Trang

Thứ Tư, 20 tháng 9, 2017

21-09-2017 : THỨ NĂM - TUẦN XXIV THƯỜNG NIÊN - THÁNH MÁT-THÊU, TÔNG ĐỒ - LỄ KÍNH

THỨ NĂM  21/09/2013
Lễ Thánh Matthêu, Tông Ðồ
Lễ Kính


* Thánh nhân là một nhân vật quen thuộc trong số các Tông Đồ. Câu chuyện người thu thuế ở Ca-phác-na-um là một trong những đoạn văn quen thuộc nhất trong phần nói về sứ vụ của Đức Giêsu ở Galilê. Người đã biên soạn sách Tin Mừng bằng tiếng Híp-ri.
Sách Tin Mừng hiện nay mang tên thánh nhân cho thấy sự liên tục giữa Cựu và Tân Ước. Tương truyền người đã đi giảng ở Đông Phương.

Bài Ðọc I: Ep 4, 1-7. 11-13
"Chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Chúa Kitô".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh em thân mến, tôi là tù nhân trong Chúa, tôi khuyên anh em hãy ăn ở xứng đáng với ơn kêu gọi anh em đã lãnh nhận. Anh em hãy hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái; hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần, lấy bình an hoà thuận làm dây ràng buộc: Chỉ có một thân thể và một tinh thần, cũng như anh em đã được kêu gọi đến cùng một niềm hy vọng. Chỉ có một Chúa, một đức tin, một phép rửa. Chỉ có một Thiên Chúa là Cha hết mọi người, Ðấng vượt trên hết mọi người, hoạt động nơi mọi người, và ở trong mọi người.
Nhưng mỗi người trong chúng ta đã được ban ơn tuỳ theo lượng Ðức Kitô ban cho. Và chính Người đã ban cho kẻ làm Tông đồ, người làm Tiên tri, còn kẻ khác thì rao giảng Tin Mừng, kẻ khác nữa làm chủ chăn và thầy dạy, để tổ chức các thánh nhân nên hoàn bị hầu chu toàn chức vụ, xây dựng thân thể Ðức Kitô, cho đến khi mọi người chúng ta hợp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, trở nên người trưởng thành, đạt đến tầm vóc của Ðức Kitô viên mãn.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 18, 2-3. 4-5
Ðáp: Tiếng chúng đã vang cùng trái đất (c. 5a).
Xướng: 1) Trời xanh tường thuật vinh quang Thiên Chúa, thanh không kể ra sự nghiệp của Người. Ngày này nhắc nhủ cho ngày khác, đêm này truyền tụng cho đêm kia. - Ðáp.
2) Ðây không phải lời cũng không phải tiếng, mà âm thanh chúng không thể lọt tai. Nhưng tiếng chúng đã vang cùng trái đất, và lời chúng truyền ra khắp cõi địa cầu. - Ðáp.

Alleluia:
Alleluia, alleluia! - Chúng con ca ngợi Chúa là Thiên Chúa; chúng con tuyên xưng Chúa là chúa tể. Lạy Chúa, ca đoàn vinh quang các Tông đồ ca ngợi Chúa. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 9, 9-13
"Hãy theo Ta". - Và ông ấy đứng dậy đi theo Người.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu đi ngang qua, thấy một người ngồi ở bàn thu thuế, tên là Matthêu. Người phán bảo ông: "Hãy theo Ta". Ông ấy đứng dậy đi theo Người. Và xảy ra khi Người ngồi dùng bữa trong nhà, thì có nhiều người thu thuế và tội lỗi đến ngồi đồng bàn cùng Chúa Giêsu và các môn đệ của Người. Những người biệt phái thấy vậy, liền nói với các môn đệ Người rằng: "Tại sao Thầy các ông lại ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi như vậy?" Nghe vậy, Chúa Giêsu bảo rằng: "Người lành mạnh không cần đến thầy thuốc, nhưng là người đau yếu! Các ông hãy đi học xem lời này có ý nghĩa gì: Ta muốn lòng nhân từ, chớ không phải hy lễ. Vì Ta không đến để kêu gọi người công chính, nhưng kêu gọi người tội lỗi".
Ðó là lời Chúa.


Suy niệm : Kêu Gọi Người Tội Lỗi

Người làm công lau kiếng mà chỉ nhận lau những tấm kiếng sạch thì quả là một người đãng trí, một cơ quan từ thiện bác ái mà chỉ đi giúp cho những người giàu có thì quả là một trò hề đáng trách; một nhà thương mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương không thể nào chấp nhận được. Bài Phúc Âm hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu kêu gọi người thu thuế tội lỗi tên là Lêvi (sau này là tông đồ Mátthêu) theo Chúa nhắc chúng ta nhớ lại sự thật: Chúa Giêsu không còn là Chúa, là Ðấng cứu thế nữa, nếu Ngài chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.
Lời xác nhận của Chúa Giêsu không ngừng vang dội và mang lại hy vọng cho con người. Ai là kẻ công chính hoàn toàn vô tội trước nhan Thiên Chúa đến độ không cần tới ân sủng của Thiên Chúa, không cần đến Thiên Chúa. Thiên Chúa là Ðấng nhân từ hay thương xót, giàu lòng từ ái, chậm bất bình và hết sức khoan dung nhưng chúng ta đừng vì đó mà lạm dụng và ngồi lì trong tật xấu, trong những tội lỗi của mình.
Chúa Giêsu kêu gọi người tội lỗi để chữa lành, để đưa họ ra khỏi cảnh nô lệ tội lỗi, được sống trong tự do thật của những con cái Thiên Chúa. Chỉ mình Chúa là Ðấng yêu thương vô cùng và quyền năng vô biên mới có thể đối xử đại lượng được như vậy với những tật xấu, những tội lỗi của con người.
Lạy Chúa,
Con cảm tạ Chúa vì đã thương con, đã cho con nhiều dịp canh tân đời sống. Xin cho con khiêm tốn mở rộng tâm hồn đón nhận sự tha thứ của Chúa và cũng đừng có thái độ giả hình hẹp hòi muốn Chúa trừng phạt thẳng tay những tội lỗi của anh chị em chung quanh, không phải vì con sốt sắng muốn bảo vệ Chúa nhưng có thể là vì con ganh tị muốn trả thù anh chị em, không muốn anh chị em được ơn ăn năn trở lại và nhận sự tha thứ của Chúa. Xin cho con có tâm hồn quảng đại như Chúa, biết vui mừng với Chúa vì người anh chị em đã xa lìa Chúa nay ăn năn trở về.
Lạy Chúa,
Xin tình thương đầy sức mạnh tha thứ của Chúa tác động nơi con và nơi mọi anh chị em.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Lễ Kính Thánh Matthew Tông Đồ và Thánh Sử.
Bài đọc: Eph 4:1-7, 11-13; Mt 9:9-13.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hãy sống và làm cho mọi người trở thành con Thiên Chúa.

Nhiều người, tuy chẳng tốt lành gì, nhưng hay tìm cơ hội để phê bình và luận tội tha nhân. Họ muốn giam hãm tha nhân trong quá khứ tội lỗi, và không cho tha nhân một cơ hội để làm lại cuộc đời. Án tử hình là một ví dụ. Ngược lại, Thiên Chúa luôn tìm cách tha thứ, và cho con người nhiều cơ hội để làm lại cuộc đời như trường hợp của: Phaolô, Phêrô, Matthew, Mary Magdalene, Augustin, và hầu như tất cả mọi người. Lý do đơn giản, vì tất cả mọi người đều là con của Ngài.
Các Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta niềm hy vọng làm lại cuộc đời. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephesô hãy biết sống cho đúng với ơn gọi mà họ đã được kêu mời và trang bị. Họ cần biết bảo vệ sự hiệp nhất và xây dựng Nhiệm Thể của Đức Kitô, theo như quà tặng đã được Thánh Thần ban cho họ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu chẳng những không kết tội và giam hãm Matthew trong ngục tù tội lỗi; Ngài còn cho ông cơ hội để làm lại cuộc đời và để trở thành môn đệ của Ngài. Khi bị chất vấn bởi các biệt-phái tại sao ngồi ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi, Chúa thẳng thắn tuyên bố mục đích khi xuống trần gian của Ngài: ''Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Hãy sống cho xứng đáng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em.

1.1/ Ơn gọi là Kitô hữu: Thánh Phaolô viết cho các tín hữu Ephesô từ nơi lao tù: "Hãy sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh em. Anh em hãy ăn ở thật khiêm nhường, hiền từ và nhẫn nại; hãy lấy tình bác ái mà chịu đựng lẫn nhau."

(1) Bốn đức tính cần thiết để sống ơn gọi Kitô hữu: Để có thể sống chung với nhau, một người cần tập luyện để có những đức tính như sau:

+ Khiêm nhường (tapeinofrosu,nh): để biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa và với tha nhân. Người không có đức tính này sẽ dễ dàng kiêu ngạo, khinh thường, và dễ dàng kết án anh chị em của mình.

+ Hiền từ (prau

+ Kiên nhẫn (makroqumi,a): để chịu đựng những điều xảy ra trái với ý định của mình. Người kiên nhẫn không dễ nản chí khi gặp thử thách hay đòi phải nhìn thấy kết quả ngay; nhưng kiên trì chịu đựng trong gian khổ và cầu nguyện cho đến khi nhìn thấy kết quả.

+ Bác ái (avga,ph): Đây là nhân đức đặc biệt chỉ có trong đời sống Kitô hữu. Với nhân đức này, người tín hữu có thể làm được những điều mà người ngoài Kitô Giáo không làm được, như: yêu thương và làm ơn cho kẻ thù, cầu nguyện cho những người bách hại mình, tha thứ không có giới hạn là bao nhiêu lần.

(2) Bảo vệ sự hiệp nhất: Anh em hãy thiết tha duy trì sự hiệp nhất mà Thần Khí đem lại, bằng cách ăn ở thuận hoà gắn bó với nhau." Người Kitô hữu có rất nhiều lý do để bảo vệ sự hiệp nhất trong Giáo Hội: Họ chỉ có một thân thể là Giáo Hội, Nhiệm Thể của Đức Kitô, một Chúa Thánh Thần, một niềm hy vọng là được sống đời đời. Họ chỉ có một Chúa và một niềm tin vào Đức Kitô, một phép rửa. Họ chỉ có một Thiên Chúa, Cha của mọi người, Đấng ngự trên mọi người, qua mọi người và trong mọi người.

1.2/ Mỗi người được Thánh Thần ban cho quà tặng khác nhau để xây dựng Nhiệm Thể:

Mỗi người tín hữu là chi thể của một thân thể là Đức Kitô, và lãnh nhận ân sủng khác nhau từ cùng một Thánh Thần, để cùng nhau xây dựng thân thể của Đức Kitô. Ơn gọi làm Kitô hữu là ơn gọi chung của tất cả các tín hữu; tuy nhiên, mỗi tín hữu còn có những ơn gọi riêng khác nhau như: kẻ này làm Tông Đồ, người nọ làm ngôn sứ, kẻ khác làm người loan báo Tin Mừng, kẻ khác nữa làm người coi sóc và dạy dỗ.

Nhờ những ơn gọi khác nhau này, dân thánh được chuẩn bị để làm công việc phục vụ, là xây dựng thân thể Đức Kitô, cho đến khi tất cả chúng ta đạt tới sự hiệp nhất trong đức tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa, tới tình trạng con người trưởng thành, tới tầm vóc viên mãn của Đức Kitô.

2/ Phúc Âm: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần.''

2.1/ Chúa Giêsu gọi Matthew: Bỏ nơi ấy, Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Matthew đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: "Anh hãy theo tôi!" Ông đứng dậy đi theo Người.

(1) Lý do Chúa Giêsu gọi Matthew: Trước khi gọi, Chúa biết Matthew đang hành nghề thu thuế, một nghề mà người Do-thái xếp loại tội nhân công khai; vì làm tay sai cho ngoại bang để bóc lột dân chúng của mình bằng việc thu thuế. Chúa biết nguy hiểm của dư luận khi thu nhận ông vào hàng ngũ tông-đồ. Tuy nhiên, Chúa không giam ông trong ngục tù tội lỗi; nhưng muốn cho ông một cơ hội để mời gọi ông hướng tới tương lai. Hơn nữa, Chúa còn biết sẽ dùng ông vào việc gì trong việc rao giảng Tin Mừng: ghi nhận các sự kiện và viết Tin Mừng truyền lại cho mọi người.

(2) Phản ứng của Matthew: Lập tức, ông đứng dậy đi theo Ngài. Ông có lẽ rất ngạc nhiên vì không ngờ Chúa Giêsu không khinh thường ông như những người Do-thái khác, lại còn can đảm kêu gọi ông làm môn đệ. Phản ứng của Matthew cũng không kém can đảm: ông quyết định bỏ một nghề hái ra tiền để đi theo một người không có gì bảo đảm vật chất cho đời mình.

2.2/ Tranh luận giữa Chúa Giêsu với các người Pharisees: Đức Giêsu không chỉ gọi Matthew, Ngài còn chấp nhận dùng bữa công khai tại nhà ông ấy, cùng với nhiều người thu thuế và tội lỗi kéo đến, cùng ăn với Người và các môn đệ.

(1) Phản ứng của những người Pharisees: Thấy vậy, những người Pharisees nói với các môn đệ Người rằng: "Sao Thầy các anh lại ăn uống với bọn thu thuế, và quân tội lỗi như vậy?"

Họ có lý do để chất vấn, như cha mẹ Việt-nam vẫn đề phòng con cái: "gần mực thì đen, gần đèn thì sáng." Làm bạn với phường tội lỗi không sớm thì muộn cũng lây những tội lỗi của họ.

(2) Câu trả lời của Chúa Giêsu: Ngài nói với họ: "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Hãy về học cho biết ý nghĩa của câu này: "Ta muốn lòng nhân chứ đâu cần lễ tế. Vì tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi."'' Hai điều chính Chúa muốn nhấn mạnh:

+ Sứ vụ của Ngài là đến chữa lành những tội nhân: Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi. Chúa có đủ bản lãnh để hoán cải những tâm hồn chai đá.

+ Tất cả mọi người đều có tội và đều cần đến Chúa, chứ không phải chỉ có Matthew và bạn bè của ông. Các biệt-phái không chịu cẩn thận xét mình, nên họ nghĩ họ không cần Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải cố gắng sống đúng với ơn gọi là Kitô hữu và ơn gọi riêng của mỗi người. Là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta có bổn phận bảo vệ sự hiệp nhất của mọi thành phần.

- Chúng ta phải có lòng thương xót mọi người. Đừng bao giờ giam hãm anh/chị/em trong ngục từ tội lỗi; nhưng luôn cho họ cơ hội và mời gọi họ hướng tới tương lai.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

Th. Mát-thêu, tông đồ       Mt 9,9-13

KÊU GỌI NGƯỜI TỘI LỖI


“Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi.” (Mt 9,13)

Suy niệm: Trước mắt Thiên Chúa không ai dám cho mình là công chính, sạch mọi lỗi lầm. Vì thế, điều ta cần làm mỗi ngày là hoán cải. Ngày xưa Chúa Giê-su đã tạo cơ hội cho Mát-thêu hoán cải, ngày nay Ngài cũng làm điều ấy cho từng người chúng ta, đặc biệt qua bí tích Hoà giải. Đấng công chính thánh thiện không ngại đến với tội nhân lỗi lầm cho thấy dung mạo của một Thiên Chúa là Đấng hay thương xót và tha thứ, chậm bất bình và giàu ơn cứu độ (Tv 102). Muốn nhận được ơn tha thứ ấy của Chúa, ta phải có lòng hối cải; nhưng đàng khác, khi biết hối cải, cũng là lúc ta ý thức thân phận tội lỗi, bất xứng của mình. Ai cho rằng mình quá tốt lành, không cần hoán cải là tự lừa dối mình. Đáng buồn nhất là kẻ bất chấp lương tri, muốn làm gì thì làm, không cần biết các tội ấy xúc phạm đến Chúa và làm tổn hại người lân cận.

Mời Bạn: Cách ứng xử khoan dung, nhân hậu của Chúa Giêsu đối với Mát-thêu khiến ta càng tin tưởng nơi Ngài. Trước tấm lòng nhân hậu ấy của Chúa, không ai được phép thất vọng, ngã lòng. Có bao giờ bạn nghĩ rằng mình quá hoàn hảo không cần hoán cải, hay trái lại, cho rằng mình quá bất xứng, Chúa không thể nào tha thứ cho mình?

Sống Lời Chúa: Tôi sẽ không ngã lòng trước tình trạng tâm hồn của mình hay của một người anh em. Tôi sẽ kiên trì cầu nguyện cho một người lân cận lâu nay tôi cảm thấy “vô phương cứu chữa.”

Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin ban cho mọi người biết mình được Chúa tha thứ khi thành tâm trở về với Ngài. Xin đừng để ai ngoan cố hay thất vọng trước tấm lòng nhân hậu của Chúa. Amen.
(5 phút Lời Chúa)


Đng dy đi theo (21.9.2017 – Th năm: Thánh Matthêô, Tông đ, Tác gi Sách Tin Mng)
Chúng ta vn phi tiếp tc viết các sách Tin Mng cho thi đi hôm nay, phù hp vi não trng và tâm thc ca h, vi nn văn hóa đương đi. Đâu là khuôn mt Đng Cu đ mà con người hôm nay ngóng... 


Suy nim:
Thầy Giêsu gọi bốn môn đệ đầu tiên khi họ đang làm việc.
Người thì đang quăng lưới ngoài khơi,
kẻ thì đang vá lưới trong thuyền (Mt 4, 18-22).
Khi Thầy gọi Matthêô, anh cũng đang làm việc ở trạm thu thuế.
Anh đang ngồi, vững vàng trong nghề nghiệp của mình,
dù nghề của anh thường bị coi là nghề rất xấu.
Thầy Giêsu như tình cờ đi ngang qua bàn làm việc của anh.
Ngài chỉ nói một câu rất ngắn: “Anh hãy theo tôi!”
Matthêô không đáp lại, nhưng anh trả lời bằng hành động.
Từ vị thế đang ngồi, anh bỏ dở công việc để đứng lên và theo Thầy.
Từ vị thế vững vàng, anh bắt đầu bước vào cuộc phiêu lưu bấp bênh.
Từ vị thế của tội nhân, anh trở thành người môn đệ thân thiết.
Matthêô nằm trong danh sách nhóm Mười Hai (Mt 10, 3).
Thầy Giêsu không sợ mất tiếng khi nhận anh vào nhóm.
Nhóm của Thầy không chỉ gồm những người thánh thiện,
nhưng có cả những tội nhân giàu lòng hoán cải.
Matthêô có đóng góp gì cho nhóm Mười Hai không?
Nghề thu thuế với giấy bút có giúp gì cho các ngư phủ ít học không?
Hôm nay chúng ta mừng lễ Tông đồ Matthêô,
người thu thuế trở nên Tác giả sách Tin Mừng.
Matthêô làm nghề bị đồng bào của ông khinh miệt,
vì nghề này dễ dẫn người ta đến chỗ lạm thu, bỏ tiền vào túi riêng.
Nghề này còn là một sỉ nhục vì cộng tác với ngoại bang bóc lột dân,
đụng chạm đến đồng tiền ô uế và tiếp xúc với dân ngoại.
Khi trở nên môn đệ của Thầy, Matthêô đã trở nên người phục vụ đồng bào.
Ông dùng khả năng của mình mà viết sách Tin Mừng.
Đây là Tin Mừng lớn mà ông loan báo: Đức Giêsu chính là Đấng Mêsia.
Không phải chờ gì nữa, Đấng Mêsia đã đến rồi!
Ngài làm trọn những lời đã được loan báo trong Cựu Ước.
Matthêô đã tìm ra ngôn ngữ để nói với Dân Chúa, sao cho họ hiểu được.
Ông đã trình bày dung mạo Đức Giêsu cho người cùng thời với ông.
Chúng ta cũng phải có khả năng giới thiệu Đức Giêsu cho người thời nay,
nghĩa là biết, hiểu và nói được ngôn ngữ của thế giới,
để thế giới nghe và hiểu được.
Chúng ta vẫn phải tiếp tục viết các sách Tin Mừng cho thời đại hôm nay,
phù hợp với não trạng và tâm thức của họ, với nền văn hóa đương đại.
Đâu là khuôn mặt Đấng Cứu độ mà con người hôm nay ngóng chờ?
Con người thời nay khỏe mạnh về nhiều mặt,
nhưng vẫn là người đau ốm cần đến thầy thuốc (c. 12).
Họ mong mình được giải phóng khỏi điều gì?
Đức Giêsu Kitô có thể đáp ứng được những khao khát đó không?
Lời rao giảng và cuộc sống của chúng ta phải cho thấy
Đức Giêsu có thể chữa lành và đem lại một thế giới hạnh phúc.
Ước gì chúng ta có lòng nhân và sự bao dung như Đức Giêsu,
dám đồng bàn với con người hôm nay để dẫn họ đến bàn tiệc thiên quốc.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin sai chúng con lên đường
nhẹ nhàng và thanh thoát,
không chút cậy dựa vào khả năng bản thân
hay vào những phương tiện trần thế.

Xin cho chúng con làm được những gì Chúa đã làm :
rao giảng Tin Mừng, trừ quỷ,
chữa lành những người ốm đau.

Xin cho chúng con biết chia sẻ Tin Mừng
với niềm vui của người tìm được viên ngọc quý,
biết nói về Ngài như nói về một người bạn thân.

Xin ban cho chúng con khả năng
đẩy lui bóng tối của sự dữ, bất công và sa đọa.

Xin giúp chúng con lau khô những giọt lệ
của bao người đau khổ thể xác tinh thần.

Lạy Chúa Giêsu,
thế giới thật bao la
mà vòng tay chúng con quá nhỏ.
Xin dạy chúng con biết nắm lấy tay nhau
mà tin tưởng lên đường,
nhẹ nhàng và thanh thoát.

Lm Antôn Nguyn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Chín

21 THÁNG CHÍN

Được Dìm Trong Cái Chết Của Đức Kitô

Qua Bí Tích Phép Rửa – là bí tích cứu độ đầu tiên do Đức Giêsu thiết lập – con người được tháp nhập với Đức Kitô và được liên kết vào trong gia đình của Thiên Chúa hằng sống. Thánh Phaolô lặp lại cho chúng ta điều ngài viết cho các Kitô hữu tại Rôma vào thời của ngài: “Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại” (Rm 6,3-5).
Tông đồ Phaolô dạy chúng ta rằng Phép Rửa là một hình ảnh diễn tả cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô. Thực vậy, trong Phép Rửa chúng ta được dìm vào trong cái chết của Đức Kitô, được thanh tẩy những dấu vết tội lỗi, được đưa vào sự sống mới của Chúa Phục Sinh, và được trở nên đền thờ sống động của Chúa Thánh Thần. Nhờ Phép Rửa chúng ta được hội nhập vào sự sống của Hội Thánh. Đây là cộng đoàn của Chúa Kitô, được thiết lập và được nuôi dưỡng bởi tình yêu. Đây là cộng đoàn của đức tin và của sự sống mới; cộng đoàn này đồng hành với chúng ta trong cuộc sống và nâng đỡ chúng ta vượt qua những sự yếu đuối của mình
Như vậy chúng ta không còn là nô lệ cho sự dữ ghê gớm nhất trong tất cả các sự dữ – là tội lỗi. Chúng ta có thể bắt đầu sống một cuộc sống hoàn toàn tự do của con cái Thiên Chúa.


- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II



Lời Chúa Trong Gia Đình

Ngày 21/9 - Thánh Mátthêu Tông Đồ, Tác giả sách Tin Mừng
Ep 4, 1-7.11-13; Mt 9, 9-13

LỜI SUY NIỆM: Đức Giêsu đi ngang qua trạm thu thuế, thì thấy một người tên là Mát-thêu đang ngồi tại trạm. Người bảo ông: “Anh hãy theo tôi!” Ông đứng dậy đi theo Người. (Mt 9,9)

Trong xã hội, ai cũng ghét người thu thuế, nhưng lại thích trở thành người thu thuế, bởi lẽ, nghề nầy dễ kiếm ra những đồng tiền không chính đang với sức lao động của mình. Khi nhìn vào Thánh Mát-thêu chúng ta phải khâm phục sự can đảm của ông, bởi tất cả các nghề khác, khi bỏ đi còn có cơ hội trở lại, còn nghề thu thuế khi ông đã bỏ đi thì khó mà trở lại được. Điểm thứ hai cho chúng ta thấy được lòng tin của Thánh nhân vào Chúa Giêsu một cách tuyệt đối, Thánh nhân trao phó cả tương lai của mình theo tiếng mời gọi của Chúa Giêsu. Thành quả của Thánh nhân còn mãi cho đến ngày hôm nay: Đó là Tin Mừng Mát-thêu. Ước gì chúng ta can đảm, và tin vào ơn gọi, và sống ơn gọi của mình.


Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân

NGÀY 21/9 - THÁNH MATTHÊÔ - TÔNG ĐỒ THÁNH SỬ

Ít có ai chuộng người thu thuế. Vào thế kỷ thứ I tại Palestine điều này còn rõ hơn nữa, khi mà họ thủ lợi được nhờ dọa dẫm và gian dối. Nhưng dù có lương thiện đi nữa nhân viên thu thuế cũng không được cấp lãnh đạo Do thái chấp nhận vì họ làm việc cho lương dân. Họ là người nhơ uế theo luật pháp và bị loại khỏi xã hội. Khi nhận một người thu thuế vào môn đồ của Người, Chúa Giêsu quả đã khinh thường tiên kiến của dân chúng.
Điều cần ghi nhận là Matthêô không phải đi từ cửa nhà này tới cửa nhà khác để thu thuế. Ông có một văn phòng tại Capharnaum, thành phố quê hương của Phêrô và đại bản doanh của Chúa Giêsu khi thi hành sứ vụ tại Galilê.
Đi ngang qua, Ngài thấy Lêvi con của Alphê ngồi nơi sở thu thuế và Ngài nói: "Hãy theo Ta" và ông đứng dậy đi theo Ngài" ( Mc 2,14)
Đó là lời mời gọi làm tông đồ, rất giống lời gọi dành cho Simon và Anrê (Mc 1,16t). Dầu vậy Lêvi không có tên trong danh sách mười hai (Mc 3,16; Mt 10,3; Lc 6,14t; Cv 113). Ơn gọi người thu thuế được ghi lại trong Tin Mừng thứ nhất, trong đó ông được gọi là Matthêô (Mt 9,9t). Như vậy tông đồ đồng hoá mình với Mathêô có trong danh sách các tông đồ. Lời giải thích tự nhiên được tiếp nhận rộng rãi là Matthêo với Lêvi chỉ là một người với hai tên gọi khác nhau. (Chẳng hạn anh em Macabê, IMcb 2,2-5). Cũng có thể chính Chúa Giêsu đã đặt tên cho Matthêô như đã đặt tên Phêrô cho Simon (Mattai theo tiếng Aramêô có nghĩa là ấn bản của Thiên Chúa).
Từ đó Matthêô bỏ sổ sách và học theo hoa đồng và chim trời, những thứ không thể tính toán cho đời sống mình (Mt 6,25t). Chủ nhân của ông không còn là Antipas, con cáo gian xảo (Lc 13,32) mà là một Đấng khác hẳn loài cáo, lại chẳng có lấy một căn nhà (Mt 8,20). Sự thay đổi đã hủy diệt trọn tương lai trần gian của Matthêô. Simon và Andrê còn có thể trở lại với nghề chài lưới, còn Matthêô bị tống khứ khỏi nghề cũ và không thể trở lại được nữa. Trong cộng đoàn tông đồ không phải ông mà là Giuda giữ quĩ của nhóm (Ga 13,29).
Sau khi được gọi, Matthêô biến dạng khỏi Tân ước và chỉ còn để lại tên trong danh sách các vị tông đồ. Ngài đã ra thế nào ? Chúng ta có được một câu văn của giám mục Papias trong cuốn giải thích Lời Chúa (khoảng năm 125): "Matthêô viết một tường thuật có thứ tự về lời Chúa, theo năng khiếu của Ngài" (Eusebiô lịch sử Giáo hội III,39). Cuốn Tin Mừng Matthêô viết bằng tiếng Aramêô cho người Do thái trở lại. Khi thời thế đòi hỏi, con người Matthêô bị xã hội loại bỏ ấy đã cầm lấy viết để trước tác cuốn "Tin Mừng theo thánh Matthêô".
Theo bản văn tiếng Hy lạp còn lại, chúng ta thấy tính khí theo toán học với những con số rõ rệt: 7 dụ ngôn về nước trời, 7 lời nguyền rủa bọn biệt phái, 7 lời cầu trong kinh Lạy Cha và có lẽ 7 mối phúc thật. Cả con số 5 nữa: 5 cuộc tranh luận với biệt phái, 5 chiếc bánh, 5 lượng vàng, nhất là 5 phần của cuốn sách. Sau cùng như chúng ta mong đợi có dấu chỉ về sự hiểu biết tinh tường về phương diện tài chánh như đồng bạc nộp thuế thay vì đồng "denarius" trong Mc và Lc hay như thuế đền thờ, với những loại thuế gián thu, thuế phân...
Như vậy Matthêô đã chuyển nghề nghiệp cũ vào một việc phụng sự mới, từ người kế toán thành người viết Tin Mừng. Thật không ngạc nhiên gì khi một mình Ngài ghi lại lời này của Chúa : - "Phàm ký lục nào đã được thụ giáo về nước Trời thì cũng giống như gia chủ biết rút từ trong kho của ông ra điều mới và điều cũ" (Mt 13,52).
Không có khí cụ hèn hạ nào của chúng ta mà lại không được dùng một cách hoàn hảo và xứng đáng vào việc phụng sự Chúa.
Cuốn Tin Mừng thứ nhất là một kỷ vật của thánh Matthêô được Giáo hội ưa chuộng. Nhưng công cuộc tông đồ sau này của Ngài lại bị mai một. Ngài đã rao giảng Tin Mừng cho người Do thái tại Palestina có lẽ trong 15 năm (Eusebiô, Lịch sử Giáo hội III, 24,265) nhưng sự lầm lẫn giữa tên Ngài với thánh Matthias (Cv 1,26) làm chúng ta luõng lự giữa những truyền thống khác nhau. Ethiopia, Parthia, Macedonia và cả những xứ của những kẻ ăn thịt người đều được ghi nhận là nơi thánh nhân đã làm việc tông đồ.
Thường người ta cho rằng : Ngài chịu tử đạo, nhưng ý kiến cũng không được đồng nhất. Điều chắc chắn là Ngài đã sống đời của một vị tử đạo và thế là đủ. Đối với chúng ta Ngài luôn luôn là một người đã biết được tiền của là gì, lẫn việc không có tiền của là gì.


(daminhvn.net)


21 Tháng Chín

Vị Thánh Là Ai?

Ngày kia một em bé được theo mẹ đi chợ. Từ nhà đến chợ, hai người phải đi qua một thánh đường nguy nga, to lớn. Em bé ngước mắt nhìn thánh đường, chợt em giơ tay chỉ cho mẹ và nói: "Mẹ xem kìa, những cửa kiếng màu bị đóng đầy bụi, xem thật dơ bẩn và không đẹp tí nào".
Bà mẹ không nói không rằng về nhận xét của con, nhưng tiếp tục nắm lấy tay dẫn em tiến vào bên trong nhà thờ. Tại đây, những cửa kiếng bên ngoài xem ra dơ bẩn, xấu xí lại trở nên sáng chói và rực rỡ nhiều màu sắc lộng lẫy.
Em bé ngạc nhiên mở to đôi mắt nhìn những cửa kiếng màu diễn tả nhiều hình ảnh đẹp mắt. Bỗng mắt em dừng lại ở cửa kiếng sau bàn thờ diễn tả hình của bốn thánh sử viết Phúc Âm trong lúc ánh mặt trời đang chiếu rọi qua. Em bé hỏi mẹ đó là những thánh nào và được mẹ giải thích vắn tắt về từng vị thánh.
Vài ngày sau, trong một lớp giáo lý, tình cờ giáo lý viên hỏi các em: "Này, trong các em có ai trả lời được: một vị thánh là ai?" Trước một câu hỏi có vẻ không có ý nghĩa, cả lớp giáo lý thinh lặng, chỉ có em bé được mẹ dẫn vào bên trong nhà thờ để nhìn ngắm các cửa kiếng giơ tay xin trả lời. Em nói: "Vị thánh là một người để cho ánh sáng mặt trời chiếu thấu qua".

Kinh nghiệm và câu trả lời của em bé trên có lẽ giúp chúng ta hiểu rõ hơn phần nào về cuộc đời của thánh Matthêu, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay, trước và sau khi được Ðức Giêsu kêu gọi, như được chính thánh nhân vắn tắt thuật lại như sau: Ði khỏi đấy, Ðức Giêsu thấy một người ngồiở bàn thâu thuế, tên là Matthêu. Chúa bảo ông rằng: "Hãy theo Ta". Ông Matthêu liền đứng dậy và đi theo Chúa.

Một tiếng gọi và một hành động đáp trả được diễn tả vắn gọn trong những dòng trên đây có thể nói được chỉ là bề mặt của trận chiến nội tâm diễn ra từ lâu nơi ông Matthêu. Một trận chiến giằng co để suy tính thiệt hơn, để cân nhắc cái lợi và cái bất lợi, để đắn đo nhưng cái mình phải mất với những cái mình sẽ đạt được, khi ông bỏ mọi sự để theo Chúa:
- Ông phải mất một nghề hái ra bạc nhưng tìm được một số mệnh và sứ mệnh thật sự có giá trị vĩnh viễn.
- Ông phải mất một gia tài to lớn nhưng tìm lại được danh dự.
- Ông phải mất sự bảo đảm xây dựng trên của cải vật chất để đi theo Ðức Giêsu trong một cuộc hành trình dẫn đến sự sống mà trước đó ông chưa bao giờ mơ ước.

Về phần Ðức Giêsu, khi chọn lựa và kêu gọi ông Matthêu, một người hành nghề thâu thuế, bị các người đồng hương thời đó coi như là người phản quốc, nối giáo cho giặc, bóc lột đồng bào để làm lợi cho dân ngoại xâm, cũng như bị lên án là kẻ tội lỗi, biển thủ, gian lận và bị nhóm biệt phái kết án là kẻ tội lỗi, Ðức Giêsu không nhìn những lỗi lầm, những vết nhơ bên ngoài, nhưng Ngài nhìn sâu thẳm tận tâm hồn, nhìn tận bên trong và nhất là Ngài đã lấy ánh sáng của tình yêu thương, lòng nhân hậu, quảng đại và tha thứ của Thiên Chúa để chiếu sáng và chiếu thấu, biến ông Matthêu từ một người thâu thuế thành một tông đồ và một thánh sử viết Phúc Âm.


(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét