Trang

Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Jean Vanier, người sáng lập các cộng đoàn “Con Tàu” và các nhóm “Đức tin và Ánh Sáng”

Jean Vanier, người sáng lập các cộng đoàn “Con Tàu” và các nhóm “Đức tin và Ánh Sáng”

Jean Vanier sinh năm 1928 tại Geneve, trong một gia đình Công giáo Canada gốc Pháp. Thời niên thiếu Jean được hưởng nền giáo dục Anh Pháp ở Canada, và sau đó ở ngay tại Anh và Pháp. Năm 1945, khi cha của Jean trở thành đại sứ Canada tại Pháp, Jean đã có dịp đến Paris. Tại đây, Jean và mẹ của mình đã giúp đỡ những người sống sót trong các trại tập trung của Đức quốc xã. Nhìn thấy các nạn nhân gầy gò, khuôn mặt co quắp vì sợ hãi và đau khổ, là một cuộc gặp gỡ gây ấn tượng sâu sắc mà Jean không bao giờ quên. Sau đó anh tham gia vào Hải quân Hoàng gia Anh và hải quân Hoàng gia Canada. Nhưng anh cảm thấy có một tiếng gọi nội tâm thúc giục anh làm một việc khác, anh từ giã hải quân, trở lại Paris để học đại học và sau đó bảo vệ luận án tiến sĩ triết tại học viện Công giáo Paris và trở thành giáo sư dạy triết tại Toronto.
Cuối năm 1963, khi ấy còn là một giáo sư trẻ, Jean đã đến thăm một cơ sở nuôi 80 người bệnh tâm thần. Ông chứng kiến những con người này bị đối xử tàn tệ không ra con người. Ông hiểu đây chính là những người dễ bị thương tổn nhất và muốn thay đổi tình trạng tồi tệ này nhưng không biết làm sao. Ông cảm thấy Chúa muốn ông làm gì đó nhưng không biết bắt đầu thế nào và ở đâu. Và rồi Chúa đã chỉ cho ông con đường, ơn gọi của ông. Ông đã gặp 2 người bị thiểu năng trí tuệ là Raphael và Philip và ông đã mời họ bỏ viện tâm thần nơi họ đang sống để đến sống với ông tại Trosly-Breuil, một làng nhỏ ở miền Bắc nước Pháp, nơi ông vẫn sống cho đến bây giờ.Việc làm của ông là một cuộc cách mạng xuất phát từ đức tin ôm trọn cả nhân loại, vì vào thời gian đó, những người bệnh tâm thần bị hắt hủi bỏ rơi, vì bị coi như sự nhục nhã của gia đình và ngăn trở cho xã hội, bởi vì tật nguyền của họ bị xem như là sự trừng phạt của Thiên Chúa.
Cộng đoàn “Arche” – Con Tàu – đầu tiên đã ra đời như thế. Hiện nay phong trào này đã có 140 cộng đoàn rải rác khăp 5 châu, là những nơi mà những người bị xã hội bỏ rơi sống chung với những người tiếp nhận họ. Đầu tiên đây là cộng đoàn Công giáo nhưng dần dần cộng đoàn đón tiếp các bệnh nhận thuộc mọi tôn giáo và chủng tộc. Nghi thức rửa chân được xem như biểu tượng của lãnh đạo phục vụ, hiệp thông và hiệp nhất của những điều khác nhau. Công giáo là phổ quát và Chúa Giê-su đã dạy một tình yêu phổ quát. Mọi người dù thuộc tôn giáo hay sắc tộc nào cũng điều quý giá đối với Thiên Chúa. Jean cũng đã thành lập phong trào “Đức tin và Ánh sáng” với cùng ý tưởng như “Con Tàu”, nơi các người bệnh cùng sống trong các buổi gặp gỡ, tĩnh tâm, nghỉ hè với nhau. Ngày nay đã có 1500 nhóm của phong trào trên khắp thế giới. Ông đã đi khắp thế giới, gặp gỡ các Đức giáo hoàng, các lãnh đạo quốc gia, nhận nhiều giải thưởng, vv.
Con đường ngoại thường và hạnh phúc của Jean là con đường khiêm nhường, chia sẻ những cử chỉ nhỏ nhặt hàng ngày như đi chợ, dọn nhà cửa gọn gàng, nấu nướng, giữ mối liên hệ  tốt với những người xung quanh, và tất nhiên chữa bệnh. Ông đã tìm ra chân lý trong lời của Chúa Giê-su: khi các con đãi tiệc, đừng mời gia đình, hàng xóm giàu có nhưng mời những người nghèo, người què, đui mù và các con sẽ vui mừng. Niềm vui là dấu hiệu đầu tiên, tài liệu đầu tiên của Lòng Thương xót. Những người có hoàn cảnh khó khăn, bao lực cũng đến với cộng đoàn “Con tàu”. Lịch sử của “Con tàu” không phải là dễ dàng, nhưng Lòng Thương Xót đã đồng hành với ông trong cuộc sống, giúp cho công việc phát triển tốt đẹp.
Ông Jean nghĩ đến Đức Giáo hoàng Phanxicô, người đã bao lần mời gọi đi đến các biên cương của sự hiện hữu, mời gọi đến với những người nghèo để gặp gỡ họ và học từ họ. Theo ông, những người nghèo, khiêm nhường, bên lề xã hội, hay lạc đường, họ có  trái tim thánh thiện và rộng mở. Điều họ cần và khao khát là biết có người yêu thương họ. Chỉ có điều này đủ sức đổi ngược sự nhát sợ, ý nghĩ mình không có giá trị, sự chán ghét chống lại Thiên Chúa và chống lại chính mình. Điều tuyệt vời là không chỉ chúng ta thay đổi những người bệnh nhưng chính họ cũng giúp chúng ta thay đổi. Chúng ta thay đổi người khác là giúp họ trở nên giống người và giống Chúa Giê-su hơn. Ông hy vọng người ta khám phá ra là những người khuyết tật là những người đáng yêu và không phải chỉ là làm những gì cho họ nhưng còn trở thành bạn thật sự của họ.
Ngày 15 tháng 3 vừa qua Jean Vanier đã được công bố là người đạt giải thưởng Templeton năm 2015. Đây là giải thưởng được thành lập năm 1972 nhằm vinh danh những người đã có những đóng góp đặc biệt để khẳng định chiều kích thiêng liêng, qua những ý tưởng, những khám phá, hoặc các hoạt động thực tế. Số tiền 1,7 triệu Mỹ kim được ông dành tặng cho mạng lưới cộng đoàn “Con Tàu”, vì theo ông, nhờ các cộng đoàn này ông mới được vinh danh ở giải thưởng này, và để các cộng đoàn có thể tiếp tục công việc thay đổi trái tim con người và đưa nhiều người đến với Chúa Giê-su. (Tracce 03/2016)
Hồng Thủy OP



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét