứng nhân sống động cho lòng
thương xót của Chúa giữa thế giới hôm nay. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa
chúng con.
Chủ đề :
Giới luật yêu thương
"Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em
hãy yêu thương nhau"
(Ga 13,34)
I. Dẫn vào Thánh lễ
Anh
chị em thân mến
Yêu
thương là dấu chỉ cho người ta nhận biết các môn đệ của Chúa. Vì thế có thể nói
khuyết điểm lớn nhất của người tín hữu là không yêu thương.
Trong
Thánh lễ này, mỗi người chúng ta hãy nhớ lại xem có những người nào mà chúng ta
không muốn yêu thương. Hãy dâng những người ấy lên Chúa, và xin Chúa giúp chúng
ta yêu thương họ.
II. Gợi ý sám hối
- Vì
chúng con còn ghét một số người, xin Chúa tha tội chúng con.
- Vì
chúng con vui mừng khi thấy những người chúng con ghét phải chịu đau khổ, xin
Chúa tha tội chúng con.
- Vì
chúng con không cố gắng hòa giải với những người va chạm với chúng con, xin
Chúa tha tội chúng con.
III. Lời Chúa
1. Bài
đọc I (Cv 14,21-27)
Mặc
dù là những nhà truyền giáo, nhưng Phaolô và Barnaba không chỉ lo rao giảng Tin
Mừng cho những nơi mới. Thỉnh thoảng hai vị làm một chuyến thăm mục vụ ở những
giáo đoàn cũ. Việc này ngày nay được gọi là "tái truyền giáo".
Tái
truyền giáo của hai vị gồm : (1) Củng cố tinh thần kitô hữu ; (2)
Củng cố cơ cấu nhân sự ở những giáo đoàn ấy.
2. Tin
Mừng (Ga 13,31-35)
Đoạn
Tin Mừng này là một phần của bữa tiệc ly. Có 2 chi tiết đáng lưu ý :
1.
Giây phút Giuđa ra đi là tiếng chuông báo hiệu cuộc thương khó bắt đầu. Chúa
Giêsu coi đó là tiếng chuông mở đầu giờ Ngài được tôn vinh. Không phải đau khổ
tự nó là tôn vinh, mà vì qua đau khổ Chúa Giêsu thực hiện ý muốn của Chúa Cha.
Chúa Giêsu lấy làm vinh dự được thực hiện ý muốn Chúa Cha.
2.
Trước lúc bước vào con đường thập giá, Chúa Giêsu trối lại cho các môn đệ điều
răn mới của Ngài : "Chúng con hãy yêu thương nhau… Ở điểm này mọi
người sẽ nhận biết chúng con là môn đệ của Thầy, là chúng con có lòng yêu
thương nhau".
4. Bài
đọc II (Kh 21,1-5)
Thị
kiến về thành Giêrusalem mới :
-
Thành này từ trời xuống
- Là
nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại
-
Trong thành Giêrusalem mới này, sẽ không còn sự chết, tang tóc và khổ đau.
IV. Gợi ý giảng
* 1. Yêu
thương kiểu mới
Chắc
hẳn nhiều người có biết chuyện Thánh nữ Maria Goretti. Maria Goretti là một
thiếu nữ đẹp : Vừa đẹp người vừa đẹp nết. Nhưng gia đình thì nghèo :
Không có nhà riêng để ở, phải ở chung nhà với gia đình của anh chàng Alexandre.
Hàng ngày mẹ và các anh của Goretti ra đồng làm ruộng, Goretti ở nhà lo việc
nội trợ và giữ em. Anh chàng Alexandre từ lâu đã đem lòng yêu cô gái Goretti và
cũng đã vài lần dụ dỗ Goretti cùng mình trao đổi những cử chỉ yêu đương, nhưng
Goretti luôn từ chối. Một hôm Alexandre đang làm ruộng ngoài đồng, nhưng biết
Goretti ở nhà một mình nên lấy cớ đau bụng để trở về nhà. Về đến nhà Alexandre
giả bộ nhờ Goretti vào phòng hắn lấy cái áo đứt nút đơm lại giùm. Cô gái ngây
thơ có tính hay giúp đỡ tưởng thật nên đi vào. Alexandre lại một lần nữa đề
nghị chuyện ân ái. Goretti vẫn từ chối. Khi ấy vì đam mê đã làm cho lý trí mù
quáng. Alexandre dùng dao đâm túi bụi 17 nhát vào mình Goretti và chạy trốn.
Sau đó anh của Goretti sinh nghi từ ruộng trở về thấy em gái mình sắp chết, anh
thề sẽ trả thù. Nhưng Goretti tha thiết xin anh hãy tha cho hắn. Cuối cùng
Goretti chết và Alexandre bị cảnh sát bắt giam. Một đêm kia anh thấy Goretti
hiện ra với mình và tặng cho mình những cánh hoa mầu trắng và mầu đỏ. Từ đó
Alexandre ăn năn sửa mình, nên được khoan hồng trả tự do trước khi hạn tù chấm
dứt. Alexandre còn được vinh dự tham dự lễ phong thánh cho thánh nữ Maria
Goretti.
Có
thể xem câu chuyện trên là một câu chuyện tình. Nhưng trong chuyện ấy có hai
thứ tình : tình của Alexsndre đối với Goretti là một thứ tình yêu thấp
hèn, : còn tình yêu của Goretti đối với Alexandre là một thứ tình yêu cao
đẹp. Nếu dùng từ ngữ của bài Tin Mừng hôm nay, thì tình yêu của Alexandre là
tình yêu kiểu cũ, còn tình yêu của Foretti là thứ tình yêu kiểu mới.
Trong
bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu khuyên bảo chúng ta hãy yêu thương nhau. Thực
ra tình yêu là chuyện vĩnh cửu, kể từ khi có mặt con người trên trái đất này
thì cũng đã có tình yêu. Cho nên nếu Chúa Giêsu chỉ bảo người ta thương yêu
nhau như người ta đã từng yêu thương nhau từ trước tới giờ thì lời khuyên dạy
của Chúa là thừa và vô ích. Nhưng lời Chúa không thừa, không vô ích, vì Chúa
không dạy người ta thương yêu nhau kiểu cũ, mà là thương yêu nhau kiểu mới.
Thế
nào là yêu thương kiểu cũ, và thế nào là yêu thương kiểu mới ?
Tự
nhiên là con người biết thương và biết ghét, : thương người vừa ý mình và
ghét kẻ trái ý mình. Đó là yêu thương kiểu cũ. Sách Lêvi trong bộ Cựu Ước dạy
một thứ tình yêu thương cao hơn : đó là đừng thù oán ai, nhưng hãy yêu
thương mọi người như yêu thương chính mình. Đó là yêu thương kiểu khá mới. Còn
trong bài Tin Mừng này, Chúa Giêsu dạy một tình yêu thương cao hơn nữa :
không phải chỉ yêu người như yêu mình, mà phải yêu người như Chúa đã yêu. Đó là
yêu thương kiểu mới nhất.
Kiểu
yêu thương mới nhất là yêu người theo kiểu Chúa đã yêu. Vậy Chúa đã yêu như thế
nào ? Có vài chi tiết trong bài phúc âm giúp ta hiểu rõ hơn cách yêu
thương của Chúa :
Chi
tiết thứ nhất là câu "Khi Giuđa đi rồi" : Giuđa đi để thực hiện
âm mưu bội phản bán Thầy. Lúc đó lẽ ra Chúa phải chua chát cho tình nghĩa thầy
trò, thế mà là lúc Ngài chan chứa yêu thương.
Chi
tiết thứ hai là câu "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của
Thầy" : nếu không yêu thương thì không phải là môn đệ của Chúa.
Qua
những chi tiết trên, ta hiểu được rằng yêu thương như Chúa đã yêu là yêu thương
chính lúc người thường không thể yêu, yêu thương chính cái điều mà người thường
không thể yêu, và yêu thương những người mà người thường không thể yêu. Hơn nữa
người môn đệ Chúa bó buộc phải yêu thương như thế thì mới xứng đáng là môn đệ
Chúa.
Ta
hãy trở lại chuyện thánh nữ Maria Goretti. Yêu thương của Alexandre là yêu
thương kiểu cũ, bởi vì Alexandre chỉ yêu thương theo sự thúc đẩy của bản tính,
của tính dục. Khi tình dục không được thỏa mãn thì quay ra thù ghét và giết
chết Goretti. Còn yêu thương kiểu Goretti là yêu thương kiểu mới : yêu
thương chính kẻ giết mình, yêu thương chính lúc đau đớn sắp chết, yêu thương để
tha thứ và để cứu vớt Alexandre.
Chúa
muốn chúng ta yêu thương theo kiểu mới đó. Không phải Chúa chỉ muốn, mà Chúa
còn truyền như một giới răn " Thầy ban cho chúng con một giới răn
mới".
Chúng
ta sẽ thực hiện giới răn mới ấy ra sao ? có một tác giả kia khi viết bài
suy gẫm về bài phúc âm này, đã đề nghị một số việc như sau :
là
làm hòa với những kẻ ghét mình
là
cầu nguyện cho kẻ ghét mình
là
làm tươi hồng môi trường sống của mình bằng những việc phục vụ và bằng những
lời nói gây đoàn kết yêu thương.
Thiết
tưởng đó là những việc rất cụ thể mà chúng ta phải cố gắng làm để thực hiện
tình yêu thương kiểu mới mà Chúa Giêsu truyền dạy chúng ta trong bài Tin Mừng
hôm nay.
* 2. Như
thầy đã yêu
Vào
năm 1995, xảy ra một trận động đất lớn chưa từng có ở Kôbê, nước Nhật, cả một
thành phố hầu như đổ xuống thành một đống gạch vụn khổng lồ. Thiệt hại về người
và của không biết cơ man nào mà kể. Các đội cứu hộ làm việc ngày đêm để lôi ra
khỏi những đống gạch vụn vô vàn người chết, người bị thương.
Trong
các tai họa vô cùng khủng khiếp ấy, người ta lại khám phá ra một câu chuyện hết
sức cảm động, mà tiếng vang của nó còn mạnh hơn cả sức chấn động của cơn động
đất.
Người
ta kể lại rằng, đến ngày thứ hai của cuộc tìm kiếm nạn nhân, họ đào lên được
dưới tòa nhà đổ nát hai mẹ con vẫn còn sống : Đứa con nhỏ khoảng mấy tháng
tuổi vẫn còn thoi thóp, và người mẹ đã hoàn toàn bất tỉnh.
Sau
khi cấp cứu cho hai mẹ con vượt qua cơn thập tử nhất sinh, các nhà báo đã phỏng
vấn người mẹ :
-
Làm thế nào mà cả hai mẹ con chị có thể sống được hai ngày dưới đống gạch vụn
ấy ?
Chị
đáp :
-
Tuy bị chôn vùi dưới tòa nhà đổ nát, nhưng có một cái đà đã che chắn cho mẹ con
tôi. Sau vài tiếng đồng hồ thì con tôi quá đói vì hai bầu sữa của tôi cháu đã
uống cạn. Tôi liền mò mẫm trong bóng tối và đụng phải một vật sắc bén. Tôi liền
vồ lấy và rạch một đường nơi cổ tay, đẩy miệng con tôi vào cho cháu mút giòng
máu nóng. Cháu yên lặng được vài tiếng thì cơn đói lại cào cấu, và cháu lại gào
lên khóc. Tôi liền rạch thêm một đường nữa nơi cổ tay bên kia, đưa vào miệng
cháu. Sau đó, tôi không còn biết gì nữa ?
-
Thế chị không nghĩ rằng làm như thế thì chị sẽ chết hay sao ?
-
Tôi không hề nghĩ đến cai chết của mình, mà chỉ nghĩ làm cánh nào cho con tôi
được sống.
*
Tình
yêu hy sinh quên mình, tình yêu hiến dâng mạng sống của người mẹ dành cho đứa
con trong câu chuyện trên đây, là lời minh chứng hùng hồn cho lời dạy của Đức
Kitô trong bài Tin Mừng hôm nay : "Anh em hãy yêu thương nhau
như Thầy đã yêu thương anh em" (Ga 13,34).
Yêu "Như
Thầy đã yêu" chính là cúi xuống rửa chân cho nhau để bày tỏ một
tình yêu sâu thẳm, cho dù người ấy là Giuđa, kẻ phản bội tình yêu.
Yêu "Như
Thầy đã yêu" chính là hạ mình xuống ngang hàng với người mình yêu
để cảm thông, chia sẻ và yêu thương như "Bạn hữu thân tình".
Yêu "Như
Thầy đã yêu" chính là "Yêu cho đến cùng",
yêu cho đến chết và chết trên thập giá.
Vâng,
kể từ khi Con Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại cho đến cùng, thì luật yêu
thương đã trở thành điều răn mới, mới ở đây chính là yêu "Như Thầy
đã yêu".
Chúng
ta chỉ có thể yêu "Như Thầy đã yêu" khi chúng ta cảm
nghiệm sâu xa tình yêu sâu nặng mà Người đã dành cho chúng ta.
Chúng
ta chỉ có thể yêu "Như Thầy đã yêu" khi chúng ta dám
quên mình, "bắt chước" Thầy, cúi xuống trước anh em.
Chúng
ta chỉ có thể yêu "Như Thầy đã yêu" khi chúng ta dám
xả thân, yêu cùng "mức độ" như Thầy, hiến dâng mạng
sống cho anh em.
Như
vậy, yêu "Như Thầy đã yêu" không phải là tình yêu vị
kỷ (Eros) yêu người khác nhưng chỉ để lợi dụng, chiếm đoạt cho riêng mình, vì
mình mà thôi ; nhưng chính là tình yêu vị tha (Agapé) sẵn sàng hiến dâng,
hy sinh cho kẻ khác.
Yêu "Như
Thầy đã yêu" chính là một dòng chảy không ngừng. Từ suối nguồn
yêu thương của Thiên Chúa tuôn đổ xuống chúng ta, qua Thánh Thần Tình Yêu của
Người, rồi từ con tim tràn đầy yêu thương của chúng ta, dòng suối tình yêu lại
tuôn tràn sang những người anh em khác.
Nếu
tình yêu như một dòng chảy liên kết chúng ta lại với Chúa, thì chính tình yêu
ấy cũng liên kết chúng ta lại với nhau. Và đó cũng chính là dấu chỉ của môn đệ
Đức Kitô : "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy.
Là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 13,35).
*
Lạy
Chúa. nếu đồng phục của người Ki tô hữu là yêu thương thì xin cho chúng con
luôn tỏa sáng trong cuộc sống những lời nói yêu thương, những nghĩa cử nhân
hậu, những hành động xả thân cho anh em, để xứng đáng làm môn đệ Đấng đã yêu
thương chúng con cho đến cùng.
Xin
cho suối nguồn tình yêu của Chúa tuôn chảy vào tâm hồn chúng con, không đọng
lại như nước ao tù nhưng luôn là dòng chảy tình yêu đến với mọi người, để khắp
thế giới tràn đầy tình yêu Chúa. Amen. (TP)
* 3. Yêu
thương người ruột thịt
Khi
đề cập đến giới luật yêu thương, người ta thường nói tới việc yêu thương những
người tội lỗi, những người nghèo, những kẻ thù v.v. Thế nhưng có một hạng người
cần yêu thương hơn mà na ta hay quên, đó là chính những người ruột thịt.
Có
một người đã viết lên những lời cầu nguyện như thế này : "Chúa ơi,
tình chị em con rộng rãi bao la như chiếc lá me, như cái bánh cam buổi chiều.
Buồn quá Chúa ơi. Giờ này con mới thấy rõ bộ mặt thật não nề !" Lời
cầu nguyện này cũng là một tâm sự, một nhận xét, một thú nhận thật là chua
chát. Có những người theo lẽ tự nhiên thì rất dễ thương nhau, nhưng trong thực
tế thì lại rất ghét nhau. Đó là những người ruột thịt sống chung với nhau hằng
ngày !
Khi
còn nhỏ, anh chị em ruột thịt một nhà sống với ngay thật là thân thiết yêu
thương : ăn chung, chơi chung, đi học chung, ngủ chung… Cuộc sống thật
thoải mái, nhưng tới khi những anh chị em này đã lớn, mỗi người đã có nghề
nghiệp riêng, tiền bạc riêng, quyền lợi riêng, gia đình riêng thì tình nghĩa
lợt lạt dần, có khi còn thù ghét nhau nữa. Có một người kia thành thật nhìn
nhận rằng : "Người mà tôi thù ghét nhất, đó là… chị tôi !".
Đó là một thực tế, thực tế không phải chỉ đối với một vài người nào đó, mà có
lẽ đối với rất nhiều người.
Người
ta đã đưa ra nhiều lý do để giải thích cái thực tế phủ phàng đó, như tại tuổi
hai người xung khắc nhau, như tại cha mẹ cư xử không đồng đều với con cái. v.v.
Tuy nhiên, những lý do đó không đúng, có thể còn mê tín dị đoan nữa. Lý do thật
của tình trạng anh chị em ruột thịt không thương nhau lại thù ghét nhau là :
Ganh ghét và thụ động.
Thứ
nhất : ganh ghét. Hai anh em trong Thánh Kinh đã thù ghét nhau là Cain và
Abilê. Và lý do thì rõ ràng là ganh ghét : Cain đã ganh với Abilê vì cậu
em này chăm chỉ hơn mình nên làm ăn thành công hơn, hiếu thảo hơn mình nên được
lòng cha mẹ hơn, đạo đức hơn mình nên được Chúa ban ơn nhiều hơn. Tình trạng
bất hoà giữa nhiều anh chị em ruột thịt cũng cùng một lý do đó. Vì nó học giỏi
hơn, vì nó đẹp hơn, vì nó có tiền hơn, vì nó được người ta thương mến hơn…
khiến tôi bực bội khó chịu và từ đó hay kiếm chuyện gây gỗ. Ganh ghét là lý do
chính. Tuy nhiên cần phải lưu ý đến khía cạnh tâm lý này : bởi vì chúng ta
đều biết ganh ghét là một tính xấu cho nên ít ai chịu nhận mình có tính ganh
ghét cả. Trong khi phân tích tình trạng bất hoà giữa anh chị em, ai ai cũng dễ
dàng và mau mắn nhận rằng anh chị em đã ganh ghét mình, nhưng rất ít người chịu
nhận mình ganh ghét anh chị em.
Lý
do thứ hai là thụ động. Thụ động muốn nói đây không có nghĩa là mình không làm
gì cả. Thực tế người ta rất tích cực và làm rất nhiều, nào là chê bai, nào là
chửi bới, nào là nói xấu, nào là phá ngầm… Thụ động muốn nói đây là không làm
gì cả để xây đắp tình yêu thương. Nói khác đi, mình muốn hưởng mà không chịu
làm. Sống chung trong nhà, mình chỉ lo cho mình chứ không lo cho ai cả rồi khi
thấy anh chị em không giúp đỡ mình, không ủi an mình, không nâng đỡ mình thì
mình tức tối bực bội và kiếm chuyện gây gỗ. Ở đây cũng có một nhận xét này
chúng ta cần lưu ý : là người nào hay quên mình để lo lắng cho anh chị em
thì người đó rất ít thắc mắc, ít đặt vấn đề. Ngược lại kẻ nào chỉ thụ động chờ
anh chị em lo lắng phục vụ mình thì kẻ ấy lại thường khó chịu, cự nự, gây
chuyện nhiều nhất.
Trên
đây là hai lý do giải thích tình trạng anh chị em ruột thịt bất hoà với
nhau : một là tính ganh ghét, hai là tính thụ động chỉ đòi người ta lo cho
mình trong khi mình không làm gì cả để xây đắp tình yêu thương. Thấy được hai
lý do đó thì đương nhiên ta thấy được giải pháp của vấn đề. Làm thế nào để anh
chị em ruột thịt thương yêu nhau ? Thưa ai cũng phải biết nâng đỡ
nhau. Tục ngữ ta có câu "Chị ngã em nâng". Đó là những anh
chị em thương yêu nhau thật sự. Còn những anh chị em không thương yêu nhau thì
"Chị ngã, em dửng dưng đứng nhìn, hoặc tệ hơn nữa chị ngã mà em khoái
chí !
Nhưng
cụ thể, nâng đỡ như thế nào ?
-
Trước hết là nâng đỡ khi thành công. Nhưng khi thành công thì cần gì nâng
đỡ ? Ta dễ nghĩ như vậy. Nhưng thực tế lại không như vậy. Bởi vì ai trong
chúng ta cũng có sẵn tính ganh ghét mặc dù mình không muốn nhìn nhận. Sự thành
công của người khác có thể gợi lên trong ta cái tính ganh ghét nằm sẵn đó. Cho
nên khi anh chị em ta thành công mà ta biết nâng đỡ bằng cách chia vui, chúc
mừng, khích lệ thì đương nhiên là ta đã loại bỏ không cho tính ganh ghét trỗi
dậy.
- Sự
nâng đỡ càng cần thiết hơn khi anh chị em mình thất bại. Người thất bại thì dĩ
nhiên phải đau buồn. Đau buồn thì cần người an ủi, đỡ nâng. Cần mà không gặp
thì cô đơn chua xót. Nếu đã không gặp được nâng đỡ mà lại còn thấy anh chị em
vui mừng hỉ hả vì thất bại của mình thì chẳng những cô đơn chua xót mà còn thêm
đắng cay, hận thù. Có một người lâm vào tình cảnh đắng cay như thế đã
than : "Lúc này tôi hoàn toàn cô độc. Buồn một mình, khổ một mình,
khóc một mình. Tôi chỉ thấy có một vật có thiện cảm với tôi, đó là con chó của tôi.
Chỉ có thế thôi". Cái tâm trạng chán chường cay đắng vì thiếu nâng đỡ ấy
dễ đưa người ta tới chỗ sa sút tinh thần, như có người nhận xét : Ít có
người đã tự tử vì không chịu nỗi những đau đớn thân xác. Nhưng hầu hết các
người tự tử vì không chịu nỗi đau khổ trong tâm hồn. Và có những người trong
anh chị em chúng ta trong lúc buồn nản đã không tự tử phần xác, nhưng đã tự tử
phần hồn. Tự tử phần hồn là gì ? Là sa đọa, là bất cần, là nổi loạn làm
cho gia đình tan nát, làm cho tình nghĩa anh chị em ruột thịt đổ vỡ.
Một
vị thánh đã nói "Yêu thương phải bắt đầu từ những người thân rồi mới lan
xa tới những người khác". Những người thân mà chúng ta đề cập nãy giờ
chính là anh chị em ruột thịt của mình.
* 4.
"Cứ dấu này mà người ta nhận biết…"
Người
kia trồng một cây ăn trái trong rừng. Thoạt đầu cái cây này nhỏ xíu, tưởng như
mất hút trong khu rừng giữa những cây to lớn. Nhưng nó hết sức cố gắng vươn lên
nên một thời gian sau nó cũng cao và cũng lớn không thua kém gì các cây khác.
Một
hôm ông chủ của nó vào rừng thăm nó. Ông rất ngạc nhiên thấy nó cao lớn như
thế. Ông trầm trồ khen ngợi :
-
Thật không ngờ mi lớn nhanh như thế. Tuyệt vời quá !
Nhưng
cái cây khiêm tốn đáp lại :
-
Chưa tuyệt vời đâu thưa ông chủ. Tôi thấy mình còn rất nhiều khuyết điểm. Thân
tôi còn nhiều chỗ xù xì, lồi lõm…
-
Nhưng những cái đó không quan trọng. Ta chẳng quan tâm. Chỉ có điều này khiến
ta chưa vừa lòng.
-
Thưa ông chủ, tôi không hiểu. Tôi đã lớn lên, chẳng kém gì những cây thông, cây
sồi.
Ông
chủ giải thích :
-
Nhưng mi không phải là loại cây cần có lá có cành thật lớn. Mi là cây ăn trái.
Trái chính là điểm đặc biệt quý giá nơi mi. Thế mà mi chưa sinh ra dược trái
nào cả !
Người
ta sẽ nhận biết cây nào thuộc loại cây ăn trái nếu người ta thấy nó có trái.
Cũng thế, người ta sẽ nhận biết ai là môn đệ Chúa Giêsu nếu người ta thấy họ
yêu thương nhau.
Nhiều
kitô hữu cố gắng làm đủ mọi chuyện, chỉ trừ chuyện yêu thương nhau !
Nhìn
thấy Mẹ Têrêsa đang chăm sóc cho một người bị ghẻ lở đầy mình, một nhà báo
nói : "Tôi không thể làm được việc đó cho dù có trả cho tôi một triệu
đôla". Mẹ Têrêsa đáp : "Chính tôi cũng không làm nổi việc ấy với
số tiền đó. Nhưng tôi làm vì yêu Chúa" (FM)
* 5. Sức
mạnh của yêu thương
Kể
về kinh nghiệm lúc ở trại tập trung Auschwitz, Elie Wiesel nói : những
người cai tù Đức cố gắng làm cho các tù nhân quên hết bà con và bạn bè, để chỉ
nghĩ tới bản thân và chỉ lo cho nhu cầu bản thân mà thôi. Họ nói rằng đó là
cách để sống còn. Nhưng Wiesel thấy ngược lại : người nào chỉ biết sống
cho mình thì cơ may sống sót rất ít, trái lại người nào còn nghĩ tới gia đình,
bạn bè, thân thuộc, hay còn nuôi một lý tưởng thì cơ may sống sót nhiều hơn.
Chính những ý tưởng yêu thương ấy đã giúp họ sống.
Tính
vị kỷ khép cửa lòng ta lại và thu hẹp thế giới của ta, giam hãm ta. Nó dựng lên
những rào cản, thậm chí những bức tường ngăn cách ta với tha nhân. Điều giải
thoát ta khỏi sự giam hãm ấy chính là tình yêu thương thực sự và sâu đậm của ta
đối với người khác.
Tình
yêu luôn đòi hỏi chúng ta phải cho đi điều tốt nhất và tình yêu cũng mang điều
tốt nhất lại cho ta. Khi được yêu, ta có được can đảm và nghị lực phi thường.
Khi yêu cũng thế. Nhiều khi tình yêu còn làm được những điều như phép lạ.
Elizabeth Kubler Ross viết : "Tình yêu là ngọn lửa sưởi ấm cho cõi
lòng, tăng cường nghị lực cho tinh thần và cung cấp niềm đam mê cho cuộc
sống".
Nếu
không có tình yêu thì người ta sẽ ra sao ? Thưa người ta sẽ sống rất nghèo
nàn. Còn người yêu thương thì sống rất phong phú.
Mục
đích cuộc đời là gì nếu không phải là yêu ? Tự do không bị trói buộc trong
tính vị kỷ và có khả năng yêu thương tha nhân, đó chính là sống.
Một
bác sĩ đã chứng kiến nhiều người hấp hối cho biết : lúc sắp chết, người ta
không nghĩ đến mình đã đậu được những bằng cấp gì, đã chiếm được địa vị nào
trong xã hội, hay đã kiến được bao nhiêu tiền… Điều duy nhất những người ấy
nghĩ đến, đó là những người họ yêu và những người yêu họ. (FM)
* 6. Những
loại tình yêu
Ngày
nay chúng ta hiểu biết nhiều hơn thời xưa về sự phức tạp của bản tính loài
người, và về những động cơ khác nhau đàng sau những việc chúng ta làm.
Yêu
thương chẳng hạn. Thật không đơn giản, mà có tới ít ra 5 loại :
-
Thứ nhất là tình yêu vụ lợi : ta yêu thương người nào đó vì người đó có
lợi cho ta. Nhưng đây không phải là tình yêu mà là vị kỷ. Tôi yêu điều gì đó
nơi bạn chứ tôi không yêu bạn.
-
Thứ hai là tình yêu lãng mạn : chúng ta có tình cảm với người nào đó bởi
vì người ấy làm cho mình thích. Đây cũng không phải là tình yêu mà chỉ là đam
mê. Ta tưởng mình yêu người đó nhưng thực chất là ta yêu chính mình. Thông
thường tình yêu lãng mạn không bền vững. Bởi đó nhiều cặp vợ chồng bị thất bại.
-
Thứ ba là tình yêu "dân chủ", dựa trên sự bình đẳng trước pháp luật.
Ta tôn trọng người khác vì họ cũng là công dân như ta. Ta nhìn nhận những quyền
tự do của họ để họ cũng nhìn nhận những quyền tự do của ta. Sở dĩ ta làm điều
gì tốt cho họ là vì để họ cũng làm điều tốt cho ta.
-
Thứ tư là tình yêu nhân bản : đây là yêu người cách chung. Điểm yếu của
loại tình yêu này là trừu tượng chứ ít khi cụ thể : tôi yêu người, nhưng
tôi không gắn bó với người nào cả.
-
Thứ năm là tình yêu kitô, nghĩa là yêu như Đức Kitô đã yêu. Đây là tình yêu vô
vụ lợi, yêu khi chẳng có gì lợi cho mình. Tình yêu này tồn tại vững bền bất
chấp thù nghịch và bắt bớ. Tình yêu này thể hiện qua phục vụ và hy sinh. Chúng
ta chỉ có thể yêu đến mức độ thứ năm này nhờ sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
Ta
thường hiểu yêu theo nghĩa thụ động hơn là chủ động. Nói cách khác, ta mong
"được người yêu" hơn là "yêu người". Vì nghĩ thế nên ta dồn
mọi cố gắng để thành công, để giàu có, để có sức quyến rũ… Kết quả là chẳng
được tình yêu thực sự nào cả, vì người khác chỉ yêu cái thành công, cái giàu có
và cái quyến rũ của ta chứ không phải yêu ta. Trái lại nếu ta "yêu
người" thì người sẽ yêu ta vì chính con người của ta.
Có 3
tình trạng yêu thương : (1) Không yêu và không được yêu : tình trạng
này giống như hỏa ngục ngay ở đời này ; (2) Yêu mà không được yêu
lại : tình trạng này tuy đau khổ nhưng khá hơn tình trạng thứ nhất ;
(3) Yêu và được yêu : đây chính là tình trạng hạnh phúc của Chúa
Giêsu :"Như Cha Thầy đã yêu thương Thầy, Thầy cũng yêu thương các
con".
Tình
yêu là một sự chọn lựa, vì không ai ép được tình yêu. Nhưng từ chối không yêu
tức là bắt đầu chết. Điều tồi tệ nhất trong các điều tồi tệ là một cuộc sống
lạnh lẽo vô tình. (FM)
* 7. Chuyện
minh họa
Có
hai anh em nhà kia : người anh tên Stephen 12 tuổi có một chân què ;
người em tên Mark 10 tuổi cả hai chân đều mạnh khoẻ. Nhiều khi Stephen ganh tị
với em, thậm chí còn muốn em mình què còn mình thì đủ hai chân mạnh khoẻ.
Một
đêm kia Stephen nằm mơ thấy mình lạc vào một khu rừng và gặp một bà phù thuỷ.
Bà này ban cho cậu một điều ước, ước gì được nấy. Stephen chẳng chút do dự ước
ngay : "Ước gì tôi có đôi chân mạnh khoẻ". Bà phù thuỷ liền mang
Stephan từ khu rừng trở lại nhà cậu. Khi ấy Mark em cậu đang ngủ. Bà phù thuỷ
giở tấm mền của Mark ra. Stephen hỏi :
- Bà
làm gì thế ?
Phù
thuỷ đáp :
- Ta
sắp giải phẫu, lấy đôi chân của em cậu sang cho cậu và rồi lấy đôi chân của cậu
cho nó.
-
Không thể được.
- Có
sao đâu, khi tỉnh dậy em cậu sẽ chẳng biết gì hết. Nó cứ tưởng là từ trước tới
nay nó vẫn có một chiếc chân què.
Stephen
thoáng nghĩ đến tương lai. Cậu thấy mình chạy giỡn thoải mái với đôi chân lành.
Cậu rất sung sướng. Nhưng khi nhìn lại phía sau thì thấy Mark khổ sở chạy theo
với một cái chân khập khiễng thì Cậu không chịu được. Khi ấy cậu nói với bà phù
thuỷ : "Tôi không muốn có đôi chân lành lặn nữa."
Giật
mình thức dậy, Stephan nhìn xuống đôi chân của mình, rồi nhìn sang đôi chân của
em. Thấy mọi sự vẫn như cũ, cậu mỉm cười sung sướng. Từ đó trở đi, không khi
nào cậu còn ganh tị với em nữa.
Stephan
muốn sung sướng, nhưng không phải bằng cái giá là sự đau khổ của em mình. Hạnh
phúc thật chỉ được xây dựng bằng một tình yêu không vị kỷ. Yêu thương ai là dặt
người ấy lên hàng đầu. (FM)
V. Lời nguyện cho mọi
người
Chủ
tế : Anh chị em thân mến, di chúc của Chúa Giêsu gồm tóm trong một
câu : Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương
nhau ; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Với quyết
tâm sống theo điều răn mới của Chúa, chúng ta cùng tha thiết nguyện xin :
1. Hội thánh có một bí
quyết hết sức hữu hiệu để phản đối sự độc ác của con người / đó là bác ái
yêu thương / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho mọi thành phần Dân Chúa /
biết cố gắng tận dụng bí quyết này trong đời sống chứng nhân của mình.
2. Hiện nay / chiến
tranh / hận thù / khủng bố / kỳ thị chủng tộc / gây ra biết
bao tang tóc cho nhân loại / Chúng ta hiệp lời cầu xin Thánh thần Tình yêu
tác động đến lòng trí con người hôm nay / để mọi người biết yêu thương và
tôn trọng nhau hơn.
3. Lòng bác ái thì nhẫn nhục /
hiền hậu / không ghen tương / không vênh vang / không tự
đắc / Chúng ta hiệp lời cầu xin cho hết thảy mọi tín hữu / biết sống
theo lời dạy của thánh Phaolô tông đồ.
4. Lòng bác ái tha thứ
tất cả / tin tưởng tất cả / hy vọng tất cả / chịu đựng tất cả /
Chúng ta hiệp lời cầu xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta / cố gắng thực
hiện lời khuyên nhủ của vị tông đồ dân ngoại.
Chủ
tế : Lạy Chúa, thánh Phaolô đã dạy chúng con : Anh em đừng mắc nợ gì
ai, ngoài món nợ tương thân tương ái ; vì ai yêu người, thì đã chu toàn Lề
Luật. Vậy xin Chúa thương ban ơn trợ giúp để chúng con có thể sống trọn vẹn
điều răn mến Chúa yêu người. Chúng con cầu xin
VI. Trong Thánh Lễ
- Trước
kinh Lạy Cha : Chúng ta là con của cùng một Cha trên trời. Chúng ta
hãy xin Cha giúp chúng ta biết yêu thương nhau như những người anh chị em ruột
thịt.
VII. Giải tán
Anh
chị em hãy ghi nhớ lời Chúa dạy hôm nay : "Người ta cứ dấu này mà
nhận biết chúng con là môn đệ Thầy, là chúng con yêu thương nhau".
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI
Lectio Divina: Chúa Nhật V Mùa Phục Sinh (C)
Chúa Nhật, 24
Tháng 4, 2016
Điều răn
mới:
Hãy yêu
thương nhau như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta
Ga 13:31-35
1. Bài
Đọc
a) Lời
Nguyện Mở Đầu:
Lạy Chúa Giêsu,
xin hãy giúp chúng con hiểu được mầu nhiệm của Hội Thánh như một cộng đoàn
thương yêu. Khi Chúa ban cho chúng con điều răn mới về yêu thương như là
bản hiến chương của Giáo Hội, Chúa đã nói với chúng con rằng đây là điều có giá
trị cao nhất. Khi Chúa sắp sửa từ giã các môn đệ của mình, Chúa đã muốn
ban cho các ông một điều ghi nhớ về giới răn mới, quy chế mới về cộng đoàn Kitô
hữu. Chúa đã không cho họ một lời huấn dụ ngoan đạo, mà lại là một giới răn mới
về thương yêu. Trong lúc “tạm thời vắng mặt” này, chúng con được kêu gọi
nhận ra Chúa đang hiện diện trong anh chị em của chúng con. Lạy Chúa
Giêsu, trong mùa Phục Sinh này, Chúa nhắc nhở chúng con rằng thời giờ của Giáo
Hội là thời giờ của việc bác ái, thời giờ của việc gặp gỡ Chúa qua anh chị em
chúng con. Chúng con biết rằng vào giây phút cuối đời của chúng con,
chúng con sẽ phải chịu phán xét về đức yêu thương. Xin Chúa hãy giúp cho
chúng con biết gặp gỡ Chúa trong mỗi một anh chị em chúng con, trong tất cả mọi
dịp của đời sống hằng ngày.
b)
Phúc Âm:
31 Khi người ấy ra khỏi phòng tiệc, Chúa
Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người được vinh hiển, và Thiên Chúa được
vinh hiển nơi Người. 32 Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi
Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên
Chúa sẽ cho Người vinh hiển. 33 Các con yêu quý, Thầy chỉ
còn ở với các con một ít nữa thôi. Các con sẽ tìm kiếm Thầy; nhưng như Thầy đã
nói với người Do-Thái: “Nơi Tôi đi, các người không thể đến được”, bây giờ,
Thầy cũng nói với các con như vậy.
34 Thầy ban cho các con một điều răn mới:
là các con hãy yêu thương nhau; như Thầy đã yêu thương các con, thì các con
cũng hãy yêu thương nhau. 35 Căn cứ vào điều này mà mọi
người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau”.
c)
Giây phút thinh lặng cầu nguyện:
Đoạn Tin Mừng
mà chúng ta sắp sửa suy gẫm, nhắc nhớ lại lời chia tay của Chúa Giêsu với các
môn đệ của Người. Đoạn Tin Mừng như thế nên được xem như một loại bí tích
của việc gặp gỡ với Ngôi Lời Giêsu.
2. Suy
Gẫm
a) Lời
mở đầu về bài giảng của Chúa Giêsu:
Đoạn Tin Mừng
hôm nay của chúng ta là phần kết của chương 13, nơi hai chủ đề đan chéo nhau,
được đề cập đến một lần nữa và được triển khai trong chương 14: nơi chốn Chúa sắp
ra đi; và chủ đề về giới răn yêu thương. Một vài nhận xét về bối cảnh
trong đó Lời Chúa Giêsu nói về giới răn mới xảy ra có thể hữu ích cho phần suy
gẫm tốt đẹp về nội dung của chúng.
Đầu tiên, câu
31 viết rằng: “khi người ấy ra khỏi phòng tiệc”, người nào đã đi khỏi? Để
có thể hiểu điều này, chúng ta cần phải tìm đến câu 30 nơi chúng ta sẽ biết rằng
“Sau khi ăn miếng bánh, Giuđa liền ra đi. Lúc đó trời đã tối.” Vì
thế, người đi ra khỏi phòng tiệc là Giuđa. Kế đến, câu “lúc ấy trời đã tối”
cho chúng ta biết chi tiết buổi chia tay xảy ra vào ban tối. Theo Phúc Âm
Gioan đoạn 13:31-35, lời nói của Chúa Giêsu được dẫn trước bởi việc người này
biến mình vào trong bóng đêm. Điều này mang ý nghĩa tượng trưng gì?
Trong Tin Mừng của Gioan, ban đêm tượng trưng cho tột đỉnh của sự thân mật (ví
dụ như đêm tân hôn), nhưng cũng tượng trưng cho sự đau khổ tột cùng.
Trong những ý nghĩa khác của đêm tối còn tượng trưng cho giờ khắc nguy hiểm nhất;
đó là lúc mà kẻ thù đan dệt các kế hoạch báo thù chúng ta, nó mang ý nghĩa thời
khắc của tuyệt vọng, hoang mang, tinh thần và trí tuệ bị rối loạn. Bóng tối
của ban đêm giống như một con đường không có lối thoát.
Trong Tin Mừng
của Gioan chương 6, khi cơn bão ban đêm xảy ra, bóng tối của đêm đen diễn tả nỗi
tuyệt vọng và sự cô đơn khi họ phải chống trả với sức mạnh tối tăm đang khuấy động
mặt biển. Một lần nữa, mốc thời gian “trong khi trời vẫn còn tối” trong
Tin Mừng Gioan câu 20:1 chỉ về bóng tối vì sự vắng mặt của Chúa Giêsu. Thật
vậy, trong Phúc Âm của thánh Gioan, ánh sáng của Chúa Kitô không thể tìm thấy
được trong mộ, đó là lý do tại sao bóng tối đã bao trùm (Ga 20:1).
Vì thế, “bài giảng
từ biệt” đã được đặt để một cách chính xác vào khoảng thời gian này. Dường
như bối cảnh của bài giảng này là sự chia cách, chết chóc hoặc sự ra đi của
Chúa Giêsu và điều này tạo ra một cảm giác trống vắng hoặc cô đơn đau khổ.
Trong Giáo Hội hôm nay và đối với nhân loại ngày nay, điều này có nghĩa là khi
chúng ta xa lìa Chúa Giêsu trong cuộc sống của chúng ta thì khi ấy chúng ta chỉ
còn biết khổ đau và thống khổ.
Khi viết về những
lời của Chúa Giêsu trong đoạn 3:31-34, liên quan đến sự ra đi và cái chết không
thể tránh được của Chúa Giêsu, thánh Gioan nhớ lại chính cuộc sống của mình với
Chúa Giêsu trong quá khứ, đan dệt với những kỷ niệm đã giúp ông nhận thức được
sự phong phú mầu nhiệm của Thầy mình. Những kỷ niệm của quá khứ như thế
là một phần của hành trình đức tin riêng của riêng mỗi chúng ta.
Đặc tính của
“bài giảng từ biệt” mà bất cứ điều gì đã được truyền đạt cho các môn đệ, nhất
là tại thời điểm bi thảm và trang nghiêm của cái chết trở thành một di sản
không thể sang nhượng, một giao ước cần được giữ gìn một cách trung tín.
“Bài giảng từ biệt” của Chúa Giêsu cũng đã tổng hợp tất cả những gì Chúa đã giảng
dạy và thực hành để tạo sự chú tâm của các môn đệ hầu có thể đi theo phương hướng
mà Người đã vạch ra cho họ.
b) Phần
đào sâu:
Khi chúng ta đọc
đoạn Tin Mừng của Chúa Nhật mùa Phục Sinh tuần này, trước hết, chúng ta hãy chú
tâm vào chữ đầu tiên được Chúa Giêsu dùng trong bài giảng từ biệt của Người:
“Bây giờ”. “Bây giờ Con Người được vinh hiển”. “Bây giờ” là lúc
nào? Đó là lúc mà cây thập giá xảy ra cùng lúc với sự vinh hiển của Người.
Phần cuối cùng này của sách Tin Mừng Gioan là một biểu lộ hay điều mặc khải.
Vì thế, thập giá của Chúa Giêsu chính là lúc “bây giờ” của việc hiện ra hoặc biểu
hiện của chân lý tuyệt vời nhất. Trong sự vinh hiển này, không có một thắc
mắc nào mang bất kỳ ý nghĩa gì liên quan đến “danh dự” hay “vui mừng chiến thắng”,
v.v.
Trái với Giuđa
là người đi vào trong đêm tối, Chúa Giêsu chuẩn bị cho sự vinh hiển của Người:
“Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: “Bây giờ Con Người
được vinh hiển, và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được
vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính
mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người” (Các câu 31-32). Sự phản bội của
Giuđa mang đến sự chín chắn trong Chúa Giêsu xác tín rằng cái chết của Người là
“sự vinh hiển”. Giờ tử nạn trên thập giá được định sẵn trong kế hoạch của
Thiên Chúa; đó là “giờ” khi sự vinh hiển của Chúa Cha sẽ tỏa sáng khắp thế gian
thông qua sự vinh hiển của “Con Người”. Chúa Giêsu, Đấng đã hiến cả mạng
sống mình cho Đức Chúa Cha vào “giờ” của thập giá, Thiên Chúa đã được vinh hiển
bởi việc mặc khải bản tính Thiên Chúa của Người và đón mời nhân loại cùng hiệp
thông với Người.
Sự vinh hiển của
Chúa Giêsu (Con Thiên Chúa) bao gồm “tình yêu vô bờ” của Người dành cho tất cả
mọi người trên thế gian, thậm chí Chúa đã sẵn sàng chịu chết cho những kẻ phản
bội Người. Tình yêu của Con Thiên Chúa bao la đến nỗi Người đã đánh đổi mạng
sống của mình cho cả những trường hợp bi thảm và hủy duyệt đã là gánh nặng cho
đời sống và lịch sử loài người. Sự phản bội của Giuđa là một thí dụ điển
hình, không nhất thiết đó là hành động của một cá nhân, nhưng là hành động của
một nhân loại tội lỗi, bất trung với ý muốn của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, sự
phản bội của Giuđa vẫn là một sự kiện đầy bí ẩn. Một chuyên gia về Kinh
Thánh viết: Trong việc phản bội lại Chúa Giêsu, “đó là sự mặc khải để quy
lỗi; ngay cả đó có thể là một hành động phục vụ cho sự mặc khải” (trích Simoens,
Thánh Kinh theo Gioan, 561). Trong một cách nào đó, sự phản bội
của Giuđa cho chúng ta một cơ hội hiểu biết về Chúa Giêsu hơn; sự phản bội của
Giuđa đã cho phép chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu yêu môn đệ của mình dường
bao. Don Primo Massolari đã viết: “Các tông đồ đã trở thành những
người bạn của Chúa Giêsu, cho dù là bạn tốt hay không, hào phóng hay không,
trung thành hay không, họ vẫn là những bằng hữu của Người. Chúng ta không
thể phản bội lại tình bạn của Chúa Giêsu: Đức Kitô không bao giờ phản bội chúng
ta, các bằng hữu của Người, ngay cả khi chúng ta không xứng đáng với tình bạn ấy,
ngay cả khi chúng ta chống lại Người, ngay cả khi chúng ta chối bỏ Người.
Trong mắt của Người và trong tim của Người, chúng ta mãi mãi là “các bằng hữu”
của Người. Giuđa là một người bạn của Chúa ngay cả tại thời điểm hắn ta
thực hiện việc phản bội Thầy mình với một nụ hôn” (Trích trong: Thuyết
Giảng 147).
c) Điều
răn mới:
Chúng ta hãy tập
trung sự chú ý vào điều răn mới.
Trong câu 33,
chúng ta lưu ý có một thay đổi trong bài giảng từ biệt của Chúa Giêsu.
Chúa không còn dùng đại danh từ ngôi thứ ba nữa. Bây giờ Chúa gọi môn đệ
là “các con”. Chữ “các con” là số nhiều và theo nghĩa chữ Hy-Lạp mang ý
nghĩa của tất cả sự trìu mến “các con” (teknía). Trong cách xử dụng
chữ này, qua giọng nói và sự tha thiết của Người, Chúa Giêsu đã truyền tải đến
các môn đệ một cách cụ thể lòng trìu mến bao la của Người dành cho các ông.
Chúng ta cũng
thấy có một điểm lý thú khác được tìm thấy trong câu 34: “các con hãy yêu
thương nhau như Thầy đã yêu thương các con”. Trong tiếng Hy-Lạp, chữ
Kathòs “như” không được dùng để so sánh: yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương các con. Ý nghĩa của nó có thể là quan hệ nhân quả liên đới:
“Bởi vì Thầy đã yêu thương các con, vì vậy các con cũng phải yêu thương nhau”.
Có những người
giống như cha Lagrange đã nhìn thấy trong điều răn này mang một ý nghĩa cánh
chung: trong thời gian vắng mặt tạm thời của Chúa và trong khi chờ đợi sự
xuất hiện lần thứ hai của Người, Chúa Giêsu muốn chúng ta yêu thương và phục vụ
Người qua anh chị em của Chúa. Điều răn mới là điều răn duy nhất. Nếu
không có lòng yêu thương, thì không có gì cả. Tác giả Magrassi đã viết:
“Khi lột bỏ đi những tước hiệu và đẳng cấp, mỗi một người anh em đều là nhiệm
thể của Chúa Kitô. Chúng ta hãy nhìn lại trong cuộc sống hằng ngày của
chúng ta: có khi nào chúng ta chung sống với anh em chúng ta từ sáng đến
tối mà không thể chấp nhận và yêu thương người anh em đó? Điều tuyệt vời
trong trường hợp này là trạng thái xuất thần hiểu theo nghĩa nguyên gốc của nó,
đó là hãy ra khỏi cái tôi của mình để làm người lân cận cho những người cần đến
tôi, bắt đầu với những người gần tôi nhất và với những cung cách khiêm tốn nhất
trong đời sống hằng ngày” (Trích trong: Cuộc Sống Giáo Hội, 113).
d) Dành cho
phần suy gẫm của chúng ta:
- Lòng
yêu thương mà chúng ta dành cho anh chị em chúng ta có đồng thuận tương xứng với
tình yêu của chúng ta dành cho Chúa Kitô hay không?
- Tôi có
thấy Chúa hiện diện ở trong con người của anh chị em tôi không?
- Tôi có
dùng tất cả các cơ hội trong đời sống hằng ngày để làm những việc thiện cho người
khác không?
- Chúng
ta hãy kiểm điểm lại cuộc sống hằng ngày của chúng ta: tôi có thể nào sống
với anh chị em tôi từ sáng đến tối mà không chấp nhận và thương yêu họ không?
- Tình
yêu có đem lại cho tôi ý nghĩa đầy đủ trọn vẹn cho cuộc đời tôi không?
- Tôi có
thể làm được điều gì để thể hiện lòng biết ơn của tôi đối với Chúa, Đấng đã trở
thành kẻ tôi tớ vì tôi và dâng hiến cả cuộc đời của Người cho sự phúc lợi của
tôi? Chúa Giêsu đã trả lời: Hãy phục vụ Thầy trong anh chị em con:
đây là cách bày tỏ tình yêu của con dành cho Thầy một cách thực tế và trung thực
nhất.
3. Cầu
Nguyện
a)
Thánh Vịnh 23:1-6
Bài Thánh Vịnh
này trình bày một hình ảnh cuộc hành trình của Giáo Hội được đồng hành bởi sự tốt
lành và trung tín của Thiên Chúa, cho đến lúc cuối cùng khi đã đến nhà của Chúa
Cha. Trong cuộc hành trình này, Giáo Hội được hướng dẫn bởi sự yêu thương làm kim
chỉ nam: sự tốt lành và lòng trung tín của Chúa đeo đuổi tôi.
Chúa là mục tử
chăn dắt tôi,
Tôi chẳng thiếu
thốn gì.
Trong đồng cỏ
xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới
dòng nước trong lành,
Và bổ sức cho
tôi.
Người dẫn tôi
trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dẫu
qua thung lũng âm u,
Con sợ gì nguy
khốn,
Vì có Chúa ở
cùng.
Côn trượng Ngài
bảo vệ, con vững dạ an tâm.
Chúa dọn sẵn
cho con bữa tiệc ngay trước mắt quân thù;
Đầu con, Chúa xức
đượm dầu thơm;
Ly rượu con đầy
tràn chan chứa.
Lòng nhân hậu
và tình thương của Chúa ấp ủ con suốt cả cuộc đời.
Và con được ở
trong nhà Người
Những ngày
thánh, những năm dài triền miên.
b) Cầu
nguyện với các Giáo Phụ của Giáo Hội:
Lạy Chúa, con
yêu Chúa vì chính Chúa, con yêu Chúa vì các ơn thánh của Chúa,
Con yêu Chúa vì
tình yêu của Chúa
Và con yêu Chúa
theo một cách,
Rằng giả sử nếu
có ngày Augustinô là Thiên Chúa
Và Thiên Chúa
là Augustinô,
Con muốn trở về
và muốn được là chính mình, Augustinô,
Để con có thể
biết được về Chúa hơn,
Bởi vì chỉ có
Chúa mới xứng đáng là Thiên Chúa.
Ôi lạy Chúa,
Người thấy đó,
Miệng lưỡi con
nói như điên dại,
Con không thể
nào diễn tả hết được những ý nghĩ của mình,
Nhưng trái tim
con không hề điên dại.
Chúa biết con đã
trải qua những điều gì
Và những gì con
không thể kể xiết.
Con yêu mến
Chúa, lạy Thiên Chúa của con
Trái tim con
thì quá giới hạn cho một tình yêu bao la như vậy,
Hơi sức con phải
chịu thua trước một tình yêu mãnh liệt như thế,
Và con thì quá
nhỏ bé trước một tình yêu mênh mông ngần ấy.
Con bước ra khỏi
sự bé nhỏ của con
Và con nhận
chìm cả bản thể con ở trong Chúa.
Con biến đổi và
từ bỏ bản thân mình.
Chúa là nguồn sống
của con,
Chúa là căn
nguyên mọi điều tốt lành nơi con:
Chúa là tình
yêu của con, và là Thiên Chúa của con.
(Trích từ:
Lời Tự Thuật của thánh Augustinô)
c) Lời
Nguyện Kết:
Chân phước
Têrêsa Scrilli, có một ao ước nồng nhiệt muốn đáp trả lại tình yêu của Chúa
Giêsu, đã thốt lên như sau:
Con yêu Chúa,
Ôi, lạy Thiên
Chúa của con,
Trong các ân sủng
Chúa ban;
Con yêu Chúa
trong sự đơn sơ của con,
Và ngay cả
trong điều này, con hiểu,
Sự khôn ngoan
vô hạn của Chúa;
Con yêu Chúa
trong nhiều sự kiện khác nhau hoặc các sự kiện đặc biệt,
Bởi vì Chúa
cùng đồng hành trong đời sống của con …
Con yêu Chúa
trong tất cả mọi việc,
Cho dù trong
đau đớn hay lúc bình an;
Bởi vì con
không tìm,
Cũng chẳng bao
giờ kiếm,
Những an ủi của
Chúa;
Chỉ có Chúa,
Thiên Chúa của an ủi.
Đó là lý do tại
sao con không bao giờ ca ngợi
Cũng không vui
mừng.
Đó là vì Chúa
đã ban cho con được sống trong tình yêu chí thánh của Chúa một cách hoàn toàn
nhưng không.
Con cũng không
cảm thấy đau khổ hay bối rối,
Khi cảm thấy vô
vị và nhỏ bé.
(Trích trong Tự
Truyện, đoạn 62)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét