Trang

Thứ Ba, 12 tháng 3, 2013

13-03-2013 : THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY


Thứ Tư Ngày 13/03/2013
Tuần 4 Mùa Chay Năm C


BÀI ĐỌC I: Is 49, 8-15
"Ta đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở".

 Trích sách Tiên tri Isaia.
Đây Chúa phán: "Trong thời thuận tiện, Ta đã nghe lời ngươi; trong ngày cứu độ, Ta đã cứu giúp ngươi; Ta đã gìn giữ ngươi và đã đặt ngươi nên giao ước của dân, để ngươi phục hưng xứ sở, và thu hồi các tài sản bị phân tán, để ngươi nói với tù nhân rằng: 'Các ngươi hãy ra', và nói với những kẻ ở trong tối tăm rằng: 'Các ngươi hãy ra ngoài sáng'. Họ được nuôi dưỡng trên các nẻo đường, và các đồi trọc sẽ trở thành đồng cỏ. Họ sẽ không còn đói khát nữa, gió nóng và mặt trời không làm khổ họ, vì Đấng thương xót họ sẽ là người hướng dẫn họ và đưa họ đến uống ở suối nước. Ta sẽ biến đổi tất cả các núi của Ta thành đường đi, và các lối đi của Ta sẽ được bồi đắp cho cao. Này đoàn người từ xa đến. Kìa những kẻ từ hướng bắc và hướng tây lại, và những người từ miền nam lên.
Trời hãy ca ngợi, đất hãy nhảy mừng, núi đồi hãy hân hoan chúc tụng! Vì Chúa đã an ủi dân Người và sẽ xót thương những người cùng khổ.
Nhưng Sion nói: 'Chúa bỏ rơi tôi, Chúa đã quên tôi rồi'. Nào người mẹ có thể quên con mình mà không thương xót chính đứa con mình đã cưu mang ư? Cho dù người mẹ đó có quên, nhưng Ta sẽ không quên ngươi đâu". Đó là lời Chúa.

 ĐÁP CA: Tv 144, 8-9. 13cd-14. 17-18

Đáp: Chúa là Đấng nhân ái và từ bi (c. 8a).

1) Chúa nhân ái và từ bi, chậm bất bình và giầu ân sủng. Chúa hảo tâm với hết mọi loài, và từ bi với mọi công cuộc của Chúa. - Đáp.
2) Chúa trung thành trong mọi lời Ngài phán, và thánh thiện trong mọi việc Ngài làm. Chúa nâng đỡ hết thảy những ai sa ngã, và cho mọi kẻ khòm lưng đứng thẳng lên. - Đáp.
3) Chúa công minh trong mọi đường lối, và thánh thiện trong việc Chúa làm. Chúa gần gũi mọi kẻ kêu cầu Ngài, mọi kẻ kêu cầu Ngài cách thành tâm. - Đáp.

 CÂU XƯỚNG TRƯỚC PHÚC ÂM: 2 Cr 6, 2

Đây là lúc thuận tiện. Đây là ngày cứu độ.

 PHÚC ÂM: Ga 5, 17-30
"Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu trả lời dân Do-thái rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Bởi thế, người Do-thái càng tìm cách giết Người, vì không những Người đã phạm luật nghỉ ngày Sabbat, lại còn gọi Thiên Chúa là Cha mình, coi mình ngang hàng với Thiên Chúa. Vì thế, Chúa Giêsu trả lời họ rằng:
"Quả thật, quả thật, Ta nói cho các ngươi biết: Chúa Con không thể tự mình làm gì nếu không thấy Chúa Cha làm. Điều gì Chúa Cha làm, thì Chúa Con cũng làm y như vậy. Vì chưng, Chúa Cha yêu Chúa Con và bày tỏ cho Chúa Con biết mọi việc mình làm, và sẽ còn bày tỏ những việc lớn lao hơn thế nữa, đến nỗi các ngươi sẽ phải thán phục. Bởi vì, cũng như Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Ngài làm cho ai sống là tuỳ ý Ngài. Vì hơn nữa, Chúa Cha không xét xử ai cả, mà trao cho Chúa Con trọn quyền xét xử, để cho mọi người tôn trọng Chúa Con cũng như tôn trọng Chúa Cha: ai không tôn trọng Chúa Con thì không tôn trọng Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài.
Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Ai nghe lời Ta và tin Đấng đã sai Ta, thì được sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng được từ cõi chết mà qua cõi sống. Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi, vì đến giờ và ngay bây giờ, kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa, và ai đã nghe thì sẽ được sống. Cũng như Chúa Cha có sự sống nơi chính mình thế nào, thì Người cũng cho Chúa Con có sự sống nơi mình như vậy, và Người đã ban cho Chúa Con quyền xét xử, vì Ngài là Con Người. Các ngươi đừng ngạc nhiên về điều này, vì đến giờ mọi kẻ trong mồ sẽ nghe tiếng Con Thiên Chúa và ra khỏi mồ; kẻ đã làm việc lành thì sống lại để được sống, còn kẻ đã làm việc dữ thì sống lại để bị xét xử. Ta không thể tự mình làm điều gì. Nghe sao, Ta xét xử vậy. Và án Ta xử thì công minh, vì Ta không tìm ý riêng Ta, mà tìm ý Đấng đã sai Ta". Đó là lời Chúa.


SUY NIỆM : Tin Ngài Thì Sẽ Ðược Sống
Một hôm, ban giáo sư trường muốn trắc nghiệm các học sinh đang chơi ở sân trường, bèn đặt ra một câu hỏi: "Nếu anh biết được mình sắp chết trong một giờ nữa, thì anh sẽ làm gì?" Có nhiều câu trả lời khác nhau như: Tôi sẽ vào nhà thờ cầu nguyện; tôi sẽ dọn mình xưng tội; tôi sẽ đến gặp cha mẹ và người thân lần cuối cùng. Còn tôi, nếu tôi biết tôi sắp chết, tôi vẫn tiếp tục chơi. Ðây là một câu trả lời của Luy Gonzaga. Ban giáo sư ngạc nhiên hỏi thêm: "Tại sao trước giờ phút nghiệm trọng như vậy mà con vẫn đang tiếp tục chơi?" Vì Chúa dạy phải luôn luôn sẵn sàng và tỉnh thức. Bổn phận con hiện giờ là chơi, nên con cứ tiếp tục chơi. Thánh ý Chúa trong giờ hiện tại này đối với con là chơi, nên con chơi là làm đẹp lòng Thiên Chúa vậy.
Tại sao chỉ là một thiếu niên mà Luy Gonzaga lại có lòng đạo đức khôn ngoan đến thế. Ðó là nhờ công lao giáo dục của người mẹ thánh thiện, của môi trường học đường lành mạnh. Gonzaga đã thường nói với các bạn mình như sau: "Tôi nhìn mọi sự và đánh giá mọi sự dưới khía cạnh đời đời. Cái nhìn không có giá trị đời đời, không xây dựng cuộc sống đời đời, không hướng dẫn ta đến cùng đích đời đời, đó đối với tôi là hư vô cả".

Anh chị em thân mến!

Luy Gonzaga là vị thánh trẻ tuổi nổi tiếng trong giáo hội. Gonzaga đã biết đặt trọn cả cuộc đời mình, mọi hoạt động thường nhật của mình trong viễn tượng đời đời. Gonzaga chu toàn tốt đẹp mọi việc vì biết đó là thánh ý của Thiên Chúa. Ðây cũng là thái độ sống mà chính Chúa Giêsu đã nêu gương cho các đồ đệ trong cuộc sống Tin Mừng của Ngài: "Này Con xin đến để thực thi ý Chúa".
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã trả lời cho các người biệt phái, đã trách Ngài làm việc lành chữa người đau liệt chờ bên bờ giếng nước rằng: "Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Thiên Chúa là người Cha nhân từ luôn luôn làm điều tốt lành cho con cái mà Ngài đã tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Giờ đây, đến phiên mình xuống trần gian để chu toàn thánh ý của Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng muốn liên lỉ làm điều tốt cho con người, bất luận đó là ngày Sabat. Ngày Sabat là ngày cho con người, chứ không phải con người cho ngày Sabat.
Cũng trong dịp này, Chúa Giêsu muốn mạc khải cho những kẻ chống đối Ngài mối tương quan giữa Thiên Chúa Cha và Ngài, đồng thời Ngài mời gọi họ hãy nhìn lên cõi đời đời, hãy tin nhận Ngài và đặt đời sống của họ trong ánh sáng Lời Ngài.
Tình yêu thương nối liền giữa Thiên Chúa Cha và Chúa Con. Tình yêu thương đó được thể hiện bằng lòng nhân từ mà Chúa Con thực hiện cho con người, cho mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu đã mạc khải chương trình tình yêu đời đời đó và mời gọi con người hãy đáp trả và cộng tác đắc lực với chương trình yêu thương này để được sống đời đời: "Ai nghe Lời Ta và tin Ðấng đã sai Ta thì sẽ được sống đời đời", khỏi bị xét xử nhưng từ cõi chết mà qua cõi sống.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã khuyến khích những người con tinh thần của mình như sau:
Hãy nhìn mọi sự với con mắt của Thiên Chúa, con sẽ thấy giá trị khác, kích thước khác. Sự điên dại trước mặt mọi người là sự khôn ngoan trước mặt Thiên Chúa. Khó nghèo, vâng phục, hãm mình, nhịn nhục, bác ái, tha thứ, khiêm tốn... đều là dại trước mặt người đời, nhưng cao trọng trước mặt Thiên Chúa. Thế gian cho là xui, Chúa cho là phúc thật. Thành công con cám ơn Chúa, thất bại con cũng cám ơn Chúa. Hãy vươn tay lên, vì chính khi ta thất bại là lúc Chúa muốn thử xem con làm vì Chúa hay là vì ý riêng con. Vui vẻ, can đảm lúc khó khăn thất bại hơn là hân hoan lúc xuôi may. Hạng anh hùng này con đếm được trên đầu ngón tay.
"Cha Ta làm việc liên lỉ, Ta cũng làm việc như vậy". Chúa Giêsu đã không bao giờ ngừng yêu thương con người, cả khi con người chống đối Ngài.

Lạy Chúa, xin cho con luôn hướng mắt nhìn lên Chúa, đời đời con vào trong viễn tượng cuộc sống đời đời, để con được luôn can đảm, kiên trì chu toàn thánh ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời. Amen.

(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần IV MC

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa yêu thương chăm sóc dân Người.

Tình yêu Thiên Chúa được các tác giả Sách Kinh Thánh so sánh với nhiều lọai tình yêu, nhưng không có hình ảnh nào diễn tả trọn vẹn tình yêu Thiên Chúa. Ví dụ: Thân mật như tình yêu vợ chồng trong Hosea; nhưng trong tình yêu vợ chồng vẫn có sự phản bội. Bao la như tình mẫu tử trong Isaiah; nhưng vẫn có những bà mẹ bỏ và đang tâm giết hại con mình. Gần gũi và nói lên được sự quan trọng như cây nho và cành, nhưng không diễn tả được các khía cạnh khác như dạy dỗ và yêu thương.

Các Bài Đọc hôm nay đặt trọng tâm nơi tình yêu Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, tiên-tri Isaiah muốn nói với dân đang sống cực khổ nơi lưu đày: Thiên Chúa vẫn hằng quan tâm săn sóc họ. Ngài đã có sẵn một kế họach giải phóng dân khỏi nơi lưu đày và đưa họ về quê hương để xây dựng lại tất cả. Thiên Chúa sẽ là Người Mục Tử để chăn dắt dân và lo cho họ có đủ mọi của ăn uống. Trong Phúc Âm, vì yêu thương nhân lọai, Thiên Chúa đã gởi cho nhân lọai Người Con Một của Ngài để yêu thương, chăm sóc, và chữa lành con người.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Thiên Chúa hằng quan tâm đến đời sống của dân Người.

1.1/ Viễn tượng về ngày Thiên Chúa giải phóng dân Người: Trình thuật hôm nay nằm trong Sách Thứ Hai của Isaiah; Sách này được viết trong Thời Lưu Đày. Dù rằng dân chúng đang phải đền tội cực khổ trong nơi lưu đày, Thiên Chúa đã có kế họach để giải phóng và đưa dân trở về quê hương, như lời tiên tri loan báo: “Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ. Ta đã gìn giữ ngươi, đặt ngươi làm giao ước giữa Ta với dân, để phục hồi xứ sở, để chia lại những gia sản đã bị tàn phá, để nói với người tù: "Hãy đi ra," với những kẻ ngồi trong bóng tối: "Hãy ra ngoài."”

Thiên Chúa là Mục Tử, chính Ngài sẽ chăn dắt và lo lắng cho dân: “Như bầy chiên, chúng sẽ được nuôi ăn trên các nẻo đường, sẽ gặp được đồng cỏ trên mọi đồi hoang. Chúng sẽ không phải đói phải khát, không bị khí nóng và mặt trời hành hạ, vì Đấng thương xót chúng sẽ hướng dẫn và đưa chúng đến những suối nước tuôn trào.” Đây là hình ảnh báo trước Đấng Thiên Sai, chính Chúa Giêsu đã tuyên bố Ngài là Mục Tử Tốt Lành, Ngài đến để đòan chiên được sống và sống dồi dào (Jn 10:10-11).

1.2/ Thiên Chúa không bao giờ lãng quên dân Người.

(1) Thiên Chúa vẫn nhìn xem dân Người trong Thời Lưu Đày: Khi phải sống trong cảnh cực khổ của nơi lưu đày, dân chúng có cảm tưởng như đã bị Thiên Chúa bỏ rơi, nhiều người đã từng thốt lên: "Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!"

Thực ra, Thiên Chúa vẫn nhìn thấy và quan tâm đến đời sống của dân. Một điều chứng minh tình thương Thiên Chúa là Ngài vẫn không ngừng gởi các ngôn sứ tới để an ủi, khuyến khích, và cho dân một niềm hy vọng là Thời Lưu Đày chỉ tạm thời. Nếu dân biết nhận ra tội lỗi mình và ăn năn hối cải, Thiên Chúa sẽ cứu dân khỏi chốn lưu đày. Dân mong muốn ngày đó, và Thiên Chúa còn mong ngày đó hơn dân. Ngày đó sẽ là ngày mừng vui, ngày mà “Trời hãy hò reo, đất hãy nhảy múa, núi non hãy bật tiếng hò reo, vì Đức Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người.”

(2) Tình của Thiên Chúa thâm sâu hơn tình mẫu tử: Không có một tình yêu nào bao la hơn tình mẫu tử; nhưng ngày nay vẫn có những người mẹ nhẫn tâm giết con mình ngay khi còn là bào thai trong lòng. Thiên Chúa bảo đảm tình yêu của Ngài cho con người, khi Ngài nói: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ.”

2/ Phúc Âm: Thiên Chúa ban Người Con Một của Ngài cho con người.

2.1/ Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc: Người Do-thái tố cáo Chúa Giêsu vi phạm ngày Sabbath khi truyền cho người bại liệt 38 năm vác chõng mà về trong ngày Sabbath. Nhưng Đức Giêsu đáp lại: "Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc."

Thiên Chúa đã không nghỉ trong ngày Sabbath; bất cứ nhà học giả Do-thái nào cũng hiểu điều này. Philo đã nói: “Thiên Chúa không bao giờ ngưng làm việc, nhưng như đặc tính của lửa là cháy và đặc tính của tuyết là đông lạnh, đặc tính của Thiên Chúa là làm.” Một người khác viết: “Mặt trời chiếu sáng, những giòng sông chảy; các tiến trình của sinh sản và chết chóc vẫn xảy ra trong ngày Sabbath cũng như các ngày khác; và đó là công việc của Thiên Chúa.” Sự thật Thiên Chúa ngưng tạo dựng trong ngày Sabbath; nhưng những việc khác như phân xử, thương xót, yêu thương, và quan phòng vũ trụ vẫn tiếp tục không ngừng. Điều Chúa Giêsu muốn nói với họ: Ngay cả trong ngày Sabbath, Thiên Chúa vẫn yêu thương và chữa lành, Ta cũng vậy, vì Ta được sai đến để yêu thương và chữa lành. Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giêsu, vì không những Người phá luật Sabbath, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.

2.2/ Thiên Chúa ban cho Chúa Giêsu quyền ban sự sống và phán xét.

(1) Quyền ban sự sống: “Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý.” Điều này được thể hiện qua những phép lạ Chúa Giêsu làm cho kẻ chết sống lại. Trong Tin Mừng Gioan, chương 11, phép lạ Chúa Giêsu làm cho Lazarus sống lại sau 3 ngày chứng minh quyền ban sự sống của Ngài.

Sự sống mà Chúa Giêsu mang trong mình không chỉ là sự sống thể lý, nhưng là sự sống thần linh mà Ngài nhận được từ Chúa Cha: “Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy.” Con người có thể lấy đi sự sống thể lý; nhưng không bao giờ có thể lấy đi sự sống thần linh của Ngài. Chính vì sự sống thần linh mà Ngài có thể ban cho kẻ chết sống lại, và tự mình sống lại sau ba ngày trong mộ.

(2) Quyền phán xét: “Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con.”

Chúa Cha và Chúa Giêsu không phán xét con người, nhưng con người phán xét chính mình khi phải đối diện với Chúa Giêsu (Jn 3:18). Nếu họ không tin nơi Người Con mà Chúa Cha gởi tới, họ đã phán xét chính họ rồi. Nhưng nếu họ tin vào Ngài, như Chúa Giêsu xác quyết: “Ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta phải xác tín một sự thật: Không ai yêu thương chúng ta bằng Thiên Chúa. Tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ trước tiên qua việc trao ban cho chúng ta Người Con Một, để Ngài diễn tả tình yêu Thiên Chúa bằng hành động: dạy dỗ, chữa lành, và chết cho chúng ta.

- Thiên Chúa không chỉ yêu thương mà còn có uy quyền làm mọi sự. Ngài muốn và có thể làm mọi sự tốt lành cho con người. Được một Thiên Chúa Tốt Lành như thế yêu thương, chúng ta còn chờ đợi gì nữa mà chưa trao trọn vẹn tình yêu của chúng ta cho Ngài?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP


Sống Lời Chúa - Thứ tư (Ga 5,17-30)


Dẫn
Người kitô hữu, là người có Chúa Kitô. Nghĩa là từng suy nghĩ, lời nói và hành vi của ta phải là của Chúa, như chính Chúa Giêsu là hiện thân của Chúa Cha. “ Ai thấy Ta là thấy Cha”.

Xin cho cuộc sống của chúng ta ngày càng phản ánh trung thực dung mạo của Chúa Giêsu hơn. Để qua ta mọi người nhận biết Đức Giêsu.

Chia sẻ
Định luật tình yêu dạy chúng ta rằng: Yêu ai thì ở gần người ấy. Yêu ai thì nên giống người ấy. Yêu ai thì muốn ở trong người ấy, và yêu ai thì sẵn sàng sống chết vì người ấy.
 Chính vì yêu mến Thiên Chúa là Cha, Chúa Giêsu đã trở nên giống Cha mọi đàng.
 Mối bận tâm lớn nhất của Chúa Giêsu là thể hiện thánh ý Cha Ngài: “ Lạy Cha, này con xin đến để thi hành thánh ý Cha”. Chúa Giêsu khẳng định, suốt cuộc đời, Ngài làm việc như Cha Ngài: “ Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”. Chúa Giêsu cũng xác định cho chúng ta biết, Ngài chính là hình ảnh của Thiên Chúa, vì “ Ta và Cha là một”, và “ Ai thấy Ta là thấy cha”.
 Như vậy, lẽ sống của Chúa Giêsu là sống như Cha. Trong mọi sự, Ngài đều lấy Cha làm mẫu mực. Và Ngài muốn chúng ta cũng phải lấy Cha làm mẫu mực cho đời sống: “ Các con hãy nên trọn lành như Cha các con trên trời là Đấng trọn lành”.
 Mà mẫu mực Chúa Cha ở nơi Ngài. Do đó muốn nên giống Cha ta chỉ cần nên giống Chúa Giêsu.

Giống Chúa Giêsu trong mối bận tâm duy nhất là cứu độ nhân loại.
Giống Chúa Giêsu ở thái độ khiêm nhường vâng phục thánh ý Chúa Cha.
Giống Chúa Giêsu bằng cách sống thành thật: ‘ Ta là đường là sự thật và là sự sống”. sự thật trong lời nói, trong việc làm.
 Nhất là giống Chúa Giêsu cách sống yêu thương. Như trái tim không bao giờ ngừng đập, tình thương cũng không bao giờ ngơi nghỉ. Chúa Giêsu vẫn liên lỉ làm những việc tình thương. Bất chấp là ngày Sabát, vì ngày sabát dù nghỉ ngơi, nhưng Chúa vẫn quang phòng vũ trụ và con nguời mà chính Ngài đã dựng nên.

Xin Chúa cho chúng ta mỗi ngày trở nên giống Chúa Giêsu hơn, để tâm hồn, trái tim, suy nghĩ vá cách sống của chúng ta ngày càng phản ánh trung thực hình ảnh của Chúa. Để qua đó mọi người nhận ra chúng ta là mộn đệ Chúa, qua chúng ta danh Chúa được vinh danh.

THỨ TƯ TUẦN IV MÙA CHAY
Ga 5, 17 - 30

1 Ghi nhớ:  Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì.

2 Suy niệm:   Đức Giêsu có nhiều danh hiệu như Đấng Cứu Thế. Đấng được xức dầu (Kitô), Con Người.... Hôm nay Người tỏ cho chúng ta biết Người còn là "Đấng Thiên Sai" nữa khi Người nói: "Tôi không thể tự ý mình làm gì.....vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi".

Làm theo ý Cha, đó là sứ vụ và đó cũng là việc thực hiện công trình cứu độ nhân loại theo kế hoạch Chúa Cha đã định. Chính vì vậy mà Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết, chết trên thập giá và sống lại, để hoàn tất ý định của Thiên Chúa.

Như Cha đã sai Thầy, thầy cũng sai các con. Kitô hữu cũng là người được sai đi. Chúng ta đã làm gì để thực hiện sứ vụ đó ? Chúng ta có làm theo ý của Đấng đã sai chúng ta hay chúng ta vẫn thường tìm cách làm theo ý riêng của mình ?

3 Sống Lời Chúa: Con xin đến để thực thi ý Chúa

4 Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin đừng để con vì yếu đuối hay kiêu ngạo mà tìm cách áp đặt ý con trên ý Chúa, để con chu toàn sứ vụ được Chúa giao.

www.giaophanvinhlong.net
13/03/13 THỨ TƯ TUẦN 4 MC
Ga 5,17-30

TÌNH THƯƠNG BAN SỰ SỐNG
“Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm: vì điều gì Chúa Cha làm, thì Người Con cũng làm như vậy.” (Ga 5,19)
Suy niệm: Người thông thạo võ học dễ dàng nhận ra môn đệ chân truyền của một võ phái nào đó bởi vì các đệ tử ấy đã tập luyện dưới sự huấn luyện của cùng một tổ sư: thấy thầy làm gì thì trò cũng làm theo như vậy. Chúa Giêsu đã dùng hình ảnh tương tự để trả lời cho những người Do Thái chống đối Chúa Giêsu vì Chúa chữa bệnh trong ngày Sabat. Chúa cho họ biết Ngài hành động theo như cung cách mà Ngài thấy nơi Chúa Cha: “Con người không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người đã thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì Con Người cũng làm như vậy.” Cung cách của Thiên Chúa đó là: Yêu Thương, Trao Ban Sự Sống (bao gồm cả Phục Sinh kẻ chết) và Phục Vụ Sự Sống. Ngài chữa bệnh trong ngày Sabát vì Chúa Cha luôn luôn làm việc và công việc của Ngài là không ngừng Yêu Thương, và vì thế không ngừng chữa lành, không ngừng trao ban sự sống, không ngừng phục vụ.
Mời Bạn: Cung cách “Yêu Thương, Trao Ban sự sống và Phục Vụ sự sống” là cung cách của Thiên Chúa mà loài người được mời gọi sống theo để đạt đến cùng đích sự sống vĩnh hằng nơi Thiên Chúa. Bạn có sẵn lòng sống theo cung cách này bằng cách tham gia phục vụ sự sống, phục vụ Tin Mừng không?
Chia sẻ: Làm cách nào để cho đời sống Kitô hữu chiếu tỏa một niềm vui và một niềm đam mê phấn khởi trong việc phục vụ sự sống con người?
Sống Lời Chúa: Làm một hành động cụ thể để phục vụ sự sống con người.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
www.5phutloichua.net
KHÔNG THỂ TỰ MÌNH LÀM GÌ
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai. Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu.
Suy nim:
Văn Cao chẳng những là một nhạc sĩ tài hoa, mà còn là một họa sĩ, một văn sĩ, một thi sĩ.
Có một bài thơ rất ngắn ông làm năm 1967, mang tựa đề là Không Đề.
Con thuyền đi qua
để lại sóng
đoàn tàu đi qua
để lại tiếng
đoàn người đi qua
để lại bóng
tôi không đi qua tôi
để lại gì?
Theo Văn Cao, chỉ ai đi qua mình, dám vượt qua cái tôi của mình, người ấy mới có gì để lại cho hậu thế. Đức Giêsu đã sống mầu nhiệm vượt qua suốt đời. Ngài không sống cho mình, nhưng cho Thiên Chúa Cha. Giới lãnh đạo Do Thái giáo coi Đức Giêsu là kẻ phạm thượng vì Ngài đã dám nói: “Cha tôi vẫn làm việc, và tôi cũng làm việc” (c. 17). Thật ra Đức Giêsu chẳng bao giờ phạm thượng đến Cha. Ngài không hề tự coi mình là Thiên Chúa (c. 18). Đơn giản Ngài là Con, vâng phục Cha. Đơn giản Ngài là người được Cha sai, chẳng hề làm theo ý riêng. Sống tùy thuộc trọn vẹn vào Thiên Chúa Cha, đó là nét nổi bật nơi con người của Đức Giêsu. Con không thể làm hay nói bất cứ điều gì tự mình.
Con chỉ làm điều mình thấy Cha làm (c. 19). Con chỉ nói điều mình nghe Cha nói (Ga 8, 26). Người ta tưởng Con bị vong thân, nhưng chính khi lệ thuộc vào Cha mà Con được tự do trọn vẹn. Con thật là mình khi sống đúng bản chất của Con là quy hướng về Cha. Mà bản chất của Cha là trao cho Con tất cả những gì Cha có. Cha chẳng giữ cho riêng mình những gì có thể trao được. Đơn giản vì Cha yêu Con (c. 20). Cha cho Con được quyền tùy ý ban sự sống như Cha (c. 21). Cha cho Con được như Cha, nghĩa là có sự sống nơi chính mình (c. 26). Cha cho Con có toàn quyền xét xử (cc. 22. 27), và có quyền gọi kẻ chết ra khỏi mồ để chịu phán xét (c. 28). Cha muốn mọi người phải tôn kính Con như tôn kính Cha (c. 23). Con được quyền năng như Cha là vì Con đã nhận tất cả từ Cha. Tuy được chia sẻ mọi giàu sang của Cha, nhưng Con chẳng quên Cha là nguồn cội, là cùng đích.
Mùa Chay, ta hãy đến với Giêsu, người Con yêu dấu, người được Cha sai. Hãy sống lệ thuộc vào Thiên Chúa để được tự do hoàn toàn như Giêsu. Tôi không đi qua tôi, để lại gì? Ta sẽ để lại được nhiều điều cho đời, nhờ biết vượt qua mình như Giêsu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
ai trong chúng con cũng thích tự do, nhưng mặt khác chúng con thấy mình dễ bị nô lệ. Có nhiều xiềng xích do chính chúng con tạo ra.

Xin giúp chúng con được tự do thực sự:
tự do trước những đòi hỏi của thân xác,  tự do trước đam mê của trái tim, tự do trước những thành kiến của trí tuệ.

Xin giải phóng chúng con khỏi cái tôi ích kỷ,
để dễ nhận ra những đòi hỏi tế nhị của Chúa, để nhạy cảm trước nhu cầu bé nhỏ của anh em.

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho chúng con được tự do như Chúa. Chúa tự do trước những ràng buộc hẹp hòi, khi Chúa đồng bàn với người tội lỗi và chữa bệnh ngày Sabát. Chúa tự do trước những thế lực đang ngăm đe, khi Chúa không ngần ngại nói sự thật. Chúa tự do trước khổ đau, nhục nhã và cái chết, vì Chúa yêu mến Cha và nhân loại đến cùng.

Xin cho chúng con đôi cánh của tình yêu hiến dâng,
để chúng con được tự do bay cao.
 
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
"Chúa Cha cho người chết sống lại và làm cho họ sống thế nào, thì Chúa Con cũng vậy, Người làm cho ai sống là tuỳ ý Người"
Lời Hằng Sống
Thật, tôi bảo thật các ông:
Ai nghe lời tôi
Và tin vào Đấng đã sai tôi,
Thì có sự sống đời đời
Và khỏi bị xét xử,
Nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống
Thật, tôi bảo thật các ông:
Giờ đã đến- và chính là lúc này đây-
Giờ các kẻ chết nghe tiến Con Thiên Chúa
Ai nghe thì sẽ được sống. (Ga. 5, 24-25)
Người Do thái không tha thứ cho Đức Giêsu về sự vi phạm ngày Sa-bát khi Người chữa kẻ tê liệt. Người còn nói cho họ nghe Người làm như Cha Người hằng làm việc. Nên Người cũng không nghỉ làm việc dù là ngày Sa-bát.
Lời quả quyết đó càng làm họ tức giận hơn. Làm sao Đức Giêsu dám tự cho mình là Thiên Chúa nếu như Thiên Chúa không phải là Cha mình. Họ càng không ngớt nổi giận vì Đức Kitô nói thêm rằng: “Cha Tôi và Tôi cũng nhất tâm làm tất cả, và ai không tôn vinh Con thì không tôn vinh Cha”. Người còn chủ trương rằng lời Người có sức mạnh ban sự sống đời đời cho những ai nghe theo, như thế là tột bậc rồi.
Thật là một chủ trương đầy phấn khởi và hào hùng! Tuy nhiên, lời Đức Giêsu không chỉ là lời Thiên Chúa, mà còn là lời nhập thể hoàn toàn. Lời Người nói với chúng ta như anh em, như bạn tri kỷ, như sư phụ hoàn toàn biết rõ thân phận con người xác thịt của chúng ta. Người còn phối hiệp toàn diện với xác thân này ngay từ khi xuống thế. Do đó lời Người nắm bắt được mọi tâm tư nguyện vọng của chúng ta và thấy được tiếng lòng rung động kỳ diệu của con tim, khối óc của những ai nghe lời Người. Người cũng biết rõ những hoàn cảnh của mọi người nam nữ chúng ta trở lại với cái gì.
Lời hằng sống đã được công bố trong bài giảng trên núi chứa đựng toàn bộ kế hoạch của Phúc âm về sự gắn bó của chúng ta vào Đức Kitô và được làm thành bản hiến chương nước Thiên Chúa. Lời hằng sống đầy thương xót tha thứ làm sáng lên niềm hy vọng và tình yêu cho mọi người và được thốt ra từ miệng lưỡi của Đức Giêsu trước người đàn bà ngoại tình làm cho Ma-đa-lê-na thống hối, phụ nữ Sa-ma-ri bị chinh phục, ông Gia-kêu thấp bé hoán cải và người trộm lành ăn năn trở về. Cũng như Phê-rô khóc lóc vì chối Thầy. Lời hằng sống chứa đựng trong những dụ ngôn đầy hình ảnh tiêu biểu giáo huấn soi sáng, dẫn dắt chúng ta đến với Thiên Chúa.
Lời hằng sống loan báo những đau khổ để chuẩn bị các môn đệ và mọi người biết can đảm mạnh mẽ theo Đức Kitô qua mọi thời đại, sẵn sàng chịu vác thập giá khổ nạn như là nguồn hy vọng được sống lại vinh quang. Lời hằng sống nhất là đã trở thành lời hứa hấp dẫn của tế lễ Thánh Thể đưa lại sự hiện diện và tình yêu của Đức Kitô tồn tại mãi mãi.
G.F

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
13 THÁNG BA
Đức Giêsu Biết Những Điều Thầm Kín Nhất Của Chúng Ta
Trong câu chuyện đầy hàm súc này về người phụ nữ bên bờ giếng, sự mạc khải riêng tư và sự trợ giúp có năng lực cứu độ đã phát xuất từ Đức Giêsu. Người bắt đầu với một hoàn cảnh cụ thể mà người phụ nữ ấy có thể hiểu được. Rồi Người đưa dẫn chị đến khảo sát cuộc sống của chị trong ánh sáng của chân lý, vì chỉ trong chân lý chúng ta mới có thể gặp gỡ Đức Kitô.
Khi người phụ nữ Sa-ma-ri-ta-nô đáp lời Đức Giêsu: “Hãy cho tôi loại nước đó”, Người đã không ngần ngại dẫn chị đến chỗ chị cần đến. Người dẫn chị đến với sự hoán cải bằng cách mở ra cho chị thấy chị là ai và chị đã làm gì. “Hãy đi và gọi chồng chị tới đây” (Ga 4,16) – Người bảo chị như thế. Người mời gọi chị tự khảo sát chính lương tâm của chị và tự dò tìm những chiều sâu của tâm hồn chị. Khi chị cố giấu giếm tội lỗi mình và dối gạt Đức Giêsu, Người đặt chị đối diện với chính tội lỗi của chị và giúp chị nhìn nhận rằng mình cần được cứu độ. Được thuyết phục bởi Đức Giêsu, người phụ nữ xin Người chỉ cho con đường cứu độ. Xuyên qua cuộc khảo sát lương tâm này, người phụ nữ đã có thể đối diện với tội lỗi mình và nhận hiểu rằng mình cần được cứu độ.

suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 13-3
Is 49, 8-15; Ga 5, 17-30
LỜI SUY NIỆM: “Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi” (Ga 5, 30).
Tất cả mọi con người trong nhân loại đều do bởi tình yêu thương và sự cứu độ của Thiên Chúa mà được tạo dựng, và Ngài  ban sự sống, và sự sống này sẽ được quy hướng về Thiên Chúa và sự sống đó sẽ trở lại cùng Thiên Chúa. Hành trình sống, là sống từng ngày một và sẽ được kết thúc khi cái chết đến với chúng ta hay ngày tận thế. Sau hành trình sống đó sẽ có phán xét: “Ai làm điều lành, sẽ được sống lại để được sống, và ai làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án”. Đấng xét xử là Chúa Giêsu, theo như lời Ngài đã tự xưng, Ngài xét đoán bằng sự thánh thiện hoàn toàn, tình yêu trọn vẹn, và sự toàn trí tuyệt đối của Thiên Chúa. Ước gì toàn thể nhân loại nhận biết Chúa Giêsu và tin vào Danh của Ngài để được cứu độ.
Mạnh Phương
13 Tháng Ba
Nếu Tôi Biết Tha thứ
Trong những năm 1944-1945 dân Roma khiếp sợ mỗi khi nghe nhắc đến tên Peter Koch, một sĩ quan mật vụ Ðức quốc xã đã từng giết hại không biết bao nhiêu mạng người. Sau chiến tranh, anh ta bị bắt và bị kết án tử hình. Anh viết thư cho Ðức Giáo Hoàng Piô 12 để xưng thú các tội ác mình đã phạm và đặc biệt xin Ngài tha thứ cho anh tội đã tấn công vào Vương Cung thánh đường Thánh Phaolô ngoại thành.
Ðức thánh cha đã sai một linh mục đến nhà tù để gặp anh ta và chuyển đến anh sự tha thứ của Ngài, đồng thời trao cho anh ta một tràng hạt mân côi. Ðến nhà giam, sau khi đã làm theo lời căn dặn của Ðức Giáo Hoàng, vị linh mục đã nghe người tử tội thốt lên như sau: "Tổ quốc con nguyền rủa con, đó là điều hợp lý. Tòa án đã kết án con, điều này cũng rất công bình. Ðức Giáo Hoàng đã tha thứ cho con và đã cho con một bài học cao qúy. Giả như con đã luôn nghĩ đến việc tha thứ, thì giờ này có lẽ con không phải ra pháp trường như thế này". Nói rồi anh bật khóc: "Con không dám động đến tràng hạt của Ðức Giáo Hoàng bằng đôi tay vấy máu của con. Xin cha đeo tràng hạt vào cổ cho con". Ít phút sau, Peter Koch ngã gục dưới loạt đạn, miệng anh vẫn còn cầu khẩn Mẹ Maria...
Xin được tha thứ, đó là một trong những hành động vĩ đại nhất của con người... Quỷ Satan đã có lần trách móc Thiên Chúa như sau: "Ngài không công bình. Có biết bao nhiêu tội nhân đã làm điều ác. Họ chỉ trở lại một đôi lần, nhưng lần nào Ngài cũng niềm nở tiếp đón họ. Tôi chỉ có làm một điều bậy, tôi chỉ có phạm tội một lần, thế mà Ngài đã tuyên phạt tôi đời đời". Nghe thế, Thiên Chúa mới hỏi vặn lại Satan: "Thế ngươi có bao giờ mở miệng xin tha thứ và ăn năn sám hối chưa?".
Mở miệng kêu xin tha thứ là bước lần đến ngưỡng cửa Thiên Ðàng. Nhưng xin tha thứ cho chính mình thôi, chưa đủ, con người cần phải tha thứ cho người khác. Cánh cửa Thiên Ðàng sẽ mở ra mỗi khi con người thành thực thứ lỗi cho người khác.
Nhận ra lầm lỗi của mình, kêu cầu sự tha thứ và tha thứ cho người khác: đó là đôi cánh Thiên Thần giúp con người bay lên tới Chúa.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 13-3

Thánh Nicôla Owen

(c. 1606)


Sinh ở Oxford, ngài hành nghề thợ mộc và đã cứu được mạng sống của nhiều linh mục cũng như giáo dân ở Anh Quốc trong thời kỳ cấm cách (1559 - 1829), mà nhiều đạo luật đã được ban hành để trừng phạt người Công Giáo vì sống đức tin.hánh Nicôla, thường gọi là "Tiểu Gioan", thân hình nhỏ nhắn nhưng lại vĩ đại về sự quý mến mà các linh mục dòng Tên dành cho ngài.
Trong khoảng thời gian 20 năm, Thánh Nicôla đã dùng tài năng của mình để thiết lập những nơi ẩn nấp kín đáo cho các linh mục trên toàn quốc. Công trình của ngài -- được thiết kế và dàn dựng bởi chính tay ngài -- quá kín đáo đến nỗi biết bao lần lục soát mà quan quân không thể nào tìm thấy các linh mục ẩn nấp trong đó. Ngài có tài tìm kiếm, và thiết lập những nơi an toàn như địa đạo ngầm dưới đất, khoảng cách giữa hai bức tường, và các ngõ ngách không cách chi vào được. Ngay cả có lần ngài sắp đặt kế hoạch để cứu thoát hai linh mục dòng Tên khỏi nhà tù ở Luân Ðôn.
Bất cứ khi nào Thánh Nicôla bắt đầu hoạch định những nơi ẩn nấp, ngài thường khởi sự bằng việc rước Mình Thánh Chúa, và trong suốt tiến trình dàn dựng đầy nguy hiểm ấy, ngài thường đến với Thiên Chúa qua sự cầu nguyện.
Sau nhiều năm phục vụ với công việc khác thường ấy, ngài đã gia nhập dòng Tên với tư cách thầy trợ sĩ, tuy nhiên sự liên hệ này đã được giữ bí mật với những lý do chính đáng.
Sau nhiều lần thoát chết trong đường tơ kẽ tóc, ngài bị bắt năm 1594. Mặc dù bị tra tấn dã man, ngài vẫn không tiết lộ danh tính của các người Công Giáo. Sau khi được thả tự do với một số tiền hối lộ, "Tiểu Gioan" lại trở về với công việc cũ. Ngài bị bắt lại vào năm 1606. Lần này ngài bị tra tấn quá dã man và đã chết vì đau đớn. Quân cai ngục cố tuyên truyền rằng ngài đã thú nhận tội lỗi và tự tử, nhưng hành động anh hùng và sự thống khổ của ngài sau đó đã được lan truyền khắp nước.
Ngài được Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI phong thánh năm 1970 như một trong 40 vị Tử Ðạo của Anh Quốc và Wales.
www.nguoitinhuu.com





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét